CHƯƠNG MƯỜI MỘT: HỘI QUÁN THÔNG THIÊN HỌC TẠI NỮU ƯỚC
Lịch sử thuở ban đầu của hội Thông Thiên Học đã được tường thuật khá đầy đủ. Tôi không thấy có gì cần nói thêm trừ ra việc hoàn chỉnh lại những ký ức đã qua với vài mẫu chuyện vặt về đời sống xã hội của chúng tôi tại New York cho đến ngày chúng tôi lên đường sang Ấn Độ.
Trong thời gian từ khoảng cuối năm 1876 cho đến cuối năm 1878, Hội Thông Thiên Học có vẻ tương đối bất động; những Điều Lệ của Hội đã trở nên vô hiệu lực, những buổi họp đã hầu như không còn tiếp tục. Những buổi sinh hoạt ít oi của nó trước công chúng đã được diễn tả trên đây, và những dấu hiệu tăng gia ảnh hưởng của Hội được phản ảnh nơi sự tăng gia số lượng thư từ giao dịch của hai nhà Sáng Lập với các giới trong nước và ngoài nước, những bài vở tranh luận đăng trên các báo chí, sự thành lập các Chi Bộ ở Luân Đôn và Corfu, và việc mở đầu các mối liên hệ với những cảm tình viên ở Ấn Độ và Tích Lan.
Những nhà Thần Linh Học ưu tú gia nhập Hội ngay từ lúc đầu nay đã rút lui; những cuộc họp của Hội đã chấm dứt; tiền nhập phí của hội viên đóng góp khi vào Hội đã bị hủy bỏ, và sự bảo quản Hội hoàn toàn đè nặng lên hai vai chúng tôi. Tuy nhiên, lý tưởng của Hội chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, và chưa bao giờ phong trào Thông Thiên Học tràn đầy sinh khí hơn khi nó cởi bỏ cái hình thức bên ngoài, và tinh thần của nó được tập trung vào tim óc và tâm hồn của chúng tôi.
Đời sống tại Hội Quán(*)[13] thật tốt đẹp trong những năm kết thúc đó. Hợp nhất trong sự trung thành vì một lý tưởng chung, trong sự giao tiếp hằng ngày với các đấng Chân Sư, đắm mình trong những tư tưởng, ước vọng và hành động vị tha, hai chúng tôi sống giữa thành phố náo nhiệt ồn ào đó mà không bị ô nhiễm bởi những sinh hoạt cạnh tranh ồ ạt, những tham vọng ích kỷ thấp hèn của người đời, dường như chúng tôi chỉ sống một cuộc đời ẩn dật trên non cao hay trong rừng thẳm. Thật không phải là quá đáng mà nói rằng một bầu không khí thanh cao thoát tục hơn khó mà tìm thấy nơi một nhà nào khác ở New York. Những địa vị xã hội và danh vọng quyền thế của những quan khách đến viếng đều bị bỏ lại ở ngoài cửa khi họ bước vào Hội Quán. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, trí thức hay dốt nát, tín ngưỡng hay vô thần, những khách của chúng tôi đều được dành cho một sự đón tiếp nồng hậu và một sự chăm sóc kiên nhẫn đồng đều như nhau đối với những câu hỏi thắc mắc của họ về mọi vấn đề tôn giáo cũng như các vấn đề khác. Bà HPB vốn giòng dõi quý tộc nên bà có thể hòa mình một cách dễ dàng với giới thượng lưu sang trọng nhất, và là một người phụng sự vị tha có tinh thần dân chủ cao độ để có thể dành một sự tiếp xúc cởi mở nhiệt thành đối với người khách khiêm tốn nhất.
