18.Hẹn Hò Đôi
Trần Phong Hào sống với Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Thanh Pháp, Trần Đăng Dương ba tháng, chưa hề tốn một đồng xu teng nào. Thậm chí cái mắc áo của anh cũng là của mẹ Thái Sơn mua giúp, còn bàn chải đánh răng thì trong một ngày đi siêu thị cùng Thái Sơn, anh gạ cậu rằng bàn chải của cậu đã đến lúc thay, sau đó nhanh tay nhón lấy loại bàn chải giá cao ngất nhưng mua một tặng một. Tiền nước Nguyễn Thanh Pháp trả, tiền điện Trần Đăng Dương trả, mấy thứ hoá đơn tiền rác tiền mạng, Thái Sơn cũng không ngửa tay ra đòi. Thái Sơn chi tiền ăn uống, đôi khi còn chi cả tiền cho mấy chục vị bia mà Phong Hào hứng lên mua thử. Dép đi trong nhà tắm là loại dép xốp màu xanh, may mắn không được viết bút xoá nên tránh nhắc Phong Hào về quá khứ kinh hoàng.
Thế nhưng sau ba tháng sống cùng với Nguyễn Thái Sơn và Trần Đăng Dương và Nguyễn Thanh Pháp, Phong Hào dần dần nhận thấy, danh dự của anh rơi rớt không còn lấy một mảnh nào.
Đầu tiên là ở nhà một mình buồn chán, đi mách mẹ Thái Sơn để kéo cậu về. Thái Sơn kéo thêm Thanh Pháp về, mất công vừa ghét vừa yêu Thanh Pháp, bóng gió tưởng tượng Thanh Pháp và Thái Sơn có gì đó, đỉnh điểm còn tự mình làm mình buồn nôn với câu chuyện sửa điều hoà biến thái của Thanh Pháp với Thái Sơn. Tưởng rằng cái áo Prada "dấu nhân" Adidas đã là lần quê độ cuối cùng thì không, sợi miến vô tình chui ra từ lỗ mũi mới là thứ chấm dứt hoàn toàn hình tượng Trần Phong Hào ngầu lòi thời thượng.
Phong Hào trốn biệt cả tuần sau đó. Anh lết tấm thân đầy mùi dầu gió lên toà soạn từ sáng sớm, đến tối mịt mới len lén về nhà. Nguyễn Thanh Pháp như cô Tấm nuôi cá bống, khác biệt duy nhất là cậu không cần bưng bá ra giếng đọc thơ gọi Phong Hào.
Cơm nước xong xuôi, Thanh Pháp sẽ chừa ra một phần ngon nhất, đựng trong bát đĩa đẹp nhất, nhắn cho Phong Hào một cái tin "em để phần cơm anh rồi", sau đó đi lên gác. Sáng hôm sau Thanh Pháp thức dậy, phần cơm canh luôn sạch bách, bồn rửa cũng khô cong, bát đũa úp gọn gàng trên giá. Thanh Pháp không khỏi ngạc nhiên. Phong Hào bình thường làm gì cũng rầm rầm loảng xoảng, vậy mà Phong Hào ăn rồi rửa bát, cậu lại không nghe thấy được tiếng động nào.
Dạo này Thái Sơn cũng trực liên miên. Không phải ngày nào cũng có ca bệnh nặng thót tim, thỉnh thoảng Thái Sơn lại đứng cả ngày trong phòng cấp cứu chỉ để tiếp mấy ca lông gà vỏ tỏi, đôi khi làm người hoà giải cho mấy cặp vợ chồng cãi nhau rồi tăng huyết áp vào viện, có lúc tỉ mẩn đến bất thường ngồi khâu vết thương đầu gối cho một đứa nhỏ đá bóng rồi bị ngã đứt da. Rảnh rỗi sinh nông nổi, Nguyễn Thái Sơn lại tìm người đi xem mắt.
