비비 (BIBI) - 가면무도회 (Animal Farm); Official M/V
| Ngụy ngôn về bình đẳng tuyệt đối và tiếng nói cách mạng của nghệ thuật
Đăng tải trước đó ngày 22/10/2022.
Mắt mình lúc bật Spotify lên ngân nga cũng dẫn trĩu nặng và gần sập rồi, nhưng vô tình sao thấy chiếc MV này của BIBI, hứng khởi lại ồ ạt dâng lên ấy. Vì trước đó đã suy nghĩ tới việc sẽ viết bài dài để tránh làm dung lượng các bài đăng Facebook quá tải và mệt mắt nên mình quyết định chuyển qua viết bài trên Notion.
Mình viết để thỏa mãn đam mê tận hưởng nghệ thuật lẫn tìm hiểu của mình thôi, không vì mục đích gì cả. Nhưng mình sẽ thấy tiếc lắm nếu không thể viết gì đó cho một trong những người trẻ tuổi tài năng nhất nhì của ngành công nghiệp điên rồ này. Mình thoải mái với mọi bình luận, và cũng hy vọng có thể thảo luận nhiều hơn về chủ đề này.
Vậy thì cùng vào đề tài trực tiếp luôn nhé. Vì sao mình lại gọi "Animal Farm" của BIBI là kiệt tác?
Tấm gương phản chiếu những cảnh huyền thoại trong bộ phim "Kill Bill"
BIBI đã khẳng định qua phỏng vấn rằng chị không có ý kiến phản đối hay ghét bỏ đàn ông, đồng thời cũng xác nhận rằng chị muốn tái hiện các cảnh quay của 'Kill Bill' nên mới có nhiều phân cảnh chém giết như thế.
Nói thật là cũng không hiểu sao mọi người lại cho rằng tư duy âm nhạc của chị tầm thường tới mức chỉ truyền tải thái độ ghét bỏ, thù hằn, phân biệt đối xử với phái nam qua một chiếc MV giàu hình ảnh ẩn dụ với lời nhạc tựa dụ ngôn như thế, kiểu nghe mọi người chỉ trích phản cảm với chửi rủa chị, mình thấy vừa khó hiểu vừa bực bội ấy. Mình không nhận là theo dõi BIBI đủ lâu, dù gần như sản phẩm âm nhạc nào của chị mình cũng đã nghe qua vì 90% trong số đó đều hợp gu mình; nhưng mình đủ tự tin để khẳng định BIBI không bao giờ đối xử với nghệ thuật theo chiều hướng chạy theo thị hiếu bao giờ. Chị ủng hộ nữ quyền, nhưng nó không theo cách là viết nhạc phản đối và lên án đàn ông, mà luôn thường trực thể hiện qua cốt cách của chị, con người của chị, kể cả qua bản ngã nghệ thuật của chị.
Thanh kiếm được xem là linh hồn của samurai. Vậy nên điều đầu tiên mà mình muốn đề cập tới là thanh katana mà BIBI đã sử dụng ban đầu.
Mỗi thanh kiếm đều mang ý nghĩa riêng và thể hiện được tinh thần lẫn bản ngã vị chủ nhân của nó. Trong 'Kill Bill', thanh kiếm của Beatrix có bảng màu chủ đề: đen, vàng và trắng với hình dáng dài và duyên dáng, giống như chủ sở hữu; bao kiếm màu đen cùng hình một con sư tử Nhật Bản được chạm khắc trên đỉnh, một biểu tượng của sự dũng cảm. Trong khi đó, thanh kiếm đặc biệt của O-Ren Ishii lại mang thiết kế hoa anh đào trên tay cầm, được liên kết với các quan điểm văn hóa của Nhật Bản về bản chất phù du của cuộc sống, sự xuyên suốt của mùa nở rộ, vẻ đẹp tinh tế, biến động, tử vong, sự chấp nhận định mệnh và nghiệp, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt. Shirasaya (白鞘) (nghĩa là: bao kiếm vảy trắng) là phong cách phổ biến với giới quý tộc Nhật Bản, có lẽ biểu thị vị thế của O-ren như nữ hoàng của thế giới ngầm Nhật Bản. Đó là lý do vì sao mình đã đặc biệt chú ý tới hoa văn trên thanh kiếm được sử dụng trong MV của BIBI. Khả năng nhận diện các biểu tượng của mình tương đối kém, vậy nên không thể chắc chắn được. Tuy vậy thì mình có để ý phần Tsuba, nôm na hiểu là kiếm cách có hoa văn mạ vàng trông tương đối sang trọng, thể hiện địa vị của chủ nhân không hề tầm thường.
Từ đây mình đặt ra giả thiết, đối với BIBI, người cầm thanh katana đó thực hiện hoàn chỉnh vai trò một 'quý bà báo thù', thanh kiếm này có thể vốn dĩ từ đầu thuộc về chị ấy luôn, chứ không phải chỉ đơn thuần là vũ khí cổ truyền trưng bày mà chị vơ lấy được. Việc sản xuất kiếm không chỉ là một công việc đơn thuần, mà là một nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh, và các thợ rèn giỏi nhất của thanh katana trong các thời đại khác nhau của Nhật Bản được coi là giống như samurai với tư cách là một thợ thủ công. Việc sản xuất chỉ một katana thôi cũng có thể mất 6 tháng làm việc và được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, và không phải tất cả đều được thực hiện bởi cùng một thợ thủ công. Katana không chỉ đơn giản là một thanh kiếm, nó được coi là tấm gương phản chiếu linh hồn samurai. Vì lý do này, một samurai không bao giờ tách khỏi thanh kiếm của mình và chăm sóc mức độ hưng cảm, liên tục chăm sóc từng chi tiết và cũng đầu tư rất nhiều tiền để bảo trì trong điều kiện tốt nhất. Người ta cũng tin rằng một katana có tính đặc thù của việc hấp thụ tinh thần của những người chủ táo bạo của nó, đó là lý do tại sao tới ngày nay nó vẫn được xem là bảo kiếm có giá trị. Vậy có thể ngay từ đầu, thanh kiếm katana đó đã mang linh hồn của BIBI, một kẻ mang tiếng nói Cách mạng vùng vẫy giữa bữa tiệc máu của những con lợn đạo đức giả.
Những phân cảnh tương khớp với "Kill Bill" đều được dàn dựng rất tỉ mỉ, từ màu sắc, thiết kế góc độ ánh sáng cho tới các hình tượng. Cá nhân mình thấy có thể được xem như hoàn hảo. Người đầu tiên bị BIBI chém đầu là người ngồi ở ghế giữa của bàn tiệc, cũng có thể là hiểu là con lợn đầu đàn chủ trì cho cả hệ thống của nó. Phân cảnh này giống với đoạn O-Ren Ishii nhảy lên bàn chặt đầu Tanaka vì bị miệt thị quốc tịch, giới tính, địa vị. Và tới đây, mình sẽ bắt đầu đi trực tiếp vào mối liên hệ giữa bài hát và tác phẩm cùng tên của George Orwell.
"Trại súc vật" của George Orwell thường trực xuất hiện qua nội dung bài hát và những phân cảnh xa xỉ, hoành tráng trong MV
Đầu tiên, hãy cùng xem xét nội dung tác phẩm "Animal Farm" - tạm dịch là 'Trại súc vật' của George Orwell. Hiện giờ thì chắc ở Việt Nam khó tìm đọc quyển này hơn trước. Đây là một tác phẩm phản địa đàng được xuất bản năm 1945 - một câu chuyện ngụ ngôn chính trị. Cuốn sách liên quan đến một nhóm động vật Barnyard đã lật đổ và đuổi những con người khai thác thành quả lao động từ chúng và thành lập một xã hội bình đẳng của riêng chúng. Những con lợn đã lật đổ chủ nông trại và kết luận rằng "tất cả các động vật đều bình đẳng, nhưng một số động vật bình đẳng hơn những con khác", những con lợn này sau đó còn tạo thành một chế độ độc tài thậm chí còn áp bức và vô tâm hơn so với của con người - chủ nhân cũ của chúng. Orwell lập luận rằng bất kỳ cuộc cách mạng nào được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ, âm mưu chỉ có thể thoái hóa thành áp bức và chuyên chế. Cuộc cách mạng bắt đầu với các nguyên tắc vững chắc về bình đẳng và công lý, và ban đầu, kết quả là tích cực, vì các con vật nhận được lao động vì lợi ích trực tiếp của chúng. Tuy nhiên, như Orwell chứng minh, các nhà lãnh đạo cách mạng có thể trở nên tham nhũng và bất tài, không khác gì chính phủ mà họ lật đổ. Tác phẩm cho thấy rằng chủ nghĩa toàn trị và đạo đức giả là tình trạng đặc hữu của con người. Nếu không có giáo dục và trao quyền thực sự của các tầng lớp thấp hơn, Orwell lập luận, xã hội sẽ luôn mặc định là sự chuyên chế.
Sức mạnh của ngôn từ cũng được phản ánh rất rõ ràng trong tác phẩm của George Orwell. "Trại súc vật" đã khám phá được rằng, cách tuyên truyền của nhà lãnh đạo có thể được tận dụng để kiểm soát con người. Từ đầu cuốn tiểu thuyết, Orwell mô tả các động vật bị thao túng bởi các kỹ thuật tuyên truyền thông thường, bao gồm các bài hát, khẩu hiệu và thông tin luôn thay đổi. Bài hát "Beasts of England" (Tạm dịch: "Súc sinh Anh Quốc") đã khơi dậy lên một phản ứng cảm xúc củng cố lòng trung thành của động vật đối với cả chủ nghĩa động vật và cả loài lợn. Việc áp dụng các khẩu hiệu như Napoleon luôn luôn đúng hoặc bốn chân tốt, hai chân tồi tệ thể hiện sự không quen thuộc của họ với các khái niệm triết học và chính trị phức tạp làm nền tảng cho cuộc cách mạng. Sự thay đổi liên tục của bảy điều răn của chủ nghĩa động vật cho thấy những người kiểm soát thông tin có thể thao túng phần còn lại của dân số. Vậy nên, đối với một sản phẩm âm nhạc như vậy, BIBI sẽ cần cân nhắc từ giai điệu, ngôn ngữ tới hình ảnh; tuy nhiên thì đây là điều mà mình chưa thấy rõ.
Một câu hỏi ở đây là, vậy BIBI đóng vai trò như động vật gì trong trại gia súc này?
Phân cảnh ban đầu khi chị nằm trên bàn ăn và ngậm một quả táo là biểu tượng cho món thịt lợn nướng. Đặt một quả táo vào miệng con lợn nướng có lẽ là một cách thể hiện chu kỳ sống và cái chết của một con lợn. Truyền thống đặt một quả táo vào miệng lợn nướng đã có từ cách đây ít nhất 800 năm. Một số nông dân cho rằng cho lợn 'ăn' táo làm ngọt thịt lợn. Một số nơi thay vì đặt quả táo vào miệng lợn trước khi nấu lại sử dụng một bắp ngô hoặc một miếng giấy nhôm trong khi nấu, sau đó thay thế nó bằng một quả táo trước khi phục vụ. Món lợn quay là truyền thống ở nhiều nước vùng Caribe, Châu Âu và Châu Á, thường là vào các dịp lễ tết. Như vậy thì có thể hiểu ban đầu BIBI ở tư thế bị xem như một món lợn nướng để những kẻ khác trong bữa tiệc xâu xé, và hành động cắt bật quả táo để có thể cất lên tiếng nói cũng là khởi điểm cho sự trả thù.
Tuy vậy thì ở một góc độ khác, mình lại nghiêng về một giả thiết: Thực ra BIBI bị những kẻ xung quanh xem là lợn giống với chúng, nhưng vốn dĩ thì BIBI không hề muốn bản thân gò bó vào rõ ràng là con vật gì. Trong "Trại súc vật", có một câu văn nổi tiếng rằng: "Tất cả các động vật đều bình đẳng, nhưng một số động vật bình đẳng hơn những con khác." Câu này là một điển hình về sự giả hình của các chính phủ tuyên bố sự bình đẳng tuyệt đối của công dân của họ nhưng trao quyền lực và đặc quyền cho một giới thượng lưu nhỏ. Trong truyện, con lợn tên là Napoleon đã lạm quyền thay đổi tất cả bảy điều răn được tạo ra để cho phép những con lợn được hưởng các đặc quyền và tiện nghi bị cấm. BIBI đã đặt ra câu tự vấn đối với sự bất bình đẳng này, "Tôi là con hổ hay con linh dương?" đồng thời tuyên bố sẽ không ngừng ngân lên ca khúc ngụy ngôn hư dối điên cuồng thác loạn giữa bữa tiệc của những con lợn. Trong lời hát có câu đề cập tới máy chém của kẻ đã rơi đầu, theo mình, là có liên kết chặt chẽ tới khái niệm về công lý tráng lệ và tưởng chừng như đủ sức đại diện cho lẽ phải mà BIBI đã đề ra cùng một từ chỉ mức độ khả thi tương đối thấp: "Đây là có lẽ là công lý." Tại sao công lý lại còn cần phải xem xét tính khả thi như thế? Phải chăng lằn ranh giữa công lý và tội ác đã bị xóa mờ bởi những ngụy ngôn dưới giả hình của những tên quyền lực này? Hình ảnh máy chém được BIBI đề cập tới trong đoạn điệp khúc, và mình nghĩ đây là một ngụ ý tuyệt vời. Máy chém được xem là biểu tượng của sự công bằng: Máy chém sẽ không phân biệt đối xử giữa một người có dòng máu quý tộc và một nông dân bình thường; do vậy tất cả những ai phạm tội cố ý đều sẽ chết theo cách tương tự là một ý tưởng thực sự mang tính cách mạng trong một thế giới đầy rẫy những thứ bậc xã hội. Tuy vậy, trong triều đại khủng bố, lời đe dọa hành quyết bằng máy chém đã được chính phủ sử dụng một cách hiệu quả để kiểm soát công chúng. Ví dụ, một đạo luật đã được thông qua theo sự thúc giục của những người Sans Culottes ở Paris quy định rằng việc tích trữ lương thực sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Mặc dù khắc nghiệt, việc thi hành án tử hình đối với tội danh này đảm bảo rằng quân Pháp có thể được ăn no. Bằng cách sử dụng một vài người được chọn làm ví dụ, những người nắm quyền có thể khiến phần còn lại của dân chúng sợ hãi phải phục tùng để bảo vệ chính phủ mong manh của mình. Vậy nên khi kẻ điều khiển chiếc máy chém này lại rơi đầu, thì công bằng sẽ thực sự được thiết lập - mình nghĩ có thể giải nghĩa lời hát ở đoạn này như vậy.
Muốn tạo ra xã hội bình đẳng cho cả trại súc vật (hay chính là xã hội), con lợn đầu đàn phải bị chém đầu, tất cả những kẻ đeo mặt nạ đạo đức giả cần bị diệt trừ. Và BIBI sẵn sàng đại diện cho tiếng nói cách mạng đó.
Cao trào da diết và sự bứt phá bản ngã nghệ thuật đích thực
Từ kiếm tới súng, từ súng tới đàn, sự phát triển của những vũ khí này là sự hoàn thiện bản ngã của một nghệ sĩ.
Gọi là cao trào thì không đúng với thuật ngữ âm nhạc lắm, mình nghĩ chính xác thì đó là đoạn coda, (tiếng Ý: "đuôi") trong thành phần âm nhạc, được xem là một phần kết luận (thường là ở cuối một đoạn sonata). Coda báo hiệu cho phần cuối của bản nhạc bằng cách ngắt khỏi dòng chảy chủ đề âm nhạc chính trước đó; đôi khi nó có thể giới thiệu một chủ đề mới, từ đó tạo nên một sự thay đổi rõ ràng trong dòng chảy giai điệu và đưa tất cả thăng hoa cao trào của âm nhạc đến đỉnh điểm.
Với mình thì BIBI chưa bao giờ hết tài năng, và các sản phẩm của chị luôn khiến mình thấy bất ngờ vô cùng. Mình rất thích đoạn cuối cùng, thích màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Bữa tiệc máu sau cùng chỉ còn duy nhất một người, một con vật, một sinh thể vẫy vùng mà thôi. Mục đích sau cùng của giết chóc hàng loạt có thể không phải là báo thù, mà là Cách mạng, và âm nhạc đã được giải phóng khỏi tủ kính, tạo ra thanh âm riêng không còn bị đè nén. Đó là lý do đoạn cao trào này rất có ý nghĩa, và thật sự lúc xem MV mình rùng mình.
Một chi tiết nữa khiến mình khá thích là khi BIBI chọn mặc váy trắng. Màu trắng đại diện cho sự tinh khiết, nhưng một khi đã dính máu thì sắc trắng lại là màu nền điểm rõ những dấu ấn tội lỗi ấy hơn bao giờ hết. Và khi tới đoạn cao trào, chiếc váy của BIBI đã nhuốm đầy máu, tà váy dài đã bị dứt bỏ, chỉ còn lại vẻ đẹp tàn bạo hoang dại và điên cuồng cho bữa tiệc tàn, khởi đầu kỷ nguyên mới với một thế giới mới - nơi âm nhạc không còn bị giam giữ hay kìm nén sẽ bắt đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top