CHƯƠNG MƯỜI HAI: PHÓNG ẢNH

      Trong quyển “Modern Egyptians”, tác giả Lane có thuật chuyện một thanh niên đến viếng một đạo sĩ Ai Cập và được thấy những khả năng thần thông của vị này. Lúc ấy cha y ở xa đang đau yếu, y bèn yêu cầu đạo sĩ làm cách nào cho y nhận được tin tức của người cha. Vị đạo sĩ bằng lòng, bèn bảo y viết thư cho cha để hỏi thăm tin tức. Khi người thanh niên viết xong thư, và trao cho vị đạo sĩ, người này liền để bức thư ấy dưới cái gối dựa lưng của ông ta. Độ một lát, vị đạo sĩ thò tay dưới gối cũng ở ngay chỗ ấy, lấy ra một bức thư trả lời do chính bàn tay của người cha viết và niêm phong bằng con dấu riêng của ông ấy. Cũng do lời yêu cầu của người thanh niên, vị đạo sĩ mời những quan khách có mặt lúc ấy dùng cà phê. Khi dọn ra thì cà  phê được đựng trong những chén nhỏ loại đặc biệt của cha y thường dùng hằng ngày, ở một làng hẻo lánh cách đó rất xa.

       Một buổi tối nọ, bà HPB cũng đã làm một việc giống y như thế. Lúc ấy, tôi đang muốn thỉnh ý một vị Chân Sư về một vấn đề. Bà bảo tôi viết những gì tôi muốn hỏi, bỏ vào một bao thư dán kín, và để bao thư ấy ở một chỗ mà tôi có thể nhìn thấy. Điều này còn cao tay ấn hơn thủ thuật của vị đạo sĩ Ai Cập, vì ông này đã dấu bức thư dưới cái gối, mà người thanh niên kia không nhìn thấy được. Tôi bèn để bức thư lên cái kệ phía trên lò sưởi, ở đằng sau cái đồng hồ, một nửa bao thư ló ra ngoài để cho tôi nhìn thấy. Bà HPB và tôi tiếp tục nói chuyện về nhiều vấn đề trong khoảng chừng một tiếng đồng hồ, kế đó bà nói rằng thư trả lời cho tôi đã đến. Tôi bèn lấy cái bao thư trên kệ, nhận thấy cái bao vẫn dán kín và niêm khằng còn y nguyên, trong đó là bức thư của tôi viết lúc nãy, kèm theo là thư trả lời của Chân Sư với tuồng chữ quen thuộc của ngài, bức thư này viết trên một tờ giấy màu xanh kiểu lạ, loại giấy này theo chỗ tôi biết, không hề có ở trong nhà. Lúc ấy chúng tôi đang ở New York, còn Chân Sư ở tận bên Á Châu. Hiện tượng này thuộc về một loại mà tôi nhìn nhận rằng không thể nào có sự giả trá, phỉnh lừa.

       Một buổi tối, vào mùa thu năm 1876, bà HPB và tôi đang ngồi đối  bàn về vấn đề xuất vía,xuất hồn. Hồi đó, vì chưa quen thuộc với những danh từ chuyên môn, nên sự giải thích của bà về những vấn đề khoa học không được rõ ràng, chính xác lắm, và tôi nhận thấy rất khó hiểu. Sau cùng, bà lấy thí dụ của Stainton Moses, người bạn của chúng tôi lúc ấy đang luyện phép xuất hồn bằng cách dùng sức mạnh của ý chí. Bà đề nghị sẽ chỉ cho tôi thấy trong một bức ảnh kết quả công phu tu luyện của S.M., và liền bắt tay vào việc. Bà dứng dậy kéo trong một hộc tủ, lấy ra một cuộn vải satin trắng, đặt trên bàn và cắt lấy một khoảnh bằng độ một trang giấy. Kế đó, bà cất cuộn vải vào chỗ cũ, và ngồi lại bàn. Bà đặt mảnh vải satin bề mặt úp xuống bàn, lấy một tờ giấy thấm còn nguyên vẹn phủ lên trên, và chống khuỷu tay lên đó, trong khi đó bà vấn một điếu thuốc lá, và bật diêm quẹt hút thuốc. Độ một lát bà yêu cầu tôi đem cho bà một ly nước. Tôi tỏ ý sẵn lòng, nhưng còn đưa ra một câu hỏi để bà trả lời và để làm trì hoãn thời giờ, trong khi đó, tôi vẫn chăm chú nhìn miếng vải satin ló ra dưới tờ giấy thấm. Thấy tôi vẫn đứng yên một chỗ, bà hỏi tại sao tôi không lấy cho bà ly nước lạnh, mà còn đợi gì nữa? Tôi nói:

      “Tôi còn đợi xem bà sắp làm gì với miếng vải satin đó”.

     Bà nhìn tôi với cái nhìn trách móc, dường như bà thấy rằng tôi còn nghi nan, không trọn tin để bà ngồi một mình với miếng vải satin. Kế đó, bà để hai tay xuống tờ giấy thấm và nói:

     “Tôi sẽ có ngay, ngay bây giờ!”

      Nói xong, bà lấy tờ giấy thấm ra, và lật miếng vải satin lên, bà đưa cho tôi.

      Bạn đọc hãy thử tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi! Trên bề mặt miếng vải, tôi thấy một bức ảnh màu thật là độc đáo, phi thường. Đó là một bức chân dung rất khéo của Stainton Moses, gương mặt rất giống như bức hình chụp của y đang treo trên tường.Từ trên đỉnh  đầu, túa ra những tia dáng như lửa có ánh vàng, ở những nơi bí huyệt tim và rốn, cũng xẹt ra những tia lửa đỏ vàng giống như vậy, ví như những hỏa diệm sơn phun lửa. Phần đầu và ngực bao phủ trong một hào quang giống như đám mây trôi màu xanh dương. Rải rác lấm tấm những vệt nhỏ màu vàng ánh. Còn phần dưới thân mình bao phủ cũng những đám mây trôi màu hồng và xám đục, tức là những hào quang có tính chất nặng trược, thấp kém hơn phần trên.

      Hồi đó, tôi chưa biết gì về những luân xa (chakrams), hay bí huyệt trong cơ thể con người, được đề cập đến trong kinh yoga shastras của Ấn Độ, một vấn đề quen thuộc đối với các môn đệ của Đạo Sư Patanjali. Bởi vậy, tôi không hiểu ý nghĩa của hai con trốt xoáy bốc lửa trên chỗ tim và rốn; nhưng về sau khi tôi đã hiểu biết về vấn đề này, thì bức ảnh trên Satin này càng tăng giá trị đối với tôi, vì nó chỉ rằng nhà huyền học nào tạo ra nó hẳn đã biết rằng trong phép Xuất Vía ra khỏi xác thân, hành giả phải tập trung ý chí của mình lần lượt nơi các luân xa hay bí huyệt, và sự tách rời thể Vía được hoàn thành với sự luân phiên thức động mỗi luân xa theo thứ tự trước sau.

      Theo chỗ tôi hiểu, thì Stainton Moses đã làm cuộc thí nghiệm này như một cuộc khảo sát tìm hiểu thuộc về lý trí hơn là một phép tu luyện tâm linh, vì phần hào quang trên đầu y có hình dáng rõ rệt còn những phần khác trong thể Vía của y hãy còn trong trạng thái lu mờ, hỗn độn, chứ chưa ổn định để tượng hình một cách rõ ràng. Những đám mây màu xanh dương chỉ tính chất tịnh khiết chứ không có sự long lanh chói rạng như cái hào quang của một người tiến bộ tâm linh, thường được diễn tả như chiếu sáng rạng ngời như ánh bạc. Tuy nhiên những điểm nhỏ màu vàng ánh xuất hiện rải rác trên màu xanh dương là những điểm linh quang của tinh thần, biểu lộ những hoài bão tâm linh; còn những đám mây mờ màu hồng và xám của hào quang ở phần dưới thân mình biểu lộ tính chất nặng nề ô trọc thuộc về phần thú tính của con người. Màu xám này càng trở nên đục ngầu u tối và xám xịt khi phần thú tính của con người phát triển trội hơn phần trí tuệ, tinh thần và tâm linh, còn trong những người hoàn toàn tội lỗi sa đọa, trụy lạc đến cực điểm, thì theo nhận xét của những vị có thần nhãn, nó trở nên sậm đen như mực….

        Dưới đây là một trường hợp phóng ảnh khác nữa do bà HPB thực hiện. Sau bữa ăn, chúng tôi bước qua phòng khách và câu chuyện xoay qua vấn đề phóng bút, phóng ảnh. Một người khách yêu cầu bà HPB phóng ảnh cho chúng tôi xem. Bà hỏi vị ấy muốn có ảnh của ai, người khách đáp rằng y muốn có bức ảnh của một người Yogi, người này là một vị đạo sĩ Ấn Độ mà chúng tôi biết tên, và được các Chân Sư rất kính nể. Bà HPB bước lại bàn giấy của tôi, lấy một tờ giấy xé làm hai phần, và giữ lấy một phần rồi để nó xuống mặt bàn có lót một tờ giấy thấm. Kế đó, bà lấy con dao gọt lấy một ít bụi viết chì để trên tờ giấy, rồi lấy tay xoa theo hình tròn trên mặt giấy độ chừng một phút, xong rồi bà đưa kết quả cho chúng tôi xem. Trên tờ giấy là bức chân dung mong ước của người khách, ngoài ra tính cách phóng ảnh kỳ diệu, nó còn là một tác phẩm mỹ thuật rất thần tình. Nhà chân dung họa sĩ Mỹ nổi tiếng là Họa Sĩ Le Clear tuyên bố rằng bức ảnh này thật là độc đáo, với một nghệ thuật siêu đẳng mà không một họa sĩ nào trong giới quen biết của y có thể sáng tác….Người Yogi được trình bày trong cơn đại định (samâdhi), cái đầu hơi nghiêng về một bên, đôi mắt không nhìn ra ngoại cảnh mà gom vào nội tâm, toàn thân dường như không còn tri giác, mà linh hồn đã phiêu diêu ở cõi giới xa xăm nào…

      Người Yogi này tên là Tiravala, vốn là một triết gia rất được quý trọng ở Mylapore, một làng ở ngoại thành Madras, và là vị bảo trợ tinh thần của những người cùng đinh, hạ tiện, thuộc giai cấp “bất khả tiếp xúc” (Pariah).Về vấn đề ông ta có còn ở trong xác thân hay không, tôi không thể biết chắc, nhưng theo lời bà HPB thường nói về ông ta, thì tôi đoán rằng ông ta còn sống. Tuy nhiên, điều này có vẻ khó tin đối với tất cả mọi người, trừ ra đối với người Ấn Độ, vì người ta nói rằng nhà Yogi này đã từng viết ra bộ Kinh “Kural” bất hủ của ông cách đây độ chừng một ngàn năm! Ở miền Nam Ấn, ông ta được coi như một trong những vị đạo sĩ đã phát huệ và đắc pháp thần thông, và cùng với mười bảy vị đạo sĩ đắc Đạo khác hiện đang còn sống trên các vùng núi Tirupati và Nilgiri với sứ mạng bảo trợ, chăm sóc về phần tâm linh cho Ấn Độ Giáo. Tuy mai danh ẩn tích, các vị ấy vẫn trợ giúp bằng quyền năng ý chí mạnh mẽ của mình, những nhà tu sĩ chân chính và những người phụng sự vị tha vì tình thương nhân loại. Ước mong ân huệ của các vị đến với chúng tôi!

