Hồi Ký Trần Văn Giàu - kỳ 1

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU 

Ở nước ta, từ hai mươi, ba mươi năm nay, có hai cuốn hồi kí mà người ta tin rằng tác giả đã viết xong, nhưng chưa biết bao giờ mới được công bố. Người dân thường và các nhà sử học thì mong mỏi sớm được đọc toàn văn hai chứng từ lịch sử. Nhà cầm quyền, hay đúng hơn, công cụ chuyên chính của chính quyền, thì ra sức theo dõi việc biên soạn, lùng tìm những người đánh máy, tàng trữ, với hi vọng thu hồi được bản thảo, để hoặc thủ tiêu, cấm đoán xuất bản, hoặc cắt xén, thay đổi (dịch nôm hai tiếng “biên tập” — (tiếng) nước ta nó thế) trước khi cho xuất bản.

Tình cờ hay không, tác giả hai tập hồi kí huyền thoại ấy, hai cá tính rất khác nhau, lại có những điểm tương đồng kì lạ. Họ đều là những nhân vật lịch sử, đã góp phần làm nên lịch sử Việt Nam thế kỉ XX. Do số phận trắc trở, sinh thời họ đã trở thành những nhân vật huyền thoại, trong tưởng tượng của những người hâm mộ hay tò mò, thù ghét hay quý mến. Cả hai đều ra đời trên đất nước Việt Nam đau thương, người tháng trước, kẻ tháng sau, vào cùng năm 1911, cách đây gần đúng một trăm năm. Mỗi người một cách, cả hai đã làm nên lịch sử. Lại đã từng dạy sử (một người dạy sử trước khi làm nên lịch sử, một người ngược lại), hơn nữa, cả hai, về cuối đời, đều trở thành chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Thêm một trùng hợp nữa, cách đây tám thập niên, ở xa nhau vạn dặm, họ đều viết về “ vấn đề dân cày ” ngày nay vẫn còn nóng bỏng, vấn đề của những vấn đề Việt Nam thế kỉ XX. Nhưng nếu có một lí do quan trọng hơn mọi lí do khiến mọi người mong muốn tìm đọc hồi kí của họ, thì đó là: tên tuổi đã đi vào lịch sử, quyền bính có lúc ở tột đỉnh, nhưng họ đã trải qua những oan khuất kì bí vì họ không được lên tiếng giãi bày, còn người gây ra oan khuất lại nắm giữ quyền cao chức trọng, chỉ nhỏ giọt những lời lên án, vu khống họ bằng lời rỉ tai, xì xầm (cùng lắm thì “phổ biến miệng trong họp tổ”).

Hai nhân vật ấy, không nói, nhiều người cũng đoán ra: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu.

Từ đầu năm 2010, bước sang tuổi bách niên, hai ông đã phải nằm bệnh viện. Lễ mừng thọ (truyền hình) của họ diễn ra trên giường trắng, trong tháng 8 và tháng 9. Ông Trần Văn Giàu vừa từ trần ngày 16.12.2010.

Đêm hôm ấy, viết đôi dòng về cuộc đời giáo sư họ Trần, tôi ước mong sớm được đọc trên mạng tập hồi kí của ông trong một văn bản toàn vẹn, không bị cắt đục, vo tròn hay bóp méo. Bài viết đưa lên mạng Diễn Đàn, anh Trần Hữu Dũng đưa tiếp lên trang Viet-Studies và gửi thư hỏi tôi: Chưa có bản hồi kí sao? Hóa ra anh cũng đã nhận được một bản “số hóa” mà Trần Văn Giàu nói tới trong Lời nói đầu (dưới đây). Không phải là bản điện tử, nên chúng tôi phải tổ chức đánh máy lại. Tác giả chưa rà lại bản in này, mà sự việc kể lại trong đó lại xảy ra cách đây hơn 60 năm, nhân vật nhiều khi được gọi bằng bí danh, nên nhất thiết phải sửa lỗi chính tả và lỗi đánh máy, thêm chú thích và nếu cần, chú giải (việc này đòi hỏi nhiều công phu, mà những hiểu biết của chúng tôi không đủ). May thay, ý muốn được đọc một văn bản hoàn chỉnh không phải chỉ chúng tôi mới có. Anh Trần Hữu Dũng vừa “hô” trên mạng, đã có ngay năm bảy bạn đọc, người ở trong nước, người ở đôi bờ Đại Tây Dương, sốt sắng hưởng ứng.

Nhờ vậy, ban biên tập Viet-Studies và ban biên tập Diễn Đàn vinh dự công bố Hồi kí Trần Văn Giàu.

Chúng tôi bắt đầu, kỳ này, bằng Lời nói đầu của tác giả (viết năm 1995), và chươngCâu chuyện mười năm kết thúc (trong phần V, tức là phần cuối cùng, của Hồi kí).

Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ lần lượt công bố theo thứ tự toàn văn tác phẩm. Đương nhiên, bản điện tử này sẽ tôn trọng nguyên tác, chỉ sửa những lỗi đánh máy và lỗi chính tả; trong phạm vi cho phép, sẽ thêm chú thích và chú giải cần thiết. Tất cả các bình chú ấy là của những người biên tập (trừ trường hợp của tác giả thì chúng tôi sẽ chua rõ). Vì đây là một chứng từ lịch sử, tuy biết bạn đọc nóng lòng, chúng tôi sẽ cố gắng làm nhanh nhưng không vội, theo đúng tiêu chí nói trên. Tuy nhiên, công việc này không khỏi có sai sót, rất mong nhận được sự chỉ dẫn của bạn đọc. Bản đã lên mạng rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh và cập nhật, những thay đổi (nếu có) về nội dung sẽ được ghi rõ ngày tháng để tiện việc tra cứu. Đây cũng là dịp để tập hợp những hình ảnh liên quan tới tác giả và những nhân vật nói tới trong hồi kí (trong chừng mực có thể, sẽ ghi rõ nguồn gốc).

Thay mặt hai ban biên tập, chúng tôi xin thành thực cảm ơn tất cả các bạn xa gần đã góp phần vào việc chuyển giao bản thảo, đánh máy, chỉ dẫn… để tập Hồi kí Trần Văn Giàu này đến tay bạn đọc năm châu.

Nguyễn Ngọc Giao

19.12.2010

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top