#4

Bọn tôi vừa chuẩn bị xong thì nghe thấy tiếng vít ga của xe đạp điện đi thẳng vào trong sân.

Ba đứa tôi hơn hớn chạy ra, reo lên:

- Chị Mít về rồi à!

- Chị Mít đi học mệt không?

Thấy thái độ vồn vã của bọn tôi bà ấy sinh nghi:

- Nịnh có ý nhờ vả gì hả?

- Không bọn em làm gì nhờ vả gì. Mẹ em với mẹ Nhím bảo mang hộp này sang tặng chị để cảm ơn chị đã dậy bọn em học.

Tự dưng tôi thấy người lớn có cái uy khủng khiếp luôn. Nghe thấy bảo mẹ Bin với Nhím tặng thì mặt bà ấy tươi như bắt được vàng:

- Thế á! Mẹ gửi tặng cho chị cái gì?

Lúc này tôi biết bà ấy mắc mưu rồi, liền đưa vội "hộp quà" ra:

- Em cũng không biết nữa, mẹ bảo mang sang tặng chị.

Bà ấy đón lấy luôn, còn bọn tôi thì bụm miệng nín cười, vừa chạy vừa nói vọng vào:

- Chị mở quà đi, bọn em sang nhà Nhím nhé!

Nói là sang nhà nó thôi chứ bọn tôi đứng nhòm từ cửa sổ vào. Khoảnh khắc ngàn năm có một ấy nên được chiêm ngưỡng.

Qua khung cửa sổ ấy, tôi thấy bà chị tôi mân mê hộp màu hồng thắt nơ xinh xinh.

Và cũng qua khung cửa sổ ấy, tôi thấy bà chị tôi hét ầm lên rồi hất tung cái hộp quà lên rồi chạy mất hút. Để lại đằng sau chú gián, à không, mấy chú gián sau khi rơi tự do thì bò lổm ngổm thật "đáng thương".

Ba đứa tôi nín cười rồi chạy tít ra đầu hồi nhà cái Nhím mới đứng lại cười sằng sặc như được vụ.

- Bin thông minh thật, nghĩ ra cả trò này.

Cái Nhím cất tiếng đầu tiên, khiến thằng Bin cũng khách sáo đáp lại:

- Cũng có nhờ công cái hộp của Nhím nữa mà.

- Mỗi Ghẹ là chẳng làm cái gì nhỉ?!

Ơ, đừng nói thế chứ, tôi có làm mà.

- Hâm à, con Ghẹ nó nghĩ ra bà Mít sợ con gì nhất đấy. Nó đầu tư chất xám, hơi bị quan trọng luôn. Đừng có mà coi thường.

Tôi còn chưa kịp phản pháo thì thằng Bin đã nói trước, tôi cũng hùa vào luôn:

- Tao "hi sinh" bà chị tao ra làm trò cười mà. Công tao to nhất.

- Ừ đúng rồi, công cái Ghẹ to nhất luôn.

Cái Nhím thấy chúng tôi hùa vào nhau thì chỉ cười:

- Ừ, thế mà Nhím quên mất.

Cái Nhím xinh lắm, các đường nét trên mặt nó rất hài hòa. Trông cứ như búp bê ấy. Nhưng khi nó cười, tôi luôn cảm thấy nụ cười ấy thiếu thiếu cái gì đó. Chỉ một cái khuyết rất nhỏ thôi.

Lần mà tôi thấy cái Nhím cười tươi nhất là khi sinh nhật nó năm lớp hai. Ba mẹ Nhím gác lại hết công việc để tổ chức cho nó. Tiệc to lắm nhé, có đến hai cái bánh xếp tầng trên cái giá lốc. Trên đây bao nhiêu là hoa, là con vật sặc sỡ. Còn có cả chú chụp ảnh đứng tách tách. Từng động tác thổi nến, cắt bánh của nó đều được ghi lại. Đấy là cả cái ước mơ của tôi, à không, tôi chỉ cần một nửa của Nhím thôi là tôi vui lắm rồi.

Nhưng cái Nhím nó có nhiều quà nhưng nó không thích, nó chỉ quấn lấy bố mẹ nó. Phải rồi, hai cô chú làm kinh doanh bận bù đầu, đi đây đi đó công tác. Nó toàn ở nhà với bác giúp việc là nhiều, không chơi đồ hàng với bọn tôi thì cũng chỉ biết cầm cái máy gì đấy to đùng. Nó toàn dùng để bật siêu nhân với búp bê Barbie lên cho bọn tôi xem.

Và cũng trong năm lớp hai đấy, mẹ thằng Bin đẻ em bé.

Mẹ thằng Bin đẻ em gái, còn bé tí. Thấy mọi người bảo em ấy giống chú Thắng ba Bin. Nhưng tôi chẳng thấy giống, em còn tí tẹo, đường nét chưa có gì nhiều.

Từ đấy tôi hay sang nhà Bin chơi lắm, tại tôi thích em bé. Nhiều lần bảo mẹ sai con cò mang em bé xuống chơi cùng với tôi mà mẹ không chịu. Tôi thích ngắm em ấy ngủ, rồi khi em khóc thì gọi cô Hà vào cho tu ti. Tôi thích ngồi quạt xua muỗi cho em, vì khi mẹ Bin khen tôi thấy mình có công rất lớn.

- Có Ghẹ sang đây thằng Bin mới chịu ở nhà đấy!

Cô Hà vẫn hay nói với tôi như thế. Nhưng mỗi lần bà chị tôi lên cơn hấp, lại réo ầm tôi về. Bà Mít lấy lí do là tay chân tôi đầy mực, chơi với em sợ dị ứng.

Đúng là bọn tôi đi học mực ra bẩn thật, nhưng tay thằng Bin còn kinh hơn cả tay tôi. Với lại tôi chơi với em suốt, có bao giờ dị ứng đâu.

Chẳng qua là bà ấy bực chuyện gì trên lớp rồi về nhặng lên với tôi thôi.

Nhưng cũng chẳng sao, tôi về thì thằng Bin cũng lẽo đẽo sang nhà tôi, nó bảo ở nhà chán lắm:

- Thế nhỡ mẹ mày có việc nhờ mày thì sao.

- Ngày xưa đẻ tao mẹ tao vẫn nuôi tao mập ú u như này đây. Có sao đâu, bây giờ không có tao mẹ vẫn chăm em đỉnh luôn.

Tôi thấy cũng đúng, chú Thắng toàn đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Mọi việc là một tay cô Hà làm hết. Nên chắc chắn là mọi việc vẫn ổn nếu không có tôi và Bin.

Dạo này, cái Nhím không chơi với bọn tôi nhiều. Nó bận làm cái gì ấy, à bận làm bánh "vi-da" để đi máy bay. Thấy bảo phải biết ăn bánh đấy mới đi được máy bay. Nó ích kỉ thật đấy, có đồ ăn không chịu cho tôi với Bin ăn, mặc dù có bánh Choco-Pie tôi vẫn hay cho nó mà.

Mẹ nó thuê hẳn một gia sư từ trên thành phố về để dạy nó môn Tiếng Anh. Tôi thấy thật buồn cười, trên lớp bọn tôi cũng học mà, cũng "oắt do nêm", "hau a diu" mà, không nhất thiết phải bắt nó học như vậy đâu.

Có một lần tôi hỏi Nhím:

- Mày học vậy mệt không?

Mặt nó buồn xo, đây là lần hiếm hoi tôi và Bin được chơi với nó, vì cô giáo không về kịp để dạy. Mọi lần nó rảnh đều dành để học bài, đèn nhà Nhím luôn bật đến muộn.

- Mệt lắm, nhưng mẹ tớ bắt học. Mẹ bảo phải học mới theo ba mẹ qua Mỹ được.

Ơ, Mỹ là ở đâu nhỉ. Tôi chưa nghe thấy bao giờ, nên hỏi lại luôn:

- Mỹ là ở đâu, sao lại đi ra đấy, mày ra mấy hôm mày về?

- Mày bị hâm à, Mỹ là nước có cái tháp "Ép phen" ấy, cái tháp to ơi là to hôm nọ thấy trên tivi ấy.

Thằng Bin nhanh nhẩu nói trước, làm con Nhím phì cười:

- Tháp Eiffel không ở Mỹ, tháp đấy ở Pháp cơ. Biểu tượng của Mỹ là Tượng Nữ Thần Tự Do. Mình qua đấy chẳng biết bao giờ mình về luôn. Mẹ bảo... cũng có thể... là ở luôn.

Tôi nghe thế sốc lắm, gì mà ở luôn:

- Ơ hâm à. Mày phải về chơi với bọn tao chứ, mày phải về đi học nữa cơ mà. Mày không đi học cô giáo đánh đít đấy. Mày chỉ được đi ba ngày thôi, à không hai ngày thôi. Mày phải về chứ...

Tôi cứ ngồi luyên thuyên giữa hàng ngàn câu hỏi, mà vô tình, điều đấy làm trùng đi không khí vui vẻ vốn có. Đến mãi mãi về sau này, tôi vẫn cảm thấy hối hận, vì tôi gần như đã phá hỏng nửa buổi chơi cuối cùng giữa ba chúng tôi khi còn ngây thơ ấy.

Hôm đấy, tôi về hỏi bà Mít:

- Chị ơi Mỹ có xa mình không?

- Có, cách mình nửa vòng Trái Đất.

- Ơ thế mà xa á, một vòng Trái Đất mới xa chứ. Thế đi từ đây đến đấy lâu không chị?

- Nhanh nhất là một ngày ngồi máy bay.

- Thế cái Nhím nó đi bao giờ hả chị.

Có những lúc mình biết câu trả lời rồi, nhưng lại vẫn muốn nghe một lần nữa. Cái thời ngây ngốc ấy, mãi tôi chẳng chịu tin ba đứa bọn tôi phải xa cách chỉ vì một lí do nào đấy.

- Haha nó đi ở luôn chứ nó không về đâu. Nó về chắc là công ty ba nó phá sản thôi.

Tôi không hiểu hai chữ "phá sản" có nghĩa là gì, nhưng theo thư bà Mít thì nếu ba Nhím phá sản thì Nhím ở lại với bọn tôi. Thế nên tôi hỏi lại luôn:

- Thật hả chị? Vậy chỉ cần ba nó phá sản thì nó ở lại với bọn em?

Bà ấy phá lên cười, rồi "ừ" một câu chắc nịch. Bà ấy đâu biết rằng, câu nói ấy, vô hình trung đã nhen nhóm trong tôi một hi vọng.

Ngày hôm sau, cô chú Cường Ngọc tổ chức tiệc chia tay mọi người, cũng như cảm ơn hàng xóm đã sang giúp đỡ vận chuyển đồ. Tiệc to, mà nỗi buồn trong ba đứa bọn tôi cũng to. Tôi chẳng hiểu tại sao người lớn cứ chia rẽ trẻ con chúng tôi, họ không thấy bọn tôi còn quá bé để đón nhận khoảnh khắc chia ly à. Bạn từ tấm bé, được sinh ra cùng một năm, biết đi cùng một năm, biết nói cùng một năm. Nhớ cái ngày xưa ấy lười ăn ba bà mẹ phải dắt đi đút ăn dong khắp xóm. Nhớ cái ngày xưa Bin với Nhím kẹt xít tôi vì tôi hay tè dầm. Nhớ cái ngày xưa ấy, mà cả đời này, tôi chẳng thể quên.

Chẳng hiểu Bin với nó như nào, nhưng tôi thì buồn lắm. Dường như, trong tâm trí non nớt của tôi lúc đấy đã nhận thức được rằng: Nhím đi, chưa chắc Nhím đã về.

Trước khi đi, Nhím tặng cho tôi một bộ búp bê Barbie có khớp, và cũng nhường lại hết đám đồ chơi cũ của nó cho tôi và Bin. Nó bảo giữ làm kỉ niệm, nó chỉ cầm con gấu Teddy của nó thôi. Thằng Bin cũng được tặng quà, hộp lọ thủy tinh đựng đầy sao, nhiều màu đẹp lắm.

Được tặng quà, trẻ con ai chẳng vui. Nhưng chắc sẽ vui hơn nếu nó vẫn ở lại với bọn tôi.

Khi đi, cả xóm ra tiễn. Nhìn chiếc xe ô tô chở cả gia đình Nhím đi, ai cũng vẫy vẫy tay, nói như thể lần cuối được nói với họ:

- Cô Ngọc chú Cường đi may mắn nhé!

- Sang đấy cố gắng làm ăn thật tốt đấy, đừng quên bà con ở đây!

- Cô gắng học thật giỏi nhé Nhím!

Tôi cũng muốn, muốn nói một lời chúc, tôi đánh liều hét lên thật to:

- Nhím đi cẩn thận nhé, ba Nhím sớm phá sản để Nhím về với bọn mình nhé.

Không biết là cô chú có nghe thấy hay không nhưng cô bác hàng xóm nghe thấy hết. Tôi thấy vẻ mặt khó hiểu của mọi người. Ơ, mụ Mít bảo chỉ cần công ty ba Nhím phá sản là Nhím ở lại chơi với mình mà. Mình đâu có nói sai đâu.

Ngày hôm đấy, tôi bị mụ "phù thủy" váy đen đánh năm phát vào mông. Vì mụ phù thủy cũng bị "thiên thần" không có cánh, không có vòng thánh phạt cọ nhà vệ sinh một tháng. Tôi thấy mình cực kì oan ức. Rõ ràng mụ bảo với tôi là chỉ cần công ty ba Nhím phá sản thì Nhím ở lại với tôi mà.

Còn ba tôi thì cứ liên tục mắng:

- Lớn đầu mà dại!

Mắt còn rớm nước, mặt mũi tèm nhem chỉ lau vội, tôi chạy sang nhà Bin. Hôm nay Bin không đi tiễn Nhím, nên quà nó gửi Bin tôi vẫn giữ, lấy cớ sang đưa hộ để đỡ bị bà chị lườm nguýt.

Mới mở được cái cổng, tôi nghe thấy tiếng choang một cái. Tôi giật bắn hết cả mình, và cũng sợ không kém. Nhưng bản tính tò mò trỗi dậy thúc giục tôi, nó đưa đôi chân tôi gần vào bờ tường, ép cái tai tôi áp sát vào nó. Cái tật hóng hớt này chắc chắn là thừa hưởng từ bà chị "yêu quái".

Nhưng tôi vẫn không nghe thấy gì, đa số là tiếng va chạm của đồ đạc. Hay là nhà Bin có trộm.

Những âm thanh ấy phát ra từ phòng ngủ của ba mẹ Bin. Phòng có cửa sổ hướng ra sân, nhưng cô chú lắp điều hòa ở phòng này nên kín lắm. Tôi chợt nhớ ra hôm nọ bọn tôi chơi bóng có làm vỡ cửa kính mà bận bịu mấy ngày chia tay nhà Nhím nên cô chú chưa sửa. Tôi khẽ khàng đi đến, ghé mắt qua ô kính vỡ.

Đập vào mắt tôi là một cảnh tượng mãi mãi tôi chẳng có thể quên.

Ba Bin đang trong bộ đồ công sở, áo vest rất lịch lãm. Nhưng bộ quần áo ấy chỉ đẹp những lúc ba Bin đi tiếp đối tác, chứ lúc chú ấy đập phá đồ đạc và quát tháo mẹ con Bin thì lại chẳng tốt chút nào. Tôi đưa mắt về phía mũi cán chổi mà chú ấy đang chĩa vào. Chẳng ai hiểu cảm giác của tôi lúc đấy đâu, đó là hình ảnh cô Hà một tay che cho Bin, một tay bế em bé đỏ hỏn khóc mãi chẳng chịu dứt, tưởng chừng như lạc hẳn giọng đi. Đồ đạc xung quanh cũng chẳng còn gì là nguyên vẹn, hộp sữa, bỉm, bình sữa,... chẳng cái nào ở đúng vị trí mà tôi vẫn hay thấy cả.

Lúc này tôi sợ lắm, nhìn cô Hà lấy thân che cho hai con, thằng Bin liên tục cầu xin ba nó cũng không khinh khủng bằng ánh mắt của chú Thắng. Ánh mắt giận dữ mà chẳng ngòi bút nào tả xiết, giống như chẳng còn là người ba mà Bin hay kể, hay người hàng xóm hay uống rượu với ba tôi. Chú ấy biến thành ác quỷ rồi.

Tôi lùi một bước, rồi hai bước, và chẳng cần màng đến cái gì nữa cả. Tôi chạy một mạch như có người đuổi theo, tôi sợ cái hình ảnh khốc liệt ấy, chẳng quan tâm cô chú có nghe thấy tiếng bước chân của tôi hay không.

Tôi chạy về khoe mẹ, lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng, cứ như vậy thì ba mẹ con Bin sẽ đối mặt với thứ gì đó rất kinh khủng.

Mẹ tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần như sợ nghe nhầm thành điều gì đấy trong tiếng thở đứt quãng và tiếng khóc hoảng sợ của tôi. Nó có tác dụng đến mức chị tôi chạy ra và kéo cả ba tôi sang cùng, không quên gọi mấy bác hàng xóm.

Trong vô thức, lúc tôi chạy theo mọi người, tôi nhận ra cuộc sống Bin không còn ấm êm nữa rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top