CHƯƠNG NĂM: SỰ LỢI HẠI CỦA VẤN ĐỀ ĐỒNG CỐT
Mọi người đều đồng ý rằng những người đồng cốt chuyên nghiệp, mà vấn đề cơm áo hàng ngày tùy thược nơi khả năng của họ để tạo nên các hiện tượng thông linh khi có thân chủ đến viếng, trong ngững cơn nguy cấp, túng thiếu, thường bị bắt buộc làm những hiện tượng giả trá để thay thế vào khi mà những hiện tượng thật không thể xuất hiện. Hầu hết các giới đồng cốt hành nghề đều nghèo, thường là những người phế tật, nhưng bắt buộc phải nuôi con hay bảo dưỡng những ông chồng lười biếng hay bệnh hoạn. Vấn đề sinh kế của họ thật vô cùng bấp bênh, bởi vì trạng thái đồng cốt tùy thuộc những điều kiện tâm sinh lý cũng như những điều kiện thời tiết ngoài khả năng kiểm soát của họ. Bởi vậy, nên không phải là một chuyện là nếu trong những cơn túng quẩn, dưới sự thúc đẩy của những nhu cầu cấp bách, họ không còn đặt nặng vấn đề lương tâm. Lẽ tự nhiên, họ đễ bị lung lạc trước sự cám dỗ mà những thân chủ mê tín bày ra trước mắt họ, những người này không đòi hỏi gì hơn là trả tiền để mà bị gạt. Dù sao, đó là những điều mà các đồng tử chuyên nghiệp giải thích cho tôi nghe.
Họ đã kể lại cho tôi nghe cuộc đời khốn khổ của họ, việc họ “có đồng” đã tác hại thế nào trong thời thơ ấu, làm cho họ bị lẩn tránh và ngược đãi bởi những bạn học cùng lớp, bị theo dõi và chọc ghẹo bởi những kẻ tò mò, bị dùng làm một hiện tượng lạ mắt bởi những “gánh xiếc” lưu động trả tiền cho cha mẹ họ thụ hưởng, và mang lấy những chứng bệnh hoạn thần kinh, bệnh lao phổi, hay tràng nhạc, làm tàn phá sức khỏe của họ.
Bà Hardinge Britten, một nhà chuyên môn khảo cứu về vấn đề thông linh và có nhiều kinh nghiệm về các giới đồng cốt, có nói rằng bà ít khi thấy một đồng tử nào mà không có một khí chất bệnh hoạn, thường là có bệnh tràng nhạc hay bệnh lao và sự khám nghiệm cơ thể cho thấy rằng họ cũng thường hay có những ám tật nơi cơ quan sinh dục. Trong quyển “Art Magic”, bà viết:
“MỘT SỰ VIỆC CÓ Ý NGHĨA ĐỂ LƯU Ý CÁC NHÀ SINH LÝ VÀ TÂM LÝ HỌC, LÀ DƯỜNG NHƯ NHỮNG NGƯỜI MẮC BỆNH TRÀNG NHẠC VÀ BỆNH SƯNG HẠCH TUYẾN, THƯỜNG LÀ NHỮNG MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI ĐỂ CHO CÁC VONG LINH TÁC ĐỘNG TRÊN ĐỊA HẠT VẬT CHẤT HỮU HÌNH. NHỮNG PHỤ NỮ HÌNH VÓC MẢNH MAI, YẾU ĐUỐI, VÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ TÍNH CHẤT KHIẾT BẠCH, NGÂY THƠ, VÔ TỘI, NHƯNG HỆ THỐNG HẠCH TUYẾN CỦA HỌ ĐÃ BỊ GẬM NHẤM BỞI CHỨNG BỆNH TRÀNG NHẠC, THƯỜNG DỄ TRỞ NÊN NHỮNG KHÍ CỤ HỮU HIỆU CHO SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC VONG LINH TRÊN CÕI VẬT CHẤT HỒNG TRẦN”.
Những hoạt động đồng cốt thực hành ở những nơi công cộng, là một hiểm họa trầm trọng trên phương diện sức khỏe thể chất cũng như trên phương diện tinh thần. Tất cả mọi y sĩ đều nói rằng ngủ trong một gian phòng không có thoáng khí, chung lộn với một số đông người hỗn tạp, trong số đó có người bệnh tật là một điều vô cùng nguy hiểm và có thể là một tai họa làm chết người. Nhưng nguy cơ này còn không thấm vào đâu so với cái hiểm họa rình rập một bên người đồng cốt hành nghề công cộng, phải chấp nhận sự có mặt và chịu sự xâm nhập từ điển của tất cả mọi người đủ các giới và đủ mọi thành phần. Trong số đó, đương nhiên có người tốt kẻ xấu lẫn lộn, gồm cả những người bệnh tật về thể xác cũng như về tinh thần, những kẻ thô bạo, dâm ác, vật chất, ô trược, vô đạo, vô tín ngưỡng, sa đọa, tội lỗi trong tư tưởng, lời nói, hay việc làm và trái ngược lại. Thật tội nghiệp thay cho những người đồng cốt bất hạnh ấy; chẳng khác nào những gái làng chơi vì tiền mà cung hiến thể xác cho mọi người, họ để cho phần tâm linh của họ chịu sự ô nhiễm, dày vò của khách bốn phương! Thật hạnh phúc thay cho những người nào có thể phát triển và thực hành những khả năng thông linh của mình trong những hoàn cảnh tịnh khiết và lành mạnh, giữa một tập đoàn chọn lọc gồm những người ưu tú, tốt lành: đó là trường hợp của những nhà nữ đồng tử và linh thị thời cổ xưa, được giữ gìn, bảo dưỡng và chăm sóc cẩn thận trong các đền thờ…
II
Mùa hè năm 1875, một phụ nữ tên Youngs hành nghề đồng tử để sinh sống tại Nữu Ước. Hiện tượng chính của bà này là sai khiến âm binh nâng cao lên một cây đàn dương cầm lớn hạng nặng, và làm cho nó nghiêng qua nghiêng lại hai đầu để làm nhịp trong khi bà ấy đánh đàn.
Tôi nghe nói vậy, bèn mời bà HPB cùng đi với tôi đến nơi để xem hiện tượng lạ ấy. Tôi đem theo ba vật đựng trong túi để thử khả năng đồng tử của bà kia, là một quả trứng gà còn sống, và hai hột hồ đào. Tôi không cần phải sử dụng trí nhớ, vì tôi còn cất giữ bài tường thuật chính xác về sự việc này đăng trên báo NEW YORK SUN ra ngày 4 tháng 9 năm 1875. Hôm ấy có tất cả mười lăm người đến dự buổi họp đàn. Phóng viên nhật báo ấy viết như sau:
“CUỘC BIỂU DIỄN BẮT ĐẦU BẰNG VIỆC DỞ HỔNG CÂY ĐÀN DƯƠNG CẦM (PIANO ) BỞI NHỮNG SỨC MẠNH VÔ HÌNH, TRONG KHI BÀ ĐỒNG TỬ YOUNGS ĐẶT NHẸ HAI BÀN TAY LÊN MẶT ĐÀN. CÁC VONG LINH KHUẤT MẶT SẼ GÕ NHỊP BA CÁI HOẶC MỘT CÁI TRÊN CÂY ĐÀN ĐỂ TỎ Ý THUẬN HAY KHÔNG THUẬN LÀM CUỘC BIỂU DIỄN. KHI ĐÃ SẴN SÀNG BÀ NGỒI XUỐNG GHẾ VÀ BẮT ĐẦU CHƠI VÀI BẢN NHẠC, TRONG KHI ĐÓ CÂY ĐÀN TỰ ĐỘNG LÊN CAO XUỐNG THẤP THEO NHỊP ĐÀN. KẾ ĐÓ, BÀ ĐỨNG QUA MỘT BÊN VÀ GỌI ĐẠI TÁ OLCOTT VÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ MẶT MUỐN LÀM CUỘC THÍ NGHIỆM, MỖI NGƯỜI HÃY ĐẶT BÀN TAY TRÁI CỦA MÌNH PHÍA MẶT DƯỚI CÂY ĐÀN, CÒN BÀ CŨNG ĐẶT NHẸ MỘT BÀN TAY Y NHƯ VẬY. XONG RỒI, THEO LỜI YÊU CẦU CỦA BÀ ĐỒNG TỬ, MỘT ĐẦU CỦA CÂY ĐÀN DƯƠNG CẦM RẤT NẶNG ĐƯỢC DỞ HỔNG LÊN KHỎI SÀN GẠCH MÀ KHÔNG CÓ SỰ DÙNG SỨC CỐ GẮNG CỦA MỘT NGƯỜI NÀO. ĐẾN ĐÂY, ĐẠI TÁ OLCOTT YÊU CẦU BÀ ĐỒNG TỬ CHO ÔNG LÀM MỘT THÍ NGHIỆM KHÁC. BÀ NÀY VUI LÒNG, ĐẠI TÁ LIỀN ĐƯA RA MỘT QUẢ TRỨNG GÀ ĐỰNG SẴN TRONG MỘT CÁI HỘP, VÀ YÊU CẦU BÀ ĐẶT QUẢ TRỨNG GIỮA BÀN TAY BÀ VÀ MẶT DƯỚI CỦA CÂY ĐÀN, RỒI YÊU CẦU CÁC VONG LINH NÂNG CÂY ĐÀN LÊN. BÀ ĐỒNG TỬ NÓI RẰNG TRONG THỜI GIAN HÀNH NGHỀ ĐỒNG TỬ , BÀ CHƯA TỪNG LÀM CUỘC THÍ NGHIỆM NHƯ VẬY BAO GIỜ, VÀ BÀ KHÔNG CHẮC SẼ THÀNH CÔNG, NHƯNG BÀ CŨNG BẰNG LÒNG LÀM THỬ. BÀ CẦM LẤY QUẢ TRỨNG ÁP VÀO MẶT DƯỚI CÂY ĐÀN THEO LỜI DẶN, VỚI BÀN TAY KIA BÀ VỖ VÀO THÙNG CÂY ĐÀN VÀ YÊU CẦU CÁC VONG LINH HÃY THỬ RA SỨC. NGAY TỨC KHẮC, CÂY ĐÀN LẠI NÂNG CAO LÊN NHƯ TRƯỚC VÀ TREO LƠ LỬNG MỘT LÚC TRÊN KHÔNG TRUNG. CUỘC THÍ NGHIỆM ĐỘC ĐÁO VÀ MỚI LẠ NÀY ĐÃ THÀNH CÔNG TRỌN VẸN.”
Kế đó, bà Youngs yêu cầu những vị nào mập mạp nặng cân nhất trong cử tọa hãy ngồi lên mặt đàn dương cầm, và sau khi có bảy người thân hình đồ sộ vừa nam vừa nữ đã ngồi lên, bà đánh một bản nhạc hành khúc, và tất cả nội vụ, cả người lẫn dương cầm, đều được dở hổng lên một cách dễ dàng. Đến đây, Đại Tá Olcott mới đưa ra hai hột hồ đào ( walnut ) và yêu cầu các vong linh khuất mặt hãy làm bể những cái vỏ cứng bên ngoài dưới chân cây đàn mà không làm giập cái nhân ở bên trong, mục đích là để chứng minh rằng có sự tác động của một sức mạnh khác hơn là của bà đồng tử và cái sức mạnh ấy có sự điều khiển của một trí lực thông minh. Những vong linh tỏ ý bằng lòng, nhưng vì những cây chân đàn dương cầm đều đặt trên các bánh xe lăn, nên đành phải bỏ cuộc thí nghiệm vì không thể thực hiện được. Kế đó, Đại Tá Olcott yêu cầu bà nọ để cho ông cầm quả trứng và đặt ở mặt dưới cây đàn, còn bà đặt bàn tay dưới bàn tay của ông, để chứng minh một cách tuyệt đối sự kiện rằng không có một sự dùng sức cố gắng nào của bà đồng tử. Cuộc thí nghiệm này cũng được chấp thuận và thi hành ngay tức khắc. Cây đàn cũng được nâng nhẹ lên như trước. Sau cùng, buổi họp đàn chiều hôm ấy kết thúc bằng việc NÂNG NHẸ CÂY ĐÀN LÊN KHÔNG TRUNG MÀ KHÔNG CÓ VIỆC ĐỤNG CHẠM HAY ĐẶT NHẸ BÀN TAY CỦA BÀ ĐỒNG TỬ.
Đó hẳn là sự biển lộ rất độc đáo của một sức mạnh vô hình. Không những một cây đàn dương cầm hạng lớn và rất nặng mà sức một người không thể dở nổi một đầu, lại được nâng nhẹ lên dễ dàng mà không có sự dùng sức cố gắng của người đồng tử hay của một người nào có mặt tại chỗ, trong một gian phòng thắp đèn sang, mà còn có sự tác động của một trí lực thông minh, hiểu biết và làm đúng theo mọi lời yêu cầu.
Việc này hẳn là không có bao nhiêu giá trị tâm linh, nhưng nó hàm xúc một ý nghĩa làm đảo lộn những lý thuyết của Khoa Vật Lý Học hiện đại.
III
Một hiện tượng đồng tử khác có tính chất thi vị hơn và hứng thú hơn nữa là của bà Mary Baker Thayer, ở Boston, mà tôi đã dành trọn hết năm tuần để theo dõi, cũng trong mùa hè năm ấy. Bà này có khả năng đặc biệt là làm cho các thứ cỏ cây hoa lá rơi rụng như mưa chung quanh bà trong khi họp đàn, những cành lá và bông hoa này đều còn tươi tốt dường như mới vừa ngắt bẻ từ các cây lớn, có khi là những loại cây cỏ lạ từ phương xa đem về trồng ở xứ này.
Trong các buổi họp đàn, khi các quan khách đã tụ họp đông đủ, một vị khách khả kính được mọi người đồng ý yêu cầu đứng ra xem xét các phòng và bàn ghế trong nhà, khép kín các cửa sổ, khóa chặt cửa cái và cất giữ chìa khóa. Người đồng tử cũng chịu để cho tôi khám xét kỹ lưỡng để biết chắc là bà không có dấu bông hoa hay những vật gì khác trong mình. Có khi, bà còn để cho tôi trói và nhốt bà trong một cái bao bố cho bà không thể cử động hoặc sử dụng tay chân để làm bất cứ một động tác nào. Kế đó, mọi người mới ngồi chung quanh một cái bàn ăn lớn, nắm tay nhau thành vòng ( luôn cả bà đồng tử ), tắt hết đèn để phòng tối thui và chờ đợi hiện tượng xảy ra. Sau một lát, người ta nghe có tiếng động nhẹ của vật gì rơi trên mặt bàn trống trơn, và mùi thơm tỏa ra khắp phòng. Khi đó bà Thayer mới yêu cầu thắp đèn lên, thì người ta thấy trên bàn có đầy những hoa thơm cỏ lạ, đôi khi lại thấy những cành hoa cắm vào áo hay gài trên tóc của các quan khách ngồi tham dự. Thỉnh thoảng, có vài con bươm bướm, hoặc một con chim quyên, chim yến, hay chim hoàng anh, hay vài loại chim nhỏ vừa kêu ríu rít vừa bay lượn khắp phòng; hoặc một con cá vàng hãy còn ướt nhảy trên mặt bàn, dường như vừa mới lấy ra từ trong hồ nước. Đôi khi, những người có mặt cũng thốt lên những tiếng kêu ngạc nhiên khi họ nhận thấy nằm trong tay họ một cái hoa hay một nhánh kiểng mà họ đã nghĩ trong trí và thầm lặng yêu cầu được đem đến cho họ.
Trong một buổi họp đàn khác, có một cây thạch thảo xuất hiện trước các quan khách, còn nguyên những rễ cây và đất bám vào như vừa mới được bứng lên, lại có cả ba con trùng đất còn đang ngo ngoe quằn mình giữa đám rễ. Nhưng tôi còn chứng kiến một việc lạ hơn nữa.
Một buổi trưa hè, tôi đến viếng một nghĩa địa ở ngoại ô thành phố Boston, và khi đi qua một vườn kiểng, tôi chú ý đến một giống cây lạ với những lá hẹp và dài, có sọc trắng và xanh lợt, mà khoa Thảo Mộc Học gọi là cây Long Huyết ( Dracaena Regina ). Tôi lấy bút chì xanh vẽ ở mặt dưới một lá, cái hình một ngôi sao sáu góc và âm thầm kêu gọi bằng tư tưởng các âm binh hãy đem cái lá ấy đến cho tôi tại nhà bà Thayer trong buổi họp đàn tối hôm sau.
Tối hôm đó, tôi ngồi bên cạnh bà đồng tử, và nắm hai bàn tay bà để bảo đảm cho chắc rằng bà vẫn trung thực. Trong bóng tối, tôi cảm giác được một vật gì mát lạnh và ướt rơi trên một bàn tay tôi, và khi đèn được thắp sáng trở lại, thì thấy vật ấy chính là cái lá cây Long Huyết mà tôi đã làm dấu ngày hôm qua! Để phối kiểm lại cho chắc, tôi đã trở lại vườn kiểng và nhận thấy cái lá của tôi làm dấu, thật sự đã bị ngắt ra khỏi nhánh và cái lá ấy mà tôi đem theo trong túi, đem ráp lại thì đúng với chỗ bị ngắt! Nhiều sự kiện tương tự cũng đã làm cho tôi tin chắc rằng bà Thayer là một người đồng tử chân chính. Ngoài ra, còn có một hiện tượng sinh lý không những đã làm tăng thêm lòng tin của tôi, mà còn làm sáng tỏ thêm toàn bộ vấn đề đồng tử. Khi tôi nắm hai bàn tay bà trong hai bàn tay tôi, tôi nhận thấy rằng đúng vào lúc mà những cỏ cây hoa lá bắt đầu rơi trên mặt bàn thì bà đồng tử rung mình, thở dài, và hai bàn tay trở nên lạnh ngắt như đồng. Một lúc sau đó, hai bàn tay bà mới trở lại nhiệt độ bình thường. Điều đó chỉ rằng dường như có một sự hoàn toàn biến đổi về nhiệt độ trong cơ thể của người đồng tử trong khi thực hành các hiện tượng.
Khi bà HPB kêu gọi một vong linh hiện nguyên hình từ trong phòng của bà đồng tử Holmes trong một cuộc biểu diễn trước đây, bà nắm chặt lấy bàn tay tôi một cách xúc động, và bàn tay bà trở nên lạnh như nước đá. Bàn tay của Signor B., nhà phù thủy Ý cũng lạnh ngắt sau hiện tượng làm mưa; và sự chuyển biến từ trạng thái lên đồng qua trạng thái xuất thần nhập hóa và những giai đoạn thâm sâu hơn của trạng thái vô thức đều đi kèm với hiện tượng hạ thấp nhiệt độ của cơ thể một cách bình thường.
IV
Trong một buổi họp đàn khác chỉ có ba người tham dự, là bà Hougton, vợ của một vị luật sư tên tuổi ở Boston, một phụ nữ khác, và tôi. Chúng tôi ngồi lại một bàn, tôi nắm hai bàn tay bà đồng tử, một bà khách đi đóng các cửa trong nhà còn một bà coi việc đèn đuốc. Khi đèn đã tắt, chúng tôi ngồi đợi ít lâu trong bong tối, nhưng không nghe có tiếng hoa rơi trên bàn. Bỗng nhiên, tôi có cảm giác một cánh hoa mát và ướt rơi nhẹ trên lưng bàn tay tôi. Khi đèn thắp sáng, thì thấy đó là một cái hoa hường rất đẹp, vừa mới nở được một nửa, hãy còn đượm những giọt sương lung linh ướt. Bà đồng tử vừa giật mình dường như có người khuất mặt nói chuyện với bà từ đằng sau, và nói:
“Thưa Đại Tá, những âm binh nói rằng cánh hoa này là quà tặng cho bà HPB”.
Tôi bèn đưa cái hoa cho bà Houghton, rồi bà này trao lại cho bà HPB khi chúng tôi về đến nhà, tại đây chúng tôi thấy bà HPB đang vừa hút thuốc lá vừa nói chuyện với luật sư Houghton.
Bà HPB cầm lấy cái hoa đưa lên mũi để thưởng thức mùi thơm của nó, gương mặt đăm chiêu với một cái nhìn xa vắng trong cặp mắt, mà những bạn thân của bà thường thấy mỗi khi bà làm các hiện tượng thần thông. Cơn mộng mơ của bà bị gián đoạn bởi luật sư Houghton khi ông nói:
“Thưa bà, cái hoa này thật đẹp, bà hãy đưa cho tôi xem một chút”.
Bà đưa cái hoa cho ông cũng vẫn với cái vẻ mặt đăm chiêu, và với một cử chỉ vô tư máy móc. Vị luật sư ngửi hoa, rồi thình lình kêu lên:
“Ủa ! Sao hoa nặng vậy? Tôi chưa hề thấy hoa nào như cái hoa này. Quí vị hãy xem, sức nặng của nó làm cong cái cuống hoa!”
Tôi mới cầm lấy cái hoa để xem lại, vì mới lúc nãy khi nó còn ở trên tay tôi, không thấy có gì khác thường. Nhưng bây giờ thì lạ thật, nó lại rất nặng. Lúc ấy, bà HPB mới nói:
“Hãy cẩn thận, đừng làm nó gẫy”
Tôi gượng nhẹ nâng cái hoa lên giữa ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay mặt và nhìn xem cho kỹ, nhưng không thấy lý do gì làm cho nó có sức nặng. Bỗng nhiên, tôi thấy có một chấm nhỏ ánh sáng màu vàng chiếu nơi trung tâm cái hoa, và trước khi tôi có thì giờ nhìn lại lần nữa, thì một cái nhẫn vàng nặng lớn bản và trơn bong từ trong nụ hoa nhảy vọt ra, dường như do sức đẩy của một cái lò xo, và rơi xuống đất ngay dưới chân tôi. Cái hoa liền đứng ngay trở lại trên cái cuống, không còn nặng như lúc nãy, mà trở lại trạng thái bình thường.
Ông Houghton và tôi đều là luật sư, vốn có bản năng thận trọng của nghề nghiệp, chúng tôi bèn xem xét kỹ lại bên trong cái hoa, nhưng không thấy có dấu vết gì khả nghi chỉ rằng có bàn tay người sờ mó vào: những cánh hoa được xếp lên nhau một cách đều đặn và chặt chẽ, và người ta không thể nhét cái nhẫn vàng vào bên trong mà không làm sứt mẻ cái nụ non ở giữa. Vả lại, làm sao bà HPB có thể chơi cái trò giả mạo ấy ngay trước mắt chúng tôi, dưới ánh sáng của ba ngọn đèn, trong khi bà cầm cái hoa trong bàn tay mặt chỉ có độ hai phút trước khi đưa nó cho ông Houghton?
Hiện tượng này có thể giải thích bằng khoa Huyền Môn: vật chất trong chiếc nhẫn và vật chất trong những cánh hoa có thể đã được nâng cao từ chiều đo thứ ba lên chiều đo thứ tư, và phục hồi trở lại chiều đo thứ ba vào lúc chiếc nhẫn nhảy vọt ra ngoài cái hoa. Quả thật sự việc đã xảy ra đúng y như vậy. Cái nhẫn ấy cân nặng ba chỉ, và tôi đang đeo nó trong lúc này. Nó không phải được tạo ra từ chỗ hư không, mà chỉ là một vật được di chuyển xuyên qua không gian.
Một năm rưỡi sau đó, sau khi Hội Thông Thiên Học Thế Giới được thành lập độ một năm, bà HPB và tôi cư trú tại New York trong hai gian phòng khác nhau cùng trong một nhà. Một ngày nọ, cô em gái tôi, là bà W.H. Mitchell, đi cùng với chồng đến viếng chúng tôi, và trong câu chuyện hàn huyên tâm sự, cô yêu cầu cho xem chiếc nhẫn và nói cho cô nghe câu chuyện lịch sử của nó. Khi xem xong, cô đeo thử vào ngón tay rồi tháo ra đặt nằm trong lòng bàn tay cô để trả lại cho bà HPB. Bà HPB cứ để nó nằm y như thế mà không động đến, khép các ngón tay cô em tôi trên chiếc nhẫn, nắm bàn tay ấy trong một lúc, rồi buông ra và bảo cô em tôi hãy nhìn lại xem. Thì ra nó không còn là một chiếc nhẫn trơn nữa, mà chúng tôi thấy trên cái khoen vàng có cẩn ba hột kim cương nhỏ xếp thành hình tam giác.
Việc ấy được thực hiện bằng cách nào? Giả thuyết ít huyền diệu nhất là bà HPB đã cho một thợ kim hoàn cẩn ba hột kim cương trên chiếc nhẫn từ trước, và dùng thuật thôi miên che mắt để chúng tôi không nhìn thấy, cho đến khi thị giác của chúng tôi được giải tỏa vào lúc cô em tôi mở bàn tay ra. Điều này có thể hiểu được như một phép thuật thôi miên; tôi đã từng thấy những hiện tượng đó, và chính tôi cũng có thể làm được như vậy. Người ta có thể làm che khuất tầm nhãn quang của kẻ khác, không những đối với vài hột kim cương, mà còn có thể làm che dấu một người, một cử tọa đông đảo, một cái nhà, một cái cây, một quả núi, hay bất cứ vật gì: thuật thôi miên dường như có khả năng tác động vô giới hạn. Hiện tượng chiếc nhẫn nạm kim cương có thể được giải thích ra sao tùy ý; nó vẫn là một sự thành công hoàn toàn.
V
Những sự việc kể trên sẽ giúp cho độc giả có một ý niệm về những hiện tượng lạ lù ng vẫn tiếp diễn hồi thời đó ở các xứ phương Tây. Ở phương Đông thỉnh thoảng người ta cũng từng nghe nói về những sự di chuyển đồ vật tương tự xuyên qua không gian, nhưng luôn luôn với một sự kinh khiếp, sợ hãi, và những người chứng kiến không hề nghĩ đến việc đem các hiện tượng ấy ra làm những đề tài khảo cứu khoa học. Trái lại, chúng bị coi như những việc chẳng lành, do tác động của những vong linh bất hảo, thường là những vong hồn đọa lạc của những bạn bè, thân quyến hãy còn bám víu cõi Trần và người ta chỉ muốn tảo trừ những sự việc ấy như những chuyện quấy rầy, phiền nhiễu.
Đối với người Đông Phương, vốn có một truyền thống tâm linh vững chắc từ lâu đời, thì sự giao tiếp giữa người sống với vong linh người chết là một bằng chứng chỉ rằng người chết vẫn chưa đoạn tuyệt một cách thoải mái nhẹ nhàng với cuộc đời thế gian, và như vậy, họ bị ngăn trở trên con đường tiến hóa tự nhiên để vượt lên cõi giới tinh thần. Người Á Đông coi việc biểu diễn những hiện tượng thuộc loại kể trên như những bằng chứng chỉ rằng các người biểu diễn ấy chỉ có những quyền năng thuộc loại thấp kém.
Trong thời gian ở Ấn Độ, tôi đã từng nghe nhiều người bổn xứ nói rằng thật là một điều đáng tiếc mà thấy bà HPB biểu diễn các hiện tượng thần thông, bởi vì việc ấy chỉ rằng bà chưa đạt tới trình độ cao siêu trong pháp môn Yoga. Thật vậy, Đạo Sư Patanjali, cũng như Phật Thích Ca, đã từng cảnh cáo các môn đồ không nên biểu diễn phép thuật thần thông khi họ phát triển được những quyền năng thần bí trong diễn trình tiền hóa tâm linh của họ. Tuy nhiên, chính đức Phật đôi khi cũng đã làm các hiện tượng thần thông, nhưng ngài chỉ làm như vậy trong khi thuyết pháp để kêu gọi sự chú ý của quần chúng và thúc đẩy họ cố gắng công phu tu luyện sau khi đã thanh lọc bản thể cho bớt nhiễm trần. Phần nhiều các bậc giáo chủ khác cũng áp dụng phương pháp đó. Phải chăng bà HPB cũng làm giống y như vậy? Trong khi làm các phép thuật thần thông, phải chăng bà đã có cảnh giác tất cả mọi người rằng đó chỉ là những điều phụ thuộc nhỏ mọn, không đáng kể trên đường Đạo? Không ai có thể phủ nhận điều ấy; mọi người đều nhìn nhận là bà vẫn luôn luôn dạy rằng các hiện tượng thần thông chỉ có tác dụng là để thực nghiệm khoa triết học tâm linh, cũng như những cuộc thí nghiệm hóa chất đối với khoa Hóa Học vậy.
Bà hẳn là đã sai lầm mà phung phí thần lực trong các hiện tượng huyền linh để làm ngạc nhiên những quan khách tầm thường, không quan trọng, thần lực ấy có thể dùng một cách hữu hiệu hơn nhiều để phá hủy bức rào vô tín ngưỡng và độc đoán của khoa học duy vật Tây Phương. Tuy nhiên, nhờ đó bà đã thuyết phục được một số người, chịu ảnh hưởng của bà mà đã đóng góp công lao tích cực vào phong trào Thông Thiên Học vĩ đại của chúng ta, và vài người trung kiên nhất trong số đó đã từ bỏ khoa Thần Linh Học Tây Phương để bước vào Huyền Môn Đông Phương qua chiếc cầu trung gian của những hiện tượng diệu huyền.
Về phần tôi, tôi có thể nói rằng những loạt hiện tượng thần thông đa hình đa dạng mà bà HPB đã biểu diễn cho tôi xem, đã làm cho tôi hiểu được dễ dàng những lý thuyết cổ truyền Đông Phương của Khoa Học Tâm Linh. Tôi rất tiếc rằng những người khác, nhất là những bạn Đạo phương Đông của tôi, vốn có một tâm hồn đã từng được chuẩn bị hoàn toàn chu đáo, lại không có được một cơ hội may mắn như tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top