Chương 5
Gần nửa tuần nay, cái quán chỗ tôi làm phải đóng cửa vì bà chủ bị bệnh. Thành ra buổi sáng rảnh rỗi, tôi lại dậy trễ một chút cho khoẻ. Hôm nay cũng thế. Dù trời đã sắp đổ nắng gắt mà thấy hai đứa nhỏ còn ngủ ngon lành quá, tôi cũng để chúng ngủ thêm tí nữa. Đang lui cui dưới bếp nấu ăn, chợt con bé Tâm, dậy từ lúc nào không biết, lon ton chạy tới níu áo tôi, bực bội nói: "Mẹ! Con kêu anh hai quài mà ảnh hổng chịu dậy!"
Tôi xoa đầu nó, "Chắc bày đặt nhõng nhẽo như mọi bữa nữa chứ đâu! Con ngồi đây chờ mẹ xíu. Mẹ kêu nó ra rồi mình ăn sáng!", rồi tắt bếp, trở vô phòng.
Thằng nhỏ nằm trong mùng, ngủ say sưa quên hết trời đất. Tôi đứng bên giường, cao giọng: "Minh à, dậy đi con!"
"Minh! Dậy!"
Thế mà còn chưa chịu dậy. Tôi gọi thêm lần thứ ba vẫn tiếp tục ngủ. Thằng này, giả điếc không chừng! Chắc nó giận tôi hôm qua quên mua đá bào ấy...
Tôi bật cười, vén mùng lên: "Không chịu dậy hả? Vậy mẹ cho em ăn hết tô súp con luôn nghen! Lẹ lẹ, dậy!"
... Lạ vậy? Giọng tôi kêu đâu phải quá nhỏ mà sao nãy giờ thằng này vẫn nằm ì ra? Tôi vội chui vô mùng, đặt tay lên trán nó. Nóng. Nóng như lửa đốt! Tôi hoảng hồn lay con, toàn thân nó cũng nóng rát như vậy. Hơi thở thì nhẹ như không.
Tôi lay mạnh hơn, nó vẫn mê man. Tôi lớn tiếng gọi tiếp trong hoảng loạn: "Minh à! Trời ơi sao con nóng quá vậy nè! Minh ơi con có nghe mẹ nói gì không?! Minh! Minh...!"
Tiếng gọi của tôi khàn dần.
* * *
Bác sĩ ra ngoài sau hơn mười phút trong phòng cấp cứu. Tôi bật dậy chạy đến hỏi. Anh ta căng thẳng nhìn tôi.
"Cháu bị sốt cao, hôn mê, nôn mửa và tim đập rất nhanh, là dấu hiệu khởi phát của viêm não Nhật Bản. May bệnh được phát hiện sớm nên có thể chữa khỏi, nhưng vẫn còn nguy cơ gây ra biến chứng về sau. Nhưng mà còn chuyện lớn khác nữa, là theo như những gì cô nói với y tá lúc nãy về mấy triệu chứng lặt vặt cháu bị trong vài tháng gần đây, thì tôi bắt đầu lo là nhiều khả năng trong não của cháu đang có một khối u phát triển..."
Tôi không nghe rõ nữa. Trước mắt tôi, mọi thứ bỗng chao nghiêng đi.
Bác sĩ dìu tôi ngồi xuống, xoa vai an ủi: "Cô ơi, có sao không?"
Có thật nhiều điều tôi muốn làm ngay lúc này, chứ không phải cứ choáng váng ngồi ngây dại như thế. Tôi rất muốn gào thét lớn thật lớn, muốn chạy vào thăm con ngay lập tức, muốn hỏi lại bác sĩ rằng mình có nghe nhầm không... Nhưng bản thân lẫn tâm can tôi đều tê dại, không thể làm gì nữa.
Tôi thường thấy những người mắc bệnh về não thường không mấy ai qua khỏi, hoặc may mắn thoát nạn thì cũng để lại di chứng đến cuối đời. Bây giờ, thì con tôi. Là con tôi đang phải chống chọi với thứ bệnh quái ác này!
