Hồi ức chiến tranh biên giới phía Bắc haley

Nguồn: quansuvn.net

Chào các đồng chí, tôi xin được tham gia 4r với tư cách là một người sinh ra và lớn lên ở thị xã CAO BẰNG, Năm 1979 tôi học lớp 9/10 tại Trường cấp 3 thị xã CB, Năm 1986 là sĩ quan tại Trạm Cơ công ( Trạm sửa chữa thông tin ) thuộc phòng Thông tin, Bộ tham mưu quân đoàn 26 đóng tại Bản Bó lếch, xã Hoàng Tung, Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng. Tôi đã từng tham gia chuẩn bị hậu phương cho cuộc chiến tranh chống bành trướng năm 1978, từng cùng gia đình - bạn bè - hàng xóm chạy tàu khi Trung quốc bắt đầu đánh sang Việt nam ngày 17/2/1979 ( nói đúng hơn là vào đêm 16/2/1979 ), từng là những người đầu tiên trở về thị xã sau khi quân tàu rút khỏi CB chứng kiến cảnh hoang tàn của thị xã với hình ảnh xác chết vẫn còn ngổn ngang ở các nơi khuất hẻo,...Tôi rất mong nhận được nhiều giao lưu từ các đồng chí, các bạn đã từng chiến đấu hoặc từng là lính của Quân đoàn 26 ( đã giải thể năm 1989)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng biên cương của tổ quốc nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng như :Hang Pác Bó nơi đón người Cha già của dân tộc trở về lãnh đạo phong trào cách mạng GPDT năm 1941, Khu rừng Trần Hưng Đạo đã che chắn cho Trung đội VNTTQPQ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ngày mới thành lập, Đồn Khai phắt - Nà Ngần chứng kiến những chiến công đầu tiên của Quân đội NDVN, Đồn Đông khê mở màn cho chiến dịch Biên giới với hình ảnh nổi tiếng của Bác Hồ đang cầm điện thoại chỉ huy chiến dịch.... Có nhiều danh lam thắng cảnh đi vào sách vở như : Đèo giàng, Đèo gió, Thác bản Giốc, Động ngườm ngao ... và có những đặc sản không nơi nào có thể sánh được : Hạt dẻ Trùng Khánh, Cá diềm xanh, Hồng không hột, Gà sống thiến béo ngậy...Nhà tôi sinh sống tại Thị xã Cao Bằng từ năm 1961 trước khi tôi ra đời 2 năm, nghe Bố tôi kể là lúc đó khu phố Lò Lợn nằm trên đường 4A cách trung tâm thị xã khoảng 1 Km mới chỉ có một vài nóc nhà và một cái BA TOA ( nơi mổ trâu bò, lợn.. lấy thực phẩm cung cấp cho quân đội Pháp đóng quân ở thị xã CB vào những năm trước kia ) còn đâu là rừng núi âm u, cây cối rập rạm.Con đường 4a qua nhà tôi nối thị xã CB với thị trấn Đông khê, Thị trấn THất khê, Na Sầm và thị xã Lạng Sơn có đèo Bông lau nổi tiếng đi vào lịch sử đánh giặc pháp của Quân đội NDVN thời kỳ trứng nước. Thị xã Cao Bằng là một thị xã miền núi có lẽ là nhỏ nhất trong các tx miền núi khác, nhưng bù lại sự nhỏ bé của mình, tx Cao bằng lại được sông núi ở đây tạo nên một cảnh sơn tình hữu thủy tuyệt đẹp. Hai con sông Bằng giang và Hiến giang hợp với nhau ôm lấy thị xã một cách đằm thắm hài hòa và xuôi dòng về phía bên kia biên giới nơi mà sau này chúng ta sẽ phải đề cập rất nhiều, rất nhiều điều về đất nước, con người và những việc làm đối với mảnh đất Cao Bằng. Bao bọc hai dòng sông lại là những ngọn núi trùng trùng điệp điệp với màu xanh phủ kín quanh năm, những ngọn núi này đến tận bây giờ tuổi đã lên hàng Ông mà tôi chưa bao giờ leo lên được... Tháng 9 Năm 1978, Tôi học lớp 9 trường cấp III thị xã Cao bằng, cũng như các bạn ở dưới xuôi, đầu năm học của các lớp cấp III là có khoảng một tuần học quân sự, riêng năm đó ở trên vùng biên chúng tôi phải tập quân sự với thời gian hơn hai tuần, trong thời gian đó chúng tôi được làm quen và sử dụng thành thạo các loại vũ khí gọi là hiện đại ở thời điểm đó như : AK47, RPD, RPK, B40, B41,.. sau khóa học đó chúng tôi được bắn đạn thật với súng CKC bán tự động ( K63 ) băng đạn 11 viên. Ngoài ra chúng tôi cũng phải học thêm cách cứu thương, tải thương, giao liên, dẫn đường và các công việc về hậu cần trong chiến tranh. Thời điểm đó, các phương tiện thông tin đại chúng ( chủ yếu là nghe đài - Hồi ấy trên Cao Bằng chưa có Ti vi ) cũng đã nói nhiều về việc xô xát giữa VN và TQ ở vành đai biên giới , sự vụ người Hoa bị cưỡng ép ( cả hai phía ) di tản về nước hoặc ra nước thứ ba, xa gần về một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra sớm hay muộn... và chúng tôi - những thanh niên choai choai - cũng ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân ở một tỉnh phên dậu của tổ quốc, chúng tôi cũng rất phấn khởi và vui thích học miệt mài các chiến thuật bộ binh như lăn lê, đi khom, vừa tiến vừa dò mìn, xạ kích ban đêm ... Nói chung là sau khi học xong hai tuần đó thì nếu chiến tranh có xẩy ra mà trang bị vũ khí cho trường cấp III chúng tôi thì đó cũng là một Trung đoàn thép chứ chả chơi đâu! Lúc đó lớp của tôi có 03 bạn là người Hoa, tôi còn nhớ rất rõ họ tên của cả bốn bạn đó là : Hoàng Cắm Choóng, Vương Kinh và một bạn gái Dương Lệ Mẫn rất xinh ( thường con gái Việt gốc hoa bao giờ cũng xinh ), học giỏi. Tôi cũng không hiểu vì sao mà cả ba bạn này và gia đình đều không chạy về nước như các gia đình người Hoa khác ( về sau này khi chiến tranh xẩy ra thì tôi mới hiểu ). Trong suốt cả kỳ 1 năm học này ( từ tháng 9 đến hết năm 1978 ) cả 03 bạn đều ở trạng thái ít nói, thường trầm tư một mình và hay xa lánh chúng tôi ( trước đây chúng tôi rất thân với nhau ) nhất là bạn Mẫn, những lúc ra chơi bạn ấy chỉ ở lại trong lớp và khóc một mình, càng về cuối năm và gần đến tết 1979 bạn càng hay khóc hơn, chúng tôi cũng hay đến hỏi và động viên bạn ấy. Đến cuối tháng 1/1979 thi học kỳ 1 xong và chuẩn bị nghỉ tết, tôi nhớ là vào một buổi học trước khi ra về Mẫn có nói với tôi ( vừa nói vừa khóc ) : Tôi với bạn chia tay, ngày mai tôi nghỉ học, tối nay tôi sẽ đi và biết đâu trong những ngày tới tôi với bạn sẽ ở trên hai chiến tuyến và... Mẫn nghẹn lời chạy ào đi, lúc đó tôi rất thương bạn ấy không biết nói gì chỉ đứng ngẩn tò te nhìn theo bóng dáng người bạn gái chạy khuất sau cánh cổng trường. Từ hôm sau cả ba bạn người Hoa đều không đến học nữa. Mà cũng thật lạ là không một ai trong lớp, kể cả thầy cô bàn tán về việc này, cả lớp coi việc ba bạn không đi học là một điều dĩ tất ngẫu vậy. Tết đến, cả thị xã ăn một cái tết giản dị, đầm ấm nhưng có một điều khác thường là cấm không được đốt pháo vào đêm giao thừa ( có lẽ là ta cũng sợ bọn gián điệp tàu thừa lúc pháo nổ phá hoại gì chăng )

Trước hết, hôm nay là 29/4/2010, ngày này 35 năm trước là những ngày hào hùng anh dũng của các bác CCB thời đánh Mỹ, là thế hệ sau này, tôi xin kính chúc các Bác CCB đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và mãi mãi là những tấm gương về mọi mặt cho các thế hệ sau này noi theo.

Sau khi ăn tết năm 1979 xong, cuộc sống lại quay trở lại thường ngày của nó ngay từ mồng 3 tết ( không như bây giờ tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng 3 rượu chè ), chúng tôi lại cắp sách đến trường. Ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng còn buổi chiều chúng tôi phải đào giao thông hào quanh trường, và trên giao thông hào đó lại mở hầm chữ A sang hai bên. Tình hình lúc đó rất khẩn trương, đâu đâu người lớn cũng thầm thì về một cuộc chiến tranh sẽ xẩy ra nay mai. Có rất nhiều chuyện mà bon choi chúng tôi cũng rất quan tâm như : Ăn tết xong là tàu sẽ đánh VN và cho VN một bài học về việc dám làm tiểu bá, Bọn bành trướng đã cho quân áp sát biên giới rồi, Quân của ta hiện có tại các huyện là rất mỏng, Chỉ huy trưởng Thị đội : Trung Tá Loòng tuyên bố nếu Tàu thò tay sang đánh ta thì ta không những chống trả mà còn kéo luôn cả người nó sang để dần cho một mẻ,..vv Tuy nhiên bọn choai tôi ( mà có lẽ cả mọi người lớn nhỏ ) đều không tin là tầu sẽ đánh mà chỉ nghĩ là chắc chỉ lại gây hấn ném đá, gậy gộc rồi lại thôi. Hôm ấy là thứ Bẩy 16/2/1979, rạp ngoài trời chiếu bộ Phim chiến đấu của Liên Xô " Giải Phóng " ( Nếu ai đã lên thị xã Cao bằng thì đều biết Rạp ngoài trời, nhưng thời ấy rạp ngoài trời không phải ở chỗ bây giờ mà là ở giữa Phố Thầu khoảng đất giáp với sông Bằng giang ), vì là phim Chiến đấu của Liên xô mà lại chiếu liền 3 tập nên toàn dân thị xã đi xem rất đông, tất nhiên bon choai chúng tôi cả trai lẫn gái đều có mặt đầy đủ, mãi đến tận 11h khuya phim mới chiếu xong ( hồi ấy 11h đã là khuya lắm lắm rồi ) mọi người tản mạn ra về thì nhìn về phía biên giới hướng Trà lĩnh, Quảng hòa, Đông Khê có rất nhiều ánh chớp lóe lên và nếu ai thính tai thì có thể nghe được tiếng ì ầm. Mọi người thấy lạ là không có mưa mà mùa mưa chưa đến sao lại có sấm chớp làm vậy, tuy nhiên cũng chẳng có ai biết được điều tệ hại nhất đã xẩy ra, mọi người vẫn bàn tán về bộ phim và ra về đi ngủ một giấc ngon lành. Sáng sớm hôm sau, tôi ngủ dậy vẫn không có gì khác thường, đài truyền thanh thị xã vẫn nói bình thường, mọi người đều ở nhà vì là Chủ nhật. Nhưng đến khoảng 9 giờ sáng thì mọi người nhao nhao cả lên vì những người ra phố về kể là gặp nhiều xe ô tô chở bộ đội bị thương, bông băng quấn đầy đầu, xe chở bộ đội hối hả qua cầu bằng giang hướng về trà lĩnh, trùng khánh... tôi mới chạy ra đường thì đúng quả là như vậy ( đường qua nhà tôi là đường xuống bệnh viện đa khoa tỉnh ) từng chiếc xe chở rất nhiều thương binh mặt mày tái mét vì mất máu nối đuôi nhau chạy về hướng bệnh viện Tỉnh nhưng tuyệt nhiên không thấy một tiếng rên la đau đơn nào phát ra. Đến lúc đó thì mọi người mới thực sự tin là chiến tranh đã xẩy ra trên quê hương của mình. Tuy nhiên vào lúc đó, đài truyền thanh thị xã mới chỉ phát đi một lời thông báo là đề nghị bà con sửa sang lại hầm hố và đợi chỉ thị tiếp theo, lúc đó là 11h00 trưa ngày 17/2/1979. Tất cả mọi người đều sửa sang lại hầm hố của nhà mình, bọn trẻ con thì cứ thỉnh thoảng lại chạy về thông báo là đếm được bao nhiêu xe chở thương binh về Bệnh viện, còn tôi lúc đó thì sang nhà người hàng xóm để giúp một cô đào hầm, chồng cô này đang ở bộ đội bên Campuchia, cô có 2 đứa con còn nhỏ. Đến 12h30 thì tôi giúp xong và về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Bố tôi nhắc mọi người không được đi đâu xa để chờ xem có chỉ thị gì của ủy ban ND thị xã thông báo không. Lúc đó tôi chợt nghĩ về lớp học và trường cấp III của tôi, tôi vội chạy sang nhà thằng bạn là lớp trưởng xem tình hình nó như thế nào thì nó cũng chả hơn gì tôi, chẳng biết làm gì vào lúc này vì hôm nay là chủ nhật nên không ai đến trường cả. Cả chiều hôm ấy mọi người đều không ai ra khỏi nhà và chờ nghe loa phóng thanh của đài truyền thanh thị xã. Đến đúng 5h chiều, mọi nhà đang nấu cơm tối thì loa phóng thanh bỗng vang lên một thông báo ngắn ngủi : " Yêu cầu bà con khẩn trương sơ tán ra khỏi phạm vi thị xã 5 km và chờ thông báo tiếp theo " Cũng chẳng thông báo là tàu đánh nên phải sơ tán, cũng chẳng hướng dẫn là nên sơ tán theo hướng nào, nên đem theo những gì. THế là tất cả mọi nhà nháo nhào chuẩn bị đi sơ tán. Nhà tôi lúc ấy, cơm vừa chín, mẹ tôi bảo dọn ra ăn, nhưng Bố tôi bảo phải chuẩn bị đi sơ tán đã, thế là mâm cơm bỏ đó, cả nhà tôi chuẩn bị đóng gói đồ đạc, bao tải gạo, quần áo, các giấy tờ quý như sổ gạo, hộ khẩu, sổ tiết kiệm... buộc lên ba chiếc xe đạp ( bố tôi, anh tôi và tôi ) mỗi người một cái, mẹ tôi yếu nhất gánh một bên là cái nồi to nấu cơm, bên trong có một cái nồi nhỏ để nấu thức ăn, còn bên kia là một cái sô tôn đựng nước uống, thế là cuống quýt đi ra khỏi nhà sơ tán vì lúc đó có lệnh là phải ra khỏi thị xã lúc 6h tối. Nhà cửa, điện đóm, đồ đạc vẫn còn để nguyên như vậy, trong chuồng lợn gà vẫn ủn ỉn, chú chó và con mèo vẫn nằm trông nhà mà không biết là sẽ phải xa chủ mãi mãi. Ra đến con đường đi vào Mỏ muối thì trời tối om, đường đông như trẩy hội, người xe ken vào nhau, tiếng í ới tìm nhau loạn xị ngậu... đúng là cảnh chạy loạn

Sau khi ra khỏi nhà và vào con đường đi vào rừng núi phía Tân An thì đến một ngã ba đường Khuổi tít, dòng người sơ tán chia ra làm ba ngả để đi, thực ra lúc đó mọi nhà cũng chẳng biết đi đâu vì không có chỉ dẫn của chính quyền dân phố, chỉ biết là sẽ đi lánh tạm vào rừng một vài ngày rồi quay về nhà, có ai biết là sẽ phải chịu cảnh chạy nạn gần một tháng trời. Lúc đó nhà tôi gồm 4 người cố giữ cự ly và khoảng cách để khỏi lạc nhau và cứ thế cắt đêm tối cùng dòng người nối tiếp nhau đi, trên đường đi cũng gặp một vài thằng bạn nhưng đều như nhau là phải chạy cùng gia đình, vì vậy chuyện trường lớp và chuyện đến trường vào ngày mai ( thứ hai ) để thành lập các đội quân phục vụ chiến đấu không một thằng bạn nào đoái hoài cả. Đêm ấy, khoảng 10h30 tối đoàn người dừng chân ở một bản làng cách thị xã đúng 5 km gọi là bản Khuổi Diển. Các nhà tỏa ra các đồi , bãi để ngả lưng và bàn tán về thời sự, nhà tôi trước khi đi còn kịp đem theo chiếc đài VEP206 của Liên xô bắt rất khỏe và nói to, Bố tôi bật đài để nghe thời sự, có rất đông bà con đến nghe cùng, lúc đó đài đang phát đi bản tin thông báo là Quân xâm lược Trung quốc đã đánh vào các tỉnh trên toàn tuyến biên giới và đã chiếm được nhiều vị trí then chốt của ta như Bát sát ở Hoàng Liên Sơn, Đông khê, Trà lĩnh ở Cao Bằng..vv và đài cũng đưa tin thiệt hại đáng kể của quân tàu nhiều lính bị thương vong, nhiều xe tăng bị bắn cháy.. Và đến lúc đó mọi người dân mới chính thức được biết là chiến tranh đã nổ ra và ngay từ lúc đó trở đi mọi người sẽ phải đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh mà trước đó mới chỉ được nghe kể về nó. Lúc đó là 12h đêm, mọi người đã mệt mỏi và ngủ gà ngủ vịt cạnh những chiếc xe đạp, trên những mảnh vải mưa, thậm trí là trên những giành cỏ khô trải vội, ai cũng tranh thủ chợp mắt vì còn lấy sức để ngày mai chạy tiếp, mọi người cũng đã hiểu ra là việc quay về nhà lúc này là không thể mặc dù vẫn chưa có thông báo chính thức của chính quyền dân phố. Bố tôi và tôi sau khi mọi người đã tản ra thì bắt đầu dò đài BBC để nghe tin tức, hai bố con vặn rất nhỏ, ghé tai vào nghe ( hồi ấy nghe đài BBC vẫn bị cấm - đài địch ) tôi còn nhớ là đài BBC đưa tin là " cuộc chiến dạy cho VN một bài học của TQ đã bắt đầu, hơn 500 ngàn quân đã được huy động tràn vào lãnh thổ việt nam, ngay ngày 17/2 quân Bát nhất với sự yểm trợ của Pháo binh và xe tăng đã chiếm được một số thành phố quan trọng của VN như : Đông khê, Hà quảng, Trà lĩnh, Phục Hòa.. Quân đội VN đã bị bất ngờ và chịu tổn thất lớn cả về quân số cũng như vật chất, nhiều đơn vị bộ đội VN vừa sáng ra chuẩn bị tập thể dục nhìn ra phía trước đã thấy quân TQ tràn vào như kiến, nhiều đồn Biên phòng tối hôm trước CBCS còn đi chới xem phim về khuya ngủ muộn đã bị pháo và súng bộ binh của TQ tiêu diệt,..vv. Nhiều người dân ở các huyện lỵ dọc biên giới sáng sớm đi xuống chợ huyện gặp rất đông lính và xe tăng dẫn đầu thì tưởng là bộ đội ta nên đã tung hô và chạy lại để xem, đến khi toán quân đi đầu lia mấy loạt đạn và chiếc xe tăng đi đầu nổ pháo bắn vào thị trấn thì mới biết là giặc tàu đã đánh vào, lúc đó mới bỏ chạy và luồn rừng về báo cho làng bản biết và tháo chạy vào núi, vào hang..." Mọi người đã ngủ say, hướng về phía biên giới tiếng súng vẫn nổ ầm ì, thỉng thoảng vẫn lóe chớp. Thời điểm đó thời tiết vẫn lạnh giá, mưa phùn gió bấc vẫn thổi vù vù lạnh thấu xương. THật tội nghiệp cho nhân dân, nhà cửa không có, chăn màn cũng không, người khỏe, thanh niên còn đỡ, chỉ khổ cho người già và trẻ em. Mấy thằng choai chúng tôi lúc này mới bắt đầu tuồn đi thăm nhà nhau, tụ tập trò chuyện, mấy thằng còn có ý định nếu ngày mai mà có hiệu lệnh của nhà trường hay của chính quyền kêu gọi ở lại chiến đấu thì nhất định sẽ cùng nhau chốn nhà để quay về thị xã tình nguyện phục vụ và chiến đấu, mãi tận hơn 1h đêm bọn tôi mới tỏa ra về chỗ nhà mình trú ngụ và ngủ tít. Kết thúc ngày đầu tiên của cuộc chiến và cũng là ngày đầu tiên của cuộc chạy tàu đúng nghĩa của nó, ngày 17/2/1979.

Sáng hôm sau 18/2, mọi nhà, mọi người đều thức dậy từ mờ sáng, thực ra là lạnh quá không thể ngủ được nữa mà phải dậy để đốt lửa sưởi. Cả buổi sáng mọi người vẫn ngồi đợi thông báo tiếp theo có đi tiếp hay không, đến lúc này thì tiếng súng nổ nghe đã rõ hơn, đâu ở mạn Hòa an hay trà lĩnh gì đó. Đến khoảng hơn 2 giờ chiều thì có tin truyền miệng là " trong vòng chiều nay, mọi người có thể quay trở lại nhà để đem theo những gì mà tối hôm trước chưa mang đi được " Thế là mọi nhà lại cử người về để khuân đồ đạc có giá trị đem theo, từ chỗ ấy về thị xã ước chừng 6-7 km, chủ yếu là đi bộ, mọi người vừa đi được khoảng 15 phút thì bầu trời thị xã chớp đỏ lóe lên và tiếng nổ ầm ầm dữ đội như ở ngay trên đầu, đó là loạt đại bác quân tàu bắn vào thị xã đầu tiên của cuộc chiến, về sau này nghe nói là sau khi chiếm được Hòa An, bọn tàu dùng đại bác bắn ngay vào thị xã để thử đường đạn, thế mà bắn trúng thật, loạt pháo ấy bắn sập ngôi trường hai tầng của chúng tôi ( trường cấp III thị xã CB ), cứ ngỡ là Trường sẽ bị phá hết, nhưng thật lạ lùng là sau loạt đạn ấy, ngôi nhà bị sập một phần ba còn lại vẫn nguyên vẹn đến khi hết cuộc chiến, đến nay các bạn đến trường vẫn còn nhìn thấy phần sập được xây sửa lại.

Sau loạt đạn đại bác ấy đoàn người đi sơ tán mới thực sự là hỗn loạn, bố mẹ tìm con cái, chồng tìm vợ, con cháu chạy tìm ông bà ... cứ là nháo nhào cả lên, lại còn đoàn người quay về nhà nữa, tiếng khóc của trẻ con lạc bố mẹ, tiếng gào gọi con cái ..không ai nghe được ai. và rồi không ai bảo ai, đoàn người rùng rùng hỗn loạn chạy tứ phía vào rừng bắt đầu một cuộc chạy giặc đầy gian khổ, hy sinh, mất mát và thương tâm. May mà nhà tôi đều là người lớn cả ( tôi là út ) cho nên không đến nỗi tan đàn sẻ nghé như nhiều nhà khác. Nhà thằng bạn tôi chạy mỗi người một ngả, đến khi tụ tập lại được thì không thấy bà cụ già đâu cả ( bà cụ gần 80 tuổi ) lúc đó mọi người mới trách nhau, nhưng mà trách ai đây vì súng nổ chớp rền như vậy, ai mà chẳng hoảng loạn chạy cho mau, ( bà cụ mãi về sau mới tìm thấy, bà bị dòng người chen lấn xô đẩy ngã xuống một cái hố sâu ở bờ sông không lên được và cũng không kêu cứu được, bà cụ mất ngay tối hôm đó.

Nhà tôi và cùng một đoàn người khoảng năm sáu nhà nữa chạy vào rừng theo hướng Nam, lúc chạy thì cứ chỗ nào có đường mòn thì len đi thôi chứ chẳng biết hướng nào mà chạy nữa. Đi đến nửa đêm mệt quá mọi người mới hò nhau tạm dừng nghỉ chân để hỏi thăm đường sá và xác định phương hướng đi tiếp.NHưng ở chốn rừng núi sâu thẳm thì biết hỏi ai, nhưng mệt rồi không thể đi tiếp được mà cũng phải nghỉ để nấu cái gì ăn nữa chứ. THế là mọi nhà quyết định cắm trại tại bãi đất trống để nghỉ ngơi và nấu ăn. Được cái ở rừng thì củi và nước sẵn có nên chỉ một tiếng sau là có cơm ăn. Nhà nào không đem được gạo thì ăn nhờ nhà khác, lúc đó tình nghĩa lắm, không suy nghĩ gì, giúp được ai cái gì thì giúp ngay. Mọi người ước đoán là đã chạy được khá xa, nhưng thực tế về sau mới biết cả buổi chiều và tối hôm ấy đoàn người mới đi được chừng 4 km.

Sau khi ăng uống xong mọi người trong đoàn đều cùng nhau họp bàn và kế hoạch cho đêm nay, cắt cử nhau thức để canh gác thú dữ hoặc kẻ gian. Kể cũng hay, trong đoàn mỗi nhà ở mỗi nơi không hề biết nhau nhưng lúc này sao mà thấy thân thiết và đồng cảm đến thế.

Kết thúc ngày thứ hai, một ngày đầy hoảng loạn và vất vả, ngày 18/2/1979.

Đêm hôm ấy các đoàn người vẫn cứ ùn ùn kéo đi mà đa số là không biết địa chỉ nơi mình sẽ đến hay cần phải đến. Cứ mỗi đoàn người đi qua mọi người lại hỏi thăm tin tức về tình hình chiến sự hoặc tin tức về người thân bị lạc. Cũng có đoàn dừng lại nghỉ cùng đoàn của nhà tôi, có đoàn chỉ dừng chân một lúc rồi lại hối hả đi vào bóng đêm. Sáng hôm sau, trời vừa tang tảng sáng thì mọi người đã hò nhau dậy để tiếp tục cuộc sơ tán, vẫn chạy theo lối mòn trong rừng rậm, vượt qua rất nhiều dốc núi dựng đứng mà chỉ dắt được một chiếc xe đạp vượt qua cũng phải mất ba người đẩy, lội qua ít nhất hai con suối ngập ngang bụng ướt lướt thướt vẫn phải cắn răng mà chịu, mà chạy để cho kịp đoàn người, cho kịp gia đình. Trưa hôm ấy đoàn của tôi đến một bản người dân tộc Tày, gọi là Bản Pác Sóa, bản có khoảng 6 nóc nhà, khi chúng tôi đến thì cũng đã có rất nhiều nhà dừng chân ở đây và đa số có ý định không chạy nữa. Hỏi dân bản thì từ đây ra thị xã khoảng 13 Km, có nghĩa là chúng tôi sau 2 ngày đi được 13 km. Ở đây tôi được nghe rất nhiều tin tức về tình hình chiến sự cũng như tình hình về cuộc sơ tán này. Đầu tiên là vào 11h sáng nay 19/2, một chiếc xe tăng của Trung quốc không hiểu bằng cách nào chạy một mình thẳng từ hướng Đông khê lên thị xã CB mà không hề bị đánh chặn, đến khi chạy vào thị xã thì có một toán khoảng 2-3 tên người Hoa cố tình ở lại đến leo lên xe tăng và chỉ đường tiến lên đài phát thanh ở trên đồi Nà toàng, Khu Thanh Sơn. Đến lúc này lực lượng bộ đội của ta mới phát hiện đó là xe tăng của TQ, một bộ phận chốt ở khu vực Thanh sơn dùng súng B41 bắn cháy và bắt sống tổ lái và bọn người Hoa. Khi hỏi cung thằng lái thì mới biết là chiếc tăng này thuộc cánh quân đánh vào thị trấn Đông khê, sau hai ngày tấn công vào thị trấn bị quân ta kháng cự mãnh liệt bắn cháy nhiều xe tăng, tên này hoảng quá cứ nhằm đường không có quân ta mà chạy, thế nào mà chạy tuột lên thị xã ( từ thị xã CB đến thị trấn Đông khê khoảng 40 Km ), mà cũng lạ là suốt cả chặng đường này nó không hề bị chặn lại hoặc bị kiểm tra gì. Còn ba tên người Hoa kia là một tổ chức mà ta hay gọi là gián điệp, chúng thấy xe tăng của đồng bọn thì sướng quá chạy đến để hướng dẫn đến chiếm đài phát thanh chăng ? Nhưng chưa kịp làm gì đã bị ta tôm gọn, mà các bác có biết tên trưởng nhóm là ai không ? Đó chính là Ông Dương Maishen, chủ hiệu trồng răng nhà ở Phố Vườn Cam, là bố của bạn tôi : Dương Lệ Mẫn mà tôi đã kể trước đây. Thật là sửng sốt và bất ngờ, Ông Shen này là một bác sĩ nha khoa rất giỏi, trước đây chúng tôi vẫn hay đên nhà bạn chơi và cũng thường được Ông ta thăm hỏi, thế mà ai ngờ đó lại là một tay gián điệp ngầm của Tàu khựa. Mọi người còn kể về trận đánh ở Thông nông giữa một Anh dân quân người dân tộc H'mông, một mình một khẩu K44, giữa thung lũng hai bên đồi là hai cánh quân của bọn tàu, Anh bắn vào mỗi bên một phát đạn, thế là hai cánh quân của tàu cứ thế mà choảng nhau đến khi bọn lính thông tin nhận ra tín hiệu của nhâu mới biết là nhầm thì đã thiệt hại khoảng một trung đoàn ( Câu chuyện này khớp với chi tiết bạn Tùng e677f346 đã kể ở topic Anh Ở Biên Cương ). Tuy mệt nhưng được nghe những chuyện đánh nhau như thế này, bọn choai chúng tôi không cần phải nghỉ ngơi mà cứ sán vào để nghe. Đến chiều, có một toán dân quân tự vệ ước chừng Trung đội đến đóng ở bản và ra lệnh cho mọi nhà phải tản vào rừng ở ngoài bản, tìm vào các hang đá, chỗ rậm rạp để ẩn nấp vì có tin là tối nay hoặc ngày mai có thể có thám báo tàu qua đây ( Quân của bọn tàu hành quân bao giờ cũng có một bộ phận đi trước mở đường và thám thính tình hình - ta cứ gọi bọn này là Thám báo ). Thế là tất cả các nhà lại được một phen hỗn loạn kéo nhau vào rừng sâu, hang đá ở quanh bản để ẩn nấp, trước khi đi, dân quân có nhắc mọi người là cấm đun nấu, cấm nói to, cấm bật đài..vv

Sau khi được lệnh phải tản ra ngoài khu vực bản Pác sóa để ẩn nấp tránh bọn thám báo, các gia đình thêm một phen hỗn loạn và ồn ào, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn hơn một nghìn người đã nhanh chóng ổn định và trật tự di tản vào rừng. Trung đội dân quân bắt đầu triển khai đào hầm hào công sự, công việc này cần phải nhanh chóng hoàn thành nên người chỉ huy trung đội đến từng khu vực có dân ẩn nấp vận động các thanh niên có thể ra Bản để giúp đào công sự, thế là chúng tôi được dịp thoát khỏi nhà chạy ngay đi cầm xẻng, cuốc hăng hái đào bới, vì đã được học cách đào công sự nên chúng tôi cũng thành thạo không kém, tôi nhớ là hôm ấy chúng tôi đào hào chữ chi ôm lấy một ngọn đồi khá cao án ngữ ngay phía trên con đường mòn qua bản, trên giao thông hào lại khoét thêm những hố cá nhân và đắp thêm bệ súng, thật là một công việc vất vả vì chúng tôi từ trước đến nay chỉ quen với sách vở, được cái là mỏm đồi ấy đất cũng mềm và không có đá tảng nên cũng dễ đào. Khoảng 5h chiều thì các công sự đã được hoàn thành theo đúng ý đồ chiến thuật phòng ngự của trung đội dân quân. Sau khi hoàn tất công việc chúng tôi đã hí hửng nghĩ đến việc được ở lại và được phát vũ khí để cùng tham gia vào chiến đấu nhưng người trung đội trưởng đã ra lệnh cho tất cả các thanh niên phải quay về với gia đình, cũng có một số nài nỉ xin được ở lại nhưng họ nhất quyết không đồng ý và nói thêm : đây là mệnh lệnh thời chiến yêu cầu mọi người quay về. Khi chúng tôi về đến chỗ ẩn nấp của gia đình thì các ông bố bà mẹ mừng rú lên, họ chỉ sợ con cái bị giữ lại làm lính chiến đấu, thật là hai ý nghĩ trái ngược. Chỗ chúng tôi ẩn nấp là một cái hốc rất lớn lõm vào dưới sườn núi, phía trên được bao phủ cây cối rậm rạp, theo tin truyền khẩu thì bọn thám báo hay bọn sơn cước thường hay đi xuyên qua lưng chừng núi chứ ít đi vào chỗ thấp cho nên mọi người cũng thường chọn chỗ thung lũng mà ẩn nấp. Cái hõm chỗ tôi trú ngụ có đến hơn 10 gia đình ẩn nấp ở đấy, mọi người đều im lặng tuyệt đối vì đã được phổ biến, duy chỉ có là không được đốt củi lửa mới là rầy rà vì đã tối mà chưa có gì vào bụng, không nấu được cơm, may sao nhà Bác Hạng, ở cùng phố Lò lợn mang theo được hơn chục phong bánh khảo ( loại bánh mà dân Cao bằng hay làm vào dịp tết và ăn cho đến tận tiết thanh minh 3/3 ) Thế là Bác đem chia cho mọi người mỗi nhà một hai phong để ăn tạm khi nào có điều kiện thì mới nấu cơm ăn. Vào khoảng 8h tối, có một vài bác lớn tuổi đi ra ngoài bản hỏi thăm tin tức trở về và cho biết tình hình lúc này là rất căng thẳng, nhiều khả năng đêm nay sẽ có thám báo tàu đi thám thính con đường mòn qua bản để tiến vào hướng thị xã, ở ngoài bản Pác sóa lúc này đã được tăng cường thêm một đại đội bộ đội địa phương của tỉnh đội Cao Bằng với trang bị khá mạnh : RPD, Cối, Đại liên..., qua các anh bộ đội các bác có được nhiều thông tin về chiến sự đang diễn ra : sáng nay cánh quân của bọn tầu từ hướng Thông Nông kéo ra đã gặp cánh quân của chúng từ hướng Hà quảng kéo xuống hợp với nhau đánh chiếm được thị trấn Nước hai ( huyện Hòa an ) định kéo về thị xã dưới sự yểm trợ của mấy chục chiếc xe tăng thì bị Bộ đội ta cùng với dân quân các xã : Hồng Việt, Hưng Đạo, Bế triều.. đánh cho một trận chí mạng ở phòng tuyến chốt chặn Cầu Bản xẩy, trong trận này số thương vong của quân tầu phải tới quân số một trung đoàn, 13 chiếc xe tăng bị bắn cháy, trong đó có ba chiếc bị bắn cháy húc chụm đầu vào nhau, một chiếc bị B41 của ta bắn tung lật ngửa cả tháp pháo lên trời ( có thể là chiếc xe trong hình ảnh của bạn Tung e 677 post lên topic Anh ở Biên Cương thì phải ), sau trận này chúng không thể tiến thêm một km nào về phía thị xã nữa. Tại đèo Khau chỉa trên đường từ Phục Hòa ra Quảng Uyên, một đơn vị bộ đội của ta chừng 1 tiểu đoàn chốt chặn hướng tiến của cánh quân tàu từ Cửa khẩu Tà lùng ( bên kia TQ là Thủy Khẩu ) tiến qua đèo để hợp với cánh quân đánh từ hướng Trà lĩnh tại đỉnh đèo mã phục rồi kéo vào chiếm thị xã. Tuy nhiên chúng đã bị đơn vị bộ đội của ta đánh chặn không thể vượt qua được đèo này, địch bị tổn thất tới cả sư đoàn, hàng chục xe tăng mà không xuyên thủng được chốt, tuy nhiên cũng có một số chốt của ta ở Trà lĩnh bị quân tàu đánh cho thiệt hại nặng phải bỏ chốt mà chạy, các chiến sĩ của ta không phải vì hèn nhát chạy trốn mà vì địch tràn vào chốt nhiều quá, chúng dùng chiến thuật biển người, hết lớp này ngã xuống bọn chỉ huy lại thúc lớp sau xông lên, quân ta bắn đỏ nòng hết đạn mà vẫn không cản được đành bỏ chốt chạy lấy người, trước khi chạy chỉ kịp tháo cơ bẩm của súng còn vứt lại mới kịp thoát thân ( tháo cơ bẩm đem theo để một là phá hủy vũ khí không cho rơi vào tay địch, hai là lấy đó làm bằng chứng về sự chiến đấu đến cùng của mình ), còn rất nhiều thông tin nữa nhưng việc tối nay là quan trọng hơn cả : nếu có xảy ra đụng độ giữa ta và thám báo tàu thì yêu cầu mọi người bình tĩnh không hoảng sợ mà tháo chạy làm rối loạn khu vực gây khó khăn cho việc tác chiến của bộ đội. Mọi người lúc này mới cảm thấy sợ hãi, các nhà đều dặn dò con cái những điều cần thiết khi xẩy ra thất lạc hay trong trường hợp bị pháo kích, bị bắn..vv như có tiếng súng nổ thì phải tìm hang hốc, hố sâu để nằm ẩn nấp, không được chạy lung tung.. Vào khoảng 11h khuya, có người báo là đang có một toán thám báo được bọn người Hoa và bọn người Dáy dẫn đường hướng Bản Pác sóa đi tới, một gia đình đi ngược chiều với toán thám báo này gặp và bị bắt, một người trong họ chạy được trốn thoát được chạy về báo tin. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, mọi người không ai dám ngủ để chờ tiếng súng nổ ra, và rồi cái gì đến sẽ phải đến, lúc đó ước khoảng hơn 1h sáng, bắt đầu chỉ là một loạt AK vang lên, sau đó là hỗn loạn đủ các loại tiếng nổ của các loại súng, giao tranh chỉ diến ra chừng 10 phút sau đó im bặt, nhưng ở chỗ ẩn nấp của chúng tôi mới thực sự là kinh hãi, đa số là lần đầu tiên chứng kiến và nghe tiếng súng của chiến tranh nổ ở gần như vậy, bọn trẻ khóc thét mặc dù bị bố mẹ chúng bịt chặt mồm lại, các cụ già thì run lẩy bẩy miệng cầu phật khấn trời không ra hơi.. Còn bọn choai chúng tôi lại thấy khoái và chỉ mong ngóng đến sáng lẻn ra ngoài bản xem như thế nào..

Trước tôi đã viết đến lực lượng tự vệ và bộ đội đóng chốt tại bản Pác sóa để chặn cánh quân tàu khựa có thể đi qua để tiến đánh thị xã Cao Bằng, đêm đó lực lượng này của ta đã chạm chiến với toán thám báo mở đường, sau một hồi nổ súng ác liệt, toàn khu vực im bặt không một lời nói, không một tiếng chân đi, xung quanh chỗ gia đình tôi ẩn nấp cũng tĩnh lặng như tờ, kể cả tiếng côn trùng cũng bặt luôn hình như là bị tiếng súng nổ làm choáng ngất sỉu hết. Mới tờ mờ sáng hôm sau, tôi cùng với một thằng bạn trốn nhà lỉnh ra ngoài bản Pác sóa xem tình hình như thế nào, nhưng vừa đến rìa bản thì bị mấy anh tự vệ cầm AK47 chặn lại không cho vào bản, họ nói rằng bộ đội đang thu dọn chiến trường xẩy ra vào đêm hôm qua, tuy nhiên đứng ở vị trí rìa bản này tôi cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh tuyến phòng thủ mà hôm qua chúng tôi đã giúp đào công sự, không có một sự sáo trộn nào, không có một công sự nào bị phá cả, chúng tôi nán lại hỏi thăm các anh tự vệ xem chuyện gì đã xẩy ra đêm qua, thì ra đêm qua có một toán thám báo khoảng 9 tên và một tên người Hoa dẫn đường đi qua và lọt vào chốt của ta, vì trời tối như mực nên đợi cho toán này đi vào chỉ cách 10m thì ta mới nổ súng , bị bất ngờ cả toán thám báo không kịp trở tay bị tiêu diệt gần hết, riêng thằng ngừơi hoa có lẽ là một tay gián điệp lanh lẹ và khôn ngoan nên dù dẫn đầu nó vẫn không bị dính đạn và còn kịp lăn xuống vệ đường ẩn nấp và chỉ đến khi nó thấy im lặng rất lâu mới lò dò bò đi để tẩu thoát, nhưng bộ đội ta cũng không phải tay vừa đã bố trí phục kích tại các ngả ra vào bản nên tên này bị tóm sống, đang nghe các anh tự vệ kể thì có một toán bộ đội đang áp giải tên người hoa qua trước mặt chúng tôi để đưa đi khai thác, khi đi qua chúng tôi há hốc mồm kinh ngạc xuýt nữa thì " Cháu chào bác ạ " với tên người hoa vì đó là Ông Voàng Cắm Hoáng bố đẻ của thằng Voàng Cắm Choóng học cùng với tôi, nhìn thấy người quen Ông ta ngoảnh mặt đi và lùi lũi đi theo mấy anh bộ đội. Sáng đã rõ mặt người, chúng tôi trở về chỗ gia đình thì đã thấy mọi người hối hả nấu cơm để ăn và bố tôi nói là sau khi ăn cơm xong sẽ lên đường chạy tiếp làm sao thoát khỏi vùng có chiến sự. Có rất nhiều nhà cũng chuẩn bị để chạy tiếp như nhà tôi, cũng có nhà thì không muốn chạy nữa mà chỉ lùi sâu thêm vào rừng. Đến khoảng 9h sáng thì mọi sự chuẩn bị đã xong chỉ chờ các gia đình nào đi thì tụ tập lại để cùng phổ biến các quy định, các thỏa ước là xuất phát thì bỗng có tiếng nổ ở xa vọng lại, bố tôi hét lên tất cả nằm xuống súng cối đấy ( Bố tôi nguyên là chiến sĩ đánh Điện Biên Phủ nên ông có kinh nghiệm nghe và phân biệt được tiếng súng ), vừa nằm rạp xuống thì đạn bắt đầu nổ ở phía ngoài bản Pác sóa, đạn nổ rất to chắc là toàn đạn cối nổ vì chưa thấy tiếng AK, có lẽ bọn tàu đang nã cối vào chốt của ta ở bản trước khi tiến đánh. Tình hình như vậy là không thể chạy được nữa rồi vì tàu đã đánh vào đâu thì khu vực đó sẽ nát như tương. Có lẽ tối qua toán thám báo bị tiêu diệt nhưng chắc là sau toán đó vẫn còn một toán khác, toán này về báo tình hình và đến sáng nay bọn nó tiến đánh lực lượng chốt ở bản. Tiếng cối nổ mỗi lúc một dồn dập, bố tôi nói là có cả cối 82 ( loại cối hạng trung ), không biết quân ta ở ngoài bản có bị thương vong gì không, các công sự mà chúng tôi tham gia làm có bị cối bắn phá hay không, lúc đó mọi người biết là chỗ mình không bị bắn đến nên đã bình tĩnh hơn và tản ra khu vực chung quanh tìm chỗ an toàn ẩn nấp, đồ đạc vứt bừa bãi ngổn ngang cả. Khoảng 20 phút sau thì bắt đầu nghe tiếng súng AK nổ loạn xạ và có cả tiếng AK điểm xạ 3 phát một rất ròn rã, từ chỗ tôi nghe được rất rõ cả tiếng hô xung phong của bọn tàu " tả khoai..tả khoai.." khoảng gần một giờ sau thì tiếng súng thưa dần và có một vài anh tự vệ dìu mấy anh bị thương chạy qua chỗ chúng tôi, một lúc sau thì đến mấy anh bộ đội mặt mày nhem nhuốc chỉ còn đeo mỗi khẩu súng và một băng đạn gắn trên súng chạy về phía chúng tôi và bảo nhân dân nên ẩn nấp im lặng để chúng không phát hiện ra và đến đêm hãy di chuyển về hướng nam ( hướng BẮc Cạn ) vì ở đây rất nguy hiểm nếu như có bọn sơn cước vì bọn này là lực lượng tinh nhuệ vùng núi cao rừng rậm, bọn này không ngại gì địa hình hiểm trở cho nên ta rất dễ bị phát hiện mà đã bị phát hiện thì chúng sẽ tiêu diệt để trả thù cho trận đánh hôm nay.Chúng tôi chỉ kịp đưa bình tông nước cho các anh uống và nghe loáng thoáng các anh nói là bản Pác sóa đã bị chúng nó chiếm, ta có hơn một đại đội mà phải đánh trả cỡ Trung đoàn tàu khựa, bắn mỏi tay, ném lựu đạn hết cỡ mà chúng vẫn ào ạt xông lên, không biết bọn này thuộc lực lượng gì mà ước chừng cứ 3 tên mới có một tên mang súng AK hoặc CKC, Quân ta bắn gần hết đạn mỗi người chỉ còn một băng thì bắt đầu rút chạy, quân ta bị thương vong khá nhiều, thương binh nặng không kịp chuyển ra ngoài được chắc bị chúng thịt hết, ... Lúc đó có một Bác đã cao tuổi nói với một anh bộ đội có vẻ là chỉ huy cỡ tiểu đội trưởng ý nhân dân muốn các Anh ở lại để đến tối cùng với dân vượt qua bản tiếp tục chạy về hướng Bắc Cạn, lúc đầu các anh còn ngần ngừ nhưng thấy dân tha thiết quá nên các anh cũng đồng ý chỉ mỗi điều là không có ai biết đường đi cả, vừa lúc đó thì có hai anh tự vệ của Bản cũng đang cà nhắc đi tới, một anh bị thương ở đùi, đạn AK làm bay mất một mảng thịt chảy máu ướt đầm, tuy đã được sơ cứu nhưng vẫn rỉ máu và trông anh ấy có vẻ rất yếu. Thế là mọi người kêu gọi xem ai còn có dụng cụ cứu thương thì góp lại để cứu thương cho Anh tự vệ, sau khi được rửa ráy và băng bó thì máu đã cầm và anh đòi uống nước liên tục. Nghe mọi người nói về kế hoạch tối nay sẽ vượt qua bản Pác sóa để di chuyển về hướng Bắc cạn thì anh tự vệ còn khỏe nói là sẵn sàng ở lại cùng mọi người chạy vì hiện tại hai anh tự vệ thoát chết trong trận vừa rồi cũng không biết chạy về đâu vì trung đội của anh đã tan tác cả rồi. Thế là suốt buổi chiều hôm đó mọi người lặng lẽ chuẩn bị lại đồ đạc để đến khuya khởi hành, tranh thủ lúc này bọn tôi sán lại hỏi chuyện mấy anh bộ đội...

Trước nói đến đoạn sau khi bộ đội ta cùng với trung đội DQTV bản Pác sóa thất thủ chạy khỏi chốt phòng ngự Pác sóa do quân tàu tràn vào đông quá, chúng ào ạt xông lên chốt mà không cần đếm xem tổn thất về lực lượng là bao nhiêu, Quân ta chống trả mãnh liệt nhưng sức người có hạn, lực lượng lại dàn quá mỏng cho nên phải bỏ chốt mà chạy, bỏ cả các đồng đội bị thương không kịp chuyển về tuyến an toàn nữa...Đây nói, cả buổi chiều hôm ấy, khu dân sơ tán tấp nập người người chuẩn bị đồ đạc, xe thồ, cơm nước ...tất nhiên là tấp nập trong im lặng, giữ bí mật vì bọn tàu chưa phát hiện có dân ẩn trú tại đây, nếu chúng phát hiện thì chắc chắn là sẽ xảy ra thảm họa vì trong trận bản Pác Sóa ta đã tiêu diệt một lượng lớn quân địch, hiện chúng rất "cay cú" tìm cách trả thù ( bọn này là như vậy, hễ bị phản kháng là chúng trả thù nơi ấy một cách không thương tiếc ). Trong mấy anh bộ đội ở lại để cùng với dân tối nay vượt bản Pác sóa có một anh nhà ở tiểu khu ( đơn vị hành chính thời bấy giờ, nay tương đương như Phường ) Nà Phía, cùng tiểu khu với tôi, đi lính năm 1978, sau một vài câu chuyện chúng tôi nhận ra nhau, thế là anh em trở thành thân cận luôn, qua anh ấy tôi biết được thêm nhiều chuyện của tiểu khu chúng tôi khi chạy tàu : Chuyện về Ông Nghiêm cắt tóc ở ngay ngã ba đường vào Mỏ Muối, từ trước đến nay không ai biết được gốc tích của Ông này, chỉ biết là hàng ngày Ông ấy có một túp lều tại ngã ba và có bộ đồ cắt tóc để hành nghề phục vụ cho cả phố Lò Lợn và các vùng quanh đấy., nhà ông ta ở tít trên đồi cao đường đi vào Dốc Dài, thường ngày Ông ta chỉ lúi húi cặm cụi cắt tóc cho lũ trẻ, không giao du với ai thế mà đùng một cái, tàu đánh, không biết bằng cách nào Ông ta trở thành một sĩ quan tàu khựa "xịn" dẫn đầu một cánh quân đánh vào thị xã, một anh dân quân phát hiện ra đúng là Lão Nghiêm cắt tóc, thế là lòng căm thù nổi lên, cùng một lúc vài tay súng bắn tỉa của ta cùng chĩa vào và tay gián điệp này toi đời, nhưng cũng vì điều này mà ta cũng phải trả giá vì bị lộ điểm mai phục, trận ấy chỉ có dân quân tự vệ Nà Phía và Nà Đoỏng tham gia phục kích ở dốc bản Pác Cuổi, cách thị xã 4km, ta bị thiệt 3 đ/c và đội hình cũng bị tan tác mỗi người một nơi. Rồi chuyện bắn nhầm bà Bích Ngựa, bà này nổi tiếng là hay ngoa ngoắt và xông xáo như đàn ông, khổ thân bà ta, khi chạy tàu thì cứ tưởng là chỉ đi một hai ngày, ai ngờ đi mãi không trở về được, ở nơi ẩn nấp thì thiếu thốn không có gì để ăn, thế là bà đánh liều quay trở về thị xã để lấy đồ đạc và cái ăn, đến ngã ba đường mòn đi Nà Rụa và Nà Mẩn thì gặp phải chốt phục kích của dân quân, không may cho bà trước đó nhóm dân quân này được tin báo là sẽ có một cánh quân tàu hành quân qua đây nên đã triển khai mai phục đánh để tiêu hao lực lượng địch, đúng lúc đó thì bà Bích ngựa lò dò lấm lét đi qua ngã ba phục kích này, thời đó việc tiêu diệt những tên chỉ điểm hay dẫn đường là việc làm ưa thích của dân quân, vì vậy cũng chẳng hỏi han gì, một loạt CKC vang lên, bà Bích ngựa thiệt mạng và mang tiếng là chỉ điểm, mãi về sau này mới được minh oan khi có một anh dân quân tham gia phục kích hôm đó chứng kiến từ đầu đến cuối chứng minh cho việc bà bị oan, vì sau khi bắn bà xong mọi người sẽ đoán là quân tàu kéo qua ngay nhưng phải đến xế chiều chúng mới tò tí te thổi kèn hành quân qua, trận đấy ta cũng tiêu diệt được kha khá. Tuy rằng biết bị bắn nhầm nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như thế, trong tình thế phục kích quân giặc kéo đến bất cứ lúc nào thì việc bắn nhầm hơn bỏ sót là điều mà ai cũng có thể hiểu được. Chuyện cô giáo Nhàn bị nguyên một quả mìn chống tăng của ta nổ tung không còn một mảnh xác ( thật là bi thương - cầu cho linh hồn cô được ngậm cười nơi chín suối ), cũng vẫn lại là chuyện khi đi sơ tán vì không nghĩ là sẽ phải đi mãi như thế nên chủ quan không đem gì đi, sau đó một là thấy tiếc của, hai là không có gì ăn nên phải quay về lấy cái ăn ( khổ thế đấy các bác ạ ), sau khi có một chiếc xe tăng chạy một mình từ Đông Khê lên thị xã mà tôi đã viết ở phần đầu không bị một lực lượng nào của ta ngăn chặn, bộ đội thị xã mới bắt đầu chôn mìn chống tăng ở các tuyến đường đi vào thị xã, ở hướng Đông khê lên là cửa ngõ Nà Phía của thị xã, quân ta chôn mìn ở đoạn cầu nhà Ông Nhí cách thị xã 1km đường xuống bệnh viện tỉnh, bãi mìn này cách nhà cô Nhàn khoảng 20m, bãi mìn được bố trí chôn theo hình quả trám nối tiếp nhau, loại mìn này chỉ cần một trọng lực khoảng 1kg đè lên là nổ, tối hôm ấy cô Nhàn đi xe đạp về nhà, vì buổi tối mà lại là chiến tranh nên phố xá không còn một ai cảnh báo, bộ đội sau khi cài mìn cũng rút đi, thế là vừa xuống xe để vào nhà thì cô giáo dẫm phải mìn ( bãi mìn này sau khi cài thì chỉ nổ đúng một quả mà cô Nhàn đạp phải, còn những quả khác vẫn y nguyên vì sau đó cả cuộc chiến không có một chiếc xe nào chạy qua, sau chiến tranh khi tôi về vẫn còn những hố chôn mìn đã tháo mìn chi chít trên đường ), sau đó nhiều tháng người ta đồn rằng cứ mỗi tối không có trăng lại có một khối lân tinh ( dạng ma trơi ) lăn từ chỗ bãi mìn vào sân nhà cô giáo Nhàn..Chuyện của những người bị tàu bắt trong đó có chuyện Ông Bình Ba Toác vì hô khẩu hiệu " Hồ chủ tịch muôn năm " mà được tha không bị tàu bắn ( tôi đã viết ).

Tối hôm ấy, mệnh lệnh được truyền đi là khoảng 11 giờ đêm là sẽ hành tiến, các gia đình cần phải khẩn trương, các đồ đạc mang theo phải gọn nhẹ, những đồ cồng kềnh bị vứt lại và quan trọng nhất mà các nhà phải quán triệt là tuyệt đối giữ im lặng vì sự sống còn của cả đoàn người. Đúng 11 giờ khuya đoàn người lặng lé xuất phát, những nhà có thanh niên trai tráng cùng với anh dân quân biết đường đi tiên phong mở đường, ưu tiên nhà có con mọn, cụ già đi giữa đoàn để được giúp đỡ, đi sau cùng là những nhà có người đã từng tham gia quân đội và cùng mấy anh bộ đội có vũ khí chặn hậu. Từ chỗ ẩn nấp ra đến đường qua bản Pác sóa khoảng chừng 3 km, đoàn người đi mất khoảng tiếng rưỡi, đêm tối không trăng sao, không đèn đuốc dò dẫm từng bước cứ thế im lặng mải miết đi...

Đoàn người lặng lẽ mải miết lần mò đi trong đêm tối, ai cũng mong sao đi qua được bản Pác sóa đang bị quân tàu chiếm đóng một cách an toàn, người sau bám sát người trước chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ lạc lối ngay hoặc cũng bị trượt chân lăn xuống khe núi, trước khi đi mọi người đã được quán triệt rồi : im lặng tuyệt đối, không nói chuyện, không hỏi nhau, không gọi nhau..., khi đến đầu bản, theo sự dẫn đường của anh dân quân, đoàn người không đi con đường dẫn qua bản, mặc dù đi đường này dễ đi vì đường rộng và thẳng nhưng dễ đụng tàu, đoàn người rẽ xuống con đường mà theo tôi nghĩ là đường đi của đàn trâu bản thường ngày đi ra rừng kiếm ăn, nó gồ ghề lồi lõm và đặc biệt là những đống phân trâu to như cái nón úp, lúc ấy không có quyền lựa chọn mà phải tuân theo người dẫn đường, đoàn người cứ thế đạp phân trâu mà đi, khổ không biết nói thế nào cho hết. Đến đoạn đường đi sát vào bản, bắt đầu nghe tiếng xì xồ, nỉ nỉ hảo hảo, xoong thủng nồi thủng ủng lia tia..của bọn tàu trong các trại dã chiến vọng ra, quái lạ sao hôm nay chúng đi ngủ muộn như vậy, thì ra chúng đang sinh hoạt Đảng ( có lẽ thế..!! ). Anh dân quân ra hiệu và mọi người bấm tay nhau ra hiệu đi thật khẽ, cố gắng không phát ra tiếng động, đúng lúc ấy thì từ phía nhà Cô Dén có tiếng ọ ọe của thằng cu vừa mới sinh được hai tháng tuổi, chết rồi, thằng bé thức giấc mặc dù nó đã được mẹ nó ủ ấm và cho bú no nê rồi, khổ thân cho Cô Dén loay hoay tìm mọi cách để nó không khóc nữa, hết cách, mọi người nín thở, đã có tiếng thì thào gắt gỏng, chết cả nút bây giờ, Từ trong bản bọn tàu có vẻ như nghe thây tiếng trẻ con chúng đã ngừng nói để nghe ngóng (đoán thế..!!) và cái điều kinh khủng nhất đã diễn ra : dưới áp lực của mọi người, dưới cái sống của cả hàng trăm con người, Cô Dén đã bịt chặt mồm và mũi thằng bé để nó không còn phát ra tiếng kêu nữa, thằng bé dãy dụa, cô Dén cố ôm chặt con và chạy thật nhanh để vượt qua bản với hy vọng thằng con không bị ngạt, qua được bản thì thằng bé đã nhũn ra rồi, nó mới được hai tháng tuổi làm sao chịu đựng được, mọi người đến chia sẻ với Cô, trong đêm tối Cô ôm chặt lấy con mà không nấc lên được tiếng nào, đoàn người vẫn lặng lẽ nặng nề bước đi, một ngôi mộ cỏn con được đắp vội bên đường, Ôi, chiến tranh !!!

Nhờ Trời nhờ Phật, nhờ cái chết của thằng bé ( tên nó là thằng Long ) và sự hy sinh bắt buộc của Cô Dén mà đoàn người đi qua được Bản Pác sóa không bị tổn thương gì thêm. Lúc đó là khoảng 2h sáng, đoàn người vẫn gồng gánh nối đuôi nhau thẳng hướng Nam mà tiến với hy vọng sẽ tìm ra được đường đi ra quốc lộ 3 để xuôi về Bắc Kạn, trên đường đi thi thoảng lại có thêm một vài nhà xin gia nhập với đoàn, những nhà này cũng như chúng tôi bị kẹt lại trong khu vực có chiến sự và bị quân tàu tàn sát cho nên các nhà chạy tứ tán chia lẻ. Vì trong điều kiện chiến tranh cho nên việc gia nhập đoàn cũng không phải là dễ vì cần phải có sự đề phòng kẻ gian thâm nhập nhằm khai thác tin tức và lẻn theo để thám thính đường đi lối lại của dân mình, hơn nữa, theo như anh dân quân dẫn đường kể lại là cũng có rất nhiều trường hợp bọn phản động, bọn gián điệp người Hoa trà trộn đi theo các đoàn người sơ tán, nhất là các đoàn của các cơ quan nhà nước, lừa những lúc sơ hở chúng thả thuốc độc vào các nguồn nước dùng chung, các con suối, các mỏ giếng..nhằm trước hết là đầu độc ta, sau đó là gây mối nghi ngờ lẫn nhau trong đoàn người phá hoại tình đoàn kết cộng đồng, thứ nữa là gây hoang mang dao động đánh vào lập trường và lòng tin của dân chúng. Cả đoàn người chúng tôi đúng là cảnh giác cũng không thừa, khi đến một ngã ba, lúc này là vào khoảng 4h sáng, trời vẫn còn tối đen, sương mù phủ kín cách xa 10m đã không trông thấy nhau, anh dân quân dẫn đường đang loay hoay xác định hướng đi (vì lúc này đoàn người đã vượt qua đất thổ công của anh dân quân rồi ) thì có hai người xem ra là dân bản xứ bỗng ở đâu xuất hiện như chờ sẵn vậy, họ nói với anh dân quân bằng tiếng dân tộc gì mà Bố tôi cũng không biết ( Bố tôi là người dân tộc và cũng thông thạo một vài tiếng dân tộc khác ), chỉ biết sau một hồi anh dân quan nói chuyện và nhìn hai người này như dò xét có nên tin cậy hay không, chắc là do có gì đấy phân vân, anh dân quân bảo mọi người chờ và quay xuống cuối đoàn nơi có mấy anh bộ đội đi chặn hậu để trao đổi cùng với mọt vài người cao tuổi của đoàn, thì ra ngã ba này có hai hướng đi nhưng không ai biết đi hướng nào thì thoát ra được quốc lộ 3 kể cả anh dân quân, mà hỏi thì hai người kia trả lời dứt khoát là hướng rẽ phải sẽ ra được QL3, nhưng khổ một nỗi là có thể tin được họ hay không, cuối cùng mọi người quyết định đi theo hướng họ chỉ bảo và cho họ đi theo cùng, lúc này thì anh dân quân và mấy anh bộ đội có súng vượt lên cùng với hai người kia dẫn đầu đoàn người, đi thêm độ 1 tiếng nữa vừa xuống hết một con dốc dài đến một bãi đất rộng, mọi người đã chùn gối mỏi chân không thể đi tiếp được thì vừa gặp thêm một đoàn người cũng đang nghỉ ngơi ở bãi đất rộng đó, thế là đoàn chúng tôi nhất loạt dừng chân để nghỉ ngơi lấy sức. Đoàn người đến trước là đoàn các gia đình của ty Nông nghiệp tỉnh, đều ở thị xã nên qua một hồi thăm hỏi là biết nhau ngay. Đoàn chúng tôi cả đêm chạy nên ai cũng ngả lưng là ngáy ầm ầm ngủ tít chỉ đến khi có tiếng ồn ào huyên nào và xen cả tiếng quát tháo thì mọi người mới hốt hoảng choàng dậy và chuẩn bị tư thế để chạy vì cứ tửng quân tàu đến, nhưng không phải, mọi người đổ dồn về phía có tiếng hô, khoảng 5 hay 6 người dân quân ( trong đó có cả anh dân quân dẫn đường của đoàn chúng tôi ) tay lăm lăm súng AK và CKC dẫn giải hai người bị trói giật cánh khuỷu, té ra là hai người đã gia nhập vào đoàn của chúng tôi lúc tảng sáng ở ngã ba, chúng đang thực hiện hành động mờ ám ở vũng nước duy nhất dưới lòng con suối cạn, vì đã sẵn nghi ngờ từ khi gia nhập đoàn nên anh dân quân cảnh giác khi cả đoàn ngủ thì anh cùng mấy anh dân quân của đoàn đến trước ngầm theo dõi hai người này, y như rằng, chúng bị bắt quả tang khi đang lấm lét lúi húi định thả một thứ gì xuống vũng nước. Thật là thâm độc, lúc này nhìn hai người thật thảm hại, run rẩy, xám ngoét và mồm liên tục lẩm bẩm gì đó. Sau khi bắt được hai tên này, đoàn người được lệnh lên đường ngay để tránh mọi sự cố xảy ra, hai đoàn nhập làm một và lên đường, thật sửng sốt vì mấy anh dân quân dẫn đường của đoàn trước lại đi về hướng mà chúng tôi vừa đi tới, thì ra là vậy, đích xác là quân phản động. Vượt qua được cái dốc mà ban nãy chúng tôi phải "đổ đèo" thì nghe tiếng một loạt súng vang lên ở phía bãi đất mà chúng tôi vừa nghỉ chân, chắc là hai tên phản động kia đã bị đền tội. Theo như anh dân quân dẫn đường thì chỉ cần qua ngã ba mà đoàn chúng tôi đã đi qua, vượt qua một cái đèo, đi thêm khoảng 3 cây số là ra đến Km13 của QL3 ( Tức là cách thị xã 13 Km ).

Quay lại hồi ức về cuộc chạy tàu, trước nói đến đoàn người trong đó có tôi và gia đình sau khi bị hai tên phản động việt gian dẫn sai đường nhằm mục đích làm rối loạn tinh thần của nhân dân và âm mưu đầu độc đoàn người nhưng được sự giúp đỡ của đoàn sơ tán Ty Nông nghiệp, đoàn chúng tôi liền ghép với đoàn Ty Nông nghiệp di chuyển dần ra hướng QL3, lúc này mấy anh dân quân tự vệ đã gặp được nhau và cùng chia tay với đoàn người để trở về gia nhập với lực lượng dân quân tự vệ xã Canh Tân ( hoặc Minh Khai - tôi không nhớ rõ ) tiếp tục ở lại chiến đấu nhằm tiêu hao lực lượng của địch và cũng là để bảo vệ nhân dân của mình trong cảnh cơ cực chạy tàu. Cuộc chia tay ngắn ngủi nhưng thật cảm động, các anh quay trở lại khu vực đang có chiến sự tức là đi vào nơi cái chết và cái sống chỉ trong tích tắc, còn đoàn người lại được đi đến nơi an toàn, tất cả những gia đình còn bánh trái đều đem cho các anh để làm lương khô trên đường quay trở lại, các anh đều là những thanh niên người dân tộc tày, nùng chất phác mộc mạc, trước chiến tranh chỉ biết phát rẫy làm nương, săn bắn và uống rượu, tán gái...Chiến tranh xảy ra, các anh được phát súng, nhận nhiệm vụ bảo vệ xóm làng, đã có nhiều đồng đội của các anh ngã xuống để nhân dân đồng bào của các anh an toàn sơ tán tránh xa vùng chiến sự.

Đoàn người lúc này đông hơn và trật tự hơn hẳn , có sự chỉ đạo sát sao hơn, hướng đi cụ thể và chính xác hơn vì trong đoàn ty Nông nghiệp đã có tổ chức của đoàn thể, trời bắt đầu hửng nắng, sau nhiều ngày âm u giá rét, đoàn người bắt đầu vượt đèo Bản Sẳng, con đèo này chỉ đóc thẳng đứng chứ không cua quanh qeo, qua đèo này là sắp sửa ra đên quốc lộ 3 rồi, khi đến lưng chừng đèo thì nghe thấy tiếng súng nổ chát chúa lắm, có cả tiếng pháo lớn nổ, tiếng xe tăng rú , đoàn người dừng cả lại và ngần ngừ không biết có nên đi hay quay trở lại, lúc đó có một chú xem chừng là cán bộ lãnh đạo của Ty Nông nghiệp đứng ra dõng dạc hô to :" Mọi người cứ tiếp tục khẩn trương đi tiếp, chỉ còn khoảng 2km nữa là ta ra đến đường cái, từ đó xuôi về Bằng Khẩu, Ngân sơn là đến vùng an toàn, yêu cầu mọi người đi nhanh, giúp đỡ nhau, lúc này là lúc một sống hai chết, tất cả các đồ đạc nặng phải bỏ lại, khi ra đường cái mọi người khẩn trương rẽ trái và chạy cho nhanh theo đường cái, từ ngã ba rẽ trái khoảng 5km thì dừng lại để tập trung và chờ nhau ". Tuy rằng mệnh lệnh của chú cán bộ rất rõ ràng và có hy vọng thoát được ra vùng an toàn không phải chui lủi trong rừng sâu nữa, nhưng vẫn có một số gia đình còn ngần ngại không dám liều thân chạy qua vùng chiến sự đang diễn ra ác liệt trước mặt, thế là đoàn người lại chia làm hai, một toán theo lời của chú cán bộ tiếp tục đi thẳng, bỏ hết đồ đạc nặng ở lại, tát cả gọn nhẹ vừa đi vừa chạy thẳng hướng ra đường cái ( QL3 ) tôi cùng gia đình theo quyết định của bố tôi chạy theo toán này, toán còn lại quay ngược về hướng cũ vì trong toán này cũng có người biết đường đi khác qua xã Canh tân có thể ra được Bằng khẩu mà trước hết không bị mất đồ đạc và quan trọng là không phải vượt qua nơi đánh nhau trước mặt. Lúc này đúng là chỉ có thần may rủi mới biết được toán nào sẽ gặp may, toán nào phải chịu rủi ro. Về sau theo lời kể của một người quen trong toán quay lại thì toán này khi quay lại thì gặp ngay một cánh quân của tàu, may mà là toán dân binh đang hành quân làm bia đỡ đạn mở đầu cho bọn quân chính quy, khi gặp toán này bọn dân binh cũng hoảng loạn không kém, chúng không phân biệt được quân ta như thế nào , cứ thấy đoàn người từ xa là chúng la hét tản ra, những tên nào có súng thì bắn loạn xạ, thế là toán người của ta không ai bị thương vong, mà tản được hết xuống một cái thung lũng may mà trong đó có một cái hang để mọi người ẩn nấp, chỉ có điều là bị quân tàu bao vây trên sườn núi mất gần 10 ngày, chỉ khi tàu rút quân thì mới được giải thoát, nhưng lúc đó thì đa phần đã mệt và đói lả vì chỉ được ăn sắn mà ban đêm các thanh niên mò ra nương rẫy gần đấy đào về để ăn, chính trong hoàn cảnh ấy người quen của gia đình tôi là Cô Phương đã sinh ra một bé gái, cô bé này tên là Lan, hiện đang công tác ở Học Viện Y học Cổ truyền - Phùng Khoang - Hà Đông, nay cứ đến ngày sinh nhật của cô bé thì mọi người lại nhắc đến những ngày chạy tàu gian khổ, thương đau. Lại nói về toán người thẳng tiến ra đường cái, vừa đi vừa chạy, trong toán cũng có mấy chị em và mấy cụ già yếu, những người này được mấy anh bộ đội đi cùng đoàn người và các thanh niên khỏe cõng chạy, chạy được khoảng 1km thì thấy phía trước có một toán lính mặc quần áo rằn ri , cầm súng đứng chắn giữa đường, bỏ mẹ, gặp bọn sơn cước tàu rồi, mọi người khựng lại, bỗng có một anh lính kêu to lên rằng : Đặc công của ta đấy, nếu là bọn sơn cước thì mũ của chúng không phải như thế, tiếp tục tiến đi, quả đúng như vậy, khi đến gần, mấy anh lính đặc công ra chặn đoàn người và khuyến cáo không nên liều lĩnh đi qua vùng này vì chiến sự đang diễn ra rất ác liệt ở Km8 và ở Bản Tấn (trên đường vào Nguyên Bình, cách thị xã 8km ), nhưng đã đến nước này thì một hai cũng phải liều thôi, vả lại theo tính toán thì ta vẫn đang chặn đánh chúng ở Km8, còn trước mặt là ngã ba Km13 rồi, chắc là ta chưa thể để chúng tiến thêm 5km nữa trong ngày hôm nay, mấy anh lính đặc công sau khi khuyến cáo thấy mọi người quyết tâm đi tiếp thì cũng mở đường cho đoàn người và nói mọi người nên thật nhanh mà rút về hướng Tài Hồ Sìn, chúng tôi vội vã tháo chạy ra ngã ba Km13, trên quãng đường gần 1km chúng tôi gặp và đếm được khoảng 7 chiếc xe vừa ba đình vừa Hải âu trở toàn lính đặc công mặc áo và mũ rằn ri gọn gàng, súng AK báng gấp, băng đạn gộp hai, lựu đạn quanh người, vừa xuống xe là quẳng ngay ba lô chất thành từng đống, vội vã chạy theo đội hình từng xe một tiến ngay ra hướng đường cái, cũng có toán chạy tản lên những điểm cao gần đấy bắt đầu đào công sự, đoàn người chạy lẫn vào các anh bộ đội đặc công hướng ra đường cái, lại thấy mấy xe tải chở rất nhiều quan tài đỏ chói đổ đống xuống vệ đường, đã có những chiếc xe chở thương binh, có cả liệt sĩ đi đến, các quân y tấp nập làm việc, chúng tôi vừa nhìn vừa cắm cổ mà chạy, tôi và anh tôi thay nhau cõng mẹ vì mẹ tôi rất yếu. Nhìn thấy cảnh các anh lính đặc công còn trẻ măng hăng hái khẩn trương chạy ra chốt đánh nhau với quân xâm lược ở kim8 trong lòng mọi người lúc đó chắc chắn rằng đều dấy lên những tình cảm đặc biệt thân thương và biết ơn coi họ như những anh hùng cứu tinh cho mọi người. Thế mà cũng có khối anh còn đủ thời gian để cuốn những điếu thuốc lá sâu kèn mà người dân vừa đưa cho để hút trước khi dấn thân vào chỗ sinh tử. Nhìn các anh mà rất nhiều người không cầm được nước mắt, sau này về đến Km27 Tài Hồ Sìn thì mới biết đó là tiểu đoàn 45 đặc công vừa được điều từ Quân khu lên phối thuộc với bộ đội ở Cao Bằng chặn hướng tấn công của quân tàu về Bắc Kạn. Trận đánh ngày hôm ấy chính là trận mở màn của lực lượng này, trận ấy ta đã kìm chân được chúng suốt 3 ngày tại khu vực km8 và xã Đề thám....

Đoàn người chạy ra đến ngã ba Km13 ( bây giờ bác nào đi lên Cao bằng qua đường Bắc Cạn khi đi đến gần thị xã cách 13km sẽ nhìn thấy cái ngã ba ấy ) đã thấy rất nhiều bộ đội của ta đang hối hả tổ chức phòng ngự hai bên đường, phía trên mấy quả đồi bộ đội ta đào công sự đất mới đỏ au, trong công sự các anh bộ đội đang trong tư thế chiến đấu với các vũ khí AK, trung liên, Đại liên và cối,B41.. ở phía Km8 tiếng súng vẫn nổ ran, từ hướng đó có rất nhiều xe chạy về đa số là chở thương binh, liệt sĩ. Bên vệ đường có một đám đông bộ đội ta trong đó có rất nhiều sĩ quan ( đeo súng ngắn ) đang hỏi cung hai thằng Tàu bị ta bắt ở Bản Tấn giải về đây, một thằng nữa đang bị thương nằm quằn quại dưới đất, thằng này bị thủng một mảng bụng, mỡ bụng vàng khè lòi cả ra..Chứng kiến cảnh chiến tranh mới thấy sự khủng khiếp của nó. Đang lơ ngơ quanh quẩn tìm nhau thì nghe tiếng chíu chíu rít lên từng hồi và tiếng nổ chát chúa ngay trên quả đồi có công sự của ta vừa đào, tiếng hô nằm xuống, tiếng ra lệnh hỗn loạn, đoàn người lúc này không còn chờ nhau nữa mạnh ai người ấy chạy về hướng phía trái ( về sau tôi mới biết những tiếng chíu chíu ấy là loại súng H12 của quân tàu từ Cao Bình bắn vào quân ta ở Km8 và Km13 ). Cũng may mà tất cả đoàn người đều không ai bị thương và đều chạy xuôi về Tài Hồ Sìn được cả. Từ Km13 đến Tài Hồ Sìn còn khoảng 8-9 Km nữa, lúc này thì chúng tôi coi như đã thoát được ra khu vực an toàn rồi, đường đi bây giờ là đường cái, không phải trèo đèo lội suối nữa, cái ăn cái uống đã có thể mua được. Trên đường từ Km13 đến Tài Hồ Sìn có rất nhiều dân sơ tán cũng như chúng tôi từ những đường mòn xuyên rừng cố lết được ra đến đường cái, lẫn trong các đoàn người cũng có rất nhiều bộ đội quần áo tơi tả, mặt mũi đen nhẻm vì khói lửa thuốc súng, trên người không còn vũ khí mà người nào cũng chỉ còn một quả lựu đạn, các anh bộ đội này kể rằng họ đánh trận ở Km5 Đề thám, quân tàu đông quá, bắn không xuể, hết đạn, ném hết lựu đạn, xông ra đánh tay bo và bỏ chạy rút lui, chết cũng nhiều..Đang vừa đi vừa hỏi han nhau thì mẹ tôi bỗng nhận ra hai anh bộ đội đi đằng trước là hai thằng cháu mình, người ở xã Đồng quang, thành phố Thái Nguyên, lúc đó tôi cũng nhận ra hai ông anh họ, trời ạ, trông như hai thằng quỷ đói, mặt mũi như không có hồn nữa, hai anh đi không vững, hỏi ra thì mới biết nhịn đói đánh nhau từ chiều hôm qua, Mẹ tôi vừa khóc vừa lấy bánh Khảo còn dự trữ được cho hai anh ăn, vừa thấy cái ăn hai anh như vồ lấy nhai ngấu nghiến, tôi phải đưa vội cho hai anh bi đông nước uống , cái thứ bánh khảo này mà ăn vội lại không có nước thì chỉ có chết nghẹn. Sau khi hoàn hồn, hai anh mới kể Tiểu đoàn pháo phòng không 37ly của các Anh ( trước khi xẩy ra chiến tranh đóng ở các điểm cao án ngữ đường bay vào thị xã - hồi ấy tôi cũng thường xuyên đến chơi ) vì không có máy bay địch tham chiến nên được điều về phòng thủ tại Km5 xã Đề thám, đến hôm kia thì bị cánh quân tàu từ Hòa an kéo tới đánh trực diện vào tiểu đoàn, lúc đầu quân ta còn dùng súng cá nhân để phản kháng lại, về sau hết đạn AK, quân ta mới hạ nòng pháo 37ly xuống ngang tầm người và nhả đạn 37ly vào quân thù, vẫn chỉ là muối bỏ bể, hết cả đạn 37ly, lệnh ban ra là các khẩu đội trưởng tháo thước ngắm và cơ bẩm pháo rồi cho phép rút chạy, ai chạy hướng nào mặc ai, miễn là đừng có để kẻ thù bắt được. May mà hai ông anh họ của tôi chạy vào rừng và vòng về hướng Tài Hồ Sìn nên không vướng giặc. Lên đến đỉnh đèo Tài Hồ Sìn thì thấy phía trước dòng người bị ùn lại, bố tôi chạy lên xem sao , về bố tôi nói là có một barie của quân đội, hình như là một trạm thu dung, thế này thì hai anh này không được thoát về nhà rồi, theo ý của họ thì họ muốn chạy về nhà đã, sau đó mới quay lên trạm thu dung để về đợn vị mới. Thế là hai anh lấy quần áo của anh trai tôi mặc vào, nhảy đại xuống vệ đường và mất hút vào rừng cây rậm rạp, chắc là hai anh này lủi vòng qua trạm thu dung này để lỉnh về nhà ở Thái nguyên...

...Lúc này đoàn người đã không còn tập trung đi theo đoàn nữa mà di chuyển theo từng gia đình một, vì đường cái đã rộng thênh thang hơn và sự nguy hiểm không còn rình rập nữa, từ chỗ này vẫn còn nghe tiếng súng nổ nhưng không còn chát chúa và ghê rợn như lúc còn ở km13 nữa, lên đến đỉnh đèo Tài Hồ sìn thì quả là có trạm thu dung thật, tất cả các anh lính không phân biệt đơn vị nào, không phân biệt lý do nguyên nhân chạy đến đây đều phải tách riêng ra và được đưa vào mấy cái trại dã chiến để biên chế lại hoặc bổ xung vào đơn vị mới. Hai ông anh họ tôi quả là cao kiến, chắc giờ này đã té chạy qua Tài Hồ sìn rồi cũng nên. Nhìn các anh lính mặt mũi buồn thiu theo các sĩ quan về trại dã chiến, dân ai cũng mủi lòng, nhưng biết làm thế nào được, chiến sự đang ngày càng ác liệt. Từ đỉnh đèo Tài hồ sìn có thể nhìn thấy những dãy núi bao quanh thị xã Cao Bằng bị bao phủ bởi những màn khói súng, còn nhìn thấy cả những đường đạn lửa vạch chéo nhau và những tiếng nổ ì ầm, chắc là ở khu vực thị xã chiến sự vẫn đang giao tranh. Tất cả những ai là dân thị xã đều bùi ngùi nhìn về hướng đó với một suy nghĩ là không biết bao giờ được trở lại. Ngày hôm đó là 26/2/1979, thị xã Cao Bằng thất thủ được hai ngày, Quân tầu bắt đầu tập trung các cánh quân đánh xuống Tài Hồ Sìn. Tối hôm đó, sau gần 10 ngày , gia đình tôi mới có được một bữa cơm nấu nướng một cách kỹ càng và đàng hoàng và được ngủ một đêm không hoảng loạn, mặc dù Tài hồ sìn cách nơi chiến sự chỉ khoảng 9-10 Km. Lúc này các bãi rộng ở xung quanh Tài hồ sìn đã chật kín dân đi sơ tán chờ đến sáng hôm sau tiếp tục di chuyển về Bằng khẩu qua đèo Cao Bắc....

Đêm ấy, bọn choai chúng tôi được tự do thả cửa đi lại thăm thú nhau và ngồi nghe kể chuyện về cuộc chiến đã trải qua hơn 10 ngày qua.

Chuyện về Hang Pác bó bị quân bành trướng phá sập, chả là từ năm trước, 1978, bên chính quyền Trung quốc đã hậm hực với ta về vấn đề Campuchia, vấn đề người hoa, vấn đề biên giới nên chúng đã tìm mọi cách phá hoại không ra mặt ta ( ta vẫn gọi là ném đá sau lưng ), chúng đã lén vượt biên sang các bản của ta để kích động lôi kéo các dân tộc thiểu số làm nội gián cho chúng, chúng còn cho một số bộ đội biên phòng giả làm bọn đầu trộm đuôi cướp phục kích những chỗ mà cán bộ ta hay đi lại để bắt cóc đem về khai thác gây hoang mang giao động , chúng còn đêm khuya hò nhau ra di chuyển cột mốc vào sâu trong đất ta mấy chục mét, các con sông con suối mà nhất là con suối Lê nin chảy từ Hang Pác bó ra ( nó bắt nguồn từ Trung quốc chảy ngầm qua hang đổ về đất Việt Nam ), chúng cho chặn nguồn chảy sang hướng khác, thế là có một dạo suối Lê nin cạn trơ đáy. Mấy ngày qua, ở mặt trận Thông nông - Hà Quảng, quân bành trướng bị ta choảng cho thiệt hại đau đớn, cỡ vài trung đoàn đã bị ta cho hành quân xuống âm phủ, vài chục chiếc xe tăng cái thì tung xác ra từng mảnh, cái thì lật tung tháp ngửa pháo lên trời, cái thì cháy sém chui vào bụi tre.., thua đau, chúng điên cuồng đốt phá để trả thù, mới đầu chúng còn thực hiện tuyên truyền dân vận nào là Quân đội trung quốc sang chỉ để dạy cho bè lũ tiểu bá Lê Duẩn một bài học, nào là ai bộ đội cụ hồ, con cháu Hồ chủ Tịch thì Bộ đội Trung quốc sẽ không bắn, không bắt..vv.. đến khi bị các con cháu Bác Hồ quật lại cho tối tăm mặt mũi thì chúng mới lộ nguyên hình là quân kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam : đốt tất, phá tất, giết tất.. kể cả di tích lịch sử nơi Bác Hồ từng lấy làm nơi ở là Hang Pác bó, một di tích không những cả nước Việt Nam trân trọng mà cả loài người trên thế giới đều muốn đến thăm và chiêm ngưỡng, chúng cũng dùng bộc phá hạng nặng nổ cho sập, đúng là không còn tình còn nghĩa gì nữa, cạn tàu ráo máng, một hành động trả thù đê hèn.

Chuyện về Trung đội dân quân Nhà máy thủy điện Tà Sa, Nguyên Bình với lực lượng rất mỏng, trang bị vũ khí thiếu nhưng vẫn kiên cường đánh trả các đợt tấn công từ nhiều hướng của quân tàu : cánh quân từ Bản tấn đánh vào, cánh quân từ Thông Nông đánh sang, kiên quyết bảo vệ nhà máy, bảo vệ đập chắn nước ( một bộ phận quan trọng nhất của nhà máy thủy điện ), vấp phải sự chống cự mãnh liệt của Trung đội DQTV Tà sa, bọn tàu chỉ phá được mấy cái tua bin mà không thể phá được đập tràn và đường dẫn nước.

Chuyện dân xã Hồng Việt, Hòa an do không chạy kịp vào núi Lam sơn gần đấy nên bị chúng tàn sát thảm khốc, chị tôi tên là Chị Ngọc cũng bị chúng bắn khi đang ngồi nghỉ ở ven núi thấy chúng đến hoảng hốt ù té chạy, nhưng chưa chạy kịp đã dính đạn của chúng, mấy chục người gục ngã. Phải đến mấy ngày hôm sau dân làng mới mò ra đem xác những người này đi chôn được..

Chúng tôi ngồi nghe lúc thì thấy thích thú khi quân ta nện quân tàu tơi bời, lúc thì căm thù bọn tàn bạo bành trướng, đôi lúc cũng cảm thấy có chút rờn rợn..

Đêm đã khuya lắm rồi, ngoài đường cái vẫn ầm ì tiếng xe chở quân lặng lẽ vượt cầu Tài Hồ Sìn đi về hướng thị xã Cao Bằng và chiều ngược lại vẫn là những đoàn người chạy giặc lẻ tẻ kéo về Tài Hồ Sìn, tiếng gọi nhau í ới, ánh đèn pin thi thoảng quét ngang dọc, đây đó có một vài toán chạy đến khuya đang nổi lửa thổi cơm tạo nên một bức tranh về một thị tứ giáp vùng chiến sự trong đêm đông thật sống động...

có thể Tài Hồ Sìn lúc này là tâm điểm của mọi con đường dẫn về xuôi, và ngược lên vùng chiến sự. Suốt đêm các đoàn người gồng gánh, xe cộ tấp nập chui ra từ các cánh rừng sau những chặng đường luồn rừng lội suối chạy giặc tàu, đa số là dân thị xã và các vùng lân cận, rất ít người dân ở các huyện biên giới chạy được đến đây. Khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng gì đấy lại có một đoàn sơ tán lục tục kéo tới, toán này khá đông, tôi nằm trong chăn phủ kín đầu để tránh sương rơi nghe lõm bõm và hình như có tiếng nói rất quen thuộc, thôi đúng rồi, trong đoàn người này có một số thầy cô giáo của trường cấp 3 thị xã Cao Bằng, đấy, đúng là giọng của Thầy Sơn dạy Toán, không nhầm vào đâu được, tôi vùng dậy chạy đi đến chỗ thằng bạn và kéo nó đi đến chỗ nhóm các thầy cô đang tạm dừng nghỉ chân, trong bóng tối, sau tiếng " Chúng em chào thầy cô ", thày trò nhận ra nhau, mừng khôn siết, các cô còn e ngại, các thày và bọn tôi ôm chầm lấy nhau, vỗ vai nhau..Tôi nhìn thầy Sơn và các thầy khác thì ai cũng hoặc đeo hoặc kéo lê một khẩu súng CKC, thì ra, ngày 20/2/1979, sau khi cuộc chiến nổ ra được 3 ngày thì Ban chỉ huy QS ( thị đội ) đã cử người về trường cấp 3 đặt vấn đề trang bị vũ trang cho thầy giáo và học sinh của trường để tham gia lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ thị xã, nhưng lúc đó làm gì còn học sinh, mà chỉ còn một số giáo viên chưa có gia đình người dưới xuôi lên công tác hoặc xa nhà, đang còn nấn ná ở lại trường vì chưa có lệnh. Thế là các thầy được trang bị súng và tham gia vào DQTV tiểu khu Tam Trung, cũng tham gia đánh trả một vài trận, sau đó mạnh ai ấy rút vì không đủ lực, các cô giáo cũng bám sát các thầy giáo chạy đến đây. Đang chuyện trò hỏi thăm nhau về tình hình trường lớp, bạn bè... thì nghe có ai đó hô to : Yêu cầu nhân dân tiếp tục di chuyển về hướng Bằng Khẩu ngay trong đêm nay, không nên tập trung quá đông ở khu vực này, hiện đã có thông tin quân tàu đã áp sát và có thể bắn pháo vào khu vực này khi trời sáng.. THế là chúng tôi lại mỗi người một ngả, chưa kịp lấy nước cho thầy cô uống đỡ khát, cùng gia đình thu dọn chăn màn đồ đạc lên đường thẳng hướng đường cái về Bằng khẩu. Từ Tài Hồ Sìn về Bằng khẩu phải vượt qua đèo Cao Bắc, đèo này dài và cao, cua nhiều ( dài hơn 6km ).., trên đường đi thì gia đình tôi gặp lại hai ông anh họ đã trốn qua được trạm thu dung ở Tài Hồ Sìn, lúc này trên người hai ông anh không còn một thứ gì ngoài cái cơ bẩm của khẩu pháo, đi được một đoạn thì thấy một chiếc xe tải trở người sơ tán đi về , thế là hai ông anh hò nhau nhảy bám vào thành xe để chạy về nhà cho mau và mất hút vào màn sương tờ mờ sáng. Nhà tôi đi đến gần đỉnh đèo thì trời sáng hẳn. Mọi người hò nhau nghỉ đã, vì đi suốt đêm rồi, rã cả chân.., Lúc này, phía xa xa hướng thị xã đã bắt đầu ì ầm súng nổ rồi. Đang mệt mỏi, người thì nằm người thì ngồi, bỗng bố tôi chạy ra đường vẫy một chiếc xe Zin130 đang chạy về phía này, chiếc xe dừng lại và nhận ra người quen, hóa ra là chiếc xe của cơ quan bố tôi ( Ty Thủy Lợi Cao BẰng ), thế là không chờ gì nữa, cả nhà tôi được chuyển lên đi bằng ô tô và được trở thẳng về Bằng khẩu vào khu tạm trú của Ty Thủy Lợi đang dừng chân ( bố tôi là Phó phòng Hành chính, đang nghỉ phép thì đúng lúc chiến sự xẩu ra ). Thế là từ hôm đó tôi và gia đình không còn phải chạy bộ nữa và ngay ngày hôm sau thì được chuyển đến khu mà tỉnh chỉ định cho Ty Thủy lợi ở sơ tán tại Xã Nà Hoan, Huyện Bạch Thông, Tỉnh Bắc cạn. Chấm dứt hành trình những ngày gian khổ chạy tàu.

...Tôi cùng gia đình ở nơi sơ tán ( Nà Hoan - Bạch Thông - Bắc Cạn ) chừng khoảng hai tuần gì đó, trong những ngày đó cuộc sống rất thiếu thốn khó khăn mặc dù cũng đã được nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình, các cơ quan tổ chức của Tỉnh cũng bắt đầu hoạt động ở vùng sơ tán, ty lương thực đã bắt đầu mở cửa hàng bán gạo cho nhân dân sơ tán, mỗi gia đình được tạm mua 15 kg gạo và 10 kg bột mì độn, nhà nào cũng được mua vì đa phần các gia đình không mang được sổ gạo đi theo. Kho bạc tỉnh cũng bắt đầu cho Nhân dân ai đem được sổ tiết kiệm thì được rút tiền để sử dụng trong sinh hoạt..các gia đình ở tập trung tại nhà kho hợp tác hoặc các khoảng đất trống, vật dụng thiếu thốn, nhiều gia đình phải dùng chung nồi niêu xoong chảo, bát đĩa..Ban đêm tối om vì không có điện, không có chất đốt. Lúc này, tin tức từ chiến trận báo về : Quân Trung quốc đang tập trung quân từ các ngả về Tài Hồ Sìn rất đông, bên ta cũng có nhiều đơn vị được điều lên giữ và phòng thủ Tài Hồ Sìn, nhiều đơn vị tản mạn từ các trận địa được thu dung và bổ xung thêm các đơn vị mới cũng được đưa về Tài Hồ Sìn, lúc này ( khoảng 3-5/3/1979 ) khu vực Tài Hồ Sìn gồm Đèo Tài Hồ Sìn, thị tứ tài hồ sìn, Cầu đèo tài Hồ sìn cả hai bên đã tập trung một lượng lớn lính và khí tài quân sự để quyết một trận sống mái với nhau. Những ngày sau đó liên tiếp tin báo về là cầu Tài Hồ sìn đã bị ta đánh sập để cản xe tăng và xe cơ giới địch tràn về hậu phương của ta, bên ta có mấy trung đoàn bộ binh đã nện cho quân tàu một trận nên thân ở trên đèo Tài Hồ Sìn phía bên kia cầu hướng về thị xã... và chỉ sau đó một ngày (6/3/1979 ) mọi người loan tin phía Trung quốc đã tuyên bố rút quân, tất cả dân sơ tán mừng rỡ đón tin này, chắc là sắp được quay trở về rồi, ta đã thắng Trung quốc rồi...Nhưng cũng phải đến hơn mười ngày sau thì mới có tin là quân Trung quốc xâm lược đã cút khỏi hết đất ta

Ngày 6/3/1979 Bắc kinh tuyên bố đã thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra và tuyên bố rút quân, trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đều phân tích tình thế này của Bắc kinh : Có thật là Trung quốc đã giành được mục tiêu ban đầu đề ra không ? Mục tiêu ban đầu là gì ? Nếu ngon ăn thì tại sao lại dừng lại mà không thẳng tiến xuống hướng nam thôn tính luôn nước VN ?Có trời mà biết được. Chỉ biết rằng từ 1/3/2010, hướng Cao Bằng, quân chính quy của ta bay từ trong Nam ra đã tràn ngập thành phố Thái nguyên, tập kết tại đó và lên xe chuyển lên trận địa Cao Bằng, hồi đó tôi còn nhớ mang máng đó là quân của các sư 311, 322 - Quân đoàn 3, từ chỗ chúng tôi ở sơ tán, vì ngay gần đường nên hầu như ngày nào cũng ra đường xem quân ta hành quân ra chiến trường, thật là hùng dũng, lần đầu tiên thấy bộ đội chính quy "xịn", áo rằn ri, súng đạn đeo đầy người, anh nào anh ấy trông thật phong sương từng trải..rồi từng đoàn xe kéo pháo chạy qua mà cách xa hàng mấy km đã nghe tiếng gầm của chiến xa kéo pháo, cũng mang máng thấy các bác nói là pháo 175mm và pháo 105mm, rồi xe tăng chạy trực tiếp lên tuyến trên, xích sắt nghiền nát cả mặt đường...Lúc đó mọi người đều nói là thì ra bọn tàu nó biết ta đem quân tinh nhuệ vừa đánh cho pôn pốt phải chạy re kèn sang Thái Lan ra Bắc để quyết dạy lại cho chúng một bài học nên phải vội vã ra lệnh rút quân, chứ không thì còn nhiều ma bành trướng phải vơ vẩn trên đất VN nữa.

Khoảng 10 ngày sau, 16/3/1979 từ Tỉnh ban ra một thông báo : Quân tàu đã rút hết quân ra khỏi đất của ta, vì tình hình vẫn còn phức tạp sau chiến tranh cho nên các gia đình vẫn phải yên vị ở nơi sơ tán, để giải quyết vấn đề khó khăn của cuộc sống và theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tỉnh đồng ý cho mỗi nhà một người về thăm và xem xét nhà cửa, tranh thủ tận dụng những thứ còn sử dụng được nhất là lương thực thực phẩm, đồ dùng và giấy tờ cần thiết như sổ gạo, sổ tiết kiệm ...Nhà tôi, vì bố tôi là người lập danh sách những người được về của cơ quan Thủy lợi tỉnh nên được hai suất về, Bố tôi và tôi. Trước khi được về, mọi người phải được nghe phổ biến những điều cần thiết như : không đi lại lung tung, chú ý những nơi cắm cờ báo hiệu còn mìn, không nhặt và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vì những thứ này rơi rớt rất nhiều, đề phòng tàn quân tàu vẫn còn ở lại hoặc vì lạc đường, hoặc vì ở lại để tìm và đón đồng bọn về nước..và mọi người chỉ được ở lại một ngày rồi rút ra ngay.

Phải đến ngày 20/3, chờ cho bộ đội hóa học thu dọn và sử lý môi trường sau chiến tranh của thị xã xong, chúng tôi mới được lên xe tải của Ty Thủy lợi để trở về thị xã thăm lại ngôi nhà thân thương của mình, trong lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Xe chạy rất chậm vì đường sá đã bị các loại xe quân sự nghiền nát, vượt qua đèo Giàng xuống đến Nà Phặc thì gặp ngay một trạm Kiểm soát quân sự ( trước là trạm thu dung ) Các kiểm soát viên luôn luôn tay súng ra chặn xe lại, khi biết xe được tỉnh cho về thăm nhà thì họ mới nâng barie và không quên lên xe để phổ biến những gì mà chúng tôi đã được học trước khi lên đường. Xe tiếp tục chạy như bò lên đèo Gió, xuống đến Ngân Sơn thì dừng lại để mọi người ăn uống, Cả phố Ngân Sơn chỉ có lác đác vài nhà mở quán ăn phục vụ dân bản, còn lại cũng phải sơ tán lên núi đề phòng tàu nó đánh tới. Đến Bằng Khẩu thì khung cảnh hai bên đường mới thực sự là có chiến tranh, trên các mỏm đồi là các giao thông hào, công sự được đào mới đất còn đỏ quạch, các trận địa pháo được bày binh bố trận chĩa nòng về hướng đèo Cao Bắc và Tài Hồ Sìn, các lán trại dã chiến của bộ đội dựng rải rác...Xe đến Tài Hồ sìn ở bên này cầu thì trời tối, mọi người dừng lại nghỉ chờ sáng hôm sau vào thị xã, tranh thủ lúc còn sáng tôi đi ra tận đầu cầu Tài Hồ sìn để xem , Cầu bị phá sập xuống sông, mấy ngôi nhà của dân vẫn còn có cái nguyên vẹn, các ven đồi có rất nhiều hố pháo, hố cối chứng tỏ nơi đây đã xẩy ra một trận đánh khốc liệt

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: