Giá trị của một nụ cười
Lúc lên năm lần đầu tiên tôi đã có trải nghiệm với một ông quan có thực ngoài đời. Vào một ngày ông đến làng chúng tôi để kiểm tra hệ thống tưới nước ruộng và thu tiền thuế đến kỳ hạn. Từ trước đó sai dịch đã khua chiêng gõ mõ báo việc quan về làng.
Mẹ ở nhà với tôi. Bố thì vắng nhà đã hàng tuần lễ nay, lần này cùng với anh trai cả của tôi. Tôi đang chơi trước nhà thì thấy một nhóm đàn ông vừa đánh trống inh ỏi, vừa cố sức giương cao hai tán lọng bước tới. Sau họ là một người đàn ông ngự trên một kiệu gỗ trạm trổ do hai người phu đi chân trần khiêng. Một tấm áo thụng dài bằng lụa xanh sẫm và gấm thêu che đôi chân đi hia của ông. Tôi phát hiện ngay trên sườn áo một con rồng thêu màu sắc rực rỡ, trên ngực là một ô vải vuông với rất nhiều hoa văn tinh xảo, ở chính giữa là hình một con chim. Người đàn ông đội một chiếc mũ hình nón đan bằng tre, từ trên đỉnh mũ bằng thủy tinh nhọn có một chùm lông ngựa rủ xuống và lắc lư theo từng nhịp bước của người khiêng kiệu, tôi thấy khá vui nhộn.
Tôi đứng im bặt và không biết điều gì gây ấn tượng với mình hơn: sự xuất hiện ồn ào, hào nhoáng của vị quan và đoàn tùy tùng, hay hình dong của chính ông, bất động và cứng đờ như chiếc cổ áo của bộ trang phục dường như không cho phép chủ nhân của nó được phép có một động tác thừa nào.
Tôi nhìn thấy mọi dân làng đứng ở hai bên vệ đường đều cúi gập đầu cho đến khi người đàn ông này đi qua. Mẹ tôi từ nhà đi ra, ngay lập tức cũng cúi đầu và có ý chờ tôi làm theo bà. Nhưng tôi không làm như vậy. Vị quan chĩa một ngón tay ra hiệu mà không nói lời nào, tôi nhận thấy chiếc nhẫn lớn đeo trên ngón tay và những móng tay dài ngoẵng và có hình vuốt của ông, ngay sau đó những người phu khiêng kiệu ngưng bước lại.
Mẹ tôi, không nói lời nào, đầu vẫn cúi gập, chìa tay về phía đầu tôi và tìm cách đè nó xuống một cách vô vọng. Tôi không chịu và nhìn người đàn ông, ông ta cũng nhìn tôi trân trân. Vì cớ gì mà tôi lại phải cúi đầu? Tôi đâu có biết ông ta, ông ta cũng không phải là một vị bô lão, tôi thầm nghĩ như vậy. Không hề sợ hãi, tôi mỉm cười với ông. Ông ta nheo mắt, mỉm cười trở lại, rồi chĩa ngón tay lên cao. Những người phu tiếp tục khiêng kiệu ông đến tận giữa làng.
Khi nhìn sang mẹ, tôi thấy bà khóc.
"Đừng bao giờ làm như vậy nữa! Không bao giờ được phép nhìn vào mắt sứ giả của Hoàng đế, nếu không con sẽ bị chém đầu! Hôm nay là con gặp may đấy!" Bà hấp tấp đi vào nhà và lấy một tráp gỗ nhỏ, trong đó có chứa các phần tài sản để đóng thuế của chúng tôi: đồ trang sức, mấy viên đá quý, tiền kim loại và vàng lá ròng. Giữa làng, những người dân khác đã xếp hàng đợi. Mẹ tôi nhập vào hàng người, và khi đến lượt mình, bà trao cho vị quan phần đóng góp cho Hoàng đế.
Lúc trở về, bà giải thích cho tôi một cách từ tốn, rằng Hoàng đế là Thiên tử và là đấng trị vì duy nhất của chúng tôi. Ông ấy chịu trách nhiệm về mọi số phận thần dân, chăm lo hạnh phúc và sự thịnh vượng của họ. "Con đã hiểu chưa?", bà hỏi tôi. Tôi gật đầu nhiều lần và tiếp tục được phép chơi.
Khi vị quan đi rồi, một số người dân làng chuyện trò với mẹ tôi.
"Thật là bất công! Nếu mà chúng ta làm việc cho họ thì họ trả cho chúng ta bằng tiền đồng. Nhưng mà thuế thì chúng ta luôn phải trả bằng vàng." Tất cả họ nhìn nhau buồn bã, tuyệt vọng cùng cực. Nhóm người dần giải tán, và mỗi người lại trở về với công việc của mình. Mẹ đổ nước nóng từ một ống bương và bắt đầu nhổ lông một con gà. Topi đến trước mặt bà và nói một cách cương quyết: "Con chẳng thể nào hiểu nổi. Nếu Hoàng đế muốn điều tốt lành cho dân chúng thì tại sao ông lại lấy đi số vàng duy nhất mà chúng ta có?"
Mẹ ngẩng đầu, mỉm cười và trả lời: "Bởi lẽ như vậy", rồi bà lại vặt lông gà tiếp. Tôi quay người và bỏ đi mà không thể thoả mãn với câu trả lời này, vì đối với tôi đó không phải là một câu trả lời.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top