      Khi tôi nhớ lại việc cũ để viết tập “Hồi Ký” này, tôi ghi nhận là trên đầu vị đạo sĩ không thấy có vẽ một hào quang tâm linh, tuy rằng những giai thoại do bà HPB kể lại về nhà đạo sĩ đã xác nhận quan niệm của những người Ấn Độ ái mộ ông rằng nhà Yogi này là một vị chân tu có trình độ tâm linh cao cả và đạo hạnh rất tinh thâm. Điều ghi nhận trên cũng áp dụng cho bức chân dung đầu tiên của Chân Sư, do họa sĩ Harrisse vẽ tại New York, trong đó cũng không thấy có hào quang. Ít nhất trong trường hợp này, tôi có thể chứng minh là bức ảnh rất giống như thật, cũng như những người khác đã từng có diễm phúc nhìn thấy ngài. Từ lâu, tôi vẫn mong ước có một bức ảnh của Sư Phụ tôi để treo trong gian phòng và để chiêm ngưỡng nếu tôi không có diễm phúc được hội kiến với ngài trong kiếp này. Bởi vậy, tôi đã yêu cầu bà HPB phóng họa cho tôi một bức ảnh của Chân Sư và bà hứa sẽ làm khi có dịp thuận tiện. Trong trường hợp này, bà không được phép trực tiếp phóng ảnh cho tôi, mà một phương pháp giản dị hơn và rất lý thú được áp dụng: một người họa sĩ thường không phải là đồng tử hay đạo sinh Huyền Môn, được yêu cầu họa bức chân dung của ngài cho tôi mà y không biết y đang làm gì. Đó là một họa sĩ tài tử, ông Harrisse, một người Pháp và là bạn của chúng tôi.

       Một buổi tối, khi chúng tôi đang đàm luận, câu chuyện xoay qua vấn đề Ấn Độ và lòng dũng cảm của dân miền Rajput, bà HPB thì thầm nói nhỏ với tôi rằng bà sẽ yêu cầu nhà họa sĩ này vẽ chân dung của Sư Phụ chúng tôi nếu tôi có thể cung ứng vật liệu. Trong nhà không có sẵn đồ họa cụ, tôi mới đi đến một tiệm tạp hóa gần bên và mua một tờ giấy loại đặc biệt cùng với vài cây viết chì đen và trắng. Người chủ tiệm gói chung các món lại thành một gói đưa cho tôi qua quầy hàng, tôi trả y một đồng tiền trị giá là một nửa đô la (năm mươi xu) và bước ra. Khi về tới nhà, tôi vừa mở gói ra, thì có hai đồng tiền, mỗi đồng là hai mươi lăm xu từ trong gói rơi xuống sàn gạch! Thật rõ ràng là Chân Sư cố ý tặng cho tôi bức chân dung của ngài mà tôi khỏi phải tốn tiền.

      Khi đó, bà HPB yêu cầu họa sĩ Harrisse hãy vẽ diện mạo của một vị tù trưởng Ấn Độ, tùy theo quan niệm của y. Người họa sĩ nói y không hình dung được trong trí là phải vẽ như thế nào, và muốn đổi qua một đề tài khác. Nhưng thấy tôi cứ khăng khăng một mực đòi hỏi, y mới vẽ thử một đầu người Ấn Độ. Bà HPB ra dấu cho tôi hãy ngồi yên ở phía bên kia gian phòng, còn bà đến ngồi gần bên người họa sĩ và lẳng lặng hút thuốc lá. Thỉnh thoảng, bà rón rén đi đến sau lưng người họa sĩ dường như để xem y làm việc, nhưng vẫn im lặng không nói gì cho đến độ một giờ sau, khi bức họa đã vẽ xong.

