Lá thư từ người lính


"Quảng Trị, ngày 1 tháng 2 năm 1975

Em thân yêu!

Anh đang viết lá thư này từ trong căn hầm trú ẩn tối om om và khét lẹt mùi đèn dầu. Mắt mũi tèm nhèm nhập nhoạng nên chữ anh xấu, em thông cảm cho anh.

Em ơi, anh xa em chuyến này tròm trèm 3 năm. Từ thuở anh chớm qua mười tám và em thì vừa tròn trăng, đến nay da anh đã chai sần nắng gió miền Nam, anh mới viết về em lá thư đầu tiên. Anh đi, mà chưa cả nói với em một lời, chắc em giận anh lắm, vì anh hiểu chẳng ai mong tin anh hơn em. Nhưng Tổ Quốc hãy còn đang lâm nguy em ơi, đất nước hãy còn gian khổ, thằng Mĩ vẫn còn lê máy chém đi khắp miền Nam khiến chí trai anh chưa thoả nguyện. Em có thương anh thì em hiểu cho anh nhé. Anh đi cũng vì giữ nước non mà cho em được những ngày no ấm. Cũng chỉ nay mai thôi, ngày ấy sẽ đến ấy mà, anh lại về với em, em nhé! Bởi anh nghe rằng, sắp tới sẽ là cuộc tổng tiến công cuối cùng của quân ta, xem như là kết thúc cho mấy nhiêu năm ròng rã đánh giặc thống nhất quê hương. Sau ngày ấy, Hà Bắc(1) dang tay đón chào anh, duyên mình dở dang sẽ lại vẹn toàn.

Nhưng đó chỉ là "nếu" mà thôi, "nếu" cuộc chiến này thắng lợi, "nếu" đất nước yên bình, "nếu" anh còn có ngày về với em. Chứ đời trai đi chinh chiến lành ít dữ nhiều, anh chẳng dám chắc chắn anh còn vẹn nguyên khi gặp lại em. Nếu anh còn sống thì tốt, dầu tật dầu cụt anh cũng cam lòng.

Anh chỉ sợ, thân anh sẽ nằm rã tại đây.

Thì em ơi, lá thư này anh viết, lần đầu cũng là lần cuối cho em. Anh muốn tự tay đưa em lá thư này, chỉ khi anh chết đi thì đồng đội anh sẽ thay anh làm nốt điều đó. Vậy nên khi đất nước thống nhất mà chưa thấy anh trở về, em hãy đi tới Quảng Trị mà tìm đến đỉnh Voi Mẹp(2) em nhé. Anh nằm đó đợi em.

Vì Voi Mẹp cao nhất Quảng Trị đấy, anh nằm lại vừa giữ non giữ nước, vừa dễ trông hướng về em. Để thấy được em là anh yên lòng.

Ấy là anh nói vui vậy thôi. Anh chẳng nói trước được điều gì, chỉ có một điều anh chắc chắn là vẫn luôn mang em trong tim, để lấy ấy làm động lực cho anh lao vào bao la mưa đạn khói bom. Rồi trong những đêm lạnh sương rừng gió dữ, tình yêu cháy bỏng trong anh đã thắp lên ngọn lửa sưởi ấm thân anh. Trong những cơn mơ dội về, anh mơ thấy viễn cảnh của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà(3) trong một tương lai mới thật xán lạn biết bao.

Anh ước ao khi chinh tàn chiến tan, anh sẽ trở lại cuộc đời đèn sách bút nghiên mà anh còn bỏ ngỏ. Anh nghe nhà báo tin em năm ngoái đã thi đỗ Bách Khoa(4) rồi đúng không em? Vậy là em là sinh viên khoá 18 rồi đấy nhỉ? Anh mừng cho em nhé, em học giỏi chăm ngoan.

Còn về phần anh chẳng còn biết được trở lại trường hay không nữa, anh nghe đâu lứa chúng anh đã nhận lệnh khi về sẽ sang trường Quân Sự học. Có lẽ giấc mơ trở thành kỹ sư giỏi sẽ gác lại từ đây em à. Nhưng anh biết sao được, khát vọng hoà bình trong anh còn cháy bỏng hơn những dự định nghề nghiệp trong tương lai, anh tình nguyện hy sinh những gì mình có để đổi về một đất nước được an bình no ấm. Em thay anh hoàn thành nốt giấc mộng Bách Khoa nhé em.

Khi viết đến đây, bỗng nhiên trong anh dấy lên bao nhiêu là cảm xúc chực trào dâng. Nào là hùng hồn, nào là tự hào, nào là hiên ngang khi anh cùng những bạn đồng trang lứa viết nên lá thư máu xung phong ra chiến trường. Thuở ấy Bách Khoa rộ lên phong trào sinh viên xếp bút nghiên làm người chiến sĩ lắm em ơi! Anh nghĩ lại mà thấy nao nao khó tả. Ôi là người con của nước Việt Nam vẫn luôn dũng cảm kiên cường vậy đấy, Bách Khoa vẫn luôn có những lứa sinh viên gan dạ vậy đấy, tiến bước lao vào lửa máu chẳng một lần ngoảnh đầu lại, khí phách hiên ngang giữa trời bom đạn.

Lòng tin vào Đảng vào nước, tin vào sự quyết chí đồng lòng của quân và dân, anh chắc chắn lần này nhất định sẽ thắng lợi.

Nên em đợi anh về, chỉ dăm đôi năm nữa thôi em nhé, rồi hai đứa mình sẽ cùng cắp sách đến trường, cùng góp sức xây dựng nước nhà sau chiến thắng.

Anh yêu em nhiều lắm. Hỡi Kỳ thân yêu của anh!"

.

Tôi gấp lại lá thư gửi trả cho bác Kỳ, khoé mắt đã ươn ướt tự lúc nào. Những dòng chữ chứa chan niềm thương mến của người liệt sĩ Trịnh Hiệu Tích ấy như quẩn quanh mãi trong đầu tôi. Lòng chợt dấy cảm xúc bùi ngùi, thương xót khôn tả.

Bác Kỳ ngồi trên chiếc ghế mây đối diện, đoạn châm một chén chè đặc cho tôi, rồi ông ngả người tựa lên lưng ghế, đầu ngẩng cao mà cười.

"Cả Tích vẫn ra dáng văn chương như thuở xưa ấy. Dầu rằng ông viết cho tôi một cái thư với câu từ lộn xộn và những ý văn sắp xếp lủng củng, ông ấy vẫn phải cố mà viết cho thật nắn nót hoa mĩ."

Cổ họng tôi nghẹn đắng, rưng rưng chẳng nói được lời nào. Bởi tôi cảm nhận được sự lạc quan trong từng dòng chữ của người chiến sĩ ấy đấy. Cảm phục người đã hy sinh mọi thứ để đổi về một nước Việt Nam độc lập. Lặng người mặc niệm tưởng nhớ những người đã khuất thật lâu, bên tai tôi vẫn văng vẳng nghe bác Kỳ còn mải mê trong hồi ức kể tiếp câu chuyện với giọng điệu nghe sao mà hào hùng, bi tráng.

"Năm đó tôi chỉ mới mười sáu, còn đương theo học tại phổ thông Hàn Thuyên(5). Gia đình tôi với gia đình Cả Tích thuộc hàng trí thức cũng khấm khá có tiếng ở Hà Bắc nên được cho ăn học đầy đủ mà học giỏi lắm. Sau khi biết ông ấy theo học tại Bách Khoa đúng như nguyện vọng, tôi cứ đinh ninh là Hiệu Tích sẽ trở thành một kỹ sư cơ khí giỏi nối nghiệp bố ông ấy. Bản thân tôi cũng cố gắng tu chí học để sau rày cùng chung trường Bách Khoa đấy."

"Thế mà đến một ngày tôi tan trường về, tôi lại hay tin Cả Tích nhập ngũ đấy cô phóng viên ạ. Ông đi mà chẳng nói với tôi một lời, tôi chỉ nghe được anh Quốc là em trai của ông ấy nhắn nhủ lại, là tôi thay Cả Tích chăm sóc cho Quốc, và tôi thay ông ấy mà làm con của thầy bu của cả hai nhà. Ừ thì Cả Tích đã dặn dò thế mà cô, tôi đành nghe theo thôi. Cơ mà phải nói lúc đấy tôi có khóc thật, tôi cũng muốn giận lắm mà vì thương nên không nỡ."

Tôi có thể cảm nhận được nỗi niềm của bác Kỳ thời điểm đó. Có mấy ai xa người yêu mà không buồn đau đâu? Tôi nhìn ngắm gương mặt già nua trước mắt, thấy mắt bác đã đỏ hoe từ lúc nào. Tôi vươn tay với lấy hòng lau đi giọt lệ đang chảy dọc đôi gò má đã sạm đi vì thời gian của bác, đoạn an ủi bác mấy lời. Lại nhìn xuống quyển sổ ghi chép cuộc phỏng vấn chẳng có được mấy chữ. Thì ra tôi đã bị cuốn theo câu chuyện đầy cảm xúc của bác mà quên mất công việc của mình. Ấy thế là tôi chẳng buồn ghi chép gì nữa, tôi gập quyển sổ lại rồi cất vào túi, tiếp tục cuộc trò chuyện còn dở dang với người ở lại hậu phương thời chiến.

"Cô đọc trong thư cô cũng thấy đấy, Cả Tích đi lính 3 năm ròng rã mà chẳng gửi lá thư nào. Đâm ra tôi lại mong ngóng rồi lo sợ. Tôi vẫn chí học đấy, nhưng lại cứ thấy bất an. Thế rồi rất lâu sau tôi cũng chẳng buồn lo lắng cho ông ấy nữa, mặc định là không thấy giấy báo tử là ông ấy còn sống rồi."

"Cháu có nghe là năm ấy nhiều người Nam tiến lắm, quân đội thiếu người nên lớp lớp thanh niên ngoài này đã đồng loạt tham gia phong trào 'Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu'. Mà cháu cũng nghe có nhiều người hy sinh nữa."

"Chả đúng quá cô ạ, Cả Tích tham gia năm ấy là trận Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm." Bác Kỳ nhấp một ngụm chè cho giọng bớt khô. Hồi tưởng lại những ký ức oanh liệt một chập rồi bác lại tiếp lời, vừa nói vừa khóc ngày càng dữ dội. Giọng bác hoà lẫn trong những tiếng nấc nghẹn, tôi nghe mà khóc cùng bác.

"Nó là cái cối xay thịt người đúng nghĩa đấy cô. 81 ngày đêm, trung bình là mỗi ngày một trung đội phải vào đấy để giữ thành, mà vào đấy là chẳng có ngày ra. Trận đó khốc liệt đến vậy, quân ta vẫn chiến đấu thế là dành chiến thắng. Chứ nếu thua trận đấy là coi như mất trắng, để thằng Nguỵ nó chiếm được là quân ta bị cắt sự viện trợ ngay. Nên bằng mọi giá phải giữ lấy. May sao trong trận đấy Cả Tích được an toàn. Tôi nghe tin báo cũng có bị thương đấy mà trộm vía ông ấy không chết. Ấy vậy là tôi mừng. Tôi chỉ xót cho những người đã anh dũng ngã xuống, dù biết có vào là chẳng có ra, vậy mà các anh vẫn kiên trí bước vào. Khủng khiếp lắm cơ cô ạ."

Tôi gật gù, tôi cũng biết chiến trận khốc liệt khi ấy chứ, người làm báo như chúng tôi đã học và đọc biết bao nhiêu là bài lịch sử về chiến dịch năm ấy rồi. Biết bao người ra đi, biết bao người ngã xuống, để những người ở lại chịu những nỗi đau mất người thân, người yêu. Nó chính là những vết sẹo trong tim chẳng thể lành lại mà chiến tranh mang đến, càng nghĩ đến đây tôi càng thấy căm hờn bọn bán nước cầu vinh nội phản và giặc ngoại xâm đã gieo bom đạn hận thù xuống mảnh đất yên bình này. Ấy vậy mà những người lính trẻ gai góc trên chiến trường, thường xuyên lao vào làm bạn với cái chết chóc lại chẳng hề đánh mất sự lạc quan của mình.

Khâm phục lắm anh bộ đội cụ Hồ đã đổi mạng mình giành lại từng tấc đất non sông vẹn toàn!

"Nhưng rồi tại sao bác ấy lại hy sinh vậy ạ? Cháu thấy bác ấy viết cũng gần thời điểm đất nước thống nhất lắm kia."

Lần này bác Kỳ lặng người thật lâu, nước mắt khó khăn lắm mới kiềm lại được giờ ứa ra thêm lần nữa trên hai gò má của bác. Chúng tuôn rơi lã chã, ào ào như những cơn mưa chảy mạnh, xối thẳng vào tim can của người đàn ông mất đi người quan trọng nhất trong cuộc đời, xối đến buốt đau, xối trôi hết lớp bụi phủ mờ niềm đau mà bác đã dằn lòng chôn giấu bấy lâu. Ôi là xót xa quá! À thì ra gần nửa thế kỉ đã trôi qua, bác vẫn chưa thể nguôi ngoai được chút nào.

Bác Kỳ mím chặt đôi môi đến mức tím tái, chờ cho khi thôi không còn khóc nấc nữa, bác mới tiếp tục nghẹn ngào chua xót.

"Thú thực với cô là tôi cũng đâu có ngờ được điều ấy. Tôi vẫn chăm nghe loa phường báo tin chiến trận, tôi cũng đinh ninh là Cả Tích sẽ trở về với tôi. Tôi cứ miệt mài đợi, miệt mài học là vậy. Mãi khi đất nước thống nhất, lá thư này trở đến tay tôi, nhưng người trao nó lại là đồng chí Tuấn cùng đơn vị. Tôi mới chết trong lòng, mới vỡ ra là Cả Tích đã chết. Đau lắm chứ cô!"

"Năm 75 thì đất nước thống nhất, chắc chiến dịch Hồ Chí Minh(6) cô có học có biết, thì đấy là trận đánh cuối cùng của quân ta. Oanh liệt lắm, cả nước rộn ràng tin chiến thắng, đâu đâu cũng khấp khởi mừng, chỉ có hai gia đình tôi và Cả Tích chết lặng thôi cô. Cả Tích hy sinh trong đợt tổng tiến công cuối cùng ấy."

Theo hai hàng lệ vẫn trào ra khỏi hốc mắt đã đỏ hoe và lời kể đong đầy cảm xúc của bác, tôi như tự mình chứng kiến cảnh tượng bi tráng năm ấy.

"9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 75, Quân Đoàn 2 của Cả Tích đã đánh vào đến Sài Gòn, tiến thẳng Dinh Độc Lập và đánh chiếm Đài phát thanh. Thì khi lực lượng đến cầu Thị Nghè để thọc sâu cơ động dọc theo tường rào Thảo Cầm Viên, bọn lính Nguỵ đã chống trả quyết liệt tại đó. Lúc ấy Cả Tích mới cùng tiểu đội tiên phong tiến công để phá vỡ phòng thủ của chúng. Tích xông lên anh dũng lắm, ông ấy băng qua mưa đạn, đánh hạ từng thằng một mở đường cho quân tiến vào sâu. Đương đánh phá hăng say lắm thì Cả Tích bị địch bắn. Đồng chí Tuấn kể lại là ông ấy bị trúng nhiều đạn lắm, thương quá nặng và chảy rất là nhiều máu."

"Thuở ấy quân ta cũng sắp cạn kiệt vũ trang lương thực rồi ấy cô, băng cấp cứu chia nhau không đủ dùng. Ấy khi cái cô quân y muốn lên băng bó cho Cả Tích, thì ông ấy lại từ chối vì nghĩ rằng khi đánh vào Dinh Độc Lập thì còn thương vong nhiều hơn. Ông ấy biết bản thân không thể qua khỏi, chấp nhận nhường cơ hội được cứu sống cho các đồng đội của mình. Và thế là Cả Tích chết gục trên vai đồng đội của ông ấy."

Tôi có thể mường tượng được ra cái cảnh cô quân y tay ấn chặt những vết thương trên người liệt sĩ Trịnh Hiệu Tích ấy. Máu tươi tuôn trào và rỉ ra ngoài qua các kẽ ngón tay. Người chiến sĩ lạc quan vẫn luôn nở nụ cười trên môi mặc cho xung quanh anh bao người khóc thương. Cho đến những giây cuối cuộc đời, Trịnh Hiệu Tích vẫn anh dũng hiên ngang, khí khái tự hào, và anh ra đi ngay trong ngày vui nhất của cả nước.

Đớn đau thay, cái giá của ngày độc lập là thế đấy. Đắt đến chua, đến chát, đến xót lòng người.

"Sau này khi nhận thư từ đồng chí Tuấn, tôi đã vào trong Nam tìm mộ của Cả Tích. Theo đến đỉnh Voi Mẹp của Quảng Trị, tôi đã khóc bên mộ ông ấy không biết bao lâu. Tôi nhớ rõ tôi đã khóc nhiều lắm. Tôi biết Cả Tích đã xem Quảng Trị như quê hương thứ hai của mình. Sống chết 81 ngày đêm tại đấy đã thành hồi ức huy hoàng mà ông ấy sẽ nhớ mãi không quên. Di nguyện của ông ý là được chôn tại đấy đã thành hiện thực. Còn phần học hành báo hiếu cha mẹ, tôi thay cho Cả Tích."

"Chỉ là ông ấy dặn tôi đợi, tôi thật có lỗi khi không đợi được nữa."

Nói đến đây người đàn ông thở dài, nhìn về khoảng sân có đám trẻ đang nô đùa chí choé bên những viên sỏi đặt trong những ô gạch được kẻ phấn nghuệch ngoạc(7). Tôi cũng nhìn theo rồi thả hồn mình theo từng viên sỏi trắng muốt ấy rải xuống nền đất. Trong làn gió mát của chiều đầu hè, tôi khoan khoái nhận ra thái bình đơn giản là thế đấy. Nó hiện hữu trong những trò chơi của trẻ con, trong những cuộc trà của người lớn, trong những bữa cơm sum họp và trong cả những ngôi mộ của những người chiến sĩ xả thân mình vì nghĩa lớn. Tất cả những gì ta có được ngày hôm nay đều là nhờ các anh, mãi mãi tuổi trẻ và mãi mãi ra đi.

"Tôi không đợi được Cả Tích nữa, tôi cũng phải nối dòng nối dõi cho nhà họ Mân chúng tôi. Tôi canh cánh mãi trong lòng điều ấy, mong anh dưới kia thông cảm cho nỗi lòng tôi."

Ừ thì tình còn nặng còn sâu, nhưng người ở lại vẫn phải sống tiếp bác nhỉ? Cháu tin rằng bác Tích dưới ấy sẽ thông cảm cho bác thôi, hẳn là bác ấy cũng sẽ yên lòng lắm. Nên bác đừng buồn nữa bác nhé, bác cũng đã chịu khổ đau nhiều rồi.

.

Cho đến khi trở lại toà soạn với quyển sổ trống trơn, đầu tôi vẫn mãi da diết về cuộc trò chuyện buổi chiều. Dầu chẳng ghi chẳng chép, tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết một và rồi tôi đang ngồi đây để viết một bài báo tri ân cho những người lính đã tử trận năm xưa, một bài báo nhân ngày kỉ niệm 47 năm đất nước thống nhất. Hy vọng chúng ta sẽ mãi khắc ghi những sự hy sinh thầm lặng ấy.

Đời đời nhớ ơn những vị anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước...

Trích trong bài báo "Những dòng thư cũ" của nhà văn, nhà báo, kiêm bác sỹ Trần Thị Ánh Dương, xuất bản ngày 30/4/2022.

Hết

Chú thích:

(1): Hà Bắc là tên cũ của Bắc Ninh, sau này tách ra thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

(2): Voi Mẹp là ngọn núi cao nhất tỉnh Quảng Trị. Này tớ tra trên wikipedia nên chưa có rõ lắm.

(3):  tên của nước Việt Nam sau năm 1945 và trước năm 1986. Sau này đổi tên thành nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

(4):  đại học Bách Khoa Hà Nội là đại học công duy nhất có doanh thu hơn 1000 tỷ mỗi năm. Cũng là đại học đào tạo đa ngành hàng đầu Việt Nam. Do không phải trường tớ theo học nhưng tớ có người học ở đó nên có biết một chút ít.

(5): trường cấp 3 của tớ. Tớ từng chú thích ở truyện trước.

(6): chiến dịch mang tên Bác, chiến dịch cuối cùng để thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Chi tiết trận đánh tớ đã có tìm hiểu ở bài báo lịch sử nói chi tiết ở chiến dịch này nên tớ nghĩ sẽ không có sai lệch đâu.

(7): tớ đang miêu tả trò chơi Ô ăn quan.

Vẫn là dăm lời xàm xí:

Tớ đã nung nấu viết lên những câu chuyện về thời chiến từ khi tớ viết "Mơ chuyến tàu". Và đến tận bây giờ mới viết lại một lần nữa. Câu chuyện này tớ lấy cảm hứng từ 3 câu chuyện riêng biệt: bức thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao cho người yêu, người lính Bách Khoa tham gia chiến đấu, và câu chuyện anh Ba đã được kể trên chương trình "Ký ức vui vẻ". Mong rằng khi lồng ghép, chắt lọc thông tin sẽ không bị sai lệch.

Tớ yêu Đảng yêu nước lắm, lại từ khi học xong quân sự, chính trị với lịch sử Đảng tớ lại càng yêu hơn. Mà dạo này tớ cũng hay khóc nữa, nghe cô giảng về lịch sử mà tớ khóc quá trời. Nên tớ viết câu truyện này, mong mọi người hãy yêu Đảng, yêu nước hơn nhé.

Tớ viết câu truyện này chỉ trong 1 buổi trưa, hẳn sẽ có lỗi sai nên nếu có phát hiện ra thì hãy cmt góp ý để tớ sửa lại heng.

Enjoy.

#13:45, 29/10/2022 by Dư

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top