Một trong những người khách của chúng tôi lúc ấy rất sành sỏi về môn Triết Học Hy Lạp. Y làm công việc quét vôi sơn nhà vì sinh kế. Tôi còn nhớ rõ bà HPB và tôi đều rất hoan hỉ khi chúng tôi ký tên vào đơn xin gia nhập của y như những người bảo trợ tinh thần và hoan nghinh đón nhận y vào hàng hội viên. Những người đến viếng thăm Hội Quán, mà chúng tôi gọi đùa là “Lạt Ma Viện”, khi trở về có viết bài đăng báo tường thuật lại những cảm tưởng của họ, và nói rằng họ có được một kinh nghiệm mới mẻ khác thường. Phần nhiều trong số đó viết về bà HPB với những lời lẽ ca tụng, tán dương và suy tôn quá đáng. Về hình dáng bên ngoài, thì bà không có một chút gì giống như một nhà tu khổ hạnh: Bà không tham thiền trong phòng kín, không ăn uống khắc khổ đạm bạc, không tránh né những người trí óc nông cạn, phù phiếm hay những kẻ phàm tục, cũng không chọn lọc bạn bè để kết giao. Bà mở rộng cửa cho tất cả mọi người, chí đến những kẻ mà bà biết rằng họ sẽ viết về bà với những ngòi bút đầy xuyên tạc ác ý. Họ thường mạt sát, công kích bà thậm tệ, nhưng nếu những bài vở ấy có tính cách ý nhị, hài hước, thì bà thường cùng tôi đem ra làm đầu đề để cười đùa vui vẻ thoải mái như một trò tiêu khiển, thưởng thức đến mức tối đa.
Trong số các quan khách quen đến thường ngày, có ông Curtis, một trong những phóng viên tài giỏi nhất của báo chí New York, và về sau trở nên một hội viên Hội Thông Thiên Học. Y đã viết những cột báo dài hằng nhiều thước về “Lạt Ma Viện”, những bài báo của y có khi nghiêm chỉnh, có khi hài hước vui nhộn, nhưng luôn luôn sống động, duyên dáng và hấp dẫn.
Tối hôm nọ, y đưa chúng tôi vào một cạm bẫy: Một gánh xiếc mà y nói rằng có hai người thuật sĩ Ai Cập đang biểu diễn vài phép thuật dường như chứng tỏ rằng họ có hiểu biết về khoa phù thủy. Dầu sao, y muốn cho chúng tôi đến nhìn xem tận mắt và nhận xét dự việc với tư cách là những chuyên gia đã am tường và thông hiểu về khoa pháp môn huyền bí. Chúng tôi nghe theo và cùng đi thử xem sao. Té ra màn trình diễn rất đỗi tầm thường, và hai người Ai Cập đó chỉ là hai người Pháp chính cống; chúng tôi đã có dịp nói chuyện dài với họ trong văn phòng của ông Giám Đốc trong những giờ nghỉ ngơi giữa các màn biểu diễn.
Khi ra về, chúng tôi có than phiền với ông Curtis về sự nhận xét sai lầm của y, nhưng y làm cho chúng tôi bất giác cười lớn khi y trả lời rằng trái lại, bây giờ y đã được tự do xoay trở và có thể đưa ra tất cả mọi dữ kiện cần thiết để viết một bài phóng sự “giật gân”. Quả thật, nhật báo “Thế Giới” ra sáng ngày hôm sau có đăng một bài tường thuật nhan đề “Các nhà Thông Thiên Học đi coi gánh xiếc”, trong đó câu chuyện khô khan vô vị của chúng tôi với hai người Pháp được biến thành một cuộc đối thoại có tính chất thần bí cao siêu với hai nhà đạo sĩ Ai Cập, kèm theo với vô số những phép thuật dị kỳ, những hồn ma hiện hình, những đồ vật đột nhiên xuất hiện và biến mất, v…v…toàn thể sự việc diễn tả trong bài báo đã chứng minh, nếu không phải là sự nhận xét chính xác ít nhất là một năng khiếu tưởng tượng vô cùng dồi dào phong phú của người viết.
Một lần khác, y đem đến cho chúng tôi xem một bài tường thuật trên báo về sự xuất hiện trong đêm khuya của vong hồn một người gác đêm đã chết, dọc theo những bến tàu ở một phường khóm phía đông thành phố, và yêu cầu chúng tôi hãy nên đi xem con ma. Y nói rằng cảnh sát đã được lịnh báo động, và viên thanh tra cảnh sát của phường đã chuẩn bị mọi sự để chận bắt con ma ngay đêm ấy. Quên mất kinh nghiệm trước đây về vụ gánh xiếc, chúng tôi lại nhận lời ra đi. Đó là một đêm ảm đạm, xấu trời, chúng tôi khoác áo tơi ngồi suốt hằng giờ trên một đống cây gỗ trên bờ sông, và giết thời giờ bằng cách vừa hút thuốc vừa đàm luận với độ hai chục phóng viên các báo được gởi đến để viết bài diễn tả những sự việc xảy ra trong đêm ấy. Nhưng vong hồn lão Shep (lão già gác đêm) không thấy xuất hiện lần đó, và sau cùng chúng tôi đành trở về “Lạt Ma Viện”, bực mình vì đã lãng phí suốt cả buổi tối. Sáng ngày hôm sau, chúng tôi bực tức vô cùng mà thấy các báo triển lãm chúng tôi như những người loạn óc đã trông đợi những sự việc không thể có, và còn ngầm ngụ ý rằng chúng tôi đã đuổi lão già Shep đi mất để làm cho các phóng viên lỡ mất cơ hội trong cuộc săn mồi! Thậm chí các tạp chí có hình ảnh còn đăng một bức ảnh của hai chúng tôi đứng chung với tập đoàn phóng viên các báo, với lời chú thích:
“Các hội viên Thông Thiên Học đang chờ đợi bóng ma của lão già Shep!”
coi không giống chúng tôi hơn là giống những người ở trên Mặt Trăng!
Một buổi tối, phóng viên Curtis cũng có mặt khi nữ bá tước Paschkoff kể một chuyện phiêu lưu mà bà với bà HPB đã cùng trải qua ở xứ Liban, bà nói tiếng Pháp còn tôi dịch ra tiếng Anh. Câu chuyện rất lạ kỳ và thú vị đến nỗi y xin phép được đăng lại, và sau khi được chấp thuận, nó được đăng trên tờ báo của y. Vì câu chuyện này giải thích lý thuyết về tiềm năng của chất Tiên Thiên Khí (Akasha) có thể giữ gìn ký ức của mọi sự diễn biến trong lịch sử loài người, và người ta có thể sở đắc cái quyền năng làm xuất hiện trở lại những ký ức đó từ trong cõi thiên nhiên, nên tôi ghi chép lại một đoạn dưới đây, và giao trách nhiệm cho người kể:
“…Nữ bá tước Paschkoff nói qua lời thông dịch của Đại Tá Olcott: Có lần tôi đi một chuyến du hành trên vùng sa mạc xứ Liban (Cận Đông), và trên đồng cát tôi nhìn thấy một đoàn lạc đà. Đó là đoàn du hành của bà HPB. Chúng tôi cùng cắm trại chung với nhau, ở đó có một ngôi kiến trúc lớn tọa lạc gần làng El Marsum, giữa hai dãy núi của xứ Liban. Trên vách đá có khắc những giòng chữ cổ tự mà không ai có thể đọc được. Tôi biết rằng bà HPB có thể làm những việc lạ lùng với những giới thần linh, nên tôi yêu cầu bà thử truy nguyên tung tích của tòa lâu đài này. Chúng tôi đợi cho đến nửa đêm, khi đó bà mới vẽ một cái vòng tròn lớn dưới đất và bảo chúng tôi hãy bước vào đó. Chúng tôi đốt lửa và rắc hương trầm lên. Kế đó, bà HPB thốt lên nhiều câu chân ngôn bí mật nghe rất lạ tai. Chúng tôi rắc thêm hương trầm vào đống lửa. Khi đó bà cầm cây gậy phép chỉ vào tòa lâu đài, và chúng tôi thấy trên đó có một khối ánh lửa tròn như một quả cầu lớn và sắc trắng. Gần bên đó có một cây sung lớn, chúng tôi thấy có nhiều ngọn lửa nhỏ chập chờn trên các cành cây. Những con chó rừng sủa trong đêm tối ở cách đó một quãng không xa. Chúng tôi lại đốt thêm hương trầm. Khi đó, bà HPB truyền lịnh cho vị thần linh nào tọa trấn tại ngôi nhà lầu kia hãy xuất hiện. Không bao lâu, một khối mây mù bốc lên và che khuất ánh trăng non mờ ảo. Chúng tôi lại rắc thêm bột hương trầm lên đống củi cháy. Đám mây mù tượng hình một vị lão trượng có chòm râu bạc, khi ấy chúng tôi nghe một giọng nói vọng lại từ đằng xa, và phát âm xuyên qua cái hình ảnh lờ mờ vừa xuất hiện. Ông lão nói ngôi kiến trúc này xưa kia là tòa linh điện của một ngôi đền đã biến mất từ lâu. Ngôi đền cổ này được dựng lên để thờ một vị thần, nhưng vị này từ đó đến nay đã đi qua một bầu thế giới khác.
Bà HPB hỏi:
“Lão trượng là ai?”
Giọng nói kia đáp:
“Tôi là Hiero, một trong những vị tư tế của ngôi đền.”
Khi đó bà HPB truyền lịnh cho ông lão hãy chỉ cho chúng tôi thấy địa điểm tọa lạc của ngôi đền như hồi đương thời. Ông lão cúi đầu tuân theo, và trong một lúc chúng tôi thấy xuất hiện hình dáng lung linh huyền ảo của ngôi đền cổ và cảnh tượng một thành phố cổ xưa rộng lớn mọc lên tràn khắp cánh đồng bằng diễn ra đến tận chân trời. Sau đó một lát, cái linh ảnh biến mất, và hình ảnh ông lão cũng tan mờ dần”.
(Câu chuyện này đã được đăng trên nhật báo New York Word ra ngày 21 tháng 4 năm 1878, với cái tựa đề: “Những chuyện huyền linh”.)
II
Tuy những kinh nghiệm phũ phàng của quá khứ đã dạy cho chúng ta biết rằng những hiện tượng thần thông chỉ là những điều mỏng manh, vô lực, không đủ làm cái nền tảng vững chắc để xây dựng lên đó cả một phong trào tâm linh vĩ đại, nhưng chúng cũng có một giá trị rõ rệt nếu được đặt ở đúng chỗ và được kiểm soát chặt chẽ. Chỗ đó nằm trong phạm vi Mục Đích thứ Ba, trong Ba Mục Đích của Hội Thông Thiên Học.
Những hiện tượng thần thông có một tầm quan trọng bậc nhất như những bằng chứng sơ đẳng của quyền năng ý chí con người đối với những sức mạnh vật chất thô kệch trong thiên nhiên. Trên địa hạt này, chúng có liên hệ đến vấn đề bí hiểm của cái trí lực thông minh tác động trong những hiện tượng đồng cốt. Tôi nghĩ rằng những hiện tượng của bà HPB làm trong thuở ban đầu của Hội Thông Thiên Học đã đập một vố nặng nề và rõ rệt vào cái lý thuyết mà mọi người đều tin tưởng cho đến khi đó, rằng những thông điệp cơ bút nhận được qua đồng tử đều nhất thiết phải là của vong hồn người chết. Những hiện tượng của bà HPB đã làm đều không có đi kèm với những điều kiện được coi là cần thiết, mà có khi còn bất chấp cả những quy luật thông thường. Những tài liệu ghi chép về những hiện tượng đó nay chỉ còn tồn tại trong những bài tường thuật đăng trên các báo chí đương thời mà chúng tôi đã cắt để dành, và trong ký ức của những nhân chứng hiện còn sống, họ có thể xác nhận hoặc sủa sai những chuyện do tôi thuật lại về các sự việc xảy ra mà chúng tôi đã cùng chứng kiến trước sự có mặt của bà HPB.
Trong những cuộc hội họp quan khách, chúng tôi không hề có dụng ý lái câu chuyện ấy đến việc làm các hiện tượng nhiệm mầu. Khi chúng tôi chỉ có hai người, bà HPB có thể làm một vài hiện tượng nào đó để dẫn chứng cho một bài học mà bà dạy tôi; hoặc để đáp lại một câu hỏi của tôi về tác dụng của một thứ mãnh lực đặc biệt nào đó. Thường thì bà làm các phép thuật đó trong những cơn ngẫu hứng bất thần, và không do sự gợi ý của một người nào đang có mặt tại chỗ. Tôi xin kể một vài thí dụ trong số bao nhiêu những sự việc khác.
Một ngày nọ, một nhà Thần Linh Học người Anh đi với con trai ông, một đứa bé độ mười tuổi, cùng với một người bạn ông đến viếng chúng tôi. Đứa bé chơi một mình và đi quanh khắp phòng, lục lạo trong các sách vở, xem xét những món vật lạ và đồ cổ, đánh thử trên đàn dương cầm, và làm những tác động tò mò khác. Kế đó, nó bắt đầu nhàm chán và đòi về, kéo tay áo cha nó và định làm cho ông ta gián đoạn một câu chuyện rất lý thú với bà HPB. Người cha không hề ngăn chận sự quấy rối của nó và sửa soạn ra về, thì bà HPB nói:
“Không sao, nó chỉ muốn có một vật gì để chơi thôi. Để tôi xem có thể nào tôi kiếm cho nó một món đồ chơi”.
Nói xong, bà đứng dậy, đưa tay sờ soạng vào một cánh cửa ở phía sau lưng bà, và kéo ra một con trừu nhồi gòn rất lớn dưới chân có gắn bánh xe lăn, mà tôi biết chắc chắn là không hề có ở trong nhà chỉ một lúc trước đó!
Trước ngày lễ Giáng Sinh, cô em gái tôi ở từng lầu trên của “Lạt Ma Viện”, đi xuống chỗ chúng tôi ở mời chúng tôi bước lên xem Cây Giáng Sinh mà cô đã chuẩn bị cho mấy đứa con cô lúc ấy còn ngủ trên giường. Chúng tôi nhìn xem qua một lượt các món quà, bà HPB bày tỏ sự hối tiếc rằng bà không có tiền để mua quà tặng và đóng góp vào cái Cây cho các cháu. Bà hỏi cô em tôi đứa con trai cưng của cô ấy thích món gì, và khi được trả lời là một cái còi thổi tu hít kiểu lớn, bà nói:
“được rồi, hãy đợi một lát”.
Bà lấy xâu chìa khóa từ trong túi áo ra, nắm chặt lấy ba chìa trong một bàn tay, và một lúc sau đó, bà cho chúng tôi xem một cái còi tu hít lớn bằng sắt có khoen máng vào xâu chìa khóa thay vào chỗ của ba cái chìa kia. Để làm cái còi này, bà đã dùng hết chất sắt của ba cái chìa khóa, và ngày hôm sau bà phải nhờ thợ khóa làm lại ba cái chìa khác.
Đây là một chuyện khác nữa. Trong khoảng chừng một năm sau khi chúng tôi định nơi cư trú tại “Lạt Ma Viện”, bộ đồ dọn ăn bằng bạc của gia đình tôi được đem ra dùng, nhưng sau cùng nó phải được gửi đi cho gia đình thân quyến, và bà HPB đã giúp tôi một tay để gói lại tất cả và cho vô thùng. Ngày đó sau bữa ăn trưa, đến lúc dùng cà phê, chúng tôi nhận thấy không có cái kẹp gắp đường,và khi tôi đưa cho bà cái hũ đường, tôi để thay vào đó một cái muỗng. Bà hỏi cái kẹp gắp đường cục ở đâu, và khi tôi trả lời rằng hồi nãy tôi đã gói chung với các đồ bằng bạc kia để gửi đi, thì bà nói:
“Nhưng rồi chúng ta cũng phải có một cái để dùng chứ, phải không?”
Nói xong, bà đưa một bàn tay xuống một bên ghế chỗ bà ngồi, rồi cầm lên một cái kẹp bạc có hình dáng lạ kỳ mà chưa ai từng thấy bán ở các tiệm. Cái kẹp ấy có hai nhánh dài hơn kẹp thường, và hai đầu nhánh lại có răng dài và nhọn giống như hai cái nĩa; bên trong có chỗ tay cầm có khắc chữ mật tự, ám chỉ thánh danh của Chân Sư “M”. Tôi vẫn còn cất giữ vật này tại Adyar.
Trong hiện tượng này, có sự tác động của một định luật quan trọng. Muốn tạo ra một vật cụ thể từ cái chất liệu bằng bạc trong không gian, bước đầu tiên là nghĩ đến cái vật thể mong muốn, với tất cả mọi chi tiết như hình dáng kiểu mẫu, màu sắc, chất liệu, trọng lượng và những đặc điểm khác. Cái hình ảnh gợi trong trí phải dứt khoát rõ ràng từng chi tiết. Giai đoạn kế đó là vận dụng Ý Chí đã được tập luyện thành thục, sử dụng kiến thức của mình về những định luật cai quản vật chất và phương pháp kết hợp các nguyên tử. Sau cùng là sai khiến các tinh linh ngũ hành dùng chất liệu ấy để nhồi nắn thành hình cái vật thể mà mình muốn tạo nên.
Nếu hành giả làm thiếu sót điều gì trong những sự việc kể trên, thì kết quả sẽ không được hoàn toàn như ý muốn. Trong trường hợp vừa kể, thì rõ ràng là bà HPB đã lẫn lộn trong ký ức của bà những hình dáng khác nhau của cái kẹp gắp đường và cái nĩa, và bà đã hỗn hợp cả hai thứ chung lại với nhau thành một vật dị hình, khó tả và không thể tìm thấy trên thị trường! Lẽ tất nhiên, việc này lại là một bằng chứng hùng biện về tính cách chân thật của hiện tượng do bà làm, hơn là nếu bà đã tạo ra một cái kẹp đường toàn hảo, vì một vật như thế có thể mua được ở bất cứ nơi đâu.
Một đêm nọ, khi phòng làm việc của chúng tôi có đầy khách đến viếng, bà HPB và tôi ngồi đối diện nhau ở hai bên phòng, bà ra hiệu bảo tôi cho bà mượn cái khoen có mặt ấn lớn tròn và chạm lõm sâu, mà tôi đeo tối hôm ấy để buộc cái khăn choàng cổ. Bà cầm lấy nó giữa hai bàn tay nắm chặt, không nói với ai một lời hay làm cho ai chú ý trừ ra tôi, và xoa hai bàn tay độ một hay hai phút, kế đó tôi nghe có tiếng va chạm của hai vật bằng chất kim loại. Bà nhìn tôi mỉm cười và xòe hai bàn tay ra cho tôi thấy cái khoen ấn của tôi cùng với một cái khác cũng lớn bằng nhưng lại có một kiểu khác: cái mặt ấn này làm bằng đá huyết thạch màu xanh lục, còn cái của tôi làm bằng đá hồng mã não. Cái khoen ấy bà đeo luôn cho đến khi bà từ trần và sau đó nó qua tay bà Annei Besant, mà hàng ngàn người đều nhìn thấy quen mắt. Mặt đá của nó bị vỡ trong chuyến hành trình của chúng tôi qua Ấn Độ, và sau đó được thay một mặt đá khác ở Bombay. Trong trường hợp này cũng vậy, không một lời nào trong câu chuyện giữa các quan khách đã đưa tới hiện tượng này; trái lại, không một ai trừ ra tôi, đã biết việc ấy xảy ra, cho đến mãi về sau họ mới được kể lại cho biết.
III
Ông Sinnett (phó Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học) trong quyển “Những ngẫu sự trong cuộc đời bà Blavatsky”, có viết một chuyện do ông Judge kể lại về việc bà HPB đã tạo ra những ống màu nước cho ông dùng để vẽ một bức họa Ai Cập. Tôi cũng có mặt trong dịp đó, và có thể xác nhận như một nhân chứng:
Việc ấy xảy ra vào một buổi trưa tại “Lạt Ma Viện”. Ông Judge đang vẽ cho bà một bức ảnh về một chuyện Thần Thoại Ai Cập, nhưng không thể hoàn tất công việc vì thiếu màu. Bà HPB hỏi ông cần những màu gì, và khi được trả lời cho biết, bà bèn bước đến gần cây đàn dương cầm đặt ở sát vách tường, rồi hai tay nâng vạt áo lên dường như để hứng một vật gì. Kế đó, bà buông vạt áo và trút lên trên bàn ngay trước mặt ông Judge mười ba lọ bột màu khô hiệu Winsor và Newton, trong số đó có những màu mà ông cần dùng. Một lúc sau đó, ông Judge nói ông muốn có một ít sơn vàng thật, thì bà bảo ông hãy đi lấy một cái dĩa từ trong phòng ăn. Ông làm y theo, khi ấy bà mới bảo ông đưa cho bà cái chìa khóa cửa bằng đồng, rồi bà cọ mạnh cái chìa khóa lên mặt dĩa. Sau đó một lát, chúng tôi thấy trên mặt dĩa có phủ một lớp sơn vàng thật bằng chất kim loại thuần túy.
Tôi hỏi bà về tác dụng của cái chìa khóa trong cuộc thí nghiệm này, thì bà nói rằng cái tinh hoa hay linh hồn của chất đồng được cần dùng như một trung tâm hạt nhân để quy tựu từ trong chất Tiên Thiên Khí (Akâsa) những nguyên tử của bất cứ chất kim loại nào mà bà muốn phóng xuất. Cũng vì lý do đó, bà đã cần dùng đến cái khoen đồng có cẩn mặt đá của tôi làm cái khí cụ để tạo nên một cái khoen khác cho bà dùng trong dịp trước đây.
Phải chăng đó chính là cái nguyên tắc được áp dụng trong phép thuật luyện chì thành vàng và chuyển hóa kim loại của nhà Luyện Kim thời xưa mà người ta thường nói đến? Tôi nghĩ như vậy, vì có truyền thuyết cho rằng cái thuật đó vẫn được biết rõ trong các giới đạo sĩ, thuật sĩ hiện còn sống ở xứ Ấn Độ ngày nay. Hơn nữa, những sự khám phá gần đây của các nhà bác học William Crookes về sự cấu tạo của các nguyên tố (elements)(*)[14] phải chăng đã đưa chúng ta phải tiến đến cái lý thuyết Âm Dương của Phương Đông? (tức Purusha và Prakriti của Triết Học Ấn Độ).Và phải chăng cái lý thuyết sau này chỉ cho chúng ta thấy rằng những nguyên tố của một thứ kim loại có thể được chuyển sang những cách hóa hợp mới, mà kết quả là sẽ làm cho nó biến thành một chất kim loại khác bằng cách sử dụng cái quyền năng mạnh mẽ vô địch của Ý Chí? Khoa học Vật Lý vẫn chưa thực hiện được điều này, dẫu rằng bằng cách sử dụng những năng lực vô cùng lớn lao của điện khí. Nhưng điều vô cùng khó khan đối với nhà bác học, hoàn toàn tùy thuộc nơi tác động của những sức mạnh vật chất thô kệch, lại có thể rất dễ dàng dối với bậc Đạo Gia, biết sử dụng khả năng của Tinh Thần như một khí cụ tác động hữu hiệu. Thật vậy, đó chính là cái quyền năng sáng tạo nên Vũ Trụ.
Giáo sư Crookes có nói:
“Tôi tin chắc rằng sự khảo cứu sưu tầm ráo riết không gián đoạn sẽ được đền bù tưởng thưởng bằng một tia sáng chiếu rọi và những điều huyền bí của thiên nhiên, mà hiện nay không ai có thể quan niệm được”.
Nói được như thế tức là đem một điềm triệu báo trước một ngày mai tươi sáng hơn, khi đó các nhà bác học sẽ thấy rằng phương pháp quy nạp của họ làm tăng thêm gấp trăm lần những sự khó khan trong việc tìm hiểu những “điều huyền bí của thiên nhiên”. Họ sẽ thấy rằng cái chìa khóa của tất cả mọi điều huyền bí là sự hiểu biết về Tinh Thần, và con đường đưa đến sự hiểu biết đó đi xuyên qua một ngọn lửa còn dữ dằn hơn nữa, nó được duy trì bằng lòng ích kỷ, được nuôi dưỡng bằng nhiên liệu của sự đam mê, và quạt cho bùng cháy lên bằng những cơn bạo phát của dục vọng.
Khi nào mà Tinh Thần lại được nhìn nhận như cái yếu tố tối thượng trong sự cấu tạo các nguyên tố và trong cơ Sáng Tạo nên Vũ Trụ Càn Khôn, thì những hiện tượng thần thông như của bà HPB sẽ có một tầm quan trọng tuyệt luân như những sự kiện khoa học, chứ nó không còn bị coi như những trò ảo thuật bởi một hạng người, và bởi một hạng người khác như những phép lạ để làm mê hoặc những kẻ khờ dại dễ tin!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top