Chương 60

"Ầy, chậu này nữa là hết rồi đúng không?" Trần Khánh gạt mồ hôi trên trán đi nhìn Vũ Lâm Đoàn hỏi.

"Ừ, nhưng hôm nay lại ăn trúng gì mà chạy sang đây giúp tôi vậy?" Vũ Lâm Đoàn đặt chậu hoa ở một góc, là hoa vạn thọ, mỗi năm dịp Tết đến mọi nhà đều có ít nhất một chậu.

Ý nghĩa cầu cho một năm mới đầy lộc tài và sức khoẻ.

"Chốn bạn bè với nhau cả mà, tiện tay giúp một tí thì có sao?" Phương Trình mỉm cười nói.

"Đúng đúng." Trần Khánh gật đầu tán thành quan điểm của Phương Trình: "Vì thế cho nên cậu giúp tôi mua một chút đồ nhé?"

Vũ Lâm Đoàn bật cười: "Muốn mua đèn đúng không? Cứ nói thẳng đi anh trai, làm tôi tưởng cậu mãi đi đường vòng như thế để nhờ gì lớn lao lắm."

Cậu chàng gật đầu nói tiếp: "Được, ngày mai tôi sẽ đem qua cho cậu, đảm bảo hàng Việt Nam chất lượng cao không sáng đẹp không lấy tiền."

Mẹ Trần Khánh nhờ cậu đi qua nhà nhờ Vũ Lâm Đoàn câu dây nối mấy bóng đèn treo khắp nhà cho có không khí. Bây giờ vẫn còn khá sớm nên cả bọn dân thành phố kia vẫn còn đang ngửa người như cá chết nằm ngủ ở nhà.

***

"Chị hai, chị có chắc không nói cho thằng Khánh biết sẽ tốt hơn không?" Dì ba ngồi bên cạnh giường của dì Liên lo lắng nói.

"Dương, chị không muốn nó trải qua cảm giác đó một lần nữa." Dì Liên cầm lấy bả vai của dì Dương: "Em có thấy mỗi lần nó đi vào nhà đều cúi đầu không? Nó không dám nhìn tấm di ảnh của ba nó, bởi vì nó sợ, sợ lại phải nhớ đến cái cảnh đó một lần nữa."

"Dương à, bây giờ mình cứ im lặng, chị chỉ muốn cho thằng Khánh một cuộc sống trọn vẹn nhất có thể thôi." Dì Liên nói mà nước mắt trên mi vẫn không tự chủ được mà tuôn rơi.

Dì Dương ở bên cạnh chỉ biết vỗ vai chị mình, bởi gì bà biết chị ấy sắp tới giới hạn của bản thân rồi.

Kể từ khi biết bản thân bị bệnh máu trắng, dì Liên đã kêu Trần Khánh đi lên thành phố học. Bà hiểu nếu không làm như vậy thì con mình sẽ không thể nào chú tâm vào việc học và lo cho tương lai được. Thậm chí có thể sẽ nghỉ học chỉ để chăm lo cho bà.

Dì Liên dùng mu bàn tay lau những giọt nước mắt còn đọng trên mặt, bà thở dài: "Chị sẽ làm tất cả để cho nó ăn học tới nơi tới chốn, Dương, em chưa có con nên có thể không hiểu, nhưng với một người làm mẹ mà nói thì chẳng còn gì quý báu hơn việc nhìn thấy con mình cười."

"Chị..."

"Trời sáng rồi, em đi chợ với chị nhé? Sắp năm mới rồi, vui lên." Dì Liên mỉm cười ngồi dậy, tuy sau cơn choáng váng cơ thể có hơi yếu nhưng vẫn có thể tự mình đứng dậy được.

Dì Dương lắc đầu cười cười: "Chị, chị lại học theo cái thói cứng đầu của anh Mạnh rồi!"

Dì Liên mỉm cười: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng mà."

Dương nghiêng đầu hỏi: "Vậy đối với chị, anh Mạnh là mực hay là đèn?"

Dì Liên nhìn lên bức ảnh đặt cạnh giường, cả nhà ba người đang đứng dưới chân núi, chất lượng ảnh chụp đã rất cũ rồi nhưng riêng nụ cười trên môi ấy thì vẫn chỉ như mới ngày hôm qua. Chồng bà - Trần Mạnh đang cõng Trần Khánh nhìn thẳng vào máy ảnh, nét cười tít mắt của hai ba con giống hệt nhau như đúc, khi ấy mỗi lần nhìn Trần Khánh cười bà lại nhớ tới Trần Mạnh.

