Giám quan - Chương 1, 2, 3
Trời về chiều, mặt trời đã gần tắt nắng, lại một ngày nữa như mọi ngày ở huyện Liêu Sơn. Huyện Liêu Sơn là một huyện xa kinh thành, nói giàu không giàu, nói nghèo cũng chẳng nghèo, chung quy có thể xem là mức trung bình, cuộc sống ở đây lại cũng trung bình y như thế, chẳng có gì quá nổi bật để xem là thứ đặc sản địa phương, cũng chẳng nghèo đói gì, bá tánh đủ ăn đủ mặc không ai là cơ hàn bần cùng, người giàu nhất vùng - Tống phú hộ lại càng chẳng phải cường hào ác bá, ngược lại ông là một lão nhân vui tính hòa nhã, ruộng đất nhà lão cho người khác thuê, người thuê muốn trả tiền thì trả, không trả thì thôi lão cũng xem như giúp đỡ họ có ruộng mà cày, chính vì thế hầu hết mọi người đều quý mến lão.
Trong huyện cũng có một vị cựu học sĩ trong triều họ Mịch tên Phi, chẳng hiểu vì lý do gì lại từ quan về huyện Liêu Sơn làm phu tử dạy học, Mịch phu tử là một trong những người quý mến Tống phú hộ nhất vì theo lời ông: "Lão Tống giàu có nhưng không phách lối, ngược lại là người rất vui vẻ khiêm nhường, lại không hề khinh thị người nghèo, sẵn lòng giúp đỡ, người như vậy rất đáng quý". Mịch phu tử dạy học không thu tiền cho trẻ con khắp huyện, thư đường cũng đặt trong nhà Tống phú hộ, ý này cũng do Tống phú hộ đề nghị rằng xem như lão Tống bỏ tiền ra cho bọn trẻ được học.
Hiển nhiên là Mịch phu tử và Tống phú hộ đều có nhi tử, trùng hợp thay cả hai lại bằng tuổi nhau và là bằng hữu chơi thân từ lúc bé, chẳng những vậy hai tiểu tử hai nhà Mịch Tống đều là những tiểu tử rất thông minh sáng dạ, chỉ có điều Mịch Quán Phàm - con trai của Mịch phu tử là người siêng năng cần mẫn trong khi Tống Vũ - con trai của Tống phú hộ lại khá lười biếng ham chơi.
Hai tiểu tử Phàm - Vũ ngày qua ngày, trải qua tuổi thơ yên bình ở huyện Liêu Sơn thì cũng đã mười tám, vừa lên kinh ứng thí xong trở về Liêu Sơn chưa bao lâu. Tính ra đến ngày hôm nay thì gia đinh a Phúc - một trong những gia đinh biết chữ của Tống gia được phái đi lên kinh xem bảng vàng- sẽ về tới cùng kết quả khoa cử kỳ này, do vậy nên lão Tống cứ đứng ngồi không yên. Dù gì thì lão Tống cũng mong tiểu Vũ đỗ đạc công danh mà làm cho nhà họ Tống được tiếng thơm, ngược lại, dù tiểu Phàm cũng đi thi cùng với tiểu Vũ nhưng Mịch phu tử lại rất điềm nhiên ung dung.
Thấy cha mình không mấy quan ngại về kết quả khoa cử, tiểu Phàm mới hỏi:
- Cha, con tuy làm bài khảo thí khá suôn sẻ nhưng cũng không dám chắc sẽ đỗ tiến sĩ, sao cha lại ung dung như thể con chắc chắn sẽ đỗ vậy?
- Con hiểu sai ý cha rồi, vốn dĩ con đỗ hay không, có làm quan hay không đối với cha chẳng hề quan trọng. Cha biết tài học của con đến đâu, biết con siêng năng mẫn cán thế nào vì vậy chẳng cần triều đình đánh giá con. - Mịch phu tử đáp. - Thậm chí, con có tin không nếu ta nói ta không muốn con làm quan?
- Cha cảm thấy con chưa đủ tài đức? - Mịch Quán Phàm đáp.
- Con rất tài năng, rất cần mẫn nhưng ta thấy con không hợp làm quan, Tống Vũ tuy lười biếng ham chơi nhưng cũng thông minh sáng dạ không kém con, lại có một thứ mà con không có mới thực sự phù hợp làm quan hơn đó.
- Tiểu Phàm nông cạn vẫn chưa hiểu ý của cha? - Mịch Quán Phàm đáp.
- Con có một nhược điểm đó là quá khuôn phép, quá nguyên tắc, thoạt đầu tưởng là tốt, sẽ giữ được kỷ cương phép nước tuy nhiên thực tế như vậy chưa chắc đã tốt con à. Còn tiểu Vũ, nó không phải là người cứng nhắc, tuy thoạt nhìn cách nó hành xử có vẻ qua loa dễ dãi nhưng thực sự nó lại rất sáng suốt thấu đáo, tuy nhút nhát nhưng bản chất bên trong lại rất cương nghị chính trực, đó mới là phẩm chất của một vị quan phụ mẫu.
- Tiểu Phàm đã hiểu, quả thật tài đức của con vẫn còn chưa đủ.
- Không, không phải vậy, mà con không phù hợp, chỉ thế thôi. Ngoài ra, con sẽ không làm quan được đâu vì năm xưa khi ta bỏ chốn quan trường để trở về Liêu Sơn này ẩn cư ta đã dặn đồng liêu thân hữu trong triều rằng sau này nhi tử của ta đi thi thì cũng đừng cho nó đỗ tiến sĩ làm quan. Ta nói ra con không trách ta chứ?
- .... - tiểu Phàm trầm tư không nói, nhưng cũng không có ý trách móc Mịch phu tử.
- Quan trường hung hiểm, ta không muốn dính dáng đến nữa, và ta cũng không muốn con dây dưa vào. Tuy nhiên nếu tiểu Vũ làm quan địa phương và muốn con đi theo làm sư gia cho nó thì ta không phản đối.
- Cha nghĩ tiểu Vũ sẽ đỗ sao?
- Bình thường tiểu Vũ không bằng con chẳng qua vì nó lười nhác, chứ nó không thua con đâu. Ta nghĩ nó sẽ đỗ tiến sĩ, và khả năng cao là sẽ được sắc phong làm huyện nha ở huyện Bách Nhai, huyện thái gia ở Bách Nhai vừa bị cách chức cách đây không lâu, vẫn chưa có quan viên được cử về nhậm chức.
Cha con Mịch phu tử đang trò chuyện thì bên ngoài có tiếng la lớn:
- A Phàm, ta đỗ rồi, đầu tháng sau triều đình sẽ cho chiếu chỉ sắc phong về. Bây giờ đi uống rượu nào.
- Ta đoán không sai chứ? Tiểu Vũ kiểu gì cũng sẽ chạy đến tìm con đầu tiên. Con cũng nên chuẩn bị tinh thần đi, đầu tháng sau chiếu chỉ sắc phong đến là tiểu Vũ phải đi nhậm chức ngay đó, con nên đi theo hỗ trợ nó làm sư gia cho nó, tính tiểu Vũ qua loa dễ dãi, có con nguyên tắc cẩn thận bù lại nhất định sẽ là một bộ đôi thanh thiên đại lão gia.
- Vâng thưa cha. Con xin cáo lui trước, đi uống rượu cùng tiểu Vũ.
.................................... (chương 2)..............................
Từ chiều tà uống rượu đến gần sáng, cái lối hành xử này không phải là lối ứng xử thường ngày của Mịch Quán Phàm vì y là người sống rất mực thước, rất nguyên tắc nhưng hôm nay là ngoại lệ vì y chia vui cùng Tống Vũ - người mà chuyện uống rượu vui chơi thâu đêm đã là thói quen, đồng thời cũng uống chút rượu cho giải tỏa chút khó chịu trong lòng khi biết Mịch phu tử không muốn để y làm quan. Nói về Tống Vũ, tiểu tử này thường ngày lười biếng lêu lổng, tuy thông minh nhưng ham chơi lười học, vì thế nên khi lên kinh ứng thí cùng tiểu Phàm, trong khi ai ai cũng căng thẳng, sẵn sàng cho việc trổ hết tài nghệ mà mưu cầu một chút công danh thì y lại la cà khắp kinh thành, uống thử hết tửu quán này lại đến trà lầu kia. Chuyện khoa cử mưu cầu công danh có được hay không vốn dĩ y chẳng quan tâm, lúc làm bài thi cũng là y nghĩ sao nói vậy, theo cảm tính của y mà nhận định bình phẩm về thiên hạ, về đạo trị quốc mà chẳng ngờ đâu y đỗ thực sự, dù không đỗ cao nhưng đã ngoài sự mong đợi của y. Tất nhiên Tống phú hộ còn vui gấp mấy lần y, vì nam đinh duy nhất của Tống gia cuối cùng cũng làm rạng danh họ Tống.
