Phần 4
Có một thời, tập truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân nói chung, truyện ngắn Chữ người tử tù nói riêng bị phê phán là một tác phẩm tiêu biểu có xu hướng "nghệ thuật vị nghệ thuật". Đó là sự đánh giá vội vã và thiếu công bằng. Đúng là Chữ người tử tù ca ngợi cái đẹp nhưng là cái đẹp với ý nghĩa tích cực của nó. Cái đẹp làm cho cuộc đời và con người trở nên tốt hơn. Cái đẹp ấy trong tác phẩm này hiện thân ở nhân vật Huấn Cao.
Huấn Cao là ai? Đó là một- nhà nho tài năng - văn cực hay, chữ cực tốt. Trong nền học vấn ngày xưa, nói đến người tài người ta nhắc đến "văn hay, chữ tốt". Nguyền Tuân không nói nhiều đến văn của ông Huấn Cao, chỉ tập trung đặc biệt nói về tài viết chữ của ông. Những chữ mà ông Huấn Cao viết ra không còn là những chữ bình thường để người ta ghi lại tiếng nói, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bao nhiêu người trong thiên hạ ao ước có được chữ của Huân Cao, để chiêm ngưỡng, để làm đẹp cuộc sống của mình, để giữ gìn và truyền lại cho con cháu như một thứ gia bảo. Ngoài tài văn, ông Huấn Cao còn có tài võ, cả hai thứ tài này đều ngang nhau. Tài kiệm văn võ đó là điều mà đời xưa người ta vẫn ao ước. Con người như thế thật đến chỗ tuyệt diệu.
Đã sử dụng thanh gươm chính nghĩa cũng thành thạo cũng như sử dụng cây bút để viết nên chữ đẹp. Đó thật là một nhân cách đẹp.
Việc lớn không xong, Huấn Cao trở thành tử tù. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của nhà ngục tử tù, Huấn Cao đã có dịp thử thách để bộc lộ một vẻ đẹp khác trong nhân cách của mình: ý chí bất khuất. Ta hãy xem thái độ của Huấn Cao khi bước vào nhà ngục, nơi cái chết đang chờ đợi ông, nơi những kẻ gác ngục đang hung hăng chờ để vùi dập ông. Lúc ấy ông không quan tâm gì đến nhà ngục hay bọn gác ngục, ông Huấn Cao chỉ chăm chú gò cái gông xuống thềm đá đuổi rệp. Đối với ông, uy quyền của nhà ngục dữ tợn không đáng cho ông băn khoăn hơn mấy con rệp, ông bình thản trước mọi thái độ đối xử của viên quản ngục. Ông sẵn sàng nói vào mặt quản ngục rằng: "Ta muốn ngươi đừng bước vào đây
Nữa" khi viên quản ngục hỏi ông có cần gì không. Không sợ cái chết, không sợ bất kì cực hình nào, thật là một tâm hồn gang thép trong con người tri thức nho nhã ấy. Nếu chỉ bất khuất như thế thôi, bình thản như thế thôi cho tới lúc bị đưa ra pháp trường, Huấn Cao đã đủ cho người ta kính phục ngưỡng mộ đến chừng nào.
Nhưng Huấn Cao không chỉ có thế, ông còn có một tấm lòng đầy tình cảm dịu dàng. Khi biết được tâm nguyện cảm động của viên quản ngục, lòng Huấn Cao mềm lại. Ông ân hận thực lòng: "Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Con người vốn rất thận trọng trong việc cho chữ, vốn không vì tiền bạc, danh vọng hay sức ép của uy quyền mà cho ai chữ bao giờ, đây lại tự nguyện dành những giờ phút ngắn ngủi của mình để viết chữ cho viên quản ngục. Đây là gì? Là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", là thái độ "biệt nhỡn liên tài", hay niềm trắc ẩn đối với người đáng thương, đáng trọng? Có lẽ là tất cả. Hẳn Huấn Cao đã khá bất ngờ khi phát hiện ra tâm hồn viên quản ngục như một đóa hoa sen thơm ngát giữa bùn nhơ. Chính vì vậy Huấn Cao đã cảm dộng, càng muốn tạ lại tấm lòng tri kỉ, tri âm. Huấn Cao thật đúng là một đấng trượng phu:
Hoàng phu lãnh đối thiên phủ chỉ
Phủ thủ cam vi nhữ tử ngưu
(Trợn mắt coi khinh ngàn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa lũ nhi đồng)
Phẩm chất của Huấn Cao đến thế là trọn vẹn, một con người đẹp ở mức độ lí tưởng của cái đẹp. Phẩm chất ấy đã tỏa sáng rực rỡ trong cảnh cho chữ nơi nhà ngục tử tù. Cảnh ấy đã diễn ra trong hoàn cảnh thật lạ lùng, đúng là: "Xưa nay chưa từng có". Thời gian là lúc nửa đêm, lúc vạn vật đã ngủ say trong bóng tối, thời gian chỉ giành cho những việc huyền bí và thiêng liêng. Không gian là buồng ngục chật hẹp, ẩm thấp, đầy phân và gián chuột. Thế mà trước vẻ đẹp của những chữ ông Huấn viết ra, trước nhân cách cao thượng của ông Huấn, mọi vật đều sáng bừng lên vì cái đẹp. Trong cảnh ấy, dưới ánh sáng của mấy ngọn đuốc, Huấn Cao cổ đeo gông chân mang xiềng, lại là người tự do nhất. Ngày mai ông Huấn sẽ bị giải về kinh để ra pháp trường, thế mà lúc này đây, chính Huấn Cao lại là người đại diện sang trọng, uy nghi của cái Đẹp. Huấn cao vừa ung dung viết chữ vừa dặn dò viên quản ngục về cách sống, về đạo làm người. Trong khi ấy viên quản ngục và thơ lại, người giúp việc của ông ta thì thành kính đến khúm núm, sợ hãi. Họ bị chinh phục hoàn toàn bởi cái đẹp từ vẻ đẹp của những chữ viết trên lụa trắng, đến cái đẹp trong nhân cách Huấn Cao. Nếu trước đây viên quản ngục chỉ mê chữ thì bây giờ đã bị chinh phục hoàn toàn trước tâm hồn và khí phách của ông. Nghe Huấn Cao căn dặn, viên quản ngục đã nói trong nước mắt: "kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Cái đẹp không bao giờ chết, nhân cách của ông Huấn sẽ sống mãi cho chúng ta tôn thờ và hướng tới.
http://loigiaihay.com/chu-nguoi-tu-tu-nguyen-tuan-e135.html
Trong lịch sử của nước ta khoảng nửa đầu thế kỉ XIX từng có một người họ Cao, là một nhà thơ nổi danh. Đó chính là nhà thơ Cao Bá Quát. Không chịu nổi sự suy đốn của triều đình nhà Nguyễn, Cao Bá Quát đã đứng làm quân sư cho một cuộc khởi nghĩa rồi bị họa "tru di tam tộc".
Ông Huấn Cao không phải là ông Cao Bá Quát nhưng khi tạo ra nhân vật này, hẳn Nguyễn Tuân cũng đã nghĩ đến Cao Bá Quát, con người vừa tài năng vừa khí phách. Nguyễn Tuân còn nghĩ đến bao nhiêu người khác nữa khi tạo nên Huấn Cao, những con người như những tinh hoa của dân tộc đã xuất hiện không hiếm trong lịch sử dân tộc bốn nghìn năm, trong cuộc đấu tranh chống thực dân vì quyền tự chủ đất nước trong mây chục năm từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Có thể đây là một cách thức ca ngợi những con người ấy.
Một tác phẩm văn học có giá trị thường có nhiều tầng ý nghĩa. Một trong những tầng ý nghĩa của truyện Chữ người tử tù chính là ca ngợi cái Đẹp. Tạo nên một nhân vật Đẹp và Hùng như nhân vật Huấn Cao, là cách thức riêng của Nguyễn Tuân. Và với ý nghĩa ấy, cùng với một tài năng nghệ thuật độc đáo, Chữ người tử tù xứng đáng được coi là một giá trị tiêu biểu trong văn xuôi trước Cách mạng tháng Tám.
Xem thêm tại:
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top