Chương 6

Tôi ngồi trong phòng khách đọc báo với ba, mẹ ngồi cạnh chăm chú xem thời sự.

Trong phòng khách bày trí đơn giản, tinh tế. Chiếc sô pha trắng êm ái, dưới chân, nệm lót sàn mềm mịn. Lọ hoa hồng đỏ nổi bật trên bàn kính cường lực đen, bốn bờ tường, các giá sách gỗ xếp hàng trăm quyển sách ngay ngắn. Màu tường trắng tinh, tivi màn hình phẳng đắt tiền, cửa sổ rộng rãi đón ánh mặt trời, sàn gỗ vang bóng loáng không vương một hạt bụi.

Vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đến căn nhà này, tôi đã ôm một nỗi sợ hãi lớn hơn cả dáng hình nhỏ bé của mình.

Lúc ấy tôi mới năm tuổi. Sau khi khá lên từ một trận sốt khủng khiếp, tôi được mẹ ruột dẫn đi chơi công viên. Nhưng bất ngờ bà ta bỏ tôi ở lại. Trong khi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi được hai cô chú lạ đến rước đi. Họ đưa tôi đến một nơi lộng lẫy tiện nghi chưa từng thấy, họ chăm sóc tôi tận tình chu đáo đến khó tin. Tuy nhiên, xung quanh tôi toàn là những người không hề quen biết. Nỗi sợ hãi luôn ngợp đầy tim tôi. Tôi từng phản kháng, gào khóc, van xin rất nhiều. Mất một thời gian dài mới có thể bình tĩnh lại mà dần chấp nhận ba mẹ mới. Ba mẹ mới đối xử với tôi rất tốt, chưa bao giờ mắng chửi hay ngược đãi tôi, và còn lo lắng hết lòng khi tôi trở cơn đau bệnh. Biết ơn họ, tôi cố gắng hiếu thuận, ngoan ngoãn đáp tấm lòng.

Trong vài tháng đầu, ba mẹ mới dẫn tôi đi hầu hết các bệnh viện lớn trong thành phố. Ngày nào tôi cũng bị thăm khám, bị ép uống hàng chục thứ thuốc, và làm phẫu thuật một lần. Tình hình bệnh biến chuyển đôi chút, nhưng không khả quan mấy.

Sau đó, cả nhà bắt đầu chuyển sang Mỹ sống, tiếp tục tìm phương pháp điều trị cho tôi. Trong thời gian này, tôi buộc mình phải làm quen với những thứ máy móc chữa bệnh đáng sợ. Tôi làm phẫu thuật thêm ba lần nữa, uống đủ mọi loại thuốc, phải làm hoá trị liệu: vết tiêm chích nhiều đến thâm tím da thịt. Vết mổ có lần bị nhiễm trùng, suýt chết. Gần đỉnh đầu tôi có một mảng tóc hơi thưa, vì thế.

Thật may rằng sau ba năm, bệnh và mọi biến chứng của tôi đều đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Cuộc sống của tôi kể từ đó làng nhàng trôi qua, không có gì đặc biệt. Tôi vẫn tiếp tục sống và học tập trên đất Mỹ, đến lúc tốt nghiệp đại học, mẹ đột nhiên nhắc đến chuyện về nước lập nghiệp. Nghe tên thành phố S, tôi thoáng giật mình. Dường như đó là quê cũ của tôi. Nếu như mẹ ruột và em vẫn không chuyển nhà, chưa biết chừng tôi sẽ có cơ hội gặp lại họ.

Đã rất lâu rồi tôi không nhận được chút tin tức nào về họ. Bây giờ hai người ra sao, sống ở đâu, hoàn cảnh thế nào, tôi đều không biết. Nếu được gặp lại nhau, tôi mong sẽ được gặp em mình trước tiên. Còn mẹ ruột, tôi chưa chắc, có thể là không muốn gặp.

Tôi không giải thích được tâm trạng kỳ quái của mình. Tại sao không muốn gặp? Đúng ra rằng một người con xa mẹ nhiều năm, khi có cơ hội tất nhiên sẽ tìm gặp mẹ ngay. Nhưng tôi khác. Tình thương tôi dành cho mẹ càng phai nhạt theo thời gian, thậm chí còn cả cảm giác xa lạ, đau đớn lẫn oán giận khi tôi nhớ về bà.

Mà... Có thể nói ngắn gọn hơn, là... tôi hận mẹ ruột.

Con hận mẹ ruột. Tôi rất bất hiếu đúng không? Nhưng thật vậy. Mỗi lần nhớ lại chuyện bà ta đã bỏ rơi tôi ra sao, trong lòng tôi lại dấy lên cơn sợ hãi; tôi giận mẹ rất nhiều, giận vì sao bà chọn bỏ tôi mà không tìm mọi cách giữ tôi lại, giận vì sao bà không bao giờ liên lạc lại với tôi một lần, suốt ngần ấy năm.

Mẹ ruột của tôi giờ chỉ còn là hình bóng nhạt nhoà trong ký ức. Lúc nhỏ tôi hụt hẫng, nhớ thương bà vô cùng, nhưng càng nhớ càng buồn tủi vì nghĩ bà không còn tình cảm gì với mình nữa. Lúc đó tôi vô cùng yếu đuối và khao khát tình thương.

Tôi hiện tại đã trưởng thành, mạnh mẽ và kiên cường hơn ngày trước rất nhiều. Có lẽ khi xưa vì đã sớm biết nỗi đau mất mẹ, quen cơn đau bệnh hành hạ, thấu tất cả nỗi sợ hãi của con người, nên tôi không nghĩ mình sẽ sợ bất cứ thứ cảm giác đau đớn nào trên đời này nữa. Nhưng đối với những cảm giác xa lạ về mẹ bây giờ, tôi không biết khi đối diện với bà, yêu thương hay oán giận sẽ thắng thế. Nếu là yêu thương thì thật tốt: cả gia đình mình sẽ đoàn tụ hạnh phúc. Nhưng nếu là oán giận, tôi sợ mình sẽ không nhịn được mà quay lưng đi, khiến cả mẹ và tôi khổ sở.

Thế nên, tôi cố gắng tránh mặt bà ta. Đã về nước lâu rồi nhưng tôi cứ trốn trong nhà ít đi ra ngoài, phòng lỡ có chạm mặt hai người.

Ngồi đọc báo mà tôi mải suy nghĩ vẩn vơ, không đọc được chữ nào. Có ai đó gọi tên tôi. Tôi bừng tỉnh.

"Minh?"

Giọng mẹ vẫn ôn hoà như ngày nào.

"Dạ."

Mẹ nhìn tôi: "Con về nước cũng được một tuần rồi đó, có dự định đi tìm việc chưa?"

"Con nộp đơn được người ta duyệt rồi ạ. Đầu tuần sau con bắt đầu đi làm luôn."

"Chỗ đó xa không con? Con ở đó thì làm gì?"

"Gần đây thôi ạ, cách nhà mình hai dãy phố. Con làm thiết kế trang web, lương bổng cũng tốt."

"Chà. Có bằng ở Mỹ mà làm cái việc tí nị này. Cũng tại mẹ yếu mới muốn về đây yên bình nghỉ ngơi, chứ không thôi ở đó làm ăn dư dả. Còn nếu phải hồi xưa con chịu theo học y thì giờ về đây đi làm ở bệnh viện của ba được rồi. Bộn tiền."

Tôi không nói gì. Lúc nhỏ tôi có ác cảm rất lớn với bác sĩ, cứ thấy họ là hãi hùng. Tuy giờ đã quen nhưng vẫn không ưa, bởi thế nhất quyết không học y. Mẹ than phiền rất nhiều, nhưng ba không nài ép, mặc tôi muốn học gì thì học.

Tôi tiếp tục đọc báo. Im lặng một lúc sau, mẹ lại tiếp: "Minh à... Mẹ ruột của con cũng sống ở gần đây đó. Khi nào con đến gặp bả? Ba mẹ đã hứa là chừng nào con về nước sẽ cho mẹ con con nhận lại nhau đó."

Tôi giật mình siết chặt tờ báo nhăn nhúm. Mẹ đang nhắc về chuyện mà tôi không muốn nghe nhất. Tôi chưa muốn gặp mẹ ruột, chưa phải bây giờ!

Gấp tờ báo lại đặt lên bàn, tôi đáp: "Chuyện này để sau đi mẹ. Con thấy trong mình hơi mệt. Con về phòng nghỉ."

Không để mẹ kịp nói thêm câu nào nữa, tôi vội đứng lên đi ngay.

Sau lưng, tiếng mẹ thở dài.

...

Mỗi lần căng thẳng, tôi lại vẽ tranh. Vì bao giờ tôi cũng thấy thoải mái hơn hẳn khi hoàn thành bức vẽ.

Tôi đem giá vẽ ra ban công, một xấp giấy trắng, pha màu nước.

Phòng tôi trên tầng ba, ban công hướng ra vùng ngoại thành mênh mông đồng ruộng. Gió luôn lồng lộng thổi và không gian thoáng đãng dễ chịu vô cùng. Bởi vậy, tôi yêu quý nơi này hơn bất kỳ nơi nào khác.

Sáng nay trời âm u, ánh nắng dịu đi khiến vạn vật trước mắt tôi như một bức tranh, bao phủ bởi những gam màu trầm lạnh.

