chap 2.3


Nhưng mới chập sáng thì di dộng đã réo inh ỏi, tôi tiếc rẻ giấc mơ của mình hậm hực bắt máy.

– Thiên...  Thiên à... Hức! Hức!...

Tôi bừng tỉnh ngay với tiếng khóc nấc của người phụ nữ từ trong điện thoại. Đó là mẹ của anh  Hoành.

– Bác Lưu? Có chuyện gì vậy bác?

–  Thiên Tỉ... Hức! Huhuhu... Hoành... nó... huhuhu...

Tôi đứng tim, lồng ngực đau thắt nghẹn, lao thẳng ra đường như con thiêu thân, đến cả bộ đồ ngủ cũng không đủ tỉnh trí để thay đổi. Nước mắt tôi đã tuôn như suối đổ trên đường đi, hơi thở gấp gáp như có thể tắt lịm bất cứ lúc nào. Tôi gắng gượng lái xe đến bệnh viện để không phải ngất đi. Cái gì là tai nạn đáng tiếc, cái gì là xe lạc tay lái nên lao xuống vực, cái gì là lính cứu hộ phải mất tận bốn giờ liền mới mang được anh lên, cái gì là anh đang trong cơn nguy kịch. Tôi bật khóc huhu thành tiếng để phủ nhận hết tất cả mọi thông tin mà bác Lưu nói trong điện thoại.

Cánh cửa phòng mổ mở ra, vẻ mặt hai bác sĩ nặng nề sầu thảm. Không gian xung quanh như chẳng còn bất cứ sự sống nào, xác xơ tiêu điều với màu trắng tang tóc. Thân người bất động trên bàn mica vẫn còn quấn quanh chiếc khăn ấm, ngón tay hững hờ chiếc nhẫn cưới tình yêu. Nhưng tôi chắc chắn, anh  Hoành đã không còn thở nữa.

Chưa kịp nấc lên, toàn thân tôi gục ngã xuống sàn, bất tỉnh.

.

.

Khi tỉnh dậy tôi lại thấy bóng hình của  Tuấn Khải đầu tiên. Nhưng hiện tại thì tôi không còn cảm nhận được gì, chỉ biết sự thống khổ đang nhấn chìm tâm thức xuống tận cùng địa ngục.

Lễ tang của anh  Hoành tôi không thể có mặt. Mẹ nói nếu đến đó thì chắc chắn tôi sẽ chết theo anh. Ngày họ đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi chỉ chết lặng từ xa trông theo. Ngay cả can đảm đối diện với bức ảnh của anh, tôi cũng không dám.

Tôi cũng chẳng dám về nhà vì sợ nhìn thấy những kỉ niệm với anh  Hoành. Chỉ mấy ngày trước thôi anh còn ấp ôm tôi trong căn phòng ấm áp. Giờ thì chỉ riêng mỗi mình tôi lạnh lẽo trên đường trần. Tôi đi lang thang như kẻ hành khất, nhìn đâu cũng ra nét mặt tươi cười của anh.

Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, rồi tôi chẳng còn nhận biết mình đang ở đâu nữa. Nhưng tôi biết, nếu mình bước hai bước thì  Tuấn Khải cũng sẽ bước hai bước phía sau. Hắn luôn âm thầm theo tôi với một khoảng cách nhất định. Một khoảng cách đủ để không làm phiền tôi và cũng đủ để cho tôi biết tôi luôn an toàn, đừng có mà dại dột tự vẫn trước mắt hắn.

Tôi quyết định dừng chân, quay người lại nói với  Tuấn Khải.

– Về đi và để tớ một mình. Tớ còn trách nhiệm với công ty, còn phải lo cho cha và yêu thương mẹ, tớ không chết đâu.

 Tuấn Khải thản nhiên:

– Cậu có trách nhiệm với những điều đó, còn tớ thì có trách nhiệm với cậu.

Tôi bật cười cay đắng, chẳng biết hồi đáp thế nào. Là do tôi đã mang  Tuấn Khải về nhà nên hắn có trách nhiệm với tôi ư? Vì vậy mà những lúc tôi tuyệt vọng nhất cũng chính là lúc hắn gần tôi nhất?

 Tuấn Khải lại tiếp tục trở lại là khúc gỗ, hai tay vẫn để trong túi quần, nhìn ngó mông lung. Hắn bây giờ cao lớn lịch lãm, ra dáng phong độ đĩnh đạc lắm. Cũng đúng, chẳng phải mấy ngày qua toàn bộ công ty tôi giao hết cho hắn còn gì.

– Cám ơn,  Khải... – Tôi lí nhí trong miệng rồi trở gót không phương hướng đi tiếp. Thật nực cười vì tôi là người đã chiếu cố cho  Tuấn Khải bao năm qua lại chưa bao giờ thấy hắn ghi ơn, giờ lại vuột miệng cám ơn hắn.

Đến tối, trời thật lạnh, tôi ngồi xuống ghế đá ở công viên, nhìn ngắm bọn trẻ nhỏ nô đùa với mấy cái cầu trượt, bập bênh. Nụ cười của chúng thật ngây thơ giòn giã. Cái âm thanh vui nhộn ấy càng khiến tinh thần tôi đảo điên. Vì cái gì mà bản thân tôi lại không được cười hạnh phúc như vậy? Tại sao vây quanh tôi chỉ luôn là màu đen ảm đạm của khổ đau mất mát. Tôi tự vươn đôi tay yếu ớt của mình ra để chăm chú vào nó. Sự mất mát quá nhiều đến mức tôi chẳng còn dám nắm giữ bất cứ gì để bị mất đi lần nữa. Tôi tự hỏi ông trời sẽ còn muốn lấy của tôi cái gì nữa đây? Sự thuần khiết, người cha mẫu mực, người chồng yêu thương, thật sự thì ông trời còn muốn bao nhiêu thứ từ tôi nữa mới cho là đủ?

Tôi vùi mặt vào đôi bàn tay gầy gò xanh xao, vốn dĩ nước mắt đã cạn khô để có thể khóc. Tôi chỉ biết mình phải gắng gượng sống, gắng gượng cam chịu nỗi đau này vì hàng ngàn lí do từ hai chữ "trách nhiệm". Mệt mỏi, hụt hẫng, và hơn hết, là cảm giác quá bất hạnh.

Trong đôi bàn tay ốm o của mình tôi nhận ra có người đã ngồi cạnh bên, hình như còn kèm theo làn khói nghi ngút thơm lừng thì phải.

Thì ra là  Tuấn Khải. Hắn lại đến bên tôi với hai tô cháo nóng.

– Nhịn đói cả ngày, tốt nhất là chỉ ăn cháo thôi.

Hắn cầm tay tôi buộc tôi phải nhận phần của mình, rồi vô tư ngồi thưởng thức phần của hắn.

Nhìn Tuấn Khải ăn ngon lành, tôi mới nhận ra mình đã không ăn gì từ sớm. Và  Tuấn Khải vì theo tôi, hắn cũng chẳng ăn gì.

Bất giác tôi lại muốn quan tâm tới hắn, thì thầm hỏi:

– Ba mẹ cậu hiện giờ ở đâu,  Khải?

Câu hỏi vuột khỏi miệng tôi bởi vì từ trước đến nay, hình như hai chữ "tình cảm" không hề xuất hiện trong cuộc sống của Tuấn Khải. Hắn chỉ biết làm, rồi học, rồi làm, cả việc mở miệng trò chuyện chắc hắn cũng cho là phí phạm thời gian.

 Tuấn Khải vẫn dán mắt vào tô cháo, đáp lạnh tanh:

– Chết rồi!

Tôi không bất ngờ, gật gù hiểu chuyện. Đó là lí do hắn phải đi ăn xin lúc còn nhỏ như vậy, thời gian cũng hơn hai mươi năm rồi.

– Sao họ lại mất? – Tôi hỏi tiếp.

 Tuấn Khải dừng ăn, liếc nhìn tôi.

– Họ phạm pháp, bị cảnh sát truy đuổi rồi bắn chết.

Tôi sững sờ tròn đôi mắt trong khi  Tuấn Khải vẫn chẳng để tâm:

– Ăn đi, cháo nguội sẽ mất ngon.

Tôi ái ngại đưa tô cháo lên, miệng thổi thổi, cõi lòng mông lung. Nỗi đau mà  Tuấn Khải phải chịu cũng không bé hơn tôi. Có chăng là hình thái và bản chất của sự thống khổ biến dạng đi đôi chút. Tôi tự bật cười, cảm thấy được đồng cảm.

.

.

Qua hôm sau Tuấn Khải mua xe cho tôi thật. Một chiếc xe đẹp, mới cáu cạnh. Tôi không có tâm trạng hỏi han tiền hắn có từ đâu, cũng chẳng để ý hắn đã vứt chiếc Camry của tôi ở bãi phế liệu nào. Dù sao cũng mấy chục năm, đúng là tôi cần đổi xe mới. Và điều quan trọng hơn là tôi cần có xe để trở lại công việc ngay sau một ngày đi lang thang như kẻ bụi đời. Giá như lúc đó tôi suy nghĩ thấu đáo hơn.  Tuấn Khải đã gấp rút tống khứ chiếc Camry móp méo đi như tống khứ vật chứng của một tội ác ghê tởm. Hắn luôn sống như một cái bóng và những gì hắn làm cũng âm thầm đáng sợ như tử thần.

Mẹ càng lo lắng không yên khi tôi trở nên quá bình thản, như thể việc anh  Hoành ra đi là cơn gió thoảng qua. Bà cứ lân la lại gần hỏi chuyện. Riêng bản thân tôi nghĩ mình đã đủ trưởng thành để có thể che giấu đi những giọt nước mắt vào lòng. Tôi mỉm cười với mẹ, còn an ủi lại bà.

Nhưng không.

Sự giả tạo bao giờ cũng bị phơi bày trong thời gian nhất định. Đôi mắt thâm quần tiều tuỵ đã tố cáo bao đêm rồi tôi không ngủ được. Ban ngày lại lao vào công việc kín nghẹt thời gian. Kết quả là tôi gục ngã ngay trên bàn làm việc của mình, chiếc bàn lạnh tanh với bản chữ: Giám đốc –  Dịch Dương Thiên Tỉ.

Bác sĩ không cho tôi đi làm nữa, cũng bắt tôi ngủ sớm với hàng tá liều thuốc an thần. Không làm thì tôi biết lấy gì để tìm quên, để vơi đi nỗi nhớ? Càng rảnh tôi càng quẫn trí, càng mất dần đi sức sống. Tôi không uống nữa, vứt nó vương vãi khắp phòng, tự đày đoạ thân xác mình với những kỷ niệm về anh. Mẹ có khuyên bảo thế nào cũng không vào tai tôi được. Tôi quá nhớ anh và dăm ba phút lại muốn chết theo anh, rồi tự bừng tỉnh bắt mình phải gắng sống. Cứ như vậy, tôi trở thành cái xác không hồn.

Đến ngày thứ sáu thì  Tuấn Khải xuất hiện. Hắn bước vào phòng tôi với gương mặt lạnh, chậm rãi góp nhặt từng viên thuốc tôi quăng cho vào sọt rác. Tôi lặng lẽ ngồi nhìn hắn lượn qua lượn lại dọn dẹp phòng, nghe xung quanh nồng nặc mùi bá khí của sự giận dữ. Tôi tự co mình lại, chăm chú dõi theo  Tuấn Khải với ánh mắt đề phòng hắn có thể lao vào bóp cổ tôi bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên là Tuấn Khải chẳng có cái ý định bạo tàn ấy, hắn chỉ đến và dọn phòng giúp tôi. Xong, hắn lục tìm liều thuốc mà hôm nay tôi phải dùng, chìa thẳng trước mặt tôi.

– Uống!

 Tuấn Khải chỉ nói có thế. Không nhấn giọng như mệnh lệnh, cũng chẳng nhẹ nhàng như nài nỉ. Một chất giọng trầm áp đảo khiến tôi vô thức nhận thuốc và li nước từ tay hắn, ngoan ngoãn uống hết. Tôi nghe lời hắn một cách trống rỗng. Có cái gì từ hắn rất đáng sợ, tôi cũng chẳng biết.

Như thể đã làm xong cái nghĩa vụ của mình, Tuấn Khải nhìn tôi uống cạn li nước rồi bình thản bước ra khỏi phòng, lái xe Dịch gia đến công ty làm việc. Hắn không mở miệng hăm doạ điều gì, nhưng trong ảo tưởng tôi lại tin hắn sẽ khiến cho tôi thật thống khổ nếu như không làm những gì tôi phải làm: ngoan ngoãn ăn cơm và uống thuốc.

Thế là đến trưa tôi tự mò xuống bếp, lục tìm vài thứ để ăn, ăn xong uống thuốc, rồi trở về phòng. Nỗi nhớ về anh  Hoành bỗng chốc giảm hẳn. Thay vào đó là cứ thấp thỏm trông  Khải về, để người làm báo lại với hắn là tôi đã ngoan ngoãn suốt cả ngày hôm nay.

Tất cả diễn biến của buổi sáng hôm đó mẹ tôi đều trông thấy, bà không tin vào mắt mình là  Khải có thể khiến tôi nghe lời. Hắn không những điều hành thật tốt công ty, còn chăm sóc cho tôi rất chu đáo từ khi còn bé tí. Vậy là tự bản thân mẹ cho rằng Tuấn Khải thật xứng đáng làm chỗ dựa cho tôi. Hơn nữa, với tổn thương từng bị cưỡng bức, tôi có xu hướng xa lánh mọi người. Ngoài  Khải và anh  Hoành, tôi có ai là bạn bè đúng nghĩa đâu. Mẹ đơn giản chỉ nghĩ tôi nghe lời Khải là vì hai đứa thân nhau từ nhỏ, bà không hiểu rằng tôi có một nỗi sợ vô hình với hắn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top