nhà quê lên tỉnh, tú tài về làng

Thím Hiền hay nói cả cái xóm này có mỗi thằng Thành với thằng Xuân là tròn tuổi đi thi tú tài, mà cũng là hai đứa cả xóm kì vọng sẽ ăn nên làm ra (dù rằng thầy u Xuân không nghĩ thế). Ngày cả hai lên thành phố chuẩn bị thi, thím Hiền nói hai anh em lên chùa bốc một quẻ, quẻ tốt thì thưa thầy u làm mâm cỗ tạ trời, quẻ xấu thì thưa thầy u làm mâm cỗ cầu trời phù hộ. Thằng Lực hộ tống hai anh đi chùa mà dặn đi dặn lại nhớ xin đỗ tú tài, nhớ nói rõ họ tên quê quán các cụ mới biết ai ra ai. Đến cái hồi gieo quẻ, thằng Thành nhìn quẻ nào là sợ quẻ đó, Xuân cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, thằng Lực đứng phía xa nhìn cũng lo không kém.

"Cháu này ra quẻ tốt quá, ngay lần đầu đã ra quẻ tốt thế này, sau này thầy u được nhờ rồi..."

"Cháu này quẻ cũng tốt, công thành danh toại, nhưng phải giữ cái tâm trong sáng..."

Tối trước khi lên thành phố, thầy u thằng Thành làm mâm cỗ to. Thầy u nó mướn u thằng Lực phụ nấu cỗ, thằng Lực giúp u chạy ra chạy vào, được thưởng cho một tô ngó sen ninh nhừ, nó vừa nhai vừa đi kiếm anh Thành anh Xuân. Đến khi tìm được rồi, nó xòe tay, đưa cho túi nhỏ màu vàng có phần hơi nhàu nát.

"Lúc đi chùa em xin sư thầy được hai cái bùa, anh Thành cầm đi, anh Xuân nữa. Hai anh phải đỗ nhé, còn lên thành phố học, rồi sau này mang em đi cùng nữa. Nhớ chưa?"

Hai anh đi, thằng Lực, thằng Nguyên, thằng Vũ ngày nào cũng ngóng. Nguyên lâu lâu lại sang nhà thầy anh Thành hỏi khi nào hai anh mới về. Cái tướng thằng Nguyên như con mèo, cách mấy ngày lại lững thững sang nhà hai anh ngóng, thấy mà tội. Thằng Vũ xin u anh Thành mấy quyển sách anh để lại, ngày ngày chăm chỉ cùng Nguyên và Lực học hành. Thằng Lực lâu lâu chán lại mò sang nhà anh Xuân ngó nghiêng, thỉnh thoảng thấy anh cả nhà anh Xuân nằm vắt vẻo trên võng lại ngứa mắt, lại càng mong ngóng anh Xuân về hơn.

Bẵng đi tận hai tháng, hai anh về, thằng Lực mượn xe kéo của thằng Trác xóm bên, chở thằng Nguyên thằng Vũ ra tận đầu đường đón. Chỉ tội thằng Trác, không cho mượn thì sợ mất trâu, mà cho mượn thì sợ mất xe. Thằng Lực phải lấy danh dự của một thằng con trai không sợ trời không sợ đất kém thằng Trác tận sáu tuổi để đảm bảo với nó là sẽ mang xe về trả nguyên vẹn.

Cũng không biết thế nào, nhưng đến khi hai anh về đến đầu đường, cả ba thằng ngồi trên cái xe kéo của thằng Trác, được kéo bởi trâu của thằng Trác, và được điều khiển bởi thằng Trác.

Chúng nó nhìn thấy hai anh lớn thì mắt sáng rỡ, nhảy xuống khỏi xe tíu tít chạy lại, đứa xách túi, đứa lấy mo cau quạt mát, Nguyên còn mang cả nước mẹ mới nấu ra cho các anh uống giải nhiệt. Hộ tống anh Thành anh Xuân lên xe xong xuôi, Vũ mới dè dặt hỏi.

"Kết quả thế nào hả hai anh?" - Nó không dám hỏi thẳng đỗ hay trượt, sợ lỡ một trong hai thi không tốt thì các anh lại buồn.

"Đỗ hết! Đầu tháng sau nhập học, mấy đứa thấy các anh giỏi không?" - Thành khoe chiến tích mà vui như mở hội, cuối cùng nó cũng đỗ tú tài, và anh Xuân cũng không phải ở nhà chịu khổ nữa.

Thằng Nguyên, thằng Lực, thằng Vũ nghe vậy mà vui đến tận trời xanh. Cả quãng đường về xóm chúng nó rao thật to "Tú tài về làng! Tú tài về làng rồi!", thằng Trác cưỡi trâu phía trước cũng bị bắt phụ họa theo. Xe kéo có mấy thằng con trai thôi mà ầm ĩ, người ta ở trong nhà còn phải ra sân nhìn xem có chuyện gì, thằng Lực thấy vậy, gào to tợn, đi đến đâu người ta chúc mừng đến đấy.

"Đấy đấy! Cháu đích tôn nhà ông Phạm đúng không?"

"Thằng bên cạnh là cậu hai nhà cụ Lê đấy à?"

Thầy u Thành nghe thế thì vội vã chạy ra đầu ngõ hóng con về, còn bên nhà anh Xuân thì khác, thầy u anh đóng cửa kín mít, xem như không phải chuyện của mình.

"Nhà ông Phạm có phúc quá, thằng cháu đích tôn học hành giỏi giang thế kia cơ mà, mai sau lại đón thầy u lên tỉnh ở hết ấy chứ!"

Thằng Lực không thích thầy u anh Xuân bởi thầy anh u anh làm anh buồn mãi. Giờ anh đỗ tú tài, thằng Lực kệ thầy nó sáng nay vừa dặn ở nhà không được nghịch phá, nó chạy ù về nhà anh Xuân, đứng trước cửa gọi lớn.

"Ơ kìa, tú tài về nhà mà sao gia chủ không ai mở cửa tiếp đón thế này? Hay là xúc động quá, tưởng không phải con mình ạ?"

Thấy cửa nhà vẫn im lìm, thằng Lực bực mình, nó chạy về nhà kiếm cây gậy to, lại chạy sang nhà anh Xuân, đứng trước nhà đập mạnh xuống nền đất.

"CỤ LÊ RA NHẬN TÚ TÀI VỀ! TÚ TÀI LÊ HỒNG XUÂN VỀ BÁO HIẾU CỤ ĐẤY"

Xóm thằng Thành nhỏ, lại nghèo, cả xóm chỉ có mỗi u thầy nó chịu đi xa làm ăn mà khấm khá, thế mà bây giờ cả xóm có đến hai người đỗ tú tài, mát mặt còn không kịp, nhưng thầy u anh Xuân lại hành xử như thể anh ăn chơi lêu lổng làm bẽ mặt cả nhà, nhất định đóng cổng không để anh vào.

Anh Xuân nhìn người người chúc mừng mình thì thấy vui, mà thấy hai cụ thân sinh im thin thít thì lại buồn. Thằng Thành biết vậy, nó xin thầy u cho anh ở nhà mình mấy hôm, đến khi nào nhập học, hai anh em lên thành phố trọ chung, vậy mới bảo ban nhau mà học hành được. Thầy thằng Thành không ý kiến, đến khi hỏi Xuân định học cái gì, anh nói học sư phạm, lại yên tâm hơn.

Thành không hiểu sao thầy u anh Xuân lại ác cảm với anh đến thế. Anh Xuân hiền lành, chăm chỉ, chưa bao giờ làm trái ý thầy u, nhưng hai cụ thân sinh nhà anh lại chỉ đặt mỗi anh con cả vào mắt, còn anh Xuân cứ như người thừa. Đến cả chuyện học hành cũng ưu tiên anh cả hơn, anh Xuân đến lớp buổi đực buổi cái, còn phần lớn thời gian phải ở nhà phụ giúp thầy u chuyện đồng áng. Nó hỏi chuyện anh thì anh chỉ cười trừ, thản nhiên kể chuyện.

"Nhà anh nghèo, chỉ nuôi được một người đi học thôi, người còn lại phải đi làm, cả hai đứa đi học thì làm sao mà nuôi nổi? Thầy u anh nói anh cả ở trên tỉnh học giỏi lắm, nên càng chăm chút cho anh học, vậy cũng được, ít nhất thì thầy u không uổng phí tiền của"

Đấy là lí do mà cả bọn thằng Thành, đứa nào cũng thương anh Xuân. Anh chịu đủ thứ thiệt thòi nhưng chẳng khi nào kêu ca, người ta thấy tương lai anh mù mờ tới đâu anh cũng có thể tìm thấy chút lạc quan trong đó. Nhiều lúc Thành nghĩ, nhà anh Xuân mà khá giả hơn, có tiền lo cho anh ăn học, thì giờ anh ấy phải nói tiếng Tây làu làu rồi, chứ không phải cả ngày chân lấm tay bùn như vậy.

Thằng Thành, anh Xuân ở lại xóm gần một tháng, ngày nào cũng dạy ba đứa nhỏ hơn học. Nguyên mang giấy bút học hai anh rồi lại về nhà học thầy học ông mấy bài thuốc, em ghi tỉ mỉ vào tập giấy, xếp gọn gàng trong một phong thư, đến gần ngày hai anh đi, em đưa anh Xuân, dặn hai anh lên thành phố phải giữ gìn sức khỏe, dặn thấy không khỏe thì phải làm theo bài thuốc em viết. Thằng Vũ xin u cho mượn cái đòn gánh, đi từ trong xóm ra đến phiên chợ lớn ngoài đường, cùng thằng Lực bán bánh lấy tiền mua quà cho hai anh. Cái quạt hai hào, áo gấm bảy đồng, cái khăn năm hào, đôi guốc ba đồng, cứ thế, hai thúng bánh dần được thay thế bằng hai thúng đồ. Mà thằng Vũ dễ thương, miệng ngọt xớt đon đả mời các cô các dì mua bánh, người ta ở chợ lại còn thấy hai thằng con trai non nớt gánh đòn gánh thật to, thế là mủi lòng, bán đắt khách lắm. Thằng Lực mấy bánh đầu bán đúng giá, mà thấy người ta mua nhiều, nó đẩy dần giá lên, bán một cái bánh mà lãi đến năm hào.

"Thế thầy u đâu mà để chúng mày đi bán bánh thế này?"

"Thầy cháu đi bán lúa, u cháu đi mò ốc rồi, cháu bán bánh kiếm chút đỉnh mua đồ cho anh cháu, anh cháu mới đỗ tú tài, sắp lên thành phố học đấy ạ"

Người ta nghe thế, người ta lại mua nhiều hơn, hai thằng con trai bán hàng đến mỏi lưng mỏi gối. Đến khi hết bánh thì trời cũng tối, thúng đồ của chúng nó cũng đầy ắp, hai đứa phấn khởi thu dọn đồ đạc dắt nhau về, thằng Lực đi qua hàng xén của cụ Thi còn hào phóng mua mấy hào lạc rang về cho thầy nhắm rượu. Lực với Vũ không về nhà ngay, mà gồng gánh chạy sang nhà anh Thành, í ới gọi cổng.

U thằng Lực sáng không thấy hai thúng bánh đâu thì hoảng lắm, đến lúc nghe tin thằng Lực mang ra chợ bán thì lại thấy vui, nó không bán được cũng không sao, bán được thì là công của nó, thiết nghĩ cứ để nó tập bán hàng cho quen, sau này còn phụ u phụ thầy. Nhà thằng Lực ở trước nhà thằng Thành, u thằng Lực thấy bóng nó về, định bụng ra đón, mà thấy nó gánh hai thúng toàn đồ linh tinh thì lại thôi, chắc nó kiếm tiền mua cái này cái kia cho anh nó rồi.

Hai thúng đồ thì thằng Thành chỉ được hưởng có một ít, còn lại là của anh Xuân hết. Thằng Vũ nói anh Xuân không nhận là nó giận, nó không thèm chơi với anh Xuân nữa. Thằng Lực nói anh Xuân mà không dùng đồ chúng nó mua thì không cần gặp mặt nó luôn. Anh Xuân yếu thế, mà đúng là bây giờ anh không có bao nhiêu đồ mang lên thành phố thật, đành phải nhận.

"Đây nhớ, áo này em mới mua cho anh đấy nhớ, hôm nào đi nhập học anh diện cho oai"

"Bi-đông nước này em chen mãi mới mua được đấy, anh không được làm mất đâu"

"Em nghe thầy nói trên thành phố người ta không đi chân đất như mình ở quê, anh mang guốc mộc theo mà đi"

Thầy u chúng nó cũng sang nhà thằng Thành, trước là để động viên, sau là để cảm ơn công thằng Thành thằng Xuân dạy dỗ chúng nó. Cụ thằng Nguyên cũng sang, còn dúi cho hai anh em mỗi người một gói thuốc bắc, nói là uống để lại sức. Bà con cô bác trong xóm ai cũng đến chúc một hai câu.

Anh Xuân thấy ai cũng đến thăm anh cùng Thành, lại ngóng không biết liệu thầy u anh có đến không, mà trông mãi cũng chẳng thấy.

Đến tận hôm hai đứa lên thành phố, u anh Xuân mới sang nhà Thành xin gặp anh một lúc, dúi vội vào tay anh mấy đồng bạc gói trong miếng vải, dặn dò anh mấy câu rồi lại tất tả về nhà.

"Của trong nhà còn phải để anh con sau này lấy vợ, u không có bao nhiêu, con cầm tạm mấy đồng. Lên thành phố học chăm chỉ, sau này còn có đồng vào đồng ra"

Mấy đồng ấy là những đồng bạc đầu tiên u cho Xuân mà không hỏi trả, cũng là những đồng bạc duy nhất Xuân không bao giờ động vào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top