one
Chỉ khi gót giày người ta mòn dần đi bởi những con đường nhựa thẳng tắp lề lối, và đôi vai thì mỏi nhừ vì phải gồng gánh cái bầu không khí chật ních chen chúc nhau tuôn ra từ những nhà hàng xa xỉ, ta mới thấy ở cái thành phố này, bản đồ chẳng có nổi một tác dụng gì.
Thành phố luôn có đầy rẫy những kẻ lạc lối. Những kẻ mà đã thuộc lòng tên từng con đường, biết rõ từng ngõ ngách, đôi chân quen thói dẫu có sa đà vẫn luôn bước đúng hướng - những người thành phố. Họ gắn bó với phồn hoa đô thị, với cái ngời ngời của những toà nhà cao vút treo đầy bảng hiệu ngợp mắt, với những con đường sạch sẽ và văn minh, với những nhà hàng đắt tiền lúc nào cũng ầm ầm tiếng cốc chén va vào nhau, với những đèn đường sáng choang và những cốc cà phê sang chảnh nguội ngắt, với một bầu trời chẳng lấy một bóng sao và lúc nào cũng mù mờ như thể đắp lên cả ngàn mùa sương. Gắn bó như thế, đủ lâu để họ nhận ra nơi này có thuộc về mình hay không.
Một số người bảo có, nhưng một số kẻ lại bảo không. Không, vì tôi quen đến thế rồi, mà vẫn lạc. Những kẻ lạc lối tựa như những bóng ma, luôn lẩn khuất và vô định. Chúng không có lịch trình, không có một tuyến đường riêng. Để gió lùa vào kẽ tay, nắm chặt lấy và cứ như vậy bước đi. Gió biết mình đi đâu, những kẻ đi lạc thì không, nên đành nhắm mắt đi theo như vậy. Kể ra thì ngoài thiên nhiên phóng khoáng luôn làm bạn với những kẻ lạc lối, nào còn ai nữa đâu? Những kẻ lạc lối luôn tìm cách chạy thoát, thoát khỏi nơi chật hẹp gò bó này, thoát khỏi thế giới mà ai cũng có một tuyến đường riêng cho mình, thoát khỏi nơi vận hành như được lập trình sẵn, đi làm - về nhà - đi làm. Thế nên họ cứ đi, đi mãi như thế, và chẳng biết về đâu. Người thành phố là như thế, lệch ra khỏi quỹ đạo gốc của mình, họ sẽ lại chẳng biết đi đâu trong thành phố của chính họ.
Nhưng gió không phải lúc nào cũng nhiều, còn bầu trời thì lại chẳng còn sao để mà nhìn ra đông tây nam bắc, thành phố cũng chẳng đào đâu ra một ngọn hải đăng. Họ sẽ lại về với quỹ đạo cũ của mình, về với chỗ trú chân có đôi chút quen thuộc. Kẻ đi lạc không cần bản đồ thành phố, họ cần bản đồ tìm về "nhà", tìm cho họ một nơi có đủ ấm áp và yêu thương để họ có thể trở về.
Không phải "lạc lối", là "lạc lõng".
Ta cứ lặng lẽ bước theo một quỹ đạo như thế, một quỹ đạo không thay đổi,
Nhưng nếu không thay đổi quỹ đạo ấy, làm sao tìm được chốn về của mình đây? Vậy ra cách duy nhất để thoát khỏi cái mác kẻ đi lạc, chính là đi ra khỏi quỹ đạo của mình, hay như cách mà cả xã hội vẫn gọi, đi lạc hay sao?
Kẻ đi lạc thì không có nhà. Họ vẫn có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi game, nhưng không có chỗ cho trái tim của mình, không có chỗ cho một ngọn lửa nhen nhóm trong tim họ.
Nhưng con người ấy à, đôi khi trái tim không có đủ giá trị để so sánh với vật chất xa hoa. Vậy nên mới có những đứa trẻ gắn đời mình với chiếc điện thoại thông minh, mà vẫn không lạc đường, yên lành về tới nhà; có những đứa trẻ biết đủ loại ngôn ngữ, nhưng lại không thể thốt lên một tiếng "cảm ơn", hay một lời "xin lỗi".
Trở thành một kẻ đi lạc đã là một tội đày, thì một kẻ đi lạc chẳng hay mình lạc lõng lại đáng sợ hơn.
Thế người làm nghề giáo có bao giờ đi lạc không?
Hẳn là không. Vì họ là người dẫn dắt những kẻ đi lạc tìm lối về nhà cơ mà. Họ cho tâm hồn nguội lạnh heo hắt một ngọn lửa, để dẫn lối. Nghề giáo dạy cho những đứa trẻ lạc lõng kia cách tìm về nhà, cách nói tiếng nói của trái tim. Họ không vẽ hộ bạn một tấm bản đồ, họ đảm nhận một thiên chức còn cao cả hơn thế, phải truyền cho bạn tất cả điều kiện để bạn có thể vẽ nên tấm bản đồ về nhà của riêng mình.
