Đảo Vô Hình

Tôi rủ May đi trốn. Tôi nghe nói đâu đó về một chuyến phà hướng đến mũi đảo hướng thượng nguồn con sông. Phần đất nối liền với thành phố phía bên kia đã bị xây tường bịt kín, thế nên cách duy nhất để tới được đó là bằng đường thủy.

Lời đồn kể rằng sau khi tốt nghiệp đại học, một gã trai chán đời đã tìm đến nó, kéo theo cả lũ bạn du thủ du thực. Họ cắm trại, nổi lửa, bật nhạc hết cỡ, quên hết sự đời và cũng dần bị lãng quên.

Tôi đoán rằng mình cũng nằm đâu đó trong số họ. Từ nhỏ tôi đã là một đứa bé nhạy cảm và mơ mộng nhưng người ta thường thích những đứa bé hoạt bát và biết nghe lời. Tôi cố gắng để trở thành một phần của thế giới xung quanh nhưng càng lúc càng trở nên xa lạ với chính bản thân mình. Nỗi cô đơn không tên gặm nhấm tôi mỗi ngày. Bạn thử đặt tay lên tim và tự hỏi, có bao giờ bạn thèm khát được trốn thoát đến một nơi mà không ai biết, không một trách nhiệm ràng buộc và cũng không có người thương tiếc, chờ đợi?

Tôi vẫn còn mẹ. Tôi yêu mẹ rất nhiều nhưng đôi khi, tôi cảm thấy việc sở hữu một mối liên hệ gần như một loại gánh nặng. Cái giá phải trả của việc được yêu thương là những kỳ vọng và sự trói buộc. Tôi bị dằn vặt bởi suy nghĩ ích kỷ đó, đồng thời cũng bị nó cám dỗ.

May là bạn thời thơ ấu của tôi. Cậu ấy vốn là một nhỏ vui vẻ hoạt bát cho đến lúc bố mẹ chia tay. Chuyện xảy ra khi chúng tôi bước vào năm ba trung học, điểm số của May ngày một giảm sút. Các thầy cô đều tỏ ra kinh ngạc, từ kinh ngạc, họ chuyển sang thất vọng, sau đó là ngán ngẩm và cuối cùng là bỏ mặc. Không ai muốn tốn thời gian cho một đứa trẻ mười ba tuổi lầm lì và càng lúc càng ít dễ thương hơn. Dù vậy, chẳng điều gì ảnh hưởng đến tình bạn của chúng tôi.

Cả cuộc đời chúng tôi gắn liền với thị trấn nhỏ này. Khu nhà tôi quây lại thành một xóm khép kín gồm năm sáu nhà dựa lưng vào nhau, tuy tách biệt nhưng cùng chung một mảnh vườn rộng đổ ra sông. Trong vườn có một cây đại thụ rất cao, chúng tôi chẳng biết và cũng chẳng quan tâm nó là cây gì, chỉ nhớ rằng nó có một cái mấu xù xì trồi hẳn ra, phần giữa hõm sâu xuống. Đối với những đứa trẻ tám tuổi, cái mấu đó không khác gì ngai vàng của vua Athur. Tất cả các cuộc đuổi bắt, trốn tìm, dàn cảnh đánh trận... đều diễn ra xung quanh nó và chỉ có người thắng cuộc mới được vinh dự ngồi trên "ngai vàng" như một vị vua thực thụ. Rồi đến lúc mảnh vườn chung bắt đầu bị người lớn đưa lên bàn cân mổ xẻ và cái cây kỳ diệu của chúng tôi bị quyên án tử. Tôi vẫn nhớ đó là ngày nóng nhất trong năm, người ta gọi một nhóm người mang cưa máy đến. Tôi đi cầu cứu tất cả lũ trẻ trong xóm nhưng chỉ có May là đã đưa tay về phía tôi. Hai đứa trèo lên một chạc cây cao và ngồi đó suốt buổi chiều đến khi hoàng hôn đỏ rực đổ xuống. Qua một hồi dụ dỗ, đe dọa, gào thét, đám người "cưa máy" không thể làm gì được ngoài bỏ cuộc. Sau đợt nắng nóng kéo dài, một cơn dông khủng khiếp tràn về ngay đêm đó. Sáng hôm sau, gốc cây cổ thụ có mấu bị bật gốc, ngã xuống như người hiệp sỹ cuối cùng của một đế chế đã tàn, trơ lại phần gốc mục ruỗng bên trong. Dường như, nó đã dùng chút sự sống cuối cùng để nuôi dưỡng cho tình bạn của chúng tôi, vì khi mọi người đều nhìn May đầy xa lạ, tôi vẫn nhìn cậu ấy như là người duy nhất đã ngồi cùng tôi trên trạc cây cả buổi chiều ngày đó.

Chúng tôi hẹn nhau ở cuối mảnh vườn hồi xưa. Chỉ cần qua cây cầu gỗ và đi dọc cánh rừng khoảng nửa tiếng thì sẽ đến bến phà. Hôm nay cũng là một chiều đẹp trời, mọi người trong thị trấn tụ tập ở thảm cỏ ven sông, mang đồ ăn nhẹ, trải khăn nằm hưởng nắng. Nắng vàng rực kéo thành vệt dài men dọc cánh rừng. Tôi và May bước trên con đường mòn khuất dưới bóng lá rậm rạp, phía bên kia là từng nhóm, từng nhóm người nhộn nhịp cười đùa. Chỉ cách một hàng cây, mà cảm tưởng như đang ở hai thế giới.

Chúng tôi đều không nói gì nhiều. Tôi vốn là đứa kiệm lời, còn May, có lẽ đã quá mệt mỏi với việc dùng lời nói. Vả lại đôi khi, khi đã thực sự thấu hiểu nhau im lặng là sự đồng cảm tuyệt vời nhất. Khác với người đang rất hăm hở là tôi, May có vẻ tự lự.

"Nếu cậu không muốn đến đó thì cậu không cần phải đi!" Tôi đạp lên lớp sỏi vụn, nói đều đều.

Bước chân của May hơi chậm lại trong khi bước chân của tôi vẫn vững vàng. Vài giây sau, cậu ấy chạy đến, đi song song cạnh tôi.

"Tớ muốn đi cùng với cậu!"

Lần này tôi không tiếp lời.

Chúng tôi tiếp tục bước, không một lần ngoái đầu lại.

Con đường mòn ngoằn ngoèo càng lúc càng hẹp nhưng không hề u ám. Nắng xuyên qua những kẽ lá, rọi xuống thành từng tia mỏng tang, sáng lấp lánh. Tôi đặc biệt thích mùi đất ẩm trộn cùng mùi lá cây và gỗ mục nát. Mùi hương này gần giống với mùi của viện dưỡng lão mà ngày trước dì tôi từng làm việc.

Viện dưỡng lão thú vị hơn nhiều so với tên gọi vì người già chẳng còn sợ gì nữa kể cả cái chết. Hầu hết các ông bà già trong viện đều là người ở đây. Mỗi người mỗi khác nhưng đều chung cái tính xuề xòa, chân chất của vùng quê. Năm tôi mười hai tuổi, một người phụ nữ đến từ nơi khác chuyển vào. Bà Xám có mái tóc bạc trắng, lúc nào cũng được búi thành búi tươm tất và gài chiếc trâm ngọc lục bảo. Nghe nói là quà từ người chồng quá cố. Kiểu cách ăn mặc như thể đang dự tiệc trà chiều và chưa bao giờ tôi thấy bà ấy quên xịt nước hoa. Bà Xám là bạn thân nhất của tôi ở viện. Chiều chiều sau khi đi học về, tôi đạp xe đến khu nhà gỗ có dàn mắt cáo, ở đó bà Xám cho tôi xem bộ sưu tập đá quý được cất trong chiếc hộp gỗ lót nhung: đá thạch anh đủ các loại màu; đá xà cừ trông giống một con bọ cánh cứng trong suốt; đá Thanh Kim màu xanh đậm phủ các hạt bụi vàng li ti... Chỉ cho tôi sự khác biệt khi nhâm nhi rượu vang bằng ly thủy tinh và ly pha lê. Khi đầu móng tay được sơn đỏ kỹ lưỡng của bà Xám búng vào thành chiếc ly, tiếng "cong" phát ra trong veo đến nỗi tôi có thể cảm nhận được sự rung động giữa hàng ngàn tinh thể pha lê. Chúng tôi giành hàng giờ nghe nhạc jazz, nhạc swing của những năm 40 bằng chiếc máy vinyl kiểu cổ. Bà Xám từng nói với tôi: "Một bản nhạc hoàn hảo và mẫu mực thì khi bắt đầu từ nốt nào, cũng sẽ kết thúc bằng nốt ấy."

Khúc ngoặt trước mặt càng lúc càng gần, tức là bến phà không còn bao xa nữa. Tôi và May vẫn bước trong im lặng, như thể cả hai đều chìm trong thế giới của riêng mình. Tôi khẽ liếc cậu ấy, cặp má tròn trịa trắng hồng tương phản hoàn toàn với đôi mắt nhuốm buồn. Bất ngờ, một con sẻ nâu bay sượt qua, đậu trên một cành cây, nhìn chúng tôi đầy tò mò. Nó làm tôi chợt nhớ đến ông nội. Lúc còn sống, ông nội đổ đất ở sân trước trồng đủ các loại cây rau củ. Tôi và đứa em họ thường chạy vào giúp ông nhặt cỏ, dựng bờ rào. Chúng tôi gọi đó là "vườn mướp Chủ Nhật". Hai đứa chúng tôi tìm được xác một con sẻ bên cây hoa mười giờ. Chúng tôi tổ chức một tang lễ long trọng rồi chôn nó trong vườn cùng một tấm bia mộ làm từ miếng đá hoa cương hàng xóm vứt lại sau khi xây nhà. Con sẻ đó không khác con sẻ này là bao. Tôi vô thức ngâm nga một bài đồng dao mà tôi không nhớ tên. Ông nội tôi là một nghệ sỹ. Ngoài mảnh vườn ra, ông còn có rất nhiều khung tranh, cọ vẽ, sơn màu và cả một chiếc đài casette cũ kỹ. Thi thoảng, chúng tôi thó cả mớ băng casette hỏng của ông, mở ra lấy cuộn băng bên trong rồi ném lên thật cao, nhìn chúng xoay tròn, xổ tung ra, sáng lấp lánh như pháo hoa năm mới. Nhưng hẳn là ông nội tôi không mua băng chỉ để cho bọn trẻ ranh ném chơi. Chiều chiều ông thường gọi cả lũ vào phòng, bảo chúng tôi hát rồi thu âm lại. Ông nói để sau này lớn sẽ phát lại cho chúng tôi nghe. Những tấm băng casette đã biến mất cùng với ông nhưng giai điệu của nó vẫn in hằn trong trí nhớ.

"Bài gì đấy?"

May bất ngờ hỏi, kéo tôi ra khỏi dòng hồi ức. Tôi nhăn mặt lắc đầu:

"Không biết nữa, chỉ nhớ mang mang giai điệu thôi!"

"Nghe giống bài ngày xưa mẹ tớ hát ru tớ ngủ."

Tôi gật đầu mà không đáp vì tôi biết May chỉ cần người lắng nghe. Chúng tôi lặng lẽ bước tiếp, cũng lặng lẽ quay về với thế giới của riêng mình. Lời của May khiến tôi tự hỏi: có bao giờ mẹ từng hát ru cho tôi ngủ? Trong trí nhớ của tôi, hình như là chưa bao giờ. Nhưng mẹ kể rất nhiều chuyện cho tôi nghe. Mẹ tôi từng có một giấc mơ rất đẹp. Mẹ lạc giữa một cánh đồng bạt ngàn lúa chín vàng ươm, vừa đi vừa vuốt tay dọc theo hàng bông trĩu hạt. Đi được một đoạn, mẹ tìm thấy một đứa bé đang ngủ say giữa một ổ rơm vàng còn ám mùi nắng. Người ta gọi đó là mộng thai. Chắc hẳn là đúng, vì chẳng bao lâu sau thì tôi ra đời. Trong suốt quãng thời gian thơ ấu, tôi chỉ được nhìn thấy mẹ vào buổi sáng trước khi đi học và tối muộn sau khi cơm canh đã hơi nguội. Mẹ tôi phải đi làm rất xa, phía bên kia thành phố. Tôi không nhớ mình đã từng được ăn một bữa ăn hoàn chỉnh mà mẹ tôi nấu nhưng đến cuối tuần, mẹ sẽ làm món cá kho lõng bõng nước mà đối với tôi còn ngon hơn hết thảy những viên kẹo chocolate đủ màu ở tiệm tạp hóa.

Dòng hồi ức chợt đứt đoạn vì tôi bị ánh nắng chói mắt của chiều tà đổ xuống mặt. Chúng tôi vừa bước ra khỏi bìa rừng, không còn bóng cây che chắn, phía trước hiện ra một vùng sông nước rộng mênh mông. Hoàng hôn khiến đường chân trời nối liền với mặt nước giống như một bảng pha màu rực rỡ. Dự báo nói đêm muộn hôm nay sẽ có một cơn bão lớn đổ về. Lác đác một vài bóng người phía xa xa, chờ đợi chuyến tàu cuối cùng trước khi mưa gió ập xuống. Tôi và may tiến lại gần bến phà, hòa vào với nhóm khách ít ỏi.

Chờ chừng mười phút thì phà xuất hiện. Không giống phần đông các loại phà lớn hai tầng, con phà này chỉ gồm một mặt phẳng có bao thêm lan can và mái che. Chúng tôi lục tục bước lên. Phà bắt đầu rời bến. Tôi và May chọn một chỗ ở mé ngoài, tách biệt với nhóm khách còn lại. Gió hè cuối ngày phả vào mặt mát rượi, mơn man từng lọn tóc, mây cuộn thành từng cụm dầy đặc, đổ dồn về phía chân trời. Mẹ tôi từng bảo, kiểu mây như này chắc chắn sắp có bão lớn.

Phà đi càng lúc càng xa, hoàng hôn chuyển màu đỏ rực, giống hệt ngày cái cây kỳ diệu của chúng tôi ngã xuống. Quanh tai tôi là tiếng nước đập dồn dập vào thân phà và tiếng máy chạy rầm rì đều đều. Không gian chẳng phải quá tĩnh lặng nhưng lòng tôi lại thấy êm ả đến kỳ lạ. Trời mỗi lúc một tối, mây đen bỗng ùn ùn kéo đến che hết chút màu sắc cuối ngày. Gió thổi mạnh hơn, mưa cũng bắt đầu rơi, đập từng tiếng lộp bộp trên mái phà rồi dần dần trút xuống như thác đổ. Trước mắt chúng tôi là một mảng xám xịt, May và tôi ngồi sát gần nhau, chia cho nhau chút hơi ấm trong cơn bão. Cũng giống hai đứa chúng tôi, vài hành khách ít ỏi từ những người xa lạ cũng vô thức mà co cụm lại cúi rạp người trong mưa gió. Đột ngột, sấm nổ như rung chuyển cả bầu trời. Tia chớp nhá lên tạo thành những vệt sáng ngoằn ngoèo, như một con rồng ẩn mình trong mây, khoe cái bụng sáng chói. Người lái phà hơi còng lưng, vừa gồng tay nắm chặt bánh lái vừa nói lớn:

"Bão về sớm hơn dự báo. Mọi người ngồi vào giữa phà, cẩn thận đồ đạc!"

Tôi liếc mắt về phía bìa rừng, những hàng cây oằn mình trước gió, run lên bần bật, như những nốt nhạc nhảy múa trong đoạn cao trào của bản La danse Macabre. Bất ngờ, một tiếng sấm nổ lên, gió táp mạnh, giật tung một chiếc ghế cuối hàng khiến mọi người thét lên sợ hãi. Tôi và May nắm chặt tay nhau, tôi hỏi cậu ấy:

"Sợ không?"

Mặt mũi May tái nhợt nhưng vẫn nói cứng: "Cái ghế kia từ trước đã bị long một bên vít rồi!"

Ngồi cạnh tôi là một người phụ nữ lớn tuổi, già và nhỏ thó. Bà ta vừa run cầm cập vừa liên tục lẩm bẩm. Chất giọng thô khàn, khò khè tựa như khó thở lặp đi lặp lại bên tai tôi : "Le temps est aussi fou que les gens". Tôi không hiểu hết lời bà ta nói, chỉ biết một từ "điên" . Hồi xưa bà Xám từng dạy tôi chút tiếng Pháp, bà ấy là một người thầy tâm huyết nhưng tôi lại không phải một học sinh lý tưởng. Bây giờ tôi bỗng ước trước kia mình đã không học kiểu vô thưởng vô phạt như vậy. Cũng chẳng tham vọng giao tiếp được trôi chảy, chỉ cần đủ hiểu bà già này nói gì là được. Tôi vốn là đứa tò mò.

