Chap 1
Tôi là Vương Tuấn Khải, từ năm 7 tuổi được dì Lưu, tức mẹ nuôi, nhận nuôi về từ cô nhi viện. Mẹ nuôi đưa tôi về một ngôi làng ven biển, sống với bà ngoại năm nay đã ngoài 80. Tôi biết mẹ nuôi nhận tôi về cũng chỉ để có thêm người chăm sóc bà, nhưng dù sao tôi cũng rất cảm tạ về điều này. Nhờ mẹ nuôi, tôi được đi học, được theo các chú các bác trong làng ra khơi bắt cá. Cuộc sống an nhàn yên ổn cứ thế trôi qua.
Bà ngoại có ba cô con gái, ông đã hi sinh từ hồi chiến tranh, khi bà đang mang thai cô con gái út. Mẹ nuôi tôi là con cả, sống gần đó có nhà dì hai, dì út thì lấy chồng rồi sinh sống trên thành phố, mỗi năm ghé về thăm quê đôi ba lần.
Năm tôi 12 tuổi, mẹ nuôi tôi mất vì khối u ở não. Mẹ phát hiện ra điều này tuy sớm nhưng không còn kịp, nếu phẫu thuật thì khả năng thành công chỉ có 30%. Tôi nhớ như in hôm đó, mẹ nằm trên giường, dùng hết sức lực còn lại dặn dò tôi đủ điều. Mẹ nuôi tôi sống cả đời chỉ một mực chăm bà, không lo đến hạnh phúc cá nhân vì mẹ biết, mình không có khả năng sinh con, thế nên mẹ mới nhận nuôi tôi về. Tôi từ lúc sinh ra đã bị bỏ lại ở trước cổng cô nhi viện, không được có cảm giác có ba có mẹ như nhiều đứa trẻ khác. Nhưng ông trời ít ra đã thương xót, cho tôi có một người mẹ, một người tuy không hề có máu mủ ruột rà gì với tôi nhưng yêu thương, chăm sóc tôi còn hơn ruột thịt. Cảm tạ mẹ, cảm tạ người phụ nữ nhân hậu nhất trên đời này.
__
Hè năm tôi 15 tuổi.
Mấy ngày trước, tôi có nghe dì hai nói qua hè này gia đình dì út sẽ về quê tận một tháng. Vì sao tôi dùng từ "tận" ư? À, cũng là do những năm qua, năm nào dì ấy cũng chỉ về đây một hai ngày là cùng, thăm bà ngoại một chút, chào hỏi họ hàng một chút rồi lại rời đi. Công việc của dì ấy trên thành phố rất bận rộn mà, với cả, thằng nhóc con của dì ấy, hình như cũng trạc tuổi tôi, chính là một tên công tử bột đích thực. Cậu ta cứ mỗi lần về là luôn miệng chê bai nơi này thật hôi hám mùi tôm cá, mùi mằn mặn của biển. Hừ, cái loại suốt ngày chỉ sống trong chăn ấm nệm êm như cậu ta thì làm sao mà hiểu được cuộc sống nơi thôn quê ven biển này chứ! Mà hè này dì út định cho cậu ta về đây những một tháng. Đùa sao? Không sợ cậu con trai quý giá kia bị ngộ độc mùi cá khô ư? Tôi chống mắt lên chờ xem cậu ta sẽ thích ứng làm sao.
Bà ngoại thì trái lại với tôi, bà rất mong chờ lần này có thể được ở bên cô con gái út nhiều hơn. Cũng phải thôi, từ khi dì út lấy chồng đến nay đã bao giờ về đây được lâu đâu. Kể cả lễ Tết, ngày hôm nay vừa lục đục về quê, hôm sau đã thấy xách túi lên xe rời quê rồi. Sau sự ra đi của mẹ nuôi, sức khỏe của bà đã yếu hơn rất nhiều. Trước đây bà có thể tự mình đi chợ, đi dạo một mình qua các xóm nhỏ thì bây giờ bà chỉ có thể loanh quanh trong sân nhà, cho gà ăn, ngồi một chỗ làm vàng (*) thôi.
Dẫu sao thì, mong là một tháng hè này tôi sẽ không bị dính phiền phức gì nhiều. Cầu mong cho cậu ta ở lì trên nhà dì hai cả ngày cũng được. Tôi thuộc dạng không thể nhìn tâm trạng người ta mà sống, nếu bắt tôi chịu đựng cái tính công tử của tên nhóc ấy á, thà bảo tôi ăn ngủ cả ngày trên thuyền còn hơn.
Có thể nói rằng, ấn tượng của tôi đối với cậu nhóc kia hoàn toàn là rất xấu.
~~
Sáng sớm, tôi cùng các chú sau một đêm lênh đênh trên biển đã vào bờ, thành quả cũng kha khá, cả một thuyền đầy ụ tôm cá, cua ghẹ. Tôi phụ một tay phân loại mỗi thứ một nơi để một lát nữa sẽ có người mang chúng ra chợ bán, bản thân thì nhận được một túi tôm ghẹ tươi sống do bác Tư cạnh nhà giúi vào tay. Cầm tiền công cộng thêm một chút phần thưởng nho nhỏ, tôi mỉm cười nghĩ đến chuyện trưa nay sẽ có một món canh hải sản ngon miệng cho bà ngoại.
- Bà ơi! Cháu về...
Vừa mới mở cổng, cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi có chút hốt hoảng. Sao mới đó mà gia đình dì út đã về đến đây rồi? Không phải nhanh quá à? Dì út thì đang xách mấy túi đồ vào trong nhà, còn...tên công tử bột kia thì đang ngồi trên chõng ngoài sân hí hoáy bấm điện thoại. Ủa, cậu ta không đeo khẩu trang sao? Thường thì mới bước vào đã nhăn mặt bịt mũi chê bai ỏm tỏi rồi mà, sao giờ lại ngoan ngoãn ngồi yên lặng thế thôi? Nghe tiếng, cậu ta ngẩng đầu lên chào một câu rõ lớn:
- Chào anh Khải!
Bà ngoại từ trong nhà ngang bước ra, khuôn mặt có phần tươi tắn hơn. Bà cầm một cái khăn mặt mới tinh đưa cho cậu nhóc ấy rồi mới quay về phía tôi cười hiền từ:
- Tiểu Khải về rồi đấy à? Đi tắm rửa qua một chút rồi nghỉ ngơi đi! À, tháng này Nguyên Nguyên sẽ ở đây cùng chúng ta đấy!
Tôi nghe đất trời nổ bùm một tiếng. Tôi không có nghe nhầm chứ? Cậu ta sẽ ở đây chứ không phải nhà dì hai sao? Bà ngoại, bà không sợ cậu ta bị ngộ độc...mùi ư?
- Tiểu Khải đó sao? Lâu rồi không gặp, cháu lớn hơn nhiều quá nhỉ? So với Nguyên Nguyên thì đúng là bậc đàn anh. Một tháng tới nhờ cháu chăm sóc Nguyên Nguyên giùm dì nhé!
Tôi chưa kịp mở miệng thắc mắc vì sao tôi lại phải chăm sóc cậu ta thì dì đã tiếp lời:
- Vì công việc nên dì chỉ ở lại đây một tuần thôi, chú thì đã đi công tác mấy ngày trước. Nguyên Nguyên sau này đành phiền cháu rồi.
Tôi cũng đành còn cách gật nhẹ đầu, cầm túi hải sản cho vào bếp rồi đi tắm qua loa một trận. Vương Tuấn Khải! Không sao cả! Mày sẽ vượt qua một tháng nhanh thôi! Cứ coi như thằng nhóc kia là người vô hình là được. Phải, người vô hình.
Nhưng sự thật lúc nào cũng tréo ngoe như thế!
~~
Tôi không biết mình đã chợp mắt được bao lâu, khi tỉnh dậy, đập vào mắt là một dáng người đang ngồi thu lu ở góc giường bấm điện thoại. Lắc lắc đầu vài cái cho tỉnh táo, tôi mới nhớ ra là sáng nay dì út đã về. Thằng nhóc kia, tên gì ấy nhỉ, à, là Vương Nguyên, chẳng lẽ suốt từ lúc chạm mặt tôi đến giờ mắt không rời khỏi cái màn hình điện thoại kia?
- A, anh Khải dậy rồi!
- Ừm, bà với dì út đâu rồi? Sao cậu lại ngồi ở đây?
- Mẹ em đưa bà đi chợ rồi, bà nói đã lâu không đi chợ, hôm nay trời đẹp nên muốn đi thử một lần. Em loanh quanh không biết làm gì nên vào đây ngồi thôi. Dù sao ngoài kia cũng...
- Khó chịu? Mùi cá khô không ngửi được sao?
Tôi cố che giấu nụ cười mỉa mai trên môi, không để ý đến cậu ta nữa mà soạn lại chăn gối trên giường rồi bước ra ngoài. Chỉ cần nán lại đó một lúc nữa tôi chắc tôi tuôn ra những lời không được hay ho lắm mất. Chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn vào cái bộ dạng công tử bột trên người cậu ta là tôi lại sôi máu, nếu không thích thì gượng ép làm gì, cậu ta có thể khăng khăng từ chối về đây với dì út mà. Nực cười, muốn diễn cảnh con ngoan à?
- Anh Khải không thích em sao? Anh...là ghét em lắm đúng không?
Tôi giật mình dừng bước khi nghe những lời ấy. Nếu cậu hiểu được điều đó thì tốt quá, tôi đỡ phải nhẫn nhịn thái độ với cả những lời nói của mình.
- Em biết trước đây mình có hơi...vô lễ, không phải phép nhưng mà...bây giờ em đã thay đổi rồi. Mẹ em nói, trước đây mẹ thật có lỗi, đã không giúp gì được cho bà, sau cái chết của dì cả bà lại càng vất vả hơn nhưng mẹ em lại ở xa quá... Hè này em không qua ông bà nội mà dành hết thời gian về đây cũng chỉ mong sẽ đỡ được phần nào cho anh và bà. Nếu...nếu anh cảm thấy chán ghét em, em sẽ lên nhà dì hai, chỉ những lúc anh đi vắng mới xuống đây chơi với bà. Anh thấy như vậy...
- Được rồi Vương Nguyên!
Tôi cảm thấy rối rắm quá! Thằng nhóc này...từ lúc nào đã biết suy nghĩ như vậy? Chẳng phải năm ngoái vẫn còn đóng khung một cái bộ dạng đáng ghét của tầng lớp bề trên sao? Chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi mà lại nhìn nhận nhiều chuyện thông suốt hơn. Haiz, tôi cũng không phải người không biết nói lí, người ta nói "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại". Nếu tôi cứ tiếp tục nhìn vào những chấm đen mà không nhìn rộng ra các khoảng trắng của tờ giấy thì chẳng phải cố chấp quá ư?
- Nếu cậu...thực sự thích nghi được thì tốt. Tôi cũng chỉ là ghét cái thái độ trước kia của cậu thôi. Cuộc sống sinh hoạt ở làng quê không phải dễ dàng gì, hơn nữa đây là vùng ven biển, mùi cá tôm khắp nơi là không tránh khỏi, một vài ngày sau sẽ quen thôi.
- Anh...anh sẽ không ghét em nữa chứ?
- Còn tùy vào biểu hiện của cậu.
-End chap 1-
(*) làm vàng: "vàng" ở đây là thứ làm bằng tre nứa mảnh và giấy, hình dạng bằng hộp bánh đậu xanh nhỏ nhỏ í, hóa vàng trong các dịp cúng giỗ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top