CHƯƠNG HAI: VÀI NÉT ĐẶC THÙ CỦA BÀ BLAVATSKY
Trong chương một , chúng tôi có nói rằng bà HPB được lệnh của Chân Sư phải rời Paris đi New York một cách đột ngột, do tin báo trước chỉ có một ngày, và khi đó bà chỉ có vừa đủ tiền để mua vé tàu.Tôi còn nhớ một việc liên hệ đến chuyến đi ấy do bà thuật lại, việc ấy cũng biểu lộ một nét đặc biệt trong tính chất đa dạng của bà, ấy là tính hào sảng tự nhiên.
Bà đã mua một vé tàu hạng nhất đi từ Havre đến New York, và khi ra bến, bà nhìn thấy một phụ nữ nhà quê ngồi bên vỉa hè vừa ôm con vừa khóc rất thảm thiết. Bà bước đến gạn hỏi thì được biết rằng đó là một phụ nữ Đức định xuống tàu để sang gặp chồng ở bên Mỹ, nhưng bị một kẻ gian đã bán vé giả cho bà ta ở Hambourg. Thế là khi đến đây, bà ấy bị bơ vơ, lạc lõng, không tiền bạc và tứ cố vô thân nơi đất khách. Lẽ tự nhiên, Công Ty Hàng Hải cũng không làm gì được. Động lòng trắc ần, bà HPB nói:
“Chị hãy yên tâm, để tôi xem có cách nào giúp chị được không?”
Kế đó, bà vận dụng tất cả mọi khả năng hùng biện, hết thuyết phục rồi đến quở trách người đại diện Công Ty, nhưng rốt cuộc vẫn không có kết quả. Sau cùng, vì bà không có đủ tiền để trợ giúp người phụ nữ bất hạnh ấy nên bà phải dùng đến phương sách tối hậu, chứ không còn cách nào khác. Bà liền đổi vé “cabin’’ hạng nhất của bà thành vé hạng chót, nằm dưới hầm tàu, và dùng số tiền sai biệt để mua vé hạng chót luôn cho cả hai mẹ con người đàn bà kia!
Nhiều người thuộc loại “nề nếp”, “mực thước,” thường tỏ ra hoang mang kinh ngạc vì những cử chỉ ngang tàng ngáo ngổ và cả những điều sống sượng bất nhã nữa của bà HPB, nhưng tôi nghĩ rằng một cử chỉ hy sinh hào phóng như vậy cũng đủ làm nghiêng lệch đòn cân, và quét sạch tất cả những gì gọi là bất lịch sự trong phép xã giao của người đời! Ai không tin, hãy thử xuống nằm dưới hầm tàu chở dân di trú một lần thì biết!
Trên đây có nói trong trường hợp nào nữ ký giả Ballard đến gặp bà HPB tại một ngôi nhà trọ nghèo nàn ở một khu phố bình dân của thành phố New York trong khi bà còn chờ đợi tiền nhà và phải làm việc may thuê vá mướn để sống tạm qua ngày. Đó là vào tháng 7, năm 1873. Tháng mười năm ấy, bà nhận được một bức điện tín từ Stavropol ( Nga ) của cô em gái là Elise, cho biết tin phụ thân bà từ trần và có để lại cho bà một phần gia tài. Cô em cho biết thêm rằng một ngân phiếu một ngàn Nga Kim (roubpes) đã được gửi cho bà. Sau đó ít lâu, bà nhận được tiền và dời chỗ ở đến một khu phố khang trang lịch sự hơn, ở đường East 16th, công trường Irving, New York. Chính ở địa chỉ này mà tôi đến gặp bà sau khi từ nông trại Eddy trở về. Tuy nhiên, số tiền ấy không ở với bà được lâu, vì như ông Sinett dã nhận xét và ghi lại trong quyển sách của ông (về tiểu sử của bà HPB) thì một mặt bà có thể chịu đựng một cách vô cùng nhẫn nhục những cơn nghèo túng và nghịch cảnh khó khăn, nhưng khi tiền bạc vừa đến tay bà, thì bà dường như lấy làm băn khoăn khổ sở trừ khi bà đem vứt quăng đi với cả hai tay bằng những phương tiện dại dột nhất.
Đó là một cuộc chung vốn làm ăn có ký hợp đồng để khai thác nông trại của một người tên là C.G. trong một kỳ hạn là ba năm. Trong bản hộp đồng có điều khoản quy định rằng bà HPB sẽ bỏ ra số tiền một ngàn đô la để chung vốn, tất cả những lợi tức thu hoạch được về hoa màu, rau trái, gà vịt, và nhũng hoa lợi linh tinh khác sẽ được chia đều và mọi phí tổn cũng sẽ cùng gánh chịu đều nhau, v..v…
Điều mà người ta có thể tiên liệu trước đã xảy ra: bà HPB đến ở tại nông trại, lợi tức đâu chẳng thấy, đâm ra tranh chấp, cãi lẫy, rồi mắc nợ và vướng vào một vụ kiện mà rất lâu về sau các bạn bè thân hữu của bà mới giúp bà giải quyết xong. Thế là tan tành cái giấc mộng về lợi tức của bà về rau trái, hoa màu, nuôi bò sữa, gà đẻ trứng, v..v…Ba tháng sau đó, tôi mới gặp bà tại ngôi nhà có hồn ma hiện hình ở tại Vemont, Chittenden, và bánh xe nghiệp quả của chúng tôi mới bắt đầu chuyển động.
Những bài phóng sự của tôi đăng trên nhật báo Daily Graphic đã hấp dẫn đến Chittenden một vị lương y danh tiếng của thành phố New York, bác sĩ Beard. Khi trở về, y đã viết một bài bình phẩm ngu xuẩn và khoác lác đăng trên báo, nói rằng những chuyện hồn ma hiện hình ở nông trại Eddy chỉ là những trò giả mạo, và y đã bị bà HPB “cạo sát da” trong một bức thư trả lời nảy lửa gởi đến tòa soạn báo Graphic. Bức thư của bà là một sự biện hộ can đảm và độc đáo bênh vực cho những đồng tử Eddy và sự thật của những hiện tượng xảy ra, làm cho bà đột nhiên vang dậy tên tuổi khắp các giới kể từ đó trở về sau. Đây là lần đầu tiên mà quần chúng Mỹ được nghe tên tuổi bà liên quan dến những vấn đề huyền linh, và cuộc tranh luân với một bác sĩ nổi tiếng ở New York thời ấy là cái nguyên nhân chính làm cho bà được nổi danh một cách bất ngờ.
Hồi đó, bà luôn luôn phát ngôn với một giọng sôi nổi, hào hùng và vui nhộn trong tất cả mọi cuộc đàm thoại và trên diễn đàn ngôn luận, báo chí; bà thu hút mọi người bằng cách nói chuyện linh động và ý nhị; khinh bỉ những nghi thức xã giao giả dối của người đời, và gây sự ngạc nhiên trong các giới bằng những quyền năng thần bí của bà. Bà thường rút trong cái kho tang ký ức vô cùng dồi dào phong phú về những chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà bà đã trài qua do kinh nghiệm bản thân, và trong kho kiến thức thâm sâu về khoa Huyền Môn, mà theo chỗ tôi biết thì không ai có thể bì kịp trong số các nhân vật xuất hiện ở Mỹ thời bấy giờ. Khi tôi đã kết thúc loạt bài phóng sự đăng trên báo Daily Graphic về các hiện tượng thần linh ở Chittenden, tôi bèn chuẩn bị in ra thành sách. Vào lúc này, bà HPB cũng dời chỗ đến ở Philadelphia. Hồi đó, khoa Thần Linh Học đang trải qua một giai đoạn xuống dốc do hậu quả của việc đồng tử Holmes bị nhà bác học Dale Owen công khai tố giác là dối trá, bịp bợm. Những cơ quan ngôn luận của phong trào bị mất độc giả rất nhiều, những sách vở Thần Linh Học sang giá nhất đều bị mất khách hang và nằm trong các nhà sách không ai mua. Nhà xuất bản quyển sách của tôi bị giao động tinh thần dến nỗi tôi phải đề nghị vối ông Dale Owen và bà đồng tử Holmes mở một cuộc trắc nghiệm dài hạn dưới những điều kiện của tôi đưa ra để chúng tôi thực hiện những cuộc thử thách này tại nhà ông bà Holmes. Sau đó, tôi đến Havana, tiểu bang New York, và chứng kiến những hiện tượng đồng tử thật là kỳ diệu của bà Compton. Tất cả những cuộc khảo sát trên đây đều được tường thuật lại đầy đủ trong quyển sách của tôi nhan đề “Người về từ cõi âm” và sau cùng nó được đem phát hành.
II
Trong khi bà HPB ở Philadelphia, tôi nhận lời mời của bà và đến đó ở nghỉ vài ngày sau một thời gian làm việc mệt nhọc. Tôi định đi vắng nhà có vài ngày thôi nên không dặn người nhà và văn phòng Luật chuyển thơ từ cho tôi, nhưng khi đến nơi tôi mới biết bà không muốn để tôi về sớm như vậy. Qua ngày hôm sau, tôi đến Sở Bưu Điện, và yêu cầu họ đem thư tù của tôi nếu có, đến địa chỉ của tôi đang ở. Khi đó thì xảy ra một việc làm tôi ngạc nhiên, vì hồi đó tôi chưa được biết nhiều về những quyền năng thần thông của các Chân Sư và bà HPB và chí đến bây giờ đối với tôi, nó vẫn còn là một kỳ quan lạ lung dẫu rằng tôi đã từng trải qua một thời kỳ kinh nghiệm lâu dài về các hiện tượng huyền linh.
Ngay chiều hôm đó, người đem thơ đem đến cho tôi vài bức thơ gởi từ ngoại quốc, ngoài bao thơ đề địa chỉ của tôi ở New York, có đóng dấu các trạm bưu điện xuất xứ nhưng KHÔNG CÓ CON DẤU CỦA SỞ BƯU ĐIỆN THÀNH PHỐ NEW YORK. Bất chấp mọi luật lệ của quy tắc bưu điện, những bức thư đó đã được giao thẳng đến tay tôi ở Philadelphia mà không đi qua Sở Bưu Điện thành phố New York. Ở New York không ai biết địa chỉ của tôi tại Philadelphia vì chính tôi cũng không biết khi tôi rời khỏi nhà ra đi. Khi mở các bao thơ, tôi thấy trên các thơ đều có những giòng chữ viết, đúng là tuồng chữ trên những bức thơ của các Chân Sư mà tôi đã nhận được ở New York trước đây, những giòng chữ này được viết hoặc ở ngoài lề, hoặc ở những khoảng trống trong thơ của những người giao dịch với tôi. Những giòng chữ đó hoặc bình phẩm về tính hạnh hay ý đồ của các đương sự, hoặc là những lời khuyên có liên quan đến vấn đề học Đạo của tôi. Việc ấy mở màn cho toàn thể một loạt những hiện tượng kỳ diệu khác nữa trong khoảng thời gian độ hai tuần mà tôi trải qua tại Philadelphia.
Phân tích những hiện tượng thần thông của bà HPB, hoặc có liên quan đến bà, chúng tôi nhận thấy chúng có thể được chia làm nhiều loại, mà khả năng tạo nên những iện tượng đó đòi hỏi một sự hiểu biết về những điều sau đây:
_ Biết rõ những năng dụng rốt ráo của vật chất, mãnh lực kết cấu các nguyên tử, nhất là sự hiểu biết về tiềm năng của chất TINH QUANG hay TIÊN THIÊN KHÍ (Akâsha).
_ Khả năng tác động của các Tinh Linh Ngũ Hành khi đặt dưới ý chí điều khiển của con người.
_ Quyền năng sáng tạo của tư tưởng , có thể dùng thuật thôi mien tạo ra những ảo giác mắt thấy, tai nghe và xúc cảm những điều mà thật ra vốn không có.
_ Khả năng phóng xuất hình ảnh hay chữ viết bằng sức mạnh của ý chí.
_Khả năng đọc tư tưởng của người khác, và thần nhãn nhìn thấy quá khứ vị lai.
_ Khả năng thần giao cách cảm tùy ý muốn giữa mình với những nhân vật ngang hàng hoặc cao hơn mình về trình độ phát triển tâm linh.
