Chương 4
Khi nào chúng ta sẽ gặp lại nhau? Dưới cơn sấm sét, ánh chớp hay cơn mưa rào?
Ba mụ phù thủy đứng đó, lầm bầm những lời tiên tri chết chóc, bên vạc dầu sôi sùng sục, như đang reo hò cho bi kịch lớn nhất của loài người – hay ít nhất, là bi kịch lớn nhất của đời tôi. Tôi ngồi lặng giữa khán phòng chật kín, nhưng thế giới của tôi thì trống rỗng. Từng lời của họ vang lên và xuyên qua bức màn mơ hồ giữa sân khấu cùng thực tại, như một lưỡi dao cùn nhưng tàn nhẫn, cứa sâu vào ký ức của tôi, khơi dậy tất cả những gì tôi muốn chôn vùi.
Ánh đèn sân khấu chập chờn, yếu ớt, không đủ để che giấu bóng tối trong tôi. Cánh rừng giả tạo ấy, với những nhánh cây treo lủng lẳng như những chiếc thòng lọng, như đang mỉa mai từng bước đi của tôi trong cuộc đời này. Nó không chỉ bóp nghẹt khán giả; nó bóp nghẹt chính tôi, vắt kiệt từng chút hơi thở cuối cùng mà tôi cố giữ. Những nhành cây ấy, những tiếng gió gào rít từ loa phóng thanh, tất cả đều như muốn nói với tôi rằng: Ngươi thua rồi. Ngươi không còn gì cả. Không có gì cả và cũng chẳng muốn gì cả. Tôi đã từng muốn một thứ, mong một người như giờ lòng khác nào mặt hồ phẳng chẳng ai màng đánh động dù chỉ bằng vài cú lướt của hòn đá con.
Khói bốc lên từ cái vạc, hòa vào không khí, thấm vào tim tôi, đốt cháy từng mảnh hy vọng mong manh còn sót lại. Vạc dầu – hay là vạc nước thánh? Ai mà biết được. Với tôi, đó chỉ là một biểu tượng của sự giả dối. Thứ nước sôi đó có thể thanh tẩy mọi tội lỗi, nhưng cũng có thể thiêu rụi linh hồn tôi, và tôi thì chẳng biết mình muốn điều nào hơn. Cũng như tôi chẳng biết tim tôi muốn gì, nó nửa này nửa nọ và cứ lẩn quẩn trong cái vòng ấy. Đôi khi thật muốn moi nó ra và thả về với nước, thà tôi làm một kẻ không có tâm hồn còn hơn phải điên đảo vì nó.
Cứ mỗi lời thoại, mỗi cái gật đầu của mụ phù thủy, tôi lại cảm thấy mình bị kéo sâu hơn vào cái hố đen bùn nhùn. Tôi thấy em trong đó, thấy em giữa làn khói trắng mờ ảo, cười dịu dàng như thể mọi thứ vẫn ổn. Nhưng tôi biết, tất cả đã vỡ tan từ lâu rồi. Cái cười của em không dành cho tôi, mà dành cho một kẻ khác. Một kẻ mà em tôn thờ, còn tôi thì chỉ là kẻ ngoại đạo lạc lối, đứng bên lề cuộc đời em. Nhưng giờ đây tôi đang phân vân, bên lề cũng được mà đúng không em ơi. Bên lề, hoặc cũng chẳng bên lề cũng ổn nhưng tại sao chân tôi vẫn bị gông kìm.
Tôi lẽ ra phải đứng dậy, phải chạy trốn khỏi cái địa ngục này, nhưng chân tôi bị trói chặt. Tôi không thể di chuyển, không thể quay đầu, chỉ có thể ngồi đó, bất lực nhìn vở kịch diễn ra trước mắt, như một gã hề bị buộc phải xem trò hề của chính mình. Tôi cười cay nghiệt, nhưng chẳng ai nghe thấy, vì tôi thậm chí không thể phát ra âm thanh. Sự đau đớn trong tôi đã nuốt trọn cả giọng nói. Chắc tôi lại phải đứng ở lề thêm một thời gian em nhỉ, để chứng kiến cái thế giới bị em kiến tạo cho gã phá nát.
Khói từ cái vạc tiếp tục bốc lên, hòa quyện vào ánh sáng mờ ảo, như một bóng ma không ngừng ám ảnh tôi. Tôi không biết liệu đó là sân khấu hay chính cuộc đời tôi, nhưng có lẽ, chẳng có sự khác biệt nào nữa. Vở bi kịch của hai người đang diễn ra, và vở bi kịch của tôi cũng vậy. Nhưng chắc hẳn em sẽ có kết thúc; còn tôi thì không. Tôi chỉ có thể ngồi đây, nhìn tất cả những gì tôi từng yêu thương bị lí trí khiến tan biến vào hư không, từng chút, từng chút một, cho đến khi chẳng còn gì ngoài bóng tối.
Vì sao ư? Vì lòng tôi cũng đang sôi sục, như cái vạc kia, như từng làn khói trắng cuộn lên từ đáy sâu của một điều gì đó không thể cứu rỗi. Như lời tiên tri ác nghiệt của ba mụ phù thủy, từng chữ từng chữ bủa vây, lượn vòng quanh sân khấu, khắc sâu vào tâm trí tôi, nhắc nhở tôi rằng không có lối thoát, không có sự giải thoát nào dành cho tôi trong câu chuyện này. Và nếu tôi không dừng lại, tôi sẽ mất đi tôi của hiện tại và kể cả những điều tôi sở hữu ở phút giây này.
Thay vì đuổi theo em, thà tôi nhìn em chết.
Mọi thứ như xoáy tròn trong một vòng lặp đau đớn không hồi kết: em, gã, và tôi. Những mảnh ghép méo mó, bị đập vỡ và gò ép vào một bức tranh mà số phận độc ác đã bày ra từ trước. Em là trung tâm của bức tranh đó, lấp lánh, rạng rỡ, nhưng không phải dành cho tôi. Tôi chỉ là kẻ đứng bên rìa, tay chạm vào nhưng chẳng bao giờ đủ sức giữ lấy.
Tôi ước mình nâng được một sợi tóc em nhưng ngón tay tôi bị chặt đứt bởi ánh mắt loạn sắc.
Gã – kẻ mà em thờ phụng, kẻ mà em trao cả trái tim, là hình bóng luôn hiện hữu giữa chúng ta, dù tôi có cố gắng đến đâu để chối bỏ. Gã, không phải tôi, mới là người được em viết nên trong từng câu thơ, từng ánh mắt, từng hơi thở. Còn tôi? Tôi là ai trong trò chơi nghiệt ngã này, ngoài một quân cờ dư thừa, bị số phận ném vào để làm nền cho câu chuyện của cả hai?
Tôi thấy mình lạc lối như một con thú bị săn đuổi, không bởi ai khác ngoài chính những ký ức của mình. Những ký ức đan xen giữa khát khao, hối hận, và cay nghiệt, giam cầm tôi trong vòng lặp của đau thương. Em, gã, và tôi – ba nhân vật trong một bi kịch mà mọi ngả đường đều dẫn đến kết thúc giống nhau: tôi đứng ngoài cuộc đời em, nhìn em và gã bước tiếp, còn tôi thì rơi tự do, mãi mãi, hoặc bị giam mãi trong góc khuất nơi em cho đến khi bám bụi, hoặc rồi cũng tan hoang.
Hôm nay, nhà hát đông nghịt, ngột ngạt đến mức như muốn nổ tung dưới sức ép của hàng trăm hơi thở nặng nề. Từ tầng thượng lưu hào nhoáng đến tầng bần hèn lem luốc, không một chỗ nào còn trống. Người ta chen lấn, xô đẩy, nhích từng chút để ngồi, để đứng, để được tận mắt chứng kiến cái vở bi kịch đã quá quen thuộc, quá nổi danh nhưng đối với tôi lại chỉ là một vết chai sần nhàm chán. Shakespeare, lão già nham hiểm, một lần nữa cười thầm trong chiến thắng, với con dao cùn của lão vẫn cứa đứt mạch cảm xúc của thiên hạ, nhưng tôi không còn sức để chửi rủa. Làm sao đây? Tôi biết vì sao người ta đổ về đây hôm nay.
Không phải vì Macbeth. Không phải vì những lời thoại thấm đẫm máu và mồ hôi của một bi kịch kinh điển. Họ đến đây vì một điều khác. Một lý do đến cả những kẻ nghèo cũng phải cướp lấy cướp để để được vào trong, lý do mà dù là kẻ điên cũng được mời vào như thần thánh.
Họ đến đây để chiêm ngưỡng thiên tài. Một cái tên mới, một vì sao vừa lóe sáng, một giọng ca được ca ngợi là món quà của thánh thần. Người ta nói về gã với một sự tôn sùng gần như cuồng tín. Gã, được nhắc đến như ánh sáng rực rỡ của nghệ thuật nhân loại, như viên ngọc quý hiếm hoi mà cả đời người may ra chỉ nhìn thấy một lần. Gã – người mà tên tuổi đã lan rộng đến mức vượt qua cả giới hạn của cái nhà hát địa phương bé nhỏ này, đẩy lùi tất cả những ai từng đứng trên sân khấu này trước gã.
Và em – em vẫn đứng đó, như một chiếc lá vàng nhợt nhạt, mong manh và vô định trong cơn bão tán tụng dành cho gã - người tình của em, kẻ mà em tự huyễn hoặc rằng thuộc về mình. Nhưng tôi biết sự thật, em ơi, tôi nhìn thấy điều mà em cố gắng chối bỏ. Em không còn là tâm điểm. Em chỉ là cái bóng mờ nhạt phía sau hào quang của gã, cái bóng chực chờ bị cuốn phăng đi trong cơn lốc ấy.
Tôi nhìn đám đông, nhìn những ánh mắt đầy háo hức, những lời thì thầm sùng kính, và tôi nhận ra một điều: em đã thua, và tôi cũng vậy. Chúng ta đã thua từ khoảnh khắc gã bước vào đời em, bước lên sân khấu này. Và tôi, tôi đứng đây, giữa cơn cuồng loạn của đám đông, không phải để xem vở diễn, mà để chứng kiến bi kịch lớn nhất đời mình được phơi bày – gã là tất cả, còn tôi chẳng là gì.
Họ không đến vì Macbeth. Không một ai trong đám đông này thực sự quan tâm đến bi kịch cũ kỹ ấy. Họ đến vì gã.
Gã, kẻ được xưng tụng là thiên tài, là ánh sáng mới, là viên ngọc sáng chói mà nghệ thuật nhân loại từ trước đến nay chưa từng chạm tới. Người ta thì thầm về gã với sự kính sợ, như thể gã không phải người, mà là món quà từ Chúa, được ban xuống để cứu rỗi những tâm hồn khô cạn. Gã, được so sánh với tất cả những gì là hoàn mỹ, đẹp đẽ, vượt xa mọi chuẩn mực mà người ta từng biết. Mỗi tiếng ngân của gã, mỗi ánh nhìn, mỗi chuyển động đều khiến đám đông mê mẩn như kẻ lạc giữa cơn mê – theo cái lời ca thán của lão bầu. Và chính gã, chính lý do duy nhất này, đã khiến từng chiếc ghế trong nhà hát hôm nay không còn chỗ trống.
Gã đã vượt xa em. Vượt xa ánh hào quang yếu ớt mà em từng cố níu giữ. Gã làm lu mờ tất cả những gì em đã nỗ lực, tất cả những gì em từng có, tất cả những gì tôi ngưỡng mộ nơi em. Và tệ hơn nữa, gã là người mà em yêu – người tình của em, người em nhìn với ánh mắt đầy tôn sùng mà tôi chưa bao giờ có được. Và giờ đây, gã lại chẳng nào kẻ cướp.
Bởi gã không chỉ chiếm trọn sân khấu này, gã chiếm trọn cả em, cả thế giới của em. Và tôi, khi còn bị kiềm hãm, nhìn hào quang của gã nuốt chửng em, nuốt chửng cả những mảnh vụn hy vọng cuối cùng trong tôi. Tôi không thể làm gì. Không thể kéo em lại. Không thể khiến em quay đầu. Vì gã – người tình của em – đã trở thành tất cả, còn tôi, vẫn là thứ bóng ma ô uế.
Tôi ngồi đó, lặng lẽ giữa đám đông cuồng nhiệt, nghe họ xôn xao bàn luận, những tiếng thì thầm đầy tôn kính dành cho gã, kẻ mà họ mong chờ như một đấng cứu thế. Nhưng tôi, tôi không nhìn gã. Tôi không cần gã. Tất cả sự vĩ đại mà họ ca tụng, tất cả hào quang mà gã mang theo, đối với tôi, chỉ là những đốm sáng phù phiếm, chỉ là lời đồn tự gã tạo ra.
Tôi chỉ nhìn em.
Em, người từng là một ngọn lửa rực cháy, sưởi ấm mọi ngóc ngách tối tăm nhất trong tâm hồn tôi. Em, người từng đứng giữa sân khấu, kiêu hãnh, không gì có thể làm lu mờ được. Nhưng giờ đây, em chẳng khác gì một chiếc lá úa rời cành, yếu ớt, run rẩy trong cơn gió đầu đông. Ngọn lửa trong em đã tắt, để lại một hình hài trống rỗng, héo mòn. Tôi nhìn em mà lòng quặn thắt. Đám đông có thể đổ dồn ánh mắt vào gã, nhưng tôi chỉ thấy em, trong sự lụi tàn không cách nào cứu vãn. Là tôi, hay là gã, hay chính em đã khiến mình trở nên như thế? Tôi không biết. Tôi chỉ biết, giữa đám đông náo nhiệt này, tôi thấy em, và tôi thấy một nỗi đau đang giằng xé chính mình – như một vết thương không bao giờ lành.
Em cười, một nụ cười thoáng qua như ánh nắng chiều tàn, nhưng tôi biết rõ, nụ cười ấy không dành cho tôi. Nó thuộc về gã, kẻ mà em tự hào, kẻ mà em nâng niu như báu vật, kẻ đã cướp đi mảnh đất cuối cùng nơi em từng đứng vững. Tôi đã hy vọng, ngu ngốc mà hy vọng, rằng em sẽ căm hận gã, sẽ bám lấy chút gì còn sót lại để chống chọi. Nhưng không.
Em không buồn. Em chấp nhận.
Em nhường lại mọi ánh sáng cuối cùng của mình cho gã, tự nguyện như chiếc lá vàng rơi xuống chỉ để nuôi dưỡng chồi non vươn lên từ đất. Em buông bỏ tất cả mà chẳng một lần ngoái lại. Nhìn em lúc ấy, tôi không biết mình phải thương hại em hay oán giận chính bản thân mình. Là tôi đã đẩy em đến đây? Là tôi, trong sự bất lực và nhỏ bé của mình, đã để em lụi tàn như thế? Nếu tôi từng cố gắng ngăn em khi em bảo rằng gã có vai, nếu tôi bày tỏ rằng đó là điều thật kì quái thì có lẽ, sẽ khác một chút đúng không em.
Em từng là mặt trời của tôi, nhưng giờ, em chỉ là một chiếc bóng mờ nhạt trong ánh hào quang chói lọi của gã. Còn tôi, như một kẻ ngốc nghếch, vẫn ngồi đây, nhìn em tan biến từng chút một, không cách nào cứu được, không cách nào níu giữ.
Cái lá vàng, nó ấy, khi chạm đất, sẽ tan rã, trở thành hư vô. Và em, em đã tan biến khỏi tôi từ lâu, em ơi. Em đã tan biến, để lại tôi một mình, bị bóp nghẹt giữa vở kịch của chính cuộc đời mình, nơi tất cả những bi kịch đều dẫn đến kết cục không lối thoát.
Em đã chẳng chọn mình. Em đã buông bỏ, và tôi chỉ có thể ngồi đó, nhìn em nhường lại cho gã, thứ ánh sáng của em, cuộc đời của em, trong khi tôi vẫn mải mê với những mảnh vụn của sau chiến trường của lí trí và phức cảm. Tôi vẫn chưa thoát khỏi vở kịch của chính cuộc đời mình, nơi mỗi bước đi đều dẫn tôi đến một kết cục không lối thoát, một vòng lặp bi kịch mà tôi không thể thoát ra, không thể giải thoát. Trong sự trống rỗng này, tôi là kẻ khốn khổ nhất, vì không chỉ mất em, mà còn mất chính mình.
Từng giọt tư niệm rơi vào chiếc ly trống rỗng trong lòng tôi, mỗi giọt như một mũi kim nhọn đâm sâu vào vết thương chưa bao giờ lành. Những cơn sóng ký ức dập dồn, quẩn quanh, nhấn chìm tôi trong cơn bão của những nỗi đau không lối thoát. Đèn sân khấu bật sáng, màn nhung nặng nề kéo lên, như thể lột trần trái tim tôi trước ánh nhìn soi mói của thực tại. Ba mụ phù thủy đã tan biến vào bóng tối, để lại một khoảng trống lạnh lẽo, một khoảng trống chẳng khác nào nỗi trống trải trong tôi.
Trên sân khấu, cảnh lễ mừng thắng trận hiện ra, lộng lẫy và uy nghiêm đến ngạt thở. Duncan, vị vua đáng kính, ngồi hiên ngang trên ngai vàng, đôi mắt sắc bén nhìn xuống những kẻ trung thành đang quỳ gối tôn vinh. Nhưng ánh mắt tôi không hướng về ngai vàng, không nhìn thấy vẻ rạng rỡ của những quan thần hay sự lộng lẫy của bối cảnh. Mọi thứ trước mắt tôi nhạt nhòa và rỗng tuếch.
Tôi chỉ nhìn về một góc. Một góc mà từ đó, gã bước ra, dáng hình của gã như một nhát cắt, xé toạc mọi lớp vỏ bọc mà tôi đã cố gắng dựng lên. Sự hiện diện của gã đập thẳng vào tôi, như một cú đấm tàn nhẫn không chút nương tay, khiến tôi nghẹt thở. Giữa tất cả sự hùng vĩ ấy, giữa những ánh mắt ngưỡng mộ và kỳ vọng của đám đông, gã xuất hiện như một vầng sáng chói lòa, nuốt chửng tất cả, bao gồm cả tôi.
Gã ở đó. Mái tóc gã, lạc lõng và nổi bật, như một nhát dao sắc lạnh rạch ngang không gian, xé toạc mọi sự hài hòa của khung cảnh. Gã không thuộc về nơi này, không thuộc về bất kỳ đâu, nhưng bằng cách nào đó, gã vẫn là trung tâm tuyệt đối, nơi tất cả ánh mắt buộc phải hướng về. Và tôi, kẻ duy nhất không muốn nhìn, lại chẳng thể rời mắt.
Nhịp tim tôi vỡ vụn trong lồng ngực, như bị một bàn tay vô hình siết chặt, đau đớn và quằn quại theo từng bước chân gã tiến lên sàn diễn. Mỗi bước chân ấy không chỉ giẫm lên mặt sàn gỗ mà còn nghiền nát từng mảnh ký ức, từng mảnh hy vọng ngu ngốc mà tôi còn cố níu giữ.
Ánh đèn vàng chậm rãi rọi theo gã, mỗi chuyển động của gã đều được chiếu sáng một cách tỉ mỉ, như thể ánh sáng cũng cúi đầu trước sự hiện diện của thiên tài. Tất cả như một nghi lễ trang nghiêm, tôn vinh sự xuất hiện của kẻ mà họ ngưỡng vọng. Nhưng với tôi, đó không phải sự tôn vinh. Đó là một bản án. Một bản án dành riêng cho kẻ như tôi – kẻ ngu muội đã tin rằng ánh sáng ấy từng là của em.
Mọi thứ, từ ánh đèn rực rỡ đến từng tiếng nhạc réo rắt, đều được sắp đặt quá hoàn hảo, quá lộng lẫy, như thể gã không phải là một con người bình thường mà là một vị thánh vừa bước ra từ những truyền thuyết xa xưa. Gã đứng đó, tựa như hiện thân của tất cả những gì thế gian này từng khao khát: hy vọng, sự cứu rỗi, một tương lai không còn chỗ cho đau khổ hay lầm than. Nhưng tôi không thể chịu nổi. Không thể. Sự uy nghi ấy, cái vĩ đại chói lọi ấy, nó không phải dành cho gã, nó phải dành cho em – và càng là thứ phải thứ phải thuộc về em. Nhưng giờ đây, nó nằm trong tay gã, kẻ đã mặc kệ thế gian này, mặc cả em để nguyện quỳ gối trước ánh sáng thần thánh chói lọi của hắn.
Nhưng, đám đông xung quanh tôi, những khuôn mặt đầy kỳ vọng, bỗng chốc xì xào, bàn tán. Có người bất ngờ, có người bàng hoàng, vì hình ảnh gã – thiên tài mà họ mường tượng – không khớp với những ảo vọng mà họ đã dựng lên trong đầu. Nhưng tôi thì sao? Tôi không thất vọng, vì tôi đã chẳng còn kỳ vọng nào để bị vỡ nát. Tôi đã biết từ lâu, biết rõ như nỗi đau trong từng hơi thở: gã dẫu cho chính là tất cả những gì tôi không thể có, cũng chính là tất cả những gì tôi đã đánh mất. Và gã cũng chẳng có gì hay ho ngoài sự thật rằng gã đứng thẳng lưng ở nơi kia nhờ vào những thứ phù phiếm, bằng ánh đèn đang hắt lên toàn thân.
Gã là ánh sáng mà em đã trao trọn niềm tin, là tâm điểm của thế giới mà em chọn để sống. Và tôi, tôi chỉ là bóng tối, lặng lẽ đứng bên ngoài vòng sáng ấy, nhìn em, nhìn gã, và nhận ra rằng mình mãi mãi lạc lõng, mãi mãi bất lực, mãi mãi bị bỏ lại phía sau. Dẫu thế, tôi là đương sự đã chứng kiến bóng lưng chắp vá của cả hai người và cũng sẽ là kẻ duy nhất ghi nhớ tất cả sự oái oăm của cả hai.
“Chưa từng thấy một ngày nào vừa xấu vừa tốt đến thế.” Macbeth ngợi ca, và thật sự, chưa từng có khoảnh khắc nào tôi cảm thấy sự tầm thường này rõ ràng đến thế. Tôi bật cười, nhưng chẳng phải vì sự hài hước trong câu nói ấy, mà vì cái dáng vẻ ngu ngốc của gã. Hết cứng đờ lại nghệch ra, gã chẳng khác gì một thứ đồ chơi hỏng, không còn đủ khả năng giữ lấy cái vẻ hào nhoáng mà lẽ ra phải có. Mỗi bước đi của gã giống như một cỗ máy cũ kĩ, thiếu dầu, hết sức cứng nhắc, như thể cơ thể gã đang chống lại chính bản thân mình, tự làm hỏng những gì nó có thể làm. Và lời thoại, từng từ một, khô khốc đến nghẹt thở, không có chút cảm xúc nào, chỉ là những âm thanh vụn vặt, chồng chất lên nhau như những lớp bụi mờ, chẳng khác gì cái xác đang cố gắng nói chuyện mà không hề có linh hồn.
Tôi tựa lưng vào ghế, cảm giác mệt mỏi vô hạn, như thể mọi sức lực trong cơ thể tôi đều bị hút cạn. Mắt tôi vẫn không rời khỏi từng cử động vô nghĩa của gã, mặc dù tôi biết rõ gã đang cố gắng đến mức nào. Nhưng thật trớ trêu, cả gã và tôi, chúng tôi đều đang vờ diễn, chỉ có tôi là người duy nhất hiểu rằng tất cả đã vỡ vụn. Gã cố gắng phớt lờ những tiếng xì xầm từ đám đông, tay run bần bật, mồ hôi tuôn ra như thác, ướt đẫm lớp phấn phủ trên khuôn mặt, nhưng không ai nhìn thấy nỗi đau đang vỡ nát trong đôi mắt gã. Mỗi cảnh của hồi một trôi qua như một cơn ác mộng không hồi kết, khán giả dần mất kiên nhẫn, từng tiếng xì xầm đã chuyển thành những tiếng thở dài, ngán ngẩm, và rồi là sự tức giận cháy bỏng, xen lẫn trong từng lời nhạo báng. Gã, một hình ảnh phản chiếu của chính sự tuyệt vọng mà tôi đang trải qua, chỉ là một con rối, hết thảy mọi thứ đều đang sụp đổ, và chẳng ai có thể cứu vớt được.
Đám đông xung quanh tôi bắt đầu xầm xì, những lời chê bai và miệt thị vang lên như một cơn mưa đá rơi xuống chẳng hề thương xót. Những người dân đen, họ chẳng buồn nhìn lên sân khấu nữa, chẳng thèm để ý đến cái trò hề tạp nham đang diễn ra trước mắt. Nhưng những kẻ tự cho mình là trung lưu, những kẻ đã từng ngắm nghía nghệ thuật trong ánh mắt đầy kỳ vọng, giờ đây họ cảm thấy bị bỡn cợt, bị lừa dối một cách tàn nhẫn bởi sự tầm thường, thấp kém của gã. Cơn giận dữ trong họ bùng lên như ngọn lửa hừng hực, những từ ngữ sắc nhọn mà chính họ cũng chẳng hiểu nổi, nhưng chúng cứ tuôn ra, như thể họ đang cố gắng vớt vát chút tự tôn đã bị tước đoạt.
Và rồi là những vị quý tộc, những kẻ luôn xem mình là đỉnh cao của văn minh, giờ đây bị sỉ nhục không ngừng. Từng khuôn mặt đỏ bừng lên như hoa phù dung đang dần bị vùi dập dưới cái bóng mờ nhạt của gã. Vai họ run lên khi nghe từng lời thoại yếu ớt, vụng về của gã, tay họ siết chặt đến mức da tay căng ra, trong cái không gian ngột ngạt, đầy mùi tủi nhục của căn phòng. Sự hoàn hảo mà họ từng tự hào giờ đây tan rã, chồng chất trong nỗi tuyệt vọng, trong sự khinh bỉ không thể che giấu.
Tôi nhìn thấy tất cả, và trong lòng, tôi thầm miệt thị. Miệt thị sự dễ tin của con người, miệt thị sự yếu đuối đang được gã phô bày, và miệt thị cả em, người đã trao cho gã quyền được ngự trị trên sân khấu này. Em, người đã để gã làm ô nhục nghệ thuật mà em vốn tôn thờ.
Và rồi, tôi nhận ra rằng, khi em bước lên sân khấu, trong vai Fleance, tất cả mọi thứ bỗng như ngừng lại. Em, với dáng vẻ thanh thoát như một tia sáng rực rỡ xuyên qua đêm tối, thắp lên hy vọng trong lòng những người đang tuyệt vọng. Khi em cất lời, một âm thanh dịu dàng vang lên, cả căn phòng im phăng phắc. Từng biểu cảm nơi em thật hoàn hảo, không chút tì vết, đến nỗi nó hút hết mọi sự chú ý, làm cho mọi ánh nhìn, kể cả của tôi và những kẻ tự cho mình là tài giỏi, đều phải ngây dại trước sự hoàn mỹ ấy. Em, trong khoảnh khắc ấy, chính là hiện thân của nghệ thuật, là đỉnh cao của cái đẹp mà người ta chỉ có thể ước ao được chạm vào.
Nhưng khoảnh khắc ấy, như mọi thứ đẹp đẽ khác, lại chẳng kéo dài lâu. Vì ngay sau đó, gã lại xuất hiện. Và mọi thứ, từng lớp vải hoàn mỹ của buổi biểu diễn, lần nữa sụp đổ. Câu thoại của gã, câu nói mà tất cả mọi người trong phòng đều đã chờ đợi, mang tính biểu tượng trong vở kịch, lại được gã phát ra một cách ngớ ngẩn, như một lời nguyền. Và trước mặt em, ngay trước mắt tôi, mọi thứ dường như tan vỡ. Cả niềm hy vọng, cả vẻ đẹp mà em vừa tạo ra, tất cả bị gã xé toạc, vùi dập trong sự yếu đuối và sự thiếu thốn mà gã không thể nào che giấu.
Gã nói sai, và đó là điều không thể tha thứ. Một câu thoại vỡ vụn trong không khí, như một cú tát vào tâm hồn của tất cả những ai có mặt. Câu nói, lẽ ra phải là đỉnh cao của vở kịch, lại rơi ra khỏi miệng gã, thô kệch, nham nhở, giống như một vết nứt lớn xé toang bức màn hoàn hảo của nghệ thuật. Và nó đã xảy ra ngay trước mặt hàng ngàn con mắt đang dõi theo, từ những kẻ yêu nghệ thuật đến những người chẳng hiểu gì về nó nhưng vẫn ngồi đó, chờ đợi thứ ánh sáng kỳ diệu mà sân khấu này đã hứa hẹn.
Ôi giữa tất cả những ánh nhìn sắc bén, chỉ có em, người con của nhà hát, người đã mang trong mình từng từ, từng câu của kịch bản vĩ đại, là người phải chứng kiến sự sụp đổ này. Tôi nhìn thấy bóng dáng em dần phai mờ trong ánh sáng mờ ảo của sân khấu, và chỉ còn lại một ánh nhìn choáng váng, trầm trọng. Ánh mắt ấy không chỉ là sự thất vọng, mà còn là nhận ra rằng cái vở kịch này, cái thế giới này, đã không còn chỗ cho em nữa. Em, người đã từng là trái tim của sân khấu, giờ đây chỉ còn lại sự mờ nhạt, bị che khuất bởi cái sự vô nghĩa đang diễn ra trước mắt mình.
Liệu có thể nào thần Neptune tẩy sạch đi cái máu này không? Ôi không, tôi nhận ra nó rồi, tất cả đều vô ích. Cái tội lỗi đã được thốt ra, không có gì có thể gột rửa nó. Câu thoại, cái vốn được coi là trái tim của vở kịch, giờ đây đã hoàn toàn bị bẻ cong, biến thành sự xúc phạm mà không thể nào tẩy rửa. Một vết nhơ không thể nào xóa mờ, ngay cả với thần linh. Và sự hối hận của Macbeth, lẽ ra phải là nỗi niềm sâu thẳm, giờ đây lại chỉ là sự miệt thị mà chính gã mang đến. Chính gã đã biến nỗi đau ấy thành trò hề, không còn chút gì của sự tự xót xa hay chuộc lỗi.
Tôi sững sờ, không thể rời mắt khỏi cái cảnh tượng bi thảm ấy, như em, như những kẻ đã mất hết kiên nhẫn, đứng bật dậy khỏi hàng ghế đỏ, xanh, vàng. Cả không gian như vỡ vụn, sự sỉ nhục không thể nào chịu đựng được nữa. Những tiếng rên rỉ, những tiếng thở dài, những cái lắc đầu đầy thất vọng hòa lẫn với những lời cay nghiệt, tất cả đều như một cơn sóng dữ cuốn đi mọi hy vọng, mọi sự kiên nhẫn. Và tôi, như những người kia, cũng chẳng thể chịu đựng thêm nữa.
Ánh sáng vẫn đổ ập xuống sân khấu, bao lấy gã trong thứ quầng sáng mờ ảo và lạnh lùng. Tôi đứng trong bóng tối của cánh phải, lòng bị lấp đầy bởi cơn mâu thuẫn đang dạt dào. Tôi đã mong muốn giây phút này—khoảnh khắc gã bị bóc trần trước mắt mọi người, thấy gã thất bại, thấy gã nhục nhã. Nhưng giờ đây, khi điều đó thực sự xảy ra, cảm giác thỏa mãn mà tôi nghĩ mình sẽ có chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi giữa cơn bão của sự tội lỗi và bất an.
Nhìn thấy gã, tựa như tôi nhìn thấy lại mình của những ngày sơ khai. Khi bản thơ đầu tiên như lời tuyên thệ của sự thất bại và tôi bị đá khỏi nhà thờ sau một đêm đạn bom, giữa cái đất quê vốn đã không có một bước chân nào đặt tên tôi, trong cái trời tuyết căm căm mùi khói thuốc súng. Bài thơ thì bị cướp mất, danh vọng hóa hư vô còn bản ngã bị tiêu diệt. Có ai mà ngờ vị cha trung thành với Chúa lại là con chiêng của quỷ dữ, bị hối lộ, bị mê hoặc và cứ thế nghe theo lời quỷ mà chém chết bát cơm của những đứa trẻ vô đã không có họ tên.
Và gã, cũng là nạn nhân của cái trò hối lộ ấy, hay thật, bởi, gã cũng là tôi đấy thôi.
Gã đang run rẩy. Câu thoại của gã bật ra, nhưng không còn chút cảm xúc nào. Giọng nói ấy không phải của Macbeth, không phải của một vị vua đẫm máu, mà là của một gã đàn ông tuyệt vọng và cố níu kéo cuộc đời. Tôi nắm chặt tay lại, móng tay đâm sâu vào lòng bàn tay đến mức đau nhói. Những tiếng thì thầm từ khán phòng dần lớn hơn, những nụ cười mỉa mai chuyển thành tiếng cười nhạo thẳng thừng. Và những âm vọng vang cay nghiệt, giận dữ, khán giá bị xúc phạm và họ đang nổi cơn tam bành. Từng đợt dung nham đang chảy xuống từ hàng ghế cuối cùng đến cung điện của kẻ giàu có, người ta phát điên rồi và xã hội đó sẽ không dừng lại.
Khi một kẻ điên nối tiếp một kẻ điên khác, một phong trào, dần dà thành chiến trận. Âu cũng từ ngọn lửa con thành cháy lớn, âu chỉ là cái đập cánh mềm mại thành cơn bão.
Cố lên nữa đi. Tôi nghĩ, lòng thầm gào thét. Đừng làm họ thất vọng.
Nếu họ thất vọng, bi kịch sẽ đến với gã như mọi chuyện đã từng xảy ra với tôi. Bởi chúng tôi sinh đôi kiếp người, bởi tôi và gã là một. Kết cục mà gã gặp phải rồi cũng sẽ như tôi, nên hãy giả vờ, hãy chiều chuộng và đừng bao giờ để người đời thấy được cái tôi.
Và gã chợt dừng lại. Đột ngột, như thể vừa nhận ra mình không còn gì để mất. Tôi cảm thấy cả cơ thể mình căng cứng, từng giây trôi qua như kéo dài vô tận. Một tia lửa thù hận từ đôi mắt loạn sắc của gã chiếu xẹt qua tâm khảm tôi, gã đã rơi rồi, rơi thật rồi.
“Người đời các ngươi,” Gã cất giọng, một lời thoại khác không nằm trong kịch bản. Tôi thấy môi mình hé ra, không kịp ngăn một hơi thở dồn dập. “Đều là những kẻ không biết nhìn thấy sự thật. Các ngươi không xứng đáng!”
Tôi đứng chết trân. Gã vừa làm gì?
Cả khán phòng nổ tung như một quả bom bị kích hoạt. Tiếng la hét, tiếng giày giẫm mạnh xuống sàn, tiếng chai lọ bị ném lên sân khấu… Tất cả hòa vào nhau thành một cơn hỗn loạn khủng khiếp. Nhưng trong đám đông đó, gã vẫn đứng đó, không hề nao núng. Hệt như tên vua điên loạn vì danh vọng, gã đang níu lấy từng chút một ánh sáng trong sự thảm thương khốn cùng. Ánh mắt của gã nhìn qua hàng ghế khán giả, kiên định một cách kỳ lạ. Tôi không biết phải gọi đó là sự tự tin hay điên loạn. Có lẽ cả hai. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy không phải một gã thất bại đang bị đẩy đến đường cùng, mà là một người sẵn sàng phá hủy tất cả để tự cứu lấy chính mình.
Thật hèn mòn, gã là kẻ hèn mọn.
Dừng lại! Tôi đã mong bản thân nghe thấy tiếng hắn hét lên. Nhưng hắn không nhúc nhích. Hắn không làm gì cả.
Tôi quay đầu sang phía còn lại. Em đứng đó, gương mặt em trắng bệch như tờ giấy. Đôi mắt em mở to, nhìn chằm chằm vào gã mà không thể rời đi. Tôi cảm thấy một nhịp đập mạnh mẽ trong lồng ngực mình khi ánh mắt của em lóe lên sự kinh hoàng mà tôi chưa từng thấy trước đây.
Trên sân khấu, gã lùi lại một bước. Bàn tay gã siết chặt chuôi kiếm, đôi môi nhếch lên một nụ cười méo mó.
“Các ngươi cười ta. Nhưng các ngươi cười vì các ngươi sợ. Sợ nhìn thấy chính mình trong ta!”
Lần này, tiếng la ó vang lên như một cơn sóng thần. Tôi nuốt khan, cảm giác nghẹn lại nơi cổ họng. Trái tim tôi đập loạn nhịp, không phải vì căng thẳng, mà vì một thứ cảm giác khác… đau đớn, tội lỗi, và một chút gì đó giống như đồng cảm. Từng câu thoại tuôn ra như thác nhưng hoàn toàn rời khỏi điểm tựa ban đầu của nó. Vở Macbeth đã hoàn toàn trở thành một tác phẩm rác rưởi bởi bàn tay gã, bởi cái kẻ thiên tài chỉ có lớp vỏ bọc bên ngoài và đứng trên sân khấu bằng tiền của.
Người ta chắc hẳn sẽ thắc mắc lắm những điều tôi đang viết nếu lỡ vô tình đọc được, người ta sẽ phải tự vấn tôi đã biết những gì nhưng phần lớn những thứ tôi tự sự ở đây.
Đều chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ôi khoảnh khắc thứ đồ vật đầu tiên bay lên sân khấu, đập vào chân gã. Tôi nhìn thấy gã lảo đảo nhưng không ngã. Gã vẫn đứng đó, kiên định một cách ngu ngốc và điên cuồng.
Tôi không thể chịu đựng được nữa. Không phải vì gã, mà vì chính mình. Tôi lùi lại một bước, đôi chân nặng nề như bị gông cùm. Tất cả những gì tôi có thể làm là đứng nhìn, để cái cảm giác cay đắng này nhấn chìm tôi trong bóng tối. Mắt tôi liếc qua những đoạn sóng vỡ của khán đài, những thứ khác lại bị ném lên không trung và đáp thẳng xuống người gã. Hệt như cách hắn ném những đồng franc lên bàn những ngày trước và cũng hệt như cách hắn để lại túi franc cho gã khi đã xong cái đêm nồng nàn.
Ở cái thời loạn lạc hậu chiến những khoảnh ấy, một gã gác cửa khó lòng trở thành một nhà vua nếu như gã không hy sinh thứ gì đó.
Và nếu Macbeth đã hy sinh lương tâm của mình để trở thành vua, thì gã...
Người đàn ông ấy đã dừng lại và nôn mửa khi viết đến những dòng này, khi mọi sự thật về gã đàn ông kia khiến cậu ta cảm thấy thương cảm thay vì hận thù. Trang này đã bị bỏ trống một khoảng với những vệt máu khô lại và các vệt nước hoen ố, chẳng ai biết đó là máu từ đâu hay vì sao người đàn ông ấy khóc.
Tấm mành kéo xuống nặng nề như một bản án. Đó không chỉ là sự chấm dứt cho một vở diễn đầy hỗn loạn mà còn là nhát dao xé toạc những ảo mộng cuối cùng tôi đã tự dệt nên. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, bóng tối phủ kín cả sân khấu, nhưng tôi vẫn thấy rõ hơn bao giờ hết: sự thật tàn nhẫn, sự nhầm lẫn ngu ngốc của chính tôi.
Tôi đã nghĩ… không, tôi đã tin rằng mình và gã có một mối dây liên kết nào đó. Gã ta, với ánh mắt lạc lõng và dáng vẻ gồng mình trước cả thế giới, là một phiên bản của tôi, là tiếng vọng của chính linh hồn tôi trong một hình hài khác. Tôi đã tự huyễn hoặc rằng gã là người giống tôi nhất, và tôi là người duy nhất hiểu được lòng gã. Nhưng giờ đây, khi nhìn thấy em lao đến ôm chặt lấy gã khi tấm mành vừa kịp kéo xuống, tôi nhận ra tất cả chỉ là một sự nhầm lẫn.
Không phải tôi. Chưa bao giờ là tôi.
Em không bao giờ cần đến tôi. Em không bao giờ nhìn về phía tôi. Linh hồn tôi và linh hồn gã không phải là hai mảnh ghép của một bức tranh, không phải là hai dòng sông chảy vào một đại dương. Tất cả chỉ là ảo tưởng của một kẻ cô đơn đến mức sẵn sàng bấu víu vào bất cứ thứ gì giống mình để tìm kiếm ý nghĩa.
Bởi vì gã… gã có em.
Tôi đứng đó, giữa cơn sóng thịnh nộ, như một kẻ bị bỏ lại phía sau. Em đã ôm lấy gã như muốn bảo vệ gã khỏi cả thế giới. Và trong cách em siết chặt lấy gã, trong ánh mắt hoảng loạn và dịu dàng của em, tôi nhận ra gã là người mà em thực sự cần. Là người duy nhất có thể chạm đến linh hồn của em.
Tôi thì sao?
Tôi là ai trong câu chuyện này? Một nhân vật phụ thừa thãi? Một hồn ma lẩn quất nơi khán đài, chỉ biết quan sát và ghen tị? Hay tôi chỉ là một kẻ lạc lối, nhầm lẫn giữa bóng mình và bóng gã?
Tôi đã nhìn thấy chính mình trong gã. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra mình chỉ là một tấm gương méo mó. Tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng nỗi đau của gã hoàn toàn giống với tôi. Tôi đã sai lầm khi tin rằng mình có thể cảm thông cho gã.
Nhưng gã chẳng cần đâu sự cảm thông của tôi, hay của em.
Cơn thịnh nộ cháy bỏng xung quanh tôi như đang siết lấy từng hơi thở. Lòng tôi gào thét, nhưng chẳng ai nghe thấy. Có lẽ tôi đã chết từ lâu, chết ngay từ khoảnh khắc tôi đặt hết linh hồn mình vào một giấc mơ hão huyền. Tôi lùi lại một bước, nhưng ánh mắt vẫn không thể rời khỏi tấm mành. Phía sau nó, gã, chắc hẳn đang ở trong vòng tay em, cuồng điên như một đứa trẻ đang quấy nhiễu và vùng vẫy chối tội. Và em, với ánh mắt tràn đầy nỗi đau nhưng cũng tràn đầy tình yêu, như thể em sẵn sàng đối mặt với cả thế giới chỉ để bảo vệ gã.
Trong một khoảnh khắc, tôi đã ước gì mình là gã như bao lần khác. Tôi ước mình có thể được em ôm lấy, được em bảo rằng mọi chuyện sẽ ổn và rằng em sẽ luôn bên tôi. Nhưng tôi biết mình không thể.
Tôi không phải gã. Tôi chưa bao giờ là gã.
Tôi là bóng ma, là kẻ đứng trong bóng tối, nhìn linh hồn mình vỡ vụn từng mảnh. Kẻ đã nhầm lẫn, đã tự huyễn hoặc, đã đánh mất chính mình trong một giấc mơ không bao giờ thuộc về mình. Gã sẽ không bao giờ là linh hồn đồng điệu của tôi. Gã mãi như ngọn lửa, và tôi chỉ là một cái bóng, hoặc may thay tôi là nhành củi khô đã nung lên gã, cạnh bên em. Một cái bóng mỏng manh, một nhành củi tầm thường, chỉ có thể tồn tại để nuôi dưỡng ánh sáng của người khác.
Tấm mành đã kéo xuống, nhưng trái tim tôi thì chưa. Nó vẫn mắc kẹt trên sân khấu, nơi mà lần đầu tiên, rõ ràng chứng thực rằng tôi chưa bao giờ thực sự tồn tại trong cuộc đời của em.
Tôi đứng lặng trong bóng tối, hơi thở nặng nề hòa lẫn với mùi ẩm mốc của khán đài. Tiếng cãi vã vang lên từng đợt như những nhát búa, mỗi âm thanh đập vào tâm trí tôi, làm vỡ tan từng lớp phòng vệ yếu ớt mà tôi đã cố dựng lên. Tôi không định nghe. Tôi không muốn nghe. Nhưng đôi chân như hóa đá, và đôi tai thì bị trói chặt vào những lời nói như dao cứa kia.
Họ vẫn gào điên loạn và tôi chẳng thể chịu nổi những âm thanh kinh hoản ấy nữa. Tôi chạy đi, men theo con đường quen tiến về phía hậu đài và để thứ âm vang chát chúa tát vào tai.
"Cậu, cậu nghĩ cậu là ai mà dám phá hỏng tất cả thế này?" Giọng ai đó vang lên, lạnh lẽo và cay nghiệt, nhưng vẫn còn vương lại chút gì đó như sự tiếc nuối.
"Phá hỏng?" Gã bật cười, một tiếng cười đầy chua chát. "Phải, tôi đã phá hỏng đấy. Nhưng các người nghĩ các người làm gì với tôi suốt thời gian qua? Các người đã nghiền nát tôi, bắt tôi sống theo cái cách mà các người muốn. Giờ đây, tôi chỉ trả lại những gì các người đã làm với tôi!"
Từng lời của gã như một cái tát, không chỉ dành cho kẻ truy cứu hay những kẻ đang tranh cãi ở đây, mà dành cho cả tôi. Như thể gã biết tôi đang đứng trong bóng tối, nghe tất cả, chứng kiến tất cả. Như thể gã ấy biết rằng, tôi cũng là một trong những kẻ cùng chung cái phận không ai có thể chịu đựng được.
Tôi đã nghĩ mình hiểu gã, ít nhiều. Tôi đã nghĩ nỗi đau của gã cũng là nỗi đau của tôi. Nhưng bây giờ, khi nghe từng lời gã thốt ra, tôi mới nhận ra mình không hiểu gì cả. Tất cả những gì tôi biết chỉ là ảo tưởng, những giấc mơ tôi tự dệt lên để che giấu sự thật tàn khốc.
Gã đau hơn tôi nghĩ và mục ruỗng hơn tôi nhiều phần. Gã khốn cùng hơn cả tôi, gã quá đỗi hèn mọn và hoàn toàn chôn chân vào cái chết mà gã tự dựng nên. Đời đã biến gã thành kẻ xấu xa, và biến em thành nạn nhân của gã. Rồi hóa cả tôi thành cái chết của hai người.
"Đủ rồi," giọng hắn, ngân, trầm và lãnh. Hắn luôn như vậy, luôn là người sẽ luôn có mặt mỗi khi sợi thừng sắp đứt để giả vờ giữ nó lại, cố cứu lấy nó khi tay còn lại cứa vội những sợi còn bện chặt
"Không, anh không hiểu đâu. Không ai trong các người hiểu!" Gã hét lên, giọng gã khản đặc, như thể mọi uất hận trong lòng đã tích tụ quá lâu, và giờ đây bùng nổ thành một ngọn lửa thiêu đốt tất cả.
Trong khoảnh khắc đó, tôi không còn nhìn thấy gã như một con người. Mà là một thực thể khác, một linh hồn bị tra tấn đến mức không còn nhận ra mình là ai. Nhưng sự thật tồi tệ nhất là… tôi đã nhìn thấy chính mình trong gã.
Phải chăng tôi cũng giống như gã? Một kẻ bị giam cầm bởi những kỳ vọng, những lời thì thầm đầy ác ý trong tâm trí, và nỗi cô đơn đến mức sẵn sàng phá hủy mọi thứ để được nhìn thấy? Hay tôi còn tệ hơn thế, khi tôi đứng đây, im lặng, và thưởng thức cái kết cấu phi thường của hàng vạn nỗi đau?
" …" tôi thì thầm, gọi tên em trong bóng tối, như một lời ước nguyện.
Tôi là kẻ đứng ngoài cuộc, kẻ chỉ biết nhìn ngắm nỗi đau của người khác mà không bao giờ dám đặt chân vào ánh sáng. Tôi là nhân chứng bất đắc dĩ của tất cả những gì đang diễn ra, nhưng cũng là một kẻ đồng lõa. Tôi đã luôn đổ lỗi cho gã, cho em, cho bất kỳ ai ngoại trừ chính mình.
Nhưng sự thật là tôi chỉ luôn nguyền rủa bản thân.
Tôi không thể nghe thêm nữa. Những âm thanh cãi vã, những lời trách móc, những tiếng khóc nghẹn ngào của ai đó – tất cả như hòa quyện lại thành một bản giao hưởng đau đớn, lột trần mọi thứ tôi từng tin tưởng. Tôi muốn bước đi, muốn trốn chạy khỏi bóng tối này. Nhưng đôi chân tôi không nhấc lên được. Có lẽ vì tôi biết, nếu rời khỏi đây, tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi hình ảnh của mình – một kẻ vô dụng, một kẻ yếu đuối, một linh hồn nhầm lẫn rằng mình có thể xứng với người khác, khi bản thân còn chẳng thể cứu nổi chính mình.
Bóng tối nơi hậu đài nuốt chửng tôi, nhưng tôi không cảm thấy được che giấu. Ngược lại, tôi bị phơi bày hoàn toàn, trước ánh sáng của sự thật mà tôi đã cố tình lờ đi quá lâu.
"Cậu hãy dừng lại! Dừng lại đi." Em gần như hét lên, giọng khản đặc, vừa hoảng sợ vừa bất lực. Nhưng gã không nghe, hay có lẽ gã không còn nghe thấy gì nữa. Gã bây giờ giống như một chiếc dây cung bị kéo căng đến giới hạn, giờ đây bật tung ra, không kiểm soát, không cứu vãn được. Cả cơ thể gã đang run lên bần bật, như một ngọn nến bị cơn gió điên cuồng táp tới, vừa yếu ớt vừa bướng bỉnh. Gã ấy hét, gào lên, từng âm thanh vỡ vụn như những lưỡi dao, cắt qua tất cả chúng tôi.
"Tôi đã bán cả linh hồn mình!" Gã hét, ôi tràn đầy oán giận, đôi mắt đỏ ngầu nhìn lướt qua từng khuôn mặt xung quanh. "Tôi đã bị lừa để chôn mình vào cái cổng chết tiệt từ nhà hát này đến nhà hát khác. Các người đã luôn hứa cho tôi công việc tôi hằng mơ, các người hứa và chỉ hứa."
Gã cười rồi khóc, như tên hề loạn trí nhảy máu giữa những tiếng oán của mình.
“Và giờ đây, tôi ở đây. Tôi dừng lại thế nào đây?”
Những lời đó đập vào tôi như một cú tát thẳng mặt, khiến cả người tôi run rẩy. Trong bóng tối, tôi siết chặt tay, móng tay gần như cắm vào da thịt. Gã không nói với tôi, nhưng từng câu từng chữ đều đâm thẳng vào tôi. Gã không muốn dừng lại. Khi ném mạnh một chiếc ghế về phía góc sân khấu, tiếng gỗ vỡ vụn vang lên, khiến tất cả mọi người giật bắn mình, gã nhìn chằm chằm nó trong cái sự giận dữ cùng cực. Một vài nhân viên phía sau lùi lại, vẻ mặt sợ hãi, như thể họ đang đối diện với một con thú hoang hơn là một con người.
"Đừng có nhìn tôi như vậy! Tôi không phải là kẻ điên! Tôi chỉ đang sống thật với chính mình, lần đầu tiên trong đời!" Gã gào lên, đôi mắt ngập nước nhưng không yếu đuối. Nó đầy cuồng nộ, đầy đau đớn, và cả tuyệt vọng.
Tôi nhìn gã, nhìn thấy tôi.
Tôi đã từng, như thế. Bị vây chặt bởi những kỳ vọng, những ánh nhìn, những giọng nói ép buộc tôi trở thành thứ mà họ muốn nhưng tôi thì khác. Tôi đã không hét lên. Tôi đã không phá vỡ. Tôi chỉ im lặng, chịu đựng, và lặng lẽ tan rã từ bên trong.
Gã đang làm điều mà tôi không bao giờ dám làm. Và chính điều đó khiến tôi vừa sợ hãi vừa ganh ghét.
"Em, em đủ rồi." Hắn bước tới, gương mặt căng cứng, nhưng ánh mắt lộ vẻ bối rối. Hắn đã luôn tự tin, luôn kiểm soát mọi thứ, nhưng giờ đây, hắn ta cũng không biết phải làm gì.
"Đủ? Anh nói đủ sao?" Gã quay phắt sang hắn, bước loạng choạng nhưng đầy cương quyết. "Anh nghĩ anh là ai? Vài đồng franc của anh là đủ sao?"
Hắn cứng người, khuôn mặt trở nên méo mó trong một thoáng. Tôi nhận ra, lần đầu tiên, hắn ta không còn giữ được vẻ bình thản mà bản thân luôn bày vẻ. Gã đã đẩy hắn ta đến giới hạn cuối cùng.
"Xin cậu, đừng làm mọi chuyện tệ hơn!" Và em bước tới, cố chen vào giữa hai người. "Chúng ta có thể nói chuyện. Cậu chỉ cần bình tĩnh lại..."
"Bình tĩnh?" Gã lạibật cười, một tiếng cười khô khốc, lạnh lẽo. "Cậu nghĩ tôi có thể bình tĩnh được không? Cậu nghĩ tôi còn đủ sức để chịu đựng thêm một giây nào nữa sao?! Cậu cũng đã cướp nó đi dù đôi ta cùng một điểm xuất phát, cậu là kẻ cướp."
Gã nói, nhưng đôi mắt lại chẳng nhìn em. Gã nhìn khắp xung quanh và tuyên bố áng phạt cho từng người trong cơn giận điếng đau. Gã cứ mãi vùng vẫy, những tiếng hét vang lên không ngừng, những lời nói như lửa cháy lan khắp hậu đài, thiêu rụi mọi thứ. Tôi đứng đó, bất động, không làm gì, không nói gì, chỉ là một nhân chứng câm lặng.
Trong ánh sáng mờ nhạt nơi đây, tôi dường như thấy linh hồn của cậu tan rã từng chút một. Giữa cái kinh khủng đang bủa vây từ khắp trốn, khi tiếng dè bỉu tức giận của khán giả vẫn ai oán bên kia lớp mành và âm thanh đau đáu của những người nghệ sĩ ở phía còn lại, gã là điểm trung tâm cuồng cực bi ai.
Tôi đã thấy đủ, đã nghe đủ, nhưng không thể dừng lại. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, sự thật càng tàn nhẫn hơn, càng vỡ vụn hơn, cứ như thể một cơn bão đang cuốn đi tất cả những gì tôi từng tin tưởng. Từng lời nói, từng hành động của gã giống như những nhát dao cắt sâu vào tim tôi, và tôi chỉ biết đứng đó, như một kẻ không còn linh hồn, không còn ý thức, không còn bản ngã.
Gã đứng đó, giữa ánh sáng sân khấu vẫn còn sáng, mắt sáng rực không phải vì ánh đèn, mà vì sự giận dữ, vì cơn điên cuồng đang dâng trào trong cậu ấy. Và tôi nhìn em, chắc hẳn gã đã không còn là người mà em biết mà dần trở thành thứ sinh vật của cơn đêm, một bóng ma của chính mình, của chính hiện thực đã vỡ nát. Rồi gã ta bước, lách qua vòng tay đang mở ra của hắn và vùng khỏi cái ôm đã lơi của em. Gã kéo mạnh tấm mành như thể không còn gì để mất. Những nhân viên cố gắng ngăn cản, nhưng họ đang chạm phải một bức tường vô hình, một sức mạnh không thể chống lại. Tôi nghe thấy tiếng hối hả, tiếng kêu gọi, tiếng la ó từ những người xung quanh. Nhưng gã, không, gã không muốn dừng lại. Đó không phải là một quyết định, đó là sự lựa chọn cuối cùng của một người đã mất hết mọi thứ. Gã không còn sự hy vọng, không còn sự tha thứ. Cậu ấy chỉ còn sự giận dữ và cái ham muốn điên cuồng.
Ôi cái cơn giận dữ không phải là cơn giận của một người đang bị đẩy vào góc tối mà là cơn giận của một người đã thấy rõ sự thật, đã nhìn thấy bản thân mình trong một mảnh vỡ của những ảo tưởng, của những lời hứa hão huyền. Gã đứng đó, đối diện với những ánh mắt khinh bỉ của khán giả, nhưng không hề run sợ. Gã không cần sự cảm thông. Không cần ai hiểu. gã chỉ cần một lần cuối cùng, được giải thoát khỏi cái đống đổ nát mà họ đã gây ra.
Khán giả bắt đầu ném những vật thể lên sân khấu. Những chiếc ghế, những chai lọ, mảnh vỡ của những thứ tôi từng tin rằng vô tri tồn tại. Những vật dụng ấy bay thẳng về phía gã, nhưng gã vẫn đứng đó, không một chút do dự, không một chút thối lui. Máu chảy từ cơ thể gã, nhưng gã vẫn không ngừng. Vẫn tiếp tục, dù là với đôi tay run rẩy, dù là với gương mặt đầy vết thương, gã vẫn đứng đó, vẫn diễn.
Ánh sáng sân khấu rọi thẳng vào người gã, làm mọi vết thương trên cơ thể trở nên rõ ràng. Tên gác cổng đã hóa không, người trong đêm nhục vọng đã chết. Giờ gã khác nào con quái vật, đã mất đi cái linh hồn đã chết từ lâu, nhưng vẫn cứ cố gắng thở, vẫn cứ cố gắng sống, dù cho những mảnh vỡ của chính mình đang chảy ra từng giọt.
Mỗi cái nhìn của khán giả như một cú đánh vào tim gã, có lẽ. Họ không biết gì cả. Họ không thấy được cái đau đớn đang diễn ra trên sân khấu này. Họ không thấy được cái giá phải trả để có được một giây phút cuối cùng của sự tự do này. Tôi nhìn thấy những ánh mắt khinh miệt, những tiếng cười nhạo báng, nhưng tôi không thể nói gì. Tôi không thể lên tiếng. Bởi vì tôi hiểu, tự gã đã đưa bản thân đến bước đường này.
Gã không còn quan tâm bất cứ điều gì, cả em hay hắn hay bản thân chính gã. Khi gã đứng ở trung tâm kia, giữa những tiếng la ó và những ánh mắt giận dữ, gã đã chết mất rồi. Không phải vì gã chưa làm đủ. Không phải vì gã xứng đáng với cái chết đó. Mà là vì gã đã để cho mọi thứ diễn ra như thế. Gã đã đứng ngoài cuộc, đã để cho chính bản thân hứng trọn nỗi đau một mình, mà không làm bất cứ điều gì để cứu rỗi.
Gã không thể dừng lại. Gã đã quá xa rồi. Và tôi, tôi không còn gì ngoài niềm hứng khởi kì quái đang dâng lên từng chút một. Cái cách gã tiếp tục diễn, mặc cho vết máu, mặc cho sự tan vỡ, mặc cho những thứ bị ném về phía mình. Ôi gã vẫn đứng đó, như một kẻ không còn gì để mất.
Bóng tối vẫn bao trùm tôi, nhưng không phải là một cái bóng đêm đơn thuần, mà là một không gian vô hình đầy dày đặc, nặng nề và mờ mịt, như một lớp sương mù dày đặc bao bọc lấy từng sợi dây thần kinh trong cơ thể. Tôi đứng đó, không có động lực, không có lý do gì để di chuyển. Chân tôi như bị chôn chặt dưới sàn, và dù có cố gắng đi chăng nữa, tôi cũng không thể rời khỏi nơi này. Mọi thứ, mọi thứ xung quanh tôi đều trở nên quá tĩnh lặng, quá nặng nề. Đôi tai tôi chỉ còn nghe thấy tiếng nhịp tim đập, âm thanh ấy vang lên trong đầu tôi như một lời cảnh báo đau đớn mà tôi không thể chạy trốn.
Tôi không thể rời mắt khỏi sân khấu. Mỗi chuyển động, mỗi cử động của các nhân viên, tôi đều ghi nhớ từng chi tiết như thể mọi thứ đều đang diễn ra trong một cơn ác mộng không có hồi kết. Họ vẫn cố gắng tiếp tục vở kịch, giống như những cỗ máy không cảm xúc, cố duy trì một lớp mặt nạ mà không ai còn tin tưởng vào nó nữa. Lúng túng, bối rối, nhưng họ không dám làm gì khác ngoài việc tiếp tục. Đó là nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ mà họ không thể thoái thác. Những ánh sáng mờ ảo trên sân khấu không thể che giấu sự hỗn loạn đang diễn ra sau tấm mành. Họ tiếp tục như thể chưa có gì xảy ra, vẫn cố gắng mỉm cười và giơ tay lên theo một bài hát cũ kỹ, trong khi máu của gã dần thấm đẫm trên sàn diễn.
Tôi cảm thấy sự tĩnh lặng trong không gian như một cái bẫy, dần dần nuốt chửng tôi. Tôi là một người ngoài cuộc đứng từ xa nhìn vào. Nhưng không, tôi không chỉ là một người đứng ngoài. Tôi là một nhân chứng. Một nhân chứng của sự đổ vỡ, của những sự thật không ai muốn đối mặt, của những quyết định mà kinh hoàng của những mảnh đời quanh tôi. Và tôi, tôi không thể che giấu sự thật đó. Tôi không thể trốn tránh sự hiện diện của chính mình trong vở kịch này.
Nhưng điều kỳ lạ là có một phần trong tôi lại cảm thấy một thứ gì đó thật kỳ lạ, một cảm giác không thể gọi tên. Đó không phải là sự thương hại, không phải là sự xót xa, mà là một thứ gì đó thỏa mãn. Một cảm giác như thể mọi thứ đều đi đúng hướng, như thể những gì đang xảy ra là điều mà tôi đã chờ đợi từ lâu. Và trong giây phút ấy, tôi cảm thấy một niềm vui kỳ quái dâng lên trong lòng. Cái sự thỏa mãn ấy không đến từ sự đau khổ của gã, không đến từ sự tan vỡ của mọi thứ, mà đến từ chính sự thừa nhận rằng tôi, cuối cùng, đã chứng kiến tất cả. Tôi đã là người cuối cùng hiểu được trò chơi này.
Nhưng không thể phủ nhận được rằng sự thỏa mãn đó cũng kèm theo tội lỗi. Một tội lỗi nặng nề như một gánh đá đè lên ngực tôi. Mỗi giây phút, tôi lại cảm thấy như trái tim mình đang bị nghiền nát. Tôi đã làm gì? Tôi đã đứng im và nhìn. Tôi đã để mọi thứ trôi qua, để nó phát triển thành một thảm kịch mà tôi không thể lường trước được. Và giờ đây, khi nhìn thấy tất cả những gì xảy ra trên sân khấu – những ánh mắt từ khán giả, những tiếng la ó, những thứ bị ném lên sân khấu – tôi không thể tìm ra lý do gì để giải thích cho sự hiện diện của mình trong khoảnh khắc này.
Nhìn gã, tôi thấy một con người hoàn toàn khác, một hình bóng không còn thuộc về gã nữa. Đứng ở đó, gã rướm máu, vẫn cố gắng tiếp tục vai diễn, mặc cho những tiếng gào thét từ khán giả và những vết thương trên cơ thể. Những vết máu không còn là dấu hiệu của đau đớn, mà là minh chứng cho sự kiên cường không thể lay chuyển. Còn em, quay quanh những phức cảm chộn rộn của những cái tát mang tên sự thật, vẫn đang gắng gượng để kết thúc từng hồi vở kịch vốn đã sụp đổ từ đầu.
Hồi hai, hồi ba, dần đến hồi bốn và hồi năm. Khi hồi năm đến, dẫu nhà hát chỉ còn hơn nửa lại chính là đoạn mọi thứ nát tan.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top