      Tôi cám ơn nhà họa sĩ khi nhận bức chân dung, đem lộng vào khuôn và treo trong buồng ngủ của tôi. Nhưng một việc lạ lùng đã xảy ra. Khi bức họa còn ở trước mặt họa công, sau khi chúng tôi ngắm nhìn lần cuối cùng và khi bà HPB cầm lấy để đưa cho tôi, thì chữ ký bằng ám hiệu của Chân Sư đột nhiên hiện trên bức ảnh. Đó là một cách biểu thị sự có mặt và bút tích của ngài trên bức họa, và điều này càng làm tăng thêm giá trị món quà quý báu mà ngài tặng cho tôi. Nhưng hồi đó, tôi không biết là nó có giống Sư Phụ tôi hay không, vì tôi chưa từng nhìn thấy ngài bao giờ. Về sau, khi tôi được gặp ngài, tôi mới nhận thấy rằng bức họa ấy thật giống, và hơn nữa tôi còn được ngài tặng cho cái khăn vấn đầu của ngài mà nhà họa sĩ tài tử đã vẽ trong bức họa.

      Đây quả là một trường hợp chuyển di tư tưởng, do đó cái hình ảnh của một người vắng mặt được chuyển di đến tâm thức trí não của một người hoàn toàn xa lạ. Cái hình ảnh đó đi xuyên qua tư tưởng của bà HPB hay không? Tôi nghĩ rằng có. Tuy nhiên, với sự khác biệt này, là trí nhớ của bà HPB cung ứng bức chân dung cần được chuyển đi qua trí óc của ông Harrisse, và nhờ bởi khả năng thần thông điêu luyện, bà đã chuyển di trực tiếp mà không cần qua một vật trung gian, tức là không cần phải vẽ trước cái hình kiểu mẫu trên một tấm bìa, để cho bà hình dung sẵn trong trí rồi mới chuyển qua bộ óc của nhà họa sĩ.

eru| s>d0;  Trong những cuộc hội họp quan khách, chúng tôi không hề có dụng ý lái câu chuyện ấy đến việc làm các hiện tượng nhiệm mầu. Khi chúng tôi chỉ có hai người, bà HPB có thể làm một vài hiện tượng nào đó để dẫn chứng cho một bài học mà bà dạy tôi; hoặc để đáp lại một câu hỏi của tôi về tác dụng của một thứ mãnh lực đặc biệt nào đó. Thường thì bà làm các phép thuật đó trong những cơn ngẫu hứng bất thần, và không do sự gợi ý của một người nào đang có mặt tại chỗ. Tôi xin kể một vài thí dụ trong số bao nhiêu những sự việc khác.

      Một ngày nọ, một nhà Thần Linh Học người Anh đi với con trai ông, một đứa bé độ mười tuổi, cùng với một người bạn ông đến viếng chúng tôi. Đứa bé chơi một mình và đi quanh khắp phòng, lục lạo trong các sách vở, xem xét những món vật lạ và đồ cổ, đánh thử trên đàn dương cầm, và làm những tác động tò mò khác. Kế đó, nó bắt đầu nhàm chán và đòi về, kéo tay áo cha nó và định làm cho ông ta gián đoạn một câu chuyện rất lý thú với bà HPB. Người cha không hề ngăn chận sự quấy rối của nó và sửa soạn ra về, thì bà HPB nói:

      “Không sao, nó chỉ muốn có một vật gì để chơi thôi. Để tôi xem có thể nào tôi kiếm cho nó một món đồ chơi”.

       Nói xong, bà đứng dậy, đưa tay sờ soạng vào một cánh cửa ở phía sau lưng bà, và kéo ra một con trừu nhồi gòn rất lớn dưới chân có gắn bánh xe lăn, mà tôi biết chắc chắn là không hề có ở trong nhà chỉ một lúc trước đó!

       Trước ngày lễ Giáng Sinh, cô em gái tôi ở từng lầu trên của “Lạt Ma Viện”, đi xuống chỗ chúng tôi ở mời chúng tôi bước lên xem Cây Giáng Sinh mà cô đã chuẩn bị cho mấy đứa con cô lúc ấy còn ngủ trên giường. Chúng tôi nhìn xem qua một lượt các món quà, bà HPB bày tỏ sự hối tiếc rằng bà không có tiền để mua quà tặng và đóng góp vào cái Cây cho các cháu. Bà hỏi cô em tôi đứa con trai cưng của cô ấy thích món gì, và khi được trả lời là một cái còi thổi tu hít kiểu lớn, bà nói:

      “được rồi, hãy đợi một lát”.

      Bà lấy xâu chìa khóa từ trong túi áo ra, nắm chặt lấy ba chìa trong một bàn tay, và một lúc sau đó, bà cho chúng tôi xem một cái còi tu hít lớn bằng sắt có khoen máng vào xâu chìa khóa thay vào chỗ của ba cái chìa kia. Để làm cái còi này, bà đã dùng hết chất sắt của ba cái chìa khóa, và ngày hôm sau bà phải nhờ thợ khóa làm lại ba cái chìa khác.

      Đây là một chuyện khác nữa. Trong khoảng chừng một năm sau khi chúng tôi định nơi cư trú tại “Lạt Ma Viện”, bộ đồ dọn ăn bằng bạc của gia đình tôi được đem ra dùng, nhưng sau cùng nó phải được gửi đi cho gia đình thân quyến, và bà HPB đã giúp tôi một tay để gói lại tất cả và cho vô thùng. Ngày đó sau bữa ăn trưa, đến lúc dùng cà phê, chúng tôi nhận thấy không có cái kẹp gắp đường,và khi tôi đưa cho bà cái hũ đường, tôi để thay vào đó một cái muỗng. Bà hỏi cái kẹp gắp đường cục ở đâu, và khi tôi trả lời rằng hồi nãy tôi đã gói chung với các đồ bằng bạc kia để gửi đi, thì bà nói:

       “Nhưng rồi chúng ta cũng phải có một cái để dùng chứ, phải không?”

       Nói xong, bà đưa một bàn tay xuống một bên ghế chỗ bà ngồi, rồi cầm lên một cái kẹp bạc có hình dáng lạ kỳ mà chưa ai từng thấy bán ở các tiệm. Cái kẹp ấy có hai nhánh dài hơn kẹp thường, và hai đầu nhánh lại có răng dài và nhọn giống như hai cái nĩa; bên trong có chỗ tay cầm có khắc chữ mật tự, ám chỉ thánh danh của Chân Sư “M”. Tôi vẫn còn cất giữ vật này tại Adyar.

       Trong hiện tượng này, có sự tác động của một định luật quan trọng. Muốn tạo ra một vật cụ thể từ cái chất liệu bằng bạc trong không gian, bước đầu tiên là nghĩ đến cái vật thể mong muốn, với tất cả mọi chi tiết như hình dáng kiểu mẫu, màu sắc, chất liệu, trọng lượng và những đặc điểm khác. Cái hình ảnh gợi trong trí phải dứt khoát rõ ràng từng chi tiết. Giai đoạn kế đó là vận dụng Ý Chí đã được tập luyện thành thục, sử dụng kiến thức của mình về những định luật cai quản vật chất và phương pháp kết hợp các nguyên tử. Sau cùng là sai khiến các tinh linh ngũ hành dùng chất liệu ấy để nhồi nắn thành hình cái vật thể mà mình muốn tạo nên.

       Nếu hành giả làm thiếu sót điều gì trong những sự việc kể trên, thì kết quả sẽ không được hoàn toàn như ý muốn. Trong trường hợp vừa kể, thì rõ ràng là bà HPB đã lẫn lộn trong ký ức của bà những hình dáng khác nhau của cái kẹp gắp đường và cái nĩa, và bà đã hỗn hợp cả hai thứ chung lại với nhau thành một vật dị hình, khó tả và không thể tìm thấy trên thị trường! Lẽ tất nhiên, việc này lại là một bằng chứng hùng biện về tính cách chân thật của hiện tượng do bà làm, hơn là nếu bà đã tạo ra một cái kẹp đường toàn hảo, vì một vật như thế có thể mua được ở bất cứ nơi đâu.

      Một đêm nọ, khi phòng làm việc của chúng tôi có đầy khách đến viếng, bà HPB và tôi ngồi đối diện nhau ở hai bên phòng, bà ra hiệu bảo tôi cho bà mượn cái khoen có mặt ấn lớn tròn và chạm lõm sâu, mà tôi đeo tối hôm ấy để buộc cái khăn choàng cổ. Bà cầm lấy nó giữa hai bàn tay nắm chặt, không nói với ai một lời hay làm cho ai chú ý trừ ra tôi, và xoa hai bàn tay độ một hay hai phút, kế đó tôi nghe có tiếng va chạm của hai vật bằng chất kim loại. Bà nhìn tôi mỉm cười và xòe hai bàn tay ra cho tôi thấy cái khoen ấn của tôi cùng với một cái khác cũng lớn bằng nhưng lại có một kiểu khác: cái mặt ấn này làm bằng đá huyết thạch màu xanh lục, còn cái của tôi làm bằng đá hồng mã não. Cái khoen ấy bà đeo luôn cho đến khi bà từ trần và sau đó nó qua tay bà Annei Besant, mà hàng ngàn người đều nhìn thấy quen mắt. Mặt đá của nó bị vỡ trong chuyến hành trình của chúng tôi qua Ấn Độ, và sau đó được thay một mặt đá khác ở Bombay. Trong trường hợp này cũng vậy, không một lời nào trong câu chuyện giữa các quan khách đã đưa tới hiện tượng này; trái lại, không một ai trừ ra tôi, đã biết việc ấy xảy ra, cho đến mãi về sau họ mới được kể lại cho biết.

                                                                             III

       Ông Sinnett (phó Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học) trong quyển  “Những ngẫu sự trong cuộc đời bà Blavatsky”, có viết một chuyện do ông Judge kể lại về việc bà HPB đã tạo ra những ống màu nước cho ông dùng để vẽ một bức họa Ai Cập. Tôi cũng có mặt trong dịp đó, và có thể xác nhận như một nhân chứng:

       Việc ấy xảy ra vào một buổi trưa tại “Lạt Ma Viện”. Ông Judge đang vẽ cho bà một bức ảnh về một chuyện Thần Thoại Ai Cập, nhưng không thể hoàn tất công việc vì thiếu màu. Bà HPB hỏi ông cần những màu gì, và khi được trả lời cho biết, bà bèn bước đến gần cây đàn dương cầm đặt ở sát vách tường, rồi hai tay nâng vạt áo lên dường như để hứng một vật gì. Kế đó, bà buông vạt áo và trút lên trên bàn ngay trước mặt ông Judge mười ba lọ bột màu khô hiệu Winsor và Newton, trong số đó có những màu mà ông cần dùng. Một lúc sau đó, ông Judge nói ông muốn có một ít sơn vàng thật, thì bà bảo ông hãy đi lấy một cái dĩa từ trong phòng ăn. Ông làm y theo, khi ấy bà mới bảo ông đưa cho bà cái chìa khóa cửa bằng đồng, rồi bà cọ mạnh cái chìa khóa lên mặt dĩa. Sau đó một lát, chúng tôi thấy trên mặt dĩa có phủ một lớp sơn vàng thật bằng chất kim loại thuần túy.

      Tôi hỏi bà về tác dụng của cái chìa khóa trong cuộc thí nghiệm này, thì bà nói rằng cái tinh hoa hay linh hồn của chất đồng được cần dùng như một trung tâm hạt nhân để quy tựu từ trong chất Tiên Thiên Khí (Akâsa) những nguyên tử của bất cứ chất kim loại nào mà bà muốn phóng xuất. Cũng vì lý do đó, bà đã cần dùng đến cái khoen đồng có cẩn mặt đá của tôi làm cái khí cụ để tạo nên một cái khoen khác cho bà dùng trong dịp trước đây.

       Phải chăng đó chính là cái nguyên tắc được áp dụng trong phép thuật luyện chì thành vàng và chuyển hóa kim loại của nhà Luyện Kim thời xưa mà người ta thường nói đến? Tôi nghĩ như vậy, vì có truyền thuyết cho rằng cái thuật đó vẫn được biết rõ trong các giới đạo sĩ, thuật sĩ hiện còn sống ở xứ Ấn Độ ngày nay. Hơn nữa, những sự khám phá gần đây của các nhà bác học William Crookes về sự cấu tạo của các nguyên tố (elements)(*)[14] phải chăng đã đưa chúng ta  phải tiến đến cái lý thuyết Âm Dương của Phương Đông? (tức Purusha và  Prakriti của Triết Học Ấn Độ).Và phải chăng cái lý thuyết sau này chỉ cho chúng ta thấy rằng những nguyên tố của một thứ kim loại có thể được chuyển sang những cách hóa hợp mới, mà kết quả là sẽ làm cho nó biến thành một chất kim loại khác bằng cách sử dụng cái quyền năng mạnh mẽ vô địch của Ý Chí? Khoa học Vật Lý vẫn chưa thực hiện được điều này, dẫu rằng bằng cách sử dụng những năng  lực vô cùng lớn lao của điện khí. Nhưng điều vô cùng khó khan đối với nhà bác học, hoàn toàn tùy thuộc nơi tác động của những sức mạnh vật chất thô kệch, lại có thể rất dễ dàng dối với bậc Đạo Gia,  biết sử dụng khả năng của Tinh Thần như một khí cụ tác động hữu hiệu. Thật vậy, đó chính là cái quyền năng sáng tạo nên Vũ Trụ.

       Giáo sư Crookes có nói:

     “Tôi tin chắc rằng sự khảo cứu sưu tầm ráo riết không gián đoạn sẽ được đền bù tưởng thưởng bằng một tia sáng chiếu rọi và những điều huyền bí của thiên nhiên, mà hiện nay không ai có thể quan niệm được”.

       Nói được như thế tức là đem một điềm triệu báo trước một ngày mai tươi sáng hơn, khi đó các nhà bác học sẽ thấy rằng phương pháp quy nạp của họ làm tăng thêm gấp trăm lần những sự khó khan trong việc tìm hiểu những “điều huyền bí của thiên nhiên”. Họ sẽ thấy rằng cái chìa khóa của tất cả mọi điều huyền bí là sự hiểu biết về Tinh Thần, và con đường đưa đến sự hiểu biết đó đi xuyên qua một ngọn lửa còn dữ dằn hơn nữa, nó được duy trì bằng lòng ích kỷ, được nuôi dưỡng bằng nhiên liệu của sự đam mê, và quạt cho bùng cháy lên bằng những cơn bạo phát của dục vọng.

       Khi nào mà Tinh Thần lại được nhìn nhận như cái yếu tố tối thượng trong sự cấu tạo các nguyên tố và trong cơ Sáng Tạo nên Vũ Trụ Càn Khôn, thì những hiện tượng thần thông như của bà HPB sẽ có một tầm quan trọng tuyệt luân như những sự kiện khoa học, chứ nó không còn bị coi như những trò ảo thuật bởi một hạng người, và bởi một hạng người khác như những phép lạ để làm mê hoặc những kẻ khờ dại dễ tin!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: