54: trần thị hiếu chi

Tiệm thuốc Minh Nghĩa nom bình thường như bao tiệm thuốc khác: nằm ép bên đường quốc lộ, bị kẹp giữa một quán cà phê và một cửa hàng quần áo nhưng lại nổi bật nhờ biển hiệu được thắp sáng bằng đèn huỳnh quang trắng. Lối vào mở toang, hai bên dán đủ loại áp phích quảng cáo các thứ thuốc bổ và thực phẩm chức năng, chiều rộng bị choán nửa bởi cái tủ trưng bày bằng kiếng. Đứng đằng sau tủ là một cô gái mặc áo blouse trắng đang ngáp vặt.

Bắt gặp Thúy và Kim trờ tới, cô ta ngồi thẳng lên, nhoẻn miệng cười:

– Tìm gì mấy em?

Thúy tự nhiên thấy lúng túng:

– Dạ em... cần gặp chú Nghĩa. Chú Gia Nghĩa ạ.

Cô gái ngạc nhiên:

– Mấy em cần gặp chú Nghĩa làm gì?

– Dạ tụi em... Tụi em là cháu bạn học cũ của chú ấy...

Cô gái ngần ngừ một thoáng, rồi quay người ra sau hét tướng:

– Chú Ba ơi chú Ba! Có mấy đứa nhỏ muốn tìm chú kìa!

Tiếng dép lẹp kẹp đáp lời cô gái, theo sau là một người đàn ông trung niên với mái tóc muối tiêu bờm xờm nhô ra từ lối dẫn vô nhà sau hiệu thuốc. Ông sửa sang lại áo blouse, càu nhàu:

– Làm gì mà hét toáng lên vậy Thiều? Chú đã dạy rồi, thuốc không kê đơn để ở tủ trước, bên trái là tai mũi họng, rồi tới...

– Không phải chú ơi. Mấy nhỏ này nói là quen gì với bạn học cũ của chú ấy.

Ông Nghĩa nhìn hai đứa con gái, ngờ vực:

– Bạn học cũ? Là ai cà?

– Dạ... Con là cháu của bác... Nguyễn Văn Thắng ạ... – Thúy chôm luôn "ông bác" của con Tố – Bác Thắng vừa mới mất, nên tụi con muốn sưu tập những kỷ niệm lúc sinh thời của bác.

Ông Nghĩa nhíu mày:

– Nguyễn Văn Thắng nào cà...

– Dạ, bác Nguyễn Văn Thắng từng học các lớp 10B1, 11B1 và 12B1 chung với chú hồi thập niên 80 đấy ạ.

Thúy khác với Tố. Nó tự tin vào hiểu biết của mình về các vong hồn cõi âm, nên chẳng lo chuyện nó có thể đang "trù ẻo" người sống. Khổ nỗi, sự bất cẩn này xem ra đã hại nó.

– Nhưng Nguyễn Văn Thắng đó đã qua đời mấy năm trước rồi mà? Tôi có đi dự đám tang đàng hoàng.

Thúy như bị một cục gạch phang vô đầu. Nó đứng ngáp ngáp như con cá mắc cạn trong khi ông Nghĩa cau mày nhíu trán.

– Phải không nhỉ?... Chà, đám tang thì dự cũng nhiều, sợ nhớ không trúng...

– Ủa... Vậy hả chú? – Thúy vờ kêu – Vậy mà con tưởng chú không biết. Nói thật với chú, con không phải cháu ruột của bác Thắng. Con là con gái của... người tình cũ của bác ấy. Chính con chỉ gặp mặt bác ấy có một hai lần, nhưng con thấy bài viết của bác trên Facebook kể về những kỷ niệm về trường, cảm động ghê luôn.

Nói thật con Thúy không phải là một đứa nhanh trí, nhưng nó có ưu điểm là không dễ bị gãy đổ trước sóng gió phong ba. Bị ông Nghĩa ngáng cẳng, nó không thối lui mà đâm đầu nhào theo luôn. Dĩ nhiên nó không ngu đến mức không nhận ra màn tấu hài nó phịa trong vòng hai giây nghe ngớ ngẩn còn hơn cả câu chuyện trước thầy hiệu trưởng của con Tố, nhưng chỉ cần ông Nghĩa không liệng nó ra đường thì tức là nó còn có thể cứu vãn được tình thế.

