BIỆN PHÁP DẠY HỌC

NHỮNG BIỆN PHÁP DẠY HỌC THEO ĐẶC TRƯNG THI PHÁP LOẠI THỂ CẦN THIẾT, CÓ HIỆU QUẢ

.

2.2. Phân tích tình huống truyện

– Ở đây chúng tôi chỉ bàn vai trò của tình huống đối với truyện ngắn. Bởi vì "Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó"(Chu Văn Sơn). Tình huống là "cái tình thế nảy ra truyện", là "lát cắt" của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc, là "một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc", "khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại"(Nguyễn Minh Châu). Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng tình huống là hạt nhân của truyện ngắn, "chọn được tình huống hấp dẫn coi như việc viết truyện đã xong"(Nguyễn Minh Châu). Người ta chia thình huống thành các loại:

– Với bài viết này, chúng tôi tạm hiểu tình huống là "tình thế xảy ra chuyện", trong đó nhân vật, các vấn đề của đời sống hiện lên rõ nét nhất đồng thời qua tình huống đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm cũng được làm sáng tỏ. Như vậy nhận diện và phân tích được tình huống, giáo viên nên cung cấp khái niệm tình huống, các loại tình huống.

Trong số các tác phẩm truyện lớp 12 chương trình chuẩn, có 2 tác phẩm có tình huống đặc biệt cần phải giúp học sinh chỉ ra và phân tích.

– Vợ nhặt có một tình huống đặc biệt, tình huống éo le mà cần định hướng cho học sinh phân tích: Tràng nhặt được vợ giữa năm đói. Anh ta nhặt được vợ như người ta nhặt được cái rơm, cái rác...sự việc đó đã gây ra nỗi ngạc nhiên cho những người dân xóm ngụ cư, cho bà cụ Tứ và cho chính Tràng. Vấn đề là ở chỗ phải giúp học sinh trả lời câu hỏi: Kim Lân tạo ra tình huống như thế là có dụng ý gì? Đó mới là điểm đến của công việc này. Qua tình huống trên, nhà văn vừa có điều kiện khắc hoạ tâm lí nhân vật, làm sáng lên ở họ những vẻ đẹp cao quý của tình người vừa làm nổi bật giá trị nhân đạo và hiện thực của tác phẩm.

– Chiếc thuyền ngoài xa lại là một tình huống khác – tình huống nhận thức. Qua hai phát hiện của người nghệ sỹ, qua câu chuyện của người đàn bà ở toà án huyện, truyện đã dẫn tới sự bừng sáng, sự "giác ngộ" cho Phùng và Đẩu trong cách nhìn về cuộc đời và nghệ thuật. Đó cũng chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

2.3. Tìm hiểu điểm nhìn trần thuật.

Điểm nhìn trần thuật có vai trò dẫn dắt người đọc quan sát các chi tiết và diễn biết có ý nghĩa đặc biệt của truyện. Điểm nhìn trần thuật hay chọn cách trần thuật(ngôi kể) như thế nào cũng là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn, điều đó đòi hỏi chúng ta phải giúp học sinh nhận diện điểm nhìn trần thuật của từng tác phẩm và tác dụng của nó. Trong các tác phẩm truyện lớp 12 chương trình chuẩn, có một số tác phẩm có điểm nhìn độc đáo và tác dụng nghệ thuật nhất định.

– Trước tiên phải kể đến truyện ngắn Vợ nhặt, người kể chuyện giấu mình, bắt đầu kể từ việc Tràng dẫn vợ về nhà trong cảnh chết chóc của xóm ngụ cư, trong sự ngạc nhiên của những người trong xóm. Cảnh Tràng gặp người đàn bà, cảnh giới thiệu vợ với mẹ được kể theo con mắt của Tràng. Tiếp đó là cách kể theo con mắt quan sát và suy nghĩ của bà mẹ. Cảnh sáng hôm sau ngủ dậy với cảm giác hạnh phúc, quan sát những biến đổi của người vợ và đoạn kết được kể theo cách nhìn của Tràng. Điểm nhìn di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, nhưng Tràng luôn ở vị trí trung tâm, hé mở cho thấy từ khát vọng hạnh phúc lứa đôi, Tràng đã mơ hồ cảm thấy phải tham gia vào hành động với Việt Minh để tự giải phóng mình.

– Truyện Những đứa con trong gia đình được trần thuật theo phương thức: người trần thuật thuộc ngôi thứ ba nhưng lời kể lại phỏng theo quan điểm, ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật. Nghĩa là người trần thuật tự giấu mình nhưng cách nhìn và lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật. Các nhà nghiên cứu gọi là cách trần thuật theo dòng ý thức nhân vật. Vấn đề đặt ra là phải yêu cầu học sinh nhận ra tác dụng của nó. Lối trần thuật này có hai tác dụng về mặt nghệ thuật: câu chuyện vừa được thuật, kể cùng một lúc tính cách nhân vật cũng được khắc họa; câu chuyện dù không có gì đặc sắc cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng của nhân vật. Nhà văn phải thành thạo tâm lí và ngôn ngữ nhân vật mới có thể trần thuật theo phương thức này.

– Trong Vợ chồng A Phủ, có đoạn nhà văn "trao bút" cho nhân vật để nhân vật tự kể, tự nói về mình khiến người đọc như đọc được trực tiếp những dòng tâm sự bằng máu và nước mắt của Mị. Chúng ta hãy quan sát đoạn miêu tả sức sống đang trỗi dậy trong cô Mị lầm lũi, vô hồn trước đây: "Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị đã ngồi xuống giường, trông ra cái lỗ cửa sổ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi...". Trong đoạn văn này, đang trần thuật khách quan (từ chỗ đứng người kể chuyện) đến ba câu cuối có sự dịch chuyển, kết hợp tự nhiên các điểm nhìn, giọng điệu. Tô Hoài đã viết liên tiếp ba câu văn ngắn cùng một chủ ngữ là Mị. Lời văn từ đây bỗng hối hả, bỗng dồn dập như cùng khát vọng sống đang trào dâng trong lòng Mị. Lời nhà văn hay lời nhân vật? Không thể phân định rạch ròi. Tô Hoài không đứng bên ngoài mà tả, mà kể nữa, lại nhập thân vào Mị, thổn thức cùng Mị ở thời khắc ấy để từ trong đó viết ra.

2.4. Cảm nhận giọng điệu lời văn

Giọng điệu là một yếu tố thuộc về ngôn ngữ trong tác phẩm truyện. Khi phân tích ngôn ngữ văn xuôi cần chú ý cách sử dụng các kiểu câu, chủ thể phát ngôn, cách xưng hô, giọng điệu kể, sự cá thể hóa ngôn ngữ của nhân vật và tác giả... Có thể chia ngôn ngữ văn xuôi thành hai tính chất trái ngược nhau. Một là giọng điệu tiểu thuyết, thể hiện đậm đặc trong văn xuôi hiện thực phê phán Vũ Trọng Phụng có giọng trào phúng, Nam Cao có giọng lạnh lùng, Nguyễn Công Hoan có giọng hóm hỉnh... Ngược lại là giọng điệu sử thi thể hiện đậm đặc trong văn xuôi cách mạng. Ta có thể thấy giọng văn tin yêu, trữ tình trong Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, giọng văn sôi nổi bừng bừng khí thế trong Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình.. Như vậy giọng điệu chính là một yếu tố quan trọng góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của nhà văn.

Phân tích nhân vật theo diễn biết cốt truyện, tức là theo các tình tiết, sự kiện, biến cố đang diễn ra.
"Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người."(Lại Nguyên Ân; 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 1999, tr.250).

Đa số các nhà nghiên cứu, các tài liệu hướng dẫn dạy học đều thống nhất khi phân tích nhân vật đi theo trình tự:

3.1. Phân tích ngoại hình nhân vật.

Ngoại hình, hình dáng của nhân vật thường có mối quan hệ chặt chẽ với tính cách, bản chất của nhân vật. Người xưa đã dạy "Trông mặt mà bắt hình dong", như vậy ngoại hình là yếu tố đầu tiên khi xem xét nhân vật. Tuỳ theo dụng ý nghệ thuật mỗi nhân vật thường được tác giả phác hoạ những nét đậm nhạt về ngoại hình:

– Trong Vợ chồng A Phủ, tuy tác giả không dụng công miêu tả vẻ đẹp hình thức của Mị bởi đó không phải là chiều tư tưởng nhà văn muốn vươn tới. Nhưng chỉ bằng một chi tiết nhỏ "Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị" cũng đủ để người đọc hình dung vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật. Theo quy luật thông thường, sắc thường đi đôi với tài và quả Mị tài thật tài thổi sáo khiến "nhiều người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Sắc tài ấy báo hiệu điều gì? Đọc ta mới thấy Mị cũng giống các nhân vật nữ khác, ở những nơi khác như Tiểu Thanh, Thuý Kiều – những nhân vật nữ tài hoa mà bạc mệnh.

– Với các nhân vật: Người vợ nhặt(Vợ nhặt), Người đàn bà hàng chài(Chiếc thuyền ngoài xa), vẻ ngoại hình xấu xí, tiều tuỵ, rách rưới của họ là gì nếu không liên quan đến những số phận khổ cực, đói rách? Riêng đối với Người đàn bà hàng chài(Chiếc thuyền ngoài xa), vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt còn gợi một bi kịch riêng – bi kịch gia đình, thầm lặng chịu đòn chồng vì tình thương con.

– Những dáng vẻ vạm vỡ, cao lớn, rắn rỏi của Tnú, cụ Mết(Rừng xà nu), Chiến(Những đứa con trong gia đình) là những tín hiệu báo trước những tính cách mạnh mẽ, sức sống phi thường của những con người sinh ra trong đau thương để rồi lớn lên để chống trọi, để chiến đấu và chiến thắng.

3.2. Phân tích hành động, nội tâm, ngôn ngữ nhân vật.

Hành động, hành vi, cử chỉ của nhân vật là những tín hiệu quan trọng cung cấp thêm những thông tin cho bức tranh toàn diện về nhân vật. Vì vậy, khi giảng chúng tôi luôn chú trọng cho học sinh tìm hiểu những chi tiết này. Có thể lấy một số ví dụ để lưu ý như sau:

– Hành động "xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng" của Mị trong Vợ chồng A Phủ hành động này giống như việc thắp sáng lại cuộc đời mình; hành động chuẩn bị váy áo để đi chơi cho thấy sức sống của Mị đã trở lại... Việc A Phủ kéo cái vòng(đại diện cho nhà quan) của A Sử xuống mà đánh nó, sau khi bị "kết án", tập tễnh cầm dao đi chọc tiết lợn để hầu những kẻ vừa biến mình thành nô lệ; chôn cọc, lấy dây mây để Pá Tra trói mình vào cột vì tội để mất bò cho thấy A Phủ có một tính cách đơn giản, đầy mâu thuẫn.

– Hành động "lấy vợ" của Tràng trong Vợ nhặt, cũng khiến ta phải suy ngẫm. Giữa lúc ai cũng lo cho tính mạng mình vì đói thì hành động lấy vợ của Tràng không chỉ là một việc làm liều lĩnh, ngẫu nhiên mà nó hàm chứa cả niềm khát khao hạnh phúc gia đình, hàm chứa cả một tấm lòng nhân ái của con người với con người trong nghịch cảnh.

– Khi bị bắt và tra tấn, bọn giặc hỏi Tnú cộng sản ở đâu, anh chỉ tay vào bụng mà nói "ở đây này" là gì nếu không phải là tấm lòng thuỷ chung sắt son với cách mạng. Người đàn bài hàng chài đã vái lấy vái để chánh án Đẩu xin không phải bỏ chồng(Chiếc thuyền ngoài xa) là gì nếu không phải là tình thương con vô hạn?.v.v

3.3. Phân tích mối quan hệ giữa các nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh.

Quan hệ giữa các nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh chi phối tình cảm, tính cách nhân vật.

– Cô Mị(Vợ chồng A Phủ) tiếng là dâu nhưng thực chất là nô lệ trong nhà thống lí. Quan hệ đó đã biến một cô gái yêu đời, yêu sống thành cái xác không hồn, thành thứ đồ vật trang trí thêm cho cảnh nhà giàu. Nhưng chính khung cảnh ngày tết đầy xao xuyến, cảnh bữa cơm cúng ma nhộn nhịp, rồi tiếng sáo gọi bạn yêu lại đánh thức ngọn lửa lòng âm ỉ trong tro tàn bùng cháy.

– Tnú(Rừng xà nu) lớn lên trong sự nuôi dưỡng chở che của dân làng, cuộc đời đau thương của anh cũng gắn liền với cuộc đời đau thương của dân làng đó là dụng ý mà Nguyễn Trung Thành muốn trao cho Tnú-tính sử thi của nhân vật.

– Chiến, Việt những đứa con trong gia đình truyền thống, đã tiếp nối xứng đáng truyền thống gia đình bằng sức mạnh của lòng dũng cảm, lòng yêu nước và những chiến công cụ thể...

3.4. Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Nhân vật thường được xây dựng theo dụng ý của nhà văn. Để thực hiện dụng ý đó, tác giả phải sử dụng các chi tiết nghệ thuật. Muốn phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật, trước hết là chú đến chi tiết. Khi dạy học, chúng tôi bám vào những chi tiết:

– Tên nhân vật: Nhân vật có tên hoặc không đó có thể là ngẫu nhiên nhưng thường là dụng ý. Tên các nhân vật trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam nghe ấm áp, gẫn gũi; nhưng trong Chí Phèo của Nam Cao lại rất khó nghe, rất cộc vì vậy mà chủ đề tư tưởng của các nhân vật trong hai truyện không giống nhau. Trở lại với các tác phẩm truyện lớp 12 chương trình chuẩn, có hai nhân vật đáng chú ý về tên. Đó là người vợ nhặt(Vợ nhặt), Người đàn bà làng chài(Chiếc thuyền ngoài xa) đều không có tên. Không phải tác giả không đủ sức đặt tên cho nhân vật mà để nhân vật không tên sẽ có sức khái quát cao hơn – những người đàn bà hiện thân cho bao người đàn bà có chung cảnh ngộ.

– Các chi tiết góp phần miêu tả tâm lí nhân vật: Tâm lí con người thường biểu hiện qua những chi tiết bề ngoài, nhà văn xuất sắc là người nắm bắt rất chắc những biếu hiện đó. Chi tiết nén một tiếng thở dài của người vợ nhặt(Vợ nhặt) sau khi chứng kiến "giang sơn" nhà chồng chính là biểu hiện một nỗi thất vọng thầm kín về hoàn cảnh nhà chồng- người vừa lúc chiều còn khoe "rích bố cu hở". Chi tiết sau mỗi đợt hút thuốc phiện của Pá Tra hắn lại "ngóc đầu lên" (Vợ chồng A Phủ) là chi tiết cực tả bản chất rắn độc của lão chúa đất...

– Cách tạo tình huống để khám phá bản chất nhân vật: Tình cách con người luôn thể hiện rõ nhất trong những tình huống mà họ gặp phải. Tình huống trong Vợ nhặt thật éo le, nhưng nhờ tình huống đó mà vẻ đẹp của các nhân vật sáng lên trong cảnh tối sầm vì đói. Họ sẵn sàng cưu mang nhau dù bên miệng cái chết để hướng về hạnh phúc. Việt trong Những đứa con trong gia đình phải đối mặt với tình huống toàn thân bị thương, một mình nằm giưa chiến trường để khẳng định phẩm chất anh hùng của một chiến sỹ, một người nặng tình nghĩa với gia đình...

Phân tích kết cấu của tác phẩm.
Mỗi tác phẩm có những kết cấu riêng theo định hướng ngòi bút của nhà văn. Phân tích kết cấu cũng là một phương diện để hiểu toàn cảnh nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Hãy chú ý kết cấu của một số tác phẩm truyện lớp 12 chương trình chuẩn.

– Vợ nhặt có cách mở đầu và kết thúc khá rõ nghĩa. Truyện bắt đầu bằng cảnh chiều muộn, với không khí ảm đạm, tối sầm vì đói; âm thanh thật não nề của những tiếng hờ khóc trong những gia đình có người chết đói; hình ảnh thật thê lương "người chết như ngả rạ" còn người sống "đi lại như những bóng ma"... đây là thế giới của cõi âm, đúng hơn là giữa cái chết và sự sống không có ranh giới. Kết thúc truyện là một buổi sáng mùa hè với ánh nắng ấm áp, hình ảnh sống động của mẹ chồng nàng dâu đang thu dọn nhà cửa, đặc biệt là hình ảnh những người phá kho thóc Nhật với bóng cờ đỏ trong đầu Tràng... phải chăng là tín hiệu lạc quan của sự đổi đời trong tương lai cho họ?

– Kết cấu truyện lồng truyện trong Rừng xà nu lại mang một ý nghĩa khác(kể chuyện Tnú về thăm làng và cụ Mết kể chuyện về Tnú). Câu chuyện về cuộc đời Tnú song hành với chuyện của làng Xô Man phải chăng là sự gắn bó máu thịt giữa cá nhân với công đồng để tạo nên tính sử thi của tác phẩm?

Xác định giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.
Tư tưởng nghệ thuật thường được thể hiện qua cuộc đời và số phận các nhân vật. Đây là bước tương đối dễ, chúng tôi thấy học sinh dễ phát hiện vì nó thường nằm trong phần ghi nhớ của mỗi bài. Đặt câu hỏi qua các nhân vật nhà văn muốn gửi gắm tư tưởng tình cảm gì? Với câu hỏi này sau khi phân tích một loạt các vấn đề nêu trên, học sinh sẽ dễ dàng chỉ ra được. Vì vậy chúng tôi không đề cập sâu tới mục này.

Trong hai năm học vừa qua, chúng tôi đã từng bước áp dụng những cách dạy bám sát đặc trưng thi pháp loại thể của các tác phẩm truyện và thấy rằng học sinh dễ tiếp thu, nhớ được những giá trị về nội dung của tác phẩm một cách hệ thống hơn; các em cũng hào hứng hơn trong học tập vì thấy rằng việc học văn không còn mơ hồ chung chung mà đã có những "công thức" cần thiết để học tập.

Write:M�1��=�

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: