1
Đế Nỗ không biết, lần đầu tiên Tại Dân gặp hắn chẳng phải tại La phủ.
Năm ấy, Tại Dân chịu xong tang mẹ ba năm, xuôi dòng nước hết hai ngày hai đêm tới đất kinh kì. Đón y là biệt phủ lặng như tờ của người cậu họ xa không có con trai, chỉ có hai tiểu thư sắp đến tuổi cập kê. Tại Dân chào hỏi một lượt từ trên xuống dưới, nghe cậu mợ căn dặn vài điều rồi trở về phòng, trong đầu mơ hồ nghĩ cuộc sống yên ả ngày cũ lần nữa trở về.
La đại nhân trước đây là Thượng thư bộ Lễ, vì xung đột phe cánh nên cáo quan về ở ẩn. Phủ La cách ngoại thành không xa, thưa người qua kẻ lại, quanh năm vắng tiếng cười nói nhộn nhịp, bốn bề tĩnh mịch, vì thế con người Tại Dân vốn chẳng mau lời lại càng thêm trầm lặng.
Thấy cháu trai mỗi sáng ngồi bên đình sát hồ đọc sách đến trưa, nửa câu chẳng hé, nên La đại nhân nghĩ Tại Dân không hợp tới nơi trường lớp vương công quý tộc một câu đẩy hai câu đưa, bèn gửi y đến chỗ Trịnh Tại Hiền tại Thư lâu, trước để y giúp Tại Hiền dọn dẹp nơi cất giữ sách vở trong cung, sau để nghe vị Bảng nhãn từng nổi danh một thời giảng văn bình thơ.
Ngày còn tại vị, La đại nhân từng nghe Tại Hiền nói, hắn biết gia đình có vết nhơ không thể gột sạch nhưng vẫn muốn tìm tới chốn khoa cử, cốt để gặp bóng hình mình thương nhớ đã lâu. La đại nhân hỏi, đậu cao mà chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường trông coi sách vở, mỗi năm giúp Kim đại nhân tại Sử quán soạn sách vài tháng, cầm chức quan bèo bọt chẳng thể tranh sự với đời, hắn có tiếc không.
Tại Hiền đáp rành mạch, không tiếc. Người cần gặp đã gặp, điều cần nói đã nói, còn gì mà tiếc hay chăng.
Ngồi trên kiệu nhớ lại nét cười man mác của Trịnh Tại Hiền, La đại nhân không khỏi thở dài. La đại nhân không mong Tại Hiền dạy Tại Dân tinh thông kim cổ, chỉ cần đừng dạy người cháu này thói tình si, yêu đương đến không thể quay đầu là được.
Quả thật, Tại Hiền dạy Tại Dân học hành tới nơi tới chốn, giảng đủ thứ trên trời dưới đất, trừ luyến ái. Ba năm đi theo Tại Hiền, y không chỉ đọc hết sách trong Thư lâu mà còn nghe được mấy chuyện vặt vãnh linh tinh từ đám nô tì thái giám hay chuyện.
Từ bé bị chỉ trỏ là con không cha đã quen, Tại Dân ít để ý lời người ngoài, nhưng nay đôi tì nữ tới đưa sách lại ngợi khen Tam hoàng tử sao mà uy dũng đến thế, mai cặp thái giám đến tìm Tại Hiền sang Sử quán lại bàn việc Tam hoàng tử lần nữa cầm quân đánh thắng trận. Thỉnh thoảng nơi sau vườn, nhị vị tiểu thư họ La vừa uống trà, dùng điểm tâm, khe khẽ nhắc tới Tam hoàng tử bằng ánh mắt hấp háy như sao xa.
Rốt cuộc, Tam hoàng tử xuất chúng tới nhường nào mới khiến hai muội muội họ của y si mê đến thế?
Y chỉ biết, Tam hoàng tử gọi Đế Nỗ, là con trai duy nhất của An Quý phi, nắm binh quyền trong tay, trăm trận trăm thắng. Thư lâu chuyên chứa sách, dễ gây hỏa hoạn nên nằm xa Hoàng cung, lại thêm Tại Hiền sống lánh đời nên mọi thứ về Tam hoàng tử trong Tại Dân nhạt nhòa như nước rửa trà. Nhưng bản thân Tại Dân vẫn còn chưa lớn hẳn, không tránh được chuyện tò mò về một người.
Phải đến ngày đầu thu năm Tại Dân mười bốn, y mới lần đầu thấy mặt Tam hoàng tử.
Khi ấy, Tại Hiền bảo y ngồi yên trong căn phòng nhỏ nằm ẩn bên hông bàn trà, đừng đi lại đừng cử động, tốt nhất đừng để Tam hoàng tử biết về sự tồn tại của mình.
Tại Dân vâng dạ nghe lời, nhưng thâm tâm vẫn có chút nổi loạn, muốn được nhìn thấy vóc dáng, khuôn mặt mà bao người ngưỡng mộ. Y lẳng lặng chọc một lỗ lên cửa giấy, âm thầm nhìn Tam hoàng tử bước vào.
Y vẫn còn nhớ, hôm đó Tam hoàng tử vận y phục trắng muốt, tóc búi cao cài đỉnh ngọc, bước đi nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh tao, chẳng vương mùi máu tanh sa trường. Tại Dân đọc nhiều sách, nhưng mười mấy năm qua chỉ gặp vài người, vốn nghĩ tướng quân phải mặc giáp sắt, tướng người hùng hổ thô kệch, nói chuyện cộc cằn nhát gừng, song Đế Nỗ lại chẳng giống những gì y tưởng tượng.
Sẽ không có một tướng quân nào có cử chỉ ưu nhã đến thế.
Sẽ không có một tướng quân nào có nụ cười hiền hòa đến thế.
Sẽ không có một tướng quân nào có nốt ruồi lệ chi khiến người khác cảm thấy ưu sầu đến thế.
Mãi tới khi Tại Hiền gọi Tại Dân ra, y hẵng còn ngây ngẩn trông theo dáng lưng dài rộng đã khuất bóng, tim chợt nhói lên từng cơn lạ kì.
Người vừa đi sao trông quen mắt quá, sao đột nhiên khiến lòng y muốn trào cơn nức nở tới vậy.
Tựa như đã biết nhau từ những ngày xa xôi, nhưng y chẳng tài nào nhớ ra, cũng không có cách nào hỏi ai về chính kí ức của mình.
Tại Hiền nói, Đế Nỗ sinh ra trong cung, lớn một chút thì ra chiến trường, một năm ngót mười tháng sống nơi biên cương đánh giặc, làm sao tới miền sông nước để gặp y chốn quê nhà. Tại Dân đứng bên kệ xếp lại sách theo tựa, trong đầu mênh mang, hình ảnh Đế Nỗ mỉm cười mờ ảo dập dềnh trên mặt nước biêng biếc, dần tan theo từng đợt gió lay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top