Chương 1.
Phủ Trường Yên, nước Bách Việt.
Đêm Trung thu mặt trăng sáng vằng vặc, khuôn viên dinh tri phủ Trường Yên náo nhiệt ồn ào. Quan chức, quý tộc nam trong vùng được tiếp đón ở sảnh chính, các phu nhân và nữ quyến nhà quan thì được mời đến gian phía sau.
Hồ Tôn là quan Tri phủ Trường Yên, nghe nói ông ta vừa lập được một đại công lớn, cho nên được Quan gia ở kinh thành ban thưởng rất nhiều lễ vật quý. Nhân dịp Tết Trung thu, Hồ Tôn liền cho mở cỗ linh đình để khua chiêng múa trống, khoe mẻ về danh tiếng và vị thế của mình với giới quan chức quý tộc địa phương.
Trần Trúc Lâm ngồi gian nhà phía sau cùng các nữ quyến nhà quan khác, thưởng thức phần khai cỗ với nhiều loại bánh trung thu, trái cây và trà được tri phủ phu nhân đích thân mời.
Trúc Lâm là cô cả nhà quan Tri huyện Yên Ninh, cha cô - ông Trần Trạch là quan dưới trướng của Hồ Tôn. Hôm nay, cha cô và em trai được ông Hồ Tôn mời đến, còn Trúc Lâm, dì kế Đỗ Quyên và em gái Trúc Đào được Tri phủ phu nhân đưa thiếp mời.
Tuy nói Trúc Lâm là cô cả nhà quan Tri huyện, nhưng cuộc sống của cô ở nhà cũng chẳng mấy dễ dàng gì. Mẹ Trúc Lâm vốn là Tri huyện phu nhân, nhưng vì sinh cô đã không may bị băng huyết mà qua đời. Bà hai Đỗ Quyên một năm sau đó lại sinh được một cặp song sinh trai gái. Nhờ có con trai nối dõi, cộng với việc ông Trần Trạch không muốn cưới thêm chính thê, địa vị của bà Đỗ Quyên ở trong nhà quan huyện cũng được nâng lên một bậc, là bà hai nhưng thể diện không thua kém các bà cả ở những nhà quan khác là mấy. Do đó buổi tiệc ở dinh Tri phủ hôm nay, bà Đỗ Quyên tuy là vợ lẻ nhưng vẫn được ưu ái nhận thiếp mời là như vậy.
Cha cô, ông Trần Trạch có biết chuyện Trúc Lâm luôn bị bà hai chèn ép hay không? Đương nhiên, với khả năng đóng giả Bồ Tát sống của bà Đỗ Quyên, đừng nói là ông Trần Trạch, cả cái huyện Yên Ninh ai mà không ngưỡng mộ bà hai huyện nhân hậu, hiền lương, thương yêu con chồng không khác gì con ruột.
Tiếng đàn ca trong dinh quan phủ trầm bổng, du dương. Tiếng cười nói, uống rượu của các quan ông, công tử vang vọng. Ở gian sau, bầu không khí giữa các phu nhân và cô nương có phần trang nhã hơn.
Nhóm các phu nhân lớn tuổi vây quanh Tri phủ phu nhân, người nào người nấy đều không ngớt lời tán dương, nịnh nọt.
Nhóm các cô nương trẻ tuổi đa phần đều ăn vận gấm vóc tươi sáng, trang sức trên người lộng lẫy kiêu xa. Những người đã quen biết nhau từ trước ngồi tụm lại thành những nhóm nhỏ, vừa ăn bánh vừa tán gẫu râm ran.
"Chị Trúc Lâm, em nghe mẹ nói rằng cỗ thưởng nguyệt Trung thu hôm nay, ngoài để quan phủ thiết đãi giới quan chức, quý tộc trong vùng, còn là để bà phủ lựa chọn con dâu cho cậu ba Hồ Mã." Lý Bảo Hoà kéo tay Trúc Lâm, thì thầm nói.
Lý Bảo Hoà là cô sáu nhà quan Tri huyện Yên Mỗ - cũng là một huyện thuộc phủ Trường Yên này. Bảo Hoà cùng tuổi với Trúc Đào, nàng ta năm nay vừa tròn 16. Mẹ Bảo Hoà là vợ lẻ thứ tư, lại không sinh được con trai nối dõi, do đó thân phận của bà cũng chẳng hơn kẻ hầu được mấy bậc, những buổi tiệc thế này cũng sẽ chẳng bao giờ được mời đến. Với xuất thân là con gái thiếp thất nhỏ, Bảo Hoà ở nhà luôn phải cúi đầu khép nép, ra ngoài cũng không được đám tiểu thư khác nể trọng, ngoại trừ một số ít người như Trúc Lâm.
Nghe những lời Lý Bảo Hoà vừa nói, Trúc Lâm có chút ngạc nhiên, nhưng cũng không quá bất ngờ. Cô đưa mắt nhìn dì kế Đỗ Quyên và em gái Trúc Đào. Cả hai đều đang tươi cười, nịnh bợ giữa những quý nữ và phu nhân có chức tước cao sang hơn. Có lẽ dì kế của cô cũng biết rõ chuyện tuyển chọn con dâu của bà phủ này, nhưng lại chọn cách giấu nhẹm đi. Từ xưa đến nay, những chuyện bà ta cho là tốt đẹp thì sẽ không bao giờ muốn chia sẻ dù chỉ một chút với Trúc Lâm. Có khi bà ta còn đang rắp tăm muốn tranh vị trí mợ ba nhà quan phủ cho Trúc Đào cũng không chừng.
Tiếc rằng xưa nay, những điều bà Đỗ Quyên cho là tốt, thì chưa chắc đã là chuyện tốt với Trúc Lâm.
Trúc Lâm im lặng, nghe Bảo Hoà thao thao tiếp.
"Mẹ căn dặn em chú ý cư xử phải phép lễ độ, nếu bà phủ có hỏi điều gì phải trả lời như trong sách nữ đức răn dạy. Bà phủ nhìn trúng cô nương nhà nào, sau hôm nay sẽ cho bà mai mang đôi chim Nhạn đến để nghị hôn."
Trúc Lâm nhấp một ngụm trà, từ tốn nói nhỏ: "Các cô nương chúng ta là món hàng để cho người khác tuỳ tiện lựa chọn hay sao?" Cô đặt tách trà xuống, lại khẽ nói: "Gia đình Tri phủ thiếp thất nhiều vô số, ngoài cậu ba Hồ Mã còn có tám người con trai khác nữa. Hồ Mã cũng không phải là con đích, nếu sau này cậu ta đỗ đạt làm quan còn có thể ra riêng lập phủ, bằng không phòng hai, phòng ba, phòng tư... tất cả đều ở cùng một nhà, chỉ cần nghĩ đến thôi là chị đã váng cả đầu."
Bảo Hoà và Trúc Lâm vốn đã quen biết nhau từ nhỏ, Bảo Hoà không lạ gì tính cách khác thường của Trúc Lâm, nhưng khi nghe những lời này, nàng ta vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi.
Bảo Hoà khẽ nhăn mặt, kéo tay áo Trúc Lâm, càng ghé sát nói rất khẽ: "Chị... những lời thế này, nếu để các phu nhân nghe được, sợ là sẽ không có nhà nào đến cầu thân mất."
Trúc Lâm nhướn mày, điệu bộ hờ hững: "Không cầu thân thì đã sao? Cùng lắm chúng ta làm bà cô không cần xuất giá."
Bảo Hoà tim đập, tay run, làm gì có chuyện cô nương đến tuổi mà không gả chồng cơ chứ? Nàng ta nhất thời sửng sốt đến nghẹn lời.
Trúc Lâm điềm nhiên ăn thêm một miếng bánh dẻo nhân hạt sen, một lúc nhai xong xuôi mới nói: "Bảo Hoà, nhìn mẹ của chúng ta xem, cho dù là chính thê như mẹ chị hay thiếp thất như mẹ em, chẳng phải đều khổ sở như nhau sao? Tất cả đều phải hầu chung một chồng với kẻ khác. Trước mặt phu quân phải vờ hoà thuận, thắm thiết, thật ra, có chính thê với thiếp thất nào muốn trở thành chị em đâu chứ."
Bảo Hoà cảm thấy mấy lời này cũng có lý đôi phần. Nàng ta rũ mặt, ngẫm nghĩ một hồi mới mở được miệng, giọng buồn buồn: "Nhưng với thân phận của em, được gả vào nhà quan phủ làm mợ ba đã là may mắn, còn hơn việc trở thành vợ lẻ của nhà khác. Có như vậy sau này mẹ em ở nhà cũng có chút thể diện với mẹ cả."
Trúc Lâm nâng khăn tay che miệng, kín đáo nói: "Trên đời này không chỉ có mỗi cậu ba nhà quan phủ là đàn ông. Thay vì là món hàng để mặc người khác lựa chọn, chi bằng chúng ta nên học cách tự làm chủ vận mệnh của chính mình thì hơn."
Bảo Hoà ngây ra một lúc, đáp lại: "Chị Trúc Lâm... Em thật sự không hiểu."
Bên ngoài tiếng hầu gái truyền vào thông báo, có Trương Nghi Xuân vương phi và Anh Nguyên quận chúa đến. Trương Nghi Xuân là vương phi cao quý của nhà Hoài Đức vương, bà xuất thân từ gia tộc Trương thị có gốc rễ lớn ở kinh thành. Anh Nguyên quận chúa là con gái duy nhất của Hoài Đức vương gia và Trương Nghi Xuân vương phi.
Bà phủ đang nhai trầu nhóp nhép cũng vội nhổ ra để đứng dậy nghênh đón, các vị phu nhân và tiểu thư khác kéo theo sau vây quanh hai mẹ con nhà vương phi để vấn an và tìm cách nịnh bợ. Trúc Lâm nhân cơ hội kéo Bảo Hoà ra bên ngoài, đi đến một góc vườn vắng vẻ.
Khuôn viên sân vườn dinh Tri phủ, người đàn ông toàn thân mặc đồ đen tuyền, dáng anh cao lớn rắn rỏi, trên người toả ra khí chất vừa lạnh lẽo vừa cao xa.
Anh nhấc từng bước chân mạnh mẽ lại nhẹ nhàng, vừa đi vừa trầm giọng hỏi cận vệ bên cạnh: "Phúc Chiêu, vẫn chưa tìm ra manh mối nào sao?" Hàng mày dài của anh hơi xếch lên nghiêm nghị, ánh mắt u âm như trời đêm.
Phúc Chiêu hơi cúi người, cung kính đáp: "Bẩm Đại vương, bọn họ hành động quá kín kẽ, có lẽ chúng ta cần ở lại phủ Trường Yên thêm một thời gian nữa."
Vũ Uy Đại vương Phạm Phong Vũ từ thuở nhỏ là một trong những hoàng tử của nước Bách Việt, sớm đã được vua cha ban tước Vũ Uy vương. Khi anh ruột lên nối ngôi, Phong Vũ được phong tước Vũ Uy Đại vương, sau đó còn được nắm giữ nhiều công việc trọng trách trong triều đình. Mấy hôm trước Phong Vũ đã rời vùng đất Diễn Châu, về thái ấp của mình ở phủ Trường Yên để xử lý một số việc.
Biết được chuyện này, Hồ Tôn đương nhiên không thể bỏ qua cái tên của Vũ Uy Đại vương trong danh sách khách mời của ông ta được.
Mặt trăng lúc này đã lên cao, đổ một cái bóng xuống mặt hồ hoa viên dinh Tri phủ, gió thu lành lạnh thổi, bóng trăng xao động không ngừng.
Bước chân Phong Vũ bất ngờ khựng lại, kéo theo Phúc Chiêu nép vào một bụi cây gần đó: "Có người đến."
Trúc Lâm cảm thấy xung quanh đã đủ vắng vẻ an toàn, cô dừng lại, nắm lấy tay Bảo Hoà nói: "Những cô nương không có chỗ dựa như chúng ta, nếu để bà phủ mang sính lễ đến, cha mẹ ở nhà có thể từ chối được sao? Nếu không muốn bà phủ nhìn trúng, khi nào bà phủ cho gọi đến hỏi chuyện, em cứ trả lời rằng từ nhỏ đã được đọc qua rất nhiều sách thánh hiền. Sách Việt sử, rồi cả Tứ thư, Ngũ kinh hay các loại sách binh pháp đánh trận, nói là tất cả đều đã thuộc nằm lòng."
Lý Bảo Hoà hơi nghiêng đầu, những lời này nàng ta hiểu chữ được chữ mất. Ở nhà, nàng ta cũng chỉ được học viết chữ cơ bản, sau đó là học quản lý sổ sách chi tiêu hay những phép tắc thường tình của nữ nhi khi được gả về nhà chồng. Làm gì đã đọc qua mấy loại sách của nam giới đâu chứ.
Bảo Hoà vẻ mặt ngây ngốc: "Chị Trúc Lâm, chị tin rằng số phận của nữ nhi có thể tự mình quyết định được sao?"
Trong bóng tối, Phạm Phong Vũ khẽ nheo mày. Nhìn thấy một cô nương ước chừng mười bảy, mười tám tuổi, gương mặt sáng như trăng rằm. Khác với đa số các khách nữ ăn vận lộng lẫy chói mắt trong buổi tiệc hôm nay, cô nương váy áo xanh lam nhã nhặn, trang sức mang trên người cũng không quá rườm rà. Trong lòng Phong Phũ có chút tò mò, muốn lắng nghe nốt lời của cô nương kia.
Trúc Lâm mau miệng đáp: "Tục truyền rằng, ở triều đại trước, có một vị Nguyên phi tên hiệu là Ỷ Lan, tuy xuất thân từ một gia đình thôn quê làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng nhờ bản tính thông minh, mạnh mẽ, bà đã được nhà vua để mắt và rất yêu thích. Về sau Nguyên phi còn hai lần buông rèm nhiếp chính cho hai đời vua."
Lý Bảo Hoà nghe xong câu chuyện về Nguyên phi Ỷ Lan không khỏi mắt tròn mắt dẹt ngưỡng mộ. Một người phụ nữ còn có thể lên điều hành cả một quốc gia sao?
Trúc Lâm lại nói tiếp: "Chúng ta tuy có thể không xuất chúng đến lưu danh thiên cổ như Nguyên phi, nhưng ít nhất chuyện cưới gả của bản thân phải tự mình làm chủ được."
Ánh trăng bàng bạc soi rõ gương mặt cô, mắt phượng mày tằm thanh tú, dáng người nhỏ nhắn mảnh mai. Phong Vũ nhìn thấy rõ thần khí trong đôi mắt cô, vừa lấp lánh trong trẻo lại vừa xa xăm đượm buồn.
"Cậu ba Hồ Mã là con vợ lẻ, bà phủ chắc chắn không muốn cưới về một nàng dâu thứ tài trí, nổi trội hơn người. Tránh để sau này dâu thứ hay cháu của vợ lẻ lại vượt qua con cháu đích tôn của bà phủ. Người bà phủ muốn nhét vào phòng cậu ba, phải là cô nương không cao không thấp, vô tài, vô năng lại càng tốt. Có như vậy bà phủ mới dễ dàng thao túng trong tay."
Trúc Lâm cũng không biết Bảo Hoà rốt cuộc có hiểu hết những lời mình nói hay không. Nhưng cô cũng không có thời gian giải thích nhiều, cỗ Trung thu sắp chính thức bắt đầu, nếu bọn cô không sớm quay lại sợ là sẽ gây nên tiếng xấu không hay.
Phong Vũ nhìn theo bóng dáng Trúc Lâm nắm lấy tay vị cô nương kia rời đi, trong lòng không hiểu sao lại gợn lên chút xao động kỳ lạ. Sau đó, anh cùng cận vệ Phúc Chiêu cũng quay trở lại tiền sảnh.
Ở hai gian nhà, người hầu dinh Tri phủ bắt đầu dọn lên mâm cỗ đầy ắp thức ăn. Các quan lớn và phu nhân quyền quý được ngồi ở những sập lớn chính giữa hai gian nhà, các vị công tử, cô nương ngồi các sập nhỏ xung quanh. Tiếng cười nói, trò chuyện huyên náo, tiếng đàn ca vẫn văng vẳng truyền khắp dinh phủ. Khi mọi người gần như đã dùng bữa xong, người hầu bê chén bát bẩn xuống, mang lên món chè trôi nước tráng miệng.
"Bẩm bà, sân khấu hát bội đã chuẩn bị xong ạ." Một hầu gái chạy vào thông báo cho Tri phủ phu nhân.
Bà phủ gật đầu, rồi khoác tay cho hầu gái lui xuống.
Bà phủ hớp một ngụm nước trà, rồi đưa khăn lau miệng, sau đó nói với các nữ quyến ở trong gian phòng: "Các bà các cô cứ thong thả dùng xong chén chè trôi nước đoàn viên, sau đó mời mọi người lên nhà trước cùng xem tuồng hát. Đoàn hát hôm nay là đoàn hát nổi tiếng mà Tri phủ đã cất công mời từ kinh thành về."
Trần Trúc Đào được xếp cho ngồi vị trí chung mâm với Trúc Lâm và các cô nương con gái nhà quan huyện khác. Trúc Đào nghe bà phủ nói xong, ánh mắt chợt loé lên một tia mưu mô.
Khi một hầu gái bê bát chè trôi nước đến vị trí của Trúc Đào, còn chưa kịp đặt xuống đã bị Trúc Đào khéo léo hất tay. Hầu gái bị bất ngờ không giữ được bát chè, làm rơi xuống sạp, nước đường của chè bắn lên vấy bẩn một mảng váy của Trúc Lâm bên cạnh.
"Con hầu ngốc này." Trúc Đào gằn lên: "Làm bẩn mất y phục của chị gái ta."
Cô hầu gái trông độ chừng mười ba, mười bốn tuổi, hốt hoảng cúi đầu: "Con xin lỗi, xin lỗi các vị cô nương." Hầu gái trắng bệch mặt mũi, nói lời như suýt khóc.
Trúc Lâm từ trước đến nay vẫn luôn không đành lòng quá hà khắc với gia nhân, hơn nữa cô cũng sợ sẽ làm ầm ĩ trong buổi tiệc của bà phủ. Trúc Lâm vội chen ngang, dịu giọng nói với hầu gái: "Không sao, em đưa ta đi rửa qua một chút là được."
Trúc Đào lòng thầm đắc ý, nhưng ngoài mặt vẫn vờ tức giận thay Trúc Lâm: "May cho ngươi là hầu gái của dinh Tri phủ, nếu ngươi mà là hầu gái ở nhà ta, ta đã sớm mang ngươi ra phạt đánh gậy. Còn không mau đưa chị gái ta đi lau rửa y phục."
"Chị Trúc Lâm" Bảo Hoà cũng quay sang, nói: "Em đi cùng chị."
Trúc Lâm lắc đầu: "Tuồng hát sắp bắt đầu, em cứ ở lại đây cùng mọi người, chị đi một lúc sẽ quay lại ngay thôi."
Lý Bảo Hoà hôm nay đến đây cùng mẹ cả là Tri huyện phu nhân, Trúc Lâm không muốn Bảo Hoà vì mình mà bị mẹ cả gây khó dễ.
Sau đó Trúc Lâm đứng dậy, theo chân hầu gái ra phía sau khuôn viên của dinh Tri phủ, đi đến một gian phòng trống.
"Cô nương đợi ở đây một chút, con sẽ mang chậu nước đến cho cô." Hầu gái lễ phép nói.
Trúc Lâm gật đầu, nhìn hầu gái cúi mặt rời đi.
Bên trong căn phòng chỉ thắp một ngọn đèn dầu leo lét, ánh trăng xuyên qua khung cửa, không gian mờ ảo và yên ắng, có thể nghe rõ tiếng côn trùng kêu râm ran.
Bên ngoài đột nhiên truyền đến tiếng bước chân của nhiều hơn hai người, một giọng nói nam giới the thé vang lên.
"Bọn mày, nhanh chân lên một chút."
Trúc Lâm khẽ đứng dậy, đi đến ngạch cửa, len lén thò đầu nhìn về hướng những âm thanh kia.
Ở hành lang cách đó một đoạn, hai người hầu thiếu niên đang cùng khiêng một rương gỗ to. Ước chừng chiếc rương có trọng lượng khá nặng, Trúc Lâm nhìn thấy hai người hầu nam có chút thở dốc.
Phía ngay sau đó hình như là thân tín của Hồ Tôn quan phủ, lão ta đang sóng bước đi cùng một người đàn ông lạ mặt.
Lão thân tín quay sang người đàn ông lạ mặt, giọng bề trên: "Đều đã đủ như lời quan lớn yêu cầu rồi đấy chứ?"
Người đàn ông kia hơi cúi đầu, miễn cưỡng nhún nhường: "Ngài yên tâm, một thỏi cũng không thiếu."
Nhóm bốn người bọn họ dừng lại trước một gian phòng có cửa khoá chặt.
"Được rồi, mày lui trước đi kẻo có người phát hiện, tao sẽ kiểm tra rồi bẩm lại với quan phủ, tin tức sẽ được truyền đến biên ải sớm cho bọn mày."
Người đàn ông lạ mặt gật đầu, sau đó vội mất hút trong bóng đêm.
Lão thân tín của Hồ Tôn lục chìa khoá, rồi ngẩng mặt liếc nhìn hai bên.
Trúc Lâm giật bắn người rụt đầu lại, tim như muốn rơi ra. Đợi một lúc, cô lại chầm chậm thò đầu lén nhìn.
Lão thân tín của Hồ Tôn quan phủ mở cửa gian phòng bí mật, ra hiệu cho hai người hầu bê rương gỗ vào trong.
Rất nhanh Trúc Lâm đã nhìn thấy hai hầu nam trở ngược ra, đi mất.
Trúc Lâm đánh liều, nhấc chân rón rén hết mức có thể bước đến gian phòng bí mật kia.
Qua một khe cửa hở, cô nhìn thấy ở bên trong căn phòng, lão thân tín mở nắp rương gỗ ra. Bên trong rương gỗ là những xấp vải lụa gấm thượng hạng đủ màu sắc sặc sỡ.
Không lý nào, một rương vải vóc lại khiến hai người hầu nam vất vả khiêng đến như vậy.
Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán, Trúc Lâm lại nhìn thấy người bên trong căn phòng lật lớp vải lên, nằm bên dưới lớp vải là vô số thỏi vàng ròng lấp lánh, sáng rực cả một vùng mờ ảo.
Không hiểu sao nhịp tim của Trúc Lâm lúc này lại đập gấp gáp bất thường. Dường như cô đã thấy những thứ đáng ra không nên thấy.
Trúc Lâm bước lùi lại, xui xẻo sao lại vấp phải một cục đá nhỏ không hiểu bằng cách nào đã nằm giữa sàn nhà từ trước. Mông cô té bịch xuống nền gạch, một tay cố bụm miệng lại để ngăn bản thân kêu thốt lên.
Dù chỉ phát ra một chuỗi âm thanh rất khẽ, nhưng không may cũng đủ lọt vào tai lão thân tín của Hồ Tôn.
"Ai?" Lão sầm mặt la lên. Sau đó vội khoá chặt rương vàng, nhét xuống mật thất bên dưới căn phòng.
Lão thân tín mở cửa bước ra ngoài, đảo mắt nhìn xung quanh.
Cảnh đêm sân sau dinh Tri phủ tĩnh lặng, ánh trăng soi sáng rọi xuống một chiếc khăn lụa màu trắng ngà dưới chân lão. Lão thân tín cúi người nhấc lên, chiếc khăn được thêu hoa văn cây trúc tinh xảo. Lão nhét vật vừa nhặt được vào túi, xoay người rời đi.
Bên trong một căn phòng gần đó, Trúc Lâm đang bị một người đàn ông bịt miệng từ phía sau. Anh ta gần như ôm cô, kéo cô nép sát vào một góc khuất.
Đoàn hát bội ở sảnh chính hình như đã bắt đầu vào tuồng, tiếng kép hát văng vẳng truyền đến tận sân sau. Trúc Lâm nghe loáng thoáng những thanh âm huyên náo, lại nghe tim mình đang đập thình thịch to hơn.
Xuyên qua bức vách cửa mỏng, cả hai đều nhìn thấy bóng lão thân tín quan phủ khuất sau một khúc cua.
Ngay lập tức, Trần Trúc Lâm liền cắn lấy tay người đàn ông đang ôm cô, xoay người lại giận giữ: "Vô liêm sĩ, ta là khách mời của bà phủ, không phải là nàng hầu, đào hát mặc cho đám công tử các ngươi trêu đùa."
Bây giờ Trúc Lâm mới nhìn rõ, người đàn ông độ ngoài 20, có vóc dáng cao lớn, ngũ quan cân xứng đẹp đẽ. Toàn thân anh ta mặc đồ gấm đen tuyền, khí chất rõ ràng là một quý tộc cao quý nhưng vẫn không kém phần rắn rỏi. Bị cô cắn đến bất ngờ, anh ta hơi bước lùi lại, tuy nhiên trên gương mặt anh vẫn vô cùng điềm tĩnh, lạnh lùng.
Không nghe người đối diện đáp lại cô, Trúc Lâm thình lình đã bị anh xấn tới, ép cô dán lưng sát vào tường, tay phải anh ta còn cầm dao kề lên cổ cô.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top