Hình như đây là lần thứ năm trong vòng hai tháng, tôi vẽ tranh phong cảnh về cánh đồng ngoại ô này.

Phóng tầm mắt nhìn ra phong cảnh phía trước, yên bình quá đỗi. Thành phố sau lưng tôi sầm uất bao nhiêu, thì vùng quê phía xa ấy càng tĩnh lặng bấy nhiêu. Trải rộng ra đến cuối chân trời là đồng lúa xanh thẳm một màu, con đường lộ như mảnh lụa xám mỏng manh vắt qua làm điểm nhấn, mãi mãi không thấy điểm kết thúc. Giữa những cánh đồng lớn lác đác vài thôn xóm nhỏ vắng người lại qua. Cảnh đẹp thanh bình và cuốn hút, sức sống mạnh mẽ tràn đầy len lỏi trong từng mảng lúa xanh; nhưng chung quy mọi thứ vẫn thoáng vẻ u buồn, tịch mịch. Hay trong mắt kẻ đang buồn, cảnh đẹp đến mấy cũng nhuốm màu sầu muộn?

Trong ký ức của tôi, nơi này ngày xưa không có nhiều ruộng đồng như vậy, chỉ toàn rừng cây ken dày. Xa hơn nữa, có một làng chài nhỏ nằm gần bãi biển vắng người mà lúc trước, mỗi chiều mẹ vẫn dẫn hai anh em tôi đến đi dạo.

Tôi lắc đầu nhắm mắt lại, không muốn nghĩ gì thêm nữa.

Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, từng mảng hồi ức cũ tràn về như dòng sông chảy, không thể nào tránh được.

Quay trở về năm tôi bốn tuổi.

Trước cổng nhà có một đám hoa mười giờ mọc dại, hôm nay đã nở những bông hoa nhỏ hồng tím thật đẹp.

Tôi chạy vào nhà lấy giấy bút lại chạy ra ngồi bệt xuống đất, bắt đầu vẽ.

Ít phút sau tôi đã tô màu gần xong bức tranh, bỗng nghe giọng vui vẻ của mẹ cất lên sau lưng.

"Minh à! Con vẽ gì đó?"

"Mẹ! Con vẽ hoa mười giờ nè! Đẹp hôn?"

Mẹ khom xuống nhìn bức tranh, cười: "Đẹp lắm! Cho mẹ bức tranh này hén?"

"Dạ, con biết mẹ thích hoa nên mới vẽ tặng mẹ."

Bất ngờ mẹ nhấc bổng tôi lên, quay vài vòng trong không trung, nói thật to: "Thương con quá à, cục cưng của mẹ!"

Tôi phấn khích cười khanh khách: "Con cũng thương mẹ nhiều lắm!"

Lúc đó rất ấm áp, hạnh phúc. Khi còn nhỏ mới xa mẹ, nhớ lại tôi vẫn khóc, sau này là chua xót; nay đã trưởng thành, tôi thấy đau đớn khó chịu.

Thương con sao? Nếu thương mẹ đâu đã bỏ con đến tận bây giờ...

Từ ấy đến nay, mẹ cũng chưa bao giờ liên lạc lại với con, giống như đã hoàn toàn quên con rồi vậy!

Nếu ngày đó được gặp lại mẹ, hay ít nhất chỉ nghe được giọng nói của bà, tôi cũng đã có đủ dũng khí vào phòng phẫu thuật rồi. Dẫu có đau đớn đến thế nào, trong lòng tôi cũng yên tâm.

Nhưng rồi vẫn cô đơn một mình tôi. Trong phòng mổ âm u, nhìn lên ánh đèn trắng sáng mờ mịt trên đỉnh đầu, những người bác sĩ xa lạ quanh mình chuẩn bị kíp mổ, những thứ kim loại sắc lạnh, những bộ áo nhựa chống khuẩn, những cái khẩu trang dày che kín khuôn mặt bí hiểm. Không có một chỗ dựa để an lòng mình hơn đôi chút, mà phải chịu hết tất cả áp lực. Cảm giác đó khủng khiếp đến thế nào, cũng chẳng ai khác ngoài tôi biết.

Có lúc cùng quẫn, tôi lại mong phẫu thuật thất bại. Sớm kết thúc cuộc đời này, tôi sẽ không còn là gánh nặng của bất kì ai nữa, cũng không phải chịu cảnh khổ này nữa.

Mà rồi, tôi vẫn cố chấp nhận trị liệu, chịu đau đớn thật nhiều, bởi trong lòng tôi luôn có một ước muốn thiết tha: được gặp lại mẹ.

