Chương 7



Nhân vật:

Thùy: Bạn cùng lớp. Tóc dài ngang lưng, tính cách xởi lởi, thành tích học bình thường nhưng bị kém môn Hóa. Rất ngưỡng mộ Ngọc Lam.

Tối thứ sáu, cả nhà Văn Thạc trừ em gái phải đi học thêm đến Nhà hát Thành phố để nghe nhạc giao hưởng theo lời mời của Luyên và Thuyên. Buổi biểu diễn này mục đích chính là giới thiệu những gương mặt mới tiềm năng, ngoài ra còn nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày mất của Frederic Chopin.

Buổi biểu diễn được mở màn bằng độc tấu piano bản Nocturne phổ biến nhất của Chopin, Nocturne Op.9, No.2.

Người chơi piano lúc này là một nữ nghệ sĩ còn rất trẻ. Cô ấy mặc một bộ lễ phục màu trắng dài chấm gót, cổ cao có buộc nơ to bản ở phía sau cổ. Ngón tay người nghệ sĩ chuyển động mềm mại trên những phím đàn. Văn Thạc lại liên tưởng tới video Ngọc Lam ngồi đánh đàn trước khi cô giải nghệ. Ngón tay của Ngọc Lam hồi nhỏ nhiều khi không với hết được giữa các nốt, bàn tay di chuyển hơi có phần hấp tấp, có khi lại như một đứa trẻ đang nhảy chân sáo giữa các nốt đàn trông khá vui mắt. Cậu tự nhủ không biết nếu là Ngọc Lam bây giờ cô sẽ biểu diễn như thế nào.

Dù không muốn nhưng trong vô thức, Thạc ngầm so sánh người nhạc công với Ngọc Lam, đôi lúc lòng cậu lạo xạo mỗi khi phát hiện được điểm mà nhạc công làm không tốt bằng Ngọc Lam.

Hầu hết các tác phẩm của Chopin dành cho dương cầm, chỉ có 2 bản dành cho hòa tấu. Dĩ nhiên buổi biểu diễn này sẽ không chỉ dành cho piano, một vài tác phẩm sẽ được sắp xếp lại tạo nhiều cơ hội thể hiện cho các nhạc cụ khác mà vẫn giữ vị trí quan trọng nhất cho piano.

Nhìn những người nhạc công đang chơi đàn, tự nhiên Văn Thạc bị thôi thúc bởi suy nghĩ muốn nhìn thấy Ngọc Lam biểu diễn một lần nữa ở trong những nhà hát nguy nga cùng dàn nhạc lẫy lừng. Cậu muốn một lần được chiêm ngưỡng trực tiếp những ngón đàn xuất chúng của cô. Nghĩ đến đây, trái tim Thạc đập mạnh. Từng tiếng thình thịch đánh động vào tâm trí Thạc một niềm tin rằng Ngọc Lam thuộc về nơi này. Cậu muốn thuyết phục Ngọc Lam trở lại với âm nhạc một lần nữa.

Gần đây Văn Thạc chơi kèn tiến bộ hơn hẳn. Đây không phải chỉ là lời khen khách sáo từ trợ giảng của thầy nữa. Tất cả mọi người đều cảm nhận được.

Dù rằng đôi chỗ còn vụng về, chưa thể hòa tấu trọn vẹn với những nhạc công khác nhưng tiếng kèn đã trở nên linh hoạt hơn hẳn.

Thấm thoắt lại tới thứ ba, Văn Thạc lại phải phụ đạo buổi sáng. Gần đây hai môn Hóa, Sinh cũng không còn làm khó Văn Thạc nữa, cậu đã có thể theo kịp bài giảng trên trường. Nhìn chung mọi mặt đều rất suôn sẻ.

Buổi trưa hôm nay trời tạnh ráo, mát mẻ, bù lại những ngày mưa kéo dài. Tiếng nhạc như thường lệ vẫn vang lên ở hành lang phía sau, Ngọc Lam vẫn phải mở cửa lớp để gọi Thạc vào lớp ôn bài như thường lệ.

"Ngọc Lam" Thạc gọi "Lam thấy Thạc đã tiến bộ hơn trước chưa?"

Linh cảm của phụ nữ mách bảo Ngọc Lam không nên trả lời câu hỏi này. Cô có cảm giác nếu đáp lại Văn Thạc, cô sẽ hé ra cánh cửa để Văn Thạc bước một chân vô lãnh địa vô hình của mình.

"Thạc có thầy ở Nhạc Viện, sao không hỏi thầy?" Ngọc Lam hỏi lại Thạc để không phải trả lời

"Thầy nhận xét rồi, nhưng mà càng nhiều người cho ý kiến càng tốt mà." Văn Thạc nhìn Ngọc Lam đầy mong chờ

"Vậy sao Thạc không vào Nhạc Viện luôn cho rồi?" Ngọc Lam hơi mất kiên nhẫn nhíu mày.

"Thầy bảo Thạc vẫn cần phải trau dồi thêm nên chưa nhập học ở Nhạc Viện được." Thạc thật thà trả lời.

Nghe tới đây, cô bạn cùng lớp nghi hoặc nhìn Thạc một lúc rồi lại như không có việc gì lấy sách vở đặt lên bàn.

"Thạc tập trung học đi!" cô nói.

Chỉ còn 15 phút nữa chuông vào lớp sẽ reo, lác đác một vài học sinh đã đến. Thạc vẫn say sưa nghe Ngọc Lam giảng lại bài học thì có một bạn nữ đứng trước bàn của hai người.

"Lam ơi, cho Thùy học chung với." Bạn nữ nói

Văn Thạc nhận ra ngay, bạn nữ tên Thùy này chính là người đã ném giấy cho cậu năn nỉ cậu "nhường" Ngọc Lam cho mình. Sau đó bạn ấy đã được cô chỉ định cho một học sinh khác trong lớp học cũng rất giỏi trong lớp. Không may thay học sinh đó vì bố mẹ chuyển công tác nên phải chuyển trường theo. Thùy hiện tại chưa có ai kèm.

Văn Thạc không thích lắm, không phải vì cậu có ác cảm gì với Thùy mà là nếu Thùy cũng tham gia, cậu sợ sẽ khó có cơ hội nói chuyện với Ngọc Lam và thuyết phục cô trở lại với âm nhạc.

"Năn nỉ á!" Thùy nói với giọng tha thiết "Có gì Thùy xin cô để học với Ngọc Lam!"

Trước sự nài nỉ của cô bạn, Ngọc Lam nói nhỏ nhẹ

"Lam chỉ kèm Thạc hai môn Hóa với Sinh thôi, không phải môn Thùy cần phụ đạo thì sao?"

Đôi mắt của Thùy sáng lên

"Thùy chỉ cần phụ đạo giúp môn Hóa thôi. Có được không?"

"Cũng được"

Thế là ngày thứ ba của Văn Thạc từ đôi bạn cùng tiến đã trở thành nhóm bạn cùng tiến. Cậu có cảm giác từ giờ tới lúc thuyết phục được Ngọc Lam vẫn còn xa lắm.

Nhìn khuôn mặt chán nản của Văn Thạc, Ngọc Lam thấy hơi buồn cười. Nếu như cô biết được kỳ vọng trong lòng cậu, chắc cô chẳng cười nổi nữa.

Ngọc Lam đã giải nghệ được gần 5 năm.

Suốt 5 năm đó, cô chọn sống bình lặng nhất có thể. Cuộc đời cô đã từng chìm đắm trong ánh đèn sân khấu và hàng ngàn lời tán thưởng. Đến bây giờ, thỉnh thoảng nhắm mắt lại, Ngọc Lam thấy mình đang đứng trước những chiếc máy ảnh chớp sáng liên tục, cô hoảng hốt mở choàng đôi mắt ra, lại chỉ thấy mình ngồi một mình trong căn phòng. Cảm giác cô đơn quạnh quẽ vây lấy cô.

Để thoát ra khỏi ảo ảnh của quá khứ, Ngọc Lam đã chọn con đường học tập. Ngày xưa cô tập đàn chăm chỉ như thế nào, bây giờ cô học hành chăm chỉ như thế. Có nhiều hôm, để tự đánh thức bản thân khỏi những ám ảnh đeo bám, Ngọc Lam thức cả đêm để học và chỉ dừng lại khi mẹ cô bắt cô phải nghỉ ngơi. Suốt 2 năm đầu sau khi giải nghệ, có khi mẹ phải thức đêm cùng cô, tìm cách lôi cô từ trên bàn học xuống. Những đêm cô giật mình hoảng hốt tỉnh dậy từ cơn ác mộng, mẹ vừa ôm cô vừa khóc.

Ngọc Lam mất rất lâu để bình tĩnh như hiện tại. Cô cũng đã dần quên mất mình đã từng chơi nhạc cụ như thế nào.

Thế rồi một ngày nọ, anh trai cô được đội tuyển võ cổ truyền của trường kết nạp, phải đi tập sớm. Cô cũng phải đi sớm cùng anh trai và bắt gặp Văn Thạc đang chơi kèn ở hành lang phía sau.

Âm thanh của cậu chỉ bình thường, có chỗ vụng về, vậy mà ...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top