Tu Chính Là Quyền Lực
– Vì sao nguyên thủ quốc gia cần đi tu?
Nguyên thủ quốc gia là một con người, đại diện cho dân tộc để lèo lái hướng đi, cho nên người này phải có đức tin. Đức tin sai lệch đưa dân tộc đi vào thảm họa, đức tin đúng đắn mang hòa bình và thịnh vượng đích thực. Tính chất cộng đồng có thể xóa bỏ cái gọi là chủ nghĩa dân tộc vì chủ nghĩa dân tộc đơn thuần vẫn còn mang tính cá nhân. Việc tu tập của nguyên thủ là hình mẫu cho cả cộng đồng noi theo, không chỉ áp dụng các phương thức hành xử bất bạo động trong nước mà còn đối với láng giềng, khu vực và thế giới. Tin tưởng vào khoa học, triết học hay tôn giáo là quyền của con người nhưng cho dù đó là gì, chúng cần phục vụ cho hòa bình và sự phát triển lành mạnh của nhân loại. Bất cứ phát minh, học thuyết hay loại tôn giáo nào đi ngược lại mục tiêu chung đó đều đồng nghĩa với việc chống lại loài người cần được xoá bỏ hay chuyển hóa. Nguyên thủ đi tu không có nghĩa là cạo đầu đi làm tu sĩ mà đi học, học suy nghĩ, học điều tiết, học hành xử... và nhất là học đức tin. Đức tin vào chánh pháp, các giá trị Phật giáo, chuẩn mực hành vi bất bạo động đều giúp ích rất lớn cho việc trị quốc. Dùng động từ trị quốc bình thiên hạ nghe có vẻ một chiều, có thể rơi và giáo điều hay nhồi sọ. Bất cứ cái gì mang tính giáo điều hay nhồi sọ đều không có kết quả tốt. Thay vào đó nếu cho rằng nguyên thủ lãnh đạo đất nước thì đất nước vẫn có thể lãnh đạo nguyên thủ. Vấn đề không phải ai lãnh đạo ai hay cái gì làm giá trị cho cái gì, mà nguyên thủ có thể đạt được tinh thần ôn hòa, nhã nhặn, bất bạo động và lãnh đạo bằng lòng từ bi. Cuốn sách "Trung Quốc không vui" minh chứng cho một nhóm người thích phẫn nộ, bằng chứng của sự sợ hãi và tinh thần tràn ngập bạo động. Những người như vậy đáng thương hơn đáng trách vì đức tin của họ đặt ở tận đâu đâu.
Nguyên thủ quốc gia thông minh sẽ không bao giờ nghĩ rằng, mong muốn rằng hoặc cố gắng gượng ép rằng mình sẽ thành siêu cường quốc về mặt nào đó của đời sống chính trị. Người lãnh đạo đất nước cần phải như thế nào được đề cập rất rõ trong cuốn sách "Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại" của Minh Thạnh, trong đó mười phẩm chất quan trọng nên thực tập để trở thành nguyên thủ thành công. Nhà lãnh đạo có thể cổ xúy và đi theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng phải suy xét cho kỹ điều chi có thể áp dụng được và điều nào không nên. Cái gọi là lời dạy không mang tính chất đúng sai, điều cơ bản là áp dụng lời dạy đó có thực sự đem lại hạnh phúc cho cộng đồng dân chúng hay không. Nếu áp dụng rập khuôn, không có uyển chuyển và đem ra nhất nhất quyết định thì thật không hay. Không có gì gọi là bất di bất dịch, tôn thờ những học thuyết hay ý thức hệ bạo động sẽ được đáp trả bằng bạo động. Đi tu một thời gian ngắn, nhưng nguyên thủ có thể thực tập khả năng bất bạo động và yêu thương ngay chính bản thân, đem tinh thần đó vào đời sống chính trị, đem nguồn an lạc cho đồng bào. Đối tượng của chính trị là con người, một thực tại sống động, đối tượng của chính trị không là học thuyết hay ý thức hệ, cho nên không phục vụ cho những cái gọi là giá trị mà hoàn toàn không gắn kết với con người.
– Vì sao người làm chính trị phải biết tu?
Nhà chính trị biết tu không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà văn hóa. Văn hóa bao gồm những hành vi ứng xử mà một cộng đồng, dân tộc hay quốc gia công nhận và thực hiện. Văn hóa ứng xử phù hợp đạo đức phản ảnh tinh thần đạo đức. Am tường văn hóa, nhà chính trị có thể đi vào lòng dân rất nhanh và trụ lại lâu hơn. Nói nhà chính trị là nhà làm văn hóa cũng không hề sai. Văn hóa phục vụ thể hiện nhà nước phụng sự quốc gia, hết lòng lo cho dân cho nước. Văn hóa phục dịch lại khác, nó chất chứa sự tập quyền, phong kiến và đàn áp. Tâm của nhà chính trị rất quan trọng. Tâm lòng dân sẽ vì dân mà làm, tâm vì bản thân sẽ phát sinh tham nhũng hay ăn hối lộ. Học hỏi và hành trì Năm giới Cư sĩ cùng với 14 giới tiếp hiện tạo điều kiện cho nhà chính trị không dính mắc vào bất cứ chủ thuyết nào, và nếu có bản thân sẽ biết chủ thuyết nào đáng làm và không đáng làm. Các động cơ chính trị phục vụ không phải cho đảng phái mà vì con người. Có khi đảng phải hy sinh các quyền được phép để cống hiến vì sự toàn vẹn của con người. Một chính quyền có thiện chí biết áp dụng văn hóa tu tập và ứng dụng nó vào mọi lĩnh vực chính trị. Đồng thời chính quyền này không ngụy biện cho những hành động như là để đạt lợi ích quốc gia mình lại đi chèn ép quốc gia khác. Không có hòa bình nào được định nghĩa bằng cách tạo dựng hòa bình cho đất nước mình thì phải đi gây chiến hay gây hấn với quốc gia khác. Sự sống không nằm trong phạm vi quốc gia A hay B mà tràn ngập trong không gian và thời gian. Sự sống khuyến khích chính quyền hết sức bảo vệ không chỉ vì đất nước mà còn vì thế giới.
Nhà chính trị nên tìm kiếm cơ hội được đánh giá. Trong doanh nghiệp có phương thức đánh giá 360 độ, theo đó người đánh giá bao gồm bản thân, đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng và các đối tác. Nhà chính trị được đánh giá bởi nhiều đối tượng khác nhau sẽ có khả năng hoàn thiện mình hơn. Nếu bản thân không hoàn thiện được, khó mà lãnh đạo đất nước. Nói như vậy để biết không có gì gọi là « chuyện nội bộ » của một quốc gia. Bất cứ chuyện gì xảy ra ở nước A đều có liên quan chặt chẽ đến hòa bình của quốc gia B, C, D... Bản thân tự đánh giá đã đành, nhà chính trị cần lắng nghe sự đánh giá của người dân, đồng nghiệp, đảng phái đối lập, các đồng nghiệp ở quốc gia khác và đảng phái chính trị khác. Việc đánh giá càng mạnh thì nhà chính trị biết cách thay đổi và làm mới mình. Nếu không có ai nói năng, không có phản biện gì, nhà chính trị sức mấy phát triển và cái mà họ tưởng là phát triển kia chỉ là ảo tưởng, hoặc phát triển theo chiều hướng xấu đi. Thực tập tôn giáo để biết lắng nghe mọi ý kiến trái ngược. Người vì nhân dân sẽ biết cách lắng nghe, sau khi nghe sử dụng lời ái ngữ. Lắng nghe và ái ngữ là hai thứ hành vi đầy quyền lực, đó chính là văn hóa. Nhà chính trị phát triển văn hóa thông qua quyền lực của mình khiến cho văn hóa phát triển rất nhanh, và nếu như loại văn hóa này không mang cho người dân khả năng tiếp xúc với hạnh phúc trong hiện tại, người dân sẽ khổ rất nhiều.
