01.




"Tôi xây một nghĩa trang tận đáy lòng mình

Chôn cất những giấc mơ gãy cánh."

Xin mượn ý thơ của Đoàn Mạnh Phương để mở đầu cho đôi dòng tâm sự về Hạ Phi và Trương Thanh Khải, về những số phận loang lổ không lối thoát, những sở cầu, ước vọng bị thói đời đen bạc dập vùi.
_

Tôi không thích nghe những đánh giá tựa như Hạ Phi ích kỷ. Hạ Phi không ích kỷ, cậu ấy hiểu Trương Thanh Khải là người như thế nào, cậu ấy thấu rõ được tất cả những cự cãi, xung đột xảy ra trong nội tâm anh, cậu ấy biết được nếu không phải mình, Trương Thanh Khải sẽ không thể bước tiếp với một ai khác. Mong ước duy nhất của Hạ Phi trước khi qua đời là người cậu yêu sẽ không quên cậu ấy, điều này làm Hạ Phi trở nên chân thực hơn bao giờ hết, thực hơn cả những con người bằng máu thịt. Nhiều người mong rằng Trương Thanh Khải có thể dứt ra khỏi đoạn tình cảm này thay vì cứ đau khổ mãi như vậy. Có lẽ mẹ Trương cũng cảm thấy những lời nói sau chót của Hạ Phi như một lời nguyền bám riết lấy con trai mình, ném anh vào trong vũng bùn của sự ám ảnh. Nhưng xin hỏi tại sao lại là ám ảnh, họ có từng nghĩ đây là quỹ đạo sống mà Trương Thanh Khải lựa chọn và anh thỏa dạ khi vẫn được yêu Hạ Phi dù thế nào đi nữa? Sự ích kỷ không thể trói buộc và bủa vây một người nằm mãi trong kén nếu người đó không muốn, đặc biệt là những con người có nội tâm kiên định và vững vàng như Trương Thanh Khải, trừ khi anh ta tự nguyện.

"Tôi nói với mẹ cậu, nếu như giờ tôi chết đi, cả đời này cậu sẽ không quên được tôi," Hạ Phi nói ra từng câu đều rất chật vật, "Tôi sống tới giờ, mới chỉ nói ác thế một lần, cậu... cho tôi ít mặt mũi."

"Yên tâm đi, nhất định phải cho chứ." Trương Thanh Khải lặng lẽ đưa một tay xuống dưới, bấm một cái lên chân mình, anh không muốn khóc trước mặt Hạ Phi.

Mỗi ngày mười một đoá hoa hồng, mặc mưa mặc gió mặc thời tiết không chiều lòng người, Trương Thanh Khải vẫn luôn bắt một chuyến xe buýt đến nghĩa trang, tâm tình đôi câu, có khi lại thả mình vào trong yên lặng, trao thư, sau cuối sẽ hôn lên bia mộ. Trương Thanh Khải đã bước chân trên cung đường không có Hạ Phi bên cạnh suốt hơn một thập kỷ như thế đấy. "Một ít mặt mũi" mà anh hứa với cậu, lại kéo dài đến 14 năm và nghiễm nhiên không có điểm kết thúc.

Đối với tôi mối tình này là một hình tròn hoàn hảo, không méo mó, không khuyết thiếu, không sứt mẻ, hạnh phúc được đắp nặn một cách trọn vẹn và đủ đầy. Họ đã yêu nhau bằng toàn bộ quãng thời gian gia hạn với cuộc đời này. Trong những năm tháng ngắn ngủi, quẩn quanh, đau đớn vì bệnh tật dày vò và đục khoét của Hạ Phi, gặp được Trương Thanh Khải là một điều may mắn, đó là quãng thời gian hạnh phúc của riêng cậu. Người mà Hạ Phi để tâm nhiều nhất, thật sự cả đời này chỉ cần cậu ấy. Và với Trương Thanh Khải, được nhớ nhung một người tốt đẹp như Hạ Phi suốt đời cũng là một loại hạnh phúc. Anh hạnh phúc vì có thể hoàn thành nguyện ước của người yêu lúc còn sống, được đặt cậu ấy vào một góc hoàn chỉnh nhất của hồi ức và chăm sóc nó khéo léo, tỉ mỉ.

"Cậu biết không, tôi không sợ nhớ cậu, nhớ nhiều cũng chẳng sao, nhớ tới cả đêm không ngủ được cũng không hề hấn gì, tôi chỉ sợ... sợ có một ngày mình không nhớ cậu nữa."

"Bọn họ đều không hiểu," Anh nhìn nụ cười của Hạ Phi, "Đối với tôi, có một người để nhớ cả đời, là một chuyện hạnh phúc biết bao, từng ngày từng phút từng giây, nhớ tới cậu là chứng cứ khiến tôi cảm thấy mình còn sống..."

Trọng tâm của câu chuyện này là nỗi nhớ. Ý nghĩa của nó quyết định sự sống của Hạ Phi và Trương Thanh Khải. Nếu Trương Thanh Khải không nhớ nhung, có lẽ Hạ Phi cùng những ký ức phủ đầy bụi bặm đã sớm tan biến khỏi thế giới này. Tác giả đã chứng minh được một chân lý rằng, một cá nhân không thể trường tồn về mặt thể xác bất chấp cái hữu hạn của nhân sinh, nhưng sẽ không chết nếu lấy tiêu chí về sự bất tử của linh hồn. Vậy nên dù tồn tại dưới bất kì dạng thức nào của sự sống thì bóng hình Hạ Phi vẫn luôn còn đó trong ánh mắt, trong kẽ tay, trên đôi môi, ở trong lòng, ở bên người, khảm sâu vào tâm niệm của Trương Thanh Khải, tựa như một người tình bình lặng và kiên nhẫn. Và nếu Trương Thanh khải không nhớ nhung, sự trống rỗng sẽ chiếm ngự và ăn mòn thể xác anh, bởi ký ức về những năm tháng ở bên Hạ Phi sớm đã đan bện vào thói quen sinh hoạt, trở thành một phần hơi thở, khiến anh ỷ lại vào phần tình cảm ấy. Bóng dáng của Hạ Phi đã lê gót cùng bước chân của Trương Thanh Khải ngần ấy năm. Vệt bóng tượng trưng cho nỗi nhớ, bởi cái bóng là hiện thân, là chứng thực cho sự tồn tại và mối quan hệ xã hội của hữu thể. Mất đi nó là đánh mất chính sự có mặt của mình, cũng giống như lãng quên Hạ Phi Trương Thanh Khải sẽ không thể tồn tại. Chỉ khi khát khao trìu mến vẫn ở trong trạng thái mãnh liệt thì con người ta mới sống, thức nhọn mọi giác quan và cảm nhận thế giới.

Chưa bao giờ tôi cho rằng đây là chấp mê bất ngộ của Trương Thanh Khải, cũng như Vu Triết đã khẳng định "đây không phải một mình anh đang tưởng niệm, không phải một mình anh đang chấp nhất mà yêu, đây là hai người". Bởi tất thảy dáng hình của người anh yêu ở mùa hạ cuối cùng ấy, cả thanh âm dịu dàng, tính khí ngang ngạnh, tiếng lê gót giày lười biếng, bờ vai gầy gò hay cảnh tượng cậu ấy nằm ngủ mãi mãi dưới tầng đất sâu vẫn luôn luân chuyển trong ký ức của Trương Thanh Khải, cùng tồn tại và đi theo anh cho đến khi mối liên hệ với sự sống đứt lìa. Sự tương xứng giữa thực tế và tâm tưởng dường như diễn ra cùng một lúc. Thế giới của Trương Thanh Khải nhỏ bé đến mức chỉ chứa được anh và Hạ Phi, nên dẫu cuộc đời của Hạ Phi dừng lại thì tình yêu ấy vẫn luôn hữu tồn trong không gian riêng của Trương Thanh Khải, vẹn nguyên như thuở ban đầu. Đây vốn luôn là câu chuyện của hai người, là tình yêu của anh và Hạ Phi, cả đời, vĩnh viễn.

Họ là một cặp đôi hạnh phúc thật sự, hạnh phúc theo cách của riêng mình. Có được bao nhiêu mối duyên đi đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc như hai con người ấy? Tình yêu này bao hàm nhớ nhung, dằn vặt, khổ sở, cả yêu thương và khát khao cận kề mãnh liệt không thể nào dập tắt. Theo cách nói của Nguyễn Đình Tú, tiêu hóa hết cái đau, con người ta có thể trở thành chủ nhân của nỗi đau ấy. Vậy nên khi Trương Thanh Khải không còn những mong ước về truyền thuyết linh hồn là có thật, thì hạnh phúc ấy đã vẹn tròn hơn bao giờ hết. Có lẽ họ chẳng cần những thứ như trùng sinh hay không gian song song, bởi "Từng yêu, từng được yêu, đau như vậy, sâu như vậy, là đủ rồi".

