cùng
hoàng và phúc, nếu sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh thì gọi là đang làm giàu, còn để mà huỵch toẹt ra, thì chính là nghèo rớt mùng tơi.
nếu nhà người ta 3 đời làm y sĩ có tiếng, gia đình của cả hai lại có đến hơn 3 thế hệ làm cu li chạy vặt. thế mới nói cái nghèo nó như ăn sâu luôn vào tế bào di truyền, có đến vài đời nữa khéo cũng chưa phất lên nổi.
lại nhớ cái đợt mới kết hôn, của hồi môn nhà phúc là con xe đạp cà tàng kêu lọc cà lọc cọc, chạy được mấy hôm là lìa luôn cả giỏ, một tuần sau đấy thì bàn đạp cũng chào đồng bào, tôi đi.
hoàng thì khá hơn một chút, ba mẹ để lại cho một con xe máy xiêu xiêu vẹo vẹo, thế nhưng so với thời đó thì cũng gọi là oai rồi.
nghèo như thế, đám cưới đương nhiên cũng chẳng thể rình rang được. hai bên thông gia thương lượng với nhau trước, rồi gộp chung tiền lại tổ chức cho hai đứa một cái, để người ngoài nhìn vào không chép miệng khinh thường.
hoàng với phúc tự biết gia cảnh nhà mình lắm chứ, ban đầu còn bàn nhau, hay là thôi, mình ra ủy ban xã lĩnh giấy hôn thú rồi về. nhưng ba mẹ hai bên khăng khăng nhất định phải tổ chức cho bằng được. sau này nghĩ lại, chắc ba mẹ sợ hai đứa tủi thân.
nhắc đến con xe máy simson hoàng được thừa hưởng lại từ ba, thứ mà ba hoàng kể lại rằng một người bạn tây giàu sụ của ông tặng lại trước khi về nước. con xe trong mắt hoàng phải nói là siêu phẩm huyền thoại xa lộ, vì từ hồi bé tí anh đã mê ngồi sau xe để ba chở đi chơi rồi. vậy mà từ lúc cưới nhau, cái xe vẫn yên vị trong một góc nhà, chưa lôi ra đi được mấy lần.
động cơ chạy vẫn ngon lắm, mà hai đứa tiếc tiền xăng, thế nên vẫn nhất quyết bon bon cuốc bộ, bao giờ gấp lắm mới dám đụng vào. mà cái gấp lắm ấy, đến nay cũng mới chỉ có hai lần mà thôi.
lần đầu tiên là kỉ niệm một năm ngày cưới, hoàng đèo phúc đi ăn bát cơm độn sắn ngon nhớ đời. tiếp đó là ba mươi tết, hai đứa ham việc quá nên về khá muộn, phải vội vội vàng vàng nhảy lên xe máy phóng vèo đi mua tạm bợ vài món mà bày ban thờ.
đó, hết!
hai đứa nghèo thật đấy, nhưng được cái chăm chỉ.
không bán báo thì đánh giày, không lau dọn hàng quán thì cũng là chạy trên phố ê a rao bánh mì.
nếu giờ ngồi liệt kê những công việc mà hoàng với phúc đã từng làm, thì có lẽ sẽ phải hết mấy ván cờ tướng chưa chắc đã xong.
cả hai cũng chi tiêu tiết kiệm, tự dặn nhau phải dành tiền để mua được căn nhà tử tế, không phải thuê trọ nữa. đối với hoàng và phúc, thế là viên mãn lắm rồi.
có những bữa gia đình chủ trọ làm thịt quay giòn bì, ăn kèm với dưa muối chua, thêm cả một bát canh cua rau đay nữa.
mùi thịt thơm phức bay xuống tận gian dưới chỗ hai đứa ở, thế là lại nhịn không được, mỗi đứa cầm một củ khoai ngồi chồm hỗm trước cửa, vừa hít lấy hít để vừa tưởng tượng miếng khoai bở nhách trong miệng chính là thịt mỡ tan chảy trên đầu lưỡi.
ăn xong phần mình, nhìn sang cái mặt lấm lem đầy nhọ than của nhau, lại bật cười. lúc đó sao mà hạnh phúc thế, dù tất cả đều chỉ là tự hai đứa vẽ ra với nhau thôi.
lâu dần, hoàng và phúc kiếm được việc khác ổn định hơn, cũng chẳng phải ngày ngày ăn khoai thay cơm nữa.
hoàng chạy xích lô, nhận chở cả người cả hàng. phố cổ có cái xích lô của hoàng là đắt khách nhất, tại vì tài xế vừa trẻ vừa đẹp trai, khéo ăn nói nên người ta thích.
hoàng không học cao, nhưng hay tìm tòi, nói được tí tiếng anh bồi mà buôn chuyện với khách nước ngoài xôm lắm.
nhiều cô con gái phố cổ cũng hay nhờ anh đèo đi lượn vòng vòng cả chiều, có người còn ngỏ ý muốn tìm hiểu, nhưng anh chỉ cười và đưa họ xem chiếc nhẫn trên ngón áp út.
như vậy riết, ai cũng biết cậu xích lô mặt mũi sáng sủa kia đã có gia đình rồi, và có vẻ còn hòa thuận lắm cơ.
phúc nhận việc trong một quán bánh rán. quán không lớn nhưng lúc nào cũng tấp nập. dì chủ chẳng phải người niềm nở mấy, được cái đối xử với người làm như em rất tốt.
thực ra là chỉ có em thấy dì tốt bụng thôi. người khác sau lưng vẫn hay ngấm ngầm bất mãn vì dì thiên vị em, tết nhất hoặc ngày gì đặc biệt là em đều có gói bánh nóng hổi mang về nhà hết.
