Hoi uc cua cac chien si Xo Viet
Hồi Ký, Tuỳ Bút
Ký ức chiến tranh
(Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)
MỤC LỤC
Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
1. Toivo M. Kattonen
2. Vladimir Zimakov
3. Daniil Zlatkin
4. Braiko Petr
5. Ivan Shelepov
6. Nikolai Obryn'ba
7. Antonina Kotliarova
Phần 2: Hồi ức của các phi công
1. Yurii Khukhrikov
2. Vyacheslav Ivanov
3. Arkhipenko Fyodor Fyodorovich
Phần 3: Hồi ức của lính thông tin
1. Josef Finkelshteyn
2. Yurii Koriakin
Phần 4: Hồi ức của lính pháo binh
1. Vasily F. Davidenko
2. Ivan A. Yakuskin
3. Mikhail Lukinov
4. Zhuravlev Alexander Grigoryevich
5. Aleksandr Goncharov
6. Nikolay Tarasovich Kolesnik
Phần 5: Hồi ức của lính xe tăng
1. Aleksandr Bodnar
2. Dmitriy Loza
3. Rem Ulanov
4. Semon Aria
5. Nikolai Zheleznov
Phần 6: Hồi ức binh lính thuộc các binh chủng khác
1. Vladimir Dolmatov
2. Viktor Leonov
3. Nikolai Dupak
Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
Toivo M. Kattonen
Xạ thủ súng máy,
Đại đội súng máy số 1, Tiểu đoàn Trượt tuyết độc lập tình nguyện 99
Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải thúc nhau xông lên phía trước. Đôi khi chúng tôi thậm chí không kịp cả chuẩn bị chiến hào xuất phát khi có mệnh lệnh "xung phong" ban ra. Điều gì khiến tôi nhớ nhất à? Tôi chỉ nhớ nhất một điều rằng chiến tranh là chiến tranh. Chúng tôi không lần nào được ở qua đêm trong một ngôi nhà đàng hoàng - chỉ được ở trong rừng. Ba tháng trời ở trong rừng. Cố gắng ẩn nấp và sống sót trong đó. Chỉ có đôi người là còn sống trở về.
Tôi tới từ vùng Toksova, thuộc làng Veikkala. Tôi sinh năm 1917, nông trường quốc doanh kolkhoz thành lập ở làng tôi năm 1930 và thế là chúng tôi làm việc trong nông trường cho tới năm 1936. Và rồi người ta bảo rằng chúng tôi phải dời đi, do biên giới ở sát đó. Họ cưỡng ép mọi người phải chuyển đi 30 kilômét, tới tận Gruzino. Chúng tôi có một con bò cái, đồ đạc, mùa màng thì vừa mới gieo, lúa mạch đã lên rất cao, vậy mà lại phải chuyển đi. Chúng tôi không biết đó là ý kiến của ai, và ai là có tội trong chuyện này. Toàn bộ gia đình tôi, cùng ngựa và tất cả đồ đạc, phải dọn đi và chuyển tới vùng Vologda. Tôi làm việc tại đó cho tới năm 1937, năm 1937 tôi đi tới Lenenergo (xí nghiệp trực thuộc Leningrad) để làm người đào đất. Sau đó tôi được lên làm thợ máy và kế nữa là làm người đặt cáp. Tôi làm thế từ 1937 cho tới 1942. Năm 1942 một lần nữa người ta lại không chịu để cho người Phần Lan yên, họ trục xuất chúng tôi tới Toksova, Kavgolovo và nhiều nơi khác nữa. Họ chỉ cho chúng tôi có 24 giờ để chuẩn bị. Tôi ở đây, tại Leningrad vậy mà cũng bị trục xuất. Tôi tới chỗ chị mình ở vùng Vologda, trong khi tất cả những người khác đều bị chở tới Siberia. Họ bị chuyển đi rất xa, tới lưu vực sông Ugryum và nhiều nơi khác. Người ta cũng hỏi tôi - anh đi tới đâu đây? Tôi trả lời: anh sẽ không có giấy tờ của tôi đâu, tôi không đưa giấy tờ tuỳ thân của mình cho anh và tôi đang đi về nơi mà từ đó tôi đã tới. Tôi tới đây bằng xe lửa. Tôi làm nghề điện thoại viên tổng đài ở đây, tại vùng Vologda, nơi đây có một tổng đài điện thoại trong một ngôi làng Xôviết. Năm 1942 chúng tôi bị động viên, lọt qua được kỳ kiểm tra y tế và được chuyển tới vùng Chelyabinsk. Toy cho rằng đó cũng là một dạng động viên vào quân đội, nhưng là lao công quân đội. Nó cũng tựa như quân đội, nhưng khắc nghiệt hơn. Chúng tôi bị nhốt sau hàng rào kẽm gai. Ở đó có các tù binh Đức, và chúng tôi ở ngay bên cạnh họ. Họ bị đưa tới chỗ làm việc bằng lính gác, có súng trường và chó canh, chúng tôi cũng bị áp tải bằng lính gác mang súng. Cứ như trong tù vậy.
Chúng tôi làm việc tại đó, xây dựng những lò luyện than cốc, hiện nay chúng vẫn còn ở đấy. Người ta đưa chúng tôi tới một khu rừng, ở đó chúng tôi chặt cây và xây lò. Và rồi, khi bắt tay vào xây thì thời tiết lại chuyển thành rất nóng. Có năm cái lò, nhiệt độ lò phải lên được tới 1000 độ, nếu không lò sẽ không hoạt động được. Chúng tôi khởi động lò, đổ than vào theo lệnh. Không khí quá nóng đến nỗi chúng tôi như muốn đổ xuống, không thể làm tiếp nổi do mặt trời hun cháy mọi người cộng thêm với cái nòng tỏa ra từ lò. Thế là xuất hiện hệ thống thay ca - chúng tôi nghỉ và những người ca khác tới thế. Rồi, một thời gian sau, chúng tôi bắt đầy xây nhà và xưởng máy khi đã hoàn tất các lò luyện cốc. Năm 1945 tôi có quay lại đây. Chiến tranh đã kết thúc, và tôi trở về nhà ở Leningrad bắt đầu làm việc tại xưởng đúc, nhưng tôi chỉ có thể làm việc đó trong một thời gian ngắn. Người ta lại bắt đầu réo gọi bọn tôi là tụi Phần Lan, và lại không cho chúng tôi sống trong thành phố. Họ bảo rằng tôi phải chuyển đi, xéo tới bất cứ chỗ nào mà tôi thích. Vài tay Đoàn viên Komsomol tới và bảo tôi phải xéo đi. Tôi quay về ngôi làng sinh quán của tôi, nhưng tại đó tôi cũng bị đuổi đi. Tôi lại đến vùng Pitkaranta, gần Jannisjarvi, cách Phần Lan không xa. Tôi làm nghề thợ rèn ở đấy. Tôi làm việc ở đấy không lâu, chỉ trong vòng vài tháng, dù tại đấy người ta đã cấp cho tôi một ngôi nhà hai tầng. Tôi đã viết thư cho vợ rằng tôi sẽ quay về và đón cô ấy đi, nhưng nàng trả lời là nàng không muốn tới đó. Thế là tôi quay về (với vợ - LTD). Sau đấy, khi Stalin chết, chúng tôi đã có thể quay lại Leningrad, và tôi quay lại và làm việc ở một nông trường. Đấy là một chuyến du hành dài đằng đẵng. Tôi định cư lại ở đây trong một thời gian dài, kể từ 1959. Tôi làm việc ở nhà máy LTM và nghỉ hưu ở tuổi 55, sau đó tôi phải chịu một cuộc phẫu thuật và không tiếp tục làm việc nữa. Thế rồi tôi lại vào làm cho nhà máy Svetlana trong 20 năm nữa. Hiện giờ tôi lại đã nghỉ hưu, bắt đầu từ năm 1993.
Năm 1939, khi chiến tranh nổ ra, người ta huấn luyện 120 giờ cho chúng tôi rồi đưa ra mặt trận. Họ dạy chúng tôi cách bắn, ẩn nấp và nguỵ trang. Không có thời giờ để tập đi đều bước và những nghi thức khác. Tôi thuộc Tiểu đoàn trượt tuyết 99, vừa làm xạ thủ súng máy vừa làm xạ thủ tiểu liên. Từ khi còn bé tôi đã biết trượt tuyết, việc này trong gia đình tôi là rất đỗi bình thường. Những người dân tộc Nga trong tiểu đoàn cũng trượt tốt, nhưng khởi đầu thì không êm ái lắm. Người ta cũng dạy cho chúng tôi một khoá trượt tuyết ngắn hạn trong nội dung huấn luyện nêu trên. Những người tình nguyện trong tiểu đoàn hầu hết là học sinh trung học và sinh viên đại học. Không có người tình nguyện nào mà không thề trượt tuyết được hết - nếu vậy họ làm cái quái gì ở đây. Hầu hết tình nguyện viên đều là Đoàn viên Komsomol, kể cả tôi. Người ta hỏi: "Ai muốn tình nguyện tham gia chiến tranh với Phần Lan?" Tôi đáp: "Tôi đi, viết tên tôi vào." Vậy là tôi được tuyển dụng tại quận uỷ Dzerzhinski của thành phố. Tôi không còn nhớ rõ làm cách nào mình biết về bản thông báo kêu gọi những người tình nguyện nữa. Tất cả những tình nguyện viên trong tiểu đoàn tôi đều là người Nga, chỉ mình tôi là người Phần. Thái độ của mọi người với tôi rất tốt, không ai thắc mắc về việc tôi là người Phần. Cũng không có sự chú ý đặc biệt nào của NVKD hay của politruk (chính trị viên) tiểu đoàn đối với cá nhân tôi. Anh chàng chính trị viên khá dễ thương và cả tiểu đoàn trưởng cũng vậy.
Chúng tôi có ba anh em, anh cả tôi Semen được động viên trong thời gian chiến tranh Phần Lan, anh ấy không đi tình nguyện như tôi. Anh được tuyển vào Quân đội Nhân dân Phần Lan, đóng tại Zelenogorsk (Terijoki). Anh được huấn luyện để luồn ra sau phòng tuyến địch và làm tình báo viên. Họ được ăn mặc khác chúng tôi, chúng tôi thì trang phục nhẹ, như yêu cầu của lính trượt tuyết phải thế. Anh thứ tôi cũng được gọi nhập ngũ. Người thứ ba được ở lại nhà để không có chuyện tất cả phải vào quân đội. Năm 1941 lúc đầu tôi cũng được miễn quân dịch vì công việc của mình, nhưng rồi việc miễn trừ đã bị huỷ bỏ. Thật kinh khủng khi phải sống ở đây cho tới năm 1942, trời rất lạnh, xung quanh âm 40 tới 45 độ, sương giá khủng khiếp. Người ta đi xuống sông Narva để lấy nước và chết gục trên đường đi. Anh tôi Matvei cũng chết trong thời kỳ bao vây Leningrad, tôi đã tự tay chôn cất cho anh năm 1942.
Semen bị động viên cũng như những người Nga khác, rồi anh ấy tham gia chiến tranh, và anh được gửi đi lần cuối cùng làm một điệp viên hoạt động đằng sau phòng tuyến Phần Lan. Lúc đấy đã là giữa cuộc chiến lần hai. Theo như tôi hiểu, người ta đã gửi anh ấy đi làm điệp viên. Thậm chí có đồng đội vẫn còn nhìn thấy anh trong thời kỳ chiến tranh. Điều ấy có nghĩa là anh vẫn còn sống được thêm một thời gian nữa, và rồi anh bị giết, được chôn cất tại Turku. Có tin đồn rằng anh có mặt tại Turku. Tin đồn nói rằng những tù binh chiến tranh Nga đã trông thấy anh tại đó. Họ thấy anh đi qua trong quân phục sĩ quan Phần Lan. Anh ấy cứ đi ngang qua, trong khi các tù binh đang làm việc, không hề chào hỏi họ. Họ nhận ra anh, do họ ở cùng làng và cùng học với nhau. Sau chuyện đó, người anh em họ chúng tôi, hiện đang sống ở Phần Lan, bảo rằng người ta tìm thấy mộ anh và con anh ta thậm chí còn chụp ảnh cả nơi ấy. Thế là giờ chúng tôi biết được rằng anh ấy đã bị giết và người Phần Lan đã giết anh ấy. Tuy nhiên, chẳng ai biết chuyện đó đã xảy ra thế nào, và làm sao người Phần lại phát hiện ra anh là điệp viên Xôviết. Một điệp viên chỉ có thể mắc sai lầm một lần duy nhất trong đời. Chúng tôi đã nhờ Hội Chữ thập Đỏ giúp tìm kiếm anh, nhưng không thấy, và giờ đây chúng tôi biết điều gì đã xảy ra với anh. Chúng tôi không biết được ai đã chôn cất cho anh - tất cả những điều ấy vẫn còn chưa sáng tỏ. Pavel cũng bị thương trong chiến tranh tại Pskov và khi chúng tôi chuyển tới vùng Chelyabinsk, anh ấy đã chết vì vết thương tại đây.
Vậy là họ đưa chúng tôi lên tàu chuyển tới tiền tuyến, ra lệnh không được hút thuốc và phải tiến về phía trước thật yên lặng. Chúng tôi đeo thanh trượt vào và lặng lẽ tiến vào rừng. Và rồi chúng tôi băng qua Raivola. Kế đó là tới Mustajoki, và rồi chúng tôi tới Phòng tuyến Mannerheim, lúc này đang có chiến sự ác liệt ở đó. Chúng tôi cũng tới Metsakyla, ngày nay có tên là Molodezhnoe. Rồi chúng tôi tới bờ Vịnh Phần Lan và tiến quân dọc bờ vịnh.
Suốt trong Chiến tranh Phần Lan, chúng tôi phải chặt cành thông và tự dựng lên cho mình những hầm trú ẩn rồi nhóm một ngọn lửa ở giữa - chúng tôi sinh sống như vậy đấy. Nhiệt độ khoảng -50, xung quanh tuyết dày khoảng một mét. Tôi đeo các thanh trượt và mang theo một khẩu súng máy, nó nặng tới 16.5 kí lô cộng thêm với một băng đạn hình đĩa. Thêm vào đó tôi còn có cái balô trên lưng..
Tôi sử dụng khẩu trung liên DP, những người còn lại hầu hết dùng súng trường, chúng tôi chỉ được nhận tiểu liên về sau này và thực ra chúng tôi không sẵn sàng sử dụng chúng. Chúng tôi cũng có súng cối, tôi không nhớ rõ cỡ nòng bao nhiêu, chúng khá nhỏ và có thể vác trên lưng một người được. Đại liên Maxim được di chuyển trên xe trượt, tuy nhiên chúng tôi có hơi ít súng Maxim. Tôi ở trong đại đội súng máy số 1, và chỉ có bảy người trong đại đội tôi sống sót. Một đại đội súng máy quân số ít hơn một đại đội bộ binh thường, nhưng vẫn được gọi là một đại đội. Tôi không biết gì về thiệt hại của các đại đội khác. Trợ thủ số một cho xạ thủ đại liên phải mang hai băng đạn, trong khi người trợ thủ hai phải mang theo ba băng. Họ vận chuyển đạn trong những thùng đặc biệt có tay cầm khi mang vác. Các trợ thủ của tôi rất vất vả gian khổ, tất cả cánh xạ thủ đại liên chúng tôi rất vất vả gian khổ. Chúng tôi phải vác tất cả đạn dược theo mình. Chúng tôi không thiếu đạn, nhưng tất nhiên vẫn phải tiết kiệm đạn. Tôi thường bắn từng loạt ngắn, nhiều người chưa quen có thể bắn hết cả băng đạn chỉ một lần nhấn cò. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với khẩu súng của mình; nó rất đáng tin cậy. Nó hoạt động tốt thậm chí ngay cả khi bị ngấm nước hay dính tuyết bên trong. Khẩu đại liên này là người bạn chiến đấu trung thành nhất của tôi. Cũng có loại súng trường bán tự động 25 viên, tôi nhớ thế, nhưng chúng luôn bị kẹt đạn. Ngay khi bị tuyết lọt vào khóa nòng là bị. Chúng tôi thậm chí không thèm đem chúng theo, mà lập tức vứt chúng lại - khẩu súng trường Mosint thân thương tốt hơn nhiều. Trợ thủ súng máy của tôi cũng dùng một khẩu súng trường Mosint. Lựu đạn cầm tay là loại quả dứa, hoặc loại cán dài. Lựu đạn quả dứa là tuyệt nhất, dễ mang theo, nhưng cũng khá nguy hiểm, ngừơi sử dụng phải cẩn thận nếu không sẽ bị dính mảnh khi ném nó. Đấy là cách chúng tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến ấy, cho tới tận khi kết thúc. Một lần chúng tôi chiếm được mấy ngôi nhà hai tầng nằm trên một ngọn đồi, tôi không nhớ rõ nó ở vùng nào, phía Bắc Metsakyla hay nơi nào khác, từ hồi đó cho tới nay đã lâu lắm rồi. Chúng tôi muốn nghỉ qua đêm trong đó, nhưng chỉ huy khuyên mọi người không nên ở lại. Thật may mắn, bằng không hôm nay tôi đã chẳng còn ngồi đây để kể chuyện cho các bạn. Mấy ngôi nhà bị bắn trúng bằng đạn cối và cháy trụi hoàn toàn - đấy là điều suýt nữa đã xảy ra với chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có nhiều người bị chết và bị thương.
Từ Metsakyla chúng tôi đi tới Koivokyla, và rồi mội vài kyla (ngôi làng) khác nữa, tôi không còn nhớ tên làng nào cả, và rồi tới Vyborg. Chúng tôi còn cách Vyborg khoảng ba kilômét. Ngày 12 tháng Ba chiến tranh vẫn còn rất ác liệt, đại bác và súng vẫn bắn loạn xạ. Rồi ngày 13 tháng Ba tới, chiến tranh kết thúc và chúng tôi được đưa về. Tại đó người ta tổ chức một cuộc mít tinh, tất cả chúng tôi đều hân hoan, nã mọi loại súng lên trời. Pháo cũng bắn mừng. Rồi tới ngày thứ hai sau khi chiến tranh kết thúc người ta yêu cầu chúng tôi tập trung súng ống lại vào thùng, bôi dầu mỡ cẩn thận, chúng tôi làm theo. Hai hay ba tuần sau, theo tôi là khoảng 25 tháng Ba, chúng tôi được trở về nhà. Vì là tình nguyện viên, chúng tôi được phép về thẳng nhà. Đại loại thế.
Nhiệm vụ của chúng tôi thường là đi lùng sục các khu rừng. Lùng sục khu rừng để không còn tên địch nào nấp bên trong. Quân phục chúng tôi là một áo sơmi lót vải ấm, một áo sơmi thứ hai, một áo nịt len, một áo jacket trắng làm bằng vải dầu. Chúng tôi cũng có cả bao tay xỏ hai đầu và găng tay. Chúng tôi vứt bao tay đi và đem theo găng tay để bắn súng dễ hơn. Tay tôi không bao giờ bị lạnh cóng, tôi chưa lần nào bị giá ăn, mặc dù nhiều người trong đơn vị bị giá ăn tay hoặc chân, và rất nhiều người đã chết. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu người bị chết. Tôi đi ủng cao cổ, cỡ 44, một đôi tất hoặc xà cạp. Chân tôi được giữ khá ấm. Tôi đi ủng dạ chỉ một lần, chúng được chuyển tới quá trễ. Toàn tiểu đoàn đều đi ủng cao cổ. Khi còn trong thời gian huấn luyện ở Ga Maskva, chúng tôi đang đi giày quấn xà cạp, một vị chỉ huy tiến tới và nói: đám nào đang đi giày kia vậy, tình nguyện phải không? Lấy cho tất cả chúng nó ủng cao cổ! Do đó tất cả chúng tôi đều có ủng cao cổ, mỗi người chọn lấy cỡ ủng hợp với mình. Tôi quay về nhà trên đôi ủng ấy, tôi không làm cháy nó trong chiến đấu cũng như không làm hỏng rách nó. Tôi mặc áo choàng chỉ một lần, khi tôi trên đường về nhà, hầu hết thời gian là tôi mặc áo vatnik lót bông và áo khoác vải bạt màu trắng ngụy trang phủ bên ngoài. Trời lạnh, nhưng ta có thể làm thế nào bây giờ? Đồ che đầu của chúng tôi là mũ budennovka đội mùa đông, (budennovka là kiểu mũ chóp nhọn của kỵ binh Hồng quân Budionnưi, nổi tiếng thời kỳ Nội chiến - LTD), mũ cát lót len, phủ được kín cả mặt và cổ, chỉ hở hai con mắt. Thế là chúng tôi đội mũ len lên trước, rồi tới cái budennovka, và cuối cùng là mũ sắt. Ban đầu chúng tôi không đội mũ sắt, thế mà về sau chúng tôi bắt buộc phải đội tất. Nếu tôi không đội nó, chắc giờ tôi chẳng còn để ngồi ỡ đây. Mũ sắt sơn màu xanh, trên cùng bọc vải bạt trắng, cùng thứ vải bạt để làm áo choàng ngụy trang của chúng tôi. Người ta khuyên tất cả chúng tôi khâu miếng sắt ghi số lính đeo cổ vào cổ áo jacket của mình. Miếng sắt đeo cổ phẳng và có hình chữ nhật. Những chỉ huy ban đầu mặc áo khoác lông cừu màu trắng. Thế rồi bọn Phần bắt đầu săn những chiếc áo khoác lông cừu, nhắm vào các sĩ quan, cho nên họ chuyển sang mặc quân phục bình thường.
Người ta bảo rằng khẩu DP có vấn đề với cái càng hai chân, nó hay lún vào trong tuyết. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đôi khi tôi gác cái càng ấy lên xác một lính Phần hay lính Nga và bắn. Tôi rất ít khi quàng khẩu DP của mình bằng dây đeo lưng. Chúng tôi không trú trong các ngôi nhà, tất cả đều có bẫy mìn gài. Mìn có ở khắp nơi. Có lần một đồng đội của chúng tôi phải kiếm cho mình một bộ ván trượt mới - bộ cũ của anh ta đã gãy hoặc bị mất đâu đó. Lần ấy là ở quanh Koivokyla hay chỗ nào khác tôi không nhớ rõ nữa. Có một bộ ván trượt khá tốt đang dựng vào một thân cây, thế là anh ấy bảo rằng anh phải đi lấy chúng. Anh ta đi lấy bộ ván trượt và nằm lại đó vĩnh viễn. Cái cây nổ tung cùng với bộ ván trượt. "Bộ ván trượt tốt thế đấy," tôi nói với mọi người.
Chúng tôi hầu như chỉ toàn ăn đồ khô, do không có nơi để nấu nướng thức ăn. Ban đầu chúng tôi có một xe nhà bếp có ngựa kéo, nhưng nó đã bị phá huỷ - trúng phải một quả mìn cài trên đường. Chúng tôi thường ăn bánh bích quy và xong thì để tuyết tan trong cà mèn và uống nó. Chúng tôi cũng được phát 100 gram vodka mỗi ngày.
Một lần khi chúng tôi đang tiến công, tôi phát hiện một tên xạ thủ bắn tỉa cúc ku Phần, và chuẩn bị bắn hạ hắn. Nhưng hắn đã nhanh tay hơn, ngay khi tôi đang ngắm thì hắn đã bắn vào tôi "shhhhhh", và tôi chúi xuống tuyết để tránh. May là tôi đang đội cái mũ sắt, nếu không hắn đã hạ tôi rồi. Tôi vừa chúi đầu xuống tuyết thì phát đạn đã bắn trúng như thể có ai đó đập búa lên đầu mình vậy. Tôi như bị điếc nhẹ. Tai chỉ nghe lại được sau đó nhiều ngày, nhưng tôi không bị thương trong lần ấy.
Ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi là tiếng Phần Lan, nhiều lần họ yêu cầu tôi tham gia dịch những cuộc thẩm vấn, nhưng ở đấy cũng có một người phiên dịch, anh ta điều hành việc dịch thuật của tôi - để đảm bảo là tôi không nói láo. Viên chỉ huy có một cuốn từ điển hội thoại tiếng Phần Lan, và anh ta kiểm tra xem tôi có biết tiếng Phần Lan không. Anh ta rất ngạc nhiên khi tôi nói chính xác tất cả các câu. Mọi người đều sửng sốt vì tôi lại chiến đấu bên phe Hồng quân. Viên chỉ huy hỏi tôi: "Tại sao anh không chạy sang phía Phần Lan?" Tôi đáp: "Ừ, đúng, để cho anh bắn vào đầu tôi ngay bây giờ à." Tôi không hề có một suy nghĩ nhỏ nhất về việc đào ngũ theo quân Phần Lan, họ cũng sẽ giết tôi ngay lập tức. Thêm nữa, cha tôi khi đó vẫn còn sống mà tôi lại không còn họ hàng gì ở bên Phần Lan hết.
Suốt thời gian chúng tôi ở trong rừng, không có một đơn vị nào đóng bên sườn trái chúng tôi, còn bên phải là Tiểu đoàn trượt tuyết 100, tôi có một người bạn ở trong đơn vị đấy. Họ gần như bị diệt sạch. Chúng tôi có 900 người, bốn đại đội. Giờ đây tôi là người duy nhất của tiểu đoàn ấy còn sống. Năm ngoái chúng tôi còn năm người, giờ chỉ còn mình tôi. Anh sẽ không thể tìm thêm được người nào thuộc Tiểu đoàn 99 ở Leningrad. Có rất nhiều tình nguyện viên trong các tiểu đoàn trượt tuyết đến từ Leningrad, gồm tiểu đoàn tôi, tiểu đoàn 100, và tôi cho là cả ở tiểu đoàn 101 nữa, nhưng họ đóng xa hơn, đâu mãi tận vùng Priozersk. Chúng tôi thì ở ngay chỗ này, trên Phòng tuyến Mannerheim, nơi có các boongke bằng bê tông, bằng gỗ và đắp đất. Boongke bêtông có ba tầng và rất rộng, tháp quan sát làm bằng cao su để đạn bắn vào sẽ bật ra - một thiết kế hoàn hảo. Chính mắt tôi đã trông thấy một boongke ba tầng, sau khi nó bị chiếm. Không thể chiếm nó được, do đó người ta đã đổ ngập nước vào, có lẽ do người kỹ sư Phần Lan đã xây ra nó. Vẫn còn nước bên trong cái boongke khi tôi bước vào trong.
Các chiến hào của họ cũng rất hiểm yếu, một khẩu súng máy có thể bắn vào chúng tôi mà chúng tôi không thể xác định được hướng đạn tới từ đâu. Chúng được ngụy trang bằng tuyết, cho nên chúng tôi không trông thấy chút gì hết. Khi chúng nã đạn, chúng tôi theo thói quen sẽ nằm xuống và nổ súng, và nếu chúng tôi không xác định được đạn bắn từ đâu, chúng tôi sẽ nấp kỹ, để đạn địch không bắn trúng. Nếu chúng tôi bị bắn trực tiếp, chúng tôi sẽ không thể nằm lâu mà phải đứng dậy và tấn công. Chúng tôi sẽ vứt gậy trượt tuyết xuống, băng lên trước và vừa chạy vừa nổ súng. Quân Phần Lan hoàn toàn không dùng gậy trượt tuyết. Tôi không rõ tại sao chúng tôi phải cần những cây gậy trượt tuyết ấy. Ban đầu thì chúng tôi sợ pháo binh Phần Lan, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ trúng đạn, và rồi chúng tôi cũng quen dần. Chúng tôi thường xuyên phải nằm dưới làn đạn cối pháo kích, nhưng dù sao chúng tôi cũng thoát được. Chỉ có ở hai ngôi nhà kia tại Metsakyla, mới có ngừơi bị trúng đạn cối - ở đấy chúng bắn cối thật dữ dội. Hai căn nhà ấy cháy suốt cả ngày, nhờ thế mà chúng tôi có thể tự sưởi ấm bên đống lửa. Đáng lẽ chúng tôi đã cháy ra tro nếu ở lại trong đó qua đêm. Tôi nhớ không có một đêm nào mà chúng tôi được nghỉ qua đêm dưới mái nhà. Chỉ một lần chúng tôi được ngủ lại trong một hầm trú ẩn chiếm được của quân Phần Lan, nhưng tất cả thời gian còn lại chúng tôi ngủ trong tuyết, trong các hầm hố chúng tôi tự đào.
Đánh nhau giáp lá cà ư? Làm thế nào tôi đánh giáp lá cà được trong khi còn phải vác khẩu đại liên? Chúng tôi không phải đánh giáp lá cà, chúng tôi không hô "Hurrah". Chúng tôi chưa hề bị bao vây, mà chỉ luôn tấn công về phía trước.
Điều mà tôi nhớ nhất có lẽ là lần chúng tôi đã suýt chết đuối trên mặt băng của Vịnh Phần Lan thế nào. Chúng tôi đang đi bộ trên băng thì một quả đạn pháo hay đạn cối bắn trúng băng và tạo ra một cái hố trên đó. Có những chiếc xe tăng đang đi phía trước chúng tôi, chúng tôi nhảy lên mấy chiếc tăng đó và sống sót, bằng không thì đã chết đuối cả rồi. Tổ lái tăng cho chúng tôi một ít thức ăn. Tôi không biết được họ là đơn vị nào và chỉ huy là ai. Lần đó lúc đầu pháo bắn rất dữ dội. Tôi cũng không nhớ tên hòn đảo mà chúng tôi đã tấn công. Chúng tôi bắt được vài tù binh, nhưng nói chung thì có rất ít tù binh bị bắt. Tất cả đám tù binh Phần Lan chúng tôi bắt được đều hung dữ khủng khiếp, chúng sẵn sàng ăn sống chúng tôi. Tôi đã nói chuyện với một tên trong số đó, và đột nhiên hắn nhảy xuống một cái hố trên mặt băng, xuống Vịnh Phần Lan, ngay chỗ mà chúng tôi suýt chết đuối. Hắn không thèm để ý là nước lạnh cóng thế nào, hắn chỉ muốn không phải đầu hàng. Quân Phần Lan có ít người, nhưng họ đều nguỵ trang rất tốt, họ có boongke và cứ điểm vững vàng. Họ cũng có lương thực và mọi thứ cần thiết. Họ quan sát rõ chúng tôi, trong khi được nguỵ trang trong tuyết, còn chúng tôi chẳng thấy được chút gì. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng, nhưng chỉ có quỷ mới biết súng bắn từ hướng nào. Cũng có bọn xạ thủ bắn tỉa cúcku nào trên cây. Lính trượt tuyết Phần Lan không dùng gậy trượt. Ban đầu chúng tôi dùng gậy trượt tuyết, nhưng chúng rất phiền toái. Quân địch cũng có những đôi giầy có mũi cong, chúng có thể nhảy xuống từ trên cây, đeo giày trượt vào và biến mất. Chúng cũng lót da nai ở dưới giày trượt để giảm ma sát. Chúng tôi không có những giày trượt như thế. Chúng là những chiến binh thực sự, và chiến đấu rất giỏi. Bọn chúng có ít người, nhưng giết rất nhiều người của chúng tôi. Tôi cho là chúng tôi cũng thiệt hại nặng vì giá rét - giá ăn chân tay. Người của chúng tôi đi giày cổ ngắn và quấn xà cạp, chỉ còn biết cố gắng sống sót trong nhiệt độ âm 50 với đôi xà cạp quấn chân.
Một lần đám chỉ huy của chúng tôi đang đi trên mặt băng của Vịnh Phần Lan, khi đó tôi đang trong phiên gác, nằm phục với khẩu súng máy của mình. Chúng tôi dùng một khẩu lệnh được thay đổi liên tục trong ngày - một khẩu lệnh thường là "súng trường" hay "súng máy" hay đại loại thế. Mấy người kia bắt đầu đi sau nửa đêm và không biết khẩu lệnh mới. Tôi đang nằm trong rừng với khẩu súng máy và nghe thấy họ đi tới và trò chuyện. Toy hét lên: "Dừng lại! Khẩu lệnh!" Họ nói: "Súng máy", tôi đáp: "Không, không đúng. Nằm xuống đất ngay lập tức nếu không tôi bắn." Tôi kéo khóa nòng và chuẩn bị bắn. "Được, chúng tôi đang nằm xuống đây." họ bảo. Và rồi đội tuần tra tới và thả cho họ đi. Họ đứng dậy và tôi trông thấy cả hai đều mặc áo lông cừu trắng, một là đại tá và người thứ hai là trung tá. Thế đấy, tôi nghĩ, bây giờ mình sẽ gặp rắc rối cho mà xem. Chỉ là vì họ đã đi sau nửa đêm và không biết khẩu lệnh mới. Nếu họ biết thì tôi đã để họ qua, thậm chí nếu một tên Phần biết khẩu lệnh thì tôi cũng để cho hắn qua. Làm sao mà tôi biết được hắn là lính Phần hay không? Đó là một bí mật nhỏ của chúng tôi. Sáng hôm sau tôi nhận được lời tuyên dương trước đơn vị vì đã gương mẫu thực hiện nhiệm vụ.
Tôi không nhớ rõ những gì quân Phần Lan la hét với chúng tôi, dù tôi biết tiếng Phần rất giỏi. Tôi cũng không nhớ nội dung những tờ truyền đơn. Tôi nhớ có lần chúng tôi bắt được một tên xạ thủ cuckoo, quật ngã hắn và bắt đầu thẩm vấn. Hắn nói rằng đã giết được 9 lính Nga, và hắn phải giết được mười người. Tôi bảo hắn, không đâu, "et sina osaat minun tappaa" (Mày sẽ không thể giết được tao - tiếng Phần Lan). Hắn nhìn tôi, nhận ra tôi là người Phần và nổi điên còn hung dữ hơn trước. Rồi tôi hỏi hắn tại sao lại leo lên cây và giết chúng tôi. Hắn đáp rằng hắn phải giết chúng tôi, rằng hắn đã giết chín và phải giết được mười, nhưng giờ thì không làm được nữa rồi. Tuy nhiên hắn đã dành sẵn cho tôi một viên đạn.
Sau chiến tranh người ta tổ chức một cuộc diễu binh, người ta cấp cho chúng tôi quần dài màu xám, áo sơmi trắng, cà vạt, mũ lưỡi trai trắng có gắn ngôi sao đỏ và trong bộ quân phục như vậy tôi đi tới trụ sở dân uỷ và báo cáo rằng tôi đã trở về. Tôi không được nhận phần thưởng vì đã tham gia cuộc chiến đó. Tôi không nghĩ là có ai trong tiểu đoàn tôi được thưởng. Tôi đoán là chúng tôi không đáng được vậy. Chiến tranh là chiến tranh. Ban đầu người Nga không muốn gọi đó là một cuộc chiến tranh. Ý tôi là ... người ta gọi nó là gì nhỉ? Một chiến dịch, chiến dịch Phần Lan, người ta gọi như thế đấy. Tôi nghĩ là tới khi Yeltsin tuyên bố cái gì đó về nó thì người ta cuối cùng mới bắt đầu gọi đó là một cuộc chiến tranh thực sự. Đó là một công việc cực nhọc. Chiến tranh nói chung là một công việc cực nhọc, và hơn nữa, để thêm vào với tình cảnh khổ cực của chúng tôi là một mét tuyết dày và cái lạnh -45 tới -50 độ. Chỉ còn biết cố gắng sống sót trong rừng trong điều kiện như vậy mà thôi.
