Bản năng thợ săn
Lúc năm tuổi, lần đầu tiên tôi đi cùng bố đến một con sông, nơi ông dùng những cây lao tẩm thuốc độc để xiên các con cá lớn. Chất độc được ông chiết từ một loài cây đặc biệt và cất giữ rất bí mật. Ông cũng chỉ cho tôi cách dùng thứ cây cỏ nào thì có thể gây mê được các loài cá bé để sau đó chỉ cần dùng lưới để vớt những chú cá đã ngủ say này lên khỏi mặt nước. Ở những cánh đồng lúa ngập nước có đầy rẫy tôm, cua và các loài cá nhỏ.
Tôi thật vui sướng mỗi lần được đi cùng ông, bởi qua đó tôi cảm thấy dường như bản năng thợ săn trong mình được đánh thức. Trước khi bước chân vào rừng rậm thâm u, xứ sở của các loài rắn hổ mang, bọ cạp và những con rết khổng lồ màu xám xịt, tôi được bố dạy cách đọc dấu chân thú ở các cánh rừng tếch xum xuê; đó là một trong những kỹ năng của một người thợ săn giỏi.
Để di chuyển một cách lặng lẽ hết mức, trước hết chúng tôi nhón gót chân để bước đi thật mềm dẻo. Những vết chân thú tìm thấy cần phải được phân tích căn cứ vào độ lớn và đặc điểm của lốt chân. Tùy theo hình dạng của vết chân mà có thể phỏng đoán liệu con thú còn ở gần hay không. Tùy thuộc vào việc có mưa hay không và lốt chân thú sắc cạnh hay tròn, người ta có thể đoán lốt thú này đã có từ bao lâu. Chiều sâu của lốt chân thì lại cung cấp thông tin về trọng lượng của con thú.
Chỉ riêng số lượng ngón chân hay cách di chuyển của con thú đã cho biết nó thuộc loài nào. Loài chim nhảy nhót kiếm ăn trên cây và trong không trung có vết chân nằm cạnh nhau, khác với vết chân của những con chim chỉ biết đi mà thức ăn thường là các loài côn trùng sống trên mặt đất.
Một dấu chân chữ U bao gồm lốt chân nhỏ phía trước và lốt chân lớn phía sau cho hay đấy có thể là một chú thỏ. Nếu chúng tôi tìm thấy cỏ bị xéo trên mặt đất và các vết vẫn vèo chữ chi thì điều ấy có nghĩa rằng một có một thú móng guốc hay một con hươu hoang ở cách đó không xa, đặc biệt nếu phần thức ăn còn sót lại của chúng chưa khô hay ở phần cạnh đã biến thành màu nâu.
Gấu thì cùng lúc nhấc chân trước và sau cùng bên và để lại những vết mống dài trên mặt đất, thường thì chúng cũng để lại cả những vết cào trên vỏ cây ở xung quanh. Các vết lệch song song theo chiều ngang trên có cho thấy đó là dấu vết của một loài bò sát nhỏ, còn có bị đè rạp một cách đều đặn cho thấy đó là vết của một loài bò sát lớn. Tôi luôn hứng thú với việc lần theo lối di chuyển của thú rừng và tìm ra loài nào từng gặm cỏ, ngủ hay săn bắt ở khu vực mà chúng tôi đang theo dấu. Hai bố con thường xuyên để ý đến hướng gió, phần để tránh bị lộ, phần là để không bỏ qua các chỉ dấu quan trọng trong hơi gió. Bởi vì mỗi loài thú không chỉ để lại các dấu vết như da hay xương mà chúng tôi có thể mang về nhà chạm khắc để làm đồ chơi, lông hay những nhánh cỏ gãy, mà còn có cả một thứ mùi vị đặc trưng. Nếu tìm thấy phân thú, bố tôi có thể dựa vào hình thù, độ lớn và màu sắc mà xác định đó là loài thú nào, nó đã ăn gì vào lúc nào và di chuyển về đâu.
Dấu vết khiến tôi sợ hãi nhất là một đường kéo dài gồm nhiều vệt nổi nhau, do đuôi một con thú quệt trên mặt đất để lại. Khả năng lớn nhất đấy là một con hổ. Nếu gặp trường hợp như vậy thì tôi chỉ có thể thầm cầu Trời rằng bố đã hoàn toàn có lý khi ông cho rằng con hổ đã đi xa. Trong những lần đi rừng tôi luôn lưu ý sao cho chiếc nón che kín đầu và không có con rắn nào có thể mổ xuống từ trên cao. Rắn "hai bước" là một loài rắn khét tiếng, từ những nhành cây trên cao nó thả mình rơi xuống các nạn nhân của mình. Sau nhát cắn của nó, nạn nhân chỉ còn có thể đi tiếp hai bước cho đến lúc từ giã cuộc đời.
Ngoài ra tôi không bao giờ được phép đi qua những khoảng rừng thưa có mọc cỏ voi, bởi vì chưa tính đến nguy cơ gặp thú dữ, loài cỏ sắc này có thể cứa đứt da tôi như lưỡi dao lam.
Khi đi theo bố trong rừng rậm, tôi phát hiện nhiều loài cây và thảo mộc mới, bố tìm cách giải thích cho tôi những gì mà ông biết về chức năng hay công dụng của chúng. Tôi thích đùa nghịch với đám cây mắc cỡ mọc ven đường mà người địa phương vẫn gọi là “hoa trinh nữ". Nếu có ai chạm vào chiếc lá xanh, nó sẽ giật mình và ngay lập tức cuộn tròn lại. Tôi luôn ngạc nhiên khi mỗi lần chứng kiến những bụi cây đã bị bố dùng lưỡi mác sắc như dao cạo phạt trụi chỉ vài ngày sau đó lại mọc dày trở lại. Thiên nhiên bao bọc quanh ta thật quyến rũ và khiến tôi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Tôi bám sát bố tôi từng bước, đặc biệt nếu chúng tôi bị khỉ, trong đó có loài khỉ đầu chó, nhìn chòng chọc và ném thức ăn thừa vào người. Những câu chuyện lưu truyền trong làng hiện về trong tâm trí tôi. Không người đàn bà nào, đặc biệt là các cô gái trẻ, lại được phép liều mạng đi vào rừng rậm mà không có đàn ông đi cùng, vì theo theo lời đồn đại sẽ gặp mối nguy cơ bị những con khỉ đột khổng lồ bắt cóc và hãm hiếp rồi biến mất tăm hơi.
Vào dịp trăng rằm có lúc chúng tôi thức dậy từ đêm khuya để vào núi lấy củi cho bếp lửa của gia đình. Một số loài gỗ được chúng tôi đốt thành than củi trong một chiếc lò gang rồi đem đi bán. Một chuyến hành trình trong khí hậu nóng ẩm nhiều lúc kéo dài cả ngày trời. Trên đường vào núi, chúng tôi bỏ lại phía sau lưng cả hàng đàn kiến lửa đỏ, để rồi ngay sau đó lại vật lộn với cơ man bọn vắt hút máu kinh tởm, những con vật này đã đánh hơi chúng tôi từ tận xa và thả mình rơi xuống từ các ngọn lá lõng bõng nước, hay trườn lên từ đất bùn để cắm vòi hút vào bắp chân chúng tôi. Tôi khiếp sợ chúng, bởi có một cô em họ của tôi đã chết khi bị một con vắt chui vào hốc mũi. Những con vật hút đến no máu và chúng tôi không bao giờ được phép rứt chúng khỏi người, nếu không muốn bị các vết thương tấy mủ. Tuy nhiên may mắn thay chúng sẽ tự rụng khi chúng tôi xuống đến đồng bằng. Không bao giờ chúng tôi uống nước từ các dòng suối trên núi để tránh bệnh tật.
Một câu chuyện kể của bố mãi hằn sâu trong trí nhớ của tôi. Có lần ông làm người dẫn đường cho một nhóm đi săn hổ, ngoài ông ra còn có bảy tay súng nữa. Tất cả họ đều là những thợ săn lão luyện, trừ một luật sư người An Nam, ông này thích chơi golf hơn là đi săn và thường mua các chiến lợi phẩm làm từ thú rừng, để sau đó khoe khoang ở giới thượng lưu, làm như chính ông ta đã săn được chúng vậy.
Dọc đường đi người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn và mảnh mai này lên cơn khát. Bi đông của ông ta đã cạn, cũng như những người khác. Theo lời kể của bố tôi thì phải đi bộ tiếp hai tiếng nữa thì mới đến trạm có sẵn nước uống tiếp theo. Thế nhưng ở gần đó có tiếng róc rách của một dòng suối nhỏ. Mặc dù bố tôi đã nghiêm khắc cảnh báo về mối nguy hiểm và yêu cầu vị luật sư không được đi một mình đến dòng suối, ông ta đã cười vào mũi bố và men theo một lối nhỏ để đi xuống. Ông ta biến mất hút ngay trong bụi rậm, nơi ánh sáng mặt trời hầu như không lọt tới. Nhóm người chờ cả mấy phút. Khi ông ta mãi vẫn không quay lại, tất cả đều bổ đi tìm. Xuống tới khe suối một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt họ. Một con trăn khổng lồ, dài ít nhất phải mười hai mét, màu da lẫn một cách hoàn hảo vào sắc diệp lục của cây rừng, hẳn đã bất ngờ tấn công người lên cơn khát, quẩn chặt lấy ông ta trong chớp mắt, nghiền nát thân thể rồi nuốt chửng kẻ xấu số. Con trăn tuồn mình không một tiếng động vào lớp cỏ cao và sắc khi nhóm người vừa đi tới. Từ chiếc mõm mở toác của nó còn thấy đôi bàn chân của nạn nhân chĩa ra ngoài.
Điều quan trọng đối với chúng tôi là trước khi hoàng hôn đổ xuống đã phải kịp về đến bìa làng. Bố tôi thường kể rằng khi trời tối “ông Ba mươi" sẽ đi kiếm ăn, với một đứa trẻ như tôi đây là một hình dung thật khiếp đảm. Người ta cố tình gọi hỏ là “ông”, vừa do sợ hãi, vừa do nể vì. Thỉnh thoảng, cùng những người thợ săn khác, bố mang những con thú săn về làng, chân của chúng được buộc lủng lẳng trên những đòn tre dài. Những con thú này thường là một thứ chiến lợi phẩm mang lại một khoản tiền đáng kể, một số bộ phận trong cơ thể chúng được sử dụng để điều chế dược phẩm. Công thức điều chế và cách dùng là một bí mật được truyền lại từ hàng ngàn năm nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chẳng hạn bố tôi thường đốt bộ râu hổ trước khi ướp xác con thú. Râu hổ khi được xay mịn và trộn vào thức ăn có thể đâm thủng dạ dày người mà không để lại dấu vết, nó cũng được dùng cho phép bùa chú. Chỉ thịt hổ là không ăn được. Mẹ tôi và tôi từng hầm thịt hổ trong ba ngày liền mà nó vẫn dai ngoách và không thể nào xơi nổi.
Có một lần chuyến đi kéo dài hơn dự tính và bóng đêm nhanh chóng sụp xuống. Bố liên tục gõ vào tấm não bạt đeo bên đùi nhằm để xua đuổi thú dữ. Tôi vừa chạy vừa khóc, cổ sao để về đến nhà thật nhanh, tôi sợ trước các con thú đói mỗi và những cô hồn còn được gọi là “ma quỷ”.
Ông bà của tôi thường kể về chúng. Đó là linh hồn của những người chết không tìm được sự bình yên ở thế giới bên kia, hoặc vì lúc sống họ đã làm điều ác, chẳng hạn làm thầy mo xấu, và do vậy khi chôn cất bị người đời ghẻ lạnh, không được ban phước lành và bị nguyền rủa. Hoặc là khi hấp hối họ vẫn còn than vãn về việc không thực hiện được mọi nghĩa vụ của mình trên cõi thế. Những lời cầu nguyện, việc tha thứ tội lỗi hay ban phước lành có thể giúp cứu vớt linh hồn của họ. Rốt cuộc thì tôi có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy những mái nhà đầu tiên trong làng hiện lên trước mắt.
Tôi tìm cách xóa những khoảnh khắc đầy hãi hùng nhanh hết mức. Nếu vài tuần sau đó bố mang về cho tôi những con vẹt tuyệt đẹp hay một chiếc sáo trúc do ông tự tay gọt thì tôi hầu như đã quên bằng những ký ức này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top