khai niệm tội phạm-hình sự
Bàn về khái niệm "tội phạm" trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999
Ts. Trương Quang Vinh
Tội phạm là chế định quan trọng và chủ yếu của luật hình sự. Nội dung của khái niệm tội phạm đã "thể hiện một cách rõ nét bản chất giai cấp, các đặc điểm chính trị xã hội cũng như những đặc điểm pháp lí của luật hình sự".(1) Đồng thời nó còn "được xem như là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và không phải là tội phạm, giữa trách nhiệm hình sự và những trách nhiệm pháp lí khác...".(2)
Khoản 1 Điều 8 BLHS 1999 quy định: "Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN".
Có thể coi quy định về tội phạm nêu trên là quy định "có tính khoa học thể hiện tập trung nhất quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm".(3) Từ quy định mang tính định hướng này có thể rút ra khái niệm tội phạm một cách khái quát như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.(4)
Nhìn một cách tổng quan chúng ta có thể thấy nội dung khái niệm của tội phạm trong luật hình sự dường như đã được quy định đầy đủ, khoa học và việc nhận thức nội dung này của khái niệm đã có sự thống nhất. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu và phân tích một cách sâu sắc những đặc điểm cụ thể thuộc nội dung của khái niệm tội phạm cũng như xem xét mối liên hệ giữa chúng thì thấy rằng còn một số điều cần phải bàn.
1. Bên cạnh những đặc điểm truyền thống được ghi nhận giống như trong khái niệm tội phạm của BLHS của nhiều nước trên thế giới là: Tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự thì trong khái niệm tội phạm của BLHS Việt Nam năm 1999 các nhà làm luật còn quy định thêm tính có năng lực TNHS của chủ thể như là đặc điểm của tội phạm. Có thể nói đây là đặc điểm chưa từng được quy định trong luật hình sự của nhiều nước.
Mặc dù tính có năng lực TNHS của chủ thể đã được quy định trong Điều 8 BLHS 1999 nhưng khái niệm năng lực TNHS là gì, được tạo nên bởi những yếu tố nào thì hiện tại vẫn chưa được quy định chính thức trong BLHS. Tất nhiên chúng ta có thể rút ra được khái niệm năng lực TNHS thông qua quy định tại Điều 13 BLHS về tình trạng không có năng lực TNHS. Theo quy định này người được coi là có năng lực TNHS là người không ở trong tình trạng không có năng lực TNHS. Như vậy, có thể hiểu "người có năng lực TNHS là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy".(5) Năng lực TNHS là một trong những điều kiện để người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trở thành chủ thể của tội phạm. Song việc xác định tính có năng lực TNHS của chủ thể có phải là đặc điểm của tội phạm không, có cần thiết phải được quy định trong khái niệm tội phạm không là vấn đề lí luận có tính khoa học cần phải được nghiên cứu.
Trước hết, về hình thức thì khái niệm phải được diễn đạt ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn thể hiện được những nội dung mang tính bản chất của khái niệm. Theo Từ điển tiếng Việt, "khái niệm" được hiểu là "ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng".(6) Do đó, việc lựa chọn những đặc điểm nào để đưa vào nội dung của khái niệm tội phạm phải đáp ứng đòi hỏi trên. Vậy có cần quy định tính có năng lực TNHS của chủ thể vào trong khái niệm tội phạm không?
Cần phải khẳng định, năng lực TNHS là điều kiện cần thiết để có thể xác định một người là có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm hoặc không thực hiện một việc mà luật hình sự quy định phải làm. Như vậy, năng lực TNHS có mối quan hệ chặt chẽ với lỗi mà tính có lỗi là đặc điểm của tội phạm đã được quy định trong khoản 1 Điều 8 BLHS 1999. Theo đó, lỗi được hiểu là: "Thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý".(7) Thái độ tâm lí của con người bao gồm hai yếu tố lí trí và ý chí - là những yếu tố cần thiết để hợp thành lỗi. Trong đó, lí trí phản ánh khả nhận thức thực tại khách quan của con người còn ý chí phản ánh khả năng điều khiển hành vi trên cơ sở của sự nhận thức đó. Đây là "những yếu tố tâm lí cần thiết của mọi hành động có ý thức của con người".(8) Nội dung của những yếu tố này cũng chính là những điều kiện bắt buộc để tạo thành năng lực TNHS. Do đó, khi một người được coi là có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như đối với hậu quả do hành vi đó gây ra thì đương nhiên họ phải là người có năng lực TNHS. Vì vậy, khi tính có lỗi đã được quy định trong khoản 1 Điều 8 BLHS 1999 là đặc điểm của tội phạm rồi thì nhà làm luật không cần phải quy định tính có năng lực TNHS của chủ thể vào trong khái niệm này nữa. Quy định như vậy sẽ làm cho nội dung khái niệm của tội phạm trở nên rườm rà và tính khoa học của nó không cao.
2. Có ý kiến cho rằng tại sao khái niệm về tội phạm có đề cập tính chịu hình phạt là đặc điểm của tội phạm nhưng trong khoản 1 Điều 8 BLHS 1999 lại không quy định? Về vấn đề này hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng tội phạm là hành vi có tính nguy hiểm cao, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, vì vậy, cùng với việc quy định hành vi nào đó là tội phạm trong BLHS thì Nhà nước cũng quy định loại và mức hình phạt cụ thể kèm theo để áp dụng với trường hợp phạm tội này - biện pháp có tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Từ lập luận trên có thể khẳng định tội phạm luôn đi liền với hình phạt. Do đó, nếu không coi tính chịu hình phạt là một đặc điểm của tội phạm thì vô hình trung chúng ta đã làm mờ đi "bản chất của tội phạm là nguy hiểm cho xã hội là loại vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất".(9)
Một số nhà luật học khác lại cho rằng tính chịu hình phạt tuy là đặc điểm của tội phạm, là hậu quả tất yếu mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước song cũng cần nhấn mạnh, hình phạt chỉ đi liền với tội phạm chứ bản thân tính chịu hình phạt không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm, một "hành vi bị coi là tội phạm vì về nội dung, nó có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức, có tính trái pháp luật hình sự chứ không phải vì nó có tính chịu hình phạt".(10) Đây chính là lí do giải thích vì sao tại khoản 1 Điều 8 BLHS 1999 nhà làm luật không quy định tính chịu hình phạt là một đặc điểm trong khái niệm tội phạm. Chúng tôi ủng hộ quan điểm này
3. Việc xây dựng và quy định các điều luật trong BLHS phải "ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu đối với mọi công dân và thuận lợi cho việc áp dụng".(11) Đây là định hướng cho hoạt động lập pháp nói chung và lập pháp hình sự nói riêng. Do đó, trong một số trường hợp "nhà làm luật có thể lợi dụng tính có liên quan"(12) của nội dung cụ thể nào đó đã được quy định trong BLHS để "bỏ qua" và không cần phải quy định lại một lần nữa mà nội dung của điều luật vẫn đầy đủ, chính xác và khoa học. Với tinh thần này, chúng tôi cho rằng khi Điều 1 BLHS 1999 đã quy định những quan hệ xã hội với tư cách là khách thể bảo vệ luật hình sự như: Chế độ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN... thì trong định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8 không cần nhắc lại quy định này nữa. Theo đó mọi hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ở mức độ đáng kể cho những quan hệ xã hội cần được bảo vệ này đều bị coi là tội phạm. Vì vậy, việc nhà làm luật quy định lại những quan hệ xã hội nói trên trong khái niệm tội phạm tại khoản 1 Điều 8 BLHS 1999 với tư cách là khách thể chung của tội phạm là việc làm không cần thiết.
4. Việc phân loại tội phạm thành bốn loại là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có ý nghĩa lớn cả về lí luận và thực tiễn áp dụng. Cụ thể, việc phân loại tội phạm theo cách này đã giúp các nhà làm luật có thể thực hiện được nguyên tắc phân hoá TNHS ngay trong luật và đây cũng chính là điều kiện để có thể cá thể hoá TNHS trong thực tiễn áp dụng.
Tuy nhiên, việc nhà làm luật xếp nội dung này trong khái niệm tội phạm đã thực sự hợp lí chưa, theo chúng tôi đây cũng là vấn đề lí luận có tính khoa học cần có sự nghiên cứu thêm. Bởi lẽ:
Thứ nhất, như chúng tôi đã phân tích ở trên, hình thức của khái niệm nói chung phải ngắn gọn, súc tích và có tính khái quát cao. Do đó, việc đưa nội dung của sự phân loại tội phạm vào khái niệm tội phạm đã làm cho hình thức khái niệm của tội phạm mất đi tính khoa học.
Thứ hai, về nguyên tắc, khái niệm tội phạm chỉ bao gồm những đặc điểm chung, đặc trưng, điển hình của bất kì loại tội phạm nào mà "nội dung của khái niệm tội phạm là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và không phải là tội phạm, giữa TNHS và những trách nhiệm pháp lí khác".(13) Trong khi đó, tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng chỉ là những loại trường hợp cụ thể của tội phạm nói chung. Vì vậy, việc quy định nội dung này vào khái niệm tội phạm là không hợp lí, do đó nó đã phá vỡ nguyên tắc trên.
Từ sự phân tích trên, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần cơ cấu và xây dựng lại khái niệm tội phạm theo hướng giữ lại khoản 1, khoản 4 của Điều 8 BLHS 1999 nhưng khoản 1 của điều này nên sửa đổi. Cụ thể là:
Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện có lỗi, bị Bộ luật này quy định và phải chịu hình phạt.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lí bằng các biện pháp khác.
Thứ hai, tách khoản 2, khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 để quy định thành điều luật độc lập. Cụ thể là: Điều 8a. Phân loại tội phạm...
Thứ ba, từ trước tới nay, tuy năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu một cách gián tiếp thông qua Điều 13 BLHS năm 1999 (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự) nhưng vì đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng cho việc xác định chủ thể của tội phạm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nội dung này cần được quy định một cách chính thức trong BLHS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy định khác của BLHS trong thực tiễn xét xử. Cụ thể là:
Điều 13a. Năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển hành vi ấy./.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top