Chúng tôi không được tiếp viện hay bổ sung quân số, chỉ còn tự biết lo cho thân mình. Khi chúng tôi quay về nhà, tới ga Phần Lan ở Leningrad, các cô gái chạy ra đón những bạn trai của họ trong đội tình nguyện. Chúng tôi đã phải giải thích cho rất nhiều người trong số họ là bạn trai của họ sẽ không trở về nữa. Những người bị giết được chuyển tới nghĩa trang Ohta, có 700 người được chôn ở đó. Tôi không biết họ có thuộc tiểu đoàn tôi hay không. Có một nhà thờ ở Zelenogorsk (Terijoki), ở đó có cả những bia mộ của người Nga lẫn người Phần Lan.
Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
Vladimir Zimakov (1)
Phần 1
Diệt xe tăng
Vladimir Zimakov, mùng 9 tháng Năm năm1945, vùng Galati - Romania.
Tôi biết chiến tranh đã xảy ra khi thấy máy bay địch bắt đầu dội bom Smolensk, nơi chúng tôi đang sống. Đó là vào khoảng ngày 22 hay 23 tháng Sáu. Gia đình chúng tôi phải di tản. Năm 1943 tôi nhập ngũ, khi lên 18 tuổi. Ban đầu chúng tôi được đưa tới Morshansk, Tambov. Rồi chúng tôi được đưa tới huấn luyện quân sự tại doanh trại Melikess thuộc vùng Ulyanovsk. Chúng tôi được nhận đồ lót mới, nhưng quân phục thì đã cũ. Tôi đoán chúng được lấy từ những chiến sĩ ta đã hy sinh. Họ đã khâu vá cẩn thận những vết rách thủng do đạn và mảnh trái phá xuyên qua.
Người anh em ạ, lúc đó trời rất lạnh! Chúng tôi may mắn có được áo choàng, đồ lót bằng len và bông và giầy ủng với xà cạp đủ ấm. Có lần vài tay Uzbek bị đưa tới doanh trại. Ồ, họ thật đáng thương! Họ được phép mặc áo "khalat" (một loại áo khoác lông cừu) dưới lớp áo choàng. Thực ra, ta không bị lạnh đâu bởi phải tập luyện và chạy rất nhiều. Có lần trong suốt mười ngày liền chúng tôi phải hành quân tới 20 cây số mỗi ngày. Họ sẽ nhồi 16 ký cát vào ba lô của anh, thế rồi anh xách lấy khẩu súng và lên đường.
Việc huấn luyện tiếp tục từ tháng Giêng cho tới tháng Ba. Tới tháng Ba họ tập hợp chúng tôi lại và ra lệnh: "Những ai có trình độ từ lớp 7 trở lên - tiến lên trước ba bước." Tôi bước khỏi hàng, bởi đã học xong lớp 8. Nói chung, hầu hết đám tân binh chúng tôi đều là dân quê. Vài người trong số họ học đến lớp 5 hay lớp 6, phần lớn thậm chí chưa từng được đi học. Khoảng một trăm người được chọn và gửi tới trường đào tạo sĩ quan. "Lấy vật dụng cá nhân và chuyển đi." Lúc đó chúng tôi thì có cái gì đâu?! Một cặp đồ lót, một mẩu xà phòng đen và một cái khăn mặt. Thậm chí không ai có được cái bàn chải đánh răng - không phải là thói quen! Hãy xem trong balô lính Đức có gì. Một bàn chải răng sạch, bột đánh răng, một bánh xà phòng thứ phẩm. Tất cả đều ngăn nắp, đúng theo kiểu Đức. Bánh xà phòng thứ phẩm thô ráp, có lẽ được trộn cát hay thứ gì đó tương tự. Chúng rất lâu mòn.
Chúng tôi mất 3 ngày để đi từ Melikess tới thị trấn Kinel, gần Samara. Chúng tôi được phân về Trường Huấn luyện Bộ binh Kuybyshev số 3. Trường nằm cách dòng Volga khoảng 130 cây số. Chúng tôi trông giống như đám học sinh sỹ quan thời trước chiến tranh: áo len, quần bông, giầy ống cao cổ. Nếu kết thúc sáu tháng học ở đây, chúng tôi sẽ được ra mặt trận với quân hàm thiếu uý. Có biết bao nhiêu thiếu uý và trung uý bị giết ngoài mặt trận! Anh bạn ạ, chỉ một ít trong số họ là còn sống. Ngay khi vừa tới mặt trận, họ liền lọt vào kính ngắm của bọn xạ thủ bắn tỉa Đức. Chúng ta không bao giờ quan tâm tới việc che chắn ngụy trang. Sĩ quan được cấp loại sơmi khác với lính tráng, và đội mũ có lưỡi trai! Mà xạ thủ bắn tỉa Đức lại bắn rất cừ.
Chúng tôi học được hai tháng cho tới khi trường nhận lệnh đưa lứa học viên khóa trên ra mặt trận. Không có vấn đề gì, trừ việc quân phục dành cho họ không được chuyển đến đúng hẹn. Thế là chúng tôi phải cởi quân phục của mình ra cho lớp khóa trên mặc vào. Chúng tôi được nhận lại mớ quần áo cũ của mình, nhưng tới lúc này giầy ủng của chúng tôi đã mòn vẹt hết cả, thế nên chúng tôi được cấp thêm giầy vỏ cây và xà cạp trắng. Chúng tôi mặc chúng tiếp hai tháng cho tới khi quân phục mới được chuyển tới.
Huấn luyện các xạ thủ chống tăng.
Chúng tôi được học cả thảy ba tháng cho tới khi trường phải đóng cửa. Họ gửi chúng tôi tới Inza, nơi chúng tôi được phong hạ sĩ. Đó là một doanh trại lớn nằm giữa một cánh rừng thông. Ở đấy có những cái giường cao ghép thành ba tầng với những con chuột lớn, cỡ bằng con ngựa (cười). Lữ đoàn chúng tôi gồm những trung đoàn súng máy, pháo, xe tăng và chống tăng chuyên biệt. Tôi được chuyển tới trung đoàn chống tăng. Họ huấn luyện chúng tôi rất kỹ. Chúng tôi được học kỹ năng bắn súng trường, súng máy và tất nhiên là súng chống tăng Degtiarev và súng chống tăng Simonov. Khẩu Degtiarev giật rất mạnh vào vai. Khẩu Simonov giật yếu hơn, chứa năm viên đạn trong hộp súng và có chế độ lên đạn bán tự động. Chúng tôi bắn súng chống tăng vào những mô hình xe tăng bằng gỗ dán chuyển động. Nhắm vào đâu? Khi chúng tiến về phía ta, hãy nhắm vào lỗ quan trắc hay phía dưới tháp pháo để làm nó mắc kẹt. Bắn vào lỗ quan trắc! Cứ làm đi, nhắm vào chiếc xe tăng từ khoảng cách 500 mét. Vài người làm được nhưng tôi thì không. Tất nhiên, ta có thể bắn đứt xích nó bằng một viên đạn, nếu may mắn. Việc này chặn nó dừng lại và đám xạ thủ chống tăng hoặc pháo thủ sẽ tiêu diệt nó. Khi chiếc xe tăng chìa sườn về phía ta thì có thể ngắm vào thùng đạn của nó. Thật tuyệt! Chuyện đó sẽ gây ra một tiếng nổ lớn! Cứ như pháo hoa! Chiếc tăng sẽ tan xác, tháp xe cùng nòng pháo văng ra xa. Tuyệt vời! Lính tráng la hét, nhảy nhót, tung mũ lên trời. Đó là lần chúng tôi hạ được chiếc "Ferdinand" của mình, nhưng đó lại là trường hợp cá biệt.
Họ dạy chúng tôi trong ba tháng, thăng chúng tôi lon hạ sĩ và đưa chúng tôi ra mặt trận. Chúng tôi đi trên xe lửa suốt hai tháng trời. Trên đường ra mặt trận khoảng 20-30 người trong chúng tôi bị giết bởi mìn. Mọi khoảnh đất dọc tuyến đường sắt đều bị rải đầy mìn. Một tay lính thuỷ bị một quả mìn "cóc" cắt rời người. Làm thế nào hắn lại bị vậy? Thật ngớ ngẩn! Vài tay lính trẻ đứng đái gần đó. Hắn bảo họ: "Xem này, nó sẽ nhảy. Tớ sẽ chụp lấy nó và nó sẽ không nổ". Quả mìn nhảy lên và phát nổ. Hắn bị xén đứt một cánh tay và ruột xổ tung. Một người nữa chết và ba người khác bị thương.
Chúng tôi tới thành phố Starưi Oskol và phát hiện ra cây cầu đã nổ tung, thế là chúng tôi bị kẹt lại. Trận Kursk vừa kết thúc từ hai tuần trước. Khi đoàn tàu chúng tôi còn phải chờ thông đường, chúng tôi được lệnh đi chôn xác chết. Chúng tôi mang xác lính xe tăng ra khỏi xe của họ, cả lính ta lẫn lính Đức. Mùi xác chết thật kinh khủng! Sau một thời gian chúng tôi đã quen được với nó, nhưng ban đầu thì thật lợm mửa. Chúng tôi không có chọn lựa nào khác. Chà, ở chỗ đấy có quá nhiều xe tăng bị nổ tung! Vài cái đâm vào nhau và dựng đứng lên. Tăng bên nào bị nhiều hơn à? Chúng tôi không đếm. Có thể là tăng của bọn Đức.
Chúng tôi chôn cất binh lính trong những ngôi mộ tập thể. Tất nhiên, chúng tôi luôn lục túi họ để tìm giấy tờ. Nếu thấy tiền hay cái mề đay đựng ảnh, chúng tôi gửi nó về cho người thân của họ. Đôi lúc chúng tôi tìm thấy những bức thư tuyệt mệnh. Rất nhiều người chẳng có gì, không một chút giấy tờ. Xác những người lính xe tăng trông như những búp bê bị cháy rụi. Làm sao chúng tôi xác định tên tuổi của họ được? Tôi không hiểu tại sao, nhưng những người như vậy xác không có mùi. Chúng tôi chôn lính Nga và lính Đức chung với nhau và chỉ viết lên mộ như sau : "Nơi đây chôn cất một số lượng ... như thế lính Nga và một số lượng ... như thế lính Đức".
Cho tới năm 1944 Sư đoàn Bộ binh 22 chúng tôi thuộc Tập đoàn quân 55 vẫn chưa tham dự trận đánh nào. Chúng tôi được chuyển tới ngoại ô thành phố Korsun-Schevchenko. Chúng tôi hành quân bộ suốt gần 70 cây số giữa những đêm dài tháng Giêng. Mất khoảng hai tuần. Chúng tôi vừa đi vừa ngủ gà ngủ gật suốt ngày. Tháng Giêng năm đó thời tiết khá ấm áp. Đường xá biến thành những vũng lầy. Ta hành quân trên dải đất đen xứ Ukraina, nó cứ dính bết từng tảng lên ủng và xà cạp. Ta cạo sạch đi rồi nó lại dính bết như cũ sau khoảng chục bước chân. Ồ, chúng tôi đã lội bộ được khá nhiều (cười lớn).
Xạ thủ chống tăng thuộc Sư đoàn Bộ binh 186.
Mặt trận Kalerian. 1942.
Tôi phục vụ trong một đại đội chống tăng. Trợ thủ của tôi là Malưsev. Cậu ta là một tay cao kều người Siberia, sinh năm 1925. Chúng tôi có khẩu chống tăng loại Simonov. Ban đầu chúng tôi phải vác khẩu súng được lắp ráp hoàn chỉnh, thế rồi chỉ huy cho phép chúng tôi tháo rời nó ra. Thử tưởng tượng xem, nó nặng tới 22 ký. Ngoài ra, chúng tôi còn đem theo 200 viên đạn dành cho nó, tức thêm 28 ký nữa. Tôi cũng phải đeo một khẩu Nagan (xạ thủ số 1 có một khẩu súng lục và xạ thủ số 2 có một tiểu liên). Malưsev thì vác một khẩu tiểu liên PPSh cùng ba băng đạn, lương khô và đồ lót. Chúng tôi phải tự mình vác tất cả những thứ đó!
"Halt!" (tiếng Đức: dừng lại - LTD) Được thôi. Trinh sát báo cáo: "Bọn Đức ở gần đây". Chúng tôi nhận lệnh phải đào chiến hào ngay rìa làng. Ngôi làng tên gì nhỉ? "Komarovka." Làm như ghê gớm lắm vậy, "Komarovka!" ("Muỗi mắt" - Anton Kravchenko). Trong tiếng Ukraina nó là Komarivka. Được thôi, nhưng đào chiến hào hướng nào? Hướng này, về phía ngôi làng. Chúng tôi đào chiến hào. Chiến hào bọn tôi nằm dưới một cối xay gió mái có hình móng ngựa. Mấy giờ rồi nhỉ? Đã 3 giờ rồi. Chúng tôi đào sâu thêm một chút, nhưng nước bắt đầu rỉ vào trong hào nên đành dừng lại.
Vâng, ngay lúc đó chúng tôi gặp chuyện rắc rối. Chưa bao giờ gặp lại lần nào như thế trong suốt chiến tranh. Sự việc là cùng lúc đó bọn Đức đang lặng lẽ ngồi trong một khe núi phía sau làng. Ngay khi đám bộ binh đào xong chiến hào và ngồi nghỉ, chúng bắt đầu nã súng cối cật lực về hướng ngôi làng. Chúng có một khẩu đại liên ngay trên chiến hào chúng tôi, trên chính cái cối xay ấy. Và khẩu súng đó đang bắn thẳng vào làng. Chiến hào chúng tôi chỉ dài khoảng 5 mét, tại sao chúng không quẳng một quả lựu đạn vào đấy nhỉ? Có lẽ mấy tên đó không còn quả nào chăng? Malưsev chờ một lát rồi bảo: "Valodka, tớ sẽ trèo lên trên ấy. Tớ sẽ khử chúng." Cậu ta nói thêm: "Đưa tớ khẩu súng lục của cậu". Tôi đưa khẩu súng lục của mình và cậu ta trèo lên. Một lát sau, tôi nghe tiếng súng bắn qua lại, của cả bọn Đức và Malưsev. "Malưsev chết rồi." Tôi nghĩ. Không hề như vậy! Cậu ta quay trở ra. Đã giết xong cả hai thằng ngồi trên ấy. "Xong rồi," cậu ta nói, "Tớ đã hạ chúng rồi".
Rồi cơn ác mộng bắt đầu. Anh bạn ạ, tối hôm đó tôi không thấy một sĩ quan nào của ta cả! Chúng tôi bắt đầu bắn bằng khẩu súng của mình. Nhưng bắn về hướng nào? Trời tối như mực! Chúng tôi cứ bắn về hướng có chớp sáng, hết khoảng 20 hay 30 viên đạn theo kiểu ấy. Về sau mới biết là ở đấy chỉ có khoảng 500 tên Đức. Chúng tôi có đến hai tiểu đoàn bố trí trong các chiến hào để chống lại chúng. Thêm vào đó, chúng tôi còn tới một tiểu đoàn dự bị. Chúng tôi là lính mới, anh biết đấy, nhưng những tay có kinh nghiệm lúc ấy cũng phải lúng túng. Rồi chúng tôi gặp một tay thượng uý. Anh ta hét, "Nằm xuống, các cậu. Tháo khóa nòng ra và ném khẩu súng của các cậu đi." Chúng tôi làm theo như anh ta bảo. Chúng tôi tháo nó ra và giấu trong chiến hào. Malưsev nhét cái khóa nòng vào túi rồi phủ chiếc áo telogreika của mình lên khẩu súng chống tăng. Tay sỹ quan ấy bị thương vào cả hai chân. Chúng tôi xốc nách anh ta rồi cùng chạy. Bọn Đức liên tục nã súng cối. Phần còn lại của đơn vị chúng tôi đang rút lui. Binh lính cứ ngã xuống, ngã xuống. Còn bọn Đức vẫn tiếp tục bắn. Hầu hết đám lính ta rẽ vào một cái thung lũng nhỏ để tránh đạn. Người sỹ quan nói: "Hãy chạy thẳng lên đồi! Lên trên đồi! Đừng chui xuống cái thung lũng ấy, bây giờ mà ở đấy là bị thịt ngay!" Quả vậy. Bọn Đức chỉnh khẩu cối theo hướng ấy, thật kinh khủng. Tưởng tượng mà xem? Và rồi chúng tôi đã vượt qua đỉnh đồi. Chúng tôi ngồi bệt xuống để nghỉ. Anh ta nói: "Hãy nghỉ một lát, tim tôi lộn lên tận cổ rồi." Anh ấy trông còn trẻ, nhưng cả hai chân đều bị thương. May thay không trúng xương, chỉ bị vào phần mềm.
A hà. Bình minh đã lên. Anh biết không, chúng tôi đang ngồi như thế trong đám cỏ khô cao ngập đầu thì có hai tên Đức đi ngang. Thượng úy thấy chúng trước. "Im lặng," anh ta nói, "bọn Đức đấy. Nằm xuống. Tôi sẽ bắn, để các cậu làm thì trượt mất." Anh ta lên cò khẩu TT của mình rồi ngắm bắn. Bóp cò. Thằng Đức thứ hai bắn trả ngay lập tức. Bọn Đức được huấn luyện để bắn ngay về hướng có tiếng súng. Thượng uý hạ luôn được thằng thứ hai. Bắn liền tay. Thật là một tay có kinh nghiệm. Chúng tôi thì sợ đến chết được. Tôi còn nghĩ rằng thế là tiêu rồi. Thật ra, tất cả chỉ mới là lần đầu đối với chúng tôi.
Vâng, chúng tôi đã rút lui. Không như chúng tôi, tiểu đoàn dự bị tiến lên, quét sạch bọn Đức, chiếm lấy ngôi làng và tiếp tục hành quân. Còn chúng tôi có hai tiểu đoàn thì lại bỏ chạy. Thế đấy. Một nửa số người chạy vào cái thung lũng đã bị giết chết. Nói ngắn gọn, chúng tôi chỉ còn lại một tiểu đoàn trong số hai tiểu đoàn ban đầu. Một tiểu đoàn có 500 người. Một đại đội gồm 125 người. Tóm lại, chúng tôi có ba đại đội bộ binh và mấy trung đội súng máy, tiểu liên và súng cối.
Sáng hôm đó chúng tôi tới sở chỉ huy sư đoàn. Chúng tôi khiêng thượng uý tới đơn vị quân y và báo cáo lại những gì đã xảy ra trong thung lũng. Họ hứa sẽ gửi cứu thương và xe ngựa tới để vận chuyển những người sống sót. Thượng uý nói: "Những chàng trai này đã cứu mạng tôi, họ phải được tặng thưởng." Chúng tôi trả lời, "Chính anh ấy đã cứu mạng chúng tôi." Tất cả đều cười. "Những anh chàng thiếu kinh nghiệm." Anh ấy được đưa lên bàn mổ ngay lập tức. Họ chữa vết thương cho anh rất cẩn thận, dù không có thuốc mê. Anh ấy rất can đảm. Một anh chàng dũng cảm!
- A hà. Bây giờ chúng tôi đi đâu đây?
- Vũ khí của các anh đâu?
- Đây ạ.
- Các anh là lính gì?
- Chúng tôi là xạ thủ chống tăng.
- Thế súng chống tăng của các anh đâu?
- Chúng tôi bỏ lại ở chỗ kia.
- Quay lại lấy chúng ngay!
Vâng, chúng tôi quay lại. Buổi sáng trời lạnh hơn và con đường đã đỡ lầy lội. Chúng tôi đi và nghe thấy những tiếng rên rỉ trong cái thung lũng! Thật khủng khiếp! Ma quỷ! Không còn ai trên đường, chúng tôi đang đi một mình. Thế là chúng tôi quay lại và tìm thấy khẩu chống tăng của mình ở nơi đã bỏ nó lại. Chúng tôi vào trong làng - không ai còn sống sót trong đó. Rồi một ông già xuất hiện từ một cái lán. A ha. Tôi nói: "Bố ơi, làm thế nào bố còn sống sót được?" "Lão không biết, các con ạ. Đám các con bắn trả bọn Đức từ trong căn nhà này suốt đêm qua." Chúng tôi tiến lại gần hơn. Đó là đám trinh sát của trung đoàn chúng tôi. Tất cả đã bị giết. Thế đấy. Trận đánh đầu tiên của chúng tôi là vậy đấy.
Artem Drabkin: Có khi nào các ông bắn vào bộ binh bằng súng chống tăng không?
Đôi khi chúng tôi làm thế, nhưng thường chúng tôi dành đạn để bắn xe tăng. Nhân tiện, xin kể về một vụ như thế. Việc xảy ra trong những ngày đầu tiên của chúng tôi ngoài mặt trận. Tôi cho rằng bọn Đức đã quyết định kiểm tra xem chúng tôi sẽ xử sự thế nào dưới làn hỏa lực mạnh. Vì thế chúng tiến hành pháo kích chúng tôi bằng súng cối và đại bác. Trận pháo kích thật dữ dội, chúng tôi phải ẩn nấp để tránh mảnh đạn tận dưới đáy chiến hào. Có lẽ một quả đạn đã rơi vào chiến hào bên cạnh. Có vài người bị giết. Một cậu Uzbek bị "giập". Cậu ta nhảy khỏi chiến hào, quay qua quay lại rồi chạy về phía bọn Đức. Tiểu đoàn trưởng chạy tới, miệng hét: "Bắn hắn đi! Bắn đi!" Anh ta chạy tới chỗ chúng tôi, gạt Malưsev sang một bên, chĩa khẩu súng chống tăng của chúng tôi về người lính ấy và bắn trúng ngay sau đầu anh ta. Khi chúng tôi chạy lên phản công, lật ngửa anh ta lên - khuôn mặt đã biến mất, bị vỡ tung. Quỷ tha ma bắt, viên đạn ấy nặng tới 70 gram.
Sau đấy, chúng tôi ngồi trong chiến hào quanh Korsun suốt một tuần lễ. Đó là nơi mà chúng tôi, Malưsev và tôi, đã hạ được một chiếc Ferdinand. (Lính Nga gọi chung tất cả các loại pháo tự hành Đức là "Ferdinand" - Artem Drabkin) ("Ferdinand" là loại pháo tự hành Elephant nổi tiếng, bộ máy tuyên truyền Quốc xã sử dụng thứ vũ khí này để quảng cáo cho sức mạnh của Quân đội Đức - LTD). Vị trí chiến đấu của chúng tôi rất bất hợp lý. Bọn Đức đóng trên một điểm cao trong khi chúng tôi lại nằm dưới một khoảng trũng. Khoảng cánh giữa hai bên là 200 mét. Có một ngôi làng nằm trên đỉnh cao ấy. Một khẩu pháo tự hành nấp sau góc của một trong những căn nhà ấy. Chỉ có cái nòng pháo thò ra. Bọn quan trắc của chúng có lẽ cũng ở đấy, bởi ngay khi chúng xác định được các vị trí của chúng tôi, chiếc xe trườn tới từ sau ngôi nhà và nã đạn rất chính xác. Lính ta bị thịt dần. Mấy khẩu pháo 45mm của ta bố trí sau lưng chúng tôi, trên một đỉnh đồi. Anh xem, họ chọn một vị trí tệ thế đấy, nơi thiếu che chắn nhất. Tới lúc này, không một pháo thủ nào còn sống. Khi quay lại chỗ này, chúng tôi trông thấy hai khẩu pháo và các xác chết nằm ngay cạnh. Và họ đã bị phủ một lớp tuyết, những người lính ấy. Không có ai chôn cất cho họ. Năm chiếc T-34 bị bắn cháy ngay trước mắt chúng tôi. Chỉ một phát đạn, và thế là chấm hết. Rồi đến chiếc kế tiếp. Bọn Đức khát máu, chúng thật là những chiến binh thông minh và mạnh mẽ. Không có ai mạnh hơn chúng, ngoại trừ lũ khờ dại chúng tôi. Chúng tôi luôn chiến đấu với chúng bằng nắm đấm của mình, chạy thẳng vào chỗ nguy hiểm mà không hề quan sát trước.
Đại đội trưởng đã gửi đi ba khẩu đội chống tăng, không ai trong bọn họ quay về. Hoặc một tên bắn tỉa diệt họ, hoặc họ nấp sau những xe tăng cháy và bị trúng đạn của khẩu pháo tự hành, tôi không rõ lắm. Chỉ huy nói: "Tiến lên, các chàng trai, trườn xuống dưới cái xe tăng đầu tiên, đừng sợ." Malưsev của tôi là một chàng trai dũng cảm. Chà, cậu ta là một thợ săn thực sự, một tay Siberi! Dù tôi là xạ thủ số 1, cậu ta luôn là người bắn khẩu súng chống tăng. Tôi thì không có can đảm (cười). Vâng, cậu ta đã bảo: "Valođia, đừng lo. Chúng ta sẽ ngắm trúng nó." Và chúng tôi mất suốt đêm để trườn tới nơi. Chúng tôi nấp dưới một trong những chiếc xe tăng đấy, và bắn, gần như ngay sát bọn Đức. Chỉ cách khoảng 150 mét tới chỗ căn nhà đấy.
Những xạ thủ chống tăng.
Tới sáng chúng tôi bắt đầu bắn hết phát này đến phát khác. Chúng tôi bắn trúng vào bánh xe hoặc xích xe gì đó, bởi chúng tôi chẳng nhìn rõ cái gì khác. Rồi nó phát hiện ra chúng tôi và bắn trả. Úi chà chà, thật ác liệt! Cái tháp pháo trên đầu chúng tôi bị nổ tung! May mắn thay, phát đạn không bắn trúng phía dưới xe tăng, nếu không chúng tôi đã rồi đời. Tai tôi điếc đặc. Rồi nó trườn khỏi góc nhà để kết liễu chúng tôi. Tôi nghĩ: "Thế là hết, chúng sẽ nghiền nát chúng ta." Nhưng Malưsev vẫn bình tĩnh. Khi chiếc xe chìa sườn về phía chúng tôi, cậu ấy chĩa khẩu chống tăng ra từ dưới cái xích xe và nã luôn năm phát vào sườn nó, phát này nối tiếp phát kia. Thật là một cú ghê gớm! Chiếc Ferdinand của chúng tôi nổ tung thành từng mảnh - cả tháp pháo, mọi thứ!
Trên đường về, bọn Đức bắn đạn cối trúng vào bọn tôi. Lúc đó chúng tôi đã về rất gần chiến hào của mình rồi. Những phát đạn nổ rất gần. Một phát sượt sát cạnh. Một phát khác bắn trượt phía trước. Tôi nói: "Malưsev, chạy mau!" Tại sao cậu ấy không làm theo nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Hoặc cậu ấy đã bị thương hoặc bị ù tai mất rồi. Tôi kéo mạnh chân cậu ấy, "Đi nào!" Tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp theo. Tôi chỉ tỉnh lại trong chiến hào khi đạn bắn đã ngớt. Mọi người nói: "Một phát đạn nổ trúng cả hai cậu". Tôi mặc một áo giáp ở dưới chiếc telogreika và áo choàng. Anh biết không, chiếc áo choàng của tôi bị xé tung, nhưng tôi không bị một vết trầy nào. Malưsev bị xé rách chân phải. Tại sao chúng tôi không chờ tới trời tối nhỉ? Đại đội trưởng đã bảo chúng tôi, "Hoàn thành nhiệm vụ và quay về lập tức. Bằng không, các cậu sẽ chết. Bọn Đức sẽ bò tới và giết các cậu." Chúng tôi đem theo một khẩu súng chống tăng, một khẩu Nagan và một khẩu tiểu liên với chỉ một băng đạn. Malưsev không mang nhiều hơn, cậu ấy tin chắc mọi sự đều sẽ tốt đẹp. Tôi được nhận một phần thưởng khi kết thúc chiến tranh, huy chương "Vì Dũng cảm", nhờ chiến công ấy. Đúng ra, tất cả những ai từng bắn hạ xe tăng đều xứng đáng được thưởng 500 rúp và Huân chương Sao Đỏ. Tất nhiên, phần thưởng trước tiên và tuyệt nhất vẫn là "Vì Dũng cảm" và kế tới là Huân chương Vẻ vang.
Khi hoàng hôn xuống, hầu hết chiến sĩ đại đội chúng tôi đều đã hy sinh. Lúc khởi đầu, chúng tôi có 60 người tức 30 khẩu súng chống tăng (một đại đội chống tăng của trung đoàn). Giờ chúng tôi chỉ còn lại khoảng một chục khẩu đội. Chỉ huy trung đội cũng bị giết. Một tuần trôi qua và chúng tôi nhận được tiếp viện lấy từ những người địa phương, thuộc lứa sinh năm 1926-1927. Tất cả đều được gọi nhập ngũ và chuyển tới mặt trận. Chúng tôi gọi họ là "sơmi đen", do họ mặc đồ màu tối và áo khoác lính màu xám. Họ vẫn chưa được nhận quân phục.
Rồi chúng tôi tiến xa hơn và tới trú trong những hầm trú ẩn được đám công binh đào sẵn. Họ đã làm hết sức mình, hầm được lót tới hai hay ba lớp gỗ. Tại đó tôi đã bị "giập". Khi tôi tỉnh lại, không còn ai bên trong và một góc hầm đã bị sụp. Tôi không báo cáo lại cho trạm quân y. Tôi không hiểu đó là một trận oanh kích hay do cái gì khác. Hình như kho đạn pháo của bọn Đức lúc đó đã gần cạn. Có lẽ là một quả bom.
Chúng tôi tiến xa hơn. Lại là hành quân đêm. Trăng sáng vằng vặc. Máy bay trinh sát của bọn Đức bay liên tục. Tất nhiên, khi "Cái khung" ấy xuất hiện, chúng tôi nhận được lệnh "Halt!". Khi bọn Đức bay đi, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Đây là lúc tôi nhận được một người trợ thủ mới. Chúng tôi tiếp tục đi như vậy cho tới khi cả hai rơi vào một hố bom. Nó chứa đầy nước, cao ngang mức mặt đường, và rất sâu đến nỗi đầu tôi ngập trong nước. Chúng tôi chật vật ngoi lên và được đưa tới trạm quân y. Họ kiểm tra trợ thủ của tôi, đo nhiệt độ và khám tổng quát, rồi thả ra. Tôi thì bị giữ lại. "Bị giập." Tôi bị đau tai và kèm theo là phát âm khó. Tôi được đưa tới bệnh viện và phải nằm đấy hai tuần. Rồi các cậu ấy bắt đầu bàn: "Sao chúng ta phải nằm đây? Hãy đuổi theo đơn vị của mình. Ở đấy vui hơn." Bọn tôi có sáu mống cả thảy. Chúng tôi đánh lừa y tá của mình để họ trả lại quân phục. Rồi chúng tôi nói: "Tạm biệt nhé, Masha!" "Đám nhóc các anh đi đâu?" "Tới mặt trận, đuổi theo đơn vị của mình" "Tôi sẽ báo cáo lên trên!" "Cứ làm đi".
Phỏng vấn: Artem Drabkin-Anton Kravchenko
Dịch từ Nga sang Anh: Anton Kravchenko
Chỉnh sửa bản tiếng Anh: Claire Fuller Martin
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
Vladimir Zimakov (2)
Phần 2
Đội trinh sát
Vladimir Zimakov (bên phải),
tháng Ba năm 1945, Budapest.
Lúc đó đang dịp Lễ Phục Sinh. Chúng tôi tiếp tục tiến bước và một ngày kia có mặt tại một ngôi làng. Bà chủ nhà nơi chúng tôi ở lại làm rất nhiều món ngon cho ngày lễ: khoai tây rán, mamalưga (cháo yến mạch, nấu theo kiểu Moldova). Bà ta cũng đặt lên bàn cả đùi lợn sấy, mỡ lợn muối cùng mọi thứ đồ nhắm làm từ dưa chuột và cà chua. Bà ta còn đem ra cả một chai gorilka (rượu mạnh trong tiếng Ukraina). Ôi chà chà! Thế mới là lễ chứ! Chúng tôi chưa gặp cảnh nào tuyệt như thế trong suốt hàng bao nhiêu năm trời! Chúng tôi vừa uống một ngụm nhỏ thứ rượu gorilka Ukraina ngon tuyệt đó là lăn ra ngủ tít trong hai ngày trời.
Đã tới lúc phải tiếp tục lên đường. Bốn người trong nhóm dường như đã có một kế hoạch gì đó. Họ bảo chúng tôi: "Cứ đi trước đi, chúng tớ sẽ bắt kịp các cậu sau." Hai người chúng tôi rời căn nhà và đứng chờ họ ngoài đường, bởi chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu nữa. Chúng tôi chờ mãi, chờ mãi nhưng các bạn tôi vẫn không thấy xuất hiện. Rồi có một anh chàng vận đôi giầy ống cao của Đức, cổ đeo một khẩu tiểu liên Đức đi tới. Anh ta hỏi :
- Này, các cậu kia, thuộc sư đoàn nào thế?
- 202.
- À, "Sư đoàn tụt hậu"! Hãy tới Sư 180 tham gia đội trinh sát của chúng tớ!
- Làm sao được? Chúng tôi là xạ thủ chống tăng cơ mà!
- Quỷ tha nó đi! Thôi bắn vào mấy cái xe tăng đi! Hãy tham gia đội trinh sát chúng tớ, chỗ chúng tớ nhiều trò vui lắm!
Đó là cách tôi tham gia trung đội trinh sát đặc biệt số 90 của Sư đoàn 180. Tôi báo cáo lên trung đội trưởng là mình tới từ trung đội chống tăng của Trung đoàn bộ binh 645, Sư đoàn 202. Anh ta hứa sẽ báo cáo lại với họ rằng tôi đã bắt đầu phục vụ trong đơn vị của anh ta kể từ giờ phút này. Thật đơn giản.
Bọn Đức đang cố chọc thủng chiến tuyến của quân ta ở vùng Pochaevcy-Shurzhency và sư đoàn 202 và 180 chúng tôi phải trải qua một thời gian khốn đốn. Nhưng chúng tôi cũng đã bắt bọn Đức phải trả giá đích đáng.
Ồ! Khi chúng tôi kết thúc chiến dịch Korsun-Schevchenkovsky, ở đấy chất đống những thây người và ngựa. Thật là một cơn ác mộng! Nhất là tại một hẻm núi. Kinh khủng! Đạn Katyusha bắn vào đấy, hai hoặc ba lần gì đó và trộn tung mọi thứ lên!
Vào mùa xuân năm 1944, bọn Đức chặn đứng đợt tấn công của chúng ta ở gần Yassy (ngày nay là Iasi). Đội trinh sát chúng tôi đã xuất hiện ở ngoại ô Yassy nhưng bọn Đức đã đẩy lui chúng tôi bằng xe tăng. Chúng lấy đâu ra những cái xe tăng ấy? Dường như chúng đã bỏ lại tất cả xe cộ ở thành phố Uman và vùng ngoại ô rồi cơ mà?! Hãy xem, ngay đường sá lầy lội cũng không chặn bước được chúng! Chúng tôi thường bị dừng lại vì bùn lầy, còn chúng thì không! Hay chúng có thêm viện binh? Dù sao đi nữa, chúng cũng đã đẩy lùi chúng tôi khoảng 15 - 25 km khỏi Yassy bằng xe tăng. Chúng tôi đã phải dừng tại đó mãi cho tới tháng Tám.
Chúng tôi thường tiến hành trinh sát mỗi ngày một cách: có hôm thì đi bộ, hôm khác lại cưỡi ngựa. Chúng tôi mặc vatnik (áo choàng lót bông vạt ngắn - Anton Kravchenko) và quần lót bông quanh năm suốt tháng, mặc cho đang là mùa hè hay mùa đông. Chúng bảo vệ chúng tôi khỏi mảnh đạn rất hiệu quả. Khi một mảnh đạn bay được hơn 100 mét, nó chỉ xé rách nổi lớp vải lót, không hơn. Nếu quả đạn nổ cách anh khoảng 30 thước, nó cũng sẽ chỉ làm xước da anh, thế thôi. Nhưng tất nhiên là nếu nó nổ ngay cạnh anh - ồ, anh bạn ạ, sẽ không có gì cứu nổi anh! Nó sẽ biến anh thành cái rây bột, dù anh có mặc gì đi nữa. Chúng tôi cũng có áo chống đạn. Chúng không nặng lắm và chỉ dày khoảng một ly rưỡi. Tôi có một cái khi còn ở trong trung đội xạ thủ chống tăng. Tất nhiên, chúng có tác dụng làm ta yên tâm hơn là thực sự hữu ích. Chúng tôi không được cấp áo choàng ngụy trang, chỉ là quân phục dã chiến bình thường. Bọn Đức thường mặc áo choàng ngụy trang tiệp màu đất. Tôi chưa từng thấy thứ nào như vậy trong quân đội ta. Do thế, chúng tôi mặc áo nguỵ trang của Đức. Đôi lúc, khi vừa trở về sau một chuyến trinh sát, chúng tôi thường nghe lính phe mình hét: "Bọn Đức!" Và chúng tôi đáp lại, "Nhìn lại đi, lũ ngốc! Chúng tớ đây! Chúng tớ vừa đi qua đây mà!" Chúng tôi phải quay trở về đúng chỗ chiến tuyến đã xuất phát ban đầu để không bị hạ bởi chính phe mình.
Bọn trinh sát Đức cũng không ngốc, chúng thường bắt cóc lính ta để lấy tin tức về cách bố trí quân ta. Đám trinh sát chúng tôi học được rất nhiều từ bọn Đức. Tôi muốn nói tới cách ngụy trang, nghệ thuật chiến tranh và những mánh lới đặc biệt của chúng. Chúng là những người rất chính xác, không khi nào bắn nhiều đạn hơn cần thiết. Chỉ trừ những phát bắn trượt! Mặt khác, khi chúng xác định được vị trí tập trung quân ta, chúng không hề quan tâm tới số lượng đạn và thủ pháo. Ngay khi chúng bắt đầu nã đạn, chúng tôi phải cố gắng trườn tỏa theo mọi hướng trước khi chúng giết chết được tất cả mọi người.
Một lần chúng tôi lọt phải ổ phục kích của bọn Đức. Chúng tôi đang trườn đi như sau: một người dẫn đầu cả nhóm và hai người khác ở hai bên. Và người đầu tiên đã lọt vào ổ phục kích. Anh ta bị giết chết. Không nghĩ ngợi lâu la, chúng tôi đưa ổ phục kích đó xuống địa ngục! Ngay lập tức, chúng bắt đầu bắn đạn cối vào chúng tôi. Ôi Trời ơi! Thật là kinh khủng khi chúng bắt đầu bắn vào cùng một điểm từ mọi phía. Không trốn vào đâu được! Bạn phải tìm cho bằng được bất cứ cái lỗ nào để rúc đầu vào. Nhưng chúng tôi cũng phải cố thoát khỏi nơi ấy bằng bất cứ giá nào. Hai người của chúng tôi bị thương trong vụ ấy, nhưng chúng tôi đã vác được họ về. Chúng tôi không bao giờ bỏ những người chết và bị thương lại chiến trường.
Những người được chọn vào đội trinh sát đều là những chàng trai rất tuyệt! Tôi là một tay đụt và không thể đối phó với một thằng Đức được nên luôn được bố trí trong toán cảnh giới của nhóm trinh sát. Nhưng trong nhóm trinh sát của chúng tôi có những tay rất khá! Ví dụ như hai gã trai thuộc trung đội trinh sát của trung đoàn, Fomichev và Alexandrov. Họ là những chàng trai rất thông minh. Họ có thể đi cặp cùng nhau và bắt về một tên Đức! Đấy là cả một câu chuyện. (Trong một lần chúng tôi tiến hành trinh sát) Chúng tôi đã lặng lẽ bò được một lát, cuối cùng trông thấy hai thằng lính gác Đức đang đi tới đi lui trong chiến hào. Chốc chốc chúng dừng lại để quan sát suốt dọc chiến hào. Rồi lại tiếp tục đi. Bọn chúng có một chòi canh có bố trí đại liên. Đối lại, phía chúng tôi có Fomichev và Alexandrov, những người luôn được phân công cùng đi với chúng tôi trong những nhiệm vụ đặc biệt phức tạp. Họ bảo: "Chúng tớ sẽ lặng lẽ hạ thằng này. Cậu nào nhận nhiệm vụ hạ thằng còn lại?" Vâng, chúng tôi có những chàng trai như thế đấy. Khi bọn gác tách khỏi nhau, các chàng trai của chúng tôi sẽ hạ gục chúng trong khoảnh khắc! Hề hề! (Cười)
Artem Drabkin: Các ông có phải trải qua khóa huấn luyện nào trong thời gian rảnh rỗi không?
Khi chúng tôi đang phòng ngự, chúng tôi được gặp một huấn luyện viên, một viên trung uý vạm vỡ, khoảng 25 tuổi. Anh ấy dạy chúng tôi một số miếng võ ju-jitsu: miếng khóa, miếng đá hậu, cách quật ngã đối phương. Anh ấy cũng dạy cách sử dụng dao và cách đoạt dao khỏi tay đối phương. Ở đấy tôi cũng được học cách cưỡi ngựa: cách cưỡi, cách chém đứt một cành liễu (đây là bài tập của kỵ binh để học cách sử dụng gươm).
Trung đội chúng tôi nằm dưới sự chỉ huy của một thượng sĩ. Chúng tôi đặt cho anh ta biệt danh là Kochubey (tên một anh hùng nổi tiếng thời kỳ nội chiến Nga) do bộ râu mép ấn tượng màu lúa chín và chỏm tóc trên trán anh ta. Anh ta mặc trang phục Kazak cổ truyền và đội cái mũ kubanka (loại mũ lông tròn, không vành - Anton Kravchenko) với cái chóp đỏ. Sư đoàn trưởng thường bảo anh ta: "Sao anh cứ lượn lờ như một con gà trống vậy? Mặc ngay bộ quân phục vào. Chúng tôi không có những tay Kazak ở đây!" Nhưng Kochubey không thèm nghe lời ông ta. Rồi anh ta mất tích ở nơi nào đó và chúng tôi được nhận một chỉ huy mới, trung uý Petr Domozhir, người thành phố Nizhnưi Tagil, hiện là bạn tôi, sinh năm 1925. Anh ấy đã phục vụ ở độâi trinh sát trong suốt chiến tranh. Anh đã được tặng ba Huân chương Cờ Đỏ và một Huân chương Lênin. Anh ấy bị thương nặng trong một chuyến trinh sát và đã không quay lại đơn vị sau khi rời bệnh viện. Chúng tôi nghe nói lại rằng anh ấy được phong Ngôi sao Anh hùng Xô viết và chuyển về huấn luyện ở Maskva.
Artem Drabkin: Các ông thường vượt qua chiến tuyến bao xa?
Không xa lắm. Chúng tôi đi dọc theo chiến tuyến và lọt ra sau nó, không hơn 8 km.
Artem Drabkin: Khi đi trinh sát các ông hay sử dụng loại vũ khí gì?
Một khẩu tiểu liên và lựu đạn, loại "quả chanh" (loại F1 - LTD). Chúng tôi đem theo rất nhiều "quả chanh": ba quả ở thắt lưng và khoảng mười quả trong balô. Và chúng tôi lấy càng nhiều đạn càng tốt. Chúng tôi phải đem theo rất nhiều đạn.
Artem Drabkin: Các ông có sử dụng dao không?
Tất nhiên, có chứ. Ban đầu tôi dùng một con dao loại thường. Nó trông thô nhưng khá sắc. Rồi trong một đợt tấn công, tôi thấy một tên Đức nằm chỏng chơ - một gã tóc đỏ to cao. Tất nhiên, viên đạn có thể bắn trúng tất cả mọi người, nó đâu thèm quan tâm tới chuyện người ấy cao hay thấp. Tôi thấy hắn có một con dao tốt và tôi cắt lấy nó cùng cái bao đựng dao khỏi cái thắt lưng của hắn. Khi ta phóng con dao ấy, mũi dao luôn hướng về phía trước. Nó sắc tới mức ta có thể dùng nó cạo râu được!
Artem Drabkin: Ông đã giết được bao nhiêu lính Đức?
Thường tôi giết chúng mà không đếm. Hãy xem, anh bắn vào hắn trong một trận đánh và thấy hắn ngã xuống. Thế nhưng làm sao anh biết được như thế là hắn đã chết hay chỉ cúi xuống ẩn nấp? Tất nhiên, đôi lần anh thấy rõ được mình đã bắn trúng hắn.
Mắt tôi tinh lắm. Khi đi trinh sát, tôi thường làm người canh chừng. "Valodka, quan sát cẩn thận nhé." Tôi nhìn rõ ban đêm như một con mèo. Mục đích chính là phát hiện ra mìn. Sợi dây gài quả mìn căng rất thấp trên đám cỏ. Ngay khi bọn Đức bắn một quả pháo sáng, ta nên dừng lại và quan sát. Ồ, nó đấy, một sợi dây rất nhỏ, ngay phía trước mặt bạn!
Artem Drabkin: Thường bọn Đức xử sự thế nào khi các ông bắt chúng?
Chúng kháng cự lại, tất nhiên. Sức mạnh của một con người tăng gấp ba trong thời khắc nguy hiểm. Nhưng không tên Đức nào có thể thoát khỏi những anh chàng Fomichev và Alexandrov khoẻ như sói của chúng tôi! Không một ai! Không cách nào! Và vấn đề không phải ở chỗ tên Đức khoẻ như thế nào. Chúng tôi trói chúng thế nào ấy hả? Kiểu thông thường - bẻ quặt tay ra sau, nắm tóc kéo đầu ra sau lưng, cách ấy làm tên Đức bất tỉnh trong khoẳng khắc. Điều cốt yếu là giữ tay hắn cách xa khẩu súng và con dao.
Artem Drabkin: Bọn Đức có cạo trọc lính của chúng không?
Không, chúng để tóc dài bình thường, đôi khi cắt ngắn. Trên thực tế, bọn Đức là những kẻ chính xác và cẩn thận. Nhưng có đôi lần chúng tôi đã hạ được chúng một cách bất ngờ. Tôi còn nhớ chúng tôi đã nổ tung một hầm trú ẩn của chúng như thế nào. Chúng tôi tìm cách lặng lẽ tiến gần chúng. Bọn lính gác đang ngủ quên. Chúng tôi trói tay, bịt miệng chúng rồi ném cả hai qua bờ chiến hào. Rồi tay công binh của chúng tôi mở ra một lối an toàn và chúng tôi ném lựu đạn vào trong hầm. Sau đó hai người trong bọn tôi đột nhập vào hầm và nã tiểu liên dọc những cái giường tầng. Có thể còn vài thằng Đức sống sót sau đòn đó, tôi không chắc lắm. Khi chúng tôi trên đường trở về, bọn Đức bắt đầu bắn trả bằng súng cối, súng máy và phóng lựu đạn (Chúng có một loại lựu đạn có thể gắn vào nòng súng trường và phóng đi nhờ một viên đạn không có đầu. Chúng tôi cũng dùng cách đó. Quả lựu đạn bắn đi bằng cách đó có thể xa tới 50 mét). Chúng tôi chật vật mới thoát được. Lần ấy tôi bị dính một mảnh đạn vào chân. Thật may tôi lại đang mặc cái quần lót bông.
Thật ra, tôi đã bị thương ba lần và bị giập thương một lần. Dù vậy, tôi không được nhận một tờ giấy chứng thương nào, bởi tất cả các vết thương đều nhẹ và trong trung đội có tay cứu thương riêng chữa trị cho chúng tôi. Cậu ấy tới từ Osetia (thuộc vùng Caucasus) tên là Sasha Gevorkov, nếu tôi nhớ không lầm. Cậu ấy cũng kiêm nhiệm vụ phiên dịch, bởi cậu ta rất giỏi tiếng Đức. Cậu ấy chữa trị cho chúng tôi. Vết thương đầu tiên tôi bị ở chân. Các bạn tôi cắt và vứt bỏ chiếc ủng cao cổ. Sasha lấy mảnh đạn ra khỏi chân và rửa sạch vết thương bằng cồn rivanol. Cậu ta bảo: "Valodka, hãy ra canh lũ ngựa (bởi đó là một công việc nhẹ nhàng). Cậu cứ đi lại như thế trong vài tuần và vết thương sẽ tự khỏi." Rồi tôi bị trúng một viên đạn vào xương gót chân. Nó xé toạc bàn chân, xuyên qua da thịt và dừng lại ở xương. Cậu ấy nói: "Nếu nó đau dữ dội thì có nghĩa là xương bị gãy. Tớ đã lấy viên đạn ra. Trong trường hợp chân bị mưng mủ, tớ sẽ phẫu thuật và rửa sạch cho cậu." Nhưng mọi chuyện kết thúc tốt đẹp, vết thương đã tự lành như một vết muỗi đốt (nguyên văn: "như một vết thương của chó" - LTD).
Rồi cậu ấy bị giết. Chúng tôi trở về chiến hào phe mình sau một lần trinh sát. Sasha đâu rồi? Viên chỉ huy nói: "Hai người các cậu đi đưa cậu ta về." Lúc ấy bọn Đức đã ngưng bắn. Khi được đồng đội đưa về, cậu ta đã chết. Lúc đầu chúng tôi không tìm được vị trí vết thương. Rồi có ai đó cởi thắt lưng cậu ta và cả một khối máu ộc ra từ dưới áo sơmi. Hóa ra một mảnh lựu đạn đã cắt đứt động mạch dưới nách cậu ấy. Chúng tôi rất thương tiếc bởi cậu ta là một tay rất tốt, sinh năm 1920.
Tôi nhớ rất rõ một chuyến trinh sát trước khi mở màn đợt tấn công. Chúng tôi đã đi tới hai lần. Nỗ lực đầu tiên của chúng tôi thất bại, nhưng lần thứ hai thì thành công. Chuyện này xảy ra khoảng ngày 15 - 16 tháng Tám, ở gần thành phố Yassy. Khi chúng tôi đi lần đầu tiên, trung đội trưởng của chúng tôi rất sợ. Anh ta không dám dẫn chúng tôi đi xa và chúng tôi quay về khi đang lọt giữa các sư đoàn bọn Đức. Dù vậy anh ta báo cáo là chúng tôi đã đi tới đây, tới kia vào lúc này, lúc này (dù chúng tôi không hề làm vậy). Anh ta báo cáo là tất cả các mục tiêu đều bị canh gác cẩn thận. Tất nhiên, anh ta bị cách chức và bị đưa tới một nơi nào đấy không rõ. Đó là một trường hợp tồi tệ. Tất cả các trường hợp như vậy đều bị xử lý bởi SMERSH. Sau đợt trinh sát thất bại ấy bọn Đức canh chừng thận trọng hơn. Chúng canh gác mọi địa điểm nằm giữa các sư đoàn của chúng bằng các đội tuần tra và các ổ phục kích. Thật là một cái bẫy chằng chịt khó qua lọt! Chúng tôi được lên kế hoạch đổ bộ bằng đường không. Thế rồi một lính trinh sát của trung đoàn báo lại rằng anh ta đã tìm ra một vị trí từ đó chúng tôi có thể băng qua chiến tuyến.
Và rồi chúng tôi đã vượt qua thật dễ dàng mà không gây một tiếng động. Nếu chúng tôi gây động, bọn Đức chắc chắn sẽ không để chúng tôi qua lọt. Cùng tối hôm đó chúng tôi tới được sở chỉ huy sư đoàn của bọn Đức. Bọn chúng thật bất cẩn: trong hậu phương chúng sinh hoạt như thể chúng hoàn toàn kiểm soát được tình hình vậy. Thậm chí chúng còn cởi quần áo mà ngủ. Không cứ ở hậu phương, chúng ngủ như thế cả ngoài chiến trường! Chúng tôi gặp như thế đã nhiều lần. Ngay sau khi chúng tôi nã đạn, chúng tôi thấy bọn Đức chạy túa ra để lấy vũ khí với chỉ độc đồ lót trên người. Chúng sống ngoài mặt trận mà cứ như trong thời bình vậy! Chúng tôi cứ mặc đầy đủ quân phục khi ngủ. Có vài người đi ngủ tháo ủng, nhưng hầu hết là không. Anh biết đấy, khi ta ngồi trong một cuộc phục kích hay đang trong chiến hào chẳng hạn. Đôi lúc anh có thể chợp mắt một chút, nhưng thường là anh bị rét run rất khó ngủ, nhất là vào mùa đông. Đôi khi hai người thay phiên nhau người ngủ người thức canh. Trong mùa đông anh sẽ không thể ngủ say được, bởi trời rất lạnh. Thêm nữa lũ bọ chét cũng sẽ không để anh ngủ yên.
Đội trinh sát chúng tôi có 16 người. Bốn người trong bọn đang tham gia một chiến dịch khác. Thế là đội chỉ còn lại 12 người. Vâng, Fomichev và Alexandrov của chúng tôi diệt tên gác, ném lựu đạn và nhờ thế xoá sạch cả trung đội trong sở chỉ huy địch. Họ nhét tất cả các tài liệu quan trọng vào balô, khống chế tên tướng Đức, vác hắn trên vai và mang tất cả những thứ đó chuồn đi. A ha, anh xem, chúng tôi đã chơi cho chúng một vố thế nào! Bọn Đức bắt đầu lùng sục từ những làng xung quanh đấy. Chúng tôi rời ngôi làng (nơi đặt sở chỉ huy Đức) và chạy vòng vòng quanh một cánh đồng ngô. Trung đội trưởng của chúng tôi là một tay rất khôn ngoan. Anh ta đưa chúng tôi một loại bột ngụy trang để xoa lên quần áo và giày ủng. Sau khi xoa bột, chúng tôi quay ngược lại dọc theo cánh đồng, nằm lì ở đó trong suốt ba ngày. Chúng tôi không được ăn uống cũng như hút thuốc. Anh bạn ạ, trời lúc đó nóng khủng khiếp! Chúng tôi rất khát, dù có đem theo một chút nước. Và chúng tôi phải tiểu tiện tại ngay chỗ nằm. Người ta chịu đựng được trong những hoàn cảnh như thế chỉ khi còn đang tuổi thanh xuân. Nếu chúng tôi rời khỏi chỗ đó, chúng tôi có thể bị bắt ở một nơi nào khác. Cuối cùng ba ngày trôi qua và người chỉ huy dẫn chúng tôi quay lại đúng ngay nơi mà chúng tôi đã xuất phát xuyên qua phòng tuyến. Đáng lẽ chúng tôi nên quay lại chếch về bên trái hay bên phải chỗ ấy một chút thì hơn. Bọn Đức đang đợi chúng tôi ở ngay chỗ ấy. Người sĩ quan chỉ huy ra lệnh cho tôi và Fedorenko: "Các cậu hãy tiến lên, còn chúng tôi sẽ chặn bọn Đức lại trong chốc lát." Họ đưa cho chúng tôi cái balô đựng giấy tờ tài liệu. Tên tướng phải ở lại với họ. Dù sao thì chúng tôi làm thế nào để đưa hắn về được? Còn họ đã làm gì hắn ấy à? Họ đâm hắn chết, tôi đoán thế. Trong bọn tôi có tay Pavljuk, hắn chẳng quan tâm tới việc hắn đang cắt cổ ai - một con gà mái hay một con người, huống hồ là một tên Đức. Vâng, cả hai chúng tôi đều sống sót. Pavel bị thương ở tay và chân trên đường về chiến hào của ta. Tôi không biết được điều gì đã xảy ra với những chàng trai còn lại. Sau đó tôi không gặp lại bất cứ ai trong bọn họ nữa. Người ta bảo là Fomichev và Alexandrov đã quay lại được đơn vị và tôi tin như vậy, bởi họ là những tay cáo già, lanh lợi thông minh và không bao giờ mất bình tĩnh. Nhưng kể từ đó tôi không có dịp gặp lại họ, bởi tôi đã chuyển lên phục vụ tại sở chỉ huy sư đoàn, mà họ lại thuộc trung đoàn đang tiến phía trước chúng tôi. Đấy thật là một chiến dịch thành công, bởi chúng tôi đã mang được về một khối lượng khổng lồ tài liệu quan trọng ngay trước khi đợt tấn công bắt đầu.
Khi các chiến sĩ của ta tiến công, Pavlik và tôi được lệnh đi áp giải bọn tù binh Đức. Chúng tôi áp giải chúng về hậu phương, khoảng 70 tên một lần. Chúng bước đi và tuân lệnh ngoan ngoãn như một lũ bê non. Chúng tôi thường dừng lại ở một ngôi làng và mọi người cho chúng tôi (tôi, Pavlik và bọn tù binh) thức ăn. Không tên tù binh nào có thể thoát khỏi tay tôi. Vâng, trừ có một lần. Tôi suýt nữa bị đưa vào tiểu đoàn trừng giới vì vụ đó. Đó là khi tôi đang phục vụ trong đơn vị thuộc sở chỉ huy. Một hôm tôi và Pavlik được lệnh cùng đi, nhưng rồi cậu ta lại bị chuyển đi làm chuyện khác.
Chỉ huy đơn vị trinh sát bảo tôi: "Zimakov, cậu phải áp giải bốn tên tù binh tới sở chỉ huy của quân đoàn. Chúng là những tên rất nguy hiểm - có Trời mới cứu được cậu nếu cậu để chúng trốn thoát!" Lúc đó là mùa thu và trời đã về chiều. Viên sĩ quan chỉ đường cho tôi. Tôi có thể dẫn chúng đi dọc con đường ôtô dài 15 km hoặc theo một con đường mòn dài khoảng 7 tới 8 km. Tôi chọn cách sau. Vâng, lúc đó tôi nghĩ: đây là khẩu tiểu liên, chúng sẽ không thoát khỏi tay mình. Thêm nữa, tôi lại đang cưỡi ngựa. Chúng thì đã bị lục soát, hoàn toàn không có vũ khí. Tay chân chúng được tự do, không bị trói.
Vâng, tôi đã áp giải chúng như thế và rồi chúng tôi đi qua một cánh đồng trồng hướng dương. Anh biết không, ở chỗ đó người ta trồng những cây hoa hướng dương rất cao! Và thình lình một tên tù binh quay lại bắn vào tôi bằng một khẩu súng ngắn! Ơn Chúa là con ngựa của tôi lại chồm lên ngay khi hắn quay lại. Tôi bắn lại hắn bằng khẩu tiểu liên. Đám tù binh còn lại chạy tán loạn theo mọi hướng : một tên bên trái và hai tên còn lại về bên phải. Tôi bắn và hạ ngục tên bên trái. Rồi tôi bắn vào hai tên còn lại. Thân cây hoa thì cao, đầu bọn chúng nhấp nhô giữa cánh đồng. Trời đang tối dần. Tôi nghĩ rằng mình nên cưỡi ngựa dọc theo dấu vết của chúng. Tên đã nổ súng nằm chết thẳng cẳng và tên chạy về bên trái cũng đã ngoẻo. Hắn không chạy được bao xa. Tôi tiến tới trước. Rồi tôi tìm thấy tên thứ ba. Tôi xuống ngựa để lục túi hắn. Hắn đã chết. Người còn ấm nhưng ngoẻo rồi. Tôi tiếp tục tiến, tay gò cương ngựa. Khẩu tiểu liên đeo trên cổ, sẵn sàng nhả đạn. (Loại tiểu liên Shpagin PPSh của ta rất nặng và có băng đạn hình đĩa cứ đập vào lưng khi đeo. Tôi thường khoác khẩu tiểu liên Đức cho tới khi điều đó bị cấm. Nhưng lính ta luôn sử dụng khẩu ấy trong khi trinh sát bởi chúng không bao giờ bị kẹt đạn. Khẩu PPS cũng là một khẩu súng tốt, nhẹ và dễ sử dụng.)
Tù binh Đức ở gần Minsk, 1944.
Trở lại câu chuyện, tôi tiếp tục đi theo dấu vết và bất ngờ nghe tiếng ai đó hét lên với tôi "Đứng lại!"
- "Tôi đang đứng đây," Tôi trả lời nhưng tay vẫn giữ trên khẩu súng.
- "Anh là ai?!"
- "Tôi đang áp giải tù binh. Đã hạ gục được hai tên và thêm một tên nữa đang nằm sau tôi. Một tên trong bọn chúng bắn vào tôi, nhưng con ngựa đã cứu tôi thoát."
- "Chúng tôi vừa tìm thấy một tên trong cánh đồng khoai tây, hắn đang cố nấp bằng cách nằm ẩn vào các luống khoai."
Đó là những người thuộc đơn vị cảnh vệ đối nội. Họ đem tên Đức bị thương đi và đưa tôi một tờ giấy trong có ghi rằng tôi đã buộc phải thanh toán bọn tù binh. Các đơn vị cảnh vệ đối nội ("zagradotrjad") là những lực lượng đặc biệt trực thuộc Dân ủy Nhân dân thuộc Cục Đối nội (từ 1935 tới 1945, sau đó được đổi tên - Anton Kravchenko). Họ chuyên tìm kiếm bọn đào ngũ, những kẻ được gọi là "binh lính thuộc Phương diện quân Ukraina số 5", những kẻ đang đi lang thang trong vùng hậu phương sau khi đã rời bệnh viện, nhậu rượu nặng trong các làng, và những kẻ khác tương tự như thế.
Có lần chúng tôi ăn trộm của một bà nông dân. Vụ đó xảy ra tại Ukraina. Bếp ăn bị tụt lại phía sau và chúng tôi đang rất đói. Mà cụ bà ấy lại kể: "Các con ạ, ta có một con ngựa non rất tốt mới hai tuổi. Bọn Đức đã lấy đi của ta nhưng Hồng quân đã trả nó lại." "Thế con ngựa đang ở đâu?" "Ở đây, trong chuồng ngựa." Đêm hôm đó hai gã ăn trộm trong bọn tôi trộm lấy con ngựa, dắt nó ra khỏi làng, bắn chết và đem nấu thịt. Bà già khóc quá chừng! Vâng, chúng tôi đã cho bà con ngựa khác khi rời cái làng đó.
Rốt cục tôi cũng không bị trừng phạt vì bốn tên tù binh đó. Tôi quay về sở chỉ huy sư đoàn và đưa cho họ tờ giấy.
-Tại sao anh không theo dõi bọn tù binh cẩn thận hơn?!
-Thế tại sao các anh lại giao cho tôi những tên như thế?! (Tại sao lại không kiểm tra xem chúng có mang vũ khí không, nhất là khi các anh biết rằng chúng nguy hiểm đến vậy?) Các anh đáng lẽ phải cho hai người đi áp tải chúng chứ! May cho tôi là con ngựa đã lồng lên, nếu không thì chúng đã khử tôi và trốn mất rồi.
- Dù sao anh để chúng trốn cũng là quá tệ rồi! - Anh ta cau mày.
Ngày 20 tháng Tám chúng tôi chọc thủng mặt trận của bọn Đức và tiếp tục tiến công. Toàn đội trinh sát hành quân phía trước sư đoàn khoảng 30 km. Đấy là khi Romania đầu hàng. Tôi cần nói rằng người Romania căm ghét bọn Đức. Người Hungaria thích bọn Đức, nhưng người Romania thì không, cũng giống người Nga chúng ta. Người Romania nghèo, rất nghèo. Gần Budapest chúng tôi tiến hành một đợt trinh sát cùng với sư đoàn trưởng. Trên đường đi chúng tôi bị một toán Ju-87 ném bom. Đấy là lúc tôi bị thương lần cuối cùng. Tôi được điều trị trong một bệnh viện nằm cạnh một tu viện gần thành phố Kiskunfelegyhaza.
Ba tuần sau, chúng tôi được tập trung vào một trung đội và gửi tới ngoại ô Budapest. Thành phố đang bị bao vây. Chúng tôi thuộc một lữ đoàn đột kích đặc biệt. Chúng tôi chỉ được giao cho pháo, đại liên và súng máy, thế thôi. Và chúng tôi thường được gửi tới những điểm yếu nhất trong vòng vây bao quanh Budapest. Khi viện binh tới nơi, chúng tôi lại di chuyển tới một vị trí khác, rồi lại một nơi khác nữa, cứ thế. Tới tháng Ba bọn Đức tiến hành một nỗ lực để thoát khỏi Budapest qua hệ thống cống ngầm dưới lòng thành phố. Lính Đức tiến lên như thác đổ. Chúng tiến tới mà không nổ súng, nhưng chúng tôi vẫn bắn vào chúng. Rồi chúng bắt đầu ném vũ khí xuống đất. Tôi không biết chính xác nhưng con số lính Đức bị giết rất lớn. Chúng tôi được nghỉ ngơi rồi tiếp tục tiến quân. Chúng tôi đã thấy nhiều giàn thiêu xác lính Đức trong một khu rừng, cứ năm cái gom lại trên một giàn. Có rất nhiều trận đánh nảy lửa diễn ra tại Budapest, không một căn nhà nào còn nguyên vẹn trong thành phố. Hầu hết đều bị hủy diệt! Khi chúng tôi nghỉ lại ở Pest (phần nằm bên kia sông Budo của thành phố Budapest - LTD.) chúng tôi được thấy toàn cảnh thành phố - toàn là đổ nát! Tất cả! Như trong một cơn ác mộng. Tóc dựng đứng trên đầu, có phải là do chúng tôi đấy không? Đúng, chúng tôi đã làm vậy, bởi bọn Đức đã chống lại. Rồi tôi gặp một người bạn thuộc đội trinh sát pháo binh. Anh ta nói:
- Đội trinh sát các cậu đã bị giết dưới lòng thành phố, trong hệ thống cống ngầm. Sư đoàn trưởng ra lệnh cho họ chiếm lấy một ngôi nhà và họ đâm đầu vào bọn Đức. Họ quét sạch bọn Đức nhưng cũng hi sinh hết.
- Tất cả mọi người sao?
- Đúng, kể cả những người lính trong đội đột kích nữa.
Ở Áo, gần thành phố Munich của Đức, chúng tôi được gặp những người lính Mỹ và Anh. Ban đầu chúng tôi uống với nhau suốt ba bốn ngày trời, thế rồi xảy ra một sự cố: cánh lính ta đả nhau với họ vì một người da đen. Một tay trong bọn họ (người Mỹ hoặc Anh) đá một người da đen, lính bên ta trông thấy và đứng về phía người đen. Thế rồi người chỉ huy an ninh thành phố gửi tới trung đội của ông ấy, làm dịu hai bên, xây lên một hàng rào ngăn chia quân đội các nước. Chúng tôi phải rời thành phố và cắm trại trong rừng.
Trên dãy Alps lính ta đã bắt được một lượng lớn lính Đức đang định trốn sang đầu hàng quân Đồng minh. Thật kỳ quái! Chúng tôi lục soát người những tên Đức ấy trong suốt một tuần lễ! Nán lại và lục soát chúng! Chúng tôi lấy tất cả vũ khí và đồ quý, mỗi tên lính Đức chỉ được giữ lại một chiếc nhẫn vàng. Rồi tới lượt chúng tôi bị quân ta lục soát.
Artem Drabkin: Ông có gửi bưu phẩm về nhà không?
- Tôi có gửi về một gói từ thành phố Galatz (nay là Galati). Nó chứa một chiếc đồng hồ nữ và một cái dây chuyền. Tôi cũng gửi về một chuỗi đá màu. Tôi đã tìm được nó, có thể nói như thế. Không thứ nào trong số đó được nhận cả (bởi gia đình tôi). Tới gần Viên, tôi mắc bệnh sốt rét và phải vào bệnh viện. Đúng lúc đấy chiến tranh chấm dứt.
Artem Drabkin: Điều gì là tệ nhất ngoài mặt trận?
- Tìm cách sống sót sau một trận ném bom. Ta sẽ không bao giờ biết được nó nổ chỗ nào. Anh có thể núp vào một chiến hào nào đó, nhưng một quả bom đã nhắm trúng anh và thế là tất cả tay chân ruột gan anh văng tung tóe khắp nơi. Chúng tôi bị ném bom rất nhiều lần. Chủ yếu do chúng luôn chọn lúc máy bay ta vắng mặt. Anh sẽ nghĩ: "Máy bay của ta đâu rồi? Bị hạ hết rồi sao?" Và trong lúc đó lũ máy bay Đức đang bổ nhào xuống ném bom, ném bom, hết đợt này đến đợt khác. Mặt đất rung chuyển! Chúng làm như vậy từ 10 tới 15 phút rồi bỏ đi. Vâng, máy bay ta cũng làm chúng nhức đầu y như vậy. Khi tôi tới trạm quan sát của quân ta, tôi trông thấy các máy bay cường kích mặt đất của ta bổ nhào và bắn rốc két trúng ngay vào chiến hào bọn Đức. Một thứ khủng khiếp nữa là những tiếng nổ, thứ mà người ta gọi là "Vanusha", loại súng cối sáu nòng của Đức! Khi chúng bắt đầu rít lên, tất cả mọi người đều biết điều gì sắp xảy ra và vội nấp thật sâu vào các chiến hào.
Artem Drabkin: Các ông tắm rửa và giặt giũ bằng cách nào?
- Không, tôi nhớ không lần nào chúng tôi đi tắm vào mùa đông. Vào mùa hè thì có, mùa hè chúng tôi có tắm rửa. Chúng tôi tắm hơi. Tôi nhớ lại có lần chúng tôi dừng chân bên bờ một con sông có tên là Zhizha (nghĩa là "Bùn loãng" - Anton Kravchenko) (tên đúng của con sông là Jijia). Lúc đó tôi đang ở đội trinh sát. Nước sông có màu vàng, nhưng con sông có một nhánh nước rất sạch. Các chàng trai chúng tôi thường đắp một con đập ngang qua nhánh sông và chúng tôi tắm trong cái đầm ấy. Còn nói về giặt giũ, chúng tôi thường dùng phương pháp sau : chúng tôi lấy một cái nồi kim loại to, đổ vào ba tới bốn gầu nước và chàø quần áo của mình trên cái nồi ấy. Sau đó chúng tôi đậy cái nồi bằng một cái vung hay một cái áo lông cũ và nhóm lửa dưới nồi. Không một con rận sống sót được dưới sức nóng ấy! Và ta có thể mặc lại áo và dùng tiếp nó trong vài tháng.
Artem Drabkin: Ngoài mặt trận có khi nào ông bị ốm không?