_ Khả năng đọc được Ký Ức của Thiên Nhiên, ẩn tang trong chất Tinh Quang hay Tiên Thiên Khí nơi đó chứa đựng tất cả những kho tang hiểu biết của con người.
Hồi tưởng lại những nhận xét của tôi trong hai chục năm qua, tôi nghĩ rằng tất cả những chuyện mà tôi đã từng kể, hay sẽ thuật lại trong quyển sách này, sẽ thuộc về một trong những loại kể trên.
Những kẻ hoài nghi chắc sẽ nói rằng sự phân loại như trên có vẻ độc đoán và những giả thuyết của tôi là hão huyền. Họ sẽ yêu cầu tôi chứng minh sự thật về các Tinh Linh Ngũ Hành; về hiện tượng thần nhãn; về sự chuyển di đồ vật xuyên qua không gian; về sức mạnh hấp dẫn và kết cấu các nguyên tử,v..v… Tôi chỉ có thể thuật lại những điều mà tôi và nhiều người khác đã nhìn thấy, và thách đố kẻ hoài nghi tìm ra được trong cõi thiên nhiên bất cứ một định luật nào ngoài ra những điều đã nêu trên để giải thích các sự kiện không thể chối cãi. Còn nếu người ta cho rằng đó là phép lạ, hay ma thuật, thì chừng đó tôi sẽ ngậm miệng, vì điều đó chận đứng mọi cuộc tranh luận. Tôi không tự hào có thể giải thích tất cả những hiện tượng thần thông của bà HPB, vì điều ấy đòi hỏi một trình độ hiểu biết ít nhất là tương đương với bà là điều mà tôi không bao giờ có.
III
Những ngày mà tôi trải qua ở Philadelphia đều bận rộn với việc học Đạo và chứng kiến những hiện tượng thần thông của bà HPB. Ngoài ra, tôi còn có một số bạn bè thân hữu, và bà đã làm những phép thuật huyền linh này trước mặt mọi người. Trong số những phép thuật đó, tôi còn nhớ có lần bà làm cho một bức ảnh trên tường thình lình biến mất khỏi cái khung, và thay vào đó là một bức chân dung hoạt họa của John King, trong khi một người trong số quan khách đang nhìn vào bức ảnh.
Lần lần, tôi được bà giảng giải cho nghe những lý thuyết của Huyền Môn Đông Phương về tinh thần và vật chất và về những vong linh khuất mặt trong cõi vô hình. Bà không bảo tôi từ bỏ giả thuyết Thần Linh Học, mà chỉ cho tôi thấy và nhận định rằng như một khoa học chân chính, khoa Thần Linh Học thật sự chỉ có thể ở phương Đông, và những người tinh thông về khoa này chỉ có thể là những bậc đạo sư và đệ tử của các đạo phái Huyền Môn Đông Phương.
Với tấm lòng thành thật khách quan đối với các nhà Thần Linh Học, tôi phải nói rằng cho đến nay, chưa có một lý thuyết khoa học nào được đưa ra về những hiện tượng đồng tử mà phần đông nói chung họ đã chấp nhận. Và tôi cũng không thấy có một bằng chứng cụ thể nào chỉ rằng trong số những tín hữu Tây Phương của phong trào này, có ai đã từng khám phá một phương pháp nào để có thể kêu gọi các vong linh xuất hiện hoặc tạo ra các hiện tượng tùy ý muốn. Không một người đồng tử nào mà tôi đã từng gặp hoặc nghe nói đến, đã có một bí quyết hay chân ngôn để thực hiện được những việc đó, vốn là những điều rất thông thường và quen thuộc từ nhiều thế hệ ở các xứ phương đông.
Trong khi bà HPB làm cho tôi và các bạn hữu tin rằng những hiện tượng xảy ra hầu như mỗi ngày đều là do tác động của vong linh John King, mạo nhận là vong hồn một hải tặc lừng danh khi xưa tên là Sir H. Morgan, và bà chỉ trợ giúp y với tư cách là một người trung gian hay phụ tá, bà HPB đã làm nhiều hiện tượng chứng tỏ là bà có một bản lĩnh cao cường về ngành Phương Thuật (Magic ).
Tôi xin kể một thí dụ, đồng thời cũng nói thêm rằng những phát minh khoa học lớn lao thường bắt nguồn từ việc tình cờ nhận xét những sự việc rất đỗi thông thường, chẳng hạn như một trái táo rụng xuống đất giúp Newton khám phá Luật Hấp Dẫn (Gravitation ); và việc nhìn thấy cái nắp thiếc nhảy dựng trên cái ấm nước đang sôi[6]
Ngày nọ, nhận thấy trong nhà thiếu khăn mặt để dùng, tôi mua vài cái khăn lớn đem về, và cắt ra làm độ một chục chiếc khăn nhỏ. Khi thấy bà HPB định lấy ra dùng ngay mà không chịu viền các cạnh khăn lại cẩn thận, tôi mới phản đối lối sống thiếu ngăn nắp đó, và bà liền lấy kim chỉ ra may. Bà chưa kịp bắt đầu bỗng nhiên bà đá một cái dưới gậm bàn và nói với một giọng giận dữ:
“Đồ láo, đi ra!”
Tôi hỏi:
“Cái gì vậy?”
Bà đáp:
“Có gì đâu! Chỉ có một tinh linh nó kéo vạt áo tôi và muốn có một việc gì làm!”
Tôi nói:
“À, hay quá! Sẵn đây, bà hãy đưa khăn cho nó may. Bà cần gì phải làm cho nhọc, vả lại bà cũng chẳng khéo tay gì cho lắm về đường kim mũi chỉ?”
Bà cười và mắng tôi chê bà may dở, nhưng cũng chưa chịu làm theo sự thỉnh cầu của kẻ khuất mặt ở dưới gậm bàn, sẵn sàng trợ giúp một tay nếu có dịp. Sau cùng, nghe lời thuyết phục của tôi, bà bảo tôi hãy để khăn mặt và kim chỉ trong một cái tủ kiếng có khóa, và che màn lụa xanh ở phía tường bên kia. Tôi làm theo và trở lại tiếp tục ngồi nói chuyện với bà về đề tài lý thú duy nhất và bất tận của chúng tôi, là vấn đề khoa học huyền bí. Sau độ mười lăm hay hai mươi phút, tôi nghe một tiếng động nhỏ giống như tiếng chuột kêu ở dưới gậm bàn, khi đó bà HPB cho tôi biết rằng “nó” đã viền xong mấy cái khăn. Tôi bèn lại mở tủ và thấy mười hai cái khăn mặt đã viền xong, tuy rằng hơi vụng về, giống như của trẻ em mới tập may trong các lớp may nhi đồng. Thế là mấy cái khăn mặt đã được viền bìa thật sự không thể nghi ngờ, trong cái tủ đã khóa kín mà bà HPB không hề bén mảng đến gần trong suốt thời gian đó. Lúc ấy, vào độ bốn giờ chiều, giữa ánh sang ban ngày. Chúng tôi chỉ có hai người trong phòng, không có người nào khác bước vào cho đến khi mọi việc đã xong.
Có lần trong khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện ở phòng khách, bà HPB thình lình biến mất. Tôi đã từng trải nhiều kinh nghiệm về các hiện tượng huyền linh, nhưng việc này làm tôi ngạc nhiên và lo lắng. Sau khi đi lục soát khắp trong nhà mà không thấy gì, tôi trở lại phòng khách châm ống điếu hút thuốc, và thử tìm hiểu điều bí mật này. Hồi đó là năm 1875, tức là nhiều năm trước khi khoa thôi miên được thí nghiệm và phổ biến, cho nên tôi không hề biết rằng lúc ấy tôi chỉ là một đối tượng thụ cảm, và bà HPB chỉ có làm che lấp thị giác của tôi để tôi không nhìn thấy bà trong khi bà vẫn có mặt tại chỗ.
Một lúc sau bà xuất hiện trở lại nơi phòng khách, tôi mới hỏi nãy giờ bà đi đâu, thí bà cười và nói rằng vì bà có việc phải làm về phần “ vô vi ” nên bà đã tàng hình trong chốc lát. Nhưng bà tàng hình bằng cách nào thì bà không nói. Bà cũng làm phép thuật đó trước mặt tôi và những người khác nhiều lần nữa, trước và sau khi chúng tôi đi sang Ấn Độ, nhưng tất cả những lần đó đều xảy ra nhiều năm trước khi tôi được biết gì về khoa thôi miên, vốn là cái đáp số dễ dàng của thuật tàng hình. Như tôi đã có lần giải thích, thuật thôi miên của Đông Phương còn cao tay ấn hơn nhiều so với Tây Phương, vì trong trường hợp này, sự dẫn dụ để che lấp giác quan của người thụ cảm được thực hiện bằng tư tưởng trong âm thầm, chứ không phải truyền lệnh bằng giọng nói có âm thanh. Người thụ cảm không được cảnh giác để chống lại sự dẫn dụ, và sự việc xảy ra tự nhiên trong khi y không hay biết gì cả.
Bà HPB còn biểu diễn nhiều hiện tượng thần thông lạ lùng khác nữa. Tôi chỉ thuật lại vài sự việc đáng kể, nó làm thỏa mãn lý trí và óc phê bình của tôi về sự thật của khoa huyền thuật Đông Phương. Đó là thời kỳ mà tôi được biết bà HPB như một bạn đồng môn, mối liên hệ giữa bà với tôi được thiết lập trên một cương vị hoàn toàn bình đẳng và mật thiết. Nhờ đó, tôi mới có thể nhận xét bà như một người thường, trước khi bà được các bạn Đạo suy tôn gần như thần thánh, những người này không được biết gì về những sở trường, sở đoản và tính chất rất cận nhân tính của bà.
Như tôi sẽ trình bày một cách trung thực, cái hình ảnh lý tưởng đã phai mờ của tác giả các bộ sách “Vén Màn Isis” và “Giáo Lý Bí Truyền” sẽ là hình ảnh của một người bằng xương bằng thịt; một người phụ nữ thật sự tuy rằng trội hẳn về phần nam tính, sống bình thường như mọi người khi thức tỉnh, nhưng lại đi vào một thế giới khác và giao tiếp với những nhân vật cao cả hơn trong giấc ngủ hay trong khi xử dụng nhãn quang siêu phàm; một cá tính đặc biệt ngự trong một xác thân phụ nữ yếu đuối, “trong đó… một cơn giông tố luôn luôn gầm thét hầu như bất cứ lúc nào,” theo lời của một vị Chân Sư miêu tả tình trạng tâm linh và khí chất của bà. Một khí chất thật bất thường, biến đổi, đa hình đa dạng, nóng nảy, ồ ạt như giông bão, nó đòi hỏi ở kẻ đối tượng một sự nhịn nhục và tự chủ đến mức độ anh hùng nếu họ muốn sống chung và cộng tác với bà trên một tinh thần vô kỷ vị tha.
Dù rằng thế nào, người ta không thể quên bản lĩnh phương thuật cao cường và những phép thuật thần thông mà bà đã thực hiện, những bằng chứng dồn dập mà bà đã cho thấy về sự hiện diện của các đấng Chân Sư mà bà tuyệt đối phục tùng đến mức bà cảm thấy không xứng đáng để lau bụi trên bàn chân của các ngài, và công trình phụng sự hiến dâng khi mà người phụ nữ ngáo ngổ và ngang tàng ấy trở thành một bậc đạo sư phổ biến đạo lý cho đời và một nhà tiền phong cầm đuốc soi đường cho người tầm Đạo. Tất cả những điều đó, và những bộ sách Đạo mà bà để lại cho hậu thế, càng kết hợp để chứng minh tính chất vĩ đại của bà và làm cho tính khí ngang ngạnh bất thường của bà được xóa nhòa trong quên lãng, thậm chí bởi những người đã từng bị những điều ấy làm cho điêu đứng khổ sở nhiều nhất về phương diện tinh thần.
Bằng cách vạch rõ con đường Đạo cho hậu thế, bà đặt tất cả chúng ta dưới một gánh nặng nghĩa vụ đến mức người ta không thể có cảm nghĩ nào khác hơn là một sự biết ơn sâu xa đối với bà.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top