Ông Nghĩa vỗ vỗ trán:

– Facebook à? Chú không có Facebook, nhưng...

Chớp lấy thời cơ, Thúy lật áo lấy ra bản photo hình tập thể lớp, chìa ra cho ông ta:

– Đây là những tấm hình con in ra từ "dòng thời gian" của bác Thắng. Chú coi, bác ấy đứng kế cô Ngô Thị Hảo chủ nhiệm này nhé. Bác ấy kể nhiều điều về nhóm bạn của cô Trần Thị Hiếu Chi, trong đó có chú nữa. Bác bảo nhóm này vô cùng cá tính, tài giỏi, và cô Hiếu Chi là một trong những học sinh nổi trội nhất trường, ngay cả lớp trưởng như bác cũng đem lòng thán phục.

Nét mặt ông Nghĩa có phần dịu đi khi nghe nói tới tên Hiếu Chi. Ông cầm lấy tấm hình, mắt mở to khi nhận ra lớp học quen thuộc. Rồi ông bật cười:

– Hồi đó thằng Thắng đâu có thân gì lắm với con Chi và nhóm bọn chú. Hóa ra lại là người hâm mộ thầm cơ ấy.

– Dạ. – Thúy gật đầu – Bác ấy còn có lần bỏ thư vô hộc bàn cô Hiếu Chi để... tỏ tình nữa ạ.

Cái đòn này, con Thúy từng nghe ba nó – trong những cuộc đánh xì phé với mấy ông hàng xóm – kêu là "bắt tháu cáy". Tức là huênh hoang những điều lố bịch nhất, những điều ít ai trên đời dám huênh hoang trừ khi người đó nói sự thật, rồi bấm bụng khấn cho đối phương lọt lưới. Hiện giờ, nó thấy ông Nghĩa cười, khẽ lắc đầu:

– Trời ạ, có chuyện đó nữa. Đúng là con Chi từng được đủ thằng tỏ tình, nhưng... – Rồi ông hỏi dò – Con có mấy bài viết đó không? Cho chú coi xem nào?

– Dạ, con không có đem theo ở đây, với lại con nghe má con nói gia đình bác ấy đóng tài khoản rồi ạ. Tụi con cũng đang là học sinh Vĩnh Thoại, muốn hiểu thêm về sinh hoạt của học trò những thập kỷ trước...

– Thế mấy con tới đây mục đích để làm gì? Có phải định viết bài đăng báo tường, hay là...

– Dạ đúng rồi ạ. Đề tài của tụi con là các học sinh ưu tú những thập kỷ trước, rồi nghe má con kể lại má có quen một học trò cũ của trường con, rồi từ đó tụi con lần mò... đến đây.

Ông Nghĩa đứng ngẫm nghĩ một hồi, rồi nhún vai, quay mình nói:

– Thôi được, nói chung thì con cũng biết về lớp học xưa của chú. Ngồi ôn lại đôi chút kỷ niệm cũng chẳng hại gì. Mấy con vào đây.

Thúy phải cố lắm mới ngăn mình đừng thở phào một hơi lộ liễu, trong khi con Kim liếc sang nó bằng cặp mắt ngưỡng mộ, mặc kệ cái sự thật là lưng áo nó giờ ướt nhẹp mồ hôi. Lòng tự tin được bơm phồng gấp rưỡi, Thúy ưỡn ngực rảo bước đi trước, theo sau là con Kim vẫn chíu chíu hào quang thần tượng, và cuối cùng là ánh mắt thô lố của cô Thiều bán thuốc.

Ông Nghĩa bảo hai đứa nó ngồi xuống văn phòng bên trong, đoạn tặc lưỡi bảo:

– Phải nói những năm trung học phổ thông với chú vô cùng đáng nhớ. Cái nhóm mà mấy con nói tới không có tên, nhưng toàn khối hầu như ai cũng biết đến. Tụi chú cái gì cũng làm chung với nhau, tổ chức văn nghệ, dã ngoại, thể thao cũng đều do cái đầu Hiếu Chi nghĩ ra và bọn chú góp tay vào. Cô Hảo thỉnh thoảng lại mắng bọn chú là nghịch ngợm, vì nhiều khi các ý tưởng của bọn chú vượt hơi xa khuôn khổ bó hẹp của trường lớp. Mấy chuyện như mở "dây chuyền" kinh doanh bánh da lợn trong lớp, hay đóng giả ma hù chơi học sinh khác trong ngày Halloween đâu có hại gì, vậy mà bọn chú vẫn thường xuyên bị đồn thổi là chúa quậy trong khối. Các con biết không, lớp chú là một trong những người đầu tiên mang không khí Halloween tới trường đó. Hiếu Chi lấy cảm hứng từ phim điện ảnh Hollywood.

Thúy vểnh tai nghe ông Nghĩa trôi về dòng ký ức, muốn ngoác miệng ngáp một cái lắm nhưng nó phải cố giữ ý tứ. Nó chả quan tâm đám bạn ông này hồi đó làm trò gì, lấy cảm hứng từ Hollywood hay tự chiêm bao ra, nhưng đã vất vả tới mức này rồi, nó không muốn ông sinh nghi. Thế nên nó giả bộ gật gật đầu, tươi cười:

– Hay quá hén chú? Con thấy chú có nhiều điều tốt để nói về cô Hiếu Chi lắm.

– Thật ra con Chi không phải là hoàn hảo. Nó thuộc dạng dám nghĩ dám làm, hoạt động nào của trường cũng xung phong là người đứng đầu, người duy nhất đưa ra sáng kiến. Nếu gặp học sinh khác, chắc chắn đã không được ai đưa vào mắt. Thế nhưng Hiếu Chi lại thông minh, học giỏi nhất lớp, thường xuyên nhận lãnh giải thưởng, nên việc thầy cô và bạn bè chiếu cố cho những trò đầu têu của nó không có gì là lạ. Nhưng nó cũng đâu phải nghĩ ra toàn điều xấu đâu. Bên cạnh những trò chơi khăm các lớp khác, nó vô cùng tích cực quyên góp tiền bão lụt, lao động trồng cây...

– Kể cả chuyện dạy kèm cho học sinh yếu kém đúng không ạ? – Thúy đong đưa mồi câu.

Ông Nghĩa mỉm cười:

– Ờ, phải. Hiếu Chi đạt thành tích kỷ lục là làm "gia sư" cho nhiều học sinh yếu nhất lớp. Có lần nó dạy kèm tới năm đứa một lượt. Khủng khiếp!

– Chú có quen với những học sinh này hay không? Hiếu Chi có hay chơi với "học trò" của cổ không?

Ông Nghĩa ngần ngừ:

– Ờ... Thỉnh thoảng bọn chú rủ họ đi đây đi đó cho vui ấy mà. Nhưng mấy đứa đó học ít mà lêu lổng thì nhiều, tụi chú không dám cho thêm tụi nó cớ để xao nhãng bài vở...

– Nhưng mà tụi chú rất là thân với một người tên Trần Thị Lụa chứ hả?

Nghe tới đây, ông Nghĩa ngưng bặt, đôi mắt to cộ mở còn lớn hơn. Thúy ngập ngừng phân bua:

– Dạ... Bác con có nói về Trần Thị Lụa. Bác ấy bảo cô này rất giỏi vẽ tranh, thường xuyên trang trí băng rôn cho lớp. Con thấy cô ấy rất là nổi trội về khoản năng khiếu...

Ông Nghĩa nheo mắt vẻ khó chịu:

– Lụa đúng là một trong những học sinh trung bình mà Hiếu Chi kèm cặp. Cô ta giỏi vẽ vời nhưng lại yếu đều các môn. Tụi chú chỉ quen cô ta khi cổ đem tập vở qua nhà Hiếu Chi học, ngoài ra hai bên đâu có thân cận gì. Hơn nữa, người vẽ đẹp thì lớp chú có hàng đống.

Thấy thái độ của người đàn ông trước mặt bắt đầu kéo mây đen, Thúy liếm môi, thận trọng nói:

– Dạ, nhưng mà cô Lụa này có gì đó đặc biệt lắm. Con thấy cổ...

Thúy chưa nói dứt câu thì một chuyện không tưởng đã xảy ra: con Kim đột ngột đứng phắt dậy, mắt nó vẫn cắm xuống cái bàn kiếng nhưng những gì nó nói chẳng khác nào pháo tầm xa nã thẳng vô ông Nghĩa:

– Vào cái hôm nhà kho bị cháy, nhóm của chú và cô Hiếu Chi đã ở trong đó cùng với cô Lụa, rốt cuộc cô Lụa bỏ mạng. Nếu hai bên không thân nhau, có lý nào cổ chịu theo các cô chú vô trỏng?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top