Bão càng lúc càng lớn, mưa bị gió đẩy, tạt thẳng vào chúng tôi như trút nước. Phà chòng chành tưởng chừng sắp lật, bốn chiếc cọc đỡ mái che rung lên từng đợt, chực chờ đổ sụp xuống. Hành khách ngồi hết lên sàn, quây lại thành nhóm, vừa ôm hành lý vừa nắm chặt lấy chân ghế. Tôi len lén quan sát, có người chửi rủa, có người nhắm tịt mắt như chối bỏ thực tại, có người âm thầm cầu nguyện. Chỉ có tôi và May là ôm lấy nhau. Vốn định quay trở lại bờ nhưng giữa bóng đêm hỗn loạn, chúng tôi nhìn thấy một mũi đảo nhô ra đầy mời gọi. Phà chuyển hướng, lướt lại gần. Phần mũi đảo không phải đất liền mà là một cái hang nhỏ, trong tình hình bây giờ là nơi trú bão hoàn hảo. 

May sao phà vừa sít hai bên vách hang. Bên trong là một mảng tối mịt nhưng ít nhất mưa gió không còn đuổi theo nữa. Tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Góc áo bỗng có ai đó giật giật, tôi theo quán tính quay đầu. Ngón tay trắng trẻo của May run run chỉ lên một khoảng không phía trước. Chúng tôi đều căng mắt nhìn nhưng bên trong hang quá tối. Đúng lúc đó, có tiếng sấm nổ, ánh sáng nhá lên, chiếu thẳng vào một khuôn mặt méo mó đầy sẹo với hai hốc mắt đen ngòm. Mọi người giật mình, ngã ngửa ra sau. Tôi loạng choạng kéo May lùi lại. Sự im lặng kinh hoàng bao chùm lấy chúng tôi. Vài phút sau, giọng một người đàn ông lắp bắp:

"Tôi... tôi có đèn pin đây!"

Đây rõ là một cái hang nhân tạo. Phía trên trần có những đường gân đều đặn lồi lên, như thể chúng tôi đang ở trong vòm họng của một con quái vật khổng lồ. Thậm chí ngay cạnh phà, sát hai bên mép hang còn có đường đi được bao lan can, dẫn sâu vào bên trong, đôi chỗ lại nhô ra những cái đầu dúm dó, quái dị bám đầy rêu và bụi đất. Người lái phà thở phào:

"Tôi nhớ ở mũi đảo có một cái công viên giải trí bị bỏ hoang cách đây cả chục năm rồi. Có gì đâu mà phải sợ, người xây cả thôi. Mọi người chịu khó đợi bão tan chúng ta sẽ rời đi."

Tất nhiên, việc phải trú trong một cái hang ma quái chẳng khiến ai thích thú nhưng dù sao cũng đã có một lời giải thích hợp lý nên chúng tôi chỉ im lặng, lục tục ngồi xuống. Thời gian dần trôi, bên ngoài mưa gió vẫn rít gào không ngừng. Qua một hồi vật lội với bão táp, mọi người đều đã thấm mệt, chọn cho mình một chỗ thoải mái nhất rồi ngủ thiếp đi. May và tôi dựa vào cột chống cuối phà, cậu ấy bỗng thì thào:

"Bọn mình trốn đi đi!"

Tôi nhướn mày kinh ngạc. May chưa bao giờ là đứa bốc đồng, từ trước đến nay chỉ có tôi luôn kéo cậu ấy vào những rắc rối. Nhìn cái hang tối thui dài hút mắt, tôi không thấy sợ nhưng chợt có cảm giác chùn chân trước một thứ gì đó không xác định.

"Cậu chắc chứ?"

May mỉm cười, gật đầu chắc nịch. Nụ cười nhợt nhạt nhưng phần nào giống cậu ấy của năm tám tuổi. Chúng tôi lặng lẽ nhổm dậy, thó một trong hai cái đèn pin của nhóm khách rồi cẩn thận nhảy sang phần lối đi hẹp dài mà không bị phát hiện. Có lẽ tiếng sấm chớp quá lớn và trong hang cũng quá tối, hoặc có lẽ ai cũng quá đủ bận rộn với nỗi niềm của họ để quan tâm đến sự ngông cuồng của hai người trẻ tuổi. 

Càng sâu vào trong con đường càng mở rộng. Cát bụi lạo xạo dưới chân cùng tiếng rin rít của kim loại hoen gỉ và tiếng lộc cộc của gỗ va vào nhau tạo nên một loạt tạp âm kỳ quái. Chừng vài phút sau, chúng tôi bị chặn lại bởi một núi phế liệu cao sát đến trần hang, bịt hẳn lối đi. Tôi lia đèn pin, phát hiện ra phía dưới là một loạt những chiếc thuyền con được buộc lại ở lan can. Tôi và May nhìn nhau, không hẹn chúng tôi cùng nhảy xuống, lúi húi cởi nút thắt dây thừng của một chiếc. Mỗi đứa nắm một mái chèo phủ bụi, tiến sâu vào trong hang. 

Kiểu thuyền gỗ nhỏ này tôi đã từng chèo nhiều lần ở lễ hội cuối năm trong thị trấn. Có lẽ trước đây nó đã từng rất đẹp nhưng giờ chỉ còn trơ lại lớp sơn đỏ bong tróc và những hình vẽ đã bay màu. Càng vào sâu trần càng lúc càng cao, lởm chởm những nhũ đá nhân tạo và mạng nhện rủ xuống. Ngay trên một giàn giáo rỉ sét, đầu một con king kong khổng lồ đang nhe nanh về phía chúng tôi. Nó gần như đã hoàn thiện, bộ lông không còn bóng bẩy nhưng chiếc mõm đỏ lòm và từng vết sẹo trên mặt đều trong rất thật. May ngồi phía trước, cẩn thận vén đám dây dợ và tấm bạt đang chắn chúng tôi sang một bên. Mũi thuyền vừa qua, cậu ấy bỗng kêu thất thanh rồi ngã ra sau. Tôi cũng hốt hoảng:

"Cái gì thế?"

Thực ra tôi không cần May trả lời. Đôi mắt vô hồn của một người phụ nữ có mái tóc dài bết rối và khóe miệng bị rách toạc sang một bên đang ghé sát xuống, nhìn tôi chằm chằm. Tim tôi giật thót lên tận cổ họng. Đoạn đường này được xây rõ là để hù dọa những kẻ yếu bóng vía. Người phụ nữ nọ được làm rất kỳ công, dù không nhìn quá lâu nhưng tôi vẫn như mường tượng được thớ thịt rách nát trên khuôn mặt mịn màng của bà ta. Hai bên vách hang đặt đầy hình nộm khác nhau: những bộ xương dính máu thịt nằm rệu rã, chiếc bóng đu đưa của những kẻ treo cổ, những con búp bê với khuôn mặt bị nung chảy và nụ cười bí ẩn. Tôi từng đi công viên giải trí rất nhiều lần hồi còn bé. Chưa bao giờ kiểu đường hầm ma ám và đám đồ giả này làm tôi sợ nhưng sự hoang tàng của đám phê tích này có gì đó buồn thảm đến lạnh người. Chúng như dõi theo chiếc thuyền, vừa đe dọa vừa van nài. 

Ngay trước mặt chúng tôi là cửa hang bên kia. Ánh sáng chiếu vào trắng xóa, tương phản hoàn toàn với bóng tối đặc quánh. Cứ mỗi lúc thuyền tiến gần đến với cửa hang hơn, tôi lại có cảm giác cổ họng mình như nghẹn lại, May chắc cũng chẳng khá khẩm hơn tôi, cậu ấy ngồi thẳng lưng, cứng đờ. Thuyền vừa chớm lướt qua, tôi đã ngửi được hương vị tinh khiết xộc thẳng vào phổi. Xung quanh là một mảng xanh biếc, xanh đến không thật. Chúng tôi đậu thuyền bên bờ và bước về phía ánh sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top