Hôn Lễ Cổ Trang
Hôn lễ kiểu Trung Quốc
Hôn lễ truyền thống của Trung Quốc là một bộ phận quan trọng trong văn hóa của họ. Cổ nhân Trung Quốc cho rằng hoàng hôn là giờ lành, cho nên sẽ làm lễ cưới vợ vào lúc hoàng hôn; bởi vì nguyên nhân này, lễ kết hợp của phu thê được xưng là "Hôn lễ" (昏礼, chứ không phải 婚礼như ngày nay) (1) . Trong "ngũ lễ", hôn lễ thuộc "gia lễ", là sự kiện quan trọng thứ hai trong đời người, sau lễ đội mũ của con trai và lễ cài trâm (cập kê) của con gái.
Hôn lễ thời xưa ở Trung Quốc
1. Lịch sử
Hôn nhân cổ đại Trung Quốc là chế độ một chồng một vợ nhiều thiếp, trong chế độ hôn nhân này, thiếp thất địa vị thấp hơn vợ cả (đích thê, 嫡妻) (2). So với vợ cả, nghi thức cưới thiếp tương đối đơn giản. Nghi thức cưới vợ thì tương đối phức tạp và long trọng, đời Chu thiên tử cưới vợ trước sau tổng cộng mất hơn một năm, chư hầu thì hơn nửa năm. Đời sau được đơn giản hoá, nhưng hôn lễ hoàng gia vẫn tốn rất nhiều thời gian. Thái tử thời Đường Lý Hoằng nạp Thái tử phi Bùi thị tốn thời gian một năm.
2. Chuẩn bị trước hôn lễ
A.Hôn nhân lục lễ
Hôn lễ Trung Quốc có thể chia làm ba giai đoạn:
Hôn tiền lễ, tức đính hôn.
Chính hôn lễ, tức lễ kết hôn hoặc thành hôn, ý là phu thê kết hợp.
Hôn hậu lễ, là lễ thành thê, thành phụ hoặc thành rể, biểu thị nhân vật mà nam nữ sau khi kết hôn sắm vai.
Trong tập tục kết hôn truyền thống của Trung Quốc, hôn tiền lễ cùng chính hôn lễ là trình tự chủ yếu, những trình tự này đều khởi nguồn từ Chu Công lục lễ.
Cái gọi là lục lễ, theo 《 Nghi lễ 》 ghi lại, phân biệt là nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghênh. Nghe nói lục lễ được bắt đầu vào thời nhà Chu, có học giả cho rằng thời đại Chu Văn Vương đã có lục lễ, tuy nhiên cũng có người không làm theo lục lễ.
B.Tam thư lục lễ
Tam thư là sính thư, lễ thư cùng nghênh thân thư:
- Sính thư
Sính thư là thư dùng khi đính hôn, lúc "Nạp cát" (qua văn định) khi nhà trai giao cho gia đình nhà gái.
- Lễ thư
Lễ thư là thư dùng khi "Nạp chinh" (qua đại lễ), lễ thư sẽ kỹ càng tỉ mỉ liệt kê chủng loại cùng số lượng của lễ vật.
- Nghênh thân thư
Tên như ý nghĩa, nghênh thân thư là thư dùng khi nghênh thú tân nương, tức là trong bước 6 " thân nghênh" của lục lễ sử dụng.
Lục lễ bao gồm 6 bước:
- Một là nạp thái, là nhà trai hướng nhà gái cầu hôn, cùng cấp với "coi mắt, làm mai" ngày nay.
- Hai là vấn danh, là nhà trai nhờ bà mối hỏi tên tuổi, ngày sinh của cô gái, sau đó đến tông miếu bói toán cát hung, kết quả là "cát" thì mới tiến hành bước tiếp theo, "hung" thì dừng ở đây.
- Ba là nạp cát, còn gọi là "qua văn định", là sau khi bói toán được đến điềm lành thì định ra hôn ước.
- Bốn là nạp chinh, còn gọi là "nạp tệ" hay "qua đại lễ", nhà trai phái người đưa sính lễ đến nhà gái. Nhà gái nhận sính lễ, xưng là "hứa anh".
- Năm là thỉnh kỳ, còn gọi "chọn ngày", tức là thỉnh nhà gái xác định ngày kết hôn.
- Sáu là thân nghênh, ngày hôn lễ, nhà trai cần thiết tự mình đi nhà gái nghênh đón, sau đó nhà trai về trước, ở ngoài cửa chờ đón. Nếu chưa thân nghênh mà người trai chết, cô gái có thể lấy người khác. Nhưng nếu lỡ thân nghênh rồi mà người trai mới chết, dù chưa bái đường, theo quy định của tục lệ, cô dâu chỉ có thể nhận mệnh ở góa suốt đời.
C.Đổi canh phổ
Đổi canh phổ, tức là nhà trai cùng nhà gái trao đổi gia phả với nhau, làm bằng chứng đính hôn. Bà mối cầu hôn xong, nếu như sinh thần bát tự của hai bên nam nữ không có xung khắc, hai bên sẽ đổi canh phổ.
Hiện tại có vài nơi vẫn còn tập tục đối chiếu sinh thần bát tự của hai bên nam nữ, ngày giờ hôn lễ, phong thuỷ nhà mới vv.
D.Sính lễ cùng của hồi môn
Trừ bỏ tam thư lục lễ, nhà trai cần đưa tặng sính lễ cho nhà gái. Mà của hồi môn bên nhà gái muộn nhất là một ngày trước khi kết hôn cần phải đưa đến nhà trai. Của hồi môn nhiều ít tượng trưng cho thân phận và mức độ giàu có của gia đình cô gái. Trừ bỏ châu báu trang sức cùng một ít nhu yếu phẩm trong sinh hoạt, của hồi môn chủ yếu đều là những thứ mang ngụ ý cát tường. Truyền thống là đem của hồi môn liệt kê thành danh sách, xưng là "liêm nghi lục" (奁仪录), nghĩa là "danh sách các rương đồ cô dâu trong nghi thức".
E.Chuẩn bị mấy ngày trước hôn lễ
- An giường
Sau khi tuyển được ngày tốt, trước khi cưới mấy ngày, nhờ một người đàn ông được cho là "may mắn cả đời" đem giường tân hôn chuyển qua vị trí thích hợp. Vị trí phải dựa theo bát tự và thần vị của hai bên nam nữ mà quyết định, mà vị trí giường cũng không thể cùng bàn tủ, những vật có góc nhọn đối nhau. Rồi sau đó, lại nhờ một người phụ nữ có "con cháu mãn đường" phụ trách trải giường chiếu, mang lên các loại quả mừng, như trái vải khô, đậu xanh đậu đỏ...vv.
An giường xong, cấm để chính mình hoặc người trưởng thành nào khác ngồi, nằm lên đó, nhất là quả phụ, người góa bụa, ly hôn; nhưng có thể làm trẻ sơ sinh ở trên giường chơi đùa, ngụ ý sinh con phát tài.
- Hiến tế
Thông thường là hoạt động tế tổ hoặc tế thần. Ngày nay ở Chu Sơn, Chiết Giang có cử hành hiến tế truyền thống ở đêm trước hôn lễ, xưng là "tương hỉ".
3.Quá trình hôn lễ
A.Khóc gả
Theo 《 Lễ Ký 》 ghi lại, "Khổng Tử nói rằng: Nhà sắp gả con gái, ba đêm không tắt đuốc, bởi vì ưu tư sắp phải biệt ly."
Khóc gả vào ngày nay có lẽ là một việc rất khó lý giải; nhưng ở thời cổ, bởi vì giao thông không tiện, con gái sau khi xuất giá liền rất khó có cơ hội nhìn thấy người nhà. Mà trên thực tế, phụ nữ lấy chồng xong cũng không phải giống hôm nay, tùy thời có thể về nhà mẹ đẻ thăm người nhà, ngày xưa về nhà mẹ đẻ cần phải được nhà chồng phê chuẩn.
Ngoài ra cũng có cách nói: khóc gả là xuất phát từ xưa khi phụ nữ không thể có được tự do trong hôn nhân, cho nên họ sẽ dùng tiếng ca khi khóc gả để lên án chế độ hôn nhân thời cổ không công bằng.
B.Vấn tóc
Thời cổ đại, con trai đến hai mươi tuổi thì làm "Lễ đội mũ" (quan lễ), tỏ vẻ mình thành niên. Mà con gái mười lăm tuổi thành niên đính hôn xong làm "Lễ cài trâm" (kê lễ, nên con gái tuổi này còn gọi là tuổi "cập kê", tức là sắp có thể cài trâm, sắp thành niên). Biểu thị đã đến tuổi kết hôn. Bởi vậy lễ thành niên cùng hôn lễ có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Sau lại bởi vì thịnh hành tảo hôn, hơn nữa lễ nghi của thường dân bị đơn giản hoá, diễn biến thành nghi thức vấn tóc trước khi kết hôn.
"Vấn tóc" không chỉ là chải tóc vấn tóc, mà là trang điểm toàn bộ phần đầu, còn phải se mặt, vẽ lông mày, tô son thoa phấn... vv
"Se mặt" là dùng chỉ mỏng se đi lông tơ trên mặt tân nương, làm gương mặt trở nên láng mịn.
"Vấn tóc" là một nghi thức phi thường tỉ mỉ. Chải đầu phải dùng lược mới, người hỗ trợ "vấn tóc" cần phải là người "Toàn Phúc" (tục xưng là "Hảo mệnh lão" và "Hảo mệnh bà" ), nghĩa là người này lục thân đều còn đầy đủ, nhi nữ mãn đường. (Lục thân bao gồm: cha, mẹ, anh (chị), em, vợ (chồng), con)
Ngoài ra, nhà mẹ đẻ còn sẽ mở tiệc mời khách, qua đó có thể phần nào thấy tính long trọng của khâu "vấn tóc".
Cô dâu ở trong phòng chờ nhà trai tới
Thông thường, thời gian nhà trai vấn tóc sẽ so nhà gái sớm cỡ nửa giờ. Lúc vấn tóc, hai bên nam nữ cần tắm gội trước, cũng nhờ người Toàn Phúc lấy lá bưởi tưới nước tắm rửa (lá bưởi nghe nói có thể gột sạch dơ bẩn). Sau đó thay đồ lót áo ngủ hoàn toàn mới, dựa vào một cái cửa sổ có thể thấy ánh trăng mà ngồi nhờ người Toàn Phúc chải đầu. Tân nương đầu tóc sẽ quấn thành búi, tỏ vẻ cô ấy đã gả làm vợ người, bước vào giai đoạn người trưởng thành.
"Hảo mệnh lão" và "Hảo mệnh bà" thay cô dâu chú rể chải đầu, vừa chải vừa hát :
Một chải chải đến đuôi
Hai chải cô nương của chúng ta tóc bạc còn cử án tề mi
Ba chải cô nương con cháu đầy nhà
Bốn chải chồng cô may mắn, ra đường gặp quý nhân
Năm chải con cái thi đỗ về đón mẹ, phú quý giàu sang không thiếu loại nào
Sáu chải thân bằng tới chúc phúc
Bảy chải Thất tiên nữ xuống trần gả Đổng Vĩnh, bắt cầu Hỉ thước đến gặp nhau
Tám chải Bát tiên tới mừng thọ, cả đời phúc lộc an khang
Chín chải cửu tử liên hoàn loại nào cũng có
Mười chải vợ chồng bên nhau tới bạc đầu
Hoặc đơn giản vài câu như:
Một chải chải hết đầu, phú quý không cần sầu;
Hai chải chải hết đầu, vô bệnh lại vô ưu;
Ba chải chải chải hết đầu, nhiều con lại nhiều thọ;
Lại chải chải đến cuối, cử án lại tề mi;
Hai chải chải đến cuối, bỉ dực cộng song phi;
Ba chải chải đến cuối, vĩnh kết đồng tâm bội,
Có đầu lại có cuối, một đời cùng phú quý.
Ngụ ý chúc phúc hôn nhân mỹ mãn lâu dài, con cháu đầy nhà, phú quý sang giàu, người một nhà hòa thuận, vợ chồng thương nhau, thần tiên phù hộ, sống tới bạc đầu.
Cuối cùng, "Hảo mệnh lão" hoặc "Hảo mệnh bà" cần đem trắc bách diệp và dây buộc tóc đỏ cột ở trên đầu tân lang tân nương, như vậy mới tính hoàn thành nghi thức.
C.Trang phục cô dâu chú rể
Cô dâu mới thường sẽ lấy một tấm khăn vuông màu đỏ có cạnh dài ba thước trùm ở trên đầu, chiếc khăn đỏ này xưng là "khăn che", tục xưng khăn voan.
Đối với khăn voan, thường có hai loại cách nói: một loại nói khăn voan là vì che giấu; một loại khác xuất phát từ tục "cướp vợ" thời cổ, tỏ vẻ cô dâu mới trùm khăn voan lên liền vĩnh viễn tìm không thấy đường trở về.
D.Đón dâu, xuất môn
Khi thành hôn, nhà trai cần thiết đi đón dâu. "Thân nghênh" là lễ tiết long trọng nhất trong lục lễ. Không có tân lang đón dâu, liền không có tân nương xuất giá. Cổ đại thân nghênh, có đi bộ, cũng có dùng xe ngựa, thời nhà Tống trở về sau phổ biến là dùng kiệu hoa đi đón dâu.
Cảnh nghênh thân thời Thanh trong tranh vẽ xưa
Ngày ước định đã đến, trước khi tới giờ làm lễ trưởng bối nhà trai sẽ cùng đi với tân lang, dẫn theo người trong tộc hướng thần minh, tổ tiên dâng hương tế bái, khẩn cầu quá trình nghênh thú có thể hết thảy thuận lợi. Canh giờ đã đến, đội ngũ nghênh thú xuất phát, trước khi xuất phát đốt pháo trúc lần đầu tiên, dọa lui ác quỷ tà thần muốn cướp tân nhân.
Người nâng kiệu cần thân thể cường tráng, gặp gỡ kiệu hoa nhà người khác, tuyệt đối không thể cùng bọn họ chạm trán, cần phải đi vòng. Đón dâu trở về, còn phải đổi một con đường khác, lấy ý là sẽ không quay về lối cũ. Nếu trên đường đi qua những chỗ như miếu, từ, mồ, giếng, sông, cần thiết từ người đón dâu nhà trai bung ra chăn đỏ đem kiệu hoa che, ý là "tránh ma quỷ".
Nếu ở trên đường gặp được đội ngũ đưa tang, người đón dâu sẽ nói "Hôm nay cát tường, gặp gỡ bảo tài!" Đây là bởi vì quan tài đọc gần giống "quan tài" (xem tài), ý là nhìn đến tài bảo, nói như vậy chủ yếu là vì được cát lợi.
Hiện đại phần nhiều là đem ô tô trang sức thành xe đón dâu.
Xuất môn là chỉ tân nương rời đi nhà mẹ đẻ. Khi tới giờ lành, tân lang đến nhà gái, lúc này người thân bạn bè của tân nương sẽ cố ý làm khó tân lang, khảo nghiệm trí tuệ tân lang, chờ tân lang thông qua cửa ải lúc sau mới có thể nghênh đón tân nương, xưng là cản môn, tân lang hóa giải nan đề thì xưng là "thôi trang" (thúc giục cô dâu). Tân lang bái kiến cha mẹ cô gái, lại nghênh đón tân nương, rồi mới bái biệt trưởng bối nhà gái.
Tân nương xuất môn cần hỉ nương cõng, nghe nói tân nương hai chân chấm đất sẽ mang đến ác vận, hỉ nương sẽ bung dù che chở tân nương, là tránh cho tiên nữ trên trời đố kỵ, mà dùng dù cũng lấy ý là khai chi tán diệp, hỉ nương cõng tân nương và chị em đưa gả vừa đi, vừa hướng trên không, đỉnh dù, đỉnh xe hoa ném gạo, dùng để "cho gà vàng ăn", ý chỉ gà mổ thóc xong liền sẽ không mổ tân nương, cuối cùng trước khi lên xe hoa, tân nương tử sẽ hướng người đưa tiễn khom lưng, bày tỏ lòng biết ơn. Ở một ít khu vực, hỉ nương sau đó còn sẽ đưa lên một chậu nước, mẹ cô gái sau khi xác nhận nữ nhi đã lên kiệu hoa thì tát nước ra ngoài, tượng trưng cho "con gái gả chồng như nước đổ đi, không thể thu hồi", sẽ không bị chồng bỏ. Sau đó lại lần nữa đốt pháo, dọa lui ác quỷ tà thần muốn cướp tân nhân.
Tân nương lên kiệu hoa, mẹ cô cầm bình nước chuẩn bị đổ đi
Lúc xuất môn, chị dâu của tân nương là không thể đưa tiễn, bởi vì trong chữ "chị dâu" có âm đọc giống chữ "sao chổi", nên người xưa tin tưởng chị dâu đưa tiễn cô dâu xuất môn sẽ mang đến không may mắn.
E.Quá môn
Quá môn ý là tân nương từ gia đình nhà gái ra cửa sau chính thức bước vào cửa nhà trai, bái kiến cha mẹ chồng cùng các trưởng bối khác.
Truyền thuyết nói cha mẹ chồng không thể ở đại sảnh trực tiếp thấy tân nhân vào cửa, bởi vì như vậy sẽ xung khắc. Cho nên sau khi cô gái đi vào nhà trai, cha mẹ chồng sẽ từ trong phòng ra tới đại sảnh gặp tân nhân, quá trình xuống xe vào cửa còn có tục rải đậu, rải quanh cửa, cho con nít tranh nhau nhặt. Theo 《 Sự vật kỷ nguyên 》, rải đậu bắt nguồn từ đời nhà Hán. Tân nương có thể còn ôm chăn, lấy chăn đỏ bọc cô dâu ôm vào cửa. Cũng có nhiều nơi lúc nhập môn có tập tục bước qua chậu lửa hoặc đạp bể mái ngói, đem uế khí đuổi ra ngoài, nhưng ở hiện đại cô dâu mặc áo cưới mang giày cao gót, không tiện làm như vậy, đã không còn thấy nữa.
F.Bái đường
Từ Dương thời Càn long nhà Thanh vẽ 《 Cô Tô phồn hoa đồ 》miêu tả hôn lễ kiểu Trung Quốc, tân lang tân nương bái đường.
Bái đường, lại xưng là "Bái thiên địa", là một nghi thức rất quan trọng trong hôn lễ. Bái đường không thuộc về tam thư lục lễ cổ đại. Hồ Phác An trong 《 Trung Hoa toàn quốc phong tục chí 》 quyển sau cuốn bốn 《 Chiết Giang Hải Ninh phong tục ký · kết hôn 》viết: "Khi ra khỏi kiệu, dùng bao gạo trải đến tận phía trước hoa chúc, tân nương chân đạp bao gạo, ý là bước bước cao, đại đại hảo. Bái kiến thiên địa kêu bái đường. Tân nhân đối diện lẫn nhau uống rượu gọi là lễ hợp cẩn. Lấy lụa đỏ, tân lang tân nương mỗi người cầm một bên gọi là khiên hồng, đưa vào động phòng, ngồi trên giường, dùng trái cây rải đầy, gọi là tọa sàng tát trướng."
Tục lệ bái đường từ thời nhà Tống trở đi phi thường lưu hành, sau khi bái đường, cô gái liền chính thức trở thành một thành viên của nhà trai. Mạnh Nguyên Lão trong《 Đông Kinh mộng hoa lục · thú phụ 》 ghi lại tục bái đường của người thời Tống là: "Ngày kế canh năm, dùng một bàn cao đặt gương, nhìn lên lên gương mà bái, gọi là cô dâu mới bái đường. Sau đó bái tôn trưởng thân thích, cô dâu hiến cho họ lụa màu, đồ thủ công, giày, gối...gọi là thưởng hạ. Tôn trưởng thì tặng lễ vật cho cô dâu, gọi là đáp hạ." (hạ 贺có nghĩa là mừng)
Khi "Bái đường", người chủ trì hôn lễ sẽ lớn tiếng nói: "Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái, đưa vào động phòng." 《 Tỉnh thế nhân duyên truyện 》 hồi 49 viết Triều Lương đón dâu: "Tháng tư ngày mười ba, Khương Trạch tới trải giường chiếu. Kia phục sức dụng cụ, giường màn mới tinh, không cần kể nhiều. Buổi tối, vì tục là giường tân hôn không thể để trống, cho nên đem một túi đậu xanh áp ở trên giường. Ngày mười lăm cưới Khương tiểu thư quá môn, Triều Lương nghe Triều phu nhân chỉ giáo, bái thiên địa, uống rượu, bái giường công giường mẫu, tọa trướng khiên hồng; mọi thứ đều y theo tục lễ. Đến thăm đáp lễ trở về, Khương gia ba bữa đưa cơm."
Kỳ thật, bái thiên địa đại biểu cho đối thiên địa thần minh tôn thờ; mà bái cao đường chính là đối hiếu đạo thể hiện; về phần phu thê giao bái liền đại biểu vợ chồng tôn trọng nhau như khách. Ở mức độ nào, phu thê giao bái là thời điểm ít ỏi mà xã hội nam tôn nữ ti cổ đại cho nữ tính cùng nam tính có địa vị ngang nhau.
Vào tân phòng sau, tân lang lấy cành đào vén lên khăn voan của tân nương, vợ chồng uống rượu hợp cẩn, hôn lễ hoàn thành.
G.Tiệc cưới
Tiệc cưới hay còn gọi là hỉ yến, người đi ăn tiệc gọi là "uống rượu mừng". Khi ăn tiệc, chú rể và người nam trong nhà trai phải đi rót rượu mời khách, cảm ơn khách đến dự tiệc cưới. Sau khi kính rượu một vòng, chú rể mới có thể được phép vào phòng với cô dâu.
Cô dâu chú rể giao bôi
Họat động cuối cùng trong hôn lễ là "nháo động phòng", bạn của chú rể thường nghĩ cách trêu chọc tân lang tân nương, khuấy động không khí hôn lễ tới mức cao nhất, sau đó mới rút đi để lại không gian cho tân nhân. Vì thời cổ nam nữ kết hôn mà không biết mặt nhau, hoạt động này có ý nghĩa giúp cô dâu và chú rể bớt xa cách khi đối mặt với người mà sẽ là nửa kia của mình trong cuộc đời này.
4.Hôn hậu lễ
A.Bái kiến cha mẹ chồng
Buổi sáng ngày sau lễ thành hôn, tân nhân sẽ hướng cha mẹ chồng dâng trà quỳ lạy. Cha mẹ chồng sẽ nói lời chúc phúc và dạy bảo. Hiện đại thì sớm hơn, bái đường xong hoặc trong tiệc cưới, cha mẹ chồng sẽ tặng trang sức và lễ vật cho cô dâu. Tân nương nhận được trang sức cần mang lên ngay, để tỏ vẻ cảm ơn. Sau đó, tân nhân sẽ hướng trưởng bối và thân thích khác dâng trà.
B.Về nhà thăm bố mẹ
Ngày thứ ba lại mặt (tam triều hồi môn) tức là về nhà thăm bố mẹ (quy ninh), "tam triều" là chỉ ngày thứ ba sau khi kết hôn, tân nương và trượng phu cùng đi, mang heo quay, quà tặng về nhà mẹ đẻ tế tổ, sau đó lại theo trượng phu trở lại nhà chồng; tương truyền trước đây đời Tần đã có tập tục như vậy.
Về nhà thăm bố mẹ (quy ninh), nghĩa là về nhà mẹ đẻ hướng cha mẹ báo bình an. Ở thời cổ, giao thông không tiện, nếu nhà chồng cách nhà mẹ đẻ quá xa, cái gọi là xuất giá tòng phu, con gái đến nhà chồng sau liền có thể không còn cơ hội trở về nhà mẹ đẻ. Cho nên hồi môn có thể là lần cuối cùng cô gái có cơ hội về nhà mẹ đẻ. Cũng bởi như thế, mọi người thập phần coi trọng tập tục này. Hà Hưu trong《 Xuân thu công dương truyện 》 ghi lại thời Xuân Thu đã có nghi lễ này.
Ở một ít nơi khác, bởi vì người cậu (anh em trai của mẹ chú rể) có địa vị tôn quý, vợ chồng tân hôn còn cần đặc biệt mang lên lễ vật, đi nhà cậu của chú rể nhận thân [9].
Bài viết thuộc về dichtienghoa.com, vui lòng không đăng lại ở nơi khác.
-------------------
Chú thích:
(1)昏 nghĩa là hoàng hôn, chiều tối. 婚 nghĩa là hôn nhân, kết hôn.
(2)嫡 nghĩa là chính, trưởng, chính thống, chính tông. Nên con của vợ cả cũng gọi là đích tử, đích nữ, để phân biệt với con của thiếp hầu là thứ tử, thứ nữ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top