Nhưng bây giờ nụ cười tít mắt ấy đã chẳng còn hiện hữu trên đôi mắt ấy nữa, mỗi lần Trần Khánh cười với bà chỉ đơn giản là kéo khoé miệng. Dù biết cậu không có vấn đề gì với mình nhưng trong lòng dì Liên lại cảm thấy đớn đau khôn xiết.

"Khi anh ấy còn ở đây thì anh ấy là ngọn đèn sáng nhất của cuộc đời chị, dù cho bầu trời có tối đen như đêm không trăng thì có anh ấy kề bên thì thế giới của chị vẫn cứ sáng như ban ngày." 

Dì Liên nhìn ánh bình minh đang chiếu nhẹ vào khung cửa sổ, tạo ra một tia nắng dài phản chiếu tầng bụi mỏng trong không khí, và ánh sáng ấy như có ý thức, nó hướng tới khung tranh nhỏ trên giường mà phản chiếu chói loà.

"Nhưng đến lúc anh ấy rời đi, cứ như một nghiêng mực của ba bị đổ trên tờ giấy trắng, thấm ướt một mảng rộng thênh thang chẳng còn cách nào cứu vãn được nữa." Bà bước từng bước cẩn trọng đi ra khỏi cửa phòng, Dương thấy dậy cũng bước theo sau.

"Kể cả có là mực hay đèn, thì tất cả chỉ còn là kí ức." Dì Dương nhỏ giọng nói: "Chị hai, tất cả đều đã qua rồi."

Dì Liên mỉm cười: "Em nói đúng, tất cả đã qua rồi. Chẳng bao lâu nữa chị sẽ gặp lại anh ấy ở phía bên kia bầu trời."

***

Nắng ấm chiếu thẳng vào mắt làm Hoàng Khang nhíu mày tỉnh giấc. Cậu giật mình nhìn sang bên cạnh. Văn Phú vẫn đang im lìm ngủ trong vòng tay của cậu, lúc này cũng lờ mờ thức dậy.

"Mấy giờ rồi?" Ngáp dài một tiếng, Văn Phú dùng chất giọng khàn khàn của mình hỏi Hoàng Khang.

"Sao cậu không hỏi hôm qua chúng ta đã nói gì?" Hoàng Khang nhướn mày, cậu có hơi lo lắng, nếu như Văn Phú vì say mới nói mấy câu đó ra thì cậu chắc chắn bị ăn một vố không nhẹ.

"Tôi không say, đương nhiên là nhớ kĩ rồi." Văn Phú thấy Hoàng Khang trả lời không đúng trọng điểm bèn đưa tay cầm lấy tay của cậu chàng nhìn vào đồng hồ.

"Mười giờ rưỡi rồi!" Văn Phú trừng mắt, mọi sự buồn ngủ mơ màng như tan biết hết đi, chỉ còn sự gấp rút hối hả: "Ngủ ở nhà người khác mà đến tận giờ này, năm sau nếu thấy chúng ta đến chắc dì ba Dương lấy chổi quét ra đường quá!"

Hoàng Khang ôm lấy Văn Phú từ phía sau, gác cằm lên vai cậu ấy, Hoàng Khang nói: "Tôi không muốn rời khỏi giường chút nào." Giọng nói cậu kéo dài ra như nũng nịu làm Văn Phú nổi hết da gà.

Ngay lập tức Văn Phú đẩy Hoàng Khang ra rồi ngồi bật dậy, không kịp đợi Hoàng Khang tỉnh hồn đã cầm quần áo chạy biến.

Hoàng Khang nằm vật ra giường, tay chân dang ra quẫy đạp liên tục, cậu bật cười lên như sảng.

Cậu ngàn lần không ngờ rằng mối tình thành công nhất của bản thân lại chính là với người bạn cùng kí túc này. Nếu lúc đó mà nói tương lai như thế này chắc chắn cậu sẽ bật cười cho rằng đó hoàn toàn vô lí. Đúng là cuộc đời không có gì là không thể xảy ra.

Tình yêu đúng là kì lạ. Hoàng Khang tặc lưỡi một cái rồi đứng dậy vươn vai.

Nhưng nó lại rất đáng để tận hưởng, giống như một trang mới của cuộc đời dài dằng dặc được lật ra.

***

"Sao rồi, cảm giác đi dạo nguyên một buổi sáng thế nào?" Trần Khánh ôm một hộp giấy khá lớn lúc đi tới cổng nhà gặp Du Minh bèn cười hỏi.

"Tôi cuối cùng cũng biết vì đâu mà cậu có thói quen chạy bộ buổi sáng rồi." Du Minh tiến tới lau mồ hôi trên trán của Trần Khánh: "Mỗi lần hiểu được hơn một chút về cậu, trong lòng tôi lại như dâng lên cảm giác ngọt ngào khó tả."

Trần Khánh nhướn mày: "Cậu đây là đang thả thính tôi đấy à?"

Du Minh lắc đầu: "Đối với chúng ta đó không còn được gọi là thả thính nữa, mà gọi là tình thú."

Trần Khánh đưa cả cái hộp giấy chứa toàn dây đèn cho Du Minh cầm, hộp khá nặng, lúc đưa sang Du Minh còn bị cả cái hộp kéo xuống.

Có thể ôm cả cái hộp đi quãng đường dài như vậy thì chắc chắn sức mạnh của Trần Khánh không phải dạng vừa.

"Cậu vào trong gọi hai đứa kia dậy đi, hôm nay chúng ta treo đen vòng quanh nhà, Tết nhất đến nơi nhà phải sáng sủa mới có không khí." Trần Khánh nói tiếp: "Tôi đi xin chữ, thường mọi năm sẽ là mẹ tôi đi nhưng năm nay tôi muốn thay đổi một chút."

Cùng lúc đó Văn Phú đi ra, chớp lấy thời cơ Du Minh đẩy toàn bộ đống dây đèn cho cậu ta sau đó nói với Trần Khánh: "Cùng đi đi, tôi cũng muốn xin chữ."

Trần Khánh nhếch mép cười, gật gật đầu rồi giao việc lại cho Văn Phú. Cậu khá tin tưởng cậu bạn đa tài này nên chuyện treo đèn toàn bộ đều để cho Văn Phú quyết định.

Nắm tay Du Minh, Trần Khánh kéo người sải bước như chạy trên con đường nhựa không rộng lắm, phút chốc bóng người đã khuất sau một khúc cua có tán cây xanh che ngang.

Những ngày cận Tết là những ngày bận rộn nhưng cũng khiến con người ta sinh ra lười biếng, mười một giờ con đường vẫn thưa thớt người như lúc bình minh, mà nếu nhìn vào trong những ngôi nhà san sát nhau ấy có thể thấy những con người đang nói cười nô đùa bên trong. Những mảnh đời tha hương cầu thực đã lâu chẳng về quê nay lại được dịp xôm tụ cùng gia đình, nỗi nhớ quê hương da diết được lấp đầy bằng niềm vui sum họp.

Bước ngang những dãy nhà ấy, Du Minh bỗng nhớ tới những ngày gia đình mình còn trọn vẹn, tuy không thể nói có thể nhiệt tình bằng những hình ảnh cậu đang thấy, song vẫn vô cùng ấm áp, mang cho cậu cảm giác bản thân có nơi để thuộc về.

Tết của những năm bố mẹ ly hôn, đối với cậu chỉ giống như một kì nghỉ trong đơn độc, nhìn bạn bè đều có mái ấm để vui cười khiến cậu cảm thấy bản thân như thừa ra khỏi cuộc đời này. Những lúc như vậy cậu đều ở lì trong phòng nhắm mắt cầu cho thời gian trôi nhanh.

Năm nay thì khác, cậu lại muốn cho mặt trời chuyển động thật chậm, để mỗi ngày không phải trôi qua một cách chóng vánh. Kể từ khi gặp Trần Khánh, Du Minh cảm thấy thời gian thật quý báu, không thể phí hoài bất cứ phút giây nào.

Cậu muốn sống mãi ở hiện tại, lại có hoài ước về tương lai. Một nghịch lí luôn tồn tại trong đầu song Du Minh cảm thấy thật hạnh phúc khi bản thân vừa có thể trải nghiệm hiện tại, vừa bước chân tới tương lai nơi không có hai từ "cô đơn".

Thị trấn nói lớn không lớn nói nhỏ cũng không nhỏ, duy chỉ có những mái nhà san sát nhau dường như trải dài đến vô tận.

Nhà ông Lương nằm trong một con ngõ nhỏ, lúc cận Tết là con ngõ treo đầy ắp đèn lồng đỏ cùng các dây đèn nhiều màu sắc xung quanh, dù là buổi sáng nhưng vẫn không thể nào làm mờ nhạt đi cái rực rỡ của nơi này. Con ngõ nhỏ này dường như là một chút lịch sử còn sót lại của một vùng quê đồng đầy hoang sơ, các ngôi nhà theo phong cách Việt Nam xưa cũ đã nhuốm màu rêu phong mọc san sát nhau giống như một bức tường thành vững chãi.

Bước vào ngõ nhỏ, Du Minh cảm tưởng như mình đang đi sâu vào một khe hẹp chỉ có cảnh sáng tán xạ xung quanh và từ trên xuống, những ban công mái lợp đưa ra hứng lấy ánh nắng khiến cho mặt đất chỉ còn những vệt nứt rạn vỡ của ánh sáng, giống như đang chực chờ vỡ đôi ra.

Trong không gian nhỏ hẹp còn vương chút mùi rêu và ẩm, Du Minh không những không thấy khó chịu mà ngược lại còn có một chút cảm giác phiêu lưu, một con mèo thành thị bỗng chốc lại lạc giữa chốn nông thôn vẫn còn đơn sơ này quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ.

Ngõ nhỏ vẫn đúng là ngõ nhỏ, đi chẳng bao lâu đã tới cuối con đường. Du Minh nhìn thấy có những ông bà cụ từ trong một ngôi nhà đi ra, trên tay cầm theo một cuộn giấy đỏ khá to. Liếc sơ qua Du Minh cũng đủ biết đó là câu đối treo nhà.

Nhìn sang Trần Khánh, Du Minh đã thấy cậu bước đi lại đó. Một căng nhà làm từ xi măng và đá, tuổi đời nếu tính theo con người chắc cậu phải gọi là cụ cố. Hai bên vách nhà có hai dòng chữ treo lên, tuy không rành về cách viết chữ thư pháp, song Du Minh vẫn hiểu đại khái.

"Tân niên tân phúc tân tri kỷ. Vạn lộc vạn tài vạn công danh."

Chữ viết lả lướt như gió, đôi lúc dứt khoát như sóng vỗ, cực kì có hồn và nghệ thuật.

"À mà tôi quên hỏi, cậu định xin chữ gì thế?" Du Minh huých nhẹ vào người Trần Khánh hỏi nhỏ.

"Xuân tha hương sầu thương đền nghĩa mẹ. Tết xa nhà buồn bã nhớ công cha." Trần Khánh đáp.

Du Minh không phải người không để ý, chỉ cần nghe hai câu đối của Trần Khánh cậu đã hiểu được gần như tâm tư hiện giờ của cậu ấy.

Theo Trần Khánh bước vào nhà ông Lương, Du Minh có thể cảm nhận được vẻ hoài cổ khi đi vào sâu hơn, từ cánh cửa gỗ đẩy ra đẩy vào cho đến cái chõng tre trắng ngà nằm trước hiên mà cậu chỉ được nhìn thấy trên ti vi. Có một ông cụ ngồi trên cái chõng ấy, tay cầm quạt mo phe phẩy nhịp nhàng. Lúc nhìn thấy hai cậu vào ông liền híp mắt cười, một nụ cười hiền từ yên bình khó tả.

"Khánh hả con? Cả năm rồi chưa gặp, xém tí nữa là ông quên con rồi." Ông Lương tuy đã già, nhưng đôi mắt vẫn rất sáng. Dù hai cậu đứng cách khá xa nhưng ông vẫn có thể nhìn rõ được Trần Khánh.

"Dạ, con mới về hôm qua. Tết năm nay ông vẫn khoẻ như mọi năm nhỉ?" Trần Khánh cười, cậu tiến đến phía chõng tre rồi đặt xuống một túi gì đó mà cậu đã cầm theo từ nãy đến giờ.

"Đã quen nhau mười mấy năm rồi mà con với mẹ con vẫn khách sáo quá." Ông Lương gật đầu cười nói tiếp: "Năm mới rồi, con với bạn đi xin chữ đúng không?"

Du Minh gật đầu: "Con có đem giấy đỏ theo, nhờ ông Lương đề giúp con hai dòng câu đối."