biết sao được đây, đối với quán bánh rán nhỏ này, phúc cũng gánh một phần công mà. khách nam khách nữ khách già khách trẻ, đến mua bánh cũng là để tiện tán gẫu vài câu với cậu bé xinh trai hai tay thoăn thoắt nặn bột, cười tươi tắn như con mèo thần tài vậy.
phúc nặn bánh khéo, vừa nhanh vừa tròn. dì chủ hay đùa em, bảo dì không có con cái, sau này dì già dì để lại quán cho em làm. phúc cười xòa, nhưng trong đầu nghĩ đến viễn cảnh tự mình quản lí tiệm riêng, trái tim liền nhịn không được khấp khởi mơ mộng.
hoàng và phúc cả ngày bận bịu mưu sinh, nhưng nhất định tối nào cũng phải về ăn với nhau một bữa. giống như một thói quen khó bỏ, hay là thủ tục lâu đời rồi vậy.
lúc ăn cơm, hoàng sẽ thường vói đĩa rau chứ chẳng ăn thịt mấy. phúc thấy chồng lớn cả ngày bon bon trên phố, nước da cũng đã sạm đi ít nhiều, vất vả như thế còn không chịu ăn uống đầy đủ, xót xa chứ!
phúc càu nhàu gắp thịt vào bát hoàng, lườm bảo anh nếu không ăn hết chỗ thịt kia thì đừng có hòng mà nói chuyện được với em. hoàng cũng xụ mặt, làm bộ chê phúc dạo này có chút gầy, mới phải ăn nhiều thịt chứ. một lớn một nhỏ chí chóe nhường nhau phần ngon, cuối cùng mỗi người gắp cho đối phương một miếng, thế là hòa.
cơm áo gạo tiền xoay vần cả hai như thế, nhưng mỗi ngày trải qua đều thật ngọt ngào, dường như mối bận tâm lớn nhất chẳng còn phải là tương lai sung túc ra sao nữa.
có đêm phúc và hoàng sẽ làm những việc mà người lớn vẫn làm, nhưng cũng không ít đêm, hai đứa sẽ chỉ lặng lẽ nằm cạnh nhau dưới chăn ấm, vậy thôi.
hoàng cứ đi ngủ là phải có thứ gì đó cầm nắm mới an tâm, mà vừa hay phúc thì lại cần ai đó giữ lấy mình mỗi khi tắt đèn. thế là hoàng sẽ nắm tay phúc, đôi khi là ôm nhau ngủ, đôi khi là trò chuyện rả rích suốt đêm khuya.
phúc đã nhiều lần nửa đêm nằm trên cánh tay người yêu dấu, dõi mắt lên trần nhà đầy vết loang lổ ủ dột, vui vẻ kể chuyện hôm nay em được khách hàng bo cho mấy ngàn đồng như thế nào. và hoàng bên cạnh cũng sẽ hưởng ứng bằng những điều anh bắt gặp trên phố ban ngày ra sao.
cả hai kể trăng kể sao một hồi, cuối cùng vẫn tránh không khỏi vòng lại vấn đề tiền nong. phúc bảo anh tiết kiệm thì tiết kiệm, nhưng cũng đừng tằn tiện quá, sáng mua hẳn cái bánh mì hay gói xôi mà ăn, kẻo chở khách lại ngất xỉu ra đấy vì mệt. hoàng cười, phản bác, trông anh giống con gà cảnh yếu đuối lắm sao, liền bị phúc cấu cho một cái.
chưa biết chừng!
hoàng hôn trán em, nói em đừng lo nghĩ nhiều, anh tự biết bản thân mà. phúc cũng chẳng trách móc anh nữa, lúc lâu sau suy nghĩ cái gì, chợt quay sang tính toán với anh.
nếu mỗi ngày em đi làm mà được bo cho mười ngàn đồng, vậy thì một năm không tính lương sẽ dành được khoảng ba triệu sáu. phúc đưa tay đếm đếm, hai mắt sáng rỡ, khoái chí cười lớn, bảo chúng ta sắp giàu rồi.
hoàng tự nhiên cũng vui lây, dù đầu anh chưa nảy số được những gì chồng nhỏ nhà mình mới tính, vẫn nằm đó cười với em cả chục phút liền.
nhiều người bảo, hôn nhân mà không có kinh tế, thế nào cũng sẽ sớm đổ vỡ thôi.
hoàng và phúc lại thấy rằng, cũng chưa chắc.
cuộc sống mà không có đồng ra đồng vào thì nhiều khi cũng mệt mỏi thật. nhưng giống như hai đứa bây giờ, luôn đồng hành với nhau, luôn sẻ chia cho nhau, và hơn cả nữa là tin tưởng vào tương lai phía trước.
hoàng và phúc ổn với nhịp sống này, và sẽ ổn với cả những nhịp khác sau này thôi mà!
.
.
.
.
.
cận cảnh siêu phẩm huyền thoại xa lộ của anh hoàng =)
về tên chiếc fic này - cùng - mình muốn nó mang 2 nét nghĩa. thứ nhất chính là hoàn cảnh gia đình cả hai. chưa đến mức bần cùng, cùng cực, nhưng một chữ này cũng đủ để chúng ta hiểu rõ nhỉ 🥰 nét nghĩa thứ hai chính là cùng nhau, cùng với em đó.🥺
nếu bạn đang nghèo (vì tư bản🤌) thì mình cũng vậy, đừng quá lo lắng nhé! cố gắng thêm một chút, và cùng người ủng hộ bạn, hoặc chỉ là cùng với chính giấc mơ của bạn thôi, cứ thế tiếp tục sống vui vẻ nha! 🥰
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top