Hồi ký Trần Văn Giàu - kỳ 5
Phần thứ ba
TỔ CHỨC LẠI XỨ UỶ
Dự kiến kế hoạch kỹ mấy rồi cuối cùng cũng thấy thiếu sót. Trong vụ vượt ngục Tà Lài của chúng tôi cũng vậy thôi. Khi vượt ngục chúng tôi đều nghĩ rằng và ít nhất là mong rằng, tuy thực dân khủng bố trước, trong và sau khởi nghĩa Nam Kỳ, là dữ dội nhất từ trước tới nay, nhưng, “cháy nhà cũng còn bờ tre”; thế nào rồi Xứ uỷ cũng được tổ chức lại sớm hay muộn, mạnh hay yếu. Cho nên bọn tôi dặn nhau là, trong hoạt động của mình, trước hết phải xem còn ban lãnh đạo nào không, xứ uỷ hay tỉnh uỷ, dù là lâm thời được tổ chức lại sau tháng 11 năm 1940. Nếu có thể, điều tra kỹ, rồi nhập vào đó hay liên lạc gắn bó, tránh mọi sự chia rẽ bao giờ cũng tổn hại (hồi 1933 khi tôi về tới Nam Kỳ thì trước đó vài tháng Xứ uỷ Nam Kỳ do đồng chí giáo Long làm bí thư, đã bị địch tóm gọn nên tôi với các đồng chí Nữ, Bang lập Xứ uỷ mới mà không lo sinh ra chia rẽ nghi ngờ nào). Bây giờ, sau một thời gian dài hoạt động, ở hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ, cả đồng chí Phúc, tôi và các đồng chí Tà Lài về, như nhau, đều không thấy dấu hiệu sống còn của một xứ uỷ, một tỉnh uỷ nào hết. Cho nên, cuối cùng, do tình thế bức bách, Phúc phải họp hội nghị đại biểu các “tỉnh uỷ” lâm thời của anh lập ra rồi, để bầu một xứ uỷ. Và tôi, cũng tựa như thế phải họp hội nghị đại biểu các “ban cán sự” thành và tỉnh của tôi dựng lên, để chỉ định một “ban cán sự miền Đông” nhằm lãnh đạo chung. Khi ấy, vào năm 1943, Phúc và tôi chưa gặp lại nhau tuy đã có hẹn trước, khi cần thiết thì lấy nhà bác hương trưởng Hoài (quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho) làm địa điểm liên lạc, ở đây sẵn có Khuy trong toán ba anh em Tà Lài vượt ngục trước tiên.
Việc phải đến, đã đến. Tôi từ U Minh về, đầu năm 1943, đã ghé nhà bác hương trưởng Hoài. Ông này ở cách nhà cha mẹ tôi không đầy mười cây số. Nhắc chuyện cũ là năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Sài Gòn xuống lục tỉnh thì cụ bắt đầu ghé nhà ông hương trưởng Ninh (là bố vợ, từ 1930, của tôi); ông hương trưởng Ninh đưa cụ Sắc qua bác Hoài, bác Hoài đưa cụ Sắc đi Bến Tre, v.v… Tôi đã qua nhà bác Hoài từ năm 1933. Lần này đầu 1943, ghé nhà bác Hoài, tôi được Khuy báo cáo hoạt động của anh ấy ở Mỹ Tho, Gò Công và một phần nào hoạt động của Phúc ở đồng bằng sông Cửu Long. Rồi, lên Sài Gòn, tôi bắt đầu theo dõi đồng chí Mười Thức, thợ giày thành phố, để giúp tôi hoạt động. Thức khi ấy là rể của ông Hoài, còn Khuy là con nuôi. Lên tới Sài Gòn, tôi lập ngay ban cán sự Thành, với ba đồng chí Oanh, Chí, Thức. Cả ba anh đều là công nhân lao động đã từng hoạt động cách mạng, suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, quen biết rất nhiều; vài năm nay các anh nằm im vì không được ai dẫn dắt. Từ năm ngoái sau khi tôi ghé nhà Bảy Trấn, ở đó mấy ngày, thì nhóm Phú Lạc có đi bắt liên lạc với nhiều đồng chí ở hai tỉnh Chợ Lớn và Gia Định, cả Tân An nữa. Liên lạc thôi chớ không tổ chức và hoạt động gì, nhưng nhờ đó mà, đầu 1943, sau Ban cán sự Sài Gòn, tôi đã tổ chức được Ban cán sự tỉnh Chợ Lớn, rồi Ban cán sự tỉnh Gia Định, tới Ban cán sự tỉnh Tân An, tỉnh nhà của tôi. Các đồng chí Hoằng (Tân An), Hoành (Chợ Lớn), Tổng, Công, Khương, Nỉ (Gia Định) hoạt động đắc lực. Tôi với tay đến Thủ Dầu Một, tìm được Văn Công Khai, thợ cúp tóc là một “đồ đệ” hồi ở Khám Lớn. Tới Biên Hoà, tôi liên lạc với Châu, nguyên là cán bộ đã từng hoạt động với tôi ở quận Càng Long (tỉnh Trà Vinh) từ năm 1933. Đồng chí Phải, cựu sinh viên đại học Đông Phương, khoá trước của tôi, nay ở Bà Rịa cũng hứa hoạt động trong tỉnh Bà Rịa và thị trấn Vũng Tàu. Chưa bắt được mối ở Tây Ninh. Thế nhưng bấy nhiêu “ban cán sự” đó nếu hợp tác với các “tỉnh uỷ lâm thời” của Phúc, đã đặt ra yêu cầu phải có một Xứ uỷ chính thức đủ danh nghĩa lãnh đạo các đảng bộ toàn Nam Kỳ. Mà, cho đến nay chúng tôi chưa thấy tăm hơi nào của một Xứ uỷ còn sống sót sau đại khủng bố 1940-1941. Phúc nhạy bén và bạo dạn hơn tôi; vì vậy mà anh tổ chức đại biểu hội nghị xứ ở Chợ Gạo tháng 10 năm 1943. Còn tôi, không biết phải e dè cẩn thận hay là không nhạy bén bạo dạn bằng, tôi quả thật sợ một cuộc đại biểu hội nghị xứ đông đảo bị lộ bí mật, bị địch tóm gọn trong lúc mới khôi phục, thì biết bao giờ mới vươn lên nổi. Cho nên tôi vắng mặt ở hội nghị Chợ Gạo. Tuy rằng lúc ấy tôi ở Phú Lạc chớ không đâu xa, từ Phú Lạc đi Chợ Gạo bằng xe đạp chỉ mất một buổi sáng. Vậy mà, anh em vẫn bầu tôi làm bí thư. Tôi cảm động biết mấy! Cơ sở của Phúc ở miền Trung, miền Tây là chủ yếu; cơ sở của tôi ở Sài Gòn và miền Đông [1] là thứ yếu; hai cánh hợp nhau thì có một Xứ uỷ chánh thức khá mạnh từ gần cuối năm 1943.
Bầu cử Xứ uỷ, là một thành công lớn, lớn nhất từ sau ngày vượt ngục Tà Lài. Tuy vậy, hệ thống và cơ sở Đảng ở toàn bộ Nam Kỳ vẫn còn là vấn đề lớn, rất lớn. Đi đôi với vấn đề tổ chức là vấn đề đường lối chính trị mà bọn tôi biết bao lần đặt ra nhưng chưa hề được giải quyết ổn thoả. Ổn thoả sao được, bởi vì, giỏi mấy mình vẫn là một địa phương thôi. Còn Trung ương[2] thì có những quyết nghị gì, mình hoàn toàn không biết.
Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng nhà bác hương trưởng Hoài, tuy bọn cầm quyền thực dân không đứa nào không biết là nhà cách mạng, nhưng thực tế là một nơi dung thân rất tốt của nhiều đồng chí: nhà ông ở xa trong vườn, từ lộ cái vào phải hơn cây số vườn dừa, trên đường vào có rất nhiều cầu qua mương, cầu bằng thân cây dừa, xe đạp qua phải dắt, trên đường vào toàn là nhà tá viên, bà con, ai coi bộ khả nghi thì người nhà lấy chày giã gạo gõ nhịp trên cối giã làm hiệu. Sau nhà bác hương trưởng là vườn, là dừa nước, là sông rạch chằng chịt, thoát ra một phút thì có trời mà kiếm. Tôi hay nghỉ ngơi, để viết sách, ở nhà bác hương trưởng ở Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, là vì vậy. Nơi đây, từ 1943 tôi tổ chức một “nhà in”, một “nhà xuất bản” in phát một số quyển như “Việt Nam trên đường độc lập”, “Rạng đông của dân tộc” thường ký tên là “Xuyên Vân Nhạn”[3], mà mục đích là giúp các đồng chí tuyên truyền chống “chủ nghĩa Đại Đông Á” của Nhật, chống “Chủ nghĩa Liên bang”cũng gọi là “chủ nghĩa Pháp Việt phục hưng” của Decoux. Gây lại tin tưởng vào tiền đồ của cách mạng Việt Nam.
Xác định đường lối cách mạng
Việc lập lại Xứ uỷ Nam Kỳ như vậy là đã xong về cơ bản; nói rằng làm xong về cơ bản nghĩa là sau khi đã gây dựng lại một số tỉnh uỷ lâm thời (theo cách của Dương Văn Phúc) và một số ban cán sự tỉnh hay thành (theo cách của tôi), vấn đề còn lại về tổ chức là các tỉnh thành phải lo gây dựng lại cơ sở của mình, tập hợp lại quần chúng vài ba năm nay bị rời rạc, tan tác. Xét ra thì việc lập lại Xứ uỷ tất nhiên là một việc khó mà tương đối dễ; bọn tôi có kinh nghiệm bản thân, riêng tôi đã từng thực hiện loại nhiệm vụ đó hồi 1933, thành công và thất bại ở những chỗ nào, đến nay tôi hãy còn nhớ kỹ như là nhớ chuyện ngày hôm qua; phần khác những đồng chí nào “kinh cung chi điểu”[4] thì thôi, chớ nếu đã đồng ý lãnh nhiệm vụ mới thì đều là những đồng chí từng kinh qua cấp uỷ của Đảng hay của hội, nhiều hay ít đều được quần chúng tin cậy. Khó mà dễ là như vậy.
Còn hai việc lớn nữa phải làm cho tốt, cho mau; một là phải nỗ lực làm sao cho Đảng ở Nam Kỳ, sau một thời gian tan vỡ, trở lại mạnh như trước, mạnh hơn trước, ngõ hầu theo kịp với tình hình thế giới và trong nước chắc chắn sẽ biến chuyển nhanh về hướng có lợi cho cách mạng. Việc này là bình thường, là thường xuyên. Hai là phải xác định đường lối cách mạng, xác định đặc điểm và triển vọng của tình hình, đề ra các nhiệm vụ cần kíp trên con đường chiến đấu của đất nước và của địa bàn mình phụ trách. Việc này, thoáng qua thì hình như là dễ, ta đã sẵn có đường lối chiến lược “cách mạng tư sản dân quyền” từ năm 1930 rồi kia mà, sau luận cương cách mạng tư sản dân quyền thì ta đã có “chương trình hành động” phổ biến từ 1932, được Quốc tế Cộng sản tán thành kia mà.
