Jean Valjean
Jean Valjean
Victor Hugo
Chương I: Jean Valjean trên chiến lũy
Cuộc nổi dậy tai hại tháng sáu 1832 là cuộc chiến tranh đường phố lớn nhất trong lịch sử.
Đó là một cuộc nổi dậy khác thường. Chiến lũy mọc lên khắp Paris.
Cái thì chắn cửa ô Saint-Antoine, cái khác lại ngăn cản việc tiến đến gần ô Temple. Chiến lũy Saint-Antoine thật là khủng khiếp, nó cao tới bốn tầng và rộng bảy trăm pi-ê.
Mười chín chiến lũy nhỏ trải ra theo chiều dài các đường phố, đằng sau chiến lũy mẹ đó.
Trên chiến lũy này, một lá cờ đỏ to phần phật trước gió.
Cách đó một phần tư dặm, bên kia con kênh, trên đường phố ngược lên mái dốc Belleville, chỗ đỉnh dốc, người ta nhìn thấy một bức thành lạ, cao tới tầng ba các nhà mặt phố. Bức thành đó được dựng bằng những viên đá lát. Nó thẳng thắn, đúng cách sắp theo dây dọi, lạnh lẽo vuông thành sắc cạnh. Người ta nhận thấy, từng quãng một, trên bề mặt màu xám của bức thành có những lỗ châu mai rất khó nhìn thấy, nó giống như những sợi chỉ đen. ánh nắng chói chang tháng sáu tràn ngập cái vật kinh khủng ấy. Đó là chiến lũy của ô Temple.
ở đó, tám mươi người đã chống chọi lại cuộc công kích của mười nghìn vệ binh. Nó giữ được ba ngày, và chỉ một mình thủ lĩnh Barthélimy thoát khỏi cuộc tàn sát.
Chiến lũy phố Chanvrerie thì chỉ là một phác họa, một phôi thai, so với hai tên khổng lồ mà chúng tôi vừa tả qua, nhưng, đương thời, nó thật đáng gờm.
Jean Valjean vẫn ở chỗ cũ, bất động trên cột mốc. Gavroche đã chết như một anh hùng.
Marius đã lượm xác đứa con của Paris và một viên đạn đã sượt qua trán chàng. Courfeyrac, một bạn chiến đấu, lấy khăn tay của mình băng đầu cho chàng. Tuy vậy, Marius chỉ có một ý nghĩ trong đầu: Cosette.
Tình hình nghĩa quân ngày càng trở nên gay cấn. Người ta làm hết sức mình để củng cố chiến lũy. Đá lát được dùng để lấp kín đến tận nửa chiều cao của cửa sổ tầng hai và các cửa con tầng áp mái. Rồi người ta chặn cửa sổ phía dưới và để sẵn những gióng sắt để, đêm đến, ngáng bên trong cánh cửa quán rượu.
Pháo đài thật hoàn chỉnh. Chiến lũy là thành, quán rượu là chòi canh.
Công việc chuẩn bị pháo kích bao giờ cũng hơi chậm chạp, có phương pháp; sau đó là sấm sét.
Sự chậm chạp đó cho phép Enjolras xem xét lại tất cả và hoàn thiện lại tất cả. Anh cảm thấy rằng tất cả những người như thế sẽ chết và cái chết của họ phải là một kiệt tác.
Anh nói với Marius:
- Chúng ta là hai người chỉ huy. Mình sẽ ra những lệnh cuối cùng ở bên trong pháo đài. Cậu ở lại bên ngoài mà quan sát.
Marius lên vị trí quan sát trên đỉnh chiến lũy.
Enjolras cho đóng đinh cánh cửa nhà bếp mà ta nhớ là nó được dùng làm trạm quân y.
- Không được để nước bẩn bắn lên thương binh. Anh nói.
Anh cho những chỉ thị cuối cùng trong căn phòng thấp, bằng một giọng ngắn gọn, nhưng rất mực điềm tĩnh, Feuilly lắng nghe và, thay mặt mọi người, trả lời:
- ở tầng hai, phải có sẵn rìu để chặt cầu thang. Ta có không?
- Có. - Feuilly nói.
- Bao nhiêu cái?
- Hai cái rìu và một cái búa.
- Được đấy. Chúng ta gồm hai mươi sáu chiến sĩ còn vững vàng. Có bao nhiêu súng?
- Ba mươi tư.
- Dôi ra tám. Cứ giữ tám khẩu súng ấy, nạp đạn như những khẩu khác và cầm ở tay. Đai lưng đeo kiếm và súng ngắn. Hai mươi người ở chiến lũy. Sáu mai phục trên tầng áp mái và ở cửa sổ tầng hai để nổ súng vào bọn tấn công qua những lỗ châu mai. Mong rằng nơi đây không còn một người lao động nào là vô ích. Chốc nữa, khi trống đánh khai hỏa, hai mươi người ở dưới xông ngay lên chiến lũy. Những người tới đầu tiên sẽ là những người chiếm được chỗ tốt nhất.
Cắt đặt xong, anh quay về phía Javert, và bảo hắn:
- Ta không quên ngươi đâu.
Rồi đặt một khẩu súng ngắn lên bàn, anh nói thêm:.- Người cuối cùng ra khỏi đây sẽ bắn vỡ đầu tên gián điệp này.
- ở đây ư? - Một giọng hỏi.
- Không, đừng để lẫn xác tên này với bọn ta. Ta có thể bước qua chiến lũy nhỏ trên ngõ Mondétour. Nó chỉ cao có bốn pi-ê. Tên này đã bị trói chặt. Ta sẽ dẫn hắn ra đấy mà xử.
Lúc này, có ai đó thản nhiên hơn cả Enjolras:
chính là Javert.
Đến đây, Jean Valjean hiện ra.
Ông đã đứng lẫn vào nhóm nghĩa quân. ông bước ra, và nói với Enjolras:
- ông là người chỉ huy à?
- Vâng.
- Lúc nãy ông đã cảm ơn tôi.
- Nhân danh nền Cộng hòa. Chiến lũy có hai cứu tinh, Marius Pommercy và ông.
- ông có nghĩ rằng tôi xứng đáng được một phần thưởng không?
- Tất nhiên rồi.
- Thế thì tôi xin một phần thưởng.
- Thưởng gì?
- Tự tay tôi bắn vào đầu con người này.
Javert ngẩng đầu lên, trông thấy Jean Valjean, liền làm một động tác khó nhận thấy, và nói:
- Đúng đấy.
Còn về Enjolras, anh đã bắt đầu nạp đạn khẩu các bin của mình. Anh đảo mắt nhìn xung quanh:
- ông hãy nhận lấy tên mật thám.
Quả vậy, Jean Valjean chiếm lấy Javert bằng cách ngồi lên đầu bàn. ông cầm lấy khẩu súng ngắn, và một tiếng lạch xạch nhỏ cho biết ông vừa nạp đạn.
Gần như cùng lúc đó, người ta nghe thấy tiếng kèn vang lên.
- Báo động! - Từ trên đỉnh chiến lũy, Marius kêu to.
Javert cất tiếng cười, cái cười không thành tiếng rất riêng của hắn, và, vừa chằm chằm nhìn nghĩa quân, hắn vừa nói với họ:
- Các người chẳng khỏe hơn ta là mấy.
- Tất cả ra ngoài! - Enjolras kêu to.
Nghĩa quân ồn ào lao ra, và, họ nghe được sau lưng, lời nói này của Javert:
- Hẹn tý nữa nhé!
Chương II: Những người anh hùng
Khi Jean Valjean còn lại một mình với Javert, ông bèn cởi sợi thừng trói chặt người tù ở phần giữa thân hắn, mà cái nút ở dưới gầm bàn. Sau đó, ông ra hiệu cho hắn đứng dậy.
Javert vâng theo, với một nụ cười thể hiện cô đọng ưu thế của uy quyền bị trói buộc.
Jean Valjean giữ Javert bằng sợi dây ghì đầu, như thể người ta giữ một con vật thồ bằng chiếc đai ngực, rồi lôi hắn sau mình, ra khỏi quán rượu một cách từ từ vì Javert, bị vướng ở chân, chỉ có thể bước được rất ngắn.
Jean Valjean nắm trong tay khẩu súng ngắn.
Cứ thế, họ vượt qua cái cầu thang bên trong chiến lũy. Nghĩa quân, hoàn toàn chăm chú vào cuộc công kích sắp tới nên quay lưng lại phía họ.
Riêng có Marius, ở đầu bên trái ụ chắn, là thấy họ đi qua. Nhóm hai người, kẻ chịu tội và người đao phủ đó, được soi rọi bằng ánh sáng trong lòng họ.
Jean Valjean cho Javert leo lên cái lũy nhỏ ở ngõ Mondétour. Có phần khó khăn, vì hắn bị trói, nhưng Jean Valjean không buông lơi hắn một lúc nào.
Khi đã bước qua ụ chắn đó, họ chỉ còn có một mình trong ngõ. Không ai thấy họ nữa. Chỗ gấp khúc của dãy nhà đã che khuất họ với nghĩa quân. Cách họ vài bước, là những xác chết được lôi từ chiến lũy ra thành một đống khủng khiếp.
Người ta nhận thấy trong đống người chết, một khuôn mặt nhợt nhạt, một bộ tóc bị xổ tung, một bàn tay bị thủng và một cái vú đàn bà bị hở một nửa. Đó là Eponine.
Javert nghé xem người chết ấy, rồi, rất mực bình tĩnh, nói khẽ:
- Hình như tôi biết cô gái này.
Rồi hắn quay về phía Jean Valjean.
Jean Valjean kẹp khẩu súng ngắn dưới cánh tay, chằm chằm nhìn Javert, như để bảo hắn, mà không cần dùng lời nói:
- Javert, chính ta đây.
Javert trả lời:.- Ngươi cứ trả thù đi.
Jean Valjean rút trong túi ra một con dao, mở nó ra.
- Một con dao găm! - Javert kêu lên. - Thế là phải. Cái đó hợp với ngươi hơn.
Jean Valjean cắt sợi dây ghì đầu ở cổ Javert, cắt những sợi thừng ở cổ tay hắn, rồi cúi xuống, cắt sợi dây ở chân hắn, và đứng thẳng lên, ông nói với hắn:
- Anh được tự do.
Javert chẳng phải là kẻ dễ ngạc nhiên. Song, tuy vẫn hoàn toàn làm chủ được bản thân, hắn không khỏi xúc động. Hắn đứng yên, miệng há hốc.
Jean Valjean nói tiếp:
- Tôi không nghĩ là tôi ra khỏi được đây.
Tuy vậy, nếu ngẫu nhiên mà ra được, thì tôi ở phố Homme-Armé, số bảy, với cái tên là Fauchelevent.
Javert cau mặt, kiểu cau mặt của con hổ, khiến mép hắn nhếch ra, và hắn lầm bầm:
- Ngươi hãy coi chừng.
- Anh đi đi. - Jean Valjean nói.
Javert khẽ nhắc lại:
- Số bảy.
Hắn cài lại khuy áo lễ, tạo lại dáng cứng nhắc của nhà binh giữa đôi vai, quay người lại, vừa khoanh tay vừa đỡ cằm trong một bàn tay, rồi bắt đầu bước về phía chợ.
Jean Valjean chăm chú theo dõi hắn.
Đi được vài bước, Javert lại quay người lại và kêu lên với Jean Valjean:
- ông làm phiền tôi. ông giết tôi đi thì hơn.
Chính Javert cũng không nhận thấy rằng mình đã không xưng hô khiếm nhã với Jean Valjean nữa.
- Anh đi ngay đi. - Jean Valjean nói.
Javert đi xa dần, bước đi chậm chạp. Một lúc sau, hắn rẽ, ở góc phố Prêcheurs.
Thấy Javert đã đi khuất, Jean Valjean bèn nhả đạn lên trời.
Rồi ông trở về chiến lũy và nói:
- Xong rồi.
Trong khi đó, có một chuyện đã xảy ra.
Marius, vì mắc bận ở bên ngoài, nên đến tận lúc đó vẫn chưa nhìn kỹ tên gián điệp bị trói, ở cuối căn phòng thấp tối tăm..Khi trông thấy hắn giữa ban ngày, bước qua chiến lũy để đi đến chỗ chết, chàng mới nhận ra hắn. Một kỷ niệm bỗng ùa vào tâm trí chàng.
Chàng nhớ đến viên thanh tra phố Pontoise và hai khẩu súng ngắn mà hắn đã trao cho chàng mà chính chàng, Marius, đã dùng, ngay trong chiến lũy này; và, không chỉ nhớ mặt, chàng còn nhớ cả tên nữa.
Tuy vậy, kỷ niệm đó mờ mịt và rối mù như tất cả những ý nghĩ của chàng. Chàng không khẳng định, mà tự hỏi mình:
- Liệu có phải đó là viên thanh tra cảnh sát đã bảo mình tên là Javert không?
Có lẽ vẫn còn thì giờ để can thiệp giúp con người ấy? Nhưng trước hết phải biết có thật đó là Javert không đã.
Marius gọi hỏi một người vừa mới đến chỗ đầu kia chiến lũy.
- Người kia tên là gì?
- Javert.
Marius rướn người lên.
Lúc đó, người ta nghe thấy tiếng súng ngắn.
Jean Valjean lại xuất hiện và kêu lên: Xong rồi.
Một cảm giác lạnh lẽo u uẩn xuyên qua trái tim Marius.
Bỗng tiếng trống hiệu nổ súng nổi lên.
Cuộc tấn công diễn ra như bão táp. Đêm hôm trước trong bóng tối, quân đội đã lặng lẽ tiến đến gần chiến lũy, như một con trăn. Giờ đây, giữa ban ngày, trong cái phố toang hoang này, dứt khoát không thể đột kích được, vả lại lực lượng sống động đã tự bộc lộ, đại bác đã bắt đầu gầm lên, quân đội tràn lên chiến lũy. Thịnh nộ bây giờ là khôn khéo. Một đội bộ binh phòng tuyến mạnh, xen vào đó, từng quãng đều nhau, còn có vệ quốc quân và vệ binh thành đi bộ, -và dựa vào những đám đông ngầm mà người ta chỉ nghe thấy chứ không nhìn thấy, chạy ào vào phố, trống rung, kèn thổi, lưỡi lê đan chéo nhau, công binh đi đầu, và điềm nhiên dưới làn đạn pháo, tới thẳng chiến lũy, với sức nặng của một thanh rầm bằng đồng thau thúc vào một bức tường.
Bức tường vẫn vững.
Nghĩa quân bắn xối xả. Chiến lũy bị trèo lên, như có một cái bờm bằng những tia chớp. Cuộc xung kích điên cuồng đến nỗi, có một lúc chiến lũy như tràn ngập kẻ tấn công. Nhưng nó rũ bọn.lính ra như con sư tử rũ lũ chó, và chiến lũy bị quân vây hãm bao trùm cũng chỉ như vách đá bị bọt bao phủ, để rồi một lúc sau, lại hiện ra, hiểm trở, đen ngòm và khủng khiếp.
Đội quân buộc phải rút lui, vẫn tụ tập trong phố, ngang nhiên, ghê gớm, và chống trả lại cái đồn lẻ bằng một loạt súng đáng sợ.
Phố xá rải đầy xác chết.
Marius chiến đấu dũng cảm nhưng lộ liễu.
Chàng biến mình thành điểm ngắm. Chàng nhô khỏi đỉnh công sự đến hơn nửa người.
Đạn dược của nghĩa quân đã cạn nhưng những tiếng cười đùa châm biếm của họ thì không cạn. Trước những nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết, họ vẫn cười hoặc nói về những điều cao cả.
Bên trong chiến lũy, vỏ đạn rách nhiều đến nỗi như thể trời đã có tuyết.
Đội quân tấn công có số lượng lớn nhưng nghĩa quân có vị trí thuận lợi, họ ở trên thành cao, và giáng đòn sấm sét vào chúng. Bọn lính ào lên vấp phải những xác chết, những tên bị thương và bị vướng trong những bờ dốc đứng.
Cái chiến lũy đó, đựng lên như thế, lại có tường chống tuyệt vời, quả là một trong những nguyên nhân khiến một nhúm người làm thất bại cả một quân đoàn. Song, đội quân luôn luôn được bổ sung thêm và đông dần dưới làn mưa đạn. Đội quân tấn công cứ tiến gần chiến lũy một cách khắc nghiệt, và giờ đây, dần dà, từng bước một, nhưng chắc chắn, nó đã siết chặt chiến lũy như cái vít siết chặt bàn ép vậy.
Những đợt xung kích nối tiếp nhau. Nỗi khủng khiếp lớn dần.
Thế là trên đống đá lát đó, trên cái phố Chanvrerie đó, đã nổ ra một cuộc chiến đấu xứng đáng với một thành Troie. Những con người xanh xao, quần áo rách bươm, kiệt sức, chưa được ăn, ngủ đã hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Họ chỉ mới bắn được vài phát, mà sờ đến túi thì thấy rỗng, không có đạn. Hầu hết họ đã bị thương, đầu hoặc cánh tay băng bằng một miếng vải dính gỉ sắt và đen nhẻm, quần áo thì thủng lỗ chỗ và máu từ đó chảy ra, vũ khí thì chỉ có những khẩu súng tối tân và những thanh gươm cũ đã mẻ.
Những con người ấy đã trở thành những người Khổng lồ. Chiến lũy đã mười lần bị áp sát, tấn công, leo lên, mà chẳng hề bị chiếm.
Người ta đánh giáp lá cà, vật nhau, đá nhau, dùng súng ngắn, dùng gươm, dùng cả quả đấm, đánh từ xa, đánh ở gần, từ trên cao, từ dưới thấp, từ khắp nơi; từ những mái nhà, từ những cửa sổ quán rượu, từ cửa hầm thậm chí từ dưới hầm, nơi có vài người lọt xuống. Họ lấy một chọi lại sáu mươi. Mặt ngoài quán rượu, bị phá mất một nửa, nom thật gớm ghiếc. Cửa sổ, bị xăm bởi hàng tràng phát đạn, đã mất kính và khung và chỉ còn là một cái lỗ dị hình, được bịt qua quýt bằng những viên đá lát. Bossuet bị giết, Feuilly bị giết; Joly cũng bị giết, Com-beferre đang vực một tên lính bị thương dậy thì bị ba nhát lê xuyên qua ngực, chỉ kịp nhìn trời và thở hắt ra.
Marius vẫn chiến đấu và bị lỗ chỗ nhiều vết thương, đặc biệt là ở đầu, đến nỗi mặt chàng bị chìm trong máu, như thể trùm trong một chiếc khăn tay đỏ.
Tình hình trở nên vô vọng. Bọn vệ binh xung kích đợt cuối cùng và chiến lũy bị thất thủ.
Bảy, tám người sống sót, chẳng mấy chốc bị bọn lính đuổi theo, phải rút chạy vào quán rượu.
Marius vẫn ở lại bên ngoài. Một phát súng vừa nổ làm cho chàng bị gãy xương đòn gánh.
Chàng cảm thấy mình bị ngất đi và ngã xuống.
Lúc đó, mắt đã nhắm, chàng có cảm tưởng là một bàn tay mạnh mẽ túm lấy mình, và rồi ngất đi và mê man, chàng không còn đủ thời gian dành cho ý nghĩ ấy trộn lẫn với kỷ niệm cuối cùng về Cosette:
- Mình bị bắt làm tù binh. Mình sẽ bị xử bắn.
Thực tế, Marius đã là tù binh. Tù binh của Jean Valjean.
Cái bàn tay đã ghì lấy chàng từ phía sau vào lúc chàng ngã xuống, cái bàn tay mà trong khi bất tỉnh, chàng đã cảm thấy nó túm lấy mình, đó là bàn tay của Jean Valjean.
Trong cuộc chiến đấu, Jean Valjean đã chỉ nhận về mình những khó khăn, đó là hứng chịu, xả thân. Nếu không có ông, thì trong giai đoạn cuối cùng của cơn hấp hối này, sẽ chẳng có ai nghĩ tới những người bị thương. ông có mặt ở khắp nơi trong cuộc chém giết để chăm sóc những người bị thương, những ai ngã xuống đã được vực dậy, chuyển vào căn phòng thấp, và.được băng bó. Những lúc khác, ông sửa sang chiến lũy. Nhưng hai bàn tay ông không hề làm gì có thể giống một đòn đánh, một cuộc công kích, hoặc ngay cả một sự tự vệ cá nhân. ông lẳng lặng cứu giúp. Vả lại, ông chỉ bị sây sát đôi chút. Những viên đạn đã không chạm đến ông.
Trong mây mù dày đặc của cuộc chiến đấu, Jean Valjean có vẻ như không nhìn thấy Marius.
Sự thực là ông chẳng rời mắt khỏi chàng.
Khi một phát đạn làm Marius ngã xuống, Jean Valjean đã nhảy vọt lên, nhanh nhẹn như một con hổ, sà xuống chàng như xuống một con mồi, và xốc chàng đi.
Cơn lốc của cuộc công kích lúc đó tập trung dữ dội vào Enjolras và cửa quán rượu, nên chẳng ai trông thấy Jean Valjean, hai tay đỡ Marius đang bị ngất, băng qua cái nền tróc đá của chiến lũy, rồi biến vào sau góc nhà.
Đến đó, Jean Valjean dừng lại, để Marius trượt xuống đất, rồi tựa lưng vào tường, và đảo mắt quanh mình.
Tình hình thật đáng sợ.
Lúc này, có lẽ được hai hoặc ba phút, vạt tường này có thể là một chỗ trú, nhưng làm sao ra khỏi cuộc chém giết kia?
Trước mặt ông là một ngôi nhà bảy tầng đứng trân trân và câm lặng, hình như chỉ có một người ở, đó là người đàn ông đã chết, vắt qua cửa sổ. Bên phải ông là một chiến lũy hơi thấp, chặn phố Petite-Truanderie. Bước qua vật chướng ngại đó có vẻ cũng dễ thôi, nhưng người ta trông thấy bên trên đỉnh chiến lũy có một hàng lưỡi lê nhọn hoắt. Đó là đội quân phòng tuyến, đóng bên kia chiến lũy, và đang rình.
Hiển nhiên rằng vượt chiến lũy đó là đi hứng lấy hỏa lực của một trung đội, và bất cứ cái đầu nào liều lĩnh vượt lên khỏi đỉnh bức thành đá lát, cũng sẽ làm bia ngắm cho sáu mươi phát súng. Bên trái ông là chiến trường. Cái chết đang ở phía sau góc tường. Làm thế nào đây?
Chỉ một con chim mới có thể rút ra khỏi nơi đó được.
Mà phải quyết định ngay, phải tìm ra một mưu mẹo, rồi quyết định thực hiện. Người ta đang đánh nhau cách ông vài bước. May mà tất cả chỉ bám riết vào một điểm duy nhất, vào cửa quán rượu. Nhưng nếu một tên lính, chỉ một tên thôi, nảy ra ý nghĩ đi quanh ngôi nhà, hoặc công kích vào sườn nhà, thì thật là hết..Jean Valjean nhìn ngôi nhà trước mặt, nhìn chiến lũy bên cạnh, rồi ông nhìn xuống đất, cuống lên, cứ như thể ông muốn đào một cái lỗ bằng đôi mắt của ông vậy.
Ông nhận thấy, cách mình vài bước, bên dưới một ụ chắn nhỏ được ráo riết canh giữ và rình rập từ bên ngoài, dưới một đống đá lát đã bị che khuất một phần, có một tấm song sắt đặt nằm sàn sàn mặt đất. Tấm song đó, được làm bằng những thanh ngang khỏe, rộng khoảng hai pi-ê vuông. Cái khung đá lát giữ nó đã bị người ta lấy đi, nên nó như bị tháo ra. Qua song sắt, người ta thoáng thấy một lỗ cửa tối om, một cái gì đó giống như ống dẫn của một lò sưởi hoặc hình trụ của một bể chứa.
Jean Valjean lao đến. Thủ thuật cũ về những cuộc đào thoát bốc lên đầu ông như một luồng sáng.
Gạt những viên đá lát ra, nâng tấm song sắt lên, vác Marius bất động như một xác chết lên vai mình. Với gánh nặng đó ở ngang lưng, nhờ sự giúp đỡ của khuỷu tay và đầu gối, ông bước xuống một cái gì đó giống như cái giếng, may mà không sâu lắm. Để cánh cửa bằng sắt nặng lại sập xuống phía trên đầu mình và làm cho đá lát long lở lại đổ xuống cửa sập, đặt chân lên một diện tích lát đá ở dưới mặt đất ba mét, những việc đó đã được Jean Valjean thực hiện như trong một cơn mê sảng, bằng sức mạnh của người khổng lồ và sự nhanh nhẹn của chim đại bàng, những việc đó kéo dài không đến vài phút.
Jean Valjean thấy mình, cùng với Marius vẫn ngất lịm, ở trong một thứ hành lang dài dưới lòng đất.
Ở đó, cực kỳ yên ổn, tuyệt đối im lặng, tối đen.
Ấn tượng mà ngày xưa ông đã cảm thấy khi rơi từ ngoài phố vào tu viện, trở lại với ông. Chỉ có điều là vật ông mang đi hôm nay không phải là Cosette nữa, mà là Marius.
Bây giờ, trên đầu ông, cảnh huyên náo khủng khiếp của quán rượu bị đánh chiếm, ông chỉ thoảng nghe thấy như một tiếng lầm rầm mơ hồ.
Chương III: Những cống ngầm của Paris
Dưới lòng đất, Paris có một Paris khác, một Paris của những cống ngầm, Paris này cũng có phố xá, ngã tư, quảng trường, ngõ cụt, đường giao thông và sự đi lại của nó, đó là bùn chảy, chỉ kém có hình người.
Và nếu Paris chứa Athènes, thành phố ánh sáng, Tyr, thành phố Sức mạnh, Sparte, thành phố Đức hạnh, Ninive, thành phố Kỳ diệu, thì nó cũng chứa Lutèce, thành phố Bùn lầy.
Lòng đất Paris, nếu con mắt có thể nhìn thấu bề mặt của nó, bày ra cảnh tượng như một tảng san hô khổng lồ.
Một miếng bọt biển cũng không có nhiều eo và hành lang hơn mảnh đất chu vi sáu dặm trên đó thành phố lớn cổ kính đã được đặt lên. Chưa nói đến hầm mộ, là một cái hầm riêng biệt, chưa nói đến mạng lưới rắc rối những ống dẫn khí, chưa kể đến hệ thống rộng lớn ống dẫn nước chảy đến các máy nước, chỉ nói riêng những cống ngầm thôi cũng làm thành, dưới hai bờ sông, một mạng lưới tối tăm kỳ diệu rồi. Mạng lưới này có dòng chảy là độ dốc của nó. ..
Đầu thế kỷ mười chín, hầm ngầm Paris còn là một nơi bí hiểm. Bùn thì chẳng bao giờ là tốt cả, nhưng ở đây, tiếng xấu càng làm người ta sợ hãi. Paris mơ hồ biết bên dưới nó có một cái hầm khủng khiếp.
Ngoằn ngoèo, nứt nẻ, tróc đá lát, rạn vỡ, có nhiều ổ gà sũng nước, có những chỗ xóc do khúc khuỷu lạ lùng, khi lên, khi xuống không hợp lý, thối tha, hoang dã, dữ dằn, chìm ngập trong bóng tối, với những vết nứt trên đá lát và vết rạch trên tường, thật khủng khiếp, đó là cống ngầm cổ của Paris. Những nhánh rẽ về mọi phía, những cái hào cắt nhau, những đường nhánh ngã tư, ngã năm, như trong những đường hào, ngõ cụt, vòm cuốn phủ xan-pết, hố nước bẩn, nước rỉ ra trên vách, nước rớt từ trần xuống, bóng tối, không gì sánh được với cái hầm mộ cổ lở loét ấy, bộ máy tiêu hóa của Babylone, hang, hố, vực có những đường phố xuyên qua, những hang chuột chũi khổng lồ, nơi mà tâm trí tưởng như thấy lảng vảng qua bóng tối, con chuột chũi mù khổng lồ, trong rác rưởi đã từng là vẻ rạng rỡ, là quá khứ kia..Cái này, chúng tôi xin nhắc lại, đó là cống ngầm ngày xưa.
Jean Valjean đang ở trong chính cái cống ngầm ấy.
Như trong đại dương, một người nhảy xuống có thể biến mất tăm.
Sự chuyển tiếp thật lạ kỳ. ở ngay giữa thành phố Jean Valjean đã ra khỏi thành phố, và, trong nháy mắt thời gian để nhấc một cái nắp và đậy nó lại, ông đã chuyển từ ánh sáng ban ngày vào bóng tối hoàn toàn, từ giữa trưa sang nửa đêm, từ ầm ỹ đến im lặng, từ cơn lốc sấm sét đến cảnh tù đọng của nấm mồ, và bằng một sự đột biến kỳ diệu hơn đột biến phố Polonceau nhiều, từ nguy hiểm cực kỳ đến an toàn tuyệt đối nhất.
Đột ngột rơi vào một cái hầm, biến mất trong hầm ngầm của Paris, rời khỏi cái phố, nơi cái chết có mặt ở khắp nơi ấy, để vào một kiểu phần mộ, nơi có cuộc sống này. Thật là một thời khắc lạ lùng. ông choáng váng mất vài giây, lắng nghe, sững sờ. Cái bẫy sập cứu nạn đã đột ngột mở ra dưới chân ông. Có thể nói rằng lòng tốt của trời đã bắt ông vì phản bội. Thật là những trận phục kích đáng quý của Thượng đế!
Người bị thương không động đậy tý nào, và Jean Valjean, không biết rằng vật mà ông mang vào trong hố này là một người còn sống hay đã chết.
Cảm giác đầu tiên của ông là sự mù mịt. Đột nhiên, ông không trông thấy gì nữa. Trong một phút hình như ông cũng trở thành một người điếc, ông không nghe thấy gì nữa. Chúng ta đã nói rằng cơn bão giết chóc sôi sục hoành hành trên đầu ông, chỉ cách vài pi-ê, nhưng khi tới ông, do bề dày của phần đất ngăn cách, nó yếu đi và không rõ ràng, và chỉ như tiếng ồn ào trong một nơi sâu thẳm. ông cảm thấy chắc dưới chân, có thế thôi, nhưng thế là đủ. ông giơ một cánh tay, rồi tay kia, và đụng vào tường ở cả hai bên, và nhận ra hành lang hẹp. ông trượt chân, và nhận ra nền lát ẩm ướt. ông thận trọng đưa một chân lên trước, sợ có một cái lỗ, một hố nước, một cái vực gì đó.
Ông nhận thấy nền lát kéo dài. Một luồng hơi thối báo cho ông biết mình đang ở đâu.
ít phút sau, ông chẳng còn mù nữa. Từ cửa hầm, nơi ông đã trượt xuống, một chút ánh sáng rọi vào, và mắt ông đã quen với bóng tối hầm này. ông bắt đầu nhận ra đôi chút. Cái hành lang, nơi ông đã vào ẩn trốn, - chẳng có từ nào khác biểu đạt tốt hơn tình huống này - bị tường bịt đằng sau. Đây là một trong những ngõ cụt mà tiếng chuyên môn gọi là đường nhánh. Trước.mặt ông, có một bức tường khác, bức tường của đêm tối. Cách chỗ Jean Valjean mươi, mười hai bước, ánh sáng từ cửa hầm không rọi tới nữa, mà chỉ tạo nên được một màu trắng mờ mờ trên vài mét vách ẩm của cống ngầm. Xa hơn nữa thì mù mịt dày đặc. Đi sâu vào đó có vẻ kinh khủng, vào đó hình như sẽ bị chìm nghỉm. Tuy vậy, vẫn có thể dấn mình vào bức thành sương mù đó, và phải làm thế thôi. Phải làm gấp là đằng khác.
Jean Valjean nghĩ rằng tấm song sắt ấy, ông đã nhìn thấy dưới những viên đá lát, thì bọn lính cũng có thể nhìn thấy, và tất cả là do sự tình cờ đó. Cả chúng nữa, chúng cũng có thể bước xuống cái giếng này, và lùng sục, tìm ông. Không thể để phí một phút nào. ông đã đặt Marius xuống đất, ông lại bế chàng lên, vác lên vai mình và bắt đầu bước.
Ông quyết tâm đi vào trong bóng tối ấy.
Sự thực là họ chưa thoát được, chứ không phải như Jean Valjean nghĩ. Có thể những nguy hiểm loại khác, to lớn không kém, đang đón chờ họ. Sau cơn lốc sấm sét của cuộc chiến đấu, là hang hốc của những chướng khí và cạm bẫy. Sau cảnh hỗn loạn, là nơi ô uế. Jean Valjean thoát khỏi một vòng địa ngục, lại sa vào một vòng khác...
Ông cố định hướng, dò dẫm từng bước và đi về phía trước, không khỏi lo lắng.
Khi ông đã rẽ ở góc hàng lang, thì ánh sáng xa xôi nơi cửa hầm biến mất, màn đêm tối lại trùm lên người ông và ông lại hóa mù. ông vẫn tiến bước, và cố đi thật nhanh. Hai cánh tay Marius quàng quanh cổ ông và hai chân lủng lẳng đằng sau ông. Một bàn tay ông giữ hai cánh tay, còn bàn tay kia sờ vào tường để thăm dò.
Má Marius chạm vào má ông, và vì đang chảy máu nên nó dính bết vào đó. ông cảm thấy một dòng chảy ấm áp từ Marius sang người ông và thấm vào quần áo ông. Trong khi đó, có một cái gì ấm và ẩm ở tai ông, nơi miệng Marius chạm vào, chứng tỏ rằng chàng đang thở, và như thế, chàng vẫn còn sống. Hành lang, nơi Jean Valjean đang lần theo bây giờ đã đỡ chật hơi cái trước. Jean Valjean bước đi, hơi khó nhọc. Nước mưa hôm trước vẫn còn chưa chảy đi hết và làm thành một cái thác nhỏ ở giữa đáy hầm, và ông phải áp mình vào tường để khỏi giẫm chân xuống nước. ông đi như vậy trong bóng tối âm u. ông giống những sinh vật sống về đêm, dò dẫm trong cõi vô hình và mất hút dưới lòng đất, trong những vỉa bóng tối..Dần dần, chúng tôi phải nói điều này, một nỗi khiếp sợ nào đó đã xâm nhập vào ông. Bóng tối bao trùm, lọt vào tâm trí ông. ông bước đi trong bí ẩn. Cái máng nước bẩn này thật đáng sợ, nó đan chéo nhau đến chóng mặt. Bị bắt vào trong cái Paris của những bóng tối này thật là một điều thê thảm. Jean Valjean buộc phải tìm và gần như phát minh ra đường đi của mình vì chẳng nhìn thấy gì cả. Trong nơi lạ lẫm này, mỗi bước ông đi liều có thể là bước cuối cùng.
Tuy vậy, từng tý một hoặc do những cửa hầm xa xa rọi vào đám sương mù đen tối dày đặc đó, một chút ánh sáng chập chờn, ông có một ảo ảnh mơ hồ, và lại bắt đầu lờ mờ nhận ra, khi thì cái tường ông chạm vào, khi thì cái vòm cuốn bên trên đầu ông. Con ngươi giãn ra trong đêm tối và cuối cùng ông đã tìm thấy ánh sáng ban ngày, cũng như tâm hồn giãn ra trong bất hạnh và cuối cùng ta tìm thấy Chúa ở đó.
Tự định hướng cho mình thật là khó.
Có thể nói sơ đồ cống ngầm dội lại sơ đồ đường phố chồng lên nó. Paris, hồi đó có hai trăm phố. Xin hãy hình dung ra, dưới đó, cái khu rừng đầy những nhánh tối tăm mà người ta gọi là cống ngầm. Hệ thống cống ngầm tồn tại trong thời kỳ đó, đặt nối đầu nhau, sẽ cho một chiều dài là mười một dặm.
Chúng tôi đã nói ở trên rằng mạng lưới cống ngầm hiện nay, nhờ hoạt động đặc biệt trong ba mươi năm, nó đã có không dưới sáu mươi dặm.
Ông có cảm tưởng đang đi về phía sông Seine, hóa ra nhầm, mà không biết, ông đang lại gần cống vành đai.
Đến một lúc nào đó, trong cống ngầm, ông nhận thấy mình đang ra khỏi cái Paris tê liệt vì bạo động, nơi các chiến lũy đã ngăn chặn sự lưu thông, và đang trở về bên dưới cái Paris sống động và bình thường. Chợt ông lại nghe thấy, phía trên đầu mình, một tiếng gì như tiếng sét, xa xôi, nhưng liên tục. Đó là tiếng xe lăn bánh.
Ông đã đi được khoảng nửa tiếng, ít ra là theo con tính ông tự làm trong đầu, và vẫn còn chưa nghĩ đến nghỉ ngơi. ông chỉ thay đổi bàn tay đỡ Marius. Bóng tối sâu thẳm hơn bao giờ hết, nhưng sự sâu thẳm đó lại làm ông yên tâm.
Bỗng chốc, ông nhận thấy trước mặt mình có ánh sáng và những cái bóng lay động. Đó là một đội tuần tra cảnh sát đang đi tuần.
Trong ngày 6 tháng sáu, một đợt lùng sục cống ngầm đã được ban bố. Người ta sợ bọn bại.trận lấy những nơi đó làm chỗ ẩn náu, và cảnh sát trưởng Gisquet phải lùng sục Paris bí ẩn, trong khi tướng Bugeaud càn quét Paris công khai. Hai hoạt động liên quan đòi hỏi hai chiến lược của lực lượng công cộng mà đại diện bên trên là quân đội và bên dưới là cảnh sát. Ba trung đội cảnh sát và phu móc cống thám hiểm đường ngầm Paris, trung đội thứ nhất, bờ phải, trung đội thứ hai, bờ trái, trung đội thứ ba, trong đảo Cité.
Cảnh sát viên được vũ trang bằng súng các-bin, chùy, kiếm và dao găm.
Vật lúc này đang hướng về phía Jean Valjean là cái đèn của đội tuần tra bờ phải.
Đối với Jean Valjean, đó là một giây phút khó tả.
May thay, nếu ông trông thấy rõ cái đèn, thì cái đèn lại khó trông thấy ông. Nó là ánh sáng, ông là cái bóng. ông ở rất xa, lại lẫn với màu đen nơi đó. ông nép mình dọc theo tường và dừng lại.
Bọn người đi tuần lắng tai mà không nghe thấy gì, chúng nhìn nhưng cũng không trông thấy gì. Chúng hỏi ý kiến nhau.
Kết quả của cuộc bàn bạc của bọn chó canh là người ta đã nhầm, là không hề có tiếng động, là không có ai ở đó cả, là dấn mình vào cống ngầm vành đai chỉ vô ích, chỉ mất thì giờ thôi.
Những bước đi chậm và có nhịp độ vang lên một thời gian vọng xuống đáy hầm, mỗi lúc một yếu đi do khoảng cách tăng dần, nhóm hình hài màu đen dấn sâu vào bóng đêm, ánh đèn chao đảo và chập chờn, tạo thành trên vòm cuốn một vòng cung đo đỏ cứ nhỏ dần, rồi biến mất, yên lặng lại trở nên sâu xa, bóng tối lại trở nên hoàn toàn, mù và điếc lại chiếm lĩnh tối tăm; và Jean Valjean vẫn chưa dám động đậy cứ tựa lưng vào tường hồi lâu, tai căng ra, con ngươi giãn nở, nhìn đội tuần tra ma ấy biến dần.
Jean Valjean đi tiếp trong tối tăm. ông cảm nhận thấy không còn đá lát dưới chân mình. ông đi vào chỗ bùn. Đó là nước ở trên mặt, bùn ở dưới đáy. Nhất thiết phải đi qua. Không thể quay trở lại được. Marius đang ngắc ngoải, còn Jean Valjean thì mệt lả. Vả lại, đi đâu? Jean Valjean tiến bước. Cái vũng có vẻ không sâu lắm trong những bước đầu. Nhưng ông càng tiến bước, thì chân ông càng ngập xuống. Chẳng mấy chốc, bùn đã lên đến nửa bắp chân và nước cao quá đầu gối ông. ông bước đi, hai tay cố nâng Marius lên thật cao trên mặt nước. Bây giờ bùn đã lên.đến khoeo chân, và nước đến thắt lưng ông. ông đã không thể lùi lại được nữa. Mỗi lúc ông càng ngập sâu hơn. Bùn ấy khá đặc đối với trọng lượng một người, dĩ nhiên không thể mang được hai người. Riêng từng người, thì Marius và Jean Valjean có thể may mắn thoát khỏi được. Jean Valjean vừa tiếp tục tiến bước, vừa nâng người sắp chết, mà có lẽ đã là một xác chết ấy.
Nước đến nách, ông cảm thấy mình chìm xuống. Hầu như ông không cử động được trong bùn sâu nơi ông đang đứng. Bùn đặc giữ cho chân được vững nhưng cũng là vật chướng ngại.
Ông vẫn cố nhấc Marius lên, và với một sự phung phí sức lực lạ kỳ, ông tiến bước, nhưng ông càng bị lún sâu. Chỉ còn đầu ông là nhô lên khỏi mặt nước, cùng hai cánh tay nâng Marius. Trong những bức tranh cổ vẽ về lũ lụt, có một bà mẹ cũng làm như thế với con mình.
Ông còn lún sâu nữa, ông ngửa mặt ra sau để tránh nước và có thể thở được. Nếu ai đó mà trông thấy ông trong cảnh tối tăm ấy thì có lẽ đã tưởng là một cái mặt nạ bập bềnh trong bóng tối. ông lờ mờ nhận thấy trên người ông cái đầu buông thõng và bộ mặt nhợt nhạt của Marius.
Ông cố gắng một cách tuyệt vọng, và đưa chân về đằng trước. Chân ông vấp phải một cái gì cứng rắn. Một điểm tựa. Thật đúng lúc.
Ông rướn người lên và vặn mình lại, điên cuồng bám chặt vào điểm tựa ấy. Nó tạo cho ông ấn tượng đây là bậc thang đầu tiên để leo lên cuộc sống.
Điểm tựa đó, gặp được trong bùn vào lúc tột cùng thất vọng, là khởi điểm của mái dốc bên kia của đáy hầm. Nó đã gập xuống mà không vỡ và cong xuống dưới nước như một tấm ván nguyên mảnh. Những nền đá lát xây khéo tạo thành vòm vững chắc như thế. Đoạn tầng đáy này, bị chìm một phần, nhưng chắc chắn, đó là một tay vịn thực sự, và, một khi ở trên tay vịn đó, người ta được cứu thoát. Jean Valjean leo lên mặt nghiêng ấy và tới bên kia vũng nước.
Khi ra khỏi nước, ông vấp phải một hòn đá và ngã khuỵu xuống. ông thấy là cũng đúng thôi, và dừng lại một lát, lòng đắm chìm trong một lời cầu Chúa.
Rồi ông đứng dậy, run rẩy, lạnh giá, hôi hám, còng mình dưới sức nặng của người sắp chết mà ông kéo theo kia, khắp mình bùn chảy ròng ròng, tâm hồn lại tràn đầy một ánh sáng kỳ lạ.
Ông lại lên đường một lần nữa. Tuy nhiên, tuy không bỏ mạng trong chỗ đất bùn, hình như ông cũng đã bỏ lại sức lực của mình ở đó. Nỗ lực tột cùng đó đã làm ông kiệt sức. Bây giờ, ông đã mệt mỏi đến độ, cứ đi được ba, bốn bước, ông lại buộc phải tựa vào tường lấy hơi. Một lần ông phải ngồi lên cái ụ để thay đổi vị trí của Marius, và tưởng là sẽ phải ở lại đó. Nhưng, tuy sức lực của ông đã cạn, nghị lực của ông lại không cạn tý nào. ông lại đứng dậy.
Ông bước đi, lòng đầy thất vọng. ông đi nhanh được khoảng một trăm bước như thế, không ngửng đầu lên, gần như không thở và bất chợt đụng vào tường. ông đã đi tới một cái khúc ngoặt của cống ngầm, và vì đầu cúi thấp nên khi tới chỗ rẽ, ông đã đụng vào tường. ông ngước mắt lên, và, ở đầu đường ngầm, đằng kia, trước mặt ông, xa, rất xa, ông thấy có ánh sáng. Lần này, đó không phải là thứ ánh sáng khủng khiếp.
Đó là ánh sáng tốt lành, màu trắng. Đó là ánh sáng ban ngày.
Jean Valjean trông thấy lối ra.
Chương IV: Cuộc gặp khủng khiếp
Một linh hồn bị đày đọa, đang ở giữa lò lửa, bất chợt nhìn thấy lối ra khỏi địa ngục, sẽ cảm thấy điều Jean Valjean cảm thấy. Bằng cái mẩu còn lại của đôi cánh đã bị đốt cháy, nó sẽ cuống cuồng bay về phía cánh cửa rạng rỡ. Jean Valjean không cảm thấy mệt nữa, không cảm thấy sức nặng của Marius nữa, ông lại tìm thấy đôi khoeo chân bằng thép của mình, ông chạy chứ không phải bước đi nữa. ông càng đến gần, càng nhìn thấy rõ lối ra. Đó là một vòm cầu xây cuốn, không cao bằng cái vòm cống đang thu lại dần và không rộng bằng đường hầm đang hẹp lại đồng thời cái vòm của cầu hạ thấp xuống. Đường hầm kết thúc theo hình lòng phễu, một kiểu co thắt không đúng cách, bắt chước những lối đi hẹp của các nhà trừng giới, hợp lý trong một nhà tù, nhưng không hợp lý.trong một cống ngầm, nên sau đó nó đã được sửa lại.
Jean Valjean đã tới lối ra.
Ông dừng lại ở đó.
Đó đúng là lối ra, nhưng không ra được.
Cái vòm được đóng bằng một cái cửa sắt chắc chắn và cửa sắt thì có vẻ như hiếm khi quay trên những bản lề han gỉ, và bị đóng chặt vào khung cửa đá bằng một ổ khóa dày, gỉ đỏ, trông như một viên gạch kếch sù. Người ta trông thấy lỗ tra chìa khóa và cả lưỡi khóa chắc chắn, ngập sâu trong lỗ sắt khung cửa. ổ khóa rõ ràng đã bị khóa hai vòng.
Bên ngoài song sắt, là không khí thoáng đãng, con sông, ánh sáng ban ngày, bờ sông rất hẹp, nhưng đủ để đi lại, những cái bến xa xa, Paris, cái vực thẳm đó, nơi người ta có thể trốn vào đó dễ dàng xiết bao, chân trời rộng mở, tự do. Người ta nhận ra về bên phải, về phía hạ lưu, cầu Iéna, và về bên trái, về phía thượng lưu, cầu Invalides, một nơi thuận tiện để chờ đến đêm và chạy trốn.
Có thể đã tám giờ rưỡi tối. Ngày tàn dần.
Jean Valjean đặt Marius dọc theo tường, trên phần khô của đáy hầm, rồi bước đến cửa sắt, hai bàn tay quắp chặt lấy song sắt, lay mạnh như điên, mà nó không hề rung chuyển. Cửa sắt không nhúc nhích. Jean Valjean nắm lấy song sắt, hết cái nọ đến cái kia, hy vọng nhổ được cái nào yếu nhất, dùng nó làm đòn bẩy để nâng cánh cửa lên, hoặc để phá khóa. Chẳng có song nào lung lay. Không thắng nổi vật chướng ngại.
Không có cách nào mở được cửa ư? Làm thế nào đây? Tình hình sẽ ra sao? Quay trở lại, bắt đầu lại chặng đường khủng khiếp đã vượt qua, ông không có sức để làm việc đó.
Mà dù có đi tới một lối ra khác, người ta cũng sẽ thấy nó bị bịt bằng một cái nắp hoặc một cửa sắt. Chắc chắn là tất cả các cửa ra đều bị đóng theo kiểu ấy. ông đã vào được bằng cái cửa bị mất niêm phong là do tình cờ thôi, còn tất nhiên tất cả những cửa cống ngầm khác đều bị đóng. Người ta đã chỉ trốn thoát vào một nhà tù mà thôi.
Thế là hết. Tất cả những gì Jean Valjean đã làm đều vô ích. Sự kiệt sức dẫn đến sự thất bại.
Cả người nọ lẫn người kia, họ đều đã bị sa vào tấm mạng tối tăm và mênh mông của cái chết, Jean Valjean cảm thấy như có một con nhện ghê gớm, vừa chạy trên những sợi tơ đen ấy, vừa rung rinh trong tối tăm..Giữa lúc ông đang mệt mỏi, rã rời như thế, thì một bàn tay đặt lên vai ông, và một giọng nói khẽ bảo ông:
- Chia đôi.
Có ai trong bóng tối kia? Chẳng có gì giống giấc mơ bằng nỗi thất vọng. Jean Valjean tưởng mình đang nằm mê. ông chưa hề nghe thấy tiếng chân đi. Lẽ nào lại có thể như thế? ông ngước mắt lên.
Một người đang ở trước mặt ông.
Người đó mặc một chiếc áo khoác, chân đi đất, tay trái cầm đôi giày, hẳn là anh ta đã bỏ giày ra để có thể tới chỗ Jean Valjean, mà người ta không nghe thấy tiếng chân anh ta.
Jean Valjean không một phút do dự. Mặc dù cuộc gặp quá bất ngờ, ông biết con người này.
Đó là Thénardier.
Dù bị giật mình, thức dậy, có thể nói như vậy, Jean Valjean, vốn đã quen với những hiệu lệnh báo động, và dạn dày trước những đòn đánh bất ngờ cần phải chống đỡ nhanh, ông đã lấy lại được ngay tất cả sự nhanh trí của mình. Vả lại, tình huống không thể tồi tệ hơn, một mức độ nguy khốn nào đó sẽ không thể tăng thêm được, và ngay đến Thénardier cũng không thể làm cho đêm đó đen thêm.
Một lúc im lặng chờ đợi.
Thénardier nâng bàn tay phải lên ngang trán, làm thành một cái che mắt, rồi hắn vừa nhíu mày vừa chớp mắt, với một cái bặm môi nhẹ, đó là đặc trưng sự chú ý của một con người đang tìm cách nhận ra một người khác. Hắn không hề đạt được mục đích đó. Jean Valjean, như ta vừa nói, quay lưng lại phía ánh sáng, và còn biến dạng nhiều, người đầy bùn và bê bết máu, khiến cho, ngay là giữa trưa, hắn cũng không nhận ra ông được. Trái lại, Thénardier bị ánh sáng từ cửa sắt soi thẳng vào mặt, ánh sáng trong hầm cố nhiên là nhợt nhạt, nhưng cũng khá rõ, hắn đã hiện ra, nói theo lối ẩn dụ mạnh mẽ, thông tục, rành rành trước mắt Jean Valjean. Sự không đồng đều về điều kiện đó đủ để đảm bảo một lợi thế nào đó cho Jean Valjean trong cuộc đọ sức bí hiểm sắp bắt đầu giữa hai tình huống và hai con người này. Cuộc gặp xảy ra giữa Jean Valjean được che khuất và Thénardier bị lột mặt nạ.
Jean Valjean thấy ngay là Thénardier không nhận ra ông.
Họ nhìn kỹ nhau một lúc trong cảnh chạng vạng tối đó, như để ước đoán về tài sức của nhau.
Thénardier là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng..- Người định làm thế nào để ra?
Jean Valjean không trả lời.
Thénardier nói tiếp:
- Không thể dùng móc để mở cửa được. Thế mà ngươi cần ra khỏi đây.
- Đúng thế. - Jean Valjean nói.
- Vậy thì chia đôi.
- Ngươi muốn nói gì?
- Ngươi đã giết người, tốt thôi. Ta thì có chìa khóa.
Thénardier lấy ngón tay chỉ Marius và nói tiếp:
- Ta không biết ngươi, nhưng muốn giúp ngươi. Chắc ngươi cũng cùng cánh với ta thôi.
Jean Valjean bắt đầu hiểu. Thénardier cho ông là một kẻ giết người.
Thénardier nói tiếp:
- Nghe đây, bạn ơi. Chắc cậu không giết người này, mà lại chẳng nhìn xem gã có cái gì trong túi. Cậu hãy đưa tớ một nửa. Tớ sẽ mở cửa cho cậu.
Rồi hắn rút ra, từ trong chiếc áo khoác đã thủng hết, một nửa chiếc chìa khóa to và nói thêm:
- Cậu có muốn xem làm thế nào để đi khỏi đây không? Đây này.
Jean Valjean "ngớ người ra", - từ này là của cụ Corneille, - đến nỗi nghi ngờ cái mà ông nhìn thấy không biết có phải thực không. Đó là Thượng đế hiện hình khủng khiếp, và thiên thần tốt bụng chui từ dưới đất lên dưới lốt của Thénardier.
Thénardier thọc nắm tay vào một cái túi rộng giấu dưới áo khoác, rút ra một sợi thừng và đưa cho Jean Valjean - Đây, - hắn nói, - tớ cho cậu thêm sợi thừng.
- Sợi thừng để làm gì?
- Cậu cũng cần một hòn đá, nhưng cậu sẽ tìm thấy ở bên ngoài. ở đó có một đống vôi, gạch vụn.
- Hòn đá để làm gì?
- Đồ ngốc, vì cậu sẽ ném cái kia xuống sông, cậu cần có một hòn đá và một sợi thừng, nếu không, nó sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Jean Valjean cầm lấy sợi thừng. Chẳng ai lại không có những lúc hành động máy móc như thế.
Thénardier búng ngón tay kêu tách tách, như vừa nảy ra một ý nghĩ:
- à này, anh bạn, cậu đã làm thế nào để ra khỏi vũng nước bẩn đằng kia? Tớ thì chẳng bao.giờ dám liều mình ở đó. Chà! Người cậu chẳng thơm tý nào.
Dừng một lát, hắn lại nói thêm:
- Tớ hỏi cậu, nhưng cậu không trả lời, cũng phải thôi. Đó là một cách tập luyện cho mười lăm phút tồi tệ của quan dự thẩm. Thêm nữa, khi không nói gì cả, người ta sẽ không nhỡ mồm nói quá to. Dù sao, chỉ vì tớ không trông thấy mặt cậu và cũng không biết cả tên cậu nữa, mà cậu cho là tớ không biết cậu là ai và cậu muốn gì, thì là cậu nghĩ sai đấy. Biết chứ. Cậu đã hơi thô bạo với ông đây. Bây giờ có lẽ cậu muốn giấu ông ta ở đâu đó. Cậu cần có con sông, một nơi rộng lớn để cất giấu những cái bậy bạ. Tớ sẽ kéo cậu ra khỏi cảnh lúng túng này. Giúp một chàng trai tốt đang gặp khó khăn, cái đó thôi thúc tớ.
Vừa đồng ý với thái độ im lặng của Jean Valjean, rõ ràng là hắn vừa tìm cách làm cho ông phải nói. Hắn hích vai ông để có thể nhìn nghiêng hình dáng ông, và kêu lên, nhưng không ra khỏi khoảng trung thanh vì hắn muốn giữ giọng mình ở khoảng âm đó:
- à, về cái hố nước, cậu đáng tự hào đấy.
Tại sao cậu không vứt gã này xuống đó?
Jean Valjean vẫn im lặng.
Thénardier vừa nói tiếp, vừa kéo lên cao đến tận yết hầu, mảnh vải hắn dùng làm cra-vat, cử chỉ này hoàn chỉnh dáng vẻ đầy năng lực của một người đứng đắn:
- Thực ra, có lẽ cậu đã hành động khôn ngoan. Ngày mai, bọn thợ, khi đến bịt cái lỗ, chắc chắn sẽ tìm thấy anh chàng bị bỏ quên ở đó, và người ta sẽ có thể, từng tý một, lần ra, tóm được dấu vết của cậu, và đến tận chỗ cậu.
Có ai đó đã đi qua cống ngầm. Ai? Nó đã ra bằng lối nào? Người ta có nhìn thấy nó ra không?
Cảnh sát đầy tài trí. Cống ngầm thì phản trắc, tố cáo người ta. Một vật tìm thấy như thế là của hiếm, cái đó gọi là liệu hồn, ít người dùng cống ngầm vào công việc của mình, trong khi con sông là của tất cả mọi người. Con sông đó là cái hố thực sự. Sau một tháng, những người ở Saint-Cloud tung lưới, lại vớt được anh chàng của cậu.
Thế thì, cần gì cái đó? Chỉ là một cái xác chết thối! Ai đã giết người ấy? Paris. Tòa án cũng chẳng buồn thông tin nữa. Cậu đã làm đúng.
Thénardier càng ba hoa, Jean Valjean càng câm lặng. Thénardier lại lay vai ông.
- Bây giờ, ta hãy kết thúc vụ này. Ta chia nhau. Cậu đã trông thấy chìa khóa của tớ, hãy cho tớ thấy tiền của cậu..Thénardier nhớn nhác, dữ tợn, gian xảo, có vẻ hơi đe dọa, tuy vậy vẫn thân thiện.
Có một điều lạ, dáng điệu của Thénardier không giản dị, hắn không có vẻ hoàn toàn thoải mái. Tuy không làm ra vẻ bí mật, hắn vẫn nói khẽ. Thỉnh thoảng, hắn lại đặt ngón tay lên miệng mà thì thầm: Suỵt! Khó đoán được tại sao.
ở đó, chẳng có ai khác, ngoài hai người. Jean Valjean nghĩ có thể có những tên cướp khác, nấp trong xó xỉnh nào đó, không xa lắm, và Thénardier không muốn chia phần với chúng chăng.
Thénardier nói tiếp:
- Ta hãy kết thúc thôi. Trong người gã kia có bao nhiêu?
Jean Valjean lục túi mình.
Ta nhớ rằng ông luôn có thói quen mang theo tiền. ông buộc phải sống một cách tăm tối, luôn luôn phải xoay xở, nên điều đó đã trở thành một quy luật. Thế mà lần này, ông lại thiếu tiền.
Tối hôm trước, khi mặc bộ đồng phục vệ quốc quân, vì mải mê, buồn bã, ông đã quên không mang ví đi. ông chỉ có ít tiền lẻ trong túi áo gi-lê. Vào khoảng ba mươi phơ-răng. ông lộn túi ra, cái túi ướt sũng những bùn, và bày lên cái ụ ở đáy hầm một đồng lu-y vàng, hai đồng năm phơ-răng và năm, sáu đồng xu lớn.
Thénardier trề môi dưới ra, với một cái vặn cổ đầy ý nghĩa.
- Cậu đã giết nó với một giá không đắt. -Hắ n nói.
Hắn bắt đầu nắn, một cách hết sức thân mật, các túi của Jean Valjean và của Marius. Jean Valjean chỉ lo làm sao quay được lưng ra phía ánh sáng ban ngày, nên để mặc cho hắn làm.
Trong khi lần chiếc áo lễ của Marius, Thénardier, với tài khéo của nhà ảo thuật, đã tìm cách dứt được, mà Jean Valjean không nhận thấy, một mảnh vải và giấu dưới áo khoác, chắc vì nghĩ rằng mảnh vải đó sau này có thể dùng để nhận biết người bị giết và kẻ giết người. Ngoài ra, hắn chẳng tìm thấy gì hơn chỗ ba mươi phơ-răng.
- Đúng! - Hắn nói. - Anh nọ vác anh kia, các người chỉ còn có thế.
Và, quên rằng mình đã nói: chia đôi, hắn lấy tất.
Hắn do dự một chút trước mấy đồng xu lớn.
Nghĩ thế nào, hắn lại cầm, miệng làu bàu:
- Kệ! Chọc tiết người ta với giá quá rẻ.
Xong, hắn rút chìa khóa từ trong áo khoác ra.
- Giờ thì bạn ơi, cậu phải ra thôi. ở đây, cũng như ở hội chợ, người ta trả tiền khi ra cửa.
Cậu đã trả tiền, thì cậu ra.
Và hắn cất tiếng cười.
Phải chăng, khi giúp một người không quen biết bằng chiếc chìa khóa đó, và cho một người khác, chứ không phải hắn, ra bằng cái cửa đó, hắn chỉ có ý đồ trong sạch và vô tư là cứu vớt kẻ giết người?
Đó là điều người ta được phép nghi ngờ hắn.
Thénardier giúp Jean Valjean đặt lại Marius lên vai ông, rồi hắn đi về phía cửa sắt, bằng đầu những ngón chân trần, ra hiệu cho Jean Valjean đi theo. Hắn, nhìn ra ngoài, đặt ngón tay lên miệng và dừng lại mấy giây như thể do dự. Quan sát xong, hắn tra chìa vào ổ khóa. Lưỡi khóa trượt đi và cánh cửa quay. Chẳng có tiếng răng rắc hoặc tiếng kèn kẹt nào. Cửa được mở rất nhẹ nhàng. Rõ ràng cửa sắt này, với những bản lề được tra dầu cẩn thận, được mở ra thường xuyên hơn người ta nghĩ. Sự nhẹ nhàng ấy thật thê thảm. Người ta cảm thấy ở đó có những chuyến đi về lén lút, những sự ra, vào lặng lẽ của những kẻ ăn sương, và những bước chân rón rén của tội ác. Cống ngầm dĩ nhiên là tòng phạm của một băng đảng nào đó. Cánh cửa lầm lỳ đó là một kẻ oa trữ.
Thénardier hé mở cánh cửa, để vừa đủ cho Jean Valjean đi qua. Hắn đóng cửa lại, quay hai vòng chìa khóa, rồi lại chìm đắm trong bóng tối, không gây ra nhiều tiếng động hơn một hơi thở.
Có vẻ như hắn bước đi bằng những bàn chân êm như nhung của con hổ. Một lát sau, thượng đế gớm ghiếc đó lại trở vào cõi vô hình.
Jean Valjean đã ra ngoài.
Ông đỡ Marius trượt xuống bờ sông.
Họ đã ở ngoài!
Chướng khí, bóng tối, khiếp sợ đã ở đằng sau ông. Không khí trong lành, sống động, vui vẻ, tự do hít thở, tràn ngập người ông. Khắp nơi xung quanh ông, là sự im lặng, nhưng là cái im lặng kỳ thú của mặt trời lặn giữa bầu trời xanh.
Hoàng hôn đã kết thúc. Đêm tối đã đến, người giải phóng vĩ đại, bạn của tất cả những ai cần đến một chiếc áo khoác bóng tối để ra khỏi một nỗi lo âu. Trời đêm phô bày rộng khắp một cảnh tĩnh lặng mênh mông.
Jean Valjean không ngăn nổi mình ngắm nghía bóng đêm trải rộng trong vắt trên đầu ông.
Trầm ngâm, giữa cảnh im lặng uy nghi của bầu.trời vĩnh cửu, ông như đang tắm trong ngây ngất và cầu nguyện. Rồi, nhanh nhẹn, như thể nhận về một nhiệm vụ trở lại với mình, ông cúi xuống Marius, và, vục nước vào lòng bàn tay, ông sẽ nhỏ vài giọt lên mặt chàng. Mắt Marius không mở, song miệng chàng hé ra thở.
Jean Valjean lại sắp ra sông vục nước lần nữa thì, bất chợt, ông cảm thấy, tuy không nhìn thấy, như có ai đằng sau mình.
Một người đàn ông cao lớn, trùm trong một chiếc rơ-đanh-gốt dài, hai tay khoanh lại, tay phải nắm một cái chùy, mà người ta trông rõ quả táo bằng chì, đang đứng, cách vài bước, đằng sau Jean Valjean đang ngồi xổm cạnh Marius.
Bóng tối khiến cho người ta thấy như đó là một kiểu hiện hình. Thường tình, người ta sẽ sợ hãi vì lúc này đã nhá nhem tối, còn một người hay nghĩ thì sợ hãi vì cái chùy kia.
Jean Valjean nhận ra Javert.
Javert không nhận ra Jean Valjean, vì, như chúng ta đã nói, ông không còn giống chính bản thân ông nữa. Hắn vẫn khoanh tay, nắm thật chắc cái chùy, bằng một động tác khó nhận thấy, rồi hắn nói, giọng ngắn gọn và điềm tĩnh:
- ông là ai?
- Là tôi.
- Ai, ông?
- Jean Valjean.
Javert để cán chùy vào giữa hai hàm răng, uốn khoeo chân, cúi người xuống, đặt hai bàn tay mạnh mẽ của mình lên hai vai Jean Valjean như kẹp chúng trong hai cái ê-tô, nhìn ngắm ông, rồi nhận ra ông. Hai khuôn mặt gần như chạm vào nhau. Cái nhìn của Javert thật kinh khủng.
Dưới bàn tay kìm kẹp của Javert, Jean Valjean cứ ỳ ra, khác nào một con sư tử đành chịu đựng móng vuốt một con linh miêu.
- Thanh tra Javert, - ông nói, - ông đã bắt được tôi. Vả lại, ngay từ sáng hôm nay, tôi tự coi như tù binh của ông rồi. Không lẽ tôi đã cho ông biết địa chỉ để lại tìm cách trốn khỏi tay ông. ông cứ bắt tôi. Có điều, tôi muốn xin ông một việc.
Javert có vẻ không nghe thấy gì. Hắn trân trân nhìn Jean Valjean, không chớp mắt. Cằm hắn cau lại đẩy hai môi lên mũi, dấu hiệu đăm chiêu hung ác. Cuối cùng, hắn buông Jean Valjean ra, đứng thẳng dậy, tay lại nắm gọn cái chùy, rồi, như trong một cơn mê, hắn thì thầm, hơn là nói ra câu hỏi này:
- ông làm gì ở đấy? Và người này là thế nào?
Hắn tiếp tục không xưng hô khiếm nhã với Jean Valjean. Jean Valjean trả lời, và âm thanh.giọng nói của ông hình như đã làm Javert thức tỉnh:
- ấy, chính là vì cậu ta mà tôi muốn nói với ông. ông muốn làm gì tôi thì làm, nhưng hãy giúp tôi trả cậu ta về nhà. Tôi chỉ xin ông có thế thôi.
Mặt Javert co rúm lại, như thường vẫn xảy ra với hắn, mỗi khi người ta nghĩ là hắn có thể nhượng bộ. Song, hắn không nói không. Hắn lại cúi xuống, rút trong túi ra một cái khăn tay, nhúng xuống nước và lau cái trán vấy máu của Marius.
- Người này đã ở chiến lũy. - Hắn hạ giọng và như thể tự nói với mình. Đây là người mà họ gọi là Marius. Javert là điệp viên hạng nhất, kẻ đã quan sát tất cả, lắng nghe tất cả, nghe được tất cả và thu lượm được tất cả. Ngay cả khi tưởng mình sẽ phải chết, nhưng ngay trong khi chờ chết hắn vẫn tiếp tục rình rập và vẫn còn can đảm tỉnh táo để không ngừng ghi chép.
Hắn cầm bàn tay Marius, tìm mạch.
- Đây là một người bị thương! - Jean Valjean nói.
- Đây là một xác chết. - Javert nói.
Jean Valjean trả lời:
- Không, chưa chết.
- Vậy là ông đã mang hắn từ chiến lũy đến đây ư? - Javert nhận xét.
Hẳn là hắn phải bận tâm ghê gớm, nên mới không nhấn mạnh vào việc cứu vớt đáng sợ bằng cống ngầm kia và không nhận thấy sự im lặng của Jean Valjean sau câu hỏi của hắn.
Jean Valjean, về phần mình, hình như chỉ có một ý nghĩ duy nhất. ông nói tiếp:
- Cậu ấy ở khu Marais, phố Filles-du-Cal-vaire, nhà người ông... Tên là gì, tôi cũng không biết nữa.
Jean Valjean lục túi áo lễ của Marius, lôi ra cái ví, mở ra đến trang Marius viết bằng bút chì, và đưa cho Javert.
Trong không trung vẫn còn chút ánh sáng chập chờn, khiến người ta vẫn đọc được. Ngoài ra, trong mắt Javert có hiện tượng phát lân giống mèo của loài chim đêm. Hắn đọc được mấy dòng chữ do Marius viết, rồi lẩm bẩm:
- Gillenormand, phố Filles-du-Calvaire, số 6.
Javert gọi một cái xe ngựa chở thuê đưa ba người đến nhà ông Gillenormand.
Trời sập tối khi xe tới số nhà 6 phố Filles-du- Calvaire..Javert bước xuống đầu tiên, đưa mắt nhìn số nhà bên trên cái cổng, rồi, nhấc cái búa sắt nặng đập một cái mạnh. Cánh cửa hé mở, và Javert đẩy nó ra.
Người canh cửa ló ra một nửa, miệng ngáp, chưa tỉnh hẳn, tay cầm nến. Trong nhà đã ngủ cả. ở khu Marais người ta đi nằm sớm, nhất là vào những ngày bạo động. ở khu phố cổ hiền lành này, cách mạng làm cho người ta hoảng sợ, thường tìm cách trú ẩn trong giấc ngủ, cũng giống như trẻ con, mỗi khi nghe nói ông ngoáo ộp đến, thường giấu đầu thật nhanh vào trong chăn.
Trong khi đó, Jean Valjean và người xà ích lôi Marius ra khỏi xe, Jean Valjean nâng nách chàng và người xà ích, dưới khoeo. Vừa khênh Marius theo kiểu ấy, Jean Valjean vừa luồn tay vào trong quần áo đã rách toạc của chàng, lần ngực và thấy rõ rằng tim vẫn còn đập. Nó còn đập, phần nào không yếu bằng trước đó, như thể chuyển động của cái xe đã quyết định một sự hồi sinh nào đó. Javert gọi hỏi người canh cửa, bằng cái giọng hợp với người của chính quyền, trước mặt người canh cửa, và một tên phiến loạn.
- Có ai tên là Gillenormand không?
- ở đây ạ. ông hỏi gì ông tôi ạ?
- Người ta đưa về cho ông ấy đứa con trai.
- Con trai của ông tôi ạ? - Người canh cửa nói, mặt ngớ ra.
- Nó đã chết.
Jean Valjean, đứng đằng sau Javert, quần áo rách rưới và bẩn thỉu, khiến người canh cửa nhìn mà phát khiếp, ông ra hiệu bằng đầu cho anh ta là chưa.
Người canh cửa có vẻ không hiểu cả lời nói của Javert lẫn ám hiệu của Jean Valjean.
Javert nói tiếp:
- Nó đã ra chiến lũy, và thế đó.
- Ra chiến lũy! - Người canh cửa kêu lên.
- Nó đã bị giết. Hãy đánh thức bố nó dậy.
Người canh cửa không nhúc nhích.
- Đi đi nào! - Javert lại nói tiếp.
Và hắn nói thêm:
- Ngày mai, sẽ có đám ma.
Người ta đưa Marius lên tầng hai, mà khắp trong nhà, không ai để ý tới, rồi người ta đặt chàng lên một chiếc tràng kỷ cũ trong phòng đợi của ông Gillenormand..Jean Valjean cảm thấy Javert sờ vào vai mình.
Ông hiểu, và lại đi xuống, nghe rõ, đằng sau mình, bước chân Javert theo ông.
Người canh cửa nhìn họ ra đi, như đã nhìn họ đi đến, vừa ngái ngủ, vừa hốt hoảng. Họ lại lên xe ngựa, và người xà ích ngồi lên ghế của mình.
- Thanh tra Javert, - Jean Valjean nói - tôi muốn xin ông một việc nữa.
- Việc gì? - Javert hỏi, giọng nghiêm khắc.
- Để tôi về nhà một lúc. Sau đó, ông muốn làm gì tôi thì làm.
Javert im lặng một lúc, rồi hắn hạ tấm kính đằng trước.
- Xà ích, - hắn lên tiếng, - phố Homme-Armé, số bảy.
Suốt chặng đường, họ chẳng hé răng nữa.
Jean Valjean muốn gì? Làm nốt việc ông đã bắt đầu: báo cho Cosette biết Marius đang ở đâu, có lẽ chỉ dẫn cho cô thêm điều gì đó cần thiết, và, nếu có thể, sắp xếp một vài việc cuối cùng nào đó.
Còn về phần ông, về những cái liên quan đến bản thân ông, thế là hết. ông đã bị Javert bắt và không chống lại. Nếu là một người khác, trong hoàn cảnh đó, có lẽ đã mơ hồ nghĩ đến sợi thừng mà Thénardier đã cho mình và đến những song sắt của nhà ngục đầu tiên mình sẽ bước vào.
Đến phố Homme-Armé, cái xe dừng lại, vì phố này quá hẹp, xe cộ không lọt vào nổi.
Javert và Jean Valjean xuống xe.
Người xà ích khúm núm trình bày với ngài thanh tra rằng thứ nhung Utrecht của xe mình đã bị vấy đầy máu của người bị giết và bùn của kẻ sát nhân. Anh ta đã hiểu như vậy đó. Anh nói thêm rằng mình cần được bồi thường. Đồng thời, anh rút trong túi ra một quyển sổ nhỏ, và xin ngài thanh tra làm ơn viết vào đó cho mình "vài dòng chứng thực như thế".
Javert hất quyển sổ mà người xà ích đưa cho mình ra, rồi nói:
- Ngươi cần bao nhiêu, kể cả chạy và đỗ lại?
- Hết bảy giờ mười lăm phút. - Người xà ích đáp, - và nhung của tôi còn mới. Tám mươi phơ-răng, thưa ngài thanh tra.
Javert rút trong túi ra bốn đồng Na-pô-lê-ông và ra lệnh cho xe đi.
Jean Valjean nghĩ rằng ý định của Javert là đưa ông về đồn Blancs-Manteaux hoặc đồn Sở Lưu trữ ở ngay gần đó.
Họ đi vào phố.
Vẫn như mọi khi, phố này vắng tanh. Javert bước theo Jean Valjean. Họ tới nhà số 7. Jean Valjean gõ cửa. Cánh cửa mở ra.
- Được! - Javert nói. - Anh lên đi.
Hắn nói thêm, với một vẻ nghe lạ tai, hình như, phải cố gắng mới nói được như thế.
- Tôi đợi anh ở đây.
Jean Valjean nhìn Javert. Cách xử sự như vậy thật là ít có trong những thói quen của Javert.
Song, vì Jean Valjean đã quyết định nộp mình và chấm dứt cho xong, nên đối với ông, bây giờ Javert có một niềm tin kiêu hãnh, niềm tin của con mèo thuận cho con chuột một khoảng tự do dài bằng cái vuốt của nó, và ông không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. ông đẩy cửa, vào nhà, kêu lên với người canh cửa đã đi nằm và kéo sợi dây giường: Tôi đây! Rồi lên cầu thang.
Lên tới tầng hai, ông nghỉ một lúc. Tất cả các con đường đau khổ đều có những trạm dừng chân. Cửa sổ của thềm nghỉ là một cửa cánh sập, đang mở. Như trong nhiều nhà cổ, cầu thang lấy ánh sáng ngoài trời và nhìn xuống phố. Ngọn đèn đường, ở ngay trước mặt, rọi chút ít ánh sáng lên các bậc thang, điều đó giúp người ta tiết kiệm được về chiếu sáng.
Jean Valjean, hoặc để thở, hoặc một cách máy móc, ló đầu ra cửa sổ đó. ông cúi nhìn xuống phố. Phố này ngắn, và ngọn đèn đường chiếu sáng nó từ đầu nọ đến đầu kia.
Jean Valjean choáng váng vì sửng sốt, không còn ai ở đó.
Javert đã bỏ đi.
Javert, với những bước đi chậm chạp, đã đi khỏi phố Homme-Armé. Hắn bước đi và, lần đầu tiên trong đời, đầu hắn cúi xuống, và, cũng là lần đầu tiên trong đời, hai tay hắn quặt sau lưng.
Một sự đổi mới, một cuộc cách mạng, một tai biến, vừa mới xảy ra trong đáy lòng hắn. ở đó, hắn có những cái để tự xét mình.
Javert đau đớn kinh khủng.
Hắn trông thấy trước mặt mình có hai con đường, cả hai đều thẳng, mà hắn trông thấy cả hai. Điều đó làm hắn sợ, hắn vốn là người, trong đời mình, bao giờ cũng chỉ biết có một đường thẳng..Và, ưu sầu xót xa, hai con đường ấy lại trái ngược nhau. Một trong hai con đường đó loại trừ con đường kia. Trong hai đường đó, đường nào là đúng?
Giải pháp thật khó mà biểu đạt được.
Chịu ơn cứu mạng của một kẻ bất lương, chấp nhận món nợ đó và đền đáp lại. Chẳng kể đến thân mình, chịu ngang vai với một tên tái phạm, và trả công việc nó giúp mình bằng một việc khác. Để cho nó bảo mình: Đi đi, và đến lượt mình, lại bảo nó: Ngươi được tự do. Vì những động cơ cá nhân, hy sinh vì nhiệm vụ, cái nghĩa vụ chung ấy, và cảm thấy, trong những động cơ cá nhân đó có cái gì đó cũng chung, và có lẽ còn cao quý hơn. Phản lại xã hội để được trung thành với lương tâm mình. Thế mà tất cả những cái vô lý đó lại được thực hiện và đều tích tụ trong con người hắn, đó là điều làm hắn rụng rời, ngã ngửa.
Một điều làm hắn ngạc nhiên, đó là Jean Valjean lại có thể tha hắn, và một điều làm hắn sửng sốt, đó là hắn, Javert, lại có thể tha cho Jean Valjean.
Hắn đang ở đâu? Hắn tự tìm mình và không thấy mình đâu nữa.
Làm thế nào bây giờ? Giao nộp Jean Valjean, thế là sai. Để Jean Valjean được tự do, thế cũng là sai. Trong trường hợp thứ nhất, người của quyền lực rơi xuống thấp hơn người của ngục tù.
Trong trường hợp thứ hai, một tên tù khổ sai leo cao hơn luật pháp, và giẫm lên luật pháp.
Trong cả hai trường hợp, mất danh dự cho hắn, Javert.
Rồi, suy nghĩ về chính mình, hắn thấy, bên cạnh Jean Valjean đã lớn lên, hắn, Javert, đã bị hạ thấp.
Một tên tù khổ sai là ân nhân của hắn!
Mà này, tại sao hắn đã cho phép con người ấy để hắn sống? Trong cái chiến lũy đó, hắn có quyền bị giết. Đáng lẽ hắn phải sử dụng quyền ấy. Gọi những tên phiến loạn khác đến cứu mình chống lại Jean Valjean, ép chúng phải bắn mình, như thế thì hơn.
Hắn buộc phải thừa nhận là lòng tốt có tồn tại. Tên tù khổ sai đó đã là người tốt. Và chính hắn, thật là chuyện lạ, hắn cũng vừa mới tốt. Vậy là hắn đã đổ đốn. Hắn là thằng hèn. Hắn đáng ghê tởm..Đối với Javert, lý tưởng không phải là nhân từ, là vĩ đại, là cao cả, mà là không để người ta chê trách được.
Thế mà hắn vừa sa ngã.
Làm thế nào mà ra nông nỗi ấy? Tất cả những cái đó đã xảy ra như thế nào? Có lẽ hắn cũng chẳng nói được với chính hắn. Hắn lấy tay ôm đầu, nhưng thật vô ích, hắn vẫn không giải thích nổi những cái đó cho bản thân mình.
Chắc chắn là hắn đã luôn luôn có ý định trao trả Jean Valjean cho pháp luật, Jean Valjean là kẻ bị pháp luật bắt giam và hắn, Javert là nô lệ của pháp luật. Trong khi bắt giữ Jean Valjean, chưa có lúc nào hắn dám tự thú là có ý nghĩ tha cho ông. Có thể nói rằng bàn tay hắn đã tự mở và thả ông ra mà chính hắn không biết.
Thế là đôi ngả trong viên cảnh sát tự tranh luận với mình thật là khủng khiếp.
Chỉ có hai cách để ra khỏi thế đó. Một cách là quyết định đến chỗ Jean Valjean, rồi trả lại cho ngục tối, con người của nhà tù. Cách kia...
Javert đã chọn cách kia.
Hắn dừng lại bên bờ sông Seine. Javert nghiêng đầu nhìn. Tối đen cả. Không phân biệt được cái gì. Người ta nghe thấy có tiếng sóng nước, nhưng không trông thấy dòng sông. Có những lúc, trong nơi sâu thẳm quay cuồng ấy, một vệt sáng hiện ra và lờ mờ uốn éo, nước vốn có sức mạnh là trong đêm tối thâm u nhất, lấy được ánh sáng, không biết từ đâu và biến nó thành một con rắn nước.
Vệt sáng tan dần và mọi vật lại không rõ nữa. Cõi mênh mông hình như mở ra ở đó. Cái ở bên dưới người ta, không phải là nước, mà là vực thẳm. Tường kè, dốc thẳng, mờ ảo, lẫn với hơi nước, biến mất ngay, gây cho người ta ấn tượng về một bờ dốc đứng của cõi vô tận. Người ta không trông thấy gì, nhưng cảm nhận thấy cái lạnh giá thù nghịch của nước, và mùi vị nhạt nhẽo của những phiến đá ướt.
Một làn hơi dữ dội, từ vực thẳm đó, xông lên. Sự phình ra của dòng sông, được đoán ra hơn là nhận biết, tiếng rì rào bi thảm của sóng nước, vẻ đồ sộ thê lương của các vòm cầu, tưởng tượng cảnh rơi vào khoảng không tăm tối đó, tất cả bóng tối đó thật đầy hãi hùng.
Trong vài phút, Javert đứng bất động, nhìn vào cánh cửa mở của cõi tối tăm đó. Hắn ngắm nghía cõi vô hình, chằm chằm nhìn có vẻ như là rất chăm chú. Nước chảy rào rào. Bất thình lình,.hắn bỏ mũ ra, đặt lên bờ kè. Một lúc sau, một hình hài cao và đen, mà từ xa, người đi đường về muộn nào đó có thể tưởng là một con ma, hiện ra, đứng trên lan can, cúi xuống sông Seine, rồi lại đứng dậy và rơi thẳng vào trong bóng tối.
Có một tiếng bì bõm trầm đục, và chỉ có bóng đêm là biết được bí mật những cơn co giật của cái hình thù tối tăm đã biến mất trong nước kia.
Chương V: Đứa cháu trai và người ông
Basque, người đầy tớ, và người canh cửa đã chuyển Marius vào phòng khách. Trước đó, chàng vẫn nằm thượt, bất động, trên cái trường kỷ, nơi người ta đã đặt chàng khi mới đến. Gia đình đã đi tìm thầy thuốc, và ông đã chạy đến.
Cô Gillenormand đã dậy.
Cô Gillenormand cứ đi đi, lại lại, hoảng hốt, hai tay chắp vào nhau, và chẳng làm được cái gì khác hơn là nói: Liệu có thể có Chúa không! Đôi lúc cô nói thêm: Rồi tất cả sẽ trộn vào máu cho mà xem! Khi cơn khiếp sợ đầu tiên đã qua, một thứ triết lý nào đó về tình huống lóe sáng đến tận trí óc cô và được diễn dịch bằng tiếng kêu sau đây: Việc đó tất phải chấm dứt như vậy thôi! Cô chưa đến nỗi phải nói: Tôi đã bảo mãi mà! Là câu thường dùng trong những trường hợp như thế.
Theo lệnh thầy thuốc, một chiếc giường đai vải đã được đặt cạnh ghế trường kỷ. Thầy thuốc khám cho Marius, và sau khi nhận thấy mạch vẫn đập, người bị thương không bị vết thương nào sâu ở ngực, máu ở khóe mép là từ hốc mũi, ông bảo đặt chàng lên giường, không gối, đầu bằng với thân và còn thấp hơn một chút, mình trần, để được dễ thở. Cô Gillenormand, thấy người ta cởi áo Marius bèn đi ra. Cô vào buồng mình, đọc kinh, lần tràng hạt.
Thân mình không bị thương tổn nào bên trong. Một viên đạn, chạm vào cái ví, đã chệch hướng và vòng quanh xương sườn với một vết rách gớm ghiếc, nhưng không sâu, và vì vậy không nguy hiểm. Cuộc đi bộ dài dưới lòng đất đã làm trật hẳn cái xương đòn gánh bị gãy, và có những lộn xộn nghiêm trọng. Hai cánh tay bị gươm chém. Mặt không bị vết sẹo dài nào làm biến dạng, nhưng đầu thì như bị rách toạc.
Những vết thương ở đầu sẽ ra sao? Liệu nó có dừng lại ngoài da đầu không, nó có làm tổn thương hộp sọ không? Chưa thể nói được.
Một triệu chứng nghiêm trọng, là nó đã làm người bị thương ngất đi, và không phải bao giờ người ta cũng tỉnh dậy khỏi những cơn ngất đó..Ngoài ra, sự xuất huyết đã làm chàng kiệt sức.
Kể từ thắt lưng trở xuống, phần dưới cơ thể đã được chiến lũy bảo vệ.
Basque và Nicolette xé vải chuẩn bị băng.
Nicolette khâu, Basque cuộn lại. Thiếu sợi giẻ, thầy thuốc đã dùng tạm những miếng gạc để cầm máu các vết thương. Cạnh giường, ba ngọn nến được đốt sáng trên một cái bàn, bộ đồ mổ xẻ được bày ở đây. Thầy thuốc lấy nước lạnh lau mặt và tóc cho Marius. Chỉ một chốc, xô nước đầy đã đỏ ngầu. Người canh cửa cầm nến để soi sáng.
Thầy thuốc có vẻ suy nghĩ một cách buồn bã. Thỉnh thoảng, ông sẽ lắc đầu, như để trả lời một câu hỏi nào đó trong đầu ông. Những cuộc đối thoại bí mất đó của thầy thuốc với chính ông là dấu hiệu xấu cho con bệnh.
Lúc thầy thuốc lau mặt và lấy ngón tay sẽ sờ vào hai mi mắt vẫn luôn luôn khép của người bị thương, thì một cánh cửa ở cuối phòng khách mở ra, và một khuôn mặt dài, tái nhợt, xuất hiện.
Đó là người ông của Marius.
Cuộc nổi dậy, từ hai hôm nay đã làm cho ông Gillenormand bị rung động, bất bình và lo lắng. Đêm hôm trước, ông đã không ngủ được, và suốt ngày, ông bị sốt. Tối đến, ông đã đi nằm rất sớm, dặn người nhà cài chốt tất cả cửa trong nhà, rồi mỏi mệt, ông đã chợp mắt, thiu thiu ngủ.
Những người già không ngủ được say. Buồng ông Gillenormand kề bên phòng khách, và, mặc dù người ta đã rất thận trọng, tiếng động vẫn đánh thức ông dậy. Ngạc nhiên thấy ở khe cửa buồng mình có ánh sáng, ông đã xuống giường và mò mẫm bước đến.
Ông đứng trên ngưỡng cửa, một tay để trên quả đấm của cánh cửa mở hé, đầu hơi chúi về phía trước, và lắc lư người bó chặt trong một chiếc áo ngủ màu trắng, ngay ngắn, không nếp gấp, như tấm vải liệm, vẻ ngạc nhiên. ông có vẻ như một con ma đang nhìn một nấm mồ.
Ông nhìn thấy trên giường, và trên cái đệm, chàng trai máu mê đầm đìa, da trắng như sáp, hai mắt nhắm, cái miệng mở, đôi môi nhợt nhạt, mình trần đến tận thắt lưng, đầy những vết rạch đỏ tươi, bất động, dưới ánh nến sáng trưng.
Ông lão run rẩy từ đầu đến chân, cái kiểu run của những chân tay trơ xương. Hai mắt ông, mà màng sừng đã vàng vì tuổi cao, ánh lên một cách lờ đờ. Tất cả khuôn mặt ông, chốc lát, đã.có những góc cạnh xỉn màu đất của bộ xương đầu lâu, hai cánh tay ông buông thõng như thể một cái lò xo trong đó đã bị gãy, và sự sững sờ của ông hiện ra trên những ngón tay choãi ra và hai bàn tay già run bắn lên, hai đầu gối ông nhô lên đằng trước, cho thấy, qua chỗ hở của áo ngủ, hai cẳng chân khốn khổ để trần, lởm chởm những lõng bạc, và ông lão lẩm bẩm:
- Marius!
- Thưa cụ, - Basque nói, - người ta vừa đưa cậu nhà về. Cậu đã ra chiến lũy, và...
- Nó đã chết! - ông lão kêu lên bằng một giọng khủng khiếp. - ôi! Thằng kẻ cướp!
Quá đau khổ đã khiến ông lão trăm tuổi bỗng nhiên đứng thẳng người lên như một chàng trai trẻ.
- Thưa ông, - ông lão nói. - chính ông là thầy thuốc, phải không ạ. ông hãy nói ngay cho tôi một điều. Nó đã chết, có phải không?
Ông thầy thuốc, lo lắng đến cực điểm, không nói gì.
Ông Gillenormand vừa vặn hai bàn tay vào nhau, vừa phá lên cười, nghe thật đáng sợ.
- Nó đã chết! Nó đã chết! Nó đã để người ta giết chết trên chiến lũy! Vì ghét tôi! Nó đã làm thế là để chống lại tôi! Nó trở lại với tôi như thế đó! Đời tôi sao mà khổ thế! Nó đã chết!
Lão đi đến một cửa sổ, mở tung cánh cửa, như đang bị ngạt thở, rồi, đứng trước bóng tối, lão bắt đầu nói vào đêm tối vọng xuống phố:
- Bị đâm, chém, cắt cổ, hủy diệt, xé nát, băm ra từng mảnh! Các người thấy nó không, thằng vô lại ấy! Nó đã biết rõ rằng tôi đợi nó, rằng tôi đã sắp xếp buồng cho nó ở, rằng tôi đã đặt ảnh nó chụp từ hồi còn bé lên đầu giường tôi! Nó biết rõ rằng tôi chỉ cần nó trở về, rằng từ bao năm nay tôi vẫn gọi nó về, rằng tối tối, tôi vẫn ngồi lỳ ở góc lò sưởi, đặt hai tay lên đầu gối, chẳng biết làm gì, và đờ đẫn cả người! Mày biết rõ rằng mày chỉ cần trở về, và nói: Tôi đây, thế là mày sẽ là chủ cái nhà này, rồi muốn làm gì lão già vô tích sự là ông mày thì làm! Mày biết rõ thế, mà mày vẫn nói:
Không, đó là một lão bảo hoàng, tôi sẽ không đi đâu! Và mày đã ra ngoài chiến lũy để người ta giết mày! Để trả thù về việc ông mày đã nói với mày về ngài quận công De Berry. Điều đó thật là nhục nhã! Vậy mà lão lại đi nằm và.ngủ một cách yên lành được! Còn nó đã chết.
Tôi thức dậy là vì thế đó.
Ông già lại gần Marius vẫn nằm nhợt nhạt và bất động, thầy thuốc cũng đã trở lại, và ông già lại tiếp tục vặn vẹo cánh tay. Đôi môi trắng bệch của ông mấp máy như cái máy, và để buột ra, như những hơi thở trong một cơn rên, những từ không rõ ràng mà người ta chỉ thoáng nghe được:
- ôi! Đồ táng tận lương tâm! ôi! Quân gian ác! ôi! Quân sát nhân tháng chín! - Những lời trách móc khẽ khàng của một người hấp hối nói với một xác chết.
Lúc này, Marius từ từ mở mắt, và cái nhìn ngơ ngác của một người vừa ngủ lịm đi ấy dừng lại nơi ông Gillenormand.
- Marius! - ông già kêu lên. - Marius! Marius bé bỏng của ta! Con ta! Con trai yêu quý của ta!
Con mở mắt, con nhìn ta, con còn sống, cảm ơn.
Rồi lão ngã ngất.
Marius dở sống dở chết khá lâu. Trong nhiều tuần, chàng bị sốt kèm theo mê sảng, và những triệu chứng khá nặng về não, do những chấn động gây ra của các vết thương, nhiều hơn là do chính các vết thương đó.
Nhiều đêm liền, chàng nhắc đi nhắc lại cái tên Cosette trong cơn sốt và với sự dai dẳng rầu rĩ của cơn hấp hối.
Sau cùng, ngày 7 tháng chín, bốn tháng liền, hết ngày nọ sang ngày kia, sau cái đêm đau đớn người ta mang chàng gần chết về nhà ông chàng, thầy thuốc mới dám tuyên bố rằng ông chịu trách nhiệm về chàng. Kế hoạch dưỡng bệnh được vạch ra. Tuy vậy, Marius vẫn còn phải nằm hơn hai tháng nữa trên một cái ghế dài vì những biến cố do xương đòn gánh bị gãy gây ra. Như vậy là luôn luôn có một vết thương cuối cùng không chịu khép miệng làm người ta cứ phải băng bó mãi, khiến bệnh nhân rất khó chịu.
Vả chăng, trận ốm quá lâu và thời kỳ dưỡng bệnh kéo dài đó đã cứu chàng khỏi những cuộc truy lùng. ở Pháp, không có cơn giận dữ nào, ngay cả khi nó mang tính chất quốc gia, mà sau sáu tháng lại không hết. Những cuộc nổi dậy, trong tình trạng xã hội hiện nay, rõ ràng là lỗi lầm của tất cả mọi người, nên nó thường kéo theo một nhu cầu nào đó..ạng Gillenormand thoạt đầu trải qua những nỗi lo âu, và tiếp đó là tất cả những niềm hoan lạc. Phải rất vất vả mới ngăn được ông qua đêm bên cạnh người bị thương. ông bắt đem cái ghế bành to của ông đến cạnh giường Marius. ông đòi con gái mình phải lấy thứ vải đẹp nhất nhà ra để làm gạc và băng.
Cái ngày thầy thuốc báo tin Marius đã thoát khỏi hiểm nghèo, ông lão cảm thấy ngây ngất.
Ông thưởng ba lu-y cho người canh cửa. Đến tối, trở về buồng mình, ông nhảy điệu ga-vớt, đánh cax-ta-nhét bằng ngón cái và ngón trỏ.
Rồi lão quỳ lên một cái ghế, và Basque, quan sát lão qua cánh cửa hé mở, tin chắc rằng lão đang cầu nguyện.
Cho đến tận lúc đó, lão không mấy tin ở Chúa.
Lão gọi Marius là ngài nam tước. Lão hô:
Nền cộng hòa muôn năm!
Chốc chốc, lão lại hỏi thầy thuốc: Có đúng là không còn nguy hiểm gì nữa không? Lão nhìn Marius bằng đôi mắt của người bà. Lão trìu mến ngắm chàng ăn. Lão không biết có mình nữa, lão không tính đến mình nữa, Marius là ông chủ của nhà này, lão đã vui vẻ thoái vị, lão là cháu của cháu lão.
Trong niềm hoan hỷ đó của lão, Marius là đứa trẻ đáng kính nhất. Sợ làm mệt hoặc làm phiền người đang dưỡng bệnh, lão ra đằng sau chàng để cười. Lão hài lòng, vui vẻ, mừng rỡ, đáng yêu, trẻ trung. Mái tóc bạc của lão đem đến thêm vẻ uy nghi dịu dàng cho ánh sáng vui vẻ trên mặt lão. Khi cái duyên quyện vào những nếp nhăn, nó thật đáng yêu. Không biết có một thứ rạng đông nào đó của tuổi già đang nở rộ.
Còn về phần Marius, trong khi để người ta băng bó và chăm sóc cho mình, chàng chỉ có một ý nghĩ không thay đổi: Cosette.
Từ khi không còn sốt và mê sảng nữa, chàng cũng không phát âm tên đó nữa, tưởng chừng như không nghĩ đến nó nữa. Chàng lặng thinh, chính là vì hồn chàng đã ở đó.
Chàng không biết Cosette hiện nay ra sao, tất cả vụ việc phố Chanvrerie như một đám mây trong ký ức chàng, những hình bóng hầu như không rõ ràng bập bềnh trong tâm trí chàng, Eponine, Gavroche, Mabeuf, nhà Thénardier, trộn lẫn một cách thê thảm với khói chiến lũy.
Sự đi qua lạ lùng của ông Fauchelevent trong.biến cố đẫm máu đó, làm chàng có ấn tượng về một điều bí ẩn trong một trận bão. Chàng không hiểu tý gì về cuộc sống của chính mình, chàng không hiểu như thế nào và do ai mà chàng đã được cứu thoát, và quanh chàng cũng chẳng ai biết điều đó. Tất cả những điều mà người ta đã có thể nói với chàng, là chàng đã được đem về vào ban đêm, trong một cái xe ngựa thuê, phố Filles-du-Calvaire. Quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả, ở chàng, chỉ còn là đám sương mù của một ý nghĩ mơ hồ, nhưng trong đám sương đó có một điểm bất động, một nét phác rõ ràng và chuẩn xác, một cái gì đó bằng đá hoa cương, một quyết định, một ý chí: tìm lại được Cosette.
Có những trở ngại, chàng không tự giấu mình. Rồi thì, chàng càng lấy lại cuộc sống, thì các mối bất bình càng tái hiện. Những vết loét của ký ức lại toác ra; chàng lại nghĩ đến quá khứ, đại tá Pontmercy lại đứng ra giữa ông Gillenor-mand và chàng, Marius. Chàng tự bảo chàng chẳng thể hy vọng một điều tốt thực sự nào ở một người đã bất công và tàn nhẫn đến thế đối với cha mình. Và, cùng với sức khỏe, một kiểu đối xử thô lỗ chống lại ông chàng, cũng trở lại với chàng. ông già lặng lẽ chịu đựng.
Ông Gillenormand, tuy không chứng tỏ điều gì, nhưng nhận thấy rằng Marius, từ ngày được đưa về nhà ông, và đã tỉnh lại chưa hề gọi mình bằng "ông" một lần nào cả. Đúng là chàng cũng không hề gọi ông bằng "ngài", chàng luôn tìm cách sắp xếp những câu nói của mình như thế nào đó để khỏi phải xưng hô "ông, cháu" mà cũng không phải là "ngài, tôi".
Tất nhiên, một cuộc khủng hoảng đã đến gần.
Một hôm, trong khi cô con gái đang sắp xếp cho gọn những lọ thủy tinh và tách chén trên mặt đá tủ com-mốt, ông Gillenormand đã cúi xuống nói với Marius bằng cái giọng dịu dàng nhất của mình:
- Cháu thấy không, Marius bé bỏng của ông, ở vào địa vị cháu, ông sẽ ăn thịt hơn là ăn cá.
Một con thờn bơn rán, cái đó tuyệt vời để bắt đầu thời kỳ dưỡng bệnh, nhưng để người bệnh đứng lên được, thì một miếng sườn ngon vẫn tốt hơn.
Marius, mà sức lực gần như đã trở lại, cố gắng ngồi nhỏm dậy, tỳ hai nắm tay quắp lại lên khăn trải giường, nhìn thẳng vào mặt ông mình, làm vẻ ghê gớm, và nói:.- Điều này dẫn tôi đến chỗ nói với ông một điều.
- Điều gì vậy?
- Là tôi muốn lấy vợ.
- ông đã định trước rồi. - Người ông nói.
Và lão phá lên cười.
- Định trước thế nào?
- Phải, đã định trước. Cháu sẽ có cô bé của mình.
Marius, sửng sốt và như bị đè nặng vì choáng váng, run bật tất cả chân tay.
Ông Gillenormand tiếp tục:
- Phải, cháu sẽ có nó, con bé xinh đẹp của cháu. Ngày nào nó cũng đến, dưới dạng một ông già, để biết tin về cháu. Từ khi cháu bị thương, nó dành hết thời gian chỉ để khóc và làm sợi giẻ. ông đã hỏi thăm. Con bé hiện ở phố Homme-Armé, số bảy. A, đây rồi! A, cháu muốn lấy nó. Vậy thì, cháu sẽ có nó. Cháu đã bị ta đoán đúng. Cháu đã lập một mưu nhỏ, cháu tự bảo:
"Mình sẽ nói thẳng điều đó với ông ta, với người ông ấy, với cái xác ướp của thời nhiếp chính và thời đốc chính ấy..." Chúng ta sẽ xem. Chiến đấu. A! Cháu nắm lấy con bọ dừa bằng cái sừng của nó. Tốt đấy, ông mời cháu một miếng sườn, cháu liền trả lời ông: "Nhân tiện, cháu muốn lấy vợ." Đúng là một kiểu bắt ép! Cháu đã trông cậy vào chuyện cãi nhau vặt! Cháu không biết rằng ông là một lão hèn. Cháu bảo sao về điều đó? Cháu bực mình. Thấy ông mình còn ngốc hơn mình, cháu không ngờ lại như thế, cháu phải bỏ cái bài mà cháu định làm với ông, ngài luật sư ạ, thật đáng bực mình. Thế thì mặc kệ! ông cứ làm theo ý ông, thì cháu sẽ mất nó, thật là ngốc! Nghe đây.
Ông đã thăm dò, nó là đứa có duyên, nó ngoan, nó đã làm hàng đống sợi giẻ, đó là một vật quý, nó mến mộ cháu.
Nếu cháu chết, chúng ta sẽ cùng chết; quan tài của nó sẽ đi cùng quan tài của ông. Ngay khi cháu mới đỡ, ông đã thật sự có ý nghĩ đặt nó ngay ở đầu giường cháu, nhưng chỉ có trong tiểu thuyết, người ta mới cho những cô gái trẻ đến cạnh giường những chàng trai bị thương xinh đẹp mà họ thích. Không làm thế được. Cô cháu sẽ nói sao đây? Cháu trần như nhộng ba phần tư thời gian, chàng trai ạ. Cháu hãy hỏi Nicolette, là người không rời cháu phút nào, xem có cách nào để một phụ nữ ở đó không. Và rồi thầy thuốc sẽ bảo sao? Một cô gái đẹp, cái đó không làm khỏi sốt. Cuối cùng, thế là tốt, không cần nói nữa, cháu sẽ lấy nó. Sự dữ tợn của ông là như thế đấy. Cháu biết không, ông đã thấy rằng cháu không yêu ông, ông đã nghĩ: vậy ta có thể làm gì để cháu yêu ta? ông đã nói: Này, ta có con bé Cosette trong tay, ta sẽ đưa con bé cho nó, thế là nó sẽ phải yêu ta một chút, nếu không thì nó sẽ phải nói tại sao.
A! Cháu tưởng lão già này sẽ quát tháo, to tiếng, thét lên là không, và giơ gậy lên chứ gì.
Không hề thế. Cosette, được. Tình yêu, được.
Ông chẳng đòi hỏi gì hơn. Thưa ngài, ngài hãy chịu khó lấy vợ đi. Cháu hãy sung sướng đi, đứa cháu yêu quý của ông.
Nói thế xong, ông già khóc nức nở và ôm lấy đầu Marius, trong hai cánh tay mình, sát vào cái ngực già của mình, rồi cả hai cùng khóc.
Đó là một dạng của hạnh phúc tột cùng.
- ông ơi! - Marius kêu lên.
Có một lúc khó tả, họ nghẹn ngào, không nói nên lời.
Cuối cùng, ông già lắp bắp:
- Chà! Thế là nó đã mở miệng. Nó đã nói với ta "ạng ơi".
Marius gỡ đầu ra khỏi tay người ông và nhẹ nhàng nói:
- Nhưng ông ơi, bây giờ cháu đã khỏe lắm rồi, hình như cháu đã có thể đi thăm cô ấy.
- Ta cũng đã định, đến mai, cháu sẽ gặp nó.
- ông ơi!
- Gì cơ?
- Tại sao không phải hôm nay?
- Thế thì hôm nay. Hôm nay cũng được.
Cháu đã nói với ông ba lần "ông ơi", thế là cũng đáng được thế. ông sẽ lo liệu việc này. Người ta sẽ dẫn nó đến cho cháu.
Cosette và Marius gặp lại nhau.
Cuộc hội ngộ đã diễn ra như thế nào, chúng tôi xin được miễn nói. Có những cái ta không nên cố mô tả, trong số đó có mặt trời.
Tất cả nhà, bao gồm cả Basque và Nicolette, đã tề tựu trong buồng Marius lúc Cosette bước vào..Nàng hiện ra trên ngưỡng cửa, như thể trong một vầng hào quang.
Đúng lúc, người ông đi hỉ mũi. ông lão ngừng phắt lại, lấy khăn tay bưng mũi và nhìn Cosette:
- Thật đáng yêu quá! - Lão kêu lên.
Cosette ngây ngất, vừa mừng rỡ, vừa sợ hãi, như được bay lên chín tầng mây. Nàng cũng hốt hoảng như người ta có thể hốt hoảng khi được sung sướng. Nàng lắp bắp, mặt tái đi, rồi lại đỏ bừng, muốn nhảy bổ vào cánh tay Marius, mà không dám. Xấu hổ vì yêu trước mặt mọi người.
Người ta không biết thương những người yêu đang sung sướng. Người ta cứ ở lỳ đó khi họ chỉ muốn được có một mình. Khi mà họ lại chẳng cần gì đến người ta cả.
Cùng đi với Cosette, đằng sau nàng, một người đàn ông tóc bạc, nghiêm nghị, tuy vẫn mỉm cười, nhưng là một nụ cười bàng bạc xót xa, cũng đã bước vào. Đó là "ngài Fauchelevent". Chính là Jean Valjean.
Ông ăn mặc rất chỉnh tề, như người canh cửa đã nói, mặc toàn đồ đen mới và đeo cra-vát trắng.
Người canh cửa không bao giờ có thể nhận ra được trong nhà tư sản chỉnh tề kia, - chắc là một công chứng viên, - kẻ khênh xác chết đáng sợ đã đột ngột hiện ra ở cửa nhà mình trong đêm 7 tháng sáu, rách rưới, bẩn thỉu, xấu xí, ngơ ngác, mặt bết những bùn và máu, tay đỡ Marius đang ngất lịm. Song tài đánh hơi của người canh cửa đã thức dậy. Khi ông Fauchelevent đến cùng với Cosette, anh đã không ngăn nổi mình nói riêng với vợ: Không hiểu tại sao mình cứ thấy như đã trông thấy bộ mặt này.
Trong phòng của Marius, ông Fauchelevent, như có ý muốn đứng tránh cạnh cửa. Dưới cánh tay ông có một cái gói hơi giống một quyển sách bọc trong một tờ giấy. Tờ giấy bọc màu xanh lá cây nhạt và hình như mốc.
Ông Gillenormand nói:
- Thưa ngài Tranchelevent...
Lão Gillenormand không cố ý nói thế, nhưng sự không chú ý đến tên riêng ở lão là một kiểu cách quý phái.
- Thưa ngài Tranchelevent, tôi lấy làm hân hạnh được dạm hỏi tiểu thư nhà ta cho cháu trai tôi, ngài nam tước Marius de Pontmercy.
"Ngài Tranchelevent" cúi đầu xuống.
- Được chứ ạ? - Người ông nói..Rồi hai tay dang ra quay về phía Marius và Cosette, và ban phúc lành cho họ. Lão kêu lên:
- Cho phép các con được quý mến nhau!
Ông Gillenormand ngồi gần họ, bảo Cosette ngồi xuống, rồi cầm bốn bàn tay của họ trong đôi tay già, nhăn nheo của mình.
- Thật tuyệt diệu, con bé xinh xắn này. Nó là một cô gái nhỏ nhưng là một phu nhân lớn.
Nếu nó sẽ chỉ là nam tước phu nhân, thế là làm mất tư cách, nó bẩm sinh phải là hầu tước phu nhân mới đúng. Các con ạ, các con cần biết rõ rằng các con đang làm đúng. Các con hãy yêu nhau. Tình yêu, đó là sự ngốc nghếch của loài người và tài trí của Chúa. Hãy yêu qúy nhau. Có điều là, lão nói thêm, mặt bỗng chốc rầu rĩ, thật khổ! Bây giờ ta mới nghĩ đến! Hơn một nửa số tiền của ta đã đổi lấy niên kim trọn đời. Chừng nào ta còn sống, thì còn tạm được, nhưng sau khi ta chết, khoảng hai chục năm nữa, ôi! Những đứa con tội nghiệp của ta, các con sẽ chẳng có một xu! Hai bàn tay trắng đẹp của bà, thưa nam tước phu nhân, sẽ vắt mũi không đủ bỏ miệng.
Đến đây, người ta nghe thấy một giọng nói trầm và điềm đạm:
- Tiểu thư Euphrasie Fauchelevent có sáu trăm nghìn phơ-răng.
Đó là giọng nói của Jean Valjean.
Cho đến lúc đó, ông chưa hề nói câu nào, dường như chẳng còn ai biết có ông ở đó nữa, ông vẫn đứng bất động đằng sau tất cả những người sung sướng kia.
- Tiểu thư Euphrasie được nói đến là ai thế?
- Người ông hốt hoảng hỏi.
- Thưa là cháu ạ. - Cosette tiếp lời.
- Sáu trăm nghìn phơ-răng! - ông Gillenor-mand ngạc nhiên.
- Có thể kém mười bốn hoặc mười lăm nghìn phơ-răng. - Jean Valjean nói.
Rồi ông đặt lên bàn cái gói mà cô Gillenor-mand tưởng là một quyển sách. Đó là một bó giấy bạc ngân hàng. Người ta giở ra đếm. Có năm trăm tờ một nghìn phơ-răng và một trăm sáu mươi tám tờ năm trăm. Tất cả năm trăm tám mươi tư nghìn phơ-răng.
- Một quyển sách quý đấy. - ông Gillenor-mand nói.
- Năm trăm tám mươi tư nghìn phơ-răng! -Bà cô lẩm bẩm..- Cái này dàn xếp được khối việc, phải không, tiểu thư Gillenormand cả? - Người ông nói tiếp.
- Thằng quỷ Marius này đã bắt được, trong cây mộng mơ, một con chim chích triệu phú! Vậy bây giờ xin hãy tin vào những mối tình hời hợt của bọn trẻ! Nam sinh tìm được nữ sinh có sáu trăm nghìn phơ-răng. Thằng bé làm ăn giỏi hơn cả Rothschild.
- Năm trăm tám mươi tư nghìn phơ-răng! -Tiểu thư Gillenormand khẽ nhắc lại. Năm trăm tám mươi tư! Coi như sáu trăm nghìn, chứ còn gì nữa!
Còn về phần Marius và Cosette, trong thời gian đó, họ nhìn nhau đắm đuối, chỉ hơi chú ý đến chuyện đó.
Người ta còn nhớ là Jean Valjean, dưới cái tên là ông Madeleine, đã kiếm được nhiều tiền ở Montreuil-sur-Mer.
Sau vụ Champmathieu, cảm thấy bị đe dọa bắt giữ, ông đã giấu số tiền đó trong rừng Mont-fermeil.
Khi thấy Marius đã sang thời kỳ dưỡng bệnh, ông nghĩ là sắp đến lúc có thể cần đến số tiền đó, và ông đã đi tìm về. Mặt khác, Jean Valjean biết mình đã được giải thoát khỏi Javert.
Ông đã đọc trong tờ Người hướng dẫn, biết tin thanh tra cảnh sát đã bị chết đuối, và người ta tin vào một vụ tự tử.
Mọi người chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới, được ấn định vào tháng hai.
Jean Valjean giải quyết tất cả mọi việc, làm cho mọi chuyện đều dễ dàng. ông vội lo cho hạnh phúc của Cosette, cũng sốt sắng và, vẻ bề ngoai, cũng vui vẻ, không kém gì chính Cosette.
Vì đã từng làm thị trưởng, ông biết giải quyết một vấn đề tế nhị, trong đó, ông là người duy nhất nắm được bí mật, đó là chuyện hộ tịch của Cosette. Nói trắng nguồn gốc ra, thì biết đâu đấy, việc đó có thể cản trở lễ cưới. ông kéo Cosette ra khỏi mọi khó khăn. ông sắp xếp cho nàng vào một gia đình của những người đã chết, một cách chắc chắn để khỏi chuốc lấy bất cứ một lời khiếu nại nào.
Một văn bản rõ ràng được thảo ra.
Trước pháp luật, Cosette trở thành tiểu thư Euphrasie Fauchelevent. Nàng được tuyên bố mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Jean Valjean sắp xếp để được chỉ định, dưới cái tên Fauchelevent, làm giám hộ cho Cosette, với ông Gillenormand làm thế giám hộ..Cosette biết mình không phải là con gái của người mà, đã từ lâu lắm, nàng đã gọi là cha ấy. Đó chỉ là một người có họ. Một ông Fauchelevent khác mới là cha thật của mình. Trong bất cứ lúc nào khác, điều đó có thể đã khiến nàng ngao ngán.
Nhưng vào cái giờ khó tả hiện tại, đó chỉ là một chút bóng mờ, nhưng vì nàng đang vui quá nên bóng mờ ấy cũng chóng tan.
Và rồi, từ nhiều năm dài, Cosette đã quen nhìn thấy quanh mình những điều khó hiểu. Bất cứ ai đã phải qua một thời thơ ấu bí hiểm, thường luôn sẵn sàng chờ đón những sự khước từ, hy sinh nhất định.
Tuy vậy, nàng vẫn tiếp tục gọi Jean Valjean bằng: Cha.
Cặp vợ chồng được sắp xếp để sẽ ở nhà người ông.
Ông Gillenormand dứt khoát muốn nhường cho họ căn buồng của mình, đó là căn buồng đẹp nhất trong nhà.
Thư viện của ông Gillenormand trở thành văn phòng luật sư, cần thiết cho Marius.
Nhiều lúc, Marius tự hỏi ông Fauchelevent đó là ai. Chàng nhớ lại những ngày khủng khiếp của cách mạng, cái chết của ông Mabeuf, của Gavroche, của Eponine, của Courfeyrac, của tất cả các bạn mình.
Biết bao sự kiện!
Chỉ có một lần, Marius thử làm một cuộc thăm dò. Chàng đưa phố Chanvrerie vào trong câu chuyện, rồi, quay sang ông Fauchelevent, chàng hỏi ông:
- ông biết rõ phố ấy chứ?
- Phố nào?
- Phố Chanvrerie.
- Tôi chẳng có một ý niệm nào về tên phố đó cả. - ông Fauchelevent trả lời bằng cái giọng tự nhiên nhất trên đời.
Câu trả lời, chỉ nói đến tên phố, mà không đả động tý gì đến chính phố đó, đối với Marius, hình như đã xác định rõ ràng hơn bình thường.
- Nhất định, chàng nghĩ, là mình đã mơ. Đó chỉ là ảo giác. Đó chỉ là một người nào đó giống ông ấy thôi. Ngài Fauchelevent không có ở đó.
Hạnh phúc của Marius chưa được trọn vẹn.
Chàng muốn tìm lại Thénardier và người đã đem chàng, Marius, về nhà ông Gillenormand..Trong khi sửa soạn lễ cưới, chàng đã tiến hành những cuộc tìm kiếm khó khăn, nhưng chẳng thu được kết quả gì.
Chàng được biết là mụ Thénardier đã chết và người chồng đã biến đâu mất cùng với Azelma, một trong những đứa con gái của hắn.
Vả lại, tòa án đã kết án tử hình tên chủ quán cũ.
Cảnh sát đã hỏi người xà ích đã đưa Javert, Jean Valjean và Marius bất động về nhà ông Gil-lenormand và người ta được biết rằng người bị thương đã được chuyển khỏi khu Chợ bên bờ sông Seine, bằng cống ngầm.
Một sự tận tụy phi thường!
Người ta chẳng thu được một tin tức nào khác nữa.
- A! Nếu sáu trăm nghìn phơ-răng của Cosette mà là của tôi!... - Marius nói.
- Nó là của cậu đấy. - Jean Valjean ngắt lời chàng.
- Thế thì tôi sẽ dùng nó để tìm lại người ấy!
Jean Valjean không nói gì.
Chương VI: Cạn chén chua cay
Lễ cưới của Cosette và Marius được tổ chức vào ngày 16 tháng hai 1833 và không hiểu thế nào mà ngày ấy lại đúng là ngày Thứ Ba, ăn mặn.
- Một ngày Thứ Ba - ăn mặn. - ông Gil-lenormand kêu lên - càng hay. Tục ngữ có câu:
Cưới ngày ăn mặn - Thứ Ba Con cái hẳn là chẳng bội bạc đâu!
Lễ cưới được làm dưới chế độ cộng đồng, giấy tờ đơn giản.
Từ nay, Toussaint không cần cho Jean Valjean nữa.
Cosette đã được thừa hưởng mụ và đã đề bạt mụ lên làm bà hầu phòng.
Còn về phần Jean Valjean, thì trong nhà Gil-lenormand có một phòng đẹp, đủ đồ đạc, dành cho ông, mà Cosette thì cứ nói mãi: "Thưa cha,.con xin mời cha" khiến ông nể quá, hầu như đã phải hứa với nàng rằng mình sẽ đến ở đó.
Vài hôm trước ngày đã định cho lễ cưới, Jean Valjean bị một tai nạn, ngón cái bàn tay phải của ông bị dập một chút. Không có gì nghiêm trọng, và ông không muốn để ai phải lo cho ông, hoặc băng bó cho ông, hoặc xem xét chỗ đau của ông, ngay cả Cosette. Vậy mà ông cũng buộc phải bọc bàn tay trong một miếng vải, và đeo chéo qua vai, và không thể ký kết gì được.
Ông Gillenormand, với danh nghĩa là thế giám hộ của Cosette, đã ký thay ông.
Đám cưới đi bằng xe, ngang qua thành phố, giữa những tiếng reo hò và những hoạt động của hội giả trang. Nó được hai nhân vật đeo mặt nạ chú ý: một người đàn ông và một người đàn bà.
- Hình như tao biết lão già ngồi trong cái xe đầu tiên. - Người đàn ông nói. - Thằng cha bị thương ở cánh tay ấy. Alzema này, mày sẽ phải nói cho tao biết đám cưới này đi đến đâu đấy nhé.
Người đàn bà cho rằng điều đó chẳng dễ dàng gì, nhưng mụ hứa sẽ cố gắng.
Về nhà, cỗ cưới rất vui, mặc dù Jean Valjean vắng mặt, ông đã bỏ về, viện cớ là bàn tay mình hơi đau.
Người ta nhảy nhót. Người ta cười đùa, đó là một đám cưới vui vẻ.
Jean Valjean thì thế nào rồi?
Ông đã rời khỏi phố Filles-du-Calvaire, và trở về phố Homme-Armé.
Jean Valjean về nhà, trong căn hộ trống trải của mình. Bà già giúp việc Toussaint cũng không còn ở đây nữa.
Chỉ có một cái giường đã được dọn sẵn và dường như đang chờ ai đó, đó là giường của Jean Valjean.
Jean Valjean nhìn ngắm các bức tường, đóng một vài cánh cửa tủ, đi đi, lại lại, hết phòng nọ sang phòng kia.
Rồi ông trở về phòng mình, và đặt cây nến lên một cái bàn.
Ông đã bỏ cánh tay ra khỏi đoạn băng chéo, và sử dụng bàn tay phải của mình như thể chẳng đau đớn gì.
Jean Valjean bày lên giường mình những quần áo mà, mười năm trước đây, Cosette đã mặc khi rời khỏi Montfermeil, trước hết là cái áo dài nhỏ màu đen, rồi đến cái khăn quàng đen, đôi giày trẻ con to đùng mà có lẽ Cosette vẫn còn.đi vừa, vì chân nàng bé tý, rồi đến cái áo cánh bằng vải phu-ten rõ dày, rồi cái váy ngắn bằng hàng dệt, rồi đến cái áo choàng có túi, rồi đôi tất len. Đôi tất này vẫn còn hằn dấu vết duyên dáng của một cẳng chân nhỏ và không dài hơn bàn tay Jean Valjean là bao.
Ông nghĩ đến khu rừng Montfermeil ấy.
Cosette và ông đã cùng băng qua. ông nghĩ đến thời tiết khi đó, đến những cái cây trụi lá, đến vạt rừng không tiếng chim, đến bầu trời không ánh nắng và cảm thấy thú vị. ông xếp những quần áo cũ bé nhỏ xuống giường, cái khăn quàng bên cạnh cái váy ngắn, đôi tất bên cạnh đôi giày, cái áo cánh bên cạnh cái áo dài, rồi ông ngắm nhìn những thứ đó, hết cái nọ đến cái kia.
Thế là mái đầu bạc đáng kính của ông gục xuống giường, trái tim già cương nghị đó như vỡ tung ra, và có thể nói rằng mặt ông chìm ngập trong đống quần áo của Cosette, và, nếu có ai đi qua cầu thang vào lúc đó, sẽ có thể nghe thấy những tiếng nức nở đáng sợ.
Ông đã đi tới điểm giao nhau tuyệt đỉnh của cái thiện và cái ác. Điểm giao nhau tối tăm đó đã hiện ra trước mắt ông. Một lần nữa, như đã xảy ra với ông trong những biến cố đau đớn khác, hai con đường lại mở ra trước mặt ông, một đường thì hấp dẫn, đường kia thì đáng sợ. Chọn đường nào đây?
Con đường làm ông khiếp sợ là đi theo lời khuyên của ngón tay chỉ đường bí mật mà tất cả chúng ta đều nhìn thấy mỗi khi chúng ta chăm chú nhìn vào bóng tối.
Lại một lần nữa, Jean Valjean phải chọn giữa số phận khủng khiếp và cạm bẫy tươi cười.
Vậy ra điều đó đúng thật ư? Tâm hồn có thể chữa khỏi được, số phận thì không. Một vật ghê tởm! Một định mệnh không chữa được!
Vấn đề đặt ra là thế này:
Jean Valjean sẽ xử sự như thế nào với hạnh phúc của Cosette và Marius? Hạnh phúc ấy chính ông đã muốn, chính ông đã làm ra nó; chính ông đã tự ấn nó vào sâu trong ruột gan mình, và vào giờ này, khi ngắm nhìn nó, ông có thể thấy hài lòng, giống như sự hài lòng của một người thợ làm vũ khí khi vừa nhận ra nhãn hiệu chế tạo của mình trên một con dao, vừa rút nó, còn tỏa hơi nóng, ra khỏi lồng ngực mình.
Cosette có Marius. Marius đã chiếm được Cosette. Họ có tất cả, cả sự giàu có. Và đó là công trình của ông..Nhưng hạnh phúc đó, bây giờ nó đang tồn tại, bây giờ nó đang ở đó, thì ông, Jean Valjean, ông sẽ làm gì đây? Buộc người ta phải để cho mình cũng được hưởng hạnh phúc đó chăng? Coi hạnh phúc đó thuộc về mình chăng? Chắc chắn Cosette thuộc về một kẻ khác rồi. Nhưng ông, Jean Valjean, liệu ông có nên giữ lại tất cả những gì ông có thể giữ lại ở Cosette không? Liệu ông có còn là kiểu người cha ít được nhìn thấy, nhưng vẫn được kính trọng, như từ trước đến giờ không?
Liệu ông có được lặng lẽ len lỏi vào nhà Cosette không? Liệu ông có nên chẳng nói chẳng rằng, đem quá khứ của mình vào cái tương lai đó không? Liệu ông có nên tự giới thiệu mình là một kẻ có quyền, và đến ngồi, che mặt, ở căn hộ sáng sủa ấy không? Liệu ông có nên vừa nắm lấy tay những kẻ trong trắng ấy trong hai bàn tay bi thảm của mình, vừa cười với chúng không?
Liệu ông có nên đặt đôi chân mình, kéo theo bóng tối bêu riếu của luật pháp, lên những thanh gỗ yên tĩnh ở phòng khách nhà Gillenormand không? Liệu ông có nên xen vào chia sẻ may mắn cùng Cosette và Marius không? Liệu ông có làm dày thêm bóng tối trên trán mình và mây mù trên trán chúng không? Liệu ông có để hai con người đại hạnh phúc đó phải cùng chia sẻ nỗi thảm họa với mình không? Liệu ông có tiếp tục im lặng không? Tóm lại, liệu ông có sẽ là một thằng câm độc địa của định mệnh bên cạnh hai con người sung sướng kia không?
Ông cân nhắc, ông ngẫm nghĩ, ông xem xét những đợt xen kẽ nhau của sự cân bằng bí hiểm giữa ánh sáng và bóng tối.
Buộc ngục tù của mình vào hai đứa trẻ tươi đẹp rực rỡ kia, hoặc tự mình chịu đựng nốt cảnh chìm nghỉm không sao tránh khỏi được của số phận. Một bên là sự hy sinh của Cosette, bên kia là sự hy sinh của chính mình.
Ông cứ mơ mộng bàng hoàng như vậy đến hết đêm.
Cho đến tận lúc trời sáng, ông vẫn ở đó, vẫn trong tư thế ấy, người gập làm đôi trên cái giường ấy, cúi rạp dưới sức nặng to lớn của số phận, có lẽ là đã bị đè bẹp, than ôi! Hai nắm tay ông co quắp, hai cánh tay dang ra, thẳng góc, chẳng khác một kẻ bị đóng đinh câu rút đã được tháo ra và bị vứt bỏ, mặt úp xuống đất. Suốt mười hai tiếng đồng hồ của một đêm dài mùa đông, người lạnh buốt, ông không ngửng đầu lên và cũng chẳng thốt lên một lời nào. Hôm sau ngày cưới, Jean Valjean đến nhà đôi vợ chồng trẻ và xin được nói chuyện với Marius.
Vừa ló mặt ra và trông thấy Jean Valjean, chàng kêu lên:
- Cha đấy ạ! Nhưng cha đến sớm quá! Mới mười hai rưỡi trưa... Được gặp cha, con rất vui, cha có biết là hôm qua chúng con nhớ cha đến thế nào không? Xin chào cha, bàn tay cha thế nào rồi? Đỡ rồi, phải không?
Rồi, hài lòng vì đã tự trả lời câu hỏi của mình, chàng nói tiếp:
- Cả hai chúng con đã nói nhiều về cha.
Cosette yêu quý cha biết chừng nào! Cha đừng quên rằng cha có một phòng ở đây. Chúng con không thích cái phố Homme-Armé nữa đâu.
Chúng con không thích nó một tý nào nữa. Làm sao mà cha đã có thể đến ở trong một phố như thế, nó ốm đau, nó càu nhàu, nó xấu xí, nó có một rào chắn ở một đầu, ở đó người ta thấy lạnh, ở đó người ta không thể vào được? Cha sẽ đến ở đây. Và ngay từ hôm nay. Hoặc cha sẽ có chuyện với Cosette. Cô ấy muốn dắt mũi tất cả mọi người, con xin báo để cha biết trước như thế. Cha đã trông thấy phòng của cha, nó ở ngay cạnh phòng chúng con, nó trông ra vườn. Người ta đã thu xếp chuyện cái khóa, giường đã dọn xong, phòng đã sẵn sàng, cha chỉ việc đến ở.
Chính cha sẽ đưa Cosette đi dạo, vào những ngày con phải ở tòa, cha sẽ đưa tay cho cô ấy khoác, cha biết không, giống như ở v ườn Luxembourg ngày xưa. Chúng con nhất định sẽ sung sướng. Và cha cũng sẽ sung sướng vì hạnh phúc của chúng con, cha hiểu không, cha. à! Này, hôm nay, cha sẽ ăn trưa với chúng con chứ?
- Thưa ông, - Jean Valjean nói, - tôi có một điều muốn nói với ông. Tôi là một tù khổ sai cũ.
Giới hạn của những âm cao nghe thấy được có thể bị vượt qua đối với cả tâm trí và lỗ tai.
Những tiếng: "Tôi là một tù khổ sai cũ" ra khỏi miệng ông Fauchelevent và vào trong tai Marius, đã vượt ra ngoài điều có thể hiểu được. Marius đã không nghe thấy. Chàng thấy hình như người ta vừa nói với mình một điều gì đó. Nhưng chàng không biết đó là cái gì. Mặt chàng ngây ra.
Thế rồi chàng nhận thấy người đàn ông đang nói với mình thật đáng sợ. Bị hạnh phúc làm cho chói lòa, cho đến tận lúc đó, chàng chưa nhận thấy cái vẻ xanh xao kinh khủng ấy..Jean Valjean cởi cái cra-vat đen đỡ cánh tay phải của mình ra, tháo miếng vải cuốn quanh bàn tay, rồi chỉ vào ngón tay cái đã lộ ra.
- Bàn tay tôi không sao cả. - ông nói.
Marius nhìn ngón tay cái.
- Nó chưa hề làm sao bao giờ. - Jean Valjean nói tiếp.
Quả thực, chẳng có vết thương tích nào.
Jean Valjean nói tiếp:
- Tôi thấy mình nên vắng mặt trong lễ cưới của ông. Tôi đã cố làm cho mình vắng mặt, càng nhiều càng tốt. Tôi đã giả vờ gây ra vết thương ấy để khỏi phải làm một giấy tờ giả, để khỏi đưa sự vô hiệu vào các văn bản hôn thú, để được miễn phải ký.
Marius lắp bắp:
- Thế nghĩa là thế nào ạ?
- Thế nghĩa là, - Jean Valjean trả lời. - tôi đã ở tù.
- Cha làm con đến phát điên! - Marius hoảng hốt kêu lên.
- Thưa ông Pontmercy, - Jean Valjean nói. -tôi đã ở trong tù mười chín năm. Vì trộm cắp.
Rồi tôi đã bị kết án chung thân. Vì tái phạm.
Vào giờ này, tôi đang trốn khỏi nhà tù.
Marius đã lùi lại trước thực tế, từ chối sự việc, cưỡng lại sự thật hiển nhiên, một cách vô ích, đành phải đầu hàng. Chàng bắt đầu hiểu, và như thường vẫn xảy ra trong trường hợp như vậy, chàng còn hiểu xa hơn. Một tia chớp gớm ghiếc trong người khiến chàng rùng mình, một ý nghĩ xuyên qua tâm trí, khiến chàng run lên. Chàng thoáng thấy, trong tương lai, cho chính mình, một định mệnh dị hình, xấu xí.
- Xin hãy nói tất cả, hãy nói tất cả đi! -Chà ng kêu lên. - ông là cha của Cosette?
Rồi chàng lùi lại phía sau hai bước, với một động tác ghê sợ khó tả.
Jean Valjean ngửng đầu lên trong một tư thế thật uy nghi, làm cho ông hình như cao lên đến tận trần nhà.
- ở đây, thưa ông, ông cần phải tin tôi. Và mặc dù, với những người như chúng ta, lời thề của chúng ta không được tòa án tiếp nhận...
Đến đây, ông im lặng, rồi với một thứ uy quyền của chúa tể và nơi phần mộ, ông nói thêm, rành mạch, chậm rãi và nhấn mạnh từng vần:.- ông sẽ tin tôi. Tôi có phải là cha Cosette không? Trước Chúa thì không. Thưa ngài nam tước Pontmercy, tôi là một nông dân ở Faverolles. Tôi đã sống bằng nghề tỉa xén cành cây. Tên tôi không phải là Fauchelevent, tên tôi là Jean Valjean. Tôi chẳng là gì của Cosette cả.
Ông hãy yên tâm.
Marius lắp bắp:
- Ai chứng thực cho tôi?...
- Tôi. Bởi vì tôi nói thế.
Marius nhìn người đàn ông. Trông ông sầu thảm và lặng lẽ. Không thể có một lời dối trá nào thốt ra từ một con người điềm tĩnh như thế.
Cái gì lạnh giá thường là thật thà. Người ta cảm thấy sự thật trong cái lạnh lẽo của nấm mồ kia.
- Tôi tin ông. - Marius nói.
Jean Valjean cúi đầu, như để thừa nhận, rồi nói tiếp:
- Tôi là gì đối với Cosette ư? Một người qua đường. Cách đây mười năm, tôi còn chưa biết đến sự tồn tại của cô ấy. Tôi thương yêu cô, điều đó đúng. Một đứa con gái mà người ta trông thấy khi còn bé tý, mà mình thì đã già rồi. Khi người ta đã già, người ta cảm thấy như mình là ông của tất cả các cháu. Tôi thấy hình như ông có thể giả thiết rằng tôi có một cái gì đó giống như một trái tim, một tấm lòng. Nó mồ côi.
Không cha, không mẹ. Nó cần đến tôi. Vì vậy mà tôi đã đem lòng thương yêu nó. Trẻ con, chúng thật quá yếu ớt, khiến cho bất cứ ai, ngay đến một người như tôi, cũng có thể là người bảo trợ cho chúng. Tôi đã làm nghĩa vụ đó đối với Cosette. Tôi không nghĩ rằng chỉ ít thế thôi mà thật sự người ta đã có thể gọi là một việc thiện.
Vậy thì, cứ cho là tôi đã làm được điều đó.
Xin hãy ghi nhận tình tiết giảm tội này. Hôm nay, Cosette rời khỏi cuộc đời của tôi. Hai con đường của chúng tôi đã tách rời nhau. Từ nay, tôi chẳng thể làm gì cho cô ấy. Cô ấy đã là bà Pontmercy. Người chăm sóc cho cô ấy đã thay đổi. Và sự thay đổi đó có lợi cho Cosette.
Tất cả đều tốt. Về phần tôi, tôi chỉ cần ông biết tôi là ai thôi.
Rồi Jean Valjean nhìn thẳng vào mặt Marius.
Vì quá sững sờ trước tình huống mới xảy ra với chàng, Marius đã nói với người đàn ông ấy, gần như ai đó muốn trách ông ta vì lời thú tội ấy.
- Nhưng rốt cuộc, - Chàng kêu lên. - tại sao ông lại nói với tôi tất cả những điều đó? Cái gì bắt ông phải nói? ông có thể giữ điều bí mật.cho riêng mình. ông chẳng hề bị tố cáo, truy nã, lùng bắt gì cả. Một sự tiết lộ như vậy, ông có lý do, để làm vui lòng ư? ông nói nốt đi. Hay còn có lý do khác. Nhân việc gì mà ông thú nhận như thế? Vì lý do gì?
- Vì lý do gì ư? - Jean Valjean trả lời, bằng một giọng quá thấp và quá trầm, khiến người ta có thể bảo là ông nói với chính mình, hơn là nói với Marius. - Thực tế, tên tù khổ sai này vừa mới nói: Tôi là một tên tù khổ sai, vì lý do gì ư? Vậy thì có! Lý do thật lạ lùng. Đó là sự thành thực. Này, thật khổ cho tôi, là tôi có một sợi dây, ở đây này, trong trái tim ấy, nó trói buộc tôi. Nhất là khi người ta già, sợi dây đó ngày càng chắc. Tất cả cuộc đời bị dỡ hết ra xung quanh, nhưng chúng vẫn ở lại. Nếu tôi có thể giằng sợi dây đó ra, dứt đứt nó đi, cởi hoặc cắt đứt cái nút buộc, bỏ đi thật xa, thì tôi sẽ được giải thoát, tôi chỉ việc lên đường. Có những xe chở khách ở phố Bouloy. Các người đang sung sướng, tôi có thể ra đi. Tôi đã thử dứt đứt nó, sợi dây ấy, tôi đã kéo nó ra, nhưng nó bám chắc quá, nó không đứt, tôi dứt cả tim tôi ra cùng với nó. Thế là, tôi bảo: Mình không thể sống ở nơi nào khác. Mình phải ở lại. Vậy thì phải, chính là ông đúng, tôi thì ngốc, tại sao không ở lại, điều đó thật đơn giản? ông đã dành cho tôi một phòng trong nhà, bà Pontmercy rất quý tôi, bảo chiếc ghế bành kia: dang tay ra đón ông đây đi. ông của ông không đòi hỏi gì hơn là có tôi ở cùng, chúng ta sẽ sống chung dưới một mái nhà, ăn uống chung với nhau, tôi sẽ đưa cánh tay cho Cosette... - à cho bà Pontmercy, tôi xin lỗi, đó là do quen miệng, - chúng ta sẽ chỉ có một mái nhà, một cái bàn, một bếp lò, vẫn cái góc lò sưởi mùa đông ấy, vẫn cuộc dạo chơi mùa hè ấy, đó là sự sung sướng, đó là niềm hạnh phúc, đó là tất cả những thứ ấy. Chúng ta sẽ sống trong một gia đình. Trong gia đình!
Nói đến đây, Jean Valjean bỗng trở nên dữ tợn. ông khoanh tay lại, chăm chú nhìn xuống sàn nhà dưới chân mình, như thể muốn đào một cái vực ở đó, và giọng ông bất thình lình nổ tung ra:
- Trong gia đình! Không! Tôi, tôi chẳng thuộc gia đình nào cả. Tôi không thuộc gia đình ông. Tôi không thuộc gia đình của loài người.
Trong những ngôi nhà người ta ở với nhau, tôi là kẻ thừa. Có những gia đình, nhưng không phải dành cho tôi. Tôi là kẻ khốn khổ, tôi ở ngoài lề cuộc.đời. Tôi có một người cha và một người mẹ không? Tôi hầu như vẫn còn nghi ngờ điều đó.
Ngày tôi gả chồng cho con bé, mọi việc đã xong, tôi đã thấy nó sung sướng, và thấy nó được sống với người đàn ông nó yêu, và thấy ở đó có một ông già tốt bụng, một cặp thiên thần, tất cả những niềm vui trong căn nhà ấy, và thấy thế là tốt, tôi đã tự bảo mình: Ngươi, ngươi đừng có vào.
Tôi có thể nói dối, đúng vậy, đánh lừa tất cả mọi người, cứ vẫn là ông Fauchelevent... Im lặng, mà điều này thật dễ. Tôi đa thức suốt đêm để cố thuyết phục mình làm điều đó. Tôi đã xưng tội với ông và những điều tôi vừa nói với ông thật là khác thường, nên ông có quyền được nghe. Vâng, tôi đã thức suốt đêm để tự tìm cho mình những lý do, tôi đã tự cho mình nhiều lý do rất tốt, tôi đã làm hết sức mình, ông hiểu cho. Nhưng có hai việc mà tôi đã không thành công. Đó là không dứt đứt được với sợi dây nó giữ tôi bằng trái tim cố định, gắn chặt ở đây, cũng không bịt được miệng ai đó cứ nói khẽ với tôi mỗi khi tôi có một mình. Vì vậy, sáng nay, tôi đến đây để thú nhận tất cả với ông. Cứ tiếp tục làm ông Fauchelevent, mọi thứ đều ổn. Phải, trừ tâm hồn tôi. Khắp người tôi, chỗ nào cũng vui, trừ có đáy lòng thì vẫn đen. Được sung sướng vẫn chưa đủ, còn phải được hài lòng nữa. Như vậy, nếu tôi vẫn là ông Fauchelevent, thì tôi vẫn che giấu bộ mặt thật của mình. Khi đó, trước thái độ cởi mở của ông, tôi vẫn còn giữ một điều bí ẩn. Có nghĩa là, giữa cảnh thanh thiên bạch nhật của ông, tôi vẫn còn những bóng tối. Như vậy, không báo trước, tôi đã thực sự đưa ngục tù vào gia đình ông, tôi sẽ ngồi vào bàn ăn của ông, với ý nghĩ là nếu ông biết tôi là ai, ông sẽ đuổi tôi ra, tôi sẽ để bọn đầy tớ phục vụ mình, và nếu chúng biết, chúng sẽ bảo: Ghê tởm quá!
Jean Valjean dừng lại. Marius vẫn chăm chú nghe. Những chuỗi ý nghĩ và lo buồn như vậy không thể bị cắt đứt.
Jean Valjean lại hạ bớt giọng, nhưng không còn là giọng trầm nữa, mà là một giọng rầu rĩ.
- ông hỏi vì sao tôi nói ư? Tôi không bị tố cáo, cũng chẳng bị truy nã, lùng bắt gì cả, có phải ông đã nói vậy. Có đấy! Tôi có bị truy nã!
Có đấy! Tôi có bị lùng bắt! Bởi ai ư? Bởi chính tôi. Chính tôi tự chắn lối đi của mình, tôi tự lôi kéo mình, tự đẩy mình đi, và tôi cũng tự giữ.mình lại. Tôi tự xử mình, và khi người ta bị cầm giữ mình, thì người ta cầm giữ được rất chắc.
Ông thở nặng nhọc, rồi phát ra lời cuối cùng này:
- Ngày xưa, để sống, tôi đã ăn cắp một chiếc bánh mỳ. Ngày nay, để sống, tôi không muốn lấy cắp một cái tên. ôi! Tôi hiểu. - Jean Valjean vừa thở dài, vừa ngửng đầu lên lại cúi đầu xuống một cách chậm chạp và nhiều lần liên tiếp.
Có một lúc im lặng. Cả hai người cùng không nói gì, mỗi người đắm mình trong một vực thẳm suy nghĩ. Marius đã ra ngồi cạnh một cái bàn và tỳ mép lên một ngón tay gập vào. Jean Valjean đi đi, lại lại. ông dừng lại trước một tấm gương lớn và đứng bất động.
Rồi, như để trả lời một lập luận nội tâm, ông vừa nói, vừa nhìn vào tấm gương ấy, nhưng không trông thấy mình trong đó:
- Còn bây giờ, tôi đã thấy nhẹ người!
Ông lại tiếp tục đi đến đầu kia của phòng khách. Vào lúc ông quay lại, ông nhận thấy Marius đang nhìn theo bước chân ông.
Thế là ông bảo chàng bằng một giọng khó tả:
- Chân tôi hơi kéo lê. Bây giờ ông đã hiểu tại sao.
Rồi ông quay hẳn về phía Marius.
Marius từ từ đi ngang phòng khách, và khi đến gần Jean Valjean, chàng chìa tay cho ông.
Nhưng Marius phải đi bắt lấy cái bàn tay không chìa ra ấy, Jean Valjean vẫn để yên, nhưng Marius cảm nhận thấy như mình đang siết chặt một bàn tay bằng đá.
- ông tôi có một số bạn bè. - Marius nói.
- Tôi sẽ xin ân xá cho ông.
- Vô ích, - Jean Valjean trả lời. - Người ta tưởng tôi đã chết, thế là đủ. Những người chết không cần ai giám sát. Họ được coi như lặng lẽ thối rữa. Cái chết, cũng là một thứ như ân xá.
Và, rút tay mình ra khỏi tay Marius, ông nói thêm, với một thứ phẩm cách không ai lay chuyển nổi:
- Vả lại, làm nhiệm vụ của mình, đó là người bạn mà tôi nhờ đến. Tôi chỉ cần đến một sự ân xá, đó là sự ân xá của lương tâm tôi.
- Cosette tội nghiệp! - Marius lẩm bẩm. -Nà ng mà biết...
Nghe thấy thế, Jean Valjean run bắn cả chân lẫn tay. ông trân trân nhìn Marius, mắt nhớn nhác..- Cosette! à phải, đúng rồi, ông sắp nói chuyện này với Cosette. Đúng thế. Này, tôi chưa nghĩ đến điều đó. Người ta có sức để làm việc này, thì lại không có sức để làm việc khác. Thưa ông, tôi khẩn cầu ông, tôi van xin ông, thưa ông, ông hãy ban cho tôi lời hứa thiêng liêng nhất của ông, là ông không nói với nó. ông biết chuyện này, chẳng lẽ như thế vẫn chưa đủ hay sao hả ông? Chính tôi đã nói ra chuyện này mà không hề bị bắt buộc, tôi còn có thể nói với cả vũ trụ, với tất cả mọi người, thế nào cũng được.
Nhưng nó, nó chẳng hiểu thế là thế nào, điều đó sẽ làm nó khiếp sợ. Một tên tù khổ sai, là cái gì? Người ta bắt buộc phải giải thích cho nó hiểu, phải bảo nó rằng: đó là một kẻ đã ở trong ngục tù. Một hôm nó đã nhìn thấy cảnh những người bị xiềng xích đi qua. ôi, lạy Chúa tôi!
Ông ngã quỵ xuống một cái ghế bành và giấu mặt trong hai bàn tay. Người ta không nghe thấy, nhưng nhìn thấy hai vai ông rung lên, người ta biết ông đang khóc. Tiếng khóc thầm lặng, là tiếng khóc khủng khiếp.
Có sự nghẹn ngào trong tiếng nức nở. ông bị một cơn co giật, ngật người ra phía sau, trên lưng cái ghế bành, như để thở, hai cánh tay buông thõng, khiến Marius nhìn thấy mặt ông giàn giụa nước mắt, và nghe thấy ông lầm rầm, khẽ đến nỗi tưởng chừng như tiếng ông phát ra từ một nơi sâu thẳm không có đáy:
- ôi! Tôi muốn chết!
- ông cứ bình tĩnh. - Marius nói. - Tôi sẽ giữ điều bí mật của ông cho một mình tôi.
Jean Valjean như còn có một nỗi do dự tột cùng. Và, không thành tiếng, gần như không có hơi thở nữa, ông lắp bắp, chứ không còn là nói:
- Bây giờ ông đã biết rồi, thưa ông, ông là ông chủ, ông có nghĩ rằng tôi có nên gặp Cosette nữa không?
- Tôi nghĩ rằng như thế có lẽ hơn. - Marius lạnh lùng trả lời.
- Tôi sẽ không gặp nó nữa! - Jean Valjean lầm rầm.
Và ông đi ra phía cửa.
Ông đặt bàn tay lên quả đấm, lưỡi khóa thụt lại, cánh cửa hé mở, Jean Valjean mở cửa vừa đủ để có thể đi ra. ông dừng lại trong một giây, bất động, rồi lại đóng cửa lại và quay về phía Marius..ạng không còn xanh xao nữa, mà đã xám ngắt. Không còn nước mắt nữa, mà là một thứ lửa bi thảm. Giọng ông trở lại bình tĩnh một cách kỳ lạ.
- Này ông, - Jean Valjean nói. - nếu ông muốn, tôi sẽ đến gặp nó. Tôi xin đoan chắc với ông rằng tôi muốn thế lắm. Nếu tôi không tha thiết muốn gặp Cosette, thì tôi đã không thú nhận với ông như tôi đã làm mà tôi đã ra đi; nhưng vì muốn ở lại nơi có Cosette, và tiếp tục gặp nó, nên tôi đã thành thực nói tất cả với ông.
Ông vẫn theo dõi lập luận của tôi đấy chứ? Đó là một điều có thể hiểu được. ông thấy không, đã chín năm qua, tôi có nó ở bên cạnh. Nếu ông không thấy có gì xấu xa, thì thỉnh thoảng tôi sẽ đến thăm Cosette. Tôi sẽ không đến luôn. Tôi sẽ không ở lại lâu. ông sẽ bảo người ta tiếp tôi trong căn phòng thấp, bé, ở tầng trệt. Đáng lẽ tôi có thể vào được bằng cửa sau, là cửa dành cho đầy tớ, nhưng điều đó có thể sẽ làm người ta sửng sốt. Tôi nghĩ là tôi vào bằng cái cửa của mọi người thì hơn. Thưa ông, thật thế. Tôi vẫn còn mong muốn được gặp Cosette một chút. ít đến đâu là tùy theo ý ông. ông hãy đặt mình vào địa vị của tôi, tôi chỉ còn có thế. Và rồi, cũng cần cảnh giác. Nếu tôi không đến gì cả, sẽ có thể có hiệu quả xấu, người ta sẽ thấy là kỳ cục. Chẳng hạn, điều tôi có thể làm được là đến vào buổi tối, khi trời bắt đầu tối.
- Tối nào ông cũng đến, - Marius nói, - và Cosette sẽ chờ ông.
- ông thật tốt, thưa ông. - Jean Valjean nói.
Marius chào Jean Valjean, con người hạnh phúc tiễn đưa con người đau khổ đến tận cửa, rồi hai người chia tay nhau.
Marius thấy ngao ngán. Còn lại một mình, chàng ngẫm nghĩ và đi đến tự hỏi mình, xem có phải mình đã nhẹ dạ, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đưa đến việc mình lấy Cosette hay không.
Giờ đây, chàng đã hiểu tại sao chàng đã luôn luôn cảm thấy xa cách đối với người đàn ông ở bên cạnh Cosette. Trong nhân vật ấy, người ta không biết có một cái gì bí ẩn mà bản năng của chàng đã báo trước. Bí ẩn đó là điều xấu hổ gớm ghiếc nhất, nhà tù. Cái ông Fauchelevent ấy là tên tù khổ sai Jean Valjean.
Đột nhiên tìm thấy một điều bí mật như thế giữa niềm hạnh phúc của mình, việc đó giống.như sự phát hiện một con bọ cạp trong tổ chim gáy.
Hạnh phúc của Marius và Cosette từ nay sẽ buộc phải chịu đựng cảnh gần gũi đó chăng? Phải chăng đó là một việc đã rồi? Sự tiếp nhận con người ấy có phải là một phần của đám cưới đã hoàn thành không? Phải chăng không còn gì để làm nữa?
Phải chăng, khi cưới vợ, Marius cũng đã cưới một tên tù khổ sai?
Được bao trùm trong ánh sáng và niềm vui, được thưởng thức giờ phút trọng đại màu hồng của cuộc đời, tình yêu sung sướng, cũng đều là vô ích, vì những rung động ấy sẽ bắt buộc, ngay cả tổng thiên thần khi đang nhập định, ngay cả á thần chưa nổi tiếng, cũng phải rùng mình.
Như thường vẫn xảy ra trong những sự thay đổi nhìn thấy được thuộc loại ấy, Marius tự hỏi liệu mình có điều gì phải tự trách mình không?
Nhưng, giả sử như chàng đã phát hiện từ trước rằng Jean Valjean là một tên tù khổ sai, thì liệu chàng, Marius, có thay đổi không? Liệu nàng, Cosette, có thay đổi không? Không. Vậy không có gì để tiếc nuối, không có gì để tự trách mình, tất cả đều tốt.
Trường hợp của Jean Valjean vẫn còn gây bối rối. Tên tù khổ sai đã tiết lộ căn cước thật của mình, lão đã cho Cosette một món hồi môn - trao lại một món tiền gửi, như lão nói, mà đáng lẽ lão có thể không nói gì cả và không đưa gì cả.
Bây giờ, quá khứ đã được soi sáng một chút.
Marius hiểu tại sao Jean Valjean đã im lặng trong căn nhà ổ chuột của Jondrette, chàng hiểu tại sao ông đã tránh xa khi cảnh sát đến, và tại sao ông đã xuất hiện trên chiến lũy... Marius như còn nghe thấy phát súng ngắn ghê gớm hẳn là đã giết chết Javert. Jean Valjean đã trả thù, và sự hiện diện của ông ở phố Chanvrerie chẳng có mục đích nào khác.
Marius còn tự hỏi làm sao mà giữa Cosette và Jean Valjean, nhiều ánh sáng đến thế và nhiều bóng tối đến thế, lại đã có thể sống chung với nhau. Và chàng không tìm ra được câu trả lời cho điều bí ẩn ấy.
Giữa những ý nghĩ đó, Jean Valjean hiện ra trước chàng, dị dạng và ghê tởm. Đó là kẻ bị dày đọa. Đó là tên tù khổ sai. Đối với chàng, từ đó như một tiếng kèn phán xử. Và sau khi đã xem xét Jean Valjean một hồi lâu, cử chỉ cuối cùng của chàng là quay mặt đi. Vade retro Người đàn ông đó là đêm tối, đêm tối sống động và kinh khủng. Sao mà dám dò tìm cái đáy của nó. Đi hỏi bóng tối thì thật ghê sợ. Ai mà biết nó sẽ trả lời thế nào? Cảnh bình minh có thể bị nó bôi đen mãi mãi.
Trong tâm trạng đó, Marius cảm thấy lúng túng xót xa khi nghĩ rằng người đàn ông ấy từ nay sẽ có thể có một sự tiếp xúc nào đó với Cosette.
Trước những vấn đề đáng sợ đó, chàng đã lùi bước, mà đáng lẽ từ đó đã có thể rút ra một quyết định khe khắt và dứt khoát, nên bây giờ, chàng gần như tự trách mình là đã không đặt chúng ra. Chàng tự thấy mình quá tốt, quá hiền, là quá yếu đuối. Sự yếu đuối ấy đã kéo chàng vào một sự nhượng bộ dại dột. Chàng đã để cho mình mủi lòng. Chàng đã sai. Đáng lẽ chàng phải, thẳng thắn và đơn giản, vứt bỏ Jean Valjean. Jean Valjean là một phần của đám cháy, lẽ ra chàng phải khoanh vùng nó lại, và tống cổ con người đó ra khỏi nhà mình. Chàng tự trách mình, chàng trách cái cơn lốc cảm xúc đột ngột ấy nó đã khiến chàng như điếc, như mù và lôi cuốn chàng đi. Chàng bất mãn với chính mình.
Làm thế nào bây giờ? Những cuộc viếng thăm của Jean Valjean làm chàng ghê tởm sâu xa. Con người ấy có ích gì ở nhà chàng? Làm thế nào đây? Đến đây, chàng tự huyễn hoặc, chàng không muốn đào lên, chàng không muốn khơi sâu, chàng không muốn tự thăm dò chính mình. Chàng đã hứa, chàng đã tự để cho mình hứa, ngay với một tên tù khổ sai, nhất là với một tên tù khổ sai, người ta càng phải giữ lời hứa.
Tuy nhiên, nghĩa vụ đầu tiên của chàng là đối với Cosette. Tóm lại, một sự ghê tởm chi phối tất cả, làm chàng phẫn nộ.
Toàn bộ những ý nghĩ ấy quay cuồng lộn xộn trong tâm trí Marius, chàng đi từ ý nghĩ này sang ý nghĩ kia và bị tất cả bọn chúng khuấy động. Từ đó, gây ra một sự bối rối sâu xa.
Không có mục đích rõ ràng, chàng đặt một số câu hỏi cho Cosette, ngây thơ như một con bồ câu trắng, và không nghi ngờ gì cả, nàng nói với chàng về thời thơ ấu và thời thanh niên của nàng, và càng ngày chàng càng phải tin rằng tất cả những gì một người đàn ông có thể có, là tốt bụng, là tình cha con và là đáng kính, thì tên tù.khổ sai đó đều đã có đối với Cosette. Tất cả những gì mà Marius đã thoáng thấy và giả định thì đều là thật. Cây tầm ma thảm thê đã yêu thương và che chở cây loa kèn trắng ấy.
Chương VII: Bóng tối âm u
Vừng đông sáng chói Ngày hôm sau, vào lúc chập tối, Jean Valjean gõ cổng nhà Gillenormand. Basque, người đầy tớ tiếp ông, hỏi ông muốn lên gác hay ở dưới nhà.
- Ở dưới nhà. - Jean Valjean trả lời. - Và bước vào một căn phòng ở tầng trệt.
Một ngọn lửa đã được nhóm lên ở đây. Điều đó chứng tỏ người ta đã tính đến câu trả lời của Jean Valjean. ở lại dưới nhà.
Hai chiếc ghế bành đã được đặt ở hai góc lò sưởi. Giữa hai cái ghế bành, thay cho thảm, có trải một tấm chặn chân giường cũ, để lộ ra nhiều sợi hơn là len.
Căn phòng được chiếu sáng bằng lửa trong lò sưởi và ánh hoàng hôn qua cửa sổ..Jean Valjean đang mệt. Từ nhiều hôm nay, ông không ăn, cũng không ngủ. ông gieo mình lên một trong hai chiếc ghế bành.
Basque trở lại, đặt lên lò sưởi một cây nến đã thắp sáng, rồi lui ra. Jean Valjean, đầu cúi gập, và cằm tỳ lên ngực, không nhìn thấy cả Basque lẫn cây nến.
Bất thình lình, ông chồm dậy, như bị giật mình. Cosette đang ở đằng sau ông.
Ông không trông thấy nàng vào, nhưng ông cảm thấy nàng đang bước vào.
Ông quay mặt lại. ông ngắm nàng. Nàng thật đáng mến, xinh đẹp. Nhưng cái mà ông nhìn sâu hơn, không phải là vẻ đẹp hình thức, mà là tâm hồn.
- A, chào cha! - Cosette kêu lên. - Cha ơi, con vẫn biết cha là người kỳ cục, nhưng chưa bao giờ con chờ đợi một ý nghĩ như thế. Một ý nghĩ đến hay! Marius bảo con rằng chính cha muốn con tiếp cha ở đây.
- Phải, chính tôi.
- Con đã đợi cha trả lời. Con xin báo trước với cha rằng con sẽ cự nự với cha đấy. Thôi, hãy bắt đầu bằng chỗ bắt đầu. Cha ơi, ôm hôn con đi.
Và nàng chìa má ra.
Jean Valjean vẫn bất động.
- Cha không nhúc nhích. Con nhận thấy ở cha thái độ của kẻ phạm tội. Nhưng, cũng được, con tha thứ cho cha. Jésus Christ đã nói: Hãy chìa má kia ra. Thì đây cha.
Và nàng chìa má kia ra.
Jean Valjean không động đậy. Có vẻ như chân ông bị đóng đinh xuống nền đá lát.
- Sự việc trở nên nghiêm trọng rồi. - Cosette nói. - Con đã làm gì cha nào? Con xin tuyên bố là con giận cha đấy. Cha sẽ phải làm lành với con. Cha ăn tối với chúng con chứ?
- Tôi ăn tối rồi.
- Không đúng. Con sẽ nói để ông Gillenor-mand quở trách cha. Các người ông được tạo ra là để mắng mỏ các người cha. Nào, cha hãy lên phòng khách với con, ngay lập tức.
- Không thể được.
Đến đây thì Cosette đành lùi bước một chút.
Nàng không ra lệnh nữa, mà đặt câu hỏi.
- Nhưng tại sao chứ? Sao cha lại chọn cái phòng xấu xí nhất nhà để gặp con. ở đây, thật khủng khiếp..- Con biết đấy...
Jean Valjean chữa lại:
- Bà biết đấy, thưa bà, tôi vốn đặc biệt, tôi có những ý ngông của tôi.
Cosette vỗ hai bàn tay bé nhỏ của mình.
- Thưa bà!... bà biết đấy!... vẫn còn cái mới!
Thế nghĩa là thế nào à?
Jean Valjean nhìn nàng với một nụ cười ngao ngán mà đôi khi ông dùng đến.
- Bà đã muốn làm bà. Bà đang làm bà đấy thôi.
- Không phải đối với cha, cha ạ.
- Bà đừng gọi tôi là cha nữa.
- Thế nào?
- Hãy gọi tôi là ông Jean. Jean thôi, nếu bà muốn.
- Cha không là cha nữa ư? Con không còn là Cosette nữa ư? ông Jean? Thế nghĩa là thế nào? Thưa cha, cái đó thế là cách mạng đấy! Đã xảy ra việc gì vậy? Cha hãy nhìn vào mặt con một chút. Cha không muốn ở với chúng con! Và cha không muốn đến phòng con! Con đã làm gì cha? Vậy là đã có chuyện gì?
- Chẳng có gì cả.
- Thế thì thế nào?
- Mọi chuyện vẫn bình thường.
- Tại sao cha lại đổi tên?
- Chính bà cũng đã đổi tên rồi.
Ông lại mỉm cười, vẫn nụ cười ấy, và nói thêm:
- Vì bà là bà De Pontmercy, tôi cũng có thể là ông Jean.
- Con chẳng hiểu gì hết. Tất cả những cái đó là ngớ ngẩn. Con sẽ xin phép chồng con được gọi cha là ông Jean. Con mong rằng anh ấy sẽ không đồng ý. Cha làm con rất khổ tâm. Người ta có thể ngông, nhưng người ta không nên làm cho con bé Cosette của mình đau khổ. Thế là xấu. Cha không có quyền được ác, vì cha vốn là người tốt!
Ông không trả lời.
Thế là nàng nắm ngay lấy hai bàn tay ông, và, bằng một động tác không ai cưỡng lại được, đưa chúng lên mặt mình, áp chúng vào cổ mình, vào cằm mình, đó là một cử chỉ âu yếm sâu sắc.
- Ồ! - Nàng bảo ông. - Cha hãy tốt như trước đi!
Rồi nàng nói tiếp:.- Con gọi là tốt là như thế này: sống thoải mái, dọn đến ở đây, ở đây cũng có chim như ở phố Plumet, sống với chúng con, rời bỏ cái hố ở phố Homme-Armé, không bắt chúng con phải đoán những câu đố, sống như mọi người, ăn tối với chúng con, là cha của con.
Ông gỡ tay nàng ra.
- Bà không cần đến cha nữa, bà có một người chồng rồi.
Cosette phát cáu.
- Con không cần đến cha nữa! Những điều ấy thật trái lẽ thường, thực quả, con chẳng biết nói thế nào nữa!
Rồi, đột nhiên nghiêm nghị, nàng chằm chằm nhìn Jean Valjean, và nói thêm:
- Vậy là cha không bằng lòng vì thấy con được sung sướng ư?
Đôi khi, sự ngây thơ, không ngờ, lại thấm vào rất sâu. Câu hỏi ấy, giản dị đối với Cosette, lại sâu xa đối với Jean Valjean. Cosette đang muốn cào cấu, nàng đang giằng xé.
Jean Valjean tái mặt. ông im lặng một lúc, không trả lời, rồi, bằng một giọng khó diễn tả và tự nói với chính mình, ông lầm rầm:
- Hạnh phúc của con, đó là mục đích của đời cha. Đến giờ, Chúa có thể ký cho cha ra đi.
Cosette, con đang sung sướng, thời của cha đã hết.
- A! Cha đã gọi con bằng con! - Cosette reo lên. Và nàng nhảy lên bá cổ ông.
Jean Valjean cuống quýt, ghì nàng vào ngực mình, như mê mẩn. ông thấy gần như đã lấy lại được nàng.
- Cảm ơn cha! - Cosette nói với ông.
Sự lôi cuốn sắp trở nên xót xa với Jean Valjean. ông nhẹ nhàng rút khỏi vòng tay Cosette, và cầm lấy mũ.
- Tại sao thế? - Cosette nói.
Jean Valjean trả lời:
- Thưa bà, tôi xin tạm biệt, người ta đang đợi bà.
Và từ ngưỡng cửa, ông nói thêm:
- Tôi đã gọi bà là con. Bà hãy nói với chồng bà rằng điều đó sẽ không trở lại nữa. Hãy tha thứ cho tôi.
Jean Valjean đi ra, để lại Cosette sửng sốt vì lời vĩnh biệt khó hiểu đó..Ngày hôm sau, cũng giờ đó, Jean Valjean lại đến.
Cosette không đặt câu hỏi nữa, không ngạc nhiên nữa, không kêu lên rằng mình thấy lạnh nữa, không nói đến phòng khách nữa. Nàng tránh nói cha, cũng không nói ông Jean. Nàng tự để mình nói tiếng ông. Nàng để cho ông gọi mình bằng bà. Có điều là nàng hơi kém vui. Đáng lẽ nàng phải buồn, nếu như nàng có thể buồn được.
Chắc là nàng đã có trò chuyện với Marius, và người đàn ông được yêu đã nói điều mình muốn, đã không cắt nghĩa gì cả, và đã thỏa mãn người đàn bà được yêu.
Trong tất cả những ngày tiếp theo sau đó, cũng vào giờ đó, Jean Valjean vẫn đến. Ngày nào ông cũng đến, theo đúng nghĩa đen những lời nói của Marius mà không đủ sức để hiểu một cách khác những lời nói đó. Marius sắp xếp để không có mặt trong những giờ Jean Valjean đến.
Cả nhà đã quen với cung cách mới của ông Fauchelevent. Toussaint giúp ông trong việc này.
"Xưa nay, ông vẫn như thế", mụ nhắc đi nhắc lại. Người ông ban hành sắc lệnh này:
- Đó là một người kỳ quặc.
Và thế là không còn gì để nói nữa.
Chương VIII: Cảnh cô đơn vờ vĩnh
Nhiều tuần trôi qua như thế. Một cuộc sống mới dần dần chiếm lấy Cosette, những mối quan hệ do việc cưới xin tạo nên, những cuộc thăm hỏi, việc chăm sóc nhà cửa. Những thú vui của Cosette không tốn kém và chỉ gồm có một thứ: sống với Marius. Được ra ngoài, tay khoác tay, dưới ánh mặt trời, ngay giữa phố, không phải giấu giếm, trước mặt tất cả mọi người, tuy hai người mà chỉ là một, đó là một niềm vui luôn luôn mới đối với họ.
Ngày nào Jean Valjean cũng đến. Tiếng xưng hô cha, con đã biến mất, tiếng ông, tiếng bà, tiếng ông Jean, tất cả những tiếng đó làm cho ông thành một người khác đối với Cosette. Chính ông đã chú ý tách rời nàng khỏi mình, và ông đã thành công. Càng ngày nàng càng vui hơn và kém âu yếm ông hơn. Tuy vậy nàng vẫn rất quý ông, và ông cảm thấy thế..Một hôm, bỗng nhiên, nàng nói với ông:
- Trước kia, ông là cha tôi, bây giờ ông không còn là cha tôi nữa. Trước kia ông là ông Fauchelevent, bây giờ ông là Jean. Vậy thì ông là ai? Tôi không thích tất cả những cái đó. Nếu tôi không biết rằng ông đã tốt với tôi đến thế, thì có lẽ tôi sợ ông đấy.
Jean Valjean vẫn ở phố Homme-Armé, ông không quyết định nổi việc rời xa khu phố có Cosette ở.
Trong thời gian đầu, ông chỉ ở lại cạnh Cosette vài phút, rồi đi ngay.
Dần dà, ông có thói quen ở chơi lâu hơn.
Có thể nói rằng ông lợi dụng những ngày dài hơn trước; ông đến sớm hơn và ra đi muộn hơn.
Một hôm, Cosette buột mồm nói với ông:
Cha. Một ánh vui làm rạng rỡ khuôn mặt già, ủ rũ của Jean Valjean. ông chữa lại cho nàng: Hãy nói Jean.
- à! Đúng rồi, - Nàng vừa trả lời vừa cười phá lên. - ông Jean.
- Thế là tốt. - ông nói.
Và ông quay mặt đi để nàng khỏi nhìn thấy ông lau mắt.
Một hôm, Cosette và Marius về thăm khu vườn ở phố Plumet.
Ngôi nhà ở phố Plumet, đã đem cho thuê, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của Cosette. Họ đến khu vườn và ngôi nhà đó. Họ đã lại tìm thấy mình ở đó, họ đã quên mình ở đó. Tối đến, vào giờ mọi khi, Jean Valjean đến phố Filles-du-Cal-vaire.
- Bà đã đi với ông, và vẫn chưa về ạ. - Basque nói với Jean.
Ông ngồi im lặng và đợi một tiếng.
Cosette không về.
Ông cúi đầu bỏ đi.
Cosette đã say sưa với cuộc dạo chơi của mình, đến "khu vườn của họ", và quá vui vẻ vì đã được "sống cả một ngày trong quá khứ của mình", đến nỗi ngày hôm sau, nàng chỉ nói đến chuyện ấy.
- ông bà đã đến đấy bằng cách nào? - Jean Valjean hỏi nàng.
- Đi bộ ạ.
- Thế còn lúc về?
- Bằng xe ngựa thuê ạ..Từ ít lâu nay, Jean Valjean nhận thấy cuộc sống eo hẹp của cặp vợ chồng trẻ. ông buồn vì điều ấy. Sự tiết kiệm của Marius thật khe khắt, và từ này, đối với Jean Valjean, có ý nghĩ bủn xỉn. ông thử hỏi một câu:
- Sao ông bà không kiếm một cái xe riêng cho mình, những đầy tớ riêng của mình, một lô ở rạp hát? Đối với ông bà, chẳng có gì là quá đáng. Sao không tận hưởng sự giàu có của mình?
Sự giàu có, nó làm tăng thêm hạnh phúc đấy.
Cosette không trả lời.
Những cuộc đến thăm của Jean Valjean không hề bị rút ngắn.
Trái lại thế.
Mỗi khi Jean Valjean muốn kéo dài cuộc đến thăm của mình và làm cho người ta quên cả giờ giấc, ông thường khen ngợi Marius. ông bảo chàng đẹp trai, quý phái, dũng cảm, tài trí, hùng biện, tốt bụng.
Bằng cách đó, Jean Valjean đã ở lại được lâu.
Gặp Cosette, quên đi thời gian bên nàng, điều đó, đối với ông, quả là êm dịu! Đó là việc băng bó cho vết thương của mình. Có nhiều buổi, Basque đã phải đến bảo, tới hai lần:
- Cụ Gillenormand sai con đến nhắc với bà nam tước là bữa tối đã dọn rồi ạ.
Những hôm đó, Jean Valjean, khi về nhà, đã nghĩ ngợi nhiều.
Một hôm, ông ở lại lâu hơn bình thường.
Ngày hôm sau, ông nhận thấy không có tý lửa nào trong lò sưởi.
- Không có lửa! - ông nghĩ. Rồi lại tự giải thích cho mình: - Thật quá đơn giản. Chúng ta đang ở tháng tư. Hết rét rồi.
- Trời! ở đây lạnh quá! - Cosette kêu lên, khi bước vào.
- Không đâu. - Jean Valjean nói.
- Vậy ra ông đã bảo Basque đừng nhóm lửa ư?
- Phải. Chỉ ít hôm nữa là sang tháng năm rồi.
- Nhưng người ta nhóm lửa đến tận tháng sáu. Trong căn hầm này, thì phải suốt năm.
- Tôi nghĩ chẳng cần đến lửa.
- Đúng là một ý nghĩ của ông! - Cosette nói tiếp.
Sau hôm đó, lò sưởi lại được nhóm lên.
Nhưng hai cái ghế bành đã được đặt ở đầu kia căn phòng, gần cửa ra vào.
- Thế nghĩa là thế nào? - Jean Valjean nghĩ.
Ông đến lấy hai cái ghế bành, và đặt lại vào chỗ cũ, gần lò sưởi.
ấy thế mà ngọn lửa được nhóm lại ấy cũng khuyến khích ông.
Ông kéo dài cuộc trò chuyện còn lâu hơn thường lệ.
Khi ông đứng dậy để ra đi, Cosette bảo ông:
- Hôm qua, chồng tôi đã nói với tôi một chuyện buồn cười.
- Chuyện gì thế?
- Anh ấy bảo: Cosette này, chúng ta có ba mươi nghìn li-vrơ niên kim. Hai mươi bảy của em, ba của ông anh cho. Tôi đã trả lời: Thế là thành ba mươi. Anh nói tiếp: Liệu em có can đảm sống với ba nghìn không? Tôi trả lời: Có, em không cần gì cả. Chỉ cần có anh. Thế rồi, tôi hỏi: Tại sao anh nói với em điều đó? Marius trả lời: Để biết.
Rõ ràng là Marius đã nghi ngờ về nguồn gốc sáu trăm nghìn phơ-răng kia, sợ nguồn gốc đó không được trong sạch, ai mà biết được? Có thể chàng đã phát hiện số tiền đó là từ Jean Valjean mà ra, chàng đã ngần ngại trước tài sản đáng ngờ ấy, và chàng thấy ghê tởm, không muốn lấy nó làm của mình mà muốn cùng Cosette cứ chịu cảnh nghèo túng, còn hơn là giàu có, mà vẩn đục.
Ngoài ra, Jean Valjean bắt đầu cảm thấy, một cách lờ mờ, là mình đã bị đuổi khéo.
Ngày tiếp theo, khi bước vào căn phòng thấp, ông như bị một trấn động. Chiếc ghế bành đã biến mất. Ghế tựa cũng chẳng có cái nào.
- Lại thế này nữa, - Cosette kêu lên khi bước vào, - chẳng có ghế bành! Vậy ghế bành đâu cả rồi?
- Nó không còn ở đấy nữa. - Jean Valjean trả lời.
- Thế thì quá đáng.
Jean Valjean lắp bắp:
- Chính tôi đã bảo Basque cất đi đấy.
- Vì lý do gì?
- Hôm nay, tôi sẽ chỉ ở lại vài phút.
- ở lại ít, đó không phải là lý do để cứ phải đứng.
- Tôi nghĩ rằng Basque cần lấy ghế bành cho phòng khách.
- Tại sao?
- Chắc là tối nay, bà có khách.
- Chúng tôi chẳng có khách nào cả.
Jean Valjean không biết nói thêm gì nữa.
Cosette nhún vai.
- Bảo cất ghế bành đi! Hôm khác, thì ông bảo tắt lửa. ông quả là kỳ cục!
- Xin vĩnh biệt! - Jean Valjean lầm rầm.
Ông không nói: Xin vĩnh biệt Cosette.
Nhưng ông cũng không đủ sức để nói: Xin vĩnh biệt bà.
Ông bước ra, lòng nặng trĩu. Lần này, ông đã hiểu.
Hôm sau, ông không đến nữa.
Đến tối, Cosette mới nhận ra điều đó.
- Này, - nàng nói, - hôm nay ông Jean không đến.
Nàng như se lòng một chút, nhưng chỉ mới cảm thấy thế thôi, thì ngay lập tức, đã bị đãng trí vì một cái hôn của Marius..Ngày sau đó, ông cũng không đến.
Cosette không để ý, buổi tối trôi qua, rồi đêm đến, nàng đi ngủ như thường lệ, và chỉ nghĩ đến điều đó khi tỉnh dậy. Nàng thật hạnh phúc!
Nàng sai ngay cô hầu Nicolette đến nhà ông Jean, xem ông có ốm đau gì không, và hỏi ông tại sao hôm trước ông không đến. Nicolette đã đem về câu trả lời của ông Jean. ông không hề bị ốm.
Ông bận, ông sẽ đến ngay. ông sẽ cố đến thật sớm.
Chương IX: Nỗi đau khôn xiết
Vả lại ông sắp đi du lịch một chuyến ngắn ngày. Hẳn bà còn nhớ rằng ông Jean có thói quen là thỉnh thoảng lại đi chơi một chuyến.
Mong mọi người đừng lo. Mong mọi người đừng nghĩ gì đến ông.
Khi bước vào nhà ông Jean, Nicolette đã nhắc lại với ông đúng những lời của bà chủ mình.
Rằng bà sai đến để xem "tại sao hôm trước ông Jean không đến?".
- Đã hai hôm nay, tôi không đến. - Jean Valjean nói một cách nhẹ nhàng.
Nhưng Nicolette đã để lời nhận xét đó trượt mất và không kể lại gì với Cosette.
Trong những tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1833, những khách qua đường thưa thớt của khu Marais, những người buôn bán ở các cửa hàng, những kẻ nhàn rỗi đứng trên ngưỡng cửa, thường thấy một ông già mặc đồ.đen sạch sẽ, hàng ngày, vào cùng một giờ, lúc chập tối, ra khỏi phố Homme-Armé, đi về phía phố Sainte-Croix-de-la-Bretonnerie, qua trước nhà thờ Blancs-Manteaux, đến phố Culture-Sainte- Catherine và, khi tới phố écharpe, thì rẽ sang tay trái, và đi vào phố Sanit-Louis.
ở đây, ông chậm bước, đầu nhô vè phía trước, dường như không trông thấy gì, không nghe thấy gì, mắt nhìn bất di bất dịch vào một điểm, một điểm không thay đổi và hình như đối với ông, nó giống như một ngôi sao, đó chính là góc phố Filles-du-Calvaire. ông càng đến gần góc phố ấy, mắt ông càng sáng lên; hai con ngươi ông được một niềm vui nào đó làm cho sáng rực như có tia lửa bên trong, ông có vẻ như mê đi và mủi lòng, đôi môi ông làm những động tác khó hiểu, như thể ông đang nói với ai đó mà ông không trông thấy, ông hơi mỉm cười và tiến bước hết sức chậm. Hình như ông vừa mong tới nơi, vừa sợ cái lúc gần tới nơi. Khi chỉ còn vài ngôi nhà giữa ông và cái phố có vẻ lôi kéo ông đó, bước chân ông chậm hẳn lại, đến mức mà, đôi lúc, người ta tưởng ông không đi nữa. Đầu ông chao đảo và mắt ông nhìn trân trân làm người ta nghĩ đến cái kim đang tìm địa cực. Dù kéo dài đến đâu thời gian đi tới, thì cũng phải tới nơi; ông đã tới phố Filles-du-Calvaire, thế là ông dừng lại, ông run lên, ông đưa đầu ra khỏi góc ngôi nhà cuối cùng, một cách rụt rè, ảm đạm, và ông nhìn vào trong phố đó, và trong cái nhìn bi thảm đó có một cái gì giống sự choáng váng của cái không thể có và phản xạ của một thiên đường đóng kín. Rồi một giọt nước mắt dần dần tụ lại ở khóe mi, đã khá to, rớt xuống, trượt trên má ông và đôi khi dừng lại ở miệng ông. ông già cảm nhận thấy vị đắng của nó. ông đứng ỳ ra như thế mấy phút, chẳng khác gì một người bằng đá, rồi ông quay trở lại, cũng vẫn con đường ấy và bước chân ấy, và càng xa thì ánh mắt càng lịm tắt.
Dần dần, ông già ấy không đi đến tận góc phố Filles-du-Calvaire nữa, ông dừng lại ở nửa đường, trong phố Saint-Louis; khi thì xa hơn một chút, khi thì gần hơn một chút. Một hôm, ông ở lại góc phố Culture-Sainte-Catherine và nhìn phố Filles-du-Calvaire từ xa. Rồi ông lặng lẽ lắc lắc cái đầu từ phải sang trái, như thể từ chối cái gì đó, rồi quay về.
Chẳng bao lâu, ông cũng không đến được tận phố Saint-Louis nữa. ông đi tới phố Pavée,.bóp trán, rồi quay về; rồi ông không đi tới bên kia phố Trois-Pavillons nữa; cuối cùng ông không đi quá nhà thờ Blancs-Manteaux nữa. Có thể nói ông như một cái đồng hồ mà người ta không lên giây nữa, và những dao động ngắn lại, đợi đến lúc dừng hẳn.
Hàng ngày, ông vẫn ra khỏi nhà vào cùng giờ ấy, vẫn đi chặng đường ấy, nhưng không đi hết nữa, và không ngừng rút ngắn chặng đường lại, tuy, có lẽ ông không có ý thức gì về việc đó.
Vẻ mặt ông toát lên một ý nghĩ duy nhất: Nào có ích gì? Cái nhìn đã tắt; không còn tỏa sáng, nước mắt cũng đã cạn, nó không còn tụ lại ở khóe mi nữa, con mắt đăm chiêu đó đã khô kiệt.
Cái đầu ông già vẫn luôn nhô về phía trước; cái cằm đôi lúc ngọ nguậy; những nếp nhăn ở cái cổ ngẳng làm người ta thấy thương. Đôi khi, gặp thời tiết xấu, ông cắp một cái ô, nhưng không mở ra. Các bà đứng tuổi trong khu bảo: Đó là một người ngây thơ. Bọn trẻ con thì vừa đi theo ông vừa cười.
Một hôm, Jean Valjean đi xuống cầu thang, bước ba bước ra phố, ngồi lên một cột mốc; ông ở đấy vài phút rồi lại đi lên. Đó là dao động cuối cùng của cái đồng hồ. Hôm sau, ông không ra khỏi nhà. Đến hôm sau nữa, ông không ra khỏi giường.
Bà canh cửa, người dọn cho ông bữa ăn đạm bạc, vài lá bắp cải, hoặc vài củ khoai tây với một ít mỡ lá, nhìn vào cái đĩa bằng đất màu nâu và kêu lên:
- Này, hôm qua, ông chưa ăn, ông già thương mến!
- Có rồi đấy. - Jean Valjean trả lời.
- Đĩa vẫn còn đầy.
- Bà nhìn bình nước xem. Rỗng không.
- Điều đó chỉ chứng tỏ ông đã uống, chứ không chứng tỏ ông đã ăn.
- Thế nhưng, - Jean Valjean nói. - nếu tôi chỉ đói nước thì sao.
- Như thế gọi là khát, và khi cùng lúc, người ta không ăn, thì gọi là sốt.
- Đến mai tôi sẽ ăn.
- Hay là chẳng biết đến bao giờ. Tại sao không hôm nay? Ai lại nói: Đến mai tôi sẽ ăn!
Cứ để lại đĩa thức ăn của tôi còn nguyên, không hề đụng đến!
Jean Valjean cầm tay bà lão:.- Tôi xin hứa với bà là tôi sẽ ăn. - ông nói với giọng nhân từ của mình.
- Tôi không bằng lòng ông đâu. - Bà canh cửa trả lời.
Jean Valjean không nhìn thấy người nào khác ngoài bà lão này. ở Paris, có những phố không ai đi qua, và những căn nhà không ai đi đến.
Ông hiện đang ở trong một phố như thế và trong một căn nhà như thế.
Vào hồi ông còn ra ngoài, ông đã mua của một người bán sanh chảo, một cây thánh giá nhỏ bằng đồng, giá có vài xu, và đã treo nó vào một cái đinh, trước giường ông. Cái giá chữ thập đó bao giờ cũng dễ trông.
Đã được một tuần, Jean Valjean không đi một bước trong phòng mình. Lúc nào ông cũng nằm. Bà canh cửa nói với chồng:
- ông cụ trên gác không dậy nữa, không ăn nữa, chắc chẳng còn sống được bao lâu. ông luôn buồn phiền. Không ai cấm được tôi nghĩ rằng việc gả chồng cho cô con gái không được hay ho lắm.
Ông canh cửa đáp lại bằng một giọng gia trưởng:
- Nếu giàu, ông cụ phải có một thầy thuốc.
Nếu không có thầy thuốc, ông cụ sẽ chết.
- Thế nếu ông cụ có một thầy thuốc?
- Thì vẫn cứ chết. - ông canh cửa nói.
Bằng một con dao cũ, bà canh cửa bắt đầu cào cỏ mọc trong cái chỗ bà gọi là nền đá lát, và vừa nhổ cỏ, bà vừa làu bàu:
- Thật đáng tiếc. Một ông già sạch sẽ đến thế! ông trắng như một con gà giò.
Bà nhìn thấy, ở đầu phố, một ông thầy thuốc trong khu đang đi qua. Bà cảm thấy có trách nhiệm mời ông lên gác.
- ở tầng ba ấy. - Bà nói với ông thầy thuốc.
- ông chỉ việc bước vào. Vì ông cụ không thể ra khỏi giường nữa, nên chìa khóa lúc nào cũng ở cửa.
Ông thầy thuốc nhìn thấy Jean Valjean và nói chuyện với ông:
Khi ông trở xuống, bà canh cửa gọi, hỏi ông:
- Thế nào, bác sĩ?
- Người bệnh của bà ốm lắm.
- ông cụ làm sao?
- Bị đủ thứ và chẳng bị gì cả. Nhìn bên ngoài, thì đây là một người đã mất đi một người thân yêu. Người ta chết vì thế.
- ông cụ đã nói gì với ông?.- ông bảo tôi là ông khỏe.
- ông sẽ trở lại, phải không, bác sĩ?
- Phải. - Thầy thuốc trả lời. - Nhưng có lẽ cần phải có một người khác nữa trở lại.
Một tối, Jean Valjean tỳ vào khuỷu tay, nhổm dậy một cách khó nhọc. ông cầm bàn tay mình và không tìm thấy mạch. Hơi thở ngắn và nhiều lúc dừng lại, ông nhận thấy là mình chưa bao giờ bị yếu đến thế. Thế là, chắc hẳn dưới sức ép của một mối lo lắng cực độ, ông cố gắng ngồi dậy và mặc quần áo. ông mặc bộ quần áo thợ cũ. ông phải dừng lại nhiều lần trong khi mặc quần áo, chỉ mỗi việc xỏ hai ống tay áo vét cũng làm mồ hôi vã ra trên trán ông.
Từ khi sống một mình, ông đã kê giường ra phòng đợi, để chỉ phải ở một diện tích ít nhất trong căn hộ hoang vắng này.
Ông mở va ly và lôi đống quần áo của Cosette ra.
Ông bày nó lên giường.
Những chân đèn nến của giám mục vẫn ở chỗ cũ trên lò sưởi. ông lấy trong ngăn kéo ra hai cây nến bằng sáp và đặt chúng vào những chân đèn nến. Rồi, mặc dù trời còn sáng chưng, vì đang là mùa hè, ông cũng châm nến. Đôi khi, người ta thấy những ngọn đèn được thắp lên giữa ban ngày như vậy, trong những căn buồng có người chết.
Mỗi bước ông đi từ đồ vật nọ đến đồ vật kia lại làm ông mệt lử, và buộc ông phải ngồi xuống.