Phải nói rằng xem mắt đã trở thành một thú vui khó bỏ của Thái Sơn. Cậu không có nhiều bạn bè để tụ tập bên ngoài bệnh viện, còn mỗi khi bạn bè trong bệnh viện Thái Sơn tụ lại một chỗ thì đa số bệnh nhân sẽ cầm chắc án tử trong tay. Giữ quan hệ bạn bè rất mệt mỏi, người xem mắt lại giống như một bữa mì ăn liền với topping thịnh soạn. Mặc quần áo đẹp, ăn xong một bữa ăn, ai về nhà nấy, mười ngày sau đã quên tiệt nhau trong đời.
Hoặc nói cách khác, bác sĩ Nguyễn Thái Sơn coi đối tượng hẹn hò xem mắt không khác gì bệnh nhân cấp cứu.
Thái Sơn gọi điện về cho mẹ, mẹ Thái Sơn lại một lần nữa rất tức thời mà gọi điện cho Phong Hào. Khi đó Phong Hào đang ở phim trường, mướt mồ hôi cắn răng phất mấy sợi dây lụa theo ý đồ của tay nhiếp ảnh gia vì đẹp trai nên hay tán tỉnh người khác. Đến lúc nghỉ ngơi giữa buổi chụp, Phong Hào vừa thở hồng hộc vừa chạy vào một góc không có đám người vây quanh nhiếp ảnh gia, vội vàng gọi lại cho mẹ của Thái Sơn. Mở đầu vẫn là màn chào hỏi xã giao như thường lệ, mẹ của Thái Sơn không quanh co mà nhanh chóng đi đến nội dung chính. Phong Hào thì khác, dù đang hớt hải trông chừng bên phía phim trường, Phong Hào vẫn cảm thấy khá không bình thường khi nghe mẹ Thái Sơn hỏi:
"Bé Hào có muốn đi xem mắt với em không?"
Trong đầu Phong Hào hiện lên một suy nghĩ rối rắm, mẹ người này không thích mình rồi.
Phong Hào nói liến thoắng:
"Đi hẹn hò đôi ạ? Cháu chưa đi lần nào, cũng lâu lắm không gặp gỡ ai. Cô giỏi quá, lần này còn tìm được tận hai đối tượng một lúc. Cháu đồng ý, nhưng với điều kiện cháu được chọn bạn hẹn trước, người kia là của Thái Sơn, có được không ạ?"
Trong đầu mẹ Thái Sơn hiện lên một suy nghĩ đơn giản, người này không thích con trai mình rồi. Để Phong Hào không khó xử, mẹ Thái Sơn ngắc ngứ vài giây rồi nói:
"À... Ừm. Phong Hào nhắn ngày nghỉ sang cho cô nhé, để cô sắp xếp cho hai anh em."
Nguyễn Thái Sơn nghe mẹ kể lại tình hình xong, sắc mặt không xanh không xám, chỉ thở dài thườn thượt rồi tự lẩm bẩm, anh có biết là em tự hào vì dùng một dao cũng có thể chính xác luồn qua kẽ xương sườn, xiên ngang quả tim mà màng sau tim vẫn không rách, nhưng anh thì không cần dùng dao vẫn đủ làm tim rách toé loé như pháo hoa đêm ba mươi tết hay không...
Trần Phong Hào trung thực thật thà, mẹ Thái Sơn đưa cho anh thông tin của hai người, anh liền nhanh chóng nhận lấy người hợp với mình, đẩy cho Thái Sơn người hợp với cậu.
Hôm đi xem mắt, trời mưa rả rích. Hai người cãi nhau lác đác vài trận từ tối hôm trước, đến khi nhét ví vào túi áo để ra ngoài mà vẫn còn cãi nhau. Toàn những chuyện lông gà vỏ tỏi chẳng thấm vào đâu, Nguyễn Thanh Pháp nghe lâu thành quen nên cũng không còn muốn can thiệp.
"Em cắt hành như thế ai mà ăn được? Dài đến nỗi quấn quanh lưỡi anh còn vừa."
"Nhà này có bốn người, ba người ăn được. Anh xem lại anh đi."
Phong Hào cau có:
"Em thì hay rồi, bác sĩ đức cao vọng trọng làm gì cũng đúng."
Thái Sơn đóng sầm cửa nhà, co đầu gối muốn thúc vào mông Phong Hào một cái nhưng nhịn được, Phong Hào lạnh te mở dù rồi chạy ra xe trước, không thèm đếm xỉa đến sự thật rằng hai người cùng đi chung xe, trên hiên nhà cũng chỉ có một chiếc dù mà thôi.
Dù mẹ của Thái Sơn chọn người xem mắt vô cùng lý tưởng, anh vẫn cảm thấy lấn cấn trong lòng như cầm trên tay cuốn tạp chí mới ra lò nhưng mép đã quăn thành một ống.
Thái Sơn không để Phong Hào lái xe. Cậu lặng im nghe Phong Hào phàn nàn chỗ hẹn gì hẻo lánh xa xôi, không khác lắm với mấy lần hẹn hò mà Phong Hào không được ăn thịt bò đúng lửa. Khi đã ghét nhau thì làm gì cũng ghét, Thái Sơn bẻ tay lái rẽ ra khỏi đường lớn, Phong Hào kêu lên em có ý gì thì nói ra, không việc gì phải xả giận bằng cách đập phá nắn bóp vô lăng tận tình.
Thái Sơn dừng lại ở một cửa hiệu bán bánh mì bên đường. Lát sau, cậu ôm ra một ôm sáu bảy khối bánh mì sandwich. Thái Sơn mở cửa sau, tọng số bánh mì vào đó, xé một gói bánh, đem bốn lát bánh mì nhét vào họng Phong Hào. Phong Hào trợn mắt vì đống bánh mì chèn cổ họng, anh không ú ớ nổi ba tiếng, Thái Sơn quát:
"Anh làm ơn im đi có được không?"
Rồi như mọi khi, một người im lìm như yêu cầu, người kia bứt rứt nghĩ rằng mình lại mạnh tay quá. Phong Hào rứt bánh mì không ra ăn mà không kêu một tiếng, Thái Sơn nói câu "ăn tinh bột kìa" vốn là để đùa, nhưng Phong Hào lần mò lấy ra một gói sandwich ngũ cốc với lúa mạch đen, tiếp tục nhai nhai mà không nói chuyện.
Nhà hàng được mẹ Thái Sơn đặt trước lúc nào cũng phải nằm trong những ngõ ngách hun hút của thành phố, mà nhiều khi người đi ngang còn không biết đó là nhà hàng. Phong Hào và Thái Sơn đi vào, bàn hẹn đã có một người ngồi, nhìn từ sau lưng cũng đoán được là bạn hẹn của Phong Hào.
Thái Sơn bắt tay với bạn hẹn của Phong Hào, cậu vừa định vươn tay ra làm tí động tác ga lăng thì bạn hẹn của Phong Hào đã nhiệt tình đi sang kéo ghế. Nhìn chiếc ghế sơn vàng bọc vải kem lung lay chán, Thái Sơn nhìn thẳng vào Phong Hào lần đầu tiên trong buổi tối để xem sắc mặt anh có tốt hơn không. Không hổ là Trần Phong Hào, phút trước còn im im nhai bánh mì như gấu trúc nhai măng, phút sau đã có thể cười tươi như hoa, cong cong mắt nhìn người đối diện. Chỉ buồn cười một nỗi, khoé môi Phong Hào có dính một mẩu vụn mì nho nhỏ. Thái Sơn lại quen tay với lấy một tờ khăn giấy, bạn hẹn của Phong Hào thì lại mỉm cười đưa cho anh chiếc điện thoại của anh ta. Phong Hào nhìn vào màn hình điện thoại vài giây, anh nhướn mày lên, nhìn ra ngoài trời. Ít lâu sau, Phong Hào tự động rút khăn giấy ra lau miệng.
Trần Hải, ba mươi mốt tuổi, giám đốc một công ty kiến trúc. Người cao đến một mét tám hai, mặt mày đẹp trai, ăn mặc không có điểm nào để chê, chỉ năm phút đầu tiên đã chứng minh được bản thân là người được giáo dục kỹ lưỡng.
Trong lòng Thái Sơn tự nhiên nảy sinh ra cảm giác bố đẻ tiễn con về nhà chồng.
Bạn hẹn của Thái Sơn không tới muộn giờ. Ngồi cạnh Trần Hải, cậu trai này thành ra nhỏ bé như sinh viên đại học. Mà cũng không khác sinh viên đại học là bao, Đức Duy là bạn cùng khoá với Nguyễn Thanh Pháp, lúc này đang làm thầy giáo dạy tiếng Anh, vẻ ngoài lẫn giọng nói trông nhẹ nhõm như một giọt nước mưa.
Bốn người nói chuyện không tính là rôm rả nhưng cũng không thiếu đề tài. Mẹ của Thái Sơn dường như rất quyết tâm cho lần hẹn này, Thái Sơn và Đức Duy nói chuyện rất hợp nhau, bên này Phong Hào và Trần Hải cũng thế. Trần Hải lại là người rất tinh tế. Trần Hải hỏi Phong Hào thích hãng thời trang nào, Phong Hào nhìn cái ống tay áo của Thái Sơn rồi buột miệng nói là Prada. Thái Sơn phì cười, cậu còn chưa kịp buông vào một câu nào vô duyên thì Trần Hải đã bàn ngay đến bộ sưu tập mới nhất của hãng. Trần Hải không thèm để ý đến lý do vì sao Thái Sơn cười trộm, Phong Hào nhăn mày một cái, Trần Hải biết được nên tránh cái gì.
Ở bên kia, Đức Duy không bị mắc chứng nhiều lời hay trả treo như Phong Hào. Thái Sơn nói gì, cậu chàng này cũng nghiêng nghiêng đầu cười. Hệ quả của việc học ngành tiếng Anh là Đức Duy có vẻ hiện đại hơn Nguyễn Thanh Pháp chỉ biết đến cỏ cây bếp núc, bàn về vấn đề gì, dù là xã hội hay y tế hay là những câu đùa cũ rích của Thái Sơn, Đức Duy cũng thoải mái phản ứng theo. Tóc Đức Duy không nhuộm. Phong Hào nhìn đi nhìn lại cái chẩm đầu đen mượt, chất tóc chắc chắn mềm mại, chắc chắn rất thích hợp để xoa đầu.
Ăn xong bữa ăn dễ chịu hơn hẳn bữa bánh mì trên xe hơi, vấn đề tiếp theo sẽ đi đâu khá phức tạp. Bốn người đàn ông nhìn kiểu gì cũng không giống bạn bè không biết cùng nhau đi đâu cho hợp lý. Bao nhiêu đề xuất đều bị gạt sang bên, đến khi Phong Hào nghĩ rằng chắc hẳn Nguyễn Thái Sơn còn một phương án cuối cùng là khoa cấp cứu của bệnh viện trung tâm, Trần Hải đột nhiên đề xuất một quán rượu nhỏ do công ty của anh thiết kế. Đức Duy quả quyết gật đầu đảm bảo rằng mình đã trên mười tám, Thái Sơn không biết nghĩ gì mà cứ mủm mỉm cười.
Phong Hào huých khuỷu tay Thái Sơn, nói lép nhép trong cổ:
"Em biến thái vừa vừa thôi."
Mí mắt Thái Sơn giật lên một cái, cậu đưa tay dụi mắt mà không nói năng gì. Trần Hải đưa địa chỉ cho Đức Duy và Thái Sơn, đến lượt Phong Hào, anh xua tay lắc đầu:
"Nguyễn Thái Sơn biết là được rồi, em đi chung với em ấy."
Trần Hải nhướn mày:
"Hai người thân nhau nhỉ."
Thái Sơn cười cười:
"Tiện đường đi chung thôi."
Đức Duy nói:
"Hai người ở chung một khu à?"
Phong Hào chậm chạp mở miệng:
"Chung một mái."
Thái Sơn không còn mủm mỉm cười theo yêu cầu của Phong Hào, tự nhiên Phong Hào thấy mình như đang công bố một sự thật gây ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Đức Duy và Trần Hải mất một khoảng thời gian mới tiêu thụ được hết câu Phong Hào nói. Tiêu hoá hết lời Phong Hào, Trần Hải xoay chiếc chìa khoá xe trong tay, nói:
"Anh đưa Phong Hào đi. Trong xe anh có nhạc Damien Rice đấy."
Phong Hào đi luôn không thèm nhìn lại. Trên đường tới quán rượu, Thái Sơn tranh thủ bỏ chút thời gian lên Google tìm xem Damien Rice mà Phong Hào thích là ai. Vừa nghe nửa bài, Thái Sơn đã tắt ngay không gắng nữa. Không phải nhạc không hay, chỉ là Thái Sơn không hợp.
Phần còn lại của buổi hẹn, Phong Hào không nhớ có Nguyễn Thái Sơn tồn tại. Nói chuyện với Trần Hải không có gì khúc mắc, quán rượu có bartender xịn, từ kiến trúc đến nội thất không có chỗ nào để chê, Phong Hào không thấy có gì đáng phàn nàn. Phong Hào vui vẻ đến tận khi Trần Hải nhận được một cuộc gọi có vẻ khác thường. Anh ra ngoài nghe máy, vào quán thông báo rằng công trình có việc gấp phải bay ngay trong đêm, xin lỗi Phong Hào vì không thể đưa em về nhà. Phong Hào không câu nệ gì nhiều, nhưng cho đến khi Thái Sơn dừng xe trước cửa ra hiệu cho anh lên xe, Phong Hào mới chợt nhớ ra rằng kịch bản này khá giống với hôm đầu tiên hai người gặp gỡ.
Nói cho thật chính xác, suốt buổi gặp hôm đó, Thái Sơn vớt vát hầu hết ấn tượng xấu là nhờ vào ngoại hình và cú ăn may sau cùng khi biến hình thành bác sĩ chó điên để cấp cứu cho bệnh nhân. Thái Sơn là người biết đùa, nhưng ai tinh tế một chút sẽ đều nhận ra rằng cậu không thích đùa, cậu chỉ làm như đó là nghĩa vụ được hướng dẫn trong sách giáo khoa. Giữa Phong Hào và Thái Sơn không có mấy điểm chung, câu hỏi người này đưa ra, người kia trả lời qua một lần là bế tắc. Thế nhưng Phong Hào vẫn y hẹn mà gặp lại cậu vào bốn ngày sau, hai người cũng chính thức hẹn hò với nhau kể từ ngày đó.
Đám bánh mì lăn lóc tội nghiệp ở ghế sau, có gói đã trở thành mỏng dính vì bị Phong Hào ép dẹp. Thái Sơn liếc nhìn đám bánh mì đó, không tìm ra được từ gì để nói. Hỏi anh xem mắt có tốt không cũng thành thừa, cậu chứng kiến từ đầu đến cuối, nếu là cậu chắc chắn đã nghĩ được đến vấn đề sau này thuê khách sạn nào để làm đám cưới cho con.
Đường phố loang loáng ánh đèn, mưa thong thả chiếu xiên qua đèn từng đợt, cây cối từ khi nào đó đã sum suê đầy lá, Phong Hào mở hé cửa kính, ngước mắt lên nhìn. Thái Sơn tìm hướng mưa xong thì hạ cửa kính xuống hết mức. Tưởng rằng Phong Hào sẽ lẻo mép nói từ viêm phổi cho đến bụi mịn, nhưng anh chỉ tựa cửa nhìn ra. Thái Sơn lần theo hướng mưa, đi dọc những con đường không có mưa tạt ở phía Phong Hào, vòng vèo rất lâu mới về được đến nhà. Tính từ lúc hẹn hò cho đến lúc chia tay rồi kể cả sau này, hình như đây là lần đầu tiên cả hai im lặng nhưng không phải vì có ai nổi giận. Thái Sơn nhìn thấy điện thoại trên tay Phong Hào sáng liên tục, Thái Sơn nghĩ thầm trong lòng, ca chấn thương cậu gặp phải vào lần đầu tiên anh gặp Phong Hào nặng đến nỗi Thái Sơn không có thời gian nhắn tin cho anh đến tận ba ngày sau.
Thực ra nếu có thời gian, Thái Sơn cũng sẽ không nhớ ra để mà nhắn tin cho Phong Hào ngay sau buổi hẹn.
Cho đến cuối cùng, Thái Sơn chưa từng hỏi Phong Hào cho thật chính xác rằng anh thích người ra sao. Cậu chỉ biết rằng anh không hề thích người như cậu, con người thiếu tế nhị, thiếu thời trang, thiếu lãng mạn, thiếu luôn cả một chút cưng chiều.
Nghĩ gì nói nấy, Thái Sơn buột miệng:
"Anh thích người như thế nào?"
"Đẹp trai", Phong Hào nói.
"Có tiền. Có học thức. Thích thiên văn, biết về vũ trụ. Sống có gu, thích nhạc Damien Rice. Trong tủ giày có một đôi oxford buộc dây, một đôi giày vải cổ cao, một đôi cổ thấp, không có giày lười. Nếu có giày lười thì phải cao trên một mét tám lăm, có quần lật gấu. Không bao giờ mặc quần màu đỏ cơ bản, nếu mặc thì phải mặc vest không bóng, không nhăn. Mặc áo măng tô đẹp. Nước hoa phải thơm. Không nói nhiều, nói đúng lúc đúng nơi, không chê quà anh chọn, biết chọn quà cho anh."
Thái Sơn nói:
"Còn không?"
Phong Hào đáp:
"Lịch sự. Thích đi du lịch, chụp ảnh đẹp. Mùa đông không bị cảm, tại anh thích du lịch mùa đông. Nếu làm trong ngành thời trang thì tuyệt đối không làm cho Elle, tại anh ghét. Khi ăn nhìn ngon miệng, không được kén ăn. Biết xem phim, có gu xem phim tốt. Yêu anh. Hôn giỏi."
Thái Sơn gõ ngón tay trên vô lăng theo từng điều kiện Phong Hào nói. Đến điều kiện cuối cùng, cậu không còn đếm được Phong Hào đã nói ra tổng cộng mấy điều.
Bảng tên đường nhà đã hiện ra, Thái Sơn cười nói:
"Phong Hào nhà chúng ta xứng đáng mà."
Phong Hào không nâng cằm khỏi cánh tay, anh đáp:
"Đương nhiên rồi."
Phong Hào lần đầu tiên nhận được một lớp hạt mưa rơi vào người, anh vội vội vàng vàng thu mình vào xe, tự mình kéo cửa kính.
Ngôi nhà lớn bật tất cả đèn đóm, trong mưa nhìn ấm áp và lười biếng hơn ngày thường. Thái Sơn đỗ xe sát hiên nhà, Phong Hào sải hai bước đã tới hiên. Anh đứng đợi Thái Sơn, thế nhưng khi Thái Sơn vừa chạm gót giày lên bậc thềm cuối, Phong Hào quay người bước đi.
Thái Sơn cộc lốc gọi:
"Này!"
Phong Hào cộc lốc đáp:
"Gì?"
Bàn tay Thái Sơn để trong túi quần hết nắm lại rồi buông ra. Hồi lâu sau, khi giọt nước trên chậu hoa leo bên hiên từ không có gì cho đến biến lớn rồi bắn toé lên lan can, Thái Sơn mới xì ra một tiếng:
"Không."
Phong Hào quay ngoắt người lại, tiếp tục tra chìa khoá vào ổ. Vừa giật mạnh bạo giật ổ khoá, anh vừa kêu lên:
"Em bị thần kinh à?"
Thái Sơn không đáp. Cậu đưa hai tay lên vuốt mặt một lần rồi sau đó theo Phong Hào vào nhà.
Hai giờ sáng hôm đó, Thái Sơn trở lại bệnh viện để chuẩn bị cho ca trực lúc bảy giờ. Thái Sơn xách theo một ba lô quần áo nhỏ, một chiếc máy tính, cả một gói bánh mì cậu mua buổi chiều. Khệ nệ hai tay đầy đồ đạc, Thái Sơn đá cửa bước ra. Đập vào mắt cậu là tấm lưng dày không thể lẫn vào đâu, Phong Hào quay lưng ở cách cửa phòng cậu chưa đầy hai bước.
Tiếng ngáy của Trần Đăng Dương vang lên đều đều dưới nhà, Thái Sơn hạ giọng gọi khẽ:
"Phong Hào!"
Phong Hào dừng lại. Anh không nói gì nhưng rõ ràng đang có ý đợi Thái Sơn.
Thái Sơn nói:
"Vì sao chưa ngủ?"
Phong Hào quắc mắt nhìn cậu. Bác sĩ chó điên tội nghiệp nhìn lại anh người yêu cũ, cho đến khi Phong Hào giật bay gói sandwich trong tay cậu, xé một lát cho vào miệng hùng hổ nhai.
"Đói bụng."
Thái Sơn nhìn Phong Hào khó hiểu. Ừ thì Phong Hào đúng là rất có khả năng đói bụng sau bữa ăn mà mỗi thứ chỉ bằng một góc bàn tay, nhưng nhà chỉ cần có Nguyễn Thanh Pháp là sẽ luôn luôn có đồ ăn ngon lành trong tủ, việc gì phải trệu trạo nhai nuốt cái gói bánh khô khốc mì mà Thái Sơn định đem lên bệnh viện nhai cho đỡ buồn?
Phong Hào rướn cổ nuốt xong một lát bánh, anh nói:
"Em đi đâu?"
Thái Sơn đáp:
"Em đi trực."
Phong Hào nói:
"Bao giờ về? Áo này em vừa mặc xong, không cởi ra giặt à?"
Thái Sơn lắc đầu:
"Hai ngày nữa em về. Lên đó thay đồng phục thôi."
Phong Hào nói:
"Hai ngày nữa về lại mặc áo này à?"
Thái Sơn nói:
"Tối nay đi bốn tiếng, mặc lên bệnh viện ba mươi phút, từ bệnh viện về ba mươi phút, tổng cộng mới có năm tiếng đồng hồ."
Phong Hào quắc mắt nhìn, Thái Sơn vội nói tiếp:
"Đương nhiên với anh là hai ngày, nhưng mà em là... À thôi."
Em thì hay rồi, bác sĩ đức cao vọng trọng làm gì cũng đúng, giọng nói chua chát của Phong Hào từ chiều đến giờ vẫn chưa tiêu tán. Thái Sơn đưa tay gãi mũi, cậu nói:
"Thôi, em đi. Đi ngủ đi, đừng ăn nữa."
Cửa nhà đã khoá, Thái Sơn lười đến nỗi chỉ thò chân lên vặn tay cầm. Cánh cửa lay lóc mãi không chịu hé ra, Thái Sơn bất lực chửi một tiếng, tiếng chửi tích tụ hết bất lực chất đống cả một buổi chiều. Thái Sơn quay lại đặt đống quần áo bánh mì lên nóc tủ giày, miệng cậu thốt lên một tiếng chửi tục vì bất ngờ. Phong Hào xuống theo Thái Sơn khi nào không biết, chỉ biết anh đứng lù lù ngay đối diện anh, trên tay vẫn còn cầm một nửa miếng bánh mì.
Thái Sơn kêu lên nho nhỏ:
"Anh làm cái quỷ gì thế?"
Phong Hào hừ một tiếng thật to, sấn tới ôm em người yêu cũ một cái, siết cậu đến gãy xương sống, nhét nửa miếng bánh mì vào miệng Thái Sơn rồi gào lớn:
"Tôi bị thần kinh mất rồi!"
Giây phút phòng cấp cứu có mặt bác sĩ Nguyễn Thái Sơn được thư giãn nhất là khi cậuh vừa bước vào ca trực. Thái Sơn luôn luôn nhón mũi dép xốp xanh vào lằn ranh màu xanh lá trước cửa, dang tay xoay một vòng như vũ công chuyên nghiệp, cất giọng nói thanh thanh hào hứng nói "hôm nay trời đẹp, hãy sống sót nào!", bất kể hôm đó trời đẹp thật hay là đì đùng mưa bão. Mặc kệ sau đó cậu có phải thở hồng hộc kiếm lại một chút hơi thở tàn, thọc tay vào ổ bụng chặn chỗ chảy máu hay đau khổ đứng ở giữa ngăn cho hai ông bà già đã kéo nhau vào bệnh viện mà vẫn còn đòi li dị, giây phút bước vào phòng cấp cứu, cái câu "hãy sống sót nào" vẫn luôn là khẩu hiệu không ngày nào thay đổi của Thái Sơn.
Ấy vậy mà nó lại có ngày biến mất.
Bác sĩ chó điên tay cầm gói bánh mì tay cầm máy tính xách tay bước vào phòng cấp cứu vắng hoe. Giường bệnh gọn gàng phẳng phiu, băng ca trắng im lìm bên cửa, y tá Huyền đang xem một bộ phim gì đó lồng sẵn tiếng cười của khán giả, Thái Sơn đặt phịch đống tư trang của mình xuống góc giường quen thuộc, thẫn thờ lấy bánh mì ra nhai.
Bảy giờ kém mười lăm, phòng cấp cứu nháo nhào vì bác sĩ Nguyễn Thái Sơn chưa đến giao ban. Y tá Huyền gọi điện, mọi người trố mắt nhìn nhau khi nghe tiếng chuông ò í e réo ầm lên ngay góc phòng. Bác sĩ Nguyễn Thùy Trang giật tấm phông ca rô, bên trong lộ ra một bác sĩ chó điên nằm co chân ngủ ngon lành, tay ôm gói bánh mì sandwich chỉ còn phân nửa.
Y tá Huyền ghé đầu qua vai bác sĩ Thùy Trang, nhỏ giọng hỏi:
"Thế là hôm nay không đẹp trời à?"
Nguyễn Thùy Trang đá vào chiếc dép xốp xanh đang treo lủng lẳng trên bàn chân thò ra khỏi giường của Thái Sơn, gọi lớn:
"Nguyễn Thái Sơn!"
Thái Sơn bật dậy, ánh mắt không buồn lờ đờ lấy một giây. Vừa chộp cặp kính đeo vào mắt, Thái Sơn vừa bình tĩnh nói:
"Còn chưa đến giờ giao ban mà."
Y tá Huyền nhắc lại lời Thái Sơn:
"Thế là hôm nay không đẹp trời à?"
Thái Sơn ngáp dài:
"Đeeeẹp chứuuu...Đi cứu ngườ... tránh đường cho người ta đi kìa!"
Với lấy cặp ống nghe quàng qua vai, Thái Sơn cầm biên bản giao ban nguệch ngoạc kí vài chữ, lùa hết đám bác sĩ y tá để tiếp nhận ca cấp cứu đầu tiên.
Y tá Huyền chép miệng, bác sĩ Thùy Trang lắc đầu:
"Đúng là bệnh thần kinh."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top