II.
Phải kể đến cái ngày mà Chí Huân chỉ mới là đứa nhóc để đầu ba chỏm và cả cha lẫn mẹ vẫn còn ở bên cạnh gã. Nhà Huân khi đó có thể nói là nghèo nhất cái làng Tây này, cha mẹ đều là nông dân và vì không có đất nên phải đi cày thuê cho nhà phú hộ ở làng Đông. Chí Huân từ nhỏ đã được cha mẹ cho theo ra đồng vì ở nhà cũng chẳng có người trông, gã sẽ phụ giúp những công việc lặc vặt và tự mình vui đùa xung quanh.
Cho đến một ngày gió lớn, Chí Huân mang theo con diều chấp vá trên tay, dự định sẽ chạy thả nó khắp cánh đồng nhưng vì cơn gió quá mạnh nên đã cuống bay con diều vào đến tận sân nhà phú ông.
Chí Huân cứ đứng loay hoay trước cổng sau nhà mà chẳng biết phải làm sao vì mẹ vẫn hay dặn dò gã không được đến gần những nhà giàu có vì mặc dù ta chẳng làm gì sai nhưng họ sẽ vẫn nghi ngờ rằng ta có ý đồ trộm cướp nhưng Huân chẳng thể bỏ lại con diều, đó là món đồ chơi duy nhất của gã và lại còn do chính tay cha mình làm ra nữa.
“Cậu đang làm gì ở đây vậy?” Chí Huân cứ lấp ló trước cổng được một lúc lâu thì nghe được giọng nói trẻ con từ phía sau làm gã giật bắng cả mình.
“Đừ…Đừng hiểu lầm, tô…tôi chỉ muốn lấy lại con diều của mình thôi. Tôi không phải ăn trộm đâu…”
“Có ai nói cậu là ăn trộm đâu chứ nhưng con diều của cậu sao lại ở trong nhà tôi được?” Người đó có khuôn mặt bầu bĩnh và vóc dáng tương đương với Chí Huân có lẽ cả hai trạc tuổi nhau nhưng ngược lại trên người cậu bé kia lại khoác lên bộ quần áo lụa đắt tiền chứ không phải vài mảnh vải chấp vá như gã đang mặc trên người.
“Lúc nãy gió to quá, tôi không giữ lại được nên nó bay mất. Cậu có thể nào…cho tôi lấy lại được không? Lấy rồi tôi sẽ đi ngay.”
“Vậy thì đợi ở đây, tôi sẽ vào lấy đưa cho cậu. Cha tôi, ông ấy không thích người lạ vào nhà cho lắm.” Nói rồi, cậu nhóc với gương mặt bầu bĩnh quay vào căn nhà mái ngói đỏ và rất nhanh sau đó đã trở lại với con diều của Chí Huân trên tay.
Nhận được lại món đồ vật của mình, Chí Huân không giấu nỗi sung sướng, đôi mắt cười cong lên thành vòng cung khiến đứa nhỏ đối diện có phần khó hiểu “Chỉ là một con diều thôi mà, cậu vui đến vậu sao?”
“Vui chứ, nó là con diều cha tôi làm mà, sao có thể để mất được?”
“Do cha cậu làm à?”
“Phải phải, tôi hay cùng cha thả diều lắm nhưng nay cha bận làm đồng rồi nên tôi đành chơi một mình… Hay là cậu chơi cùng tôi đi.”
“Tôi không biết thả diều đâu.”
“Tưởng gì, tôi chỉ cậu là được mà. Giống như cha tôi từng dạy tôi chơi vậy.”
Vừa dứt lời Chí Huân đã kéo tay đứa trẻ đối diện mình chạy ra ngoài cánh đồng. Gió trời mát rười rượi, khung cảnh từng khóm tre xanh mướt và đâu đó trâu bò đang nằm nghỉ chơi giữa cái trưa yên ả lại có thêm tiếng hò hét vui đùa và dấu chân chạy nhảy của hai đứa trẻ nhỏ, một đứa đi chân đất và một đứa mang giày vải. Chúng hòa vào cơn gió như những đóa bồ công anh, cầm theo con diều đứa chạy đằng trước và đứa còn lại ở ngay phía sau cho đến khi con diều có thể bay lên đương đầu với ngọn gió. Nụ cười trẻ thơ hồn nhiên và giòn tan như kẹo ngọt, hai đứa nhỏ không biết mệt mà liên tục chạy vòng quanh cả cánh đồng lớn đến tận lúc mặt trời lặn.
Từ xa nghe vọng tiếng mẹ Chí Huân gọi tên gã để cùng trở về, nhìn qua đứa trẻ bên cạnh gã tiếc nuối trách móc thời gian trôi nhanh quá, gã vẫn muốn được chơi đùa nhưng cuối cùng cũng chỉ đành quay trở về.
“Này tên cậu là Huân à? Tôi vừa nghe mẹ cậu gọi thế.”
“Phải, là Huân – Chí Huân.”
“Cậu tuổi gì nhỉ?”
“Mẹ nói rằng tôi tuổi Thìn, còn cậu?”
“Tôi tuổi Mẹo, vậy thì Huân phải gọi tôi là anh Tích rồi.” Nhìn bộ dạng tự hào khi biết mình hơn tuổi gã khiến trong lòng Chí Huân được một phen ngứa ngáy, dù không muốn một chút nào nhưng vẫn ngoan ngoãn gọi một tiếng “anh” rồi lại vụt chạy mất về phía mẹ đã đứng đợi từ trước và không quên một cái vẫy tay chào tạm biệt cho người ở lại.
“Hôm nay con đã chơi cùng ai vậy?” Mẹ Huân nhìn thấy bên cạnh gã lại xuất hiện một đứa trẻ khác cũng không tránh khỏi tò mò.
“Một người rất dễ thương đấy ạ, mai bọn con sẽ lại gặp nhau.”
Sau ngày hôm đấy, Chí Huân ngày nào cũng trông mặt trời mọc thật nhanh để cùng được ra đồng. Gã vẫn đứng trước cái cổng sau của nhà phú hộ chờ đợi đứa trẻ kia xuất hiện, ngay khi gặp mặt sẽ bỏ qua cả việc chào hỏi mà nhanh chóng cầm tay Huyền Tích cùng ra cánh đồng. Có ngày sẽ thả diều dưới trời lộng gió, buổi thì dùng đá sỏi kẻ ra mấy ô ăn quan hay đơn giản là người trốn người tìm… Thế giới của trẻ con đâu cần chi phức tạp.
Có một hôm Chí Huân đợi anh lâu thật lâu nhưng chẳng thấy xuất hiện, cho đến trời tàn xế chiều mới nhận thấy người quay trở lại. Trên tay Huyền Tích cầm theo một lọ mực và giải thích rằng anh phải lên huyện học ở chỗ thầy đồ. Huân cũng từng nghe cha mẹ nhắc đến chuyện học chữ, từng nhìn thấy mấy đứa trẻ trạc tuổi ở chợ ôm theo giấy mực trong người, nhìn thấy ông thầy đồ già tay cầm quyến sách nhưng Chí Huân không nghĩ là bản thân mình sẽ được như vây vì mấy bữa cơm đầy đủ với nhà gã đã là xa hoa thì nói gì đến tiền để học.
“Huân có muốn học không? Nếu như Huân không chê thì… tôi dạy cho Huân.” Huyền Tích khẽ lay nhẹ vạt áo đứa trẻ đối diện mà ngập ngừng dò hỏi.
“Thật sao?”
“Huân không thích à?”
“Không…Không…Tôi thích chứ, chúng ta học ngay bây giờ được không?”
Không nhất thiết phải đến lớp mới biết được chữ vì chính Huyền Tích đã nhận trọng trách là thầy của Chí Huân, anh dạy cho gã từng con chữ, cầm bàn tay vụng về của gã nắn nót từng nét một cho đến khi tròn vành. May mắn là Chí Huân vốn đã thông minh, học một hiểu mười, biết được mặt chữ liền hiểu được lời sách nói. Huyền Tích tặng cho gã một lọ mực để luyện chữ cùng vài quyển sách mà mình đã từng đọc qua, ngày Chí Huân nhận được quà gã cứ ôm mãi trong lòng như thể bắt được báu vật.
Ngày ngày cứ thế trôi qua, bóng dáng hai đứa trẻ ở cánh đồng đã trở nên quá đỗi quen thuộc, ngày thì nô đùa khắp chốn, ngày lại an ổn dưới bóng râm mà đọc chữ.
Cho đến năm Chí Huân gần độ thiếu niên thì cha mẹ gã lần lượt lâm bệnh nặng, không thể tiếp tục làm cho nhà ông phú hộ. Gã từ đấy ở lại làng Tây chăm lo cho cha mẹ suốt cả khoảng thời gian dài nhưng sau cùng vì không có đủ tiền chạy chữa thuốc men nên cả hai đã dần dần bỏ Chí Huân lại một mình ở mái nhà lá bên sông. Được dân làng thương tình giúp đỡ lo cho hậu sự của cha mẹ, những ngày sau đó gã loay hoay tất bật tìm cách tự lo cho thân mình và trả ơn cả những người láng giềng đã ra tay giúp đỡ mà bỏ quên dáng hình kia ở làng Đông.
Từ sau khi cha mẹ gã qua đời, Chí Huân cũng chẳng hay quay lại ngôi làng bên cạnh hay cánh đồng ngợp gió kia và cũng từ dạo đó gã và Huyền Tích đã không còn cùng nhau nô đùa nữa.
//
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top