– Vì sao nhà ngoại giao phải thực tập lắng nghe và nói lời ái ngữ?
Nhà ngoại giao đóng vai trò là bộ mặt quốc gia, đại diện cho đồng bào đi xây dựng các mối quan hệ cũng như thúc đẩy tình hữu nghị của nước mình với phần còn lại của thế giới. Vì vậy nhà ngoại giao phải nghe và nói rất nhiều để làm thế nào có thể truyền đạt được thông điệp của nước nhà và nước bạn có thể hiểu. Khi làm việc với quốc gia khác, không đơn thuần là đem tiếng nói của một đảng phái mà thể hiện nguyện vọng của toàn dân. Hòa bình có mặt hay không là nhờ vào quyền năng lắng nghe và ái ngữ.
Lắng nghe đưa các nước đến gần với nhau. Nước này lắng nghe nước kia. Có nghe mới có hiểu. Nghe từ đầu đến cuối bằng chất liệu của hòa bình và quyết tâm kiến tạo hòa bình. Lợi ích của dân tộc mình được chú trọng nhưng lợi ích của dân tộc bạn cũng được chia sẻ cân xứng. Có thể nước bạn nói những câu mang tính chỉ trích và lên án, nhưng ngoại giao trước hết có nghĩa là nghe để hiểu vì sao nước này hừng hẫy như vậy. Sau đó, nói lời ái ngữ để giải tỏa những hiểu lầm, những điểm bất đồng và điều cần giải quyết. Nhà ngoại giao nói lời ái ngữ không bao giờ bị cho là nhu nhược hay yếu kém, mà lại là thể hiện của con người đầy quyết tâm, có trái tim và mong muốn hàn gắn. Không có hòa bình nào được xây dựng bởi việc không lắng nghe hay nói lời ác ngữ. Không có hòa giải nào dựng nên mà không bằng lắng nghe và ái ngữ.
Nhà ngoại giao có khả năng nghe được nhiều ý kiến khác nhau, dù hợp với định kiến hay không hợp với định kiến. Sứ mệnh của ngoại giao là làm bạn với tất cả các nước dù hợp hay không hợp này. Sứ mệnh của nhà ngoại giao là đảm bảo về hòa bình cho dân tộc mình và toàn thế giới. Lời nói ái ngữ tương đương với lời nói sự thật, tôn trọng sự thật và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự thật. Ngoại giao chân chính vắng mặt mọi lời nói dối và muốn nói thật phải học cách nói thật, tạo môi trường nói thật và đề cao sự thật. Hòa bình không có nghĩa là không có chiến tranh, mà hòa bình còn có nghĩa nuôi dưỡng tình thương bằng các chất liệu của sự thật.
Trọng trách nhà ngoại giao như một sứ giả và một quốc gia giỏi không bao giờ có kẻ thù. Mọi người đều là bạn bè và không phân biệt ý thức hệ. Tinh thần bất bạo động, tình huynh đệ, xây dựng hòa bình thế giới là kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao. Thương người, một nhà ngoại giao Việt Nam thương người Việt Nam là đương nhiên, nhưng nếu thương cả mọi dân tộc khác, tình thương này mới lớn. Các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và kinh tế có sự tương tức với chính trị, nên phụ thuộc về chính trị cũng là chuyện không phải bàn cãi. Nhà ngoại giao không biến sự phụ thuộc thành nô lệ, mà xem xét điều đó dưới khía cạnh của tình bạn. Thế giới cùng sống chung dưới một mái nhà, vẫn còn chỗ cho bạn bè của nhau, dù định kiến khác biệt nhưng tình thương không thể khác biệt.
Tinh Thần Bất Bạo Động – Hơi Thở Tinh Khôi
Tinh Thần Bất Bạo Động
– Vì sao quân đội và binh sĩ phải thực tập tinh thần bất bạo động?
Bất bạo động là tinh thần cao đẹp mà bất cứ người nào cũng cần thực tập, quân đội và binh sĩ càng phải thực tập nhiều hơn. Bất bạo động là hành vi giải quyết tranh chấp hoặc xung đột thông qua con đường đối thoại nhằm đi tới hòa giải hơn là sử dụng phương tiện vũ khí, binh đao và gây chiến. Thánh Ghandi từng cổ xúy tinh thần này. Bất bạo động hay không bạo lực tránh những cuộc đổ máu tương tàn và cứu được không biết bao sinh mạng con người, trong đó có trẻ em và phụ nữ. Người dân và thậm chí binh sĩ chết oan chỉ vì tranh chấp vùng đất, ý thức hệ, quyền lợi của cá nhân hay một nhóm người. Tấm lòng từ ái sẽ khiến con người chấp nhận và đến gần nhau hơn. Từ ngàn xưa, tổ tiên dạy con người buông bỏ khí giới, cùng sống chung trong cộng đồng và đoàn kết với nhau. Từ đoàn kết ở đây được dùng để chống lại nghèo đói, bệnh tật, thiên tai và vấn nạn ô nhiễm hơn là chống lại lẫn nhau, chống lại loài người.
Quân đội hay binh sĩ là những người được đào tạo nghe lời với mục đích bảo vệ đất nước, giữ gìn an ninh xã hội và trật tự công cộng. Tuy nhiên, dùng bạo động để giải quyết vấn đề sẽ đem lại bạo động mà thôi, và chỉ có bất bạo động mới tạo ra thế vững vàng cho việc gìn giữ kỷ cương, hòa bình khu vực. Hành vi bạo động chưa bao giờ chứng minh hòa bình thực sự trên Địa Cầu, ngược lại nó làm Địa Cầu thêm héo mòn, gầy guộc và khô đéc. Chừng nào trên cõi đời này, con người đi ngủ không cần khóa cửa, chiếc xe trước nhà còn gắn chìa khóa mà không mất mới có thể được gọi là có hòa bình. Nhưng con người biết cách chấp nhận tạm thời trong thời khắc hiện tại bằng cách nói không với bạo lực, cuồng tín, sợ hãi, thèm khát và hận thù. Chủ nghĩa tư bản hay cộng sản chưa thể chứng minh cái hay của học thuyết họ một khi họ vẫn còn đối đầu nhau. Một chủ nghĩa không đối đầu với bất cứ ai, cùng sống chung an lạc trên Địa Cầu, hoàn toàn không có kẻ thù, có thể gọi là chủ nghĩa bất bạo động.
Binh sĩ là người thực tập tình thương hơn bao giờ hết. Cái gọi là bảo vệ tổ quốc chính là xuất phát từ tình thương, vì tình thương nên hy sinh thân mạng bảo vệ người khác. Cuộc đời và thời thế phải đẩy người binh sĩ vào trường hợp ra chiến trận chiến đấu, đánh nhau, bị thương tật và hy sinh. Nhưng bản thân binh sĩ vẫn có hàng trăm cách khác để đấu tranh cho lý tưởng của mình, không hẳn chỉ là con đường ra mặt trận. Tự do mà mình chiến đấu là thứ tự do dính mắc, dính mắc quyền lợi, đòi hỏi nhu cầu và mong muốn đáp ứng. Tự do thực sự khi người chiến thắng được bản thân mình, bản thân đang tranh đấu xem mình có nên tìm cách thỏa mãn danh sách các nhu cầu hay không. Thế giới trải qua bao cuộc chiến chỉ vì đòi quyền tự do, nhưng đến nay thực sự có tự do hay không. Tự do không mang lớp áo của buông thả và chết chóc, tự do chỉ có mặt khi con người thực sự bình an trong thế giới hoàn toàn không có bạo động và cùng chung sống an lạc với nhau.
– Vì sao cảnh sát phải biết xá chào phạm nhân?
Đạo Phật không hẳn là tôn giáo mà là nền giáo dục, nên Phật giáo dành cho tất cả mọi người, cảnh sát và phạm nhân cũng không ngoại lệ. Phạm nhân phải xá chào cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng phải biết xá chào phạm nhân. Công việc của cảnh sát là khống chế các phần tử bạo động, điều tra và bắt giam các đối tượng nguy hiểm, đồng thời đảm bảo việc thực thi luật pháp của người dân. Cảnh sát dập tắt bạo động tức là xây dựng các hành vi bất bạo động, nhưng vị cảnh sát sử dụng bất bạo động dập tắt bạo động chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn cả. Phạm nhân đã phạm những tội ghê gớm và như là người thi hành luật nhân quả, người cảnh sát đưa họ ra xét xử và họ phải thụ lãnh án. Tuy nhiên, với các giá trị và tinh thần Phật giáo, người cảnh sát giáo hóa phạm nhân không bằng con đường trừng phạt mà bằng con đường cảm hóa và thương yêu. Không ai muốn trở thành phạm nhân hay tội phạm, vì đường cùng, vì sợ hãi, vì bị lôi kéo, vì bị đưa đẩy vào hoàn cảnh xấu, vì bị bức bách, vì nghèo đói, vì thất học, vì khổ sở, vì căng thẳng, vì thất vọng, vì tuyệt vọng, vì hoảng loạn... và đủ thứ cái vì khác mà họ rơi vào con đường phạm tội. Đặt họ vào hoàn cảnh tốt, giáo dục họ, giúp họ chuyển hóa những nổi khổ và làm lại từ đầu hơn là sử dụng các biện pháp trừng phạt bạo động. Thiết nghĩ án tử hình cần phải xóa bỏ, luật pháp ban hành để cho con người con đường sống sót và chuyển hóa hơn là chỉ trích, lên án và trừng phạt. Cho phạm nhân cơ hội được thương yêu thì bản thân họ được trị liệu và thay đổi nhiều hơn. Luật pháp chỉ biết trừng phạt chứng tỏ luật pháp rất yếm thế, thiếu giải pháp và quên mất mục tiêu của luật pháp là xây dựng tình thương.
Bản thân cảnh sát cũng có nhiều đau khổ. Công việc đôi khi bắt buộc họ phải bạo động. Sự căng thẳng và sức ép tâm lý lớn đến nỗi cứ tưởng chừng họ không thể kiểm soát được bản thân. Nếu thực tập thường xuyên và việc thực tập trở nên vững vàng, cảnh sát vẫn có thể là một vị cư sĩ thực tập các pháp môn Phật giáo thành công, đem lại nguồn an lạc cho bản thân, phạm nhân và xã hội rất nhiều. Cảnh sát sẽ gần gũi và thân thiện với dân hơn, dân không sợ cảnh sát và cảnh sát không sợ dân. Có người dân sợ cảnh sát như sợ cọp, cái sợ này khiến cho họ tìm cách đối đầu hoặc chống đối hơn là hợp tác. Cũng vậy, nhiều cảnh sát sợ dân gây ra các cuộc bạo động khiến bản thân phải hành xử những điều mà mình chắc chắn không muốn. Cảnh sát và người dân có sự tu tập thì ai cũng dễ thương. Khi hai bên ưu ái nhau thì cảnh sát và người dân dễ trở thành bạn bè và nếu đã là bạn, sẽ lắng nghe, nói lời ái ngữ và chỉ biết hợp tác mà thôi. Từ lâu tôi đã muốn viết một cuốn sách với đề tài « Người Cảnh Sát Dễ Thương », theo đó làm thế nào xây dựng hình ảnh chân thật rất gần gũi và từ ái với mọi người. Cảnh sát có nghĩa là giám sát và cảnh tỉnh, tức là phục vụ và cống hiến, không phải làm kiểm tra và bắt bớ tức là đòi hỏi và sừng sỏ.
– Vì sao các cựu chiến binh phải thực tập tha thứ và thương yêu?
Cựu chiến binh là những người trở về từ những cuộc chiến, những người trải qua những giờ khắc căng thẳng giữa sự sống và cái chết. Ám ảnh, sợ hãi, hối tiếc, đau đớn... là những bức tranh đen đủi bám sâu vào thân tâm của họ. Nhiều người trong số họ sống những chuỗi ngày dài còn lại của cuộc đời trong thương tích, bệnh tật, tổn thương, hối hận và cả tiếc nuối. Điều quan trọng là làm thế nào giúp họ sống sâu sắc trong hiện tại, thực tập tha thứ và thương yêu. Hình ảnh đồng đội bị chết trong tích tắc, các cuộc thảm sát đẫm máu, các căn bệnh đeo đẳng triền miên... Chắc chắn trong thời gian này họ thật sự kiên cường và dũng cảm, nhưng khi trở về nhà từ nơi ác liệt, họ đối diện với điều ác liệt hơn nữa: đối diện với chính mình. Họ sợ hãi và căm thù, có người sống khép kín nhưng cũng có người trở nên không làm chủ được mình.
Thực tập tha thứ cho bản thân, cho những gì mình chứng kiến, cho đảng phái mình phục vụ và cho đảng phái mình chống đối. Tất cả những điều này đè nặng lên đôi vai người cựu chiến binh, oằn họ xuống và làm khó cho họ. Nếu buông bỏ tất cả mọi thứ kia chỉ bằng một biện pháp duy nhất là tha thứ, họ sẽ làm mới được mình rất nhanh và bắt đầu sống dễ chịu trong hiện tại. Quá khứ dù mất mát hay đau đớn cũng đã là quá khứ, bây giờ là lúc mình đang thực sự sống, vậy thì tại sao phải dính mắc vào quá khứ. Quá khứ có quyền được tôn trọng và gìn giữ, nhưng không bị kẹt vào trong quá khứ. Thử thách lớn của cựu chiến binh không phải là đối diện với quá khứ mà đối diện với thực tại. Thực tại là vào lúc này họ có hay không khả năng tha thứ cho bản thân, trở về sống trong yêu thương của phút giây hiện tại.
Tha thứ là nuôi dưỡng tình thương và chỉ có tình thương mới có đủ khả năng hàn gắn mọi vết thương trong thân và trong tâm. Gia đình và bạn bè có thể là những đối tượng mà các cựu chiến binh hướng tới. Nhiều người tìm đến công việc, công tác xã hội, công tác từ thiện hay trở về nghề nghiệp của mình. Tham gia khóa tu dành cho cựu chiến binh để thực tập các phương pháp thiền, thực tập chánh niệm và tiếp xúc niềm vui trong hiện tại. Họ có quyền nói lên các tâm sự và chia sẻ của mình. Chỉ mới nói thôi họ đã vơi đi phần nào những đau khổ, và sau đó thực tập các pháp môn khác giúp bản thân được an lạc và thanh tịnh trở lại. Môi trường xung quanh đang lắng dịu cũng như năng lượng tu tập của tăng thân xung quanh. Con người có khả năng tự chữa trị rất lớn những vết thương trong thân và tâm. Ngồi lại với nhau, nghỉ ngơi và quay về với chính mình, mình có thể nhận diện, ôm ấp và xoa dịu mọi khổ đau. Tha thứ cho bản thân sẽ tha thứ được người khác, yêu thương bản thân sẽ yêu thương được người khác. Các cựu chiến binh xứng đáng được yêu thương và vượt qua các chướng ngại sau cuộc chiến. Hạnh phúc khi bình yên đến từ tâm, không phải từ chiến thắng quân địch ở chiến trường hay khả năng dồn nén những cảm xúc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top