Tống Vũ lúc này đã lè nhè say, nhưng dù bộ dạng bê bối lết thết của kẻ say rượu cũng khó có thể che lấp được sự thực y là một tiểu tử rất dễ coi, đặc biệt là so với những người khác thì mấy cô thiếu nữ mới lớn lại càng thấy y dễ coi hơn, không phải vì y là con trai của Tống phú hộ giàu nhất trong vùng, chỉ đơn giản là y rất tuấn tú, đôi mắt y khi không say rượu thì luôn toát ra vẻ tinh anh khó tả và cả cái tính tình bộc trực trung hậu của y cũng rất được lòng mọi người. Mịch phu tử từng nhận xét về y với Tống phú hộ: "tiểu tử này tính tình tuy có nhiều cái chưa tốt, đó là lười làm ham chơi lại qua loa dễ dãi, nhưng những cái chưa tốt đó lại chẳng phải là loại đáng ghét gì, trong khi những điểm tốt của nó dù không nhiều nhưng lại hoàn toàn che lấp những khuyết điểm, tính nó qua loa dễ dãi lại khiến mọi người dễ có hảo cảm với nó - có thể nói là mười tục một thanh, là quý tướng. Ngoài ra, Tống lão gia tính tình rộng rãi phóng khoáng lại không khinh thị người khác nên tiểu Vũ cũng học được ít nhiều tính tốt của cha, xem ra sau này lớn lên tiểu tử này chắc chắn sẽ nên người, là một chính nhân quân tử."
- A Phàm à. - Tống Vũ lè nhè nói, tuy lè nhè nhưng y chưa say vì tửu lượng y khá cao do uống rượu đều đặn hàng ngày. - Sao hôm nay ngươi uống nhiều vậy? Thường ngày cho dù là chuyện vui đến mấy ngươi cũng không uống quá ba chén rượu mà. Hay là ngươi có tâm sự gì? Không vui vì ta đỗ mà ngươi không đỗ à?
- Không phải vì thế, chuyện ta không đỗ cũng không phải tại nhà ngươi thì làm sao ta có thể trách ngươi được, chỉ là hơi buồn một chút thôi. - Mịch Quán Phàm đáp.
- Không, thực sự thì đúng là mấy cái lão khảo quan đó hồ đồ quá mà, không lý nào ta lại đỗ mà ngươi lại không. Ai cũng thừa biết ngươi là một trong những nho sinh đủ sức cạnh tranh sòng phẳng ngôi vị Trạng Nguyên mà. - tiểu Vũ chợt la lên.
- Ấy ấy đừng nói bậy mà vạ miệng. Chuyện này cũng không phải quá quan trọng tới mức mà ta phải so đo thiệt hơn với người khác vì nó đâu. Cha ta cũng nói là ông ấy không cần ta phải làm trạng nguyên đâu, ông ấy không muốn ta dây dưa vào quan trường hiểm ác.
- Sao lại không làm quan? Ngươi tài giỏi như vậy, lại là người vô cùng chu đáo cẩn thận, lại rất có phép tắc, ngươi mà không làm quan thì thiên hạ này còn ai đáng làm quan chứ?
- Cũng không nhất thiết phải làm quan, tài học không phải chỉ để mưu cầu danh lợi mà là để có ích cho cuộc sống.
- À, mà ta nghe nói ta sẽ được sắc phong làm quan thất phẩm vào đầu tháng sau. Ngươi có biết thất phẩm thì là cỡ nào không? Có phải mỗi ngày vào chầu triều gặp hoàng thượng không?
- Theo thể chế hiện tại thì còn lâu nhà ngươi mới được vào triều. Quan tứ phẩm trở lên mới được vào cung viện thánh. Thất phẩm thì chỉ có thể làm tri huyện mà thôi.
- Thế ta sẽ làm tri huyện Liêu Sơn à? Vậy thì lão tri huyện hiện tại đi đâu? Ông ta tuy không phải xuất sắc gì nhưng cũng có thể nói là một vị quan thanh liêm không tư lợi.
- Sao nhà ngươi ngốc thế? Chẳng có ai lại làm tri huyện ngay tại nơi mà mình sinh sống cả. Ngươi sẽ được cử đi nhậm chức ở một huyện nào đó chưa biết gần hay xa nhưng nhất định không phải là huyện Liêu Sơn.
- Thế ta phải đi xa à? Vậy mà ta còn định mỗi ngày đến Hạnh Hoa lầu kế bên công đường huyện Liêu Sơn để uống rượu nữa chứ.
- Cha ta nói nhiều khả năng ngươi sẽ được cử tới huyện Bách Nhai nhậm chức. Tri huyện ở đó vừa mới bị bãi chức cách đây không lâu vì tham nhũng, triều đình vẫn chưa cho người thay thế, công vụ vẫn còn tồn đọng không ít.
- Bách Nhai là ở đâu? Có xa không? Ta sợ là nếu xa quá thì mỗi khi nhớ nhà lại không tiện đi lại.
- Cũng không xa lắm, chỉ tầm hai ngày đường.
- Trời, những hai ngày đường, lại còn phải giải quyết một đống thứ do một thằng giặc tham quan bày ra, thôi ta không cần làm quan nữa, đỗ tiến sĩ là vui rồi, để khi chiếu chỉ sắc phong tới ta từ chối.
- Ngươi điên à? Từ chối chiếu sắc phong là kháng chỉ, tội diệt tộc đó.
- Trời, lại còn vậy nữa sao? Biết thế ta chẳng thèm lên kinh ứng thí làm gì để bây giờ chuốc vạ vào thân.
- Thôi đừng mè nheo nữa. Ta sẽ đi cùng ngươi làm sư gia cho ngươi, giúp ngươi vậy.
- À phải ha, vậy mà ta quên mất, bất luận là tri huyện hay tri phủ, bất cứ quan viên địa phương nào cũng có một sư gia bên cạnh tham mưu. Ngươi không nói, tới lúc ta nhớ ra thì kiểu gì ta cũng bắt ngươi đi theo làm sư gia của ta.
.................................... (chương 3)..............................
Tháng ngày trôi nhanh, chẳng mấy chốc mà cũng đã đến lúc chiếu sắc phong về đến huyện Liêu Sơn. Tất cả mọi người trong huyện đều hân hoan, hiển nhiên người vui nhất là Tống phú hộ. Tuy nhiên, người nhận chiếu sắc phong - Tống Vũ - lại không mấy vui vẻ gì, ngược lại sắc mặt có vẻ nặng nề, Mịch Quán Phàm cũng trầm tư suốt cả buổi.
Tối hôm đó, tiểu Vũ cùng tiểu Phàm không uống rượu, chỉ lấy trà thay rượu để bái biệt mọi người và sáng hôm sau phải gấp rút lên đường đến Bách Nhai nhậm chức. Mọi người trong huyện tập trung ở nhà Tống phú hộ rất đông, dù nội viện rất rộng nhưng vẫn không đủ chỗ, đến nỗi tràn ra cả dãy phố. Ai nấy cũng chúc sức khỏe bình an cho tiểu Vũ và tiểu Phàm.
Tiệc trà tàn, bá tánh trong huyện đều ra về hết, chỉ còn Mịch phu tử và tiểu Phàm ngồi nán lại, tiểu Vũ vội vã về phòng sắp xếp hành trang, y là người như vậy, không hề biết chuẩn bị sắp xếp từ trước, toàn để gấp rút nước đến chân mới nhảy, trong khi đó, tiểu Phàm vốn đã sắp xếp xong xuôi ổn thỏa từ ngày hôm trước. Tống phú hộ và Mịch phu tử ngồi dặn dò tiểu Phàm, vì hai người họ thừa biết là có dặn dò tiểu Vũ đi chăng nữa, khi đến Bách Nhai y cũng sẽ quên sạch ngay thôi.
Tống phú hộ vì lo lắng cho tiểu Vũ, nên có rất nhiều điều căn dặn:
- Tiểu Phàm, con cùng với Vũ nhi chơi thân với nhau từ bé, có thể nói còn thân hơn huynh đệ, con cũng biết tính tình của nó hời hợt hay hành động theo cảm tính. Con ở bên cạnh nhớ thay ta tiết chế hành vi của nó, đừng để nó thiếu suy nghĩ làm trò dại dột mạo phạm tới người khác. Ta nghe cha con nói huyện Bách Nhai không được an ninh cho lắm, phải thực cẩn thận.
- Tống lão huynh nói phải đó. - Mịch phu tử tiếp lời. - Tiểu Vũ, tiểu tử này tuy có tính tốt là rất chính trực, nhưng đôi khi quá chính trực cũng không tốt, quan trường phức tạp khó lường. Ta cũng không còn gì nhiều để nói về tiểu Vũ, về phần con, ta cũng không quá bận tâm vì ta hiểu rõ nhi tử của mình đủ tài năng để ứng phó, đủ đức hạnh để không làm điều sai trái. Chỉ duy nhất một điều ta muốn con cũng như tiểu Vũ phải luôn ghi nhớ, đúng là kỷ cương phép nước cũng như bá tánh rất quan trọng nhưng sự an nguy của bản thân còn quan trọng hơn. Ý của ta không phải là kêu con và tiểu Vũ sống ích kỷ chỉ tư lợi cho bản thân, mà phải ý thức được rằng bá tánh chỉ có thể có được công lý, kỷ cương phép nước chỉ có thể được giữ vững khi có người thực thi công lý, giả sử tiểu Vũ là một vị quan tốt đến đâu đi nữa nhưng nếu bị hãm hại không thể tiếp tục cai quản được nữa thì chính bá tánh là những người đầu tiên chịu thiệt thòi khi không còn một vị quan tốt. Điều nay rất quan trọng, con phải luôn luôn ghi nhớ, dù sao con và tiểu Vũ, ta đều không muốn bất cứ ai trong hai con gặp chuyện bất trắc gì.
- Thưa cha, thưa Tống bá bá, Phàm nhi đã rõ, Phàm nhi sẽ luôn ghi nhớ lời dặn và sẽ tận lực hỗ trợ cho tiểu Vũ.
Tống phú hộ cũng nhẹ nhõm trong lòng phần nào, nói:
- Thôi cũng không còn sớm nữa, Mịch huynh với tiểu Phàm cũng nên nghỉ ngơi, sáng mai tiểu Phàm còn phải lên đường. Tiểu Phàm, con cũng như Vũ nhi, phải luôn bảo trọng.
- Vâng, thưa Tống bá bá, Phàm nhi xin cáo từ.
Trời vừa hửng sáng, Tống Vũ vẫn còn ngái ngủ chưa tỉnh táo, quờ quạng leo lên xe ngựa còn Mịch Quán Phàm thì vẫn như mọi khi, rất chỉnh tề. Ngoài Mịch phu tử và người nhà Tống gia thì những người khác trong huyện đến đưa tiễn cũng không ít, cá biệt có vài vị cô nương đẫm lệ nhòa vì hai nam tử anh tuấn nhất, tài năng nhất trong huyện trong cùng một ngày đã rời đi cả hai. Mọi người tâm trạng đều buồn, chỉ thấy hai người trong cuộc là tiểu Phàm và tiểu Vũ là không buồn gì mấy, nhưng đâu ai biết rằng, để những người khác đừng bận tâm thì tiểu Phàm dùng sự điềm nhiên còn tiểu Vũ mang vẻ ngái ngủ ra để che giấu nỗi lòng riêng của hai người họ, dù sao thì phút biệt ly mấy ai mà không bề bộn nỗi lòng chứ?
Xe ngựa đã đi được gần ba canh giờ, tiểu Vũ lúc này cũng chẳng còn ngái ngủ nữa, quay sang tiểu Phàm nói:
- A Phàm à, ngươi nói xem liệu mọi người có biết chúng ta đi làm quan thực chất chẳng hề vui vẻ một chút nào không?
- Sao vậy? Tên háo sắc nhà ngươi thấy mấy vị cô nương đó khóc lóc nên chỉ mới rời đi được vài canh giờ thôi mà đã đau lòng rồi sao?
- Ha ha ha, cũng có một chút đau lòng đó, ngươi biết thừa ta là người rất biết 'thương hương tiếc ngọc' mà. - Tiểu Vũ cười nhăn răng đáp.
- Ta đùa vậy cho đỡ buồn thôi, chứ ta dám chắc ngoài gia đình chúng ta thì chẳng mấy ai biết đi làm quan vốn không phải việc sung sướng gì đâu.
- Ừ, dù biết vậy nhưng không sao. Chỉ cần tin vào lương tâm, tin vào chính nghĩa của bản thân thì chẳng có gì có thể cản ta trở thành một thanh thiên đại nhân.
- Về mức độ lạc quan thì chắc trong thiên hạ này khó có ai bì được với nhà ngươi đó tiểu Vũ à, ha ha ha.
Hai người họ cười cười nói nói cho quên đi đường dài tha hương, cho quên đi nỗi buồn biệt ly, cho khỏi phải lo lắng về những khó khăn trước mắt đang chờ đón họ ở huyện Bách Nhai.
.......................................(chương 4).......................................
Đường xa ngàn dặm, nói đi hai ngày đường tức là đi liên tục không nghỉ, nhưng điều đó chỉ áp dụng cho lãng khách giang hồ có võ công, trong khi cả Tống Vũ lẫn Mịch Quán Phàm đều là thư sinh trói gà không chặt, đi làm tri huyện lại phải mang theo rất nhiều hành trang, thư tịch nên không thể nào mà đi nhanh không nghỉ được.
Do khởi hành từ sáng sớm nên khi mặt trời ngả về tây thì đi cũng đã được gần một nửa chăng đường, cả tiểu Vũ lẫn tiểu Phàm đều mệt mỏi uể oải, dù có muốn cố đi tiếp thì cũng không được, ngựa cũng cần phải nghỉ nói chi là con người. May mắn là dọc đường cũng đi ngang qua vài thành trấn chứ không phải hoang sơ hẻo lánh, và lại càng may mắn hơn khi suốt đoạn đường vừa đi vẫn không gặp phải sơn tặc hay cường đạo hoành hành vì thời thế hiện tại cũng tương đối yên ổn, không quá loạn lạc, yêu quái cũng chưa phải là mối họa gì lớn vì các đạo phái phát triển khá mạnh, vân du đạo sĩ thường phiêu bạt khắp nơi để trị an cho bá tánh, đồng thời triều đình cũng tăng cường xung quân địa phương để đánh đuổi yêu quái khi cần thiết. Tuy nhiên trong mắt những người đọc sách thánh hiền như tiểu Vũ và tiểu Phàm thì những đạo sĩ không đáng tin cậy cho lắm vì theo cách nghĩ của giới học sĩ thì bọn đạo sĩ là loại "buôn thần bán thánh" để kiếm cơm.
Hiện tại thì xe ngựa đã dừng tại một khách điếm ở trong một tiểu trấn cũng khá đông đúc. Tiểu Vũ bước xuống xe ngựa, dáng vẻ uể oải đi vào trong, gọi một vài món thịt và một bình rượu, y ăn cơm mả không uống rượu thì cảm thấy khó chịu trong người lắm. Tiểu Phàm thì vẫn chỉnh chu, từ tốn bước vào sau khi thu xếp chỗ cho xa phu và cỗ xe ngựa, thấy tiểu Vũ gọi rượu uống thì lại cằn nhằn:
- Sáng sớm ngày mai lại phải khởi hành sớm sao nhà ngươi còn gọi rượu uống? Định để tới ngày kia mới đến Bách Nhai à?
- Ngày kia thì ngày kia, có sao đâu? Tới trễ một chút biết đâu lại hay?
- Nói càn, tới trễ thì làm sao lại hay được? Ngươi chỉ được uống một bầu rượu thôi đó, không được gọi thêm.
- Một bầu luôn à? Vậy mà ta định chỉ uống ba chén thôi.
-#*$&*^%#.
- Chán quá đi, ngồi xe ngựa cả ngày mệt quá, sao không để ta làm tri huyện chỗ nào gần một chút, lại điều đến cái nơi xa xôi thế này, không biết cái lão hoàng thư..
- Ngươi bớt lảm nhảm nói bậy một chút thì cái đầu của cả hai bọn ta giữ được lâu hơn đó. - Tiểu Phàm kịp thời ngắt lời tiểu Vũ trước khi y hoàn tất cái câu than vãn của mình mà xúc phạm đến hoàng đế. - Nghe ta dặn đây, khi đến Bách Nhai khi nhậm chức, trước mặt mọi người thì đừng gọi ta là a Phàm, ta cũng không gọi ngươi là tiểu Vũ nữa, hãy làm quen với cách gọi mới, gọi ta là Mịch sư gia, còn ta cũng như mọi người ở Bách Nhai sẽ gọi ngươi là Tống đại nhân.
- Sao phiền thế? Cứ như thường cho đỡ mất công, ta không cảm thấy phiền nếu mọi người gọi ta là tiểu Vũ thay vì Tống đại nhân đâu.
- Đây không phải là phiền hay không phiền nhưng vì ngươi mới nhậm chức nên phải có nguyên tắc, ngươi hiểu ý ta mà.
- Thì ta biết chứ, hai bọn ta chưa đầy hai mươi tuổi lại đến một nơi chốn xa lạ làm quan, phải tỏ ra cái uy ngay từ thì mới dễ cai quản hơn.
- Ừm, ít ra ngươi cũng không tối dạ lắm, thưa Tống đại nhân.
- Ha ha, nghe cũng hay hay dù ta không quen lắm. Chẳng ngờ có ngày một Tống Vũ thích ăn chơi uống rượu cũng làm một vị Tống đại nhân.
Tiểu nhị mang đồ ăn dọn lên, tình cờ nghe được hai người Phàm - Vũ trò chuyện, mới nói:
- Hai vị khách quan sắp đến Bách Nhai làm quan gia à? Tiểu nhân thực nhìn không ra, chẳng ngờ còn trẻ tuổi vậy. Tiểu nhân vốn nghĩ triều đình sẽ phái cả một đoàn quân mã đến Bách Nhai chứ.
- Vì sao vậy? Ở Bách Nhai có vấn đề gì sao mà phải cần quân đội? - tiểu Vũ thắc mắc.
- Hai vị quan gia không biết đó thôi, tình hình ở Bách Nhai hiện tại khá rối loạn, dù trấn này cách Bách Nhai mấy trăm dặm đường nhưng cứ cách vài ngày vẫn thấy có người từ Bách Nhai đến đây mang cả đổ đạc gia súc. Nghe họ nói dường như ở Bách Nhai có cường hào ác bá hà hiếp, ngoài ra nghe đâu còn có yêu quái sát nhân nữa.
- Thực thế sao? Loạn tới mức đó luôn à? - tiểu Vũ nghe xong đã cảm thấy trong người khó ở.
- Chuyện có cường hào ác bá thì cũng không phải là hiếm nhưng chẳng phải là đã hơn hai mươi năm nay đã không có một vụ yêu quái tấn công con người nào nữa mà? Từ sau trận huyết chiến giữa người và yêu thì các đạo phái đã gần như đẩy lùi toàn bộ yêu quái khỏi Trung Nguyên rồi mà? - tiểu Phàm hỏi chi tiết.
- Tiểu nhân cũng không rõ lắm, chỉ nghe những người từ Bách Nhai đến kể lại thôi.
- Ừm, vậy thôi được rồi, ngươi lui đi. Cần gì ta sẽ gọi.
- Vậy tiểu nhân cáo lui, hai vị quan gia ăn ngon miệng.
- Nè a Phàm à, liệu có yêu quái thật không vậy?
- Ta cũng không chắc được là có hay không, nhưng khả năng có yêu quái hoành hành là rất thấp, ngươi cũng nghe kể không ít mà, từ trước khi bọn ta ra đời thì Trung Nguyên đã không còn yêu quái nữa.
- Ta cũng hy vọng là không phải yêu quái, có khả năng là có hung thủ sát nhân rồi đổ vấy cho yêu quái. Thực tức quá mà, hết chỗ rồi sao lại đẩy ta tới cai quản cái chỗ mà nhiều sự nhiễu loạn đến vậy chứ.
- Chẳng phải ngươi nói ngươi sẽ làm một thanh thiên đại lão gia sao? Những chỗ phức tạp như vậy là cơ hội cho ngươi thể hiện đó.
- Nhưng dù sao thì cũng đừng tới mức ta còn chưa đến nơi đã nghe toàn tin không hay rồi.
- Thôi đừng bận tâm, đến nơi xem xét sự việc kỹ càng rồi hãy tính.
- Lỡ có yêu quái thật thì sao? Tới nơi bị yêu quái ăn thịt mất thì còn tính gì nữa.
- Nhà ngươi sắp làm quan rồi đó mà còn nhát gan vậy à? Hơn hai mươi năm nay làm gì còn yêu quái.
.....................
Tiểu Vũ và tiểu Phàm sau khi nghỉ ngơi một đêm tại quán trọ trong một thành trấn ven đường thì lại tiếp tục hành trình đến Bách Nhai nhậm chức. Tuy bản thân tiểu Phàm trấn an tiểu Vũ rằng không còn yêu quái xuất hiện đã được hai mươi năm nay nhưng thực chất trong lòng y vẫn canh cánh lo ngại, lỡ như có yêu quái thật thì bọn họ phải ứng phó thế nào? Trong chuyện này rõ ràng là có gì đó rất không bình thường. Chuyện bãi chức thì vốn dĩ không thiếu nhưng vì sao sau khi bãi chức huyện lệnh Bách Nhai tiền nhiệm thì triều đình lại không cắt cử quan viên khác ngay lập tức hoặc chí ít cũng phái khâm sai đại thần đến nơi để giải quyết rất nhiều công vụ tồn đọng, mà lại đợi hẳn đến vài tháng sau có tiến sĩ mới đỗ khoa cử mới sắc phong? Và ngoài tiểu Vũ ra, nếu không tính ba vị Trạng Nguyên, Bản Nhãn với Thám Hoa thì chí ít cũng còn 4 tiến sĩ nữa, tại sao lại không phải là họ mà là tiểu Vũ được phân tới Bách Nhai? Liệu có phải chỉ là trùng hợp đơn thuần không hay là có một thế lực nào đó đã sắp đặt sẵn? Những câu hỏi đó làm cho tiểu Phàm trong lòng tràn đầy nghi hoặc mà không có cách gì giải thích được.
Sau gần ba ngày đường mệt mỏi rã rời thì tiểu Phàm và tiểu Vũ cũng đến được Bách Nhai. Thoạt nhìn thì khi bá tánh ra đón tân huyện lệnh không mấy ai tỏ vẻ hồ hởi vui mừng gì cả, điều này làm cho tiểu Vũ cảm thấy cụt hứng đi vài phần vì vốn dĩ y nghĩ rằng khi đến nhậm chức sẽ được mọi người đón chào nồng nhiệt, hay chí ít cũng phải tỏ rõ thiện cảm. Nhưng sự thực thì đối với cuộc sống của bá tánh huyện Bách Nhai không thể nào sánh bằng quê nhà Liêu Sơn của tiểu Phàm và tiểu Vũ được. Chỉ vừa đi vào huyện, tiểu Phàm đã cảm thấy không khí nhuốm màu ảm đạm tang tóc mà ngay cả y cũng không thể tả được, rõ ràng là những nghi vấn trong lòng của tiểu Phàm quả không sai khi nơi này rất là không bình thường. Xe ngựa đến trước huyện nha thì các bộ khoái và nha sai đã đứng xếp hàng chờ sẵn. Lực lượng thoạt trông có vẻ không mấy đáng tin cậy, hai bộ khoái một già một trẻ nhưng không ai trong họ có cái khí chất của người thực thi pháp luật mà tiểu Phàm trông đợi cả, còn khoảng mười người nha sai trông lại càng chẳng có vẻ gì là khỏe mạnh hơn những thường dân bá tánh khác cả, với lực lượng này thì nếu thực sự có yêu quái hoành hành thì chỉ có nước trông đợi vào các vân du đạo sĩ hay các giang hồ hành giả thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top