#3 - Quê hương trong tiềm thức của Liên (chương viết theo lời nhân vật)
- Tiên sư bố thằng nào trộm gà của bà! Bà mà biết á... Bà bẻ gãy cổ mày... Cha bố chúng mày...
Lại là tiếng chửi của cụ Tể - cũng là cụ thân sinh ra mẹ tôi và là bà tôi...
Sao cụ chửi nhiều thế nhỉ? Chửi không ngừng nghỉ. Dường như chưa có ngày nào trời ngả sắc tím, bóng đổ về Tây mà không thấy bóng dáng khòm khòm, tay vỗ đùi bành bạch của cụ. Cũng tài, ngày nào cũng là một chiêu bắt gà, chẳng phải gà thì là trộm xoài, trộm mướp, nói chung là cụ mất trộm. Tiếng chửi len lỏi giữa tiếng ve, tiếng trẻ con cười sằng sặc ra điều thú lắm. Đến mệt mỏi... Lần cuối cùng tôi về quê, mộ của người đã xanh cỏ.
Tôi là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Trời sinh tôi cá tính mạnh mẽ, lại được chiều chuộng, suốt tuổi thơ tôi là một con ngựa non bất kham. Tuy quê là Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ nhưng bố mẹ tôi từ lâu đã lên thị xã làm ăn sinh sống. Gia đình công chức nghèo, mẹ tôi tính không thuần, có lẽ sự mạnh mẽ trong tính cách của tôi được hưởng từ gia đình bên ngoại. Trái lại, bố tôi lại là một con người nho nhã, đúng hơn cả nhà nội tôi đều hiền lành, nhẹ nhàng. Khác hoàn toàn cụ Tể, cụ Nga ( thân sinh ra bố tôi ) luôn tủm tỉm một nụ cười hiền trên môi. Cử chỉ dịu dàng, cụ chẳng nói nặng ai cái gì bao giờ. "Ấy, ai lại làm thế" - đó là câu cụ dùng để nhắc cháu chắt, con cái.
Trong những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn và đói kém (đấy là tôi còn được chiều lắm rồi), tôi luôn ám ảnh về hạt gạo "bo bo" - thứ gạo xỉn màu kém chất lượng, nhai trệu trạo mà lúc nấu không ngâm vào nước thì có đố nuốt nổi. Có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi.
Hôm đó tôi ốm nặng, mẹ hỏi tôi có muốn ăn cái gì thì bà mua cho. Biết bố mẹ nghèo, nào tôi có dám đòi hỏi gì đâu, tôi chỉ xin một bữa cơm gạo trắng thơm mà tôi vẫn ước ao. Bà đồng ý. Nhưng, đến bữa, kinh tế không đủ để đong một bữa gạo trắng cho năm miệng ăn, mẹ tôi thương cả nhà đói, đành xúc một vốc gạo bo bo trộn lẫn vào cơm gạo trắng. Cái giống đời bo bo mà không ngâm thì cũng đủ hiểu rồi. Thà không đòi còn được ăn cơm bo bo đúng nghĩa, đòi rồi thì đến bo bo thường cũng chẳng được ăn, cơm khó nuốt gấp mười lần bữa thường.
Tôi nhớ tôi cứ khóc mãi: "Đã bảo không cho bo bo rồi mà...". Mẹ cũng hết lời dỗ dành nhưng cái tính tôi nó đâu nghe, bà phải dặng hắng quát lên thì tôi mới chịu im cho. Tôi biết mẹ tôi cũng buồn... nhưng ngay lúc ấy tôi chẳng kiểm soát nổi suy nghĩ nữa.
Tuổi thơ là những chuỗi ngày hè ở quê, rong ruổi theo chân anh chị họ bắt cá, tắm ao. Nhảy lên lưng trâu băng băng qua khúc sông ngắn, ai nấy lấm lem. Lại còn những đêm hè ra sân ngắm sao nữa chứ, sao ở quê không như sao ở Hà Nội, chúng dày đặc hơn, sáng hơn và đẹp hơn.
Một kỉ niệm nữa vẫn đọng lại trong tôi. Ngày ấy vùng nông thôn chưa có điện, đêm ngủ không quạt nóng chẳng chịu được, tôi đùa bà tôi rằng:
- Bà ơi, bà cắm cái quạt mo vào tường cho con.
Bà tôi cười, tay quạt cho tôi không ngừng nghỉ: "Đây, bà cắm quạt vào tường cho Liên nhé"
Vui thì vui thật, nhưng nghĩ lại chắc tôi cũng không dám trải nghiệm nữa, vì rằng những trò chơi ấy nguy hiểm, mà bẩn, rồi bất tiện... Tóm lại, tôi vẫn chẳng thích thú gì quê nhà.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top