ItAlmostDone - I Like Mr.Bean!

 Quang chở Khánh chạy mãi, chạy mãi, qua bao nhiêu đường phố ngập ánh đèn của Nha Trang, qua những con hẻm tăm tối, qua những tòa nhà kiểu Pháp cổ xinh đẹp. Khánh run cầm cập. Nó đang dấn thân vào chỗ ma quỷ, tự nguyện, và bây giờ đang trách mình ngu ngốc làm sao. Hai đứa dần rời bỏ những khu phồn vinh của thành phố, tới những chỗ hoang vu đèo heo hút gió ở ngoại vi. Chúng băng qua những ruộng muối, những xóm nhà lụp xụp, những nhà thờ của xóm đạo, và cuối cùng dừng chân bên ngọn đồi ma quái nọ.

Khánh rút ra một lá bùa xin được ở miễu thành hoàng, lẩm bẩm vài câu. Quang bực bội:

“Nói gì đó?”

“Án ma ni bát mê hồng, án ma ni bát mê hồng…” 

Hắn lắc đầu:

“Coi Kính vạn hoa nhiều quá nhiễm rồi. Làm quái gì có ma quỷ nào! Mình chỉ cần đi một vòng qua nghĩa địa đủ để biết không có ma rồi về.”

“Nhưng rủi đâu… có ma thiệt thì sao?”

“Ma bắt mấy người yếu bóng vía thôi. Như bạn đó.”

“Hả? Thiệt vậy không?”

“Hên xui. Chừng nào bị bắt rồi sẽ biết.”

Quang bật một ngọn đèn pin leo lét lên. Thà là không thấy gì còn hơn thấy lờ mờ, chỉ được cái kích thích đầu óc giàu trí tưởng tượng của nó. Khánh không theo đạo nên những cái thánh giá cũ kỹ tua tủa khắp nơi chỉ làm nó thấy ma quái thêm. Nó và hắn đi dọc theo những hàng mộ xây không ngay ngắn và trật tự chút xíu nào. Khánh để ý thấy có những ngôi mộ cổ bằng đá xây từ thời người Pháp mới vào Khánh Hòa, đã cũ nát và nứt nhiều đường. Nó chợt lạnh xương sống khi tưởng tượng ra một cánh tay gân guốc chui ra từ mấy cái mộ đó.

Bỗng nhiên Khánh thấy lạnh gáy. Ngoài tiếng bước chân của nó và Quang, nó còn nghe thấy ai đó đang đi theo chúng. Nó tự trấn an, chắc chỉ là tưởng tượng thôi, và lầm bầm câu thần chú càng lúc càng to như thể âm điệu run rẩy của nó sẽ làm ma quỷ xót thương chăng. Quang rọi đèn khắp nơi một cách khinh mạn, hắn hối Khánh đi lẹ lên cho xong. Cái nghĩa trang kể cũng khá rộng lớn, chúng đi mãi, đi mãi lên sườn đồi mà vẫn chưa hết những dãy mồ mả, khang trang có, lụp xụp có. Có mấy ngôi mộ không đề tên tuổi gì cả, chắc là chôn trong những năm chiến tranh Việt Nam còn ác liệt. Khánh lầm bầm, ông ơi, bác ơi, chú ơi, sống khôn thác thiêng, lúc sống làm anh hùng, lúc chết đừng làm tiểu nhân mà đi lấy mạng thằng nhóc miệng còn hôi… mắm nêm. 

Nó thì thầm:

“Tới cuối nghĩa địa rồi. Không thấy gì hết! Chắc Thảo nó xạo đó! Về đi Quang.”

“Ừ. Nhớ đường ra không?”

Khánh ú ớ. 

Chợt nó nghe một tiếng khóc ré lên thảm thiết như muốn xé toạc nền trời đen thăm thẳm. Khánh hoảng hốt. Quang bình tĩnh rọi đèn. Chợt ánh sáng leo lét của hắn quét qua một nấm mộ có người ngồi trên đó.

Tính ra thì con Thảo đã tôn vinh nét đẹp của cái hình dáng đang ngồi trên mộ. Mắt của mụ lồi ra, trợn trắng, có ánh lên ánh đỏ. Máu rỉ ra từ mắt, từ mũi, từ khắp nơi trên mặt mụ. Mái tóc của mụ dài và bị gió thốc làm cho rối bù. Dáng mụ ốm đói, và tay mụ đầy móng vuốt lởm chởm, nhầy nhụa một thứ mật xanh xanh vàng vàng. Răng của mụ vàng chóe, và máu rỉ ra trên cái răng nanh sắc như răng cọp của mụ. Mụ xông tới chúng:

“Con… ta… đâu?”

Theo bản năng, Khánh bỏ chạy nhanh hết mức có thể. Nó phóng vù vù qua những dãy bia mộ, chạy điên cuồng không biết phương hướng. Cuối cùng, khi đã thấm mệt, nó ngồi phịch xuống đất, và kinh hoàng khi thấy nó chỉ có một mình. Ánh đèn của Quang mới lúc nãy nó chê là leo lét, với nó bây giờ còn quý hơn ánh mặt trời. Tiếng cú ở đâu rúc lên làm nó sợ run. Khánh rên rỉ. Tại mày hết Khánh ơi, chạy làm chi, bây giờ lạc mất Quang rồi… Nó nghe từ xa xa có tiếng gọi, “Khánh! Khánh ơi!”. Nhưng xa quá, nó làm gì biết Quang ở đâu? Quang cũng chỉ còn có một mình. Biết đâu bệnh của hắn không tái phát giữa chừng? Con ma đói khát ấy đâu có tha cho Quang chứ. Nghĩ vậy, nó bèn gượng đứng dậy và gọi to:

“Quang! Quang! Mình đây nè!”

Nó nghe tiếng trả lời vang vọng lại đâu đó. Nhưng trước khi nó kịp chạy đi, một bàn tay lạnh như nước đá đặt lên vai nó. Nó quay đầu lại và thấy gương mặt đầy máu của con ma ốm đói chỉ cách mặt nó có vài phân, đang nhe lởm chởm những cái răng nanh ra như muốn ăn tươi nuốt sống nó. 

Và thế là Khánh ngất xỉu.

Lúc tỉnh dậy, nó thấy Quang đang ngồi tướng hiệp sĩ cạnh nó, vẻ mặt hắn đầy lo lắng. Trong tay hắn là một bịch đựng chất gì trăng trắng. Nó liếm môi, thấy có vị ngòn ngọt. Ắt hẳn là nãy giờ hắn đã xúc đường đổ vào miệng nó.

“Khánh bị tuột máu nhẹ. Mình sơ cấp cứu bằng đường rồi đó. Khánh làm mình sợ quá.”

“Ừ. Tao thấy tao còn sợ nữa là.”

Cái câu trên phát ra từ sau lưng Khánh. Nó quay lại và hồn vía nó lên mây khi thấy con ma lúc nãy đang lù lù nhìn nó và Quang một cách dễ sợ. Nó á lên một tiếng. Nhưng Khánh không phải thằng ngu. Thấy hắn và con ma đểu giả cười hì hì với nhau, nó vỡ lẽ ra ngay rằng đây chỉ là một trò bịp. Nó nói lặng lẽ:

“Vậy ra… tui làm trò cười cho Quang phải không?”

Quang ngừng cười. Hắn thấy nước mắt bắt đầu lăn trên má Khánh.

“Tui biết… tui sợ ma có vẻ con nít lắm… Nhưng đó là nỗi ám ảnh của tui, là cái nét riêng của tui! Mấy người không biết tôn trọng gì tui hết! Mấy người chỉ lấy cái nỗi sợ hãi của tui ra để làm trò tiêu khiển của mấy người! Tui là cái gì, là con cúp bế cho mấy người chơi hả?”

Khánh dộng vào mũi Quang một cái, bỏ đi một cách hậm hực. Quang nhìn theo nó mãi rồi mới lên tiếng.

“Khánh ơi… để mình chở về…”

Nó hứ một tiếng thật to. Nhưng rồi nó nhớ lại nghĩa trang Hòa Lộc nằm ở ngoại vi Nha Trang, cách ký túc xá tới bảy tám cây số lận. Khánh miễn cưỡng leo lên chiếc Max II đỏ choét, còn con ma, lúc này đã hiện nguyên hình là thằng An lớp nó, lủi thủi đạp xe về. Khánh vẫn còn tức. Nó ngồi lên mà xe chưa kịp nổ máy đã nóng rồi. Quang chở nó về, không nói tiếng nào. Ắt là hắn đã thấy hối lỗi. Nhưng Khánh chưa nguôi giận. Nó lo hắn bệnh tật, gặp bất trắc giữa đường, vậy mà hắn chỉ đem nó ra làm trò chơi. Nó muốn trả đũa hắn, nhưng cái đầu nóng như lửa của nó chẳng nghĩ ra gì cả. Về tới ký túc xá, nó nằm phịch ra, không nói với Quang một câu, tránh nhìn vào ánh mắt hắn. Quang thay bộ đồ lấm lem ra, nằm xuống bên cạnh Khánh, đợi nó mở lời. Nó lườm hắn rồi lăn qua một bên. Hắn thở dài. Hai đứa đâu lưng lại nhau. Nửa giờ sau, tiếng ngáy vang khắp căn phòng. Cả Khánh lẫn Quang đều giả vờ ngủ. 

Sáng hôm sau khi Khánh thức dậy thì mặt trời đã lên quá đầu. Nó hoảng lên. Quang đã đi học rồi. Thằng chó chết! Nỡ nào mà không kêu nó dậy. Nó quýnh quáng cởi quần áo để thay bộ đồng phục vào thì thấy trong tủ có một lá thư. Nó rút ra xem. Nét chữ cứng cáp màu tím, ngay hàng thẳng lối. Nhìn là biết của Quang liền.

“Khánh à,

Mình xin lỗi nhiều nha. Mình biết mình sai rồi. Mình hứa sẽ không bao giờ làm vậy nữa. Khánh làm ơn hiểu cho, đó chỉ là một trò đùa nghịch bình thường của con trai với nhau thôi. Mình hoàn toàn không có ác ý. Khánh đừng nghĩ mình coi thường Khánh. Mình quý Khánh nhất trên đời, không ai có thể thay thế được. Đừng giận mình nha Khánh. Buồn lắm.

Tái bút: cứ ngủ đi. Mình sẽ xin cô Như Anh là bữa nay Khánh bệnh. Mình lớp trưởng mà.”

Bên dưới chữ ký của hắn là một con cáo bằng mực tím rất dễ thương mà chắc hắn đã bỏ cả đêm để tô vẽ. Hắn đặt bên cạnh lá thư một con cáo nhồi bông nho nhỏ. Đáng yêu quá hà! Nhìn mặt nó khờ khờ giống Khánh y chang. Khánh cười hì hì. Hắn làm nó thích thú ghê. Con cáo bông có gắn một tấm mạc, ghi dòng chữ “Khánh khùng, khù khờ!”. Nó rút viết ra, ghi thêm vào: “Quang quậy, quá quắt!”.

Hồi Khánh học cấp II, các thầy dạy Toán cho rằng nó chảnh. Mà cũng phải. Mấy thầy chẳng dạy được gì nhiều cho nó. Nó toàn tự học, và trình độ của mấy thầy đôi lúc không đủ để thỏa mãn cơn khát kiến thức của nó. Thầy trò chẳng mặn mà gì. Cho nên, khi tới ngày 20/11, khác với những đứa cùng lớp khăn gói về viếng thầy cô, nó chủ yếu chỉ về để thăm… ba nó. Hai cha con mấy tháng trời không gặp mặt. Nó nhớ ba nó ngày đêm cày bừa kiếm tiền nuôi nó ăn học. Gần tới ngày lễ, nó càng mong gặp lại ba nó hơn. Buổi tối trước đó, nó hăm hở sửa soạn quần áo như thể sắp đi lưu diễn toàn quốc. Quang nhìn nó lăng xăng mà mặt buồn buồn.

“Khánh đi hả?”

“Ờ. Hồi đầu năm tới giờ mình mới về. Quang… ở lại hả?”

“Mình không muốn về. Bạn đi rồi về sớm nha. Mình chờ.”

“Không đi thăm thầy cô ở quê ha?”

“Mình học dở gần chết, có thầy cô nào để ý đâu mà thăm.”

“Vậy… Quang muốn đi theo mình không?”

“Gì? Đi về Ninh Hòa với bạn hả? Thôi, phiền nhà bạn lắm!”

“Có gì đâu mà phiền. Nhà mình có ba cha con thôi, còn rộng lắm. Quang ngủ lại một hai đêm cũng được mà.”

“…Cho thiệt vậy hả? Ừ, đi thì đi.”

Vậy là nó với hắn gần như dọn sạch sẽ cái phòng bỏ vào 2 cái giỏ xách bự đùng, lếch thếch vác xuống dưới nhà. Hắn chở Khánh ra bến, leo lên xe buýt. Hai đứa lựa một chỗ ở sau lưng tài xế. Cũng hên là bắt ở bến, trước ngày 20/11 có nhiều học sinh, sinh viên từ Nha Trang về quê lắm. Mới leo lên xe, Khánh rút trong ba lô ra một xấp bịch mủ, dặn Quang nhét vào túi đi. Mặt nó đổi sang màu xanh lét rồi màu tím rịm một cách nhanh chóng. Khánh lấy tay che mũi lại, tay kia phẩy phẩy:

“Mèn đét ơi, hôi xăng quá!”

Xe lăn bánh được một lát. Khánh bụm miệng lại. Hai con mắt nó trợn trắng và bắt đầu đảo như một con mèo bị nắm cổ quay vòng vòng. Nó gào lên:

“Quang! Bịch!”

Hắn chỉ vừa mới rút ra đưa cho Khánh thì nó đã banh cái bịch ra và mửa vào đó một cái ọt. Hắn cột cái bịch lại, cho vào một cái bịch khác lớn hơn gấp đôi, rồi treo lủng lẳng trên nóc xe buýt. Không tìm đâu ra khăn giấy, hắn đưa ống tay áo cho Khánh lau miệng, rồi hỏi:

“Sao không uống thuốc trước khi đi?”

“Ư… uống thuốc rồi, nếu không về tới đó chắc cuốn mình đem chôn luôn. Bao tử lộn tùng phèo hết trơn… Aaaa…”

Nó nhìn ra ngoài cửa sổ. Xe đang chạy qua bờ biển Nha Trang. Nhà cửa, trời biển, núi đồi, cây cối như bị ai lôi giựt lùi ra phía sau lưng hai đứa, kéo thành từng sợi màu mờ nhạt hư ảo dệt nên một bức tranh thiệt dễ sợ trước mắt Khánh. Nó ngồi không vững. Quang đưa tay ra cho nó dựa. Bình thường thì nó sẽ mắc cỡ, nhưng cái mặt nó lúc này đã như cái mền rách rồi nên nó không thèm ngại. Nó nằm hẳn lên đùi hắn. Gió chiều bên ngoài thổi vô lành lạnh, nó nép nép vào người Quang như con mèo con. Hắn lấy áo khoác đắp cho nó. Người nó đã ấm hơn, nhưng rồi đầu nó tự nhiên nhức như búa bổ. Cơn đau làm nó không tài nào thả lỏng người mà ngủ được. Nó xoay đi trở lại. Rồi nó chụp hai bàn tay Quang, lấy ngón tay hắn làm động tác mát xa day day trên thái dương của nó, biểu hắn cứ làm như thế tiếp đi cho tới khi nó ngủ được thì thôi. Hắn phàn nàn, “bộ tui mọi mấy người hả”, nhưng hắn vẫn day day hai ngón tay một cách vụng về. Tới khi Khánh thiếp đi, hắn mới ngừng, rồi vỗ vỗ nhè nhẹ lên đầu nó. Hắn hát khẽ, trầm và ấm:

Не слышны в саду даже шорохи, 

Все здесь замерло до утра. 

Если б знали вы, как мне дороги 

Подмосковные вечера.

Речка движется и не движется, 

Вся из лунного серебра. 

Песня слышится и не слышится 

В эти тихие вечера.

Что ж ты, милая, смотришь искоса, 

Низко голову наклоня? 

Трудно высказать и не высказать 

Все, что на сердце у меня.

А рассвет уже все заметнее. 

Так, пожалуйста, будь добра, 

Не забудь и ты эти летние 

Подмосковные вечера.

Dịu dàng thay vườn khuya tĩnh mịch,

Đất trời đọng lại chờ bình minh.

Nếu em biết rằng anh yêu mấy

Những đêm Mát-xcơ-va thanh bình!

Dòng kênh xanh trôi dường chẳng muốn,

Trong ánh trăng ngập lối thành đô.

Đâu tiếng hát từ xa, dè dặt,

Sương thấm đầy những bước hư vô.

Em yêu sao nhìn anh như thế?

Cứ cúi đầu, ánh mắt cứ lang thang?

Lòng anh rối, óc anh nghìn ý nghĩ,

Trái tim anh đầy cảm xúc dâng tràn.

Ánh bình minh phương Đông thúc giục,

Giờ chia ly đã đến thật rồi sao?

Em ở lại. Đừng quên em nhé,

Những đêm Mát-xcơ-va năm nào.

Khánh chưa ngủ. Nó nghe Quang đang hát những ca từ xa lạ từ miền đất phương Bắc băng giá mà trong đời nó chưa một lần đặt chân đến. Ắt là vì trong người hắn cũng có dòng máu Nga nóng ấm, nên hắn hát lên những câu sao mà rung động đến lạ thường. Bài hát của dân tộc hắn. Giọng hắn trầm nhưng không khàn khàn mà ngọt ngào, uyển chuyển và chính xác. Hắn lặp lại hai câu cuối “Не забудь и ты эти летние, Подмосковные вечера!” một cách run run. Rồi nó nghe hắn tự lầm bầm với mình mấy câu mà nó không hiểu. Chợt nó nhận ra Quang lạ lẫm làm sao. Ai đã dạy hắn bài hát này? Hắn hát về ai, về cái gì? Hắn có những thứ cho riêng hắn mà Khánh không bao giờ khám phá ra được. Dù nó có ở bên cạnh hắn mọi lúc mọi nơi, hắn vẫn tạo ra được một thế giới bất khả xâm phạm của mình. 

Hay là hắn đang bị giam trong cái thế giới ấy, cô đơn và không ai chia sẻ?

Nó, Khánh, với tư cách là bạn thân của hắn, muốn đưa hắn ra khỏi cái thế giới đó.

Nhưng liệu nó đã thật là bạn thân của hắn chưa?

Quang đã ngừng hát. Hắn nhìn nó hồi lâu. Mặt hắn buồn buồn. 

Khánh mở mắt ra. Ngay lập tức Quang nở một nụ cười vội:

“Đỡ mệt chưa? Ngủ thấy khỏe liền đúng không?”

Nó lồm cồm ngồi dậy:

“Đỡ chút rồi. Nhưng đừng có quăng bịch đi nghen. Cũng hên đi buổi chiều, đi buổi trưa là mình thành con tôm luộc rồi.”

Hắn cười hì hì. Khánh thấy nụ cười của hắn, dù dễ thương cách mấy, vẫn có vẻ giả tạo nào đó. Nó nhìn vào đôi mắt nâu nhợt nhạt, và mắt hắn tránh mắt nó ngay.

“Hồi nãy Quang hát cái gì đó?”

“À, một bài hát Liên Xô. Hồi nhỏ má mình hay hát cho mình nghe.”

“Giọng Quang hay quá.”

“Cám ơn. Mình thấy mình hát cũng thường thôi. Chắc tại mình nghe nó hoài nên hát kha khá một chút.”

“Bài hát nói gì vậy Quang?”

“Nói về tình yêu.”

“Chỉ vậy thôi hả?”

“Ừ, chỉ vậy thôi. Khánh muốn gì hơn à?”

“…Quang biết yêu chưa?”

“Biết rồi.”

“Từ lúc nào?”

“Từ lúc mới lên đây.”

“Nhỏ nào vậy?”

“Để khi nào rảnh rồi mình sẽ nói Khánh nghe. Bây giờ chưa phải lúc.”

Nó ghét câu này của Quang vô cùng. Hắn cứ lôi ra nói mỗi khi có chuyện gì muốn giấu Khánh. Chỉ tổ kích thích trí tò mò của nó. 

“Người đó có đẹp không?”

“Đẹp. Nhưng mình không quý chủ yếu là cái đẹp bề ngoài của người ấy, mà là cái tài năng và tâm hồn trong sáng, vị tha và nhân hậu của người ấy.”

Khánh nhìn ra cửa sổ một cách xa xăm.

“Chắc là một cô gái tuyệt vời lắm.”

Rồi nó quay sang Quang. Nó thấy mắt hắn đang ngân ngấn nước. Kì lạ vậy? Một đứa con trai khi nói về người mình yêu thì phải cười chứ sao lại khóc? Mà khóc này không phải là kiểu khóc “vì sung sướng” mà các tiểu thuyết ba xu một lố nó hay đọc miêu tả. Rõ ràng, mắt Quang đỏ hoe, mặt hắn đanh lại một cách đau khổ và bất mãn. 

“Sao Quang khóc vậy?”

Hắn lập tức nở một cười khác, và nó khiến mặt hắn méo xệch đi một cách thảm não.

“Đâu có. Mình… đâu có khóc…”

Hắn quẹt nước mắt bằng ống tay áo lúc nãy đã đưa cho nó. Hai đứa ngồi yên lặng nghe tiếng xe chạy ồ ồ trên đường quốc lộ, ngắm hoàng hôn dần dần buông xuống. Mặt trời đỏ rực lên, rồi bầu trời tím dần, để lộ vầng trăng cuối thu vàng thắm. Sao Hôm mọc, lấp la lấp lánh ở tuốt ngoài vũ trụ như mời gọi nó. Những rặng cây khuất dần trong bóng đêm đang chụp lấy rất nhanh. Những con phố dọc quốc lộ đã lên đèn. Khánh lần đầu tiên thấy được cái thú vị của một chuyến đi đường dài: gió mát, trăng sao, những ngọn đèn và cả tiếng xe ầm ầm mà nó vốn ghét cay ghét đắng. 

Quang đã ngủ. Vẫn còn đôi giọt nước mắt đọng trên mi hắn, nhưng mặt hắn đã điềm tĩnh trở lại. Hắn ngủ mà dáng ngồi rất thẳng, không hề dựa vào nó một tí nào. 

Nó nhắm mắt lại, dựa vào vai hắn. Khánh chợt nhận ra rằng Quang mạnh mẽ làm sao.

“Ư… mấy người nặng như con heo!” Quang xoa bóp cái vai hắn. “Xuống kìa ba, xe nó chạy bây giờ!”

Hai đứa khệ nệ vác hành lý xuống và đi bộ một quãng vào trung tâm thị xã Ninh Hòa. Lúc này Khánh mới thấy quê mình đẹp làm sao: tuy rằng không rực rỡ như Nha Trang nhưng Ninh Hòa đã có những đường phố đông đúc người qua lại, những cửa hàng thời trang, điện thoại, điện tử, tạp hóa hào nhoáng lấp lánh trong ánh đèn cao áp vàng chóe. Nó dắt Quang vào một cái hẻm nhỏ tối tăm¬. Rồi nó trỏ:

“Nhà mình đây nè!”

Đó là một căn nhà nhỏ cũ kĩ cao hai tầng, có vẻ được xây từ những năm sáu mươi và được tân trang sơn phết lần cuối tối thiểu hai chục năm về trước. Cửa sổ, cửa chính đều được sơn màu xanh dương, và tường thì có lẽ từng là màu vàng. Mái lợp bằng tôn, tầng hai có một cái ban công trồng đầy dây leo, và hai cửa sổ hai bên làm cho người ta liên tưởng phía trước của căn nhà là một cái mặt đầy râu ria. Trước nhà trồng hai cây me nhỏ, lúm nhúm bên dưới là những khóm bông bìm bịp, mười giờ và mắc cỡ - những thứ bông rẻ tiền nhất trần ai. Căn nhà có một mái hiên nhỏ, bắc một cái võng giữa hai cây cột. Một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, cởi trần mặc quần đùi đang cầm viết hí hoáy gì đó trên một đống giấy tờ. Nhác thấy bóng tụi nó, ông ta vội vã chạy vô nhà và mấy giây sau trở ra, ăn mặc chỉnh tề như một vị lục sự, nghiêm trang bước ra:

“Khánh về rồi đó hả con? Ủa… ai đây?”

Hẳn là Quang thấy quê chết đi được. Hóa ra hắn là khách không mời. Hắn lúng búng:

“Ơ… dạ… con…” 

Khánh đỡ lời:

“Dạ, Quang, bạn thân của con ở trển đó ba. Tại kỳ này nó không về quê được nên con rủ nó về đây chơi. Ba cho nó ở lại hai bữa nha ba. Nha ba?”

Khánh nói hai chữ “nha ba” thiệt là ngọt, chen một chút phỉnh nịnh vô trong đó, khiến mặt ba nó đang cau có tự nhiên dãn ra thành một nụ cười toe toét. Ông nói:

“Ờ… Quang tự nhiên nha con! Hai đứa coi dẹp đồ dẹp đạc rồi xuống ăn cơm nghen bây! Ba với thằng Tâm ăn trước rồi, có chừa bây trong lồng bàn đó.”

Quang lẽo đẽo đi theo Khánh lên lầu vô trong phòng nó. Khánh nhảy cẫng lên vì vui sướng. Nó xúc động nhìn những món đồ thân quen của nó, từ cái từng cái một. Nó leo lên cái giường lò xo cũ rích (thua xa cái giường Kymdan ở ký túc xá!) nhảy cà tưng cà tưng. Nó lôi vài con gấu bông ra, ôm hôn từng con một. Rồi nó kéo hắn ngồi xuống giường nó:

“Vậy đó! Không có chi nhiều. Bạn ngồi đây chút xíu nhe Quang… mình thay đồ ra cái đã.”

Khánh mở ba lô của nó ra, và cởi phăng bộ đồ ra trước khi Quang kịp nhìn đi chỗ khác. Người nó khẳng khiu như que củi, da nó cháy nắng một nửa, và trông nó xấu hơn bình thường. Quang phì cười. Khánh gồng tay lên:

“Cười gì? Thấy con “chuột lắt” của mình chưa?”

Sau khi nó và Quang thay đồ xong (Quang một hai đòi Khánh đi ra ngoài ban công huýt gió chơi một lát) hai đứa leo xuống dưới nhà để tìm đồ ăn tối. Quang rút ra một tảng phô mai nho nhỏ.

“Có bánh mì hay gì không Khánh?”

Nó trố mắt:

“Bánh mì gì? Ăn cơm đi cha. Nếu muốn thì dằm cái cục đó ra mà ăn cơm. Gì? Cái đó là phô mai hả? Tưởng phô mai màu vàng chứ.”

Nói đoạn nó lấy mấy dĩa thức ăn trong chạn ra. Một con cá ngừ hấp, một nhúm cá cơm và một dĩa rau muống với măng tây hôi rình. Khánh giẽ giẽ con cá, chấm nước mắm, và cơm ăn lia lịa.

“Gì đâu mà… cá không vầy nè?”

Khánh lắc đầu:

“Chèn đét ơi. Dân Khánh Hòa mà không biết ăn cá là coi như xong. Ăn thịt nhiều quá mốt bị bệnh tim mạch ráng chịu à nghen! Cha! Thằng cu Tâm nay pha nước mắm ngon ghê!”

Quang nhăn nhó. Hắn cầm đũa lên và giẽ một miếng cá, chấm nước mắm, rồi run rẩy cho vô miệng. Hắn nhai cẩn thận như thể nhai đá cuội. Xong hắn nuốt một cái đánh ực.

“Sao? Ngon chớ hả?”

Hắn gắng gượng: “Ừ, ngon… nhưng mà cái mùi của nó…”

Khánh cười hì hì: “Và miếng cơm vô ăn chung là nó át mùi đi liền hà!”

Chừng năm phút sau nó đã xong bữa. Nó ngồi kế bên coi Quang lừa xương một cách khổ sở mà lòng nửa thương hại, nửa thích thú vì được dạy cho thiếu gia cách sống của người bình dân.

“Cố lên! Nuốt vô! Nuốt! Khoan, không được nuốt! Coi chừng xương! Chết bà chưa, mắc nghẹn hả? Uống nước, uống nước… Rồi, tiếp! Cha dô!”

Cuối cùng Quang cũng ăn xong. Nhìn mặt hắn Khánh biết tỏng rằng tối nay hắn sẽ ăn vụng với bất cứ thứ gì mà hắn đem theo. Đợi hắn súc miệng một cách thành kính xong, nó vừa rửa chén vừa nói:

“Lát mình đi qua nhà bạn một xíu. Quang đi theo không?”

“Đi thì đi. Có xe không?”

“Có cái xe đạp cũ. Chở mình đi. Mình chở Quang không nổi đâu.”

“Chắc tui có chở nổi mấy người mà.”

Nói vậy nhưng Quang vẫn dắt chiếc xe đạp lùn tịt màu xanh minơ của Khánh ra và chở nó trên đường phố Ninh Hòa thưa người qua lại. Hắn chở nó trên những con đường đầy ánh đèn vàng lóa mắt, tránh những chiếc xe tải thi thoảng vút qua, leo lên những cây cầu dốc ngược. Gió ngược thổi từ trước mặt làm xốn mắt Quang hay sao mà đôi lúc hắn phải lấy tay dụi dụi. Hắn thở hồng hộc, người hắn toát mồ hôi. Mùi mồ hôi của hắn không chua lè như những thằng con trai khác mà từ nhỏ tới lớn Khánh vẫn biết. Nó thơm thơm, mạnh mẽ, xộc vào mũi Khánh làm nó có một cảm giác tin tưởng và an toàn hơn bao giờ hết. Gió thổi rất mạnh như muốn hất tung hai đứa. Nhưng người Quang đã giữ lại cho Khánh một khoảng lặng gió. Khánh nép người lại trong khoảng lặng đó. Nó cảm nhận một cái gì đó dành cho Quang, rất sâu sắc và chân thành, đang cuộn trào trong lòng nó. Nó ước gì hắn là anh trai nó, để nó có một lý do mà giữ hắn lại bên đời và nhận sự bảo vệ đó của hắn mãi mãi. 

Khánh chỉ đường cho Quang tới một căn biệt thự cỡ nhỏ. Nhìn khác với nhà Khánh xa lắc: căn nhà kín cổng cao tường, ba tầng, có một khoảng sân khá rộng, đặt những chậu bonsai uốn éo đủ kiểu dọc lối đi, lại có một chiếc xích đu rất trang nhã đặt trong góc vườn, bên dưới một mái cua trồng đầy dây mồng tơi. Khánh dè dặt bấm chuông. Lát sau, một đứa con gái trạc tuổi nó bay tới:

“KHÁNH! Thằng Khánh về thiệt rồi bà con ơi!”

Lập tức, nguyên một đám còn mặc nguyên đồng phục cấp III chạy ùa ra. 

“A a a a… Cho tao đụng mày cái coi Khánh! Nhớ quá à!”

“Hu hu… mày đi đâu mà tới bây giờ mới về hả Khánh!”

Có đứa chỉ ôm nó mà khóc.

Quang bối rối trước cảnh đoàn tụ này. Hắn thấy lạc lõng thế nào ấy trong cái thế giới của Khánh. Cái thế giới của một người mà hắn đã cho là rất đỗi gần gũi giờ quá xa lạ. Hắn nhìn từng gương mặt không quen: hân hoan có, buồn tủi có, tất cả đều chỉ dồn vào Khánh. Cả Khánh cũng xám dần trước mắt hắn. Hắn thấy mình không thuộc về nơi này.

“Thôi! Thôi!” Khánh cười toe toét. “Ôm hun nhiêu đó đủ rồi bây ơi. Giới thiệu với bây,” nó mỉm cười với Quang và cầm tay hắn, “BFF của tao ở Nha Trang!”

Cả một đám sững sờ. Mấy thằng con trai quay mặt đi chỗ khác. Mấy đứa con gái nhìn nó chăm chăm một cách kỳ lạ. Rồi cả bọn nhìn Quang làm hắn đổ mồ hôi hột. Chúng chụm đầu vào nhau, xì xầm rõ to:

“Sao mà thằng Khánh nó mới đi ba tháng mà đổ đốn thấy ghê vậy?”

“Ai biết. Trời ơi tao không ngờ luôn đó.”

“Dám dắt trai về ra mắt mấy má nữa.”

Cuối cùng một thằng con trai đại diện ra phát biểu. Nó tằng hắng một cái rõ to, vỗ lên vai Khánh một cái bộp, khoanh tay lại và nhịp giò:

“Khánh à, tụi tao xưa nay coi mày như là bạn. Tụi tao hiểu, đó giờ mày vẫn còn trong sáng ngây thơ, chưa biết yêu, cho nên mày gặp một người là lạ, hay hay thì mày tưởng rằng mày thích người đó, tao hiểu. Tụi tao cũng hoàn toàn thông cảm nếu như giới tính của mày có hơi khác với tụi tao một chút. Nhưng mà dắt bạn trai về đây để khoe với tụi tao thì thiệt là…”

“Cái gì?” Thằng Khánh nhảy dựng lên. “Bạn trai hồi nào? Tụi bay có bị điên không? Tao… tao mà…”

Nó nhận ra Quang chỉ cách nó có vài phân, và vội vàng xê ra một cách dè chừng. Quang sượng chín người. Hắn ước gì có cái lỗ nào dưới mà chui xuống cho rồi.

Một đứa con gái phân trần:

“Thì… mày nói cái anh đó là BF của mày đó. BF không phải boy friend thì là gì?”

Khánh bụm miệng. Rồi nó cười sằng sặc:

“Trời ơi, bây lãng tai hết rồi! Tao nói BFF, là Best Friend Forever đó mấy cha mấy má! Quê quá đi! Coi Disney tối ngày mà không biết.”

“Thiệt không?” Thằng con trai hồi nãy mới hùng hồn lên tiếng hỏi lại, đầy nghi hoặc. “Hay là mày thấy tụi tao làm dữ nên tính lấp liếm cho qua chuyện? Nè, không được xạo tụi tao nghe chưa. Tụi tao là bạn mày, dù mày có như thế nào tụi tao cũng thương mày hết á. Nói thiệt đi, anh đó có phải bạn trai mày không?”

Nó đỏ mặt:

“Anh đâu mà anh! Nó lớp 10 đó. Mà tụi bay đừng có nói nhảm nữa được không. Nó ngại rồi kìa.”

Nó đưa mắt nhìn Quang đang đứng như trời trồng nãy giờ, mắt dán xuống đôi giày như thể nếu ngước lên sẽ bị đánh chăng.

“Vậy hả? Xin lỗi nha.” Một đứa con trai khác bắt tay Quang “Tụi này là Đường, Minh, Hoàng, Dương, Quý, Phi. Bạn tên gì?”

Quang nói lí nhí: “Mình tên Quang.”

“Bạn thân với Khánh lắm hả?”

“Ờ… cũng có…”

“Có thì có, không thì không. Cũng có tức là nửa không nửa có hả?”

“Thôi, bây kì quá!” Khánh kéo Quang ra. “Giờ giải thích cho tao nghe coi, tao hẹn có mình con Quý mà sao nguyên lũ tụi bây kéo tới làm tao không kịp chuẩn bị tinh thần vậy hả?” Nó cười toe toét một cách vô tư.

“Ờ, tụi tao đã chuẩn bị tiệc tùng đãi mày rồi nè. Vô đi! Lát hát bài Chàng trai tháng 12 cho tụi tao nghe nhe! Lâu quá không nghe mày gào, nhớ rồi!”

Và cái băng Đường Minh Hoàng – Dương Quý Phi lôi Khánh vào bên trong biệt thự. Bọn chúng đã không nói quá về chuyện tiệc tùng. Một cái bàn tròn có trải khăn nhựa Thái rất đẹp để đầy ứ đồ ăn ở trên đó, lại thêm một cây đèn cầy cao cẳng cầu kì ở giữa. Chúng nhanh chóng ngồi xuống, và nằng nặc ép Khánh ngồi kế bên Quang “cho tụi tao ngắm cặp tình nhân mới thêm một chút”. Khánh cầm cái đũa dứ dứ lên. Nó gào to:

“Nhập tiệc!”

Và bắt đầu vục mỏ ăn. Chắc bao tử thằng này không có đáy, nó mới ăn cơm xong mà đã đá hết món này sang món kia một cách nhanh gọn. 

Quang, mặc dù vẫn còn đói sau bữa cơm hồi nãy, chỉ ăn như một con mèo. Hắn dỏng tai lên nghe ngóng xem bạn bè Khánh hỏi nó cái gì, có liên quan chi tới hắn không.

“Khánh, lên trển mày học được không?”

Nó nuốt miếng lạp xưởng một cái đánh ực rồi đáp:

“Được chứ. Cô Như Anh khen tao giỏi.”

“Hì hì tao biết mày giỏi lắm mà. Lên đó mày ở với ai?”

“Ở ký túc xá.” Khánh bắt đầu với tay tới món mực chiên.

“Bộ ở một mình hả, sướng quá vậy?”

Nó lấy cùi chỏ thục thục về hướng Quang vì tay nó đã mắc cầm con mực chấm vô tương xí muội.

“Ở chung với thằng Quang đó.”

“Thiệt hả? Rồi tối mày có làm gì nó không?”

“Làm gì nó là làm gì? À, có bữa tao vớt nó từ dưới sàn nhà lên. Nó ngủ lăn thấy ghê lắm.”

“Thiệt tình là không làm gì hết trơn hả?”

“Ủa chứ bây muốn tao làm gì?” Khánh tròn xoe mắt nhìn, miệng nó ngậm một muỗng đầy súp.

“Ờ, không có thì thôi.”

Trong khi đội Đường Minh Hoàng phỏng vấn Khánh thì nhóm Dương Quý Phi tấn công Quang:

“Bạn học chung lớp với Khánh hả?”

“Ừm. Khánh giúp mình học nhiều lắm.”

“Bạn nói bạn thân với thằng Khánh. Thân là thân tới mức nào?”

Quang không biết trả lời làm sao, đành nhún vai. Đám con gái này hỏi kỳ cục quá!

“Bạn cao quá hà. Hâm mộ bạn ghê!”

“Chắc tại mình uống sữa nhiều.” Quang giấu chuyện nó lớn hơn Khánh một tuổi và dòng máu lai của hắn, sợ bọn con gái này sẽ có cái mà xoi mói thêm.

Chỉ mình Khánh ăn thiệt tình, còn bọn kia chẳng tha thiết gì tới ăn uống, chỉ đặt cho hai đứa hết câu hỏi ngớ ngẩn này đến câu hỏi nhảm nhí khác. Chừng mười phút sau, nó đứng dậy, xoa bụng:

“Chà, no quá, phải quậy cho tiêu bớt!”

“Đúng rồi Khánh! Hát đi! Hát đi!”

Chúng đứng dậy, bỏ cái bàn tiệc chưa dọn dẹp ở đó, và lục tục kéo về phòng khách của biệt thự. Không thấy bóng người lớn trong nhà. Chắc là ba mẹ con Quý nào trong đám này đã đi chơi để mặc cho con cái ở nhà làm loạn. Quang thấy trong phòng khách được thắp sáng mờ mờ bằng một chùm đèn pha lê, có một cái ghế sô-fa màu tím hoa tử đinh hương rất sang trọng, một cái ti vi cỡ năm chục inch, một dàn loa surround hết xẩy và một cái máy karaoké sáu số hiệu Arirang. Hắn nhếch mép. 

“Đề nghị Khánh hát bài Chàng trai tháng 12!”

Kèm theo đó là một tràng vỗ tay rần rần. Khánh cười toét miệng. Nó cầm mic lên, uốn éo một cách kì lạ, và sau khi đoạn nhạc dạo đã qua, nó bắt đầu hét:

“Nà nà na na nà ná…”

Vừa hát, nó vừa lắc hông một cách điên cuồng, chân nó dậm muốn sập nhà, và nó bắt đầu đi giựt lùi kiểu Moonwalk.

“Anh yêu có biết? Từng đêm xuống một mình em nhớ lắm!”

Cả một đám cười rần rần. 

Quang thấy hình ảnh của Khánh nhạt nhòa dần trong mắt hắn. Cả những tiếng cười, ánh đèn vàng mờ mờ, tiếng nhạc… đều làm hắn thấy xa lạ và muốn bệnh. Khi ở bên những người bạn cũ của nó, Khánh khác nhiều quá. Phương trình về Khánh đã tìm ra delta, chỉ cần hắn ráp vào sẽ ra nghiệm. Nhưng hắn không muốn giải được phương trình đó nữa. Hắn sợ trong miền nghiệm đó không có hắn.

Quang đưa Khánh về. Cả hai đều rã rời, Khánh thì do phấn khích, Quang thì do mệt mỏi. Hắn lặng lẽ theo nó về căn phòng trên gác thượng. Hắn nằm vật xuống, không giăng mùng giăng màn gì hết, cứ vậy nằm ngủ luôn. Khánh thay đồ ra, mặc mỗi chiếc quần đùi. Ở ký túc xá có máy lạnh nên nó không dám ăn mặc phong phanh mà ngủ, nhưng ở nhà nó nóng gần chết, nó ngủ mặc áo không được. Nó thấy Quang đổ mồ hôi, liền nhè nhẹ cởi áo bạn ra rồi treo lên. Cái giường vốn chỉ có mình nó ngủ, nay thêm thằng Quang lớn con, nó phải nằm sát hắn lắm mới đủ chỗ. Nghĩ ngợi một lát về mấy chuyện vẩn vơ, nó thiếp đi lúc nào không hay. 

Lúc Quang thức dậy, trời vẫn còn khuya. Hắn nhận ra Khánh và hắn đang… ở trần. Hắn vội vàng mò trong bóng tối để mặc áo vào, và nằm xuống trở lại bên cạnh nó. Cái gì đâu mà nằm sát rạt vậy hà. Bình thường ở ký túc xá hai đứa ngủ cách nhau cả mét là ít. Bây giờ nó đang ngáy pho pho bên cạnh hắn. Hì hì, cái mặt nó nhìn y chang… con cáo. Mũi nhọn, mắt xếch, miệng nhỏ, không phải cáo thì là hồ ly. Quang cười, tự thích thú với cái liên tưởng của mình. Thật dễ chịu làm sao khi chỉ có hai đứa, không có ai khác quấy rầy, không có những kẻ từ trong quá khứ chui ra và làm thay đổi cách nhìn của hắn về Khánh. Nhưng rồi hắn chạnh lòng. Đó mới thật sự là Khánh. Khánh đã sống mười lăm năm hoàn toàn không có hắn. Hắn là ai mà đòi nó phải thế này, thế kia cho vừa lòng hắn? Quang thở dài. Có lẽ hắn đã hơi nóng vội…

Hắn thấy ngủ trở lại không được, bèn ngồi dậy, mò ra ban công phía sau. Trăng lúc này đã lặn dần dần về phía tây. Xa xa về phía đại dương có một vầng hồng nhè nhẹ và dịu dàng. Thỉnh thoảng có một cánh chim quác lên giữa màn đêm. Tiếng ếch kêu trong sương nghe bình thản biết bao. Hắn hít một hơi, cố làm tâm hồn mình dịu đi đôi chút. Rồi hắn ngồi xuống thềm. Bỗng có một bàn tay đặt lên vai hắn.

“Quang dậy sớm ghê ta.” Khánh ngáp.

“Ừ. Khánh mặc áo vô đi, để lạnh.”

“Lạnh iếc gì. Con trai ở trần là chuyện thường. Hôm qua Quang đi ngủ không thay đồ ra luôn. Hư quá đi nghen.” Nó mỉm cười, giựt giựt bâu áo Quang.

“Vậy hôm qua mấy người cởi áo tui hả? Lợi dụng nhe. Tui kiện à?”

“Chắc em có thèm mà đại ca.”

Hai đứa phá ra cười. Nói xong Khánh hắt xì. Nó đứng dậy lục đục đi kiếm cái gì đó, rồi lát sau trở dậy và lột áo Quang không thương tiếc:

“Cha nội, cha mặc lộn áo tui rồi! Nè, áo của mấy người nè!”

Hắn đỏ rần cả mặt. Hèn chi cái áo chật nức.

“Quang nè… mình xin lỗi vụ hồi chiều nha.”

“Xin lỗi gì chớ?”

“Mấy đứa bạn mình vô duyên quá… nói gì đâu không hà… Bình thường tụi nó không có vậy đâu. Quang bỏ qua cho tụi nó đi ha.”

“…Ừ, tụi nó nói cũng đúng mà.”

“Đúng là đúng làm sao?”

“Mình... phải chi mà… Khánh hiểu không…”

“Hiểu.”

“Hiểu thiệt hả?”

“Ừ.”

“Đâu hiểu sao, nói nghe coi.”

“Bạn thích mình lắm hả?”

“Ừm.”

“Mình cũng thích bạn lắm Quang à. Bạn dễ thương và tử tế với mình ghê.”

“Cám ơn Khánh.”

“Vậy để đáp lại, mai mình sẽ tìm cho bạn một cô bạn gái! Ở Ninh Hòa gái đẹp nhiều lắm! Cao lớn trắng trẻo như bạn lo gì không kiếm được một em để tối tối nhắn tin. Để mình lục lại danh bạ coi…”

Quang lại nhếch mép.

“Xuống ăn sáng đi Quang.”

“Hmmm… lâu lâu cả nhà bạn mới có dịp để dùng bữa với nhau. Mình chen vô thấy hơi kỳ.”

“Không sao, ba mình ăn lẹ để đi làm rồi, còn thằng Tâm với tụi mình thôi. Xuống lẹ lên. Đói ráng chịu.”

Nói đoạn Khánh xô hắn xuống nhà. Một thằng bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đang xì xụp ngồi ăn một tô mì tôm trụng giá hẹ. Khánh kéo ghế ra, ngồi xuống.

“Phần của anh Hai đâu Tâm?” Nó vui vẻ hỏi.

Thằng bé lặng lẽ ngồi dậy giở lồng bàn lên, đưa cho Khánh một tô mì đầy ứ thịt cá rau củ, nhìn bắt thèm. Khánh hít hà. “Coi mòi ngon quá ta! Ủa… còn của anh Quang đâu em?”

Tâm ngẩng mặt lên nhìn Quang. Đôi mắt của nó làm hắn lạnh xương sống. Ánh mắt sắc lạnh và khắc khổ của nó khiến hắn liên tưởng tới con chó sói đói khát. Nó chỉ một ngón tay lên cái chạn thức ăn, và rồi lại cắm cúi với tô mì của nó, ra điều bất cần. Anh em nhà thằng này ăn uống y hệt nhau. Chỉ khác là Khánh ăn chăm chắm một cách ngon lành, còn thằng em hầm hố của nó thì ăn như trả thù đồ ăn vậy. 

Quang đành mở chạn ra kiếm gói mì lót dạ. Khánh vừa cầm đũa lên, thấy hắn phải làm vậy, trừng mắt nhìn thằng em một cái, xong vội vàng chạy tới phụ hắn nấu gói mì. Khi mì đã nở, nó gắp rau thịt qua cho hắn. Thằng Tâm nhìn tất cả với một ánh mắt khó chịu. Nó lấy muỗng vét từng sợi mì, và sau đó bưng tô lên và uống cạn nước không còn một giọt. Xong nó bỏ đi. Khánh nhìn theo một cách dè dặt.

“Cái thằng kì quá… mình phải rầy nó mới được.”

Quang chặn nó lại:

“Thôi khỏi đi… chắc em bạn nó ngại mình người lạ đó mà.”

Khánh gắp từ tô của nó qua tô của Quang một miếng thịt bự đùng:

“Bạn ăn đi. Hôm qua bạn ăn ít quá. Mình no mà.”

Quang gắp trở lại:

“Không, của Khánh mà. Ăn đi. Ăn đi để thằng Tâm nó trừng mình nữa.”

Khánh gắp trở qua:

“Thôi bạn đừng có để ý tới cái thằng khùng đó. Đói thì ăn đi.”

Quang gắp miếng thịt lên, nheo mắt:

“Thôi… đá qua đá lại hoài, cục thịt nó buồn.”

Và hắn ăn ngốn ngấu. Khánh nhìn Quang, bất giác mỉm cười.

Sau khi ăn xong bữa và dọn dẹp, nó kéo hắn ra phía sau nhà nó. Hai đứa ngồi xuống thềm, trông ra một khu vườn khá rộng và trơ trọi. Dưới đất chỉ có cỏ dại mọc thành từng cụm cao nửa thân người. Trong góc vườn có một cây me tây rất cao, có lẽ cao khoảng ba chục mét. Chắc bộ rễ sâu và rộng của nó đã hút hết nước, không cho những cây cối khác mọc nổi trong vườn chăng. Trên một nhánh lớn của cây me tây, có một cái bánh xe được cột lên bằng hai sợi dây dù tạo thành một cái xích đu rẻ tiền đang đung đưa trong làn gió thu. Trời âm u. Mây đen che kín mặt trời. Từ xa xa, một cơn gió xoáy thổi tới, cuốn bụi theo nó thành một cơn lốc hữu hình, hất vào mặt hai đứa.

Một hạt bụi rơi vào mắt Quang. Xốn quá. Hắn dụi mãi, dụi mãi mà không ra. Nước mắt chảy thành một dòng trên mặt hắn. Khánh hỏi:

“Có sao không Quang?”

Vẫn đang dụi, hắn trả lời:

“À… không… bụi thôi mà…”

Khánh giật tay Quang: “Đừng có dụi nữa!” Nó căng mắt hắn ra và thổi thổi vài hơi vào đó. 

“Dễ chịu rồi. Cám ơn nha Khánh.”

Bỗng nó nhìn trân trân.

“Mắt của Quang…”

“Mắt mình sao?”

Nó vẫn nhìn vào đôi mắt ấy. Nó nhớ rằng mắt của Quang mà nó biết chỉ có một màu nâu nhợt nhạt. Nhưng đôi mắt này trong vắt, lấp lánh và xanh biêng biếc. Xanh như màu xanh của biển vào một buổi trưa hè. Quang chớp chớp. Trong phút chốc, Khánh thấy cậu bạn của nó đẹp trai làm sao. Rồi nó ngượng ngùng nhìn đi chỗ khác, sợ nhìn hoài thành ra khiếm nhã. 

Quang đã hiểu ra. Hắn mò mò dưới đất:

“Trời ơi… cái kính áp tròng của mình rơi đâu mất tiêu rồi… Kiếm phụ mình đi Khánh.”

Khánh dè dặt hỏi:

“Quang có cận không?”

“Không.”

“Vậy đeo làm chi?”

“Mắt mình… mắt mình màu xanh… phải đeo nó để đổi sang màu nâu…”

“Đâu cần làm vậy. Mắt Quang đẹp lắm mà.”

“Đẹp hả…”

Mặt Quang buồn buồn. Hắn nhìn về phía tây xa xăm mờ mịt đang nổ sấm đùng đùng như muốn xé toang bầu trời.

“Hồi mình mới ở Nga về, má mình bận túi bụi, phải gửi đi nhà trẻ. Mấy đứa khác lúc nào cũng xa lánh mình. Tụi nó nói: thằng bự con da trắng mắt xanh đó là yêu quái đó, đừng lại gần chơi để nó ăn thịt à. Mình nghe những lời đó mà muốn khóc. Rồi mỗi khi mình ra đường, tụi trẻ con trong xóm lại trêu ghẹo mình, có đứa ném đá mình nữa. Tụi nó nói: ‘Ê! Thằng Ba Tây đi đâu qua đây? Khôn hồn thì xéo về cái xứ của mày nghe chưa?”. Rồi tụi nó thốt ra những tràng cười, những lời chế nhạo độc ác… Ít lâu sau, mình nghe nói rằng có thể thay màu mắt bằng kính áp tròng, mình liền năn nỉ mẹ cho đeo. Bạn biết… kính áp tròng lúc đó vốn đắt, kính màu lại còn đắt gấp ba bốn lần. Đã vậy còn phải thêm dung dịch rửa mắt, thuốc nhỏ mắt… Mà nhà mình khi đó còn nghèo…”

Khánh thở dài. Nó vớ được cái tròng kính tí nị của Quang đâu đó dưới đất. Nhưng nghĩ thế nào mà nó len lén bóp nát cái thấu kính ra thành từng mảnh vụn.

“Bạn đừng đeo nữa Quang. Mắt bạn rất đẹp. Không phải ai cũng có được đôi mắt này đâu. Đừng để những kẻ tầm thường chế giễu vì bạn khác biệt. Bạn hãy cứ là chính mình đi. Dù bạn có như thế nào, mình cũng vẫn quý bạn hết.”

“Thiệt không?”

“Thiệt mà.”

Trời gầm một tiếng thiệt to. Rồi con mưa bắt đầu đổ xuống như trút nước. Hắn choàng tay qua gáy Khánh, vỗ vỗ vai nó. Nó cười hì hì, đưa tay hứng nước mưa hất hất vô mặt hắn: “A! Mát ghê hén!”.

Quang lại cười nhếch mép. Đôi mắt xanh của hắn lấp lánh. Mặt trời đã khuất sau làn mây, vậy từ đâu lại có ánh nắng lấp lánh trong đôi mắt ấy?

Khi hai đứa quay lại trường vào ngày thứ hai hôm sau, Quang trở thành tâm điểm của sự chú ý. Ai cũng nhìn hắn chòng chọc như một con thú lạ. Có đứa xì xầm: “Cha chả! Bữa nay lớp trưởng điệu dữ ta. Đeo kính áp tròng màu nữa! Đó thấy hông, bữa nay mắt nó xanh lè kìa!”. Mấy thằng con trai vỗ vai Quang bộp bộp, nói bữa nay đại ca diện ghê ta. Quang không nói lời nào. Có lẽ hắn đã đoán trước rằng sự khác biệt của mình sẽ không được hoan nghênh. Nên hắn mặc kệ. Hắn gần như gác lại mọi mối quan hệ bạn bè khác, chỉ chơi với mình Khánh. Nhưng Khánh thì lại có rất nhiều bạn. Nên đôi lúc nó bỏ Quang lại một mình trong căn phòng ký túc xá. Nó cứ vô tư, cứ sống hết mình, nên nó không nhận ra Quang càng ngày càng cô đơn. Hắn lao đầu vào học, học như để cho quên cái nỗi cô đơn đó. Nhưng không hiểu sao dù hắn cố gắng cách mấy, trừ môn tiếng Anh và tiếng Pháp ra, Quang vẫn là một học sinh đứng hàng bét lớp. 

Bởi vậy nên khi cô Như Anh thông báo kỳ thi học kỳ đang tới gần, Quang lẩm bẩm:

“Chết con rồi má ơi.”

Hắn ngồi vò đầu giải một phương trình lượng giác đầy căn. Còn Khánh, vốn đã “biết hết ráo rồi!” nên nó rất tỉnh. 

“Sao không ôn bài đi Khánh?” Quang tức tối.

“Ôn gì bây giờ?”

Hắn bực dọc:

“Mệt ghê. Mấy người giỏi quá nên mấy người đâu hiểu cái nỗi khổ của thằng học ngu như tui. Ôn Lý Hóa, Văn Anh văn, Sử Địa gì chưa?”

“Dạ xong hết rồi đại ca mắt xanh.”

Không biết vô tình hay cố ý mà hắn giũ mực viết một đường lên mặt Khánh. 

“Vậy nín đi. Để cho tui ôn bài!”

Nhưng rồi lát sau hắn lại tức tối quăng viết. Khỉ họ! Cái lớp thiên tài này đều ôn bài xong hết rồi. Nên bây giờ mặc dù cô Như Anh ngồi trơ trơ ra đó, lâu lâu nhịp thước nhắc: “Lớp Lý kế bên còn học nha mấy em!” bốn mươi mấy cái miệng vẫn châu vào nhau mà nói như bắn súng liên thanh. Quang thở dài khi thấy Khánh đang bị bao vây bởi nguyên một đám con gái… hoặc đúng ra nó là tâm điểm chú ý của đám con gái đó. Nó đang diễn thuyết về một vấn đề văn học mà hắn chẳng hiểu gì cả. Hắn hoảng lên:

“Kiểu này mình thi không được rồi. Làm sao đây? Mấy môn kia mình cũng chưa học gì hết.”

Khánh có ở đó đâu mà nghe hắn than vãn. Nó đang mắc tán hươu tán vượn với tụi con Tuyền kia kìa. Hắn thở dài. Toán khó quá, thôi giở Văn ra học. Hắn lầm bầm: “Nguyễn Du khóc thương cho số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh…” Rồi hắn bực dọc quăng luôn cuốn tập: “Mình còn bi đát gấp trăm lần con mắm Thanh kia, sao ổng không khóc mình đi?”

Chiều hôm đó, Quang trông như thể mới bị trấn nước, đi lếch thếch trong phòng, tay trái cầm tờ đề cương, tay phải chống sau lưng như ông già, hai tai nhét bông gòn, miệng lẩm bẩm như thằng điên. Tới chừng bảy giờ tối, hắn nằm vật ra, lầm bầm mấy lời nguyền rủa bằng tiếng Nga. Rồi hắn kéo đờn cò.

Tới mười một giờ Khánh mới về, mệt mỏi nhưng hoàn toàn vui vẻ. Nó mới ở phòng cô Như Anh về, oánh ca rô, cờ tướng, cờ vua, đô mi nô, cá ngựa, bài cào, tứ sắc, tiến lên, xì dách, kách tê, binh xập xám... đủ các loại với cô giáo và chừng chục đứa khác trong lớp. Tâm trạng nó phấn chấn đến nỗi nổi quạu ngay khi thấy Quang đang nằm ngáy say sưa, miệng chảy nước dãi, chân còn mang giày, hai tay quạc ra như đại bàng sải cánh. Nó gào:

“Dậy! Quang, dậy!”

Hắn lăn qua một cái, duỗi duỗi cái giò, văng một chiếc giày vô mặt Khánh cái bốp. Nó điên tiết lên, nắm đầu Quang đập vô cạnh giường. Quang đã hơi hơi tỉnh. Hắn thấy cả ngàn ông sao đang nhảy múa trước mặt:

“Ủa Khánh hả. Sao giờ mới về?”

Nó không nói không rằng, chỉ cái dấu giày to tướng trên mặt. Quang cười hì hì:

“Xin lỗi nha. Tại mình học mệt quá. Mấy cái điên rồ mà chị Văn cho chép mình chả hiểu gì cả.”

“Xì. Chứ mình có hiểu à.”

“Vậy làm sao bạn học thuộc được mấy thứ đó.”

“Rất đơn giản,” Khánh nói với điệu bộ của một nhà hùng biện lão luyện, “không hiểu thì đừng có học.”

“Cái gì?” hắn trợn mắt. “Không học lấy gì thi?”

“Quang thi là để được điểm cao phải không?”

“Đương nhiên, ai đi thi mà không vậy.”

“Rồi sau đó?”

“Sau đó tức là sao?”

“Mấy thứ Quang học được sau đó có xài gì không?”

“Mình không biết.” Hắn nói một cách thật thà. “Mấy cái sử thi Đăm Săn mình chẳng thấy nhớ gì ngoài việc nó rất là man di mọi rợ thôi. Cái truyện Tấm Cám mà hồi ở Nga má mình kể cho nghe hay hơn trong cuốn sách giáo khoa này nhiều: học xong mình xét ra cái thế giới đó chẳng có ai là tốt cả: mụ dì ghẻ và con Cám thì vừa mê trai vừa hay đố kỵ, ông vua thì háo sắc tới nỗi thấy giày đẹp là chắc mẻm người cũng đẹp, còn Tấm thì sau những lần bị vùi dập đã tha hóa về mặt đạo đức tới nỗi sử dụng những cách trả thù còn tàn bạo hơn mẹ con dì ghẻ gấp bội. Mấy cái bài thơ như cái bài của Phạm Ngũ Lão thì mình dám phán một câu: đây là những dòng của một tên tướng ngây ngốc chưa biết khổ ải chiến tranh mà lại ham hố dám đòi ngang tầm với Khổng Minh, hoặc giả có biết rồi thì lại là một kẻ khát máu, chỉ thích lấy chiến tranh đổ máu để thể hiện mình. Thiệt tình mình đọc xong mà muốn quăng cuốn sách luôn à. Mấy bài thơ của Nguyễn Trãi thì có ý và hình ảnh khá, nhưng cái nghệ thuật lúc bấy giờ còn thô quá, mình nghe thấy chẳng hay ho gì mà vẫn phải hết lời khen ngợi. Bài Độc Tiểu Thanh ký viết bằng chữ Hán, dịch ra nghe không hay lắm, mà mình phải bảo rằng nghệ thuật thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã đạt đến trình độ điêu luyện. Khỉ, mình chỉ biết tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh thôi chứ có biết tiếng Hán đâu! Biểu chứng minh là mình ngọng liền: ông ta xài mấy chữ Hán lạ hoắc. Nhưng tức một cái là những bài hay nhất như 2 bài của Lý Bạch và Đỗ Phủ hay bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại không cho thi. Mình phải lôi tập vở ra, đọc thuộc những tác phẩm mà mình ghét cay ghét đắng, xong tụng lại xem chị Văn đã ca ngợi tác giả như thế nào để liệu mà chép lại trong cái mà chị í gọi là “tập làm văn”. Những bài viết dở ẹc, không biết liên kết, văn chương thô thiển mà nhắc lại đúng những gì chị í cho chép và viết cho dài lê thê ra thì nói rằng “đúng ý và biết cách diễn đạt” và cho tám chín điểm. Còn mình viết rằng Nguyễn Trãi để câu cuối của bài Cảnh ngày hè có 6 chữ nghe rất trớt, bả gạch một đường đỏ hoét, ghi “không hiểu bài” và cho có bốn điểm. Hứ! Đó gọi là môn Văn!”

“Mình hiểu.” Khánh tỏ vẻ thông cảm. “Đó là hậu quả của lối học từ chương của Nho giáo đã bám rễ sâu rộng trong tâm tưởng của giáo dục nước ta từ đời nhà Trần, nhà Lê tới bây giờ. Thực ra đó là đi ngược lại hoàn toàn với ý nghĩa thực sự của Văn học. Môn Văn thuần túy là gì? Đó là cảm nhận cái đẹp của tâm hồn thông qua ngôn ngữ. Nếu không đạt được cái cảm nhận đó trong môn Văn thì Quang sẽ chỉ phí phạm thì giờ quý báu một cách vô ích. Thế nào mới là học hiệu quả? Như vầy: cùng một tác phẩm là tuyệt tác Truyện Kiều, một kẻ học vẹt sẽ ngồi giở cuốn tập ghi chú những lời giảng văn của thầy cô ra và học thuộc những đoạn thơ mà thầy cô cho rằng hay, nhắc đến, và học những lời lẽ mà thầy cô đã soạn ra. Còn người biết cách học văn sẽ làm gì? Họ sẽ đọc hết truyện Kiều từ đầu tới cuối, tự nắm lấy cốt truyện mà không cần đọc tóm tắt, đọc chậm rãi để cảm nhận cái vần điệu, cái tính giàu hình ảnh, những cảm xúc mà tác giả miêu tả, và lần lần nắm bắt mạch tư tưởng của tác giả, để thở một chút cái không khí của thời đại mà tác giả sinh sống ; sau đó mới đọc những nhận xét của thầy cô về nội dung và nghệ thuật để xem mình đã hiểu xác đáng chưa. Truyện Kiều sẽ bắt rễ vào trong họ: họ có được những vui thú trong tâm hồn khi đọc và nhớ tác phẩm – nhớ một cách tự nguyện – và những gì tác giả muốn nói sẽ được họ đúc kết lại trong tim, trở thành kim chỉ nam cho cách sống của họ. Tất nhiên, họ không làm được bài tập làm văn, nhưng họ đã học được những thứ bổ ích hơn việc làm một bài tập làm văn rất nhiều. Sau này, những người thi khối C hoặc khối D có ít khi phải viết một bản phân tích truyện Kiều lắm! Ví dụ như khi họ làm báo hoặc viết văn, họ đâu thể nào bê nguyên xi ra : “Trong đoạn trích Trao duyên Kiều đã thể hiện nỗi đau đớn qua những câu sau: “Chị dù thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Kiều nghĩ đến cái chết vì cho rằng không có tình yêu thì sống cũng như chết.” v.v… những thứ đó quá dài để đưa vào khuôn khổ một bài báo! Họ sẽ phải viết rất ngắn gọn những gì mà chính bản thân mình đúc kết được từ tác phẩm để nó có sức thuyết phục cao và chính xác trong tình huống. Vì vậy mình mới nói, học thuộc lòng những phần giảng văn này là vô dụng! Quang cứ việc đọc và cảm thụ tác phẩm đi. Sau này sẽ có lúc Quang thấy có ích đó. Nói một cách khách quan, cuốn sách giáo khoa Văn chẳng làm được bao nhiêu cho mình cả. Văn học Việt Nam nhìn chung chưa phát triển bằng một số nền văn học khác như Trung Hoa, Pháp, Nga, chưa có những thời kỳ hoàng kim với những tác phẩm vượt biên giới để đến với nhân loại, các tác phẩm lớn chủ yếu được viết vào thời Lê và thời Trịnh-Nguyễn vốn chưa đạt bề dày nghệ thuật xuất sắc, thêm nữa bây giờ một phần tư tưởng của chúng đã trở nên lỗi thời! Mà sách giáo khoa thì ưa bới những tác phẩm mà họ cho là tiêu biểu ra, bắt mình học và khen. Ví dụ, hồi lớp 9, các tác phẩm được dạy là vào nửa sau thế kỷ 20 với các tác giả tiêu biểu mà sách giáo khoa như Huy Cận, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Chính Hữu, Tố Hữu, Hữu Thỉnh, Chế Lan Viên… Nhưng có lẽ vì lý do nào đó mà Y Phương cũng được đưa vào hàng các tác giả này và một tác phẩm kì quặc tới mức ngây ngô được đem vào dạy, cái bài Nói với con khét tiếng ấy. Văn học nước ngoài bị xem nhẹ là vì tác phẩm dịch dù thế nào đi nữa cũng không thể hay bằng nguyên bản, nhưng việc cứ lâu lâu chọt một tác phẩm văn học nước ngoài vào sẽ làm cho học sinh bị mất tính hệ thống đối với văn học thế giới. Trong một nền giáo dục mà môn Văn kém phát triển như vậy, nếu Quang không tự đưa ra được cho mình một cách học hiệu quả, lấy thực chất, thì mười hai năm phổ thông của Quang sẽ trở thành vô ích, và người Việt bị mất căn bản văn học tiếng Việt sẽ phải bám víu vào một thứ ngôn ngữ khác phát triển mạnh mẽ hơn, như tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Nga trước đây hay tiếng Anh ngày nay và dần tiếng Việt sẽ trở thành tử ngữ!”

Quang gật đầu nhiệt thành:

“Khánh nói phải. Tuy nhiên nếu mình không học Văn kiểu như chị í dạy thì mình sẽ bị khống chế, kéo điểm trung bình xuống.”

“Quang thấy điểm trung bình Văn của mình cao không?”

“Nếu thi được 10 điểm chắc chắn bạn sẽ trên bảy phết.” Hắn nháy mắt.

“Và như vậy nghĩa là?”

“Học kỳ này bạn khống chế môn Văn chắc luôn.”

Rồi hắn hỏi thêm:

“Bộ bạn không tiếc danh hiệu học sinh giỏi à? Học dở như mình được ở lại trường là hên rồi, còn bạn thì…”

“Điểm số vốn là thước đo tài năng từ lâu nay. Nhưng trong một nền giáo dục mà điểm không phản ánh chính xác khả năng của một con người, thì kẻ nào nhìn vào điểm để đánh giá sẽ không thể thành công trong việc sử dụng nhân lực. Mình nói thật nếu mình đi xin việc làm mà người ta chăm chăm nhìn học bạ của mình thì mình sẽ chẳng thèm làm việc cho nhà tuyển dụng đó đâu.”

“Khánh luôn được mười phẩy toán đó thôi.”

“Thứ nhất, điểm môn Toán phần nào phản ánh chính xác hơn môn Văn – mình không nói là nó không có bất cập – thứ hai, vì kiến thức mình khá vững, mình ưa thích môn học, mình làm bài cẩn thận, cộng thêm… hì hì, chút xíu nhanh nhạy trời phú mà được điểm 10 thôi.”

“Cứ như Khánh nói lúc nãy thì mình nên bỏ môn Văn?”

“Không hẳn là bỏ. Ý mình nói, bạn hãy học Văn theo cách mà bạn muốn, để tâm hồn của bạn cảm thụ Văn, còn chuyện làm bài được hay không không phải là quan trọng nhất.”

“Nhưng mình không cảm thụ được gì thì sao?”

“…Vậy thì để mình giúp bạn một chút.”

Trong bốn tiếng đồng hồ sau đó, Khánh lôi cuốn sách Văn ra, giảng giải cho Quang một cách thao thao bất tuyệt. Nó nói, hắn ghi ghi chép chép, xong lôi ra đọc, lát sau nó xé tờ ghi chú của hắn và hỏi hắn nhớ gì không, hắn ngọng, nó thở dài, giảng lại. Cứ như thế mãi cho đến lúc nó thấy cổ họng mình cháy lên và chỉ kêu được mấy tiếng ú ớ. Tắt tiếng lẹ như bấm nút mute trên rì-mót.

“Ư ư ư… ớ ớ…”

Quang vội vàng dẹp tập sách, quăng Khánh lên giường, và nói:

“Thôi! Ngủ đi! Mai thi rồi. Cám ơn Khánh nha.”

Nó ú ớ một cách điên cuồng, nhưng họng nó rát quá không nói ra được tiếng nào. Nó đành nhắm mắt lại ngủ. 

Sáng ra Khánh thấy vô cùng khó chịu. Chắc chắn là nó đã đổ bệnh. Hôm qua nó chỉ rát sơ sơ thôi, mà bữa nay nó đau ghê gớm. Họng nó buốt như thể có một cục gì đó rất to đang chặn ngang cổ nó. Nó với tay lấy cái bình trên tủ đầu giường, uống nước vào như thể để nuốt trôi cái cục đó vô bụng. Xong nó thấy trán nó nóng hầm hập. Chắc là viêm họng hành nó sốt rồi. Không ổn, như vầy làm sao thi đây? Nó thấy có một cái nhiệt kế kẹp trong nách. Hẳn là Quang đã nhét vào người nó. Nó bèn rút ra. Tới ba mươi chín độ. Nó lảo đảo bước xuống đất và thấy đất trời quay cuồng trước mặt. Nó vội nằm phịch xuống giường trở lại. Mệt quá! Người nó nóng như lửa, nhưng mỗi lần máy lạnh phả một luồng hơi vào người nó là nó lại run cầm cập và toát mồ hôi. Nó đắp mền lên, cố gắng ngủ tiếp với hy vọng tới chiều sẽ thấy khỏe trở lại mà đi thi. Nhưng rồi nó đạp mền ra. Chẳng khác gì tự ném mình vô cái lò luyện kim. Nó lăn qua, lăn lại trên giường, nửa sợ nóng, nửa sợ lạnh, đầu nó muốn vỡ tung ra. Nó đau khổ gào lên, nhưng lại chỉ phát ra một tiếng gì đó giống như con vịt xiêm bị bóp cổ. 

Quang bưng một tô cháo vô phòng. Hắn ngồi xuống giường, khều khều Khánh:

“Tiểu đệ, còn sống không?”

Nó mở mắt, nhìn hắn một cách bất nhẫn.

“Ăn đi. Mình xuống căn tin nấu đó. Bệnh không được đòi sơn hào hải vị. Nào, há miệng ra.”

Nó ngậm ngậm vào trong miệng. Món cháo hắn nấu đặc quá, không nhai không được. Mà hàm của nó thì mỏi nhừ, nó nuốt cũng không trôi chứ đừng nói gì là nhai. 

Thấy Khánh ngần ngừ, Quang hỏi:

“Bộ nuốt không trôi à?”

Nó khe khẽ gật đầu. Hắn múc một muỗng ăn thử, rồi nhăn mặt. Rồi hắn múc một muỗng khác bỏ vào miệng nhai nhai. Đột ngột hắn cúi xuống hôn Khánh.

Hoàn toàn bất ngờ và ghê tởm, nó cố đẩy hắn ra nhưng không nổi. Quang hơi mở miệng ra, lấy lưỡi của hắn đẩy cái chất nhầy nhầy lỏng lỏng trong miệng hắn qua Khánh. Nó nuốt một hơi đánh ực. Cũng không đến nỗi tệ lắm. Nó thấy có vị ngọt ngọt. 

Quang dứt môi hắn ra, liếm mép:

“Xin lỗi Khánh nha. Phải vậy Khánh mới nuốt được cái thứ đó.”

Nó ra dấu đòi một cây viết và tờ giấy, rồi ghi:

“Mấy người chiếm mất nụ hun đầu đời của tui rồi! Đền đi! ¬.¬ ”

“Gì? Không lẽ Khánh chưa hôn ai bao giờ hả? Ờ mà phải rồi, mấy người xấu hoắc vầy ai thèm hôn.”

Nó gật đầu, giựt cổ áo Quang lay lay, mấp máy môi mấy tiếng “Không biết đâu! Đền đi!”

Hắn cười hì hì, gãi đầu:

“Được rồi, đền thì đền, nhưng phải ăn xong hết đã!”

Hắn lại nhai một miếng cháo, rồi mớm vào miệng Khánh. Hình như cái lưỡi của Quang có đi dạo đôi chút trong miệng nó. Nhưng nó đã quen nên không thấy ngại nữa, ngược lại còn thích thích khi nó và hắn làm việc đó. Cái hơi mát mát của Quang tỏa ra dễ chịu hơn hẳn luồng gió lạnh buốt của máy điều hòa. Hơi thở của hắn ấm áp và thơm tho phả vào mặt nó. Khi hắn mớm cho nó miếng cháo cuối cùng (“Ngoan nào, hết gớm chưa?”) nó cao hứng bá hai tay lên cổ hắn, và nó nghe một tiếng rơi rụng lộp độp khi cô Như Anh bước vào phòng và làm rớt nguyên giỏ trái cây cô mang theo viếng nó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: