20/11 Ngày tri ân các thầy cô giáo

HỒI ỨC VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

“Tìm đâu hình bóng còn vương lại?

Tôi nhớ thầy tôi, nhớ... xót xa!”

Hắn lặng người đi khi nghe đứa bạn thân báo hung tin “Thầy Y mất rồi mày ạ, Thầy bị bệnh ung thư”, hắn không nói được câu nào mà hai hàng nước mắt cứ chảy rồi hắn khóc nấc lên thành tiếng. Hắn khóc như một đứa trẻ con cho dù lúc này hắn đã là một thanh niên ngoài 20 tuổi. Thằng bạn thân nắm chặt tay hắn và nước mắt cũng chảy theo… Đó là thông tin về người Thầy dạy Toán của hắn sau 3 năm rồi mà chưa một lần gặp lại …

Gia cảnh của hắn nghèo lắm, hắn vừa học cao đẳng, vừa làm ca đêm kiếm thêm tiền trang trải. Hắn ít có dịp để giao lưu với chúng bạn cũng ít có thời gian để đi thăm Thầy Cô giáo cũ mặc dù trong lòng hắn rất nhớ Thầy Cô; Vả lại thời đó phương tiện trao đổi thông tin không có gì khác ngoài hình thức viết thư. Thi trượt đại học trước sự kì vọng nhiều của Thầy Cô đã làm hắn mặc cảm không dám gặp lại…và thế là mấy năm liền hắn không gặp Thầy  của hắn cũng là điều dễ hiểu…

… Ngôi trường cấp III mới thành lập được ngót chục năm nhưng trông cũ kĩ và nghèo nàn lắm. Thuở đó là giai đoạn của những năm mới xóa bao cấp, đất nước đang trong thời kì đổi mới, mặt bằng chung xã hội kinh tế còn rất khó khăn, hắn sinh trưởng trong một gia đình viên chức với đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ cùng với lương thương binh của bố dành dụm nuôi hắn cùng hai em ăn học là quá chật vật. Hắn đã từng phải nghỉ một năm học của thời gian đầu tiên bước vào cấp III vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nên hắn cũng cố gắng lắm. Cùng với đám học trò nghèo hắn được vào lớp chọn A, lớp đứng đầu trong 4 lớp của khối, lớp của hắn được Nhà trường rất quan tâm, rất kì vọng vì đại đa số học sinh đều học tốt. Trong số các Thầy cô được phân công giảng dạy lớp này, hắn ấn tượng lắm Thầy giáo dạy môn Toán. Thầy có dáng người cao, gầy, khắc khổ của một người từng trải gió sương, với khuôn mặt sắc lạnh và rất ít khi cười khiến cho đám học trò trong đó có hắn luôn luôn khiếp sợ. Mỗi khi có giờ của Thầy, thấy dáng Thầy ngoài cửa là cả lớp đang ồn ào bỗng nín thinh, đứa nào cũng hãi cho dù bài cũ có thể thuộc làu làu… Thầy bước vào lớp nét mặt nghiêm trang đứng chào cả lớp, cả lớp đứng thật nghiêm đến khi Thầy gật đầu và nói “chào các em, mời các em ngồi xuống”, lúc đó đám học trò mới thở nhẹ và ngồi xuống, bắt đầu giờ học …

Hắn rất sợ Thầy nhưng không hiểu sao hắn lại quí Thầy đến vậy, từng lời nói của Thầy, từng cử chỉ của Thầy cho mãi đến sau này khi trở thành giáo viên rồi hắn vẫn còn nhớ và có rất nhiều phong cách của Thầy đã được hình thành trong hắn khi hắn lên lớp với học sinh của hắn. Hắn nhớ lắm những hôm tiết cuối tiết 5 rồi, tiếng nhạc của đài truyền thanh phát (30 phút dân ca và nhạc cổ truyền…) càng làm tăng thêm cái đói của những đứa học trò thiếu ăn trong giai đoạn đang cần ăn, nhưng Thầy vẫn say sưa giảng bài, Thầy giảng cặn kẽ cho đến khi không còn học sinh nào chưa hiểu bài, rất nhiều đứa tỏ ra mệt mỏi, nhưng riêng đối với hắn thì hắn rất chăm chú cho dù cái đói đang hoành hành bao tử của hắn. Hắn nhớ lắm cái dáng của Thầy cùng chiếc xe thống nhất nam, nhà Thầy cách trường khoảng hơn mười cây số, nhưng thời đó mười cây có lẽ xa đến 30 cây bây giờ vì đường khó đi và phương tiện thô sơ. Những hôm trời nắng, Thầy và trò kể cả trò nam và trò nữ đều mỗi người một cái nón trắng, tan học lại đạp xe ai về nhà nấy trên những con đường nắng như đổ lửa, mưa ướt dầm dề. Thầy của hắn vẫn đều đều ngày hai buổi đến trường, đang trưa Thầy lại đạp xe về nhà, và đầu giờ chiều Thầy đã có mặt để dạy buổi hai, có khi còn sớm hơn cả học trò. Hắn nhớ lắm có một lần, trời nắng rất to, cái nắng của tháng năm mà dân gian gọi là (nắng trảng), có lẽ do nắng quá nên hết giờ buổi sáng Thầy ở lại trường để dạy buổi chiều, hắn thấy Thầy lấy ra từ trong cặp sách cái bánh mì đựng trong túi nilon cùng một chai nước, Thầy ngồi trong phòng học ăn, chắc là bữa trưa của Thầy mà Thầy đã chuẩn bị từ sớm. Dù hắn cũng phải ăn ngô, sắn qua bữa nhưng sao hắn thấy thương Thầy quá, dù sao ngoài quốc lộ vẫn có quán ăn mà… Ngày đó việc dạy thêm học thêm ít lắm, một buổi đi học đã là khó khăn lắm rồi, một buổi còn đi làm giúp gia đình nữa nên đại đa số học sinh chỉ học chính khóa, việc học thêm gần như không có. Hắn được đánh giá là một trong những đứa học được của môn toán và hắn cũng được Thầy quan tâm nhiều hơn những đứa khác có lẽ vì Thầy thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của hắn. Hắn được Thầy cho cùng bốn đứa nữa đến tận nhà Thầy, Thầy dạy thêm miễn phí nhưng hắn cũng chỉ theo được mấy buổi rồi đành phải nghỉ vì hắn còn phải chăm ao cá cho gia đình. Trong những buổi đến nhà Thầy học, cảnh tượng đầu tiên mà khắc trong trí nhớ của hắn sau này trở thành tiềm thức đó là ba gian nhà vách đất của Thầy, trước là mấy cây dừa và dây phơi quần áo đầy những đám “bich kê” mà đám học trò ngày đó thường vẫn mặc gọi là những cái “ti vi”. Tuy chưa một lần thấy Thầy mặc những cái quần đó lên lớp, nhưng chắc là chỉ khi lên lớp Thầy mới mặc chiếc quần lành lặn kia, còn lúc khác có lẽ thay vào đó là những chiếc ở dây phơi kia… nghĩ vậy và hắn càng thương Thầy nhiều hơn …

Dáng Thầy gầy gầy trên chiếc xe đạp cũ (Ảnh minh họa)

Hắn cũng đã gặp Thầy sau kì thi đại học ít ngày. Hôm đó Thầy đi ngược chiều với hắn, hai Thầy trò dừng xe, Thầy hỏi hắn “kết quả thế nào rối mày?”, hắn cúi đầu trả lời “Dạ em trượt đại học, em học cao đẳng Thầy ạ”, Thầy cười an ủi “không sao, Thầy nghĩ mày vượt được hết mà”. Tuy vậy hắn vẫn nhận ra sự thất vọng trên gương mặt Thầy, Thầy đi rồi, hắn còn đứng đó, cổ họng nghẹn đắng, hai hàng nước mắt hắn cứ trào ra, giá như hắn tập trung hơn chút nữa khi đi thi, chỉ cần nửa điểm nữa thôi, giá như lúc hắn đi thi hắn đừng có suy nghĩ rằng “chỉ thi thôi mà không đi học”, giá như hắn tham gia thi sư phạm đúng với tinh thần đi thi … nếu vậy có lẽ Thầy sẽ không thất vọng…

… Bẵng một thời gian dài, hắn đang chuẩn bị làm tốt nghiệp thì thằng bạn đến nhà trọ và cho hắn biết là Thầy đã mất được hai tuần rồi, hắn ân hận lắm vì sao hắn lại không ghé thăm Thầy thường xuyên trong khi lần nào về quê hắn cũng đi ngang qua lối vào nhà Thầy. Hắn ân hận vì hắn chưa gặt hái được thành công gì để báo công với Thầy. Hắn vẫn thầm nhủ sẽ có ngày hắn sẽ gặp Thầy để khoe những thành quả của sự nỗ lực, vậy mà ngày đó đã không đến….Nhiều lần hắn đi ngang nhà Thầy, định ghé vào thắp một nén nhang cho Thầy, nhưng hắn cũng chỉ dám đứng ở ngoài cổng một lát rồi lại đi với tâm trạng rối bời khó tả.

Cuộc đời thật khó biết trước, hắn không bao giờ xác định làm nghề dạy học vì hắn thấm lắm cái cảnh đồng lương giáo viên ít ỏi nuôi con của mẹ hắn. Hắn đã từng thi để bằng trượt khi gia đình muốn hắn thi sư phạm; vậy mà không hiểu sao qua nhiều nơi làm việc rồi hắn lại vào giảng dạy tại một trường đào tạo nghề cho thương binh. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, hắn cũng chuyển công tác qua đến ba trường, có những trường cách xa nhà đến gần bốn mươi cây số và rồi cuối cùng hắn lại trở về chính mái trường đã nuôi dưỡng hắn thành người hôm nay để công tác…Mỗi lần nghĩ đến điều đó trong đầu hắn lại văng vẳng giọng hát của một ca sĩ hải ngoại với bài hát của nhạc sĩ An Thuyên (Neo đậu bến quê – Lang thang đi bốn phương trời, nay về sông quê tắm mát…), và hắn đã trở thành đồng nghiệp của các Thầy Cô giáo cũ của hắn, trở thành một người Thầy giáo đứng trước đám học trò. Tuy vậy các Thầy cô giáo cũ của hắn cũng chỉ còn lại số ít, đa số đã nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển. Khi hắn trở về trường công tác hắn mới được biết thêm một điều mà từ lâu hắn vẫn chưa được biết: Đó là Thầy của hắn cho đến khi chết vẫn còn cố đi dạy: Thầy bị ung thư nhưng dấu không cho ai biết, Thầy vẫn lên lớp bình thường và chỉ đến khi Thầy không thể gượng được nữa, lúc đó căn bệnh đã ở giai đoạn cuối, Thầy nhập viện và mất đi sau có mấy ngày, Thầy ra đi và để lại nhiều tiếc thương cho những thế hệ học trò, thế hệ các Thầy cô trong Nhà trường…

… Hắn làm công tác phong trào nên thường xuyên ra vào phòng truyền thống, mỗi lần như vậy thì tấm bảng ghi danh các Thầy cô giáo khi kỉ niệm 20 năm thành lập trường với dòng chữ “Nguyễn Văn Y – (Đã mất)” lại đập vào mắt và kí ức lại hiện về trong hắn, đã nhiều lần hắn trào nước mắt và cố giấu đi để những học trò hoặc đồng nghiệp bên cạnh khỏi biết.

Chuẩn bị cho công tác kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường, hắn cũng được Nhà trường phân công một số việc vì hắn vừa là giáo viên, vừa là học sinh cũ của trường, hắn lục tìm nhiều tư liệu, làm nhiều việc lắm, nhưng trong đầu hắn cứ luẩn quẩn hình bóng của Thầy. Giá như lúc này Thầy hắn còn sống thì chắc cũng một phần mãn nguyện vì hắn … và giá như Thầy còn sống thì hắn cũng đã được làm đồng nghiệp của Thầy …. Hắn nhớ Thầy nhiều lắm, hắn mang ơn Thầy nhiều lắm và thú thật là chỉ đến khi hắn khoác lên vai chữ “Thầy” hắn mới hiểu tại sao mà ngày đó Thầy nghiêm khắc đến thế, và hắn tự nhủ sẽ cố gắng để xứng đáng với Thầy và hắn luôn nhắc đám học trò của hắn “Làm nghề giáo không giàu về vật chất nhưng giàu về nhiều thứ lắm, đặc biết đó là giàu lòng nhân ái…”

“Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo

Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!”

Tác giả: Kiều Vũ Sơn

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: