I
O Trà, em gái tôi
Viết về đời tôi, tôi phải ghi thật rõ công ơn của em gái tôi là o Trà, công ơn đối với gia đình, đối với riêng tôi. O Trà là em gái liền tôi, tức là con thứ hai của bố mẹ tôi. Trong lúc tôi đi học ở Huế, có những lúc bố tôi ham chơi, thì chỉ có em Trà gánh vác việc gia đình cùng mẹ tôi. Em đi cày, đi bừa, đi gặt hái, đi cấy lúa, làm đủ mọi công việc đồng áng, và ở nhà còn nuôi lợn, nuôi gà. Em rất thương tôi và các em tôi. Em Trà là biểu tượng của sự hy sinh âm thầm của một người con gái cho gia đình, chỉ biết lo cho bố mẹ, anh em mà không tính toán mặc cả một điều gì. Có lúc, mẹ tôi cần gửi tiền cho tôi sau khi tôi bị cắt học bổng vì tham gia biểu tình đón Gônđa, đại biểu Chính phủ bình dân Pháp (1937), em Trà còn chủ động đem bán đôi khuyên vàng (đôi hoa tai) giao tiền cho mẹ.
Em hai đời chồng, hai đời đều vất vả. Đời trước thì chồng phụ, đời sau thì chồng chết sớm. Sau ngày giải phóng miền Bắc, em theo mẹ tôi ra ở với tôi ở Hà nội, và em làm ca dao hò vè ở nhà ăn, được mọi người rất mến. Hai đời chồng cho em hai mụn gái, nay đã thành thân cả rồi. Cuộc đời của o Trà cũng như là "Số phận một con người". Tôi đã làm tặng em bài thơ "O Trà, em gái tôi" xin trích ra đây vài đoạn:
O Trà ơi, đêm qua Chiêm bao thấy o chết Sáng rồi mở mắt ra Chiêm bao còn chưa hết Hai đời chồng vô duyên:
Kẻ phụ, người chết sớm O nằm khóc những đêm Ban ngày còn làm lụng Được cái o vô tâm
Lòng tin người mộc mạc Sự sống kiên nhẫn thầm Có thể nào sống khác!
Hay ca dao, ví hát Đậm tâm hồn dân gian Khi nấu cơm, rửa bát
Lúc dọn mâm, trực bàn... Càng già càng giống mẹ Giống mặt, giống đau phiền Tấm lòng hay kể lể
Như truyện nôm trường thiên...
Cha con
Ngày nhỏ ở nhà, không lúc nào tôi dám nhìn thẳng vào mặt bố tôi. Và lạ quá, nhìn tôi, thấy tôi ngoảnh mặt đi thì bố cười, cái cười "hồn nhiên" quá. Bố tôi hiền, vậy mà có cái gì cản lại không cho tôi ngó thẳng vào mặt bố tôi. Dường như bố tôi cũng hiểu vậy, nên ít khi nhìn vào mặt con chăm chú. Tôi chỉ ưa nhìn nghiêng mặt bố, có một thứ e thẹn rất phức tạp giữa cha và con. Bà con, hàng xóm thường thấy tôi đi theo bố tôi thì cứ nói: "Cha nào con nấy, hiền như bụt". Bố tôi cười và nháy mắt, quay lại nhìn con và không nói gì. Cha với con, sao mà tình ngỡ ngàng như thế! Tôi thương bố không bằng thương mẹ, và lạ nhất là bố như sớm tin ở tôi quá, cho rằng tôi hiểu mọi việc nhà mọi việc về tình cảm, cố nhiên. Tôi ít nói chuyện, ít bàn bạc với bố, trừ về bài học (ngày nhỏ tôi học với bố). Con mắt bố thông minh, sáng, nhưng cái sáng yếu dần, và đôi khi bố tôi nhìn nghiêng thì nét mặt rất buồn cũng có lúc mắt bố tôi hơi lạc đi, và những lúc ấy tôi thương bố quá đỗi. Chắc bố cũng có nhiều tâm sự, nhưng không bao giờ ngỏ ra ngoài cho ai biết. Sao cha con lại không nhìn thẳng vào nhau được? Có cái gì ngăn giữa hai linh hồn đó chăng? Tôi muốn dứt đi, muốn đi tới, muốn đến tận đáy hồn với tôi, nhưng rồi tôi cũng chịu thua, mắt bố dịu và hiền, sao tôi không chịu nổi?
Sau này tôi được nhiều lần nghiệm ra rằng hai người ghét nhau hay dửng dưng với nhau thì rất dễ nhìn nhau tận mặt. Nghiệm ra điều ấy tôi rất mừng, vì khi nhỏ có đôi lúc tôi tưởng tôi ghét bố tôi. Nhưng cha con thương nhau mà có một nỗi ngậm ngùi rất khó nói trong tình thương đó. Hay là tự sơ sinh trời sinh đã đánh dấu hai cha con chúng tôi? Làm sao cho tôi học thuộc lòng nét mặt bố tôi, cha xương thịt của tôi để tôi tìm ra cái lẽ sâu xa của lòng "e thẹn" ấy. Bâng khuâng bao nhiêu khi một người con đã khôn lớn nhìn lại mặt cha mình. Mặt cha già thêm, mỗi ngày càng cằn cỗi, nhưng cái đó chưa hẳn là điều ta nhận thấy đầu tiên. Nhiều lúc trái lại nữa.
Ta vẫn thấy như xưa, vẫn y nguyên con mắt trừng mà ta sợ thuở bé, vẫn cái trán, đường mày và cái môi chận dưới hàm răng dường như dữ tợn. Không, lòng ta sắc sảo hơn mắt ta, và thấy những điều bí ẩn khác. Giữa mặt hai cha con cũng vẫn một lớp không khí, mà sao bây giờ không ấm áp, ủ ôm như xưa nữa? Ta lớn rồi, và chính ta thấy sự đổi thay của ta trên mặt hai người cha đứng trước ta. Mặt của những ông cha, đến một trạc tuổi nào đó, chừng như không thay đổi nữa, để giữ nguyên tuổi nhỏ giùm cho ta. Tôi không biết một người con sáu mươi tuổi đứng trước một người cha tám mươi tuổi có những cảm giác, cảm tưởng gì. Tôi đoán thấy một cảm giác là lạ, đôi chút ngỡ ngàng. Tôi phân tích làm gì thế? Chỉ vì tôi chưa hết ngạc nhiên tại sao cha con tôi chỉ có thể nhìn nghiêng mặt nhau. Nhưng chắc rằng đời đã cho phép tôi được nhìn vào tâm hồn bố tôi theo lối thẳng.
Có một lần tôi về thăm nhà, bố tôi nói chuyện về gia phả, bố tôi bảo nên viết một quyển lịch sử gia đình, tường tận và đầy đủ. Viết theo kiểu người xưa nghĩa là ngoài chuyện ghi chép như biên niên sử còn thêm lời bàn nữa. Tôi cũng nói đùa tiếp theo lời bố: "Con sẽ viết để các em con sau này lớn lên biết cái thời "oanh liệt" của bố. Con sẽ bênh vực mẹ nhiều, chắc thế". Bố tôi cũng đáp lại nửa đùa nửa thật, nhưng rất bâng khuâng cho tôi: "Phải, cứ chép đúng sự thật, nhưng bình luận thì nhớ công bằng". Bố tôi đã đoán hiểu dự định của tôi chăng, và lời nói ấy như giật lòng tôi lại một phía. Vì quá thương mẹ tôi từ nhỏ, tôi quen hùa về phe mẹ lâu rồi, có chuyện gì xích mích giữa hai người là tôi cũng về một bè với mẹ. Bố không hề cải chính, không hề tỏ ý giận con về điều chênh lẹâch ấy. Nhưng bây giờ đã đến lúc tôi phải minh mẫn, sáng suốt mà xét lại. Giờ công bằng đã đến, xem suốt mấy trang trên tôi thấy tôi có ý mỉa mai bố tôi nhiều quá. Tôi có thể thương mẹ mà không oán bố chứ! Tôi mong rằng lòng thương mẹ không phải làm bằng lòng oán giận bố: Sao cho bố tôi âm thầm mà kín đáo thế! "Nhớ công bằng" Trời ơi! Tôi có làm quan toà mà phán xét lỗi của bố tôi đâu. Tôi chỉ là một đứa con nhìn thẳng vào mặt cha mẹ mình mà nói: "cha ta đó: một linh hồn yếu đuối, nhưng bảh tâm rất hiền từ. Mẹ ta đó: người đã khóc nhiều và đã khổ lắm. Cuộc đời hay số kiếp đã nối đời hai người lại để mà dày vò nhau như để làm tròn một ý định của trời đất". Thưa bố, con sẽ công bằng: bố có bao nhiêu đức tính tốt mà con chưa nói đến...
Bố tôi tuy chỉ đậu tam trường nhưng là một nhà nho khá thâm thuý; đọc nhiều sách nhất là sách sử, và về sau lại nghiên cứu sách thuốc, trước hết là để chữa bệnh cho bà con và họ hàng làng xóm. Bố tôi cũng ham đọc thơ Đường của Trung Quốc, và rất ham ngâm ngơi các thơ văn của ta các đời trước, từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, cho đến thơ văn của Nguyễn Khuyến, Tú Xương sau này. Đặc biệt bố tôi ham bình luận truyện Kiều, ca dao và "Đại Nam quốc sử diễn ca" cho bà con nghe. Bố rất thuộc mười bài "Khuê phụ thán" của Thượng Tân thị, và những bài thơ yêu nước của cụ Phan Sào Nam và của Á Nam Trần Tuấn Khải như tôi đã kể trên kia. Bố tôi cũng có làm một số bài thơ thất ngôn bát cú, nhưng được ý mà lời không hay. Nhiều lần bố mẹ tôi giận nhau, thì ban đêm ông cụ ra ngủ ở nhà ngoài, và cứ một mình ngầm Kiều lên và một mình bình luận cái hay của thơ Kiều, giọng sang sảng, có khi réo rắt, có khi trầm bổng rất tâm tình... Mẹ tôi giận thì giận, nhưng nằm nghe không để lọt một câu. Và cũng nhờ những buổi "bình văn" độc tấu ấy của bố mà mẹ tôi càng thuộc thêm nhiều đoạn Kiều. Sáng hôm sau tôi thấy dường như tình hình căng thẳng giữa hai người có dịu đi một chút. Thật ra mẹ tôi vẫn phục và quý cái trí tuệ biết nhiều hiểu rộng của bố tôi, và cũng cảm những tình tứ của bố tôi trong lời bình luận nữa...
Đức lưu quang
Trên bàn thờ nhà tôi có bức tranh hoàng phi sơn son khảm chữ sành xanh, cổ kính. Ba chữ "Đức lưu quang" nét mặt thẳng xương xương, lối chữ của người thời trước. Sành đã rã đôi mảnh, ván đã bị mọt gặm vài nơi, nhưng nét chữ vẫn sáng và đẹp. Không biết ông tôi đặt lấy, hay có người đi mừng mà bức hoành phi ấy lưu lại đến giờ. Đức lưu quang: tích đức thành phước; đức lưu lại ánh sáng cho dòng dõi mai sau. Ánh sáng! Bố tôi chỉ giữ được chút tinh anh để vào đến tam trường đó ư? Ánh sáng đã yếu dần trong mắt bố tôi, nhưng mạnh và quả quyết mắt chú tôi nghĩ mà thương cho ông tôi, nhân từ và phúc hậu, một lòng gây cơ nghiệp cho con bằng mồ hôi nước mắt, cày sâu cuốc bẫm, nhân đức đến điều để gom góp một ít ánh sáng rạng mày mặt cho con cháu. May thay các em tôi đều sáng dạ, thông minh, may ra chúng tôi đắp lại lòng mong mỏi của ông tôi một đời tận tuỵ. Chúng tôi là dòng dõi con cháu nmhà cày, chúng t6i mọc ở đất lên, quen ngửi mùi đất, nhịp nhàng với thời tiết quê nhà. Nhửng cái mầm từ đất nảy lên ấy sau này lại gặp được không khí ấm áp của thời đại mới. Câu chuyện tâm tình gi74a các thế hệ xuyên qua số phận cụ thể của những con người. Con cháu nói chuyện với cha ông cũng hào hùng mà thầm thì, nói sao cho hết được!
Bàn tay mẹ tôi
Tôi muốn kết thúc phần hồi ký về tuổi nhỏ ở quê nhà của tôi bằng tiểu mục này. Mẹ tôi suốt một đời làm lụng, nên ở góc các ngón tay đều chai. Lúc còn con gái ở làng Tùng Ảnh, mẹ tôi dệt lụa, lụa Hạ nổi tiếng. Quanh năm hái dâu nuôi tằm và ngồi khung cửi, mẹ tôi có một vẻ "thanh lịch" riêng, cái thanh lịch của dân phường vải. Đến lúc bố tôi đi hỏi thì ông bà ngoại quý bố tôi là học trò nho, hay chữ, tính tình nho nhã nên ưng ý ngay. Mẹ tôi cũng theo lòng bố mẹ mà lấy bố tôi, nhưng lòng riêng cũng cảm phục và quý bố tôi, và đương nhiên cũng hy vọng ở khoa cử của bố tôi. Lúc về nhà chồng, mẹ tôi mang theo một khung cửi, đó là của "hồi môn" duy nhất.
Khung cửi này còn để mãi trong nhà về sau; thỉnh thoảng mẹ tôi cũng có dệt vải, như để nhớ cái nghề con gái của mình. Lúc tôi 5, 6 tuổi, tôi còn thấy mẹ tôi chong đèn ngồi dệt, không phải dệt lụa mà là dệt vải thô khổ hẹp để nhuộm nâu may váy. Về nhà bố tôi, mẹ chuyển nghề dệt sang nghề cày, như tôi kể ở trên: đàn bà mà cũng cày cũng bừa, và tất nhiên là đi cấy đi gặt, đi gieo trỉa, đi bới khoai lang, bới lạc, chặt mía... Hai sương một nắng. Nếu chỉ vất vả về làm lụng chân tay thì đời mẹ cũng chưa phải là khổ lắm. Đằng này dồn dập bao nhiêu xung khắc, đau khổ trong gia đình làm cho mẹ héo hon. Nhưng chính hai bàn tay đầy chai ấy đã làm nên đời tôi, đời các em tôi. Người ta hay nói bàn tay số mệnh nhào nặn nên số phận mỗi con người. Đối với tôi và các em tôi số mệnh chính là mẹ tôi đã nuôi chúng tôi, đã giữ chúng tôi lại đời này và đã dắt chúng tôi từ những bước chập chững đến những bước vững chắc đi vào cuộc sống.
Tôi nhớ bàn tay của mẹ tôi Chai năm gốc ngón, bởi già đời Mẹ còn cày cuốc, còn vun xới
Gieo hạt tư mùa, chẳng nghỉ ngơi Mà lạ lòng tay vẫn cứ mềm
Bởi quen gieo hạt hoá tươi êm
Mịn màng thương mến bàn tay mẹ Như lá đầu cành tơ mượt thêm.
Tay mẹ cũng lau nhiều nước mắt Và ôm trán nghĩ những đêm trời Con đau mẹ mới cầm tay quạt
Ít quạt cho mình dẫu nắng oi. Mẹ đã yên nằm, tay của mẹ' Còn xương bám đất tợ ôm con
Suốt đời làm lụng tay không nghỉ Tay bỏ xuôi rồi, mới ngủ ngon.
Hà nội - Mỹ Tho 1940 Hà nội, tháng 3-1986 Huy Cận
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top