5 - Lạnh lẽo
-"Ngày mai, em phải tới Viễn Tây rồi..."
Tôi đến trước bàn làm việc của thầy, cẩn thận nói ra lời trong lòng. Nhận ra vị trí của bản thân trong lòng người mình có tình cảm là chuyện khó khăn như thế nào, sự thật khó chấp nhận này không ngừng cào xước trái tim tôi.
Thế nhưng tôi còn có thể làm gì khác?
Tôi chỉ là một tù nhân được thầy thương tình cứu ra, ở bên cạnh thầy chưa được bao lâu.
Thầy thấy tôi tới, chỉ gật nhẹ đầu, biểu cảm bình tĩnh lạnh lùng.
Những ngón tay tôi bấu vào nhau, tôi ngước mắt nhìn thầy, tôi vẫn muốn biết liệu có phải vì người sĩ quan hôm trước mà thầy điều tôi đi.
-"Thầy, thầy có thể nói cho em biết, vì sao thầy lại điều em tới Viễn Tây không?"
Thế nhưng thầy lại im lặng, vẻ mặt vô cùng hững hờ, dường như tôi không còn tồn tại trước mặt thầy. Trong giây lát yên ắng, thầy lạnh nhạt cong môi, hỏi:
-"Vì lý do gì, thật sự quan trọng đến vậy sao?"
Tôi nghẹn cứng họng, đầu cúi gằm xuống. Có lẽ không quan trọng đến thế. Nhưng lời từ miệng thầy thốt ra thì tôi phải tỏ ra như thế nào mới phải. Tôi quá để tâm đến lời của thầy, cho nên tôi không thể giấu được nỗi buồn rằng tôi đi hay không, thì thầy cũng sẽ chẳng sao.
-"Em hiểu rồi... Xin phép thầy..."
Tôi lủi thủi đi ra khỏi phòng thầy, tâm trạng đi xuống như xe đứt phanh. Thay vì trở về phòng, tôi lại tới thư viện, chỉ bật một chiếc đèn duy nhất trong phòng và ngồi gục giữa chiếc bàn mà tôi thường ngồi học.
Mọi chuyện diễn ra cứ như một giấc mơ.
Tôi hồi tưởng về bàn tay trắng tựa ngọc thạch của thầy, vừa mới hôm qua chỉ lên trang sách đầy con chữ rắc rối, sửa cho tôi cách dùng và phát âm thế nào là đúng. Đôi bàn tay đẹp đẽ như tượng tạc có đôi lúc chạm qua bàn tay thô ráp của tôi, tôi cứ ngỡ cả đời này có thể lưu giữ lại cho riêng mình.
Giờ phút này tôi mới sực tỉnh mộng. Dù tôi cực lực mơ tưởng thế nào, thì thầy vĩnh viễn chỉ có thể là vầng trăng sáng mà tôi không bao giờ chạm tới được.
Thầy sẽ không thuộc về tôi.
Chỉ bởi vì thầy là đại tá của quân đội hùng mạnh, còn tôi là kẻ vô danh may mắn gặp được thầy.
Vận mệnh này, tôi không thể tự mình quyết định. Cho nên, tôi có quyền đòi hỏi hay sao?
-------
Xe tới chở tôi từ tờ mờ sáng.
Tôi lần đầu tiên mặc lên quân phục, thế nhưng lại phải đi xa khỏi thầy.
Thầy cũng thức dậy từ sớm, lại có vẻ tiều tuỵ vì không ngủ. Công việc của thầy vẫn luôn bận rộn mệt mỏi. Trông thầy như vậy, tôi không muốn tới Viễn Tây chút nào cả.
Người lái xe xuống nghiêm chào thầy, rồi giục tôi nhanh chóng lên xe. Trên xe đã có tầm chín, mười binh sĩ, ai nấy đều trẻ măng, vì đang sớm nên tựa vào nhau ngủ say.
Tôi do dự ngoái đầu nhìn thầy, thầy vẫn đứng ở bậc cửa. Tôi không dám đợi điều gì khác xảy ra. Thầy bỗng nhiên tiến tới, gài lên áo tôi một chiếc khuy hình lá kim bằng bạc, khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa xúc động.
Tôi run run chạm lên chiếc khuy, -"Thầy..."
Thầy vẫn duy trì nét mặt thản nhiên, không biểu lộ nhiều cảm xúc. Thầy nói:
-"Tới Viễn Tây một thời gian, chứng minh cho tôi rằng cậu xứng đáng quay về. Khi đó, tôi sẽ đưa cậu tới trường sĩ quan."
