kaka-Tien _ Truyen-TY-hay-10

TTO - Tôi quyết định chia tay anh. Ý thức được điều ấy không phải dễ dàng. Tôi đã đau biết chừng nào mặc dù tôi vẫn tỏ ra rất bình thản. Mẹ nói: “Dạo này trông con hơi xanh. Thức khuya vừa thôi, đi ít thôi và bớt làm việc đi một chút. Làm là làm cả đời chứ có phải một sớm một chiều đâu mà vội.

Sức khỏe là quí nhất, con ạ, tiền cũng chẳng mua được”. Tôi nói khẽ để làm việc và để khỏi phải nghĩ về anh. Ngày nào tôi cũng đi làm từ sớm và về lúc chiều thật muộn, cố vứt bỏ cái thói quen ghé vào nhà anh trên đường về lúc tan tầm.

Sự náo nhiệt của phố phường, cái tình yêu cuộc sống luôn âm ỉ cháy trong tôi từ trước khi biết anh và sự reo vang tưởng như bất diệt của cuộc đời giúp tôi bình tâm được đôi chút trên những quãng đường dài, mệt mỏi giữa hai lần đèn giao thông xanh đỏ cứ chớp chớp như những con mắt buồn ngủ. Tôi thấy mình lâng lâng, muốn gượng lên nhưng mà ý chí và cảm xúc cứ trôi tuột, buông xa. Tôi nhủ thầm rằng tôi mặc kệ chúng. Và tôi đã mặc kệ được khá lâu rồi. Tôi biết mình chịu đựng được.

Chuyện cũng chẳng có gì nhiều, nếu không muốn nói là không hề tồi tệ hơn những lần giận dỗi nhỏ mà chỉ mình tôi biết trước đấy. Đây có lẽ là lần đầu tiên anh cảm thấy rằng anh đã làm tôi tổn thương. Anh lúc nào cũng thế cả. Vẫn là sự vô tâm cố hữu. Vẫn là cái thói mặc kệ cho mọi việc đến và đi, không níu kéo, không đấu tranh.

Tôi đã tha thứ nhiều lần; lần nào cũng là tự mình lại tha thứ. Cái tình cảm lâu bền mà chúng tôi đã có ấy có khi còn hơn cả một tình yêu. Nó là một trạng thái nương tựa lạ lùng, là cần đến ai đó cho sự sống của mình, là làm cho mình dũng cảm và tốt lên, là thấy mình vững chãi, bình yên… - thiêng liêng và giản dị biết bao. Bao giờ tôi cũng tha thứ được. Tôi biết anh đã mệt mỏi với tuổi thơ bất hạnh của mình.

Có lẽ anh đã quen với sự bất hạnh đến mức không dám tin và bám giữ lấy hạnh phúc tồn tại trong dáng dấp một cá thể nào đó vì sợ rằng rồi ngày kia, khi nó bỏ ra đi giống như người ta vẫn có thể giận và bỏ nhau đầy vô cớ trong cuộc sống này, anh sẽ không còn gì, không còn lại cả cái tự chủ, kiêu hãnh kiểu một người cô độc như bây giờ anh đang cố bám giữ, cái đã làm cho tôi thương và quan tâm đến anh. Lúc nào anh cũng lặng lẽ chịu đựng và lần nào tôi cũng lặng lẽ quên đi; để rồi chúng tôi luôn phải tránh nhắc lại những vết thương cũ.

Bây giờ, cũng chẳng có lý do gì đủ lớn và đúng đắn cho quyết định của tôi cả. Có điều, tôi không còn tin rằng mình đủ độ lượng và yêu thương, cũng không còn đủ kiên nhẫn với sự chịu đựng dũng cảm của cái đầu óc rành mạch và nghiêm khắc ấy, không còn muốn cố gắng đi một mình trên con đường dài chông gai ấy nữa. Tôi không tin rằng người ta xứng đáng được hưởng hạnh phúc nếu không tìm kiếm và giữ gìn. Tôi thấy mình bị tổn thương.

Đã bao thời gian đi qua rồi nhỉ?

Sáng nay cũng lại là một sáng bình thường nữa thôi. Tôi thấy lòng buồn bã nhưng cứng cỏi – đấy là một cảm giác ngấm sâu như rượu cần và ăn mòn như a xít. Tôi không cho những ý nghĩ trỗi dậy nữa mà quyết định đi làm sớm hơn thường ngày. Nhưng cái đồng hồ báo thức vừa gõ 6 tiếng nhẹ nhàng và êm ái kia là cái đồng hồ mà anh đã mua cho tôi.

Anh nói: “Em thật là người biết quản lý thời gian, thật là người biết thưởng thức cuộc sống đấy”. Và cái đoạn opera trích trong vở Carmen mà tôi đang nghe đây thì làm cho tôi nhớ đến những lần đi hòa nhạc trong Nhà hát Lớn, đi xem phim và đi nghe hát với anh.

Tôi sẽ nghe hết đoạn nhạc này, đoạn nàng Carmen trêu chọc Don Jose, rồi sẽ rời khỏi cái giường ấm áp này, sẽ xuống nhà ăn sáng với bố mẹ, sẽ đánh răng rửa mặt bằng nước ấm ủ trong cái phích nước màu đỏ rồi dắt xe đi làm. Tuần tự từng việc một. Tôi biết mình buồn.

7 giờ sáng. Những cặp vợ chồng trẻ đưa nhau đi làm. Tôi thấy họ đáng thương. Ngày mai, rất có thể một nửa trong số những đôi vợ chồng và người yêu kia tuyên bố bỏ nhau và sẽ có thêm một nửa số người buồn bã một cách lặng lẽ và can đảm như tôi lúc đứng dưới đèn đỏ chờ đến lượt qua đường và câu dầm niềm vui sống của mìn trên từng việc nhỏ nhặt, vặt vãnh, tuần tự.

Bác bảo vệ già tươi cười chào tôi và hỏi: “Thế nó đâu mà đi một mình hả con?”. Tôi khẽ cười: “Dạ, anh ấy bận đi công tác”. Không vui, không buồn vì câu hỏi ấy. Tôi thấy bác bảo vệ cũng đáng thương. Làm sao mà tuổi già của bác còn phải nhớ hết tên bạn trai, bạn gái của những nhân viên trẻ như tôi trong cái trụ sở to lớn này.

7 giờ 30 sáng, tôi kiểm tra hộp thư điện tử trước lúc vào làm. Có một đống thư công việc chán ngắt với một vài cái thư của bạn bè và một cái thư của một người bạn rất thân đang ở bên Anh. Đấy là một người mà tôi đã ương bướng từ chối để yêu anh, một người con trai hiểu tôi, trân trọng và thương tôi đến mức tôi ưng nhận làm anh trai hơn.

Anh ấy hỏi thăm sức khỏe, công việc và không biết vì sao lại nói một câu bâng quơ: “có gì trục trặc, nhất định phải nói cho anh biết. Nhớ là đừng bao giờ để một xích mích nhỏ làm hỏng một tình cảm lớn, nghe chưa”. Tôi nhớ đến những kỷ niệm cũ với anh, băn khoăn không biết đấy có phải một tình cảm lớn. Tôi không tiếc nhưng buồn.

11 giờ 30, tôi quyết định không đi ăn cơm với mọi người mà đi ăn một mình và đi bộ sang phố Tràng Tiền mua mấy quyển sách về đọc. Lâu rồi tôi chưa đọc được truyện gì mới mà dạo này lại khó ngủ. Trong hàng fastfood, những người nước ngoài bắt tay và hôn má khi gặp mặt, lại bắt tay và hôn khi ra về, cầm tay mà đi dung dăng trên phố. Họ cười nói thoải mái và thẳng thắn. Tôi lại nghĩ giá như văn hóa của chúng ta cũng cho phép điều đó thì tôi đã có thể nói thẳng với anh rằng tôi đã thương và kỳ vọng ở anh biết chừng nào.

Lúc 12 giờ rưỡi trưa, hiệu sách Tràng Tiền vắng tanh, chỉ có mấy cô phục vụ quầy trẻ tuổi ngồi nhàn nhã. Một nửa trong số họ sắp làm mẹ và tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc đáng yêu trên những gương mặt trẻ, rạng ngời. Tuổi trẻ - bản thân nó đã có nghĩa là hạnh phúc và cái đẹp rồi, phải không nhỉ? Ở quầy sách ngoại văn, cô gái trông quầy đang nói điện thoại:

- Thôi mày ạ, chẳng nên tiếc làm gì – tôi nghe thấy cô ấy nói – mày cứ làm cái gì mày cho là đúng đắn, còn đến đâu thì kệ. Có tình cảm thì thế nào mọi chuyện cũng qua; còn nếu không thì cố cũng chẳng được. Trong tình cảm, không giở lý ra được đâu; chừng nào còn thế thì chẳng đến đâu cả…

Ngừng một lát.

- Biết rồi…, thì mày cứ thử xem, không về sau lại hối hận. Đừng suy diễn làm gì, chỉ căn cứ vào thực tế hiện tại thôi, chuyện cũ đừng bới lại… Hả? Được rồi, mà tao nói thật nếu có xung đột thì phải giải quyết sớm đi, để lâu thế nào cũng rắc rối lắm đấy… ờ… ờ…

Tôi tưởng tượng lại một cô gái nào đó xung đột với người yêu. Tôi muốn gào toáng lên thật to. Ôi trời ơi, thế giới này có mỗi chuyện ấy để nói thôi à? Mà sao lại toàn là các cô gái thế không biết. Tôi nghĩ đến anh và tưởng tượng có lẽ bây giờ anh cũng đang hợm hĩnh lắm với sự chịu đựng của mình.

Tôi thấy mình ghét anh và tôi ghét sự bướng bỉnh của anh. Nhưng nếu anh không bướng bỉnh và không dũng cảm chịu đựng như thế, tôi đã chẳng thương và tha thứ cho anh bao lần từ trước đến giờ. Anh chẳng giống những vậy chút nào. Nhưng hình như cái gì cũng có giới hạn thì phải.

Tôi mua hai quyển truyện cổ Anđecxen, một quyển truyện ngắn Mỹ và một quyển truyện của Pautôpxki, cứ như để trả công cho sự hảo tâm của cô gái đứng quầy với người bạn gái đáng thương nào đó của cô ấy. Tôi không muốn nghĩ đến anh nữa.

3 giờ chiều, Fred – giám đốc người Mỹ - nói với tôi rằng chúng tôi đã ký được cái hợp đồng khó nhọc ấy và anh sẽ chiêu đãi mọi người, nhất là tôi vì đã vất vả suốt thời gian vừa qua. Fred nói rằng kinh nghiệm và sự điềm đạm, chắc chắn của tôi, là một tài sản. Người nước ngoài thật lịch sự và khéo ăn nói. Nhưng chính anh cũng đã có lần nói với tôi rằng anh thích sự điềm đạm của tôi.

Chúng tôi đi uống bia và ăn uống linh đình; mọi người cười đùa và trêu nhau ầm ĩ; tôi hứng chí xung phong hát một bài hát tiếng Anh của Beatles, lời của nó nói rằng “Ngày hôm qua, mọi nỗi buồn của tôi tưởng đã rời xa; thế mà bây giờ chúng dường như hiện hữu cả nơi này”. Tôi thấy mình mệt và hình như là ngu xuẩn.

5 giờ chiều, tôi quyết định về nhà, mặc cho mọi người níu kéo. Tôi cũng không muốn quay lại văn phòng để làm việc muộn hôm nay nữa. Tôi tưởng tượng mình đi qua về qua chợ, mua một ít đồ ăn ngon mang về cho mẹ nấu và mua kem rồi sẽ ăn một bữa tối không vội vàng với bố mẹ. Như thế sẽ thanh thản biết bao.

Và tối nay tôi sẽ không làm việc mà ngồi xem phim với mẹ hoặc nằm ở phòng khách mà đọc sách hay nói chuyện thời sự với bố, hoặc bàn chuyện kinh doanh. Tôi sẽ đi ngủ khi thật mệt rồi. Phải, bố mẹ luôn tự hào về tôi biết chừng nào và tôi bao giờ cũng bé bỏng, đáng thương và đáng yêu cả. Tôi muốn về nhà.

5 giờ rưỡi chiều. Đường phố đông đúc và bụi. Lại tắc đường. Tôi không thấy mình bực mình. Cũng không sốt ruột. Trên vỉa hè, những em học sinh nhỏ đi học về cười đùa ríu rít. Một vài nhà hàng và cửa hiệu đã bắt đầu thắp đèn. Tôi nhớ đến mùa đông trước vẫn thường hay chạy xe cùng anh loanh quanh qua các phố vào tầm này rồi đi ăn tối ở đâu đó.

Nếu bây giờ ghé vào nhà anh, nhìn thấy anh, cười với anh và nói một điều gì đó thật càn quấy hoặc có khi cũng chẳng cần nói gì cả, chỉ cười thôi thì tốt biết bao. Cái ý nghĩ ấy đi qua nhanh như một cơn gió. Tôi nhớ lại cái email lúc sáng và những câu nói bâng quơ của cô gái bán sách trên phố Tràng Tiền.

Đèn xanh. Tôi rẽ về phía tay phải.

a

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: