Chap 1: "Bình yên" đồng nghĩa với "nhàm chán"
Lại là một giấc mơ quái quỉ.
Cứ mỗi lần giật mình bật dậy như vậy, tôi đều chẳng thể nhớ nổi bất cứ thứ gì ngoại trừ ánh chớp hung tợn đó. Nhưng bằng cách nào đó, có lẽ là linh cảm chăng, mà tôi cảm thấy những khuôn mặt từng xuất hiện, những câu thoại từng được nói ra, những sự việc từng xảy đến, tất thảy đều vô cùng quen thuộc.
Cứ như thể tôi đã nhìn thấy dáng hình chúng, nghe được giọng nói của chúng từ rất lâu trước đây. Cứ như thể chúng đã ghé thăm tôi, nhón chân bước vào giấc ngủ của tôi hàng ngàn lần.
Chắc dạo này tôi sinh hoạt không được điều độ nên sinh hoang tưởng rồi.
Tôi vươn cánh tay mỏi nhừ với lấy chiếc đồng hồ cạnh giường. Đã là 7 giờ sáng.
Tuyệt vời, đêm qua tôi đã quên không đặt chuông báo thức.
Và lớp học bắt đầu lúc 7 giờ.
Tôi chuẩn bị với tốc độ tên lửa, rồi chẳng kịp chải tóc hay ăn mặc cho tử tế, cứ thế với vội chiếc cặp xách, xỏ chân vào đôi dép lào và phi ra cầu thang.
Chết tiệt, khu kí túc và khu phòng học xa nhau quá.
Tôi phóng qua dãy hành lang tưởng như dài bất tận. Não bộ đang bận điều khiển các múi cơ, nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn đủ sức thồn cho tôi vài thông tin lặt vặt. Tôi biết lúc này cả nhịp hô hấp và nhịp tim mình đang tăng vọt để đáp ứng nhu cầu oxygen của các cơ vận động. Các tế bào cơ sẽ sử dụng oxygen cho quá trình hô hấp hiếu khí, bao gồm 3 giai đoạn chính là đường phân, chu trình Krebs và phosphoryl hóa oxy hóa, kết quả tạo ra ATP. Sự thủy phân ATP sẽ cung cấp năng lượng cho quá trình co cơ, giúp cho đôi chân của tôi vận động. Tuy nhiên, lượng oxygen được cung cấp sẽ không thể nào đáp ứng được cường độ vận động mạnh như thế này, và trong điều kiện thiếu oxygen, các tế bào cơ sẽ buộc phải tạo ATP nhờ quá trình lên men thay vì hô hấp hiếu khí. Quá trình lên men sinh acid lactic, chất "đầu độc" tế bào cơ gây đau mỏi, và đó là lí do mà tôi có cảm tưởng rằng chân mình đang sắp rã ra.
Phanh gấp ở cửa lớp, tôi suýt ngã chúi về phía trước.
"Quán tính", não tôi lại thì thầm. "Và mày dừng lại được nhờ ma sát nghỉ."
Đang vận động mạnh mà đột ngột dừng lại nghỉ thì không tốt cho tim mạch chút nào. Sự vận động các cơ xương ở chân giúp tĩnh mạch co bóp, đẩy máu về tim. Dừng lại nghỉ quá đột ngột, các cơ xương ngừng co bóp, và máu về tim có thể bị ngừng trệ.
Tuy nhiên, tôi sẽ chẳng lo đến điều đó đâu. Dù sao, chạy hộc tốc đến lớp vì muộn học mỗi sáng là chuyện như cơm bữa với tôi rồi.
Tôi nuốt xuống, ổn định lại nhịp thở, rồi xoay tay nắm cửa bước vào.
"Cô Indigo."
Tôi cúi đầu chào, rồi lò dò đi về chỗ ngồi của mình. Cô Indigo, người đang đứng trên bục giảng mà chỉ lên một sơ đồ giải phẫu chỉ nhìn tôi ngán ngẩm, cũng chẳng buồn mở miệng. Cô quen rồi.
Tôi tựa cằm lên mặt bàn, mắt ngước lên mấy dòng chữ trên bảng. Giải phẫu động vật thân mềm? Chẳng thú vị lắm nhỉ.
Mà chính xác hơn thì đối với tôi, một vấn đề chỉ thú vị khi nó còn mới mẻ.
Tươi trẻ, bí ẩn và ngon lành. Trí tò mò là động lực thúc đẩy tôi làm việc, và cảm giác hứng khởi sau khi "giải mã" được một bí ẩn là phần thưởng ngọt ngào mà tôi luôn khao khát. Ngược lại, một khi tôi tự tin rằng mình đã hiểu tường tận một vấn đề, nó sẽ chẳng còn sức hút nào nữa.
Giải một câu đố mà ta đã biết trước đáp án rồi thì có gì vui cơ chứ?
Ánh mắt cùng thần trí tôi chầm chậm lượn ra ngoài khung cửa sổ mở.
Bây giờ đang là cuối xuân đầu hạ, thời tiết ấm áp thực dễ chịu. Nắng rón rén bước qua bậu cửa sổ, chảy tràn lên trang vở chưa viết chữ nào. Không khí ẩm ướt, thoảng mùi cỏ ngọt. Mấy chiếc lá mới rung rinh, chờn vờn trong gió ấm.
Hẳn là chúng đang vui vẻ quang hợp.
Quang hợp là quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học tích trữ trong các hợp chất hữu cơ thông qua một loạt phản ứng oxy hóa – khử, bao gồm có pha sáng và pha tối. Pha sáng bắt đầu với việc electron từ diệp lục a hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời và bật ra, đi qua một chuỗi truyền electron. Năng lượng sinh ra nhờ quá trình này được dùng để sản xuất nguyên liệu cho pha tối - ATP và NADPH. Trong pha tối, ATP và NADPH khử CO2 tạo thành đường, sau được được tổng hợp thành tinh bột dự trữ trong cây.
Tôi quyết định át đi tiếng thì thầm trong đầu mình trước khi nó bắt đầu lải nhải về lịch sử tiến hóa của quang hợp và các con đường vận chuyển sản phẩm quang hợp trong cây.
Buổi sáng trôi qua nhạt nhẽo với một tôi gà gật bên khung cửa sổ, nghe cô Indigo giảng chữ được chữ không về một chủ đề đã quá quen thuộc tới mức nhàm chán, và đầu óc thì nghĩ ngợi vẩn vơ.
Trông chờ người khác đem tới cho tôi những thử thách mới mẻ hay tìm tới sự trợ giúp quá thường xuyên chưa từng là phương pháp mà tôi ưa chuộng. Tôi thích tự giải quyết vấn đề của mình. Dù làm vậy có khó khăn hơn, nhưng cảm giác tự mình đánh bại được một thử thách khó nhằn, tự mình giành lấy chiến thắng không phải tuyệt hơn rất nhiều sao?
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi tôi đến sống ở trại trẻ mồ côi Luseb này. Đúng vậy, 5 năm. Nếu tính ra thì quãng thời gian này tuy không ngắn, nhưng cũng chẳng dài. Tôi đã sống phần lớn cuộc đời của mình ở một nơi khác, một trại trẻ ở miền ngoại ô thành phố Ionah, nơi tôi sinh ra. Trước đó nữa ra sao thì tôi không biết – những kí ức sớm nhất mà tôi có được là về những ngày tháng ở Ionah với các sơ chăm nom vài nhà hảo tâm thỉnh thoảng tới thăm. Không phải ở nhà, không phải cùng gia đình mình.
Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò về quá khứ, về thân thế của mình, tại sao tôi lại được sinh ra, vì cớ gì mà tôi lại ở nơi này. Nhưng mỗi khi đặt câu hỏi với người phụ trách trại trẻ cũ, tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu tỏ ý không biết cùng nụ cười gượng thương cảm của bà.
Cũng chẳng sao. Tôi chẳng ngốc đến độ biến mình thành kẻ lưu luyến quá khứ. Tôi chỉ có hiện tại – và nếu đủ cố gắng, có thể tôi sẽ có cả tương lai.
Đến tận bây giờ, dù rời Ionah đã ngót 5 năm, tôi thỉnh thoảng vẫn có những giấc mơ rời rạc về tuổi thơ ở nơi ấy. Đó là những chuỗi ngày nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm tiền mua sách, những buổi chiều rực nắng ngồi dưới mái hiên học bài, mặc cho những đứa trẻ khác vô tư đùa nghịch trên bãi cỏ, những đêm hè đầy sao vắt vẻo trên bậu cửa sổ, hít hà mùi mực in từ cuốn sách mới mua. Đó không hẳn là những ngày đẹp đẽ nhất tươi sáng nhất, nhưng chắc chắn là những ngày tràn ngập sức sống, niềm tin và hi vọng nhất. Bởi xét cho cùng, lúc ấy, tôi vẫn còn đang đứng trước ngưỡng cửa mới hé mở của thế giới tri thức, vẫn còn lưu luyến cái cảm giác mới mẻ, xa lạ mà đầy phấn khích ấy.
Buồn thay, con người ta chỉ thèm thuồng những thứ xa tầm với, và tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Lần đầu tiên tôi đứng trước mặt cô Indigo dưới danh nghĩa "Học sinh ưu tú của trại trẻ Ionah", cô đã hỏi tôi:
"Làm cá lớn trong ao nhỏ thì thật nhàm chán nhỉ?"
Tôi không ngần ngại gật đầu.
"Bài kiểm tra vừa rồi em đã làm khá tốt. Tôi nghĩ em có tiềm năng đấy. Em có muốn nhập học ở trung tâm Luseb không? Chi nhánh đào tạo khoa học và công nghệ của Luseb ấy?"
Luseb. Hệ thống trại mồ côi dành cho những đứa trẻ có năng khiếu, mỗi chi nhánh tập trung đào tạo một lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều, rất nhiều nhân vật xuất chúng từng bước ra từ Luseb.
Và nếu tôi không nghe nhầm, người phụ nữ này vừa cho tôi cơ hội tới Luseb.
Sự thử thách mà tôi luôn mong mỏi, cơ hội để khẳng định bản thân mà tôi luôn kiếm tìm, lúc ấy đã ở thật gần.
Tôi điên cuồng gật đầu. Và như thế, ở tuổi mười ba, tôi nói lời tạm biệt với quê nhà Ionah, với trại trẻ mồ côi miền ngoại ô nơi tôi đã lớn lên, để tới Luseb.
Ngày đó, khi lẽo đẽo theo chân cô Indigo tới Luseb, tôi phấn khích hỏi cô nơi ấy thế nào. Cô bật cười:
"Nếu em biết tận dụng, tôi đảm bảo sẽ xứng đáng. Nhiều đứa trẻ từ Luseb đã rất thành công khi bước chân ra thế giới ngoài kia, em biết đấy. Tuy nhiên, có lẽ em sẽ phải quen dần với việc không phải là người giỏi nhất. Em rất tài năng, nhưng các bạn của em ở Luseb cũng thế."
"Những người khác cũng rất giỏi." Thay vì lo lắng, tôi lại thấy háo hức. Một môi trường tốt để phát triển. Một cơ hội để chứng tỏ bản thân. Một thử thách để vượt qua.
Cô Indigo nói không sai. Những ngày đầu ở Luseb là những ngày vất vả nhất. Tôi phải rất khó khăn mới bắt kịp tiến độ của bài giảng lý thuyết trên lớp. Tôi vụng về trong phòng thí nghiệm bởi chưa quen tay. Tôi lần đầu thấy bản thân kém cỏi khi so sánh mình với những người bạn mới.
"Nhưng cảm giác bị thử thách này không phải là điều mày mong muốn hay sao?" Tôi tự hỏi mình.
Câu trả lời là không. Tôi đâu có thích thử thách. Tôi thích vị ngọt khi vượt qua chúng cơ.
Một năm là đủ để tôi bắt kịp những đứa trẻ khác của Luseb. Hai năm là đủ để tôi leo lên đứng đầu.
Thế đấy, ban đầu tôi đã nghĩ tôi sẽ thấy vui. Và tôi vui thật - chiến thắng rất ngọt ngào, cảm giác nỗ lực của mình cuối cùng cũng được đền đáp thực không tệ. Nhưng niềm vui ấy, sự phấn khích ấy, kéo dài chẳng bao lâu.
Con người thật tệ bạc, và tôi chẳng phải ngoại lệ. Ăn một món ngon quá nhiều rồi cũng sẽ thấy ngán. Đã không còn mục tiêu để vượt qua, không còn thử thách nào để đương đầu, tôi lại thấy chán nữa rồi.
Năm nay sẽ là năm cuối cùng của tôi ở Luseb. Cũng đã 18 tuổi rồi, đã tới lúc tôi cần suy nghĩ về tương lai sau khi rời khỏi nơi này. Có lẽ tôi nên thi vào một trường đại học danh tiếng, học hành chăm chỉ một chút, lấy được bằng giỏi, ứng tuyển vào một công ty tốt, sống một cuộc đời bình an yên ổn như một con người bình thường?
Tôi suýt bật cười với chính mình. "Như một con người bình thường"? "Bình an yên ổn"? Đó đã bao giờ là điều mà tôi thực sự muốn chưa?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, là một đứa trẻ mồ côi, hoàn toàn không có người chống lưng, không có ai để dựa dẫm, tôi còn có sự lựa chọn nào khác cơ chứ?
Tôi thở dài. Xét cho cùng, so với rất nhiều đứa trẻ mồ côi khác, tôi tự biết rằng bản thân đã vô cùng may mắn rồi.
Dứt ra khỏi dòng suy nghĩ, tôi nhận ra đã là đầu giờ chiều. Dù sao ngồi đây lo lắng về tương lai cũng chẳng ích gì, nên tôi quyết định lết ra khỏi giường, đi tới thư viện tìm thứ gì đó mới mẻ một chút để đọc giải trí. Chọn tới chọn lui, cuối cùng, ánh mắt tôi dừng lại ở cuốn "Virus học và ứng dụng". Thực ra trong tất cả các lĩnh vực, tôi hay né vi sinh vật học ra nhất, bởi vừa đọc vừa tưởng tượng ra lũ vi sinh vật bé xíu bò nhung nhúc thực sự không tốt cho cơn thèm ăn của tôi chút nào. Nhưng cũng đâu thể trốn mãi được. Dù sao, tôi cũng chẳng còn ở đây được bao lâu nữa. Vả lại, vi sinh vật học đang là ngành học có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai nhờ những ứng dụng của chúng trong các lĩnh vực khác, điển hình là nông nghiệp, y học hay khoa học môi trường. Thôi thì chịu khó chút vậy.
Tôi tiện tay với lấy gói snack khoai tây vị thịt nướng cuối cùng trên kệ tủ, rồi quay trở về phòng kí túc, nghiêm chỉnh ngồi vào bàn, lật từng trang sách đã cũ mèm ra và bắt đầu nghiền ngẫm.
Khi nói đến virus, câu hỏi muôn thuở là liệu chúng có phải sinh vật sống hay không. Một số nhà khoa học cho rằng chúng không phải sinh vật sống, bởi chúng không có cấu trúc tế bào, không thể nào tự tổng hợp DNA hay protein mà luôn phải kí sinh bắt buộc trong cơ thể vật chủ. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng chúng có thể được coi là sinh vật sống, bởi vật chất di truyền của chúng là acid nucleic, cũng là vật chất di truyền chung cho tất cả các sinh vật sống khác. Hơn nữa, rõ ràng chúng có cơ chế sinh sôi, dù có phải kí sinh trong tế bào chủ đi chăng nữa. Việc virus là sinh vật sống đơn giản nhất hay tập hợp không sống phức tạp nhất đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, và những khám phá mới đây đã đưa thêm một góc nhìn nữa vào cuộc tranh luận tưởng như không hồi kết này...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top