"trong một thế giới dường như lặp lại và không ra hoa

những giấc mơ bị trút vào thùng rác."

Vu Triết ném bọn họ vào một thế giới loài người đầy nhiễu sự, nhưng bọn họ đã phát triển một cách thật đẹp trong cái phi lý ấy của cuộc sống. Vu Triết dùng kham khổ và khắc nghiệt của định kiến dạy bọn họ trưởng thành, và bọn họ đã trở thành những con người quật cường cùng nhau chống chọi lại áp lực vô hình từ thế giới ngoài kia. Cái chết của Hạ Phi là tấm gương phản ánh một hiện thực loang lổ với những cuộc đời vô định, mất phương hướng. Đó là một khu nhà tập thể nghèo túng, xập xệ với những con người bán sức để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của số phận. Một thế giới nơi công nghệ thông tin còn là thứ khái niệm lạ lẫm và người đồng tính phải chui rúc vào những xó xỉnh tối tăm, họ sẽ hoảng hồn khi tìm thấy "đồng loại". Tôi thương Hạ Phi sinh trưởng trong một môi trường ngột ngạt nhưng vẫn có thể dịu dàng và tốt đẹp ngần ấy. Cậu lớn lên cùng bệnh tật quấn thân, khắp người chỉ toàn mùi thuốc bắc nhưng lại vĩnh viễn nở nụ cười, tức giận vẫn sẽ cười, đau đớn chỉ nhắm mắt giả vờ ngủ. Rõ ràng là trò độc của số phận, Hạ Phi chưa đủ thảm hay sao mà đến khi sắp qua đời vẫn phải chịu sự thóa mạ và đay nghiến của những con người cay nghiệt ấy? Tôi thương Trương Thanh Khải luôn cố gắng bao bọc người mình yêu trong những điều đẹp đẽ, pha trò chỉ để khiến người ấy vui, ra khỏi phòng bệnh lại cau chặt mày, sống mũi cay xè, vành mắt đỏ hoe. Tôi tiếc nuối cho họ không thể có cái ôm cuối cùng, chỉ vì một ánh mắt căm hận của dì Hứa đã ghìm chặt bước chân của Trương Thanh Khải, vò nát khát vọng được bất chấp tất cả chạy đến ôm Hạ Phi vào lòng. Ngày tang lễ, Trương Thanh Khải chỉ có thể đứng từ xa, nhìn sự kết nối giữa người anh yêu với thế giới này chỉ còn lại một tấm bia mộ. Tình yêu ấy còn là đòn bẩy trong nhận thức của những người ở lại, gỡ rối những manh mối đầy ngổn ngang trong nội tâm của Phó Nhất Kiệt, cảm hóa Tiêu Thục Cầm, khiến bà buông bỏ muộn phiền và chấp nhận để Phó Nhất Kiệt đi tìm Phó Khôn. Rõ ràng, họ đã sống và đã yêu không hề vô nghĩa.

Đọc xong câu chuyện này, tôi mất một tháng để lắng lại, suy ngẫm về một khái niệm tình yêu rất khác, chí ít là khác với những gì tôi cho là cố hữu, bất biến. Một tháng này nghe tiếng mưa rơi đều sẽ dỏng tai lên xem có giống như đang khóc không. Trong thời gian đó dù muốn nhưng tôi thật sự không dám viết gì về hai người bọn họ, tôi sợ bút lực mình không đủ, không thể chuyển tải được toàn bộ những ngẫm ngợi và day dứt ở trong lòng. Bài viết này được hoàn thành sau khi gặm nhấm lại tất cả những phân đoạn của Khải Phi trong Trúc Mộc Lang Mã (lần thứ 4), cảm xúc dồn nén quá lớn nên nhịn không được phải bày tỏ. Hạ Phi và Trương Thanh Khải, tôi thật lòng chúc phúc cho hai người, nguyện hai người khỏe mạnh, tâm như nước chảy, một đời an yên. Chúc hai người hạnh phúc!

15/6/2023. Chấp bút vào một ngày nắng, để tưởng niệm một ngày mưa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top