♦
Thật thà mà nói, Văn, bạn học tôi trường Stalin, Văn nay đã chết rồi, chết từ 1941, chết trong tay mật thám, thì không còn đồng chí vượt ngục nào có khả năng lý luận khá. Toàn là những tay hoạt động thực tiễn giỏi mà ít lý luận. Kể cả Phúc; Phúc kiên trì hoạt động thì ít ai hơn, ít ai bằng, nhưng ít đọc, càng ít viết, Phúc (Bà Rịa) thì học nhiều mà không hoạt động tích cực. Tây thì viết được mà chưa chịu ra. Nhiệm vụ vạch đường lối rơi vào tôi, túng quá phải gánh, không chối được, chờ liên lạc với Trung ương, chờ chỉ thị thì chừng nào mới có?
Tôi có ý thức rất rõ, có ý thức đầy đủ rằng, ngày nay lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc đã vào một thời kỳ mới, thời kỳ chiến tranh và cách mạng chắc chắn rộng hơn thời kỳ chiến tranh 1914-1918 và cách mạng vô sản sau chiến tranh đó. Đường lối đã vạch ra từ hồi 1930, 1932 nay đâu còn thích hợp nữa. Vậy phải có một đường lối mới thích hợp hơn. Trung ương hội nghị lần thứ VI họp ở Bà Điểm cuối năm 1939, đã bắt đầu đề ra một đường lối mới. Mà nay là 1943 rồi, không phải là 1939 nữa. Năm 1939, chiến tranh thế giới còn là chiến tranh giữa phe Đức phát xít và Pháp, Anh đế quốc thực dân. Nay chiến tranh đã mở rộng ra khắp thế giới tây đông, mà mặt trận chính là Đức, Nga, và nay Anh, Mỹ là tư bản chủ nghĩa, đồng minh của Liên Xô là xã hội chủ nghĩa. Pháp đã mất nước từ tay Đức. Hai ba năm trước, một mình Pháp thống trị Đông Dương, bây giờ Đông Dương bị Pháp và Nhật cùng thống trị. Thì đường lối cách mạng của Đảng ta phải như thế nào mới đúng? Đúng nghĩa là chắc chắn đưa đến cách mạng thành công?
Tôi hiểu rằng một cái Xứ uỷ cho dầu là cứng hơn, vững hơn bọn tôi mấy lần đi nữa, cũng không có quyền vạch ra đường lối cách mạng là đường lối của toàn Đảng, toàn quốc; cho nên xác định đường lối cách mạng phải là nhiệm vụ của Đại hội Đảng hay là của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các cấp bậc ấy mới có đủ quyền hạn. Nhưng ở Nam Kỳ bấy giờ không còn có cơ quan Trung ương cũng không còn có uỷ viên Trung ương từ sau những vụ bị bắt ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm và xung quanh cuộc khởi nghĩa 1940. Ngày nay nhìn lại thì thấy rằng mãi cho đến sau cách mạng tháng Tám, chúng tôi, không biết có nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ VIII – một cuộc hội nghị Trung ương có Nguyễn Ái Quốc tham dự[5]. Lúc đó chúng tôi cảm giác bơ vơ trong một thời cuộc cực kỳ rối và khó. Phải tự vạch đường mà đi hay là phải chờ đợi? Mà chờ đợi đến chừng nào? Chờ đợi ai? Trong lúc không thể dẫm chân một chỗ. Mà thời thế xem chừng như là cấp bách. Sau Stalingrad rồi! Người chiến sĩ cách mạng, đoàn thể cách mạng cần biết tự động, có sáng kiến, phải sáng kiến tự động giống như một sĩ quan cầm đầu một đơn vị chiến đấu đang cơn hỗn loạn ở chiến trường, đứt liên lạc với cấp trên và với tả hữu, tất phải tự động sáng kiến mà tiến thoái. Nhớ lại hồi 1933, Xứ uỷ cũ không còn, Xứ uỷ mới vừa thành lập, Trung ương không có, các bạn và tôi vạch lấy con đường mà đi; trong nhiều việc mới chưa có tiền lệ, như việc tranh cử hội đồng thành phố Sài Gòn, Xứ uỷ đã tự mình giải quyết đúng đắn, lần đầu tiên kết hợp bí mật và công khai, dám sử dụng các cơ hội hợp pháp để hoạt động cách mạng, nhờ đó một phần mà gây lại được phong trào quần chúng rộng lớn và sôi nổi ở Nam Kỳ. Bây giờ, mười năm sau, tình thế đơn độc thì giống mười năm trước mà tình hình chính trị của thời chiến ngày nay gay go hơn biết mấy! Nhưng rồi cũng phải tự vạch con đường mà đi thôi. May là, trong Nam, từ cuối 1939, đã có nghị quyết Trung ương lần thứ VI. Mà Trung ương hội nghị lần thứ VI họp trong lúc ở châu Âu đã nổ ra chiến tranh giữa Đức và Pháp, Anh, chưa có chiến tranh Đức - Liên Xô, Pháp chưa bại trận. Á Đông thì quân Nhật chưa vào Đông Dương, chiến tranh Thái Bình Dương chưa nổ ra. Bây giờ, 1943, thì tình hình khác xa hồi cuối 1939, chắc chắn là nghị quyết Trung ương VI còn có nhiều phần ứng dụng được, nhưng không đủ nữa. Thì làm thế nào bây giờ? Suy nghĩ nhiều, thảo luận mãi, chúng tôi, đi đến chỗ quyết định phải tự trao cho mình trách nhiệm vạch ra đường lối mà đi tới, đó là đường lối cách mạng do tôi đề nghị và tôi phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sai đúng của nó.
Trần Văn Giàu diễn thuyết tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 13.03.1946
(mít tinh về tình hình mặt trận Nam Bộ)
Phúc sau này lấy tên là Năm Đông[6], thấy tôi lúng túng nên đề nghị hãy lấy nghị quyết Trung ương thứ VI làm cơ sở của đường lối rồi thi hành châm chước theo tình hình mới, như vậy sẽ “hợp pháp” hơn. Văn và Phúc chỉ có hai người trong đám vượt ngục Tà Lài đã được biết nghị quyết ấy song cũng chưa bao giờ nghiên cứu cho thấu đáo, cho nên, học lóm, tôi chỉ biết vài nét đại cương; nay Văn chết rồi, còn Phúc thì quên ráo, trừ ra cái nhiệm vụ phải thừa cơ chiến tranh thế giới để làm cách mạng giải phóng thành công. Tìm kiếm mãi, tôi bắt gặp mấy đoạn chép tay nghị quyết VI ở nhà Prigorny (Trân[7] - Phú Lạc) giấu trên mái lá của chuồng trâu. Tôi hết sức cảm động khi đọc đoạn chót của nghị quyết, lời kêu gọi thống thiết toàn thể đảng viên cộng sản:
“ Các đồng chí! Thời cuộc hết sức nghiêm trọng, nhiệm vụ mà lịch sử phú thác cho ta rất nặng nề. Là những phần tử tiên tiến của giai cấp thợ thuyền và là những con cháu tinh anh tận tụy với công cuộc giải phóng dân tộc, chúng ta phải giác ngộ rõ cái sứ mệnh lớn lao ấy và đủ can đảm, đủ nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó.
Các đồng chí hãy xiết chặt hàng ngũ lại!
Muôn người cố kết như một!
Tiến lên thực hiện Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.
Tiến lên lật đổ ách đế quốc, tranh lấy độc lập, giải phóng tự do, bình đẳng, hoà bình, hạnh phúc…”.
Và kêu gọi thống thiết toàn thể đồng bào:
“Anh chị em đồng bào!
Dân tộc chúng ta đứng ở vào tình thế một còn một mất.
Là dòng dõi tinh anh của Trưng Vương, Triệu Ẩu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, lại là dân tộc đông nhất, dân tộc Việt Nam hãy mau mau đoàn kết lại, thống nhất Trung Nam Bắc, liên hiệp với Miên Lào và tất cả các dân tộc thiểu số khác dưới ngọn cờ Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, kẻ xuất công người xuất của, ra sức đấu tranh chống đế quốc chiến tranh và giải phóng các dân tộc Đông Dương ra khỏi đế quốc Pháp.
Chỉ có chiến tranh giải phóng mới thật là chiến tranh vì công lý, tự do”.
Đọc nghị quyết tháng 11 năm 1939, tôi chú ý đặc biệt đến một số tư tưởng mang nhiều tính sáng tạo so với luận cương cách mạng tư sản dân quyền (1930) và Chương trình hành động (1932), những tư tưởng đem lại nhiều gợi ý lớn cho tôi khi tôi phải đề nghị một dự thảo đường lối cách mạng cho Xứ uỷ 1943. Những tư tưởng gợi ý đó là:
“Đứng trong một tình thế ít nhiều khác với tình thế 1930-1931, chiến lược cách mạng tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới. Cách mạng phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mạng tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mạng điền địa thì không giải quyết được cách mạng phản đế; không giải quyết cách mạng phản đế thì không giải quyết được cách mạng điền địa. Các nguyên tắc ấy không bao giờ thay đổi được; nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mạng là đánh đổ đế quốc”.
Ngay khi đọc nghị quyết, tôi liền thấy rằng đây không phải là “các nguyên tắc ấy - cách mạng phản đế và điền địa song song, không tách, không cái nào thứ nhất, cái nào thứ yếu - không bao giờ thay đổi được”. Thực tế thì hội nghị Trung ương 1939 đã “thay đổi” nguyên tắc ấy, đã chuyển hướng chiến lược, trước là cách mạng phản đế và điền địa, nay là cách mạng dân tộc giải phóng, nhiệm vụ phản đế là “chính cốt”; không nói tách bạch ra nhưng cũng đã đủ rõ rằng cách mạng điền địa là thứ yếu, nhưng cần viết lại sao cho các đồng chí hiểu rằng dù nó là quan trọng lớn, lớn nào cũng không bằng cách mạng phản đế; đặt cách mạng phản đế làm “chính cốt” là cốt để tập hợp được lực lượng yêu nước của cả dân tộc đến mức cao nhất có thể được. Đúng là đã có thay đổi ở nguyên tắc chính. Nghị quyết nói rõ hơn nữa:
“Hiện nay tình hình có đổi mới. Đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa đến vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng. Đám đông trung tiểu địa chủ và tư bản bản xứ cũng căm tức đế quốc. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mạng, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”.
Lâm thời không đưa ra khẩu hiệu “tất cả ruộng đất về tay dân cày” nữa mà đưa ra khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của thực dân và của địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc”.