Sao không phải ai khác mà là con tôi? Tại sao chứ? Bây giờ chữa trị thế nào, sau này ra sao? Tương lai mờ mịt không ai biết được!
Mãi một lúc lâu sau, tôi mới sực tỉnh lại. Bác sĩ ái ngại nên nãy giờ không dám bỏ đi. Biết rằng mình đang phí thời gian, tôi vội nói: "Bác sĩ! Anh khám lại giùm tôi đi! Thằng nhỏ làm sao bị tới cỡ này được! Chắc là nhầm lẫn thôi! ... Chắc là cảm sốt bình thường thôi mà! Xin anh khám..."
Anh ta ngắt lời: "Cô bình tĩnh lại, tôi mới suy đoán thôi. Mà lỡ có là thật thì tình trạng này cũng không phải là không cứu được. Nhưng với hoàn cảnh của cô bây giờ, tôi sợ sẽ rất khó khăn để điều trị cho đứa nhỏ."
"Nghĩa là sao? Mà giờ tôi phải làm gì?"
"Vì bệnh viện ở đây không đủ điều kiện nên chỉ còn cách đưa cháu lên thành phố lớn. Chi phí điều trị mới là điều quan trọng mà cô cần phải nghĩ tới ngay lúc này..."
Nhíu mày một lúc, anh ta tiếp: "Tôi biết cô vài năm nay rồi, cũng biết cô đang sống rất khó khăn với hai đứa nhỏ, nên tôi muốn giúp. Tôi chỉ sợ cô không chịu..."
"Không đâu bác sĩ! Không! Anh nói đi? Cách nào mới cứu được con tôi?"
"Hãy để đứa bé sống cùng với vợ chồng tôi."
Tia chớp xé trời mang tiếng rầm khủng khiếp dội vào tai tôi.
Ở với họ, cho con tôi ở với họ?
Thấy tôi thất thần, anh ta lúng túng: "Thật ra tôi rất quý con cô, và vợ chồng tôi cũng... cô đơn quá. Cô biết đó, chúng tôi... vô phúc... Cho nên tôi muốn nhận nuôi đứa bé... điều trị tới chừng nào nó khỏi bệnh... Phải sống trong điều kiện thật tốt thì đứa bé mới khoẻ mạnh được."
Y tá chạy tới thông báo có tai nạn khẩn cấp, bác sĩ đứng dậy, "Cô cứ suy nghĩ thêm đi, nhưng mà phải nhanh. Tôi chỉ muốn tốt cho con cô thôi. Bây giờ cô thăm cháu được rồi.", và đi.
Chỉ còn lại một mình, tôi ngả lưng vào ghế, lặng người thật lâu.
Theo như lời bác sĩ nói, tình hình bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng, tiến trình điều trị chắc chắn rất phức tạp, chi phí sẽ khủng khiếp. Nhớ ngày trước tôi sinh mổ, phải vay tiền ngân hàng trả viện phí, mất đến một năm mới hết nợ. Còn nếu tiếp tục vay lần này, có khi tôi làm lụng cả đời chưa chắc đã trả xong.
Trong khi đó, bệnh tình của Minh đang càng lúc càng tồi tệ, không thể chần chừ hơn nữa.
Không muốn rời xa con, tôi muốn giữ con lại bên mình - cha mẹ nào chịu được cảnh mất con chứ? Nhưng khả năng không có, mà cứ để bệnh khiến nó oằn oại chống chịu từng ngày, vậy chẳng khác nào đưa nó vào đường chết. Nếu làm vậy, tôi chắc chắn sẽ là người mẹ nhẫn tâm nhất, hay thậm chí không đáng được coi là con người!
Để con đến nhà bác sĩ, ở nơi xa lạ không có mẹ ở bên, nó sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ rất sợ hãi, lo lắng. Vừa bị đau đớn bệnh tật hành hạ, vừa bị nỗi đau mất mẹ dày vò. Minh còn nhỏ như vậy làm sao chịu được? Nhưng nhờ vậy, nó mới được người ta chăm lo tốt hơn, điều trị cho khoẻ mạnh hoàn toàn.
Mà chỉ nghĩ đến chuyện con mình bị người khác đưa đi không biết đến bao giờ mới gặp lại, tim tôi đã đau như cắt, đau đến không thở được.
Tôi không đời nào đành lòng bỏ con. Nhưng nếu không để nó đi, tôi cũng không nỡ trơ mắt nhìn nó cứ thế chết dần chết mòn.
Tôi siết chặt lòng bàn tay, tự đưa ra quyết định cuối cùng.
...
Minh nằm mê man trên chiếc giường trắng muốt, tay phải truyền dịch. Thân thể gầy gò ốm yếu khiến tôi buồn lòng.
Thấy cái gối kê quá cao, con nằm không thoải mái, tôi chỉnh lại nhưng lỡ làm nó giật mình thức giấc.
Nén chặt nước mắt, tôi giả vờ như không có việc gì xảy ra, đưa tay đặt lên trán nó hỏi: "Con sao rồi? Có khó chịu gì không?"
"Hơi mệt. Mà tay con đau quá..."
Trong lúc vội vàng, người ta ghim kim truyền dịch mạnh tay, máu ra nhiều đọng thành vệt. Tôi thở dài: "Không sao, khi nào con hết bệnh thì được gỡ ra, không đau nữa."
Rồi không biết nói gì thêm, tôi ngồi bên mép giường nhìn con.
Minh chợt gọi tôi.
"Mẹ?"
"Ừ?"
"Mẹ... Con mới nằm mơ thấy mẹ với em không còn thương con. Mẹ còn dắt em bỏ đi nữa, con gọi thế nào mẹ cũng không quay lại."
Hốc mắt tôi nhức nhối chua xót, vội cúi người ôm con, tôi giấu không để nó thấy vẻ mặt của mình.
"Không có đâu con. Chỉ là là mơ thôi, mẹ với em không bao giờ bỏ con đâu."
"Vậy mẹ hứa với con đi?"
"Mẹ hứa."
Tôi ôm Minh thêm một lúc nữa, rồi ngồi dậy, sửa lại chăn cho con. Con đã ngủ thiếp từ lâu.
Nhẹ nhàng, tôi bước ra khỏi phòng bệnh, đóng cửa lại.
Không thể kìm nén được nữa, tôi bật khóc.
...
Trong tim tôi vốn đã có một vết thương lớn chắc chắn không bao giờ lành, nay những lời nói thơ ngây của con như muối mặn xát lên, như mũi dao nhọn xoáy vào, lòng tôi đau đớn đến cực điểm.
Tôi vốn chỉ mong con hiểu được hoàn cảnh hiện tại mà đồng ý đi theo bác sĩ, để có thể nói lời tạm biệt với nhau mà ít nhất cũng không quá đau buồn. Nhưng giờ, nghe con nói vậy, tôi biết rằng mình không hề có chút sức mạnh nào để có thể dứt bỏ nó được.
Con trai không muốn xa tôi, tôi cũng đâu bao giờ muốn xa con! Nhưng tính mạng là điều quan trọng nhất, dù là tình cảm gì cũng không thể quyến luyến, thời gian đã cấp bách lắm.
Luôn mấy ngày trôi qua, mỗi đêm nhìn thấy con mê sảng trong cơn sốt, tôi thầm khóc. Tôi khóc lo cho con, khóc đến tức tửi vì không thể làm gì để cứu con qua cơn bạo bệnh. Tôi luôn tự trách bản thân tôi quá vô dụng, quá nghèo khó... Nếu tôi giàu có hơn thì đâu phải sống khổ sở thế này.
Tôi luôn muốn một lần nói hết ra mọi chuyện cho con hiểu... Nhưng chợt nhớ đến lời mình đã hứa với nó, tôi lại không đủ dũng khí để mở lời, càng không dám tưởng tượng nó sau đó sẽ thế nào.
Vậy nên trước mặt Minh, tôi đành cố tỏ vẻ bình thản, để con không hoài nghi lo sợ. Những người làm mẹ khi ở trong hoàn cảnh như tôi bây giờ chắc sẽ hiểu cảm giác của tôi lúc này, phải nén chặt nỗi đau xa con, nó không dễ chịu một chút nào cả...
Tôi đã đồng ý để Thiên Minh sống với vợ chồng bác sĩ, với hy vọng họ sẽ chữa khỏi bệnh cho con...
Qua ngày thứ tư nằm viện, Minh tạm hết sốt, bệnh viêm não đã thuyên giảm. Tôi quyết định đưa con đi công viên một lần cuối cùng, nhân tiện để vợ chồng bác sĩ đến đón.
Thật sự không còn con đường nào khác nữa sao?
...
Tôi dẫn Minh đi loanh quanh trong công viên chơi gần nửa buổi sáng. Nó rất hào hứng, vui đùa đủ trò.
Không biết vì sao hôm nay, ở công viên hằng ngày đông đúc này, lại vắng người, có lẽ vì trời u ám quá: tầng mây ảm đạm che mất nắng trời, tạo ra sắc xám bao trùm mọi thứ; thỉnh thoảng vài cơn gió lạnh lùa đám lá khô xào xạc trên nền gạch màu. Và lòng tôi buồn nữa. Buồn lắm, buồn đến không tả được...
Tôi đứng từ xa, nhìn Minh cười tít mắt ngồi trên đu quay. Sau mỗi vòng quay, nó lại vẫy vẫy tay với tôi một lần.
Nó đâu hề biết chuyện gì sắp xảy đến...
Sau này xa tôi, Minh có sống với người ta được hay không, sẽ cảm thấy thế nào? Đó mới là điều quan trọng nhất, còn nỗi đau mất con riêng bản thân tôi sắp chịu đựng chẳng đáng là gì cả...
Lát nữa tôi bỏ đi đột ngột có nên không? Mà không thế, tôi có đủ sức dẫn nó tới trước mặt vợ chồng bác sĩ không? Tôi bối rối, bàn tay lạnh cóng, khi nhận ra cái thời khắc chia ly đã gần kề: giữa trưa, họ sẽ đến.
Gần trưa, thấm mệt, Minh đòi về nhà. Chưa thấy vợ chồng bác sĩ, tôi cố kéo dài thời gian, mua kẹo bông gòn cho con, tìm chỗ mát ngồi chờ. Nó thẩn thơ nhấp nháp cây kẹo, tôi xoa mái tóc mềm mại của nó.
"Minh à, nghe mẹ hỏi. Nếu như sau này... không có mẹ lo cho con nữa, con có thấy buồn, có ghét mẹ không con?"
"Sao con ghét mẹ được? Con thương mẹ lắm mà! Mẹ hỏi vậy là sao? Không lẽ mai mốt mẹ đi làm thêm nữa?"
Tôi không nói gì. Từ đằng xa, tôi thấy vợ chồng bác sĩ đã đến, đang đứng chờ trước cổng công viên.
"Vậy thì con với em sẽ ngoan ngoãn ở nhà với dì Hai, mẹ đừng lo nữa! Mà... sao mẹ khóc?"
Nghe con hỏi, tôi giật mình vội gạt nước mắt.
"Không... Không có gì đâu con. Con trai mẹ ngoan lắm, mẹ thương con."
"Dạ. Mà mẹ, con chơi đủ rồi, mình về nhà đi. Hôm nay em không được đi chơi chắc buồn lắm."
"Ừ... được. Con ngồi đây chờ mẹ một chút nhé, mẹ... mẹ đi mua bánh cho hai đứa, tối nay ăn được không? Ngoan, ngồi đây nghe con..."
Tôi hít thật sâu để ngăn nước mắt lại bật ra.
Nó nhìn tôi, "dạ" một tiếng.
Đã đến lúc phải đi, tôi đứng dậy. Minh vẫn ngồi trên ghế, tay cầm cây kẹo bông gòn, ánh mắt nhìn tôi, thân thể tiều tuỵ vì bệnh. Đó là hình ảnh cuối cùng của Thiên Minh trong ký ức của tôi.
...
Tôi đến nói chuyện với hai người đang chờ ngoài kia.
"Tôi... xin lỗi nhiều. Tôi làm anh chị đợi lâu rồi."
"Cô có sao không? Hay là để thằng bé ở nhà ít hôm nữa cũng được mà?"
"Không cần đâu ạ. Tôi cảm ơn bác sĩ nhiều lắm, tôi không biết phải cảm ơn sao cho đủ..."
"Không có gì đâu. Tôi xem thằng bé như con trai ruột của mình vậy, tôi sẽ chăm sóc cho nó thật tốt. Cô yên tâm đi."
"Tôi cảm ơn hai người nhiều lắm, vậy... vậy... tôi về nhà trước..."
Bác sĩ thấy tôi như không còn giữ được bình tĩnh nữa, gật đầu. Tôi vội vã bỏ đi, bực tức giụi mạnh đôi mắt nhoè mờ. Tôi không dám quay đầu lại nhìn con.
Bên tai tôi vang vọng tiếng gọi hoảng hốt của Minh.
"Mẹ ơi! Con ở đây mà! Mẹ! ..."
"Mẹ ơi!"
Minh... Mẹ làm vậy chỉ muốn tốt cho con thôi. Xin con đừng trách mẹ. Mong con được sống mạnh khoẻ, hạnh phúc. Mẹ yêu con nhiều lắm, xin con tha lỗi cho mẹ! Mẹ phải đi rồi.
Tạm biệt, Thiên Minh!
...
Tôi chạy đi một mạch, khi đã dừng chân, tôi nhận ra mình lại đang đứng trên bãi biển vắng quen thuộc.
Hôm nay trên biển cũng âm u, từng tia nắng le lói xuyên qua tầng mây dày đặc trên trời, vạn vật đã sẵn sàng đón nhận cơn mưa sắp ập tới. Gió mang hơi biển mặn phần phật thổi tạt vào người tôi.
Biển xa thăm thẳm, trời cao vời vợi.
Bao nhiêu kỉ niệm hạnh phúc tôi từng có với các con ngày trước, giờ tất cả trở về giằng xé tâm hồn tôi. Thống khổ đến tột cùng. Tôi nắm chặt hai tay, móng tay nghiến sâu vào da thịt. Chỉ có cảm giác đau đớn mãnh liệt này mới có thể giữ tôi tỉnh táo.
Tại sao lại như vậy, tại sao tôi lại phải chịu cảnh này? Tôi đã làm gì sai? Tôi đã làm gì sai mà ông trời bắt tôi chịu nỗi đau này chứ?
Tôi là một người mẹ vô dụng. Tôi quá vô dụng! Ngày xưa tôi không bảo vệ được mẹ của mình, bây giờ lại không thể cho con trai mình một cuộc sống tốt. Tại sao không phải tôi mà là con tôi mắc phải thứ bệnh quái ác đó? Loại người vô dụng yếu đuối như tôi không đáng sống trên đời này, hoàn toàn không đáng!
Mất con rồi, tôi có thể làm gì đây? Khóc? Khóc mãi phỏng có ích gì? Nhưng nước mắt tôi cứ rơi, rơi mãi, không nguôi...
Đoạn đời khổ đau dài vô cùng tận bắt đầu từ đấy.
...
Những ngày kế tiếp, tôi kìm nén nỗi đau trong lòng mà cố gắng làm việc và chăm sóc bé Tâm. Đứa con gái nhỏ này chính là điều quý giá nhất và cũng là niềm an ủi duy nhất còn lại trong đời tôi.
Mất con là nỗi đau khủng khiếp và ám ảnh nhất mà đời tôi từng chịu đựng, nhiều năm về sau, tôi vẫn còn nhớ cảm giác đó.
Sức khoẻ Thiên Minh từ ngày được gia đình bác sĩ nhận nuôi đã tốt hơn, bệnh tình thuyên giảm hơn rất nhiều. Nhưng một thời gian sau đó, gia đình họ chuyển qua Mỹ sống để điều trị dứt bệnh và di chứng. Họ bảo với tôi rằng, đến khi Thiên Minh trưởng thành sẽ cho mẹ con tôi gặp lại nhau. Và, tôi mất liên lạc với họ từ đó.
Mười tám năm ròng rã trôi qua...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top