Trong tuyệt cốc
Tiểu Cúc nghe vậy cười thầm bởi đó chính là nơi cô đã quăng xác A Phúc xuống Nhưng nghĩ lại, Tiểu Cúc chợt tự hỏi: Có khi nào gã ngốc kia không may đến đó trượt chân thật thì sao? Không được, ta phải đến đó xem sao.
Cam Ký phi thân lên vách núi chú mục nhìn xuống, chỉ thấy vực sâu hun hút, không thấy đáy đâu. Y cũng không dám liều mạng phi xuống, bèn nói: "Lão Hầu, ngươi dẫn người xuống đó xem có thấy xác của hắn không".
Tiểu Cúc nói: "Muội cũng đi với Hầu tổng xem sao".
Cam Ký nói: "Như vậy càng tốt! À, mà Linh muội đâu rồi nhỉ?".
"Linh muội đã đuổi lên phía bắc".
Cam Ký gật gật: "Ý nghĩ của Linh muội nhạy bén hơn ta nhiều".
Tiểu Cúc và Thông Thiên Hầu lần xuống đáy vực, thấy giữa đám đất đá lổn nhổn một thi thể bất thành nhân dạng, tuy y phục đã bị rách nát, nhưng vẫn có thể nhận ra đó chính là y phục của Đổng Tử Ninh. Tiểu Cúc đưa mắt chăm chú nhìn chung quanh, nhưng không thấy có thi thể nào khác nữa, lúc đó mới yên tâm nghĩ: Xem ra gã ngốc đã chạy về phía bắc rồi. Tiểu Cúc thấy Thông Thiên Hầu nhìn cái xác với vẻ lạnh lùng nghi ngờ, lại nghĩ: Nếu để lão phát hiện ra sự thực thì rắc rối không nhỏ, cô lên tiếng: "Hầu tổng, may mà chúng ta tìm được xác của hắn, nếu không lão sẽ bị lão phu nhân lấy đầu".
Thông Thiên Hầu nghe vậy không khỏi giật mình, nghĩ: Chưa hẳn cái xác này là của tên tiểu tử kia, nhưng nếu lỡ không tìm ra hắn thì chẳng phải cái mạng già này cũng đi đời sao? Nghĩ rồi, lão nói: "Đại tiểu thư nghĩ xem nên xử lý cái xác này thế nào? Có nên mang về cho lão phu nhân xem không?".
"Cái xác ghê như vầy, lão phu nhân nhìn thấy tất sẽ hoảng sợ. Thôi, tạm thời cứ để nó lại đây, bọn ta về hỏi xem ý Đại gia và lão phu nhân thế nào đã".
"Đại tiểu thư nói phải".
Hai người về trang trại bẩm báo lại với Cam Ký và lão phu nhân. Lão phu nhân hỏi: "Các ngươi nhìn kỹ chưa? Có đúng đó là xác tiên sinh kia không?".
Thông Thiên Hầu nói: "Lão nô không dám nói dối, thi thể rách nát không thể nhận ra, nhưng nhìn y phục thì đích xác là của tiên sinh đó".
"Kỳ lạ thật, sao hắn ta lại chạy đến đó nhỉ?'.
Cam Ký nói: "Mẫu thân, rõ ràng tên giặc đó được kẻ nào sai phái đến đây để ăn cắp bí kíp võ học của Cam gia chúng ta".
Lão phu nhân cười nhạt: "Nếu không có tâm truyền và khẩu quyết của Cam gia thì dù bọn chúng có dòm ngó, ăn cắp được bí kíp đi nữa cũng có tác dụng gì? Từ nay về sau các ngươi phải cẩn thận hơn, đừng để bất kỳ người nào lọt vào đây nữa". Đoạn, lão phu nhân lải quay sang nói với Thông Thiên Hầu: "Niệm tình hắn có công chữa trị chân của ta, ngươi hãy đem hắn đi chôn cất cho tử tế".
"Vâng".
Lão phu nhân nhìn mọi người chung quanh khắp lượt, hỏi: "Linh nhi đâu? Nó lại chạy đâu rồi?".
Tiểu Cúc nói: "Muội muội chạy lên phía bắc thử tìm tên lang trung kia rồi".
Lão phu nhân cười: "Linh nhi tâm cơ linh mẫn, nhưng lần này nó lo thừa rồi. Đừng nói là võ công của gã lang trung đó đã bị phế hết, mà dù còn chăng nữa, hắn cũng không thể dễ dàng vượt ra được cốc này, trừ phi hắn có võ công thượng thừa. Nhưng đó đi thử cũng tốt, đề phòng chuyện không may".
Trưa hôm sau, Cam Linh trở về. Tiểu Cúc ra đón, hỏi nhỏ: "Có tìm được gã ngốc đó không?".
Cam Linh lắc đầu: "Không thấy, không biết hắn đã chết ở nơi nào đây?".
"Tiểu thư (Tiểu Cúc vẫn xưng hô với Cam Linh như vậy), đã không thấy người, cũng chẳng thấy xác, tiểu thư cứ yên tâm, điều đó chứng tỏ hắn vẫn còn sống, chỉ có điều không biết hắn đang ẩn nấp ở đâu đó thôi".
"Muội chỉ lo hắn sơ ý trượt chân ngã xuống vực chết chìm, như vậy sẽ phụ sự ủy thác của Phụng nữ hiệp".
Tiểu Cúc trầm ngâm một lát, chậm rãi nói: "Vạn nhất hắn có chết thật thì muội cũng đã tận tâm hết sức đối với Phụng nữ hiệp, như vậy cũng không tự thẹn. Ta nghĩ gã ngốc đó nhân phẩm hơn người, giàu lòng nghĩa hiệp, chắc ông trời không để hắn chết sớm vậy đâu".
Cam Linh nói: "Thôi, cái gã ngu ngốc ấy có chết thật thì cũng khiến người khác đỡ phải lo".
Lúc Đổng Tử Ninh tỉnh lại không biết ban ngoài ban ngày hay ban đêm, nghiêng tai lắng nghe cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Y nghĩ bụng: Chắc bọn chúng tìm ta không ra nên bỏ đi hết rồi, sao ta không bò ra? Y nâng người bò lên phía cửa động, nào ngờ tàng đá lớn nặng mấy trăm cân đã bịt kín cửa, cho dù bây giờ y chưa mất võ công đi nữa cũng không thể nhúc nhích gì được nó. Đổng Tử Ninh cố sức xô đẩy tảng đá, nhưng nó vẫn bất động, cứ như mọc rễ xuống đất rồi vậy. Y hoảng hốt nghĩ: Chẳng lẽ ta bị chết dần chết mòn trong đây sao? Nếu biết trước như vầy, ta thà xông ra để Cam Ký đánh một chưởng chết cho nhanh đỡ phải khổ.
Đổng Tử Ninh không biết làm sao ra được, đành lò mò lần vào phía trong xem may ra có đường nào thoát không. Trên người y giờ này chỉ còn một ít lương khô và dao đánh lửa. Y định đánh lửa lên, nhưng không có đồ dẫn nên đành mò mẫm trong bóng tối. Y có cảm giác như mình đang đi xuống, bò đến một chỗ đất bằng phẳng thì thấy thạch động rộng dần ra, có thể đứng thẳng người lên được.
Y cứ lần từng bước bám vào vách đá đi như vậy, cũng không biết bao lâu, qua bao nhiêu khúc quanh thì bỗng lờ mờ thấy cảnh vật trong động. Đổng Tử Ninh phát hiện ra mình đã tới một chỗ rộng rãi tựa như phòng khách, chỗ nào cũng đầy nhũ đá với vô số kỳ hình quái dạng, phía trước lại có cả một hồ nước trong vắt. Y cả mừng, vội chạy đến vục đầu xuống uống một hơi, đoạn lấy lương khô ra nhai rồi mem theo hướng có vệt sáng đi tiếp.
Không lâu sau, Đổng Tử Ninh phát hiện vệt sáng kia chính là do một miệng hang cao hơn hai trượng chíu xuống. Miệng hang tuy cao, nhưng lại có bậc đá dẫn lên, Đổng Tử Ninh vội lấy hơi trèo lên. Đến nơi, ánh nắng chói chang khiến y cơ hồ không thể mở mắt ra được. Tới lúc nhìn lại, Đổng Tử Ninh thấy nơi đây là một thạch động lớn, rất khô ráo sạch sẽ, bên ngoài cây cối um tùm, chung quanh là vách núi dựng đứng. đổng tử ninh thở phào, nếu sớm biết như vầy, ta hà tất phải phí sức tìm cách đẩy tảng đá bịt cửa động trong kia. Y chạy ra nhìn quanh, thấy núi non cao chất ngất, ngẩng lên chỉ là một mảng trời xanh. Rõ ràng là một đáy cốc, cây cỏ rậm rạp, quái thạch lô nhô.
Đổng Tử Ninh len lỏi tìm đường ra, nhưng cuối cùng đành tuyệt vọng. Tuyệt cốc này chỉ rộng chừng hơn mười trượng, dài không đến nửa dặm, nhưng tứ phía đều là vách đá chót vót, cho dù có võ công thượng thừa đệ nhất cũng không thể phi thân lên nổi. Đổng Tử Ninh sức cùng lực kệt, gân cốt rệu rã, quần áo, mặt mũi tay chân bị gai góc cào rách tơi tả. Y ngồi phịch xuống đất, tựa người vào một phiến đá, nghĩ: Ở đây không có lối thoát, xem ra chỉ có đường ra duy nhất trong động kia, nhưng nó đã bị tảng đá lớn bịt kín không có cách nào đẩy ra nổi. Cửa mở không được, lương khô chỉ còn mấy miếng, Đổng Tử Ninh ta đành phải chết đói trong tuyệt cốc này mất rồi. Y lại nhìn khắp lượt trong cốc, thấy các khóm cây thấp chung quanh mình sai trĩu những trái màu đỏ tía, hình dáng tựa như nhũ hoa thiếu nữ, đó chính là Sơn nẫm, một loại quả đặc hữu chỉ có ở Lĩnh Nam. Nãy giờ y chỉ lo tìm đường ra nên không chú ý đến chúng. Y bèn hái một quả nếm thử thì cảm thấy rất ngon ngọt. Y nhìn kỹ lại thì thấy trong tuyệt cốc này chỗ nào cũng đầy loại trái cây này. Đổng Tử Ninh hơi yên tâm, nghĩ: Như vậy ít ra mình cũng không bị chết đói trong nửa tháng tới, mà nghe nói trái sơn nẫm này có tác dụng tăng khí bổ huyết, thông mạch giãn gân, không chừng mình ăn vào lại đủ sức vần tảng đá bịt cửa động ra cũng nên.
Nghĩ đoạn, y liền hái thêm một mớ mang vào động để dành ăn tối, tiết kiệm lương khô.
Y vào động, ngả người lên một phiến đá khá sạch định nghỉ ngơi. Nhưng vừa đặt lưng xuống thì cảm giác lạnh buốt, Đổng Tử Ninh nhổm lên, nghĩ: Nếu ta nam72 ở đây, đến đêm có phải là sẽ bị chết cóng không? Y lần vào tiểu động, thử cố sức đẩy tảng đá chèn cửa động, nhưng vô hiệu, đành thở dài lẩm bẩm một mình: 'Để hai ba bữa nữa khỏe hơn, ta lại đến vần thủ". Ba hôm sau, khi các vết thương đã lành hẳn, Đổng Tử Ninh lại hăng hái vào tiểu động vần tảng đá chắn, nhưng rốt cuộc nó vẫn không suy chuyển gì. Đổng Tử Ninh thẫn thờ, nhớ đến chuyện lên miền bắc tìm song thân, đến Vân Nam tìm tiểu ma nữ, y lại chán nản và tuyệt vọng: Sớm muộn gì ta cũng bỏ xác ở đây, không bằng chết sớm đi cho khỏe. Nghĩ đoạn, y đập đầu vào vách đá. Chỉ nghe "binh" một tiếng, y bị vách đá dội ngược ngã quay xuống đấy, đầu váng mắt nổ đom dóm, đau thấu tim Đổng Tử Ninh lại lồm cồm bò dậy định đập đầu tiếp, chợt thấy chỗ mình đập đầu lúc nãy có một mảng đá bằng bàn tay rơi xuống lộ ra một cái hốc nhỏ. Y không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: Không lẽ trong động còn có động, vô tình bị ta mở ra? Không chừng nó lại thông với bên ngoài cũng nên! Thật là trời cao có mắt. Đổng Tử Ninh cả mừng, quên cả đau, vội vàng chạy đến dùng hai tay cố sức cạy rộng cái hốc kia ra. Y phát hiện cái hốc này là do người nào đó cố ý dùng tro đất trám lại, bình thường nhìn bề ngoài không ai biết. Đổng Tử Ninh tràn đầy hy vọng, nhưng rốt cuộc y phát hiện cái hốc kia chỉ là một cái khám rộng chừng hai thước, cao một thước. Y thò tay vào khoắng, bên trong chẳng có gì ngoài một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ. Đổng Tử Ninh lại tuyệt vọng, kiệt sức khuỵu xuống, y ngơ ngẩn nhìn cái hộp gỗ. Nó được làm bằng gỗ quý, chế tác rất tinh xảo, bốn góc bịt bạc, khóa đồng. Đổng Tử Ninh nghĩ bụng: Cứ cho là trong cái hộp ấy đựng bảo vật vô giá đi chăng nữa, nhưng nếu ta không ra được, thì nó còn có ý nghĩa gì? Thà cho ta một hộp lương khô còn hơn. Tuy vậy y vẫn tò mờ muốn xem bên trong đựng bảo bối gì. Y cạy chiếc khóa đồng đã mục gỉ ra một cách dễ dàng, nắp hộp bật lên, Đổng Tử Ninh kinh ngạc, vì thấy bên trong chẳng có bảo bối gì mà chỉ là hai quyển sách ố vàng cũ kỹ. Y tự hỏi: Hai quyển sách này có gì quý báu mà người ta phải giấu kỹ như vầy? Y lật ra xem, thấy tờ đầu tiên có bốn chữ triện "Kiếm thuật tinh túy".