Ông Lương cười nhẹ, đoạn đưa tay ra. Trần Khánh hiểu ý đặt giấy đỏ vào tay ông. Ông Lương trải giấy ra sau đó dùng cây cọ chấm vào nghiêng mực đã mài sẵn ở bên cạnh, từng nét bút lướt đi trên mặt giấy giống như cánh chuồn chuồn bay trên nước, đọng lại từng gợn sóng hoạ nên bức thư đồ tỉ mỉ và tinh xảo.

Từ lúc đặt chân tới miền quê của Trần Khánh đến bây giờ dường như thứ gì đối với Du Minh cũng đều rất mới mẻ, những thứ mà ngỡ như cậu sẽ chẳng bao giờ tiếp xúc được nay lại bày ra trước mắt, là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói "đã là cuộc sống thì không gì là không thể xảy ra".

Ông Lương viết thư pháp rất nhanh, thoắt cái đã có hai tờ câu đối giấy đỏ mực đen đưa đến cho Trần Khánh. Cậu nhận lấy, gật đầu cảm ơn rồi chúc vài câu đơn thuần rồi cùng Du Minh đi ra khỏi ngõ.

***

"Treo sát phía bên phải một chút, sau đó lên trên." Văn Phú vừa căn chỉnh dây đèn phía bên mình vừa ra hiệu cho Hoàng Khang treo ở phía đối diện.

Hiên nhà khá thấp nên hai cậu chỉ bắt hai cái ghế gỗ trong nhà là có thể đứng lên treo đèn, trước đó ở trên góc nhà đã có đóng sẵn đinh làm cho việc căn chỉnh dễ dàng hơn rất nhiều. Trong lúc hai cậu đang chuyên chú mắc dây đèn thì dì ba Dương đã bước ra. Nhìn lên mái hiên đã giăng một sợi dây đèn nhiều màu sắc, dì Dương khẽ cười.

"Lâu rồi mới thấy thằng Khánh mua đèn về treo. Kể từ sau khi ba nó mất thì ngôi nhà hiu hắt hẳn đi, mấy dây đèn trong tủ không có ai treo dần bị hư hết rồi cũng đem vứt." Dì Dương đi tới hộp dây đèn treo bên dưới chân của Văn Phú và Du Minh, cầm lên một sợi, dì nói tiếp: "Năm nay dì thấy nó cười nhiều hơn, nhất là khi ở cạnh cậu bé kia, cậu ấy tên Du Minh đúng không?"

Hoàng Khang im lặng nhìn Văn Phú, cậu không ngờ rằng tài quan sát của người lớn lại cao siêu đến vậy, chỉ nhìn sơ qua một chút là có thể đoán được tâm trạng của người khác.

Văn Phú gật đầu đồng ý với ý kiến của dì Dương: "Con cũng thấy vậy, năm ngoái đến câu đối cậu ấy cũng lười đi xin chứ chưa nói đến mới sáng bảnh mắt ra đã đi mua đèn." Cậu hiển nhiên biết vì điều gì mà Trần Khánh lại có hứng thú với cái Tết này như vậy, nhưng chỗ bạn bè thân thiết với nhau, việc nói ra bí mật này chẳng khác gì bán đứng Trần Khánh.

Văn Phú uyển chuyển viện một lí do thật trơn tru: "Du Minh học hơi yếu nên cậu ấy có nhờ Trần Khánh dạy kèm, có lẽ vì thế nên quan hệ mới khăng khít như vậy."

Dì Dương gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, sau đó cầm dây đèn đi tới cây hoè già giữa sân nhà.

"Muốn treo đèn thì đầu tiên phải treo lên cái cây này, dì đảm bảo tối mở đèn lên sẽ cực kì đẹp." Dì Dương vừa nói vừa mắc dây đèn lên mấy nhánh cây, Trần Khánh mua khá nhiều dây đèn nên khi trang trí xong cả cái cây vẫn còn dư kha khá đèn để trang hoàng lại bên trong nhà.

Sau khi dì Dương bước vào nhà để sửa sang, Hoàng Khang tiến lại phía Văn Phú đang kiểm tra dây dẫn của mấy bóng đèn.

"Phú này." Hoàng Khang ôm Văn Phú từ phía sau, cằm đặt lên vai của cậu ấy: "Vậy là năm sau chúng ta vừa có thể ăn Tết, vừa có thể ăn mừng tròn một năm bên nhau rồi. Chính tôi bây giờ còn thấy điều này hết sức vô lí."

Văn Phú đưa tay xoa má cậu khẽ cười: "Nếu cuộc đời có thể đoán trước được thì nó chẳng còn điều gì kì diệu nữa."

"Kể từ khi tôi nghe được mấy lời nói của cậu mấy hôm trước, tôi đã suy nghĩ rất nhiều." Hoàng Khang trầm ngâm nói tiếp: "Nhưng lạ thay tôi lại không hề nghĩ đến việc xa lánh hay bài xích nó, giống như rằng tôi đã tiên liệu điều này có khả năng xảy ra từ trước đó rồi."

Văn Phú dừng động tác lại, cậu híp mắt nhìn Hoàng Khang: "Thế trước đó cậu đã có tình cảm với tôi rồi à?"

Hoàng Khang "ừ" khẽ một tiếng, bàn tay càng ôm chặt Văn Phú hơn: "Ban đầu tôi cứ nghĩ đó chỉ là tình bạn đơn thuần. Nhưng sau khi phân tích kĩ càng thì tôi nhận ra rằng chẳng có đứa bạn nào mà khi ngủ hay lúc ngẩn người đều nghĩ tới bạn của mình cả."

Văn Phú bật cười: "Thì ra cậu lại mơ tưởng tới tôi trong giấc ngủ." 

Cậu nghiêng đầu, ghé sát miệng vào tai của Hoàng Khang thủ thỉ: "Cậu có làm gì tôi trong giấc mơ không?"

Hoàng Khang hắng giọng một tiếng rồi lùi xa ra khỏi Văn Phú, cậu xua xua tay: "Không, không có, tôi không làm gì cả!"

Văn Phú nhìn cái mặt của Hoàng Khang dần dần đỏ lên, cái người trước mặt này dù có cố nói dối tới đâu thì nét mặt vẫn là thứ bán đứng cậu ta.

***

"Hai tụi bây lại chim chuột gì với nhau mà quá giờ cơm trưa mới thấy vác xác về?" Hoàng Khang ngồi tại băng ghế đá, bên cạnh là Văn Phú đang chuyên chú bấm điện thoại, thấy hai cậu về thì ngẩng đầu lên nhìn.

Du Minh giờ hai cái túi trên tay lên: "Đồ nhắm, có khô cá và trái cây, lát nữa vào vườn hái một ít xoài và cóc nữa là đủ một bữa."

"Cậu chỉ mới ở đây có một ngày thôi mà tôi không nhìn ra dáng vẻ dân thành phố nữa rồi." Trần Khánh vỗ vai Du Minh cười nói.

"Cái này người ta gọi là thích nghi!" Du Minh đắc ý nói.

Trần Khánh cầm tờ giấy đưa lên: "Câu đối mới xin, mấy năm trước toàn là mẹ tao đi thôi, có mấy câu chúc mừng năm mới lặp đi lặp lại cũng chán. Thế nên năm nay tao đổi câu khác ý nghĩa hơn."

Hoàng Khang cố nhìn mà chẳng thể nào nhìn ra được trên đó viết cái gì, không khác gì tiếng Thái.

Văn Phú nhìn xong gật đầu rồi lấy điện thoại ra chụp: "Hai câu này ý nghĩa thật đấy! Tao phải chụp lại để viết cho ba mẹ tao xem."

"Nhắc mới nhớ, nhà mày ở đâu thế Phú?" Du Minh hỏi.

"Tao ở với dì, sau thấy ngột ngạt quá nên đi ra ở riêng. Tiền học phí thì dì lo còn tiền sinh hoạt tao phải tự túc." Văn Phú đáp rồi cầm túi trái cây của Du Minh lên đem vào trong. Hoàng Khang thấy vậy cũng đi theo phía sau.

Du Minh hơi thắc mắc, thế là quay sang hỏi Trần Khánh: "Tại sao nó không ở chung với ba mẹ mà phải ở nhà dì?"

"Ba mẹ Văn Phú mất cả rồi, trong một vụ tai nạn giao thông." Trần Khánh hạ giọng nói. Chuyện này chỉ có nhóm Trần Khánh biết, nó giống như vảy ngược của Văn Phú, nếu chạm sâu vào sẽ rất đau.

Trần Khánh không biết khi nhìn hai câu đối đó trong lòng Văn Phú sẽ có cảm giác gì, nhưng cậu biết chắc rằng cảm giác đó không hề dễ chịu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bl