Chương 1
Khi tiếng dương cầm cất lên, âm thanh da diết nơi nó như xoáy vào tận sâu thẳm tâm hồn, và khi em, bóng dáng từ từ hiện ra phía ngay sau với từng bước chân nhẹ như sương chạm khẽ lên mặt đất. Em tiến dần đến giữa sân khấu, nơi ánh sáng đổ xuống như ôm trọn cả thân hình mỏng manh và dễ dàng tan vỡ. Đôi tay em chậm rãi vung lên giữa trời, một động tác vừa thanh thoát, vừa chất chứa cả một trời hoài niệm. Và khi tất cả bắt đầu. Điểm khúc nhạc dạo lạc lỏng ngân vang, mở ra một câu chuyện không lời, đầy thương nhớ như thể mỗi nốt nhạc đều khắc lên vết đau trong tim những kẻ còn ở lại. Như khắc lên tim tôi từng kí tự tên em và găm thật sâu vào trí nhớ tôi, giọng nói của em, ánh mắt em và toàn bộ những thứ thuộc về.
Tôi ngồi lặng lẽ ở một góc tầng J trên khán đài hình vòng cung, giữa những dáng hình quý phái và lịch lãm đang chậm rãi tận hưởng một vở kịch nhạt nhòa, mở đầu cho đêm trình diễn lộng lẫy nơi Nhà Hát Trung Tâm. Không ai hay biết, lòng tôi khi ấy trống rỗng, chỉ tồn tại như một kẻ lạc loài giữa đám đông. Cảm giác nghẹt thở cuộn lấy tôi, ôm chầm lấy trí óc tôi trong tiếng nhạc run dài. Em đẹp giữa tấm mành màu trà héo úa, giữa chiến trận trên khoảnh sân khấu vỏn vẹn vừa đủ một ánh nhìn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy em, ánh sáng mờ ảo phủ đầy sân khấu, em hiện lên trong vai người lính trẻ và in chặt cái bóng lẻ loi giữa chiến trường ngổn ngang nào giáo nào gươm. Đoạn em ngã xuống khi vai diễn vừa cạn, tiếng khóc em vỡ òa như xuyên qua lớp màn kịch, chạm đến một nơi sâu thật sâu trong tôi. Lòng bỗng nghẹn lại. Khoảnh khắc đó, tôi biết, phải chăng là lần đầu trái tim tôi tìm thấy em?
Rồi tôi nhớ, ngày tôi đặt chân đến bến tàu Paris, trời lạnh buốt đến tê tái. Gió quất vào mặt, nhưng nỗi cô đơn còn lạnh lẽo hơn. Phải chăng mọi chuyện đều bắt đầu từ đó, từ cái ngày Paris đón tôi bằng hơi thở lạnh giá, giá mà em biết, giá mà em hay thì đôi ta đã không thế này.
Tôi từng là một kẻ buôn thơ trong một con hẻm nghèo, những câu chữ rơi ra từ miệng tôi chỉ để đổi lấy chút niềm vui ngắn ngủi cho lũ trẻ con và những người dân lam lũ. Mấy đồng xu sứt mẻ lăn vào chiếc nón cũ kỹ, truyền từ đời cha đời chú, rồi cũng mau chóng biến mất nếu tôi mải miết theo những vần điệu của chính mình. Thơ ca, với tôi, là thứ duy nhất còn lại giữa cơn đói và giá rét. Thơ ca, cùng tôi đi qua những tháng ngày chẳng ai chở che. Và thơ ca, đưa tôi đến nơi Paris phồn vinh bằng một cái tình cơ. Và nhờ nó, tôi tìm thấy em, người giết trái tim tôi ngay khúc hát đầu và cũng là người vứt bỏ thân thể vốn đã chẳng ai cần lấy. Và em biết không, cái ngày tôi đặt chân đến đây, đời tôi đã đổi thay.Không còn những mẩu bánh mì khô cứng, chẳng còn những đêm co ro dưới sương giá, cũng không còn nỗi sợ mỗi lần cuối tháng gõ cửa. Tôi đã đến Paris, thành phố của ánh sáng và nghệ thuật, sau hai mươi năm ròng rã sống giữa nghèo đói và khốn cùng. Hai mươi năm chỉ để dệt nên những vần thơ xoa dịu trái tim người khác, trong khi trái tim tôi chưa từng được an ủi bởi ai.
Tôi đã trốn chui nhủi trong mấy thùng hàng - những thùng chẳng ai buồn kiểm tra, từ một miền đất xa xôi nơi phương Đông đến đây - cái xứ sở phồn vinh lãng mạn. Và ở nơi này, nơi của thơ ca và mộng tưởng, tôi đã gặp em. Em biết không, cái ngày đó tôi nhận ra, tất cả những đau khổ của đời tôi chẳng qua chỉ để dẫn lối cho khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc tôi nhìn thấy em. Khoảnh khắc tôi nghe em hát, đoạn em xoay người và hướng về sự tuyệt vọng của chàng trai ôm đầm màu xanh tuổi trẻ khắc họa qua từng câu em hát, từng khúc giọng run. Ám lên không gian một cơn thở dài não nề của khán giả, em ơi, em thành công rồi.
Ngồi đây, trên tầng J, tôi lặng lẽ nghe em hát. Giọng hát ấy vút lên, dịu dàng mà cũng mãnh liệt, như mang theo cả một bầu trời mơ mộng và khát khao. Em hẳn là một ca sĩ tài năng, là cậu thiếu niên tươi trẻ, tràn đầy sức sống mà tôi chỉ dám tưởng tượng qua những nét phác trong tâm trí mình. Tôi ngồi đó, đoán mò về em, rồi viết vài dòng nguệch ngoạc trên mảnh giấy vụn khi tấm mành sân khấu hạ xuống, nhường chỗ cho vở nhạc kịch chính của buổi tối – Romeo và Juliet.
Dans l’innocence, la neige d’hiver m’enlace,
La nuit étreint des rêves lointains et fugaces.
Ô douce chanson, murmure qui s’efface,
Tes yeux se teintent de sang dans leur grâce.
Kinh điển. Đau thương. Bi hài. Một câu chuyện mà tôi chỉ biết đến qua những lời kể vụn vặt của những con người xa xứ trở về - những kẻ đạt đỉnh thành công và buồn chán lối sống an toàn. Tôi chưa bao giờ có cơ hội được xem nó, dù ở bất kỳ nơi nào kể cả trong miền tự do của tâm trí. Làm sao mà tôi, một kẻ xuất sắc nhưng nghèo khổ, có thể bước vào thế giới của những vở kịch được dựng từ vàng nung và châu báu? Làm sao mà tôi, một kẻ lang thang vô công rỗi nghề, được nếm trải bữa tiệc xa hoa của lời ca và những điệu múa huy hoàng? Tôi tự hỏi biết bao nhiêu lần như chẳng hề tin vào thứ mình thấy hay lời mình nghe. Nhưng hôm nay đây, ngay chính giờ phút này, ngồi trong bóng tối mờ ảo, trái tim tôi bỗng ấm lên một cách kỳ lạ. Không phải vì ánh đèn chói lọi, cũng không phải vì tiếng vỗ tay rào rào của khán giả. Mà vì em. Một sự hiện diện mơ hồ nhưng mãnh liệt, như thể em và giọng hát của em là lý do duy nhất khiến tôi có mặt nơi Paris này. Chỉ để ngắm nhìn em, và chỉ duy nhất mỗi em.
Em lại xuất hiện rồi, lần này trong vai Romeo. Kết thúc vở kịch mở màng nhàm chán làm tiền đề cho câu chuyện đặc biệt ngay phía sau, em ở bên trong một nhân vật khác, hóa từ chàng lính thành đứa trẻ ngây dại vì tình. Chàng Romeo nhỏ bé với mái tóc vàng rực, óng ánh như ánh nắng chiều tà. Tôi biết, màu sắc ấy không tự nhiên mà có. Nó được tạo ra từ những lớp thuốc nhuộm, có lẽ chẳng an toàn gì như một sự hy sinh lặng lẽ để hóa thân hoàn hảo vào vai diễn. Em đã bỏ qua những gì để đánh đổi tương lai nơi này, em đã bỏ đi bao nhiêu phần trong em. Khi nhìn vào đôi mắt em, đôi mắt mang dáng hình phương Đông, tôi bỗng nghẹn lại. Em không thuộc về nơi này, em vốn thuộc về một miền xa xôi nào đó, một nơi mà tôi đã từng bước chân qua, hoặc có lẽ chỉ tồn tại trong những giấc mơ tôi dệt nên. Một nơi thật đẹp, khác xa với nơi ôi sống nhưng lại cùng tôi hít thở chung một bầu khí trời. Ở cái miền Á Đông xa xôi giờ toàn đạn lạc và tiếng khóc, có lẽ em từng ở đó hoặc đã từng tồn tại như vài hạt bụi li ti. Tôi chợt nghĩ, phải chăng em đã trải qua biết bao điều, phải gồng mình hòa nhập vào thế giới xa lạ này, để đứng trên sân khấu và trở thành một Romeo không trọn vẹn? Một Romeo do người Á Đông đảm nhận như sự trêu ngươi lên người Pháp, lên cái nôi đẩy cả thế giới vào chiến tranh.
