bức thư tình.

Trí Mẫn không giống những người mà tôi từng yêu.

Chị không yếu đuối, cũng chẳng hề mạnh mẽ can trường.

Chị có thể là bờ vai cho tôi dựa vào, nhưng cũng có thể nằm trong lòng tôi òa khóc như một đứa trẻ. Nhớ những chiều hai đứa đi dọc bờ sông, tay chị luồn vào tay tôi nắm thật chặt. Trí Mẫn ngước đầu lên nhìn áng mây trôi trên bầu trời rán mỡ gà, miệng thỏ thẻ với tôi đôi câu tâm sự.

"Chừng nào độc lập rồi, chị muốn được yêu em."

.

Mới đầu tuần trước, chị khoe với tôi là có một đoàn lính đang hành quân ghé ngang làng chị. Chị là con gái của cô chủ gánh nước trà trước đầu ngõ, nên khi đoàn ngồi lại nghỉ chân thì chị đon đả ra mời nước ngay. Chị kể, mấy anh lính mặc những chiếc áo sơ-mi 2 túi cổ đúng, dài tay, có cầu vai, quần âu; quần áo màu xanh lá cây hay màu cỏ úa; được trang bị mũ cứng cốt giấy ép và giày vải cao cổ, đế cao su. Mặt họ lấm tấm mồ hôi và dầu mỡ, vì trên vai khuân lỉnh kỉnh nào súng trường, đại bác. Có anh còn quấn trên vai lá cờ đỏ sao vàng, miệng trêu ghẹo chị. Tôi nghĩ rằng khi ấy Trí Mẫn sẽ ngại ngùng - như mọi lúc chị ở cạnh tôi, và má hây đỏ như trái đào tươi.

Chị kể tỉ mỉ, từng chi tiết một cho tôi nghe. Mắt chị long lanh ánh lên những hoài bão - giấc mơ được phục vụ nước nhà của chị. Những lúc như thế, tôi chỉ đành im lặng nhìn Trí Mẫn. Thực lòng tôi không muốn chị phải ra ngoài kia, ra những nơi bom đạn rải đầy mái nhà, ra những nơi thây chất thành đống, máu chảy thành sông. Tôi ích kỷ, nhưng có lẽ tình yêu nhỏ mọn này của tôi chẳng thể giữ chị lại trước tình yêu Tổ quốc cao cả.

"Mẫn Đình à, chú Định tối qua họp làng, nói ở trển người ta đang thiếu vài người làm giao liên. Chị đi nhé, em?"

Tôi vốn cứ tưởng, chị sẽ ở lại cạnh tôi thêm một thời gian nữa, chi ít là một năm, hai năm. Đâu ngờ mọi chuyện lại tới nhanh quá. Như một cơn gió cuồng phong quái ác, lời nói thoát ra từ môi chị nhẹ tựa lông hồng, nhưng lại mãi đưa chị rời xa tôi.

"Nếu em bảo đừng, liệu chị có dừng lại hay không?"

Tôi cười nhẹ, lẩn tránh ánh mắt van nài của chị. Trí Mẫn ngơ ngác, có lẽ chị vẫn chưa hiểu được tâm trạng rối bời của tôi lúc này.

"Em đùa thôi, nếu chị muốn...thì chị cứ đi. Chỉ là...chỉ là... đừng quên trở về, chị vẫn còn nợ em một lần...một lần lên xe hoa."

Tôi run rẩy, càng nói thì nước mắt càng trào ngược ra. Tôi vội ôm mặt, ngồi thụp xuống đất. Nước mắt cứ thế lăn dài, dính vào các kẽ tay. Trí Mẫn bước lại gần bên tôi, rồi trao cho tôi một cái ôm ấm áp. Chị nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên mái tóc mềm, an ủi:

"Chị sẽ về, chị đâu phải là một kẻ thất hứa đâu em"

.

Ngay sớm hôm sau, một chiếc xe ô-tô vận tải quân sự - mà dân làng hay khao nhau là mang tên "Quốc tế", đến chở những người tình nguyện tham gia làm giao liên. Chẳng có quần áo đồ đạc chi nhiều, mà người cũng chẳng đông - một đứa bé trai mười lăm tuổi, một anh thanh niên hơn hai mươi và chị, cô gái mười tám của tôi - nên không có mất nhiều thời gian tập hợp và lên xe. Trước khi xe lăn bánh, tôi đã ôm lấy chị lần cuối. Tôi dùng hai tay ôm lấy mặt Trí Mẫn, cố gắng khắc khi nhiều hình ảnh về chị nhất có thể. Ánh mắt, mái tóc đen, làn da hơi rám màu nắng, cùng nụ cười bình yên của chị. Tôi dúi vào tay Trí Mẫn một tấm khăn màu đỏ nhung của rượu mà tôi đã thức cả đêm để thêu, và tôi coi như đó lời đính ước của cả hai. Không đám cưới, không bưng tháp trầu cau, chỉ đơn giản là chúng ta kề cạnh, sống bên nhau tới lúc tóc bạc phơ.

"Chị nhất định sẽ về, Mẫn Đình"

"Chị yêu em..."

Xe lăn bánh rồi, người cũng đã đi, cớ sao tôi cứ mãi nhìn hoài vào một khoảng không vô định?

.

Khoảng thời gian đầu, đều đặn hàng tuần tôi đều nhận những bức thư của chị. Những bức thư đơn điệu màu vàng úa, được gói trong từng chồng thư gửi về làng chung với những bức thư cách mạng. Cứ mỗi chiều chủ nhật, chú Định sẽ đạp xe ghé qua nhà tôi và trao tận tay bức thư của chị. Khởi đầu của chúng thường là mấy lời nhớ nhung Trí Mẫn dành cho tôi. Nhưng lạ lắm, cứ một lần, chị lại thử kiểu viết khác, để cho tôi đọc không cảm thấy buồn tẻ:

"Nơi này nhớ em lắm, nơi đó có buồn khi thiếu chị không?"

"Mặt trời hôm nay hơi đỏ, có lẽ vì nó cười chị không thể gặp mặt em, còn nó thì mỗi ban sáng, ban trưa."

"Chim tu hú cũng đã hót vang rồi, nơi em có nghe thấy tiếng lòng chị không?"

...

Tôi bật cười, tay mân mê khẽ miết góc lá thư. Có lẽ lúc viết nó, chị cũng đã cười như vậy. Một nụ cười đơn giản chỉ là hai kẻ yêu nhau khi nhớ về đối phương mà thôi. Rồi sau đó, chị sẽ kể về một tuần chị đã trải qua những gì, hỏi han tôi, giục tôi hãy mau viết một bức hồi âm lại cho chị. Nhưng tôi không dám, tôi sợ, nếu như tôi viết, thì những dòng cảm xúc nhớ thương mãnh liệt ấy sẽ làm nhòe đi đôi mắt, ướt đẫm cả bức thư còn dang dở, phá tan cả ba chữ "em nhớ chị" vẫn chưa được nói ra.

Bức thư lần thứ năm mươi, đã hơn một năm trôi qua. Thư đã chất thành đống trong nhà, nhưng tôi vẫn hằng ngày lôi chúng ra, và lau bớt đi lớp bụi phủ trên đó. Vẫn như mọi hôm, tôi ngồi trước hiên, tay xé đi vỏ bao thư, rồi chầm chậm đọc từng chữ.

"Mẫn Đình yêu dấu,

Gió đông đã thổi rồi, rét buốt cả làn da. Nhưng chẳng thấm vào đâu so với trái tim chị, nó đã lạnh giá từ cái ngày chị xa em. Cứ tới thời gian này em hay bệnh vặt lắm, nên đừng quên lời dặn của chị, hãy mặc nhiều áo ấm vào. Nhớ xức dầu trước khi đi ngủ, chị mong em phải thật khỏe mạnh. Để khi chị trở về, chị muốn được ôm lấy em.

Sáng nay, cậu bé đi cùng chị đã chết rồi. Em ấy chết trên tay chị, lúc mất đi trên môi vẫn còn nở nụ cười. Đại đội trưởng bảo lúc cậu bé đi giao báo kháng chiến thì bị địch giết, khi được tìm thấy thì vẫn còn đang thoi thóp thở. Mấy anh chiến sĩ xốc em ấy trên vai trở về đây, nhưng không kịp. Chị chỉ có thể nắm chặt lấy đôi bàn tay đã dần nguội lạnh của cậu bé.

Đời người thật ngắn em nhỉ? Mới hôm qua chị còn ăn cơm chung với em ấy, nhưng ngày hôm sau thì chẳng còn cơ hội nào để gặp lại nhau.

Chị không muốn chết, chị đang cố gắng sống, cố gắng sống từng ngày để được yêu em, nhớ em và giữ lời hứa với em. Dù tất cả những người chị yêu mến, trải qua bao đắng cay ngọt bùi cùng chị đã mất cả rồi, em ơi...

Họ hi sinh, có lẽ họ không cảm thấy nuối tiếc. Quốc kì ôm lấy thân xác khô héo của họ, cùng họ chìm sâu mãi dưới đất rừng Tổ quốc.

Ngày mai chị phải đi rồi, ừ, là giao báo kháng chiến. Trái tim chị thấp thỏm không yên, vì chị sợ. Ai mà chả sợ chết hở em? Người ta sợ chết để lại mẹ già và con thơ, để lại người vợ vẫn còn mãi trông bóng chồng. Còn chị, chị sợ chết vì em vẫn còn đang chờ. Chờ một ngày hai ta cùng bái cha mẹ, hoặc chỉ đơn giản là mỗi chiều nắm tay nhau đi dọc bờ sông.

Có phải em đang cảm thấy kì lạ khi chị nói mấy dòng này không? Cũng đúng nhỉ, chẳng như mọi hôm chị nói bao câu thơ chất chứa tình cảm chị giành cho em, nay một tiếng yêu chị vẫn còn chưa viết.

Chị xin lỗi,

Chị đã nghĩ rất nhiều, hằng đêm chị trằn trọc, rồi cuối cùng mới quyết định viết bức thư này. Chị còn đặng viết thêm một bức nữa, và thỏa thuận với đại đội trưởng.

Nếu như chị chết, em sẽ đọc được những dòng này. Còn nếu như chị sống, câu đầu tiên xuất hiện trong mắt em là "Mẫn Đình của chị".

Đừng khóc Mẫn Đình. Vì lúc viết chị đã khóc thay em, khóc thay cho số phận của đôi mình, khóc thay cho tương lai của tổ quốc. Chị đã thất hứa, chị không thể...không thể cùng em nhìn ngày nước ta rợp đỏ cờ hoa, ca mừng độc lập. Chị thật tồi em nhỉ?

Tấm khăn đó, chị gửi kèm với bức thư này. Thật tiếc, chị không thể quay về chung với nó.

Mẫn Đình, em hãy biết tự lo cho bản thân mình, hãy tự thức dậy vào buổi sớm mai, ra đồng cùng mẹ gặt lúa. Hãy biết mặc ấm khi đông về, gặp thầy phu khi bị bệnh. Hãy yêu lấy một người, một người thật sự thương em. Bởi vì từ giờ, chẳng còn chị thay em làm những việc đó nữa.

Mẫn Đình, tới lúc chết chị vẫn chẳng thể gặp được em.

Đại đội trưởng đã hứa, nếu như tìm thấy xác chị, sẽ đem đi thiêu rồi gửi tro về làng. Nếu em nhớ chị, hãy nhìn vào hũ tro, và khắc ghi những lời chị dặn.

Hãy yêu, yêu một ai khác có thể ở bên em tới già.

Chị yêu em rất nhiều, ti tỉ những vì sao chẳng so được bằng.

Thân gửi,

Trí Mẫn của em."

.

Cho tới lúc này rồi, tôi mới để ý. Chú Định đã lén để trên bàn một cái hũ bằng đồng, đặt ở dưới là một tấm khăn màu nhung đỏ. Nó vẫn ven nguyện y hệt như ngày nó rời đi, nhưng người đâu mất rồi?

Trí Mẫn của em...

đừng đi...

Giá như lúc đó, tôi níu tay chị lại. Tôi ích kỉ hơn một chút, thì đã không phải lìa xa thế này.

Ngay cả một tiếng yêu, tôi vẫn chưa kịp cất lời.

Tôi bần thần, từng bước run rẩy bước lại gần hũ tro. Rồi một khắc sự đau đớn tuôn ra như sóng vỗ, tôi ôm chặt lấy nó, và khóc thật to.

Nhưng chẳng còn Trí Mẫn ôm tôi vỗ về nữa.

[end.]

Bức thư tình, gửi anh ngoài chiến trận

Thêm chút nắng, chút gió ở phương xa

Thêm chút thương, chút nhớ nhung mong mỏi

Thêm chút màu kỉ niệm của hai ta.

.

Bức thư tình viết vào chiều mùa hạ

Bức thư tình gửi cho người trong mơ

Bức thư tình chỉ vài ba câu chữ

Bức thư tình chỉ là mấy dòng thơ...

.

Nỗi xót xa dâng trào trong hơi thở

Mấy đêm dài nằm thao thức trông mong

Hòa bình rồi tay đeo sợi chỉ đỏ

Cùng trao nhau những âu yếm mặn nồng

.

Thế vậy mà lời thương hóa hư không

Anh trở về với đất mẹ, biển cả

Âm dương cách, đời người thật nghiệt ngã

Đôi mình thực đã mãi mãi lìa xa.

.

Và giờ đây trái tim chia hai ngả

Nửa theo anh, nửa treo trước hiên nhà

Để thu về gió thổi qua khe cửa

Ca bất tận một khúc nhạc tình ta.

bức thư tình.

bánh chuối chiên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top