Tiếng giục lên xe của người lính lái xe lần nữa lặp lại.
Tôi gật đầu chắc nịch, đáp lời thầy:
-"Nhất định, thưa thầy."
Rồi tôi leo lên xe.
Tôi vẫn nhìn về hướng thầy, cho tới khi xe đi khuất hẳn tầm nhìn. Chiếc khuy cài bên áo sáng bạc, lành lạnh nhưng lại có sức sống mãnh liệt vô cùng. Thầy đã nói như vậy, tôi vì sao lại không tin tưởng mà cố gắng cho được?
Nhất thời, tôi cảm thấy đến Viễn Tây, tuy đây là vùng đất vô cùng khó khăn và trắc trở, có lẽ không phải là chuyện quá tồi tệ.
Xe chở tôi và những người lính chạy băng qua không biết mấy ngọn đồi. Đường sỏi đá xóc nảy khiến tôi có hơi say, ruột gan không ngừng cồn cào. Rốt cuộc uể oải hơn ba tiếng, đến một vùng đất trơ trọi thì xe mới dừng lại. Đơn vị Viễn Tây nằm rải rác xung quanh, xe chỉ đưa chúng tôi tới đây, đoạn đường còn lại thì phải tuỳ vào đơn vị chúng tôi được phân tới mà tự mình đi bộ vào.
Một vùng đất xám trắng lẫn đất, tuyết và đá lổn nhổn. Cây cối đều khô quắt, xơ xác. Cảnh tượng vô cùng tiêu điều.
Khí hậu ở Viễn Tây vốn rất khắc nghiệt, nên tôi không quá ngạc nhiên.
Đơn vị của tôi ở xa nơi dừng chân nhất, và chỉ có mình tôi được phân tới đó. Cơ thể chưa kịp thích ứng với không khí ở đây đã phải đi một quãng xa, khiến tôi có hơi chóng mặt. Mùi bùn tuyết văng lên giày gay gắt, kích thích ruột gan tôi.
Khi đến trước đơn vị, tôi nhịn không nổi mà nôn khan mấy cái.
Một sĩ quan chỉ huy bước ra, thấy tôi nôn khan tới nỗi mặt mũi xanh lét, ra vẻ khinh thường vô cùng. Hắn rút ra tờ điểm danh, cao giọng hỏi:
-"Kepa Arrizabalaga Revuelta, đúng không?"
Tôi luống cuống đứng thẳng, nghiêm chỉnh hô to:
-"Đúng, thưa chỉ huy."
Đột nhiên, hắn gấp tờ điểm danh lại một cách thô bạo, tưởng chừng xé rách nó, thẳng tay nhét nó vào túi áo. Ngay sau đó, có ba, bốn tên lính, mặt mũi bặm trợn, lập tức lao đến trước mặt tôi và giáng vào má trái của tôi một cú. Tôi ngã xuống đất trong hoang mang, máu từ trong khoang miệng chảy ra, mùi tanh xộc lên tận đỉnh đầu.
Một trong bốn tên lính đạp tôi xuống đất, mũi giày nghiến trên thái dương tôi. Tôi trợn mặt nhìn lên sĩ quan chỉ huy, tôi muốn hỏi vì sao.
Sĩ quan chỉ huy châm một điếu thuốc, rít một hơi rồi thả tàn thuốc xuống mặt tôi. Hắn vẫn cao giọng, lần này pha cả ý nhạo báng và cười chê, nói:
-"Một kẻ không có dòng máu Đức, không phải người Đức... Một thằng nhãi ngoại lai, cũng xứng đáng tới đơn vị của Đức phục vụ?"
Tôi hơi giãy giụa, có ý phản kháng. Tàn thuốc nóng bỏng rơi thẳng trên da mặt khiến tôi muốn nôn ra mấy búng máu.
Cảnh tượng nhục nhã và đau đớn này làm tôi sợ hãi vô cùng, không khác gì quay trở lại tháng ngày ở trại tập trung.
Đôi mắt xanh của sĩ quan chỉ huy phóng to trước mặt tôi. Hắn nhả một hơi khói thuốc sặc sụa, khinh nhờn:
-"Thứ ngoại lai như mày, nếu không phải vì người ở phía Nam sắp xếp, thì chắc phải tống vào Dachau mới đúng! Nhưng chẳng sao, đã tới đây, tất cả bọn tao sẽ cho mày sống những ngày mà lũ tù nhân trại tập trung phải ao ước!"
Tên khốn nghiến mũi giày bên thái dương tôi cũng cúi xuống, gằn mấy tiếng với chất giọng khàn đặc của người Đức:
-"Ao ước được chết!"
-------
Một nơi như Viễn Tây, không có tình người, không nói đạo lý, chỉ có nắm đấm. Không, chỉ là đối với người "ngoại lai".
Họ giống như bao cát xả giận cho lũ binh sĩ Đức, mỗi khi đẩy lùi bạo loạn hay thất bại rút quân về.
Người "ngoại lai" không có nhiều nên dù họ có uất ức đau đớn hay thậm chí tự sát thì cũng chẳng gây ra chút sóng gió gì.
Tôi chính là rơi vào trường hợp như thế.
Dù cho màu da trắng thì cũng không thể cứu tôi khỏi cảnh bị bắt nạt.
Tôi có phản kháng, thế nhưng vẫn bị đánh cho bầm dập tơi tả. Thậm chí cơ hội cầm súng ra chiến trường, quét sạch bè lũ bạo loạn ở biên giới, tôi cũng không cơ hội. Số phận của tôi đã bị định ở hậu cần, trở thành tấm bia cho những người ra trận rồi trở về phát điên.
Chỉ cần tôi không cẩn thận một chút liền bị lôi ra đè nghiến đầu xuống đất rồi trở thành bao cát.
Chỉ chưa tới một tuần, tôi đã có cảm giác trở thành kẻ tàn phế.
Những khi đêm xuống, tôi và những người lính "ngoại lai" sẽ bị quăng ra đồn bốt, bắt trực đêm.
Đêm đông ở Viễn Tây thực sự vừa lạnh vừa dài lại vừa buồn. Một trời đen như mực, tối tăm không chút ánh sáng. Gió từ sườn bên kia thổi qua rét buốt, không khác gì lưỡi đao sắc bén đâm thấu tận xương.
Tôi đứng trực đêm co ro dưới ngọn đèn cao ở đồn bốt. Trời càng về đêm, sương xuống phủ lên quân phục rách tươm, cái lạnh len lỏi khắp mọi nơi trên người tôi. Những vết thương chưa lành miệng dưới tiết trời của Viễn Tây càng thêm đau nhức, đến mức tôi không cách nào đứng thẳng được.
Dù đã trải qua trăm ngàn lần đau đớn trong trại tập trung, thế nhưng tôi đã được cứu ra, đã được sống một thời gian ngắn ngủi trong tươi đẹp, và giờ phải quay lại năm tháng sống không bằng chết khiến tôi cảm thấy nhục nhã khốn cùng.
Mà dù cho ở đây không đến mức tệ bạc như trại tập trung, nhưng vẫn là sống không bằng chết. Thậm chí một bữa ăn chưa tới tay đã bị đám lính Đức cười nhạo mà đá xuống đất.
Tôi nếm rõ mùi vị của việc dẫu đã mang quân phục, thì vẫn dễ dàng bị giẫm đạp như con kiến.
Tôi gồng mình đứng dựa vào cột đèn đồn bốt, hai tay ôm chặt lấy mình, cố gắng tỉnh táo hết sức, không để cơn đau quật ngã mình. Mũi tôi nghẹt cứng lại, không rõ là vì lạnh hay vì máu mũi chưa tan.
Tôi nhìn xuống khuy cài áo, nỗi nhớ thầy trở nên sâu đậm. Khuy vẫn lấp loé ánh bạc, chạm vào lạnh buốt nhưng tràn ngập sức mạnh. Tôi chợt hiểu vì sao thầy muốn tôi chứng minh bản thân xứng đáng quay về.
Tôi lại mơ về đôi tay của thầy, đôi bàn tay đã vỗ về tôi vào đêm đầu tiên tôi được cứu ra, không ngừng ôm lấy tôi cho tới khi tôi nguôi ngoai nỗi sợ. Ở nơi khắc nghiệt, những lúc đau đớn nhất, thậm chí có lúc mê man tưởng sắp chết, tôi luôn mộng tưởng về đôi tay thầy.
Vào những thời điểm giao thoa giữa sống và chết ấy, tôi vô cùng nhớ thầy. Vốn dĩ lúc bình thường đã rất nhớ, những lúc như vậy lại càng đậm sâu, tưởng chừng khắc cốt ghi tâm.
Càng là thế, tôi càng không thể chết đi.
Đôi tay của thầy, nhất định có ngày tôi nắm lấy thật chặt không buông.
Tôi nhất định phải vẻ vang trở về mới được.
Chấp niệm một đời này, về sau phải tự mình quyết định.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top