Thiên Sơn quái hiệp

Đổng Tử Ninh đang ngạc nhiên không biết Hoàng Cẩu Nhi mà Tiểu Cầm kể là ai thì chợt nghe Tiểu Kiếm thất kinh la lên: "Muội muội, mẹ đến rồi, chạy mau!". Nói rồi phóng lên ngựa toan chạy, nhưng Phụng nữ hiệp đã đừng trước mặt giữ chặt đầu ngựa nạt: "Tiểu oan gia, thấy ta còn muốn chạy hả, ta phải cho ngươi một trận mới được!". Nói rồi xắn tay áo phát cho Tiểu Kiếm một cái thật đau.

Tiểu Cầm vội chạy lại kêu xin: "Ma ma, đừng đánh ca ca mà!".

"Dang ra, tiểu a đầu, đợi ta đánh ca ca của ngươi xong sẽ đến lượt ngươi. Ta xem các ngươi còn chạy được nữa thôi?".

Đổng Tử Ninh nói: "Tỉ tỉ đừng đánh chúng, hai đứa còn nhỏ chưa hiểu chuyện, tha cho chúng lần này đi! Cũng tại tiểu đệ không tốt mà ra!".

Phụng nữ hiệp giận dữ nói: "Tiểu đệ đừng xin cho hai đứa oan gia này, không đánh, sau này bọn nó còn muốn lên trời!". Tiểu Kiếm bị mẹ phát một cái vào mông đau ứa nước mắt, Đổng Tử Ninh thấy vậy ôm Tiểu Kiếm giằng ra. Phụng nữ hiệp lại quay sang định đánh Tiểu Cầm, thì Lam Vân chạy đến ôm lấy Tiểu Cầm nói: "Phụng nữ hiệp, chuyện này không liên can gì đến công tử và tiểu thư, mà chính do tiểu nhân đem hai đứa đi Hành Sơn".

Phụng nữ hiệp ngạc nhiên hỏi: "Ngươi là ai?".

"Tiểu nhân là huynh đệ thủ hạ của Lão bắc phong Lý trại chủ, họ Lam tên Vân".

"Sao ngươi nhận ra hai đứa tiểu quỷ này?".

Lam Vân đem chuyện Tiểu Kiếm và Tiểu Cầm gặp nạn rồi lưu trú chỗ Lý Tiêu ra sao kể lại cho Phụng nữ hiệp nghe, cuối cùng y nói: "Mong Phụng nữ hiệp tha cho công tử và tiểu thư".

Phụng nữ hiệp nghe rồi thở dài nói: "Lam tiểu đệ, ngươi đã nói vậy, ta cũng đành tha cho chúng lần này. Đa tạ ngươi đã chiếu cố đến hai tiểu oan gia của ta, ngày sau ta sẽ đến tận nơi cảm tạ Lý trại chủ". Nói rồi Phụng nữ hiệp từ giã Đổng Tử Ninh và Lam Vân, đem tiểu kiếm và Tiểu Cầm về U Cốc Sơn Trang.

Đổng Tử Ninh tiếp tục nhắm hướng Hành Sơn lên đường. Qua ngày sau thì đến một bờ sông. Y nhìn quanh, thấy một cây cầu đã gãy tự bao giờ. Đang lo lắng không biết làm cách nào qua sông thì y nghe tiếng gọi: "Ê, có phải ngươi muốn qua sông không?".

Đổng Tử Ninh nhìn lại, thấy trên thượng du có một chiếc thuyền gỗ cặp mé gộp đá, trên thuyền có ba khách, lái thuyền đứng trên mũi gọi y.

Đổng Tử Ninh vội nói: "Đúng rồi, ta đang muốn qua sông đây!".

Lái thuyền nói: "Vậy hãy nhanh chân lên, ta không đợi đâu".

Đổng Tử Ninh vội vàng chạy xuống thuyền. Đổng Tử Ninh vừa ngồi xuống vừa hỏi: "Lái thuyền, cây cầu đây bị gãy từ bao giờ vậy?".

Lái thuyền liếc y một cái vẻ khó chịu rồi nói: "Cách đây mấy bữa, có trận lụt lớn, nước lũ ngập gãy cầu, ngươi hỏi cầu làm gì? Không muốn đi thuyền của ta hả?".

"Không, ta chỉ hỏi vậy thôi".

Đổng Tử Ninh ngầm quan sát lái thuyền, thấy gã tay to chân lớn, mặc y phục màu đồng cổ. Y lại nhìn kỹ cây sào chống thuyền cùa gã không khỏi giật mình, bởi cây sào đó được làm bằng sắt, nặng ít ra cũng sáu bảy chục cân, mà xem gã lái đò cầm nó trong tay cứ như cầm một cọng sậy. Ra đến giữa sông, gã lái thuyền ngưng chèo nói: "Các vị cho xin tiền đò trước, sau đó ta mới chèo tiếp".

Có người nói: "Ngươi khéo lo xa, sợ bọn ta không trả tiền đò sao?".

Gã lái thuyền nói: "Các vị đừng ồn ào, ta đã mắc lỡm một lần, hôm qua có người vừa cập bến đã nhảy lên bờ chạy mất hút, hại ta chèo một chuyến không công".

Đổng Tử Ninh nghe vậy lấy làm quái lạ, với cây sào bằng sắt nặng sáu bảy chục cân kia thì ai dám quỵt tiền đò của gã? Nghĩ vậy, y bèn hỏi: "Lái thuyền, người đó là ai? Sao dám quỵt tiền của ngươi?".

"Đừng nói nữa, hắn là một tên quan gia đi cùng một lão nô bộc và hai con ngựa, không những chúng không trả tiền mà còn tặng ta một cây châm trúng vào huyệt vị khiến ta đuổi không kịp".

Đổng Tử Ninh nghe tới đó, trong bụng đã rõ đó là hành vi của tiểu ma nữ rồi. Y nghĩ bụng: Cô ta cũng thật là, sao lại quỵt tiền của người ta. Đổng Tử Ninh lại hỏi: "Bọn họ thiếu ngươi bao nhiêu?".

"Cả người lẫn ngựa, tổng cộng là hai mươi hai lượng".

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên: "Hai mươi hai lượng? Lái thuyền, ngươi có nói lầm không, hai mươi hai đồng hả?".

"Ai nói lầm? Chính xác là hai mươi hai lượng bạc!".

Có người hỏi: "lái thuyền, ngươi tính tiền đó như thế nào?".

"Mỗi người năm lượng, một ngựa sáu lượng!".

Người khác kêu lên: "Năm lượng? Ngay cả chiếc thuyền của ngươi đây cũng chưa đáng già vài ba lượng, sao lại thu phí qua sông tới năm lượng, bộ ngươi muốn cắt cổ người ta hả?".

"Năm lượng là năm lượng, không bớt một xu, đi hay không là tùy ngươi!".

"Ta không đi, ngươi đưa ta quay lại đi".

"Ta đâu có rỗi hơi mà làm chuyện không đâu đó? Nếu muốn quay lại, cũng phải trả năm lượng".

Đổng Tử Ninh nghe vậy mới hiểu tại sao tiểu ma nữ lại không trả tiền cho gã lái đò mà lại còn biếu cho gã một cây Mai hoa châm nữa. Y đang định lên tiếng thì vị khách thứ ba cười ha hả: "Năm lượng à, thì có gì mà kêu đắt, ta thấy mỗi người phải trả mười lượng mới đúng công lái đò đưa mình qua sông!".

Đổng Tử Ninh nhìn người vừa nói, thấy y thân hình ngũ đoản, gầy như que củi khô, mặt vàng, mắt nhỏ mà sáng, đầu đội chiếc nón rộng, chân mang dép cỏ, tuổi chừng trên dưới ba mươi. Đổng Tử Ninh nghĩ bụng: Chẳng lẽ tên này cùng một giuộc với gã lái thuyền?

Người đó lại nói: "Lái thuyền, như vầy nhé, ta xem mấy người đây có vẻ không mang đủ tiền, vậy cứ để ta trả cả cho".

Lái thuyền nghi hoặc: "Ngươi trả?'.

"Đúng vậy, mỗi người năm lượng, bọn ta có bốn người vị chi cả thảy là hai mươi lượng, đúng không?".

"Một mình ngươi mà có nhiều tiền vậy sao?".

Người kia cười: "Ngươi đừng coi thường người khác như vậy, chỉ có hai mươi lượng bạc đối với ta có đàng gì, mỗi ngày vợ ta kiếm được mấy chục lượng kìa".

"Được, ngươi trả, đưa tiền đây!".

Người kia lấy trong túi ra hai mươi lượng bạc trắng đưa cho gã lái đò.

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên, rõ ràng người kia không phải là đồng bọn của gã lái đò. Hắn là ai nhỉ? Đổng Tử Ninh nhìn kỹ, thấy gã không phải là hạng giàu có, mà nếu giàu có cũng chẳng ai tiêu phí quá tay như vậy!

Nghĩ rồi, y nói với gã: "Lão huynh bỏ tiền ra như vậy, ta thật trả không nổi!".

"Được rồi, được rồi. Ta đâu có ý muốn đòi nợ các ngươi, chỉ mong bốn người chúng ta được bình an qua sông, đừng để kẻ khác quăng xuống sông tế Hà Bá là tốt rồi".

Đổng Tử Ninh liếc gã lái đò thầm nghĩ: Nếu ta không chịu, tất phải xảy ra chuyện đánh nhau với hắn, tất nhiên thuyền sẽ lật, tuy ta giởi bơi lội nhưng còn ba người kia thì làm thế nào? Chi bằng cứ đợi qua sông đã, rồi sẽ tính kế lấy lại tiền sau để khỏi hại lây bọn họ. Đổng Tử Ninh nghĩ rồi bèn nói: "Hai mươi lượng đó để ta trả".

"Ấy, ta đã trả rồi, sao ngươi còn giành? Nếu ngươi có tiền, hãy để dành mời ta bữa cơm là được". Gã lại quay sang nói với lái thuyền: "Ngươi đã nhận tiền rồi, còn không mau đi tiếp đi!". Lái thuyền thấy gã khách gầy như que củi mà lại sẵn tiền như vậy, cho nên nghi là bạc gỉa, y bèn lấy ra hai thỏi bạc bẻ đôi ra kiểm tra thì thấy quả là bạc thật.

Đổng Tử Ninh kinh ngạc vì y thấy gã lái đò đã dử dụng công phu "Phân cân đoạn cốt thủ" để bẻ hai thỏi bạc. Rõ ràng gã lái thuyền là một cao thủ võ lâm, chứ không phải hạng chèo đò bình thường, như vậy lúc tới bến phải cẩn thận khi đối pho với gã mới được.

Gã gầy như que củi cười ha hả hỏi: "Lái đò, ngươi đã yên tâm chưa?".

"Được rồi, ta sẽ chèo tiếp".

Gã lái đò cất bạc, rút sào sát chống thuyền băng băng lướt đi như tên bắn, thoáng chốc đã đến bờ bên kia. Đổng Tử Ninh xuống thuyền trước, y định chờ mọi người lên bờ hết sẽ bất ngờ rút kiếm điểm huyệt gã lái thuyền bắt gã phải trả lại số tiền vô lý. Hai người khách khác cũng nhảy lên bờ. Còn gã gầy vừa định nhảy, đột nhiên la lên: "Thôi chết rồi, ta còn một thứ để quên bên kia, lái thuyền, xin lỗi phiền ngươi đưa ta quay lại lấy nó nhé!"

