Chương 2
Nhà hát địa phương tựa như thứ hố sâu nuốt chửng ký ức, hoàn toàn xa lạ với sự hào nhoáng của nơi trung tâm thành phố xưa cũ. Ánh sáng từ dàn đèn trần rọi xuống, trần trụi, vỡ vụn và hắt ngược lại tấm phản lớn giữa khán đài—một tấm phản bằng đồng đã lâu không được bất kì ai đánh bóng, đang hấp thụ trọn vẹn cái màu vàng ố, cũ kỹ của ánh sáng nhạt nhòa. Không gian nơi khán đài thật rộng nhưng sự rộng lớn ấy chỉ càng làm nổi bật cái lạnh lẽo đến cắt da từ trời tuyết bên ngoài, cùng nỗi cô tịch như một bản nhạc không lời bị lãng quên. Nhớ đoạn tôi quét mắt qua từng đoàn người đang lũ lượt bước vào trong, bản thân lại chẳng nhận ra được mình là ai giữa họ.
Khán đài mở ra như một sân khấu của đời người, với những hàng ghế nối dài, san sát nhau, khác hẳn với sự ấm cúng trang nhã của Paris xa xôi, nó chia thành ba khu vực, tựa như ba tầng địa ngục đời người. Đầu tiên, cái màu vàng rực của tầng lớp thượng lưu— của những linh hồn lấp lánh nhưng lạnh lùng và rỗng tuếch, đập vào mắt tôi sự khinh miệt đặc trưng của những kẻ mang dòng máu xa lạ. Họ ngồi ở trung tâm, chỉ khoảng mười ghế, nhưng chật kín. Vẻ mặt của họ là sự kết hợp kỳ lạ giữa thờ ơ và kiêu hãnh, như thể thưởng thức nghệ thuật chỉ là món tráng miệng nhạt thếch sau bữa tiệc xa hoa. Tôi lặng người tự hỏi, có phải chính nơi đây chứ không phải Nhà hát Trung tâm, mới là chốn họ ưa thích? Nhớ lại cái vở diễn tình yêu đầy đau thương trên đất Pháp mùa thu nào vừa đi qua, khi khán đài trống vắng đến mức một kẻ lang thang cũng có thể lẻn vào, lòng tôi bỗng nghẹn lại, như thể mình vừa bước nhầm vào một thời khắc đã mất. Hoặc tôi đã bỏ quên điều gì đó quan trọng khi trốn chui trốn nhủi một tháng qua đi, hoặc tôi là kẻ mãi lẩn quẩn trong cái quá khứ không bao giờ thoát được. Thầm thở dài, tôi lại nhìn đến nơi cạnh bên vùng đất quý tộc.
Khu vực cánh phải cùng màu xanh thẫm của tầng lớp trung lưu, nơi nghiêm cẩn được coi là một loại mỹ đức và cái mùi tri thức như sương khói bao trùm không khí vốn không hề logic và trí tuệ. Những con người này, kẻ thì mang ánh mắt phán xét, kẻ thì ôm trong lòng thứ kiến thức khô khan đến lạnh lẽo. Họ là những vị thánh của lý trí nhưng đồng thời cũng là những kẻ mù lòa trong cảm xúc—những di tích sống của thời đại hậu chiến, nơi nhân tính bị bào mòn để đổi lấy sự tồn tại. Tôi cười nhạt, món vũ khí hình người gây ra bao khổ đau cho nhân loại nay lại vui vẻ thưởng thức cái mà họ miệt thị cả đời. Con người đúng là chẳng bao giờ thay đổi, vẫn là cái tôi và những lời dối trá đáng thương. Và cuối cùng, nơi tôi thuộc về, khu vực phía sau rộng lớn nhưng khó thở với màu đỏ rượu sẫm như dòng máu chảy ra từ những vết thương không bao giờ liền miệng. Đây là chốn của tầng lớp thất bại, nghèo đói, và vô vọng—những linh hồn không còn sự sống mà chỉ còn lại cái xác trơ trọi vật lộn với một cuộc đời đầy dẫy bi thương. Họ ngồi đó, lặng lẽ nhưng không cam chịu, như một sự thách thức câm nín dành cho cả thế giới. Nghẹt thở đến rợn người. Tôi tự hỏi, liệu có ai trong số họ từng mơ về một thứ gì đó tốt đẹp hơn, hay chính tôi cũng đang trở thành một phần của họ—bị vùi lấp bởi thực tại mà chẳng thể thoát ra. Những ánh mắt, những màu sắc, tất cả như hòa quyện lại thành một bản giao hưởng của nỗi buồn và sự trào phúng. Nhà hát, trong sự tịch mịch của nó, chẳng khác gì một bức tranh biếm họa của xã hội—lộng lẫy mà mục ruỗng, hào nhoáng mà bất lực, tồn tại chỉ để nhắc nhở người ta rằng họ đang sống trong một bi kịch mà chính họ không cách nào thoát khỏi. Và tôi, một khán giả bất đắc dĩ, chỉ biết ngồi đó, lặng lẽ lắng nghe bản nhạc đời người chơi mãi không ngừng, từng nhịp từng nhịp đưa tôi về với cái hố sâu của sự tuyệt vọng. Đến cả nơi đây mà chúng tôi vẫn như những con cừu bỏ trong lao, bị người đời nhòm ngó và chỉ trích chỉ vì chúng tôi vô hại và bất lực. Dẫu cho chiến thời hay hậu chiến, những tâm hồn vẫn bị mổ xẻ thể như mang trọng tội. Tôi ngắm nhìn những con người giống tôi và lách qua họ, tôi chẳng muốn bản thân sẽ khổ đau như thế.
Chọn cho mình một góc khuất ở tận sau cùng bên cánh trái. Nơi đây, tất cả đều là những con người như tôi—một kiểu ăn mặc xơ xác, một kiểu tầng lớp bị thế giới lãng quên, hoàn toàn bị ngăn cách khỏi hai khu vực còn lại bằng một hàng rào kim loại màu đồng. Hàng rào ấy được quấn chặt ruy băng, trông có vẻ hào nhoáng, như một lời nhạo báng được đánh bóng kỹ càng. Chúng tôi, những kẻ thất bại, những linh hồn lang bạt bị vây kín trong cái khung sặc sỡ ấy, chẳng khác nào những con chim đang được bày biện trong lồng son để chờ đến giờ hành quyết. Một nhà tù của cái đẹp, nơi mà vẻ ngoài chỉ càng tô đậm thêm sự nghiệt ngã của số phận. Tôi nhìn quanh, thấy những gương mặt khắc khổ—những người nghèo đói, những kẻ tha phương, những linh hồn lưu lạc, tất cả như cùng rủ rê nhau đến đây để nhìn ngắm thế gian lần cuối. Một sự tập trung bất đắc dĩ, nơi không một ai quen ai nhưng tất cả đều chung một ánh mắt: ánh mắt của những kẻ đã biết mình không còn gì để mất. Và khi cả thế giới ngoài kia sụp đổ, ngay cả trong cái không gian cuối cùng này, chúng tôi vẫn bị chia rẽ—chia rẽ bởi những lớp ruy băng lộng lẫy nhưng trơ trẽn, chia rẽ bởi một trật tự xã hội đã mục ruỗng đến tận cùng, nhưng vẫn cố níu lấy chút vinh quang giả tạo. Quả là ở thời nào đi nữa thì con người vẫn mãi một màu sắc, cái tôi vững chãi và sự chia rẻ đồng loại vẫn luôn tồn tại trong từng thế hệ loài người. Đôi khi tôi nhìn lại, vài lúc tôi tự nghĩ phải chi tôi không trở thành một con người thì thật may.
Tôi ngồi xuống, lặng lẽ như một chiếc bóng và khi vừa chạm vào ghế, bên cạnh vang lên tiếng thút thít của một đứa trẻ sơ sinh. Nó vùi mặt trong lòng mẹ, đôi vai nhỏ bé run rẩy như thể đang cảm nhận được toàn bộ nỗi đau của thế giới. Người mẹ chẳng nói gì, chỉ ôm chặt lấy đứa bé, ánh mắt trống rỗng như một kẻ đã đi qua cơn bão mà quên cả cách cầu xin sự cứu rỗi. Tiếng khóc ấy, yếu ớt mà sắc lạnh, cắt ngang bầu không khí tịch mịch của căn phòng. Nó như tiếng chuông báo hiệu, thông báo rằng khâu chuẩn bị cuối cùng của vở kịch đã hoàn thành. Tôi ngẩng đầu, nhìn về phía sân khấu. Bức màn nhung dày nặng vẫn chưa được kéo lên, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ ràng: thứ đang chờ đợi sau đó không phải là một vở diễn, mà là sự phán xét lạnh lùng và không chút khoan dung của số phận. Và tôi, chỉ là một khán giả vô danh, mắc kẹt trong trò hề bi thương của một kiếp đời chẳng có lối thoát. Liệu kết cục của bức tranh trên sân khấu có hệt như những gì tôi đã đoán hay nó sẽ được đấu tranh để thay đổi, xé toạc Shakespeare đi, hãy khiến lão ta biến mất vĩnh viễn. Những suy nghĩ đau đáu cứ chạy dọc ngang, một vị khách đến và đập tan mọi sự mơ hồ.
“Chúng tôi ở đây để xoa dịu. Một lời nói dối đẹp đẽ, chẳng phải sao? Nhưng dù vậy, chúng tôi vẫn muốn xoa dịu và tôn vinh—một điều kỳ lạ mà chỉ loài người mới có thể làm được. Rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nghiệt ngã nào, con người ta vẫn sống, vẫn gắng gượng tồn tại, như thể đó là bản năng cuối cùng không thể bị cướp đi.
Chào mừng quý vị đã đến đây hôm nay. Hãy để tôi dẫn lối, cùng quý vị bước qua những phân khúc vừa xé lòng vừa thấm đẫm nhân tình, nơi bi kịch và vẻ đẹp hòa quyện một cách cay đắng nhưng đầy văn minh.
Đây là Othello, kiệt tác vượt thời gian của kịch gia lừng danh William Shakespeare—một vở diễn không chỉ xuất thần, mà còn phơi bày trọn vẹn bản chất yếu đuối và vĩ đại của con người.”
Người dẫn chương trình tự phủ cho mình một vẻ lịch lãm gượng ép, mái tóc vuốt ngược dựng cao bằng sáp bóng lộn, như một bức tượng sáp sống động nhưng vô hồn. Khuôn mặt đầy đặn của ông ta nở một nụ cười kỳ quặc, rộng ngoác và gượng gạo như thể đó là một lớp mặt nạ mỏng manh được dán tạm lên. Mọi ánh đèn đều đổ dồn về phía ông ta, rọi sáng từng đường nét nhẵn nhụi trên bộ vest đen đính những viên đá lấp lánh trông như hàng cao quý lộng lẫy. Nhưng tôi biết rõ, tất cả đều là đồ rởm. Một sự giả tạo được phô trương không chút ngượng ngùng.
Tôi tựa lưng vào ghế, màu đỏ thẫm của nó như len lỏi, phủ kín vai tôi, bao bọc tôi trong sự êm ái tạm bợ của một chiếc ghế dành cho tầng lớp dưới đáy. Tôi cố phớt lờ âm thanh cọt kẹt mỗi khi mình di chuyển, giả vờ như không để ý lớp da bọc đã bong tróc, để lộ đệm bông rơi vãi dưới chân. Tất cả, tôi tự nhủ, chỉ là một ảo giác—một lời thì thầm từ thực tại mà tôi nhất quyết không nghe. Nhắm mắt lại, tôi hít một hơi dài, gắng tìm một chút yên tĩnh giữa sự hỗn loạn âm thầm trong đầu. Rồi đèn tắt. Màng nhung dày nặng buông xuống chấm dứt ết thảy tiếng rì rầm lặng lẽ của khán giả. Khi tôi mở mắt, một luồng ánh sáng đã kịp dựng nên một khung cảnh mới: một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy nhưng xa vời, đứng đó như một giấc mơ chỉ vừa chạm đến. Hai bóng người bước ra từ ánh sáng ấy, những cử động của họ như tan vào không gian, kéo theo mọi ánh nhìn về phía họ. Vở kịch đã bắt đầu. Tôi ngồi đó, lặng lẽ như một chiếc bóng, để mặc cho bản thân bị cuốn vào trò diễn mà tôi chẳng biết liệu mình có đủ sức để cảm nhận hay không.
“Khục.”
Âm thanh khô khốc vang lên khi tôi khuỵu xuống, tay vịn lấy mép bệ nước lạnh toát. Cả người tôi rung lên, tưởng như dạ dày đang quặn thắt và muốn trào ngược tất cả những gì còn sót lại bên trong ra ngoài. Nhưng tôi biết, đây không phải lỗi của thứ đồ ăn hàng rẻ tiền tôi lót dạ ban sáng, cũng chẳng phải cơ thể đột ngột nổi loạn chống đối. Không, đây là thứ khác. Một cảm giác trào ngược, nhức nhối tận sâu thẳm ruột gan, khiến tôi chỉ muốn bỏ chạy khỏi mọi thứ. Và thế là tôi đã thật sự bỏ chạy, rời khỏi cái không gian đậm mùi bi kịch kia, nơi những ánh đèn vàng nhạt cứa vào ánh mắt đã quá đỗi u tối nơi tôi. Tôi chẳng rõ mình đang trốn khỏi điều gì—có lẽ là khỏi chính bản thân hoặc là hình ảnh nơi em. Nhưng tôi biết một điều: ánh nhìn đó, khung cảnh đó, tất cả như một con dao nhọn xoáy sâu vào tâm trí, để lại vết cắt đau đớn và lạnh lẽo không thể vá lành.
Ai rồi cũng phải chết. Một chân lý phũ phàng, lặp lại trong từng lời thoại, từng cái kết của những vở diễn kinh điển. Hamlet, Romeo và Juliet—tất cả đều ngã xuống theo những cách riêng, bi thảm nhưng gần như có thể đoán trước. Nhưng Othello… Othello lại khác. Một sự khác biệt đáng sợ, khủng khiếp hơn cả. Không chỉ là cái chết, mà là sự sụp đổ của tất cả những gì con người từng cố gắng giữ gìn. Và em, Desdemona ấy, mang tất cả hòa vào hỗn chiến.
Tôi cúi đầu, cảm giác nước lạnh thấm dần qua tay, nhưng nó chẳng thể làm dịu đi cơn hoảng loạn mơ hồ trong lồng ngực. Ai rồi cũng phải chết, tôi nhắc lại trong đầu, như thể câu nói ấy có thể khiến tôi thôi run rẩy. Nhưng không, nó chẳng giúp gì. Và tôi nhận ra, thứ khiến tôi muốn bỏ chạy không phải là cái chết, mà là cách nó được vẽ nên, như một chiếc bẫy, đẹp đẽ và đầy tàn nhẫn. Tôi uất nghẹn, cảm giác như bị bóp nghẹt bởi chính những hình ảnh đang không ngừng lặp lại trong đầu, một vòng xoáy không lối thoát. Chúng dày vò tôi, tràn ngập mọi ngóc ngách của ký ức, như một bộ phim bị tua đi tua lại không ngừng. Cảm xúc sống động đến mức tôi thề rằng em đã chết, ngay giữa lòng sân khấu ấy, giữa ánh đèn vàng nhạt chết lặng của thứ nghệ thuật khắc nghiệt. Em đã chết, bị giết, tự vẫn và giết người. Em chết, tôi cũng chết.
Khi tất cả những gì tôi tin tưởng đều bị phá vỡ, và em thực sự ngã xuống như một diễn viên buộc phải làm tròn vai, tôi chợt nghĩ, trong khoảnh khắc đó, một phần nào trong tôi cũng đã chết. Ruột gan quặn thắt, không chịu yên, như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Cơn đau dâng tràn, không tìm được lối thoát, cuối cùng trút sạch qua cơn nôn mửa chẳng thể kiềm nén. Tôi cắm mặt vào bệ nước lạnh buốt, mặc cho cảm giác tê tái nơi môi và tay chân, tuôn ra tất cả những kinh hãi, những tuyệt vọng không thể diễn tả thành lời. Đáy mắt tôi chợt ánh lên một điều gì đó—à, phải, là sự hoảng loạn. Như thể tôi vừa nhìn thấy điềm báo cho một tai họa không thể tránh. Mặc kệ mọi thứ chỉ là một vở diễn, nhưng nó chân thực đến mức tàn nhẫn. Em đã khác, cách em dần biến mất khỏi thế giới này, từng chút một, như một bóng hình tan biến trong sương mù, ngày càng rõ ràng và không thể phủ nhận. Em đã thật sự chết sao em ơi?
Trong đầu tôi lúc này chẳng khác gì một mớ bòng bong. Những ý nghĩ hỗn độn cuộn trào, va đập vào nhau, rồi đột ngột lặng yên, như thể chưa từng có gì xảy ra. Tôi cảm nhận được đôi tay mình đang run lên, bấu chặt lấy bệ nước đến mức những khớp tay trắng bệch, như muốn bóp vỡ nó ra và khiến mạch máu nổ tung, tuôn trào. Nhiệt lạnh từ kim loại thấm vào da thịt, lan khắp cơ thể, hệt như cái lạnh buốt giá đang thấm vào tận cùng linh hồn tôi. Như cái nhìn cuối cùng khi em ngã lăn ra đất, khi em chết, khi Desdemona biến mất khỏi trần đời.
“Khủng khiếp thật,” tôi thì thầm, như thể câu nói ấy có thể xua tan được cơn ám ảnh đang bám riết lấy tâm trí. Màu đỏ của máu, cuối cùng cũng xuất hiện. Sắc đỏ ấy, sống động và dữ tợn, đột ngột nhảy múa trong mắt tôi, đánh bật mọi lý trí còn sót lại. Đột nhiên, bên mắt trái đau buốt, một cơn đau như thể có ai đó cầm đinh đóng sâu vào vết thương cũ, vết thương của ngày bom đạn để lại trong tôi. Tôi đưa mắt nhìn xuống đôi bàn tay mình—chúng vẫn đang run rẩy. Từng sợi gân xanh nổi rõ, như phơi bày nỗi sợ hãi không thể che giấu. Những cảnh tượng, từng phân đoạn của vở diễn lại lướt qua đầu tôi, bóp nghẹt trái tim đang đập một cách gấp gáp. Tôi lắc đầu nguầy nguậy cố gắng phủ nhận, cố gắng xóa nhòa cảm giác tê dại đang gặm nhấm từng thớ thịt, từng sợi dây thần kinh. Như một kẻ bị truy đuổi, tôi đẩy mạnh cánh cửa gỗ tối sậm, bước ra bên ngoài về lại nơi ánh sáng nhạt nhòa đang le lói. Nhưng ánh sáng ấy dù mang danh là ánh sáng ban mai lại chẳng đủ sức để soi rõ bất kỳ điều gì. Mọi thứ ở đây, mọi thứ bên trong cái nhà hát này đều bị một thứ bóng tối mịt mờ bao phủ. Thứ bóng tối ấy, đậm đặc và nặng nề như một chiếc lưới vô hình siết chặt lấy tôi, buộc tôi phải đứng lại, phải ngẫm nghĩ, phải đối mặt.
Tôi lặng người giữa những khoảng không tĩnh mịch, nơi âm thanh dường như đã bị nuốt chửng hoàn toàn. Suy nghĩ về em, về cách em ngã xuống, về máu đỏ thẫm tràn ngập sân khấu, cái sắc đỏ tựa hoa sơn trà nở rộ giữa mùa đông. Lần nữa, hình ảnh đó hiện ra, như một vết dao cứa sâu vào tâm trí, không ngừng, không dứt, để lại tôi với nỗi ám ảnh mà chẳng một thứ ánh sáng nào có thể xóa nhòa. Tôi đứng lặng, bị ghim chặt vào cái không gian mơ hồ nơi ánh sáng và bóng tối giao thoa. Nhìn xuống bàn tay mình, tôi thấy nó bị chia cắt làm đôi—nửa vùi trong sắc vàng nhạt của ánh sáng le lói, nửa kia chìm khuất trong màn đen tuyền dày đặc. Tựa như chính tôi, một kẻ lạc loài nơi đất Pháp, bị mắc kẹt ở đây và sẽ không thuộc về cái gì là tốt hay xấu, chỉ đơn giản tồn tại trong khoảng không chẳng có tên gọi. Tôi im lặng như thể đang đợi điều gì đó. Chờ đợi khoảnh khắc những tiếng vỗ tay bùng nổ vang rền, xuyên qua từng lớp vách tường nặng nề vã giúp tôi phá vỡ cái tĩnh mịch đang vây lấy nơi này. Nhưng tôi cứ đứng đó, chờ mãi rồi lại chờ mãi. Chẳng có một âm thanh nào phát ra, chẳng một tiếng động nào phá tan cái khoảng lặng đến ngột ngạt này.
Thời gian như ngừng trôi, hoặc có lẽ chỉ tôi là người bị mắc kẹt, không thể bước tiếp, không thể quay lại. Sự im lặng bao phủ mọi thứ, nhấn chìm tôi sâu hơn vào cảm giác cô độc và mơ hồ.
Bàn chân tôi chạm đất, nhịp từng bước trong sự im lặng dày đặc như thể cố tình khuấy động nó lên để ngân vang thành một điệu nhạc không lời—điệu nhạc của những oan hồn lạc lối. Tôi bước đi, từng bước nhảy múa không có giai điệu, không nhạc nền, cũng chẳng có mục đích. Mỗi bước chân nặng nề đơn độc vang lên trên nền đất lạnh lẽo, kéo dài âm hưởng cô độc trong không gian chật hẹp của hành lang tối tăm – nó nối liền với khán phòng rực rỡ bằng một căn phòng nhỏ xa xăm, im lìm như bị bỏ quên. Từng nhịp bước lẻ loi của tôi chồng lên nhau, tạo thành âm thanh đơn điệu, nhưng rồi, chúng đột ngột hòa quyện với một nhịp đôi lạ lẫm, dồn dập. Tôi khựng lại, cảm nhận được những bước chân xa lạ đang chồm tới, đe dọa chôn vùi tôi xuống vực sâu vô hình. Tiếng bước chân ấy càng lúc càng gấp gáp, như muốn xé toạc màn im lặng, đuổi theo chính tôi hoặc chính bản thân nó. Rồi một âm thanh khác vang lên, xột xoạt kì quái, ngay sát bên tai tôi, ngay phía bên kia vách tường. Tiếng cãi vả bất chợt nổ ra, rít lên như một lưỡi dao sắc, kéo tôi trở lại hiện thực. Đó là giọng của hai gã đàn ông đang dần xé toạc không gian u tịch của hành lang. Họ đang tranh cãi ở phòng chờ bên cạnh, căn phòng của những diễn viên từng suýt chạm đến đỉnh cao danh vọng.
Tiếng động ấy làm tôi chùn bước. Lặng yên, tôi cố lắng nghe, nhưng cũng chẳng rõ mình muốn nghe điều gì—hay muốn tránh khỏi điều gì. Chỉ biết rằng mỗi lời nói, mỗi tiếng vang ấy đều như một lưỡi dao cắt ngang màn u tối đang phủ trùm lấy tôi.
Âm thanh ấy, cái âm thanh du đãng, rít lên từng đợt như một lời thì thầm từ địa ngục, lướt qua vách tường xám lạnh, chui vào tai tôi khi tôi tựa mình vào cái vách ngăn tạm bợ, mong tìm chút yên ổn trong không gian hoang vắng này. Mỗi hơi thở hổn hển, mỗi tiếng xỉa xói, xấu xa, như vết mực loang đầy không gian vốn đã quá tĩnh mịch. Hai gã đàn ông, những âm thanh quái dị từ họ, đổ về tai tôi như một dòng chảy không dứt. Sự va chạm cơ thể ấy, cái thứ dục vọng cuồng loạn ấy, như một cơn sóng đập mạnh vào bờ, dâng lên choáng ngợp, vỡ vụn ngay giữa lòng tôi. Họ quấn quít lấy nhau vụng trộm trong căn phòng tối đen sau trận cãi vã rộn trời, chập chững yêu đương trong cái sự vùi dập của nhân loại. Cảm giác tò mò dâng lên trong lòng tôi bởi những tiếng thở gấp, họ đang yêu còn tôi thì cô tịch.
Tôi rùng mình, cảm nhận rõ sự xâm nhập của từng đoạn thều thào tỉ tê, từng âm thanh ấy như một vết dao cắt vào lòng, sâu và không thể chữa lành. Tay tôi run rẩy, chân tôi cứng đờ, như thể đôi chân đã bị đóng đinh vào đất, không thể cử động, không thể thoát ra. Những tiếng rên rỉ, tiếng thở dồn dập của họ cứ văng vẳng trong đầu tôi, ám ảnh không thôi. Và dù tôi có cố nhắm mắt, nín thở, chúng vẫn cứ kéo tôi vào cơn ác mộng nhục nhã của con người. Tham vọng nơi họ dâng lên trong không gian khiến mồ hôi lạnh bắt đầu rơi, từ thái dương tôi, chảy xuống trán, rồi lăn dài trên gò má. Mỗi giọt mồ hôi là một sự hối hận, một sự bất lực mà tôi không thể kiểm soát. Tôi nuốt từng ngụm khí khô khan, như thể cái không khí này đã bị thiếu thốn, khô cạn bởi những dục vọng thiêu đốt bên kia vách tường, nơi ấy họ đang chết dần trong chính sự lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Trái tim tôi, nó loạn nhịp theo từng cơn rên rỉ, từng tiếng thở hổn hển, và đầu óc tôi, nó không ngừng xoay vần với những hình ảnh đen tối, những suy nghĩ ghê tởm mà tôi không thể đẩy ra. Những mường tượng tồi tệ, những hình ảnh bẩn thỉu như những bóng ma lởn vởn, chúng đã cắm sâu vào tâm trí tôi, không bao giờ rời bỏ, không bao giờ có lối thoát. Tôi từng nghĩ mình có thể gượng dậy, có thể vượt qua được tất cả. Nhưng rồi, sự thật phũ phàng ập đến khiến tôi nhận ra rằng không có gì có thể cứu rỗi được tôi. Không một lời hứa, không một ánh sáng, không một hy vọng nào có thể xua tan được cái bóng tối này. Nó đã ăn sâu vào tôi, không thể tẩy sạch. Cái bóng tối đó, tôi chính là kẻ tạo ra nó, là kẻ nuôi dưỡng nó trong từng ngóc ngách của tâm hồn mình chỉ vì một khoảnh tò mò yếu đuối. Nó đã trở thành một phần của tôi, bám riết lấy tôi như một vết sẹo không bao giờ lành.
Mỗi bước đi, tôi lại càng cảm nhận được sức nặng của nó, như thể mỗi bước chân là một lần tôi chạm vào vực thẳm. Tôi đã đi quá xa rồi, không thể quay đầu lại cũng không thể tiến lên. Và trong cái tăm tối ấy, tôi chỉ còn lại sự mỏi mệt, sự bất lực, và những câu hỏi không lời đáp. Tất cả những gì còn lại chỉ là cái bóng, cái bóng của chính tôi, đang lặng lẽ vây quanh trong một không gian đầy rẫy những tội lỗi mà tôi không thể nào thoát ra. Tôi muốn chạy trốn, chạy thật nhanh khỏi cái thế giới nồng nặc mùi dục vọng, cái tầng đoạn đầy nhơ bẩn và kinh tởm của loài người. Nhưng chân tôi nặng như chì, mỗi bước đi như bị xiềng xích bởi ký ức mờ ảo. Nơi tôi khao khát trở về không phải thiên đường, mà chỉ là ánh đèn sân khấu, nơi bóng dáng em từng hiện hữu. Tôi muốn lại nhìn thấy em, dù chỉ là một hình bóng vô hồn, vì chính em – hay ít ra là ký ức về em – là thứ duy nhất khiến tôi tồn tại. Nhưng em đã đi rồi, và cái chết của em, phải chăng, chính là bản án chung thân cho tâm trí tôi? Dẫu thế dục vọng vẫn dâng tràn, tôi nghĩ về em khiến nó lại càng nóng phừng phực như ngọn lửa địa ngục đầy sự kinh tởm bao trùm lấy tôi, hình phạt từ Chúa, hình phạt của sự nhơ nhuốc trong tâm trí tôi dần vấy bẩn em. Cơ thể tôi giờ đây như một cái xác không hồn, nóng bừng từ trong ra ngoài, một ngọn lửa hoang dại mà tôi chẳng biết đến từ khi nào. Cảm giác ấy như dòng dung nham chảy xiết trong từng tĩnh mạch, thiêu cháy cả trái tim vốn dĩ đã chết từ lâu. Em len lỏi trong đầu tôi, trong từng hơi thở, từng cơn đau nhức nhối. Giọng hát em – từng dịu dàng như hơi thở của thiên thần, giờ đây chỉ còn là âm vọng méo mó. Ánh mắt em – ngỡ sáng ngời, giờ trở thành cái bóng mờ nhạt như một giấc mơ bị vò nát. Và nụ cười em – ôi, cái nụ cười đó – giờ chỉ còn là một vết khắc đau thương trên tâm khảm tôi.
Tôi đã từng nghĩ mình có thể chạm vào em, giữ lấy em, như đứa trẻ tò mò đưa tay vào ngọn lửa nhỏ. Nhưng ngọn lửa ấy thiêu đốt tôi, để lại những vết sẹo khắc sâu trong tâm hồn, vĩnh viễn không thể lành. Bóng tối, như một tên tình nhân phản bội, ôm chầm lấy tôi, giam cầm tôi trong sự trống rỗng vô biên. Nó không cho tôi tiến, không cho tôi lùi, chỉ vùi tôi sâu hơn vào lòng nó, như thể tôi là con mồi duy nhất mà nó khao khát. Và rồi tiếng rên rỉ quái dị ấy vang lên, kéo dài dai dẳng, như từng cơn sóng dữ dội đập thẳng vào bờ đá tâm hồn tôi. Tiếng rên xé nát cõi lòng, để lộ ra chiếc gương cấm kị, nơi những bí mật mục rữa của tôi đang chờ đợi được phơi bày. Em ơi, cứu lấy tôi! Kéo tôi ra khỏi những thảm gai hoa hồng đầy rẫy sự dối trá. Mật ngọt cũng chẳng khác gì nọc độc, khi từng giọt âm thanh vang lên lại bào mòn đi một phần tâm hồn tôi.
Tôi không biết mình đang bị cuốn vào đâu. Là nỗi đau hay sự mê đắm? Là cơn tuyệt vọng hay sự tò mò? Tôi lảo đảo bước đi, một nửa muốn trốn thoát, một nửa lại như con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng. Cho đến khi cánh cửa ấy đóng sập lại, như cái bẫy cuối cùng. Và gã – cái bóng gớm ghiếc ấy – bước ra từ bóng tối, cười nhạt nhẽo cùng người khác. Gã hớp lấy linh hồn tôi, phơi bày ra thứ sự thật cay đắng nhất, đáng khinh nhất rằng chính tôi là kẻ dấn thân vào cơn hỗn mang này, và giờ đây, chẳng ai – kể cả em – có thể cứu tôi thoát khỏi số phận nghiệt ngã.
Tôi biết gã. Biết rõ đến từng chi tiết, từ dáng hình lẩn khuất trong bóng tối đến giọng nói trầm đục như lời nguyền ám ảnh. Gã quen thuộc với tôi chẳng khác gì em từng quen thuộc – nhưng là một phiên bản méo mó, lệch lạc, như một bức tranh bị kéo giãn đến quái đản. Gã là hiện thân của tất cả những gì tôi muốn quên, nhưng lại không thể dứt ra, như chính cái bóng của em vẫn mãi đeo bám tâm trí tôi. Tôi biết em và gã từng chung một câu chuyện, một "cuộc tình." Nghe như một vở kịch bi hài rẻ tiền, ngọt ngào giả tạo nhưng lại đầy rẫy những thử thách mỉa mai. Hệt như câu chuyện bố mẹ em từng kể – dịu dàng trong lời nói, nhưng chất chứa bao gian truân khắc nghiệt. Đúng, tình yêu của em và gã, trong mắt người ngoài, là một điệu valse đầy lãng mạn. Nhưng em ơi, liệu em có thực sự biết? Có từng thấy? Có từng nghi ngờ? Tôi tự hỏi, liệu có lần nào em trông thấy hình dáng gã – cái dáng vẻ gọn gàng, chỉnh tề đến kỳ lạ – trong vòng tay của một kẻ khác. Một người khác hoàn toàn em, khác từ ánh mắt đến nụ cười. Người ấy lịch lãm đến mức trông như bước ra từ một câu chuyện cổ tích méo mó nhưng trong vẻ lịch lãm ấy lại hiện rõ sự dối trá lạnh lùng. Gã ôm ấp người đó, như cách em từng ôm lấy gã, và trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra gã chẳng thuộc về ai. Không em, không người kia, và cũng chẳng bao giờ là của riêng gã. Gã là hiện thân của sự phản bội, của mọi lời hứa hão huyền mà người ta vội tin khi trái tim đang say trong cơn mê của đập tình.
Còn em? Em có biết không, hay em chỉ là một diễn viên mù quáng trong vở bi kịch này? Liệu em có từng cảm nhận, trong những cái chạm tay, trong ánh mắt mà gã trao em, rằng em chỉ là một điểm dừng trên con đường mòn của gã? Hay em đã mù quáng ngỡ rằng mình là đích đến cuối cùng? Tôi không biết nữa. Tôi chỉ thấy,\ trong tất cả những mảnh ghép vụn vỡ ấy, em, gã, và cả tôi, đều là những kẻ lạc lối trong mê cung không lối thoát của kiếp đời này. Nhưng lúc này đây khi hai bóng dáng nhập vào nhau, hòa quyện như một thể thống khổ, in hằn trên mặt sàn gỗ đen mun lạnh lẽo, tôi nhận ra có lẽ gã thật sự yêu nhưng lại chẳng phải em đâu em hỡi. Ánh sáng từ sân khấu xa xăm rọi đến, yếu ớt và hờ hững, như thể nó cũng chẳng muốn chứng kiến cảnh tượng này. Thứ ánh sáng le lói ấy không cứu rỗi mà chỉ càng làm nổi bật sự trơ trọi của hai hình hài bị đóng khung trong góc khuất, nơi mà sự thật – tàn nhẫn, trần trụi – đang đợi chực để phơi bày. Ở nơi ấy, trong cái tối tăm ngột ngạt, tôi đứng lặng. Ánh mắt dù cố né tránh vẫn bị kéo vào hình ảnh đang diễn ra trước mặt như một lời nguyền. Một vẻ đẹp méo mó, điên loạn, ngạo nghễ đến mức khiến tôi cười khẩy trong tuyệt vọng. Phải chăng, chính tôi cũng đang hóa điên? Có lẽ cơn điên ấy đã từ lâu âm thầm lan dần vào từng ngóc ngách tâm hồn tôi, rỉ rách như mưa axit ăn mòn mọi ý niệm đúng sai. Đến mức tôi nghĩ rằng trông họ thật đẹp và thật may mắn cho tôi, trong khoảnh khắc như tôi là kẻ đẩy hai người xuống vực, tôi tự nhảy một điệu tango đơn côi ăn mừng.
Bóng tối xung quanh như trào lên, nuốt chửng mọi cảm giác còn sót lại. Tôi tự hỏi trong khoảnh khắc này, ai là kẻ đáng thương hơn? Là tôi – kẻ chứng kiến, hay họ – những hình bóng quấn quýt lấy nhau, bám víu vào thứ gì đó chẳng khác gì hư vô? Tôi cười, một cái cười chua chát và trống rỗng. Vì cuối cùng, mọi thứ đều trở thành trò hề, những tình cảm chắp vá, những vẻ đẹp méo mó, và cả chính tôi – một kẻ tha phương không hơn gì khán giả bất đắc dĩ của một vở bi kịch vô nghĩa. Thứ gì đó trong tôi vỡ ra, tan chảy, nhưng không phải là đau đớn – mà là sự bất lực, sự cam chịu mỉa mai. Phải rồi, cái điên đã lan đến đây, đến cả tôi. Và thật lạ lùng, nó lại khiến tôi thấy nhẹ nhõm như thể nỗi đau đã tìm được cách hóa thành thói quen, còn sự thật thì thôi nhức nhối mà trở nên trơ lì.
Bóng dáng họ quấn quít, như hai con rắn lạnh lẽo cuộn mình vào nhau, in hằn trong đáy mắt tôi – kẻ bất đắc dĩ phải đứng đây, lặng im và ngập ngừng, theo dõi từ bóng tối. Từng cử động của họ, từng ánh mắt trao đi, như một vở diễn bệnh hoạn mà tôi không thể nào dứt ra, dù chỉ trong một khoảnh khắc.
Rồi đến lúc họ hôn nhau. Một cái hôn triền miên, kéo dài như muốn hút cạn mọi sinh khí của thế giới này. Đó là khoảnh khắc cuối cùng trước khi họ chia tay. Một người lẳng lặng bước vào căn phòng mờ tối, còn gã quay lại, về phía ánh sáng từ sân khấu như chẳng có gì vừa xảy ra. Tôi đứng đó, bờ tường lạnh phía sau là chỗ duy nhất tôi có thể tựa vào, và thở dài. Một hơi thở nặng nề, như thể muốn trút đi thứ gì đó đang đè nặng trong lồng ngực, nhưng càng thở ra, nó càng bám chặt hơn. Ký ức sẽ không buông tha. Âm thanh trần trụi của họ, những tiếng rên rỉ, những lời thì thầm không dành cho tôi, vẫn đọng lại, ăn sâu vào từng ngóc ngách trong não, trong tai, trong những miền ký ức không bao giờ bị xóa sạch. Nhưng len lỏi giữa những âm thanh ấy, như một bóng ma lạnh lẽo, là tiếng hát của em. Giọng hát đã từng làm sân khấu rực sáng, giờ đây lại vang lên giữa thinh không như một lời nhắc nhở đầy châm biếm. Em – kẻ đã chết thêm một lần nữa, ngay trên sân khấu rộng lớn ấy, dưới hàng ngàn ánh đèn mà tôi ngỡ là sao trời. Và em, kẻ bị phản bội trong thầm lặng, vẫn ngây ngô cười đùa hạnh phúc như sống giữa cõi vĩnh hằng.
Tôi im lặng để thế giới quanh mình đắm chìm vào sự yên tĩnh giả tạo. Không còn tiếng sột soạc của áo quần bị vứt đi, không còn hơi thở của dục vọng loài người, chỉ còn tôi – trơ trọi và cô độc, bị nuốt chửng bởi khoảng không vô tận. Tôi để mình chìm vào nó, sâu hơn, cho đến khi những tràng vỗ tay ầm ĩ bất ngờ bủa vây, phá tan màn tịch mịch. Tiếng vỗ tay như tiếng sấm rền vang, kéo tôi trở lại. Tôi giật mình. Thì ra đã đến lúc. Thời gian quả thật chẳng bao giờ chờ đợi lấy ai. Tôi phải quay về – trở về khung tù lao mà người đời gọi là "thực tại."
Những hàng ghế quanh tôi đã trống rỗng, dấu tích của một khán phòng từng đầy ắp những hơi thở chờ đợi giờ chỉ còn lại sự im lặng chết chóc. Người ta lần lượt rời đi, kẻ khéo léo chọn bước ngay khi màn hai bắt đầu, như chẳng buồn để tâm đến câu chuyện sắp sửa diễn ra. Kẻ khác, có lẽ tinh ý hơn, lại ra đi vào đúng khoảnh khắc mà tôi cảm thấy ruột gan mình đảo lộn, khi mọi thứ như vỡ òa nhưng chỉ riêng tôi còn mắc kẹt.
Tầng J giờ chỉ còn sót lại vài bóng dáng lẻ loi. Người phụ nữ ở góc khuất, dáng vẻ gật gù như thể ngủ quên, nhưng đôi tay vẫn ôm chặt đứa trẻ, cứ như sợ rằng chỉ cần lơ là thôi, thế giới này sẽ nuốt chửng cả hai. Tôi nhìn nàng, ánh mắt chùng xuống đầy thê lương như đang nhìn chính mình qua một lăng kính méo mó. Nhẹ giọng gọi nàng, tôi dõi theo từng bước chân mệt mỏi của nàng khi rời khỏi khán phòng, nơi ánh sáng đã bắt đầu rụt rè, nhường chỗ cho bóng tối chiếm lĩnh.
Khán đài hình cung trước mặt trở thành sân khấu của những kẻ không bao giờ diễn. Các quý bà, tay trong tay, bước đi với dáng vẻ mệt nhoài nhưng vẫn đầy kiêu kỳ. Những nhóm tri thức, mặt mày nghiêm trang, tụm lại bàn tán, tiếng xì xào về cái chết – một chủ đề họ đã thấu tường, nhưng vẫn cố làm ra vẻ kinh ngạc, như thể mới lần đầu chứng kiến. Tôi quay lại nhìn sân khấu. Những nhân viên lui cui sau tấm mành đỏ nhung, động tác cẩn thận đến kỳ lạ, như sợ bất cứ sơ suất nào cũng có thể làm lộ ra những khuôn mặt đáng lẽ chẳng bao giờ được soi rọi bởi ánh đèn. Họ dọn dẹp, thu gọn từng mảnh vụn của đêm diễn, cố gắng để mọi thứ sẽ không bao giờ còn tồn tại khi ngày mai đến.
