1

Màn đêm buông xuống bao trùm ngôi làng nhỏ. Thằng Quốc nằm trên giường không ngủ. Nó năm nay lên mười, ở cùng cậu mợ. Mẹ nó bỏ đi biệt xứ đã bốn năm, giờ không biết ở phương nào chỉ biết mỗi tháng mẹ nó gửi về vài đồng bạc cho mợ nó nuôi nó, thằng Quốc cũng không còn khóc vì nhớ mẹ như trước nữa. Bố nó thì suốt ngày rượu chè, cờ bạc, tháng trước vừa được mãn hạn tù, vì tội ăn cắp. Nghĩ đến người bố nó chỉ biết thở dài, vì bố nó tệ bạc nên mẹ nó mới bỏ đi, giờ bố nó cũng đi nốt chẳng biết đi đâu. Tuy vậy nhưng nó chẳng hận gì ai cả, nó biết số phận của mình là như thế nên chẳng than trách lấy nửa lời. Cậu nó thương nó lắm, nhưng bà mợ thì chẳng ưa gì mấy. Mụ độc mồm ác miệng, toàn nói xấu bố mẹ nó trước mặt nó. Nó nghe quen rồi, chẳng buồn nghĩ.

Nằm mãi không ngủ được, Quốc xách cái đèn pin ra ngoài, nó rón chân để không đánh thức ai, nếu không nó sẽ bị chửi. Ra giếng vục một gáo nước lã rửa mặt cho tỉnh, nó chậm rãi đi ra con suối cách nhà chừng hai trăm mét. Ánh đèn yếu quá, nó cứ nhấp nháy liên tục. Thằng Quốc bực, nó liền tắt đèn, đi dưới ánh sáng của vầng trăng cao tít trên kia.

Làn gió nhè nhẹ thoảng qua vuốt lên đôi má trắng hồng của nó. Ngồi trên bờ suối nhìn ra xa xăm, nó ước mình nhanh lớn để đi khỏi đây, khỏi ngôi nhà kia, khỏi cái làng nghèo này. Ở ngoài xa, chỗ mấy sào ruộng, có hai ba ánh đèn trắng lia loạn xạ, đêm nay lại có mấy người đi soi ếch. Mợ nó cũng bảo nó đi, được con nào thì đem về bán. Nhưng nó không đi, mấy thằng to xác lớn tuổi hơn nó ở kia không cho nó làm, chúng không muốn chia sẻ "miếng mồi" ấy cho một tên oắt con như nó, chúng còn lấy bùn ném nó, một đám xấu tính.

Đang ngồi vo đống suy nghĩ rối rắm trong đầu, bỗng có tiếng xạc xào từ bãi cỏ phía sau làm thằng Quốc giật mình. Nó quay phắt lại. Là anh Trân, con nhà bác Mạnh-giáo viên của trường tiểu học trong làng, anh hơn nó những năm tuổi.

"Muộn thế này Quốc không ngủ mà lại ra đây?"

Nó thoáng chút ngạc nhiên đáp lại.

"Anh ra đây không sợ bị bố anh mắng à?"

Trân lắc đầu, nở nụ cười với nó rồi ngồi xuống cạnh nó.

"Trong nhà nóng lắm, anh ra đây cho mát."

Kể về anh Trân một chút. Mẹ Trân mất từ khi Trân vừa chào đời, bố anh một mình nuôi con hàng chục năm nay. Gia đình êm ấm lại được giáo dục tốt nên tương lai của anh Trân rộng mở và tươi sáng lắm.

Hai anh em ngồi đấy không nói gì nhiều, vốn thằng Quốc đã ít nói kiệm lời, người ta hỏi thì trả lời còn không thì thôi.

"Ừm... Bé Quốc năm nay bao nhiêu tuổi rồi?"

"Quốc năm nay lên mười tuổi."

"Quốc lớn nhanh quá, thế trên lớp bé có nhiều bạn không?"

"Quốc không đi học."

Câu trả lời của thằng Quốc khiến Trân sững lại một lúc. Anh Trân hỏi nó biết chữ không, nó lắc đầu. Thằng Quốc không được đi học, nó chỉ biết làm thôi, lên nương làm rẫy phụ mợ nó. Mợ nó bảo tiền mẹ nó gửi về chỉ đủ nuôi ăn nó thôi chứ không có để nuôi học. Cậu nó muốn nó được đi học lắm, nhưng gia cảnh cậu mợ cũng chẳng khá giả là bao. Nuôi hai đứa con ăn học đã vất, giờ mà cho nó đi học nữa thì cậu mợ nó không gánh nổi. Cậu xin lỗi nó, nó an ủi lại rằng: "Con không cần đi học đâu, con ở nhà giúp mợ việc, sau này con đi làm thuê làm mướn cho người ta trả công là được rồi. Cậu mợ cho con ở cùng con không dám đòi hỏi gì thêm nữa. Cậu mợ còn hai em mà, con không muốn tạo thêm gánh nặng cho cậu". Thằng Quốc hiểu chuyện đến đau lòng, ai nghe cũng xót, cậu nó cũng xót, cậu ôm nó khóc.

"Hay là... Anh dạy Quốc học nhé. Dù sao anh được nghỉ hè những ba tháng. Anh sẽ dạy Quốc học chữ, được không?

Nghe thấy vậy thằng Quốc bất ngờ nhìn sang.

"Anh nói thật ạ? Anh sẽ dạy Quốc học chữ ư?"

"Tất nhiên rồi. Anh hứa đấy."

Anh Trân cười, chìa ngón tay út ra, thằng Quốc ngập ngừng lấy ngón tay út của mình ngoắc vào ngón tay út của anh Trân.

Dưới ánh trăng vàng quạch, đôi mắt thằng Quốc sáng hơn bao giờ hết. Mặt nước lẳng lặng bỗng gợi lăn tăn sóng, cơn gió thanh mát hòa cùng mùi hương của đồng quê. Vậy là nó sắp được học chữ, nó vui lắm.

Từ hôm đó, ngày nào nó cũng được anh Trân dạy chữ. Nó cũng chăm, học mọi lúc mọi nơi, khi chăn trâu, cắt cỏ, kể cả khi nấu cơm nó cũng học. Anh Trân và thằng Quốc cũng dần trở nên thân thiết hơn. Thằng Quốc cười nhiều hơn, nói nhiều hơn, nó đã có bạn rồi.

Ba tháng lẳng lặng trôi qua. Thằng Quốc học được chữ giờ nó có thể đọc văn bản một cách trôi chảy, cũng là do sự chăm chỉ của một đứa ham học như nó. Nó biết ơn anh Trân lắm, cũng nhờ anh Trân nên nó mới được vậy.

Rồi đến một hôm. Mới sáng sớm, tiếng gà gáy ngân dài, có tiếng chó sủa ngoài cổng. Bà mợ kêu thằng Quốc chạy ra coi thử là ai. Nó đang nhóm dở cái bếp nghe mợ gọi liền bỏ đấy chạy ra. Là bác Mạnh-bố anh Trân. Nó ngơ ngác không biết bác sang đây làm gì, thường ngày hai nhà cũng đâu có qua lại nhiều. Nó mời bác vào nhà, cậu nó đi từ buồng ra tiếp khách. Hai người trò chuyện hồi lâu, nó ở dưới bếp cũng cố dỏng tai lên nghe xem có chuyện gì. Chợt cậu nó gọi nó lên, cậu nó hỏi.

"Quốc, con có muốn đi học không?"

"Dạ?"-nó ngơ ngác.

Bác Mạnh thấy bộ dạng của nó liền giải thích.

"Bác nghe con trai nhà bác nói cháu là đứa ham học, nhưng lại không có điều kiện được đi học, thằng bé nhà bác nó muốn bác giúp cháu được đến trường cho bằng bạn bằng bè. Hôm nay bác sang cũng là để hỏi ý kiến cậu mợ cháu với cháu."

Nó ngập ngừng-"Dạ... cháu... cháu muốn được đi họ-"

Chưa nói dứt câu, mợ nó đã phi lên nhà, cao giọng nói.

"Cho nó đi học thì tiền đâu mà nuôi học nó? Mẹ nó gửi được vài đồng bạc còn chả đủ ăn đủ mặc thì lấy đâu ra tiền để cho nó đi học thế? Nhà mình cũng đâu khá giả gì đâu?"-mụ nói xơi xơi liền một mạch.

Thằng Quốc nghe xong chỉ biết cúi đầu, rơm rớm nước mắt. Bác Mạnh vội nói.

"Tôi biết hoàn cảnh nhà anh chị, nên tôi đã quyết định hỗ trợ cháu một phần để bớt gánh nặng, tạo điều kiện cho cháu nó được đi học. Nếu trong thời gian học mà cháu đạt thành tích tốt thì sẽ nhận được học bổng, khi ấy anh chị không cần lo về khoản tiền học của cháu nữa."

Cậu kéo mợ ra ngoài nói chuyện, cậu nó khuyên mãi cuối cùng mợ nó cũng đồng ý với quyết định để cho nó đi học. Nếu không cho nó đi thì có lỗi với nó, với mẹ nó, mụ cũng không muốn mang tiếng. Cậu nó vào bàn bạc một hồi với bác Mạnh rồi bác cũng ra về. Vậy là sang tháng nó sẽ được đến trường, được đi học, có bạn bè.

Chiều, cậu chở nó ra chợ mua bộ quần áo để đi học và bút, vở. Những tia nắng buổi xế chiều len lỏi qua từng kẽ lá rọi xuống, trên chiếc xe cub cũ kĩ, có một bóng lưng lớn và một bóng lưng nhỏ. Cậu hỏi nó.

"Con vui không?"

"Dạ, vui ạ... Con cảm ơn cậu."

"Không, là cậu phải xin lỗi vì đã để con đến tận bây giờ mới được đi học. Cậu xin lỗi nhé."

"Dạ... Không có sao đâu ạ."

Về đến nhà, nó cất ngay đồ mới mua đi, nó không nỡ động vào.

Tối đến, thằng Quốc lại ra bờ suối ngồi hóng mát. Ra đến nơi đã thấy anh Trân ngồi đấy rồi. Trân thấy nó thì cười, bảo nó ngồi xuống đây nói chuyện với anh. Trân hỏi nó về chuyện sáng ngày, thấy bảo nó được đi học thì mừng lắm, ôm chầm lấy nó nói lời động viên.

"Vậy thì Quốc phải cố gắng học thật ngoan nhé. Không là anh buồn lắm đấy"

Nó nhìn anh Trân mà tủm tỉm, đôi má hồng trắng mịn khiến người ta muốn cắn.

"Ừm... Quốc này."

"Dạ?"

"Ừ thì... Anh muốn nói với Quốc một điều, đó là mai anh phải lên tỉnh học rồi."

Lời nói ấy như tiếng sét ngang tai, nụ cười của nó cũng tắt dần. Anh Trân lên tỉnh? Ngày mai? Sao lại đột ngột thế. Mặt nó buồn rười rượi, nó muốn anh Trân ở đây ít hôm nữa rồi hãy đi. Trân bảo hè với Tết sẽ về đây với bố và thăm Quốc chứ đâu có đi luôn đâu mà phải buồn. Nó ôm anh Trân khóc nức nở bảo sẽ nhớ anh lắm và hai anh em phải thường xuyên gửi thư cho nhau. Trân xoa lưng nó để nó bớt khóc lại.

"Rồi rồi, anh hứa với Quốc, anh sẽ thường xuyên viết thư về cho Quốc, nhé"

"Hức... Vậy, anh hứa đi"- nó chìa ngón tay út bé xinh của nó ra.

"Ngoắc tay đóng dấu, không được nuốt lời."

Thời gian dài đằng đẵng cứ trôi, ngày lại ngày, thằng Quốc luôn nhớ đến anh Trân, nhớ về khoảnh khắc vui đùa của hai đứa, phải lâu lắm mới được gặp lại. Nó cũng được đi học rồi, nhưng chẳng có nhiều bạn mấy, cũng chẳng có ai là nó chơi thân. Nó viết thư cho anh Trân nhiều hơn, mọi bí mật của nó, mọi chuyện nó gặp phải, bất kể vui hay buồn, nó đều gửi gắm qua thư từ gửi cho anh Trân. Vì chỉ có anh Trân là luôn lắng nghe và cảm thông cho nó, đối với nó anh Trân chính là người đặc biệt quan trọng nhất. Những bức thư chất đầy hàng đống, nó giữ lại rất cẩn thận, không để bị rách hay bị bẩn, nó trân trọng từng lá thư như trân trọng chính mình vậy, vì trong đó có nét chữ của anh Trân nó, có hình bóng của anh Trân nó nên nó không nỡ. Rồi vào một ngày nọ, nó hay tin anh Trân và bác Mạnh sẽ chuyển lên tỉnh sống luôn, bởi bác Mạnh vừa xin được vào một ngôi trường ở đó. Vậy là anh Trân sẽ không về thăm nó nữa ư? Chẳng biết tự bao giờ, nó đã biết thương, thương anh Trân của nó.

Một thời gian sau, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thằng Quốc đã được nhận một suất học bổng miễn học phí toàn phần giúp nó được vào trường cấp ba ở trên tỉnh mà nó mong ước. Nó viết ngay một bức thư gửi cho anh Trân, nó kể về việc nó nhận được giấy mời nhập học, nó kể về sự vui sướng của nó, nó mong bản thân sẽ được gặp lại anh ở đấy. Đút lá thư vào bao rồi dán miếng tem lên, nó liền ra bưu điện gửi luôn. Lúc đi qua bờ suối, nó dừng chân lại, nơi đây với nó thật hoài niệm, là nơi nó gặp anh Trân, là nơi mà hàng ngày anh Trân cùng nó ra ngồi mỗi đêm. Giờ nó sắp phải xa làng này rồi, xa cái bờ suối ấy.

Suốt ba năm học cấp ba, tháng nào nó cũng gửi thư cho anh Trân, tuy nhiên lại chẳng thấy hồi đáp. Nó vẫn cứ gửi, ôm hy vọng anh sẽ đáp lại. Nó liền đến tìm nơi anh Trân ở nhưng lại hay tin người ở đấy đã chuyển đi chỗ khác rồi. Hôm ấy là bức thư cuối cùng nó được nhận, nó không biết tại sao anh Trân chuyển đi mà không nói cho nó biết, nó buồn lắm.

***

Cuối tháng một, tiết trời mùa xuân mát lạnh. Cơn mưa phùn lất phất rơi từng hạt xuống mặt đường. Ở tuổi hai mươi lăm, anh phải lo nghĩ nhiều điều, công việc cũng ổn định đủ sống. Mới bảy giờ sáng, anh bắt liền một chuyến xe khách cùng bố về quê. Anh một phần về để ăn Tết, một phần để mong gặp lại cậu. Giờ bố anh đã về hưu, ông ngỏ ý muốn về ngôi làng nhỏ đấy dưỡng tuổi già, trên tỉnh này xô bồ đông đúc, không thích hợp với ông.

Xe chạy hơn một tiếng rồi cũng dừng. Hai bố con xách hành lý đi bộ vào trong làng. Trên đường gặp lại các bác người quen cũng chào hỏi rối rít. Thời điểm Tết đến xuân về, từ trong hẻm ra đến đường lớn đều rôm rả toàn tiếng cười nói, lũ trẻ con nô nhau chạy khắp xóm. Mười năm trôi qua, cái làng nghèo khi xưa giờ đã thay đổi, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn, không giàu nhưng đủ ăn đủ mặc. Căn nhà cấp bốn khi xưa giờ vẫn ở đấy, bụi bám đầy do lâu không có người ở, mất cả ngày mới quét dọn sạch sẽ.

Tối đến, anh sang bên nhà chú Minh-cậu thằng Quốc chơi. Anh hỏi thăm về thằng Quốc thì mới biết nó ở trên tỉnh, học xong cấp ba thì liền tìm một công việc rồi làm ở đấy luôn, nó từ bỏ việc học đại học. Vậy mà anh lại không biết gì, lâu lắm rồi anh chưa nhận được thư của nó nên không biết. Anh có chút tủi.

"Thế Tết này em nó có về không ạ?"

"Không biết nữa, năm ngoái nó không về, không biết năm nay có về không."

Hàn huyên một lúc rồi anh cũng đi khỏi. Anh thầm mong mình có thể gặp lại cậu.

Ba mươi Tết, sau khi tất bật chuẩn bị đồ cúng xong, anh cầm đèn pin đi ra con suối nhỏ kia. Anh ngồi đấy, ngồi cho thời gian trôi qua đi, từ chỗ này sẽ nhìn rõ được màn bắn pháo hoa mừng giao thừa.

***

Thằng Quốc về đến nơi thì đã mười giờ hai mươi phút tối. Căn nhà xập xệ khi xưa của cậu mợ nó nay được xây lại thành một căn cấp bốn chắc chắn. Nó đưa mắt nhìn quanh thì thấy bên kia, nhà của anh Trân có đèn sáng, nó lấy làm ngạc nhiên. Cất đồ vào nhà nó vội hỏi cậu nó.

"Nhà bác Mạnh có ai ạ?"

"Bác Mạnh đấy, bác về đây ở dưỡng già."

"Thế anh Trân có về không ạ?"

"Có đấy, ban sáng nó về nó có sang đây chơi hỏi con đấy."

Nó mở to đôi mắt, nó dường như không thể tin vào tai mình.

"Con ra ngoài này một lát."

Thằng Quốc chạy một mạch ra khỏi nhà bỏ sau là tiếng gọi í ới của cậu nó. Tim nó giờ đập loạn xạ muốn nhảy ra ngoài. Nó sắp được gặp anh Trân rồi. Chạy vào đến sân nhà anh Trân, nó thở hồng hộc. Nó vội hỏi.

"Cháu chào bác Mạnh, bác về lâu chưa ạ?"

"Ừ, bác vừa mới về."

"Anh Trân đâu rồi ạ?"

"Ờ... Nó vừa đi đâu ra ngoài kia rồi."

"Vậy ạ, cháu cảm ơn bác, chào bác ạ, hôm nào cháu lại chơi sau."

Nói rồi nó chạy đi, bác Mạnh đứng đó ngơ ra không hiểu chuyện gì. Nó thẳng đường ra bờ suối như thể nó biết anh Trân sẽ ở đấy vậy.

Ngồi ở chỗ xa xa đằng kia là bóng lưng quen thuộc, nó chạy lại, vừa chạy vừa gọi.

"Anh Trân, anh Trân, là anh Trân đúng không?"

Anh Trân nghe tiếng nó gọi thì liền quay lại, nó thấy đúng là anh Trân của nó thật rồi thì vui mừng, không để ý mà vấp phải cục đá ngã lăn ra.

***

Thấy có người gọi, anh liền quay lại. Gương mặt quen thuộc ấy khiến anh hơi ngờ ngợ. Bỗng người ấy ngã, anh giật mình đi lại đỡ. Nhìn rõ mặt mũi anh mới sửng sốt, là cậu, chính là cậu rồi, thằng Quốc của anh đang ở đây ngay trước mặt anh. Giờ nó lớn quá, anh suýt nữa là không nhận ra, nhưng cái nụ cười đáng yêu để lộ chiếc răng thỏ thì không lẫn vào đâu được. Anh đỡ cậu ngồi lên rồi kiểm tra xem cậu có bị thương ở chỗ nào không. Rồi anh hỏi.

"Quốc về từ bao giờ thế?"

"Em vừa mới về thôi, thấy cậu em bảo anh về thì em liền chạy đến chỗ anh đây."

"Chạy vừa thôi chứ, ngã lăn ra đây luôn này. Mà sao biết anh ở đây?"

"Anh nói xem, tại sao em lại biết nhỉ, chắc là do em luôn dõi theo anh đấy hahaa."

Do lâu lắm không gặp, anh với cậu nói chuyện rất nhiều. Không nói thì thôi, nói ra rồi mới biết. Không phải cậu không gửi thư cho anh nữa, thậm chí cậu gửi rất nhiều mà không thấy anh hồi âm. Anh mới ngớ ra là do cậu gửi đến địa chỉ cũ nên anh không nhận được cũng phải, nhưng anh có gửi thư báo anh chuyển nhà rồi mà, ra là lúc ấy cậu đã lên tỉnh học, không còn ở nhà nữa. Vậy là nút thắt trong lòng đã được gỡ, anh và cậu cũng đã gặp được nhau.

***

Dưới thời tiết lạnh giá này, có hai trái tim ấm áp đang sưởi ấm cho nhau. Dù không nói ra, nhưng mỗi người đều biết tình cảm mà đối phương dành cho mình.

Thời gian điểm mười hai giờ, tiếng pháo hoa nổ vang trời, ánh sáng đủ các loại màu thắp sáng bầu trời đêm. Trong đôi mắt sáng bừng của người là hình bóng của ta, đôi mắt, sống mũi, đôi môi, từng đường nét trên gương mặt ta được in sâu trong đôi mắt của người. Ta chẳng cần ngắm pháo hoa làm gì, vì ở trước mặt ta đây là một bông hoa đẹp nhất đang nở rộ. Trái tim của ta và của người loạn nhịp, quấn quýt lấy nhau. Cảm xúc của hai con người hòa vào con suối nhỏ trôi theo dòng chảy không ngừng.

"Thời gian ơi, xin hãy dừng lại, để đôi ta được nhìn nhau lâu hơn một chút nữa."

_Hết_

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top