Nhưng mỗi lần nhớ lại mẹ đã bỏ tôi đi như thế nào, ước muốn đó lại nguội đi một phần.

Năm tuổi, trong một góc công viên.

Sau một buổi chơi đùa rất vui vẻ, tôi đã mệt. Nghĩ em Tâm đang ở nhà đang chờ chắc buồn lắm, tôi đòi về.

Mẹ bảo tôi nghỉ mệt một chút hãy về, tìm chỗ ngồi, mua kẹo bông gòn cho tôi.

Từng sợi tơ kẹo tan trong miệng, vị đường ngọt ngào đọng lại trên đầu lưỡi. Mẹ vuốt tóc tôi hỏi:

"Minh à, nghe mẹ hỏi nè. Nếu như sau này... không có mẹ chăm sóc cho con nữa, con có thấy buồn, có ghét mẹ không con?"

"Sao con ghét mẹ được? Con thương mẹ lắm mà! Mẹ hỏi vậy là sao? Không lẽ mai mốt mẹ đi làm thêm nữa?"

Mẹ thẫn thờ không đáp lại, mà nhìn đăm đăm về phía cổng công viên. Theo hướng đó, tôi chỉ thấy có hai người lạ đang chú ý vào mẹ con tôi. Không để tâm, tôi nói tiếp:

"Vậy thì con với em Tâm sẽ ngoan ngoãn ở nhà với dì Hai, mẹ đừng lo nữa! Mà... sao mẹ khóc?"

Không biết tôi đã nói gì sai mà bỗng dưng mẹ khóc, nước mắt lăn dài trên gò má. Bà sực tỉnh, gạt nước mắt.

"Không... Không có gì đâu con. Con trai mẹ ngoan lắm, mẹ thương con."

"Dạ. Mà mẹ, con chơi đủ rồi, mình về nhà đi. Hôm nay em không được đi chơi chắc buồn lắm."

"Ừ... được. Con ngồi đây chờ mẹ một chút nhé, mẹ... mẹ đi mua bánh cho hai đứa, tối nay ăn được không? Ngoan, ngồi đây nghe con..."

"Dạ."

Mẹ không ghé vào hàng bắp rang đằng kia như tôi tưởng, mà đến nói chuyện với hai người đó, rồi, thình lình đi mà không ngoảnh mặt lại nhìn tôi.

Mẹ đi mất,

bỏ tôi ở lại?

Tim tôi bỏ mất một nhịp đập.

Có phải mẹ đang giỡn? Không. Bóng lưng mẹ đã mờ nhạt rồi.

Tôi vứt cây kẹo nhảy xuống ghế, chạy theo gọi lớn:

"Mẹ ơi! Con ở đây! Mẹ!"

Mẹ như không nghe thấy gì, thậm chí còn bước nhanh hơn nữa, thoáng chốc đã hoà vào dòng người trên đường, mất hút.

"Mẹ!"

Chạy quá nhanh, chân tôi va vào một thanh sắt, ngã đập xuống nền đất, đau đến tê dại. Nhưng trong lòng tôi đau đớn dữ dội hơn!

Tại sao mẹ bỏ tôi? Tôi đã làm gì sai? Mẹ đã quên tôi còn đang ngồi chờ mẹ sao? Mẹ đang ở đâu? Tôi về nhà làm sao?

Nhưng tại sao mẹ bỏ tôi? Tại sao? Tại sao?

Không màng đến những người xung quanh đang nhìn mình chòng chọc, không để ý đến nước mắt đầm đìa trên mặt, tôi cất giọng khản đặc gọi mẹ.

"Mẹ... Mẹ..."

Tiếng gọi đó chỉ mình tôi nghe được. Nó không đủ sức thoát ra ngoài.

Có mấy người chạy lại đỡ tôi ngồi dậy, lau nước mắt, ân cần hỏi thăm, nhưng tôi chỉ nhìn họ ngơ ngác. Có người tốt bụng còn chạy đi gọi mẹ tôi quay lại.

Nhưng chắc chắn mẹ đã không bao giờ trở lại.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp bà.

Và, tôi được hai người lạ kia đưa về nhận nuôi. Cuộc sống mới của tôi bắt đầu từ đó.

Bàng hoàng bừng tỉnh.

Trước mắt tôi lại thấy tấm giấy trắng tinh. Ruộng đồng xanh thẳm. Mặt tôi xám ngắt. Bàn tay nắm chặt cây cọ đến gãy làm đôi.

Tôi bực tức vung tay vứt nó đi, đá phốc, giá vẽ ngã ập xuống, đĩa màu lật úp đổ tung toé.

Tôi cúi đầu, mười ngón tay nghiến vào mái tóc.

Một ngày quá tồi tệ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top