Việc này nằm ngoài dự liệu của Đổng Tử Ninh, tên lái thuyền ngạc nhiên hỏi: "Ngươi để quên cái gì?".

"Lái thuyền, ngươi đừng hỏi nữa, mau đưa ta quay lại bên kia đi".

"Được, nhưng ngươi phải bỏ ra năm lượng".

"Năm lượng thì năm lượng, món đồ của ta bỏ quên là trân bảo hiếm có trên đời".

Gã lái thuyền nghe vậy liền nói: "Cả đi cả về là mười lượng".

"Được, được, ngươi mau chèo thuyền đi!" – Gã gầy có vẻ sốt ruột, gấp gáp.

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên, gã kia bỏ quên đồ quí giá gì bên kia? Đồ trân bảo hiếm có sao không để trong người, lại sơ ý bỏ quên như vậy được? Xem ra ta mất cơ hội cho tên lái thuyền một bài học rồi, ta tuy biết bôi lội nhưng lại không biết chèo thuyền, hơn nữa nước ở đây lại chảy xiết như vầy,không khéo hải chết cả mình lẫn gã gầy cũng nên. Ta phải đi cùng gã, nếu không tên lái thuyền thấy của quý, sinh lòng tham sẽ hãi gã mất! Đổng Tử Ninh nghĩ rồi nói: "Lão huynh, để ta cùng đi với ngươi tìm cho nhanh".

Gã gầy ngạc nhiên nhìn Đổng Tử Ninh, rồi như đoán được ý của Đổng Tử Ninh, nói vẻ cảm kích: "Không, không, thêm một người là mất mười lượng lượng nữa".

"Lão huynh yên tâm, tiểu đệ sẽ trả, huynh không phải lo".

"Không cần đâu, cứ để mình ta đi là được. Lái thuyền, sao còn chưa đi?".

"Ta lấy tiền trước rồi mới chèo".

Gã gầy móc trong người ra mười lượng đưa cho gã lái thuyền. Điều kỳ quái là những thỏi bạc này đều bị bẻ đôi cả. Lái thuyền ngạc nhiên hỏi: "Sao bạc bị bẻ hết thế này?".

"Là ta sợ ngươi nghi bạc giả, nên bẻ trước cho ngươi yên tâm".

Qua bờ bên kia, gã gầy nhảy lên đi tìm. Lái thuyền chờ một lúc sốt ruột giục: "Này, có tìm thấy không? Ta không rảnh mà chờ ngươi mò mẫm mãi được đâu".

"Lái thuyền, đừng hối thúc, ta...", gã sờ sờ trên người rồi đột nhiên đấm ngực chửi: "Sao ta lại hồ đồ như vầy! Rõ ràng đồ để trong người mà không nhớ, thế là đi tong mười lượng vô ích!". Nói rồi gã nhảy lên thuyền nói: "Được rồi, qua sông đi!".

Lái thuyền tò mò hỏi: "Cái gì mà ngươi quý dữ vậy?".

"Ấy, không thể nói cho ngươi biết được".

"Là kỳ lân vàng hả?".

"Quý hiếm hơn nhiều".

"Hay là dạ minh châu?".

"Mười viên dạ minh châu cũng không bằng nó".

Tên lái thuyền càng ngạc nhiên và tò mò nói: "Ngươi có thể cho ta mở mang đầu óc, xem thử báu vật của ngươi quý hiếm cỡ nào không".

"Được rồi, ta thấy ngươi chèo thuyền cực khổ, nên đặc biệt cho riêng ngươi xem đấy nhé!". Gã nói rồi, móc từ trong người ra một cái túi vải nhỏ đưa cho gã lái thuyền. Gã lái thuyền nắn nắn bóp bóp mà không thấy bên trong có vật gì, chỉ có cái túi rỗng, đang lúc nghi hoặc thì gã gầy hỏi: "Ngươi xem xong chưa?".

"Ta có thấy gì đâu!".

"Thì chính là nó đó, còn gì nữa!".

"Nó? Ý ngươi nói cái túi rách này hả?".

"Cái gì? Ai bảo ngươi đó là cái túi rách?". Gã gầy giật cái túi lại.

"Lái thuyền, ngươi thực không hiểu biết gì cả, đây là của báu của vợ ta cho ta, ta có hảo y cho ngươi xem, sao ngươi lại dám nói nó là cái túi rách?".

Lái thuyền cười ha hả: "Ngươi khéo giỡn mặt với ta, một cái túi rách mà quý giá cái gì, nếu không vì mười lượng, ta đã cho ngươi một sào lộn cổ xuống sông làm mồi cho cá rồi".

"Này! Ngươi coi nó là cái túi rách, nhưng ta lại xem nó là bảo bối. Thứ nhất, nó là tấm lòng của vợ ta, thứ hai là ta có thể dùng nó để lau mồ hôi, khi trời nóng ta lại dùng nó để quạt, khi vào quán, ăn không hết đồ ăn, ta lại bỏ vào trong đó mang về không để lãng phí cái gì. Như vậy mà ngươi bảo không quý là sao?".

"Nó đáng giá mười lượng không?".

"Mười lượng là cái thá gì? Ngươi có đưa ta mười vạn lượng bạc trắng, ta cũng không đổi. Thôi được rồi, ngươi chèo thuyền đi".

Thuyền vừa cặp bờ bên kia, gã gầy lại thất sắc la lên: "Thôi chết, ta lại sơ ý để quên một thú quý giá bên kia rồi! Xin lỗi lái thuyền, phiền ngươi lại đưa ta qua bên kia lấy nhé!".

Đổng Tử Ninh không nhịn được nữa, hỏi: "Lão huynh lại bỏ quên cái gì?".

"Không nói được, không nói được, kẻo lái thuyền bảo ta giỡn mặt với hắn rồi hắn cho một gậy lộn cổ xuống sông thì chết".

Lái thuyền trợn mắt, hỏi: "Rốt cuộc ngươi để quên cái gì? Hay lại đồ của vợ ngươi?".

"Hề, hề, ngươi nói đúng, ngươi nhìn chân của ta xem!".

"Ta nhìn hai cái chân thối của ngươi làm gì?".

"Chính là ta bỏ quên mất đôi giày cỏ bên kia".

Đổng Tử Ninh bất cười: "Lão huynh, bỏ đi! Qua sông lại tốn thêm mười lượng, không bằng đi mua một đôi khác".

"Không được, đôi giày này do đích thân vợ ta bện, mất nó, về nhà ta sẽ bị nhéo đứt tai". Gã lại móc đưa ra mười lượng cho lái thuyền, rổi nhảy xuống thuyền kêu gã lái đưa sang sông.

Đổng Tử Ninh nghĩ thầm, chẳng lẽ gã này bị thàn kinh? Thế gian sao có người sợ vợ đến vậy? Mười lượng mua được cả vạn đôi giày, trừ phi vợ gã là một ngời đàn bà đần độn tới mức vứt hai mươi lượng để nhéo tai gã vì một đôi giày cỏ rách. Y đang còn nghĩ, đã thấy thuyền quay lại. Đổng Tử Ninh nhìn kỹ, thấy lúc sắp nhảy lên bờ, gã gầy vỗ nhẹ gã lái thuyền một cái, nói: "Xin lỗi, đã làm khổ ngươi!". Đổng Tử Ninh lúc này mới "à" ra, y không khỏi giật mình, thì ra gã gầy kia chẳng phải là một người thần kinh ngốc nghếch gì cả, mà chính là tay trộm cao siêu khó ngờ. Chỉ trong khoảnh khắc vỗ lưng lái thuyền ấy, gã đã moi tiền trong túi tên lái thuyền. Thì ra gã đang trêu chọc tên lái thuyền, đi đi lại lại mấy lần mà không tốn đồng nào. Đổng Tử Ninh cười thầm, tên lái thuyền ác ôn kai cũng cần phải dạy dỗ như vậy mới được. Y cảm thấy hành vi của gã gầy tuy không thể nói là quang minh chính đại, nhưng có thể nói đó cũng là hành động nghĩa hiệp được.

Gã gầy lên bờ, đi chưa được hai bước, lại la lên: "Hỏng rồi! Ta lại để quên một bảo bối quan trọng!"

Đổng Tử Ninh nghe gã gầy nói vậy, toát mồ hôi thay cho hắn, y nghĩ bụng: Lão huynh này thực to gan, nếu vạn nhất gã lái thuyền phát hiện thì biết làm sao? Công phu "Phân cân đoạn cốt thủ" của gã một khi xuất ra thì không chết cũng đứt gân gãy xương chứ đâu phải chuyện đùa. Đổng Tử Ninh nghĩ đến đó, vội vàng nắm lấy áo gã gầy, nói: "Lão huynh, thôi muộn rồi, mau đi thôi!".

"Không được, đó là bảo bối cực kỳ quan trọng của ta!".

Lái thuyền trợn mắt: "Ngươi lại để quên thứ gì nữa? Là đồ của vợ ngươi nữa hả?".

"Không, không, đó là đồ của mẫu thân ta cho! Có một sợi lông chân của ta đã rụng trên thuyền của ngươi rồi!".

Đổng Tử Ninh bật bười: "Lão huynh, đừng đùa nữa, đi thôi!".

Gã gầy trợn mắt; "Ai đùa? Ngươi cho rằng đó là sợi lông chân bình thường chắc? Nó là căn mệnh của ta, mất nó, thì phú quí cả đời ta cũng không còn". Nói rồi y lại quay sang gã lái thuyền: "Lái thuyền, ngươi để ta lên thuyền tìm nhé!".

Lái thuyền nổi dóa: "Ngươi tới số rồi hay sao mà dám đùa với ta hả?".

"Ai da, ta làm sao dám đùa với ngươi, thực sự đó là căn mệnh của ta, ta cầu xin ngươi cho ta lên thuyền tìm nó, ta sẽ trả ngươi năm lượng".

"Năm lượng?!".

"Đúng! Năm lượng!".

"Không được! Mười lượng!".

"Mười lượng thì mười lượng!".

"Hai mươi lượng!".

"Lái thuyền, sao ngươi được đằng chân lân đằng đầu vậy? Ta chỉ lên thuyền tìm, có khiến ngươi phải mất công mất sức chèo chống gì đâu!".

"Nó là căn mệnh phú quí của ngươi, ngươi không muốn tìm hả?".

Gã gầy không biết làm sao đánh nói: "Hôm nay kể như là ta gặp xui, ai biểu ta đãng trí làm chi".

Lúc đó có bốn, năm hành khách thấy không có cầu qua sông, một người trong bọn nói: "Quái lạ, bữa trước ta qua đây, rõ ràng có một cây cầu, sao bây giờ không thấy nhỉ?".

"Có phải lũ cuốn trôi hay không?".

"Mấy hôm nay trời không có mưa to, lũ ở đâu ra?".

"Kìa, có thuyền kìa, bọn mình qua sông đi!".

Gã lái thuyền thấy mấy người kéo đến bèn hỏi gã gầy: "Ê, ngươi có chịu không? Nếu không ta chở người khác".

"Được, được, ta chịu, ta chịu! Nếu để bọn họ lên thuyền thì ta không thể tìm được". Nói rồi móc tiền ra đưa cho gã lái thuyền rồi lên thuyền căng mắt tìm khắp nơi. Đổng Tử Ninh cảm thấy hồi hộp thay cho gã gầy, y chỉ sợ không may gã lái thuyền phát hiện ra sự thực thì gã gầy mất mạng như chơi. Gã lái thuyền giục: "Ngươi tìm mau mau lên, đừng làm mất thì giờ của người khác".

"Ngươi cứ từ từ, chẳn lẽ ta mất trắng hai mươi lượng sao?".

Mấy người khách tới nơi hỏi: "Ngươi tìm cái gì vậy?".

"Sợi lông chân của ta".

Người nào người nấy trợn mắt kinh ngạc: "Cái gì? Tìm một sợi lông chân mà phải bỏ ra hai mươi lượng?". Một người khác hỏi: "Lão huynh, ngươi có bị trúng tà không vậy? Bỏ ra hai mươi lượng để tìm sợi lông chân? Ngay cả lông chân hoàng đế cũng không thể quý giá cỡ đó!".

"Nhưng ta nghĩ so với năm lượng phí qua sông mỗi người thì cũng còn rẻ chán!".

Mấy người khách nhao nhao: "Qua sông phải trả năm lượng?".

"Không sai, mỗi người năm lượng, một xu cũng không được thiếu, nếu không, đến giữa sông các ngươi sẽ bị quăng xuống làm mồi cho cá".

Gã lái thuyền hai mắt long sòng sọc tức giận nhìn gã gầy. Mấy người khách còn nghi ngờ: "Có thật không?".

"Ta lừa các ngươi làm gì", gã chỉ Đổng Tử Ninh nói tiếp: "Không tin, các ngươi cứ hỏi hắn xem, bốn người bọn ta mới qua sông phải trả hai mươi lượng đấy". Đổng Tử Ninh gật gật đầu: "Đúng vậy, nhưng ra giữa sông mới thu tiền".

"Năm lượng phí qua sông? Bọn ta có điên đâu mà chịu! Không thèm qua nữa, đi chỗ khác thôi!".

Gã gầy bỗng nhiên la lên: "Các ngươi xem, bây giờ các ngươi có chịu trả năm lượng, thì con thuyền này cũng không thể chở được nữa".

Mọi người nhìn lại, cả tháy đều kinh ngạc thấy lòng thuyền bị thủng lỗ chỗ, nước sông ùa vào như chiếc rọ bị quăng xuống nước, trong chớp mắt đã ngập nước. Đổng Tử Ninh dến gần nhìn, lại càng ngạc nhiên, những lỗ thủng ấy có hình lớn nhỏ như những ngón chân người, rõ ràng là do gã gầy ra tay. Đổng Tử Ninh nghe nói trong võ lâm có một thứ võ công gọi là Cẩm chưởng, đó là loại nội công thượng thừa, một chưởng vỗ vào kẻ khác thì bên ngoài không thấy dấu vết gì, nhưng thực ra xương thịt bne6 trong đều gãy nát cả rồi, kẻ trúng Cẩm chưởng không chết cũng tàn phế vĩnh viễn. Cẩm chưởng còn có tên là "Truy hồn chưởng", khi luyện đến mức thượng thừa thì để một miếng đậu hủ lên phiến đá, giáng chưởng xuống, miếng đậu hủ vẫn nguyên vẹn như thường, nhưng phiến đá bên dưới lại bị vỡ nứt. Như vậy xem ra gã gầy đã luyện Cẩm chưởng đến trình độ xuất thần nhập hóa rồi, cho nên mới có thể dùng chưởng chân thay cho chưởng tay được. Gã lái thuyền sau phút ngạc nhiên, bèn cười ha hả: "Công phu Cẩm chưởng thật lợi hại, thì ra hôm nay ngươi không muốn qua sông, mà muốn đến để giớn mặt với ta. Được, Ô lão đại ta hôm nay sẽ lãnh giáo Cẩm chưởng của ngươi".

Đổng Tử Ninh giật mình: Ô lão đại? Y chính là một trong dố Hoàng Hà Tam Kiệt ở miền Bắc? Nói đến Hoàng Hà Tam Kiệt, người trong võ lâm có nhiều ý kiến khách nhau, kẻ thì ca ngợi họ, cho họ là trượng nghĩa, lấy của kẻ giàu chia cho người nghèo, kẻ thì chỉ trích họ, cho là thủ đoạn tàn nhẫn, giết người diệt môn, trẻ không tha già không chừa. Trong Tam Kiệt, thì Ô lão đại là người có võ công cao cường nhất, chưởng lực của y có thể khiến đá nát vàng tan, lại thêm công phu Thiết bố sam kinh người, vì vậy mà xưng hùng xưng bá ở vùng Hoàng Hà. Năm năm trước, bọn họ bị Vân Lộ đại hiệp dùng Túy kiếm đánh bại, từ đó biệt tích giang hồ, sao hôm nay Ô lão đại lại xuất hiện ở đây?

Gã gầy lúc đó cũng cười: "Nói lãnh giáo thì ta không dám, nhưng chúng ta có thể ấn chứng võ công cho nhau được!".

"Ngươi muốn nói sao cũng được".

"Vậy chúng ta ấn chứng kiểu gì đây? Văn tỉ hay võ tỉ?".

Ô lão đại ngạc nhiên: "Văn tỉ, võ tỉ là sao?".

"Văn tỉ nghĩa là đấu chưởng lực trước, bên công phát ba chưởng, bên thủ chỉ được tránh chứ không được hoàn chiêu. Trong ba chưởng mà bên công đánh ngã được đối phương thì kể như thắng. Sau đó đổi lại, bên công trở thành bên thủ, điều kiện cũng như trên. Đó là văn tỉ".

Ô lão đại hỏi: "Nếu trong ba chưởng, cả hai bên đều đánh ngã đối phương thì làm sao phân thắng bại?".

"Vậy thì lại tỉ võ khí, thể lệ cũng như vậy".

"Được rồi, vậy còn võ tỉ?".

"Võ tỉ là hai bên cùng xuất chưởng, người ngã trước bị xem là thua".

Ô lão đại nghĩ: Mình có công phu Thiết bố sam, nếu để gã gầy ra tay trước thì chưa hẳn hắn có thể đánh ngã được mình. Nghĩ vậy, gã bèn nói: "Được, vậy chúng ta văn tỉ đi, bây giờ bắt đầu luôn được chưa?".

"Chờ một chút, trước khi tỉ võ, chúng ta còn phải tìm một người làm trọng tài".

"Tìm ai?".

Gã gầy chỉ Đổng Tử Ninh nói: "Ta đề nghị hắn".

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên: "Ta?".

"Lão đệ, ngươi chỉ làm chứng cho công bằng, còn chuyện sống chết của hai bên, ngươi không cần quan tâm".

Đổng Tử Ninh cũng muốn xem các cao thủ võ lâm tỉ thí như thế nào, bèn gật đầu: "Nếu hai vị tiền bối không chê, thì tại hạ xin vâng lệnh".

Mấy hành khách nghe có cuộc tỉ thí đều đứng lại xem, không đi nữa.

Ô lão đại hỏi: "Thắng thì như thế nào? Bại thì như thế nào?".

"Cho ngươi nói trước đi".

"Nếu ta bại, ta sẽ tự cắt đầu giao cho ngươi. Còn ngươi?".

Đổng Tử Ninh nghe vậy thì biết đây không phải là cuộc tỉ võ bình thường mà là một cuộc thư hùng sống chết, vội nói: "Như vậy không được, cuộc tỉ võ này chỉ là để hai bên ấn chứng võ công cho nhau thôi, hà tất phải cắt đầu làm gì!?".

Ô lão đại trừng mắt: "Đây là chuyện của bọn ta, không cần ngươi xía vô".

Gâ gầy nói: "Lão đệ, ngươi chỉ làm chứng thôi, còn những chuyện khác ngươi không cần quan tâm". Rồi lại quay sang nói với Ô lão đại: "Ta cũng vậy, nếu thua sẽ tự sát, nhưng nếu ta thắng, ta không muốn lấy đầu của ngươi".

"Vậy ngươi muốn gì?".

"Rất đơn giản, cây cầu này do ngươi phá, nếu ta thắng, thì trong ba ngày, ngươi phải bắc lại nó".

"Chỉ vậy?".

"Còn nữa, ta muốn hỏi ngươi một chuyện, vụ thảm sát nhà Kim Tiên hiệp ở Hành Sơn như thế nào?".

Ô lão đại nghe tới đó, mặt lập tức biến sắc. Đổng Tử Ninh cũng chú ý đến việc này: Chẳng phải tiểu ma nữ cũng đang dò la chuyện này sao? Không lẽ vụ thảm sát nhà Kim Tiên Hiệp lại có liên quan đến Ô lão đại?

Đổng Tử Ninh còn đang nghĩ thì Ô lão đại trả lời: "Chuyện đó ta không biết, ngươi cũng đừng hỏi ta, nếu ta thua ta sẽ tự sát".

"Ta đã nói là không cần lấy đầu của ngươi kia mà, nếu ta mang đầu ngươi về, vợ ta sẽ sợ chết khiếp. Ta chỉ cần ngươi đáp ứng hai điều kiện đó, Ô lão đại, sao chưa tỉ võ mà ngươi đã nhận thua rồi?".

Ô lão đại trợn mắt: "Ai nói ta tự nhận thua?".

"Không thua, sao ngươi không chịu hai điều kiện của ta?".

Ô lão đại bị khích tướng, buột miệng: "Được, ta đồng ý!".

Gã gầy nói với Đổng Tử Ninh: "Lão đệ ngươi nghe cho rõ đó, đừng để cho hắn nuốt lời".

Ô lão đại vỗ ngực lớn tiếng: "Ô lão đại ta không có chuyện tàn ác nào không làm, nhưng chưa từng nuốt lời bao giờ".

"Tốt, tốt, vậy hai chúng ta, ai ra tay trước?".

"Ngươi ra tay trước đi, ta tiếp chiêu".

"Không, không", gã gầy nói, "ta đến tìm ngươi để thách đấu, vậy phải để ngươi xuất thủ trước, nếu không, ngươi có thua cũng không phục".

"Vậy ta không khách khí, xem chưởng!". Một chưởng phát ra uy lực như di sơn đảo hải, chưởng phong ào ào tựa sóng biển ập tới khiến bốn, năm hành khách đứng gần đó bị hất sang một bên, ngã lăn ra đất. Đổng Tử Ninh cũng bị chưởng phong bức lui mấy bước khiến y không khỏi kinh sợ uy lực Tịch lịch chưởng của Ô lão đại, so với Thiết sa chưởng của Tĩnh Thanh đạo trưởng thực lợi hại hơn bội phần, chẳng trách hắn có thể xưng hùng xưng bá ở vùng Hoàng Hà! Đổng Tử Ninh chắc gã gầy không chịu nổi một chưởng này, nhưng nhìn kỹ lại thì thấy gã như cánh chim én chao liệng trên không, dễ dàng thoát khỏi chưởng phong của Ô lão đại, xem ra khinh công của gã không thua kém gì lão quái nhân.

Chưởng lực của Ô lão đại phát ra khiến tảng đá lớn phía sau gã gầy vỡ làm bốn năm mảnh, đổ ập xuống sau một tiếng "uỳnh" khiến cho những người chung quanh đều kinh hồn thất sắc. Mấy người hành khách vội lồm cồm bò dậy bỏ chạy ra núp ở đằng xa, có người còn không dám xem nữa, cắm đầu chạy mất hút.

Ô lão đại thấy chưởng đầu không trúng, lập tức song chưởng cùng xuất, nhanh như chớp nhắm vào những huyệt vị yếu hại, chưởng lực trùm kín khiến gã gầy không có đường tránh né, cát bay đá chạy tứ phía. Đổng Tử Ninh toát mồ hôi lạnh xương sống thay cho gã gầy. Nhưng điều kỳ lạ là gã gầy vẫn nhẹ nhàng như cánh én bay ra ngoài chưởng phong khiến cho chưởng thứ hai của Ô lão đại cũng thất thế.

Chưởng thứ ba của Ô lão đại phát ra, song chưởng biến thành tứ chưởng, tứ chưởng biến thành bát chưởng, bát chưởng biến thành thập lục chưởng. Đây chính là tuyệt kỹ của Ô lão đại, nó có tên gọi là "Phiên giang đảo hải chưởng", là chiêu thức lợi hại nhất trong Tịch lịch chưởng. Ô lão đại từng làm mưa làm gió trên giang hồ bằng chiêu này, nhiều cao thủ võ lâm cũng thân bại danh liệt vì nó, kẻ trúng "Phiên giang đảo hải chưởng" không chết cũng phải trọng thương.

Lúc đó gã gầy thân hình như ảo ảnh, trong chớp mắt đã vụt ra khỏi bóng chưởng khiến chiêu thứ ba của Ô lão đại cũng thành không. Gã gầy hơi thở không gấp, mặt không đỏ, cười ha hả nói: "Ô lão đại, ba chưởng của ngươi đã phát hết, bây giờ đến lượt ta".

Ô lão đại đừng như trời trồng, mắt trợn tròn, miệng há hốc, y lấy làm quái dị về việc gã gầy có thể tránh được cả ba chiêu của mình. Chiêu thứ nhất và chiêu thứ hai, gã gầy dùng khinh công để tránh, cái đó y biết, nhưng còn chiêu thứ ba, gã gầy không dùng khinh công mà dùng bộ pháp kỳ quái gì xưa nay y chưa từng thấy. Bộ pháp đó giống như chiếc là liễu, phất phơ bay trong gió. Ô lão đại đứng trân trân như vậy một lúc, sau mới hoàn hồn hỏi: "Ngươi là ai?".

"Đúng, ta chính là Ngươi là ai".

Ô lão đại: "Đừng đúa giỡn, ta hỏi: Ngươi là ai?".

"Thì chẳng phải ta đã trả lời rồi sao? Tên ta là Ngươi là ai?".

Ô lão đại ngạc nhiên nói: "Tên ta đã cổ quái lắm rồi, vậy mà so với ngơi cũng không bằng, trên đời lại có người tên như vậy sao?".

"Ngươi là ai thì là Ngươi là ai, có gì mà cổ quái?".

Ô lão đại nghi hoặc một lúc lâu, chợt y vỗ đầu la lên: "Chẳng lẽ ngươi chính là Thiên Sơn quái hiệp Lý Sĩ Thủy?".

"Không dám, quái hiệp thì không dám nhận, còn Thiên Sơn Lý Sĩ Thủy thì đúng là ta".

Đổng Tử Ninh vừa nghe bốn chữ "Thiên Sơn quái hiệp" thì không khỏi giật mình. Y nghĩ: chẳng lẽ người gầy như que củi khô, mặt mày xám xịt, hành vi quái dị đang đứng trước mặt mình kia lại chính là Thiên Sơn quái hiệp Vân Trung Yến danh trấn giang hồ sao? Y từng nghe sư mẫu nói, người có khinh công siêu tuyệt nhất trong giang hồ hiện nay chính là Thiên Sơn quái hiệp, y đang đứng trước mặt người khác, trong chớp mắt, người đã ngoài nghìn dặm, y đến vô tông đi vô hình tích, hành hiệp trượng nghĩa quái dị không như thường nhân. Bởi khinh công của y tuyệt luân như vậy, nên được nhân sĩ giang hồ đặt cho biệt hiệu là Vân Trung Yến (Chim yến trong mây), còn tên thật Lý Sĩ Thủy của ngươi thì ít ai biết. Hôm nay Đổng Tử Ninh gặp gỡ quả nhiên đúng danh là "quái hiệp", mới đầu Đổng Tử Ninh thấy y hoang đường cổ quái khiến người ta không nhịn được cười, thì ra đó lại chính là Thiên Sơn quái hiệp lừng lẫy võ lâm.

Ô lão đại vội vàng nói: "Thì ra là Thiên Sơn quái hiệp, Ô lão đại ta có mắt không tròng, thất kính, thất kính!".

"Này, Ô lão đại, ngươi đừng đánh trống lảng, ngươi đã phát ba chưởng, bây giờ đến lượt ta!".

"Được, ta tiếp ba chiêu của ngươi".

"Tốt, chưởng thứ nhất ta se vỗ vào huyệt Thiện trung trên ngực của ngươi, cẩn thận!".

Đổng Tử Ninh nghe vậy lại càng thêm quái dị, sao trước khi xuất chưởng lại nói cho đối phương biết mục tiêu? Quả nhiên ,Vân Trung Yến nhẹ nhàng nhắm huyệt Thiện trung của Ô lão đại phát chưởng thứ nhất. Ô lão đại biết sự lợi hại của Cẩm chưởng, nên không dám sơ suất, đã sớm vận khí dùng công lực Thiết bố sam của mình để tiếp chiêu. Chưởng lực của Vân Trung Yến đẩy tới bị công phu Thiết bố sam vẹt ra, những cũng khiến Ô lão đại thoái lui ba bước. Như vậy chiêu thứ nhất, Ô lão đại đã ở thế hạ phong.

Vân Trung Yến khen: "Thiết bố sam quả là hảo công phu! Ô lão đại, chưởng thứ hai của ta sẽ đánh vào huyệt Ngọc chẩm sau ót của ngươi".

Ô lão đại kinh ngạc nghĩ bụng: Chưởng lực phát ra từ trước, sao lại có thể vòng ra phía sau được? Còn đang nghĩ thì chưởng thứ hai của Vân Trung Yến đã ập tới noi, Ô lão đại cảm thấy chưởng lực vụt tới trước mặt rồi bỗng vòng qua đầu, chỉ nghe "bụp" một tiếng, tức thì Ô lão đại mắt nổ đom đóm, miệng phun máu tươi, ngã nhào xuống bãi cát ven sông. Vân Trung Yến bước lại, điểm mấy huyệt vị cầm máu để Ô lão đại không thổ huyết nữa, lại cho y uống một dược hoàn cứu mạng. May mà chưởng lực vừa rồi, Vân Trung Yến chỉ dùng năm thành công lực, mà lại là hồi chưởng, chứ nếu không, dù lão thần tiên Tam Bất Y có đến, cũng bất lực.

Vân Trung Yến nói: "Ô lão đại, lần này ta may thắng, điều kiện của ta ngươi tính sao?".

"Ta quyết không nuốt lời, trong ba ngày ta sẽ sửa lại cây cầu".

"Tốt, vậy còn chuyện Kim Tiên Hiệp?".

"Là do Trần...".

Ô lão đại nói tới đó, Vân Trung Yến đột nhiên thấy một lằn lục quang vụt qua trước mắt, Ô lão đại kêu thảm một tiếng, một tia máu giữa tim phụt ra khiến y ngã quay ra bất động. Vân Trung Yến kêu to: "Không hay rồi, chúng ta bị ám toán!", nói rồi nhanh chóng phong bế các huyệt đạo chung quanh vết ám khí cho Ô lão đại, đồng thời nói với Đổng Tử Ninh: "Lão đệ, ngươi ở lại trông coi hắn một chút để ta đuổi theo hung thủ". Nói rồi thân như ánh chớp lao vụt về phía phát ra ám khí, trong khoảnh khắc đã không thấy đâu nữa.

Ban đầu Đổng Tử Ninh ngạc nhiên khó hiểu, sau đó lại càng thêm kinh ngạc vì ám khí ám hại Ô lão đại là một chiếc là tùng. Chiếc lá tùng mà có thể biến thành một thứ ám khí đã khiến người ta không tưởng tượng nổi, thế mà ở đây nó lại được phóng tứ một khoảng cách rất xa, đâm thấu tim khiến đối thủ chết cấp kỳ, vậy thì có thể suy ra võ công của người phóng ám khí cao sâu khủng khiếp, đáng sợ đến bực nào. Đổng Tử Ninh đặt tay lên ngực Ô lão đại, thấy tim y đã ngừng đập, dù Thiên Sơn quái hiệp đã phong bế các huyệt đạo chung quanh vết thương cũng không cứu nổi y. Ô lão đại chết, manh mối về vụ sát hại Kim Tiên Hiệp cũng bị đứt đoạn. Đổng Tử Ninh hoang mang hoảng sợ, nhìn chung quanh bờ sông, mấy hành khách không biết đã bỏ đi tự bao giờ, ngoài núi xanh rừng thẳm ra, không thấy bóng dáng người nào. Hung thủ sát hại Ô lão đại là ai? Võ công y cao cường đến mức ấy, sao lại không dám lộ mặt? Chỉ có một lý do duy nhất: Y chính là người tham gia vụ sát hại nhà Kim Tiên Hiệp, có lẽ Ô lão đại cũng la đồng đảng với y, cho nên mới bị y giết để diệt khẩu. Đổng Tử Ninh cũng thầm cảm thấy kỳ lạ, không hiểu vì sao Thiên Sơn quái hiệp lại biết Ô lão đại có liên quan đến vụ thảm sát Kim Tiên Hiệp? Xem ra, hôm nay thiên sơn quái hiệp đến tìm Ô lão đại không đơn giản chỉ vì chuyện phá cầu, chém phí qua sông, mà chính là chuyện của Kim Tiên Hiệp. Nếu vụ Kim Tiên Hiệp được một cao thủ như Thiên Sơn quái hiệp ra tay điều tra thì không khó tìm ra hung thủ, chân tướng sự việc sẽ sớm được phơi bày, tránh được một trường đao quang kiếm ảnh tron võ lâ. Đổng Tử Ninh còn đang nghĩ, chợt một bóng đen bỗng vụt tới hiện trước mặt y, thì ra là Thiên Sơn quái hiệp đã quay về. Đổng Tử Ninh cả mừng vội hỏi: "Lý đại hiệp, có đuổi kịp hung thủ không?".

Vân Trung Yến lắc lắc đầu: "Người này hành tung kỳ dị phi thường, ngay cả bóng của hắn ta cũng không thấy. Lão đệ, Ô lão đại thế nào rồi?".

"Chết rồi".

"Chêt rồi?".

Vân Trung Yến kinh ngạc, chạy đến chỗ Ô lão đại quan sát tỉ mỉ vết thương, rồi thở dài: "Tại ta sơ ý nên đã hại chết hắn".

"Chuyện này sao có thể trách đại hiệp được?".

"Lão đệ, đáng lẽ trước khi hỏi Ô lão đại, ta phải quan sát chung quanh thì đâu đến nỗi như vầy. Trước khi chết, hắn có nói gì không?".

"Đại hiệp vừa đi, hắn đã chết!".

Vân Trung Yến lại kinh ngạc thốt lên: "Nhanh vậy sao?", nói rồi lại quan sát chiếc lá tùng cắm trên ngực Ô lão đại.

Đổng Tử Ninh nói: "Tại hạ cũng không ngờ một chiếc lá tùng lại có thể đoạt được mạng người như vậy".

Lát sau, Vân Trung Yến nói: "Không! Đây không phải là một chiếc lá tùng bình thường mà nó đã được tẩm độc, một thứ kịch độc, không ai cứu nổi".

Đổng Tử Ninh giật mình: "Lợi hại vậy sao!?".

"Đúng, thứ độc này chỉ có Bang chỉ Tư Độc bang Trần Kỳ Nhân của Bích Vân Phong mới có".

"Vậy hung thủ chính là Bang chỉ Tư Độc Bang rồi! Ô lão đại cũng mới nói đến mấy chữ Đó là Trần... thì bị trúng ám khí".

Vân Trung Yến lắc đầu: "Võ công của Bang chủ Tư Độc Bang ta đã thấy qua, ngoài biệt tài cao siêu về chế độc dược ra thì võ công của y cũng bình thường, không có khả năng phóng ám khí lợi hại như thế này được. Xem ra, khinh công của người này không thua kém gì ta, còn nội lực thì lại vượt hơn ta nhiều, từ nay về sau không thể không đề phòng. Lão đệ, ta đã làm ngươi mất thì giờ nhiều rồi, ngươi mau đi đi, còn hậu sự của Ô lão đại cứ để mình ta xử lý là được".

Đổng Tử Ninh không nhịn được, hỏi: "Có phải đại hiệp vì truy tìm hung thủ sát hại Kim Tiên Hiệp nên mới đến đây tìm Ô lão đại?".

"Đúng, đúng, tiếc là Ô lão đại đã chết, đầu mối không còn, bây giờ ta đành phải đi tìm Bang chủ Tư Độc Bang. Tuy ta không tin chuyện này do y làm, nhưng biết đâu từ đó có thể lần ra chút manh mối nào đó".

Đổng Tử Ninh lại thử dò hỏi: "Chẳng phải người trong võ lâm nói hung thủ sát hại Kim Tiên Hiệp là người của Bích Vân Phong đó sao? Huống chi Trần bang chủ cũng là người của Bích Vân Phong".

Vân Trung Yến nhìn Đổng Tử Ninh mỉm cười, hỏi: "Lão đệ, nếu ta không lầm thì ngươi chính là người của Huyền Võ kiếm phái phải không?".

Đổng Tử Ninh thầm ngạc nhiên về sự tinh tường của Thiên Sơn quái hiệp, vội vàng nói: "Tại hạ đúng là đệ tử của Võ Di phái, tên Đổng Tử Ninh".

"Đổng lão đệ, chẳng trách ngươi cũng nói như vậy! Ta không giống như mụ vợ của ta, chỉ thích nghe những lời đồn đại vô căn cứ".

Đổng Tử Ninh vừa nghe đã biết Thiên Sơn quái hiệp đang ám chỉ Huyền Võ kiếm phái của mình chỉ thích nghe lời đầu đường cuối chợ của đàn bà. Nếu là trước đây, y sẽ nổi giận mà cãi lại, nhưng từ sau khi gặp tiểu ma nữ, y cũng đã có cách nhìn khác về Bích Vân Phong, vì vậy bèn nói: "Tại hạ cũng đang muốn điều tra về vụ sát hại Kim Tiên Hiệp".

Vân Trung Yến kinh ngạc: "Ngươi!? Chẳng phải danh môn chánh phái các ngươi kéo đén Hành Sơn giao tranh với Bích Vân Phong để báo cừu cho Kim Tiên Hiệp sao?".

"Đúng là như vậy, nhưng lần này tại hạ ra đi gặp một người, sau khi nghe cô ta nói, lại cảm thấy chuyện này không hẳn là như vậy".

"Ngươi đã gặp ai? Nghe những chuyện gì?".

Đổng Tử Ninh đem chuyện gặp tiểu ma nữ và Vi ma ma kể lại cho Thiên Sơn quái hiệp nghe. Thiên Sơn quái hiệp nghe xong cũng khen ngợi tinh thần nghĩa hiệp của Đổng Tử Ninh, lại nói: "Đổng lão đệ, ngươi có thể vứt bỏ được thành kiến của môn phái mình như vậy là chuyện hiếm có. Nhưng cũng chính việc đó sẽ khiến một số người dị nghị, và người của Huyền Võ phái sẽ coi ngươi là phản đồ".

"Tại hạ chỉ cốt làm rõ chân tướng sự việc, tìm ra đúng kẻ sát hại Kim Tiên Hiệp để công bố cho mọi người cùng biết, tránh cho võ lâm rơi vào cảnh huyết chiến tương tàn, còn chuyện của bản thân mình, tại hạ không quanh tâm nhiều".

"Mong ước đó của lão đệ quá tốt, chỉ e dù lão đệ có tím ra hung thủ thật sự cũng không thể khiến võ lâm hòa bình được".

"Tại sao lại không thể?".

"Tục ngữ nói: Một núi không có hai hổ. Đa số những người trong võ lâm đều muốn xưng hùng xưng bá, hy vọng môn phái mình đứng trên đầu kẻ khác, thậm chí tìm trăm mưu ngàn kế để khích động khiêu chiến con sóng tàn sát này chưa xuống, con sóng hận thù khác đã trào lên. Những người như lão đệ đây được mấy?".

Đổng Tử Ninh trầm ngâm một lúc lâu không nói. Vân Trung Yến lại nói: "Đổng lão đệ, ta muốn khuyên ngươi một câu".

"Đại hiệp có gì chỉ giáo, tại hạ xin nghe".

"Chuyện của Kim Tiên Hiệp, tốt nhất là lão đệ đừng nên dính vào".

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên: "Tại sao?".

"Lão đệ mà dính vào đó, lập tức rước họa sát thân".

"Có nghiêm trọng vậy không?".

"Lão đệ, chẳng lẽ ngươi không thấy cái chết của Ô lão đại đó sao? Kẻ sát hại Ô lão đại tất nhiên có quan hệ tới vụ sát hại Kim Tiên Hiệp, người đó võ công cực cao, hành động kỳ bí, nếu hắn biết ngươi đang điều tra về vụ này thì hắn sẽ giết ngươi để diệt khẩu".

Đổng Tử Ninh nhất thời kinh ngạc: "Nếu võ công hắn cao siêu như vậy sao đại hiệp còn muốn tìm hắn?"

Vân Trung Yến cười ha hả: "Ta tự thấy mình có thể cầm cự được với hắn vài ba chiêu".

"Tại hạ cũng biết võ công mình tệ lậu, nhưng cũng không phải là hạng tham sống sợ chết".

"Hay, hay, vậy ta nhiều lời rồi! Lão đệ, nếu ngươi nhất định muốn dính vào chuyện này, ta còn muốn khuyên thêm một câu: Hy vọng ngươi hành động cẩn thận đừng để lộ mục đích của mình, nhất thiết không được phô trương để chuyện của ngươi không đến tai hắn mới được".

Đổng Tử Ninh bái tạ: "Đa tạ đại hiệp chỉ giáo, tại hạ nguyện khắc cốt ghi tâm, không dám hành sự lỗ mãng".

Vân Trung Yến vỗ vai Đổng Tử Ninh nói: "Lão đệ, ngươi đừng kêu ta là đại hiệp tiểu hiệp gì nữa, cứ kêu lão huynh là được rồi. Hay là chúng ta kết làm huynh đệ, ngươi thấy thế nào? Điều đáng tiếc nhất trong đời ta là chưa có một huynh đệ tốt như ngươi".

Đổng Tử Ninh nghe vậy vừa sợ vừa mừng: "Nếu đại hiệp không chê thì tại hạ xin bái người làm huynh trưởng".

"Sao ngươi lại nói ta chê ngươi!".

"Vậy, xin huynh trưởng nhận cảu tiểu đệ một lạy". Đổng Tử Ninh nói xong, quỳ trên bãi cát lạy Vân Trung Yến ba lạy. Vân Trung Yến vội vàng dỡ dậy, nói: "Lão đệ, ngươi hà tất phải hành đại lễ như vậy! Thôi được rồi, bây giờ chúng ta chôn Ô lão đại, sau đó tìm một tửu quán đối ẩm".

Hai người chôn Ô lão đại xong, tìm đến một tửu quán trong tiểu trấn. Lão chủ quán chừng trên dưới năm mươi, tươi cười chạy ra đón khách. Vân Trung Yến nói: "Ở đây có rượu và đồ ăn gì ngon nhất thì đem hết ra đây".

Chốc lát, rượu và đồ ăn đã được bưng lên, Vân Trung Yến hớp một ngụm rượu nhìn lão chủ quán rồi đột nhiên gọi: "Ấy chết, ta suýt quên một chuyện quan trọng. Lão chủ quán, đến đây một chút!".

Đổng Tử Ninh nghe Vân Trung Yến gọi lão chủ quán, ngạc nhiên hỏi: "Đại ca quên chuyện quan trọng gì?".

"Lão đệ, chuyện này không thể nói với ngươi được, chỉ có thể nói với lão chủ quán thôi!".

Đổng Tử Ninh nghĩ bụng: Lão huynh trưởng mình mới kết nghĩa này lại nổi cơn quái dị rồi đây.

Lão chủ quán chạy đến hỏi: "Khách quan có điều gì cần chỉ bảo?".

"Tối hôm qua, ta nằm mơ thấy một chuyện kỳ quái, ta thấy Ngọc hoàng thượng đế nẹt vào mông của ta, nói rằng một là không biết kinh trời, hai là không biết sợ đất, ba là báng bổ thần linh".

Đổng Tử Ninh nghe vậy muốn bật cười, nhưng lại không dám. Còn lão chủ quán cứ đừng trân trân không hiểu vị khách này đang muốn nói điều gì.

"Ông chủ, lúc Ngọc hoàng đánh ta, hình như lão cũng đứng bên cạnh thì phải".

Lão chủ quán nói: "Khách quan đừng đùa ta".

"Thật mà, đúng là lão đứng bên cạnh, lại còn cầu xin cho ta nên Ngọc hoàng mới nói: Không đánh cũng được, nhưng ngươi phải làm một việc tốt, dưới kia có cây cầu bị người ta phá, nếu ngươi chịu bỏ tiền ra tu sửa, thì ta không nẹt mông ngươi nữa. Ta nói: Chỉ cần Ngọc hoàng không nẹt mông tôi nữa, tôi xin y lời. Ngọc hoàng lại nói: Được, ngươi giao tiền cho hắn, để hắn sửa cầu thay ngươi. Ông chủ, người mà Ngọc hoàng chỉ biểu ta giao tiền sửa cầu, chính là ngươi. Bây giờ ta giao tiền cho ngươi nhờ ngươi kêu người sửa cầu nhé!".

Nói xong, Vân Trung Yến đặt mười lăm lượng bạc lên bàn. Lão chủ quán vừa sợ vừa mừng nói: "Khách quan, thật có giấc mơ như vậy sao?".

"Ta dám nói dối à? Nếu không thực như vậy, sao ta lại điên mà đưa cho ngươi mười lăm lượng bạc? Ta sợ thất hứa với Ngọc hoàng, Ngọc hoàng sẽ trừng trị ta. Ông chủ, tiền ta đưa, ngươi không kêu thợ sửa cầu là chuyện của ngươi, lúc đó Ngọc hoàng muốn nẹt mông thì nẹt mông của ngươi chứ không phải mông của ta nữa". Lão chủ quán nghĩ ngợi một lát rồi nói: "Khách quan, sửa cầu là chuyện tốt cần làm, nhưng cây cầu kia vốn do một tên ác ôn phá hoại, nếu ta sửa lại chẳng phải là rước họa vào thân sao?".

"Ông chủ, trong mơ ta cũng nói như vậy, nhưng Ngọc hoàng biểu cứ yên tâm đi, người đã phái thiên binh thiên tướng hạ giới đi bắt tên ác ôn đó rồi, hôm nay ta chạy đến xem thế nào thì thấy quả nhiên hắn đã chết".

"Thực có chuyện đó sao!?".

"Ta lừa ngươi làm gì?".

Lúc đó Đổng Tử Ninh lên tiếng: "Đúng vậy, tên ác ôn đó đã chết rồi".

Lão chủ quán nói: "Đã như vậy thì ngày mai ta sẽ kêu người tới sửa cầu". Trước đó, lão cũng đã nghe hôm nay có người trừng trị tên ác ôn phá cầu.

"Ông chủ, vậy ba ngày sau ta sẽ quay lại xem thế nào".

"Khách quan cứ yên tâm, cây cầu này không lớn, chỉ cần hai ngày là bắc xong, huống chi nó đã sẵn đế mố của cầu cũ còn sót lại".

"Ông chủ thực là người tốt, chẳng trách tối qua ngươi có thể xin Ngọc hoàng tha cho ta".

Đổng Tử Ninh nghe mà tức cười, đồng thời trong lòng cũng bội phục Thiên Sơn quái hiệp hành hiệp trượng nghĩa mà không để lộ danh tánh, lại cũng không phô trương khoe khoang về mình, đó mới thực là hành vi của người hiệp nghĩa chân chính.

Ăn xong, Vân Trung Yến nói: "Trời không còn sớm nữa, chúng ta phải đi tìm một chỗ nghỉ ngơi thôi".

"Chỗ nghỉ ở dâu?".

"Ngươi đừng hỏi, tới đó khắc biết!".

Đổng Tử Ninh biết Thiên Sơn quái hiệp hành động quái dị nên cũng không hỏi thêm, cứ theo y ra khỏi tiểu trấn. Lúc này trời đã sâm sẩm tối, người đi lại thưa thớt, mấy ngôi sao lác đác trên bầu trời xanh nhạt. Vân Trung Yến nói: "Lão đệ, theo ta, ta muốn xem khinh công của ngươi như thế nào".

"Tiểu đệ không dám khoe dở trước mặt đại ca".

"Đi nào!" – Vân Trung Yến nói rồi thi triển khinh công hướng về vùng sơn dã. Đổng Tử Ninh không dám chậm trễ, vội thi triển hết khả năng khinh công tức tốc đuổi theo Vân Trung Yến. Trong chớp mắt, Đổng Tử Ninh đã bị bỏ rơi một khoảng rất xa, Đổng Tử Ninh dốc hết sức cũng không sao đuổi kịp, khoảng cách giữa hai người càng ngày càng xa. Lát sau, ngay cả bóng của Vân Trung Yến, Đổng Tử Ninh cũng không thấy đâu nữa. Đổng Tử Ninh mệt đứt hơi đành phải dừng lại bên sườn núi nghỉ, sau đó mới đuổi tiếp. Đột nhiên, một bóng đen hiện ra trước mắt y, thì ra Vân Trung Yến đã đứng trước mặt nói: "Lão đệ, khinh công cảu ngươi tốt, đáng tiếc là nội lực chưa đủ, nhưng so với ta hồi bằng tuổi ngươi thì ngươi vẫn hơn nhiều, chỉ cần từ nay về sau ngươi cố gắng luyện nội lực, nhất định sẽ đuổi kịp ta".

"Đại ca quá lời rồi, tiểu đệ chỉ mong khinh công của mình bằng một phần mười đại ca là cũng mãn nguyện lắm rồi".

Vân Trung Yến nói: "Sự học là vô bờ bến, sao ngươi đã sớm bằng lòng với mình như vậy? Một người chỉ biết bằng lòng với hiện tại thì khó có thể tiến thủ được".

Đổng Tử Ninh nói: "Đại ca nói đúng, từ nay về sau tiểu đệ sẽ cố gắng học hỏi khổ luyện, không dám tự mãn". Y cảm thấy Vân Trung Yến không chỉ là hảo đại ca mà còn là lương sư của mình.

Vân Trung Yến quan sát địa hình chung quanh rồi nói: "Lão đệ, đây là nơi nghỉ ngơi của chúng ta".

Đổng Tử Ninh ngạc nhiên: "Nghỉ ở đây?".

"Ở đây không tốt sao? Trời làm màn, đất làm chiếu, gió mát nước trong, rộng rãi thoáng đãng đẹp đẽ như vầy mà ngươi không thích à?".

"Đại ca đã có nhã hứng như vậy, tiểu đệ xin theo".

"Lão đệ, ngươi có biết tại sao ta dẫn ngươi đến sườn núi hoang vu này không?".

"Tại sao?".

"Lão đệ, ngươi đã bái ta làm đại ca thì sinh tử của ngươi, ta không thể không lo. Ta e rằng sớm muộn gì ngươi cũng sẽ bị tên có võ công cao siêu thần bí kia phát hiện, sợ trong tiểu trấn tai vách mạch rừng, cho nên mới dẫn ngươi tới đây truyền thụ cho ngươi công phu phòng thân để đối phó với hắn".

Đổng Tử Ninh nghe vậy hết sức cảm động nói: "Đại ca đối đãi với tiểu đê tốt như vậy, không biết sau này tiểu đệ có báo đáp nổi hay không".

"Lão đệ đừng nói vậy, ngươi đã bái ta làm huynh trưởng thì ta phải tặng ngươi một món quá để thể hiện nghĩ vụ của người huynh trưởng. Món quá đó chính là Nghênh phong liễu bộ mà ta sắp truyền thụ cho ngươi đây".

Đổng Tử Ninh nhất thời không hiểu "Nghênh phong liễu bộ" là thứ võ công gì, bởi trước đây chưa từng nghe nói đến. Vân Trung Yến nói: "Ngươi cố nhớ, ta đọc câu nào, ngươi lặp lại câu ấy, cố gắng tập trung cao độ nhé".

"Tiểu đệ tuân lệnh".

Đổng Tử Ninh lặp lại theo Vân Trung Yến, cố gắng nhập tâm, chẳng mấy chốc đã hết bài quyết. Luyện tới luyện lui ba lần thì Đổng Tử Ninh đã thuộc nằm lòng. Vân Trung Yến hỏi: "Lão đệ, ngươi đã nhớ chưa?".

"Nhớ rồi".

"Tốt, vậy ngươi đọc lại một lần cho ta nghe thử".

Đổng Tử Ninh đọc vanh vách không sai sót chữ nào, Vân Trung Yến cả mừng nói: "Lão đệ, ngươi thông minh hơn cả ta nghĩ, thiên tư tốt như vậy thì lo gì không luyện được võ công thượng thừa".

"Đại ca quá khen".

"Được rồi, bây giờ ta muốn xem bộ pháp của ngươi, ta đi như thế nào thì ngươi hãy cứ theo như vậy".

Dưới ánh sao đêm, Đổng Tử Ninh căng mắt quan sát bộ pháp của Vân Trung Yến và bước theo ba lượt. Đến lượt thứ tư, Vân Trung Yến cố ý đi sai hai bước, Đổng Tử Ninh nói: "Đại ca, lần này không giống với ba lần trước!".

Vân Trung Yến vui mừng: "Lão đệ, ngươi đã nhớ hết, vậy là ta yên tâm rồi! Bây giờ ta sẽ dùng chưởng đánh ngươi, còn ngươi hãy vận dụng Nghênh phong liễu bộ, xem thử có tránh được chưởng lực của ta không nào".

"Nhưng đại ca đừng ra tay quá nhanh đấy!".

"Ta đã có chủ ý, xem chưởng!".

Vân Trung Yến phát một chưởng tới, Đổng Tử Ninh dùng bộ pháp Nghênh phong liễu bộ tránh khỏi chưởng lực của Vân Trung Yến. Vân Trung Yến nói: "Tốt!", rồi lại phát chưởng thứ hai, Đổng Tử Ninh cũng tránh được, Vân Trung Yến xuất chưởng ngày càng nhanh, thân ảnh của Đổng Tử Ninh cũng ngày càng mau lẹ. Dưới bầu trời đêm, chỉ thấy bóng chưởng và bóng người trộn lẫn vào nhau, nếu lúc đó giả như có ai trông thấy, chắc hẳn sẽ tưởng rằng đó là một cuộc quyết chiến sống còn. Cuối cùng, Vân Trung Yến thâu chưởng, Đổng Tử Ninh cũng đình bộ pháp. Vân Trung Yến mặt mày rạng rỡ: "Lão đệ, được rồi, nếu ngươi luyện nhuần nhuyễn bộ pháp này thì không những có thể tránh được binh khí của đối phương, mà sau khi địch thủ bị tiêu hao sức lực, ngươi có thể chuyển thủ thành công".

Đổng Tử Ninh bỗng như nhớ ra điều gì đó, vội hỏi: "Đai ca, khi tránh chưởng thứ ba của Ô lão đại, có phải huynh đã dùng bộ pháp này?".

"Đúng, chưởng thứ ba của Ô lão đại là tuyệt chiêu của hắn, chưởng lực từ bốn phương tám hướng ập tới, ta có thể dùng khinh công thoát ra được, nhưng khi đó là bỏ chạy chứ không phải là tránh nữa, mà vậy sẽ bị xử thua, cho nên ta mới dùng Nghênh phong liễu bộ, chưởng lực của hắn dù ghê gớm thế nào cũng không thể xâm hại được ta".

Đổng Tử Ninh cả mừng, bái tạ Vân Trung Yến. Vân Trung Yến nói: "Lão đệ, sao ngươi hành lễ như vậy?".

"Đại ca đem tuyệt kỹ truyền cho tiểu đệ, nếu tiểu đệ không tận lực vì võ lâm thì cũng coi như đã phụ lòng đại ca vậy"

"Lão đệ, ngươi đừng nên nghĩ vậy, đây chẳng qua chỉ là công phu phòng thân mà thôi, nhất thiết không được truyền lại cho kẻ khác".

"Đại ca yên tâm, từ nay về sau, nếu không có lệnh của đại ca thì có chết, tiểu đệ cũng không dám truyền cho ai".

"Lão đệ, ngươi có biết vì sao ta khuyên ngươi đừng truyền cho kẻ khác không?".

"Chắc đại ca sợ tiểu đệ truyền lầm cho những kẻ tâm thuật bất chính, không có võ đức sẽ gây hại cho võ lâm?".

Vân Trung Yến lắc lắc đầu nói: "Không đơn giản như vậy".

Đổng Tử Ninh không hiểu "Vậy là sao?".

"Lão đệ, cho ngươi hay, Nghênh phong liễu bộ là môn võ công thượng thừa, không có nội công thượng thặng thì không được. Mà người có võ công thượng thặng thì không cần học bộ pháp này. Những người bình thường học nó, tất nhiên sẽ đêm ngày khổ luyện, nhất thời nội lực không đủ thì mạch đoạn gân đứt, không chết cũng tàn phế suốt đời. Nếu ngươi truyền cho bọn họ thì chẳng khác nào hại bọn họ. Ta vốn không có ý truyền cho ngươi, nhưng lo ngươi điều tra vụ thảm sát Kim Tiên Hiệp tất sẽ gặp phải cao thủ huyền bí kia, cho nên mới truyền Nghênh phong liễu bộ cho ngươi để phòng khi vạn nhất gặp hắn truy sát. Lão đệ, từ nay về sau, khi luyện bộ pháp này, nếu cảm thấy hoa mắt đau đầu thì nhất định không được cố luyện nữa để tránh hại bản thân".

"Đa tạ đại hiệp chỉ giáo, tiểu đệ sẽ khắc ghi trong lòng, không dám luyện quá sức".

"Còn nữa, từ nay về sau nếu gặp cao thủ võ lâm thực thụ, nhiều lắm ngươi cũng chỉ có thể sử dụng bộ pháp này mà tiếp được mười chiêu, sau mười chiêu tất sẽ bị địch thủ đánh bại vì nội lực của ngươi chưa đủ. Bởi vậy, trong mười chiêu đó, ngươi phải nghĩ cách xa chạy cao bay, không nên tiếp chiêu nữa".

Lúc đó, trời đã hưng hửng sáng, Vân Trung Yến nói: "Lão đệ, trời sắp sáng rồi, ngươi mau đi đi, ta cũng có việc cần đi đây!". Tiếng vừa dứt, Vân Trung Yến vụt đi, phút chốc đã rời khỏi sườn núi, như cánh hạc vàng không biết bay về phương nào mất rồi.

Đổng Tử Ninh nghỉ ngơi một lát, nhìn chung quanh tìm đường xuống núi. Vừa đặt chân đến một trà quán bên dường, bỗng nghe có tiếng người trong quán gọi mình, nhìn lại, y không khỏi vui mừng vội hỏi: "Sao sư huynh cũng đến đây?".

Thì ra người gọi Đổng Tử Ninh chính là đại sư huynh của y tên gọi Triệu Tử Vinh. Triệu Tử Vinh lớn hơn Đổng Tử Ninh mười ba tuổi, mũi cao mày kiếm, lưng gấu vai hổ, là con rể của chưởng môn Võ Di kiếm phái Tiêu Phi Vũ. Tiêu Phi Vũ đem toàn bộ kiếm phổ của mình truyền cho Triệu Tử Vinh, hy vọng y có thể làm rạng danh Võ Di kiếm phái. Triệu Tử Vinh không những tinh thông các loại kiếm thuật của Võ Di kiếm phái, mà còn đặc biệt sở trường về bảy mươi hai lộ Địa sát liên hoàn kiếm, là nhân vật tiêu biểu trong Huyền Võ kiếm phái hiện nay. Người giang hồ gọi y là Võ Di hắc hiệp Triệu Tử Vinh, bởi y thường mặc đồ đen, đội khăn đen, leo tường vượt rào như chim điêu đen, cho nên mới có biệt danh ấy.

Có một lần, các đệ tử của tam đại chưởng môn Huyền Võ kiếm phái cùng nhau tỉ võ, Triệu Tử Vinh đã dùng bảy mươi hai lộ Địa sát liên hoàn kiếm liên tiếp đánh bại các đệ tử của Võ Đang và Võ Lăng, ngay cả Phong lôi kiếm Lương Bình Sơn cũng bại dưới kiếm của y. Rồi lại ngang tay với đại đệ tử của Võ Đang là Phương Lữ Trung và đại đệ tử của phái Võ Lăng là Vương Bình Dã, sau đó tiếp tục đánh bại nhiều người khác nữa. Hôm đó mọi người đều thầm rõ kiếp pháp của Triệu Tử Vinh thực ra cao hơn Phương Lữ Trung và Vương Bình Dã nửa bậc. Chưởng môn phái Võ Đang là Hàn Phi Lâm vui vẻ nói: "Tiêu sư đệ có được một đệ tử như vậy, thực là niếm tự hào của Huyền Võ kiếm phái chúng ta".

Từ đó, bảy mươi hai lộ Địa sát liên hoàn kiếm của Triệu Tử Vinh càng thêm nổi tiếng trên giang hồ. Triệu Tử Vinh lần lượt đánh bại Trường Giang nhị quái, Triết Đông đại đạo Hắc Toàn Phong, ngang tay với Trung Châu đại hiệp Dương Đình Vũ. Khi đó, Đổng Tử Ninh mới mười tuổi và rất ngưỡng mộ kiếm pháp của đại sư huynh, ước mong một ngày nào đó kiếm pháp của mình cũng sẽ xuất chúng như sư huynh, để hành tẩu giang hồ hành hiệp trượng nghĩa.

Lần này, mấy huynh đệ bọn họ phụng mệnh Tiêu sư phụ hạ sơn, gởi phi thiếp mời các môn phái võ lâm tập trung tại Hành Sơn. Triệu Tử Vinh đi về hướng tây báo cho các cao thủ Xuyên Tây đại hiệp Từ Minh Phụng và Sơn Tây song hiệp, nhưng sao bây giờ lại xuất hiện ở đây? Đổng Tử Ninh hỏi, thì Triệu Tử Vinh nói: "Đệ còn hỏi, sư mẫu thấy đệ chưa trở về, không yên tâm, nên sai ta đi tìm. Sao đệ đi lâu quá vậy?".

Đổng Tử Ninh nói: "Tại đệ mải ngắm phong cảnh núi Lĩnh Nam, nên bê trễ lộ trình khiến sư mẫu phải lo".

"Đệ chỉ mải ngắm phong cảnh núi Lĩnh Nam thôi sao?".

Đổng Tử Ninh không khỏi giật mình: "Đại sư huynh nghe gì về đệ à?".

"Đệ biết tại sao sư mẫu lo lắng cho đệ như vậy không? Giang hồ đồn rằng đệ mê tiểu ma nữ của tà giáo Bích Vân Phong, đi chung với ả, đả thương Phũng ngũ ca của nhị sư bá và Tĩnh Thanh đạo trưởng của Nga Mi phái, sau đó lại cấu kết với đồ đảng của Bích Vân Phong sát hại Lương tam ca và mấy huynh đệ khác. Nhị sư bá rất tức giận, đến hỏi tội sư phụ và sư mẫu, may mà có đại sư bá khuyên giải, nói đợi đệ về hỏi cho rõ. Nhưng nhị sư bá vẫn phái sư huynh Vương Bình Dã lập tức đi tìm đệ. Sư mẫu không yên tâm, kêu ta mau chóng tìm đệ đưa về. Sư đệ, có chuyện như vậy hay không?".

Đổng Tử Ninh đứng lặng người, hồi lâu không lên tiếng.

Triệu Tử Vinh lại truy hỏi: "Sư đệ, có phải như vậy không?".

Lúc này Đổng Tử Ninh mới kêu lên: "Vinh ca, thật là oan uổng cho đệ, làm sao đệ có thể đả thương Tĩnh Thanh đạo trưởng và sát hại Lương tam ca được?".

Triệu Tử Vinh nói: "Ta cũng cảm thấy nghi hoặc, võ công của Tĩnh Thanh đạo trưởng như vậy thì đệ không thể nào đả thương y được".

"Vinh ca, đệ không những không thể đả thương y mà đệ còn suýt mất mạng dưới Thiết sa chưởng của y nữa kìa".

Triệu Tử Vinh ngạc nhiên: "Ngươi có giao thủ với Tĩnh Thanh đạo trưởng? Một mắt của y bị Tiểu ma nữ hại mù?".

"Đúng vậy".

"Vậy ngươi có đi chung với tiểu ma nữ không?".

"Vinh ca, sự thực là như vầy...". Đổng Tử Ninh đem mọi chuyện kể lại cho Triệu Tử Vinh nghe. Triệu Tử Vinh nghe rồi im lặng một lát, nghĩ bụng: "Sư đệ gây đại họa như vậy, khi trở về làm sao có thể giải thích rõ được!". Y biết nhị sư bá tính nóng như lửa, nhất định không để cho Đổng Tử Ninh giải thích.

Đổng Tử Ninh nói: "Nếu đại sư huynh không tin, hiện có Lương tam ca đang dưỡng thương chỗ Phụng nữ hiệp, huynh đến đó hỏi khắc rõ".

Triệu Tử Vinh lắc lắc đầu nói: "Sư đệ, ta ở gần ngươi từ nhỏ, sao ta không tin lời ngươi? Nhưng nhị sư bá...".

"Đệ sẽ về nói rõ cho sư bá nghe".

"Sư đệ, ngươi có nói cũng vô tác dụng, nhị sư bá có thể để cho ngươi giải thích rõ sao? Hơn nữa, tuy đệ không đi cùng tiểu ma nữ, nhưng lại vì cô ta mà đả thương Phùng ngũ ca của bọn họ, chỉ riêng điểm này, nhị sư bá đã không tha thứ cho đệ rồi".

"Vinh ca, vậy đệ phải làm sao bây giờ?".

Triệu Tử Vinh nghĩ ngợi một lát rồi nói: "Sư đệ, theo ta thì ngươi đừng đi Hành Sơn, mà trước tiên hãy quay về Võ Di sơn đã, để ta nói nhỏ cho sư mẫu biết. Sư mẫu rất thương đệ, sẽ giải thích với mọi người giúp đệ".

"Đệ không về thì không được sao? Đệ không muốn sư phụ và sư mẫu liên lụy vì đệ, đệ tự vấn thấy việc mình làm không có gì sai trái, không thẹn với trời đất".

"Sư đệ, đừng ngốc vậy, huống chi nhị sư bá đang nóng giận, sư bá mà thấy ngươi, không giết thì cũng bắt ngươi tự sát".

"Dù có chết đệ cũng phải nói rõ mọi chuyện".

Triệu Tử Vinh cảm thấy Đổng Tử Ninh hãy còn ngây thơ quá. Dù có lý cỡ nào đi nữa nhưng chỉ riêng chuyện giúp tiểu ma nữ của tà giáo thôi thì tội lỗi đã không thể tha thứ được rồi. Y còn đang muốn khuyên lơn Đổng Tử Ninh thêm thì chợt có một cô nương cưỡi lừa đen dừng trước trà quán. Làn thu thủy nét xuân sơn của cô khiến người ta phải kinh ngạc tán thán. Triệu Tử Vinh và Đổng Tử Ninh cũng ngưng nói nhìn theo.

Vị cô nương đó tuổi chừng hăm hai hăm ba, khoác áo xanh, dung nhan thanh tú diễm lệ vô cùng. Cô ta liếc Triệu Tử Vinh và Đổng Tử Ninh một cái, rồi bước vào quán kêu trà. Đổng Tử Ninh thầm lấy làm ngạc nhiên nghĩ: Cô nương kia xinh đẹp vậy mà đi một mình như thế, không sợ kẻ xấu khởi tà tâm sao? Lúc đó, bỗng có tiếng người từ xa: "Sư huynh xem kìa, đó chẳng phải là Đổng Tử Ninh sao?".

Đổng Tử Ninh và Triệu Tử Vinh ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là đại đệ tử Vương Bình Dã và đệ tử thứ năm Phùng Bình Thủy của Võ Lăng kiếm phái đang đi tới. Đổng Tử Ninh thoáng lo lắng, gã Phùng lão ngũ kia chẳng phải đã bị Lương tam ca bảo đưa gã mù về Võ Lăng sơn rồi à? Sao hắn lại đi cùng với Vương đại ca?

Phùng lão ngũ thấy Đổng Tử Ninh, cười nhát: "Họ Đổng, ta đang muốn tìm ngươi đây!", chợt thấy Triệu Tử Vinh đứng sau Đổng Tử Ninh, hắn mới làm ra vẻ cung kính nói: "Triệu đại ca, thì ra huynh cũng ở đây, là đi tìm hắn sao?".

Triệu Tử Vinh nghĩ bụng: "Bây giờ muốn khuyên Đổng Tử Ninh quay về Võ Di sơn cũng không được rồi!". Y gật đầu: "Đúng vậy! Ta cũng đang đi tìm Đổng Tử Ninh, mới vừa gặp hắn đây".

Vương Bình Dã nhìn Đổng Tử Ninh, vẻ mặt giận dữ, chỉ vì có Triệu Tử Vinh ở đó nên không dám lộng hành. Y đưa mắt quét một vòng trong trà quán, nói: "Triệu hiện đệ, nơi này không tiện nói chuyện, chúng ta ra ngoài đi!".

Triệu Tử Vinh cũng thấy một số người trong trà quán đang chăm chú nhìn về phía mình, nhất là vị cô nương xinh đẹp kia đang ngầm quan sát Đổng Tử Ninh. Y là người từng trải, cho nên biết một số kỳ nhân dị sư trên giang hồ, phàm là ni cô, đạo sĩ hay phụ nữ đơn thân một mình dám ra ngoài, tất nhiên có biết võ công hoặc tuyệt kỹ nào đó, nếu không phóng độc thì cũng có ám khí trong người. Đối với những loại người này, tốt nhất là không nên trêu vào họ, mà hãy tránh cho xa. Vì thế, Triệu Tử Vinh nói: "Được, chúng ta ra ngoài nói".

Cả bọn kéo ra một gốc cổ thụ, Vương Bình Dã nén giận nói: "Đổng hiện đệ, ta hỏi ngươi, Lương tam đệ của ta chết như thế nào?".

Đổng Tử Ninh nói: "Vương đại ca nghi ngờ đệ sát hại Lương tam ca và các huynh đệ khác sao?".

Phùng lão ngũ nói: "Ngươi đừng giả ngây giả ngô trước mặt ta, chẳng phải chính ngươi đã cấu kết với bọn tà giáo Bích Vân Phong giết hại các huynh đệ trên núi Lâm Phong là gì? Tên phản đồ nhà ngươi còn muốn...".
Đổng Tử Ninh nghiêm giọng ngắt: "Phùng ngũ ca, xin hãy tự trọng, ai là phản đồ? Ngươi có nhìn thấy ta giết Lương tam ca và các huynh đệ không?".

"Giang hồ đồn đại khắp nơi, còn cần phải đợi ta thấy nữa sao?".

"Ta nói cho ngươi biết, Lương tam ca và Đàm lục ca chưa chết, hiện hai người đang dưỡng thương tại sơn trang của Phụng nữ hiệp, không tin, ngươi cứ đến hỏi Phụng nữ hiệp đi!".

Vương Bình Dã ngạc nhiên: "Lương tam đệ và Đàm lục đệ cùa ta chưa chết?".

"Vương đại ca, tiểu đệ tuyệt không dám nói dối, bây giờ...".

Vương Bình Dã nói: "Khoan đã, Phụng nữ hiệp mà ngươi nói, có phải là một trong Lĩnh Nam Song Kiếm không?".

Lúc này Triệu Tử Vinh mới nói: "Vương đại ca, tai nghe không bằng mắt thấy, sư đệ đã nói như vậy, không bằng chúng ta đến hỏi thăm Phụng nữ hiệp và Liễu đại hiệp, thì thực hư sẽ rõ".

Phùng lão ngũ nghe Lương Bình Sơn chưa chết, nhất thời biến sắc, bây giờ lại nghe mọi người muốn đến hỏi Phụng nữ hiệp, y đảo mắt một vòng, nói: "Vương đại ca, tên họ Đổng kia rất giảo hoạt, không chừng hắn lừa chúng ta, giữa đường b3o trốn!".

Triệu Tử Vinh nghe vậy cũng nổi nóng: "Phùng đệ, ta biết chạy trốn sao?".

Vương Bình Dã trừng Phùng lão ngũ: "Ngươi ăn nói hồ đồ vừa phải thôi!", rồi quay qua nói với Triệu Tử Vinh: "Triệu hiền đệ nói đúng, chúng ta hãy cùng đến bái kiến Phụng nữ hiệp và Liễu đại hiệp, nếu các sư đệ của ta quả thực đang ở sơn trang của Phụng nữ hiệp, thì chúng ta càng phải đến đó cảm tạ người ta".

Phùng lão ngũ lại nói: "Vương đại ca, sư phụ đang mong chúng ta đem hắn về, ai biết sơn trang của Phụng nữ hiệp ở đâu, phải đi đến bao giờ?".

Đổng Tử Ninh nói: "Sơn trang của Phụng nữ hiệp là một u cốc tại huyện Thiên Hà, phủ Khánh Viễn ở Quảng Tây, từ đây đến đó, mất khoảng ba, bốn ngày".

Phùng lão ngũ nói: "Vậy vừa đi vừa về mất hết bảy tám ngày, trong bảy tám ngày đó, không biết sẽ xảy ra những chuyện gì?".

Triệu Tử Vinh nhíu mày hỏi: "Phùng ngũ đệ, ý ngươi là sao?".

"Triệu đại ca, ta... ta... ta muốn...".

Triệu Tử Vinh cười nhạt: "Ngươi không yên tâm về Đổng sư đệ của ta? Vậy ta sẽ dẫn hắn về Hành Sơn. Ngươi và Vương đại ca đến sơn trang của Phụng nữ hiệp. Việc sống chết của Lương tam ca, chẳng lẽ ngươi không quan tâm?".

Vương Bình Dã thấy tình hình có vẻ căng thẳng, cũng đành theo như vậy và nghĩ thầm: "Nếu Triệu Tử Vinh thả Đổng Tử Ninh, vậy lúc đó sư phụ tự nhiên sẽ tìm hắn đòi người, mà nếu cả Triệu Tử Vinh cũng bỏ trốn luôn, thì hãy còn sư phụ sư mẫu bọn họ đó! Huống chi bây giờ đã biết Lương Bình Sơn chưa chết, ta cững muốn đi thăm một chuyến xem thế nào".

Nghĩ rồi, Vương Bình Dã nạt Phùng lão ngũ lui xuống, nói với Triệu Tử Vinh: "Triệu hiền đệ, đã như vậy thì chúng ta chia tay, hẹn gặp nhau ở Hành Sơn".

Vương Bình Dã và Phùng lão ngũ đi rồi, Triệu Tử Vinh nhìn Đổng Tử Ninh lắc lắc đầu: "Sư đệ, bây giờ ngươi có muốn quay về Võ Di sơn cũng không được nữa!".

"Vinh ca đừng lo lắng cho tiểu đệ, tiểu đệ tự thấy không hổ thẹn với lòng mình, khi gặp sư phụ và sư bá sẽ lựa lời nói, tuy nhị sư bá nóng tính, nhưng không thể bất kể đạo lý".

Triệu Tử Vinh nghĩ bụng, anh chàng họ Đổng này hai mươi tuổi rồi mà ngây ngô như trẻ con, không hiểu chuyện phức tạp trên giang hồ và sự tranh đấu trong võ lâm. Triệu Tử Vinh hành tẩu giang hồ sớm, từng trải nhiều năm, cũng hiểu biết nhiều điều, y cũng ngầm thấy dã tâm của nhị sư bá phái Võ Lăng. Từ khi mình chiếm được ưu thế trong trận tỉ kiếm giữa các đệ tử đến nay, nhị sư bá tuy bề ngoài có vẻ vui mừng mà thực ra trong lòng mang niềm đố kỵ, sợ Võ Di phái hơn Võ Lăng phái, ngoài việc nghiêm khắc tăng cường huyến luyện võ công cho các đệ tử ra, ông thường kiếm chuyện làm mất mặt Võ Di phái, có khi còn nói bóng gió với đại sư bá rằng một số đệ tử của Võ Di phái gây loạn trên giang hồ, khiến Huyền Võ phái gặp nhiều phiền phức, gây thù chuốc oán với người ta. Về chuyện này sư phụ mình không để ý, nhưng sư mẫu lại khác. Một mặt, bà không lấy gì làm vui đối với các hành vi của nhị sư bá, mặt khác lại không thể không thắt chặt quản lý đối với các đệ tử của mình. Lần này sư mẫu phái Đổng Tử Ninh đi, cũng lo vì Tử Ninh quản chuyện thiên hạ bởi tính cách chính trực ngây thơ của y, cho nên mới bảo y chỉ được mang kiếm gỗ hạ sơn, không ngờ y vẫn gây ra chuyện, mà là chuyện lớn nữa chứ! Triệu Tử Vinh nghĩ một lát rồi nói: "Sư đệ, như vầy nhé, lần này chúng ta về Hành Sơn, ngươi đừng đi gặp sư phụ và sư bá trước, mà hãy đến giải thích rõ mọi chuyện với sư mẫu trước, để sư mẫu nói giúp ngươi".

Đổng Tử Ninh đồng ý nói: "Vinh ca, tiểu đệ xin theo lời huynh. Bây giờ sư phụ và sư mẫu ở đâu?".

"Hai người đều ở Mã gia trang của Mã đại hiệp".

"Các cao thủ võ lâm đến đó cả chưa?".

"Rồi, Ngọc Thanh đạo trưởng – chưởng môn phái Nga Mi, thiền sư Trí Huệ của Thiếu Lâm Tự, Hàn đại sư bá của Võ Đang, Sơn Tây song hiệp, Xuyên Tây đại hiệp Từ Minh Phụng, Mã phó bang chủ Cái bang và Lĩnh Nam đại hiệp Phong Tử Thanh đều đã đến đó".

Đổng Tử Ninh nghe xong giật mình nghĩ bụng: Nhiều cao thủ và tiền bối võ lâm đến đó như vậy, tiểu ma nữ và Vi ma ma tránh sao khỏi nguy hiểm? Nói không chừng, cao thủ ám sát Ô lão đại cũng lén lút đến Hành Sơn rồi cũng nên. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ sẽ dẫn đến trận huyết chiến thảm khốc kinh hoàng, mà dù cho Lĩnh Nam Song Kiếm có đến cũng không dẹp nổi.

Triệu Tử Vinh thấy Đổng Tử Ninh đứng ngây người ra, ngạc nhiên hỏi: "Sư đệ, ngươi sao vậy?".

Đổng Tử Ninh vội trấn tĩnh nói: "Không sao, chỉ là đệ đang nghĩ, không biết người của Bích Vân Phong đã đến đó hay chưa thôi".

"Nghe nói hai đại ma vương của Bích Vân Phong là Hồng Ma Vương và Hắc Ma Vương cũng đến rồi, còn như theo lời của đệ, thì con gái của Bạch ma vương cũng đã tới đó. Vậy là trong Ngũ đại ma đầu của Bích Vân Phong đã có gần một nửa đến Hành Sơn".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top