- Có chứ, đôi lúc, nhưng rất ít. Người ta thường bị cảm hết lần này đến lần khác. Một người ốm nằm trên giường mất ba hay bốn ngày và rồi lại xuất hiện bình thường. Cứu thương đôi khi tới hỏi: "Ở đây có ai bị ốm không?" Thế thôi. Khi anh còn trẻ thì anh luôn luôn khỏe mạnh.
Artem Drabkin: Khẩu phần các ông gồm có gì?
- Cháo đậu nấu đặc. Có một loại bánh khô nhỏ, được nấu thành súp khi bỏ vào nước sôi. Chúng tôi cũng được phát bánh bột kiều mạch, chúng chứa mỡ hoặc margarine. Anh đổ nước sôi vào nó và thế là bữa ăn đã sẵn sàng. Đôi người ăn chúng mà không cần nước, không cần nấu. Khẩu phần như thế cũng không tồi, hiểu thế nào cũng được. Đôi khi chúng tôi không được phát gì cả và cũng không cách nào để chuyển thức ăn tới chúng tôi, do đang có ném bom hoặc pháo kích xung quanh! Và nếu trung sĩ quân nhu của ta lại là một thằng nhát gan thì ta sẽ cứ thế mà nhịn đói! Thực ra, ban đêm chúng tôi luôn nhận được chút thực phẩm. Khi ở ngoài chiến tuyến, chúng tôi được phát thức ăn nóng ít nhất mỗi ngày một lần.
Artem Drabkin: Lúc còn ở đơn vị cũ ông có được cấp ống ngắm cho súng chống tăng không?
Không. Thật ra, những loại súng ấy không hiệu quả lắm khi bắn ở tầm xa. Nó hiệu quả khi bắn trong khoảng cách từ 200 tới 300 mét, thậm chí có thể tới 500 mét. Anh có thể trông rõ chiếc xe tăng: anh nổ súng và khoét vào nó một cái lỗ! Nhưng nếu ở khoảng cách xa hơn thì viên đạn không xuyên thủng được vỏ thép xe tăng.
Artem Drabkin: Ở ngoài mặt trận ông có tin vào bùa chú không?
- Tôi không biết nữa. Vài người có đeo bùa, còn tôi thì không. Nhưng những lúc đang căng thẳng quyết liệt thì tôi lẩm nhẩm trong đầu, "Lạy Chúa hãy phù hộ con! Lạy Chúa hãy cứu con!" Thế đấy!
Phỏng vấn: Artem Drabkin-Anton Kravchenko
Dịch từ Nga sang Anh: Anton Kravchenko
Chỉnh sửa bản tiếng Anh: Claire Fuller Martin
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
Braiko Petr
Braiko Petr. Anh hùng Liên Xô. Tham gia bảy trận tập kích của binh đoàn (brigade) du kích do S.A.Kovpak chỉ huy. Với mơ ước từ bé là trở thành phi công chiến đấu, ông tốt nghiệp Trường Thông tin Biên phòng Maskva và vào ngày 22 tháng Sáu đã tham gia đánh trả quân xâm lược Quốc xã trên tuyến biên giới Liên Xô-Rumani. Bắt đầu chiến đấu từ ngày 22 tháng Sáu năm 1941 với vai trò là chiến sĩ biên phòng Xôviết canh gác biên giới với Rumani. Đã chứng kiến bi kịch lực lượng Xôviết bị bao vây và đánh tan gần Kiev. Trải qua nhiều năm họat động sâu trong hậu phương địch. Được dẫn dắt bởi những chỉ huy du kích Xôviết nổi tiếng tại Ukraina là S.A.Kovpak, S.V.Rudnev và P.P.Vershigora.
Ông đang ở đâu khi chiến tranh nổ ra?
Tôi là một người lính biên phòng, vì thế tôi phục vụ tại vùng biên giới khi bọn Quốc xã xâm lược Liên Xô lúc 4 giờ sáng ngày 22 tháng Sáu. Tôi thuộc đơn vị biên phòng số 97 đóng tại chốt biên giới 13 thuộc thị trấn Chernovtsy. Lãnh thổ Tây Ukraina được sáp nhập vào Liên Xô năm 1939, do đó chúng tôi cần cải thiện tình hình an ninh tại chốt biên giới của mình. Đường biên giới đi ngang qua một vùng rừng núi phong cảnh rất đẹp. Khi được chuyển tới chốt năm 1940, tôi đóng lon thiếu úy. Điều đầu tiên tôi phát hiện là các bạn đồng đội biên phòng của mình đã có trong tay 9 tới 12 năm kinh nghiệm, trong khi thời gian nghĩa vụ yêu cầu chỉ là 3 năm! Lý do là mỗi khi thời hạn nhập ngũ vừa hết thì họ lại nộp đơn xin tăng hạn. Họ không thể rời chốt, nó tựa như một gia đình đối với họ.
Lính biên phòng đi gác theo từng tổ hai người: một tổ đi theo lối mòn, một tổ khác vào vị trí phục kích, một tổ tới bãi trống quan sát, một tổ nữa - tới chốt thông tin liên lạc. Chỗ chúng tôi có trung sĩ Zưkin, anh ấy phục vụ đã được 11 năm. Đối với tôi, một thiếu úy, anh ấy là một chuyên gia, bởi anh biết tường tận mọi việc. Vì thế tôi bảo anh: "Cậu giúp tớ học hỏi kinh nghiệm nhé?" và anh đáp: "Được". Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về anh, anh hướng dẫn tôi mọi kỹ năng cơ bản trong suốt nửa năm trời, một số chuyện không thể hình dung nổi trong bất kỳ ngôi trường hay học viện nào.
Năm 1941 chứng kiến những vi phạm không ngớt vùng biên giới. Chúng tôi không được tiếp viện và đụng độ bùng lên đêm nào cũng có. Hàng đêm xuất hiện những kẻ xâm nhập và chúng tôi bắt được hầu hết. Những tên nào đã vượt qua không cho thấy có dấu hiệu gì nguy hiểm. Thời kỳ ác liệt nhất là vào tháng Năm 1941, khi bọn điệp viên đó bắt đầu quay ngược trở về (phía địch - LTD). Chúng tôi bắn hạ chúng ngay tại chỗ trong trường hợp không thể bắt sống được.
Ngày 22 tháng Sáu chúng tôi phải chịu đựng pháo bắn dữ dội, và rồi là bọn bộ binh cơ giới. Không có xe tăng, địa hình ở đây không cho phép chúng họat động. Một đồn biên phòng là một đơn vị nhỏ khỏang 50-75 người, phải bảo vệ một khu vực 20-25 kilômét biên giới. Nhưng việc bảo vệ biên giới lại rất khác với việc phòng thủ biên giới. Năm mươi lính biên phòng trang bị súng trường và lựu đạn chẳng có tác dụng gì. Chỉ những sĩ quan mới được trang bị tiểu liên. Và vũ khí cũng không được tốt. Lính biên phòng chưa bao giờ được huấn luyện để đánh xa. Họ thường để kẻ thù tới gần và ra đòn quyết định giết ngay đối phương. Đấy cũng là cách chúng tôi chiến đấu trong ngày đầu tiên của chiến tranh. Chúng tôi tản ra và mỗi tổ hai người tự độc lập chiến đấu. Cuối ngày đầu tiên chỉ còn có hai người sống sót. Tất cả đều bị giết. Tới chiều tôi về được ban chỉ huy đơn vị để báo cáo những gì đã chứng kiến. Sau chiến tranh tôi tự hỏi liệu có ích gì khi ta ra đi chiến đấu mà bụng biết chắc rằng mình sẽ bị giết.
Ông đã chứng kiến cuộc phong tỏa Kiev. Ông có thể kể thêm cho chúng tôi về sự kiện này được không?
Tôi được cấp giấy thông hành và chuyển về Trung đòan bộ binh cơ giới số 4 thuộc Xôviết NKVD tại Kiev. Trung đòan gồm những lính biên phòng còn sống sót. Tôi được chỉ định làm đại đội trưởng đại đội liên lạc. Nhưng chẳng có gì là liên lạc cả. Có chỉ huy và trang bị kỹ thuật nhưng không có lính. Chỉ huy ra lệnh cho tôi tổ chức nhân sự cho đại đội cho phù hợp yêu cầu thời chiến trong thời hạn hai tuần. Tôi chọn mấy tay lính dự bị, những anh chàng trước kia từng làm sĩ quan liên lạc và giờ quay lại tham gia chiến đấu từ cuộc sống dân sự. Trung đòan tôi được yêu cầu phòng thủ trên sông Irpen chảy dọc đường quốc lộ Zhitomir về phía Tây Kiev. Bọn Đức đã đánh tan tuyến phòng thủ gần Zhitomir và lập ra một lực lượng cơ động gồm hai tiểu đòan xe tăng cùng lính pháo thủ và chọc thẳng vào khu Kreshchatik tại Kiev. Chúng tôi chặn chúng lại. Tại đó lần đầu tiên tôi thấy việc chiến đấu thú vị. Trong chiến hào được gia cố bằng bê tông chúng tôi hòan tòan an tòan. Chúng tôi không bị phát hiện và được trang bị đầy đủ. Vì thế chúng tôi chỉ ngồi chờ cho hai tiểu đòan kia tới gần chiếc cầu băng qua sông Irpen. Con sông vốn hẹp nhưng sâu đáy, và khi hai chiếc tăng đầu tiên trèo lên cây cầu, nó nổ tung lên không trung và đổ sập xuống sông cùng đám xe tăng. Đòan xe tăng đang chạy với tốc độ cao và chúng tôi nã đại liên và tiểu liên vào chúng. Mất khỏang chừng 15 phút để thiêu rụi tòan bộ đòan quân địch. Bọn Đức tổ chức một cuộc đột kích khác vào ngôi làng Belogorodki. Nhưng chúng tôi lặp lại tương tự và kẻ thù phải ngưng tấn công trên hướng chúng tôi.
Kế đó bọn Đức quyết định đột phá tuyến phòng thủ tại nhà ga Boayrka nằm phía nam Kiev. Đòn tấn công thật dữ dội như vẫn thường xảy ra. Nhưng Binh đòan dù số 5 của đại tá Rodimtsev là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất. Đại tá Radimtsev sau này trở thành tướng và Hai lần Anh hùng Liên Xô. Binh đòan của ông thành lập từ những lính biên phòng ngay từ trước chiến tranh. Lính biên phòng quen với đánh cận chiến nhưng bọn Đức không biết điều này. Quân địch đưa tới đây ba sư đòan bộ binh môtô, nhiều trung đòan tăng và đưa khoảng 1000 bộ binh lập một hình bán nguyệt đi trước, tất cả tập trung trên một dải đất hẹp. Chúng muốn làm chúng tôi hoảng sợ. Khi đã tới gần, chúng bị cánh lính dù bắn hạ sạch - cả đám bộ binh, đám xe tăng và sư đòan môtô. Trận đánh kết thúc sau một tiếng rưỡi đồng hồ. Bọn Đức phải đưa xe ủi đất tới và mất suốt hai tuần liền dọn dẹp xác chết. Khi đó chúng tôi đã nghĩ rằng kẻ thù sẽ không bao giờ chiếm được Kiev.
Trung đoàn ông tụt lại trong hậu phương địch ra sao?
Bọn Đức chọc thủng phòng tuyến Xôviết ở hai nơi - phía bắc Kiev gần Gomel và phía nam Kiev gần Kremenchug. Chúng đưa tới đây các tập đoàn quân xe tăng và những tập đòan quân này tiến thẳng về phía đông vào cuối tháng Tám. Bọn Đức nhanh chóng tiến được 350 kilômét vào sâu trong nội địa và đồng tiến tới gần Konotop-Bakhmachi-Vorozhba phía đông Dnieper. Năm tập đòan quân ta bị lọt vào giữa vòng vây thép đó. Nhưng chúng tôi chỉ biết được chuyện đó khi đã là cuối tháng Chín.
Đột nhiên chúng tôi nhận được mệnh lệnh cho nổ tung các cứ điểm phòng thủ và rút về phía bờ đông của sông Dnieper. Nước mắt lưng tròng chúng tôi phá hủy tuyến phòng thủ của mình, rút lui về Kiev trong đêm tối mà không được nổ một phát súng, giật mìn nổ tung mọi cây cầu bắc qua sông Dnieper và tiến về bờ đông của sông Dnieper. Khi đó chúng tôi cho rằng mình thế là đã an tòan. Do đó, chúng tôi đi xa hơn về phía đông... và bọn Đức có mặt ở khắp nơi, chỗ nào chúng tôi tới cũng đều gặp bọn Đức. Chúng tôi tới được sông Trubezh, cũng tựa như sông Irpen, hai bên bờ lầy lội. Chúng tôi biết được rằng có một cây cầu cho đường sắt bắc ngang qua sông. Thế là chúng tôi tiến lên đó, lót ván lên để xe tải có thể chạy qua được và hai tiểu đoàn chúng tôi tiến sang phía bờ đông. Ngay khi chiếc xe cuối cùng rời khỏi cầu, bọn Đức dội pháo, súng máy và tiểu liên lên đầu chúng tôi, và sau vài phút tòan bộ đòan xe chúng tôi đã cháy rụi.
Ngay từ phát đạn đầu tiên tôi đã lăn ra khỏi buồng lái và qua được bờ đối diện, nơi không có quân Đức. Tôi đứng thẳng trên hai chân và trông thấy bên cạnh có 11 người nữa còn sống sót. Tất cả đều là lính trơn, chỉ có tôi là sĩ quan duy nhất. Họ đeo khẩu carbine với 10 viên đạn còn tôi chỉ có mỗi khẩu súng lục "TT".
Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ từ hướng bờ sông. Và chúng vang tới ngày một gần hơn. Đằng sau chúng tôi là dòng sông và cây cầu thủng lỗ chỗ. Chúng tôi chẳng biết chạy đi đâu, chúng tôi đã bị hòan tòan bao vây. Do đó chúng tôi chỉ còn mỗi một cách - tìm lấy một chỗ trú kín đáo, để cho kẻ thù tới gần khoảng 5 mét, tiêu diệt chúng và đi tiếp.
Từ dưới đoạn chiến hào cũ còn lại từ thời Nội chiến, tôi có thể nghe thấy tiếng chó sủa ngay cạnh. Điều này xác nhận điều tôi lo sợ nhất đã xuất hiện. Lũ chó sẽ không khi nào bỏ qua chúng tôi. Sau lưng chúng tôi, cách khoảng 20 mét, là dòng sông với bờ sông lầy lội. Tôi thì thào ra lệnh "Hãy đừng quay lưng lại, cứ thế bò trở lui".
Tính toán của tôi thật ngây thơ trẻ con. Tôi nghĩ rằng bọn chó sẽ không dám đi ra chỗ lầy và sẽ mất dấu chúng tôi, và bọn Đức đi sau sẽ bắn lên trời để cảnh cáo. Mọi chuyện xảy ra khác hẳn. Bọn Đức cắt cỏ đem tới, chỉnh khẩu súng máy và bắn xuống. Mỗi khi chúng nã ra một lọat đạn bắn đứt những tán lau sậy là một lần chúng tôi hụp đầu xuống nước. Đám sậy đã giúp chúng tôi rất nhiều. Lý do là nếu ta ngậm nó trong miệng thì ta có thể ở dưới nước lâu tới nhiều phút. Cuộc bắn giết cuối cùng cũng chấm dứt. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi. Chỉ còn bốn người sống sót.
Cho tới cuối đời tôi vẫn sẽ luôn ghi nhớ cái ngày đó. Đó là nỗi sợ hãi kinh khủng không tài nào tả được, còn đáng sợ hơn chính bản thân chiến tranh. Không vũ khí, chúng tôi không thể tự lo liệu và không biết phải làm gì tiếp theo bởi cũng chẳng có bản đồ bên người. Lúc đó là vào ngày 30 tháng Chín năm 1941.
Thế là tôi tụt lại trong vùng địch kiểm sóat. Bọn Đức có ở khắp nơi. Trong ngôi làng đầu tiên gặp được, chúng tôi đã thay lấy quần áo dân thường và dân làng cho chúng tôi một ít đồ ăn.
Từ vùng Kiev chúng tôi đi tới vùng Chernigov. Tại làng Voronki chúng tôi bị một chiếc xe tải chặn lại. Hai tên Đức ngồi trong buồng lái, ngoài ra có bốn tên nữa ngồi sau xe. "Partisanen? (Du kích - LTD)"- chúng hỏi. Và không chờ trả lời chúng ra lệnh cho chúng tôi leo lên xe tải. Tôi có một khẩu súng lục và 30 viên đạn. Nếu chúng tìm thấy thì câu chuyện sẽ kết thúc tại đây. Trong khi tôi còn đang tính xem mình sẽ làm gì với khẩu súng thì chúng tôi được đưa tới một trại tù binh rộng lớn trước đây là một khu nhà kho kỹ thuật nằm tại Darnitsa, Kiev.
Tình thế lúc đó như thế nào?
Những người lính chúng tôi lúc đó trông không còn giống lính tráng nữa. Quấn trong tấm áo khoác lính rách nát, mũ lưỡi trai và mũ sắt lúc nhúc những rận, trông họ thật lôi thôi. Vây quanh khu trại là những người vợ và mẹ đang đi tìm người thân của mình. Lý do là họ biết có cả một tập đoàn quân đã bị bao vây. Bọn Đức tỏ ra khá hào hiệp. Nếu một người vợ tìm thấy chồng mình thì anh ta sẽ được thả. Đám phụ nữ đứng ngoài hàng rào suốt nhiều giờ liền và đem theo thực phẩm, họ ném chúng qua hàng rào. Tôi tận mất trông thấy có nửa ổ bánh mì nhà làm rơi xuống ngay sát chỗ chúng tôi ngồi. Khoảng 10 tù nhân nhào tới và họ bắt đầu đánh lẫn nhau. Năm tên sĩ quan Đức xuất hiện tại chỗ có tiếng la hét và khi đã biết chuyện gì xảy ra, chúng liền lăn ra cười. Rồi chúng rút súng ra và bắn thẳng vào đám đông đang tranh nhau. Đám tù binh tản vội theo mọi hướng và trên mặt đất chỉ còn lại nửa ổ bánh mì và năm xác chết. Cảnh ấy là tóc gáy tôi dựng cả lên. Tôi chợt nhận thấy rằng nơi đây chúng tôi không phải là con người, chúng tôi là sâu bọ và chúng tôi được đối xử như lòai sâu bọ. Khu trại được vây quanh bởi những hàng rào bê tông cao bốn mét có chằng dây thép gai xung quanh. Làm sao thoát ra ngòai được?
Thật tình cờ tôi được gặp Sergei, một cậu người Kavkaz mặc chiếc áo khóac đen còn tốt. Anh ấy cho tôi biết về các quy luật trong trại tù. Mỗi thứ bảy bọn chúng đem chôn 200 người bị chết đói. Vào buổi sáng chúng phân phát súp loãnng nấu với thứ củ cải không thèm rửa sạch. Tới 8 giờ sáng tù nhân được tập hợp lên một xe tải và chở đi xây lại những cây cầu bắc qua Kiev. Những ai không nằm trong danh sách lao động thì làm người phục vụ cho bọn sĩ quan sống trong khu trại đối diện. Sergei kể rằng mỗi ngày anh ta đều được đưa đi làm việc cho thiếu tá Lutke. Tên thiếu tá cho anh ta một giấy thông hành để anh ta có thể tự do đi lại. Trong thời gian cuộc nói chuyện của chúng tôi xảy ra thì anh ấy đang phục vụ cho một viên sĩ quan khác. Vì thế tôi hỏi xem anh ấy có thể cho tôi tờ thông hành của Lutke được không. Sergei chìa ra một mảnh giấy có ghi "Giấy phép cho ba người. Thiếu tá Lutke". Tôi mau chóng cầm lấy và chợt cảm thấy có một thoáng hy vọng. Tôi nhận ra rằng mình sẽ được an toàn.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi và hai người nữa cùng trung đoàn trèo xuống dưới tấm ván làm giường ngủ. Chúng tôi nằm đó thêm một giờ nữa cho tới khi sự ồn ào buổi sáng giảm bớt. Chúng tôi đi ra ngoài. Điều quan trọng nhất là cư xử sao cho tự nhiên và không tỏ ra sợ hãi. Chúng tôi phải vượt qua được bốn trạm gác và một chiếc cổng. Tại mỗi trạm gác tôi đều bảo với lính canh rằng mình đang đi phục vụ cho một sĩ quan. Trời đầy sương giá và tại mỗi trạm gác đám lính canh đều trông tựa những cột băng lạnh lẽo. Chúng không nói gì, chỉ tránh sang cho chúng tôi đi qua. Chúng tôi rời trại và hướng tới khu nhà sĩ quan. Dọc khu sĩ quan có một con đường người dân Kiev hay dùng để tới chợ đổi chác hàng hóa cần thiết. Cả gia đình cùng đi với nhau. Khi chúng tôi đã tới được con đường tưởng chừng vô tận ấy, tôi hỏi một người đàn bà rằng mình có thể xách giúp được không. Bà ấy lập tức hiểu ngay chúng tôi từ đâu tới và bảo: "Hãy đi theo chúng tôi". Chúng tôi qua được chiếc cổng. Giữa đám đông chúng tôi không thể bị phát hiện. Đấy là chuyện chúng tôi đã trốn khỏi trại ra sao, lặng lẽ và khôn khéo.
Làm cách nào ông tìm thấy đơn vị du kích của mình?
Dân làng cho chúng tôi hay có một đơn vị du kích Xôviết rất đông trong vùng Sumy. Tìm được đơn vị này thật khó khăn: hai sư đoàn quân Đức đang truy tìm nó nhưng đều thất bại. Tại làng Victorovo, tôi gặp một đám con gái đang khóc lóc. Họ bảo rằng họ khóc vì các bạn trai họ đã bị gọi vào tham gia một đơn vị du kích địa phương. Họ cũng bảo tôi rằng toán du kích đã động viên các chàng trai của họ đã chuyển sang làng Uzlitsa cách đây 5 kilômét. Tới được đó theo cách thức một vận động viên maratông, tôi gặp được một lính gác mang vũ khí, mặc chiếc áo choàng kiểu Hungary và đội chiếc calô lính Đức trên đầu. Sự trung thành của anh ta thật khó đoán. Anh ta kiểm tra tôi và rồi áp giải tôi tới một ngôi nhà gần đó. Ở ngay cửa vào có một tay gác khác, một cậu bé đeo khẩu súng trường Mosin 1891. Vào trong, tôi bị cật vấn bởi một người đàn ông mặc bộ đồ da sĩ quan Đức cùng một khẩu súng lục Parabellum của Đức bên sườn. Tôi nhẩm lại câu chuyện bịa của mình là đóng vai một học sinh Konotop trên đường tới nhà ông mình.
- Tại sao anh tham gia polizei?'
- Không. Tôi là dân thường và không biết sử dụng súng.'
- Tại sao anh gia nhập đơn vị Côdắc ?'
- Không.
- Thế còn đám du kích chống đối?'
- Không. Trả lời khác đi có nghĩa là cầm chắc cái chết.
- Mẹ mày. Xéo khỏi đây mà về với ông mày đi.
Anh ta là ai vậy?' - tôi hỏi tay lính gác thiếu niên đứng ngòai thềm nhà. 'Có phải là sếp cảnh sát địa phương (polizei) này không?' Cậu bé chửi thề và cho tôi hay rằng người đàn ông kia là đại đội trưởng du kích, thiếu úy Lưsenko. Tôi quay vội lại và thừa nhận mình là người có cảm tình với du kích. Họ không tin tôi là nhốt tôi lại để thẩm vấn. Tôi phải nằm ba ngày trong một phòng giam của quân du kích tại làng Zazirki.
Đó có phải là đơn vị của Kovpak không?
Đúng. Thực ra ông ấy đã điều khiển quá trình thẩm vấn từ căn nhà chỉ huy của mình. Bốn người ngồi đối diện tôi trên một chiếc bàn dài, trông có vẻ là cựu sĩ quan quân đội Xôviết. Người ngồi ngay đối diện - một ông khá lớn tuổi với bộ râu cằm nhỏ vuốt nhọn - đó là Kovpak. Tay đẹp trai trông khá ngầu ngồi bên trái ông ta - có bộ ria đen và cặp mắt sắc sảo thấu tâm can - là Rudnev. Anh ta là người thẩn vấn chính. Họ ghi lại tỉ mỉ những câu trả lời của tôi về hàng ngàn câu hỏi rất thông thường. Trong những quãng nghỉ giữa những cuộc thẩn vấn mỗi ngày, họ kiểm tra lại những câu trả lời của tôi với những người khác trong đơn vị của họ biết rõ về những địa điểm tôi đã nói tới. Tới ngày thứ ba, khi họ đang đặt câu hỏi về Konotop, một người bước ra từ một chỗ nấp đằng sau lò sưởi và nói với họ rằng anh ta đã nhận ra tôi. Trước chiến tranh, anh ta là Chủ tịch Hội đồng ở Konotop. Trong đơn vị Kovpak, anh ta chỉ huy đơn vị mà chúng tôi gọi là Trung đoàn Konotop. Tôi trở thành một chiến sĩ của trung đoàn này. Sáu tháng sau, Kovpak bảo tôi rằng trong ngày hành hạ đầu tiên, Rudnev đã tìm cách thuyết phục hội đồng thẩm vấn tạm hoãn quyết định đem tôi ra xử bắn.
Ông có thể kể lại tình hình và điều kiện trong đơn vị của Kovpak khi ấy được không?
Kovpak và Rudnev ban đầu hoạt động độc lập, mỗi người có trong tay khoảng ba chục người. Rồi Rudnev đề nghị một sự sáp nhập. Bố già liền đồng ý. Ông ấy trở thành Chỉ huy trưởng, cho Rudnev làm Chính ủy. Ngay sau khi tôi gia nhập lực lượng của họ, một tay chỉ huy nữa xuất hiện, Piotr Petrovich Vershigora đến từ Cục Tình báo Quân sự Hồng quân. Trong năm 1943, khi quân số của đơn vị là 1500 người, bọn Quốc xã đã ước tính lực lượng của họ tới 20 ngàn người. Đấy chính là môi trường đã hun đúc tôi trở thành một chiến binh thực thụ.
Nghiên cứu kế họach trước chiến dịch phá hủy một khu khai thác dầu mỏ tại dãy Carpath. Từ trái sang: S.A.KOVPAK, S.V.RUDNEV.
Ông giữ chức vụ gì trong đơn vị của Kovpak?
Trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trưởng ban tình báo chiến thuật, trung đoàn trưởng.
Xin hãy kể lại cho chúng tôi về các chiến dịch của đơn vị du kích của ông.
Chúng tôi đã thực hiện được 7 cuộc tập kích quy mô lớn và vô số cuộc tập kích cỡ nhỏ. Tháng Tư năm 1942, một người trong bọn tôi tới được Kharkov thuộc miền đông Ukraina và vượt qua được vùng phụ cận do Xôviết kiểm sóat. Các cựu chiến binh từng trải qua vòng vây khổng lồ của bon phát xít bao vây lực lượng Xôviết tại Kiev năm 1941 đã xác nhận lý lịch và câu chuyện do anh ta kể. Bộ chỉ huy Xôviết đã thả dù xuống một máy điện đài dã chiến cho chúng tôi và chúng tôi bắt đầu tiến hành các chiến dịch theo sự chỉ dẫn từ Maskva.
Trở về sau cuộc tập kích Dãy Carpath, 1943.
Người đi đầu là P.Ye.BRAIKO
Chỉ dẫn đầu tiên là tổ chức vượt qua hữu ngạn sông Dniepr và thiết lập một vùng mới dứơi quyền điều hành của Xôviết trong vùng lòng chảo rậm rạp gần nơi nhánh sông Pripyat đổ vào sông cái Dniepr. Trong cuộc tập kích điển hình của chúng tôi vào dãy Carpath mùa hè năm 1943, chúng tôi đã làm tê liệt giao thông trên tuyến đường sắt chiến lược từ Kiev tới Kovel và từ Kiev tới Lvov. Một cuộc tập kích khác vào miền đông nam Ba Lan đầu năm 1944 cũng là một thử thách thực sự. Không có ngày nào là không có hành quân và chiến đấu! Ban đêm thì không được nghỉ ngơi. Binh đòan Kovpak đụng độ với năm sư đòan tinh nhuệ của Đức trong suốt cuộc tập kích ấy. Ngày nào chúng cũng tìm cách bao vây chúng tôi, cứ thế trong suốt hai tháng trời. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng thóat được. Rừng rậm là địa bàn của chúng tôi. Chúng tôi coi đó là nhà, còn kẻ thù thì trở thành những khách trọ không được mời, xa lạ và vụng về.
Xin hãy kể cho chúng tôi những nguyên tắc cơ bản của chiến tranh du kích. Nó có gì khác lạ đối với một sĩ quan quân đội chính quy như ông không?
Cẩm nang chiến thuật thông thường chỉ nói về ba hình thức chiến đấu chính: tấn công, phòng thủ và giao chiến. Giao chiến không có trong khái niệm của du kích và tôi luôn tránh giao chiến khi giữ nhiệm vụ trung đoàn trưởng. Thay vì tấn công, du kích dùng phương cách tập kích chớp nhoáng rồi rút lui. Thay vì phòng thủ thì họ phục kích. Một ổ phục kích tốt là tránh không để dù chỉ một phát đạn phản công vào sườn. Quan trọng nhất khi phục kích là chọn vị trí, cái này đem lại uy lực hơn bất cứ thứ xe tăng, súng máy hay bom đạn nào. Quân du kích buộc phải tiết kiệm lực lượng và đạn dược. Họ chủ yếu dựa vào các lọai vũ khí cá nhân trong chiến đấu.
Chúng tôi mất một năm rưỡi để học hết những bài học đó và rồi các chiến dịch của đám du kích chúng tôi trở nên chuyên nghiệp vô cùng. Trong năm tháng đầu chiến tranh, bọn Quốc xã đã tiêu diệt 17 tập đoàn quân chính quy Xôviết. Nếu mỗi tập đoàn quân đó chỉ cần có một chuyên gia về chiến tranh du kích trong đội ngũ thôi, hẳn thiệt hại đã giảm thấp hơn rất nhiều.
Quay trở lại những năm 1920s và 1930s, theo lời khuyên của M.V.Frunze, đất nước đã tiến hành những chuẩn bị quy mô lớn cho chiến tranh du kích. Lượng trang bị dự trữ đủ cho hai năm đã được chôn giấu tích trữ, và những trường huấn luyện du kích xuất hiện tại nhiều nơi, gồm cả Kiev và Kharkov. Rudnev đã tốt nghiệp tại đấy. Tuy nhiên, năm 1937, chính quyền trung ương đã đột ngột giải tán các cơ sở của hệ thống chiến tranh du kích, đồng thời với cả những nhân sự thực hiện. Tiếp theo sự kiện chiến tranh nổ ra năm 1941, mọi thứ lại phải dựng lại từ đầu.
Xin hãy mô tả một vài chiến dịch du kích thành công nhất của ông.
Mùa hè năm 1943, trung đoàn du kích của tôi với chỉ 200 người nhận được lệnh phải khóa chặt cuộc hành quân của ba trung đoàn môtô hóa SS - gồm cả pháo binh và xe tăng - tại hẻm núi nơi con sông Bystrica Nadwornianska tại vùng Đông Carpath chảy qua. Chúng tôi chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ dự trữ đạn để hòan thành nhiệm vụ và ban đầu tôi tưởng chừng đã thất bại đến nơi. Khảo sát địa hình thực tế làm nảy ra một giải pháp. Một con đường đất chạy dài suốt 5 cây số theo hẻm núi Bystrica băng qua con sông trên những chiếc cầu tại bốn địa điểm ngay gần miệng hẻm núi. Chúng tôi khôn khéo gài mìn tại những cây cần đó. Bọn Đức, khi hành quân, phải cho xe tăng và pháo binh lui về phía sau. Không hề biết về sự hiện diện của chúng tôi, chúng tiến vào hẻm núi theo đội hình hành quân thông thường và mau chóng lọt vào ổ phục kích hình móng ngựa của chúng tôi. Nhờ sự che chở của những tảng đá khổng lồ vốn có thể chịu được bất cứ thứ bom đạn nào, chúng tôi trút đạn như mưa vào chúng và xua chúng chạy tán lọan suốt 15 phút. Hòan thành nhiệm vụ, trung đòan tôi lập tức rút về một vị trí tương tự phía dưới dòng, cách đó khỏang một cây số. Bọn Đức mất tới năm giờ để băng bó thương binh, thu dọn xác chết và dọn dẹp con đường qua hẻm núi. Ba ngày cứ phục kích luân phiên như vậy đã làm tan tác 7 tiểu đoàn quân Đức. Trung đoàn tôi chỉ mất có 4 người.
Trong cuộc tấn công của Hồng quân để giải phóng Byelorussia tháng Sáu và tháng Bảy 1944, Sư đoàn Du kích Ukraina số 1 chúng tôi như hồi đó được gọi yểm trợ một gọng kìm của Phương diện quân Byelorussia 1 nhằm bao vây Cụm Tập đoàn quân Trung Tâm của Đức. Gần con sông Neman, sư đoàn gồm 600 người của chúng tôi - tức hai trung đoàn, trong đó có trung đoàn tôi, chạm trán với ba sư đoàn xe tăng và hai sư đoàn bộ binh môtô hóa của Đức. Để chống lại những xe tăng Tiger và Panther, chúng tôi chẳng có gì ngoài mìn chống tăng. May mắn thay, chúng tôi tìm cách chốt được trên một vị trí thuận lợi để chiến đấu - trên một khe núi sâu hai bên có bụi rậm dày đặc. Khi chúng đã tới tầm bắn trực diện, chúng tôi trút tất cả hỏa lực trong tay vào kẻ thù. Những xe tăng đi đầu cố gắng quay lại và lập tức cán phải mìn của chúng tôi gài hai bên đường. Tòan bộ đòan côngvoa Đức quay lại, cứu tôi khỏi phải suy nghĩ ra một giải pháp phức tạp để làm gì tiếp theo. Chúng tôi chỉ mất có hai người. Chiến tranh du kích như vậy đã đạt được đỉnh cao!
Đó có phải là cuộc tập kích cuối cùng của đơn vị Kovpak không?
Vâng, đúng vậy. Tới tháng Bảy năm 1944 thì sư đoàn nhập vào các đơn vị Hồng quân chính quy. Tới tháng Tám, tôi được phong Anh hùng Liên Xô vì những chiến công trong cuộc tập kích vùng đông nam Ba Lan. Trong cuộc tập kích cuối cùng và thành công nhất của đơn vị Kovpak, cuộc tập kích tại Byelorussia, chẳng một ai trong đơn vị nhận được dù chỉ một lời khen tặng đúng lệ từ Bộ Chỉ huy Tối cao.
Mọi người đứng trong tấm ảnh này đều vừa được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô. P.Ye.BRAIKO đứng thứ hai từ trái qua. Người đứng giữa là P.P.VERSHIGORA.
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
Nguồn: Lý Thế Dân
Người đăng: Thái Nhi
Thời gian: 19/06/2006 4:51:26 CH
Vladimir Zimakov (2)
Viet Nam Thu Quan thu vien Online - Design by Pham Huy Hung
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top