Ánh mắt ấy, dù được che giấu dưới lớp hóa trang dày cộp, vẫn hiện rõ những gì em từng đánh mất. Và tôi, ngồi đây giữa khán đài đông đúc mà sao thấy mình cô độc lạ thường, chỉ biết âm thầm đau lòng vì những điều em chưa bao giờ nói ra.
Cơn đói cồn cào quặn thắt từ sâu trong dạ dày, nhắc nhở tôi rằng đã bao ngày trôi qua tôi chẳng có nổi một mẩu bánh lót dạ. Nhưng vở kịch vẫn tiếp tục, chậm rãi như hành hạ lòng kiên nhẫn của kẻ đói khổ. Từng lớp mành kéo lên rồi hạ xuống, mỗi lần như thế lại mang theo một mảng đời, một nỗi đau hiện ra trước mắt. Tình tiết của vở kịch kinh điển về tuổi trẻ bồng bột cứ lên rồi xuống, và khi cảnh tượng cuối cùng khi em và người cùng chết lại chẳng đáng một xu nước mắt người xem. Màu đỏ rực của hoa trà phủ kín không gian nhà hát, như máu, như lửa, như lời vĩnh biệt không nói thành lời. Và rồi, tất cả khép lại. Vở kịch kết thúc. Em cũng chết đi, lặng lẽ như ánh đèn sân khấu vừa vụt tắt. Tôi ngồi đó, lòng trĩu nặng một nỗi đau không tên, như thể cái chết của em cũng lấy đi một phần nào đó của chính tôi. Vai diễn em đẹp như toàn thể lại như một câu chuyện kịch cỡm chẳng có đầu đuôi. Tôi nghe tiếng khán giả lặng thinh, phải, chỉ toàn tiếng thở dài mà chẳng một câu trầm trộ. Giữa cái thời chiến tranh, một vở kịch đau thương họa chẳng chẳng giúp ích gì được.
Tiếng vỗ tay khô khan vang lên, lạc lõng và vội vã, như một nhịp đập rời rạc trong căn phòng vắng. Em cúi chào trước khán đài nơi chỉ có chưa đầy hai mươi người, như tự hào, hệt thất vọng. Nhà Hát Trung Tâm đã đi vào thời kỳ suy tàn khi tôi đến, chẳng còn ai mặn mà với niềm vui nghệ thuật khi mà ngoài kia bom vẫn không ngừng rơi, lính vẫn ngã xuống trên chiến trường và mỗi tuần lại có người thân nhận được tin báo về sự ra đi. Mặc dù Paris vẫn giữ được vẻ yên bình, nhưng những nỗi khổ đau, những mất mát chẳng hề thuyên giảm. Không biết em có ai đang đợi không hay người ta nhìn em với ánh mắt ngây dại khinh thường. Khi đàn ông ra trận và em lại chọn con đường này, khi súng nổ đùng trên đầu giữa tiếng hát êm tai của em. Tôi lặng người mãi suy nghĩ, em đã dần dần rời đi.
Ngày thứ ba tôi ở Paris, cũng là lần đầu tôi gặp em. Mùa thu nước Pháp ấy, nó lạnh đến tê tái, cái lạnh thấm vào từng ngóc ngách trong tâm hồn tôi. Mùa thu Paris thật lạ lùng, nó lạnh, nó thê lương, khiến tôi không thể không run rẩy. Dù không đến nỗi cảm lạnh, nhưng cái lạnh khô ấy như cắt từng thớ da khiến tôi đau nhức từng chút một. Da tôi bắt đầu dần bong tróc, mắt tôi khô đi trong ánh đèn vàng vọt, nhà hát dần dần đóng mành để nhanh kết thúc một buổi biểu diễn cuối ngày như thường lệ. Tôi ngồi lặng lẽ ở tầng J, giữa cái lạnh và cơn đói đang quặn thắt. Rồi tôi tự hỏi, mình sẽ về đâu? Ba ngày lang thang, tôi chỉ như một đứa trẻ không nhà, một kẻ Á Đông bị khinh khi, là trò cười của những người Pháp. Họ nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, xa cách, hơn cả cái lạnh mùa thu hay bóng tối bao trùm nhà hát.
Tôi không muốn phải đối mặt với cảm giác đó thêm một lần nào nữa. Tôi ngồi đó, trong bóng tối, cầu mong rằng sẽ chẳng ai phát hiện ra tôi, chỉ muốn lẩn trốn và biến thành một cái bóng lặng lẽ giữa Paris, giữa cuộc đời này. Như một bóng ma cũng được, như kẻ vô hình lại hay, đừng ai tìm đến tôi và lại vứt tôi đi. Đôi khi tôi cần tình yêu và nhiều lúc tôi chỉ muốn một mình. Suy nghĩ rối loạn khiến tôi siết chặt tờ giấy, thơ tôi vẫn đang viết, dở dang như nhịp đời tôi.
Từng làn khói lạnh thoát ra từ mũi, tôi siết chặt chiếc măng tô dày, cố gắng giữ cho cơ thể bớt run rẩy và muốn chợp mắt. Có lẽ đã khuya lắm rồi, người ta đã ra về hết và nhà hát sẽ sớm khóa chặt sau một tiếng cạch nặng nề. Sẽ chẳng ai phát hiện ra tôi, chẳng ai nhận ra còn một kẻ nghèo kiết, một khán giả bụng rỗng lẩn khuất trên tầng J vắng lặng này. Tôi tự nhủ mình sẽ rời đi khi trời sáng rồi dần chìm vào một cõi riêng biệt, nơi không còn ánh đèn, không còn âm thanh.
Đêm cứ lan dần sự lạnh lẽo, tôi co ro trong chiếc áo măng tô cũ mèm, có lẽ là của ai đó đã bỏ lại, là hàng trộm và im lặng hít thở, từ từ chìm vào giấc ngủ sâu. Không gian tĩnh lặng, thật tuyệt vời, như thể tôi đang dần tan biến vào bóng tối, vào cái thể vô hình mà chẳng ai thèm để ý. Thật tốt làm sao, khi mọi thứ xung quanh phớt lờ sự tồn tại của tôi, để tôi có thể ở lại một mình với những suy nghĩ, những nỗi đau riêng biệt, trong cái thế giới mà chỉ có tôi và bóng tối. Nhưng tôi chẳng mừng vội được bao lâu khi ánh đèn sân khấu lại một lần nữa lan ra, một chút ánh sáng bám víu lên sóng mũi tôi và chỉ dừng lại ở đó.
Tôi nheo mắt tỉnh dậy trong cơn mộng mị mờ ảo, giữa bóng tối hoang vu và chỉ có một bên mắt phải nhìn rõ. Mắt trái đã chết, đã mất từ lâu khi tôi hứng trọn trận bom kinh hoàng ở quê nhà. Giờ đây, nó ngủ say dưới lớp bịt mắt da hạng xoàn, để lại sân khấu cho nửa còn lại trình diễn, nửa mắt còn lại vẫn cố gắng nhìn vào khoảng không gian sáng rực, nơi ánh đèn lớn đang chiếu rọi sáng rực con người em. Bóng hình em, mờ ảo và sắc nét, nổi bật lên như một bóng đen giữa màu vàng cháy xém, mơ hồ như giấc mơ tôi chẳng thể nào chạm được. Mắt khẽ chạm thấy em, tôi giật mình ngồi thẳng dậy, tay vẫn nắm chặt tờ giấy mỏng manh. Bốn câu thơ vẫn đó, nét mực đen tro in sâu vào tờ giấy như một chứng cứ không thể xóa nhòa giữa tôi và em. Mọi thứ về ngày đầu tiên kia, về cái bắt đầu chệnh choạng chỉ mình tôi thấu rõ.
Em lại hát, bài ca xa lạ chưa bao giờ được cất lên trong vở kịch nào của buổi tối nay. Một bản nhạc buồn, thê lương đến nghẹn ngào. Âm điệu đó thật cũ, như một kỷ niệm đã bị lãng quên nhưng vẫn vang vọng trong lòng tôi. Tôi nghe em hát, những câu từ ngọt ngào, những khắc khoải của tuổi trẻ trong tiếng hát ấy chạm thật sâu vào da thịt tôi. Chợt, một ai đó xuất hiện bên cạnh em. Tôi trố mắt, giật mình, nhận ra gã đàn ông tôi đã gặp trước khi lén lút vào nhà hát qua cửa sau. Cái hình ảnh của gã đứng dưới tầng khói thuốc lá mịt mù, trong con hẻm vắng bên hông nhà hát, bỗng ùa về trong tôi.