Và em. Có lẽ em cũng đang ở đâu đó phía sau tấm mành dày cộp ấy, thì thầm, ríu rít với gã đàn ông đã phản bội em hệt chẳng có gì từng xảy ra. Hoặc có lẽ, em đang đứng đó, mỉm cười cay đắng nhìn tôi từ bóng tối, nơi mà ánh sáng yếu ớt này không bao giờ với tới được. Nhớ về em, lòng tôi lại quặn lên một cơn sóng lạ, thứ cảm giác không tên, chẳng mời mà đến nhưng cũng chẳng chịu rời. Tập thơ nằm im trong túi vải trên vai tôi, như một vật chứng lặng lẽ của những nỗi niềm chưa kịp nói. Hay nó cũng đang run lên, như hiểu được sự cuồng loạn đang tràn ngập trong tôi? Tôi đã suýt quên mất đi nó từ khi vở diễn bắt đầu như cái nặng trịch của nỗi niềm kéo tôi về thứ điều tôi đã bỏ lỡ. À tôi đã muốn đưa nó cho em, một kì tích khi mùa đông đến và thực hiện một lời hứa tôi chắc mẩm em đã quên bẫng mất. Ngay lúc đại não nhắc nhở về thứ xa xỉ mang danh lời nguyện hứa, chân tôi tự dưng bước nhanh, vượt qua khu vực khán đài nơi những cơn sóng người đang dâng lên rồi rút xuống, từng ánh mắt dội ngược về phía tôi như muốn nói một điều gì đó. Nhưng tôi chẳng màng. Tôi lách qua họ, bước liều lĩnh như một kẻ không còn gì để mất, rồi nhảy bổ lên sân khấu trong ánh nhìn vừa bàng hoàng vừa phán xét. Ai đó hét lên, một tiếng rít đầy ngờ vực, gọi tôi là trộm cắp, là kẻ phá rối, nhưng tất cả âm thanh đó trôi tuột khỏi tai tôi. Tôi phớt lờ tất cả, dở cao tấm màn nhung đỏ và lao vào bên trong.
Em. Tôi chỉ nghĩ đến em. Em là điều đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong tâm trí tôi lúc đó. Tôi muốn nhìn thấy em, chỉ một lần thôi, vẹn nguyên trong bộ y phục nhạt màu mà tôi đã khắc ghi từ ngày đầu tiên chạm mặt nơi tiệm sách cũ. Tôi muốn trao tận tay em tập thơ này – những dòng viết về em, nhưng không dám gọi tên em.
Phía sau tấm màn là một thế giới kỳ quái, đầy những âm thanh nghi ngại và ánh mắt dò xét. Có kẻ giật mình, có kẻ vội vã tránh đi, như thể sự hiện diện của tôi là một thứ gì đó ô uế. Tôi chẳng quan tâm. Tôi dáo dác nhìn quanh, tìm em trong từng góc tối, từng ngóc ngách đang phơi bày sau tấm nhung đỏ. Tôi thấy gì? Những đoạn nhà cửa đang dở dang, những khung cảnh được dựng lên rồi lại bị gỡ xuống như đời sống vốn tạm bợ. Tôi lướt qua những tán cây làm bằng giấy bìa, được tô vẽ sơ sài nhưng cố gắng khoác lên mình sắc màu giả tạo của thiên nhiên. Tôi thấy những người, nếu có thể gọi họ là người, khoác trên mình màu xám nhẵn nhụi của sự tẻ nhạt, bận rộn tay chân trong công việc riêng họ và tôi, trong cuộc tìm kiếm chiếc lá phong vàng rực – biểu tượng của kí ức về một mùa thu nước Pháp mà họ sẽ chẳng bao giờ thực sự biết đến.
Nhưng em ở đâu? Trong cái khung cảnh hỗn độn đầy kịch tính nhưng cũng trống rỗng ấy, em chẳng ở đâu cả. Chỉ có tôi, đứng giữa một thế giới đổ nát, ôm trong lòng một tập thơ chẳng ai muốn đọc cùng cảm giác mông lung về sự hiện diện của chính mình.
“Cậu là ai?”
Giọng gã vang lên, nặng như một lời buộc tội vô hình, xuyên thẳng vào không gian ngột ngạt đang đè nén lấy tôi. Gã tiến tới, từng bước chậm rãi như dò đường trong bóng tối, sự dè chừng như ám vào từng động tác. Trong mắt tôi, gã chỉ là một viên đạn đã cháy sạch giữa chiến trường hoang tàn, lớp vỏ đen nhẻm còn sót lại chỉ là tàn tích của một thứ từng có ý nghĩa, giờ đây hoen ố và vô dụng. Những lời gã thốt ra – từng chữ như một giọt độc dược nhỏ vào tai, rỉ xuống sâu thẳm, khiến mọi suy nghĩ trong tôi tan rữa thành tro tàn. Tôi nhìn gã, đôi mắt trĩu nặng những điều mà tôi biết gã không bao giờ có thể thấu hiểu. Nhưng ai biết được? Có lẽ, trong một khoảnh khắc mong manh nào đó, gã đã thấy ánh lửa thù hận thấp thoáng nơi đáy mắt tôi và điều đó đủ khiến gã khựng lại, dù chỉ trong một nhịp thở. Tôi muốn gã biết, muốn gã đọc được những ý nghĩ mục ruỗng và đổ nát đang giằng xé trong đầu tôi. Để hiểu rằng tôi yêu em đến mức nào. Không phải để gã cảm thông, mà là để gã nhìn thấy sự ngu ngốc của tôi và sự ngu xuẩn nơi gã. Tại sao đời tôi và gã lại giao nhau, ngay tại đoạn chỉ vừa kịp đứt này?
Em sẽ không bao giờ biết, không bao giờ hiểu. Em sẽ không nhận ra rằng đôi bóng tình nhân nhảy múa vụng về trong màn đêm u ám ấy không bao giờ là em và gã. Không, em chẳng thuộc về màn kịch tàn nhẫn này. Bóng dáng đó, nếu có tồn tại, sẽ là tôi và gã – hai kẻ xấu xí và méo mó, ôm lấy những điều điên rồ nhất của loài người. Không phải là em đâu, đứa con thơ ngây của thiên đường, người con mà Chúa yêu dấu. Không bao giờ là em.
Dưới chân tôi, cái bóng dài hòa chặt vào mặt đất lạnh lẽo, như thể những chiếc xương vô hình đang giữ chặt tôi tại chỗ, không cho tôi nhúc nhích. Tôi đứng đó, lặng lẽ đối diện với gã, tay siết chặt tập thơ dành cho em – món quà mà tôi biết, sẽ có thể không bao giờ đến tay người mà tôi hằng yêu thương.
Xung quanh, những bóng người khác dần xuất hiện, cũng chậm rãi bước tới như gã, nhưng không một ai nhúc nhích nổi quá một li. Không tôi, không họ, không cả sân khấu phía sau tấm màn nhung đỏ, tất cả như bị chôn chặt vào một thứ bùn lầy không tên. Và trong cái tĩnh lặng nghẹt thở ấy, tôi tự hỏi liệu có ai, dù chỉ một lần, đã thực sự sống trong câu chuyện này? Hay tất cả chỉ là những cái bóng, mãi mãi mắc kẹt trong một bi kịch không có hồi kết.
“Cậu nhà thơ?”
Tiếng em cất lên, nhẹ tựa sợi gió nhưng bén như lưỡi dao xé toạc bầu không khí u ám đang đông cứng. Một âm thanh quá đỗi dịu dàng mà cũng quá tàn nhẫn – giai điệu vang lên giữa tầng tịch mịch, khuấy động mọi thứ tôi đã cố chôn sâu trong vũng lầy của chính mình.
Tôi đứng bất động, như một cái bóng bị níu chặt xuống đất bởi hàng nghìn sợi dây vô hình, những sợi dây quấn chặt lấy đôi chân đã chết cứng trong bùn đen. Nhưng tiếng em, tiếng gọi ấy, như một nhát búa giáng thẳng vào vết nứt trong tâm trí, khiến mọi cảm xúc vốn đã hoang tàn bất chợt vỡ òa. Tôi xoay người, một cách vội vã đến lố bịch, như thể toàn bộ ý thức vừa bị cưỡng ép kéo khỏi cơn mê dài. Và rồi, ở nơi đó em hiện ra – trong bộ tây phục màu cát vàng nhàn nhạt, phảng phất như một ảo ảnh, một mảnh ký ức lạc lõng vừa bị kéo lên từ hư không. Ánh sáng yếu ớt từ xa rọi lên em, thứ ánh sáng nhạt nhòa chẳng đủ để soi tỏ nhưng thừa sức để đốt cháy. Tôi run rẩy, từng ngón tay lạnh buốt như không còn thuộc về tôi nữa. Không phải vì em, không hẳn vì hình ảnh của em, mà vì tập thơ trong túi áo – một vật nhỏ bé nhưng nặng tựa ngọn núi. Nó đè lên trái tim tôi, nóng bỏng và thiêu cháy, như muốn bật tung mọi bí mật đã từng được viết ra, những lời chẳng dám thốt thành tên. Tôi ở đó, vô lực và hoang mang, như một kẻ lạc lối trong màn sương dày đặc. Em đứng đó, tĩnh lặng mà xa vời, như một thực thể vừa chạm tay tới đã tan biến. Tôi chẳng biết mình nên bước tới hay lùi lại, nên phơi bày hay che giấu, nên gọi tên em hay để mặc em trôi qua như một giấc mơ hư ảo. Và cuối cùng, như một bi kịch đã định trước, tôi – kẻ nhà thơ mỏng manh và rỗng tuếch – chỉ biết đứng đó, bất động, lặng lẽ nhìn hiện diện mong manh của em có lẽ sẽ trượt qua đời mình, một lần nữa.
Nhưng em chỉ chôn chân ở đó, đôi mắt lấp lánh e dè như một đứa trẻ bị lạc trong cơn mê của chính thế giới mình – một thế giới kỳ quái không thuộc về em. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ muốn lao tới, vồ lấy em, đưa em ra khỏi cái không gian ngập tràn những sự nhơ nhuốc, kinh tởm, nơi mà từng hơi thở cũng nặng trĩu như một tội ác. Nhưng đôi chân tôi lại run rẩy như thể đất dưới tôi muốn hút tôi xuống, giữ tôi lại. Tôi đứng đó, bất động, chỉ biết nhìn em, kẻ đang từng bước tiến lại gần, nhẹ nhàng đến mức tôi có thể nghe thấy từng nhịp đập trong cơ thể mình, và một thứ gió lướt qua làn da, cứa như mũi dao sắc, cứ cắt dần vào trái tim tôi.
Ánh mắt của em – đôi mắt ấy, màu trà pha đặc quánh, một thứ ma lực được tạo ra để vừa cuốn tôi vào, vừa giam cầm tôi. Em nhìn tôi, chẳng hiểu, chẳng biết, và tôi nhận ra mình chẳng còn gì để nói với em. Em có vẻ ngây ngô như không hiểu được điều gì đang diễn ra giữa chúng ta. Còn tôi, tôi chỉ có thể chìm đắm trong ánh mắt ấy, xuýt xoa trong nỗi nhớ nhung mãnh liệt, nỗi đau đớn đến ngạt thở, tự hỏi liệu tôi có thể, dù chỉ trong một khoảnh khắc, thoát ra khỏi tất cả để giữ em an toàn, giữ em khỏi cái thế giới đen tối này, một thế giới mà tôi không thể bảo vệ em khỏi và cũng chẳng thể tự cứu lấy mình. Nhưng rồi, trong sự im lặng ấy, tôi cảm nhận được tất cả nỗi trừng phạt. Cái im lặng giữa chúng ta giống như một thứ xiềng xích vô hình, trói buộc cả hai. Mỗi bước em tiến lại gần, tôi cảm thấy mình như càng lạc lõng hơn, càng xa vời hơn, và khoảng cách giữa chúng ta, dù chỉ một bước nhỏ, dường như lại vô tận.
“Cậu làm gì ở đây?” Em hỏi, giọng nói nhẹ nhàng như làn gió thoảng nhưng lại như một nhát dao xuyên thấu, khiến tôi nghẹn lại, không thể thốt ra lời. Môi tôi chỉ mấp máy, cố gắn, nhưng không tìm ra từ ngữ nào để đáp lại câu hỏi ấy. Mắt tôi vẫn dán chặt vào em và nơi đôi mắt ngập đầy thứ cảm xúc mà tôi chẳng thể định nghĩa được. Cổ họng như tắc nghẽn, không khí quanh tôi trở nên nặng nề, nặng đến mức tôi không thể thở nổi.
Em nhìn quanh một lần nữa, đôi mắt e ngại và thận trọng, lướt qua gương mặt gã, người vừa hỏi em về tôi. Thời gian như dừng lại trong khoảnh khắc đó. Một giây, rồi một giây nữa, em chẳng trả lời. Chỉ nhẹ nhàng khoác tay lên tay tôi, tay em ấm áp nhưng kiên định, như thể em muốn kéo tôi ra khỏi cái không gian bức bối này, ra khỏi sự kìm kẹp mà tôi không thể thoát.
Em nắm chặt tay tôi, giấu nó một cách kín đáo bên hông, kéo tôi qua đám đông, qua những ánh mắt tò mò và không thiếu phần hiếu kỳ. Nhưng em không bận tâm, em không nhìn lại. Chúng ta len lỏi qua những con người ấy, bước đi vội vã như thời gian và không gian xung quanh không còn tồn tại. Chỉ có tôi và em, và cái lối ngõ tối tăm phía sau nhà hát, nơi mọi ký ức, mọi nỗi đau, mọi sự ngột ngạt từng đè nặng lên tôi giờ đây chỉ còn lại là bóng tối, là những bước chân đang rời xa cái nơi ấy, nơi tôi đã mắc kẹt quá lâu. Em đưa tôi chạy qua từng dãy hành lang dài, mỗi bước chân như kéo tôi xa hơn khỏi những ồn ào và ánh mắt tò mò đằng sau. Chúng tôi ra đến một cung đường vắng vẻ phía sau tòa nhà, nơi tuyết trắng phủ kín khiến không gian trở nên tĩnh mịch đến lạ lùng. Trong làn sương khói mờ ảo thoát ra từ những hơi thở nặng nhọc của em, tôi cảm nhận được sự yếu ớt ấy nhưng âu cũng là một sức mạnh kỳ lạ, mạnh mẽ nhưng không thể nhìn thấy. Dù cho hơi ấm yếu nhợt còn vương lại trên bàn tay tôi dù em đã rời đi từ lâu, tôi vẫn cảm nhận được nó len lỏi qua từng tế bào trong cơ thể, một cảm giác khó tả, vừa xót xa, vừa vỡ vụn.
Tay tôi vẫn giữ chặt tập thơ trong túi vải đeo bên người, món quà mà tôi chưa bao giờ có thể trao cho em. Ánh mắt tôi vẫn hướng về em, nhìn ngắm em trong dáng vẻ ấy, thơ ngây, hỡi thiếu niên chưa tròn mười tám, ngây dại giữa cái thế giới mà em không thuộc về. Khác với tôi, em ngẩng đầu nhìn trời, ánh mắt chìm sâu vào cái màu trắng xóa của tuyết đang phủ kín mọi thứ, khiến không gian trở nên mờ mịt không phân rõ được đâu là đất, đâu là trời. Em để cái màu trắng ấy dẫn đường đến ánh mắt đắm chìm nơi tôi, và rồi, em nở một nụ cười gượng gạo, nhẹ đến mức tôi gần như không thể nhận ra.
Cái nụ cười ấy hệt một dấu chấm buồn bã trong bức tranh đen trắng, tựa như em đang cố gắng che giấu cái gì đó bên trong, cái điều mà em chưa bao giờ và có lẽ sẽ chẳng bao giờ nói ra.
“Không ngờ là cậu đến. Khi nãy có hơi bất tiện nên thật thứ lỗi nếu tôi đột ngột kéo cậu đi thế này.”
Giọng em nhẹ nhàng nhưng có cái gì đó vừa ấm áp lại vừa vội vã, như thể không muốn để lộ điều gì quá rõ ràng. Tôi chỉ đáp lại bằng một câu ngắn gọn, “Không sao,” rồi cả hai chúng ta lại lặng lẽ dời mắt ra khắp không gian xung quanh, cố gắng xóa đi những vết gượng gạo mà cả hai đã tự tạo ra. Không khí lạnh căm, nhưng đâu đó lại có thứ gì đó bối rối, vừa gần gũi lại vừa xa lạ.
Màn đêm dường như đã chập tối dẫu bầu trời vẫn duy trì cái ánh sáng yếu ớt của tuyết trắng, khiến cho mọi thứ như bị mờ đi trong cái không gian lạnh giá. Những dãy sao đen tuyền vẫn kịp lách qua những tầng mây di chuyển chậm chạp, ánh sáng yếu ớt trong màn đêm cũng chẳng thể xua đi sự tối mù của thực tại. Cái không khí mùa đông này, cái sự lạnh lẽo ấy, giống như chính em, che giấu bản thân trong những lớp vỏ hào nhoáng của một diễn viên, một ca sĩ tài ba, chỉ để chôn vùi sự ghê tởm mà em không muốn ai thấy về chính mình.
“À đằng kia kìa.” Em bất ngờ gọi, ngón tay chỉ về phía trước. “Đằng kia vừa hay có tiệm trà còn mở.”
Nụ cười của em, tuy ngọt ngào nhưng cũng đầy xảo trá, nở ra trên môi. Nó như một lớp mặt nạ, dịu dàng nhưng ẩn chứa điều gì đó mơ hồ, khó tả. Tôi nhìn thấy nó, không nói gì, chỉ bước theo em, mơ hồ bước qua từng khúc phố xá đông đúc, vội vã lướt qua những con người không quen biết. Dường như không có gì khác ngoài em và tôi, không có gì ngoài cái sự hiện diện ấy đang trôi qua giữa chúng tôi, với tất cả những khoảng trống chưa nói ra.
Chúng tôi lặng lẽ bước qua những con phố, mỗi bước chân đều như chạm vào một lớp băng mỏng, giữa cái không gian lạnh lẽo đầy âm thanh của mùa đông. Không khí như đặc lại, hơi thở của chúng tôi hòa vào nhau, thoát ra trong những làn sương mỏng, bay lượn rồi tan biến. Em vẫn im lặng, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn tôi bằng ánh mắt có chút gì đó kỳ lạ, như thể đang suy nghĩ về điều gì đó chưa thể thổ lộ.
Cái tiệm trà mà em nói đến, dường như nằm lẩn khuất phía sau những ngôi nhà, thu mình trong một góc phố vắng vẻ. Ánh đèn vàng mờ nhạt lọt qua cửa kính, nhẹ nhàng như mời gọi chúng tôi vào. Em dừng lại trước cửa, không nói gì, chỉ đẩy nhẹ cửa ra rồi quay lại nhìn tôi, một lần nữa nở nụ cười nhẹ.
“Vào không?” Em hỏi, giọng vẫn nhẹ nhàng nhưng có chút gì đó đọng lại ở đầu câu hỏi ấy, như thể một lời mời, một sự thách thức, một khao khát không nói thành lời.
Tôi nhìn em, rồi nhìn vào bên trong tiệm trà nhỏ ấm cúng, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả lại dâng lên. Dẫu không khí lạnh bên ngoài có thể đông cứng tim người nhưng bên trong nơi này lại như một ngọn lửa ấm áp, giống như sự an ủi trong những khoảnh khắc đen tối.
“Vào,” Tôi đáp, không còn nghĩ nhiều, bước chân đã tự động dẫn tôi vào.
Tiếng chuông leng keng vang lên, một âm thanh vô cùng quen thuộc, nhưng cũng đầy thê lương như tiếng cồng cộc của những bước chân rệu rã giữa cõi hư vô. Nó theo tôi suốt cả hành trình này, từ những con phố vội vã của Paris đến đây, nơi không có gì ngoài cái lạnh thấu xương và những khuôn mặt vô hồn, lạnh tanh. Một âm thanh tưởng chừng như vô hại, nhưng lại như một lời nhắc nhở cay nghiệt, nhắc tôi về những điều đã qua, những ký ức giờ chỉ còn là những mảnh vụn, mục nát, lẩn khuất trong đám mây mù của sự mỏi mệt vô vọng.
Em đứng đó, lúi húi tìm bàn, bước đi chậm rãi nhưng lại đầy vội vã, như thể đang cố gắng tìm kiếm một nơi nào đó để ẩn náu trong cái thế giới này, nơi tất cả đều là ảo ảnh. Và tôi, nhìn em từ phía sau, không thể không nghĩ về cái ngày hôm đó – ngày mà mọi thứ còn có thể gọi là đẹp đẽ, khi những câu chuyện tình yêu của người lớn có thể là sự thật, khi ánh sáng chiều tà có thể vẽ nên những giấc mơ ngọt ngào giả dối về quê hương. Nhưng giờ đây, ở đây, trong một tiệm trà xa lạ mà lại quen thuộc đến lạ lùng, ta chỉ còn lại những cuộc gặp gỡ vô nghĩa, chẳng đầu chẳng đuôi, nối tiếp nhau như những vòng xoáy trong không gian mịt mù. Mỗi lần "vô tình" gặp nhau, chúng ta lại tiếp tục dựng lên những câu chuyện không có hồi kết, những lời nói mơ hồ chẳng bao giờ đạt được điểm cuối, giống như cuộc đời này vậy – luôn trôi đi mà chẳng bao giờ đến được đích.
Tôi tự hỏi mình, liệu đây có phải là cái mà chúng ta đã mong đợi? Liệu đây có phải là những gì chúng ta tìm kiếm hay chỉ là một sự dối lừa bản thân để có thể tiếp tục tồn tại qua ngày? Những cuộc gặp gỡ này, những buổi hẹn này, chỉ là những mảnh vụn của một cuộc đời đã chết từ lâu, giờ chỉ còn lại cái vỏ ngoài trống rỗng, không có sức sống, không có mục đích. Mỗi lần nhìn thấy em, tôi chỉ cảm nhận được một nỗi buồn tê tái, thứ buồn không có lí do, không có hồi kết, chỉ là một sự tồn tại vô nghĩa giữa những nụ cười gượng gạo và ánh mắt xa lạ. Cảm giác ấy, không thể nào diễn tả được bằng lời. Đó là một nỗi đau đã ăn sâu vào từng tế bào trong cơ thể, một sự bất lực không ai có thể cứu vớt. Mỗi bước đi của tôi trong tiệm trà này như bước vào một vòng xoáy không đáy, nơi mà tôi không biết mình đang đi đâu, không biết vì sao mình lại tiếp tục di chuyển. Và trong tất cả cái sự trống vắng ấy, em vẫn ở đó, mờ nhạt như một bóng ma, vừa gần mà lại quá xa, như một thứ gì đó chẳng thể chạm vào được. Cả hai chúng ta, cứ tiếp tục đi qua nhau mà chẳng hề nhìn thấy nhau thật sự, cứ như hai kẻ lạ lùng buộc phải tồn tại trong cùng một thế giới không có lối thoát.
Khi tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ cứng ngắc đối diện em, cái ghế tưởng chừng như không thể mang lại một chút ấm áp nào, mặc dù nó được bao quanh bởi không khí ấm cúng của tiệm trà nhỏ bé ấy. Em, với nụ cười gượng gạo và ánh mắt tránh né, nhận lấy tách sữa gừng nóng từ tay vị chủ tiệm – người vẫn giữ được một nụ cười nhiệt thành, một nụ cười mà tôi biết rõ là giả tạo, giống như tất cả những thứ xung quanh. Cái nụ cười ấy chẳng khác gì lớp vỏ ngoài mỏng manh, che giấu những điều tối tăm bên trong giống như cái thế giới này vậy – luôn mỉm cười, nhưng bên dưới lại chỉ có sự trống rỗng, sự mệt mỏi lặng lẽ nuốt chửng tất cả.
Chúng ta ngồi đó, mừng rỡ như thể chúng ta đã đạt được một điều gì đó đáng tự hào, như thể cuộc gặp gỡ này là một thành công rực rỡ, như thể tôi thực sự đã giữ lời hẹn và em thực sự đã diễn vai diễn của mình quá mức thành công. Nhưng tất cả đều là giả dối. Chỉ có cái sự mệt mỏi ấy là thật. Cái mệt mỏi không thể nói thành lời, cái mệt mỏi không phải do cơ thể mà là do tâm hồn. Tôi nhìn vào em và thấy rõ cái nỗ lực của em – cái nỗ lực để gồng mình cười, để giả vờ hạnh phúc, để sống tiếp trong cái vai diễn không có kịch bản này. Cái vai diễn đổi giới mà em đang diễn, chẳng phải là sự giải thoát, mà chỉ là sự tự dối lừa chính mình, như một cái mũi tên bắn vào chính trái tim mình. Và tôi, ngồi đối diện em, không thể không tự hỏi, liệu có thực sự tồn tại một kết thúc có hậu cho những cuộc gặp gỡ như thế này không? Liệu chúng ta có bao giờ thực sự hiểu được mình đang làm gì, hay tất cả chỉ là một trò chơi mệt mỏi mà cả hai chúng ta đều vô thức tham gia, để rồi cuối cùng rơi vào vòng xoáy vô nghĩa ấy. Mỗi bước đi của chúng ta, mỗi lời nói, đều như một cơn gió lạnh lẽo, vỗ về cái vô nghĩa mà cả hai chúng ta đang cố gắng bám víu vào, mặc dù chúng ta đều biết rằng đó chỉ là sự trốn chạy khỏi chính mình.
"Tôi đã vô cùng hồi hộp." Em nói, giọng điệu nhẹ bẫng như thể đang kể một câu chuyện không có gì quan trọng. Hớp một ngụm sữa, em ngước mắt lên, nhìn qua dãy hoa chuông xanh ngoài vách kính trong suốt, lớp sương đêm đã phủ kín mặt kính, mờ mịt dưới ánh đèn vàng vọt – thứ ánh sáng mà mọi người đều cho là ấm áp nhưng lại chỉ càng làm rõ sự lạnh lẽo của không gian này. Cái vẻ mông lung ấy, cái ánh mắt xa xăm không tập trung vào điều gì cụ thể chỉ như một con người đang chìm trong một cái hố vô hình, như thể em chẳng còn tìm kiếm gì nữa, chỉ còn lại sự lạc lõng, vô định. Tay em chống cằm, rồi thỉnh thoảng gõ nhẹ vài nhịp lên mặt bàn lạnh lẽo, những âm thanh ấy vọng lại như những nhịp tim tẻ nhạt trong một thế giới đã quá mệt mỏi để cảm nhận. Đôi gò má em ửng hồng, không phải vì sự ấm áp, mà vì cái lạnh cắt da cắt thịt của đêm đông, còn chóp mũi em lại lấm tấm tàn nhang – thứ dấu hiệu cho thấy em vẫn là một con người, nhưng là con người bị mắc kẹt trong những kỷ niệm của một thời đại đã qua. Cái dáng vẻ ấy, cái nét Á Đông mà tôi từng nhìn thấy trong bao nhiêu con người, những kẻ đã, đang và sẽ nằm xuống dưới lớp đất quê hương, nó chẳng có gì mới mẻ, chỉ là một sự lặp đi lặp lại buồn tẻ. Nó quen thuộc đến mức tôi không thể không cảm thấy ngứa ngáy, như thể mọi thứ đều đã được an bài từ trước. Ôi cái sự bình yên giả tạo cùng cái vẻ ngoài trong sáng, thuần khiết đến mức phản nghịch, khiến tôi không thể không thấy chua xót. Em, dù có muốn hay không, đã là một phần của cái vòng tròn ấy, cái vòng tròn mà mỗi người đều bước vào, rồi sẽ lặng lẽ ra đi mà chẳng ai nhớ đến, chẳng ai quan tâm.
Lòng tôi đau đớn vì cái ám ảnh của ký ức – những ký ức đã cũ, những ký ức mà tôi không thể thoát ra, như một cơn ác mộng không bao giờ kết thúc. Và nhìn vào em, tôi chỉ thấy một sự phản bội khắc nghiệt, phản bội với bản thân, phản bội với những gì em cố gắng che giấu. Em có biết không, em đang sống trong một vở kịch mà chính em cũng chẳng biết hồi kết là gì.
“Cậu cảm thấy vở Othello thế nào? Ổn chứ? Thật sự, đây là một vở kịch khá, à không, rất phức tạp, nhưng tôi nghĩ tất cả đồng nghiệp của mình đã làm tốt.” Em nói, ánh mắt lấp lánh như thể đang chờ đợi một lời khen, một sự công nhận nào đó. Đôi mắt ấy, đầy tự tin, nhưng cũng lén lút phản chiếu sự bất an mà em cố gắng che giấu. Cái nụ cười trên môi em, nhẹ như làn gió, nhưng lại gượng gạo, một thứ nụ cười mà ngay cả em cũng chẳng tin vào chính mình. "Và tôi nghĩ tôi cũng đã phần nào hoàn thành vai trò của mình."
Tôi nhìn em, lòng chợt nghẹn lại, cơn đau trong lòng tôi như thể xé nát từng mảnh. Tôi đã biết em sẽ nói vậy và chính tôi cũng đã chuẩn bị cho những lời nói đó, những lời nói đầy tự mãn, giả tạo, từ một con người đang tự dối lừa mình. Nhưng dẫu tôi không thể giữ im lặng, không thể để sự giả dối này kéo dài thêm thì lời tuôn ra vẫn khác xa lối nghĩ mục rữa trong đầu.
“Không.” Tôi nói, giọng tôi khô khốc, không kìm nổi sự khó chịu. Em ngạc nhiên, ánh mắt thoáng chốc trùng xuống, giống như em tưởng tôi chê trách. Nhưng rồi tôi vội vàng xua tay, làm giảm đi chút căng thẳng trong không khí. “Nó hoàn hảo. Khi cậu chết, cái chết ấy thật sự thuyết phục được tôi.”
Em ngỡ ngàng, đôi mắt mở to nhưng rồi tất cả sụp đổ trong tích tắc. Em cười, một nụ cười không còn chút gì vất vả, một nụ cười như thể đã được giải thoát khỏi thứ gì đó nặng nề.
“Thật quá đỗi may mắn.” Em cười, cái cười ấy thậm chí chẳng có vẻ gì là vui vẻ, chỉ là một sự trào phúng đầy cay đắng. Em nghĩ rằng mình đã toàn vẹn nhưng chẳng hiểu rằng mình đang thua ngay trong chính vở kịch của mình, trong cái vai diễn mà em đã nhập vai quá sâu để rồi trở thành chính nó. Và tôi nhìn em, thấy rõ sự trống rỗng trong nụ cười ấy, nụ cười mà em cố gắng tìm lại cho mình như một sự cứu rỗi nhưng cuối cùng chỉ còn lại là sự trôi qua vô nghĩa, như những ngày tháng vô tận không có điểm dừng.
Em bảo rằng mình may mắn, nhưng thật sao? Em có chắc không? Có phải em thực sự tin rằng mọi thứ chỉ đơn giản là may mắn, như một sự an ủi rẻ mạt mà cuộc sống ban tặng. Nhưng đôi mắt ấy, sao mà buồn đến thế, em ơi, em đã trải qua bao nhiêu chiến trường trong tâm hồn mình, bao nhiêu vết thương không ai nhìn thấy, bao nhiêu cuộc chiến mà em không hề đầu hàng và cuối cùng lại trở thành một con rối bị thời cuộc bẻ cong, bị giết chết ngay trong chính bản ngã của mình. Cái chết của em – có lẽ nó thuyết phục tôi, nhưng cũng chỉ là một lời dối trá khổng lồ. Em và tôi đều đeo những lớp mặt nạ, những lớp mặt nạ vĩnh cửu, giả dối, đối diện nhau như những diễn viên không bao giờ được lựa chọn vai, buộc phải diễn một vở kịch mà cả cuộc đời ép chúng ta phải đóng. Nhưng tôi không thể nói ra sự thật ấy, không thể, chỉ có thể gật đầu, đóng lại một cánh cửa, đẩy em ra khỏi thế giới này, nơi những giấc mơ vụn vỡ để vào một không gian mơ hồ hơn, nơi tôi vẫn giữ khư khư tập thơ đã cũ, rách nát, gần như sắp vụn thành từng mảnh.
"Tôi đã hứa với cậu, khi tôi xuất bản, cậu sẽ là người đầu tiên đọc nó."
Đó có lẽ chỉ là một lời hứa rỗng tuếch đối với em, một lời nói đã bị quên lãng ngay khi thốt ra, trong khi tôi – tôi vẫn giữ nó như một bản án, một lời nguyền mà tôi sẽ mang theo suốt đời. Em nhìn tôi, đôi mắt ngỡ ngàng, phải không? Nhưng làm sao em hiểu được, khi trước mặt em là một kẻ ngưỡng mộ, tôn thờ lấy em như một thánh thần, bởi khi trái tim tôi đã từ lâu không còn ở trong lồng ngực này nữa, nó đã lạc lối, bơ vơ, không còn khả năng quay lại với chính tôi. Em ôm chặt tập thơ trong tay như ôm lấy những mảnh vụn của sự héo úa, của những cỏ dại tàn tạ, một sự đối lập đến xót xa với cuộc sống xa hoa, bóng bẩy mà em đang nắm giữ. Tôi biết, em trân trọng nó hơn cả bản thân mình, hơn cả tất cả những thứ mà em có. Và em không thấy sao? Thật nực cười, khi một tập thơ trống rỗng, vô nghĩa, lại có giá trị hơn cả em – một con người giờ đây chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình, đã bị thế gian này giết chết từ lâu mà chẳng ai hay biết. Thật đáng tiếc cho phận đời của một đứa trẻ, chưa kịp trưởng thành đã phải chết đi, như cách mà tôi vẫn âm thầm viếng ngôi mộ của em, khi em đã vĩnh viễn không còn nữa.
Les champs sauvages te porteront,
Malgré le sang rouge qui danse dans tes yeux,
Malgré les jugements cruels du monde,
Tu demeures belle, dans la couleur des feuilles fanées.
Bài thơ đầu tiên em đọc trong tiệm trà ấy, nơi những chiếc bàn chen chúc nhau như những mảnh vụn trong không gian quá chật hẹp, dưới ánh đèn mờ nhạt lập lòe như muốn tắt, như thể đang gào thét với vũ trụ, muốn buông xuôi tất cả, như tôi đã từng buông xuôi. Bên ngoài, tuyết rơi dày đặc, phủ kín tất cả, bóng tối đã buông xuống từ lâu, và những ngọn gió lạnh căm căm cứ thế vờn quanh, như muốn nhấn chìm mọi thứ vào cái hố vô định không lối thoát. Tiếng nhạc du dương bỗng vang lên, nhẹ nhàng, nhưng sao lại có cảm giác giống như tiếng thở dài của thời gian, kéo dài, kéo mãi, không biết đã bao lâu rồi và có lẽ rằng vĩnh viễn không bao giờ kết thúc.
Giữa không gian tĩnh lặng ấy, bài thơ tôi viết về em, bài thơ mà tôi đã chôn vùi vào lòng mình, lại vang lên. Đó là khi tôi lần đầu nhìn thấy em trong vở Romeo và Juliet, hình ảnh ấy, rõ nét đến mức tôi không thể nào quên được, không thể nào để nó trôi qua. Và giờ đây, khi em lật từng trang của tập thơ cũ mèm, tay em sột soạt trên những trang giấy mỏng dính, tôi cảm giác mình như bị nghiền nát từng chút một, như chính bản thân mình đang bị xé toạc ra bởi những câu chữ đã từng là biểu tượng của vẻ đẹp, của một thứ gì đó thanh cao đã chết từ lâu. Em đọc từng câu, từng chữ, giọng em mềm mại, nhẹ nhàng như không muốn làm xáo trộn cái không gian nghẹt thở ấy. Nhưng tôi, dù có cố gắng quay mặt đi, cũng không thể không tự hào với những gì mình đã viết. Đó là sự tự hào đầy đau đớn, một sự tự hào mà tôi biết rằng mình không xứng đáng có. Những lời tôi viết bây giờ như là những mảnh vỡ, những mảnh vỡ của chính tôi, của những thứ đã từng thuộc về tôi, nhưng giờ đây chúng đã rạn nứt, đã bị bỏ lại sau lưng trong một thế giới lạnh giá, tăm tối. Em đọc mãi, đọc không ngừng, như đang say mê với một thứ gì đó không tồn tại nữa, như đang chìm đắm trong một cơn mê của chính mình, không nhận ra rằng tất cả những gì em đang đọc chỉ là giả tạo, là cái lớp vỏ tôi đã dựng lên để che giấu tất cả những thứ mà tôi muốn quên, tất cả những đau đớn mà tôi không thể nói ra hay những suy nghĩ đen đủi về em.
Và khi bài thơ thứ hai mươi mốt đến, tôi nhìn vào đôi mắt em – đôi mắt đó, giờ đây chẳng còn là ánh sáng nữa, chỉ là cái gì đó mơ hồ, trống rỗng như đang tìm kiếm một thứ không thể tìm thấy. Tôi nhìn vào đôi mắt đó và tôi biết, tôi biết rằng mình đã mất đi. Không phải mất em, mà là mất chính mình, trong những câu chữ đã chết từ lâu, trong những lời nói dối mà tôi đã tạo ra để tự mình trốn tránh.
L'enfant du soleil, éclaire tout le monde,
Un jour radieux, enterré dans le sable froid.
Les fleurs de gosses s’accrochent à ton corps,
Une chanson d’adieu t’accompagne, mais où vas-tu?
Comme la chanson que je danse sous le ciel d’automne,
Les fleurs tombent, les feuilles jaunies tombent partout.
La danse des roses se fane avec la nuit,
Le feu noir brûle, engloutissant toute trace.
Tic tac tic tac, toi et moi dansons,
Sous la lumière jaune et pâle, un plateau déserté.
La chanson triomphale devient un faux hymne,
La danse des fleurs, maintenant un cortège funéraire.
Tu meurs quand je tourne le dos,
Avec ton spectre, l’amour brisé,
Je te rends aux fleurs, au sable, à la pluie,
Je t’enterre dans l’obscurité, là où tout est oublié.
Em trơ mắt nhìn tôi, giọt thủy tinh tràn khỏi hốc mắt sâu hoắm, rơi xuống tách sữa đã nguội lạnh. Bên ngoài bão tuyết đến, lòng tôi đã dần chạm đến tim em.
-Note-
[1] Othello là một vở bi kịch nổi tiếng của William Shakespeare, xoay quanh những cảm xúc mãnh liệt và bi kịch của tình yêu, sự ghen tuông và sự phản bội.
Câu chuyện kể về Othello, một vị tướng da đen tài giỏi trong quân đội Venice, kết hôn với Desdemona, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và trung thành. Tuy nhiên, dưới sự tác động của Iago, một sĩ quan mưu mô và đầy thù hận, Othello bắt đầu nghi ngờ lòng chung thủy của Desdemona. Iago, với những âm mưu tỉ mỉ, lợi dụng sự tin tưởng của Othello để gieo rắc nghi ngờ về mối quan hệ giữa Desdemona và Cassio, một người lính thân cận của Othello. Những lời dối trá của Iago khiến Othello bị cuốn vào vòng xoáy ghen tuông điên cuồng.
Kết thúc của vở kịch là một bi kịch thảm khốc: Othello giết Desdemona vì những hiểu lầm, chỉ để phát hiện ra sự thật ngay sau đó. Trong nỗi tuyệt vọng và hối hận, Othello tự kết liễu đời mình. Iago bị bắt và chờ xét xử, nhưng những tổn thất mà hắn gây ra đã không thể cứu vãn.
[2] Desdemona là một trong những nhân vật trung tâm trong Othello, là hiện thân của sự trong sáng, lòng trung thành và tình yêu thuần khiết. Cô là con gái của một thượng nghị sĩ Venice, là một người đã bất chấp định kiến để yêu và kết hôn với Othello, một vị tướng da đen. Tuy nhiên, sự ngây thơ và lòng tin tuyệt đối của Desdemona trở thành bi kịch khi cô bị cuốn vào những âm mưu độc ác của Iago. Dù bị Othello buộc tội phản bội, cô vẫn nhẫn nhịn và trung thành đến cuối cùng.
Cái chết của Desdemona tượng trưng cho sự sụp đổ của cái thiện trước lòng ghen tuông mù quáng và dối trá, khiến cô trở thành một biểu tượng bi thương của tình yêu và sự hy sinh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top