Nghề giáo là một ngọn gió, nhẹ nhàng dắt bước chân kẻ lạc tìm kiếm chốn về.
Cũng vì cái thiên chức dẫn đường cao cả ấy, Song Minho, sinh viên tốt nghiệp bằng xuất sắc Đại học Sư Phạm Quốc Gia, nộp đơn nghỉ việc ở ngôi trường hàng đầu thành phố.
Anh làm sao dẫn đường cho bọn trẻ được, khi bản thân anh còn chưa thấy đường về.
Cất gọn lại tấm bằng của mình, anh leo lên chuyến xe lửa đường dài. Cho đến khi anh yên vị trên tấm ghế gỗ dài, và tầm mắt thì đã phóng đến tận những hàng thông ngọn xanh rì vờn gió thật nhẹ, Minho mới thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng anh cũng phá cho bằng được quỹ đạo của mình, chính thức đi lạc ra khỏi thành phố kia. Tiếng gió tạt qua vù vù như không muốn anh nghe tất thảy những lời đàm tiếu ở phía sau lưng. Mùi gỗ hương trong khoang tàu xua đi cơn chạnh lòng thoáng dâng lên trong lồng ngực anh. Minho hít cạn một hơi gió trời mua chịu của thiên nhiên, tựa lưng vào ghế. Đoàn tàu chạy nhanh hơn, bỏ lại phía sau lưng một quỹ đạo không hoàn hảo, một quỹ đạo anh đã chọn từ bỏ.
Chuyến tàu của Minho kết thúc không nhanh, không chậm, dừng lại ở một nhà ga vắng người. Minho thừa nhận, anh đang đi lạc. Vậy lạc về đâu? Khi mua vé tàu, anh đã chọn điếm đến cuối cùng trong tuyến đi, cũng là nơi duy nhất mà anh nghĩ, sẽ không thể gò anh vào một quỹ đạo nào nữa.
"Con lại nghỉ việc à? Trường tốt như vậy, sao lại nghỉ ? Con nên ổn định dần cuộc sống của mình đi."
"Bác bảo này, nếu sống ở thành phố mệt quá, thì về đây với các bác các cô này. Đã bảo từ mấy năm trước rồi, cứ cắm đầu vào học đại học làm cái gì..."
"Con làm gì thì làm, đừng để phí cái bằng đỏ, bao nhiêu tiền vào đấy cả đấy!"
"Đi tình nguyện á? Lương ở đấy người ta trả không cao đâu con..."
"Đi lên đấy cháu dạy ai người ta học? Dân ở đấy không phải không có điều kiện học, là không muốn học, lên đấy không khéo lại đi dễ khó về..."
"Đang yên đang lành tự nhiên bỏ trường tốt thành phố, về đấy làm cái gì không biết?"
Biết được con chữ có phải là một vinh hạnh không? Mỗi ngày, trên mạng lại cho ra thêm một đống những tuyên truyền, khẩu hiệu rằng nếu bạn biết chữ thì bạn đã may mắn hơn bao nhiêu phần trăm của thế giới, vậy thì, biết chữ là một loại may mắn. Mà đã là may mắn, thì không phải ai cũng được, hơn nữa, biết chữ, đâu chỉ là biết đọc hiểu, biết viết, biết nói thôi đâu? Thành ra nhân loại nhiều người đến như vậy, cũng không thể biết, bản thân có may mắn được biết cái chữ hay không.
Quay trở lại với những đứa trẻ thông thạo hai, ba thứ tiếng từ khi còn bé kia, Minho đã từng chứng kiến trong những tháng năm đi làm gia sư cho nhà khá giả, cậu bé chẳng hề cảm ơn bất kì ai, vì bất kì điều gì. Chỉ gật đầu, và mỉm cười. Vậy, cậu bé ấy "biết" chữ gì?
May mắn là của trời ban, không phải ai muốn cũng được. Nhưng cuộc sống luôn có những điều rất lạ lùng, kể như ngôi làng nhỏ này chẳng hạn. Họ từ chối của may mắn trời ban ấy, từ chối mọi cơ hội để biết chữ.
Gọi là làng cũng đã là gọi quá lên rồi, chỉ là một vài gia đình nhỏ, kiên quyết ở lại với mảnh đất tổ tiên để lại, mặc cho chính quyền cứ gào thét và doạ dẫm, họ vẫn bám lấy cái gốc của mình, không rời đi một tấc. Chính quyền chịu thua, cử người xuống đó dạy chữ, hi vọng rằng họ biết chữ, rồi huênh hoang vì ta đây có cái may mắn trời cho mà nhắm mắt kí đại vào bản cam kết nhượng đất.
Tiếc là, người dân ở đây không biết chữ, nhưng họ biết những âm mưu bẩn thỉu kia. Thèm cái may trời ban kia, để rồi rũ bỏ đi danh dự của một kẻ làm người, quên đi tổ tiên mà lang bạt ? Từ đó trở đi, họ kì thị, ghét bỏ những người lên đó dạy chữ. Người lên đó lâu nhất là được một tháng, rồi cũng chịu không được mà bỏ về. Họ không muốn học, mình muốn dạy cũng khó.
Tại sao lại không muốn học? Đúng là một phần đều do sự tính toán thiệt hơn của các vị cấp trên, nhưng Minho cho rằng, lỗi ở đây, là do người làm nghề kia, chưa thổi được lửa vào hồn của họ, chưa thể đồng cảm với họ, chưa thể khiến họ tin tưởng mà giao phó cho nhiệm vụ người dẫn đường; dẫn họ ra khỏi cái tối tăm của cuộc sống, đi khỏi quỹ đạo ngàn năm của họ.
Minho không có tự tin, nhưng anh muốn thử. Anh muốn thử xem, liệu đi khỏi quỹ đạo của chính mình, anh có tìm được "nhà" hay không? Có giúp họ sống tốt hơn hay không?
Anh nhún vai, đi xa đến đây rồi, bỏ về thì chẳng đáng chút nào. Thế là anh đi thẳng lên nơi những mái nhà tranh lụp xụp giữa một rừng thông cao ngút ngàn. Chào đón anh là những đứa trẻ đen nhẻm, gầy nhom, khoảng chừng sáu - bảy tuổi gì đó. So với chiều cao trung bình ở cái độ tuổi này, hẳn là kém rất nhiều. Chúng núp đằng sau những thân cây thông đã bắt đầu lốm đốm nhựa quý, nhìn anh chăm chú bằng đôi mắt đề phòng, môi mím chặt, như thể đang cầm một khẩu súng lục, và hẳn rồi, nhắm vào anh, với lí do bào chữa không thể tuyệt hơn - tự vệ.
Nhưng chúng là trẻ con, dẫu trông chúng có khó chịu thế nào, vẫn đáng yêu một cách kì lạ. Ít nhất thì chúng không cố giao tiếp với nhau bằng hai thứ tiếng, hoặc cố gắng đọc nhưng brand nước ngoài sao cho thật sành điệu, để rồi so bì nhau. Anh mải suy nghĩ rằng mình nên làm thế nào để khiến cho bọn trẻ bớt sợ hãi, thì tiếng chuông gió lảnh lót vang lên. Rồi như thể đã hẹn trước, bọn trẻ lao đi như tên bắn, để lại anh giữa đống suy nghĩ ngổn ngang.
Anh nhún vai, rồi nhấc chân định bước tiếp, rồi thì dừng lại ở tầm mắt của anh là một cậu bé, không có áo và đang cố níu lấy gấu quần anh. Minho giật mình. Rồi cũng dịu dàng mà ngồi xuống, chẳng hề ngần ngại mà xoa đầu đứa trẻ kia, rồi cười thật hiền:
- Chào em, em tên là gì vậy?
- Không nhớ.
- Ừm, vậy tại sao em lại ở đây vậy?
- Đây là nhà.
- Không, ý anh không phải thế, mà là anh muốn hỏi, tại sao em lại đứng gần anh, em không sợ như các bạn sao?
- Sợ gì?
Minho giật mình, ừ, sợ gì bây giờ, mình đáng sợ đến thế hay sao? Anh lục trong balo ra một chiếc áo thun ngắn, đưa cho đứa bé, rồi giục nó mau mặc vào kẻo đêm rất lạnh. Đứa trẻ không nói gì, lặng lẽ làm theo, khiến Song Minho suýt cười lăn vì chiếc áo quá khổ như thể đang treo vắt vẻo trên cơ thể gầy trơ xương.
- Ba mẹ em đâu?
- Chết rồi.
- Vậy em sống với ai?
- Yoon.
Minho dừng những câu hỏi của mình lại, nhét vào tay đứa trẻ một viên kẹo, rồi lại một lần nửa mỉm cười, khẽ khàng thủ thỉ, rằng đây là kẹo em nhé, và lần sau có ai cho em cảm giác hạnh phúc, hãy nói cảm ơn.
Đứa bé ngơ ra một lúc, bóc kẹo vội vàng cho lên miệng. Nhanh đến mức làm người ta tưởng viên kẹo ấy có thể bị cướp đi khỏi tay nó bất cứ lúc nào. Cho đến khi cảm nhận vị ngọt ngào chưa từng có trước đây tràn vào khoang miệng và nhìn thấy hạnh phúc tí tách từng giọt thấm nơi đầu lưỡi, đứa trẻ mỉm cười.
- Cảm ơn.
Minho xách ba lô lên, đi thẳng. Đứa bé vội vàng đi theo anh, nhưng cũng chỉ dám đi phía sau. Anh cảm nhận được đó như thể một cử chỉ thể hiện sự tôn thờ, cái này thì hơi quá rồi, chỉ là một viên kẹo, đâu có nhiều nhặn gì chứ. Anh quay lại, vẫy tay ra hiệu cho đứa trẻ đi lên với anh. Cậu bé chạy lên, và anh nắm lấy tay nó.
- Dẫn anh đến nhà của em nhé, được không?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top