Tôi nhận ra gã ngay lập tức, cả lúc đó và bây giờ, gã đang đứng cùng em, ánh mắt gã lạ lẫm mà vẫn đầy khao khát. Màu tóc gã không phải vàng óng ả như mọi người, mà là nửa kì lạ nửa quái cùng, như vệt mực đen quệt lên trang vải trắng. Cái màu sắc lạnh lùng ấy đập mạnh vào mắt tôi, và khi gã rướn người hôn em, thật chậm, thật dịu dàng, tôi cảm thấy như trái tim mình vừa bị đốt cháy thành tro. Cái hôn ấy, ngọt ngào nhưng lại khiến lòng tôi quặn thắt, đau đớn đến mức tôi nếm được vị nước mắt mặn chát dù hốc mắt tôi khô. Tim tôi hụt hẫng, như thể nó đã chết đi cùng cái chết của em trên chiến trường, chết vì một giọt thuốc độc, hay bất cứ vai diễn nào em đã đảm nhận trong đêm nay.
Mối tình câm lặng của tôi, mối tình mà tôi chưa kịp thổ lộ, đã bị giết chết trong một khoảnh khắc của đêm khuya bởi một gã lạ mà tôi còn chưa kịp biết tên. Gã hôn em, và em đáp lại, cả hai quấn quýt không rời, trước ánh mắt tôi, trước cơn lạnh trong lòng tôi. Mọi thứ xung quanh bỗng chững lại như thời gian cố tình đứng im. Thần Chronos bỏ quên phút giờ để tôi gom hết những hình ảnh đau đớn vào trong đầu. Tay tôi lạnh giá, tờ giấy đã không còn nằm trong tay tôi nữa, như mọi thứ dần rơi rụng, tan biến trong màn đêm.
Hai người lại hát, lời ca vang lên, em là kẻ bị bỏ rơi trong vở kịch không ai xem, còn gã là người lính chuẩn bị rời xa quê nhà đi đến chiến trường. Mối tình của cả hai trong mắt tôi vừa xấu xí, vừa điên cuồng, nhưng lại đẹp đến lạ thường, như mảnh thủy tinh vỡ, sắc nét và trong suốt. Tôi bần thần dõi theo từng chi tiết của câu chuyện, cho đến cái kết hạnh phúc, khi hai người tựa đầu vào nhau, như đôi bóng ma trong đêm đen lạnh lẽo. Tôi cảm thấy mình đang dần tan nát, từng mảnh một, và không thể quay lại. Tôi cũng hệt như một bóng ma, lầm lũi dõi theo một câu chuyện của người khác. Nhưng tôi muốn, dẫu là bóng ma tôi cũng chỉ muốn là bóng ma sát kề bên em.
Đêm rồi cũng qua, cái bóng tối lạnh lẽo, quạnh hiu đã khuất đi, nhưng đâu đó trong lòng tôi nó vẫn còn vương vấn, như thể không thể rời bỏ. Tôi ngồi một mình, co ro nơi tầng J, nơi mà những vết thương cũ vẫn âm ỉ. Rồi, khi ánh sáng lờ mờ của buổi sáng yếu ớt chiếu xuống, tôi lại lặng lẽ bước ra ngoài, như tên trộm, song lang thang trên những con phố vắng lặng, nơi không một tiếng người, không một hơi thở ấm áp hệt như kẻ không nhà. Mỗi bước đi như đẩy tôi xa dần khỏi những giấc mơ đã cũ và cứ thế, tôi lại chọn cho mình một góc khuất trong những con hẻm, nơi không ai biết đến, không ai chờ đợi. Đêm lại đến, tôi lại lặp lại những vòng tuần hoàn ấy để thiết lập nên một cuộc sống vô nghĩa, chẳng mục đích, chẳng đích đến khác. Paris? Hãy để nó trôi vào quên lãng, như tất cả những gì tôi từng nghĩ về nó. Đất Pháp, tôi đến đây để làm gì? Tôi chẳng còn rõ nữa.
Em có bao giờ hiểu được rằng cái gọi là sự bận rộn của những kẻ vô gia cư chẳng qua chỉ là lời bào chữa cho sự hèn mọn trong lòng. Ngay cả tôi cũng vậy, khi mà những đồng vàng ít ỏi mà tôi trộm được chỉ đủ để mua một tách cà phê nóng giữa cái lạnh của mùa thu. Tôi nhớ cái buổi chiều hôm ấy, khi tôi ngồi đối diện em - với ánh mắt ngập tràn hy vọng, và tự nhận mình là một nhà thơ mới nổi đang trên hành trình tìm kiếm cảm hứng. Em có nhớ không, cái ánh nhìn sáng ngời mà em dành cho tôi, ánh mắt ấy, làm sao tôi có thể quên. Và rồi em nói, với một nụ cười như vẽ lên hy vọng cho cả cuộc đời tôi:
“Chà, nếu sau này cậu xuất bản nó, hãy để tôi biết đến đầu tiên.”
Câu nói ấy, giản dị như thế, nhưng sao lại đau đến vậy. Nó như một mũi dao vô hình cắm vào trái tim tôi, mỗi lần tôi nhớ lại. Tôi hình dung rõ mình gật đầu dè dặt, chỉ để rồi nhận ra tên em—một cái tên giản dị, một cái tên Á Đông, mang đầy nỗi nhớ nhung và sự mỏng manh. Cái tên ấy cùng em, cùng thu, vĩnh viễn in sâu vào tôi một dấu vết không thể nào xóa nhòa, gắn liền với những ký ức về một Paris xa hoa và đầy đau khổ.
Cuộc trò chuyện của chúng ta trôi qua trong những phút giây đếm bằng kim đồng hồ, từng bản nhạc lướt qua và những lượt khách đến rồi đi, tất cả như một bức tranh sơn dầu mờ nhòe. Tiếng chuông cửa vang lên, từng tiếng lẻn cà lẻn kẻn hòa vào không gian du dương tầng âm jazz. Trong lòng âm nhạc, em kể tôi nghe về những miền đất xa xôi, đưa tôi qua những tòa nhà lộng lẫy ở Âu châu rồi lại đưa tôi trở về miền Đông Nhật Bản. Em kể về gia đình em, về tuổi thơ em lớn lên nơi đất Pháp như quả ngọt của cái kết về một câu chuyện tình vượt qua mọi khó khăn. Và rồi em bảo:
“Mẹ tôi đã từng mong lắm việc đặt chân vào Nhà Hát Trung Tâm.”
Khói thuốc bay lên, lượn lờ trong không khí, mỗi làn khói như một tảng mây buồn bã. Em khẽ khuấy tách sữa nóng, nghiêng đầu, đôi mắt em long lanh, như những giọt nâu đục, lấp lánh trong ánh đèn rồi nhỏ chậm thật chấm xuống tách sữa nóng. Tôi nhìn vào mắt em, rồi lại nhìn xuống tách sữa trắng ngà, mà lòng chơi vơi.
“Nhưng chẳng may bà lại chết khi còn quá trẻ. Khi đó tôi mới sinh ra đời. Nghĩ lại, tôi còn chẳng hình dung được vẻ đẹp của bà ấy.”
Em nói, và tôi chỉ có thể lặng im. Đứa trẻ mười bảy tuổi ấy, vẫn trầm lặng, nhìn tôi, nhoẻn nụ cười nhạt, đau đớn và thê lương.
“Đất Nhật... trông thế nào?” em hỏi, ánh mắt ngập ngừng.
Tôi chỉ biết trả lời, để lấp đầy khoảng trống giữa chúng tôi, một khoảng trống không thể nào hàn gắn được:
“Trông như những gì cậu có thể tưởng tượng. Bom đạn, súng ống, người chết, mấy thứ đại loại thế.”
Lời tôi nói là những lời nói dối vô thưởng vô phạt vốn chẳng có chút thật lòng nào. Nhưng em, lại như không hề hay biết, chỉ trầm trồ, đôi tay chai sần – vốn một diễn viên không nên sở hữu - nơi em nhẹ nhàng đưa lên, chạm vào chiếc bịt mắt da hạng xoàn tôi đeo, ánh mắt đầy tò mò.
“Cái này là bởi chiến trường sao? Tôi nghĩ rằng quê hương ta vẫn sống trong tự do và hạnh phúc?”
Em hỏi, như thể tất cả những nỗi đau tôi mang theo chỉ là một câu chuyện xa lạ, một cái gì đó mà em chưa bao giờ hiểu. Nhưng trong lòng tôi, nó như một vết thương không thể lành, một bí mật tôi không bao giờ có thể chia sẻ. Khoảng trời tự do của dân Á Đông những năm ấy là cõi mộng tưởng phi thực. Khi bom dội xuống đầu và tiếng khóc than nhiều hơn hẳn lượng gạo chúng tôi được nhận, chiến thời như một mảnh thủy tinh nhọn hoắc sẵn sàng đâm xuyên qua từng lớp thịt da loài người. Em ơi đừng hỏi về nước Nhật, em ơi đừng hỏi về những tháng ngày đen tối của những kẻ chẳng còn được gọi hai chữ con người.
Tôi lặng thinh dưới ánh đèn vang và điệu jazz cũ, em hỏi nhưng tôi đáp bằng một khoảng thinh không. Giống như lựa chọn giữa giết và tự xác, tôi chẳng biết nói thế nào. Hai tiếng đồng hương em gọi tôi như lời gợi chào của bản án. Đồng hương là khi chúng ta còn quê hương, nhưng em ơi, quê hương đôi ta làm gì tồn tại?
Ngậm ngùi khuấy đảo dòng nước ấm, tôi bật cười khan rồi để lại hai từ giản đơn.”Chẳng phải.”
“Một vụ cướp, nếu nó được phép gọi tên.”
Tôi kể em nghe một câu chuyện giả dối từ tư liệu cũ kĩ trong những dòng thơ viết vội trên chuyến tàu từ phương Đông. Em nghe, khẽ gật đầu như thương thay tấm thân tôi nhưng với sự xa lạ và kiểu cách của một người quen tạm bợ trong giây phút bên bàn trà. Ánh đèn trên đầu khiến lòng tôi ấm mặc da tôi căng ra vì lạnh. Cuộc trò chuyện đi từ những vu vơ đến bí mật, em kể tôi nghe về gã đàn ông có đôi mắt buồn căm căm.
“Cậu ấy rất đáng thương.”
Cách em nói về gã – cho một gã khác là tôi, như đang tiếc thương một số phận bị đời phũ phàng. Gã là tên bảo an quèn của khu Nhà Hát, người đưa em đến với hào quang và người giữ chặt giúp em mục đích sống. Em biết ơn gã như mắc nợ gã và thể như bội bạc chính em. Từng câu chữ rót vào tai tôi như những áng văn mơ mộng của đứa trẻ vừa trưởng thành, còn bỡ ngỡ và ôm đầy mộng tưởng. Nó không thật, giả dối ám đầy trong từng dấu thanh âm và trong độ run rẩy của con chữ. Em đang viết thơ, đang miêu tả một gã không thật hay em chỉ đang dối trá với mình, rằng gã và em chỉ là nợ nần mà chẳng phải duyên mệnh. Cái cảm giác lừa lọc trong từng lời em khảm vào lòng tôi một bản thơ da diết và kì quặc. Tôi chẳng biết là do tôi không muốn tin hay em thật sự chỉ giả vờ, cách mà em nhìn tôi tha thiết cầu xin hãy tin những gì em nói. Nhưng liệu em có biết, ẩn sâu trong đôi đồng tử nâu màu trà lại là cái lắc đầu ôm bao yếu mềm.
“Chỉ ước cậu ấy có thể hoàn thành tâm nguyện của mình.”
Em cười, môi em miết thành nụ cười trông gàn dở.
“Tâm nguyện của cậu ấy?”
“Cậu ấy muốn trở thành một người thật tự do.”
Khuấy tách trà hoa, khói đã tắt, em ôm chặt chiếc thìa thiếc lạnh như ôm lấy tia hy vọng cuối đường hầm.
Một người tự do, tôi đảo mắt suy nghĩ nhưng chẳng nào mường tượng được dáng dấp của người tự do là thế nào. Những câu chuyện cứ nối đuôi nhau cho đến khi tiếng chuông cửa tiệm lại rinh rang, người đến đón em về khi chiều đã tàn trên đất Pháp.
Tôi rời khỏi cửa tiệm cà phê bèo bọt trong góc đường giăng kín tường vy, lang thang trên con phố đã lên đèn ươm nắng. Nhìn ánh đèn lạnh lẽo đang bọc một lốp hạnhphusc giả dối, tôi nghĩ bản thân sẽ lại lẻn vào khu Nhà Hát qua cửa sau hay sẽ đi tìm một thú vui đen đủi trong bóng đêm nơi sầm uất. Và rồi chân tôi bước vô tư, đưa tôi qua những tuyến đường đông đúc rồi vắng tanh, chân cứ bước, đầu óc tôi treo giữa những tầng mây chuyển màu. Trời dần mưa, mưa thu tê tái lòng người, tôi trốn dưới mái một ngôi nhà kiểu cũ. Mái ngói đen và dày, che đi bóng mưa mây. Châm một điếu thuốc tôi rít thật sâu, mùi khói cháy rực tung ra bầu trời đang mịt mù mưa gió. Khói lẫn vào mưa, bị chọc thủng, mưa thì vỡ tung, cả hai như đang xả thân trên chiến trường. Căng thẳng trong một chốc nhỏ nhoi như lòng tôi dợn lên từng cơn sóng li ti dần hóa thành bão.
Bão ư? Vì sao là bão?
Vì những suy nghĩ vụn vặt cứ chồng chéo lên nhau.
Nghĩ ư? Tôi đã nghĩ gì?
Nghĩ về em, nghĩ về câu chuyện mờ mịt như mưa khói ngoài kia. Nhớ về em, nhớ về vẻ giả tạo đông cứng trên cơ mặt.
Mỗi bước chân tôi nện xuống nền đất ướt sũng mưa, âm vang lên như tiếng trống uể oải báo hiệu sự kết thúc của một điều gì đó – có lẽ là hy vọng. Đôi mắt tôi khép hờ, không phải vì mệt, mà vì trái tim tôi đã cạn kiệt sức sống. Tôi bước đi mà không cần biết mình đang đi đâu, như thể cái đích mà tôi từng theo đuổi đã tan biến theo từng hạt mưa rơi. Đến đất Pháp, tôi đã mang theo một mục tiêu, một lý do để tiếp tục. Nhưng giờ đây, lý do ấy đã biến thành bùn, nhão nhoẹt và không còn hình dáng. Thứ duy nhất còn sót lại là em – hình bóng em trên sân khấu, buổi chiều hôm ấy chúng ta tình cờ gặp nhau, và ánh mắt ấy đã trói chặt tôi từ giây phút đầu tiên.
Tìm em, về em, và chỉ em. Đó là tất cả những gì còn sót lại trong tôi giữa thành phố xa lạ này.
Người ta vẫn nói rằng yêu từ cái nhìn đầu tiên là điều chỉ tồn tại trong những câu chuyện hoang đường, rằng nó quá đỗi xa xỉ để bất kỳ ai có thể sở hữu. Nhưng em ơi, đối với một kẻ như tôi – một kẻ chỉ biết sống trong thế giới của những dòng thơ và những giấc mơ hư ảo – thì yêu em từ lần đầu tiên gặp gỡ chính là chân lý duy nhất tôi biết. Tôi nhớ khoảnh khắc ấy rõ mồn một, như thể nó đã được khắc sâu vào tận cùng tâm trí tôi. Giây phút em bước vào, ánh đèn sân khấu hắt lên gương mặt em và cả thế giới của tôi bỗng dưng im bặt. Tim tôi không đập loạn, không run rẩy, nhưng nó đã lặng lẽ lìa khỏi đời tôi. Em có biết không? Khi ánh mắt em chạm đến khoảng không rực rỡ của ánh đèn vàng, em mang trái tim ấy đi mà chủ nhân nó chẳng hề hay biết. Tôi trách em, nhưng chẳng mong em biết. Bởi từ khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã mất đi quyền tự do của chính mình.
Giữa lòng Paris hoa lệ, tôi bước đi, cô độc trong cơn mưa đang lặng yên nhường lại khoảnh sáng cho cơn nắng cuối cùng của buổi chiều, mang theo hình bóng của em như một gánh nặng và một niềm an ủi duy nhất. Em không biết đâu, rằng chỉ một lần gặp gỡ, chỉ một ánh nhìn của em đã đủ khiến tôi sẵn sàng đánh đổi cả phần đời còn lại để theo đuổi một giấc mộng mà tôi biết rõ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Tôi sẽ đi tìm em nơi những vở kịch xa hoa, như một tên trộm cố ôm em trong bóng đêm bất tận phía sau những ánh đèn. Như hồn ma khiêu vũ cùng em theo điệu jazz oan hồn và là một nốt đô trầm dẫn em về âm phủ. Hồn tôi dẫn tôi về Nhà Hát, ngày thứ tư tại đất Pháp nhiệm màu, vở Hamlet đổ vỡ lại được trình diễn chỉ với mười khán giả hơn.
Mélodie d'Hamlet, le rideau s'élève,
Garderais-tu ce chagrin qui s'élève ?
Quand le silence règne dans l'éther,
Seule ta voix rouge emplit les airs.
Tôi chép vội vài dòng thơ không rõ ý nghĩa, từng nét chữ như những hơi thở cuối cùng của một linh hồn đang vật lộn để tồn tại. Góc tầng J hôm ấy, khi tôi lại ngồi lặng lẽ như một bóng ma bị cuốn vào từng hồi của câu chuyện. Chắc hẳn lại chẳng có ai nhận ra tôi trong cái màu áo măng tô cũ kĩ và đen nhẻm, và cũng sẽ chẳng vị khách lộng lẫy nào lại quan tâm đến một bụi cỏ bên đường. Và em, người hôm qua hóa thành Romeo, hôm nay mang dáng dấp của Hamlet. Nhưng ngày mai, em sẽ là ai? Có bao giờ em tự hỏi mình đã từng sống là chính em bao giờ hay chỉ mãi là những mảnh ghép lạc lõng trong vòng xoáy của những vai diễn bất tận. Hay em đã quên đi mất bản thân minh vì tôi nhìn thấy trong màu đồng tử ấy chẳng còn em nữa, khi cuộc trò chuyện ấy bắt đầu hiện lên, tôi nhận ra em nói về mình như thể nói về một ai khác. Một người em biết, một người từng sống chẳng hạn.
Giữa thời đại đầy đau thương và khủng khiếp này, mỗi lần một nhân vật chính được sự sống hèn mọn mỏng manh như giọt sương mai là như một lời giễu cợt gửi đến cuộc đời đượm đầm nghiệt ngã. Thế là em chết, hết lần này đến lần khác. Phải chết để tôn vinh cái sự thật kinh tởm về những sự hy sinh cao cả - cái lớp vỏ cho sự cay nghiệt của bọn tham lam. Em chết như một người lính, như một bậc vương giả, như một hoàng tử và như một kẻ tha phương lưu lạc. Câu chuyện về gia đình em, khi tôi tình cờ em kể nơi quán cà phê nhỏ ấy, giờ chạy dọc trí nhớ tôi mãi không ngừng. Phải chăng số phận đã sắp đặt để tôi gặp em, để hiện tại của tôi chỉ còn là em và những ám ảnh về em. Câu hỏi về em cứ nổ ra trong đầu, tôi còn chẳng buồn quan tâm câu chuyện kịch cỡm đã đi về đâu. Ai lại chết, ai lại khóc và ai vui mừng chẳng còn quan trọng. Như tôi giữa trời Pháp, như em giữa cuộc đời.
Tôi nhìn em, không còn biết em đang diễn vai gì nữa. Chỉ cần nhìn thấy em, tâm hồn tôi như được gột rửa, được cứu rỗi. Mặc cho ngoài kia bom đạn tàn phá quê hương, mặc cho cơn đói trong lòng tôi lại lom com bò dậy, mặc cho sự nghèo đói và đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Khoảnh khắc em bước lên sân khấu đã cứu vớt cả đời tôi.
Tiếng vỗ tay lộp độp vang lên rồi tắt ngúm vội vã. Người ta đứng dậy, em cúi chào như những lần trước. Nhưng liệu đêm nay, khi ánh đèn tắt, em và người ấy có tiếp tục quấn quýt nhau? Có trao nhau những nụ hôn vụng trộm trên sàn gỗ sân khấu, dưới ánh sáng mờ nhạt? Sự tò mò trong tôi trỗi dậy mãnh liệt, và tôi lại trốn mình trong bóng tối.
Nhưng đêm nay, tôi không ngủ. Tôi là một kẻ rình mò, một nhân chứng xấu xí, vô tình hay cố ý chứng kiến những bí mật đen tối đáng lý ra không bao giờ được phơi bày. Tôi dần biến hóa thành một bóng ma tồn tại bên trong nhà hát những khi đêm về, chỉ để ôm em trong suy nghĩ, hôn em bằng cảm xúc và điên cuồng vì em trong cái nhục nhã và đầy cạm bẫy.
Khi đêm buông, em lại tiếp tục tập vai. Lần này em diễn vai một người đàn ông bị phản bội bởi cuộc đời. Tôi bàng hoàng nhận ra em đang đeo chiếc mặt nạ của gã đàn ông ấy, em tái hiện cuộc đời gã bằng ánh đèn sân khấu chói lòa. Và gã ngồi dưới hàng khán đài A, lặng lẽ nhìn em. Có lẽ gã đang sợ hãi, hoặc có lẽ gã chỉ quá đỗi kinh ngạc. Nhưng chợt tôi nhận ra. Rằng người hoảng sợ lại là tôi. Bởi đôi chân tôi run lên từng hồi và tôi phải bám chặt lấy thành ghế để không ngã quỵ. Nếu đây thật sự là cuộc đời của gã, thì nó còn đau đớn hơn tất cả những gì trong cuộc đời tôi.
Người tự do nhất trần đời – hình ảnh ấy dần hiện lên trong tôi mỗi khi nhớ về em, qua từng mảnh vai diễn em bộc lộ trên sân khấu khi đồng hồ đã chỉ lúc không giờ. Không phải những nụ hôn vồ vập, không phải những cái ôm ấm nồng mà là một giọt nước mắt – giọt lệ đầy trào phúng, như chính em đang cười nhạo tôi, cười nhạo thứ tình cảm mong manh mà tôi từng ngỡ là bất diệt. Em diễn, nhưng trong mắt tôi, em sống, chân thực và hiện thực, phảng phất sự chế nhạo đến từng tế bào yêu em. Mỗi bước chân trên sân khấu, mỗi lời thoại, mỗi chuyển động như bóc trần từng lớp vỏ của em. Nhưng tôi cũng nhận ra, sâu thẳm trong em, có một người khác. Một gã đàn ông nào đó mà tôi chẳng thể gọi tên, người mà cuộc đời em như bị khắc chặt vào. Và chính điều đó, dù vô tình hay hữu ý, đã đẩy tôi ra xa khỏi thế giới của em, kéo tôi vào những hình ảnh về gã, thứ làm tôi nhận ra rằng gã quan trọng với em hơn cả chính em.
Tôi – kẻ lạc lối, kẻ đứng ngoài cuộc đời của em – chỉ biết ngậm ngùi nhìn em và tự hỏi: nếu tôi là gã, liệu tôi có bao giờ được em nhìn như thế? Tôi đã không thể so sánh với gã ngay từ phút giây đầu tiên. Cách tôi gặp em khác gã, và có khi em lại chẳng biết tôi là ai.
Một người lạ từng quen trong một khoảnh khắc trà chiều liệu có đủ khiến em nhớ đến thay vì người đã từng cứu rỗi bản thân em.
Đêm đó, tình yêu của tôi chết đi trong thinh lặng. Không một tiếng nổ, không một hồi chuông, nhưng nỗi đau thì như bom đạn đổ xuống, tàn khốc và tuyệt vọng. Tôi rời Nhà Hát khi trời vừa sáng, thề rằng sẽ không bao giờ quay lại nữa. Và thế là tôi bắt đầu những ngày tháng lang thang vô định, như một bóng ma, hệt một gã vô gia cư chân chính không trùng bước trong khoảng đời vô định của bản thân.
Tôi đi qua từng con phố Paris, từ Montmartre đến Saint-Germain, bán vài bài thơ ngẫu hứng cho các tiệm sách cũ, nhặt nhạnh từng đồng xu lẻ để sống qua ngày. Một mùa thu trôi qua, đông lại đến, vào một ngày mà tuyết rơi dày đặc đến mức tưởng như cả thành phố đã bị chôn vùi dưới màu trắng lạnh lẽo. Một ngày của tháng Mười một đến nhanh hơn cả nhịp sống nơi đây, mẩu bánh croissant thơm lừng từ cửa hàng bên vệ đường len qua khung cửa sổ đón gió nơi đối diện. Phải, một nhà sách cũ mà tôi được đặt chân vào từ khi đến được nơi đây.
May mắn, tôi sẽ cầu nguyện như thế bởi tôi được một tiệm sách nhỏ tên L’aube – nhận làm người trông coi. Bà chủ tiệm, một người phụ nữ lớn tuổi với đôi mắt hiền từ nhưng mang đầy dấu vết của thời gian, đã thương cảm cho tôi – một đứa trẻ tha hương, đói khát và tả tơi. Bà cho tôi một mái nhà trên căn gác nhỏ, một công việc và cả sự ấm áp mà tôi đã lãng quên từ lâu. Ngày qua ngày, tôi lui cui giữa những cuốn sách cũ kỹ, gom góp từng chút tiền từ những bài thơ mà bà gửi lên tòa soạn địa phương. Tôi sống lặng lẽ, nhìn tuyết phủ đầy con phố Montmartre và nghĩ về những ký ức đau thương ở quê nhà. Trận tuyết lở năm xưa, nơi cả thị trấn nhỏ của tôi bị chôn vùi trong im lặng của cái chết, giờ đây như quay lại trong mỗi làn tuyết đầu mùa.
Buổi chiều hôm đó cũng chẳng khác gì những ngày khác. Tiệm vắng như tờ, chỉ lác đác vài vị khách lẻ ghé qua để tìm sách cũ. Tôi ngồi đếm thời gian, mong ngày trôi nhanh để tắt đèn, để kết thúc một ngày dài như mọi khi. Nhưng khi tôi vừa với tay để dập tắt ánh sáng cuối cùng của một ngày khác, cánh cửa gỗ lim bất chợt bật mở, phát ra một tiếng cọt kẹt kéo dài.
Ngước mắt lên, tôi đứng lặng người.
Em – đứng đó như thể lần đầu xuất hiện trong đời tôi. Ánh mắt em bối rối nhưng ngây thơ, như thể em chưa từng biết đến tôi, chưa từng biết tôi đã sống vì em, yêu em, và đau khổ vì em chỉ trong những ngày đầu vỏn vẹn đến nơi đất Pháp. Còn tôi, tôi nhìn em như nhìn thấy người trở về từ cõi chết – vừa thân thuộc, vừa xa lạ, vừa muốn ôm lấy nhưng lại chỉ biết đứng im, bất động.
“Cậu cần gì sao? Giờ đã muộn, và tuyết đã phủ kín cả con đường rồi,” tôi cất tiếng, cố giấu đi sự run rẩy trong giọng nói, cố giả vờ như không hề quen biết em.
Nhưng trái tim tôi, trái tim đã từng tan vỡ, giờ đây đang quặn lên lần nữa – vì em, chỉ vì em.
Em đảo mắt nhìn quanh tiệm sách xập xệ, nơi chỉ có mười mươi kệ sách cao phủ đầy bụi, giống như một kho ký ức đã bị lãng quên. Bóng dáng em đảo quanh qua từng khu truyện ngắn, những tập thơ và từng quyển tiểu thuyết u buồn của nhân loại. Những kệ sách lặng lẽ chờ đợi như những linh hồn câm lặng trong góc tối và như thể nó tồn tại chỉ để nhìn người đời lướt qua mình. Bàn tay em lướt qua lớp bụi li ti của những sách lớn bên ngoài và em bước đến những kệ sách sâu trong lớp mành, rồi đột ngột biến mất khỏi tầm mắt tôi. Một lúc sau, em lại xuất hiện, tay ôm chặt những cuốn sách của Shakespeare, của Molière. Em có vẻ yêu Shakespeare đến lạ kỳ, khi trong tay em, hầu hết đều là những tác phẩm của tác giả ấy. Phông chữ cũ kĩ xuất hiện khi tiếng bịch vang lên, Romeo và Juliet, Hamlet và Ophelia, Macbeth cùng sự da diết hay người đàn ông Caesar đầy tội lỗi.
Em đặt lên chiếc bàn cũ – thứ đã gần gãy mất một chân, hơn mười quyển kịch, rồi quay sang tôi và nói: “Tôi đang đi tìm một cảm hứng mới.” Tôi cười thầm trong lòng, âm thầm chế giễu em như thể tôi là một người dưng, một bóng hình trong cuộc đời em và biết rõ em như thể kề cận em mọi phút giây trong kiếp người. Tôi chẳng tin vào câu chuyện cảm hứng ấy. Bởi lẽ, làm sao một người như em lại có thể tìm cảm hứng mới từ những tác phẩm tôi chắc mẩm em đã thuộc làu làu? Những vở kịch em mang về đều là những câu chuyện đã diễn ra từ lâu, những vai diễn đã thành thói quen, những mảnh vỡ của cuộc đời em đã cũ mèm như trang sách bạc màu. Tôi nhớ rõ Romeo, nhớ cả Hamlet, và cả những vai diễn của những người lính vô danh hay chỉ đơn giản là một đứa trẻ bị phản bội. Mọi thứ về em, từng cử chỉ, từng lời thoại, dường như đã được khắc sâu vào quyển kịch bản ấy, thứ mà tôi đã thuộc lòng từng chữ, từng câu. Em ơi, William có viết về em như một mảnh kính vỡ không khi nhìn thấy em thì chỉ toàn thấy khổ đau nghiệt ngã. Nếu em là một tác phẩm của người tác giả ấy, liệu em có chết như những vai diễn đã từ trần trên sân khấu đầy vẻ uy nghiêm lộng lẫy của em không?
Tôi gửi sách cho em với một mức giá hời, bởi tôi không thể rời xa cảm giác ấy, cảm giác bồi hồi của những kỷ niệm xưa cũ, như thể thời gian đã quay ngược lại những giây phút trên tầng khán đài J, khi tôi vùi mình trong chiếc măng tô dày cộm ấm áp nhưng cũ kĩ và lẩm bẩm theo từng câu thoại của em. Nhưng rồi em rời đi, bước chân nhẹ nhàng như thể ta sẽ chẳng bao giờ song hành nữa. Và rồi, khi tay em đã nắm chặt chiếc vặn cửa bằng đồng, em bỗng dừng lại, đứng khựng như thể một suy nghĩ chợt lóe lên. Tôi dõi theo em, lén lút sợ bị phát hiện và run lên khi em quay lại nhìn thẳng vào tôi.
"Trông cậu rất quen mắt," em nói, giọng em mang một chút ngạc nhiên, một chút hoài nghi và nhiều tầng dè dặt.
Tôi lắc đầu, muốn phủ nhận, nhưng em vẫn chắc nịch.
"Dường như chúng ta đã từng gặp nhau, phải không?"
Tôi không đáp, chỉ đơn giản một lần nữa từ chối trong im lặng. Nhưng em không buông tha.
“Ít có người Á Đông nào trông ấn tượng thế này ở Paris lắm,” em khăng khăng.
Tôi chỉ cười nhẹ, giọng khô khan, lạnh lẽo: "Ít cũng chẳng phải là không. Thật không may mắn, trong trí nhớ tôi, tôi chưa từng gặp ai như quý khách ở đây bao giờ."
Đó là những lời cuối cùng của chúng tôi và dường như trong khoảnh khắc ấy, chúng ta đã chia tay, mặc dù em vẫn đứng đó, như một bóng ma trong đời tôi, không bao giờ rời đi. Em ôm chặt những quyển kịch dày cộm trong tay, nửa lại muốn khẳng định nhưng nửa lại muốn từ bỏ. Nhưng có lẽ phần nào trong em đang thôi thúc vì em bỏ tay ra khỏi cánh cửa lạnh lùng của mùa đông, trở lại trước mắt tôi, đối diện tôi và thật tự nhiên chạm vào chiếc bịt mắt bằng da hạng xoàn.
Tôi vẫn sẽ đinh ninh đây là do chiến trận. Em nói thế, với một giọng dịu dàng nhưng đầy chua xót giống hệt cách mà em đã luôn nhìn tôi ngày đôi ta gặp nhau trong tiệm cà phê tình cờ. Nó khiến lòng tôi quặn thắt. Những lời đó như một cơn bão, cuốn hết mọi lý trí, để lại trong tôi một khoảng trống không lời. Em ngậm ngùi, và tôi, một con người lạnh lẽo giữa cơn tuyết phủ trắng xóa mùa đông, cảm thấy một bàn tay ấm áp nhẹ nhàng áp vào mình, như một sự an ủi mong manh dễ dàng biến mất. Nhưng tôi cố nén chặt dù không thể cầm được nỗi đau đớn, không thể kìm nén được cảm xúc đã giấu kín bao lâu nay. Tay tôi siết chặt lấy da thịt chính mình, như muốn giữ lấy chút khái niệm xa lạ cuối cùng còn sót lại trong thế giới băng giá này. Cơn nghẹn ứ từ cổ họng dâng lên, như muốn vỡ òa, không thể kìm nén thành những tiếng khóc nghẹn ngào, từng âm ư ử trong cổ họng. Từng giọt lệ, từng cơn sóng đau đớn cứ dâng lên trong lòng tôi, như thể những gì tôi đã quên đi bấy lâu nay giờ đây lại trở về, không thương tiếc. Dẫu cho nước mắt tôi nuốt ngược vào lòng, vẻ thê lương nơi em khiến tay tôi đổ lệ đỏ khi đối diện em giữa cơn tuyết đầu mùa.
Em ơi, tôi muốn gọi em, muốn nói với em những điều không thể nói, muốn ôm em, nhưng lại chẳng thể cất lên lời. Bàn tay tôi nắm chặt thật chặt dưới mặt bàn, máu nhỏ tong tong và đôi chân tôi như đóng chặt vào sàn nhà, cảm giác lạnh giá của tuyết thấm dần qua lớp giày mỏng manh. Cái lạnh của mùa đông cứa vào tâm hồn tôi, nhưng lòng tôi lại như bị thiêu đốt bởi những cảm xúc không tên. Em vẫn đứng đó, ánh mắt đầy da diết nhìn tôi, rồi em đặt xuống bàn một tờ rơi nhỏ, nhắc tôi về buổi kịch sẽ diễn ra tại nhà hát Montmartre, như một lời hứa vô hình, rồi em rời đi. Em bước ra ngoài, để lại làn hơi ấm cuối cùng trên gò má tôi, rồi cánh cửa khẽ đóng lại, như một lời từ biệt, nhẹ nhàng nhưng đau đớn vô cùng. Sao đời ta cứ trớ trêu như thế, nom vẻ bình thường nhưng từng khắc khoải cứ day dứt không nguôi. Phải chẳng chỉ một mình tôi cảm mến rồi đớn đau bởi những tia hy vọng nhỏ nhoi nơi em mà tôi ảo tưởng rằng nó dành riêng cho tôi ấy. Dẫu cho chưa chắc em nhớ rõ về tôi, hay đó vốn chỉ là một phút bồng bột thoáng qua trong dòng suy nghĩ kì lạ của em. Nhưng tôi vẫn mong mỏi, vẫn mơ mộng về mối quan hệ mãi không thành hình.
"Hãy đến nếu cậu có thể. Trời lạnh đấy, nhớ mặc măng tô nhé." Em nói, và bước đi như thể không còn gì để níu giữ.
Tôi đứng đó, lặng im nhìn cánh cửa khép lại, mặt đất bên ngoài đã nứt vỡ vì những bước chân của em, tuyết phủ dày trên con đường. Còn lại tôi, đứng trơ trọi trong quầy thu ngân nhỏ, nhìn vào mấy đồng xu vàng lạnh lẽo như những ký ức không thể nào cầm giữ được. Tờ rơi vàng ngà nằm trên mặt bàn với những dòng chữ vội vã viết tay như thể chính em đã lướt qua cuộc đời tôi một cách vội vã y hệt. "Vở Othello." Những từ ngữ ấy cứ ám ảnh tôi, như một cơn ác mộng không dứt, và tôi tự hỏi: em sẽ là ai trong câu chuyện bi kịch này? Em sẽ là Othello, bị ghen tuông và nghi ngờ vùi dập, hay em sẽ là Desdemona, bị tình yêu của mình xé nát, chôn vùi dưới những định kiến của xã hội? Tôi chẳng biết nữa, nhưng sự tò mò, sự lo lắng trong tôi lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Cái đêm ấy, khi ánh đèn cuối cùng tắt ngúm và người chủ già trở về từ chuyến công tác Paris, tôi ngồi cùng bà dưới ánh lửa bập bùng của phòng khách, chỉ cùng hai ly sữa nhạt nhẽo và vài chiếc bánh quy cứng ngắc nằm trên chiếc đĩa sứ đã nứt vỡ. Không khí trong phòng như dày đặc một sự yên lặng buồn tẻ nhưng tôi chẳng thể nào cảm thấy bình yên.
“Ngày kia có lẽ cháu sẽ không thể trông tiệm,” tôi nói, giọng đầy ngập ngừng. Cái cảm giác ấy, cái cảm giác của một người muốn thoát ra khỏi cái cũ, cái chật hẹp, nhưng lại không dám đối mặt với sự thay đổi. Cái khía cạnh dè dặt như vừa bị phát hiện một bí mật động trời, bị tóm như sa vào lướt cứ liên tục đay nghiến thần kinh tôi. Căng thẳng nhìn người chủ tiệm, bà lại chẳng may may ngạc nhiên. Tay vào đó, bà chỉ khẽ gật đầu, tay vẫn ung dung đan chiếc khăn len dày, như thể tất cả mọi thứ đều là chuyện nhỏ. “Bà sẽ trông giúp cháu một hôm. Dù sao cũng đã lâu rồi cháu không có ngày nghỉ đàng hoàng nào.”
“Thế thì thật tốt quá,” tôi đáp, lòng bối rối nhưng không dám nói thêm gì.
“Cháu định đi xem kịch đúng chứ? Thứ lỗi cho bà, khi dọn dẹp lại quầy trước khi đóng cửa, bà đã vô tình nhìn thấy tờ rơi.”
Tôi ngồi im lặng, mắt dán chặt vào chiếc ly sữa nhạt và mấy chiếc bánh quy cứng như đá, không biết phải nói gì thêm. Cả căn phòng như chìm trong nỗi cô đơn, trong những suy tư không lời, khi tôi nhận ra rằng mọi thứ đang dần thay đổi, và tôi không biết mình sẽ ra sao trong thế giới ấy. Em sẽ đi, và tôi vẫn đứng đây, không thể bước theo. Liệu rằng tôi có quá tham lam khi lại ôm đồm những tình cảm vụn vặt mà tôi đã nguyện vứt bỏ đi. Tôi chẳng biết, chỉ là cảm xúc cứ thôi thúc tôi, tôi muốn nhìn thấy em trên sân khấu, chắc chỉ có vậy.
“Bà chưa từng hỏi cháu. Vì sao cháu lại đến cái đất xa hoa này.”
Giọng bà khẽ vỡ trong không gian, như một câu hỏi lạ lùng, vừa buông ra lại như muốn chìm vào im lặng. Bà dừng lại, ánh mắt trống rỗng dừng lại trên chiếc khăn đang đan dở, bàn tay già nua thoăn thoắt như không vội vã, và cả tôi, lặng im nhìn bà, như một đứa trẻ không dám nhìn thẳng vào mắt người lớn, sợ rằng câu trả lời sẽ đứt quãng, như mảnh vỡ của những giấc mơ vụn. Tôi ngập ngừng, đôi mắt không thể rời khỏi cái khăn ấy, nhưng trái tim tôi lại quay về những năm tháng cũ, nơi những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Câu hỏi của bà làm tôi chợt nhớ lại những lý do, những hy vọng cũ, những ước mơ xa xôi mà tôi đã từng tin rằng chúng sẽ cứu rỗi tôi khỏi cái thế giới tăm tối tôi đã sống.
Tôi thở dài, nặng trĩu, từng từ như rơi ra từ miệng mình không thể kìm lại được.
“Ban đầu cháu chỉ muốn thoát khỏi cái khủng khiếp của quê nhà. Cháu muốn tìm một nơi mà thơ ca của cháu không chỉ là món hàng để xoa dịu tâm hồn của những linh hồn mất mát nữa.”
Câu trả lời của tôi dường như không thể diễn tả hết được những gì tôi cảm thấy. Mọi thứ đã thay đổi, và tôi cũng vậy. Nhưng bà chủ chỉ nhẹ nhàng nhìn tôi, không vội vã, như một người đã hiểu quá rõ sự đấu tranh trong trái tim tôi.
“Vậy là cháu muốn tìm lại mình.”
Bà nói, như thể bà đã biết từ lâu, nhưng tôi không thể trả lời ngay lập tức, vì những lời đó đã bị chôn vùi trong vô vàn những ngã rẽ của cuộc đời tôi. Tôi mím chặt môi, nhìn vào ngọn lửa bập bùng đang cháy, những tia lửa nhảy múa như những kỷ niệm cũ, như cái giá phải trả cho một giấc mơ quá xa vời.
“Có lẽ, cháu không rõ. Cháu chỉ nghĩ mình sẽ đổi đời, sẽ nổi tiếng, sẽ thoát khỏi cái nghèo khó, cái khổ đau,” tôi nói, một nụ cười nhạt hé lên trên môi, cười với chính mình, nhưng lại đầy đau đớn.
Một khoảng lặng, một khoảng lặng kéo dài như thể mọi âm thanh của thế giới đều tan biến đi, để lại chỉ tiếng lửa rực cháy. Bà chủ không nói gì, chỉ ngừng tay, ánh mắt như xuyên qua tôi, tìm kiếm điều gì đó mà tôi chưa thể thốt ra. Tôi nhìn xuống, hai bàn tay siết lại, những ngón tay cứng ngắc như thể muốn bắt chặt lấy thời gian đang chạy trốn khỏi tôi.
“Nhưng hiện tại cháu lại chẳng còn nghĩ thế.”
Giọng tôi vang lên nhẹ, nhưng trong đó là cả một biển đau thương mà tôi không thể tỏ bày.
“Vậy bây giờ cháu định làm gì?” Bà chủ hỏi, giọng bình thản, nhưng cũng đầy thấu hiểu. Tôi không thể trả lời ngay, chỉ nhìn vào ngọn lửa đang cháy, mỗi ngọn lửa như một phần của tôi, một phần của những gì đã bị thiêu rụi.
Thiên nhiên thật tự do, lửa cháy bập bùng, gỗ đen rồi chết, chỉ để cúng tế cái ấm cho nhân loại. Cái cảm giác ấy, cái cảm giác hy sinh thân mình mà không mong cầu gì, một cái chết trong thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa, trông thật trêu ngươi nhưng lại quá đỗi cao cả. Cái ánh sáng từ ngọn lửa ấy làm tôi nhớ đến một ngọn đèn khác, một ngọn đèn của Nhà Hát Trung Tâm, nơi em từng đứng dưới ánh đèn sân khấu, nơi tôi lần đầu thấy em. Giọng hát em vang lên, ngọt ngào và quyến rũ, nhưng giờ đây tôi chỉ còn nghe thấy một âm thanh lạ lùng, một âm thanh đến từ tận đáy lòng.
“Có một người, một người kì lạ khiến cháu phải suy nghĩ.”
Tôi không dám nhìn bà chủ, chỉ nhìn chăm chăm vào ngọn lửa, như thể nếu tôi nhìn đi nơi khác, tôi sẽ không thể thốt ra được những lời đã giấu kín bao lâu nay. Bà vẫn ngồi yên, đôi tay bà khẽ xếp lại chiếc khăn, dường như biết rằng câu chuyện tôi sắp kể sẽ không dễ dàng.
“Cậu ta đã hy sinh bản thân vì một người khác, cái người mà cậu ta cho rằng đã cứu rỗi cậu ta trong lúc đau khổ nhất của cuộc đời. Cậu ta hy sinh cả tính mạng, gần như quên mất bản thân là ai và hoàn toàn chìm đắm vào người đó.”
Mỗi lời tôi nói ra như một nhát dao cắt vào tâm trí mình, và tôi không thể dừng lại. Câu chuyện đó cứ xoay vần trong đầu tôi, giống như những sợi dây vô hình quấn quanh người tôi, khiến tôi không thể thoát ra. Lửa vẫn cháy, tiếng lách tách vang lên trong căn phòng lạnh lẽo, nhưng trong đầu tôi chỉ còn lại hình ảnh em, hình ảnh của một người đã chết vì tình yêu, vì những ảo mộng mà tôi không thể hiểu nổi.
“Và cậu ta cầu xin người đời hãy thương xót và thực hiện ước mơ của người kia thay vì cậu.”
Lời cuối cùng ấy, như một lời cầu xin không thể thực hiện, lướt qua tôi, nhẹ nhàng nhưng để lại một vết thương sâu hoắm, không thể nào lành. Nó không phải là nỗi đau thể xác, mà là một nỗi đau mơ hồ, không thể nắm bắt, nhưng cứ quấn chặt lấy tôi. Sự đau khổ dịu dàng trong khoảng thời gian tôi gặp em như một vết cắt trên ngón tay ri rỉ máu tươi. Nó nhỏ, nhưng điếng cả người, về cả thể xác lẫn thần kinh. Tôi không biết em đã chết như thế nào, có thể là một cái chết trong lặng lẽ, có thể là trong một phút cuồng loạn, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là em đã hy sinh tất cả, kể cả bản thân, cho một người mà em tin rằng đã cứu rỗi mình. Và trong cái hy sinh ấy, tôi nhận ra một điều đau đớn, rằng khi tình yêu và hy sinh trở nên mờ mịt như những làn sương sớm, chúng ta chỉ còn lại những vết thương không thể lành, những ký ức không thể quên, cứ mãi đeo bám và xé nát tâm hồn. Tôi từng mong chỉ do tôi nhầm lẫn nhưng khi em lại nhìn tôi bằng đôi mắt xa lạ, khác hẳn với cách mà em nhìn gã ta, tôi biết rằng sẽ chẳng có ai trên cuộc đời này bước đến với em được như cách gã làm.
Thời gian dường như ngừng lại trong căn phòng khách nhỏ, khi bà chủ tiệm nhìn tôi, đôi mắt bà như hiểu rõ những gì đang diễn ra trong tâm trí tôi, nhưng bà không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn tôi, chờ tôi tìm lại sự bình yên trong chính mình. Cả hai chúng tôi ngồi im lặng bên bếp lửa, khi ngọn lửa đang dần tắt, chỉ còn lại những tàn tro lụi tàn.
Chợt, tôi nghe bà thở dài, một tiếng thở dài nhẹ nhàng, như thể bà đang muốn chia sẻ một nỗi buồn đã tích tụ lâu ngày trong lòng.
“Đôi khi tình yêu kì quặc như thế đấy.”
Giọng bà vang lên, đầy thấu hiểu, như một lời cảm thông cho những nỗi đau mà tôi không thể diễn tả hết bằng lời. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc lặp lại câu nói ấy, như thể tôi đã tìm thấy một sự đồng điệu trong tâm hồn mình.
“Phải, tình yêu kì quặc như thế đấy.”
Lời tôi thốt ra nhẹ nhàng, nhưng trong đó là cả một biển đau thương. Và chúng tôi cứ vậy ngồi, lặng im nhìn ngọn lửa đang dần cháy hết, cho đến khi tất cả chỉ còn lại những đống tro tàn nguột ngắt. Đêm trôi qua trong những cơn trằn trọc và mọi thứ như bị dập tắt trong một khoảnh khắc. Ngày lại đến, nhưng tôi không cảm thấy sự thay đổi, chỉ thấy tuyết rơi dày đặc, phủ kín mọi thứ. Và trong cái im lặng ấy, chẳng ai đến tiệm, mọi thứ dường như ngừng lại. Ước gì những phút tản mạn đẹp đẽ ấy sẽ không ếm trên mình lớp màn thê lương, trái đất vẫn quay, thời bình ở đây nhưng lòng vẫn loạn lạc trên chiến trận. Nhưng chẳng còn gươm hay súng, đạn bạc cũng chẳng bay mà thay vào đó, từng sợi tơ mong manh của trái tim con người cứ dần lụi tàn, đứt phăng và diệt vong như hàng triệu cái chết trên vùng đất nhuộm đầy máu lửa.
Ngày kia đến, trời chỉ vừa chớm sáng, nhưng ánh sáng đó vẫn chưa đủ làm ấm những cơn lạnh băng giá trong lòng tôi. Bà chủ tiệm quàng lên người tôi chiếc khăn len mà bà đã miệt mài đan suốt thời gian qua. Đôi tay bà run nhẹ khi bà thắt lại chiếc khăn trên cổ tôi, và giọng bà vang lên nhẹ nhàng, như muốn xoa dịu một nỗi đau vô hình.
“Bà nghĩ nó sẽ rất kì quặc khi đi cùng chiếc măng tô của cháu, nhưng trông cũng hợp đấy chứ.”
Bà bật cười, nhưng tiếng cười đó không thể xua đi sự nặng nề trong lòng tôi. Tôi lắc đầu, không thể đáp lại bằng một nụ cười. Tôi chỉ khẽ thì thầm, trong tâm hồn tôi đầy ắp sự biết ơn.
“Không, trông nó thật đáng quý. Cảm ơn bà vì món quà.”
Lời cảm ơn không đủ để diễn tả hết lòng tôi, nhưng tôi chỉ có thể nói vậy, rồi tạm biệt bà chủ và tiệm L’aube. Cảm giác nghẹn ngào trào dâng trong lòng tôi khi rời khỏi nơi này. Cầm túi vải trong tay, tôi bước đi, bước về hướng nhà hát nơi vở kịch Othello sắp diễn ra. Cảm xúc trong tôi rối bời, như một cơn sóng lớn đập vào bờ, nhưng tôi không thể dừng lại. Trong lòng túi là một tập thơ được viết liên tù tù những ba mươi ngày qua từ lần cuối nơi Nhà Hát Trung Tâm hoa lệ. Những bản thơ đầy lời ca tiếng hát như một bản nhạc thánh và như một vũng nước đọng. Nó im lìm nằm sâu trong túi vải da bò, một cái túi cũ kĩ đã theo tôi từ những ngày đầu trên đất Pháp.
Màu kem úa tàn hiện ra trước mắt khi tôi đứng trước cánh cổng của nhà hát, và tôi nhìn thấy gã, người đàn ông ấy, bóng dáng của kẻ luôn kề cận em từng phút từng giây, như bóng tối và ánh sáng không thể tách rời. Tôi không thể biết được điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng một điều: trái tim tôi, một lần nữa, sẽ phải đối diện với nỗi đau không thể tránh khỏi.
Dẫu thế, chân tôi vẫn lì lợm bước từng bước, lướt qua gã và tiến vào không gian bên trong. Lần này, đường đường chính chính, một vị khách quan được mời, một người bạn – có lẽ, của diễn viên chính trong vở kịch.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top