Ông buông mình xuống một chiếc ghế tựa đặt trước tấm gương, và ông không nhận ra mình nữa. ông đang ở tuổi tám mươi, trước ngày cưới của Marius, người ta cho là ông chỉ đến năm mươi tuổi; thế mà năm nay đã được tính thêm là ba mươi nữa. Cái có trên vầng trán, không còn là nếp nhăn của tuổi tác, đó là dấu hiệu bí hiểm của cái chết. Người ta cảm thấy ở đó sự đào xới tàn nhẫn của móng vuốt thần chết.
Đêm đã đến. ông hỳ hục kéo một cái bàn và cái ghế bành cũ lại gần lò sưởi, và đặt lên đó một cái bút, mực và giấy.
Làm ông, thì ông bị ngất. Khi tỉnh dậy, ông thấy khát. Không nhấc được bình nước lên, ông nghiêng nó vào mồm mình, một cách khó nhọc, và uống một ngụm.
Rồi ông quay về giường ngồi, vì ông không thể đứng được, ông nhìn cái áo dài nhỏ màu đen và tất cả những vật thân yêu kia..ạng cứ ngắm nhìn như thế trong nhiều giờ, nhưng đối với ông chỉ như trong vài phút. Bỗng ông rùng mình cảm thấy lạnh. ông tỳ khuỷu tay lên bàn, dưới ánh sáng những cây đèn của giám mục, và cầm bút.
Vì cả bút lẫn mực không được dùng từ lâu, nên đầu ngòi bút bị vênh, mực thì bị khô, ông phải đứng dậy và cho vài giọt nước vào mực.
Những việc đó ông không thể làm, mà không dừng lại, ngồi xuống hai, ba lần; và ông buộc phải viết bằng sống bút. Thỉnh thoảng ông lại lau trán.
Tay ông run run. ông viết chậm chạp mấy dòng sau đây:
"Cosette, cha cầu phúc cho con. Cha sẽ cắt nghĩa cho con hiểu. Chồng con đã làm đúng khi cho cha biết là cha phải ra đi. Tuy có chút ít sai lầm trong điều anh ấy đã nghĩ, nhưng anh đã làm đúng. Marius là một người tuyệt vời. Con hãy yêu anh ấy mãi mãi khi cha chết đi. Thưa ông Pontmercy, xin ông hãy yêu mãi mãi đứa con gái yêu dấu của tôi. Cosette, người ta sẽ tìm thấy tờ giấy này, đây là điều cha muốn nói với con, con sẽ thấy những con số, nếu cha đủ sức nhớ lại chúng, con hãy nghe cho rõ, tiền đó đúng là của con..." Đến đây, ông dừng lại, cái bút rời khỏi những ngón tay ông và bật ra một tiếng nức nở tuyệt vọng mà nó đã nhiều lúc dâng lên từ nơi sâu thẳm trong con người ông. Người đàn ông tội nghiệp ôm lấy đầu mình trong hai bàn tay, và suy nghĩ:
- Ôi! - ông kêu lên trong lòng mình (những tiếng kêu thảm thiết, chỉ có Chúa nghe thấy). -Thế là hết. Ta sẽ không gặp nó nữa. Đó là một nụ cười đã lướt qua cuộc đời ta. Ta sắp đi vào trong đêm tối, mà cũng chẳng gặp lại nó. ồ! Một phút, một lúc, được nghe giọng nói của nó, sờ vào áo nó, ngắm nhìn nó, nó, thiên thần! Và rồi chết! Chết chẳng là gì cả, điều đáng sợ là chết mà không được gặp nó. Nó có thể cười với ta, nó có thể nói với ta một lời. Liệu điều đó có làm hại ai không? Không, thế là hết, mãi mãi.
Thế là chỉ có mình ta. Trời ơi! Trời ơi! Ta sẽ không gặp nó nữa.
Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa nhà ông.
Chương X: Những tiết lộ khác thường
Cũng ngày hôm đó, hay, nói cho đúng hơn, cũng tối hôm đó, khi Marius vừa rời khỏi bàn ăn và rút về văn phòng của mình, vì có một hồ sơ cần nghiên cứu, Basque đã trao cho chàng một lá thư và nói: Người viết lá thư này đang ở trong phòng đợi.
Cosette đã khoác tay người ông và đi một vòng ngoài vườn.
Một lá thư, cũng như một con người, có thể có dáng vẻ xấu. Giấy dày, phong bì thô, một số thư, chỉ mới nhìn, người ta đã bực mình. Lá thư, mà Basque đã mang vào, thuộc loại đó.
Marius cầm lấy lá thư. Mùi thuốc lá xông lên, không gì gợi nhớ bằng một mùi vị. Marius nhận ra thứ thuốc này. Chàng nhìn địa chỉ ghi trên phong bì:
Kính gửi ông, ngài nam tước Pontmercy.
ở tư dinh Thứ thuốc lá đã nhận ra được khiến chàng lại nhận ra cả chữ viết. Có thể nói rằng sự ngạc nhiên có những tia chớp. Marius như được soi sáng bằng một trong những tia chớp đó.
Khứu giác, bản ghi nhớ bí hiểm, vừa làm sống lại trong chàng cả một thế giới. Đúng là thứ giấy ấy, cái cách gấp ấy, màu mực nhợt nhạt ấy, đó đúng là nét chữ quen thuộc ấy, nhất là thứ thuốc lá ấy. Cái buồng áp mái Jondrette hiện ra trước chàng.
Đó thật là một việc làm liều lạ lùng của sự tình cờ! Một trong hai dấu vết chàng đã tìm kiếm bao lâu, mà gần đây thôi, đã làm chàng mất bao nhiêu công sức và tưởng là đã mất hẳn, thì nay lại vừa tự đến trình diện với chàng.
Chàng háo hức bóc thư, và đọc:
Thưa ngài nam tước Nếu Đấng Tối Cao phú cho tôi tài năng, thì tôi đã có thể là nam tước Thénard, thành viên học viện (viện hàn lâm khoa học), nhưng tôi không được như thế. Tôi chỉ trùng tên với ông ấy thôi, sung sướng nếu kỷ niệm ấy tiến cử tôi với lòng tốt tuyệt vời của ngài. Ân huệ mà tôi sẽ vinh dự được ngài ban cho, sẽ có đi có nại.
Tôi đang lắm một bí mật niên quan đến.một gã. Gã lày niên quan đến ngài. Tôi giữ bí mật lày để tùy ý ngài sử dụng, chỉ muốn có vinh dự được phục vụ ngài. Tôi sẽ hiến ngài kế sách đơn giản để đuổi khỏi gia đình vẻ vang của ngài cái gã chẳng có quyền gì kia, bà nam tước vốn nà người dòng dõi cao sang.
Điện thờ của đạo đức sẽ không thể chung sống lâu hơn nữa với tội ác mà không bị nật đổ.
Tôi đang ở trong phòng đợi để chờ nệnh ngài nam tước.
Kính thư Người viết thư ký tên "Thénard".
Không phải chữ ký giả. Chỉ hơi rút gọn.
Vả lại, lối nói tối nghĩa và sai chính tả đã đủ bộc lộ. Bản chứng nhận nguồn gốc đã hoàn chỉnh. Không thể nghi ngờ gì được nữa.
Marius xúc động sâu xa. Khi ngạc nhiên qua đi, chàng thấy sung sướng. Bây giờ, giá chàng tìm ra nốt người kia, người đã cứu sống chàng, Marius, thì có lẽ chàng chẳng còn gì để mong ước nữa.
Chàng mở một ngăn kéo tủ bàn giấy, lấy vài tờ giấy bạc ngân hàng, cho vào túi, đóng tủ lại, rồi rung chuông.
Basque hé mở cánh cửa.
- Cho vào. - Marius nói.
Basque báo tin:
- ông Thénard.
Một người đàn ông bước vào.
Một sự ngạc nhiên mới cho Marius. Người bước vào hoàn toàn xa lạ với chàng.
Người đàn ông ấy, vả lại cũng đã già, có cái mũi to, cái cằm lẩn trong cra-vát, cặp kính màu lục có hai cái che mắt bằng lụa trơn màu lục, mái tóc chải nhẵn và xẹp xuống trán đến sát lông mày như mái tóc giả của bọn xà ích của giới thượng lưu Anh. Tóc hắn đã hoa râm. Hắn mặc đồ đen từ đầu đến chân, một màu đen đã bạc, nhưng sạch sẽ, một chuỗi trang sức rẻ tiền làm dây móc đồng hồ, thòi ra khỏi túi hắn. Tay hắn cầm một cái mũ cũ. Khi hắn bước đi, lưng hắn còng, và còng còng thêm khi hắn cúi rạp xuống để chào.
Cái đập vào mắt người ta đầu tiên, đó là cái áo lễ của nhân vật đó, nó quá rộng, mặc dù đã cài khuy cẩn thận, hình như không phải may cho hắn.
Tất cả bộ quần áo đó đã được sử dụng quá lâu, nếu ta có thể nói được như vậy: những đường khâu đã bạc trắng, một cái khuyết mờ mờ hé mở ở một khuỷu tay áo, ngoài ra trên ngực áo lễ cũng thiếu một cái khuy, nhưng đó chỉ là một chi tiết; bàn tay của nhà chính khách, luôn luôn phải ở trong áo và để lên chỗ trái tim, có chức năng che cái khuy bị đứt.
Sự thất vọng của Marius, khi nhìn thấy một người khác, chứ không phải người mình đang mong đợi, trở thành nỗi bất hạnh của người mới đến. Chàng xem xét hắn từ đầu đến chân, trong khi nhân vật đó càng cúi rạp xuống quá mức, và hỏi hắn bằng một giọng ngắn, gọn:
- ông muốn gì?
Người đàn ông, nghe giọng nói phũ phàng, càng cúi rạp xuống chào và trả lời với một cái nhếch mép đáng yêu, phảng phất giống cái cười vuốt ve của một con cá sấu.
- Thưa ngài nam tước, xin hãy hạ cố nghe tôi nói. ở châu Mỹ, trong một đất nước về phía Panama có một ngôi làng tên là La Joya. Ngôi làng đó chỉ có một ngôi nhà duy nhất. Một ngôi nhà lớn hình vuông có bốn tầng, xây bằng gạch thô, mỗi cạnh của hình vuông dài năm trăm pi-ê, mỗi tầng gác lùi vào mười hai pi-ê so với tầng dưới, để có thể chừa ra phía trước, một cái sân thượng chạy quanh ngôi nhà, ở giữa là một cái sân, nơi để lương thực và đạn dược. Ngôi nhà không có cửa sổ, chỉ có những lỗ châu mai, không có cả cửa ra vào, chỉ có những cái thang, những cái thang để leo từ mặt đất lên sân thượng thứ nhất, và từ sân thượng thứ nhất lên sân thượng thứ hai, và từ sân thượng thứ hai lên sân thượng thứ ba, những cái thang để đi xuống sân trong. Ngôi nhà thậm chí không có cửa ra vào các phòng, chỉ có cửa sập, không có cầu thang lên các phòng, chỉ có những cái thang. Tối đến, người ta đóng cửa sập, rút hết thang, chĩa những khẩu súng loe miệng và súng các bin qua những lỗ châu mai. Chẳng có cách nào vào được; một ngôi nhà ban ngày, một thành trì ban đêm, tám trăm dân, đó là ngôi làng ấy. Tại sao phải thận trọng đến thế? Vì nước đó nguy hiểm. Thế tại sao người ta lại đi đến đó? Vì nước đó thật kỳ diệu; người ta tìm thấy vàng ở đó.
- ông muốn đi đến đâu? - Marius từ chỗ thất vọng đi đến sốt ruột, cắt lời khách.
- Tôi mong muốn được sang định cư ở La Joya. Chúng tôi gồm ba người. Tôi, vợ tôi và con gái tôi, một cô gái rất xinh đẹp. Chuyến đi dài và tốn kém. Tôi cần có một ít tiền..- Điều đó có gì liên quan đến tôi? - Marius hỏi.
- Tôi có một bí mật muốn bán cho ngài.
- Một bí mật ư?
- Một bí mật.
- Có liên quan đến tôi ư?
- Một chút.
- Bí mật ấy là cái gì?
Marius vừa nghe, vừa quan sát người đàn ông, mỗi lúc một kỹ hơn.
- Bắt đầu, tôi xin miễn phí. - Người lạ mặt nói. - Ngài sẽ thấy là tôi đáng được ngài quan tâm.
- ông nói đi.
- Thưa ngài nam tước, trong nhà ngài có một tên kẻ cắp và một tên giết người.
Marius rùng mình.
- Trong nhà tôi ư? Không. - Chàng nói.
Người lạ mặt điềm tĩnh, lấy khuỷu tay chải mũ, rồi nói tiếp:
- Giết người và ăn cắp. Tôi sẽ nói ngài biết tên thật của gã. Và không đòi ngài phải trả tiền.
- Tôi nghe đây.
- Gã tên là Jean Valjean.
- Tôi biết điều đó.
- Tôi sẽ nói, cũng không lấy tiền, để ngài biết gã là ai.
- ông nói đi.
- Đó là một tên tù khổ sai cũ.
- Tôi biết điều đó.
- Ngài biết điều đó từ lúc tôi có vinh dự nói với ngài điều đó.
- Không. Tôi đã biết từ trước.
Người đàn ông mỉm cười, nói tiếp:
- Tôi không cho phép mình cải chính lời nói của ngài nam tước. Dù sao, ngài cũng phải thấy là tôi nắm vững tin tức. Bây giờ, điều tôi cần cho ngài biết, thì chỉ có một mình tôi biết thôi.
Điều này liên quan đến tài sản của quý bà. Đây là một bí mật khác thường. Nó được đem bán.
Người đầu tiên mà tôi mời mua, chính là ngài.
Rẻ thôi. Hai mươi nghìn phơ-răng.
- Tôi biết điều bí mật ấy cũng như tôi biết tất cả những điều khác. - Marius nói.
Nhân vật ấy cảm thấy cần phải hạ giá xuống một chút:
- Thưa ngài nam tước, xin ngài hãy đặt mười nghìn phơ-răng, và tôi sẽ nói..- Tôi nhắc lại là ông chẳng có gì để cho tôi biết cả. Tôi biết cả những gì ông muốn nói với tôi rồi.
Trong mắt người đàn ông có một tia sáng mới, hắn kêu lên:
- Nhưng mà, hôm nay, tôi vẫn phải ăn bữa tối. Tôi xin nói với ngài, đây là một bí mật khác thường. Thưa ngài nam tước, tôi sắp nói. Tôi nói đây. Xin ngài cho tôi hai mươi phơ-răng.
Marius nhìn hắn chằm chằm:
- Tôi biết bí mật khác thường của ông, cũng như tôi đã biết tên Jean Valjean, cũng như tôi biết tên ông.
- Tên tôi ư?
- Phải.
- Điều đó không khó, thưa ngài nam tước.
Tôi đã vinh dự được viết nó và nói nó với ngài rồi. Thénard.
- Dier.
- Sao ạ?
- Thénardier.
- Ai thế ạ.
Marius nói tiếp:
- ông cũng là người công nhân Jondrette, kịch sĩ hài Fabantou, nhà thơ Genflot, người Tây Ban Nha Don Alvarès, và người phụ nữ Balizard.
- Người phụ nữ nào cơ?
- ông đã trông nom một quán ăn ở Mont-fermeil.
- Một quán ăn! Chưa bao giờ.
- Và tôi xin nói với ông rằng ông là Thénardier.
- Tôi phủ nhận điều đó.
- Và rằng ông là một tên vô lại. Đây, cầm lấy.
Và Marius rút trong túi ra một tờ giấy bạc, ném vào mặt hắn.
- Cảm ơn! Xin lỗi! Năm trăm phơ-răng!
Thưa ngài nam tước!
Người đàn ông kinh ngạc, vừa chào, vừa cầm tờ giấy bạc, xem kỹ.
- Năm trăm phơ-răng! - Hắn sửng sốt nhắc lại. Và khẽ lắp bắp:
- Một tờ giấy bạc thật!
- Vậy thì, được! - Hắn kêu lên. - Chúng ta hãy cởi bớt áo cho thoải mái.
Rồi, với sự nhanh nhẹn của một con khỉ, hắn hất tóc ra phía sau, gỡ bỏ cặp kính, rút khỏi mũi và làm biến mất hai ống lông nó làm cho hắn biến dạng, hắn đã bỏ mặt hắn ra như người ta bỏ mũ vậy..Mắt hắn sáng lên, cái trán mấp mô, xẻ rãnh, nhiều chỗ lại gồ lên đã lộ ra phía trên nhăn nheo xấu xí, cái mũi trở lại nhọn như một cái mỏ.
Hình dáng hắn trông nghiêng dữ tợn và tinh quái như một con thú săn mồi.
- Ngài nam tước không thể sai lầm được. -Hắ n nói bằng một giọng rõ ràng, không còn một tý giọng mũi nào nữa. - Tôi đúng là Thénardier.
Thénardier đã tìm cách biết được nhiều điều.
Hắn đã đoán được người mình gặp trong cống ngầm lớn là ai. Hắn biết được bà nam tước Pont-mercy chính là Cosette. Nhưng Cosette là ai? Hắn thoáng thấy có điều bí ẩn gì đó ở phía ấy, nhưng hắn nghĩ, khôn hồn thì đừng nói gì đến chuyện đó.
Marius vẫn còn suy nghĩ. Vậy là, cuối cùng, chàng đã nắm được Thénardier. Con người chàng hằng mong muốn tìm ra ấy, đang ở kia. Chàng sắp có thể làm vinh dự cho lời dặn dò của đại tá Pontmercy. Chàng thấy xấu hổ vì vị anh hùng đó lại nợ tên kẻ cướp kia một cái gì đó.
Marius phá vỡ sự im lặng.
- Thénardier, tôi đã nói được tên ông. Bây giờ thì, bí mật của ông, điều mà ông đã muốn cho tôi biết, ông có muốn tôi nói ra với ông không? Tôi, tôi cũng có những thông tin của mình. ông sẽ thấy rằng tôi còn biết nhiều hơn ông. Jean Valjean, như ông đã nói, là một tên giết người và một kẻ cắp. Một kẻ cắp, vì hắn đã lấy cắp của một ông chủ xưởng giàu có mà hắn đã làm cho phá sản. ông Madeleine. Một tên giết người, vì hắn đã giết viên cảnh sát Javert.
- Tôi thật không hiểu, thưa ngài nam tước?
- Thénardier nói.
- Tôi sẽ làm cho ông hiểu tôi. ông hãy nghe đây. Trong một quận của Pas-de-Calais, vào khoảng 1822, có một người đàn ông, đã có lần tranh chấp gì đó với tòa án, và, sau đó, dưới cái tên Madeleine, đã trỗi dậy và được phục quyền.
Người đàn ông đó đã trở thành một người công minh, với tất cả ý nghĩa mạnh mẽ của từ này.
Với một ngành kỹ nghệ là ngành chế tạo hạt cườm đen, ông đã làm giàu cho cả một thành phố. Còn về tài sản riêng, ông cũng có gây dựng, nhưng chỉ là thứ yếu, và, có thể nói, chỉ khi có dịp thôi. ông là người cha, nuôi sống những kẻ nghèo khổ. ông lập bệnh viện, mở trường học, thăm người ốm, cấp của hồi môn cho các cô gái, giúp đỡ các bà góa, thu nhận các trẻ mồ côi, ông như người giám hộ của xứ đó. ông từ chối huân chương, và người ta đã chỉ định ông làm thị trưởng. Một tên tù khổ sai được thả, nắm được.bí mật về một hình phạt mà trước kia ông đã phải chịu, tố cáo ông, khiến ông bị bắt, rồi lợi dụng việc ông bị bắt, hắn đã đến Paris bảo chủ ngân hàng Laffitte trao cho mình, - tôi biết chuyện này nhờ chính viên thủ quỹ - số tiền một triệu thuộc về ông Madeleine. Tên tù khổ sai đã lấy cắp của ông Madeleine đó chính là Jean Valjean. Còn về sự việc kia, ông cũng chẳng có gì để cho tôi biết nữa. Jean Valjean đã giết viên cảnh sát; bằng một phát súng ngắn. Tôi, người đang nói với ông đây, đã có mặt ở đấy mà.
Thénardier đành chỉ nói với Marius:
- Thưa ngài nam tước, chúng ta đang đi nhầm đường.
Và hắn nhấn mạnh câu đó bằng cách quay tít chuỗi trang sức rẻ tiền một cách đầy ý nghĩa.
- Sao! - Marius lại nói. - ông còn tranh cãi ư? Đó là những sự thật mà.
- Đó là những ảo tưởng. Vì tôi vinh dự được ngài nam tước tin cậy, nên tôi thấy có bổn phận phải nói điều đó với ngài. Trước hết, phải là sự thật và công lý đã. Tôi không thích nhìn thấy người khác bị buộc tội oan. Thưa ngài nam tước, Jean Valjean không hề lấy cắp của ông Madeleine, và Jean Valjean cũng không hề giết Javert.
- Thế thì quá lắm! Sao lại thế được?
- Vì hai lý do.
- Những lý do gì? ông nói đi.
- Đây là lý do thứ nhất: hắn đã không lấy cắp của ông Madeleine, vì rằng chính hắn, Jean Valjean, cũng là ông Madeleine.
- ông nói gì mà lạ thế?
- Còn đây là lý do thứ hai: hắn đã không giết Javert, vì kẻ đã giết Javert, chính là Javert.
- ông muốn nói gì?
- Rằng Javert đã tự tử.
- Chứng minh đi! Chứng minh đi! - Marius phát khùng, kêu lên.
Thénardier vừa nói tiếp, vừa dằn từng tiếng, theo kiểu ngâm một bài thơ alexanđrin cổ:
- Viên-cảnh-sát-Ja-vert-đã-được-tìm-thấy-do-chết- đuối-dưới-một-con-tàu-ở-cầu-Pont-au-Change.
- Nhưng hãy chứng minh đi!
Thénardier rút từ trong túi bên cạnh mình ra một cái phong bì to bằng giấy màu xám, hình như đựng những tờ giấy gập lại, to nhỏ khác nhau.
- Tôi có hồ sơ đây. - Hắn nói một cách điềm tĩnh.
Rồi, nói thêm: - Thưa ngài nam tước, vì quyền lợi của ngài, tôi đã muốn tìm hiểu Jean Valjean đến nơi, đến chốn. Tôi nói rằng Jean Valjean và Madeleine, cùng là một người, và tôi nói rằng Javert không bị ai khác giết, ngoài chính Javert, và khi tôi nói, là tôi có bằng chứng. Không phải bằng chứng viết tay, vì chữ viết còn đáng nghi, chữ viết còn dễ thỏa hiệp, mà là những bằng chứng in cơ.
Vừa nói, Thénardier vừa rút trong phong bì ra, hai số báo đã vàng, đã phai và sặc mùi thuốc lá. Một trong hai tờ báo đó, bị đứt ở tất cả các nếp gấp và rơi xuống thành những mảnh vuông có vẻ cũ hơn nhiều, so với tờ kia.
- Hai sự việc, hai bằng chứng. - Thénardier nói, và đưa cho Marius hai tờ báo đã mở ra.
Một tờ, tờ cũ hơn, là một số báo Cờ trắng, số ra ngày 25 tháng bảy 1823, xác nhận sự đồng nhất của ông Madeleine và Jean Valjean. Tờ kia, một số báo Người hướng dẫn ra ngày 15 tháng sáu 1832 xác nhận vụ tử tử của Javert, nói thêm là do Javert đã báo cáo miệng với cảnh sát trưởng rằng mình đã bị bắt làm tù binh ở chiến lũy Chanvrerie, nhưng đã được một nghĩa quân, cầm giữ mình bằng một khẩu súng ngắn, đáng lẽ phải bắn vỡ sọ mình, thì với một tấm lòng cao cả, đã bắn chỉ thiên, tha chết cho mình.
Jean Valjean đột nhiên ra khỏi mây mù, và lớn lên.
Marius không nén nổi vui mừng, reo lên:
- Thế thì con người khốn khổ đó thật đáng khâm phục! Tất cả tài sản này đúng là của ông!
Đó là Madeleine, người chăm lo cho cả một xứ!
Đó là Jean Valjean, người đã cứu Javert! Đó là một anh hùng! Đó là một vị thánh!
- Đó không phải là một vị thánh, đó không phải là một anh hùng. - Thénardier nói. - Đó là một tên giết người và một kẻ cắp.
Và hắn nói thêm bằng giọng của một người bắt đầu cảm thấy có một chút uy quyền.
- Ta hãy bình tĩnh.
Kẻ cắp, tên giết người, những từ mà Marius tưởng đã biến mất ấy, vẫn còn trở lại, giội xuống người Marius khiến chàng cảm thấy như mình đang phải tắm bằng nước đá.
- Vẫn còn nữa! - Chàng nói.
- Vẫn còn. - Thénardier nói. - Jean Valjean đã không lấy cắp của Madeleine, nhưng là một kẻ cắp. Hắn đã không giết Javert, nhưng là một tên giết người..- Chắc ông muốn nói, - Marius lại nói, - đến vụ lấy cắp khốn khổ cách đây bốn mươi năm và, theo chính những tờ báo của ông, đã được chuộc lại bằng cả một cuộc đời ăn năn, quên mình và đức độ, phải không?
- Tôi nói giết người và lấy cắp, thưa ngài nam tước. Và tôi nhắc lại là tôi nói đến những sự việc hiện tại. Điều tôi sắp nói với ngài đây, hoàn toàn chưa ai được biết. Một điều hoàn toàn mới lạ. Và có thể ngài sẽ tìm thấy ở đó nguồn gốc của tài sản mà Jean Valjean đã khéo léo tặng cho bà nam tước. Tôi nói khéo léo, vì, bằng một món quà tặng loại đó, len lỏi vào được một nhà vẻ vang, cùng chia sẻ cảnh sung túc với người ta, và, nhân thể giấu giếm tội ác của mình, hưởng thụ của ăn cắp của mình, chôn vùi cái tên của mình, và tạo cho mình một gia đình, điều đó chẳng phải là quá vụng đâu.
- Đáng lẽ tôi có thể cắt lời ông ở đây, -Marius nhận xét. - nhưng thôi, ông cứ nói tiếp.
- Thưa ngài nam tước, tôi sắp nói với ngài đây, còn tiền thưởng thế nào thì xin tùy tính hào phóng của ngài. Bí mật này đáng giá vàng khối.
Ngài sẽ bảo tôi: Sao ngươi không nói với Jean Valjean? Vì một lý do hết sức đơn giản: tôi biết là hắn đã nhượng lại và nhượng lại có lợi cho ngài, và tôi thấy hắn tính toán cũng khéo léo, nhưng hắn chẳng còn một xu, hắn sẽ chìa cho tôi xem hai bàn tay trắng, và cũng vì tôi cần ít tiền cho chuyến đi sang La Joya, nên tôi thích nói với ngài hơn, ngài là người có tất cả, hắn thì chẳng có gì. Tôi hơi mệt, cho phép tôi lấy một cái ghế.
Marius ngồi xuống và ra hiệu cho hắn ngồi.
- Thưa ngài nam tước, ngày 6 tháng sáu 1832, cách đây khoảng một năm, cái ngày khởi loạn ấy, có một người đàn ông ở dưới cống ngầm lớn của Paris, về phía cống nối với sông Seine, giữa cầu Invalides và cầu Iéna ấy.
Người ấy, buộc phải đi trốn vì những lý do không dính dáng gì đến chính trị, đã lấy cống ngầm làm nhà và có một cái chìa khóa. Tôi xin nhắc lại, đó là ngày 6 tháng sáu, có thể là tám giờ tối. Người đàn ông nghe thấy tiếng động trong cống. Rất lấy làm lạ, anh ta thu mình lại và rình. Có tiếng chân bước, trong bóng tối, về phía anh ta. Thật lạ, trong cống, ngoài anh ta, còn có một người khác. Cửa ra khỏi cống bằng song sắt cách anh ta không xa lắm. Một ít ánh sáng từ đó lọt vào khiến anh ta nhận thấy kẻ.mới đến và thấy hắn vác một vật gì trên lưng.
Hắn bước đi, lưng còng xuống. Con người bước đi, lưng còng xuống ấy, là một tên tù khổ sai cũ, và vật hắn kéo trên vai là một xác chết. Nếu đúng như thế, thì đây là một vụ giết người bị bắt quả tang. Còn việc lấy cắp, thì dĩ nhiên cũng có, người ta không giết người mà lại không được trả công. Tên tù khổ sai ấy sắp vứt cái xác ấy xuống sông. Một việc đang ghi là, trước khi tới cái cửa ra bằng song sắt đó, tên tù khổ sai đến từ xa trong cống ngầm, tất nhiên đã gặp một ổ gà kinh khủng và hình như đã có thể bỏ lại cái xác ở đó. Nhưng ngay sáng hôm sau, những người phu móc cống, khi làm việc ở ổ gà, có thể tìm thấy người bị giết và điều đó không có lợi cho tên giết người. Hắn đã muốn vượt qua ổ gà cùng gánh nặng của mình hơn, và những cố gắng của hắn thật là đáng sợ, người ta không thể liều mạng hơn thế được. Tôi không hiểu làm sao hắn lại có thể ra khỏi chỗ đó mà vẫn còn sống được.
Cái ghế của Marius xích lại gần hơn nữa.
Thénardier tranh thủ lúc đó để thở một hơi dài.
Hắn nói tiếp:
- Thưa ngài nam tước, một cống ngầm đâu có phải là quảng trường Mars. ở đó, người ta thiếu mọi thứ, thiếu cả chỗ đứng. Khi có hai người ở đó, họ ắt phải gặp nhau. Đó là điều đã xảy ra. Kẻ ở đó và người đi qua đó buộc phải chào hỏi nhau, thật đáng tiếc cho cả hai. Người đi qua nói với kẻ ở đó:
- Cậu thấy mình có cái gì trên lưng chứ, mình phải đi ra ngoài, cậu có chìa khóa, cho mình mượn.
Tên tù khổ sai ấy là một người có sức mạnh ghê gớm. Không thể từ chối được. Tuy vậy, kẻ có chìa khóa vẫn thương thuyết, chỉ là để kéo dài thời gian thôi. Anh ta xem xét người chết ấy, nhưng chẳng tìm được gì cả, trừ phi thấy người ấy còn trẻ, ăn mặc tươm tất, có vẻ giàu, và hoàn toàn biến dạng vì máu. Vừa nói chuyện, anh ta vừa tìm được cách xé và dứt ra một miếng vải áo lễ của người bị giết, mà không để cho tên giết người nhận thấy. Tang vật đã nằm trong túi anh ta. Sau đó, anh ta mở cửa sắt, cho người đàn ông, với vật cồng kềnh trên lưng hắn, đi ra, đóng cửa sắt lại, rồi bỏ chạy, không mong được dính líu vào đoạn sau của biến cố và nhất là không muốn có mặt ở đó khi tên giết người ném người bị giết xuống sông. Bây giờ thì ngài hiểu. Kẻ vác xác chết, chính là Jean Valjean, kẻ có chìa khóa.thì lúc này đang nói với ngài, còn miếng vải áo lễ.
Thénardier vừa nói dứt câu vừa rút trong túi ra và cầm ngang tầm mắt, kẹp giữa hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ, một miếng vải đen nham nhở, phủ đầy những vết sẫm màu.
Marius đứng ngay dậy, mặt tái đi, hầu như nín thở, mắt trân trân nhìn vào miếng dạ đen, và, không thốt một lời, mắt không rời khỏi miếng vải rách ấy, chàng đi lùi về phía tường, rồi, dang tay phải ra đằng sau, dò dẫm tìm trên tường, một cái chìa khóa tủ tường ở gần lò sưởi. Tìm được chìa khóa ấy rồi, chàng mở tủ tường, thọc cánh tay vào đó mà chẳng cần nhìn theo, vì con mắt hốt hoảng vẫn không rời khỏi miếng giẻ mà Thénardier đang cầm giăng ra.
Trong khi đó, Thénardier vân tiếp tục:
- Thưa ngài nam tước, tôi có những lý lẽ thuyết phục nhất để tin rằng chàng trai trẻ bị giết là một gã nước ngoài giàu có, mang theo một số tiền lớn, bị Jean Valjean đưa vào bẫy.
- Chàng trai trẻ ấy là tôi, còn cái áo lễ đây!
- Marius kêu lên, rồi vứt xuống sàn nhà, một cái áo lễ cũ màu đen dính đầy máu.
Rồi, giật miếng vải khỏi tay Thénardier, chàng ngồi xổm bên cái áo lễ, rồi ráp miếng vải vào cái vạt áo rách nham nhở. Vết rách hoàn toàn khít, và miếng vải bổ khuyết cho cái áo.
Thénardier sững sờ. Hắn nghĩ: "Lạ quá!".
Marius vừa đứng dậy vừa run, thất vọng, rồi rạng rỡ.
Chàng lục trong túi mình, rồi điên tiết, bước về phía Thénardier, chìa cho hắn và gần như ấn vào mặt hắn, một nắm đầy những tờ giấy bạc năm trăm phơ-răng và một nghìn phơ-răng của mình.
- ông là một kẻ đê tiện! ông là một kẻ dối trá, một kẻ vu khống, một kẻ gian ác. ông đến định buộc tội người ấy, hóa ra lại thanh minh cho ông ta. ông muốn bêu xấu người ta, thì lại chỉ càng tôn vinh người ta lên thôi. Và chính ông mới là kẻ cắp! Chính ông mới là tên giết người! Tôi đã thấy ông, Thénardier Jondrette, trong cái ổ chuột ở phố nhà thương kia. Tôi biết về ông khá nhiều để có thể đưa ông vào tù, và còn xa hơn nữa, nếu tôi muốn thế. Này, cầm lấy, một nghìn phơ-răng đây, đồ vô lại.
Và chàng ném tờ giấy bạc một nghìn phơ-ră ng cho Thénardier..- A! Jondrette Thénardier, đồ đểu giả xấu xa!
Mong rằng đây là một bài học cho ông, kẻ buôn chuyện kín, kẻ bán bí mật, kẻ lục lọi bóng tối, kẻ khốn cùng! Cầm lấy năm trăm phơ-răng này, rồi ra ngay khỏi đây! Waterloo che chở cho ông đấy.
- Waterloo! - Thénardier vừa làu bàu, vừa nhét vào túi tờ năm trăm phơ-răng cùng với tờ một nghìn phơ-răng.
- Phải, quân giết người! ở đó, ông đã cứu sống một đại tá...
- Một vị tướng chứ! - Thénardier ngửng đầu lên, cãi.
- Một đại tá! - Marius nổi khủng, nhắc lại.
- Nếu là một vị tướng, thì đừng hòng ta cho một xu. Và ông đến đây để làm những chuyện bỉ ổi! Tôi nói cho ông biết rằng ông đã phạm đủ mọi tội ác. Cút đi! Biến đi! Chỉ mong ông được sung sướng, đó là tất cả những gì tôi muốn.
Ôi! Đồ quỷ! Thêm ba nghìn phơ-răng nữa đây.
Cầm lấy. Ngay ngày mai, ông sẽ đi sang châu Mỹ, cùng với con gái ông, vì vợ ông chết rồi, ông đã nói dối khiến người ta phát tởm. Tôi sẽ chăm lo cho buổi lên đường của ông, đồ kẻ cướp, đến lúc đó, tôi sẽ chi thêm cho ông hai mươi nghìn phơ-răng. ông hãy đi nơi khác mà chịu tội.
- Thưa ngài nam tước. - Thénardier vừa trả lời vừa cúi sát đất để chào. - Xin đời đời biết ơn ngài.
Rồi Thénardier bước ra, không hiểu gì hết, vừa sửng sốt, vừa vui mừng, vì bị đè bẹp, nhưng lại thấy êm dịu, dưới những túi vàng kia, và bị sét đánh lên đầu thành những tờ giấy bạc ngân hàng ấy.
Bị sét đánh, nhưng hắn lại hài lòng và hắn sẽ rất buồn nếu có một cột thu lôi chống lại tiếng sét đó.
Thénardier vừa ra khỏi, Marius cũng chạy ra vườn, thấy Cosette vẫn còn dạo chơi ở đó.
- Cosette! Cosette! - Chàng kêu lên. - Lại đây! Nhanh lên. Chúng ta đi thôi. Basque, gọi ngay một cái xe! Cosette, lại đây. ôi! Trời ơi!
Chính người cứu sống anh! Không thể để mất một phút! Em quàng khăn vào.
Cosette tưởng chàng điên, và vội nghe theo.
Chàng như không thở được, đặt tay lên ngực để kìm bớt tiếng đập của trái tim. Chàng bước những bước dài, đi đi lại lại, chàng ôm lấy Cosette:.- ôi! Cosette! Anh khổ quá! - Chàng nói.
Marius cuống cuồng. Chàng bắt đầu hé nhìn thấy, trong ông Jean Valjean kia, một cái gì đó như một nhân vật cao thượng và u uẩn. Một đức độ lạ lùng hiện ra với chàng, cao cả và dịu dàng, khiêm nhường trong cái vĩ đại của nó. Người tù khổ sai đã biến thân thành Chúa Cơ-đốc. Marius bị choáng lòa vì điều kỳ diệu đó.
Chàng không biết cái mình nhìn thấy thật ra là cái gì, nhưng quả là vĩ đại.
Chỉ một chốc, một cái xe ngựa thuê đã ở trước cửa.
Marius đỡ cho Cosette lên, rồi chàng cũng lao lên.
- Xà ích. - Chàng bảo. - Phố Homme-Armé, số 7.
Cái xe bắt đầu lăn bánh.
- ôi chao! Sung sướng quá! - Cosette nói. -Phố Homme-Armé. Trước, em không dám nói với anh về phố đó. Chúng ta sắp gặp ông Jean.
- Cha em! - Cosette ạ, cha em đúng nghĩa hơn bao giờ hết. Cosette này, anh đoán ra rồi.
Em có bảo anh rằng em chưa hề nhận được lá thư mà anh đã nhờ Gavroche đưa cho em. Nó đã rơi vào tay cha. Cosette này, người đã đi ra chiến lũy để cứu anh. Vì người thấy cần thiết phải làm một thiên thần hộ mệnh, nên tiện thể, người cứu cả những kẻ khác, người đã cứu Javert.
Người đã kéo anh ra khỏi cái vực ấy để trao anh cho em. Người đã vác anh trên lưng trong cái cống ngầm kinh khủng ấy. ôi! Anh thật là một con quỷ vô ơn. Cosette này, sau khi đã chăm lo cho em, người đã chăm lo cho anh. Em hãy hình dung một cái ổ gà khủng khiếp, trong đó người ta có thể chết đuối hàng trăm lần, mà chết đuối trong bùn, Cosette ạ! Thế mà người đã đỡ anh qua được. Anh đã bị ngất, anh chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì, anh chẳng thể biết tý gì về nỗi gian truân của chính mình. Chúng ta sẽ đưa người về, về ở với chúng ta, dù người muốn hay không muốn, người cũng sẽ không rời chúng ta nữa. Miễn là người đang ở nhà! Miễn là chúng ta tìm thấy người! Anh sẽ sống phần còn lại của đời mình để sùng bái người. Phải, phải là như thế, em thấy không, Cosette? Chính Gavrroche đã trao lá thư của anh cho người. Tất cả đã rõ.
Em hiểu chứ.
Cosette chẳng hiểu gì hết.
- Anh nói đúng đấy. - Nàng bảo chàng. Trong khi đó, xe tiếp tục lăn bánh.
Chương XI: Cái chết của Jean Valjean
Nghe tiếng gõ cửa, Jean Valjean quay lại.
- Cứ vào. - ông nói, giọng yếu ớt.
Cánh cửa mở ra. Cosette và Marius xuất hiện.
Cosette xô vào phòng.
Marius vẫn đứng trên ngưỡng cửa, tựa vào cạnh cửa.
- Cosette! - Jean Valjean nói, và nhổm dậy trên ghế, hai cánh tay dang ra, run rẩy, nhớn nhác, nhợt nhạt, rầu rĩ nhưng một niềm vui vô tận trong đôi mắt.
Cosette, nghẹn ngào xúc động, ngả vào ngực Jean Valjean.
- Cha! - Nàng kêu lên.
Jean Valjean thấy choáng váng, lắp bắp:
- Cosette! Nó! Cô, bà! Con đấy à! ôi, Chúa tôi!
Và, bị ghì chặt trong hai cánh tay Cosette, ông kêu lên:.- Con đấy à! Con đang ở đây đấy à! Vậy là con tha thứ cho cha ư?
Marius, cụp mi xuống để nước mắt khỏi chảy ra, bước vào một bước, và thì thầm, đôi môi bặm lại để ngăn những tiếng nức nở:
- Cha của con!
- Cả ông nữa, ông cũng tha thứ cho tôi! -Jean Valjean nói.
Marius không biết nói thế nào, và Jean Valjean nói thêm:
- Xin cảm ơn.
Cosette rứt khăn quàng ra và ném cái mũ lên giường.
Có một lúc Jean Valjean không nói được, rồi ông lại nói tiếp:
- Thỉnh thoảng, tôi thật sự thấy cần được gặp Cosette, chỉ một lúc thôi. Một con tim, nó cũng muốn có một cái xương để gặm. Song, tôi cảm thấy rõ rằng mình là người thừa. Tôi tự nêu những lý do: Họ không cần đến ngươi, ngươi cứ ở trong xó của mình, người ta không có quyền tồn tại mãi mãi! ôi! Nhờ ơn Chúa, mình lại được gặp nó! Con biết không, Cosette, chồng con rất đẹp phải không? ôi! Con có một cái cổ áo thêu xinh xắn, thật hợp thời. Cha thích hình vẽ đó.
Chồng con đã chọn cho con, có phải không? Rồi ra, con phải có cả khăn ca-sơ-mia nữa. Thưa ông Pontmercy, ông hãy để tôi được xưng hô thân mật với nó. Chẳng còn lâu nữa đâu. Thế là ông cũng đã ở đây! Thưa ông Pontmercy, ông cũng tha thứ cho tôi ư? - Jean Valjean nhắc lại.
Nghe thấy câu nói mà Jean Valjean vừa nhắc lại, tất cả những gì chứa chất trong lòng Marius đã tìm ra được lối thoát, chàng nói liền một mạch:
- Cosette, em nghe thấy không? Cha thế đấy!
Cha xin lỗi anh. Và em có biết là cha đã làm gì cho anh không, hả Cosette? Cha đã cứu sống anh.
Cha còn làm hơn thế nữa. Cha đã trao em cho anh. Sau khi đã cứu anh, và sau đó đã trao em cho anh, Cosette ạ, cha đã làm gì chính mình?
Cha đã xả thân. Cha là người như thế đấy. Và, với anh, kẻ bội bạc, với anh, kẻ hay quên, với anh, kẻ không biết thương xót ai, với anh, kẻ tội phạm, cha nói: Xin cảm ơn. Cosette này, cả đời anh sống dưới chân một người như thế, vẫn sẽ là ít. Chiến lũy ấy, cống ngầm ấy, lò lửa chiến tranh ấy, hố nước ấy, cha đã vượt qua tất cả vì anh, vì em đấy, Cosette ạ! Cha đã mang anh vượt.qua tất cả những cái chết, cha đã gạt chúng ra khỏi người anh và nhận về mình. Dũng cảm, đức độ, anh hùng, thánh thiện, cha có đầy đủ tất cả những cái đó! Cosette ạ, một người như thế, đó là thiên thần!
- Suỵt! Suỵt! - Jean Valjean nói thật khẽ. -Nói tất cả những cái đó ra để làm gì?
- Nhưng cha ơi! - Marius kêu lên, vừa có vẻ tức giận, lại vừa có vẻ tôn kính. - Thế tại sao cha lại không nói tất cả những cái đó ra? Đó cũng là lỗi của cha. Cha cứu mạng mọi người, và lại giấu họ! Cha còn làm hơn thế, viện lý do là tự lột mặt nạ mình, cha tự vu khống mình.
Thật đến sợ... Không, - Marius nói tiếp - sự thật, đó là tất cả sự thật; và cha đã không nói ra. Cha đã là ông Madeleine, sao không nói ra? Con được cha cứu sống, sao không nói ra?
- Bởi vì tôi đã nghĩ như ông. Tôi đã thấy rằng ông làm đúng. Tôi cần phải ra đi. Nếu ông biết chuyện cống ngầm, ông sẽ bắt tôi phải ở lại bên ông. Vậy tôi phải im lặng. Nếu tôi nói ra, mọi chuyện sẽ phiền phức.
Cosette cầm hai bàn tay ông già trong tay mình:
- Trời ơi! - Nàng nói, - tay cha lạnh quá.
Cha có ốm không? Cha có đau không?
- Cha ấy à? Không! - Jean Valjean trả lời. -Cha rất khỏe. Chỉ có điều là...
Ông dừng lại.
- Là sao ạ?
- Là một lát nữa, cha sẽ chết.
Cosette và Marius rùng mình.
- Chết ư? - Marius kêu lên.
- Phải, nhưng điều đó chẳng là gì cả. - Jean Valjean nói.
Marius sững sờ, nhìn ông già.
Cosette thì kêu thét lên:
- Cha! Cha của con ơi! Cha sẽ sống. Cha còn sống. Con muốn cha phải sống, cha có hiểu không?
Jean Valjean ngửng mặt nhìn nàng, đầy vẻ thương yêu.
- ừ phải, con cấm cha chết. Ai mà biết được?
Có thể cha sẽ nghe lời con đấy. Cha đang chết thi các con tới. Thế là cha phải dừng lại, cứ như là cha sống lại vậy.
- Cha còn sức khỏe và đầy sức sống, - Marius kêu lên. - Cha có tưởng tượng được rằng người ta chết như thế không? Cha đã có nỗi buồn, cha sẽ không buồn nữa. Chính con đang xin lỗi cha, và con xin quỳ xuống xin cha. Cha sẽ sống, và sống với chúng con, và sống lâu. Chúng con giành.lại được cha rồi. ở đây, chúng con là hai người, nhưng từ nay sẽ chỉ có một ý nghĩ, đó là hạnh phúc của cha!
- Cha thấy rõ, - Cosette đầm đìa nước mắt nói tiếp - là Marius bảo cha sẽ không chết đâu.
Jean Valjean tiếp tục mỉm cười:
- ông biết khi ông giành lại tôi, thưa ông Pontmercy, thì điều đó có thể làm cho tôi không phải là tôi nữa không? Không, Chúa cũng nghĩ như ông và tôi, và người không thay đổi ý kiến đâu. Tôi ra đi là một việc có ích. Cái chết là một sự dàn xếp tốt. Chúa biết hơn chúng ta điều chúng ta cần phải có. Các con phải được sung sướng, ông Pontmercy phải có Cosette, tuổi trẻ phải kết hôn với sớm mai, xung quanh các con, các con của ta, phải có hoa đinh và chim sơn ca, cuộc sống của các con phải là một thảm cỏ đẹp đầy ánh nắng, tất cả những niềm say mê của đất trời phải tràn ngập tâm hồn các con, và bây giờ, cha là kẻ không được việc gì cả, cha phải chết, chắc chắn là tất cả những điều đó đều tốt. Các con thấy không, ta phải biết điều, bây giờ, chẳng còn có thể làm gì được nữa, cha cảm thấy là đã hoàn thành xong hết. Cách đây một giờ, cha đã ngất đi. Và rồi đêm nay, cha đã uống tất cả bình nước kia. Chồng con tốt thật, Cosette ạ! Con sẽ sung sướng hơn ở với cha nhiều.
Có tiếng động ở ngoài cửa. Đó là ông thầy thuốc đang bước vào.
- Xin chào và vĩnh biệt, bác sĩ. - Jean Valjean nói. - Đây là các con tội nghiệp của tôi.
Marius lại gần ông thầy thuốc. Chàng chỉ hỏi hai tiếng: "Thưa ông? ...", nhưng trong cách phát âm hai tiếng đó đã có một câu hỏi trọn vẹn.
Ông thầy thuốc trả lời câu hỏi bằng một cái nhìn đầy ý nghĩa.
- Sự việc không làm ta hài lòng. - Jean Valjean nói. - Đó không phải là một lý do để ta bất công đối với Chúa.
Có một lúc im lặng. Tất cả mọi người thấy nghẹt thở.
Jean Valjean quay lại phía Cosette. ông bắt đầu nhìn ngắm nàng, như thể muốn mang nàng đến cõi vĩnh hằng. Và tuy đã sa xuống nơi tối tăm sâu thẳm, ông vẫn còn có thể thấy ngây ngất khi nhìn Cosette.
Vẻ linh lợi của gương mặt dịu hiền ấy đã soi sáng sắc mặt tái nhợt của ông.
Thầy thuốc bắt mạch cho ông..- ôi! Chính cô chú là những người ông cụ cần đến! - ông vừa lầm bầm vừa nhìn Cosette và Marius.
Rồi ghé vào tai Marius, ông nói thêm rất khẽ:
- Quá muộn rồi.
Jean Valjean, hầu như không ngừng nhìn Cosette, nhưng vẫn nhìn kỹ Marius và ông thầy thuốc một cách thanh thản. Người ta nghe thấy ông nói, giọng thều thào:
- Chết chẳng là gì cả. Không được sống mới là kinh khủng.
Rồi, ngực ông xẹp xuống, đầu ông chao đảo, như thể ông đã bắt đầu say sưa với thần chết, và hai bàn tay ông đặt trên đầu gối đã bắt đầu cào móng vào vải quần ông.
Cosette đỡ lấy hai vai ông, khóc nức nở, rồi cố nói với ông câu gì đó mà không được. Người ta nhận thấy, giữa những lời nói trộn lẫn với thứ nước bọt tang tóc kèm theo nước mắt ấy, có những câu như sau:
- Cha ơi! Cha đừng bỏ con. Chúng con tìm lại được cha chỉ để lại mất cha, lẽ nào lại có thể như thế được?
Người ta có thể nói cơn hấp hối đi ngoằn ngoèo như con rắn. Nó đi, lại, tiến về phần mộ, rồi lại quay lại cuộc sống. Có sự mò mẫm trong việc đi đến cái chết.
Jean Valjean, sau cơn chết ngất ấy, lại vững vàng trở lại, nhíu trán, như để rũ hết bóng tối ở đó, và trở lại hầu như hoàn toàn sáng suốt. ông cầm một vạt tay áo của Cosette và hôn vào đó.
- ông cụ lại hồi! Bác sĩ ơi, ông cụ lại hồi! -Marius kêu lên.
- Cả hai con đều tốt. - Jean Valjean nói. -Tôi phải nói với ông rằng điều làm tôi phiền lòng, thưa ông Pontmercy, đó là ông đã không muốn đụng đến số tiền ấy. Số tiền ấy đúng là của vợ ông. Cha sẽ cắt nghĩa cho các con hiểu, các con ạ, cũng chính vì thế mà cha thấy hài lòng được gặp các con. Hạt huyền đen đến từ nước Anh, hạt huyền trắng đến từ Na Uy. Tất cả những điều này đều có trong mảnh giấy kia, rồi các con sẽ đọc. Về vòng tay, cha đã nghĩ cách thay vòng luồn bằng tôn hàn bằng vòng luồn bằng tôn khít. Như thế, vừa đẹp hơn, tốt hơn, lại rẻ hơn. ông hiểu tất cả số tiền mà người ta có thể kiếm được. Vậy tài sản của Cosette đúng là của nó. Tôi cho ông những chi tiết ấy để tâm trí ông được thanh thản..Bà canh cửa đã lên và ngó nhìn qua cánh cửa hé mở. ông thầy thuốc bảo bà đi xuống, nhưng không ngăn được bà lão tốt bụng, nhiệt tình ấy, trước khi đi khuất, kêu lên với người sắp chết:
- ông có cần một vị linh mục không?
- Tôi đã có một vị rồi. - Jean Valjean trả lời.
Và, ông lấy ngón tay, như chỉ vào một điểm phía trên đầu ông, hình như ông trông thấy ai ở đó.
Thực vậy, chắc là đức giám mục đang ở cạnh người hấp hối này.
Cosette nhẹ nhàng luồn một cái gối xuống dưới lưng ông.
Mỗi lúc, Jean Valjean một yếu thêm. ông suy kém dần. ông đã đến gần chân trời đen tối.
Hơi thở ông bị đứt quãng, chốc chốc lại có tiếng rên. ông chuyển động cánh tay ra phía trước một cách khó khăn, hai bàn chân thì hoàn toàn không cử động được, và trong khi sự khốn khổ của tứ chi và sự rã rời của thân mình tăng thêm, thì tất cả sự uy nghi của tâm hồn cũng dâng cao và giăng ra trên trán ông. ánh sáng của thế giới xa lạ đã hiện ra trong mắt ông.
Mặt ông xanh nhợt thêm, mà lại tươi cười.
Sự sống không còn ở đó nữa, thì lại có một cái gì khác. Hơi thở ông tắt dần, thì cái nhìn của ông lại sáng lên. Đó là một cái xác mà người ta lại cảm thấy như có cánh.
Ông ra hiệu cho Cosette lại gần, rồi cho Marius. Hẳn đây là phút cuối cùng của giờ cuối cùng, nên ông bắt đầu nói với họ bằng một giọng yếu quá, đến nỗi nghe như từ xa lắm, và từ lúc này, hình như đã có một bức tường thành giữa họ và ông.
- Lại gần đây, cả hai hãy lại gần đây. Cha yêu các con lắm. ôi! Thật là tốt khi được chết như thế này! Cả con nữa, con cũng yêu cha, Cosette của cha ạ. Cha biết rõ là con luôn luôn yêu quý ông lão hiền lành của con. Con thật là tử tế vì đã đặt cho cha cái gối đệm dưới lưng cha ấy! Con sẽ khóc cha một chút, có phải không?
Đừng nhiều quá nhé. Cha không muốn con có những nỗi đau buồn thật sự. Phải vui chơi nhiều, các con ạ. Thỉnh thoảng các con sẽ nghĩ đến ông lão tội nghiệp chết ở đây. Lúc nãy, cha có viết cho Cosette. Nó sẽ tìm thấy lá thư của tôi. Tôi để lại cho nó hai chân đèn nến ở trên lò sưởi của tôi. Chúng bằng bạc, nhưng đối với tôi thì chúng bằng vàng, chúng bằng kim cương, chúng biến những ngọn nến mà người ta đặt vào thành.nến thờ. Tôi không biết, ở trên kia, người đã cho tôi hai cây đèn nến ấy có bằng lòng tôi không. Tôi đã làm hết sức mình! Các con ạ, các con đừng quên rằng cha là một kẻ nghèo, các con sẽ cho chôn cha ở bất cứ xó xỉnh nào cũng được, dưới một phiến đá để đánh dấu chỗ chôn.
Đó là ý nguyện của cha. Không cần ghi tên lên đá. Nếu thỉnh thoảng Cosette muốn đến một lúc, cha sẽ được vui lòng. Cả ông cũng thế, ông Pont-mercy ạ. Tôi phải thú thực với ông rằng không phải lúc nào tôi cũng quý ông. Tôi xin lỗi ông về điều đó. Giờ đây thì nó và ông đối với tôi chỉ là một. Tôi rất biết ơn ông. Tôi cảm thấy là ông làm cho Cosette được sung sướng. ông biết không, ông Pontmercy, đôi má hồng xinh đẹp của nó, đó là niềm vui của tôi. Khi tôi thấy nó hơi xanh, thì tôi buồn. Trong tủ com-mốt, có một tờ giấy bạc năm trăm phơ-răng. Tôi không đụng đến nó. Đó là để cho những người nghèo.
Cosette này, con có nhìn thấy cái áo dài bé của con ở kia, trên giường ấy không? Con có nhận ra nó không? Vậy mà chỉ mới cách đây mười năm thôi. Thời gian đi nhanh quá! Chúng ta đã thật là sung sướng. Nay hết rồi. Đừng khóc, các con ạ, cha sẽ không đi xa lắm đâu. ở nơi đó, cha sẽ nhìn thấy các con. Các con chỉ việc nhìn, khi trời đã tối, là sẽ thấy cha mỉm cười. Cosette này, con có nhớ Montfermeil không, con đang ở trong rừng, con rất sợ, con còn nhớ lúc cha cầm cái quai xô nước không? Đó là lần đầu cha chạm vào bàn tay bé nhỏ tội nghiệp của con. Sao mà nó lạnh đến thế! ôi! Hồi đó, hai bàn tay cô nó đỏ, phải không tiểu thư, nay thì nó thật là trắng nõn.
Lại con búp bê to nữa! Con còn nhớ không ? Con đặt tên cho nó là Catherine. Con cứ tiếc là đã không đem nó theo vào nhà tu! Biết bao lần, con đã làm cha buồn cười, thiên thần hiền dịu của cha ạ! Khi trời mưa, con đã thả những cọng rơm xuống các rãnh nước, và nhìn xem nó trôi đi. Một hôm, cha đã cho con một cái vợt bằng liễu giỏ, và một quả cầu bằng lông màu vàng, lam, lục. Con đã quên rồi, phải không con. Hồi còn bé tý, con tinh nghịch lắm! Con chơi đùa. Con nhét những quả anh đào vào hai lỗ tai. Đó là những chuyện của quá khứ.
Những khu rừng người ta đã đi qua với con mình, những lùm cây ở đó người ta đã đi dạo, những nhà tu, nơi người ta đã vào trốn, những trò chơi, những nụ cười hồn nhiên của tuổi thơ, đó chỉ còn là hình bóng. Cha đã tưởng tượng rằng tất cả những cái đó thuộc về cha. Cha ngớ ngẩn thế đó..Nhà Thénardier ấy đã từng độc ác. Nhưng thôi, nên tha thứ cho họ. Cosette này, đã đến lúc cha phải nói với con tên mẹ con. Bà tên là Fantine. Con phải nhớ lấy tên đó: Fantine. Con phải quỳ xuống mỗi lần nói đến cái tên đó. Bà đã đau khổ nhiều. Bà đã rất yêu con. Bà đã bị đủ thứ tai họa, trong khi con được đủ thứ hạnh phúc. Mỗi người một phận, đều là do Chúa.
Chúa ở tít trên cao kia kìa, nhưng Người nhìn thấy tất cả chúng ta, và Người biết mình đang làm gì ở giữa những ngôi sao lớn của Người.
Vậy là cha sắp đi đây, các con ạ. Các con hãy yêu nhau mãi mãi. Trên đời, chẳng có gì khác, chỉ có: yêu thương nhau. ôi, Cosette của cha này, dạo này cha không đến thăm con, nhưng đâu có phải tại cha, cha rất đau lòng. Cha đã đi đến tận góc phố, chắc hẳn những ai đã nhìn thấy cha đi qua phải buồn cười lắm, cha đúng như một thằng điên, có lần cha đã ra khỏi nhà, quên cả đội mũ.
Các con ơi, giờ thì cha không nhìn rõ nữa rồi, cha còn nhiều chuyện muốn nói, nhưng cũng chẳng sao. Các con hãy nghĩ đến cha một chút.
Các con được Chúa ban phúc lành. Cha chẳng biết mình thế nào nữa, cha thấy có ánh sáng. Các con hãy lại gần nữa. Cha chết thật sung sướng.
Nào, hãy cho cha được đặt tay lên hai mái đầu thân thiết, yêu quý của cha.
Cosette và Marius quỳ sụp xuống, sững sờ, nghẹn ngào nước mắt, mỗi người gục trên một bàn tay Jean Valjean. Những bàn tay uy nghi ấy không còn cử động nữa.
Ông ngật ra đằng sau, ánh sáng hai cây đèn nến chiếu vào ông, gương mặt trắng bệch của ông nhìn lên trời, ông để cho Cosette và Marius hôn đầy hai bàn tay mình. ông đã chết.
Đêm không sao và bóng tối thâm u.
Chắc là, trong bóng tối, có một thiên thần to lớn nào đó đang đứng, hai tay dang rộng để chờ đón linh hồn.
ở nghĩa trang Cha-Lachaise, gần cái hố chung, cách xa khu vực lịch sự của thành phố mộ địa ấy, xa tất cả những nấm mồ ngông nghênh phơi bày trước cõi vĩnh hằng, những kiểu thời trang gớm ghiếc của cái chết ấy, trong một góc hoang vắng, dọc theo một bức tường cũ, dưới một cây thông đỏ mà bìm bìm leo vào giữa cỏ gà và rêu, có một phiến đá. Phiến đá này, không hơn gì những phiến đá khác, cũng không thoát khỏi những vết sần sùi, lở loét của thời gian, của nấm mốc, của địa y, và của cứt chim. Nước làm.nó xanh, không khí lại làm nó đen. Nó chẳng kề bên một lối đi nào, và người ta không thích đi về phía ấy, vì cỏ mọc cao và chân người ta bị ướt ngay lập tức. Khi có đôi chút ánh nắng, thì những con thằn lằn đi đến đó. Khắp xung quanh, có tiếng rì rào của loài yến mạch dại. Về mùa xuân, chim chích hót trên cây.
Phiến đá ấy trần trụi. Người đẽo đá chỉ nghĩ đến cái gì cần thiết cho ngôi mộ, nên đã không bận tâm đến cái gì khác, ngoài việc làm cho nó dài và hẹp, đủ để che được một con người.
Trên đó không có tên người nào cả.
Chỉ có một điều là, cách đây đã nhiều năm, một bàn tay đã viết lên đó, bằng bút chì, mấy câu thơ sau đây, mà mưa và bụi đã dần dần làm cho khó đọc, và đến hôm nay, thì chắc đã bị xóa hết:
Mặc dù số phận trớ trêu, ông đã sống tốt trong nhiều năm qua.
Khi thần bản mệnh lìa xa, ông chết. ông ngủ. Thật là tự nhiên:
Hết ngày, ắt lại đến đêm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top