Bạo dạn lắm và rất đúng, rất hay. Về sau, tôi nghĩ rằng trên thực tế lịch sử, sự chuyển hướng chiến lược lớn của Đảng ta đã bắt đầu từ tháng 11 năm 1939, còn nghị quyết Trung ương VIII thì tiếp tục và hoàn thiện một sự nghiệp phát triển lý luận bắt đầu từ nghị quyết Trung ương VI. Năm 1943, sau khi lập Xứ uỷ, trong việc tự vạch một đường lối cách mạng, chúng tôi ở Nam Kỳ, đặc biệt là tôi, đã chịu ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc của nghị quyết Trung ương VI về sự xác định “nhiệm vụ chính cốt” của cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam. Giống như cái thời (1928-1929, khi tôi gõ cửa xin gia nhập Đảng Cộng sản Pháp) mà tôi “phát hiện” ra trong nghị quyết của Quốc tế Cộng sản đại hội lần thứ VI nhiệm vụ chiến lược cách mạng điền địa gắn liền với cách mạng phản đế.
Chưa hết cái sáng tạo của Hội nghị tháng 11 năm 1939, tại Bà Điểm. Nghị quyết còn nói đến vấn đề tính chất và hình thức của chính quyền cách mạng đã thành công. Nghị quyết rút lại khẩu hiệu “lập chính phủ Xô Viết công nông” mà đưa khẩu hiệu lập chính phủ cộng hoà dân chủ mang tính chất đoàn kết rộng rãi bao gồm nhiều thành phần xã hội ngoài công nông tuy là dựng trên cơ sở liên minh công nông.
Bạo dạn lắm; cũng là thức thời lắm!
Vấn đề Miên Lào được quan niệm một cách khác hơn hồi 1930, 1932 khi ra đời Luận cương chính trị vàChương trình hành động. Nghị quyết tháng 11 năm 1939 nói:
“Không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng lẻ, vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp về mặt chính trị, kinh tế và binh bị. Không thể có một bộ phận nào thoát khỏi nền thống trị ấy mà chẳng liên quan đến cả nền thống trị của đế quốc Pháp. Sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào xưa nay vẫn có sự độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình song sự tự quyết cũng không nhất định nghĩa là rời hẳn nhau ra”.
Nói một cách khác hơn, rõ hơn, không đặt vấn đề thành lập Liên bang Đông Dương như hồi 1930 nữa, mà đặt vấn đề liên minh chiến đấu giữa Việt, Miên, Lào chống đế quốc thực dân Pháp nhằm giành lại độc lập cho nhau, mỗi dân tộc Việt, Miên, Lào có quyền quyết định chế độ chính trị của mình mà cả ba đều ủng hộ nhau để hoàn thành và bảo vệ nền độc lập đó.
Thế là rõ. Thế là hội nghị tháng 11 năm 1939 đã cho phép ta đánh đổ một chính sách tuyên truyền “chia để trị” của Pháp. Duy, ngay sau tháng 11 năm 1939, ta không có cơ hội để tuyên truyền cổ động rộng rãi cho một chiến lược đổi mới vừa hợp với lịch sử, vừa hợp với lòng dân của cả ba dân tộc Việt, Miên, Lào.
Bên trên, tôi vừa nói đến ba chuyển hướng chiến lược đặc biệt quan trọng của Trung ương hội nghị tháng 11 năm 1939. Ba điều ấy được chúng tôi, hồi 1943-1944, lấy làm cơ sở để vạch ra đường lối của Xứ uỷ.
Đọc lại một số đoạn của nghị quyết VI, tôi lấy làm lạ, đồng thời cũng rất cảm động, khi thấy rằng cuối năm 1939, trong lúc Thường vụ Trung ương còn toàn vẹn và an toàn mà hội nghị đã đặc biệt chú tâm đến vấn đề nối chắp liên lạc dưới trên, Nam Bắc trong Đảng bị địch làm tổn hại nguy hiểm. Nghị quyết nói phải:
“Tìm cách khôi phục hệ thống Trung Nam Bắc và phải làm cho sự liên lạc từ chi bộ đến Trung ương được khắng khít. Nhất là trong lúc này (là lúc) Đảng thay đổi chính sách, phải làm cho chính sách ấy phổ cập trong toàn Đảng… Và trong lúc tình thế nghiêm trọng này, phong trào quần chúng sẽ tiến tới một tốc độ không ngờ, nếu các tổ chức Đảng từ trên tới dưới không liên lạc mật thiết như một người thì Đảng không thể chỉ huy phong trào một cách đúng đắn được. Phong trào cách mạng của quần chúng sẽ vì đó mà yếu ớt đi, cách mạng sẽ không thực hiện được, Đảng ta sẽ mang tội với vô sản, với dân tộc, với cách mạng toàn thế giới”.
Chúng tôi càng thấm thía tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ “khôi phục hệ thống Trung Nam Bắc”được đặt ra ngay từ cuối năm 1939, nhiệm vụ càng cấp bách vào năm 1943-1944… tới đó mà vẫn chưa thực hiện được, tới đó mà chúng tôi ở Nam chưa biết Trung ương còn hay không, còn thì đã vạch ra đường lối cách mạng thế nào cho tất cả các tổ chức cộng sản đều theo đúng như vậy. Về sau ai nói đông tây gì mặc kệ, chớ hồi 1943, khi lập lại Xứ uỷ chúng tôi Phúc, Giàu… nhắc mãi cái câu tâm huyết của nghị quyết VI: “Nếu các tổ chức Đảng từ trên xuống dưới không liên quan mật thiết như một người… cách mạng không thực hiện được… ta mắc tội với vô sản, với dân tộc…”.
Không đành chịu ngồi chờ, bất đắc dĩ chúng tôi phải tự vạch ra một đường lối cách mạng mà dù tự tin mấy cũng không khỏi phải âu lo rằng có thể có sự khác biệt đáng lẽ tránh được với các đồng chí ở Bắc Trung. Sau này, ai hiểu được cho tôi thì tôi nhờ, ai hiểu không được hay không muốn hiểu thì tôi chịu, chớ bảo nhau “ngồi chờ” quyết không phải là thái độ của tôi hay của bất cứ người “cách mạng chuyên nghiệp” nào. Khi ấy, ở Nam Kỳ, ở trong tình thế phải tự vạch ra con đường để mà đi tới trước, nếu có sai biệt gì với bên trên (mà chúng tôi không biết chắc là còn hay mất) thì tôi sẵn sàng chịu phê bình, nhưng người ta không những phê bình mà còn công kích dữ dội, ác liệt, cái lối xử sự ấy quả là khó chấp nhận lắm.
Vấn đề “một cổ hai tròng”, ách của hai đế quốc Pháp và Nhật
Hồi cuối năm 1939, đầu năm 1940, chỉ có một mình Pháp thống trị Đông Dương.
Khi ấy, trong những năm cuối thời Mặt trận bình dân, đứng trước nguy cơ chiến tranh giữa Nhật- Pháp ở Đông Á, anh Lê Hồng Phong chủ trương “phòng thủ Đông Dương”. Còn tôi, dù ở trong Khám Lớn Sài Gòn, tôi có gởi bài đăng ở báo Avant garde chủ trương là “giữa bệnh dịch tả và bệnh dịch hạch, ta không lựa chọn cái nào” (entre la peste et le choléra, on ne choisit pas). Khi ấy, có mặt Honel nghị sĩ cộng sản Pháp được Đảng Cộng sản Pháp phái sang Sài Gòn, anh ấy phản đối tôi hết sức dữ dội, và không phải chỉ có một mình Honel phản đối tôi. Nhưng quần chúng và cán bộ thì bàn tán nhiều, không phải ai cũng ủng hộ “phòng thủ Đông Dương”. Anh tuyên chiến với Đức. Đồng minh của Đức là Nhật đem quân vào Đông Dương, Pháp-Nhật câu kết nhau.
Ngay từ khi chiến tranh thế giới bắt đầu, Đảng đã quyết định sẽ nhân cơ hội chiến tranh đế quốc để làm cách mạng giải phóng thành công, điều này đã ghi trong Luận cương chính trị 1930 và Chương trình hành động1932. Giữa năm 1940, Pháp bị Đức đánh bại phải đầu hàng, một chính phủ chư hầu, tay sai của Đức được thành lập ở Pháp và Pháp được giữ nguyên các thuộc địa. Chính phủ thuộc địa tại Đông Dương theo đường lối của chính phủ Pétain ở Pháp. Quân Pháp theo Pétain nắm trọn quyền ở Đông Dương. Nhưng cuối 1940 và đầu 1941, Pháp chấp nhận để quân đội Nhật vào Đông Dương. Từ đó, thống trị Đông Dương không phải chỉ có đế quốc Pháp mà còn có quân phiệt Nhật. Một cổ hai tròng là thế. Ai đoán trước được? Cuối năm 1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Khởi nghĩa thất bại. Pháp đàn áp dữ dội, khốc liệt nhất từ khi chúng đến đồng bằng Cửu Long, Đồng Nai. Khi nổ ra khởi nghĩa Nam Kỳ chưa có đại quân Nhật vào đây; nay thì quân Nhật có mặt ở cả Bắc, Trung, Nam, Miên, Lào nữa, đóng căn cứ hành quân khắp nơi. Nhật dung dưỡng Pháp và Pháp phục vụ lại Nhật, hai thằng đế quốc tuy có mâu thuẫn với nhau mà cùng nhau đè đầu cưỡi cổ dân ta. Nhân dân và cả đồng chí nữa đặt câu hỏi: một đế quốc Pháp, đã bị phát xít Đức đánh bại, mà ta còn đánh đổ không nổi, ta còn thua, nay thêm một đế quốc Nhật, đế quốc đó lại đang thắng Mỹ, Anh, Hà như chẻ tre, cả hai kẻ xâm lược Pháp, Nhật cùng thống trị dân tộc ta, thì ta làm sao đánh đổ nổi chúng để giành lại độc lập?
Trong câu hỏi có xen ý hoài nghi tiền đồ cách mạng. Chúng tôi đã trả lời câu hỏi một cách đơn giản mà không có ai trong số các đồng chí (và trong quần chúng cảm tình) không cho là đúng:
Pháp sở dĩ chấp nhận để cho quân đội Nhật vào Đông Dương vì chúng không có sức đương đầu với Nhật, một trận Lạng Sơn đủ chứng tỏ điều ấy rồi. Đánh Nhật thì Pháp (ở Đông Dương) chết ngay, mất hết. Nhân nhượng thì may ra còn. Vả lại, chính phủ Pétain ở Pháp chịu phục tùng Đức, mà Đức thì muốn cho Pháp cứ giữ thuộc địa, Nhật là đồng minh của Đức; cho nên Pháp ở Đông Dương nuôi hy vọng có thể giữ được bộ máy cai trị của chúng cho đến ngày hết chiến tranh mà chúng tưởng rằng phe trục phát xít sẽ thắng.
Nhật tất nhiên là muốn ăn hết miếng mồi Đông Dương chớ không muốn chia phần cho Pháp. Nhật hất cẳng Pháp không khó khăn, dễ như móc thuốc lá trong túi. Nhưng nếu như Nhật hất cẳng Pháp ngay thì cái khó khăn lớn của Nhật là phải tổ chức ra bộ máy cai trị của chúng, liệu bộ máy mới có giữ trật tự nổi trong một nước có truyền thống cách mạng rất mạnh như Việt Nam không? Chi bằng tạm để quân Pháp ở đó, buộc Pháp nếu muốn tồn tại để chờ thời, thì một mặt phải làm việc giữ trị an bằng bộ máy Nhà nước đã xây dựng từ gần một trăm năm nay, mặt khác phải lo bảo đảm hậu cần cho quân đội Nhật, cần lương thực có lương thực, cần nhân công có nhân công, cần tiền có tiền, bến tàu, sân bay, đường sá đều sẵn. Lợi hơn là trực tiếp nắm tất cả quyền hành. Mà người chủ thật sự là Nhật, không phải là Pháp. Đến lúc nào cần thiết thì Nhật sẽ lật Pháp dễ như trở bàn tay, việc này có ngày nhất định sẽ xảy ra, vấn đề là sớm hay muộn chớ hai con chó không thể cùng chia êm một miếng mồi ngon. Chúng nó sẽ cắn nhau, một con sẽ chết. Con chết trước là thực dân Pháp. Hai kẻ thống trị sẽ còn một, hai ách sẽ chỉ còn một, mà ách thống trị còn đó cũng sẽ không kiên cố lâu dài gì bởi vì Nhật sẽ thua trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trong cuộc xâm lăng Trung Quốc. Nhật lật đổ Pháp sẽ không có phần trợ lực nào hết dù là gián tiếp của lực lượng ta, nhân dân ta đóng góp càng lớn thì cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương càng có điều kiện dễ thắng lợi.
Vậy không có gì phải ngán, phải bi quan với cái sự thật đáng ghét là một cổ hai tròng, một dân tộc thuộc địa mà hai đế quốc hè nhau thống trị.
Cũng do nhận định như thế mà tôi đề nghị với các đồng chí là ta không để ngang hàng thực dân Pháp với quân phiệt Nhật, ta phải xem đế quốc Nhật là kẻ thù số một mặc dù nó không ngồi ghế toàn quyền, thống sứ, thống đốc; tôi đề nghị khẩu hiệu chiến lược là “đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp, Đông Dương độc lập muôn năm”. Khẩu hiệu này bao hàm ý nghĩa rằng ta có thể cần phải lợi dụng mâu thuẫn của Pháp và Nhật, hàm ý nghĩa rằng Pháp, Nhật đều là kẻ thù của ta, mà bây giờ thì kẻ thù chính là Nhật; cũng hàm ý nghĩa rằng Nhật thế nào cũng sẽ lật đổ Pháp, rằng những người Đông Dương yêu nước trong trường hợp cụ thể và trong điều kiện nhất định có thể là đồng minh chiến đấu của phe kháng chiến Pháp chống Nhật và chống phe Decoux thân phát xít. Về sau tôi mới biết được ở ngoài Bắc, các đồng chí ta từ năm 1941,1942 đề ra khẩu hiệu “đánh Pháp, đuổi Nhật” cho đến khi nổ ra sự kiện 9 tháng 3 năm 1945, Nhật lật đổ Pháp. Như vậy là trước ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nam, Bắc có sự khác biệt không phải đâu đó muốn khác nhau như thế nào, mà vì hệ thống Đảng chưa được khôi phục. Nhà làm sử về sau có thể đánh giá là ở Nam Bộ, và riêng ở tôi, sai đúng tới mức nào, nặng bao nhiêu nhưng trong vấn đề này, tôi muốn được thấy rõ sai lầm của tôi nếu quả đó là sai lầm về khẩu hiệu chiến lược.
Trong một lần Hội nghị Xứ uỷ ở Chợ Gạo năm đó (cuối 1943), tôi đã yêu cầu các đồng chí chú trọng đặc biệt đến nhiệm vụ – cũng mang tính chất chiến lược – đấu tranh tư tưởng chính trị chống “chủ nghĩa Pháp-Việt phục hưng” của thực dân Pháp ở Đông Dương và “chủ nghĩa Đại Đông Á” của Nhật. Vào thời điểm đó, trong khi tôi nhận định rằng trong hai kẻ thù đế quốc, đế quốc Nhật là số một, thì tôi nhận định rằng trong hai tư tưởng địch thủ, không cái nào là thứ hai, cả hai đều rất nguy hiểm; từ năm 1943 trở đi, cái chủ nghĩa Đại Đông Á có sút giảm ảnh hưởng bởi vì chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu chuyển sang chiều hướng bất lợi khó gỡ cho Nhật và bởi vì hơn vài năm nay đám thân Nhật coi như là “mỏi mòn trông đợi”, mất dần tin tưởng vào Nhật cho đến nỗi tướng Tòng Tỉnh chủ tịch Liên Á phải sang Sài Gòn để “trấn an”, để “lên dây cót” cho đám tay chân người bản xứ, cái xu thế của chủ nghĩa Đại Đông Á càng lâu càng mất đà, khó gỡ. Còn cái “chủ nghĩa Pháp-Việt phục hưng” cũng gọi la “chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề mới” của phái Decoux thì với cái sức mạnh đang chuyển sang đà thắng của đồng minh Anh, Mỹ, Liên Xô, dẫn đến chỗ thực dân Pháp và đồng minh bản xứ lâu đời của chúng hy vọng một cuộc khôi phục nước Pháp, hy vọng vào hoạt động của De Gaulle và đám gaullistes ở Đông Dương. Cho nên, trên cơ sở đường lối cách mạng (mà chúng tôi tự vạch ra), cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị chống chủ nghĩa “Pháp-Việt phục hưng” và “chủ nghĩa Đại Đông Á” được chúng tôi xem như là điều kiện cốt yếu để đẩy phong trào cách mạng tới thành công. Về sau, tôi nhận thấy rằng, trên mặt trận này, chủ trương đường lối ở Bắc và ở Nam không có khác biệt nhiều, duy ở trong Nam lực lượng thân Nhật, tiêu biểu là các giáo phái, to lớn lắm, hoạt động dữ lắm, đấu tranh với họ vừa vất vả, vừa tế nhị hết sức. Những quyển sách loại “bỏ túi” của tôi phát hành lúc đó chống “chủ nghĩa Pháp-Việt phục hưng” (hay là “chủ nghĩa Liên bang của Decoux), chống “Chủ nghĩa Đại Đông Á” của Nhật có giúp cho anh em ta tuyên truyền cách mạng, khôi phục lòng tin vào cách mạng, nhưng phải nói rằng có tác dụng quyết định trong việc khôi phục lòng tin vào cách mạng là những chiến thắng của Hồng quân Liên Xô từ Stalingrad trở đi.
Vấn đề tập hợp lực lượng
Vấn đề tập hợp lực lượng để đi tới khởi nghĩa cách mạng là vấn đề rất lớn trong việc xác định đường lối sau khi đã rõ đối tượng tính chất của cách mạng. Nói giải phóng dân tộc, giành độc lập, các thời kỳ, các tổ chức, các vị yêu nước đều nói; nhưng tới nay thì chưa ai làm được. Khởi nghĩa Yên Bái 1930, khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, đều biểu hiện ý chí giải phóng dân tộc, nhưng đều thất bại; một trong những nguyên nhân lớn của sự thất bại là đã chưa tập hợp đủ lực lượng để làm cách mạng. Nam Kỳ 1940 tập hợp được lực lượng nhiều lần hơn Yên Bái 1930, mà cả hai đều thiếu; Nam Kỳ khởi nghĩa, ngay khi nhìn ở tầm địa phương, cũng là một cuộc nổi dậy với lực lượng tập hợp còn xa mới đủ: công nhân lao động thành thị chưa nổi lên, không có binh lính nổi lên, đa số các quận huyện không có nổi lên và ngay nông dân ở các quận huyện có khởi nghĩa cũng chỉ một số ít cầm vũ khí đánh giặc Pháp. Vả chăng, trong một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nếu chỉ có công nông binh trong tổ chức của Đảng nổi lên thì một sự tập hợp lực lượng như thế vẫn còn hẹp hay là chưa đủ rộng lớn cần thiết. Xứ uỷ chúng tôi nhận định như vậy. Nhận định như vậy, quyết không phải là “chê” các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa 1940, nhận thấy khuyết điểm ấy là để xác định rằng muốn khởi nghĩa thành công phải có không chỉ hàng vạn mà hàng ức triệu người nhất tề nổi lên mới được.
Từ nay cho đến khi có thời cơ khởi nghĩa, phải làm cho kỳ được những gì trong trách nhiệm tập hợp lực lượng?
– Phải chú trọng đặc biệt vào công nhân, người lao động; chú trọng vào công chức của chính quyền ở thành thị, trước hết là ở Sài Gòn đầu não; thật sự biến các xí nghiệp lớn và các công sở chính làm “thành trì của cách mạng”, giống như đặt quả bom, đặt trong bụng của địch nhân, như đóng cái đinh vào đầu của chúng; nếu quả ta tính đánh địch một đòn chết tươi thì phải đánh thẳng vào bộ não, trái tim của chúng; có thể nghĩ ngay bây giờ là ngày mai, khi nổi lên khởi nghĩa, ta sẽ chiếm các công sở Sài Gòn chủ yếu bằng lực lượng cách mạng ở trong công sở đó. Vậy từ bây giờ, ta phải dồn phân nửa sức mạnh của đảng bộ vào công tác trọng tâm này, để không bao giờ lặp lại cái dở tai hại của tháng 11 năm 1940, là nhiều nơi ở nông thôn nổi lên mà Sài Gòn thì lại yên tĩnh.
- Phải thu hút đông đảo nông dân cho bằng và nhiều hơn hồi 1930-1931, 1937-1938, đặc biệt là, ở mỗi tỉnh, ta phải tập trung nhiều cán bộ giỏi hoạt động tổ chức tuyên truyền ở các quận huyện gần châu thành của tỉnh ấy là chính chớ không phải dàn đều; cũng ra sức hoạt động tổ chức tuyên truyền ở dọc theo các đường giao thông huyết mạch. Trong toàn bộ Nam Kỳ thì nông vận phải chú trọng riêng các tỉnh xung quanh Sài Gòn, làm sống lại và mạnh hơn lên cái “vành đai đỏ” từng nổi tiếng để có ngày tiếp ứng mãnh liệt cho lực lượng khởi nghĩa của thành phố.
- Phải phát huy truyền thống binh vận và nắm cho kỳ được số lính khố xanh ở Sài Gòn, Chợ Lớn và mỗi tỉnh. Từ ngày Pháp đầu hàng Đức và dạ dạ vâng vâng trước Nhật thì công tác binh vận có nhiều cơ hội thành công hơn trước. Lênin đã làm khởi nghĩa ở Petrograd với nhiều đơn vị lục quân và hải quân của chính quyền tư bản. Năm 1940, các báo cáo về kết quả binh vận là không đúng thực tế. Chúng tôi biết rõ tầm quan trọng của binh vận, nhưng khác xa với Quốc dân đảng, chúng tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta tập hợp được một lực lượng công nông thật lớn thì binh lính mới mạnh dạn đứng về phe cách mạng.
– Phải đặc biệt chú trọng tập hợp lực lượng thanh niên ở thành thị và nông thôn, không phân biệt là thanh niên thuộc thành phần giai cấp nào. Nếu ví Đảng là một con người thì công nhân và thanh niên là tay mặt tay trái của con người đó. Cả Pháp lẫn Nhật, mấy năm nay đã chú trọng chinh phục thanh niên. Ta phải cản trở, đánh bại những cố gắng ấy của chúng. Mấy năm nay, cũng thấy nảy nở ra ở Sài Gòn và nhiều tỉnh một phong trào sinh viên, học sinh chưa xác định rõ được tính chất chính trị, mà điều chắc chắn nhất là Đảng ta không được để cho tụi tay chân của Pháp, của Nhật lôi kéo thanh niên; ta phải quyết tâm giành thanh niên với chúng. Nhiệm vụ này chỉ có thể hoàn thành tốt nếu Đảng ta tạo được một sức mạnh lớn công nông liên minh có khả năng “lôi kéo” các giai cấp trung gian và nếu Đảng ta có một số cán bộ đại trí thức có tiếng tăm và nhân cách. Chỗ này lâu nay là một nhược điểm lớn của Đảng, ta cần phải khắc phục nhanh chóng. Công tác này rất khó mà không thể xem nhẹ.
– Đặc điểm chính trị xã hội Nam Kỳ là có nhiều chánh đảng và giáo phái lớn; có cả chánh đảng hoạt động dưới hình thức tôn giáo. Phải điều tra kỹ tình hình đảng phái và giáo phái ở Nam kỳ, xem xét khả năng “làm đoàn” trong một số phái có đông quần chúng, phân hoá họ và cảnh tỉnh những cánh nào có thể cảnh tỉnh, đoàn kết với họ. Công tác này khó khăn và tế nhị, cần giao cho một số ít cán bộ có năng lực, có tư cách. Khi cần, ta có thể bàn đến khả năng một số ít đồng chí có năng lực, có tư cách đứng ra trợ lực, hướng dẫn cho những người yêu nước nào đó thành lập chính đảng cách mạng quốc gia, dân chủ, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vào năm 1943 trở đi, sau khi chiến dịch đại thắng của Hồng quân Liên Xô tại Stalingrad thì các đồng chí cộng sản nằm yên hay ẩn núp từ 1940, nay bắt đầu được vực lên về mặt tinh thần; số anh chị em đó còn nhiều; có thể và cần phải đưa họ trở lại hoạt động cách mạng với Xứ uỷ, đó là điều kiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ“tập hợp lực lượng”. Tập hợp lực lượng nhân dân tất nhiên phải bắt đầu và đi song song với tập hợp lực lượng các chiến sĩ cộng sản bị tan tác sau cuộc khởi nghĩa thất bại 1940.
Hồi cuối năm 1943 đó, khi vạch ra cho mình một đường lối cách mạng thì tôi và các bạn của tôi chưa đặt ra và bàn luận vấn đề lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế” mà Hội nghị Trung ương 1939 ở Bà Điểm đã đặt ra. Tôi chưa biết có nghị quyết lập Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) của hội nghị Trung ương lần thứ VIII, năm 1941, ở Cao Bằng. Cho nên chúng tôi tổ chức Đảng và hội, để tập hợp lực lượng, y như hồi Đảng Cộng sản mới ra đời; cũng công hội, nông hội như trước chớ không phải “công nhân cứu quốc”, “nông dân cứu quốc”v.v… (sau tôi sẽ có dịp trở lại vấn đề này). Còn về việc lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế” thì Nghị quyết VI không nói rõ sẽ tổ chức ra sao? Gồm những ai? hoạt động cách nào? Tôi nói với các đồng chí trong cuộc họp để bàn về đường lối cách mạng và những nhiệm vụ cần kíp rằng, khi nào năm, sáu nhiệm vụ lớn (đã kể trên) được thực hiện có kết quả thì khi ấy mới có điều kiện để lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế ở Nam Kỳ; chớ bây giờ thì chưa có thể lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế được; nếu bây giờ lập mặt trận thì mới chỉ có hình thức, chớ chưa có thực tế bởi lẽ ta chỉ có Đảng ta và các tổ chức công nông thanh phụ còn yếu ớt của chúng ta, cái đó chưa phải là mặt trận. Mặt trận theo đúng ý nghĩa của nó phải là một liên minh chiến đấu theo một chương trình hành động chung giữa các chính đảng, các đoàn thể, các giai cấp, các sắc tộc, các tôn giáo, các thân sĩ tiêu biểu. Nay (1943, 1944) ta chưa có điều kiện để lập mặt trận; riêng Đảng Cộng sản và công hội, nông hội chưa thành mặt trận; liên minh công nông là cơ sở của mặt trận dân tộc thống nhất nhưng chưa trở thành tổ chức mặt trận rộng lớn mà ta hướng tới.
Vấn đề tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền
Viết đến đây tôi muốn để ít thời giờ để kiểm điểm và tự kiểm điểm về vấn đề: Tại sao Nam Bộ không sớm tổ chức Việt Minh? Tại sao? Thời điểm đó tôi chưa nghe hai chữ Việt Minh. Tới tháng 7 năm 1945, tôi mới có chương trình điều lệ Việt Minh trong tay, thì làm sao hồi 1943, 1944 có chủ trương theo đường lối của hội nghị Trung ương VIII được? Mà ví phỏng trước hay trong các cuộc hội nghị đại biểu ở Phú Lạc, Chợ Gạo tôi đã nắm được chương trình điều lệ Việt Minh mà chưa được giải thích thật kỹ, chắc gì tôi không “thắc mắc” về một số điểm trong đó có việc biến đổi các công hội, nông hội thành “hội công nhân cứu quốc”. Tuy vậy tôi sẽ tán thành tổ chức “Hội thanh niên cứu quốc”, “Hội văn nghệ cứu quốc”, “Hội phụ nữ cứu quốc”. Còn những tổ chức mang tính chất giai cấp của công nhân, nông dân (công hội, nông hội) thì bản chất của nó vốn đã đậm đà chất cứu quốc rồi, bản chất và nhiệm vụ của nó còn cao hơn là cứu quốc, nên tôi nghĩ rằng việc gì phải lấy một cái tên khác tiêu biểu chỉ cho cách mạng phản đế? Mặt trận Việt Minh mà chúng tôi sẽ tổ chức ở Nam Kỳ vào giữa năm 1945, sẽ bao gồm: Đảng Cộng sản, Tổng Công đoàn, Thanh niên Tiền phong, đảng Tân Dân chủ, Cánh tả đảng Quốc gia (Cư sĩ tịnh độ), Cao Đài cứu quốc, hội binh sĩ yêu nước… không giống như điều lệ Việt Minh chính thức, cho nên khi đó, một số anh em mỉa mai gọi chúng tôi là “Việt Minh mới”, gọi chúng tôi là “Việt Minh mới” là không đúng lắm, nhưng cũng không phải là không duyên cớ! Sau này tôi còn nghe nói “Việt Minh thiệt, Việt Minh giả” nữa! Phiền phức quá! Mà tránh sao được khi đồng chí ở mỗi nơi đều ra sức tự động thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, chớ không ngồi chờ.
Tôi nhớ rằng khi ấy các đồng chí ở Nam không mấy ai quan tâm thực hiện vấn đề Mặt trận. Trái lại thì anh em quan tâm đến vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền. Khi ấy, sở dĩ, trong lúc Xứ uỷ Đảng mới khôi phục, anh em ai nấy đều quan tâm đến vấn đề khởi nghĩa, hẳn là vì ai nấy đều không thể quên cuộc khởi nghĩa thất bại năm 1940, dưới thời kỳ của Xứ uỷ do đồng chí Tạ Uyên lãnh đạo. Phải tránh vết xe đổ, nhiều đồng chí nói. Đòn đau 1940 hãy còn thấm thía lắm; nhưng hội nghị vẫn khẳng định với Trung ương VI (1939) và luận cương chính trị (1930) rằng không thể nào giành được độc lập mà không trải qua cuộc vũ trang khởi nghĩa (lúc bấy giờ cũng được gọi là “bạo động”). Khởi nghĩa, bạo động là thuộc vào đường lối cách mạng, là bộ phận quan trọng bậc nhất của một đường lối cách mạng.
Cuối năm 1943, chúng tôi ở Nam Kỳ quan niệm như thế nào về khởi nghĩa, về “bạo động” cách mạng? Tôi đã nhiều lần ra sức thử tổng kết kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa 1940, rút những bài học lớn. Nay cuối năm 1943, ở các cuộc hội nghị Chợ Gạo, Phú Lạc, để “hoàn chỉnh” về cơ bản một đường lối cách mạng, ít nhất là tạm thời trong lúc chưa nối được liên lạc với Trung ương – tôi đã trình bày những ý kiến chủ đạo sau:
Thứ nhất là: ý kiến của Nghị quyết VI. Nghị quyết VI nói:
Muốn đi tới đánh đổ đế quốc, phải huy động dân chúng chống đế quốc chiến tranh, và kêu gọi lòng ái quốc chân chính, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phải biết gắn kết với những quyền lợi thiết thực của các tầng lớp nhân dân với quyền lợi dân tộc và kêu gọi thống nhất dân tộc. Cái tinh thần ái quốc và đòi thống nhất dân tộc, giải phóng dân tộc càng phát triển thì tinh thần phản đế càng mạnh mẽ. Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự mật thiết của vận mệnh dân tộc với lợi ích cá nhân mình; đặt quyền lợi dân tộc lên trên tất cả các quyền lợi khác; thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp…
“Xoay tất cả phong trào đấu tranh lẻ tẻ vào cuộc đấu tranh chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và bè lũ, dự bị điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”.
Như vậy nghĩa là giương cao ngọn cờ dân tộc, đi tới khởi nghĩa vũ trang. Hoàn toàn không vì khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại mà chọn con đường nào khác; không có con đường nào khác để giành độc lập dân tộc ngoài con đường dẫn đến khởi nghĩa, “bạo động” cách mạng. Mọi sự tập hợp lực lượng đều nhằm vào một trận thư hùng, một cuộc khởi nghĩa vũ trang quyết thắng, không có quyền bại.
Trong cuộc chiến tranh thế giới ngày nay, đế quốc Pháp ở Đông Dương rồi sẽ bị đế quốc Nhật lật đổ. Cuộc hợp tác ma quỷ Nhật-Pháp sẽ chấm dứt không sớm thì chầy. Rồi sau đó, phát xít Nhật hùng cường sẽ bị quân Mỹ, Anh, Trung Quốc đánh bại, việc nhất định phải đến, sẽ đến, chỉ có sớm hay muộn thôi. Chúng ta tin chắc rằng không phải là Nhật đánh đổ Pháp thì tự nhiên đem lại độc lập cho dân tộc ta và cho các dân tộc Đông Dương, cái độc lập đó cho dù có tuyên bố cũng quyết không phải là độc lập thực sự mà chỉ là hình thức thôi, giả mạo thôi; chúng ta không hề muốn cái thứ độc lập ấy. Chúng ta cũng chắc chắn rằng dù đồng minh Mỹ, Anh, Trung Quốc thắng Nhật cũng không trả lại độc lập cho dân tộc Việt Nam đâu, mà sẽ trả lại chủ quyền cho Pháp, hay nhiều nhất là họ đặt chế độ “uỷ trị” và giao lại cho Mỹ và một đế quốc nào khác. Ta phải nhận thức rõ rằng không đời nào có “bất chiến tự nhiên thành”, không có độc lập do ai ban cho mình; chỉ có độc lập do bản thân ta chinh phục mới thực sự là độc lập. Độc lập thật sự chỉ có thể giành được bằng khởi nghĩa vũ trang, bằng bạo động cách mạng. Một đường lối cách mạng phải khẳng định điều này, hoàn toàn trái với lời hứa hẹn của Nhật với các chính đảng và giáo phái theo chủ nghĩa Đại Đông Á. Cũng khác hẳn với kế hoạch “Liên bang Đông Dương”lừa bịp của Decoux.
Còn như hỏi: chừng nào mới khởi nghĩa, thì ta trả lời rằng: khi các điều kiện khách quan đã đủ, đã chín (hồi 1943, 1944 chưa ai dùng chữ “chín muồi”) và khi tập hợp đủ lực lượng. Còn như lực lượng tập hợp chưa đủ, điều kiện khách quan chưa chín, mà cứ phát động khởi nghĩa, là manh động, là khởi nghĩa non, mà non thì thua. Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940, là khởi nghĩa non, nên thất bại thấy trước.
Hôm đó, một lần nữa, tôi nêu ra cái sai lầm lớn của các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ. Tất nhiên tôi không trách Thường vụ Trung ương đã bị bắt gần một năm trước mà trách hai đồng chí ủy viên Trung ương còn sót (là anh Tần và anh Lưu) sao không kiên quyết ngăn cản Tạ Uyên và Xứ uỷ trên con đường bạo động non dẫn đến thất bại kia. Cuối 1940 đã không có thời cơ đủ chín cho khởi nghĩa, lại chưa có lực lượng đủ mạnh cho bạo động, mà cứ bạo động, khởi nghĩa là làm liều, nổi lên thì rất anh dũng mà thất bại thì rất lớn, không đáng có. Lần tới, ta phải làm khởi nghĩa theo khoa học và nghệ thuật Lênin, theo mẫu mực cách mạng tháng Mười Nga. Nói cho rõ hơn, tôi và các đồng chí của tôi không ưng ý với chủ trương khởi nghĩa bằng lực lượng du kích, bằng khởi nghĩa địa phương, bằng chiến lược “nông thôn bao vây thành thị”. Tôi thấy hồi 1940 Xứ uỷ Nam Kỳ chịu ảnh hưởng của Mao Trạch Đông, việc phát hành quyển “chiến tranh du kích” vào giữa năm 1940 nói rõ điều ấy. Bằng du kích làm sao mà giành chính quyền được? Phải làm khởi nghĩa cách mạng, một cuộc quyết chiến bằngbạo lực chính trị và bạo lực vũ trang kết hợp nổ ra trên đỉnh cao nhất của một phong trào quần chúng, mà địch dù thấy trước cũng không làm sao ngăn cản nổi, không làm sao trở tay kịp. Chúng tôi lại đinh ninh rằng một cuộc khởi nghĩa muốn thành công, phải là một cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc, không phải là một cuộc khởi nghĩa địa phương dù là một địa phương rộng lớn và có tầm chiến lược như Nam Kỳ. Có thể đoán trước rằng cuộc tổng khởi nghĩa sẽ nổ ra vào khoảng tàn cuộc của chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào năm tháng nào khó mà đoán trước, song từ nay tới đo ta phải nỗ lực.
– Tập hợp lực lượng lớn nhất có thể được.
– Nối hệ thống tổ chức giữa Xứ uỷ với Trung ương và toàn Đảng.
Đại để, chúng tôi, Xứ uỷ Nam kỳ, vào cuối năm 1943, đã tự vạch ra một đường lối cách mạng như thế. Ngoài chúng tôi ra, lúc ấy ở Nam Kỳ không thấy có ai khác, không biết có nhóm nào khác vạch ra một đường lối cách mạng.
Ban Tuyên huấn của Xứ uỷ Nam Kỳ lập ngay kế hoạch phát hành một số sách “bỏ túi” (theo kiểu “cộng sản tùng thư” hồi 1933, 1934) để phổ biến những vấn đề thuộc đường lối mà Xứ uỷ đã vạch. Những quyển sách “bỏ túi” đầu tiên là quyển “Việt Nam trên đường độc lập”, “Rạng đông của một dân tộc” của Xuyên Vân Nhạn (tức là tôi) mà sau đó bị Trường Chinh[8] phê phán. Bộ sách bỏ túi này chú trọng công kích chủ nghĩa Đại Đông Á của Nhật và chủ nghĩa Liên bang của Decoux.
Từ cuối 1943, ở Nam Kỳ chúng tôi đã lập lại Xứ uỷ và Xứ uỷ ấy tự trang bị cho mình một đường lối chủ trương vận động cách mạng trong khi chờ đợi những chỉ thị của Trung ương Đảng. Những chỉ thị của Thường vụ Xứ uỷ cho Ban cán sự Sài Gòn trở thành một bộ phận cấu thành chủ trương đường lối của đảng bộ Nam kỳ.
Tôi trở lại Sài Gòn và từ nay tôi để gần hết tâm lực, trí lực vào hoạt động ở Sài Gòn và các tỉnh xung quanh Sài Gòn. Trên đường về lại Sài Gòn, tôi ghé thăm mẹ. Nhà tôi cách Tân Thuận Bình Chợ Gạo khoảng mười cây số. Từ năm 1941, tôi đã qua lại Chợ Gạo đến ba lần mà đều “tam quá kỳ lư bất nhập”[9].
Về nhà thăm mẹ
Chuyện lớn phải lo mà chuyện nhỏ đừng quên. Việc công là trọng, mà việc tư thỉnh thoảng cũng phải nhớ. Tôi hay nghĩ lẩn thẩn như vậy, khi ở chân trời góc biển, tôi luôn luôn nhớ đến mẹ, đến vợ, đến làng quê; nhớ lắm.
Từ lâu, 1930, tôi được liệt vào loại cán bộ mà thời ấy được người ta gọi là “thoát ly gia đình”. Khái niệm“cán bộ thoát ly gia đình” ở Việt Nam trước cách mạng cũng giống như khái niệm “cán bộ cách mạng chuyên nghiệp” (révolutionnaire professionnel) Lênin đã dùng khi Người viết sách “Làm gì?”. Lênin cho rằng, để xây dựng một đảng cách mạng nhất là trong điều kiện khủng bố trắng, phải có một loại đồng chí làm “cách mạng chuyên nghiệp” nghĩa là không làm nghề gì khác hơn là làm cách mạng, số đồng chí đó để hết thời giờ của mình vào hoạt động cách mạng. Bên Việt Nam những năm 1920, 1930 (cả hồi đầu những năm 1940 nữa) bọn tôi lấy cái ý mà không lấy cái từ của sách “Làm gì?”; nhưng trong phiên toà thực dân Pháp xử tôi năm 1935, khi quan toà hỏi: “Ông làm nghề gì?” thì tôi trả lời: “Làm cách mạng chuyên nghiệp”. Chớ không lẽ trả lời: “Tôi thoát ly gia đình”? “Thoát ly gia đình” để làm gì? Có thể là để làm cách mạng, có thể để làm bất cứ cái gì mà trong gia đình mình làm không được, không nhất thiết phải là làm cách mạng. Tuy vậy, tôi vẫn thích thú với khái niệm“thoát ly gia đình” mà anh em ta dùng thời đó, bởi vì khái niệm ấy, trong lịch sử xuất hiện của nó, đã có thời bao hàm một ý nghĩa triết lý, chính trị. Mãi đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam còn nhiều gia đình mang nặng tư tưởng, tình cảm, tập tục Nho giáo phong kiến; chẳng những phần lớn là các gia đình thân sĩ theo đạo Khổng, Mạnh, Trình, Chu đều theo lối xưa như thế, mà ngay cả một số gia đình trung nông, viên chức, thương nhân cũng vậy. Tuổi trẻ thường bị ràng buộc nhiều lắm bởi cương thường Nho giáo đã thâm căn từ mấy chục đời rồi. Nhưng tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ có ít nhiều Tây học, thấy rằng mình cần bay nhảy tự do. Thanh niên Sài Gòn đã vỗ tay hoan nghênh Nguyễn An Ninh khi anh Ninh tại một cuộc mít tinh ở Nam Kỳ Khuyến hội học năm 1923, kêu gọi thanh niên hãy đi xa, đi thật xa nhà tổ phụ để tìm lý tưởng mới, đừng lẩn quẩn lại xó bếp gia đình chật hẹp và lạc hậu. Đó là cái lý vào những năm cuối 1920, người ta gọi là “thoát ly gia đình”, ý đó có nghĩa là chống lại tàn dư tư tưởng tập quán phong kiến, đi tìm chân trời mới. Nhưng ngay cả khi anh Ninh khi ấy cũng chưa chắc đã rõ lắm cái “chân trời mới” đó là gì. Đến khi Nguyễn Ái Quốc lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội vào năm 1925 và Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) thì cái lý tưởng cách mạng đã rõ. Khái niệm “thoát ly gia đình” ra đời với nội dung mà Lênin đề ra trong sách “Làm gì?”: Đảng cách mạng chẳng những gồm đại đa số đồng chí là những người lao động tay chân và trí óc, vừa làm ăn bình thường, cầm búa, cầm cày, cầm bút, vừa để một phần thời giờ cho công tác tuyên truyền, tổ chức, hội họp, đấu tranh; Đảng Cách mạng còn phải có một số đồng chí dành hết quỹ thời gian của mình cho hoạt động cách mạng, các đồng chí ấy thường nhất là không ở tại nhà mình nữa, mà đi xa, nhiều khi đi rất xa, từ Bắc vào Nam, từ nông thôn ra thành thị, từ phố phường hay trường học, vào đồn điền, hầm mỏ, để tuyên truyền, tổ chức, đấu tranh, in phát báo bí mật, làm bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ, dù an dù nguy mà Đảng cách mạng cần. Đó là những anh chị em “thoát ly gia đình”, làm “cách mạng chuyên nghiệp”. Loại cán bộ này trong Đảng Cộng sản đông tới hàng trăm. Tôi là một trong số đó.
Từ cuối năm 1930, tôi đã bắt đầu “thoát ly gia đình”, và trở thành người hoạt động “cách mạng chuyên nghiệp”.
Gia đình tôi không đến nỗi quá phong kiến lạc hậu, với tâm lý: “cha mẹ còn, con cái không nên đi xa”.Nhưng tôi vẫn phải thoát ly gia đình, trước tiên bởi vì nếu không “vào bí mật” thì không hoạt động cách mạng được, địch theo dõi sát quá và sẽ bắt giam tôi, bắt luôn cả những ai đi lại với tôi. Thú thật, nếu Đảng Cộng sản được quy chế hợp pháp hay nửa hợp pháp, tôi sẽ thích làm người “cách mạng chuyên nghiệp” mà không “thoát ly gia đình”. Hết ngày công tác tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức, hết đợt hoạt động náo nhiệt và căng thẳng thì về nhà tìm yên tĩnh âu yếm với cha mẹ, vợ con, chẳng hơn là đất khách quê người, ăn trong bếp, ngủ dưới đất, nghe chó sủa đã phải đề phòng hay sao? Nhưng “thời thế thế, thế thì phải thế”. Từ cuối 1930 đến nay (hết 1943), tôi chỉ được sum họp với gia đình trước sau ba lần, cộng lại chừng hơn ba tháng. Cha tôi chết; con tôi chết; mẹ tôi già, tựa cửa trông tôi. Vợ tôi hiu quạnh, nước mắt ướt gối. Tôi nhớ nhà lắm chớ! Tim tôi đâu phải bằng đá? Vượt ngục Tà Lài từ đầu năm 1941, đến giờ hơn hai năm, gần ba năm, tôi chưa lén được về nhà lần nào. Chị tôi, vợ tôi có bí mật đi thăm tôi. Nhưng má tôi chỉ biết rằng tôi còn sống, mạnh giỏi, đang hoạt động cách mạng. Nay, nhân một chuyến đi họp ở Mỹ Tho, thấy tình hình cho phép. Tôi tạt qua nhà thăm mẹ. Tôi thèm hôn mẹ tôi và thèm được mẹ tôi xoa đầu như hồi còn nhỏ.
Thuở tôi còn học trường Tầm Vu, nhà tôi đông người lắm; tứ đại đồng đường: cha mẹ tôi, anh chị tôi, cháu gọi tôi bằng cậu, chú và con của con đầu lòng anh Năm tôi, chưa kể hai anh ở mùa, cầm cày, đập lúa, chăn trâu. Nhưng rồi dần dà, anh Năm, anh Bảy, anh Mười tôi ra riêng, mỗi người trấn một dãy ruộng; tới phiên chị Chín tôi cất nhà ở trong vườn. Vợ tôi vì không có chồng ở nhà nên về bên xã Phú Ngãi Trị với cha mẹ ruột, mấy tháng mới vô thăm tía má tôi một lần, mỗi lần tía má tôi được con dâu về thăm thì hai cụ như sống lại, ít hôm sau gạt nước mắt đưa con dâu ra cửa ngõ, trông theo mà càng buồn. Rồi tía tôi chết. Mẹ tôi còn chỉ có một mình. May có đứa cháu gái goá bụa về ở cùng tại nhà dưới. Nhà tôi bây giờ giống như một ngôi chùa không tượng Phật, chỉ có hai bà vãi tối tối đốt nhang, đánh chuông. Cả ngày cả đêm hầu như không có tiếng động nếu không có con Vện già sủa trăng hay điểm khách qua đường ngoài cửa ngõ. Hiu quạnh lắm. Buồn bã lắm. Bà con hàng xóm có người nói: “Tại chú Út đi đâu mất mới ra cảnh này”. Người khác bảo: “Ruộng vườn, nhà cửa, vợ trẻ, có gì cột được chân ông ấy đâu; làm trai phải vậy chớ sao? Nước mất mà nhà an thì cũng hiếm”. Ruộng nhà bị bán đi lần lần, không còn mấy, trừ ruộng hương hoả; nhưng nợ nần cũng được trang trải hết. Bồ lúa nhỏ đi mà vẫn đầy. Túi tiền cạn mà không khổ. Má tôi, chị tôi, cháu tôi đã sống được lại còn có thể chu cấp cho tôi sống mà công tác. Vợ tôi tần tảo, nuôi heo, chà gạo, làm tá điền cho ông Cụ, ăn chung mà làm riêng nên dư dả, không ai dám khinh miệt, đạo đức gương mẫu, dân làng kính nể, trong quê ngoài chợ ít ai bảo con trai bắt chước chú Mười vì gian lao quá, nhưng rất nhiều phụ huynh dạy con gái hãy theo gương cô Sáu, một tấm gương chung thuỷ vì nghĩa như Kiều Nguyệt Nga.
Trần Văn Giàu và gia đình thời còn trẻ
(ảnh tư liệu Trầm Hương)
Khi mặt trời sắp lặn thì tôi đã băng đồng, từ kinh Chợ Gạo đi qua chợ Ông Văn, tránh lộ dây thép, tránh cả lộ me, không sợ lính xét giấy thuế thân, chỉ sợ gặp người quen. Trong mình tôi có thẻ thuế thân, trong túi cũng lắm tiền, lưng quần lận một cây súng lục đầy đạn, vai vác một cây đòn xóc có lủng lẳng một đôi dép, đầu đội nón lá, chân đi đất, quần áo xềnh xoàng như nông dân đi đồng. Ma nào mà biết rằng tôi là ông Giàu đi về thăm nhà? Vợ anh Hiển, người chợ Ông Văn, báo cáo cho tôi tình hình tuần tra ban đêm của lính đồn Ông Văn: “Chẳng có gì đáng lo, tụi lính đi kiếm ăn ở những sòng cờ bạc. Theo báo cáo mới nhất thì từ hơn một năm nay, làng lính không còn chú ý đến nhà tôi nữa vì đã chú ý nhiều năm mà chẳng thấy gì”.
Trời nhá nhem thì tôi đã qua khỏi chợ. Trở ngại xem như không còn. Cầu Đồn bây giờ không có đồn. Qua cầu rồi thì tới làng tôi; nhà tôi ở đầu kia làng, phải mất một giờ nữa mới tới. Vào thời điểm này, đồng đã khô vì lúa đã gặt xong. Tôi đi tắt, vừa để rút ngắn quãng đường, vừa để tránh gặp người. Thời đó, không ai ăn trộm lúa vì lúa quá rẻ, bán không được, chỉ có Pháp thu mua để cung cấp cho quân Nhật và để thay thế cho than đá đốt lò nhà đèn Chợ Quán Sài Gòn; tôi không gặp một ai trên đường đi. Gần tới vuông tre nhà tôi, tôi ngồi xuống để xem động tĩnh ra sao, trước hết để nhìn rõ mộ cha tôi; tôi mặc niệm hồi lâu. Cha tôi chết khi tôi còn bị đày ra đảo Côn Lôn. Chị Chín tôi có lần kể lại rằng trước khi tắt thở, cha tôi dốc tàn lực, vịn cột nhà đứng dậy, lần theo vách, vừa đi vừa kêu: “Ký ơi! Ký ơi! Con ở đâu không về với tía”. (Ký là tên tôi hồi tôi chưa đi học). Người nhà bà con ai cũng mủi lòng, dắt cha tôi trở lại giường. Như vậy là cái hình ảnh cuối cùng trong tâm trí cha tôi là đứa con bất hiếu này! Tôi nguyện lấy trung với nước mà làm hiếu với cha; chớ làm sao khác được? Nhớ lại lần tôi bị trục xuất từ Pháp về và hai lần tôi bị Pháp bắt bỏ tù về, cha tôi không hề rầy la tôi sao không lo công danh, sao không lo vợ con. Cha tôi không tham gia chiến đấu chống Pháp như ông nội tôi, nhưng Cụ dù có ruộng vườn cũng không hề ra làm hương chức. Cụ chỉ làm ông “tiên bái” lo việc cúng tế thuần làng; con trai lớn của Cụ là anh Năm tôi thì tham gia nghĩa quân Thiên địa hội năm 1916, Cụ không ngăn cản.
Ở quê, chín giờ tối đã khuya. Xóm làng ngủ hết. Đường không còn ai. Quan sát hồi lâu tôi không thấy động tĩnh gì, bèn vo quần bước xuống một cái cống đào tự bao giờ, tôi lớn lên đã thấy nó rồi; cái cống xẻ ngang bờ tre, cho nước sông lên, cho nước đồng xuống. Phải vạch ô rô để vào mương, leo lên tiếp mới vào nhà chị tôi ở góc vườn. Tôi vừa leo lên bờ thì, bất ngờ, một con vật gì lủi tôi: con chó; nó định sủa, nhưng rồi nó nín thinh, nó ngửi được mùi tôi, rồi liếm tay và vẫy đuôi lia lịa, kêu hự hự, mừng quýnh. Té ra con Vện già! Tôi rờ đầu nó, nó đứng lên ôm eo ếch tôi. Hồi tôi từ Khám Lớn về nhà cách đây ba năm, ngày nào tôi cũng cho Vện ăn ngon, vuốt ve nó, nói chuyện với nó. Nó mến tôi lắm. Tối, nó ngủ dưới chân tôi, tôi trải manh đệm cho nó nằm. Có một buổi tối nọ, mật thám Tây, phủ Hoài và cả phủ Mai dắt lính đến nhà bắt tôi thì Vện sủa dữ, bị thằng cò đá một đá, nó la hoẳng, chạy trốn dưới sàn, nhưng nó dám đưa tôi ra tới cổng. Bây giờ nó còn nhớ hơi tôi! Như vậy là Vện đã hay tôi về khi tôi còn lội dưới mương. Nếu nó sủa ầm lên thì cũng sanh rầy: hàng xóm, mấy ông già chưa ngủ, sẽ đoán rằng bà Bái có khách khuya. Con Vện dường như cũng biết giữ bí mật cho chủ nó. Khôn thật! Chị Chín tôi còn thức. Linh tính khiến chị ngó qua vách, hỏi khẽ: “Em đó hả?”. Tôi khẽ lên tiếng “Em đây!”.
Trong nhà chị tôi chỉ có một cây đèn dầu leo lét trên bàn thờ Phật, ngọn chỉ bằng hột bắp, chiếu sáng lờ mờ một khoảng bằng cái cơi trầu. Chị tôi mở cửa sau rước tôi vào nhà. Hai cháu gái mừng cậu trong bóng tối, khóc thút thít. Con Vện liếm chân tôi một hồi rồi ra nằm ngoài sân, như để canh chừng.
Ông bà Trần Văn Giàu những năm cuối đời
(ở nhà riêng, 70 Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn)
Chị Chín tôi cực khổ với tôi lắm. Hồi tôi còn đi học ở trường Tầm Vu, chị tôi phải dậy sớm nấu cơm, rang vài bát cho tôi ăn liền, còn vài ba bát nữa thì tôi đem theo trong một cái giạ nhỏ xíu xinh xinh với mấy con tép hay một khứa cá kho khô. Khi tôi bị tù rạc thì chị Chín tôi đi thăm. Tôi trốn ở Nam Trung Kỳ thì chị Chín lặn lội đem tiền ra cho tôi. Chưa kể hằng đêm chị tôi tụng kinh cầu Phật phù hộ em. Bây giờ chị kể hết việc nhà, từ khi tôi trốn khỏi căng Tà Lài tới nay; chị nói: “đám lính rình rập mãi năm, sáu tháng rồi thôi, em có thể ở nhà mấy bữa mà không hề gì”.
Trong lúc tôi bắc ghế trên phản với lên mái nhà cắt năm ruột lạt cột lá dừa (đề phòng có biến sẽ đu lên nóc) thì hai cháu Ba, Tư lên nhà thờ rước bà ngoại xuống nhà tụi nó, nói rằng có ông thầy chùa ở chợ Ông Văn sang thăm và lạc quyên để sửa tượng Phật. Má tôi vô nhà chị tôi rồi mới hay rằng ông thầy chùa đó là tôi. Mẹ con ôm hôn nhau, mừng mừng tủi tủi. Mẹ tôi hôn tôi khắp mặt, cổ, tay, hôn tới đâu nước mắt cụ thấm ướt tới đó. Trong đêm tối, tôi cảm thấy má tôi già thêm nhiều so với ba năm trước. Làm da má nhăn sâu hơn, cái răng cửa hồi đó còn, bây giờ rụng mất rồi; lưng má tôi còng hơn. Má tôi năm nay ngót 80 tuổi. Bà kể lại rằng hôm cò Tây tới bắt tôi, má tôi tưởng đâu Pháp bắt tôi đem đi bắn bởi vì chiến tranh đã nổ ra rồi. Má tôi còn kể lại rằng, sau khi tôi bị bắt, sáng sớm má tôi rải lúa cho bầy gà bầy vịt để dành cho tôi thì má tôi khóc hết nước mắt. Má tôi cũng kể lại rằng, khi tôi vượt ngục Tà Lài, đám quan chức trong làng báo tin tôi đã bị dân thiểu số bắt lại, chặt đầu đem nộp cho Tây lấy thưởng bằng gạo, bằng muối. Nghe tin sét đánh đó, mấy lần má tôi chết ngất. Mãi đến khi chị Chín tôi ra Nha Trang gặp tôi rồi về nói cho má tôi biết thì má tôi mới tin chắc là tôi còn sống. Má tôi cưng tôi nhất nhà, bởi vì tôi là con út, là đứa có trách nhiệm nuôi cha mẹ lúc già và giỗ cha mẹ khi mất; nhưng bao nhiêu hy vọng của cha mẹ gởi vào tôi đều chẳng được chút gì. Cha tôi chết khi tôi còn ở tù. Không biết rồi khi má tôi theo cha đi, tôi sẽ có mặt ở nhà không? Hay lại cũng nơi chân trời góc biển?
Cả má và chị Chín đều bảo tôi ở lại chơi một vài ngày, để có thời giờ cho các cháu đi Phú Ngãi Trị rước vợ tôi về An Lục Long. Tôi cũng muốn như vậy lắm. Song, làm sao tính cho hết sự bất ngờ? Rủi ro có bề gì thì đã thiệt mạng mình mà mình lại đắc tội với dân tộc, với Đảng. Nên tôi quyết định là quá canh ba tôi sẽ lên đường; mục đích về thăm mẹ đã đạt rồi. Vài hôm nữa, tôi phải có mặt ở một địa điểm thuộc tỉnh Chợ Lớn (Phú Lạc), hay một địa điểm thuộc Gò Vấp (Hàng Điệp, Bào Lăng, Gia Định) để họp với Ban cán sự thành Sài Gòn mở rộng. Đứng vững trên căn cứ nơi ngoại thành Sài Gòn, tôi sẽ có dịp nhắn vợ tôi lên, không muộn.
Gà gáy mấy chập. Trăng sắp mọc.
Tôi ôm hôn mẹ, chị, hai cháu, rồi gạt nước mắt ra đi, không quên vuốt đầu vỗ lưng con Vện và để nó hít tay tôi, nó vừa hít vừa ngoáy đuôi lia lịa. Tôi lại vo quần, xuống mương, ra bằng ngõ đã vào. Đứng yên trong bụi một lúc, không thấy động tĩnh gì, tôi thong thả lên đường, chốc chốc ngoái lại mộ cha, nhà mẹ, rặng tre thân thiết nơi đã chứng kiến tôi được sinh ra, lớn lên và vào đời chiến sĩ. Tôi nào ngờ gặp mẹ lần này là lần cuối. Tháng Tám năm 1945, cách mạng thành công, tôi chưa kịp thu xếp một ngày về quê thăm mẹ, thì kháng chiến chống Pháp nổ ra; việc lớn này chưa làm lại xảy ra việc lớn hơn. Má tôi mất năm 1950, khi tôi đang từ mặt trận Đăngrêch (Campuchia) về ở Việt Bắc. Tôi ân hận mãi không được gặp lại mẹ tôi ban ngày ban mặt hay dưới ánh sáng đèn điện để ghi lại trong đáy mắt chân dung người mang nặng đẻ đau sinh ra đứa con bất hiếu này.
(Xem tiếp Phần thứ Ba)
Chú thích của người biên tập
1 Miền Trung Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ.
2 Trung ương: Năm 1943, Trường Chinh là quyền tổng bí thư, hai ủy viên ban thường vụ khác là Hoàng Văn Thụ (bí thư xứ ủy Bắc Kì, bị bắt tháng 8.1943, bị Pháp xử bắn tháng 5.1944) và Hoàng Quốc Việt. Người tiền nhiệm của Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, đã chủ trì Hội nghị Trung ương tháng 11.1939 ở Bà Điểm (Nam Kì), sau đó bị bắt cùng với nhiều người khác (như Lê Duẩn). Hội nghị Trung ương tháng 11.1940 họp ở Đình Bảng (Bắc Kì) cử Trường Chinh làm quyền tổng bí thư. Phan Đăng Lưu trở về miền Nam phổ biến quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa mà chính ông và Xứ ủy Nam Kì đã quyết định mấy tháng trước đó: quá muộn. Cuộc khởi nghĩa Nam Kì (23.11.1940) bị dìm trong biển máu. Phan Đăng Lưu và hầu hết lãnh đạo ở Nam Kì bị bắt, nhiều người bị xử tử. Nguyễn Ái Quốc đặt chân tới Pắc Bó (tháng 1.1941) sau 30 năm bôn ba, vào đúng điểm mà tổ chức cách mạng do ông thành lập 11 năm trước đó bị đàn áp nặng nề, hầu hết những người lãnh đạo bị thực dân bắt giam hoặc thủ tiêu. Trong cái rủi cũng có cái may, có thể nói hai lần may. Một là cũng với sự tiêu vong của ban lãnh đạo 1930-1940, là thất bại của đường lối tả khuynh, giáo điều mà họ đã áp dụng theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản – nhân danh đường lối ấy, Nguyễn Ái Quốc đã bị phê phán nặng nề và vô hiệu hóa, ngay sau khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 2.1930), và nhất là trong những năm 1934-1938. Hai là, ở Liên Xô, Stalin rối bời trước cuộc tấn công của Hitler, Hồng quân thua đậm trong thời kì đầu (tổng tư lệnh và phần lớn bộ chỉ huy Hồng quân đã bị Stalin tàn sát từ cuối thập niên 1930); ở Trung Quốc, thì Mao và lãnh đạo ĐCS Trung Quốc còn ẩn náu mãi tận Diên An; Nguyễn Ái Quốc không còn bận tâm vì các đồng chí của mình, có thể vạch ra và theo đuổi đường lối giải phóng dân tộc đã từng bị lên án. Tất nhiên, thực hiện chính sách Mặt trận Việt Minh không dễ dàng khi đất nước còn nằm dưới ách thống trị của bộ máy thực dân Pháp theo Pétain và bộ máy quân phiệt Nhật Bản, hàng ngũ ĐCS bị đàn áp nặng nề, liên lạc với các xứ ủy Trung Kì và Nam Kì dường như bị cắt đứt trong mấy năm. Tình trạng phân hóa khá phổ biến: như ta sẽ thấy, Nam Kì sẽ có hai xứ ủy; ở Trung Kì, có tỉnh có tới ba tỉnh ủy bất đồng với nhau (xem David G. Marr: Vietnam 1945 / The Quest for Power, University of California Press, 1995).
3 Xuyên Vân Nhạn: con chim nhạn bay xuyên qua mây mù.
4 Kinh cung chi điểu: con chim đã bị tên bắn rồi thì trông thấy cành cong cũng kinh hãi (tưởng là cung).
5 Hội nghị Trung ương lần thứ VIII: họp từ ngày 10 đến 19.5.1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng), chấp nhận sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh: “ Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc ”; “Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”. Quan niệm, tầm nhìn, ngôn ngữ khác xa quan niệm “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những Trần Phú, Hà Huy Tập…
6 Năm Đông: Dương Quang Đông, tức Dương Văn Phúc (1902-2003). Ông Năm Đông là nhà cách mạng lão thành đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sớm hoạt động trong Công hội Đỏ của cụ Tôn Đức Thắng. Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kì. Trong thời kháng Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta ở thủ đô Xiêm quốc, Bangkok. Ông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập cảng lớn tại thủ đô Bangkok, mua sắm tàu biển chở súng đạn, hóa chất, máy móc về nước đánh Tây. Trong cuộc sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái tên Xiêm là Nai Chran ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt. Xem tiểu sử đầy đủ trong cuốn Dương Quang Đông xuyên Tây của Nguyên Hùng (sách đã dẫn). Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, ông vẫn lên tiếng chống tiêu cực và sự lưu manh hóa hàng ngũ đảng (như tố cáo sự gian trá của tướng Lê Đức Anh).
7 Tức Nguyễn Văn Trân: xem chú thích ở các phần (I) và (IV).
8 Chúng tôi chưa tìm ra được những tập sách bỏ túi này cũng như những lời phê phán của Trường Chinh. Rất mong được bạn đọc giúp đỡ.
9 Tam quá kỳ lư bất nhập: ba lần đi qua ngôi nhà nhỏ đó mà không ghé vào. Người biên tập xin cảm ơn nhà Hán học Nguyễn Xuân Diện đã cho biết đây là tích Đại Vũ bận trị thủy, việc gấp, nên ba lần đi qua nhà mà không có thời giờ tạt qua.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top