Đổng Tử Ninh không khỏi cười khổ, lẩm bẩm: "Thứ này có thể là vật vô giá với kẻ khác, chứ như ta đây, giờ đã mất hết nội lực, thì nó còn có ý nghĩa gì, nhìn thấy chỉ thêm đau lòng mà thôi". Y quăng cuốn "Kiếm thuật tinh túy", lật quyển thứ hai ra xem, thấy trên bia2cung4 có bốn chữ triện "Thần công bí kíp". Y lật qua một lượt, thấy sách này vừa có chữ vừa có hình minh họa, trong đó có hai mươi bức tranh vẽ đường hướng của các kinh mạch. Thì ra đây là sách dạy luyện khí công. Đổng Tử Ninh lại cười nói: "Luyện khí công thì phái nào chả biết, chẳng qua là mỗi phái có một cách luyện khác nhau mà thôi. Quyển này ta lại càng không cần, trừ phi có "Cửu Dương chân kinh" như Tùng Nguyệt thiền sư nói mới giúp ta nhanh chóng khôi phục nội lực được. Bìa trong lại có hàng chữ khải "Đây là thần công cái thế võ lâm, phải hết sức cẩn thận, nhất thiết không được tiết lộ ra ngoài, nếu không sẽ rước họa vào thân". Lạc khoản bên dưới đề "Cam Tu Trúc viết".
Đổng Tử Ninh nghi hoặc: Cam Tu Trúc là ai, sao không nghe võ lâm nhắc đến? Nếu quả thực ông ta có võ công cái thế, sao không nghe giang hồ lưu truyền như thiền sư Đạt Ma của Thiếu Lâm, tổ sư khai sơn Võ Đang Trương Tam Phong hay như giáo chủ Toàn Chân Vương Trùng Dương? Hơn nữa, nói về võ công thượng thừa, hiện nay võ lâm chỉ nghe có Dịch cân kinh của Thiếu Lâm, Thái Ất chân kinh và Cửu dương chân kinh đã thất truyền, chứ nào nghe nói đến "Thần công bí kíp" bao giờ? Đây chẳng qua chỉ là sự khoa trương khoác lác về võ công của môn phái mình, kiểu như "Thần kiếm" của Ngọc Thanh đạo trưởng mà thôi.
Đổng Tử Ninh không xem nội dung sách, lật sang trang cuối,chỉ thấy trên tờ chót có dòng chữ nhỏ viết: "Muốn đạt đến tuyệt cảnh thần công, tâm phải như giấy trắng, đầu phải như vực sâu, thân phải như hang rỗng. Người có nội lực không nên cố luyện, nếu không tất tẩu hỏa nhập ma, tàn phế suốt đời. Phải cẩn trọng ghi nhớ điều này". Y ngạc nhiên tự hỏi: Tâm phải như giấy trắng, đầu phải như vực sâu, thân phải như hang rỗng nghĩa là sao? Tại sao người có nội lực lại không nên cố luyện? Chẳng lẽ người không có nội lực mới luyện được? Có phải đây là sách của bọn bàng môn tả đạo? Đổng Tử Ninh đọc tiếp, thấy bên dưới lại viết: "Muốn đại công cáo thành, phải ở trong mật thất kín gió để chân khí không thoát ra ngoài mà thâm nhập vào hết trong cơ thể, lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này vô cùng nguy hiểm, phải đặc biệt thận trọng". Bên dưới lạc khoản đề "Cam Duy Kỳ viết".
Đổng Tử Ninh lại càng nghi hoặc khó hiểu: Luyện trong mật thất kín gió như vậy thì chết ngộp chứ làm sao còn luyện được khí công được nữa? Sao lúc thì đề là Cam Duy Kỳ, lúc lại đề là Cam Tu Trúc, nhưng nhìn nét chữ thì chắc là hai người khác nhau. Nhưng thôi, là một hay hai cũng có nghĩa lý gì với ta đâu, ta muốn chết mà ông trời cũng không cho chết nữa là sao? Y nghĩ đoạn, lại rùng mình khi tưởng tượng đến cảnh mình sẽ bị chết đói, thịt xương mục nát trong tuyệt cốc này mà không ai hay biết. Đổng Tử Ninh nhìn quyển "Thần công bí kíp" nghĩ bụng: Như lời Cam Duy Kỳ thì hóa ra những người không có nội lực như ta mới luyện được thứ thần công gì đó hay sao? Ở đây chẳng có gì làm, thôi cứ luyện thử xem sao, còn hơn là ngồi chờ chết. Còn chuyện bàng môn tả đạo, tẩu hỏa nhập ma gì gì đó thì ta còn gì nữa đâu mà sợ?
Đổng Tử Ninh cứ theo lời chỉ dẫn trong sách mà luyện tập, đói ăn trái nẫm sơn và kỳ nhông, khát uống nước đầm trong cốc. Y cảm thấy việc luyện tập có tiến triển nên rất chăm chỉ hăng hái. Nháy mắt đã qua nửa năm mà không hay. Lần nọ, y thử bẻ một cành củi lớn thì thấy nó gãy dễ như không, y lại thử nâng một tảng đá lên, cũng thấy rất dễ dàng, điều đó có nghĩa là nội lực của y đã khôi phục. Đổng Tử Ninh vừa ngạc nhiên vừa vui mừng: Nội lực của ta đã khôi phục rồi sao? Không phải mất bốn năm chục năm khổ luyện hay sao? Vậy "Thần công bí kíp" quả thật là một kỳ thư. Có nó rồi thì ta cần gì phải đi tìm "Cửu Dương chân kinh" đã thất truyền mấy trăm năm nay nữa? Y vội vàng vái quyển "Thần công bí kíp" ba vái với lòng thành kính. Rồi từ đó lại ra sức luyện tập không kể ngày đêm.
Đổng Tử Ninh đâu có ngờ rằng "Thần công bí kíp" mà y đang luyện chính là "Cửu Dương chân kinh" mà Tùng Nguyệt thiền sư nói. Hơn ba trăm năm trước, tổ tiên họ Cam là Cam Tu Trúc nhân loạn quân Kim vào Trung Nguyên, đã đột nhập vào Thiếu Lâm tự lấy cắp "Cửu Dương chân kinh" và chạy vào rừng sâu núi thẳm khổ công nghiên cứu, đến khi nhập tâm tất cả, Cam Tu Trúc bèn đốt hủy nguyên bản. Đến cuối đời, Cam Tu Trúc mới viết lại "Cửu Dương chân kinh", lại thêm những điều mình lĩnh hội và tâm đắc vào, đổi tên thành "Thần công bí kíp". Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các cao tăng Thiếu Lâm mấy đời qua ra sức truy tìm "Cửu Dương chân kinh" mà vẫn không tìm ra tung tích.
Do bản thân Cam Tu Trúc đã có nội lực thâm hậu, hơn nữa ông ta lại nóng lòng muốn sớm luyện thành, rốt cuộc bị tẩu hỏa nhập ma, bán thân bất toại. Vậy nên cuối đời, ông mới cảnh giới đời sau rằng có người có nội lực thì không nên cố luyện, mà khi đã luyện đến ba thành hoặc bốn thành công lực trong "Cửu Dương chân kinh" thì đừng luyện thêm nữa. Nhưng đời thứ hai nhà họ Cam vẫn dẫm lên vết xe đổ, luyện chưa thành đã bị tàn phế. Cam Duy Kỳ là đời thứ ba luyện đến thành thứ sáu, có thể phóng lá thành đao lấy mạng người một cách dễ dàng. Cam Duy Kỳ theo lời tổ dạy, không qua lại với người của võ lâm, càng không tùy tiện bộc lộ võ công, mà khi đã ra tay thì phải giết người diệt khẩu, tuyệt không cho đối phương đường sống để chân tướng khỏi bị bại lộ.
Nhưng sau đó vì gắng luyện thêm, Cam Duy Kỳ sơ ý bị tẩu hỏa nhập ma mà thành tàn phế. Vì vậy, ông mới viết thêm vào cuối sách mấy dòng lưu ý hậu thế, rồi giấu cả "Thần công bí kíp" lẫn "Kiếm thuật tinh túy" của Cam gia vào hốc đá trong động nhỏ, đồng thời lại khắc nhũng chiêu thức võ công của mình lên vách đá trong động lớn bên ngoài. Đến khi lâm chung, Cam Duy Kỳ mới tiết lộ bí mật trong thạch động và truyền khẩu quyết cho hậu nhân họ Cam. Bởi con cháu họ Cam sau này tuân thủ lời di huấn của tổ tiên cho nên không qua lại giới võ lâm, thành ra rất ít người biết võ công của Cam gia. Mà khi họ hành động thì thường bịt mặt, đã hạ thủ là không lưu tình khiến cả bọn người trong hắc đạo nghe danh cũng táng đởm kinh hồn. Trưởng nam đời thứ năm nhà họ Cam là Cam Chấn Vũ chết đột ngột. Từ đó không ai biết bí mật về hai quyển bí kíp ở vách tiểu động bên trong, mà chỉ biết nối tiếp nhau học võ công trên vách đá trong động lớn, cũng không ai biết trong động còn có động.
Đổng Tử Ninh bị Cam Ký truy sát, vô tình lạc vào tiểu động, có kỳ duyên phát hiện ra hai bí kíp võ công của họ Cam. Nhờ vậy nội lực của y nhanh chóng hồi hục, y thấy vậy lại cố công luyện tập, không nghĩ tới chuyện vội vàng tìm đường ra nữa.
Y luyện đến mức đả thông hết mười hai kinh mạch và trong kỳ kinh bát mạch cũng chỉ còn lại mạch Xung và mạch Đới là chưa luyện thành. Y đã thử đả thông hai huyệt này mấy chục lần, nhưng vẫn cảm thấy nôn nao khó thở, không thể được. Mạch Xung và mạch Đới là hai mạch cực kỳ khó đả thông trong việc luyện khí công, sơ ý một chút là người luyện có thể dễ dàng bị đứt gân võ mạch mà chết, cho nên xưa nay gần như không ai dám luyện. Đổng Tử Ninh luyện công gần đầm nước, mỗi lần thấy khó thở hoặc người bốc hỏa là y vội nhảy xuống đầm để điều tức. Chính vì vậy mà y mới không bị tẩu hỏa nhập ma chịu đời tàn phế. Y cũng không ngờ rằng mình đã luyện tới bậc thứ tám của "Cửu Dương chân kinh", và hiện nay có thể phóng lá phi hoa lấy mạng người một cách dễ dàng, cũng như có thể đấu với bất cứ cao thủ võ lâm thượng thừa nào trong võ lâm đương thời. Y chỉ cảm thấy nội lực của mình hơn trước lúc uống Hóa công đan một chút, còn khinh công thì quả có tiến bộ hơn nhiều. Như vậy là y đã mừng lắm rồi.
Từ ngày vào tuyệt cốc, Đổng Tử Ninh đã thấy tuyết ba lần rơi, như vậy là đã ba năm trôi qua rồi. Y nghĩ đá đến lúc mình nên tìm cách ra ngoài. Y vào tiểu động, định cố hết sức vần tảng đá chắn cửa ra, nhưng y mừng phát cuồng vì không ngờ bây giờ y lại nâng nó ra một cách hết sức nhẹ nhàng: Vậy là Đổng Tử Ninh ta thoát chết rồi! Ông trời quả thật có mắt! Y bò ra ngoài, đêm tối như mực, mưa gió ầm ầm. Đổng Tử Ninh ngó xuống, thấy đèn vẫn sáng trong đại viện Cam gia giữa Lạc Hồn sơn trang. Y nghĩ đến ơn cứu mạng của Tiểu Cúc, muốn cảm tạ trước khi đi nhưng lại sợ Cam Ký, Thông Thiên Hầu và nhất là sợ Tiểu Cúc bị liên lụy vì mình. Vì vậy y thi triển khinh công định thoát khỏ Lạc Hồn sơn trang, tìm cơ hội khác báo ân Nhưng phần vì lâu ngày, phần vì vội vàng mà Đổng Tử Ninh quên mất lời Tiểu Cúc từng dặn dò là ở đây chỉ có hướng bắc mới thoát ra được.
Đổng Tử Ninh sắp xuống núi bỗng nghe "ầm" một tiếng, nhìn lại thì thấy mình đã sa bẫy và bị treo ngược lên. Thì ra, ba năm trước, sau khi Đổng Tử Ninh trốn vào thạch động, Cam Ký sợ kẻ khác đột nhập Lạc Hồn sơn trang học lén võ công của Cam gia nên giăng bẫy khắp chung quanh đề phòng. Nếu đêm nay không mưa to gió lớn thì tất Cam gia đã biết việc Đổng Tử Ninh mắc bẫy.
Đổng Tử Ninh cố cùng tay phá nhưng cái túi chụp y được đặc chế từ một loại da thú rất mềm và dẻo dai. Bởi khi đặt bẫy, Cam Ký cũng đã tính tới nước kẻ lọt vào đây là một cao thủ võ lâm chứ không phải hạng tầm thường, cho nên y đã dùng da tê giác và dược thủy chế thành túi bẫy, đao kiếm chém không đứt, nước lửa cũng không xâm hại được. Đổng Tử Ninh không phá nổi túi da phần vì bị nó siết chặt không xoay xở được, phần vì y không biết mình có võ công thượng thừa, không biết vận lực phát chưởng phá túi.
Bởi nằm trong túi kín như bưng cho nên chẳng mấy chốc Đổng Tử Ninh đã cảm thấy ngộp thở. Y bèn vận Cửu dương công khiến cho chân khí tụ về mười hai kinh mạch, lại từ đó tỏa ra các huyệt vị. Nhưng bởi túi da bí gió nên chân khí không có đường thoát lại đi vào các kinh mạch, chân khí của y cứ vào ra như vậy nhiều lần khiến cho túi da căng phồng lên tựa quả bóng, hơn bảy trăm huyệt vị của Đổng Tử Ninh đều tràn đây Cửu dương chân khí. Đúng vào lúc Đổng Tử Ninh cảm thấy ngộp thở, kinh đứt mạch vỡ sắp chết thì bỗng nhiên "bùng" một tiếng lớn, túi da bị Cửu dương chân khí phá rách nát rơi lả tả tứ phía, Đổng Tử Ninh hộc máu tươi rơi xuống đất. Đổng Tử Ninh cũng không thể ngờ trong khoảnh khắc ấy, mạch Xung và mạch Đới mà y khổ luyện bao lâu vẫn không thành, giờ đây cũng được đả thông hoàn toàn.
Y cũng không thể ngờ rằng mình đã luyện thành thần công cái thế, đạt đến tuyệt đỉnh của Cửu dương thần công mà trước đó chưa ai từng đạt đến.
Đổng Tử Ninh nghe tiếng nổ, rơi xuống đất vẫn ngạc nhiên không thôi, y cứ ngỡ cái túi da kia bị sét đánh sách. Y đang định tìm đường trốn, thì trời dần dần sáng, lúc đó y mới nhận ra mình không còn mảnh vải che thân, tay chỉ còn nắm được chiếc chuông ngựa của tiểu ma nữ. Đổng Tử Ninh hết sức ngạc nhiên thốt lên: "Quần áo của ta bay đi đâu hết rồi?" – Thì ra y phục và hai quyển bí kíp giát trong người y cũng bị Cửu dương chân khí phá nát hết cả, lại thêm mưa lớn, nên giờ đây tất cả đã hóa thành bùn đất. Từ nay về sau, bộ "Cửu Dương chân kinh" mới thực sự tuyệt tích giang hồ.
Đổng Tử Ninh nghĩ: Thân thể ta như vầy làm sao ra đường được? Xấu hổ chết mất thôi. Nghĩ rồi y quyết định quay vào động chờ trời tối xuống đại viện Cam gia trộm một bộ mặc. Đổng Tử Ninh còn đang nghĩ đến ân oán giữa y với Cam gia, chợt thấy hai người đi ra, người đi trước chính là Thông Thiên Hầu, còn ngươi đi sau y hoàn toàn không biết. Đổng Tử Ninh thấy hắn không lớn hơn y bao nhiêu tuổi, chỉ chừng hơn hai mươi, nhưng rất khôi ngô tuấn tú, mắt phượng mày kiếm, vận y phục thư sinh. Đổng Tử Ninh chưa hết ngạc nhiên thì nghe gã thiếu niên nói với Thông Thiên Hầu: "Dẫn chúng ra đây!".
"Vâng, thưa Tam gia".
Đổng Tử Ninh giật mình: Không lẽ gã thư sinh anh tuấn kia là Cam Thị Tam Sát?
Lát sau đã thấy Thông Thiên Hầu dẫn hai tên bị trói ra. Đổng Tử Ninh nhìn thấy, lại càng ngạc nhiên thầm thốt lên: "Đó chẳng phải là Ô lão nhị và Ô lão tam trong Hoàng Hà Tam Kiệt sao? Cớ gì bọn họ lại bị người của Cam gia bắt?".
Cam tam gia mỉm cười: "Huynh đệ Ô gia, các ngươi ăn gan hùm mật gấu hay sao mà dám lén lút vào Lạc Hồn sơn trang của ta? Nói, ai sai các ngươi tới đây?".
Ô lão nhị nói: "Cam Tuấn, bọn ta đã rơi vào tay các ngươi, muốn giết thì giết, hà tất phải nhiều lời!".
Cam Tuấn cười, hỏi tiếp: "Các ngươi không phục?">
Ô lão tam: "Nếu dựa vào võ công của ngươi mà thắng được huynh đệ ta thì bọn ta chết cũng không oán".
Ô lão nhị: "Giăng bẫy hại người mà cũng tự xưng là Cam Thị Tam Sát à? Không phục là không hục!".
Cam Tuấn cười nhạt: "Được, ta thả các ngươi và thử lãnh giáo xem võ công của Ô gia các ngươi ghê gớm cỡ nào".
Ô lão tam không tin, hỏi lại: "Ngươi không hối hận?".
Cam Tuấn cười ha hả: "Nếu ta không thắng nổi các ngươi thì sẽ thả các ngươi ngay lập túc".
Thông Thiên Hầu đang cởi trói cho huynh đệ họ Ô, cũng nói: "Nếu các ngươi thắng Tam gia nhà ta, thì Thông Thiên Hầu ta lập tức tự cắt đầu tiễn chân các ngươi luôn".
Ô lão tam nói: "Thông Thiên Hầu, huynh đệ ta tuy là hàng võ biền nhưng cũng biết oan có đầu nợ có chủ, bọn ta đến đây tìm Cam Tuấn dể báo thù cho huynh trưởng. Còn đầu của ngươi bọn ta không thèm, ngươi nên để đó mà làm nô tài cả đời cho Cam gia thì tốt hơn".
Thông Thiên Hầu đang định nổi giận thì Cam Tuấn nói: "Hầu tổng quản, chỉ lát nữa thôi là bọn chúng sẽ biến thành hai cái xác rồi, ngươi chấp làm gì!" – Đoạn y quay qua nói với huynh đệ họ Ô: "Thì ra các ngươi liều mạng vào đây là để báo thù cho Ô lão đại. Các ngươi đã cho rằng ta giết hắn, ta cũng không cần thanh minh làm gì, đợi lúc các ngươi chuẩn bị hóa kiếp ta sẽ nói cho mà nghe. Ra tay đi!".
Mặc dù trời tối lại mưa lớn đêm qua khiến hoa viên ẩm ướt nhưng huynh đệ họ Ô vẫn rất linh hoạt, tựa đôi cá vùng vẫy trong nước. Mấy lần Cam Tuấn xuất sát chiêu, nhưng bọn họ đều tránh được. Đổng Tử Ninh chăm chú quan sát, và y ngạc nhiên phát hiện ra rằng đao pháp và khinh công của huynh đệ họ Ô đã tiến rất xa so với ba năm trước, có thể nói đã vào hàng đầu các cao thủ thượng thừa. Chẳng trách bọn họ dám xông vào điện Diêm vương này tìm Cam Thị Tam Sát.
Thì ra ba năm trước, khi đang giao chiến với Đổng Tử Ninh và Triệu Tử Vinh, huynh đệ họ Ô nghe Đổng Tử Ninh nhắc chuyện Ô lão đại bị lá tùng phóng chết, bèn bỏ chạy ra một tiểu đảo mé biển Đông đêm ngày khổ luyện võ công. Ở đó, bọn họ được Đông Hải Quái Kiệt – một trong tứ đại quái nhân trong võ lâm hiện nay – chỉ giáo thêm cho về đao pháp. Bởi vậy mà đao pháp của huynh đệ Ô gia tiến bộ rất nhanh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top